Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Kỷ Niệm 30/4 : Niềm Vui- Nỗi Buồn.



Kỷ Niệm 30/4 : Niềm Vui- Nỗi Buồn. 










Hôm nay 30-4 năm 2011, 36 năm đã trôi qua, thời gian tưởng là làm nhạt nhòa ký ức, nhưng hình ảnh hệ quả của 30-4 nó còn hiện rõ từng chi tiết trong đầu. Không phải vì Tôi cố nhớ nó, mà 30-4 với những hệ quả kéo dài đến hôm nay, chính nó đã buộc thằng Tôi phải nhớ nó. Và Tôi đã nhớ rất rõ cái cảm xúc của một niềm vui và nỗi buồn của riêng Tôi với ấn dấu 30-4-1975. 



Với Tôi, biến cố 30- 4 đầu tiên là một niềm vui không thể nhầm lẫn. Vui vì cuộc chiến tương tàn, dài đăng đẳng đầy man rợ phi nghĩa đã chấm dứt. Chiến tranh, dù vì bất cứ lý do gì, nguyên nhân nào đều ghê tởm, không chỉ vì nó tàn phá làng mạc, đất đai, tàn sát nhân mạng, mà chính vì nó tàn hủy nhân tính, băng hoại con người. Chiến tranh chỉ có lợi cho bọn bất nhân, vì nó luôn là cái cớ cho não trạng độc tài quân phiệt phát huy bản năng thú vật của loài thượng đẳng hai chân, và cuối cùng chiến tranh muôn đời luôn luôn là trò làm tiền của bọn gian manh bất nhân , đúng như tướng thủy quân lục chiến Mỹ ông Smedley Butler (1881-1940) đã vạch ra trong bài diễn thuyết “chiến tranh là trò làm tiền gian manh” (War is a Racket). Chiến tranh nó ghê tởm đến độ đại tướng Eisenhower, người từng chỉ chỉ liên quân đồng minh trong thế chiến thứ hai và sau này là tổng thống thứ 34 của Mỹ, đã phải thốt ra:

“Tôi căm ghét Chiến Tranh chỉ vì Tôi là một người lính từng sống trong đó có thể ghét, chỉ vì là người đã thấy sự tàn bạo của nó, sư vô ích của nó, sự ngu xuẩn của nó....... Từng khẩu súng được chế tạo, từng chiến hạm ra khơi, từng trái pháo được bắn đi, biểu hiện trong một ý nghĩa cuối cùng là một hành động ăn cắp của những người đói khổ mà không có ăn, của những người chết rét mà không có mặc..(I hate war as only a soldier who has lived it can, only as one who has seen its brutality, its futility, its stupidity.......Every gun that is made, every warship launched, every rocket fired, signifies in the final sense a theft from those who hunger and are not fed, those who are cold and are not clothed. Four Star-General-President of The USA, Dwight D. Eisenhower)
Không những vậy, với tư cách là vị tướng kinh nghiệm dày dạn, nếm đủ mùi chiến tranh tàn bạo, một tổng thống của quốc gia hùng mạnh còn sót lại sau thế chiến, trong bài diễn văn từ biệt hết nhiệm kỳ, giã từ chính trường, Ông đã cảnh báo người Mỹ và thế giới về hiểm họa chiến tranh do bọn đầu cơ kỹ nghệ vũ khí tiến hành. Bọn trục lợi và sùng bái quyền lực sẽ tạo chiến tranh bằng mọi cách.



Vì thế, Tôi không chỉ vui mừng hơn cả những người lính ngoại nhân tham chiến còn sống sót trở về quê hương của họ, mà còn vui mừng chúc lành cho họ, đã còn có thể sống sót trở về đoàn tụ với thân nhân gia đình, dù biết chắc rằng sau cuộc chiến man rợ phi nghĩa đó, nhiều cuộc đời con người đã không thể còn toàn vẹn được nữa.

Đó chính là lý do Tôi vui mừng khi biến cố ngày 30-4-1975 xảy đến. Tôi kinh tởm chiến tranh. Chỉ có vậy thôi.






Tôi không còn là người đần độn bị ám hữu bởi chủ nghĩa ái quốc, quốc gia dân tộc. Bởi hôm nay đây, không chỉ những con người ở những xã hội dân chủ văn minh người ta rời bỏ nơi này để sống ở nơi khác phù hợp với hạnh phúc của họ hơn, rồi đôi lúc quay trở lại thăm quê cũ như là một du khách bình thường và hạnh phúc; mà người Việt nam hôm nay, khi có điều kiện cũng đang hành xử như thế, và cũng rất hạnh phúc chính đáng. Hơn thế nữa, không chỉ ở cương vị cá nhân con người tự tại, thoát khỏi căn bệnh ái quốc ái quần tổ quốc tổ cò, mà ngay cả ở mức độ một cộng đồng xã hội, người ta cũng không nhất thiết bị ràng buộc pháp lý hay tinh thần với mảnh đất hay cái tên của một hiện thể chính trị quốc gia, chỉ vì họ được sinh ra ở đó một cách ngẫu nhiên không có chọn lựa. Như QueBec trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Canada, hay Vermont đang tiến hành vận động trưng cầu dân ý tách ra khỏi Mỹ, hoặc Đài Loan muốn độc lập tách hẳn khỏi Trung Quốc v.v Người ta đã tiến xa hơn, tầm nhìn rộng hơn với giá trị NHÂN PHẨM làm nền tảng, và người ta chỉ trân trọng tìm đến mảnh đất nào , liên đới với xã hội nào có chủ trương vinh danh Con Người, chăm chút nhân phẩm và hạnh phúc tự do của thành viên, của công dân, thì đó là đất nước của họ.



  Người ta sáp lại, nối kết với nhau khi nhu cầu cần thiết để cùng xây dựng một xã hội tốt hơn vì nhau và cho nhau, và chỉ bằng sự tự nguyện đồng thuận, chứ không bằng bạo lực cưỡng ép áp đặt. Bạo lực không bao giờ đưa đến điều gì tốt đẹp. 

Ngay sau 30-4-75, cũng nhân danh bảo vệ tổ quốc, an ninh tổ quốc, những kẻ chiến thắng từ mảnh đất phía Bắc đã cai trị  đồng bào bại trận  ở phía Nam như cai trị thuộc địa chiếm đóng. 

Và những thằng bại trận bỏ chạy cũng vậy, cũng vẫn nhân danh ái quốc tổ cò, dù đã thành công dân xứ người, cũng phân chia thành phần vùng miền ngay trong cái thóm hỏm sinh hoạt nơi xứ người, để rồi hành xử co cụm thu hẹp trở thành nhỏ bé , đố kỵ, và hung tợn bạo ngược với lá cờ ba que đã thành tấm giẻ rách. Nhưng đám người bại trận bỏ chạy bày vẫn cứ nhân danh tổ quốc ba que giẻ rách để thành lập một “đại công ty chính nghĩa chống cộng” chuyên phao tin đồn và nhân danh “đại nghĩa chống cộng” hung hăng đòi chỉ đạo can thiệp vào đời sống xã hội người Việt Kiều, dù càng ngày càng yếu đi sau 36 năm. 

Sau 30-4 vài năm, một số lớn người Viêt Nam đi vượt biên, và sự trả thù ti tiện này họ đã không để lại nơi đất nước Viêt Nam cho cái chế độ Độc đảng , họ đem theo và vẫn tiếp tục tiến hành bởi những thằng lính, gã công chức thất trận. Chúng nó đẩy đòn thù lên gần như bất cứ ai không phủ phục chúng nó, từ trên đảo tị nạn tạm cư, cho đến khi đã định cư tại một quốc gia khác. và việc ăn cắp những niềm tin vào tình người , vào nhau, dù nhỏ bé nhất tiếp tục xảy ra, nhân danh tự do, tị nạn, và chống cộng.


Nỗi buồn chính là sự phá sản băng hoại toàn diện nhân trí của những con người có nhãn hiệu Việt Nam. Những gì còn có thể gọi là chân, là thiện là mỹ, còn sót lại trong thời chiến tranh, đặc biệt là niềm hy vọng cuối cùng không chỉ là vào “hòa bình, thống nhất,” mà vào chính phần lương tâm con người tối thiểu của nhau, tất cả cũng đã bị hoàn toàn tiêu hủy .  Xã hội Việt Nam và con người Viêt Nam dù đã bị THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU mở tung ra, và khoác vào cho họ cái áo vật chất văn minh hoành tráng dù là giả tạo,  càng làm lộ rõ nét bán khai vô nhân tính của toàn thể xã hội và con người. Tất cả vội vã, chen lấn, chà đạp lên nhau để gom góp và tích lũy của cải, vội vã luống cuống tiêu thụ ngây ngô và vụng về hưởng thụ.

Trong khi đó, cũng sau 36 năm, những kẻ ra đi sống chung với văn minh và nhân bản, cũng không khá hơn, mà còn băng hoại hơn, cũng chỉ vì bám víu vào hận thù và quyền lực, vào chủ nghĩa ái quốc dân tộc, vào ấn tượng sai lệch và sai lầm của 30-4. Toàn bộ thế hệ đi trước của cả hai phe đối nghịch nhau đã tiêu diệt cơ hội hướng thiện, vươn lên của thế hệ đi sau. 

Việt Nam hôm nay, đã có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn du học sinh, đầu tư nước ngoài, và có một đội ngũ khoa bảng được đào tạo từ các trường đại học hàng đầu của nhân loại, nhưng não trạng trống rỗng và bần tiện hơn, lanh vặt và lưu manh hơn, có phương pháp hơn. Bởi lớp người này chỉ dùng phương tiện khoa bảng để kiếm cơm và tìm quyền lực. Bên ngoài Viêt Nam, thế hệ thứ hai, thứ ba của những kẻ thất trận bỏ chạy và ra đi, cũng có khoảng trên dưới hàng trăm ngàn khoa bảng chuyên gia, nếu chưa muốn nói là tổng quát là con số hàng triệu có cử nhân là căn bản. Thế nhưng tòan bộ sinh hoạt tinh thần xã hội, giá trị dân sự vẫn là con số không!!!

Thế hệ cha mẹ họ, và thể chế chính trị, thật sự hay giả tạo, nếp sống xã hội của cha mẹ họ áp đặt, đã ăn cắp đi đức tính cần thiết đam mê kiến thức, đam mê ý nghĩa, giá trị cuộc sống trong con người của họ mất rồi. Chỉ còn lại QUYỀN và LỢI với cái triết lý ngu ngục hạ cấp “khôn chết, dại chết, biết sống.”


36 năm, dù đã quá chậm trễ để xóa sổ làm lại, nếu tính theo một đời người, một thế hệ. Nhưng với tính nối dài miên tục của một xã hội, một đất nước, và cả tiến trình nhân loại này, thì việc xóa sổ cái sai cũ để khởi đầu tiến hành cái mới tốt đẹp không bao giờ sớm, và chẳng bao giờ muộn màng hết cả. Phải xóa sổ hết những ám hữu của những định kiến cũ để khởi đầu xây dựng nhận thức về một xã hội dân sự của những con người có tên là Viêt Nam. Xây dựng sự nhận thức về chính giá trị tự thân, tức là xây dựng lại NHÂN TRÍ để kiến tạo nền DÂN TRÍ cho xã hội.

Và tất cả cũng vẫn phải khởi đầu bằng những nỗ lực từ những cá nhân đơn lẻ đi trước. Phải can đảm và sáng suốt gác bỏ những ngăn trở do chính mình tự kỷ tạo ra. Thể hiện rốt ráo tính liên đới trách nhiệm của cá nhân Con Người. Mảnh đất Con Người Việt nam đang cần được vun xới bằng quả cảm kiên trì và công chính, để những hạt giống nhân bản có thể nẩy mầm, và rồi sẽ thành những cánh đồng bát ngát giá trị tự thân, nơi đó NỀN DÂN CHỦ có TỰ DO BÌNH ĐẲNG sẽ được xây dựng vững chắc. Hạnh phúc của mỗi cá nhân, của chúng ta, và của cả nhân loại này cũng được xây dựng từ căn bản đó.


NKPTC

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

THÁI CỰC LUẬN Chương 2. Tính danh Thái Cực




Trong tiết này ta sẽ cố tìm cho ra những từ ngữ có thể dùng để chỉ danh Thái Cực.

Chúng ta sẽ áp dụng mấy phương pháp sau đây:

1.Nghiên cứu các đồ bản Dịch Kinh

2. Nghiên cứu thư tịch Nho, Thích, Lão.

3. Áp dụng định luật toán học, nếu A = B

B = C

thì A = C

Ví dụ: Thái Cực = Thiên Địa chi tâm

Thiên Địa chi tâm = Đạo tâm

Thái Cực = Đạo tâm

4. Suy ra những danh hiệu chính yếu của Thái Cực, khi đã hiểu rõ quan niệm của người xưa về Thái Cực. Họa bảnHuỳnh Đình trong Huỳnh Đình Kinh giải của Lưu nhất Minh đã cho ta biết những danh hiệu sau đây tương đương với Thái Cực:

Huỳnh Đình, Trung Thần, Hư Vô, Chân Không Bất Nhị Pháp Môn, Chúng Diệu Chi Môn, Huyền Tẫn Môn, Đạo Nghĩa Chi Môn [1]

Tượng Ngôn Phá Nghi cho rằng Huyền Tẫn Môn tức là Huyền Quan Khiếu [2]

Theo Huỳnh Đình Kinh giải ta thấy Thái Cực là Huyền Tẫn Môn. Như vậy:

Thái Cực = Huyền Tẫn Môn = Huyền Quan Khiếu (Nguyên Quan Khiếu) [3]

Và cứ theo định luật toán học, nếu A = B

B = C

thì A = C

Ta sẽ biết thêm rằng Thái Cực cũng là:

Sinh Tử Hộ, Sinh Sát Thất, Thiên Nhân Giới, Hình Đức Môn, Hữu Vô Khiếu, Thần Khí Huyệt, Hư Thực Địa, Thập Tự Lộ...vì những danh hiệu trên đều là biệt danh của Huyền Quan Khiếu [4]

Dựa vào tài liệu trong quyển Thông thiên bí thư ta biết Thái Cực hay Huyền Tẫn còn có những tên sau đây:


·Thái Cực Chi Đế

- Tiên Thiên Chi Bính

- Hư Vô Chi Hệ

- Tạo Hóa Chi Nguyên

- Hỗn Độn Chi Căn

- Thái Hư Chi Cốc

- Qui Căn Khiếu

- Phục Mệnh Quan

- Mậu Kỷ môn

- Canh Tân Thất

- Giáp Ất Hộ

- Tây Nam Hương

- Chân Nhất Xứ

- Trung Hoàng Cung

- Đan Nguyên Phủ

- Chu Sa Đỉnh

- Long Hổ Huyệt

- Huỳnh Bà Xá

- Dung Lô

- Thổ Phủ

·Thần Thủy

- Hoa Trì

- Đế Ất

- Thần Thất

- Linh Đài

- Giáng Cung [5] v.v...


Thái Cực thường được tượng trưng bằng vòng tròn. Ngoài ra, cổ nhân còn dùng vòng tròn để tượng trưng: Vô Cực,[6] Kim Đơn,[7] Thần,[8] Chu Sa Đỉnh, Pháp Thân,[9] Thử Mễ Châu,[10] Hồng Mông, [11] Thánh Thai [12]

Ta kết luận: Thái Cực cũng là:Vô Cực, Kim Đơn Thần, Pháp Thân, v.v.. Thái Cực chính là nơi Âm Dương tương hợp, Hắc Bạch tương phù, nên cũng chính là: Thiên Địa Chi Tâm, [13]Thiên Địa Chi Tâm là Đạo Tâm, vậy: Thái Cực = Đạo Tâm [14]

Khảo sát các hình: Huyền Tẫn Chi Môn, Nguyên Quan Nhất Khiếu trong Tượng Ngôn Phá Nghi[15] ta thấy rằng Thái Cực còn có thể gọi là:

Âm Dương Chi Môn, Tứ Đại Bất Trước Chi Xứ, Động Tĩnh Chi Quan, Thần Khí Chi Huyệt, Khảm Ly Chi Tinh, Hữu Vô Tương Nhập Xứ.

Thái Cực chính là: Đạo, [16]Trung, [17]Nhất,[18]Lý, [19]Tâm,[20] Tính,[21] Thiên Đạo, [22]Thiên Lý, [23]Thái Nhất,[24]Thái Hòa theo từ ngữ Trương hoành Cừ, [25] Tổ Khiếu theo từ ngữ của các Đạo gia. [26]

Sau khi đã tìm ra được các tính danh Thái Cực, ta có thể tìm hiểu duyên do của ít nhiều danh hiệu của Thái Cực.

I. Thái Cực sở dĩ gọi là Thái Cực vì Thái Cực là Tuyệt Đỉnh.

II. Thái Cực ở tâm điểm các vòng Dịch nên cũng được gọi là: Trung, Hoàng Trung, Ngũ, Ngũ Thập, Mậu Kỷ Môn.

III. Thái Cực là Nhất, vì Nhất có thể sinh Vạn. Thái Cực đứng giữa trục Âm Dương, nên cũng được gọi là Thập Tự Nhai: +

IV. Thái Cực được gọi là Huyền Quan Nhất Khiếu vì người xưa cho rằng Vạn Hữu xuất phát từ Nhất điểm linhquang ở giữa lòng Vô Cực [27]



V. Thái Cực được gọi là Huyền Tẫn Chi Môn vì là ở giữa hai cửa Âm Dương [28]



VI. Thái Cực là tâm điểm sinh trời đất, nhân vật nên cũng gọi là Thiên Địa Chi Tâm:

[29]

VII. Thái Cực là Bản Thể của vũ trụ, là căn nguyên vũ trụ nên cũng được gọi là Tính, là Lý, là Căn Nguyên.

VIII. Thái Cực vì phối hợp được Âm Dương, nên được gọi là: Huỳnh Bà Xá

IX. Thái Cực tạo dựng quần sinh, và là cùng đích Vạn Hữu nên là: Thủy, Chung.

X. Thái Cực là môi giới giữa Vô Cực và Vạn Hữu.

Ta tạm hình dung bằng hình vẽ sau:



Ta thấy rằng Thái Cực đồng thời:

Vừa là Vô Cực, vừa là Vạn Hữu

Không phải Vô Cực, cũng không phải Vạn Hữu.

Bao hàm cả Vô Cực, lẫn Vạn Hữu

Nếu ta gọi Vô Cực là Vô, Vạn Hữu là Hữu, ta có thể nói Thái Cực:

Vừa là Vô, vừa là Hữu

Chẳng phải Hữu chẳng phải Vô

Bao hàm cả Vô lẫn Hữu

Vừa biến thiên, vừa bất biến

XI. Từ Thái Cực, có 2 nẻo đưòng:
Một đường đi ra Vạn Hữu tức là đi ra hữu hình, hữu tướng, đi ra chết chóc, mòn mỏi, biến thiên;

Một đưòng đi vào vô hình, vô tướng, Vô Cực, trường sinh, vì vậy Thái Cực còn đưọc gọi là Sinh Môn, Tử Hộ, Sinh Sát Xá.

XII. Đi ra thời gian truân, đi vào thời sảng khoái vì thế cũng gọi là Hình Thức Môn
XIII. Thái Cực khi chưa có trời đất, thì là Hồng Mông vị phán, Âm Dương tương hợp, Hắc Bạch tương phù, lúc chung cuộc vũ trụ thì lại là nơi Tam Hoa qui đỉnh, Ngũ Khí triều nguyên, Âm Dương hợp hòa đoàn tụ.

XIV. Thái Cực vì trường cửu bất hoại nên được gọi là Kim Đơn, Kim Cương Thân v.v...

XV. Thái Cực sinh xuất muôn Thần, vạn Thánh nên chính là lò cừ Tạo hóa, Chu Sa Đỉnh, Dung Lô v.v...

XVI. Thái Cực ở trung tâm điểm vòng Dịch, vũ trụ và con người nên được gọi là Chân Tâm.

XVII. Thái Cực là biên giới giữa trời người, vào được lòng Thái Cực tức là vào được lòng Trời, ở bên ngoài tâm điểm, ở bên ngoài Thái Cực tức là phàm tục, vì thế Thái Cực được gọi là Thiên Nhân Giới

XVIII. Ở giữa Vạn Hữu và Vô Cực, nên cũng được gọi là: Hư Thực Địa, Hữu Vô Xứ v.v..


Tóm lại ta có thể tìm ra được nguyên do, được ý vị của mỗi danh hiệu Thái Cực.

Thái Cực đã được các vị chân tu đạo Phật sánh với Chánh Pháp Nhãn Tàng, Bản Lai Diện Mục, Chân Như Bản Thể, Pháp Thân vân vân. Từ đó, chúng ta bắt sang đạo Phật, chúng ta thấy Thái Cực còn có rất nhiều danh hiệu tương ứng.[30]

Suy ra, thì Thái Cực có muôn vàn danh hiệu [31] nhưng chung qui vẫn chỉ là Bản Thể của vũ trụ, là Duy nhất, là Tuyệt đối.

CHÚ THÍCH

[1] Cf. Huỳnh Đình Kinh giải trang 3b.

[2] Nguyên Quan tức Nguyên Tẫn chi biệt danh. Nhân kỳ Âm Dương tại thử cố vị Nguyên Tẫn Môn, nhân kỳ nguyên diệu bất trắc cố vị Nguyên Quan Khiếu, kỳ thực giai thử Nhất Khiếu nhĩ. 元 關 即 元 牝 之 別 名. 因 其 陰 陽 在 此 故 謂 元 牝 門. 因 其 元 妙 不 測 故 謂 元 關 竅, 其 實 皆 此 一 竅 耳. — Tượng Ngôn Phá Nghi, Quyển hạ - trang 2a.

[3] Huyền quan giả chí huyền chí diệu chi cơ quan dã, tức nhân thân trung Thái Cực thị dã. 玄 關 者 至 玄 至 妙 之 機 關 也, 即 人 身 中 太 極 是 也.— Tính Mệnh Pháp Quyết, quyển 7 - trang 2.

[4] Nguyên quan giả chí nguyên chí diệu chi quan khẩu. Hựu danh Sinh Tử Hộ, Sinh Sát Thất, Thiên Nhân Giới, Hình Đức Môn, Hữu Vô Khiếu, Thần Khí Huyệt, Hư Thực Địa, Thập Tự Lộ, v.v... 元 關 者 至 元 至 妙 之 關 口. 又 名 生 死 戶, 生 殺 室, 天 人 界, 形 德 門, 有 無 竅, 神 氣 穴, 虛 實 地, 十 字 路. — Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 2a.

[5] Thông Thiên Bí Thư, quyển IV - trang 9b.

[6] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 5 (hình Thái Không Hư Vô hay Vô Cực).

[7] Ib. Hình Kim Đơn, quyển hạ - trang 1.

[8] Ib. Quyển hạ - trang 1b (hình Chu sa đỉnh).

[9] Ib. trang 6b.

[10] Ib. trang 4a.

[11] Ib. trang 4a.

[12] Ib. trang 5b.

[13] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 1a.

[14] Đạo tâm tức Thiên địa chi tâm 道 心 即 天 地 之 心. — Ib. quyển hạ - trang 1b.

[15] Xem hình Huyền Tẫn Chi Môn. — Nguyên Quan Nhất Khiếu trong Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 2a.

[16] Hựu viết: Đạo vi Thái Cực. 又 曰 道 為 太 極 . — Tạ Vô Lượng TQTHS, Đệ tam thiên thượng trang 15.

[17] Viết Nhất viết: Trung tức Thái Cực dã. 曰 一 曰 中 即 太 極 也. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 - trang 3.

[18] Viết Nhất viết: Trung tức Thái Cực dã. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 trang 3.

[19] Thái Cực chỉ thị nhất cá Lý tự. 太 極 只 是 一 個 理 字.— Stanislas le Gall - Le Philosophe Tchou - Hi page 97.

[20] Tâm vi Thái Cực 心 為 太 極. — Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 15.

[21] Viết Nhất viết Trung tức Thái Cực. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 - trang 3.

[22] Trung Dung Hoặc Vấn, trang 22 (Xem chú thích trên)

[23] Qui Nguyên Trực Chỉ, quyển Trung trang 380.

[24] Chu Dịch Đại Toàn - trang 34.

[25] Chính Mông khai thủ tức viết Thái Hòa sở vị Đạo. 正 蒙 開 首 即 曰 太 和 所 謂 道. — Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 18.

[26] Chính trung thị tổ khiếu 正 中 是 祖 竅. — TMPQMC - trang 20.

[27] Cf. Xướng Đạo Chân Ngôn, quyển 2 - trang 8a.

[28] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 2a.

[29] Cf. Đồ bản Thiên Địa Chi Tâm trong Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 6a.

[30] Cf. Xem đồ bản các danh từ tượng ứng với Chân Như trong tập Tinh Hoa Phật giáo của tác giả.

[31] Et appelez - le comme vous voudrez, car pour ceux qui savent. Il est le possesseur de tous les noms. — Cf. Balla'u'llah,Les sept vallées - page 6.

Chiến tranh và .. tình nhân loại




Tác giả: Trần Văn Chánh



Có câu chuyện xảy ra gần ba năm trước thật cảm động về hai cựu binh người Úc đã từng tham gia chiến cuộc tại Việt Nam:

Sau nhiều năm trăn trở, nhắn nhe tìm tõi khắp nơi, rồi lặn lội đường xa, sáng ngày 3.4.2012, hai ông Laurens Wildeboer và Derrill De Heer, cựu binh Úc, đã tìm đến được gia đình của một liệt sĩ Việt cộng ở Đồng Nai để trao lại cho bà mẹ già của liệt sĩ này những kỷ vật mà hai ông đã lưu giữ trong suốt 42 năm. Trong cuộc hội ngộ ly kỳ hiếm có này của những người trong thời chiến tranh vốn thuộc hai bên chiến tuyến, ai cũng cố kìm nén để khỏi bật thành tiếng khóc lớn.

Người liệt sĩ nói trên tên Phan Văn Ban, chết trận năm 1970, ba năm trước vẫn còn mẹ già 85 tuổi ngụ tại ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Vào đến nhà rồi, sau phần thủ tục giới thiệu, cựu binh Derrill De Heer bắt đầu nhìn chiếc hộp đựng kỷ vật rồi mở lời: “Đây là những gì mà Laurens đã lưu giữ của liệt sĩ Ban suốt 42 năm qua. Laurens đã day dứt bao nhiêu năm, đến ngày hôm nay mang đến cho mẹ”. Laurens mở hộp, lấy từng kỷ vật trao cho bà mẹ liệt sĩ: “Đây là chiếc khăn choàng kèm với cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Ban mà trong chiến tranh tôi đã giữ được”. Rồi ông nói tiếp, cố kìm nén xúc động: “Xin lỗi mẹ về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Liệt sĩ Ban và những người lính Việt Nam thật tuyệt vời. Họ thật tuyệt khi làm tất cả vì đất nước. Những kỷ vật mang đến hôm nay cho mẹ để mẹ và gia đình thanh thản” (xem báo Tuổi Trẻ, 4.4.2012, trang 18). 

Như chúng ta đều biết, Úc là một nước đồng minh của Mỹ đã cùng với vài đồng minh khác nữa tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài tại Việt Nam trước đây. Vì nghĩa vụ quân sự, nhiều người lính phải rời bỏ quê hương để tham dự vào một cuộc chém giết mà bản thân họ đều không mong muốn và chủ động, nên có lẽ không ai hiểu rõ tính chất phi nhân tàn bạo chỉ mang đến đau khổ của chiến tranh bằng chính những người lính dự trận bất đắc dĩ mà mạng sống là do những quyết định ở đâu đâu khác. Vì thế khi chiến tranh kết thúc năm 1975, những người lính thoát chết như vậy chỉ biết có vui mừng vô điều kiện mà chẳng chút hận thù, kể cả hận thù đối với những người trong hàng ngũ buộc lòng họ phải coi là đối địch một thời. Các chính phủ của họ cũng chẳng mất công sức làm cái việc tuyên truyền cho lòng thù hận để chờ dịp… phục thù…

Thật ra, từ nhiều năm trước, đã từng có những cựu binh Mỹ cũng đem kỷ vật nhặt được trong lúc giao tranh với chiến sĩ Việt cộng để trao lại cho gia đình kẻ quá cố, với những chi tiết câu chuyện cảm động không kém. Họ làm như vậy vì một nỗi day dứt thấm sâu kéo dài trong lòng do chiến tranh gây ra, và như một cách biểu thị sự ân hận đồng thời giải tỏa tâm lý, cũng như để chia sẻ với số phận không may của người lính trận kém may mắn hơn mình. 

Sau chiến tranh, không ít người lính Việt Nam ở cả hai bên chiến tuyến cũng kể thật rằng khi ra trận thì họ phải đánh, bắn vậy thôi chứ đâu có thù hận chi ai, và thường thì anh nào cũng sợ chết gần giống như nhau, hệt như mấy câu thơ của Phan Xuân Sinh làm để chia sẻ tâm sự với những người lính cộng sản từ Bắc vào, trong dịp tết năm 1972, trong khi hai bên tạm ngừng bắn để ăn tết: 

Thằng lính nào mà chẳng rét lúc ra quân,
Khi xung trận mà không té đái!…

Nói cho chính xác công bằng, thật ra cũng có trường hợp thù hận, nhưng chỉ nhất thời, do bối cảnh đặc biệt bị quy định và xui khiến bởi cuộc chiến tranh nghiệt ngã, nên khi hòa bình lập lại rồi thì hầu như ai cũng có dịp suy đi nghĩ lại… John Merson, tác giả cuốnNhững bài học chiến tranh (War Lessons, bản dịch của Trần Gia Quang, NXB. Thời Đại, 2010) là một trong rất nhiều trường hợp điển hình như thế. Tham gia giai đoạn đầu cuộc chiến tranh Việt Nam từ tháng 4.1966 đến tháng 5.1967 thì được trở về quê hương an toàn, và năm 2008 ông đã viết cuốn sách nêu trên để tỏ lòng ân hận: “Theo kinh nghiệm của tôi, không có người chiến thắng trong chiến tranh, chỉ có những hình thức mất mát khác nhau mà thôi” (tr. 198). Ở một chỗ khác, trong phần “Tái bút” đặt ở cuối sách, ông viết: “Tôi đã bắt đầu không còn xem những người lính Việt Nam là kẻ thù của tôi nữa mà thay vào đó, là những người anh em của tôi” (tr. 212).

John Merson nói như thế hoàn toàn không giả dối, cũng không do sự đột hứng nhất thời, vì sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam làm tất cả những gì có thể làm được nhằm góp phần xoa dịu hàn gắn vết thương chiến tranh, như một cách để chuộc lỗi…. “Tôi muốn giúp hàn gắn những vết thương tôi chứng kiến ở quanh mình, cũng như những vết thương trong lòng tôi. Tôi hết sức hồ hởi khi gặp lại một đất nước mà tôi nhớ bởi cả vẻ đẹp thiên nhiên xen lẫn sự đau khổ của con người” (tr. 213), tác giả lại viết tiếp. 

***

Cũng khoảng ba năm trước, như một cách để kỷ niệm ngày 30.4.1975 chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam, báo Tuổi Trẻ ngày 30.4.2012 đăng bài “Chuyện hai người lính” của nhà báo Hàng Chức Nguyên, đọc cảm động không kém gì câu chuyện hai cựu binh người Úc đã kể trên kia.

Chuyện người thật việc thật, với nhiều tình tiết sống động, nhưng đại khái: Năm 1972, khi chiến trường diễn ra ác liệt, một người lính Việt cộng đang ở tuổi 19 bị thương nặng, nát cả đôi chân, nằm ướt mẹp thoi thóp bên dòng suối giữa rừng chờ chết. Đồng đội buộc phải đi tiếp vì nếu không sẽ chết chung cả đám, đành treo chiếc võng trên cành cây thấp rồi đặt anh nằm lên đó, ghi dấu lên thân cây để sau còn có thể tìm xác lại được. Một toán quân địch đi tới phát hiện, có người định “cho nó một phát cho rồi” nhưng có một người khác ngăn cản rồi kéo mọi người đi, “để cho anh ta tự chết”. Khi tỉnh dậy, người chiến sĩ thấy trên ngực mình để sẵn một chiếc biđông đầy nước và dưới võng có hai bịch gạo sấy. “Trong cơn khát cháy cả ruột gan, chiếc biđông nước ấy đã giúp tôi kéo dài được sự sống, giúp tôi sống”, người lính kể. Sau đó anh được đưa về trạm xá điều trị và thoát chết. Năm 1974, được dưa ra miền Bắc tiếp tục điều trị và học tập văn hóa, để đến khi hòa bình lập lại, làm hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Quảng Ngãi.

Thời bom đạn đã qua, người cựu chiến binh đó luôn nghĩ về chiếc biđông nước và hai bịch gạo sấy của người lính đối phương đã để lại trên ngực mình. Rồi anh đánh tiếng khắp nơi, nhờ bạn bè giúp đỡ, quyết tìm mọi cách cho ra người lính vô danh ở bên kia chiến tuyến để đền ơn cứu tử, và rốt cuộc đến năm 2005 đã may mắn tìm được. Người lính vô danh này sau trận đó, đến năm 1973, cũng bị thương tại chiến trường Quảng Ngãi, mất một tay, thành thương phế binh. Cuộc trùng phùng thật cảm động: người cựu chiến binh mất một chân này nắm lấy bàn tay còn lại của người kia, ôm nhau mà nước mắt tuôn trào, nhận nhau làm anh em như chung một nhà.

***

“Người mà tôi không giết” là một câu chuyện thật khác (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, in trong quyển Ý cao tình đẹp, NXB. Trẻ, 2004), xa xưa hơn và xảy ra ở một phương trời khác, được người kể chuyện nâng lên bằng những lời bình luận còn sâu sắc hơn nữa về tình nhân loại. Tác giả là André Chamson, một sĩ quan cấp đại úy người Pháp trong cuộc chiến tranh Đức-Pháp hồi Thế chiến thứ II: Sáng hôm đó trời lạnh 28 độ dưới số không, dẫn một toán quân do thám đi, ông phát hiện một người lính Đức ở cách chừng 60-80 mét cũng đang làm công tác do thám cho phía bên kia, và đưa họng súng nhắm ngay vào sau gáy người kia định bóp cò. “Nhưng đang lúc tôi sắp bóp cò thì hắn nhảy lên, lắc lư như một con gấu… Tôi mở cả hai mắt ra, cảm thấy rằng mấy giây trước, hình đó đối với tôi chỉ là cái đích để nhắm thì bây giờ là một người rồi, một người cũng như tôi, bị rét cắt da…, chỉ nghĩ cách chống với cái rét và quên cả chiến tranh… Nòng súng của tôi tự nhiên hạ xuống, và tôi không nhắm lại nữa…”.

Viên đại úy (tức tác giả) còn có dịp nhận dạng ra người lính Đức đó khi anh ta đóng vai trò đứng gác trước mỗi toa xe chở tù binh Pháp đưa vào các trại giam. Ngay lúc ấy, lòng hận thù lại có dịp sôi sục, và ân hận rằng lần đó sao không bắn anh ta một phát cho rồi. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, do một sự tình cờ, viên cựu đại úy Pháp gặp lại người lính Đức kia bấy giờ đã là một học giả cùng dự chung trong một cuộc hội nghị quốc tế: “Nét mặt một học giả, hơi nghiêm, hơi buồn, nhưng bình tĩnh. Như đa số chúng tôi, ông ta có vẻ một người sống sót sau một tai ách ghê gớm… Trong chúng ta, ai là người còn có thể giết kẻ đồng loại được khi biết rõ kẻ đó, biết nhân tính, đời sống của kẻ đó? Người ta có thể hạ sát một tên lính địch, một con người máy không tên tuổi không mặt mũi, nhưng làm sao có thể giết một người thợ mộc, một người thợ tiện, một nông dân, một họa sĩ, một nhà ngôn ngữ học, một người có vợ con, có cha có mẹ, một người có thể đói rét, sống trong cảnh rầu rĩ hoặc trong niềm hi vọng, một người như chúng ta” (tr. 221-222).

Rồi tác giả bình luận, kết thúc câu chuyện: “Hình ảnh người lính do thám Đức mà tôi không nỡ bắn trong ngày mà thời tiết lạnh nhất đó đã làm cho tôi hiểu một cách sâu sắc hơn là dùng trí óc để suy tư, rằng nếu mỗi người trong chúng ta có thể giảng cho những người đồng loại cảm thấy được rõ mỗi đời người có sự trang nghiêm ra sao, mỗi con người chắc chắn có những nhu nhược ra sao, giảng được như vậy thì sẽ không thể có chiến tranh nữa” (tr. 222).

***

Những câu chuyện có thật và cảm động như trên cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu sống động để chiêm nghiệm chính xác hơn về hoàn cảnh thống khổ của con người trong mọi cuộc chiến tranh, từ đó cũng thấy được thế nào là tình đồng loại bộc lộ giữa những con người buộc phải ở hai chiến tuyến đối địch nhau. Đó cũng là những câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc cho vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc của ngày hôm nay. Tất cả đều nói lên được cái mà chúng ta gọi là tình nhân loại hay tình đồng loại, phát ra một cách tự nhiên giữa những con người đồng cảm nhau trong cùng cảnh ngộ ác liệt của chiến tranh đau khổ.

———

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 458, tháng 4.2015

Trang Tử – “ông tổ ngông” trong văn học



Trần Đình Sử


Trang Tử là nhà triết học độc đáo nhất trong bách gia thời Chiến quốc. Trước tác của ông do không nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề đạo đức và chính trị cho nên giàu chất triết học nhất. Cũng do ông phát huy sức mạnh tưởng tượng tài hoa để lý giải các vấn đề trừu tượng, phổ quát mà tác phẩm của ông lại giàu chất nghệ thuật nhất. Với các tính chất đó, Trang Tử đã có ảnh hưởng sâu rộng trong tiến trình văn học Trung Quốc và tác động tới tư tưởng học thuật của các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.

Các tác giả lớn không chỉ gây ảnh hưởng bằng tư tưởng, học thuật, mà còn gây ảnh hưởng bằng chính phong cách sống, thái độ sống. Trang Tử đã truyền lại cho đời sau một phong cách ngông, tư thế ngông, trở thành “ông tổ ngông” trong văn học.

Cách đây chừng chín năm (1990), trong một bài viết về ý thức cá tính trong văn học cổ Việt Nam, chúng tôi đã sơ bộ nhận xét, xem ngông là một biểu hiện cá tính độc đáo thời trung đại. Theo chúng tôi, tài tử không phải là người tài theo quan niệm thông thường, mà là kẻ lấy ngông làm tài, tài thoát ra thói tục, vì vậy mà nó gắn rất chặt với tài tình. Các tác giả nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà rồi Nguyễn Tuân sau này,…, không ai là không ngông, mỗi người ngông một vẻ. Vậy cội nguồn văn hoá của hình thức cá tính ấy là ở đâu ? Thiết nghĩ, ngoài các nguyên nhân của đời sống văn hoá dân tộc Việt Nam, còn phải tìm đến những mẫu gốc văn hoá xa xưa từ trong triết học Trung Quốc, một nền triết học đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hoá Đông Á và Việt Nam. Nếu phải tìm ở đó một người tiêu biểu nhất cho tính ngông thì không ai ngoài Trang Tử.

Thật vậy, Trang Tử không chỉ là người sống ở thế kỷ IV – III trước Công nguyên, mà còn là người có nhiều hành vi mang tính giai thoại ngông nhất trong bách gia chư tử. “Ngông” người Trung Quốc gọi là “cuồng”. Ba người ngông nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có lẽ là Khuất Nguyên, Mạnh Tử, Trang Tử. Mạnh Tử là người cao ngạo tự phụ trong việc khẳng định nhân cách lý tưởng của đạo Nho. Khuất Nguyên quá ư luyến chúa nên khi bị xua đuổi đã cho mình là sạch nhất, tỉnh nhất, rồi phẫn uất tự sát, trở thành kẻ ngu trung đệ nhất trong lịch sử. Trang Tử ngông với lý tưởng “thích chí”, độc lập nhân cách, tự do ngao du trong cõi đạo. Ngông của Trang Tử gắn với ý thức khẳng định con người tự tại, tự do cho nên đã có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong văn học.

Người ngông đối lập với đám người trung dung, thuận theo lề thói một cách ngoan ngoãn. Người trung dung hay phụ hoạ theo quần thể, phủ nhận tự do cá nhân, người ngông chạy theo cá tính tự do, thích cực đoan. Người trung dung tự rèn luyện để thành tôi trung con hiếu, nghĩa phu tiết phụ, nhưng cũng tạo ra những kẻ a dua, nói theo giả dối. Người ngông coi khinh lễ, phép, ghét tục, ngạo đời, nói năng ngang tàng. Trong thực tế người ngông là kẻ đã làm tan rã các phép tắc giả tạo trói buộc con người, mở ra một luồng gió mát giàu sinh khí. Chính Khổng Tử là người đầu tiên khẳng định ý nghĩa của người ngông (cuồng, quyến). Trong thiên Tử Lộ ông nói : “Cần phải có bọn ngông cuồng. Bọn cuồng thích tiến thủ, bọn tiết tháo biết những việc không nên làm”. Ông hiểu “cuồng” là có ý ương bướng, ngang tàng, phóng đãng. Bọn này tuy có điều đáng ghét song lại có điều đáng quý là biết nêu ra cái mới, cái khác, mà người đời không hiểu, lại gọi là “cuồng”. Trong triết học trung dung con người chỉ biết những việc không nên làm, theo lối cũ, mà ít có chí tiến thủ, cho nên Khổng Tử mới nghĩ đến bọn ngông. Nhưng trong đám học trò của ông, Tử Lộ, Tăng Tích chỉ là những “tiểu ngông”. Trang Tử mới thực sự là đại ngông.

Trang Tử có nhiều giai thoại ngông nhất. Trang Tử coi thường lệ tục. Vợ Trang Tử mất, Huệ Thi đến viếng thì thấy Trang Tử đang gõ vò mà ca. Trang Tử sang Sở thấy một bộ xương sọ liền lấy roi ngựa gõ vào xương sọ mà trò chuyện, trái với thái độ tôn trọng người chết của mọi người. Trang Tử khinh miệt và từ chối làm quan. Sở Uy Vương mời Trang Tử làm Tể tướng, Trang Tử từ chối, coi ngôi vị Tể tướng như con bò được cho mặc áo gấm để dắt vào làm lễ tế giao ở Thái miếu. Một lần khác Sở Vương cho người mời Trang Tử làm quan thì Trang Tử khinh chức quan như con rùa khô để thờ. Trang Tử coi thường cái chết. Ông từ chối học trò hậu táng, lấy cớ “Ta có trời đất để làm quan quách, mặt trời mặt trăng là ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta… Còn phải thêm gì nữa”. Khi học trò lo xác thầy bị quạ rỉa, Trang Tử nói, chôn dưới đất thì bị sâu bọ đục, có khác gì ! Trang Tử coi đời là một cuộc chơi, vô vi, tiêu dao, tốt cho mọi người, mọi vật. Trong bách gia chư tử, Trang Tử là người nói tới chơi (du) nhiều nhất trong trước tác. Có người thống kê nhận xét :Luận ngữ có 5 chữ “du”, Mạnh Tử 8 chữ, Chu dịch 2 chữ, Hàn Phi Tử 39 chữ, còn Trang Tửcó đến 96 chữ “du”, một con số kỷ lục. Hai chữ “tiêu dao” thì hầu như là do Trang Tử sáng tạo, trong chư tử không đâu có. Chơi là một thái độ siêu thoát, tự do, đùa cợt. Ông có thái độ “du thế”  đùa với đời, bên cạnh việc du sơn ngoạn thuỷ, nhưng chính thái độ “du thế” mới là ngông nhất, khiến Trang Tử trở thành ông tổ của quan niệm cợt bỡn nhân sinh. Ngôn ngữ của Trang Tử lại càng ngang tàng. Chính thái độ khinh bỉ cuộc sống xã hội thối nát đã khiến ông ăn nói bộc trực, khác đám người trung dung. Trang Tử mộng hoá thành bướm. Ông nói Trang Chu mộng hoá bướm là đại hạnh, còn bướm mộng hoá thành Trang Chu là bất hạnh, ông dại gì chuốc lấy bất hạnh mà theo giấc mộng của bướm ! Thật là một sự phủ định sảng khoái. Người đời thích sự hữu dụng. Trang Tử lại ca ngợi sự vô dụng, thật là ngược đời !

Trong sách Trang Tử, không chỉ Trang Tử ngông, mà nhân vật của ông cũng ngông. Tống Nguyên Quân cho mời các hoạ sĩ đến vẽ bản đồ. Các hoạ sĩ khác đều đến, vái chào cung kính, mài mực chờ đợi sai phái, chen nhau đứng đầy một sân. Có hoạ sĩ đến sau ra mặt một vái rồi về nhà cởi trần, xoạc cẳng ngồi đợi. Tống Nguyên Quân cho người đi theo dõi và khen : đó mới là hoạ sĩ thật, vì anh ta tự do tự tại, không bị lệ thuộc vào kẻ khác ! Lời đánh giá của Tống Nguyên Quân cũng ngông ! Ông Hồng Mông suốt ngày chỉ chơi như trẻ con. Khi Tướng Vân đến hỏi thì ông khuyên chỉ nên chơi, chớ học gì, chớ tìm biết gì ! Cái đầu lâu của Trang Tử cũng ngông. Khi Trang Tử tỏ ý sẽ xin đắp da thịt cho bộ xương để hắn về nhà thăm lại người thân, thì đầu lâu từ chối : tôi đang sướng như vua, tội gì lại trở về cho khổ !

Ngông của Trang Tử là hình thức siêu quần, xuất chúng, thoát tục nhằm khẳng định một thế giới tự do, tự tại, độc lập, không phụ thuộc vào ngoại vật. Ngoại vật theo ông bao gồm : một nhà sinh mệnh thọ, yểu, bần, phú, quý, tiện, chức quyền ; hai là buồn, vui, giận, hờn ; ba là các tri thức, quan niệm, tư tưởng, lễ tục, khen chê. Các thứ đó đều tạm thời, là kiến thức nhìn qua cái ống, giả tạo và hạn hẹp. Do vậy chỉ có siêu thoát khỏi các thứ đó thì mới được tự do, tự tại, thích chí ! Cái ngông Trang Tử mang tính nghịch lý : bề ngoài trái thường, trái với lẽ phải thông thường, mà bên trong mở ra một chân trời khác. Nhà triết học Trung Quốc đương đại Lý Trạch Hậu khẳng định : “Cái đạo của Trang Tử không hề là bản thể tự nhiên mà là bản thể người. Ông nâng cao con người với tư cách là bản thể lên tầm cao vũ trụ, cũng tức là nêu lên tính đồng nhất tồn tại trong bản thể người với tồn tại tự nhiên của vũ trụ”. Vậy là cái ngông của Trang Tử hướng tới khẳng định tự nhiên con người nên tinh thần của ông tương tự như tư tưởng hiện sinh, khẳng định tồn tại có trước bản chất, nếu hiểu bản chất là toàn bộ sự quy định của ngoại vật. Cho nên cái ngông của Trang Tử là cái ngông của tinh thần triết học, ngông của trí tuệ, cao siêu, khác hẳn cái ngông của kẻ ngu dốt liều lĩnh. Đó có thể coi là hành động nổi loạn chống lại mọi thứ “vi” tạo tác giả tạo, trái tự nhiên làm cho cuộc sống bị gò bó vô ích. Ngông của Trang Tử là cái ngông giải phóng cá tính, “nhậm tính”, “nhậm tình”, buông thả tình cảm, nhằm dưỡng sinh, thích chí. Nó khác cái ngông của Đông Phương Sóc đời Hán, tuy có vẻ bỡn cợt thời thế, mà chỉ một mực trung thành với triều đình. Trái lại, Trang Tử là người đầu tiên trong lịch sử triết học Trung Quốc nhấn mạnh tới tự do cá nhân, tự giác tìm kiếm tự do, khinh đời, ghét tục, ngạo mạn bất quần. Đương thời Trang Tử rất cô độc, không mấy ai hiểu ông.

Mãi đến khi tư tưởng đại nhất thống sụp đổ vào đời Nguỵ Tấn thì Trang Tử là người được tôn xưng, được nhiều người sùng bái, bắt chước. Kẻ sĩ thời Nguỵ Tấn từ chỗ lo vua, lo nước, chuyển sang lo cho mình, trọng cá nhân, trọng tình cảm, trọng dục vọng, thích làm những hành vi độc đáo, và Trang Tử trở thành tấm gương. Nhưng nếu Trang Tử chú trọng tự do tâm hồn thì người thời Nguỵ Tấn vừa trọng tâm hồn lại vừa quý thân. Nguỵ Văn Đế Tào Phi coi khinh lễ tiết, chuộng tự nhiên. Khi Vương Xán chết, Phi cùng mọi người đến viếng và đề nghị : khi sống Xán thích nghe tiếng lừa kêu, mọi người hãy kêu như lừa để đưa tiễn ông ta. Thế là mọi người đều hý như lừa để tỏ lòng tưởng nhớ ! Đới Chấn thị tài, khinh thói tục. Khi mẹ chết vẫn ăn thịt, uống rượu như thường. Lúc mọi người chất vấn trái lễ, Chấn nói : tôi ăn mà không thấy ngon gì cả thì vẫn có hiếu chứ sao ! Chấn xem lễ tục là ngoại vật. Khổng Dung phủ nhận quan hệ huyết thống tôn ty của Nho giáo. Ông nói con đối với mẹ như vật để trong bình, khi đẻ con là dốc bình để đổ vật ra, thì vật còn có quan hệ gì với bình ! Những lời lẽ “vô đạo” ấy muốn mở rộng cách hiểu, giải phóng tư tưởng ! Trương Hủ nêu cao tư tưởng “nhân sinh quý thích ý”, đã trở thành khẩu hiệu cho nhiều người mà sau này Nguyễn Công Trứ sẽ lặp lại. Lưu Linh chỉ thích rượu say. Nguyễn Tịch lên núi Quảng Vũ Sơn, nhìn chiến trường Hán Sở mà nói : “Thời đại không có anh hùng, khiến bọn nhãi ranh trở thành danh !”. Ông khinh cả Lưu Bang, Hạng Vũ. Khi mẹ chết, Tịch ăn hết một con lợn sữa, uống cạn hai vò rượu, nhưng khi mai táng thì đau đớn khóc đến nỗi thổ huyết ra ! Kê Khang thì “vượt danh giáo mà buông thả tự nhiên”, “chê Khang, Vũ mà coi thường Chu, Khổng”.

Đến đời Đường thương nghiệp phát triển, khoa cử mở mang đã tạo điều kiện cho cá tính giải phóng. Lý Bạch là nhà thơ có hoài bão lớn, gặp tiểu nhân gây trắc trở, ông đã tỏ ra khí phách ngông ngạo. Ông đã bắt Dương Quốc Trung mài mực, bắt Cao Lực Sĩ cởi giày, lấy rượu làm phương tiện giải thoát. Ông từng có câu thơ ngạo mạn : “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch – Chỉ hữu ẩm giả lưu kỳ danh”. Đỗ Phủ làm thơ về Lý Bạch lại có câu : “Thiên tử cho gọi chẳng lên thuyền, thưa, thần nhờ rượu đã thành tiên !”. Truyền thuyết nói “Lý Bạch mặc cẩm bào, chơi ở sông Thái Thạch, ngạo mạn tự đắc, không biết có ai, vì say rượu mà ngã xuống sông, bắt ánh trăng mà chết” đã nói lên cái ngông của ông.

Đến đời Minh, kinh tế hàng hoá càng phát triển, xã hội phong kiến thối nát, kẻ sĩ cấp tiến càng ý thức về sự ngột ngạt, càng có những biểu hiện ngông cuồng. Lý Trác Ngô (Lý Chất) coi khoa cử như đùa, ông đi thi nhại theo thời văn mà làm bài, thế mà cũng đỗ được cái cử nhân, được làm quan đang có cơ lên chức thì tự bỏ quan. Ông có câu nói khác thường : thuở bé bị thầy và gia đình quản lý, làm quan lại bị quan trên quản lý, về quê lại bị quan sở tại và tổ phụ mẫu quản lý. Ông đành bỏ nhà phiêu bạt là thoát khỏi cái thân bị cai quản ! Ông bất chấp dư luận nhận sự cung phụng của một bà quả phụ, lại viết thư từ bàn về Phật học với một bà quả phụ khác ! Ông công khai đi theo “dị đoan” là Lão và Phật. Ông nói từ Khổng Tử đến nay, vì lấy thị phi của Khổng Tử làm thị phi, cho nên đã không còn thị phi nữa ! Ông tiếp thụ cái buông thả tự nhiên của Trang Tử, tinh thần “chửi tổ, quát Phật” của đạo Thiền, xô đổ thần tượng, tôn thờ cá tính tự do và cũng hấp thụ cái tiến thủ của đạo Nho. Cuối cùng ông đã mượn dao cạo tự tử.

Kim Thánh Thán càng là một nhân cách ngông ngạo. Ông tự đặt tên mình là Thánh Thán, là lấy câu Khổng Tử “Thán viết” trong Luận ngữ, ngụ ý mình là Khổng Tử. Ông xem khoa cử như đùa. Trong bài thi, trước câu hỏi của đề bài: “Trước tiền bạc, gái đẹp, kẻ trượng phu có động lòng không”, ông viết liền một mạch 39 chữ “động”, ngụ ý “tứ thập nhi bất hoặc”, đến chữ thứ 40 thì không động nữa, giống như Khổng Tử từng nói. Thánh Thán rất thị tài, tự phụ, tự coi là đại tài, coi đời là một cuộc chơi, ông cho là ở đời nên “tận tính”. Tận tính là thế nào? Nghĩa là trời phú cho ta cái tính thế nào thì thể hiện ra bằng hết, thể hiện trọn vẹn, không che đậy, gò bó. Chọn Ly tao, Trang Tử, thơ Đỗ Phủ, Sử ký, Thuỷ hử, Tây sương kýlàm “sáu tài tử thư” và bình theo cách riêng của mình để phát triển ưu phẫn, xưa nay chưa từng có, đặc biệt ông còn dám cắt xén tác phẩm, đổi thay chi tiết cho hợp ý mình, tạo thành tác phẩm “của mình”. Thật là tự do phóng túng. Ông trở thành một hiện tượng lớn, độc đáo của phê bình văn học cổ Trung Quốc. Ông bị chết oan dưới lưỡi đao của quan lại nhà Thanh.

Các hiện tượng ngông ngạo trong lịch sử văn học Trung Quốc còn nhiều, còn có thể kể đến Từ Vị, Cung Tự Trân và nhiều người khác. Tư tưởng của họ đã khác nhiều với Trang Tử, nhưng họ đều yêu mến Trang Tử, chọn hành động siêu quần, khác tục, cao ngạo, khinh đời, đều đề cao tự do tự tại cho con người cá thể, buông thả tình cảm tự nhiên.

Các nhà thơ văn Việt Nam từ Nguyễn Trãi đã có yếu tố ngông, nhưng phải bước sang giai đoạn phong kiến suy tàn thì nhân cách ngông mới thực sự biểu hiện nhiều mặt.

Nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây Phêlích Kôn trong công trình Đi tìm cái tôi (1984) có nói : “Bất kể là người trung đại ý thức về chính mình như thế nào, thì anh ta vẫn cảm thấy mình là kẻ phụ thuộc ; phụ thuộc vào ai đó hoặc phụ thuộc vào cái gì đó (gia đình, dòng họ, quan địa phương, đất đai, công xã, giáo phận). Cảm giác phụ thuộc phú cho anh ta một tính xác định xã hội vững bền, nhưng điều đó cũng trói buộc khả năng cá thể và tầm rộng về thế giới quan của anh ta. Người trung đại cảm thấy mình là người đại diện cho ai khác, chứ không phải là chủ thể sống động. Cuối cùng, đối với người trung đại, bất cứ sự khác biệt và đổi thay nào vượt ra thường quy đều là điều không thể chấp nhận”. Đó là một nhận định có phần tuyệt đối hoá. Nếu cứ như thế thì lấy đâu ra hiện tượng Trang Tử? Nhà nghiên cứu A. Ja. Gurevich hiểu một cách khác: “Trở về thời trung đại chúng ta trước hết cần thấy rằng, chính trong thời đại này, khái niệm cá nhân được hình thành một cách trọn vẹn” (Nxb Giáo dục, Hoàng Ngọc Hiến dich, 1996, tr. 321).

Những tính cách ngông nêu trên rõ ràng là phá vỡ thường quy, thói tục, giải phóng cá tính, làm suy yếu cảm giác phụ thuộc để đưa con người lên ngôi chủ thể. Cho dù cái ngông về sau đã biến hoá thế nào thì vị tổ đầu tiên khơi dòng định lối chính là Trang Tử.

Triết học như là nghệ thuật chết


Costica Bradatan



Triết học đôi khi được hiểu như là “nghệ thuật sống” và quả thật, điều này đúng. Nhưng cũng có những lý do để tin rằng triết học có thể còn là “nghệ thuật chết”.


Chuyện này hiếm xảy ra, song khi xảy ra, nó thường phá vỡ tình trạng cân bằng, yên ổn của đời sống: nó thu hút sự chú ý của tất cả, trở thành chủ đề phổ biến của những thảo luận và tranh cãi nơi chợ búa hay quán rượu. Nó thôi thúc người ta phải lựa chọn lập trường, cãi vã và gây gổ. Đối với những thứ vốn được mặc định là kinh viện như triết học, những sự việc bùng nổ như thế quả là rất đặc biệt. Câu chuyện ấy đã xảy ra với Socrates, Hypatia, Thomas More, Giordano Bruno, Jan Patočka1 và một số người khác. Đối diện với một án tử hình không thể hủy bỏ – một vụ hành quyết trước đám đông sắp diễn ra hay phải chịu tra tấn cho đến chết -, những triết gia này thường thấy mình rơi vào một trong những tình huống nghịch lý nhất: là những kẻ yêu logic và sự lập luận duy lý, giờ họ bị buộc phải câm lặng bởi những thế lực tàn nhẫn; là những người tạo lập diễn ngôn chuyên nghiệp, giờ lại bị cấm sử dụng ngôn ngữ; là bậc thầy của tranh luận và phát hiện mâu thuẫn, giờ họ không thể tranh cãi được nữa. Vậy những triết gia này còn lại gì? Chỉ còn sự im lặng và sự hiện diện tuyệt đối của thân xác. Phương tiện biểu đạt duy nhất còn lại của họ chính là thân thể họ – mà lại là những thân thể đang đi đến sự chết.

Tình huống này có sự mai mỉa của nó. Có một tập quán hình thành từ lâu ở các triết gia thuộc nhiều dòng phái khác nhau: anh phải thể hiện một thái độ coi thường nhất định đối với thân thể. Trong truyền thống, ít nhất là trong triết học phương Tây, thân thể, trừ một vài biệt lệ rất ít ỏi, thường được xem là thứ có địa vị thấp kém hơn so với tinh thần, trí tuệ hay tâm hồn – nó là lãnh địa của “xác thịt”, vùng của cái không thể hiểu nổi, của những bản năng mù lòa với những động cơ không trong sạch. Và đây là những triết gia bị kết án: không có lời nói, họ chỉ còn cái thân đang đi đến sự chết để biểu đạt chính mình. Người ta có thể châm biếm một cách chua chát: cuối cùng thì thân xác cũng có cơ hội để báo thù các triết gia.

Nhưng trước hết, làm thế nào họ lại đi đến tình trạng ấy? Dường như có một số triết gia yêu thích và tuyên ngôn một số ý tưởng nào đó thôi thúc họ phải sống theo một cách nào đó. Tuy nhiên, đôi khi cách sống của họ dẫn họ đến một tình huống buộc họ phải lựa chọn giữa việc trung thành với ý tưởng của họ hoặc phải khước từ chúng. Trường hợp đầu có thể được dịch là “chết cho tư tưởng”, trong khi trường hợp sau không đơn thuần chỉ là sự từ bỏ một cách sống của triết gia mà, một cách hàm ẩn, hành động đó còn là sự phi hiệu lực hóa những triết lý đã gợi cảm hứng cho cách sống mà họ từng lựa chọn. Điều này có lẽ là một trong những lựa chọn nghiệt ngã bậc nhất. Theo nghĩa đơn giản hơn, tình huống này có thể tóm tắt lại thành nan đề sau: nếu anh quyết định trung thành với tư tưởng của mình, anh sẽ không còn tồn tại nữa. Cái chết của chính anh sẽ là cơ hội cuối cùng để đưa tư tưởng của anh vào thực tế. Mặt khác, nếu anh lựa chọn “phản bội” tư tưởng của mình (và có lẽ cả chính bản thân anh nữa), anh sẽ sống nhưng không còn niềm tin nào để sống.

Tình huống mà triết gia đối mặt với chọn lựa như thế là cái thường được gọi là “tình huống giới hạn” (limit situation). Song giới hạn này đâu chỉ liên đới với riêng mỗi cuộc đời của nhà triết học không thôi; theo một nghĩa quan trọng, đó chính là giới hạn của bản thân triết học, một ngưỡng nơi triết học gặp gỡ với kẻ khác nó (tức những gì không phải là triết học) và trong quá trình này, nó được đặt vào thử thách.

Từ rất lâu trước khi bị đặt vào tình huống lựa chọn như thế nhờ “sự tử tế” của các cơ quan an ninh chính trị tại Tiệp Khắc năm 1977, Jan Patočka có lẽ đã trực cảm được giới hạn này khi nhận định rằng “triết học đã phát triển đến giai đoạn mà việc nêu những câu hỏi và trả lời chúng, cho dù với nguồn năng lượng cực đoan nhất, cũng sẽ là không đủ; nhà triết học sẽ không đi thêm được bước nào nếu như ông ta không có khả năng đưa ra một quyết định.”2 Quyết định ấy cho dù có thể mang ý nghĩa nào đi nữa trong những ngữ cảnh khác thì hàm ý của Patočka cho cuộc thảo luận này không hề mập mờ. Có một điểm mà vượt qua nó, triết học, nếu không muốn đánh mất khuôn mặt của mình, phải biến thành một cái gì khác: màn trình diễn. Nó phải vượt qua bài kiểm tra ở một mảnh đất xa lạ, một địa hạt vốn không thuộc về nó. Vì bài kiểm tra cuối cùng của nền triết học của chúng ta được diễn ra không phải trong phạm vi của những hoạt động mang tính duy lý nghiêm ngặt (viết, dạy, giảng bài), mà ở chỗ khác: trong sự đối đầu dữ dội với cái chết của chúng ta như một loài thú. Giá trị của triết lý mà một người nào đó xác lập, nếu nằm ở đâu đó, sẽ bộc lộ chính nó ở màn trình diễn của người ấy khi trực diện với cái chết của bản thân mình, qua đó, chúng ta sẽ nhận ra liệu những tư tưởng ấy có ý nghĩa quan trọng nào không hay hoàn toàn phù phiếm. Hãy nói cho tôi biết anh đối diện với nỗi sợ hư vô của mình như thế nào, tôi sẽ nói cho anh về triết lý của anh.

Hơn nữa, cái chết là một sự kiện khủng khiếp, nỗi sợ chết là một tâm lý phổ quát đến nỗi mời mọc nó bằng ý niệm về sự trung thành với tư tưởng của ai đó là một điều cùng lúc vừa hấp dẫn và vừa bất an. Những người làm được điều này là những kẻ mang một khí tiết lạ lùng, một đặc trưng dường như không thuộc về con người; tất cả chúng ta đều đứng trước họ kính nể. Cùng với điều này, xuất hiện một hình thức quyền năng mới. Đó là lý do vì sao, sự tuẫn tiết của một người nào đó (có ý nghĩa như một sự phản kháng chính trị), chẳng hạn, lại có thể có những hiệu ứng về xã hội và chính trị rộng lớn, như ta vừa mới chứng kiến gần đây ở Tunisia, khi người thanh niên 26 tuổi, Mohamed Bouazizi3, tự thiêu. Đó cũng là lý do vì sao cái chết của những triết gia – những người lựa chọn chết cho một tư tưởng lại sớm trở thành phần quan trọng trong trước tác của họ. Trên thực tế, những cái chết của họ thường trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với chính sự sống của họ. Tại sao Socrates lại là một hình tượng quan trọng và nhiều ảnh hưởng như thế? Phần lớn là vì tình huống và cách ông đi đến cái chết. Có thể ông chưa từng viết cuốn sách nào nhưng ông đã kiến tạo nên một trong những cách kết thúc nổi tiếng nhất của mọi thời đại: kết thúc chính sự sống của mình. Bất cứ văn bản triết học nào cũng nhợt nhạt hơn nếu đem so sánh với kết cục ấy. Những trước tác của Hypatia giờ cũng không còn lại: tuy nhiên, màn trình diễn cái chết gây xúc cảm mãnh liệt, tuy thụ động, của bà hồi đầu thế kỷ V vẫn không thôi hấp dẫn chúng ta. Một học giả hiện đại, Maria Dzielska, đã hình dung lại làm thế nào mà từ sự xúi giục của trưởng lão Cyril (sau này được giáo hội phong thánh), một số tín đồ Cơ đốc giáo nhiệt thành ở Alexandria đã khiến bà trở thành người nối tiếp truyền thống tử vì đạo kể từ Socrates:

“Vụ hành quyết trước đám đông diễn ra vào một ngày tháng Ba năm 415, năm thứ 10 dưới thời trị vì của Honorius – Hoàng đế Tây La Mã và là năm thứ sáu dưới thời Hoàng đế Theodosius – Hoàng đế Đông La Mã, đúng thời điểm của mùa chay. Hypatia đang trên đường trở về nhà… sau cuộc đi chơi bằng xe ngựa quanh thành phố như thường lệ. Bà bị người ta lôi khỏi xe ngựa và bị kéo lê đến nhà thờ Caesarion… Tại đó, họ xé váy áo của bà và giết bà bằng cách ném túi bụi “những mảnh đá gốm vỡ” vào bà… Sau đó, họ lôi xác bà ra ngoài thành phố, đến một nơi được gọi là Kinaron để thiêu trên giàn hỏa.”4

Một trong những mô tả về cái chết của Giordano Bruno cũng gây ấn tượng khốc liệt không kém. Biên niên sử ở thời ấy (Thông cáo của thành Roma, 19 tháng Hai, năm 1600) còn ghi: “Vào ngày thứ Sáu, tại Campo di Fiore, người ta đã thiêu sống một tu sĩ dòng Anh Em Thuyết Giáo, người xứ Nola, một kẻ dị giáo cố chấp; lưỡi của y bị làm cho bất động [con la lingua in giova] vì những điều ghê tởm mà y đã nói ra, y ngoan cố không nghe những người khuyên giải cũng như bất cứ ai khác.”5

Con la lingua in giova! Khó có thể tìm được một minh họa nào tốt hơn cho cái gọi là “bịt miệng đối thủ”. Tôi không có ý định công kích Tòa án Giáo hội ở đây, chỉ là tôi thấy rằng đôi khi họ có xu hướng hiện thực hóa diễn ngôn của mình theo đúng nghĩa đen.Phải thừa nhận rằng “chết cho một tư tưởng” là sự kiện hi hữu. Lạy Chúa, các triết gia không thường xuyên bị đẩy vào chỗ chết như vậy. Tuy nhiên, tôi cần phải nói thêm ngay: tuy hiếm hoi, hi hữu như thế, tình huống này không phải là một giải thuyết. Những chuyện như thế đã từng xảy ra và sẽ còn xảy ra. Theo một nghĩa nào đó, khả năng cái chết của một người nào đó có mối liên hệ với suy nghĩ của người ấy chính là hạt nhân trung tâm trong định nghĩa của phương Tây về triết học. Khi Socrates phát biểu trong tác phẩm Phaedo của Plato rằng triết học làmelete thanatou – tức sự thực hiện cái chết một cách mạnh mẽ – có thể ông không chỉ muốn khẳng định mục đích của triết học là giúp chúng ta thích ứng tốt hơn với sự hữu tử của con người, mà còn muốn nói thêm: những người thực hành triết học nên hiểu những nguy cơ của lĩnh vực này. Mà rốt cuộc, định nghĩa về triết học này lại bắt nguồn từ một người bị buộc tội chết bởi những tư tưởng mà ông ta biểu đạt, nó được nói ra trước khi ông bị hành hình mấy tiếng đồng hồ. Bài học gì ư? Phải chăng để trở thành một triết gia, còn hơn cả việc sẵn sàng “chịu đựng” cái chết, người ta còn phải biết chấp nhận nó một cách thụ động ở một thời điểm nào đó không xác định trong thời gian? Nó cũng có thể đòi hỏi người ta phải biết khiêu khích cái chết của chính bản thân mình, gặp gỡ nó – theo cách nào đó – ở giữa đường. Đó chính là sự làm chủ cái chết. Triết học đôi khi được hiểu như là “nghệ thuật sống” và quả thật, điều này đúng. Nhưng cũng có những lý do hay để tin rằng triết học có thể còn là “nghệ thuật chết”.

“Chết cho một tư tưởng” là cái chết của những kẻ tử vì đạo, những nhà triết học chết cho tư tưởng. Tuy nhiên, sự tuẫn tiết cho một tư tưởng không chỉ cần đến cái chết, cho dù có thể rất vĩ đại, của một người nào đó là đã đủ. Chết mới chỉ là một nửa công việc; còn nửa kia là đan dệt một câu chuyện hay về cái chết, về người chết và phải tìm một công chúng cho câu chuyện ấy. Cái chết của một triết gia có thể sẽ không có ý nghĩa nếu như không có người kể chuyện phù hợp, cũng như nếu không gợi được sự day dứt lương tâm của công chúng đón nhận. Một cảm thức dằn vặt tập thể có thể tạo ra những điều phi thường mà một tự sự về một bậc thánh tử vì đạo sắp xuất hiện thường trông đợi. Tôi đã từng có một bài viết nói về tầm quan trọng của nghệ thuật kể chuyện và ký ức tập thể đối với việc kiến tạo những huyền thoại tuẫn tiết vì chính trị. Điều này về cơ bản cũng đúng với những triết gia chết cho tư tưởng. Theo nghĩa nào đó, họ thôi không còn là những con người bằng xương bằng thịt nữa mà trở nên giống như những nhân vật văn chương; những câu chuyện của họ, nếu muốn có hiệu lực, phải tuân theo những luật lệ nhất định, vừa vặn với một thể loại nhất định, đáp ứng những nhu cầu nhất định. Chắc chắn có những sử gia luôn tìm cách xác lập các “sự thực”. Tuy nhiên – tạm thời chưa nói đến việc chép sử, mà như Hayden White từ khá lâu đã chỉ ra, tự nó đã là một hình thức văn chương – những “sự thật” bất lợi hiếm khi có khả năng thách thức được các tự sự thống trị ý thức của đại chúng.

Những tác giả thời Khai Sáng và sau này là các học giả nữ quyền luận ở thế kỷ XX đóng một vai trò lớn trong việc xây dựng hình ảnh Hypatia như một triết gia “chết cho tư tưởng”. Rất nhiều tác giả phản đối tầng lớp tăng lữ và các trí thức cộng đồng cũng đã làm điều tương tự đối với Bruno, cũng như Václav Havel đã làm đối với Patočka6. Tuy nhiên, người kiến tạo hình ảnh triết gia-kẻ tuẫn tiết vì tư tưởng gây ảnh hưởng mạnh nhất cho đến giờ vẫn là Plato. Không phải chỉ vì ông đã xây dựng hình ảnh Socrates như là biểu tượng nguyên mẫu của kiểu triết gia chết cho tư tưởng mà trên thực tế, ông còn là người phát kiến thể loại. Nhìn vào cách Plato diễn dịch lại trường hợp của Socrates, chúng ta có thể tìm thấy hầu hết những thành tố của một câu chuyện hay về sự tuẫn tiết cho tư tưởng: một nhân vật chính, người tự cam kết sống một cuộc đời đạo đức và tìm kiếm những minh triết, do đó, xung khắc với cộng đồng của mình; nhân vật đó sẵn sàng chết cho tư tưởng của mình hơn là chấp nhận những mệnh lệnh của đám đông lầm lạc; một môi trường chính trị thù địch được đặc trưng bởi tinh thần thiếu khoan dung và thiển cận; một tình huống khủng hoảng leo thang thành một chuỗi các sự kiện kịch tính; cao trào của nó mang hình thức của một phiên tòa xử công khai và nhân vật phải đối đầu với đám đông điên cuồng; và cuối cùng, cái chết anh hùng, dẫu bất công của nhân vật, sau đó là sự phong thánh dành cho ông ta.

Xa hơn điều này, trước tác của Plato rõ ràng còn định hình hành vi thực tế của con người khi đối diện với một lựa chọn tương tự như của Socrates. Thí dụ, Thomas More, ngay trước khi bị chém đầu, đã nói: “Ta là người tận tụy với Nhà vua, nhưng hơn hết ta tận trung vơi Chúa”. Câu nói này hiển nhiên quy chiếu đến những lời của Socrates trong phiên tòa xét xử ông, như những gì được ghi lại trong tác phẩmApology: “Thưa các quý vị, tôi là kẻ tận tụy, trung thành đối với các người nhưng tôi vâng mệnh Thượng Đế hơn là vâng mệnh các người.”

Ôi, những triết gia này – họ thậm chí còn không thể chết nếu như không đưa ra một quy chiếu về chữ nghĩa thật xác đáng! Ngay khi nói lên những lời cuối cùng trước khi chết, rất có thể More đột nhiên nhận ra những gì ông sắp sửa làm có vẻ không “thật” như ông muốn nó phải thế; cứ như thể có một cái gì đó “phi thực” – thế giới hư cấu, thế giới của những cuốn sách ông đã từng đọc – giờ len vào chính sự tử đạo của ông. Chắc chắn, chết, tự nó, là một kinh nghiệm thật đến tàn khốc, có lẽ là kinh nghiệm tàn khốc nhất. Thế nhưng, tôi lại e More đã đúng: chết cho một tư tưởng không bao giờ mang một hình thức thuần khiết. Bao giờ cũng thế, một phần nó là hiện thực, một phần nó là hư cấu (theo một tỉ lệ không được biết). Cũng như mọi thứ khác ở đời.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “Philosophy as an Art of Dying”, http://opinionator.blogs.nytimes.com/2011/06/12/philosophy-as-an-art-of-dying/?_r=0

———————————————————————-

Chú thích:

1. Jan Patočka (1907-1977), nhà triết học quan trọng hàng đầu của trường phái Hiện tượng học Czech. Ông đồng thời còn được ghi nhận như là một trong số những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX. Jan Patočka đồng thời còn là một trong số những người khởi xướng Bản Hiến chương 77.

2. Trích từ cuốn sách Vaclav Havel của Eda Kriseova, Caleb Crain dịch sang tiếng Anh (New York: St Martin’s Press, 1993), trang 108

3. Mohamed Bouazizi (1984-2011), một người đàn ông Tunisia bán dạo trên đường phố, đã tự thiêu ngày17-12-2010 để phản đối chính quyền tịch thu hàng hóa đồng thời có những hành vi xúc phạm, lăng nhục nhân cách của anh. Hành động tự thiêu của anh đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng Tunisia và Mùa xuân Ả Rập.

4. Dzielska, Maria, Hypatia of Alexandria, bản dịch tiếng Anh của F.Lyra (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1995), trang 93.

5. Firpo, Luigi, Il Processo di Giordano Bruno (Salermo Editrice: Roma, 1998), trang 335-6.6 Václav Havel (1936-2011), được biết đến như một chính trị gia, triết gia, nhà văn người Czech. Ông là lãnh tụ của phong trào Cách mạng Nhung và là người đứng đầu Diễn đàn Dân sự tại Tiệp Khắc cuối thập niên 1980. Havel sau đó đã được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ và sau đó là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech khi Czech và Slovakia chia tách thành hai quốc gia độc lập từ 1993 đến 2003.

Jan Patočka được xem là người có ảnh hưởng quan trọng đến tư tưởng của Václav Havel, đặc biệt là những phân tích của ông về hệ thống hậu toàn trị, điều có thể thấy rõ trong tác phẩm chính trị quan trọng nhất của Havel sau này – Quyền lực của Không quyền lực. Havel về sau đã nói về người thầy, cũng là người đồng chí của mình, người cùng khởi xướng Hiến chương 77 : “Hiến chương 77 và tất cả những gì diễn ra sau đó, toàn bộ phong trào đối lập của chúng tôi dẫn đến cái được gọi là Cách mạng Nhung và Diễn đàn Dân sự chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những nền tảng tinh thần và đạo đức mà giáo sư Patočka đã xác lập. Ông mất không lâu sau khi Hiến chương 77 được ra đời nhưng chất “phóng xạ” của nhân cách Patočka thì sống mãi với nó.”

..:TÔI VẪN ĐỢI CHỜ:..


Tác giả: Xuân đức








Tôi vẫn đợi chờ
Một điều gì đó...
Từ xoay vần vũ trụ?
Từ thế sự nhân gian?
Từ đức tin?
Hay cõi tục trần?

Tôi không biết, nhưng tôi vẫn đợi
Con tim vẫn nhói thắt từng canh
Giấc ngủ vẫn chập chờn
Ai cho tôi giấc mơ hoải cố?

Với tôi, tất cả đã trở nên lặng lẽ
Chuyến tàu muộn đi qua trút lại hồi còi
Lòng tôi- một cõi ga khuya.



Mà sao tôi vẫn đợi
Bất ngờ có thể tiếng còi tàu
Có thể bất ngờ ai đó cất tiếng chào
Chào ai cũng được
Không nhất thiết là tôi.
Miễn sao ga xép này vẫn còn có ai...

THÁNG TƯ


THÁNG TƯ - thơ Đan Thụy





Đan Thuỵ


Nắng tháng tư mượt mà như con gái
Rắc hạt vàng trên Dạ Yến Thảo hoa
Em tất bật giữa bộn bề cuộc sống
Lòng vững tin chắp lại những tháng ngày...


***
Tháng tư về ai có còn đón đợi!
Những ngập ngừng, e thẹn, bâng quơ...
Chú bướm xinh chao nghiêng ngày nắng mới
Chim sáo hồn nhiên vui hót mùa về


***
Tháng tư về mênh mang chồi lộc biếc
Rộn ràng bên cánh Phượng tiếng ve ngân
Em nhặt gió gửi theo chiều mong đợi
Giữ vững niềm tin chắp cánh cho đời


***
Tháng tư về cơn mưa rào bất chợt
Gió lao xao mời gọi những hẹn hò
Thảm lúa đồng xanh đang thì con gái
Mơ một mùa vàng trĩu hạt nặng bông



Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh Cosinco
Hoà Thành - Tây Ninh
Email : damhaitn@gmail.com

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Từ nay khép lại



Phạm Thanh Chương








“…Những hẹn hò từ nay khép lại
thân nhẹ nhàng như mây… (TCS)”


Khi những bông hoa ném xuống huyệt mộ và tiếng kèn trumpet trỗi lên… tôi mới thực sự nhận ra rằng từ nay người bạn thân của mình không còn trên cõi đời này nữa“. ..bao nhiêu năm làm kiếp con người… chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vội chết một ngày…” TCS

Dẫu biết rằng trong cuộc sống tạm bợ này, chúng ta chỉ có thể cùng nhau đi chung một đoạn đường, dù đồng hành ngàn dặm rồi cũng phải chia tay, nhưng sự ly biệt nào cũng để bao nỗi ngậm ngùi cho người ở lại.

Tôi thức dậy từ lúc trời còn mờ tối để chuẩn bị đi đưa người bạn thân về

“ nơi an nghỉ cuối cùng”. Khi lên xe tiễn bạn tôi một quảng đường khá dài, tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ lác đác dăm ba người bạn cũ… sao lại thế nầy? Sinh thời, anh giao du rộng rãi, bạn bè rôm rả đầy nhà trong những lần họp mặt, nhưng khi tiễn anh lần cuối trong kiếp sống thì… sao lại thế nầy?.

Người bạn thân ngồi cạnh tôi nhắc lại một câu trong bản nhạc của Vũ Thành An “…khi lìa trần có mấy người đưa…” có lẽ người nhạc sĩ tài hoa này cũng đã bao lần chứng kiến những cảnh đời như vậy nên mới viết lên những từ thấm thía ấy chăng?

Cuối cùng rồi, dù mau hay chậm, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải lần lượt rời bỏ thế gian đầy sầu muộn và bất trắc này để bước qua chiếc cầu mà không một ai muốn đến :

“ Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau…”

Nguyễn Du

Xe chạy xuyên qua những cánh rừng cao su để ra lộ chính trở về thành phố, nỗi buồn tràn ngập trong mắt mỗi người, từ nay những lần họp mặt, những hẹn hò với anh sẽ khép lại. Anh nằm đó, đời đời yên nghĩ và sẽ không bao giờ còn găp lại anh.

Ngày mai, mỗi người lại bận rộn, tất bật với cuộc sống của riêng mình, những đau buồn, thương nhớ rồi cũng sẽ nguôi ngoai, nhưng tôi sẽ mãi mãi giữ lại hình ảnh trong đó có niềm vui, hạnh phúc xen lẫn những nỗi buồn man mác mà bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, kỷ niệm dịu dàng… của một quảng đời thân yêu cũ.

Sài Gòn vẫn như mọi ngày, trên đường phố người ta vẫn chen chúc, hối hả với việc mưu sinh dưới cái nắng oi ả, ngột ngạt của những ngày sắp vào hè. Tiếng còi xe làm tôi chợt tỉnh và nhận ra mình đang cùng dòng người lưu thông trên đường đầy ắp xe cộ, cây lá hai bên loang loáng dưới ánh nắng, tôi nhìn những chiếc nón lô nhô trước mặt, không biết họ đang nghĩ gì? Nhưng chắc chắn sau những niềm vui, người nào cũng sẽ mang theo một nỗi buồn hoặc âu lo bên cạnh. Cuộc sống vốn dĩ là như vậy, không thể có một điều gì toàn vẹn.

Con đường còn mịt mờ phía trước, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra ở ngày mai, nhưng chắc chắn một điều là ngày mai vẫn đến, mặt trời vẫn lên, gió vẫn len lỏi qua từng tàn lá, vòm cây trên đường phố và người ta vẫn tất bật vì cuộc sống trong mọi ngã ngách của thế gian đầy những đau thương và sầu muộn nầy.

Chữ




Trần Băng Khuê








Những mẩu giấy quắt lại, đông cứng như băng lạnh. Những con chữ vỡ tung, văng ra thành các miểng nhỏ lấp lánh tựa hồ kim cương. Thanh điệu trồi rồi lại sụt, hoặc thi thoảng lưng lửng trôi ngang một cách vô định, bất lực.

Tất cả đều có sức nặng, sức rơi và dễ vỡ. Ấy vậy, chúng vẫn phải chịu đựng thứ cảm giác không được vang lên cái âm thanh vốn dĩ thuộc về tự nhiên. Chúng muốn được va chạm vào vật cứng, chẳng hạn một cái nền xi măng tương ứng, chỉ để được vọng lên một tiếng "xoảng".

Ai cũng tranh nhau vẽ chữ, dàn xếp chữ, nối chữ thành hàng, thành lũ, thành đống. Chữ ngập ngừng nơi đầu ngọn bút chảy mực hơi đậm màu. Tắc. Nghẹn. Bôi đen. Chữ như cục ghèn trong con ngươi đã mờ đục vì tuổi gìa sức yếu.

Có khi nào chữ chết. Chết kiểu gì? Chết ra làm sao? Chết như thế nào? Chết có được như ý muốn của chữ hay không? Những dấu hiệu bám vào chữ để thành vần thi thoảng cố tình né tránh, muốn làm một cuộc biến loạn để được rời xa, để được là chính mình. Nhưng, sự thật đúng là: rất khó, không thể nào, chẳng thể nào được như ý. Chữ cũnh thường bị giam cầm trong những bức tường bọc kín...

Tôi thử đo lòng can đảm của mình ở đây, bằng cách này: Tôi sẽ cầm mẩu giấy đã đông cứng lên và quẳng nó xuống nền đá lạnh. Chữ sẽ thoát ra. Chữ sẽ được vỡ. Chữ sẽ được hát ca những cung lời riêng biệt của mình. Và, chữ sẽ chẳng bao giờ phụ thuộc vào bất cứ điều gì nữa, kể cả một vài người thích chơi trò xếp chữ, bắt chữ lao động quá sức.

Tôi quyết định thế. Chữ sẽ được tự do. Tôi rồi cũng sẽ được tự do.

Có vài kẻ rảnh rỗi tính bon chen, ngăn cản. Tôi nhanh tay ném mẩu giấy xuống rồi bật cười ha hả sung sướng. Âm thanh rơi trên nền đá lạnh vụn ra, nổ tanh tách như củi lửa mùa hạn. Chữ từ trong miệng tôi cũng đang rớt dần và vỡ tan như mẩu giấy thủy tinh đó.

Việc dũng cảm đầu tiên mà tôi sẽ làm trong đời có lẽ là buông tay, để chữ được rớt xuống. Vỡ tan thành những miểng, những vụn, những bụi, những khí, kể cả những hoang vu sơ khởi. Chữ vốn thuộc về tự nhiên. Chữ cũng cần được bay nhảy nhiều hơn. Chữ không cần đến sự sắp xếp, níu buộc.

Tôi lại muốn làm thêm một việc nho nhỏ đêm nay. Chỉ là đứng ngắm những mẩu giấy đã vỡ, những kí tự của chữ đang tự lắp ghép trong cái khuôn hình riêng của nó. Bằng đôi mắt chưa kịp đọng ghèn của tuổi trẻ, tôi muốn chữ phải được tự do sắp xếp và hình thành nghĩa của riêng mình trong không gian đẹp tuyệt vời này. Ít ra, tôi vẫn thấy đôi mắt mình thật may mắn vì nó vẫn sáng, vẫn đều đặn nhìn thấy những bức tường chứ không phải là một bầy sương mù khuất mặt trong một buổi sớm nào đó trên đỉnh núi...


(...)
Hôm qua, chữ làm một đi, một cuộc rơi-vỡ, một cuộc đào thoát. Chữ vui vẻ, hớn hở lâng lâng như đứa trẻ sơ sinh mới mở mắt chào đời.

Tôi chẳng biết ngày mai, chữ sẽ ra sao nếu trổ cờ, trổ mã lớn lên? Có lần gặm chữ trên màn hình máy tính, tôi nghe xon xót trong lòng. Chữ lại tiếp tục bị nhốt. Kín bưng. Muốn nhảy tưng tưng lên cũng chẳng dễ. Trừ phi, người ta ném cả chiếc máy tính xuống nền đá lạnh.

Hóa ra, bây giờ tôi mới biết, còn nhiều ngục tù hơn thế. Chữ nằm trên trang giấy quặn mình buông thõng xuống đất rồi hát bài hát rơi vỡ tự do. Chữ nằm trong chiếc máy tính kia và những lập trình như một mê cung đang lặng lẽ ngước nhìn. Tôi muốn giải thoát cho chữ. Nhưng, ngoái lại thấy phía sau mình có vài cái bóng đuổi theo sát gáy. Hơi lạnh tỏa lan. Sương đã tan. Chữ không thể khóc. Chữ không thể cười. Chữ không thể rơi. Chữ không thể và không thể cất nên lời.

Tôi ru hời giữa đêm khuya, mong chữ ngủ ngon giấc trong căn phòng giam kín mít. Ngọn đèn phảng phất bóng chữ trên chiếc máy tính, trong cả cơn mơ dang dở đuổi theo tôi. Những niềm tin đang chết dần. Những bóng dáng thần kì vĩ đại đầy ảo ảnh từ xa xưa đang chết dần, chết dần. Tôi nghe chữ thì thầm bên tai: "bạn đừng thần tượng bất kì ai, hãy nghe chính bản ngã của mình lên tiếng". Chữ cảnh báo hay chữ đã biết. Chữ là kẻ cuối cùng nắm giữ tất thảy mọi bí mật ở trên thế gian này?

Tôi muốn cầm con dao rọc giấy, rọc từng con chữ như rọc từng lóng mía ngọt lịm. Nhưng, sao lại có vị đắng đang lan tỏa trên đầu lưỡi của tôi?

Hình như sáng nay, tôi vừa nhấm nháp mấy giọt cafe quen thuộc hàng ngày. Tôi nghĩ trong vị đắng của nó sẽ tìm ra những kí tự đã từng vỡ vụn từ lâu lắm rồi.


(...)

chỉ đến một lần



Khaly Chàm

tặng bạn bè VHNT Quảng Trị



chỉ đến một lần đứng ngắm dải Trường Sơn
những mộ chí trên đồi cao nghe gió hát
cũng quá đủ để khắc vào hồn ta phiêu bạt
ngậm ngùi sao? Nào dám vẫy tay chào

chỉ đến một lần mới hiểu hết nghĩa thương đau
từng lớp ra đi - đừng bảo rằng ly biệt
bạn bè ơi! Hãy ngâm: “cổ lai chinh chiến…”
nghe đất hồi sinh hơi thở nồng nàn

chỉ đến một lần chạm mặt với Hiền Lương
sông đang nói với ta lời thân ái
tạm biệt nhé hai bờ Bến Hải
con nước hiền trôi hòa vào biển khôn cùng

chỉ đến một lần cảm nhận đất Miền Trung
mưa lất phất rượu mấy tuần chưa đủ ấm
xin cảm ơn bèbạn ta hào phóng
người Miền Trung vai oằn nặng gánh hai Miền…

Nỗi cô đơn ngạo nghễ



Ngưng Thu




Từ anh bước phía đường trăng hực hở
Bỗng nghe mùa đẫm ướt nỗi niềm riêng
Rồi cũng mặc thiên hà khi mờ tỏ
Mặc tâm tư ngồi đếm những ưu phiền.

Hôm chiếc lá nhảy vào sông tự tử
Đêm vô tình cơn gió thoảng bay đi
Mưa ngả ngớn hiểu gì âm mùa vọng
Rả rích rơi làm rụng đóa xuân thì.

Ngày có phải cứ mang màu nắng úa ?
Rót thầm thì đêm đổ bóng hoang vu
Mà cũng lúc dạ sương buồn nguyệt tận
Khiến cho lòng băng giá buổi tàn thu.

Năm tháng vọng xuống đời âm rất lạ
Khúc bình yên rung chạm cả phím ngừơi
Nỗi cô đơn cũng chừng như ngạo nghễ
Thả tâm hồn phiêu lãng bến xuân chơi.

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

hàng về Sài Gòn ( Bảo)


Sự Huyền Diệu Của Tình Yêu









N g u Y ê n


Tuổi trẻ săn đuổi tình yêu như săn đuổi báu vật.
Đôi khi phải đánh đổi những gì quí giá nhất, kể cả cha mẹ anh em, kể cả sự nghiệp công danh.
Có người chịu đổi luôn cả tính mạng.
Khi có được tình yêu, sẽ bắt đầu tìm kiếm sự huyền diệu của nó, gọi đó là bí mật hoặc kho tàng.
Mỗi người, hoặc phải chấp nhận một tình yêu, hoặc đi tìm một tình yêu vừa ý, hoặc đến cuối đời vẫn không thật sự yêu.
Tìm tình yêu, không mấy ai thấy.
Người đi tìm, lúc đầu, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Tìm khốn khó, tìm cạn lòng, thấy núi không phải núi, thấy sông không phải sông. Tìm khổ nạn, tìm thất vọng, tìm không cùng.
Một hôm có người thấy được, núi đúng là núi, sông đúng là sông (*). Núi không giống núi lúc đầu nhưng là núi. Sông không giống sông lúc đầu nhưng là sông.
Cũng như mọi người, anh đi tìm tình yêu, thấy núi tưởng sông; thấy sông gọi là núi.
Cho đến một hôm, anh tìm thấy: Tình yêu không phải báu vật, không phải kho tàng. Nó bình thường như bữa cơm, phải có đều đặn; tầm thường như nước uống, phải có mỗi ngày, cần thiết như giấc ngủ, phải có mỗi đêm.
Anh tìm thấy sự huyền diệu của tình yêu chính là sống thật sự lúc yêu em.

Ghi: (*) Trích và dựa truyện Thiền.

ký ức và hộp sọ mới



nguyễn thùy song thanh





Không còn không gian cũ
Dưới mái nhà xưa
Ảo giác về đâu trú ngụ

Em nhớ khói thuốc vờn ria
Hương lam ấp ủ
Dáng anh con cọp ngoan ngồi viết
Ngồi ở đâu. Bàn viết đâu còn

Em nhớ những lần anh vào bếp
Thần tốc nấu cơm em ăn
Nấu ở đâu. Nhà bếp đâu còn

Em nhớ có khi chúng ta nằm bên nhau
Rì rầm cãi cọ
Chỉ em nhịn thua. Chỉ anh dỗ
Nằm ở đâu. Phòng ngủ đâu còn

Em nhớ bộ tướng anh dính đầy thơ
Đứng chờ em đầu ngõ
Đêm đêm tan trường về
Đứng ở đâu

May quá đầu ngõ vẫn còn kia
Cây dầu già vẫn ngang tàng giữa lối ám
Thả vạn cánh dù xòe kè gió bay nghiêng

Không lẽ
Chỗ anh ở bây giờ chỉ là con ngõ cổ thụ không tên

Điều không thể
Nó làm em đau khổ
Lẩn quất đâu đây nỗi nhớ
Không còn chỗ hiển linh


Dưỡng sinh Năng lượng


 Mỗi người trong chúng ta đều có một năng lực tiềm ẩn mà chúng ta chưa biết đến nên chưa có cơ hội để khai thác. Các tiềm năng này ở một số người đã được sử dụng mà không mảy may ý thức được. Thường đa số chúng ta không nhận ra nó bởi trực giác còn mơ hồ mà chỉ ở một số người phát hiện được khả năng này. Mục đích của Học Viện Nghiên Cứu Tâm lý (Institut détudes psychiques - Houston, Texas, USA) nhằm làm sáng tỏ các khả năng đặc biệt của con người
Cuộc nghiên cứu của chúng tôi giúp chứng minh rằng nhờ trung gian của một chất thể vật lý do cơ thể quản lý mà các khả năng này sẽ được hiện ra nhờ tập luyện. Đó là chất thể mà chúng ta gọi là “Năng lượng thể hào quang “Nội lực tự sinh“, cũng là loại chất thể mà các “yogi” gọi là “Prana”, các môn đồ của giới võ thuật gọi là “Khí” và các liệu pháp tâm lý gọi là “Năng lượng sinh học – Bio-Énergie”.
Mọi sinh vật đều tự sản sinh năng lượng nội tại. Năng lượng Sinh học là căn bản đối với mọi hoạt động sống và tham gia vào tất cả các giao tiếp giữa các vật thể với con người. Năng lượng sinh học là một chất liệu cụ thể, một cái trụ chống đỡ tinh vi, nhẹ nhàng và phân tán mà con người có thể tập hợp và tạo thành hình ảnh giúp cho các giác quan của con người có thể cảm nhận được. Năng lượng sinh học hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Sự cảm nhận và kiểm soát được năng lượng sinh học rất cần thiết cho sự phát triển hài hoà khả năng của năng lượng tinh thần.
Muốn phát triển tiềm năng nội tại, điều cần thiết phải tập luyện, biết sử dụng nó một cách có ý thức để có thể làm chủ được Năng lượng nội tại (năng lượng ý thức). Tất cả điều này có thể thực hiện được khi sự tự chủ (thần khí) được thực hành liên tục và chính xác. Cần luyện tập và trau dồi tài năng trên các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, tư duy nhằm làm thăng hoa một cách trọn vẹn.
Học Viện Nghiên Cứu Tâm Lý cho biết rằng sự phát triển các khả năng tinh thần đã giúp cho rất nhiều người trong các hoạt động nghề nghiệp và trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi muốn chia sẻ quan điểm ấy, tức là khả năng tinh thần phải được thể hiện một cách tự nhiên và dễ dàng để có thể giúp cho cuộc sống và các giao tiếp được thuận tiện hơn. Cũng vì mục tiêu ấy mà Bộ môn Năng lượng Cảm xạ học được thành lập và bắt đầu hoạt động từ tháng 12/1998, trực thuộc Liên Hiệp Khoa Học - Công Nghệ Tin Học Ứng Dụng UIA và Hội Đồng Khoa Học UIA , mục đích thực hiện đề tài : Nghiên cứu và Thực nghiệm Dưỡng sinh Năng lượng Cảm xạ học (đề tài khoa học 812/LH.UIA).
Mục tiêu thực hiện đề tài gồm 4 điểm chính:1. Triển khai phương pháp phòng chống bệnh bằng sự luyện tập phương pháp Rung động thư giãn với Năng lượng Cảm xạ học.2. Khai thác những người có khả năng về Cảm xạ.3. Xây dựng Năng lượng Cảm xạ học thành môn Dưỡng sinh Năng lượng học một cách khoa học, có hệ thống và đại chúng.4. Góp phần bổ sung kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị Y học Cổ truyền Dân tộc Việt Nam.
Chương trình nghiên cứu này được mở ra nhằm giúp cho các bạn thấy rằng có sự hiện diện thực sự của năng lượng nội tại mang tính vật lý và các khả năng tinh thần mà nó sản sinh ra được sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong cuộc sống.
Các bài tập trong quyển sách này được dự trù cho 2 hay nhiều người cùng tập. Luyện tập với một người khác sẽ nhận được sự phản hồi (feed-back). Lần lượt qua các bài tập bạn sẽ cảm nhận được các phản ứng do năng lượng tạo ra trên cơ thể bạn và bạn có thể quan sát được các tiến bộ của người cùng tập. Các bài tập được sắp xếp theo một trình tự tiệm tiến có sự liên kết mạch lạc cộng với sự tập luyện hàng ngày sẽ giúp cơ thể bạn có đủ những năng lượng cần thiết cho các công việc quan trọng hơn. Những bài tập bổ túc tiếp theo dành cho những ai có những cảm xạ viên sống quanh mình muốn cùng thực hành với bạn. Các bài tập này đi từ dễ đến khó, từ giản đơn đến phức tạp.
Các tiến bộ sẽ đạt được lần lượt qua việc tập luyện cũng như các điều bạn thực hành cần phải được bạn ghi lại trong nhật ký. Có thể là sau đó, do thiếu luyện tập hoặc siêng năng luyện tập, nhật ký này sẽ giúp bạn nhận rõ sự tiến bộ hay không.
Điều quan trọng khác là bạn phải luôn thoải mái trong lúc tập luyện. Nếu bạn không cảm nhận được bất cứ năng lượng nào hoặc tưởng rằng năng lượng nội tại không có thật thì vô tình bạn đã làm đình trệ mọi nhận thức có thể có. Cần nhấn mạnh là bạn đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, cần phải kiên trì và khách quan trong việc phân tích các kinh nghiệm sống của bạn. Nhật ký sẽ cấu thành một trong nhiều yếu tố quan trọng giúp đánh giá một cách khách quan sự tiến bộ của bạn.
Phải biết điều khiển và chế ngự năng lượng nội tại của chính bạn, của người khác và của môi trường nơi bạn đang sinh sống. Cần có sự chuyển đổi năng lượng liên tục giữa người này với người khác và với thiên nhiên. Sự chuyển đổi này cực kỳ quan trọng mặc dầu thoạt nhìn trông rất bình thường. Việc nhận thức được năng lượng bao quanh ta cũng tương tự như loài cá ý thức được môi trường nước nơi nó tung tăng. Đó là một thực tế mà con người chưa để ý đến.
Học được cách chế ngự khả năng nội lực của bạn, bạn sẽ thấy rằng chúng rung động trên các tần số khác nhau, kéo theo các cảm xúc và các thông tin khác nhau. Ngoài ra bạn còn thấy rằng năng lượng của mỗi người hoạt động trên một tần số nào đó phản ánh sự rung động của cá nhân người ấy mà thôi, không hề có sự giống nhau cho tất cả mọi người. Do đó đôi lúc, để có thể liên lạc với những tần số năng lượng sóng khác với năng lượng sóng của chúng ta, bạn phải tìm một tần số chung với chúng. Đây là phần trọng yếu của khoá học và là một yếu tố cần thiết cho sự nhận thức. Hơn nữa bạn có thể làm gia tăng khả năng trực giác và cảm nhận mà không làm lộ các nhược điểm của bạn nhờ sử dụng kỹ thuật tự bảo vệ (bảo vệ thần khí).
Nhờ khoá học, bạn sẽ nhận thức được các thông tin truyền đạt từ năng lượng nội tại. Các vật dụng, các tư trang có thể được xem như vật truyền mang năng lượng nhằm cung cấp thông tin cho bạn. Bạn sẽ học cách đọc và khai thác các thông tin từ các vật chứng này cũng như bạn tập đọc và khai thác các nguồn thông tin của người khác. Bạn sẽ thấy rằng các liên hệ ấy là những trạm thông tin giúp cho việc liên lạc được dễ dàng và cũng là để thực hiện sự hoà điệu bên trong cộng đồng.Với các bài tập trong tập tài liệu này, người cùng tập với bạn dần dần sẽ gia tăng về sức mạnh tinh thần rồi từ đó khả năng cảm nhận cũng như sự kiểm soát năng lượng nội tại của bạn và người cùng tập sẽ được dễ dàng hơn. Bạn sẽ khám phá được các khả năng nội tại của bạn nằm trong khu vực nào để bạn có thể tăng cường tập luyện để khai mở các vùng yếu kém. 

BS. Dư Quang Châu

THÁI CỰC LUẬN Chương 1. Đại cương



Sau khi đã bàn giải Vô Cực ta có thể đề cập đến Thái Cực một cách dễ dàng hơn.

Muốn học Dịch phải hiểu Thái Cực vì Thái Cực chính là gốc Dịch, là tâm Dịch. Học Dịch mà không hiểu Thái Cực, cũng y như đứng bên ngoài hàng rào, ngắm vào tòa lâu đài, làm sao biết được trân châu, bảo vật bên trong!

Thái Cực chẳng những là căn nguyên Kinh Dịch, mà còn là căn nguyên vũ trụ, Vạn Hữu.

Dịch Kinh viết về vũ trụ khởi nguyên bằng những lời lẽ hết sức vắn tắt như sau:

Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng nghi: Lưỡng nghi sinh Tứ tượng: Tứ tượng sinh Bát quái v.v...

Nói nôm na là: Thái Cực sinh tinh thần, vật chất, vũ trụ, vạn vật [1]



A. THÁI CỰC VỚI TỐNG NHO

Tống Nho đã bàn cãi rất nhiều về Thái Cực. Dưới đây xin tóm tắt sơ lược ý kiến của ít nhiều Triết gia như:

Chu Liêm Khê (1017 - 1073)

Thiệu Khang Tiết (1011 - 1077)

Trình Di (Y Xuyên) (1033 - 1107)

Chu Hi (1130 - 1200)

Lục Tượng Sơn (1139 - 1192)

Chu Liêm Khê (1017 - 1073) là vị Tống Nho có công làm sống động lại quan niệm Thái Cực của Dịch Kinh. Liêm Khê tin rằng: trong vũ trụ có một Lý rất huyền diệu, uyên thâm, bất trắc, biến hóa vô phương, tuy vô hình, vô trạng, vô xú, vô thanh, nhưng chính là căn bản của vạn vật: Đó là Thái Cực [2]

Thái Cực hay Lý là khu nữu, là trục cốt vạn vật, Vạn Hữu. Chu Liêm Khê gọi: Thái Cực là Vô Cực ; ngụ ý rằng Thái Cực vô hình thể, là một hoạt lực, một huyền năng vượt tầm tri giác của ngũ quan [3]

Chu Liêm Khê viết thiên Thái Cực đồ thuyết luận về Thái Cực và sự khởi nguyên của Vạn Hữu. Thiên này bắt đầu bằng một câu bất hủ: Vô Cực nhi Thái Cực.

Thiệu khang Tiết (1011 - 1077) gọi căn nguyên vũ trụ là Nhất. Nhất ấy chính là Thái Cực. [4]Đối với Thiệu tử, Thái Cực cũng là Đạo, là Hoàng Cực, là Tâm. Tất cả những danh từ đó đều là nhân tạo, để chỉ định Nguyên Thể vũ trụ[5]

Ông còn cho rằng Thái Cực chẳng ở đâu xa, Thái Cực ở ngay trong tâm hồn con người, là Tâm con người. Ông viết: Tâm là Thái Cực, Đạo là Thái Cực [6]Thái Cực khi chưa sinh vạn vật thì gọi là Tiên Thiên. Khi Thái Cực đã bắt đầu hoạt động, phân hóa để tạo dựng quần sinh thì gọi là Hậu Thiên[7]

Thiệu khang Tiết còn lập ra Tiên Thiên đồ, lấy các con số để vẽ lại sự sinh hóa của vũ trụ. Ông dùng số 1 tượng trưng cho Thái Cực. Tiên Thiên đồ của Thiệu Tử tựu trung cũng giống như Thái Cực đồ bản của Chu Liêm Khê, tuy một bên thời dùng số, một bên thời dùng tượng, để mô tả Thái Cực và công cuộc sinh hóa quần sinh Vạn Hữu.[8]

Đối với Trình Di (1033 - 1107) thì Thái cực, hay Đạo, hay Lý, hay Khí Chân Nguyên cũng là một.[9]

Chu Hi (1130 - 1200) đàm luận rất nhiều về Thái Cực. Đại khái, Chu Hi gọi Thái Cực là Lý có trước trời đất, đã sinh ra trời đất vạn vật, và hằng lồng trong trời đất vạn vật. [10] Chu Hi cho rằng Vô Cực hay Thái Cực vẫn chỉ là một thực thể vô thanh, vô xú, làm khu hữu cho trời đất, muôn loài.[11]

Gọi là Thái Cực, vì là tuyệt đối, không bến bờ, vô cùng, không thể có thêm gì hơn được nữa. Lồng trong vạn vật để làm cùng đích cho vạn vật. Vạn vật không có Thái Cực, tức là không có gốc gác chủ tể, không thể nào tồn tại được. [12] Vạn vật là phản ảnh của Thái Cực, đều có Thái Cực lồng ở bên trong. Thái Cực lồng trong vạn vật như ánh trăng lồng đáy nước: muôn vạn ao hồ, muôn ngàn hình ảnh, cũng không làm cho trăng suy suyển, pha phôi. [13] Vô Cực hay Thái Cực là Đạo, là Lý, thuộc hình nhi thượng, siêu xuất không gian, thời gian.

Âm Dương khí chất có tình, có trạng, là Khí thuộc hình nhi hạ tức là lệ thuộc không gian, thời gian [14] Theo Chu tử, ta có thể nhìn vũ trụ trên 2 hình diện:

Nếu nhìn vũ trụ trên bình diện hình tướng, phiến diện, ta sẽ thấy tùy nơi, tùy thời động tĩnh luân phiên, Âm Dương dịch vị, biến hóa đa đoan.

Nhưng nếu nhìn vũ trụ trên bình diện tế vi, trên bình diện Bản Thể Thái Cực, ta sẽ thấy vắng lặng im lìm, mặc dầu là vạn lý đã hàm ngụ ở trong.[15]

Thái Cực không phương sở, không hình thể, không địa vị [16] Tuy nhiên Thái Cực chính là khuôn thiêng muôn loài muôn vật.

Chu Hi viết: Thái Cực là Lý của trời đất, muôn vật [17] Phùng hữu Lan cho rằng chữ Lý ấy đối chiếu với từ ngữ Triết học Hi lạp tức là Hình thức (Form)[18]. Đối với Lục Tượng Sơn, thì Thái Cực, Trung

hay Lý cũng như nhau [19] Nhưng ông cho rằng nguyên quan niệm Thái Cực đã đủ, không cần gì phải thêm quan niệm Vô Cực nữa. [20] Đối với ông Vô Cực là một quan niệm đã được vay mượn của Lão giáo, không hề thấy có nơi Tiên Nho. Ông cho rằng chữ Vô Cực không phải là lời lẽ của Chu tử [21]Ông tranh luận rất nhiều với Chu Hi về quan điểm này. [22]

Ông biện luận với Chu Hi như sau: Tôn huynh ngày trước gửi thư cho Thoa sơn có nói rằng: Không nói Vô Cực thì Thái Cực đồng ở một vật, không đủ làm cội gốc cho vạn hóa. Không nói Thái Cực, thì Vô Cực chìm ở nơi không tịch, không thể làm cội gốc cho vạn hóa...

Đại truyện trong Kinh Dịch nói rằng: Dịch có Thái Cực. Thánh nhân nói hữu, nay lại nói Vô là tại sao? Lúc Thánh nhân soạn Đại truyện không nói đến Vô Cực, hẳn Thái Cực đã từng đồng ở một vật mà chẳng đủ làm cội gốc cho vạn hóa ru?... Hai chữ Vô Cực xuất ở chương Tri kỳ hùng của Lão tử, chứ sách của Thánh nhân ta chưa từng nói đến. Chương đầu sách Lão Tử nói rằng: không danh là mối đầu của trời đất, có danh là mẹ của vạn vật, chính là theo cái ý ấy. [23]

Tóm lại đối với Nho gia, Thái Cực là:

Nguyên lý của vũ trụ [24]
Căn bản quần sinh [25]
Huyền cơ biến hóa [26]
Vô thanh xú, vô thủy chung v.v.. [27]



B. THÁI CỰC VÀ HUYỀN

Thái Cực trong Kinh Dịch cũng tương đương với Huyền trong Thái Huyền của Dương Hùng [28]

Dương Hùng chủ trương: Huyền vô thủy vô chung [29]Huyền là Bản Thể vũ trụ [30]Huyền sinh xuất vũ trụ, cai quản vạn tượng, Vạn Hữu [31]

Huyền sinh xuất Nhật Nguyệt tinh cầu, tứ thời tuần tiết [32] Huyền là chủ chốt nhân luân. Thuận theo Huyền, đó là quân tử, nghịch với Huyền đó là tiểu nhân [33] Tất cả những chủ trương trên đều tương đương với chủ trương của Tống Nho về Thái Cực, về Thiên lý.



C. THÁI CỰC ĐỐI VỚI PHẬT GIA

Nếu ta chuyển sang từ ngữ Phật giáo, Thái Cực sẽ trở thành Chân Như bản tính.

Qui Nguyên Trực Chỉ viết: Chân Như bản tính là Bản Thể chân thực, là Bản Lai Diện Mục sẵn có từ khi cha mẹ chưa sinh ra mình, Thiền tông gọi đó là «Chánh Pháp Nhãn Tạng». Liên tông gọi là Bổn tánh Di đà. Khổng tử gọi là Thiên lý. Lão tử gọi là Cốc Thần. Dịch gọi là: Thái Cực. Tên tuy khác nhau, nhưng kỳ thực cũng chỉ là một Chân Như bản tính [34] Thái Cực hay Chân Như bản tính ấy chính là Bản tính con người. Bản tính ấy dẫu ở nơi người thánh hay người phàm cũng không hề tăng giảm. Suy rộng ra, vạn vật, Vạn Hữu cũng đều hàm tàng Thái Cực [35]

Phật gia còn gọi đó là Pháp. Kinh Kim Cương viết: Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp. Pháp là bản tính. Bản tính cũng ví như kim cương, kiên cố vững bền không thể hư hoại được. [36]

Tổng thiền sư chùa Đông Lâm chủ trương đại khái như sau: Thái Cực là Chí lý, là Thể, là Chân, là căn nguyên vũ trụ y thức như, theo từ ngữ Phật giáo, Không là căn nguyên vũ trụ [37]



D. THÁI CỰC VỚI ĐẠO GIA

Đối với Đạo gia, Thái Cực cũng vẫn là căn bản của vũ trụ. Đại Đỗng Chân Kinh viết: Căn bản do lai Thái Cực tầm [38]Muốn tìm gốc gác phải tìm nơi Thái Cực. Trong Thái Cực Quyền Bổng Đồ Thuyết, ta thấy có bài Thái Cực Đồ Lộng Viên ca. Đại ý như sau:

Ta nay vốn có một vòng
Trắng đen hòa hợp, mơ mòng, tịch liêu
Tuy là hai ngả, hai chiều;
Nhưng mà kỳ thực chắt chiu một vành [39]
To thời vô tận, mông mênh,
Nhỏ thời nhỏ síu, phá phanh nhẽ nào.
Thủy chung chẳng rõ tiêu hao,
Chẳng phân tả hữu, thấp cao gót đầu
Cửu trù, Bát quái trước sau,
Dọc ngang tạo tác, cơ mầu ai hay.
Cổ kim trước mắt phơi bày,
Đất trời rành rẽ, hiện ngay trước tòa [40]
Thuấn, Nghiêu, Chu, Khổng một nhà
Giữa đoàn Hiền Thánh, có ta chủ trì,
Sắt cầm thánh thót vân vi,
Nhạc trời dìu dặt, thỏa thuê vui vầy.
Khổng rằng: Thái Cực là đây
Hai chiều, hai mặt phơi bày Âm Dương
Cát hung, phân định đường hoàng
Rồi ra đại nghiệp có đường phát sinh.
Hình thời khoác lốt Ngũ Hành,
Thần thời hiển lộ mối manh Ngũ Thường [41]
Trăm chiều sau trước vuông tròn,
Làm cho Mạnh tử mỏi mòn chắt chiu
Dẫu rằng vất vả đến điều,
Lòng Trời cố giữ, chẳng siêu, chẳng rời
Hạo Nhiên, Thái Cực chẳng hai,
Mênh mông, cao đại chẳng phai, chẳng mòn.
Đất trời bao quát sớm hôm
Hi, Hoàng âu cũng nhờ ơn dắt dìu [42]

Bài ca trên cho thấy Thái Cực vừa là cực tiểu, vừa là cực đại; vô thủy vô chung; bao quát Âm Dương, trời đất, không gian, thời gian; biến hóa vô cùng; sáng soi cho các bậc Thánh Hiền muôn thủa. Thái Cực còn có thể gọi là Hạo Nhiên, theo từ ngữ Mạnh tử.

Xướng đạo Chân Ngôn có một đoạn bình về Thái Cực đại khái như sau:

1/. Khó mà phân biệt được Vô Cực và Thái Cực [43]

2/. Thái Cực linh minh biến hóa [44]

3/. Thái Cực lớn thì trùm trời đất, mà nhỏ thì lọt trong hạt cải tế vi [45]

4/. Thái Cực sinh vạn vật, nhưng không vì sinh vạn vật mà bị phân hóa [46]

5/. Thái Cực sinh vạn vật, vạn vật lại quay trở về Thái Cực, đó là lẽ Nhất biến Vạn, Vạn qui Nhất của Dịch. [47]

6/. Trung Dung viết: Ngứ đại, thiên hạ mạc năng tải. Xướng đạo Chân Ngôn bình: Đó là Thái Cực bao trùm trời đất.[48]

7/. Trung Dung viết: Ngứ tiểu thiên hạ mạc năng phá. Xướng đạo Chân ngôn bình: Đó là Thái Cực lồng trong vạn vật[49]

8/. Sách viết thêm: Hợp trời đất lại vẫn là một Thái Cực. Chia ra thành vạn tượng, vạn loài thì mỗi loài mỗi tượng đều có một Thái Cực; mà Thái Cực vẫn không hề có bị chia phôi [50]

9/. Tìm ra Thái Cực trong lòng con người, tức là tìm ra được Kim Đơn [51]

10/. Thái Cực là Vô Cực, là Kim Đơn [52], là Thần [53], là Không [54], là Nhất Chân, Nhất Nguyên, danh hiệu tuy khác nhau nhưng chung qui vẫn là một thực thể.

Sách Liêu Dương Điện Vấn Đáp chủ trương: Thái Cực tiềm ẩn trong lòng con người. Đó là Thiên tâm, là Viên Giác, là Kim Đơn, tùy theo từ ngữ mỗi đạo giáo [55]Thái Cực vừa là thời hậu (Instant), sinh ra thời gian, vừa là chủng tử (germe), sinh ra mọi cơ cấu trong hoàn võ [56]

Đông Hoa Đế Quân gọi Thái Cực là Huỳnh Đình, là Chúng Diệu Chi Môn, Huyền Tẫn Chi Môn, Đạo Nghĩa Chi Môn, Bất Nhị Pháp Môn, là Hư Vô, là Chân Không, là Trung Thần v.v..Và hình dung Huỳnh Đình Thái Cực bằng một hình vẽ như sau:



1- Thái Cực, 2- Đạo nghĩa chi môn, 3- Chân Không,

4- Bất nhị pháp môn, 5- Trung Thần, 6- Chúng diệu chi môn,

7- Hư Vô, 8- Nguyên tẫn chi môn, 9- Huỳnh Đình. [57]

Những lời của Đông Hoa Đế Quân bàn về Huỳnh Đình tức là những lời bàn về Thái Cực.

Đông Hoa Đế Quân viết: Huỳnh Đình sinh xuất từ Tiên Thiên, tàng ẩn ở Hậu Thiên. Vốn không hình tượng, không danh tự, nên tạm hình dung bằng vòng tròn 〇, tạm gọi là Huỳnh Đình [58]

Vì là sinh cơ man mác, nên gọi là Huỳnh Đình, vì biến hóa không lường nên gọi là Thần. Huỳnh Đình là thể, Thần là dụng, hai đằng là một. Nho gọi là Đạo Đức Chi Môn, Thích gọi là Bất Nhị Pháp Môn, Lão gọi là Chúng Diệu Chi Môn, hay Huyền Tẫn Chi Môn! Vì không hình tượng, nên người xưa lấy Thần các cảnh mà hình dung Thần Huỳnh Đình để mọi người nhân Thần của cảnh, mà suy ra Thần Không cảnh của Huỳnh Đình. [59]

Sách Tính Mệnh Khuê Chỉ đã cho ta thấy tầm quan trọng của Thái Cực, khi vẽ hình Lão tử, trong tay có cầm một đồ bản Thái Cực (TMKC Nguyên-trang 1b). Đối với Đạo gia, Thái Cực chính là Huyền Quan Khiếu. Khiếu này chẳng có đầu đuôi; chẳng biến đổi; không phải có, mà cũng chẳng phải không; không tròn, không vuông; chẳng thiếu, chẳng thừa; chẳng tăng, chẳng giảm; chẳng đi, chẳng lại; chẳng sinh, chẳng diệt; không trong, không ngoài; không mầu, không sắc; không tiếng, không hơi; như có, như không; như còn, như mất, dùng thời vận hành, thu thời tàng ẩn; vào ra bất trắc, chẳng ai biết được quê hương [60] Từ xưa tới nay, độc lập trường tồn giữa đất trời, làm trung tâm điểm cho Vạn Hữu, làm căn bản cho cuộc sinh hóa. Trời, đất, người, vật tất cả đều phải dựa nương nhờ cậy để sinh thành [61]

Quan niệm về Tuyệt Đối Thể không đầu đuôi, không hình dung, lưng mặt, làm ta liên tưởng đến quan niệm Hóa công không tai mắt, tay chân của Platon và của Empédocle. [62]

Sau khi đã khảo sát quan niệm Thái Cực của tiền nhân để tìm ra ý tứ hàm ngụ bên trong, ta có thể tổng kết lại và đoán định như sau:

1. Thái Cực vô hình tượng, hư linh bất muội, vô thủy vô chung [63]

2. Thái Cực là Bản Thể của vũ trụ và cũng là Bản Thể của Vạn Hữu và của con người [64]

3. Thái Cực sinh xuất Vạn Hữu, nhưng sau trước vẫn nguyên tuyền, chẳng có hao hớt, chia phôi [65]

4. Thái Cực lồng trong vạn vật để làm chủ chốt mọi biến hóa và làm cùng đích muôn loài [66]

5. Thái Cực vừa là cực đại, vừa là cực tiểu. Cực đại nên bao trùm vũ trụ muôn phương, cực tiểu nên lồng trong vi trần, trong giới tử. Dù nhìn bao quát cả vũ trụ cũng chỉ có một Thái Cực, nhưng nếu nhìn tán phân từng vật, ta lại thấy mỗi vật đều gồm đủ cả Thái Cực [67]. Thái Cực tuy sinh xuất Vạn Hữu, sau trước vẫn là duy nhất bất khả phân. [68]

6. Thái Cực chính là Trung, là Đạo, là Trời, là Chân Tâm, là Bản Thể của vũ trụ. Thái Cực chính là Thượng Đế [69].Thái Cực là Nhất [70], là Tuyệt Đối [71]

Robert Lasserre toát yếu quan niệm Thái Cực như sau: Thái Cực đã cấu tạo nên vũ trụ, Vạn Hữu.

Từ Vân hán, Ngân hà đến Nhật Nguyệt, tinh thần, quần sinh, vạn vật, tất cả đều có một Bản Thể duy nhất như nhau, ấy là Thái Cực, nhưng hình tướng công dụng bên ngoài khác nhau [72]

Khi Thái Cực đã phân Âm Dương, động tĩnh, tức là khi Thái Cực đã hiển dương, ta mới biết được hành tung Thái Cực.

Còn khi Thái Cực chưa có phân Âm Dương, động tĩnh, thì hoàn toàn vô thanh, vô xú, vô trẫm triệu. Lúc ấy chỉ có thể trực giác được Thái Cực mà thôi.[73]

CHÚ THÍCH

[1] Le premier écrivain de la tendance nouvelle...fut Tcheou Tounn I (1017 - 1073)(Chu đôn Di) maÛtre Tcheou, qui établit que le système des Anciens manquait de tête: il fallait quelque chose, par delà le binôme ciel terre, par delà la roue du yinn yang et des cinq éléments. Il adopta pour être ce quelque chose le Tai ki de Lao tzeu et de Tch’enn T’oan (Trần Đoàn)... Tout son mérite consiste à avoir mis l'Unité en tête du dualisme. — Cf. HCROPC - page 658.

[2] Trích trong Tống Nho Bửu Cầm - trang 49.

[3] La norme s'appelle aussi T'ai ki (Thái Cực), le grand axe, parce qu'elle meut tout dans l'univers. Maìtre Tcheou lui a encore ajouté l'épithète de Où Ki (Vô Cực), pour exprimer sa nature incorporelle. C’est l’impalpable moteur qui ne tombe pas sous les sens. — Cf. Léon Wieger - Textes Philosophiques Tome I - page 180.

[4] Thiệu tử sở vị Nhất, tức Thái Cực dã... 邵 子 所 謂 一 即 太 極 也

- Đồ giai tòng trung khởi. Vạn tượng sinh ư tâm... 圖 皆 從 中 起 萬 象 生 於 心

- Hựu viết: Tâm vi Thái Cực; hựu viết: Đạo vi Thái Cực. 又 曰 心 為 太 極 又 曰 道 為 太 極 — Tạ Vô Lượng﹐Trung Quốc Triết Học Sử, Đệ tam thiên thượng, trang 14 - 15.

[5] L'être premier duquel est issu tout ce qui est, c'est la Principe, c'est le Pôle Auguste, c'est l'Apogée. Noms d'emprunt, car l'être primordial est indéfinissable, innomable, ineffable. — HCROPC - page 65.

[6] Đồ giai tòng trung khởi, vạn tượng sinh ư tâm... 圖 皆 從 中 起 萬 象 生 於 心

- Hựu viết Tâm vi Thái Cực. 又 曰 心 為 太 極

- Hựu viết: Đạo vi Thái Cực. 又 曰 道 為 太 極

Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, Đệ tam thiên thượng - trang 14 -15

... Le ciel n'a jamais parlé,

- Il ne loge pas dans l’azur.

- Il n’est pas haut, il n’est pas loin,

- L’homme l’imagine dans son coeur.

Cf. Léon Wieger - HCROPC page 602.

[7] Hà vị Tiên Thiên. Tịch nhiên bất động, ảo ảo, minh minh, Thái Cực vị phán chi thời dã. Hà vị Hậu Thiên, cảm nhi toại thông, hoảng hoảng, hốt hốt, Thái Cực dĩ phán chi thời dã. 何 謂 先 天. 寂 然 不 動, 窈 窈, 冥 冥, 太 極 未 判 之 時 也. 何 謂 後 天. 感 而 遂 通 恍 恍 惚 惚, 太 極 已 判 之 時 也. — TMKC - Lợi - trang 2b.

[8] Chu tử chi Thái Cực đồ, Thiệu tử chi Tiên Thiên đồ tịnh vân truyền tự phương ngoại, hữu vị đồng xuất ư Trần Đoàn...Thiệu Tử dĩ Thái Cực sinh vũ trụ Vạn Hữu, lược dữ Chu tử đồng. 周 子 之 太 極 圖, 邵 子 之 先 天 圖 並 云 傳 自 方 外, 有 謂 同 出 於 陳 摶... 邵 子 以 太 極 生 宇 宙 萬 有, 略 與 周 子 同.— Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng, trang 14.

[9] Chữ Đạo, Y Xuyên dùng đó có cái ý nghĩa như hai chữ Thái Cực ở Dịch Kinh, điều mà Y xuyên sẽ mệnh danh cho nó làLý sau này...

- Chân nguyên tức là Lý, còn sự co duỗi, tới lui tức là Khí.

Cf. Tống Nho Bửu Cầm, trang 88, 99

[10] Thái Cực chỉ thị nhất cá Lý tự. Nhược vô Thái Cực, tiện bất phiên liễu thiên địa. 太 極 只 是 一 個 理 字. 若 無 太 極, 便 不 翻 了 天 地. — Stanislas le Gall, Le Philosophe Tchou Hi, p. 97.

[11] ...Thái Cực phi thị biệt vi nhất vật. Tức Âm Dương, nhi tại Âm Dương; tức Ngũ Hành nhi tại Ngũ hành; tức Vạn vật nhi tại Vạn vật. 太 極 非是 別 為 一 物. 即 陰 陽 而 在 陰 陽, 即 五 行 而 在 五 行, 即 萬 物 而 在 萬 物.— Ib. 99.

[12] Thù vấn Cực chi vi ngôn. Cứu cánh chí cực, bất khả hữu gia chi vị, dĩ tráng thử lý chi danh nghĩa tắc cử thiên hạ vô dĩ gia thử chi xưng dã cố thường tại vật chi trung, vi vật chi đích. Vật vô chi, tắc vô dĩ vi căn chủ, nhi bất năng dĩ hữu lập. 殊 問 極 之 為 言. 究 竟 至 極, 不 可 有 加 之 謂, 以 壯 此 理 之 名 義 則 舉 天 下 無 以 加 此 之 稱 也 故 常 在 物 之 中, 為 物 之 的. 物 無 之 則 無 以 為 根 主 而 不 能 以 有 立. — Stanislas le Gall, S. J. Tchou Hi, Sa Doctrine, Son Influence - page 116.

[13] Léon Wieger, Textes Philosophiques, Tome I - p. 180

- Cf. Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, trang 59.

[14] Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử, trang 896.

[15] Thái Cực hình nhi thượng chi Đạo dã. Âm Dương hình nhi hạ chi khí dã. Thị dĩ tự kỳ trứ giả nhi quan chi, tắc động tĩnh bất đồng thời, Âm Dương bất đồng vị, nhi Thái Cực vô bất tại yên. Tự kỳ vi giả nhi quan chi, tắc xung mục vô trẫm, nhi động tĩnh Âm Dương chi lý, dĩ tất cụ ư kỳ trung hỹ. Tự kỳ trứ giả nhi quan chi, tức tại cụ thể sự vật trung quan chi. Tự kỳ vi giả nhi quan chi, tức tựu Thái Cực chi Bản Thể quan chi dã. Thái Cực vô hình tượng, nhi kỳ trung vạn lý tất cụ. 太 極 形 而 上 之 道 也. 陰 陽 形 而 下 之 氣 也. 是 以 自 其 著 者 而 觀 之, 則 不 動 靜 不 同 時, 陰 陽 不 同 位 而 太 極 無 不 在焉. 自 其 微 者 而 觀 之, 則 沖 目 無 朕 而 動 靜 陰 陽 之 理, 已 畢 具 於 其 中 矣. 自 其 著 者 而 觀 之, 即 在 具 體 事 物 中 觀 之. 自 其 微 者 而 觀 之, 即 就 太 極 之 本 體 觀 之 也. 太 極 無 形 象, 其 中 萬 理 畢 具.— (Thái Cực đồ thuyết chú) Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử - trang 900.

[16] Thái Cực vô phương sở, vô hình thể, vô địa vị khả đốn phóng (Ngữ lục). 太 極 無 方 所 無 形 體 無地 位 可 頓 放.— Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử - trang 901.

[17] Thái Cực chỉ thị thiên địa vạn vật chi lý. 太 極 只 是 天 地 萬 物 之 理 .— Ib. trang 905.

[18] Lý tức như Hi Lạp Triết học trung sở thuyết chi hình thức (Form). 理 即 如 希 臘 哲 學 中 所 說 之 形 式.— Ib. 903

[19] Tống Nguyên Học Án Quyển 12 trang 5.

[20] Tượng Sơn dĩ Vô Cực phi Chu tử ngữ. 象 山 以 無 極 非 周 子 語.— Tạ Vô Lượng TQTHS, Đệ tam thiên thượng, trang 72.

[21] Tượng Sơn dĩ Vô Cực phi Chu tử ngữ. — Tạ Vô Lượng TQTHS, Đệ tam thiên thượng, trang 72.

[22] Giữa Chu học và Lục học, tuy có rất nhiều điểm dị đồng, song chỉ có cuộc tranh luận về hai chữ Vô Cực là kịch liệt nhất... — Cf. Bửu Cầm, Tống Nho, trang 175.

[23] Cf. Bửu Cầm, Tống Nho, trang 174 - 175.

[24] Thiệu tử dĩ Thái Cực sinh vũ trụ Vạn Hữu. 邵 子 以 太 極 生 宇 宙 萬 有. — Tạ Vô Lượng TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 14.

[25] Phẩm vựng chi căn để dã. 品 彙 之 根 底 也. — Ib. trang 6.

[26] Viết Vô Cực, nhi Thái Cực, Tạo hóa lưu hành chi thể, vô thời hưu tức. 曰 無 極, 而 太 極, 造 化 流 行之 體, 無 時 休 息. — Ib. trang 9.

[27] Ib. trang 6.

[28] Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ nhị thiên thượng trang 28.

[29] Ib. trang 28.

[30] Ib. trang 28.

[31] Ib. trang 28.

[32] Ib. trang 28.

[33] Ib. trang 28.

[34] Chân Như bản tính giả, phụ mẫu vị sinh tiền, nhất chân vô vọng chi thể vị chi bản lai diện mục. Thiền tông tắc viết: Chánh pháp Nhãn Tạng, Liên tông tắc viết: Bản tính Di Đà. Khổng tử tắc viết: Thiên lý. Lão tử tắc viết: Cốc thần. Dịch đạo tắc viết:Thái Cực. Danh tuy hữu dị, kỳ thực đồng nhất Chân Như Bản Thể dã. 真 如 本 性 者, 父 母 未 生 前, 一 真 無 妄 之 體 謂 之 本 來 面 目. 禪 宗 則 曰 正 法 眼 藏. 蓮 宗 則 曰 本 性 彌 陀. 孔子則 曰 天 理. 老 子 則 曰 谷 神. 易 道 則 曰 太 極. 名 雖 有 異 其 實 同 一 真 如 本 體 也.— Qui Nguyên Trực Chỉ II - trang 369.

[35] Tâm Kinh vân: Bất tăng bất giảm. Thử tính tại Thánh bất tăng, tại phàm bất giảm, cố viết: bất tăng, bất giảm dã. Khởi bất kiến Nhu vân: Nhất thiết hàm linh các cụ nhất Thái Cực, diệc thử lý dã. 心 經 云: 不 增 不 減. 此 性 在 聖 不 增, 在 凡 不 減, 故 曰 不 增 不 減 也. 豈 不 見 儒 云: 一切 含 靈, 各 具 一 太 極, 亦 此 理 也.— Qui Nguyên Trực Chỉ II trang 373.

[36] Qui Nguyên Trực Chỉ Quyển II - trang 371 - 372.

[37] Qui Nguyên Trực Chỉ Quyển Hạ (Đỗ thiếu Lăng phiên dịch) trang 604.

[38] Căn bản do lai Thái Cực tầm. 根 本 由 來 太 極 尋. — Đại đỗng Chân Kinh, Quyển thượng - trang 5.

[39] Thái Cực Quyền Bổng Đồ Thuyết, trang 84.

[40] Ib. trang 84.

[41] Ib. trang 84.

[42] Ib. trang 33.

[43] Xướng Đạo Chân Ngôn II - trang 8a.

[44] Thái Cực khả dĩ biến hóa. Nhất biến nhi vi Vạn, Vạn cụ nhất Thái Cực; Vạn hóa nhi vi Nhất, Nhất nhưng nhất Thái Cực dã. 太 極 可 以 變 化. 一 變 為 萬, 萬 具 一 太 極; 萬 化 而 為 一. 一 仍 一 太 極 也 . — Ib. trang 8a.

[45] Thái Cực dã, đại tắc bao thiên địa, tiểu tắc nhập giới tử. 太 極 也 大 則 包 天 地, 小 則 入 芥 子.— Ib. 8a.

[46] Ib. trang 8b.

[47] Ib. trang 8a.

[48] Trung Dung viết: Ngứ đại, thiên hạ mạc năng tải. Thái Cực bao hồ thiên địa chi ngoại dã. 中 庸 曰: 語 大, 天 下 莫 能 載. 太 極 包 乎 天 地 之 外 也.— Ib. trang 8b.

[49] Ib. trang 8b.

[50] Ib. trang 8b.

[51] Ib. trang 8a.

[52] Ib. trang 9a.

[53] Ib. trang 9a.

[54] Ib. trang 9b.

[55] Liêu Dương Điện Vấn Đáp Thiên I, trang 2b.

[56] Ib. trang 2b.

[57] Trích trong Huỳnh Đình Kinh giải (Thê Vân Sơn Ngộ Nguyên tử Lưu Nhất Minh) trang 3.

[58] Huỳnh Đình xuất ư Tiên Thiên, tàng ư Hậu Thiên, bản vô hình tượng, diệc vô danh tự cưỡng nhi đồ chi giá cá 〇 nhi dĩ. Cưỡng nhi danh chi Huỳnh Đình thị dã. 黃 庭 出 於 先 天, 藏 於 後 天, 本 無 形 象, 亦 無 名 字, 強 而 圖 之 這 個 〇 而 已. 強 而 名 之 黃 庭 是 也. — Huỳnh Đình Kinh giải trang 3.

[59] Nhân kỳ hồn nhiên sinh cơ, cố danh Huỳnh Đình. Nhân kỳ biến hóa bất trắc, cố vị chi Thần. Huỳnh Đình thể dã, Thần kỳ dụng dã. Nhất vật nhi nhị danh. Nhu tu chi vi Đạo Nghĩa Chi Môn, Thích tu chi vi Bất Nhị Pháp Môn; Đạo tu chi vi Chúng Diệu Chi Môn, hựu vi Huyền Tẫn Chi Môn. Nhân kỳ vô hình vô tượng, cố Đạo Tổ dĩ chư cảnh chi thần hình dung kỳ Huỳnh Đình chi thần sử nhân ư chư cảnh chi thần, truy cứu kỳ Huỳnh Đình vô cảnh chi thần nhĩ. 因 其 渾 然 生 機, 故 名 黃 庭 . 因 其 變 化 不 測, 故 謂 之 神. 黃 庭 體 也. 神 其 用 也. 一 物 而 二 名. 儒 修 之 為 道 義 之 門. 釋 修 之 為 不 二 法 門. 道 修 之 為 眾 妙 之 門. 又 為 玄 牝 之 門. 因 其 無 形 無 象 故 道 祖 以 諸 景 之 神 形 容 其 黃 庭 之 神 使人 於 諸 景 之 神, 追 究 其 黃 庭 無 景 之 神 耳. — Huỳnh Đình Kinh Giải - trang 3.

[60] Phương vi chính Huyền Quan. Nhân kỳ vô thủ vô vĩ. Bất biến bất canh, phi vô phi hữu, phi viên, phi phương, vô dư vô khiếm, bất giảm bất tăng, vô lai vô khứ, bất diệt bất sinh, vô nội vô ngoại. Bất hoàng bất xích, vô tương vô nghinh, bất bạch bất thanh, vô thanh vô xú, tự hữu tự vô, nhược vong nhược tồn. Dụng chi tắc hành, quyển chi tắc tàng; xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hương. 方 為 正 玄 關. 因 其 無 首 無 尾. 不 變 不 更, 非 無 非 有, 非 圓 非 方, 無 餘 無 欠, 不 減 不 增, 無 來 無 去, 不 滅 不 生, 無 內 無 外, 不 黃 不 赤, 無 將 無 迎, 不 白 不 青, 無 聲 無 臭, 自 有 自 無, 若 亡 若 存. 用 之 則 行, 卷 之 則 藏; 出 入 無 時, 莫 知 其鄉.— TMPQ, Quyển 7 - trang 5,6.

[61] TMPQ, Quyển 7 - trang 6.

[62] L'architecte arrondit et polit toute la surface extérieure de la sphère du monde et cela pour plusieurs raisons. Il n'avait en effet besoin ni d'yeux, puisqu'il ne restait rien de visible en dehors de lui, ni d'oreille puisqu'il n'y avait non plus rien à entendre. Il n'y avait pas non plus d'air environnant qui exigeât une respiration. Il n'avait pas non plus besoin d'organes soit pour recevoir en lui la nourriture, soit pour la rejeter après en avoir absorbé le suc. Car rien ne sortait et rien n'y entrait de nulle patt puisqu'il n'y a rien en dehors de lui. Quant aux mains, qui ne lui serviraient ni pour saisir, ni pour repousser quoi que ce soit, il jugea qu'il était inutile de lui en ajouter, pas plus que des pieds ou tout autre organe de locomotion (Timée p.p. 464,465)

...(On trouve la même description du Dieu sans yeux, ni oreilles, ni mains, ni pieds dans Empédocle)

Anthologie de la Poésie Grecque, Trad: Brasillach, Stock 1950

La Voie Rationnelle de la Médecine Chinoise, pages 236 237, Texte et note 1.

[63] Thái Cực Đồ Lộng Viên Ca. Thái Cực Quyền Bổng Đồ Thuyết, trang 84.

[64] Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng, trang 59.

[65] Vũ trụ gian vạn vật mạc bất tòng Thái Cực sinh hỹ. 宇 宙 間 萬 物 莫 不 從 太 極 生 矣.— Ib. 59.

[66] Cố viết: Thái Cực chỉ thị nhất cá Lý tự. Hựu viết: Thái Cực phi thị biệt vi nhất vật; tức Âm Dương nhi tại Âm Dương; tức ngũ hành nhi tại ngũ hành; tức vạn vật nhi tại vạn vật; Chỉ thị nhất cá lý nhi dĩ. Nhân kỳ cực chí, Cố danh viết: Thái Cực, nhiên tắc Thái Cực tức Lý, Lý tức Thái Cực khả tri. 故 曰 太 極 只 是 一 個 理 字. 又 曰 太 極 非是 別 為 一 物. 即 陰 陽 而 在 陰 陽, 即 五 行 而 在 五 行, 即 萬 物 而 在 萬 物. 只 是 一 個 理 而 已. 因 其 極 至 故 名 曰 太 極 然 則 太 極 即 理, 理 即 太 極 可 知.

...Thái Cực tất duy nhất, tất tuyệt đối, vị chi viết Lý. Thái Cực dữ lý đồng thể nhi dị danh, thị vũ trụ chi sơ yên. Cố viết: Vị hữu thiên địa chi tiên tất cảnh chỉ thị lý, hữu thử lý tiện hữu thử thiên địa, nhược vô thử lý, tiện diệc vô thiên địa, vô nhân, vô vật.. 太 極 必 惟 一 必 絕 對 謂 之 曰 理. 太 極 與 理 同 體 而 異 名, 是宇 宙 之 初 焉. 故 曰 未 有 天 地 之 先 畢 景 只 是 理 有 此 理 便 有 天 地, 若 無 此 理, 便 亦 無 天 地 無 人, 無 物. — (Chu Hối Am) TQTHS, trang 58.

[67] Xướng Đạo Chân Ngôn, trang 8b.

[68] Tạ Vô Lượng TQTHS - Thiên III thượng - trang 59

Xướng Đạo Chân Ngôn - Ib. 8b.

[69] Dịch Kinh Đại Toàn, Chu Hi đồ thuyết - trang 14.

[70] Thiên III Thượng trang 15.

[71] Thái Cực tất duy nhất, tất Tuyệt đối. 太 極 必 惟 一 必 絕 . (Chu hối Am), Cf. Tạ Vô Lượng, TQTHS, Thiên III thượng trang 58.

[72] Ce qui produit et compose l'univers est Taikyoku (Indou: Cunya, Chinois T'ai Ki: l'univers, éther non - différencié ou la nature intime).

Commentaire: Depuis les lointaines nébuleuses jusqu'à notre planète, en passant par le soleil et les astres de tous les autres systèmes dont l'univers est composé, absolument tout, les êtres et les choses, l'eau, le feu, l'air, la terre... est composé dans sa nature intime d'une seule et même substance qui se manifeste sous différents aspects. — Robert Lasserre, Etranges Pouvoirs - page 29.

[73] «Taikyoku se polarise: un pôle se charge d'activité Yo, l'autre d'activité In»

Commentaire: Cette polarisation nous permet de saisir les manifestations de Taikyoku par ses activités positives ou négatives. Taikyoku lui même avant sa polarisation ne peut se saisir que par intuition: «Ce n'est pas l'obscurité, c'est ce qui la produit; aucun mot ne peut la traduire.» — Robert Lasserre, Etranges Pouvoirs - page 29.