Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Nhật Ký Biển Đông: Chiến Lược Nào Cho Hoa Kỳ Tại Biển Đông?




Đào Văn Bình


... sau sáu năm thử thách, kế hoạch “Xoay Trục” Mỹ đã lấy Việt Nam là trọng điểm chiến lược. Mỹ sẽ “ôm cứng” lấy Việt Nam – ngoài yếu tố địa lý mà còn vì thực tế chính trị của Đông Nam Á khi Thái Lan, Kampuchia và mới đây Nam Dương đang ngả dần vế phía Trung Quốc. ... (ĐVB)


A. Những chuyển biến quan trọng:


Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Bảy ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:


- Sputnik News ngày 15/7/2015: “Thái Lan có thể đề nghị Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) ký kết thỏa thuận về Khu vực thương mại tự do (FTA). Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov, như TASS phản ánh. Ông Manturov nói thêm rằng Bộ Công-Thương đang chờ đợi phía Thái Lan hoàn tất hồ sơ xin tham gia FTA trước khi hết năm nay.”

Liên Minh Kinh Tế Á- Âu bao gồm các quốc gia: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Việt Nam. Nay có thêm Thái Lan, liên minh sẽ có tầm vóc thương mại lớn hơn.

- AFP ngày 16/7/2015: “Đạo luật về an ninh gây tranh cãi đã được hạ viện thông qua vào ngày Thứ Năm mà những người chống đối cho rằng đã phá hoại 70 năm hòa bình và sẽ thấy lần đầu tiên quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài kể từ Thế Chiến II.” Cũng theo AFP, “Liên minh đang cầm quyền của Abe đã bỏ phiếu một mình (độc diễn) sau khi phe đối thủ bỏ ra ngoài để phản đối- một hành động phản ảnh sự lan rộng của công luận chống đối đạo luật này. Những người phản đối phần lớn thuộc lứa tuổi trung niên và người già, họ nói rằng đạo luật có nghĩa rằng Nhật Bản bị lôi kéo vào những cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở khắp nơi trên địa cầu.” Nhưng Ô. Abe nói rằng, “Tình hình an ninh bao quanh Nhật Bản gia tăng nghiêm trọng. Những đạo luật như thế này cần thiết để bảo vệ tính mạng của người dân và phòng ngừa một cuộc chiến tranh trước khi nó xảy ra.” Theo PetroTimes ngày 17/7/2015, phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Mỹ, Đô Đốc Nhật Bản Katsutoshi Kawano dự báo Trung Quốc sẽ còn quyết liệt hơn nữa trong tranh chấp chủ quyền với các láng giềng ở Biển Đông và thậm chí, Bắc Kinh sẽ tìm cách mở rộng tầm với của họ vượt qua chuỗi đảo ở Thái Bình Dương.

Không biết Nhật Bản có đi quá xa trong mục tiêu “phòng vệ” không? Tham chiến ở nước ngoài tức là có thể đem quân đi đánh khắp nơi…tùy theo sự giải thích của Nhật. Trong khi dân chúng Nhật rầm rộ xuống đường phản đối đạo luật về an ninh và các dân biểu bỏ phòng họp ra ngoài thì phe Cộng Hòa ở Hoa Kỳ kịch liệt chống đối thỏa hiệp hạt nhân với Ba Tư, Thủ Tướng Do Thái cãi nhau với Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh…phản ảnh tình trạng vô cùng phức tạp của tình hình chính trị thế giới.

- International Business Times ngày 16/7/2015: “Hải Quân Hoàng Gia Thái Lan loan báo họ đã đình chỉ dự định mua ba tầu ngầm của Trung Quốc trị giá cả tỉ đô-la khiến gây ồn ào trong công luận - hiện vẫn đang cần sự chấp thuận của chính phủ. Quyết định tạm ngưng này được loan báo khi các chuyên gia trong và ngoài nước bày tỏ lo lắng về việc mua bán sẽ ảnh hưởng tới mối liên hệ Thái Lan-Hoa Kỳ.”

Thế mới hay, nước nhỏ muôn đời là khổ. Đi với một ông thì bị ông kia thù oán. Đi với cả hai ông thì bị kẹp vào giữa, không biết luồn lách sao đây?

- AFP ngày 16/7/2015: “Phi Luật Tân nói rằng họ có thể sẽ cho mở lại một căn cứ hải quân trước đây của Mỹ (Căn Cứ Subic) đã đóng cửa cách đây hơn 20 năm để đưa các thiết bị quân sự vào đây hầu đối phó với tình hình có thể bùng nổ tại Biển Đông.”


Dấu hiệu tròn có chữ ở trên và bên trong là con dấu của
Nhà Nước Hồi Giáo ISIL. Ảnh của vn.sputniknews.com

- Sputnik News ngày 17/7/2015: Với bài viết có tiêu đề “Miền Nam Thái Lan- Một Điểm Nóng Của Thế Giới”, Giáo Sư Natalia Rogozhina, nhà phân tích chính trị người Nga nêu ý kiến: “Thái Lan có vị trí đặc biệt trong số các nước ở Đông Nam Á đang phải đương đầu với mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan. Đã hơn nửa thế kỷ, ở đây tồn tại tới mười tổ chức dân tộc ly khai. Họ ủng hộ việc thành lập nhà nước Hồi giáo độc lập Pattani trên lãnh thổ ba tỉnh biên giới phía nam giữa Thái Lan và Malaysia.Theo tham khảo của chúng tôi, các tổ chức này không những chiến đấu chống chính phủ Thái Lan mà còn chống lại bất cứ những gì cản trở họ đạt mục tiêu. Đối tượng bị khủng bố không chỉ có cảnh sát và lực lượng an ninh mà cả thường dân. Trong mười năm kể từ năm 2004, ở miền Nam Thái Lan đã có 6.200 người bị giết. Con số này lớn hơn nhiều số người thiệt mạng trong cùng thời gian ở Dải Gaza khét tiếng của Trung Đông, địa bàn đối đầu giữa những kẻ khủng bố Palestine và quân đội Israel.”

- Sputnik News ngày 20/7/2016: “Vài trăm người Hà Lan xuống đường biểu tình ở Eindhoven, yêu cầu một cuộc điều tra độc lập không nhuốm màu chính trị. Đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình về cách thức đưa tin của truyền thông. Theo họ, sự thật đến nay vẫn chưa được làm rõ. Thậm chí, đang bị che giấu kỹ càng. Chúng tôi tập hợp ở đây ngày hôm nay để nói- chúng tôi không đồng ý với cách làm của chính phủ trong việc điều tra thảm họa MH17, những người biểu tình cho biết. Chúng tôi không đồng tình với thực tế dư luận chỉ được tiếp nhận những mẩu thông tin dối trá và tin đồn. Đã một năm nay người ta giấu sự thật với chúng tôi."

- AFP ngày 21/7/2015: ”Phi Luật Tân dự trù tăng 25% ngân sách quốc phòng kỷ lục tức $552 triệu đô-la cho năm tới với mục đích chính là hỗ trợ cho việc công bố chủ quyền tại Biển Đông.” Hiện nay ngân sách quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á tính bằng đô-la Mỹ, được xếp hạng như sau: Singapore 9.7, Thái Lan 8.1 tỉ, Nam Dương 8.1 tỉ, Việt Nam 4.3 tỉ, Phi Luật Tân 2.4 tỉ và Miến Điện 2.4 tỉ. Trong khi ngân sách quốc phòng của Hoa Lục khoảng 148 tỉ, Hoa Kỳ 637 tỉ.

- AFP (Bishkek, Kyrgyzstan) ngày 21/7/2015: “Kyrgyzstan đã xé bỏ thỏa hiệp hợp tác lâu đời với Hoa Kỳ sau khi Hoa Thịnh Đốn trao tặng giải thưởng nhân quyền cho một nhà đấu tranh thuộc sắc dân thiểu số đang bị cầm tù. Kyrgyzstan là quốc gia vùng Trung Á cùng Hoa Kỳ ký kết thỏa hiệp hợp tác năm 1993 và là quốc gia có tính chiến lược cho phép Hoa Kỳ lập căn cứ tiếp vận cho cuộc chiến Afghnistan cho tới năm 2014. Trong khi đó Hoa Thịnh Đốn cảnh cáo rằng mọi hành vi cắt đứt thỏa hiệp sẽ gây nguy hại cho những chương trình trợ đem lại lợi ích cho người dân Kyrgyzstan.” Theo Reuters ngày 27/7/2015, Tổng Thống Almazbek Atambayev nói rằng, qua việc trao giải thưởng này Hoa Kỳ đã tạo ra sự hỗn loạn trên đất nước Kyrgyzstan.

Thế mới hay nhân quyền là con dao hai lưỡi, đôi khi lợi bất cập hại. Hiện nay Hoa Kỳ đang gặp khó khăn về ngoại giao với Thái Lan và Ai Cập cũng chỉ vì vấn đề nhân quyền – nguy cơ đẩy Thái Lan gần với Hoa Lục và Ai Cập xích lại gần với Nga. Việc Hoa Thịnh Đốn hăm dọa cắt đứt viện trợ cho Kyrgyzstan cũng là bài học cho bất cứ quốc gia nào nhận sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Viện trợ của các cường quốc không bao giờ mang tính “nhân đạo” hoặc “vô vị lợi” như người ta tưởng, mà nó là miếng mồi thơm phức, nhưng nếu con cá đớp phải, lưỡi câu móc vào miệng con cá khiến con cá không thể thoát ra được.

- Business Insider ngày 21/7/2015: Với tiêu đề, “Tinh thần bài Hoa đột nhiên lan rộng khắp Thổ Nhĩ Kỳ” (Anti-China sentiment is suddenly sweeping over Turkey) bài báo cho biết, “Biểu tình phản đối, đốt cờ, tấn công khách du lịch và nhà hàng, hung hăng kêu gọi phân biệt chủng tộc trên các trang mạng xã hội…Tinh thần bài Hoa lên tới cao điểm tại Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần lễ qua khi Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan chuẩn bị chuyến thăm viếng Trung Quốc vào cuối tháng này.”

- International Business Times ngày 22/7/2015: Với tiêu đề “Hợp Tác Quân Sự Miên-Hoa: Ảnh Hưởng Của Hoa Lục tại Đông Dương Đã Lấy Đi Mất Ảnh Hưởng Của Mỹ Tại Châu Á Thái Bình Dương” (Cambodia-China Military Cooperation: Beijing Influence In Indochina Usurps Washington's Influence In Asia Pacific) bài báo đưa tin, “Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh của Cambodia kết thúc chuyến thăm viếng Bắc Kinh năm ngày vào tuần rồi. Ông đã gặp các giới chức quân sự cao cấp của Trung Quốc và nhận được cam kết trợ giúp từ Giải Phóng Quân Trung Hoa. Trong cuộc phỏng vấn của Ban Khmer của đài VOA, Ô. Tea Banh nói rằng mối bang giao của Cambodia với Trung Quốc mạnh hơn là với Hoa Kỳ…Một số nhà phân tích nói rằng hợp tác giữa Cambodia và Trung Quốc được cho là gia tăng mạnh mẽ giữa lúc có những tranh chấp về biên giới với Việt Nam.”

Theo chiều dài của lịch sử, Cambodia luôn luôn ngả theo Trung Quốc để kiềm chế ảnh hưởng của Việt Nam. Tuy nhiên theo Ô. Hunsen- một chính tri gia vô cùng khôn ngoan, một cuộc xung đột biên giới sẽ gây thảm họa cho Kamphuchia. Do đó việc cãi cọ hay lộn xộn ở biên giới Việt-Miên lần hồi sẽ được giải quyết qua thương lượng. Việt Nam không có nhu cầu tấn công qua biên giới và Kampuchia cũng không ngu dại gì mà gây căng thẳng với Việt Nam dù có ông Trung Hoa đỡ đầu. Năm 1978, hơn 8000 cố vấn Trung Quốc còn chạy bò lê bò càng dưới thời Khmer Đỏ huống hồ bây giờ không có cố vấn Tàu. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Kampuchia chắc chắn sẽ cản trở kế hoạch “Xoay Trục” của Hoa Kỳ. Và đó cũng là lý do khiến Hoa Kỳ xích lại gần hơn với Việt Nam. Một Đông Dương bất ổn sẽ chỉ làm lợi cho Trung Quốc.

- Voice of America (Bangkok) ngày 23/7/2015: “Vào ngày Thứ Năm, Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã gạt qua một bên những lo âu là Việt Nam đang làm lu mờ Thái Lan hiện vốn là trung tâm chế tác tại khu vực khi nói rằng Việt Nam là bạn chứ không phải đối thủ. Lời bình luận được đưa ra nhân dịp Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Bangkok và giữa khi một số công ty ngoại quốc đã chuyển công việc chế tạo qua Việt Nam, một phần là vì lý do tiếp vận.”

- VOA tiếng Việt ngày 27/7/2015: “Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang chế nhạo động cơ những chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Barack Obama là lo ngại ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Bắc Kinh ở châu lục này. Ký giả Liu Zhun viết trong một bài xã luận đăng trên báo Anh ngữ Global Times ngày thứ hai rằng: Hoa Kỳ “rõ ràng thiếu một chính sách nhất quán về châu Phi” và coi Trung Quốc như một đối thủ tranh giành ảnh hưởng và các cơ hội kinh tế “thay vì (là) một thế lực xây dựng khác đem lại phúc lợi cho vùng đất này.”

- Next Big Future ngày 28/7/2015: “Theo Bộ Trưởng Ngoại Giao Nam Dương Retno Marsudi, Tổng Thống Joko Widodo bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ xây dựng Nam Dương thành một căn cứ sản xuất tại Á Châu qua sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Ô. Widodo phát biểu quan điểm này nhân dịp gặp gỡ Ô. Du Chính Thanh - Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Đảng Cộng Sản Trung Hoa đang viếng thăm Nam Dương.” Ô. Du Chính Thanh đã thăm Việt Nam sau vụ xung đột vì giàn khoan Haiyang 981 năm 2014.

- AFP ngày 29/7/2015: Giữa bầu không khí căng thẳng vì vấn đề người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) “Trong chuyến công du Trung Quốc gặp gỡ Ô. Tập Cận Bình, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố, “Hiện nay chúng ta đang tiến tới đường hướng xây dựng để đem lại nhiều hơn cho mối liên hệ họp tác chiến lược.“ Còn Ô. Tập Cân Bình nói rằng, “Chúng tôi trước sau như một ủng hộ quan điểm rằng Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đỡ lần nhau trên những vấn đề lớn và làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược.”

Hiện nay mối bang giao quốc tế vô cùng phức tạp và rối như mớ bòng bong. Dưới thời Chiến Tranh Lạnh, hễ đã là đàn em hay liên minh quân sự với Mỹ thì không thể chơi với Liên-Sô hay Hoa Lục và ngược lại. Thổ Nhĩ Kỳ hiện nằm trong khối NATO đồng thời là đồng minh chiến lược của Mỹ, lại đi hợp tác chiến lược với Trung Quốc- kẻ thù tiểm tàng của Mỹ- thì chẳng qua cũng chỉ vì kinh tế. Hiện nay bất cứ chính quyền theo chủ nghĩa nào cũng đều phải ưu tiên phát triển kinh tế. Nếu kinh tế đình trệ, thất nghiệp lan tràn thì kẻ thù chính trị sẽ vin vào đó kêu gọi lật đổ hoặc thay thế ngay. Trong khi đó tiền bạc của Hoa Lục lại quá nhiều. Chủ nghĩa hoặc lý tưởng chính trị còn có thể suy đi nghĩ lại, nhưng đô-la (tiền bạc) thì khó cưỡng. Đó là lý do tại sao Hoa Lục hành xử phi luật pháp tại Biển Đông nhưng đi đến đâu cũng được “welconme” chỉ vì túi bạc. Tiền bạc có thể biến kẻ xâm lược thành ân nhân, kẻ cướp nước thành người lương thiện hoặc xóa mờ tội ác.



- AFP (Hà Nội) ngày 29/7/2015: Với sự tháp tùng của 30 lãnh đạo các công ty, trong chuyến viếng thăm lịch sử lần đầu tiên của vị thủ tướng Anh, “Ô. David Cameron hoan nghênh sự gia tăng mau chóng về giao dịch thương mại với Việt Nam. Thương mại song phương đã gia tăng gấp đôi vào năm ngoái nhưng chỉ là 0.5% trong tổng số thương mại toàn cầu của Anh. Nhân dịp này, công ty chế tạo động cơ máy bay Rolls-Royce đã ký kết thỏa hiệp bảo trì trị giá 580 triệu đô-la với Việt Nam Airlines . Ô. Cameron thực hiện chuyến viếng thăm bốn ngày tới Đông Nam Á (Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba và Việt Nam) với mục tiêu tìm kiếm thị trường tại khu vực đang phát triển nhanh chóng.”



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Anh David Cameron duyệt đội danh dự. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

B. Nhận Định:


Trong hai tuần cuối cùng của Tháng Bảy, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh thêm về ảnh hưởng quốc tế và quân sự của Trung Quốc, những hoạt động coi thường Hoa Kỳ và đe dọa Việt Nam… từ đó chúng ta tự hỏi chiến lược sắp tới của Hoa Kỳ như thế nào để đối phó với Trung Quốc.

1) Sự lớn mạnh về quân sự:
- AFP ngày 25/7/2015 dựa theo một bản tin của Tân Hoa Xã - Trung Quốc vừa phóng hai vệ tinh mới vào ngày Thứ Bảy khi nước này tự chế tạo hệ thống điều khiển vệ tinh để cạnh tranh với hệ thống GPS (Global Positioning System) của Hoa Kỳ. Một hỏa tiễn mang theo những vệ tinh được phóng đi từ Trung Tâm Phóng Vệ Tinh Tứ Xuyên (Sichuan) vào lúc 8:29 chiều.

- NextBigFuture ngày 28/7/2015 cho biết, “Trung Quốc trình diễn/khoe những máy bay đổ bộ cỡ lớn và một thủy phi cơ mới nặng 50 tấn để hỗ trợ cho những chiến dịch ở Biển Đông.” (China shows large amphibious hovercrafts and a new 50 ton seaplane will support South China Sea operations.) Những máy bay này có tầm hoạt động 5,500 km cho nên có tiến hành những hoạt động trọng yếu trong vùng Biển Đông.”



Máy bay đổ bộ cỡ lớn AG600



Tàu đổ bộ đệm khí (hovercraft) Zubr-class thực tập đổ bộ lần đầu

Ảnh http://nextbigfuture.com/

2) Sự lớn mạnh về ảnh hưởng quốc tế



- National Interest ngày 29/7/2015: “Lo sợ gia tăng, đặc biệt tại Ấn Độ, là Trung Quốc có thể sớm tiến hành dự án xây dựng đảo nhân tạo tại Ấn Độ Dương. Mối lo sợ bắt nguồn từ việc Maldives- một quần-đảo-quốc nhỏ bé tuần rồi đã thông qua tu chính hiến pháp lần đầu tiên cho phép nước ngoài có thể làm chủ lãnh thổ. Đặc biệt việc tu chính hiến pháp cho phép nước ngoài - nếu đầu tư hơn 1 tỉ đô-la được quyền làm chủ đất đai và quy định rằng 70% đất đai của đảo phải được biến cải từ biển.”

Nếu Hoa Lục biến cải đảo rồi làm chủ và xây dựng căn cứ quân sự tại đây thì Hoa Lục sẽ tạo được căn cứ tiếp vận cho hải quân vươn xa tới Ấn Độ Dương và trấn giữ lối ra vào Vịnh Aden và Vịnh Ba Tư, tranh giành địa vị cường quốc biển với Mỹ. Xin đừng nhìn vào lớp “ba Tàu” bán hủ tíu, bánh bao, dầu cháo quảy, heo quay, tỉm sấm (điểm tâm) ở các khu China Town ở Mỹ hoặc Chợ Lớn năm xưa mà đánh giá thấp Hoa Lục.

3) Những hoạt động quân sự thách thức Hoa Kỳ và đe dọa Việt Nam

Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 22-31 Tháng 7 tại khu vực bao trùm các đảo, đá thuộc phía Đông Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận này và theo VOA tiếng Việt, phát ngôn viên Lê Hải Bình nói rằng, “Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, ngăn cản đà phát triển quan hệ hai nước, đe doạ an ninh an toàn hàng hải trong khu vực.” Theo AFP ngày 28/7/2015 cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông, theo Hải Quân Trung Quốc là nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên biển giữa lúc căng thẳng bùng phát về tranh chấp lãnh thổ. Cuộc tập trận có sự tham dự của 100 tàu chiến, hàng chục máy bay, tiểu đoàn hỏa tiễn của Sư Đoàn 2 Pháo Binh và binh sĩ thuộc bộ phận chiến tranh truyền tin.” Không biết ông tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Cater, đô đốc Tư Lệnh Thái Bình Dương Scott Swift nghĩ sao về hành động này?

Dường như Hoa Kỳ càng cảnh cáo, Hoa Lục càng làm mạnh hơn để giành thế thượng phong tại Biển Đông. Phải chăng đây là hảnh động cảnh cáo việc Hoa Kỳ tuyên bố từ bỏ lập trường trung lập và xích gần lại với Việt Nam - tức tiến gần sát tới biên giới Trung Hoa?

Điều đáng chú ý là cuộc tập trận diễn ra chỉ một tuần sau khi Ô. Trương Cao Lệ - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc viếng thăm Việt Nam với những cam kết như sau, “Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hợp tác thực chất cùng có lợi trên các lĩnh vực, đưa hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ổn định, cân bằng, lành mạnh; tích cực nghiên cứu, trao đổi về việc xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung; phối hợp giải quyết các vướng mắc trong các dự án hợp tác tại Việt Nam; khuyến khích các địa phương, nhất là các địa phương biên giới hai nước mở rộng giao lưu, hợp tác cùng có lợi nhằm tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế khu vực biên giới.” (BBC tiếng Việt)

Rõ ràng cuộc tập trận nhằm đe dọa Việt Nam. Do đó, dù có cả trăm phái đoàn cao cấp của Trung Quốc tới Việt Nam - thì vẫn chỉ là thủ đoạn “câu giờ”, “đánh đánh, đàm đàm” để từ từ lấn chiếm Biển Đông.

- Theo RFI ngày 22/7/2015: “Trung Quốc tố cáo Mỹ đi ngược lại lập trường mà Washington luôn khẳng định là «trung lập», không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông khi nhân vật phụ trách châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 21/07/2015 đã nói lại cho rõ : Hoa Kỳ không hề trung lập trong vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, và sẽ can dự mạnh mẽ để đảm bảo sao cho tất cả các bên đều tuân thủ luật lệ. Ông Daniel Russell- Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương đã khẳng định một cách rõ ràng lập trường của Hoa Kỳ như trên nhân Hội nghị khoa học lần thứ năm về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington tổ chức.”

4) Phản ứng của Hoa Kỳ

Ngay sau khi những tin tức và hình ảnh của sáu hòn đảo nhân tạo được phổ biến, nhân chuyến viếng thăm Manila, theo AP ngày 17/7/2015: “Tân Tư Lệnh Hạm Đội Mỹ tại Thái Bình Dương bảo đảm với các đồng minh rằng quân đội Hoa Kỳ được trang bị tốt và sẵn sàng ứng phó với bất cứ tình thế bất ngờ nào tại Biên Đông nơi đã từ lâu sôi sục vì tranh chấp lãnh thổ khiến bất ổn lan rộng.” Vào ngày 20/7/2015, AP loan tin vị tân tư lệnh Scott Swift này đã tham dự bảy giờ bay thám thính trên phi cơ do thám P-8 Poseidon mới nhất của Hoa Kỳ và gây phản ứng tức giận từ phía Hoa Lục. Tuy nhiên Đô Đốc Swift lại nói rằng ông chỉ tham dự chuyến bay thám thính thường lệ mà thôi. Rồi vào ngày 21/7/2015, ông đô đốc lại tuyên bố tại Đông Kinh (Tokyo) – mà theo AP có vẻ như muốn làm lành với Trung Quốc, “ Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng hơn là những gì chúng tôi làm trong việc cạnh tranh.” (We have much more in common than we do in competition).

Một vị tư lệnh Thái Bình Dương, đích thân bay thám thính trên một vùng đang tranh chấp và là điểm nóng của thế giới tức là đi “thị sát mặt trận” để về có kế hoạch hành quân tiêu diệt địch. Nhưng khi trở về nhà rồi lại nói “vuốt đuôi”, yếu xìu, chứng tỏ thế lúng túng của Mỹ khi đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông.

5) Việt Nam: Trọng tâm của kế hoạch “Xoay Trục”

Hiện nay các chiến lược gia Hoa Kỳ nhận định rằng Hoa Kỳ không thể mở một cuộc chiến tranh tổng lực để tiêu diệt Hoa Lục vì một hành động như thế cũng là tự sát. Hơn thế nữa, chiến tranh tổng lực không thể ngừng ở chiến tranh quy ước. Một khi dùng nguyên tử để tiêu diệt Hoa Lục thì cũng phải tiêu diệt luôn Nga. Như thế cùng lúc Hoa Kỳ phải đón nhận hai cuộc trả đũa nguyên tử từ Nga và Trung Quốc…thì ít ra Mỹ cũng bị hủy diệt nửa phần đất nước. Vậy nếu Trung Quốc không bất ngờ tấn công Hoa Kỳ trước mà chỉ ”gặm nhấm” dần Biển Đông thì chiến lược của Hoa Kỳ chỉ là “be bờ” và “ngăn chặn”. Mà muốn “be bờ” hay “ngăn chặn” thi phải liên kết đồng minh, gửi lực lượng vừa phải tới để “cân bằng”. Ngoài Nhật Bản ở phương bắc, tại Đông Nam Á, do yếu tố địa lý, do lịch sử cọ sát ngàn năm với Trung Quốc, do thực lực, Việt Nam đã được Mỹ lựa chọn để có thể sẽ trở thành một “tiền đồn” của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc. Biện pháp này vừa “rẻ” vừa giúp Mỹ rảnh tay để canh chừng Trung Quốc. Tuy nhiên do tình hình thế giới đổi thay, cái “tiền đồn” này khác hẳn với “tiền đồn Miền Nam” trước đây:

- Miền Nam trước đây không có khả năng tự lực cánh sinh về quân sự và kinh tế.

- Nếu có rút bỏ hoặc bán “tiền đồn” này thì Mỹ vẫn không chết.

Còn “tiền đồn” bây giờ khác hẳn:

- Việt Nam có khả năng tự túc về cả về quân sự lẫn kinh tế.

- Nếu rút bỏ “tiền đồn” này Mỹ sẽ khốn đốn ngay.

Hiện nay các chiến lược gia Hoa Kỳ đang làm sống lại Học Thuyết Domino có từ thời Eisenhower sau đó ám ảnh ba đời tổng thống: Kennedy, Johnson và Nixon. Nhưng Học Thuyết Domino cũ chỉ là “Con Ngáo Ộp” bởi vì sau khi Việt Nam trở thành quốc gia cộng sản thì Đông Nam Á đâu có mất vào tay Nga. Úc Châu, Tân Tây Lan, Hoa Kỹ vững như bàn thạch. Có ai dám đụng tới sợi lông chân Hoa Kỳ đâu ngoại trừ cuộc tấn công của Osama Bin Laden ngày 11/9/2001. Thế nhưng Học Thuyết Domino ngày nay lại trở thành sự thực hiển nhiên trước mắt, giống như một con quái vật đang lù lù tiến tới. Nếu Việt Nam xụp đổ, cả Đông Nam Á sẽ rớt ngay vào quỹ đạo của Trung Quốc. Khi đó Mỹ sẽ phải rút bỏ Phi Luật Tân để lui về cố thủ ở Guam. Từ Biển Đông, Trung Quốc sẽ bung ra khống chế biển lớn và Mỹ sẽ không còn khả năng kiểm soát Thái Bình Dương và chiến tranh nếu xảy ra sẽ là trên đất Mỹ chứ không còn ở nơi xa lắc xa lơ như trước. Đó là cơn ác mộng của Hoa Kỳ.

Do đó theo tôi, sau sáu năm thử thách, kế hoạch “Xoay Trục” Mỹ đã lấy Việt Nam là trọng điểm chiến lược. Mỹ sẽ “ôm cứng” lấy Việt Nam – ngoài yếu tố địa lý mà còn vì thực tế chính trị của Đông Nam Á khi Thái Lan, Kampuchia và mới đây Nam Dương đang ngả dần vế phía Trung Quốc.



Điều đó giải thích tại sao Ô. Obama mời Ô. Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Tòa Bạch Ốc, hai vị tổng thống Hoa Kỳ, ba vị bộ trưởng quốc phòng, bốn vị ngoại trưởng, tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã viếng thăm Việt Nam và theo BBC, Ô. John Kerry sẽ thăm Việt Nam từ ngày 6 tới 8/8/2015 - có lẽ để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ô. Obama vào Tháng 11 năm nay và tướng chỉ huy lực lượng duyên phòng cũng sẽ thăm Việt Nam.

Đây là những chuyển động cho thấy Hoa Kỳ quyết tâm biến Việt Nam thành một ” chốt chặn” Trung Quốc tại Biển Đông thay vì trực tiếp đụng độ với Hoa Lục. Nhưng xây dựng “cái chốt”, hay “tiền đồn” này như thế nào và sự đồng thuận của Việt Nam tới mức nào thì chúng ta chờ xem.

Đào Văn Bình

(California ngày 31/7/2015)

...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét