Trong một đất nước thường được gọi là nước thơ như Việt Nam, hẳn có nhiều người thích đọc thơ. Nhưng đọc thơ là đọc cái gì?
Đọc thơ, trước hết, theo tôi, là đọc một văn bản. Đọc văn bản là đọc chữ. Chữ thực chất là một thứ ký hiệu. Không có ký hiệu nào tự nó và cho nó cả. Ký hiệu nào cũng là một ký hiện của một cái gì khác. Ferdinand de Saussure (1857-1913) phân biệt hai khía cạnh của ký hiệu (sign): cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified), tức, nói một cách tóm tắt, chữ và ý nghĩa của chữ. Nhưng chữ trong thơ không phải là những xác chữ trong từ điển. Trong thơ, mỗi chữ đều có âm vang và màu sắc riêng. Không những vậy, ngay cả cách trình bày của chữ và những khoảng cách giữa các chữ cũng có âm vang và màu sắc của chúng. Chính những âm vang và màu sắc ấy tạo nên nhạc tính và ẩn ý của thơ.
Đọc thơ, hơn nữa, là truy tìm những cấu trúc và những mối quan hệ liên quan đến những cấu trúc ấy. Có thể nói, hiểu một bài thơ là phát hiện ra được cái quan hệ ẩn tàng trong và ngoài bài thơ ấy. Phát hiện các quan hệ là phát hiện tính hệ thống của một bài thơ. Bài thơ hay bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng là một hệ thống. Tính hệ thống được biểu hiện qua cấu trúc. Hiểu một bài thơ, do đó, thực chất là khám phá ra cấu trúc của nó.
Trước, với các nhà Phê bình Mới và các nhà cấu trúc luận, cấu trúc ấy là một cái gì khép kín, bao gồm các quan hệ nội tại giữa những cái biểu đạt và những cái được biểu đạt trong bài thơ. Với các nhà hậu cấu trúc và giải kiến tạo sau này, một cái cấu trúc khép kín như vậy là một điều phi thực. Cái được biểu đạt không phải là những gì cố định, bất biến và tự tại. Cái được biểu đạt ấy, đến lượt nó, lại trở thành cái biểu đạt cho một cái gì khác nữa. Cứ thế, liên tục. Hệ quả, cái gọi là hiểu một bài thơ là một tiến trình hầu như vô tận. Không ai có thể đi đến cùng nó cả. Nó không ngớt được mở rộng và cũng ngớt được/bị hóa thân, ở mỗi người đọc cũng như ở từng lần đọc. Chính vì thế, nhiều người ví bài thơ cũng như dòng sông của Heraclitus, triết gia cổ đại Hy Lạp, ở đó, không ai có thể tắm hai lần được.
Tiến trình nào cũng có sử tính: sử tính của việc tìm hiểu. Do đó, đằng sau một bài thơ, bất cứ là bài thơ nào, cũng có đến hai lịch sử: một, lịch sử nó được sáng tác và phổ biến; hai, lịch sử nó được đọc. Chỉ có loại lịch sử thứ hai mới trở thành tài sản của bài thơ: nó làm cho bài thơ giàu có và sâu sắc hơn hẳn. Nói cách khác, cái chúng ta quen gọi là ý nghĩa của bài thơ vừa là những gì chất chứa bên trong và/hay được khơi gợi từ bài thơ vừa là lịch sử của các phát hiện mà người đọc, từ thế hệ này đến thế hệ khác, mang đến cho nó. Cũng là Truyện Kiều, nhưng cái Truyện Kiều chúng ta có hiện nay chắc chắn là giàu có và sâu sắc hơn cái Truyện Kiều lúc Nguyễn Du còn sinh thời.
Khi đọc thơ, người ta không chỉ đọc thơ. Đọc thơ còn là đọc các cảm xúc và ý nghĩ dậy lên từ chính tâm hồn của mình. Đọc, do đó, không phải chỉ là một tiến trình hướng ngoại, hướng đến tác phẩm và sau đó, tác giả, mà còn là một tiến trình hướng nội, hướng vào thế giới mênh mông nhưng bí ẩn bên trong chính bản thân mình.
Tôi muốn ví việc đọc thơ với việc uống rượu: để thấy được cái ngon của rượu, người ta phải lắng nghe những cảm giác còn lại trên lưỡi và trong họng của mình. Lúc rượu đã chảy hẳn vào bụng.
Đọc thơ, trước hết, theo tôi, là đọc một văn bản. Đọc văn bản là đọc chữ. Chữ thực chất là một thứ ký hiệu. Không có ký hiệu nào tự nó và cho nó cả. Ký hiệu nào cũng là một ký hiện của một cái gì khác. Ferdinand de Saussure (1857-1913) phân biệt hai khía cạnh của ký hiệu (sign): cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified), tức, nói một cách tóm tắt, chữ và ý nghĩa của chữ. Nhưng chữ trong thơ không phải là những xác chữ trong từ điển. Trong thơ, mỗi chữ đều có âm vang và màu sắc riêng. Không những vậy, ngay cả cách trình bày của chữ và những khoảng cách giữa các chữ cũng có âm vang và màu sắc của chúng. Chính những âm vang và màu sắc ấy tạo nên nhạc tính và ẩn ý của thơ.
Đọc thơ, hơn nữa, là truy tìm những cấu trúc và những mối quan hệ liên quan đến những cấu trúc ấy. Có thể nói, hiểu một bài thơ là phát hiện ra được cái quan hệ ẩn tàng trong và ngoài bài thơ ấy. Phát hiện các quan hệ là phát hiện tính hệ thống của một bài thơ. Bài thơ hay bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng là một hệ thống. Tính hệ thống được biểu hiện qua cấu trúc. Hiểu một bài thơ, do đó, thực chất là khám phá ra cấu trúc của nó.
Trước, với các nhà Phê bình Mới và các nhà cấu trúc luận, cấu trúc ấy là một cái gì khép kín, bao gồm các quan hệ nội tại giữa những cái biểu đạt và những cái được biểu đạt trong bài thơ. Với các nhà hậu cấu trúc và giải kiến tạo sau này, một cái cấu trúc khép kín như vậy là một điều phi thực. Cái được biểu đạt không phải là những gì cố định, bất biến và tự tại. Cái được biểu đạt ấy, đến lượt nó, lại trở thành cái biểu đạt cho một cái gì khác nữa. Cứ thế, liên tục. Hệ quả, cái gọi là hiểu một bài thơ là một tiến trình hầu như vô tận. Không ai có thể đi đến cùng nó cả. Nó không ngớt được mở rộng và cũng ngớt được/bị hóa thân, ở mỗi người đọc cũng như ở từng lần đọc. Chính vì thế, nhiều người ví bài thơ cũng như dòng sông của Heraclitus, triết gia cổ đại Hy Lạp, ở đó, không ai có thể tắm hai lần được.
Tiến trình nào cũng có sử tính: sử tính của việc tìm hiểu. Do đó, đằng sau một bài thơ, bất cứ là bài thơ nào, cũng có đến hai lịch sử: một, lịch sử nó được sáng tác và phổ biến; hai, lịch sử nó được đọc. Chỉ có loại lịch sử thứ hai mới trở thành tài sản của bài thơ: nó làm cho bài thơ giàu có và sâu sắc hơn hẳn. Nói cách khác, cái chúng ta quen gọi là ý nghĩa của bài thơ vừa là những gì chất chứa bên trong và/hay được khơi gợi từ bài thơ vừa là lịch sử của các phát hiện mà người đọc, từ thế hệ này đến thế hệ khác, mang đến cho nó. Cũng là Truyện Kiều, nhưng cái Truyện Kiều chúng ta có hiện nay chắc chắn là giàu có và sâu sắc hơn cái Truyện Kiều lúc Nguyễn Du còn sinh thời.
Khi đọc thơ, người ta không chỉ đọc thơ. Đọc thơ còn là đọc các cảm xúc và ý nghĩ dậy lên từ chính tâm hồn của mình. Đọc, do đó, không phải chỉ là một tiến trình hướng ngoại, hướng đến tác phẩm và sau đó, tác giả, mà còn là một tiến trình hướng nội, hướng vào thế giới mênh mông nhưng bí ẩn bên trong chính bản thân mình.
Tôi muốn ví việc đọc thơ với việc uống rượu: để thấy được cái ngon của rượu, người ta phải lắng nghe những cảm giác còn lại trên lưỡi và trong họng của mình. Lúc rượu đã chảy hẳn vào bụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét