Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Quách Mạt Nhược – Người đặt nền cho thơ hiện đại Trung Quốc




Quách Mạt Nhược là một hiện tượng phức tạp đối với giới nghiên cứu học thuật Trung Quốc. Cuộc đời ông có giai đoạn dài lừng lẫy huy hoàng với những hoạt động văn hoá và cách mạng tốt đẹp. Song có giai đoạn (thời kỳ cuối đời) do tư tưởng sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông cực đoan dẫn đến nhiều hành vi bị xem thường về tư cách, bị đánh giá thấp ở một số tác phẩm.


Song lịch sử công bằng vẫn không quên những đóng góp của ông đối với văn hoá, văn học, những tác phẩm có ảnh hưởng vang động một thời của ông đối với phong trào cách mạng Trung Quốc. Ông là nhà thơ, nhà cổ văn, nhà viết kịch, nhà khảo cổ từng có những trước tác có giá trị lớn, từng được đánh giá cao không chỉ ở trong đất nước Trung Hoa.


Riêng về văn học, một đóng góp nổi bật của ông là ở lĩnh vực thơ ca. Ông được xem là người đặt nền vững chắc cho phong trào thơ mới của Trung Quốc.


Quách Mạt Nhược tên thật là Quách Khai Trinh, tên hiệu Đỉnh Đường, người huyện Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1913, ông 21 tuổi, sang du học Nhật Bản. Mới đầu học ngành y, sau chuyển sang hoạt động văn nghệ với mục đích góp phần “khơi gợi nhiệt tình cải cách xã hội” của nhân dân, trước hết là giới trí thức.


Trong thời gian này, ông có dịp tiếp xúc với các tác phẩm của Tagore, Goethe, Henrich Heine… và đặc biệt hâm mộ tinh thần khát khao lý tưởng của Tagore. Năm 1917, cuộc Cách mạng tháng Mười nổ ra, nhà thơ vốn giàu nhiệt tình xây dựng xã hội mới lập tức thiết tha hướng tới chế độ XHCN ở nước Nga Xô Viết.


Khi phong trào “Ngũ Tứ” bùng nổ, ông lại tiếp xúc với tập thơ “Lá cỏ”của nhà thơ dân chủ Mỹ Walt Whitman. Thế là ông càng cảm thấy bất bình trước sự gò bó của chế độ phong kiến và càng bức bối trước những đen tối của xã hội đương thời. Bao tình cảm chứa chất từ lâu được những vần thơ dân chủ của Whitman khơi gợi, đã bật lên và tuôn trào thành những lời thơ nóng bỏng, ca ngợi Cách mạng Tháng Mười, phê phán truyền thống lạc hậu cũ, đòi hỏi mãnh liệt sự giải phóng cá tính và hết lời ngợi ca một lý tưởng tươi sáng, cao đẹp. Tập thơ tiêu biểu của ông là “Nữ thần”, một tác phẩm bất hủ, đánh mốc giai đoạn phát triển mới của thơ ca Trung Quốc- thơ ca mới hiện đại.


Về vấn đề có phải tập “Nữ thần” của Quách Mạt Nhược là cột mốc của thơ mới hiện đại Trung Quốc hay không, từng có ý kiến tranh luận. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Hồ Thích mới là người đầu tiên sáng tác tân thi. Quách Mạt Nhược chỉ là người tiếp tục.


Thật ra thì người khởi xướng việc làm thơ mới sớm nhất đúng là Hồ Thích.


Hồ Thích sinh năm 1891, hơn Quách Mạt Nhược một tuổi, tên thật là Hồng Tuynh tự Thích Chi, người huyện Tích Khê tỉnh An Huy. Năm 1910 sang du học Hoa Kỳ, học về nông học, triết học và văn học. Năm 1917 đạt học vị Tiến sĩ triết học rồi về nước làm giáo sư trường Đại học Bắc Kinh đồng thời biên tập tạp chí “Tân Thanh niên”. Năm 1920 xuất bản tập thơ “Thường thí tập” rất có ảnh hưởng đối với phong trào làm thơ bạch thoại.


Vậy là cả hai ông Hồ Thích và Quách Mạt Nhược đều bắt đầu làm thơ mới từ năm 1916, đến năm 1920, Hồ xuất bản “Thường thí tập”, năm 1921, Quách xuất bản tập “Nữ thần”. Nếu nói về thời gian thì khởi thuỷ của sự cách tân thơ phải là Hồ Thích.


Song, như tên gọi, “Thường thí tập” mới chỉ là tập thơ làm thử, thử làm thơ bằng bạch thoại.


Nếu nói đến cải cách thơ ca thì từ cuối thế kỷ 19 đã có một số trí thức như Lương Khải Siêu, Hoàng Tôn Hiến, Đàm Tự Đồng, Hà Tăng Hựu… đề xuất chủ trương đổi mới ngôn ngữ và nội dung thơ ca. Song do tình hình xã hội, chính trị và văn hoá đương thời có những nhân tố bất lợi nên chủ trương đó không thực hiện được. Qua 20 năm sau, đêm trước phong trào “Ngũ Tứ”, yêu cầu khách quan và điều kiện xã hội cho phép vấn đề lại được đặt ra.


Hồ Thích bức xúc với việc đưa ngôn ngữ bạch thoại vào thơ từ khi ông còn đang lưu học ở Mỹ. Sau đó, ông liên tiếp thử làm một số bài công bố trên tạp chí “Tân Thanh niên”, đến năm 1920 được tập hợp lại và làm thêm, thành tập xuất bản chính thức.


Tuy có khơi gợi được phong trào làm thơ bạch thoại, song “Thường thí tập” bị các nhà thơ chê bai nhiều, nhất là về phương diện nghệ thuật. Có ý kiến cho rằng đó chỉ là những “bài văn vần bằng bạch thoại”.


Điều này cũng không lạ, vì Hồ Thích rất nhiệt tình với việc cải cách thơ ca song ông chưa đặt nặng yêu cầu của thơ. Ông quan tâm chủ yếu đến chức năng của “bạch thoại” nên chủ trương thơ phải rõ ràng trong sáng. Ông nêu ra “Bát sự ” tức 8 điều quan trọng mà thơ phải tuân theo :


1/ Không dùng điển. 2/ Không dùng sáo ngữ cũ.3/ Không đối ngẫu. 4/ Không tránh tục ngữ.5/ Chú ý văn pháp đúng.6/ Không rên rỉ khi vô bệnh.7/ Không bắt chước cổ nhân.8/ Nói điều có thật.


Vậy là quan niệm của ông thiên nhiều về cải cách hình thức mặc dù về nội dung, thơ ca của ông cũng có đề cập đến những tư tưởng tiến bộ đương thời song chưa được sâu sắc. “Thường thí tập” của ông ra đời, được hoan nghênh song cũng bị phê phán nhiều. Vì qủa thực tập thơ chưa thành thục, chỉ là theo “bát sự ” mà ông đề ra.


Còn Quách Mạt Nhược tuy xuất bản “Nữ thần” sau 1 năm (1921), song ông đã thể hiện qua tập thơ này quan niệm của mình về thơ ca đích thực.


Ông lý giải rằng “Thơ là sự biểu hiện chân thực” “thi ý” và “thi cảnh” trong lòng người, là dòng chảy ra từ cuộc sống là giai điệu gẩy lên từ “tâm cầm”, là sự rung động của sự sống, là tiếng kêu vang của tâm hồn …”. Cho nên, làm thơ mới, ông đã nhận thức và mượn cái thân xác “thơ bạch thoại” để thể hiện tâm hồn tự do của mình, để nó bay lượn tới một cảnh giới mới”. Ông cho rằng thơ phải giàu tình cảm và giàu tưởng tượng. Ông đã kế thừa truyền thống thơ ca lãng mạn cổ điển của Trung Quốc và tiếp thu ảnh hưởng của thơ lãng mạn phương Tây nên rất chú trọng hai yếu tố này.


Từ những yêu cầu về thơ như vậy nên tập “Nữ thần” của ông vừa ra đời đã gây một tiếng vang lớn và được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều nhà thơ và học giả ca ngợi “Nữ thần”. Tiêu biểu là Văn Nhất Đa, Văn rất khâm phục “Nữ thần”, viết liền 2 bài bình luận, xác nhận đây là hình tượng đẹp trong văn học sử, còn xem là mẫu mực học tập chủ yếu của mình khi viết “Hồng chúc ”. Phùng Chí công nhận sau khi đọc “Nữ thần” mới mở được tầm mắt về thơ. Lương Thực Thu trong khi bình luận thơ “Đông dạ” và “Thảo nhi” luôn dẫn câu thơ trong “Nữ thần”. Lưu Bán Nông cho rằng chiếc ghế đầu tiên trong phong trào thơ mới sẽ phải dành cho Quách Mạt Nhược. Ngay chính Hồ Thích khi đọc “Nữ thần” xong cũng phát biểu cảm phục, cho là tập thơ “tuyệt vời”.


“Nữ thần” đã thật sự trở thành cột mốc của dòng thơ hiện đại Trung Quốc, đã khơi gợi cả một không khí sôi nổi sáng tác thơ mới. Và nền thơ mới có vị trí vững vàng đồng thời phát triển nhanh chóng với một số lượng tác giả và tác phẩm dồi dào, đa dạng.


Vậy có thể nói Quách Mạt Nhược chính là người đặt nền cho thơ ca hiện đại Trung Quốc phát triển, và tập “Nữ thần” của ông là tác phẩm tiêu biểu đầu tiên.


“Nữ thần” gồm tất cả 56 bài thơ được Quách Mạt Nhược viết từ năm 1918 đến năm 1921. Từ một bầu nhiệt huyết sục sôi thiết tha với đất nước, khát khao tiến bộ, kế thừa những tinh hoa của văn học truyền thống, đặc biệt phát huy chủ nghĩa lãng mạn của Khuất Nguyên, LýBạch… trong văn hóa dân tộc, tiếp thu học tập tinh thần tự do dân chủ và phong cách lãng mạn của các nhà thơ lớn nước ngoài, ông đã sáng tạo những thi phẩm hiện đại hóa nhưng lại giàu màu sắc dân tộc.


Về nội dung, “Nữ thần” biểu hiện nổi bật tinh thần cách mạng hừng hực của giới trí thức tiến bộ Trung Quốc sau “Ngũ Tứ”. Thời kỳ này, hưởng ứng theo làn gió của cuộc Cách mạng Tháng Mười, đất nước Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc cách mạng dân chủ mới, Quách Mạt Nhược cũng như nhiều trí thức đương thời phấn khởi hy vọng vào Cách mạng Tháng Mười và hy vọng vào tương lai của cách mạng Trung Quốc. Điều kiện xã hội và không khí thời đại đã thúc đẩy phong trào “Tân văn hoá” phát triển. Ngọn cờ chống đạo đức cũ, văn hoá cũ được giương cao. Đạo đức mới, văn hoá mới được cổ xuý. Tinh thần cách mạng triệt để về mặt chính trị và văn hoá đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của Quách Mạt Nhược. Tinh thần chống đối hiện thực đen tối và khát khao lý tưởng dân chủ cách mạng kết hợp với lòng yêu nước nồng nàn của ông đã hoà quyện thành những lời thơ thôi thúc mọi người cùng đứng dậy:


Ôi! Nữ thần !
Người hãy đi tìm những con người đầy xúc động như ta
Người hãy đi tìm những ai đang như ta cháy bỏng
Người hãy tới với những người trẻ tuổi đáng yêu
Khơi động tâm hồn họ !
Thắp sáng ngọn lửa trong tim óc họ !



Nhiều bài trong “Nữ thần” thể hiện một tình yêu sâu sắc, nồng nhiệt với Tổ quốc, quê hương. Trong “Than trong lò” ông tự ví mình là hòn than rực cháy trong lò và Tổ quốc là người tình trẻ tuổi:

Ôi, tình nhân trẻ tuổi của tôi…
Tôi đốt mình lên đến nỗi này,
Chính vì người tôi yêu dấu đắm say!


Có những bài ca ngợi cách mạng, ca ngợi quần chúng nhân dân, thể hiện nét lạc quan tươi sáng. Đặc bịêt tập thơ có nhiều bài ca ngợi thiên nhiên hoặc êm đềm trong trẻo, hoặc hùng vĩ bao la, hoặc u nhã thanh tịnh hoặc rực rỡ sinh động. Bài nào cũng toát lên hơi thở trong lành của cuộc sống hướng tới phía trước. Có thể nói nội dung tư tưởng của “Nữ thần” khác hẳn thơ của các nhà thơ trước đó.
Về nghệ thuật thì bài nào cũng rất tự nhiên vì Quách Mạt Nhược chủ trương không đẽo gọt. Ông tán thưởng câu nói của Đỗ Phủ : “Ngựa hay không cần tỉa bờm, xén lông”, cho nên thơ ông để ngôn từ theo nhịp điệu tự nhiên tuôn chảy, hoàn toàn phù hợp với tình cảm bộc lộ thoải mái và chân thật.

“Nữ thần” không chỉ kêu gọi thanh niên trí thức bây giờ đứng lên phản kháng cái cũ đen tối, chiến đấu vì lý tưởng mới mà còn bằng những hình tượng hùng vĩ, lớn lao, đựng nên mẫu mực cho thơ mới, tạo nên những thành tích cụ thể cho sự biến đổi thi pháp của thơ mới trong nền văn học cách mạng của Trung Quốc.

Tác phẩm tiêu biểu nhất trong tập thơ “Nữ thần” làbài trường thi “Phượng Hoàng niết bàn”.

Bài thơ này ra đời vào tháng 1 năm 1920, tập trung biểu hiện nhiệt tính CM sôi nổi của nhà thơ trong thời kỳ “Ngũ tứ”, khái quát được nội dung tư tưởng chính và đặc sắc nghệ thuật của toàn bộ tập thơ “Nữ thần”.

“Phượng hoàng niết bàn” (cõi niết bàn của chim Phượng hoàng) dùng đề tài thần thoại nói về chuyện “Đôi chim Phượng hoàng xếp gỗ thơm lại tự thiêu rồi lại tái sinh từ trên đống tro tàn”, thể hiện một tinh thần yêu nước mãnh liệt chống đế quốc, chống phong kiến, đồng thời thể hiện niềm kỳ vọng, tin tưởng vào sự hồi sinh, tái tạo của đất nước và nhân dân Trung Quốc.


Như một vở kịch thơ, tác phẩm gồm 5 chương: Tự khúc, Phượng ca rồi Hoàng ca, Phượng Hoàng đồng ca, Quần điểu ca, Phượng Hoàng canh sinh ca. Trong chương “Tự khúc” tức là phần mở đầu, nhà thơ miêu tả đôi chim Phượng Hoàng đang cất cao lời ca ai oán. Chúng ngậm những mảnh gỗ thơm bay lượn trên không trung, chúng chuẩn bị cho việc tự thiêu của mình :

Trên bầu trời giáp đêm ba mươi
Một đôi chim Phượng Hoàng bay lượn.


………………….


Cảnh chiều tối lạnh lẽo u ám và không khí bi tráng làm nổi bật lên tính chất cao cả và trang nghiêm của việc tự thiêu của đôi chim. Tiếp đó là ba chương : Chim Phượng ca, chim Hoàng ca, rồi Phượng Hoàng đồng ca. Chim Phượng (con trống) căm hận nguyền rủa cái chốn “lạnh như sắt nguội”, “đen tối như sơn” và “hôi tanh như máu”, lời lẽ quyết liệt tràn đầy tinh thần phủ định

Đến chương “Hoàng ca” là lời chim Hoàng (con mái) kể lể, vừa buồn thương vừa óan trách, phẫn hận cho 500 năm đầy “ô trọc”, “tủi nhục”đau đớn cho cuộc sống chỉ toàn là “khổ ải, phiền não, buồn tẻ, tối tăm”. Thế rồi Phượng và Hoàng đồng ca, quyết định tự thiêu “tất cả trong thân ta”, “tất cả ngoài thân ta” tất cả đều thiêu cho cháy hết.

Rõ ràng là sự đau đớn nguyền rủa, oán trách của đôi chim Phượng Hoàng đối với vũ trụ, với lịch sử và với chính bản thân mình đã phản ánh tinh thần thương nước mãnh liệt của nhà thơ, phản ánh yêu cầu giải phóng cá tính và thay đổi hiện thực được phong trào “Ngũ tứ” thức tỉnh và kêu gọi.

Sau khi ra sức vạch trần sự đen tối thối nát cuộc đời cũ tượng trưng cho xã hội Trung Quốc nửa thực dân nửa phong kiến đầy những giết chóc, lao tù, mồ mả, địa ngục, đau khổ và tối tăm, bẩn thỉu và tủi nhục nhà thơ đã tỏ thái độ phủ định về căn bản, không những muốn triệt để xóa bỏ mọi cái xấu của xã hội cũ mà còn muốn triệt để xóa bỏ mọi gò bó tư tưởng và mọi hành vi lạc hậu mà bản thân luôn mang sẵn trong xã hội cũ.

Đôi chim cùng hót rồi múa một cách hiên ngang và quyết liệt, sau đó tự thiêu.

Chương thứ 4 là tiếng hót của quần điểu, tức các loài chim khác : chim cú, chim diều hâu, chim vẹt, chim công, chim bồ câu … Đây là những kẻ tầm thường thậm chí nhiều kẻ xấu. Sau khi Phượng và Hoàng tự thiêu, chúng đắc ý hót lên :


Ha ha! Phượng hoàng! Phượng hoàng!
Uổng công các ngươi là linh trưởng của muôn chim
Các ngươi chết rồi ư? Chết rồi ư ?
Từ nay ta sẽ là bá vương nơi không giới.



Chúng tranh nhau làm bá vương, làm chúa tể, làm mưa làm gió trong bầu trời, song chúng ngỡ ngàng, vì Phượng Hoàng đã sống lại, Phượng và Hoàng đã tái tạo một kiếp sống mới từ trên đống tro tàn vừa tắt của ngọn lửa tự thiêu :


Sau khi tiếng gà gáy báo tin
Nước triều dâng tràn
Nước triều dâng tràn
Ánh sáng chết đã tái sinh!
Vũ trụ chết đã tái sinh!
Phượng Hoàng chết đã tái sinh!



Đôi chim Phượng Hoàng sống lại cùng hoà ca:

Chúng ta sống lại rồi!
Chúng ta sống lại rồi!


……….


Chương 5 :


Kết thúc bằng bài ca chứa chan sung sướng của đôi chim Phượng Hoàng.
Bài ca “Phượng hoàng sống lại ” là cao trào của toàn tập thơ “Nữ thần”, cũng là kết tinh của lý tưởng nhà thơ.
Ông cho rằng hình tượng Phượng Hoàng sống lại có sức mạnh thần kỳ, có thể khiến tất cả đều sống lại theo. Phượng Hoàng sống lại có sức mạnh như lửa cháy, có thể đốt cháy hết thảy, khiến tất cả đều có được hơi ấm của lửa. Phượng Hoàng sống lại rất tươi mới, trong sáng, đẹp đẽ, thơm tho, trường cửu và hài hòa, nó sẽ khiến muôn vật rồi cũng có được những tốt đẹp như vậy.

“Phượng hoàng niết bàn” ca ngợi “sự chết đi để rồi sống lại”. Nhà thơ cho rằng phải làm cho cái cũ chết hết, phải phủ định triệt để cái cũ mới có thể thay đổi được bộ mặt của đất nước, mới có thể thúc đẩy sự đổi mới của Tổ Quốc. Do đó, “Phượng hoàng niết bàn” không những có khí phách mạnh mẽ đẩy cái cũ đi đón cái mới lại mà còn có tinh thần tự đổi mới. Ông viết bài này do sức mạnh của phong trào Ngũ tứ. Ông nói : “nước Trung Quốc sau Ngũ tứ trong con mắt tôi khác nào như một cô gái xinh đẹp có chí khí tiến thủ, khác nào như người yêu của tôi vậy. Bài “Phượng hoàng niết bàn” của tôi là tượng trưng cho sự tái sinh của Trung Quốc”.

Với tất cả sự xúc cảm mãnh liệt, ông đã viết rất nhanh. Ông nói : “Lời thơ cứ tự nó trào lên chứ không phải là tôi làm thơ nữa. Cả bài “Phượng hoàng niết bàn ” tôi chỉ viết khoảng 30 phút, khi viết toàn thân run lên như bị trúng gió, răng đánh lập cập, tim đập dồn dập, nửa cuối viết lúc sắp ngủ, trùm chăn lên người mà viết”. Câu nói này cho thấy rõ cảm hứng và tài năng nghệ thuật của tác giả khi sáng tác.
“Phượng hoàng niết bàn” đã tập trung thể hiện rõ nét đặc trưng tư tưởng của tập thơ “Nữ thần” và còn xác lập địa vị của “Nữ thần” về mặt hình thức nghệ thuật, địa vị cao nhất của “nữ thần” trong nền thơ mới Trung Quốc. Nhà thơ đã vận dụng thành công thủ pháp tượng trưng, lấy đôi chim Phượng Hoàng cao qúi đẹp đẽ làm thể tượng trưng, đem lại cho truyện thần thoại truyền thuyết một sức sống mới. Sự tưởng tượng kỳ ảo, ngôn ngữ khoa trương, hơi thở thông thoáng sinh động, tiết tấu dồn dập nhộn nhịp khiến toàn bài thơ chứa chan tinh thần tự tin lạc quan.
Về thể thơ, để diễn đạt những tình cảm dâng trào trong lòng mình, nhà thơ đã hoà quyện nhuần nhuyễn những tinh túy của thể thơ tự do phương Tây với thể thơ cách luật cổ điển của Trung Quốc, tức là có những hàng dài ngắn xen nhau, đoạn dùng 4 chữ, đoạn dùng 6 chữ, rồi hơn 10 chữ, tự do, không gò bó vận luật, có chỗ đối, có chỗ hồi hoàn trở đi trở lại, thoắt giọng cảm thán, thoắt lại giọng hùng hồn, khiến nội dung và hình thức có được sự đa dạng đồng thời sự nhất trí cao.
Chính tình cảm và tài năng của Quách Mạt Nhược đã tạo dựng nên tập thơ “Nữ thần” và sau đó nhiều tập thơ khác nữa với một phong cách thơ rất mới mẻ và một tinh thần lãng mạn CM rất sôi nổi.
Tập thơ “Nữ thần” đã phản ánh sự khao khát tìm tòi con đường CM mới mẻ của những người Trung Quốc, những trí thức Trung Quốc tiên tiến đương thời. Tập thơ đã cố gắng phá vỡ sự gò bó của thể thơ cũ mà dùng thể thơ tự do để diễn đạt được phong phú và sinh động những tư tưởng tình cảm sôi động và sâu sắc. Sự ra đời của nó dù về nội dung tư tưởng hay hình thức biểu hiện cũng đều đánh dấu một bước ngoặt mới của sự phát triển thơ ca Trung Quốc : Thơ mới, thơ ca cách mạng của Trung Quốc đã có một chỗ đứng vững chắc và mở đầu cho một hướng phát triển hết sức sôi nổi và tốt đẹp.

Và Quách Mạt Nhược chính là người đã viết tác phẩm thơ mới hoàn hảo đầu tiên, ông chính là người đặt nền cho phong trào thơ mới hiện đại Trung Quốc.


Phạm Thị Hảo




PHƯỢNG HOÀNG NIẾT BÀN





Tự khúc:



Trên bầu trời giáp đêm ba mươi
Một đôi chim Phượng Hoàng bay lượn
Chúng ca lên lời ca ai oán
Chúng công dần từng mảnh gỗ thơm
Chất thành dàn tự thiêu trên đỉnh núi chon von

Bên phải núi, cây ngô đồng khô xác
Bên trái kia, suối nước ngọt cạn khô
Đằng trước núi là biển rộng mênh mông bát ngát
Mặt phía sau là đồng bằng phẳng lặng âm u
Trên cao kia là bầu trời băng giá, gió lạnh vi vu

Sắc trời chiều ảm đạm
Gỗ thơm đã chất cao
Chim Phượng bay đã mỏi
Chim Hoàng bay đã mệt
Giờ chết của chúng sắp đến rồi

Phượng mổ nhành gỗ thơm
Từng đốm lửa bay tung
Hoàng quạt cánh cho lửa
Từng cuộn khói thơm lừng

Phượng lại mổ
Hoàng lại quạt
Khói thơm lan khắp núi
Lửa đỏ rực đầy non

Màu đêm đã thẫm
Hương gỗ đã nồng
Phượng mổ chừng đã mệt
Hoàng quạt cánh đã rã
Giờ chết đã đến nơi

Ôi ! Ôi !
Đôi Phượng Hoàng buồn thương
Phượng đứng lên, múa hiên ngang
Hoàng cất lên, ca bi tráng
Phượng lại múa
Hoàng lại hót
Đám chim đủ loại chim le chim lác
Từ phương nào bay tới xem đám tang


Phượng ca :


Chít chiu ! Chít chiu !
Chít chiu ! Chít chiu !
Trời đất mênh mang, lạnh như sắt nguội
Mênh mang trời đất, đen đặc tựa sơn
Đất trời mênh mang, hôi tanh nhường máu

Vũ trụ ! Ôi vũ trụ !
Mi ở đó, vì sao ?
Mi tới từ nơi nào ?
Mi đang ngồi đâu vậy ?
Mi, một trái không cầu lớn hữu hạn?
Mi, khối bao la không có chỗ tận cùng?
Nếu là trái không cầu hữu hạn.
Thì không gian bao bọc mi từ đâu?
Xung quanh mi còn những gì tồn tại?
Nếu mi là khối lớn lao vô hạn
Thì không gian mi bao phủ là đâu?
Sự sống, bên trong mi lại có, vì sao?
Rút cuộc lại, mi là sự giao lưu sự sống?
Hay mi chỉ là thứ máy móc vô hồn!


Ngẩng lên ta hỏi Trời
Trời tận trên cao mà chút gì cũng chẳng hay chẳng biết
Cúi xuống ta hỏi Đất
Đất đã chết rồi, chút hơi thở mỏng manh cũng chẳng còn chi
Ta vươn ra hỏi biển
Biển chỉ gào lên những tiếng ầm ì
Ôi!Ôi! Sinh ra ở nơi ô uế tối tăm
Thì đến kiếm báu kim cương cũng thành rỉ sét


Vũ trụ ! Ơi vũ trụ!
Ta muốn hết lời cạn sức nguyền rủa mi !
Những bãi giết người máu mủ hôi tanh kia!
Những chốn lao tù chứa chất đầy đau khổ !
Những nấm mồ vang tiếng qủy réo hờn
Những địa ngục ma chập chờn ghê rợn !
Cớ vì sao mi cứ mãi còn tồn tại?

Chúng ta bay sang phía tây
Phía tây cũng là nơi giết chóc
Chúng ta bay sang phía đông
Phía đông cũng vẫn những lao tù
Chúng ta bay sang phía nam
Phía nam cũng toàn là mồ mả
Chúng ta bay sang phía bắc
Phía bắc cũng địa ngục tối tăm
Sống ở nơi thế giới thế này
Ta chỉ đành như biển khơi gào khóc





Hoàng ca





Chi chúc! Chi chúc! Chi chúc
Chi chúc! Chi chúc! Chi chúc
Năm trăm năm nay, nước mắt nhiều như thác đổ
Năm trăm năm nay, nước mắt nhễ nhại đầm đìa
Nước mắt chảy mãi không ngừng!
Ô trọc rửa hoài chẳng hết!
Tình đời chẳng cạn chẳng vơi!
Tủi nhục làm sao cho sạch !
Kiếp sống của ta mong manh trôi nổi
Rồi sẽ tới đâu mới được yên lành?


Ôi!Ôi! kiếp sống mong manh trôi nổi
Như con thuyền đơn độc giữa biển khơi
Bên trái mờ mịt
Bên phải mịt mờ
Trước mặt chẳng thấy ánh đèn
Phía sau bến bờ chẳng có
Cánh buồm đã rách
Cột buồm đã gẫy
Bơi chèo đã trôi
Bánh lái đã vỡ
Kẻ lái thuyền nhọc lả chỉ đành trong lòng thuyền thở than rên rỉ
Sóng biển vẫn hung dữ trào dâng


Ôi!Ôi!
Kiếp sống phù sinh mỏng mảnh của ta
Khác nào giấc ngủ mệt mê trong đêm đen mù mịt
Phía trước, mê mệt ngủ
Phía sau cũng ngủ im lìm
Cái tới như gió thoảng
Cái đi như khói bay
Tới tựa gió
Đi tựa khói
Ngủ đằng trước
Ngủ đằng sau
Ta chỉ khác nào làn khói bay gió thoảng trong triền miên giấc ngủ


Ôi!Ôi!
Làm sao lại thế?
Vì sao lại vậy?
Chuýt!Chuýt!Chuýt!
Chỉ thấy buồn đau, phiền não, tẻ nhạt, yếu hèn
Những thây ma luẩn quẩn quanh ta
Những xác chết ngổn ngang khắp chốn

Ôi!Ôi!
Tuổi trẻ tươi rói của chúng ta đâu rồi?
Tuổi trẻ đẹp đẽ của chúng ta đâu rồi?
Tuổi trẻ sáng láng của chúng ta đâu rồi?
Đã hết! Đã hết! đã hết!
Tất cả đều đã hết!
Tất cả rồi sẽ hết!
Chúng ta cũng sẽ đi khỏi
Chúng mi cũng sẽ đi khỏi
Ôi, buồn đau! phiền não! tẻ nhạt! yếu hèn!





Phượng hoàng đồng ca





Ôi chao! Ôi chao!
Lửa cháy đùng đùng
Hương thơm ngào ngạt
Đã đến lúc rồi!
Đến rồi! Giờ chết!
Tất thảy ngoài thân ta
Tất thảy trong thân ta
Tất thảy của tất thảy
Cùng chết! Nào cùng chết!





Quần điểu ca




Chim cú mèo :


Ha ha! Phượng Hoàng! Phượng Hoàng!
Uổng cho các ngươi là linh trưởng của loài chim
Các ngươi chết rồi ư? Chết rồi ư?
Từ nay ta sẽ là bá vương chốn bầu trời, nơi không giới


Chim công :


Ha ha! Phượng Hoàng! Phượng Hoàng!
Uổng công các ngươi là linh trưởng của muôn chim
Các ngươi chết rồi ư? Chết rồi ư?
Từ nay ta sẽ là chúa tể nơi hoa rừng


Chim diều hâu :


Ha ha! Phượng Hoàng! Phượng Hoàng!
Uổng cho các ngươi là linh trưởng của loài chim
Các ngươi chết rồi ư? Chết rồi ư?
À, hương thịt chuột đâu mà thơm thế nhỉ?


Chim bồ câu :


Ha ha! Phượng Hoàng! Phượng Hoàng!
Uổng cho các ngươi là linh trưởng của loài chim
Các ngươi chết rồi ư? Chết rồi ư?
Rồi hãy xem bọn chim lành ta từ nay sẽ thanh bình


Chim vẹt :


Ha ha! Phượng Hoàng! Phượng Hoàng!
Uổng cho các ngươi là linh trưởng của loài chim
Các ngươi chết rồi ư? Chết rồi ư?
Từ nay hãy nghe chúng ta hùng biện


Chim hạc trắng :


Ha ha! Phượng Hoàng! Phượng Hoàng!
Uổng cho các ngươi là linh trưởng của loài chim
Các ngươi chết rồi ư? Chết rồi ư?
Từ nay hãy ngắm nhìn loài chân cao ta múa lượn





Phượng Hoàng tái sinh ca


Gà gáy (báo tin):

Nước triều dâng cao
Nước triều dâng cao
Ánh sáng chết đã tái sinh!
Vũ trụ chết đã tái sinh!
Phượng Hoàng chết đã tái sinh!



Phượng Hoàng hòa ca :





Chúng ta sống lại rồi!
Chúng ta sống lại rồi!
Một của hết thảy, sống lại rồi
Hết thảy của một, sống lại rồi
Chúng ta tức là họ. Họ tức là chúng ta
Trong ta có bạn, trong bạn cũng có ta

Ta chính là bạn
Bạn chính là ta
Lửa là chim Hoàng
Chim Phượng là lửa
Bay lượn! Lượn bay!
Vui sướng! Hát ca!


Chúng ta tươi mới, chúng ta sáng trong
Chúng ta xinh đẹp, chúng ta thơm lừng
Một của hết thảy, thơm tho
Hết thảy của một, thơm tho
Thơm tho là bạn, thơm tho là ta
Thơm tho là nó, thơm tho là lửa
Lửa chính là bạn
Lửa chính là ta
Lửa chính là nó
Lửa chính là lửa
Ôi! Bay lượn! Lượn bay!
Sung sướng hát ca!
Chúng ta nhiệt thành, chúng ta yêu thương
Chúng ta hoan hỉ, chúng ta hài hòa


……………


Ôi! Bay lượn! Lượn bay!
Sung sướng hát ca!
Chúng ta sinh động, chúng ta tự do
Chúng ta hùng hồn, chúng ta trường cửu


……….


Ôi! Bay lượn! Lượn bay !
Sung sướng hát ca!
Chúng ta sướng vui, lượn bay, ca hát
Chúng ta ca hát, sung sướng, lượn bay
Một của hết thảy, luôn luôn vui ca
Hết thảy của một luôn luôn vui hát
Bạn đang vui hát ư? Ta đang vui hát ư?
Nó đang vui hát ư? Lửa đang vui hát ư?
Cái vui hát đang vui hát!
Cái vui hát đang vui hát!
Chỉ có vui hát!
Chỉ có vui ca!
Sung sướng hát ca!
Vui hát! Vui ca!





(Phạm Thị Hảo dịch)

* Chú thích : Mấy chỗ chấm chấm là những câu lặp lại giống hệt như đoạn trên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét