Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Về bài thơ " Đùn đẩy Trách nhiệm" của Lý Đợi



Phạm Lưu Vũ














Gã có bút danh: “Lý Đợi” (còn tên thật thì thú thực, tôi cũng không biết).
Gã còn trẻ (không phải vì chưa vợ), mà… tre (hỏi) trẻ thật.
Gã tự nhận bất tài. Tạm cho như thế đi.

Tôi ngờ rằng âm sau của cái bút danh ấy phải đáng lẽ đọc thành: “Đời”. Nhưng cái “Lý” ở “Đời” vốn hay bị chặn đứng, luôn bị chặn đứng (thích bị chặn đứng?). Cũng như lời nói, không cẩn thận thường hay bị chặn họng. Thành ra “Đời” biến thành “Đợi” đấy thôi. Phàm phép phát âm, gặp âm “Đời” tất phải phát âm hơi kéo dài cho nó “dư giả” một chút, nếu ngắn và cộc lốc sẽ nghe thành âm “Đợi” ngay. Nói cách khác, sau khi phát âm xong tiếng “Đời”, thì hơi thở vẫn còn liên tục được. Chứ phát âm xong tiếng “Đợi” thì hơi thở tất phải có một khoảnh khắc bị chặn lại. Bạn cứ thử mà xem, bắt đầu: “đờ…ơ…i…” nhé. Kết thúc cuộc phát âm ấy, nếu nghe thấy âm: “ì” thì thành “Đời”, mà nghe thấy âm “ị” thì sẽ thành “Đợi”. Nhanh mấy cũng nghe thấy, nghĩa là “Đợi” = “Đ…ờ…i” + “ị”. Tóm lại là chỉ khác mỗi chỗ “ị” hay “ì” mà thôi. Thế mà nghĩa khác hẳn nhau. Chẳng biết “Đợi” ai?, “Đợi” cái gì, “Đợi” đến bao giờ, v.v…

Gã tự nhận không làm thơ. Gã chỉ “thuộc” thơ thôi (cùng lắm thì “thuổng”). Nhưng cái cách “thuộc” của gã khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng gã đang “cạnh tranh” với mình. Thế là nổi “xung” lên, thế là mắng mỏ, miệt thị… Ví dụ trường hợp sau đây:

Câu ca dao thời tiết như vầy thì ai mà chẳng thuộc: “chuồn chuồn bay thấp thì mưa / bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Nhưng cơ mà thuộc cũng… chẳng để làm gì, kể cả mấy bác nông dân, bởi có làm thay đổi được thời tiết đâu. Huống chi thời buổi hiện đại này, ngày nào chẳng có “dự báo thời tiết” trên ti vi, trên báo, đài…

Thế nhưng cái gã Lý “Đời… ị” (Lý Đợi) ấy lại “thuộc” câu ca dao trên theo kiểu khác. Không phải “thời tiết” nữa, mà là “thời thế”… Hãy nghe gã đọc: “chuồn chuồn bay thấp thì mưa / bay cao thì nắng bay vừa… thì thôi”.

Tài thật! Tài đến thế là cùng… Chỉ đổi có duy nhất một chữ, chữ cuối cùng của câu ca dao, mà “thời tiết” biến ngay ra thành… “thời thế”! “Chuồn chuồn bay…” đã hóa thành một triết lý sống (lấy an toàn làm trọng), hóa thành thân phận của những kiếp người giữa cuộc đời đầy cạm bẫy và âm mưu này. “Cao” hay “thấp” đều tạo ra “mưa” hoặc “nắng”, tóm lại đều ẩn chứa hiểm nguy cả. Chỉ có “vừa” thì mới được vô sự, thì mới… “thôi” (đừng cho là tán nhảm nhé).

Nếu chỉ dừng ở đấy, thì mấy dòng “bình loạn” (chữ dùng của báo “Tuổi trẻ Cười”) như trên cũng có thể coi là tạm được. Và câu ca dao cũng biến… đến thế mà thôi Thế nhưng gã chưa dừng lại. Gã thêm vào một câu nữa, một câu “nói” hoàn toàn tự nhiên, không “thơ thẩn” chút nào (đúng là gã không làm thơ thật). Câu ấy là: “không liên quan gì đến tôi”. ái chà chà! Thế này thì đến lượt “thời thế” lại biến mất, thay vào đó là… “thời đại”. Thậm chí gã còn đặt tên cho cái sự “thuộc thơ” này của mình một cái tên còn mang tính “thời đại” hơn nữa, đó là: “đùn đẩy trách nhiệm”. Cái triết lý sống “vừa”, vừa mới xuất hiện, thì lập tức bị tỏ thái độ. Đơn giản là đời bây giờ biết thế nào cho… “vừa”. Eo ôi! Khó n(l)ắm. Thế nhưng ba cái thứ hạng “cao”; “thấp” và “vừa” ấy đã tóm hết cả cuộc đời này rồi còn gì. Thế mà đều “không liên quan gì” (đến tôi) cả, đều… đếch cần. Vậy là việc của Bá Di, Thúc Tề ngày trước, giờ lại thấy ở đây.

Biến một câu ca dao “thời tiết” muôn thuở thành “thời thế”, rồi thoắt cái thành “thời đại”. Đã có ai như thế hay chưa? Vậy mà tự nhận là bất tài thì… tin thế đếch nào đuợc. Có mà… bất khiêm (rõ quá), bất lương (không có lương), bất tín (không được tín nhiệm) thì có.

Xin đưa ra toàn văn “bài thơ” trên của gã để làm chứng như sau:


Đùn đẩy trách nhiệm


chuồn chuồn bay thấp thì mưa
bay cao thì nắng bay vừa thì… thôi
không liên quan gì đến tôi.


Lý Đợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét