Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

KHOẢNH KHẮC CỦA SỰ THẬT


KHOẢNH KHẮC CỦA SỰ THẬT

truyện ngắn Nguyễn Thanh Hiện




Rồi, như bây giờ thế giới là một nơi chốn tồi tệ,
những kẻ trơ tráo có thể quanh đi quẩn lại trong
đó, cả những kẻ nhu nhược, những kẻ khốn khổ
thích ứng với mọi thứ nữa…


Jorge Luis Borges-Công Cuộc Nghiên Cứu Của
Averroes



Nàng là tất cả của sự lãng mạn. Của trinh khiết. Của khao khát tràn ngập. Một quá khứ phồn thực âm thầm chảy giữa tồn sinh.


Dòng chảy phát xuất từ chân dãy núi Tưa. Dấu vết của mong muốn. Tạo tác đã lỡ mong muốn về một dòng sông. Con sông vẫn phơi lòng cát sỏi giữa cuộc tắm gội của thời gian. Thỉnh thoảng mới nhìn thấy, sau những cơn mưa xối xả, hay sau một đợt lũ mùa đông, một dòng chảy cạn hối hả tuôn về phía cánh đồng hạ nguồn, và sau đó, lâu lắm cũng chỉ năm ba hôm, cát sỏi lòng sông lại tiếp tục bày ra giữa cuộc càn khôn. Người ta cũng chẳng biết gọi thế nào, về một dòng sông, nhưng cũng chưa phải là dòng sông. Bắt đầu từ dãy núi Tưa, nên cứ gọi là sông Tưa.


Nàng là tất cả của sự chờ đợi. Để dâng hiến. Nàng là niềm khao khát dâng hiến. Sự khao khát tột cùng.


Tôi vẫn ra bờ con sông Tưa đợi nàng. Bây giờ là tôi đợi nàng. Tôi vẫn đợi nàng như một cách đào thoát khỏi trùng vây của u buồn.


Đọc sách thấy miền đất cằn phía nam tỉnh, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, là thuộc vùng địa chất hình thành vào thời tạo sơn Himalaya. Cứ thử tưởng tượng: Sự đun đẩy của vỏ địa cầu, không ngẫu nhiên, cũng không tất nhiên, làm dịch chuyển đất đai về một phía có độ cao hơn hẳn bốn phía, sự làm ra núi non. Núi Tưa là cái tên mãi những triệu năm về sau con người đã gán cho một tư thế đất đai. Núi là có thực. Nhưng con sông bắt đầu từ đây lại là sự lỡ tay của tự nhiên. Thì cứ gọi là sự giả định về một dòng sông. Dòng sông cùng tên với núi. Sông Tưa.


Người đời gọi là nàng Khang. Hay em Khang. Nàng Khang vốn sống thầm lặng.Nhưng đôi mắt có vẻ u buồn lại là cửa ngõ mở ra niềm khao khát tột cùng. Khao khát một tình yêu ở bên ngoài mọi biến đổi của tạo tác. Giữa thứ quá khứ dày đặc biến cố bỗng hiện ra một người con gái, cuộc gặp cũng quá mong manh, bỡi những gì biết được về nàng, hình dáng ấy, tựa sự thoảng qua của ngọn gió ít oi. Một cuộc sống thầm lặng. Một ánh mắt u buồn. Một khao khát tình yêu vĩnh cửu. Vào những năm đầu thế kỷ mười chín, một nhà khảo cổ học người Pháp đã đặt chân lên vùng núi Tưa và đã gặp được nàng Khang nơi một phiến đất nung đào được ở bờ con sông Tưa. Cũng chỉ là nghe kể lại.


Tôi vẫn ra bờ con sông Tưa nằm dài trên những vết tích cổ xưa như những khoảnh khắc đào thoát khỏi thứ không khí u ám của thời đại. Như có sự cắt ngang dòng chảy tài hoa cái thế, bên trong miền đất đạm bạc cơm áo dưới chân dãy núi Tưa, nơi làng Cù tôi, bỗng nổi lên những tay chúa đất lòng tham không tả nổi. Chúng là loài sâu mọt đương đại. Để tiêu phá cho hết niềm vui cướp bóc được từ cuộc trần thế, chúng đã tìm đến kẻ chợ, thâu đêm suốt sáng vùi đầu nơi vầng ngực căng đầy của các cô gái luôn đổ thừa sự sa cơ của mình cho thời thế. Quả là có sự đứt đoạn truyền thống vẻ vang của một miền đất. Thì chỉ mỗi nhà giảng pháp, ông Năm Thông Thống, cũng đủ khiến cho thế giới đương đại kinh ngạc. Ông Năm Thông Thống là vị tổ thứ chín dòng họ nhà tôi. Thì cũng chỉ nghe nói vậy. Ông giảng về các pháp chế ngự sông núi, chế ngự mưa nắng, chế ngự ma quỉ. Để cho anh ngửa nón làm thuyền đưa em sang sông. Sau này, đám hậu thế lãng mạng bắt chước ông, nói với nhau lúc yêu đương. Còn thuở ấy, ông tổ chín đời nhà tôi, qua sông Tưa thì ngửa nón làm thuyền, muốn bắt ma quỉ thì chỉ việc phùng mang trợn mắt, cho đã tức giận, rồi gọi đích danh lũ ma. Cũng chỉ là nghe kể lại. Tôi vẫn ra bờ sông Tưa nằm dài trên những dấu vết cổ xưa. Để mà tiếc nuối.


Nhà khảo cổ học người Pháp lại trở lại mảnh đất cằn dưới chân núi Tưa. Tôi cứ thấy người con gái ấy trong tâm tưởng. Ông nói với người làng Cù tôi. Và lần này thì tìm thấy nơi bờ con sông Tưa một mảnh hồn kỳ dị. Em vẫn chờ người em yêu. Chờ suốt nắng mưa. Con chim nhạn kêu buồn nơi bầu trời trống trải. Đã mòn con mắt rớm máu vẫn chưa tìm thấy người để em sinh cho những đứa con sức vóc cho đời. Nhà khảo cổ đa cảm cặm cụi tìm cách đọc một mảnh hồn sóng gió. Và quả quyết rằng văn bản đất nung này với văn bản đất nung khai quật được hai năm trước là cùng một chủ nhân: nàng Khang. Từ đó, người con gái người đời vẫn tưởng tượng là đẹp tuyệt trần, đã trở thành biểu tượng của sự lãng mạn bão táp.


Nàng là tất cả cho một tình yêu vĩnh hằng và sóng gió.


Thế giới vẫn cứ diễn ra sự sa sút về cách thế của con người. Sự sa sút thảm khốc của thế kỷ. Những nhà thiết kế chân lý vẫn đam mê tìm kiếm những con đường ở bên ngoài Mặt Đất cho con người thời đại. Những nhà thiết kế tâm hồn vẫn ngày đêm lo thiết lập những phương án chấn hưng lòng trắc ẩn. Nhưng con người của thời đại hôm nay có vẻ như vẫn muốn hận thù nhau. Có vẻ như chẳng còn muốn tin nhau.


Đêm tháng tư. Tôi ra bờ con sông Tưa nằm dài trên những vết tích cổ xưa. Trăng non đầu tháng buồn bã nơi lưng trời. Tôi nhìn trời. Nhìn trăng. Và biết là mình đang nghĩ đến người con gái có sức lan tỏa sự lãng mạn bão táp. Tôi nghĩ đến nàng Khang. Và cũng không thể nói là tôi nằm mơ. Ông đang chờ em? Nàng hỏi. Tôi nói là tôi đang chờ nàng. Tôi nói và nghe như người tôi sắp tan thành cát sỏi. Nàng còn đẹp hơn những gì tôi từng tưởng tượng. Em sẽ sinh cho ông những đứa con xinh đẹp như em từng ước mơ. Nàng nói. Và nằm xuống bên tôi. Như tất cả sự lãng mạn của thế giới đã thuộc hết về tôi. Thuộc về cái giây phút như tôi đã bước ra khỏi cuộc trần thế đỏ đen. Tôi biết sau đó là cuộc ái ân viễn tưởng lớn nhất trong mọi viễn tưởng của con người. Tôi biết là tôi đang ôm chặt lấy nàng Khang, ôm chặt lấy người con gái tôi từng mơ tưởng như một cách đào thoát, trong khoảnh khắc, khỏi cảnh u ám của thời đại. Nhưng tôi cũng biết tất cả những chuyện đó chỉ là nội dung của một trang viết cổ xưa bị vùi lấp đâu đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét