Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

MỐI TƯƠNG QUAN VỚI THẾ GIỚI SIÊU HÌNH


HT. Thích Trí Quảng




Nếu tu Mật tông, mối quan hệ giữa mình và thần linh có phát ra tín hiệu, nên muốn kêu vị nào, chỉ đọc câu thần chú tương ưng thì vị thần đó tới với ta. Còn người bắt chước đọc thần chú, dù có đọc bao nhiêu lần, cũng chẳng có vị nào tới.

Trên bước đường tu hành trải qua hơn 60 năm, tôi vượt qua được nhiều chướng duyên và thành tựu các Phật sự do Giáo hội giao phó ở các thời kỳ khác nhau, tôi xin chia sẻ đến quý vị một số kinh nghiệm. Trước nhất, sở dĩ làm được một số việc, vì đối với các bậc tôn trưởng thường gọi là thầy Tổ, tôi đã có lòng kính trọng tuyệt đối. Thầy Tổ là người nối liền ta với chư Phật; nếu thiếu sự tôn kính thầy thì mối quan hệ giữa ta và thế giới vô hình đã bị đóng kín lại, chỉ còn quan hệ trên hình thức mà thôi.

Tôn kính thầy Tổ là niềm tin trân trọng giữa con người và con người. Đôi khi các thầy trẻ nghĩ rằng thầy Tổ của mình không học ở trường lớp, không có học vị, nên tỏ ý xem thường, cho rằng thầy mình không biết gì; đó là sự sai lầm lớn của người có học, dẫn đến sự thất bại trên con đường hoằng dương Chánh pháp.

Mặc dù không học trường lớp, nhưng các vị thầy Tổ sống trong Chánh pháp và phát huy được căn lành, nên đã tạo được sự nối kết sâu sắc với Phật mà chúng ta không thấy được. Tôi thường suy nghĩ trong các thời kỳ khó khăn, các Ngài lãnh đạo được Tăng Ni và Phật tử là nhờ vào điều gì. Từ đó, tôi học được ở các bậc thầy Tổ những điều không có trong sách vở. Thật vậy, Thầy của tôi là Hòa thượng Trí Đức trình độ văn hóa không cao, nhưng tôi rất kính trọng Ngài về pháp hành. Từ khi tôi còn ở điệu tại Tổ đình Huê Nghiêm, tôi thấy ngày nào sau khi Tăng chúng tụng thời Tịnh độ xong, xuống nghỉ, thì Hòa thượng tiếp tục lạy sám hối và ngồi thiền, trì chú. Thời khóa công phu khuya của chúng tôi dưới một tiếng, nhưng thời khóa của Ngài đến hai, ba tiếng; nghĩa là Ngài có niềm tin và căn lành mới thể nghiệm Phật pháp được như vậy. Ngài lạy Phật và ngồi thiền không mệt mỏi, còn trì chú thì không hiểu nghĩa, nhưng Ngài vẫn tinh tấn đọc. Làm sao chúng ta biết lúc đó các Ngài nghĩ gì, người thường không thể biết được.

Chúng ta thường đặt vấn đề việc tu học của người tu là Tam vô lậu học, không phải học ngữ ngôn văn tự. Chúng ta lầm vô lậu học với học ngữ ngôn, nên nghĩ rằng học được vài bộ kinh là hiểu biết Phật pháp rồi. Theo tôi, học ngữ ngôn là việc bình thường. Còn học pháp vô lậu thì ngồi yên hàng giờ mà tạo được lực tác động của tâm mình một cách tốt đẹp mới quan trọng; nếu không có mối quan hệ vô hình, chúng ta không thể ngồi yên được. Thật vậy, đọc sách lâu, hoặc học nhiều thì không khó, nhưng ngồi yên lâu dài được thì không đơn giản. Ngồi yên lâu dài được là hoạt động nội tâm của người đó phải có mối liên hệ vô hình, gọi là định vô lậu.

Các bậc Thầy Tổ không có bằng cấp, nhưng các Ngài trụ định vô lậu được. Còn chúng ta chỉ học suông về giới định huệ trên lý thuyết, trên ngữ ngôn văn tự mà thôi. Nếu giới là giới điều, định là ngồi yên và huệ là hiểu biết, thì như vậy có phải là Tam vô lậu học hay không ?

Giới điều là phương tiện của Đức Phật chế ra nhằm ngăn chặn những sai lầm của người sơ cơ học đạo. Như vậy, giới điều dùng để ràng buộc nghiệp của chúng ta mà thôi, chứ chưa phải là giới vô lậu của Phật. Giới thể vô lậu và giới tướng vô lậu mới quan trọng. Người có giới đức thì tướng rất trang nghiêm và tâm thanh tịnh. Chúng ta giữ giới, nhưng cảm thấy bị giới ràng buộc mình thì chỉ là hàng sơ tâm; nếu chấp mãi như vậy, không thể học được vô lậu giới thể.

Giới thể là từ tâm hoàn toàn thanh tịnh, nên hiện tướng trang nghiêm tác động cho người trông thấy phải phát tâm Bồ đề. Điển hình là khi Đức Phật tu đắc giới thể, việc hành đạo của Ngài khác với thời gian Ngài còn là Sa môn mà giới thể chưa thanh tịnh. Lúc đó, năm anh em Kiều Trần Như còn phê phán Ngài thế này thế nọ, không bằng các ông tu hành giữ giới nghiêm túc. Kiều Trần Như nghĩ ông tu lâu, lớn tuổi, rất nghiêm túc giới luật; nhưng thật ra như vậy mới chỉ là ở phương tiện hình thức mà thôi.

Khi Đức Phật đắc giới thể vô lậu, cũng vẫn là Ngài, nhưng tướng trang nghiêm giải thoát hiện ra. Vì vậy, lúc Phậtđến độ năm anh em Kiều Trần Như, họ định không chào Ngài, không tiếp chuyện Ngài; vì họ nghĩ rằng trước kia Phật không tu nổi khổ hạnh, mới bỏ đi. Nhưng khi trông thấy tướng trang nghiêm thanh tịnh của Phật, họ tự động kính trọng và đảnh lễ Ngài. Đó là ý chính mà tôi muốn nhắc các thầy trụ trì.

Nhiều khi chúng ta dạy đệ tử, hay nói chuyện với bổn đạo, nghĩ rằng họ không tốt, không trang nghiêm, không giữ giới, khiến cho ta buồn phiền, bực tức, răn đe. Làm như vậy rất bất lợi trong đạo. Trước khi răn đe người khác, phải răn đe tánh buồn phiền, bực tức của mình trước đã. Ta không trang nghiêm, không có giới đức thì không thể dạy được người; vì ta đã cho họ cái buồn phiền, bực tức, chứ không phải cho Phật pháp. Tánh thanh tịnh, trang nghiêm mới là Phật pháp. Vì vậy, phải rèn luyện giới thể thanh tịnh. Đức Phật dạy rằng người không đắc A la hán, thì không được đi khất thực. Phật ngăn cấm điều này ngay từ Lộc Uyển, vì mang tướng không trang nghiêm và tâm không thanh tịnh mà đi vào đời sẽ làm cho ngoại đạo khinh chê, làm cho đàn việt mất tín tâm. Lúc bấy giờ, chỉ có Đức Phật và Kiều Trần Như được đi khất thực để nuôi bốn người còn lại. Và trong mùa An cư đầu tiên, năm anh em Kiều Trần Như đều đắc quả A la hán, nghĩa là tâm đã thanh tịnh và tướng trang nghiêm, Đức Phật mới dạy rằng mỗi thầy đi một phương để giáo hóa chúng sinh, hai người không đi chung một đường.

Tâm thanh tịnh đi vào đời tác động cho người phát tâm và tướng trang nghiêm làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Vì vậy, Xá Lợi Phất là nhà hùng biện nhất thời bấy giờ, khi trông thấy Mã Thắng Tỳ kheo yên lặng cầm bình bát đi vào làng, Xá Lợi Phất cứ nhìn dáng đi của Mã Thắng mà đi theo. Và một người muốn tranh cãi hơn thua như Xá Lợi Phất bắt gặp tâm thanh tịnh của Mã Thắng, đã thu hút tâm ông, làm cho ông thanh tịnh theo.

Do vậy, thầy Tỳ kheo tâm thanh tịnh rồi, ai có nhân duyên thấy họ, tự nhiên được an lạc; đó là bài thuyết pháp vô ngôn rất quan trọng trên bước đường tu. Chính vì vậy mà Xá Lợi Phất từ bỏ vị trí giáo chủ của ông để đi theo Mã Thắng về tịnh xá, nghĩa là tâm của Mã Thắng đã dẫn Xá Lợi Phất về với Phật và tâm ông được tâm bao dung của Đức Phật nuôi dưỡng đến trưởng thành trên đường đạo. Hiểu điều này, chúng ta mới nhận ra ý nghĩa trong kinh Pháp Hoa về lời tâm huyết của Xá Lợi Phất thốt lên tự đáy lòng với Đức Thế Tôn rằng: Ơn lớn của Thế Tôn, con không thể đền đáp được. Dù có dùng đầu đội, hai vai cõng vác trong vô số kiếp, con cũng không trả được ơn này. Tại sao Xá Lợi Phất nói như vậy, ơn này là ơn gì, Ngài nhận được gì từ Phật?

Thiết nghĩ trên bước đường tu xuất gia học đạo, nếu chúng ta không nhận được gì trong Phật pháp, thì quả là uổng phí cả cuộc đời tu của mình. Nghe Xá Lợi Phất thốt lên như vậy, chúng ta có suy nghĩ. Nhìn bề ngoài thấy Xá Lợi Phất đóng góp cho Đức Phật rất nhiều; nhưng nhìn bề trong thì Xá Lợi Phất nhận thấy rằng dù có làm suốt đời cho Phật, ông cũng không đền đáp được công ơn của Phật. Riêng chúng ta, chỉ làm một việc nhỏ thôi đã cảm thấy mệt nhọc, thấy mình hy sinh rất nhiều cho đạo. Nghĩ như vậy là sai lầm lớn, không thể đến với đạo được.

Chúng ta phải nhận ra ơn lớn của Đức Thế Tôn. Ngài Nhật Liên nói rằng trong bốn ơn mà Đức Phật đưa ra là ơn cha mẹ, ơn Thầy bạn, ơn quốc dân thủy thổ và ơn đàn na tín thí, tuy bốn ơn này quan trọng, nhưng còn ơn thứ năm là ơn Tam bảo quan trọng hơn. Vì nếu thiếu ơn Tam bảo, chúng ta sống rồi chết, trải qua vô số kiếp cũng là chúng sinh đau khổ trong sinh tử. Phải nhờ ơn Phật đã cứu chúng ta thoát khỏi nhà lửa tam giới. Vì vậy, tuy bốn ơn kia giúp cho chúng ta trưởng thành trên cuộc đời, mà chúng ta không quên, nhưng ơn Thế Tôn mới đưa chúng ta ra khỏi sinh tử và dạy cho chúng ta giới định huệ vô lậu, để chúng ta ra khỏi ngục tù tam giới.

Từ ơn Thầy Tổ, tiến xa hơn, nhớ đến ơn Phật vô cùng lớn lao, nên hàng đệ tử Phật đều mơ ước được thấy Phật hiện hữu trên cuộc đời; nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi, khiến cho Ngài Trí Giả phải thốt lên rằng :

Phật tại thế thời ngã trầm luân 
Kim đắc nhân thân, Phật nhập diệt 
Áo não tự thân đa nghiệp chướng 
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.

Nghĩa là khi Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời này, chúng ta đang trầm luân trong sinh tử. Đến khi mình trồi lên làm người, thì Phật đã vào Niết bàn. Rất buồn vì nghiệp chướng mình nặng quá, nên không thấy được kim sắc thân của Như Lai.

Nhưng kỳ diệu thay, khi Trí Giả nói lên câu này, thì Ngài thấy được kim thân Phật và hội Linh Sơn chưa tan. Điều này gợi nhắc chúng ta khi tâm tha thiết hướng về Phật, ta sẽ thấy được những gì mà người bình thường không thể thấy. Thật vậy, người đời thấy chúng ta tu hành cực khổ, họ tội nghiệp cho ta; nhưng tại sao chúng ta tu được. Hoặc người ta thắc mắc tại sao Đức Phật sống cuộc đời nhung lụa, giàu sang, sung sướng mà lại bỏ ngai vàng để làm Sa môn, sống lang thang rày đây mai đó. Phải biết nếp sống lang thang của Đức Phật trong sáu năm tìm đạo, năm năm khổ hạnh chốn rừng già, chính là thời kỳ mà Đức Phật sống huy hoàng nhất. Còn thời gian Phật ở cung vàng điện ngọc là Ngài đang ở trong ngục tù tam giới.

Ý thức được như vậy, chúng ta mới thích tu. Tất cả mọi quyền lợi thế gian chỉ ràng buộc chúng ta, giết chết chúng ta, đẩy chúng ta vào phiền não, khổ đau mà thôi. Người đời còn nói rằng càng cao danh vọng càng dày gian lao. Danh vọng và quyền lợi trói chặt chúng ta, làm cho phiền não mình luôn khởi lên và cuối cùng đẩy chúng ta vào tam đồ khổ. Trong khi làm Sa môn, sống đạm bạc, có hôm nhịn đói, nhưng cuộc sống rất an lạc. Ai vui với đạo pháp, thích hạnh Sa môn, mới thấy được đạo.

Trí Giả nhờ tâm tha thiết với Phật một cách mãnh liệt, Ngài vượt được thế giới trần lao khổ lụy và đi thẳng vào pháp hội Linh Sơn. Chúng ta đừng hiểu lầm pháp hội Linh Sơn mà Ngài Trí Giả nói với hội Linh Sơn ở núi Linh Thứu của Ấn Độ. Ngài nói rằng không phải qua Ấn Độ mới thấy Phật, nhưng Ngài thấy Phật qua yếu nghĩa của ba chữ Linh Thứu Sơn. “Sơn” chỉ cho thân tứ đại của chúng ta. Đức vua Trần Nhân Tông cũng diễn tả thân tứ đại là bốn núi sanh già bệnh chết. “Linh” là chân linh. Ngài dạy chúng ta cắt bỏ bốn núi này thì sẽ thấy được chân linh, mà Ngài nói rằng thấy hội Linh Sơn chưa tan.

Ngài Trí Giả thâm nhập hội Linh Sơn như vậy và nghe Phật nói pháp bằng chân linh trong Tịch Quang thường chiếu, cho nên Ngài đã phát huệ vô lậu, từ đó Ngài thuyết pháp mà người nghe không biết chán, đến độ vua Trần ở Trung Quốc còn phải bãi triều để đi nghe pháp.

Chúng ta tu hành phải cố đạt được huệ vô lậu. Muốn được như vậy, phải vào hội Linh Sơn nghe Phật nói pháp. Đến hội Linh Sơn, hay tu bằng chân linh, sẽ không sợ khó, không sợ khổ trên cuộc đời này, giúp chúng ta làm Phật sự vượt được chướng ngại, thì thế giới Phật mới hiện ra cho chúng ta, mới thấy Đức Phật hiện hữu.

Đọc kinh Pháp Hoa, quý vị sẽ thấy điều kỳ diệu là khi Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội, thì trời mưa hoa Mạn đà la, làm cho tâm đại chúng được thanh tịnh, thấy lục đạo tứ sanh từ địa ngục A tỳ cho đến Trời Sắc cứu cánh, lại thấy có Phật ra đời thuyết pháp giáo hóa độ chúng nhị thừa và hàng nhơn thiên, cũng thấy các vị Bồ tát tùy thuận chúng sinh hiện các loại hình cứu khổ ban vui, thành tựu lục độ vạn hạnh, cũng thấy các vị Bích Chi Phật thiền định ở núi rừng, v.v…

Trong thế giới chân linh hiện đủ cuộc sống của tứ sanh lục đạo và cũng hiện đủ cả hàng tứ Thánh, nghĩa là huệ phát thì thấy toàn cảnh của Pháp Hoa; đó chính là đạt được hiệu quả của việc tu hành. Điều này gợi lên sự suy nghĩ mà tôi muốn trao đổi với quý vị. Trên bước đường tu, nếu chỉ sống với thế giới vật chất của con người, chắc chắn không thể đi xa được. Vì vậy, hạn chế được một phần vật chất, thì một phần tâm linh sẽ hiện ra cho chúng ta; nhưng phần tâm linh này mới chỉ là vọng thức rất gần với chúng ta, chứ chưa vô được chân linh. Chân linh mà Trí Giả đại sư nói đến khác với vọng thức.

Trong tứ sanh lục đạo chỉ sinh hoạt với vọng thức, hay nghiệp thức. Vọng thức hay nghiệp thức là những kinh nghiệm quá khứ và hiện tại mà chúng ta tích lũy trải qua nhiều kiếp sống; cho nên chúng ta chỉ nhắm mắt lại là những gì chất chứa trong tiềm thức hay còn gọi là A lại da thức liền hiện ra.

Người tu mở toang A lại da thức của mình để kiểm tra, sẽ thấy được những người gần nhất là ma quỷ, hay quỷ thần. Người chết thành ma quỷ và ma quỷ tái sinh thành người, cho nên chúng ta dễ cảm nhận sự hiện hữu của thế giới này. Ngày nay, các nhà ngoại cảm chỉ cần lắng yên phần sinh hoạt vật chất một chút, thì phần Thức của họ mở ra, giúp cho họ thấy được tâm của người chết, hay nói nôm na là thấy hồn ma.

Riêng tôi từ khi mới 13 tuổi, ở chùa ban đêm thanh vắng, thường nghe tiếng tụng kinh, khiến tôi nhận ra thế giới tâm thức của con người. Thật vậy, khi thế giới vật chất được lắng yên một chút, chúng ta dễ nhận ra thế giới ma quỷ; vì xung quanh Tổ đình Huê Nghiêm thời bấy giờ là nghĩa địa, nên tôi thường thấy hồn người chết lảng vảng. Người tu không màng phú quý lợi danh, không nặng cuộc sống vật chất, nên dễ mở “Thức” ra trước. Và khi thế giới Thức mở ra, thì mối tương quan giữa ta với những người liên hệ trong những kiếp sống quá khứ và hiện tại chất chứa trong kho tiềm thức này liền hiện ra đầy đủ trước mắt mình; nói cách khác, chúng ta tự động thấy biết rõ ràng trên thực tế cuộc sống này người nào thực quý mến ta dù ta chưa làm gì cho họ, hoặc người nào ghét ta, muốn hại ta, dù ta chẳng có ác ý gì với họ, hoặc việc tốt lành hay hung dữ sắp xảy đến với ta, v.v... Trên bước đường tu, tôi thường thấy trước việc không tốt sẽ xảy ra và tôi kiểm tra lại tâm mình, tự nhiên thấy bất an, thì tự biết điều không lành sắp đến.

Theo tôi, đó là linh tánh báo cho biết trước, hay chư Thần báo mộng, khiến có cảm giác như trong vô hình có người mách bảo đừng đi đến chỗ đó, hoặc đừng làm việc nào đó. Và sau đó, thực tế cũng xảy ra những điều không lành đúng như chư Thần mách bảo. Phải nghe được tiếng nói phát xuất từ thế giới siêu hình và nghe bằng tâm thanh tịnh của mình, vì họ không nói bằng ngôn ngữ trần gian; hoặc vì tâm chúng ta vọng động nên không nghe được, nhưng có làn sóng điện từ truyền thẳng vào tâm ta làm cho ta có cảm giác bất an, lo lắng, nghĩa là thế giới siêu hình đã phát tín hiệu cho ta, nhưng ta không giải mã được.

Trong khi các bậc Thầy Tổ của chúng ta đã học được cách giải mã tín hiệu của Phật, của Bồ tát, của Thánh thần, đó là sở đắc đáng kể của người tu. Nếu không đạt được sở đắc như vậy, thì chỉ là tu sĩ nói suông, không có sức cảm hóa người; phải vượt được sinh hoạt bình thường của căn trần thức, mới thâm nhập vào thế giới siêu hình, mới có thể cảm hóa người khác. Gần nhất là nhận ra tiếng nói của quỷ thần, rồi từng bước, chúng ta giải mã tín hiệu của họ. Nếu tu Mật tông, mối quan hệ giữa mình và thần linh có phát ra tín hiệu, nên muốn kêu vị nào, chỉ đọc câu thần chú tương ưng thì vị thần đó tới với ta. Còn người bắt chước đọc thần chú, dù có đọc bao nhiêu lần, cũng chẳng có vị nào tới.

Mối quan hệ giữa thần linh và người tu không phải chỉ có Phật giáo biết được, mà ngoại đạo tà giáo cũng làm, nhưng phần nhiều họ quan hệ với oan hồn uổng tử. Các thầy phù thủy luyện thiên linh cái, kêu những hồn ma này tới, vì giữa họ với oan hồn có sự đồng cảm, đồng nghiệp. Nghiệp ác của phù thủy và nghiệp ác của ma gặp nhau, nên họ được ma ủng hộ và họ sử dụng âm binh này để hại người. Tà giáo thường luyện như vậy.

Theo Phật thì khác, chúng ta liên hệ với Hộ pháp thiện thần. Tâm ta thiện, nên liên hệ với thiện thần, họ sẽ đến ủng hộ. Tuy nhiên, các thầy trụ trì phải cẩn thận, muốn trì chú trước nhất phải có Phật tâm, thì chư thần hộ chúng ta, họ mới hiền lành; còn chúng ta bực tức, các ông thần sẽ tác động làm cho tâm ta bực hơn nữa.

Điều này thực tế tôi thấy rõ có một số Tăng Ni rất hiền lành, nhưng sau một thời gian đọc thần chú mà vẫn nuôi tâm sân hận, họ liền bị ác quỷ theo, nên tánh tình trở thành hung dữ lạ thường. Tôi có đến một ngôi chùa, thầy trụ trì ở đó nói với tôi rằng trước kia ông hiền, sau một thời gian trì chú, tánh ông trở nên nóng nảy kỳ lạ, đến mức độ ông đã đánh ông đạo què chân, nên không ai dám ở chùa với ông nữa. Thậm chí, tối ngủ, ông mơ thấy ma, nên ông đánh vô tường đến bầm tay. Chúng ta không phê phán việc trì chú, nhưng phải biết tu cho đúng pháp.

Các thầy trụ trì phải hiền như Phật, thì quỷ thần tìm đến, họ mới hiền lành và ủng hộ chúng ta làm được những việc lợi ích. Hiểu rõ điều này tôi đã viết trong bài sám Pháp Hoa rằng sơn thần thổ địa đồng tùy hy, nghĩa là họ đều tới với chúng ta để tu, không phải để kết bè đảng làm việc ác. Thế giới quỷ thần gần gũi chúng ta như vậy và nếu thâm nhập thế giới này, sẽ thấy những việc kỳ lạ; chẳng hạn có Phật tử đến thưa với tôi rằng họ nằm mơ thấy ba mẹ của họ bảo đến tìm tôi; vì tôi đã cảm thông được thế giới thần linh, khiến họ tác động cho cha mẹ của Phật tử như vậy.

Một lần khác, tôi cũng chứng nghiệm điều này, một vị linh mục đến cúng dường tôi, nhờ tôi cầu siêu cho bà cô của ông. Tôi hỏi tại sao ông theo đạo Thiên Chúa mà không cầu nguyện cho bà, lại nhờ tôi. Ông nói rằng buổi tối nằm mơ thấy bà cô bảo ông đến nhờ tôi cầu nguyện; vì bà ấy theo đạo Phật, thì không thể cầu hồn cho bà lên thiên đàng được.

Tôi kể hai câu chuyện này để gợi nhắc quý thầy rằng tâm thức của con người rất quan trọng. Theo tôi, Phật giáo chúng ta có một điều lợi lớn so với tôn giáo khác, đó là đạo pháp của chúng ta gắn liền với dân tộc. Thật vậy, theo dòng lịch sử của đất nước chúng ta từ khi dựng nước, giữ nước cho đến ngày nay, dân tộc ta đã kế thừa truyền thống Phật giáo. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, ngoài Phật giáo ra thì dân tộc Việt Nam không có văn hóa nào khác. Quả là “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Quý thầy hãy nghĩ xem bình thường có những người không tin Phật, nhưng khi người thân của họ qua đời, họ cũng phải rước thầy tụng kinh mới cảm thấy yên tâm. Điều này cho thấy truyền thống của Phật giáo và dân tộc gắn liền với nhau một cách sâu sắc. Gần đây, hướng đến anh linh của chiến sĩ, những người có thẩm quyền đã nhờ giới Phật giáo chúng ta tổ chức lễ cầu siêu tại các nghĩa trang liệt sĩ và Côn Đảo, một lần nữa nói lên sự gắn bó mật thiết của Phật giáo và dân tộc.

Tóm lại, Tăng Ni cần ý thức sâu sắc truyền thống gắn bó sâu xa của Phật giáo với dân tộc, để phát huy mối tương quan mật thiết này, giúp cho nhiều người tương thông được với ông bà, tổ tiên, cha mẹ, hay thân bằng quyến thuộc, bạn bè của họ ở thế giới siêu hình, để giải tỏa những nỗi khổ tâm u uất cho người sống và cả người đã khuất về những điều bất như ý. Như vậy, là làm cho âm siêu dương thạnh mà mọi người luôn mong đợi ở những người tu hành.

Mong rằng trong ba tháng an cư, chuyên cần sống trong pháp Phật, quý vị giữ tâm thanh tịnh và trí sáng suốt để khám phá được những điều kỳ bí của thế giới Phật, Bồ tát, chư Thiên, thiện thần và từ đó cảm hóa người sống, cùng các vong linh, luôn được an vui, luôn phát huy trí tuệ và đạo đức theo Phật, để xây dựng Tịnh độ trên nhân gian và Tịnh độ trong mọi cảnh giới.

HT.THÍCH TRÍ QUẢNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét