Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Hiếu tâm và Vu Lan




VÕ TẤN KHANH

Năm vừa qua, tôi bảy mươi tuổi, mẹ tôi qua đời. Vậy là mùa Vu-lan sắp tới đây, trên ngực áo tôi sẽ cài một bông hoa trắng. Nhớ ngày nào, mới năm ngoái đây thôi, rằm tháng Bảy tôi đến chùa, các em thiếu nhi Phật tử bưng mâm hoa đến, dợm lấy cành hoa trắng, tôi phất tay và chỉ đóa hoa hồng. Em bé ngước nhìn tôi: “Bác chừng này mà vẫn còn bông hồng sao?”. Tôi cười và chợt nhìn thấy cô thiếu nữ đi bên cạnh em, có lẽ là một chị huynh trưởng, trên gương mặt có thoáng một nét buồn; nhìn kỹ hơn thì thấy trên ngực áo cô gái, chỉ bằng tuổi con tôi, có đính một nhành hoa trắng; tôi thoáng thương cảm cho cô và thấy mình thật là hạnh phúc.

Mẹ tôi mất vào năm chín mươi sáu tuổi, so với mọi người là “Thượng thọ”. Trước khi mất một vài năm, mẹ sống đời “thực vật”. Chúng tôi, năm anh chị em đã có gia đình riêng, phân công nhau mỗi người một đêm về ngủ với mẹ, dù đã có thuê người làm. Tất nhiên, vì công việc gia đình với những bận bịu riêng, thời gian đều đặn như vậy kéo dài, cũng có người đâm ra ngao ngán, thậm chí còn cằn nhằn “sống lâu chỉ tội khổ cho con cháu”. Lúc này mẹ đã không còn biết gì, và tôi nghĩ, nếu biết, chắc mẹ sẽ âm thầm đau khổ. Dân gian vẫn còn hay nói “Một bà mẹ nuôi cả bầy con, nhưng cả bầy con không nuôi nổi một bà mẹ”. Những ngày cuối đời cơ thể tàn úa quắt queo, mẹ nằm co quắp. Nhìn mẹ, tôi không cầm nổi nước mắt. Ngày mẹ mất, lo đám xong, mẹ đã yên nghỉ chỗ nằm, tối hôm đó về, tôi quỳ trước bàn linh, úp mặt, mặc cho nước mắt tuôn trào. Tất nhiên, con cái mỗi đứa có một nỗi buồn khổ riêng, nhưng với tôi, nỗi đau này kèm theo một mất mát lớn lao không gì bù đắp nổi.

Là một đứa con trai muộn mằn, mẹ thương tôi nhất nhà khi anh em nhiều người đã yên bề gia thất. Cho đến năm tôi ngoài ba mươi tuổi, hằng buổi đi chợ về, bao giờ dưới đáy rổ cũng có một gói thuốc lá thơm Lucky của Mỹ; chẳng những vậy, trái cây trong vườn hái về hay chè bánh cúng xong, lúc nào cũng dành phần ngon nhất và dặn mọi người để riêng cho “thằng đó”. Nhưng có lẽ nỗi ưu tư lớn của mẹ về tôi, là vấn đề vợ con. Tha thiết tới độ, người bạn gái nào đến nhà, bà cũng “chấm”: Má thấy nó được cái này cái nọ, thậm chí, các em nữ sinh đến thăm thầy, mẹ cũng “chấm” được đứa này, đứa kia. Nhiều lúc tôi phải cằn nhằn. Nhớ có lần một cô bạn đến chơi cả ngày, ở lại cơm trưa, phụ mẹ và chị tôi bếp núc, thấy mẹ lăng xăng ân cần, tôi đâm ra buồn cười, và lợi dụng lúc riêng, tôi làm bộ hỏi nhỏ: “Được không má?”. Bà cười mãn nguyện. Vậy mà sau khi người bạn về, tối hôm đó, tôi nằm ở phòng riêng, mẹ vào ngồi mọp dưới chân giường, đặt cả hai tay lên gối tôi nằm, hỏi nhẹ nhàng: “Chuyện hồi trưa con nói, có thiệt không?”.

Thế rồi tôi cưới vợ, không phải những người mẹ đã “chấm”, nhưng bà vô cùng hạnh phúc và, quên cả tuổi tác, quê mùa, cùng ba tôi vượt mấy trăm cây số, qua bao nhiêu núi đèo để lo đám cưới, cứ như là chuyện của chính ba mẹ, chớ không phải của tôi. Ba tôi không may mất sớm khi chưa đến bảy mươi. Ông không còn sống để cùng tôi già, cũng như từ nay, không đợi tôi già, mẹ đã bỏ ra đi. Tôi thấy mình hụt hẫng. Đúng như lời người cha dạy con trong Grands coeurs của De Amicis, mà Hà Mai Anh đã chuyển ngữ rất tuyệt vời: “Trong đời con chắc chắn sẽ có những ngày buồn rầu thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất chính là ngày con mất mẹ con… rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ làm cho con trở nên người mạnh mẽ. Nhưng dù lớn đến mức nào, khỏe đến mức nào, không có mẹ, con cũng là một đứa trẻ chơ vơ không nơi nương tựa…”. Bây giờ tôi là đứa trẻ đó. Những ngày vợ con ở xa, một mình trong căn nhà thờ rộng vắng hay giữa vườn cây lá rậm ri, tôi thấy mình thật bơ vơ lạc lõng. Không có nỗi cô đơn nào thấm thía bằng tuổi già phải sống một mình. Vậy mà, trong suốt mấy chục năm, chúng tôi đã để mẹ một mình trong chủ quan mỗi đứa con khi ỷ lại đã đóng góp để thuê người giúp việc. Ngày mẹ còn, mỗi khi thấy vợ hay các em tôi hành xử thiếu cân nhắc, tôi đã cố dằn lòng để giữ hòa khí gia đình; nhưng những lúc riêng tư, tôi thường nói nhẹ: “Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, dâu rể đối xử với mình như vậy, mà ngày đó không thể nào tránh khỏi”. Trong cuộc sống, nếu có những điều không như ý, tôi vẫn thường cố nhịn, bởi tôi học được ở ba mẹ tôi chữ “nhẫn”. Nhẫn, nhưng không nhục, vì cả ba mẹ tôi đều là những người có học và đạo đức nhất làng. Phải nói là thời đó, ở nhà quê, người phụ nữ biết chữ, dù chỉ biết đọc biết viết thôi, đồng trang với mẹ, có lẽ mẹ tôi là người duy nhất, cho nên đã chịu thương chịu khó để cả bầy con đều thành đạt, hiểu trong phạm vi một làng, một xã. Ngày nay các con cháu chúng tôi trưởng thành, giỏi giang về mọi mặt, tôi vẫn cho là do phước báu của gia đình và trên tất cả là ba mẹ tôi, tức ông bà của chúng.

Vu-lan, mùa báo hiếu. Kinh Phật có dạy phải đền đáp “tứ trọng ân”, nhưng lại sắp theo thứ tự dân gian, ân phụ mẫu để sau cùng. Thế nhưng, ai cũng biết, không đền đáp được ân phụ mẫu thì lòng nào trả được những ân kia? Vả, lời Phật cũng dạy: “Chữ hiếu đứng đầu muôn hạnh”. Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống phơi bày trước mắt không được mấy hạnh. Có lẽ cái hạnh đầu tiên, hạnh hiếu như cái đà đã gãy sụp, các bước sau hụt hẫng cả chăng? Không đâu xa, nhìn sang các nước bạn láng giềng, lịch sử cho thấy họ còn chịu nhiều bất hạnh, tai họa hơn ta, vậy mà, với lòng tự trọng tuyệt vời, họ đã cùng nhau kế thừa những truyền thống cao đẹp đáng để cả thế giới ngạc nhiên. Vậy thì cái gì đã cướp đi của chúng ta gia tài luân lý đạo đức mà ông bà dày công vun đắp?

Sơn hải cao thâm
Hiếu tâm vi tế.

Không ai tự nhiên có mặt ở đời, cũng không ai từ sơ sinh đến trưởng thành, không có bàn tay vỗ về chăm chút của cha mẹ. Nghĩ đến việc đền ơn là hiếu, nhưng trong cuộc sống bây giờ, có mấy người thường xuyên nghĩ đến?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét