Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Văn học, nghệ thuật với sứ mệnh “phò chính trừ tà” (*)


(ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI TRONG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT HIỆN NAY DO HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC THÁNG 11 NĂM 2014 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)





GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG


1. Thực ra đề tài này hoàn toàn không mới, không có vấn đề lý luận phải bàn cãi nhiều, song thực tiễn lại đang đặt ra những vấn đề bức xúc, cả từ thực tiễn đời sống và từ thực tiễn văn học, nghệ thuật, cần trao đổi. Ngay từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, Aristote trong Nghệ thuật thi ca đã nhấn mạnh chức năng của bi kịch là “thức tỉnh tình thương và nỗi sợ hãi”, qua đó thực hiện “sự thanh lọc” (catharsis) đối với những cảm xúc của con người. Thức tỉnh tình thương và sự thanh lọc tâm hồn không có gì khác hơn là những giá trị đạo đức cao đẹp và sâu sắc của con người. Aristote đã phát hiện và khẳng định sự gặp gỡ sâu xa ngay từ bên trong quy luật về mối quan hệ giữa đạo đức và văn học, nghệ thuật. Phải chăng, bất cứ nền văn học, nghệ thuật chân chính nào cũng phải chứa đựng trong nó một chủ nghĩa nhân văn vì con người. Nội hàm của chủ nghĩa nhân văn ấy cũng không phải là cái gì khác mà chính là sự thức tỉnh tình thương và thanh lọc tâm hồn người, bảo vệ và khẳng định những giá trị đạo đức cần có cho con người theo khát vọng Chân, Thiện, Mỹ và đấu tranh chống lại những tác nhân làm thui chột, méo mó, tha hóa con người.
Đấy là nói về phương Tây. Có lẽ, cùng thời với nó, từ ngàn năm nay trong văn học, nghệ thuật phương Đông chúng ta đã quen thuộc với một định đề xuyên suốt lịch sử văn học, nghệ thuật: văn dĩ tải đạo, văn dĩ minh đạo. Tất nhiên phạm trù đạo ở đây, theo quan niệm phương Đông, là rộng lớn, ở tầm khái quát vũ trụ siêu phàm. Đó là đạo của trời đất, là quy luật vũ trụ và cuộc sống với ý nghĩa rộng lớn của nó. Nhưng khi chuyển hóa nó vào văn học, nghệ thuật để sáng tạo, để tự biểu hiện, để khám phá cuộc sống thì đạo ấy trước hết và cuối cùng chính là đạo làm người. Có thể lúc này đây có một bộ phận những người sáng tạo cho rằng quan điểm đó đã cũ. Văn học, nghệ thuật hiện đại đã có sự thay đổi, không còn những hình hài và những giá trị đã định hình trong lịch sử nhiều năm trước đây. Nhưng không thể có một kết luận khác rằng, lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, trong tất cả ý nghĩa chân chính và cao cả của nó, đều trực tiếp hoặc gián tiếp tìm đến, phản ánh, phát hiện, cảnh báo, dự báo và bộc lộ khát vọng về đạo đức con người. Đề dẫn này không muốn làm mất thì giờ của các nhà khoa học khi phải dẫn chứng hàng trăm ngàn các tác phẩm như vậy. Trong phạm vi của mình, đề dẫn chỉ trình bày một số nhận xét có tính khái quát về các khuynh hướng nhận thức, phản ánh đạo đức trong lịch sử văn học, nghệ thuật. Phải chăng, có thể nêu lên mấy biểu hiện như sau: Thứ nhất, có những tác phẩm không coi đạo đức là chủ đề chính của mình, người sáng tạo tìm thấy những chủ đề của riêng mình về số phận, về đường đời của loài người, của dân tộc, về cuộc đấu tranh không khoan nhượng để tự khẳng định những giá trị của chính mình trước những đau khổ và thách thức nghiệt ngã (Ví dụ như bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven, bức tranh Guernica của Picasso,…), song chỗ đứng sâu nhất trong tâm hồn và chuẩn mực vững chắc nhất của người nghệ sĩ sáng tạo những vấn đề lớn lao đó bao giờ cũng là những giá trị và chuẩn mực đạo đức mà họ khát khao bảo vệ, nuôi dưỡng và trải nghiệm. Không có nó thì không có những giá trị bất hủ. Thứ hai, người sáng tạo văn học, nghệ thuật đã vượt lên những đau đớn, dằn vặt của mình trong cuộc đời để tìm kiếm những giá trị đạo đức lý tưởng và tạo nên nhữnghình tượng cao thượng đầy sức cuốn hút, quyến rũ về nhân cách, đạo đức mà con người phải vươn tới. Đây là điều có thể coi như là sự kì diệu của văn học, nghệ thuật. Có thể loài người không vươn tới được những khát vọng ấy trong một giai đoạn lịch sử cụ thể của mình nhưng loài người vẫn nuôi dưỡng, thờ phụng những hình mẫu lý tưởng tuyệt vời ấy mà nhà sáng tạo văn học, nghệ thuật, từ trong nỗi đau và khát vọng của mình, đã tìm kiếm ra. (Ở ta ai cũng thấy Nguyễn Du là như vậy và trên thế giới đã có hàng trăm những tác phẩm như thế. Ở Ấn Độ, có những trường ca trở thành những thánh ca bất hủ về đạo đức mà người dân Ấn Độ noi theo như những mẫu mực tuyệt đối. Ở Nga, hình tượng Ilia Muromét trở thành bất tử trong tâm hồn Nga). Có lẽ, khuynh hướng thứ ba phổ biến hơn trong lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại là năng lực phản ánh, miêu tả, khám phá đến tận cùng cuộc chiến tranh không kết thúc giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao cả và cái thấp hèn, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa tốt và xấu. Mặc dầu có những tác phẩm kết thúc thắng lợi của cái tốt, cái cao thượng, cái thiện, nhưng xét cho cùng, những người sáng tạo nghệ thuật đều cảm nhận sâu sắc rằng cuộc đấu tranh đó của nhân loại không có kết thúc và đây là sự phát hiện không chỉ của Triết học mà là của văn học, nghệ thuật. Hàng trăm tác phẩm, đông, tây, cổ, kim đã cố gắng khai phá ở chiều sâu nhất cuộc đấu tranh sống còn đó. Sechxpia, V. Hugo, Xecvantec, Beethoven, Picasso, Tonxtoi, Doxtoiepxki và những tên tuổi bất hủ khác ở những thời đại khác nhau, gắn với đặc trưng của từng dân tộc và từng thời kỳ lịch sử, đều là những người tiên phong phát hiện cuộc đấu tranh đó và sáng tạo những hình tượng nghệ thuật sống mãi cho nhân loại. Ai đó, lúc này cho rằng, văn học, nghệ thuật không có sức mạnh “can thiệp” trực tiếp vào cuộc đấu tranh này là sự nhầm lẫn. Lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại đã minh chứng điều đó. Như vậy, một chút khái quát sơ lược trên, đề dẫn chỉ muốn đề cập một ý rằng, phản ánh đạo đức xã hội, đấu tranh chống cái ác, cái thấp hèn, đen tối, bảo vệ cái cao thượng, cái tốt đẹp là nhiệm vụtự thân của văn học, nghệ thuật từ xưa đến nay, nó không chịu bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” nhất thời, trước mắt, mà chỉ ra cuộc đấu tranh chống cái cũ, cái lạc hậu, cái xấu, cái thấp hèn, cái ác, sự tham nhũng, thoái hóa, biến chất… là những đề tài cực kỳ quan trọng, khởi nguồn cho sáng tạo văn học, nghệ thuật. Và quan trọng hơn, bằng sự phản ánh trung thực, chân thật, sinh động những cái tiêu cực, xấu xa, thoái hóa đó; và từ đó, tạo được sức lay động tích cực đối với con người và xã hội, hướng tới và vun đắp các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, văn học, nghệ thuật sẽ đạt được những thành tựu xứng đáng. Và đó cũng chính là lý do tồn tại và phát triển của bản thân văn học, nghệ thuật.

2. Tại sao Hội thảo của chúng ta lại tập trung bàn về vấn đề này? Có lẽ, câu trả lời dễ dàng được mọi người đồng tình là xã hội đang xuống cấp về đạo đức. Điều đó đúng nhưng có lẽ chưa đủ. Cần một chút suy nghĩ kỹ hơn, sâu hơn. Nếu nói gọn xã hội xuống cấp, tha hóa về đạo đức thì giải thích làm sao thành tựu lớn của gần 30 năm đổi mới (1986 – 2014), lại chính là do nhân dân lao động, những người bình thường của dân tộc này làm nên sự nghiệp đó. Đây hoàn toàn không phải là một công thức. Đây là sự thật lịch sử. Nhưng mặt khác, với tất cả sự tỉnh táo của mình, chúng ta đã nhận thức rõ xu hướng vận động của đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay đã và đang xuất hiện rất nhiều vấn đề lớn và phức tạp chưa từng có so với giai đoạn trước 1975, 1980. Sự tha hóa về đạo đức trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội không còn là điều bất thường mà đó là điều rất đáng lo ngại. Cho phép đề dẫn không lấy dẫn chứng cụ thể vì các nhà khoa học ở đây đều đang sống và trải nghiệm trong thực tiễn đó. Trong mong muốn của mình, đề dẫn chỉ xin trình bày một số nguyên nhân bên trong của xã hội hiện thời, vì có lẽ cùng với việc kể tả cái xấu, cái ác thì ưu thế đặc biệt, sức mạnh của văn học, nghệ thuật là năng lực đi đến tận cùng các nguyên nhân gây nên những vấn đề đạo đức đang biến động mạnh và có chiều hướng xuống cấp.
Chưa bao giờ xã hội chúng ta trong 30 năm qua lại biến đổi, biến động lớn như thế. Từ vĩ mô đến vi mô, từ gia đình đến cộng đồng, trên tất cả các lĩnh vực, những sự biến động và biến đổi đó có một đặc điểm nổi bật, đó là sự chưa kết thúc, chưa chín muồi, có nghĩa là xã hội chúng ta trong 30 năm qua đang ở giai đoạn giao thời hết sức đặc biệt. Thử nêu lên sự giao thời, sự xen kẽ của các nhân tố sau đây. Thứ nhất, chiến tranh đã kết thúc 38 năm nhưng di hại của chiến tranh, nỗi đau của chiến tranh, tâm lý con người trong chiến tranh, ở mức độ nào đó, đôi khi còn nguyên vẹn. Thứ hai, từ một xã hội bao cấp sang một nền kinh tế thị trường, cả bao cấp và cả thị trường đều chưa kết thúc, cái cũ vẫn còn bám dai dẳng, cái mới chưa thực sự định hình (các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước là điển hình tiêu biểu). Đặc điểm giao thời này tạo nên rất nhiều những vấn đề phức tạp về quan niệm và nhận chân các giá trị đạo đức trên mọi quan hệ của con người với tự nhiên, với xã hội và với chính mình. Thứ ba, hơn một ngàn năm xã hội Việt Nam là xã hội nông nghiệp, tâm lý nông nghiệp, tiểu nông, bon chen, chỉ biết đến phạm vi nhỏ hẹp (làng, mỗi gia đình,…) của mình. Từ tất cả những khó khăn của ngàn năm tiểu nông ấy, bắt đầu chuyển sang xã hội công nghiệp và tác phong công nghiệp, hai nhân tố trên trộn lẫn trong hầu hết các quan hệ xã hội, cùng với sự xuất hiện những giá trị đạo đức mới trong xã hội công nghiệp đang hình thành lại len lỏi vào trong đời sống các “chuẩn mực” đạo đức cũ của xã hội và tâm lý tiểu nông của ngàn năm phong kiến. Thứ tư, chuyển sang thời bình, con người được sống trở lại với tất cả nhu cầu bình thường của mình, những kìm nén nhu cầu cá nhân trong chiến tranh, bước sang thời bình đều bật dậy, đó là quy luật bình thường. Song cùng với nó là sự xuất hiện của kinh tế thị trường, của nhu cầu làm giàu, của năng lực tự bảo vệ đời sống của mỗi người và mặt khác, từ sự chậm trễ, bất cập trong chỉ đạo vĩ mô mối quan hệ giữa kinh tế và phát triển văn hóa đã dẫn tới sự xuất hiện tràn lan chủ nghĩa thực dụng kinh tế và nhu cầu này đã lấn át nhu cầu tinh thần – đạo đức cần có cho con người. Từ một nhu cầu chính đáng của con người trong thời bình trở thành một sai lầm tràn lan trong đời sống xã hội. Từ một xã hội bị cấm vận, giờ đây, bắt đầu quá trình hội nhập quốc tế đầy bỡ ngỡ, khó khăn… và xuất hiện sự lựa chọn của một bộ phận công chúng, nhất là thanh niên giữa các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc với các biểu hiện đạo đức nước ngoài, cả tốt và xấu, trong đó không ít cái xa lạ, lai căng, “lố bịch” được vồ vập, bắt chước.
Những đặc điểm biến đổi, biến động bên trong rất sâu sắc trên của xã hội nước ta những năm qua đã trực tiếp tạo ra những biểu hiện mới và lạ, cả sự trăn trở tìm kiếm và cả sự lúng túng, về đạo đức. Những năm qua, một sự đảo lộn về các giá trị đạo đức đã xuất hiện và càng phổ biến (rất nhiều điều tra xã hội học đã minh chứng điều này). Ví dụ nhỏ, có kết quả điều tra chỉ ra rằng, ở một bộ phận công chúng, lòng yêu nước không còn là phạm trù hàng đầu, cốt lõi của đạo đức mà tự do cá nhân đã được đưa lên. Từ đó người ta đã bàn đến sự loạn chuẩn đạo đức, điều chưa từng có trong những năm chiến tranh. Thứ hai, sự xuất hiện cái ác, cái xấu, sự vô cảm ngày càng lan tràn trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày xưa, người ta rùng mình đến kinh sợ khi nghe tin con giết mẹ, vợ giết chồng, người thân giết nhau; nhưng ngày nay, trên báo chí những tin đau xót như vậy phổ biến hàng ngày. Người ta nói đến sự vô cảm của các cá nhân (bảo mẫu đánh đập trẻ em như xúc vật) nhưng người ta không nhắc đến sự vô cảm dưới một chiêu bài sang trọng của những người có chức, có quyền khi là thủ phạm, đồng phạm gây ra những sai lầm, phạm pháp trong phạm vi phụ trách của mình. Thứ ba, một bộ phận lớn trong xã hội, cả già và trẻ, đều đang tự mình tìm kiếm những giá trị đích thực về đạo đức và tạo nên một sự lựa chọn mới. Sự tìm kiếm, lựa chọn đó chưa kết thúc. Thứ tư, trong cuộc đấu tranh một mất một còn và không cân sức giữa cái thiện và cái ác, cùng với sự tìm kiếm và lựa chọn là sự xuất hiện đầy khó khăn những giá trị mới của xã hội công nghiệp đang hình thành. Tìm hiểu những trí thức trẻ của các ngành công nghiệp lớn của nước ta, chúng ta có thể nhận biết những dấu hiệu của các giá trị mới đó. Xã hội đang cần sự khuyến khích, sự cổ vũ, sự bảo vệ, sự nuôi dưỡng những giá trị mới của xã hội công nghiệp. Thứ năm, xuất hiện một bộ phận lúng túng lựa chọn giữa thời buổi đang biến đổi này và người ta đã lảng tránh vấn đề xuống cấp, tha hóa về đạo đức để “mũ ni che tai”, cố giữ sự yên ổn của đời sống cá nhân, gia đình. Thứ sáu, đã xuất hiện một bộ phận, đặc biệt là những kẻ làm giàu không chính đáng hoặc tham nhũng, và con em của họ đã phủ nhận cơ bản những giá trị văn hóa truyền thống, sống theo kiểu ăn chơi trác táng, thỏa mãn nhu cầu vật chất, ưa chuộng, ca ngợi cuộc sống, lối sống nước ngoài, mỉa mai, chê bai những giá trị truyền thống dân tộc.
Nếu nhìn nhận những vấn đề đạo đức đang đặt ra bức xúc và chưa có lời giải đáp lúc này thì chắc chắn rằng văn học, nghệ thuật cần tham gia với tư cách một sức mạnh, một ưu thế như nó đã từng có trong lịch sử lâu dài của mình. Và nó không phải chỉ là phản ánh, miêu tả cái đã có, đang có mà phải góp phần vào đánh giá, bình giá, tham gia vào sự lựa chọn, dự báo, định hướng cho sự phát triển đạo đức trong một xã hội đang chuyển động sâu sắc và phức tạp, vì vậy, mục tiêu của sự khám phá đạo đức của văn học, nghệ thuật, lúc này, không phải là “các tấm bia” cố định, đứng im, mà nó đang là mục tiêu di động. Phải chăng đây là một thách thức gay gắt và là một nhiệm vụ đặc biệt của văn học, nghệ thuật Việt Nam lúc này. Nếu văn nghệ Việt Nam lúc này chỉ đứng ngoài kể tả những hành vi, sự kiện vi phạm đạo đức cho thỏa mãn những bức xúc nhất thời của mình mà không đủ sức báo động, điều chỉnh, hướng dẫn thì các tác phẩm như vậy chỉ còn là anh hề đồng chạy theo cuộc sống. Văn học, nghệ thuật phải có trách nhiệm “can thiệp trực diện” vào đạo đức xã hội bằng tiếng nói, sức mạnh của riêng mình.

3. Thử nhận định khái quát về tình hình văn học, nghệ thuật Việt Nam với vấn đề đạo đức xã hội hiện nay. 30 năm chiến tranh và gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những tác phẩm có sức cổ vũ sâu sắc về lý tưởng, về đạo đức và trở thành sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam. Có lẽ điều đó không nên phủ nhận, mặc dầu còn có những tác phẩm không ít những hạn chế khó tránh khỏi trong điều kiện lịch sử cụ thể. Những năm đầu đổi mới, văn học, nghệ thuật trở thành người chiến sĩ tiên phong dự báo cho sự đổi mới đồng thời lên án đến tận cùng những nhân tố đạo đức cản trở sự phát triển của xã hội và sự hình thành của những khát vọng mới. Sự lên án cái xấu, cái ác đã thức tỉnh con người đấu tranh đòi xã hội phải tốt đẹp hơn. Ví dụ như kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tào Mạt,… Cái đêm hôm ấy đêm gì, Người đàn bà quỳ,… Gần đây, hồi ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, truyện ngắn của Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư,… và một số bộ phim truyền hình đã tham gia với một trách nhiệm cao trong việc lên án cái ác, cái xấu. Phải nhận thấy rằng, trước thực trạng đạo đức xã hội (như đã trình bày), văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm qua đã xuất hiện một số tác phẩm thể hiện khát vọng đấu tranh quyết liệt với mong muốn, bằng sức mạnh của riêng mình, góp phần cứu vãn tình hình đạo đức xuống cấp. Sự sốt ruột và đau xót không phải của riêng ai. Nhưng tại sao lại không xuất hiện được những tác phẩm lớn? Phải chăng, nói như M. Gorki, người nghệ sĩ trong những năm qua đã không sống hết mình với cuộc đời nên không biết hết “tim đen, tim trắng” của nó? Tại sao có những motip na ná về kẻ ác, kẻ xấu mà không tạo dựng được những hình tượng chứa đựng sâu sắc sự tha hóa đạo đức đang xuất hiện hàng ngày trong đời sống? Và tại sao lại không có được những hình tượng thể hiện khát vọng của người nghệ sĩ về những tấm gương đạo đức cao thượng cần có trong cuộc đời này mặc dầu nó chưa hình thành trọn vẹn. Và điều đáng ngại hơn, tại sao lại xuất hiện những khuynh hướng lảng tránh những vấn đề đạo đức, biến văn học, nghệ thuật trở thành trò giải trí đơn thuần, đôi khi rẻ tiền với một luận điểm thiếu khoa học rằng văn học, nghệ thuật hiện đại đang giải đạo đức hóa. Tôi nhớ, Secnusepxki có nói một câu đơn giản, nếu tác phẩm của người nghệ sĩ chỉ nói về cá nhân nhỏ nhoi của mình thì tác phẩm đó không hơn một tấm dẻ rách. Điều đó không phủ nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật đi sâu vào cá nhân, đời thường, đi vào những lĩnh vực lâu nay còn bỏ trống, nhưng chỗ đứng cuối cùng của người nghệ sĩ, người sáng tạo khi viết về cái đó vẫn là những giá trị, chuẩn mực đạo đức và thẩm mỹ. Cuối cùng, khi chúng ta đang nỗ lực vươn lên xã hội công nghiệp, xã hội cần phải có cái nhìn tỉnh táo, khoa học hơn về con người Việt Nam với cả ưu và khuyết điểm, tốt và xấu, những hạn chế lịch sử của nó. Trước yêu cầu phát triển đó, chúng ta cần những tác phẩm khám phá, phân tích một cách sinh động, nghiêm túc và sâu sắc về những hạn chế lịch sử của con người Việt Nam (kinh nghiệm của văn học Nhật Bản và Trung Quốc) không phải với mục đích để bôi nhọ, hạ thấp con người chúng ta, càng không chỉ tô hồng con người Việt Nam mà phải tìm thấy trong con người của chúng ta hôm nay đang có nhu cầu vượt qua chính mình để tự hoàn thiện trong xã hội công nghiệp.

4. Từ đặc trưng, bản chất, thực trạng và những đòi hỏi của thực tiễn đạo đức xã hội Việt Nam đã và đang đặt ra vấn đề trách nhiệm và lương tâm của người nghệ sĩ trong vấn đề phản ánh đạo đức xã hội. Bản đề dẫn này không có quyền và không có trách nhiệm giáo huấn, mà đây chỉ là những lời tâm sự, nghĩ suy về quy luật sáng tạo văn học, nghệ thuật trong tương quan với vấn đề đạo đức xã hội. Trước hết, đặc trưng của văn học, nghệ thuật đòi hỏi mỗi nhà văn, mỗi nghệ sĩ phải vươn mình lên là một nhà tư tưởng, đồng thời còn phải là một nhà đạo đức. “Văn dĩ minh đạo” là mệnh đề hàm nghĩa này. Nghệ sĩ sáng tạo không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn làm sáng tỏ, sáng tạo, cổ vũ con người tự nguyện vươn lên những giá trị đạo đức. Mặt khác, đạo đức xã hội không chỉ là những thiết chế khô cứng, phổ quát, mà thực ra luôn tồn tại, thẩm thấu trong cuộc sống, trong những tầng vỉa sâu nhất của tâm hồn con người. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự am hiểu những giá trị, những khả năng, sự vận động của đạo đức ở chiều sâu tâm hồn con người để nắm bắt, phản ánh, dự báo và cảnh báo. Tấm gương của Doxtoiepxki lăn lộn giữa cuộc đời, trăn trở với cuộc đời, đau nỗi đau của con người để có được Tội ác và trừng phạt, tác phẩm bất hủ vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian là một bài học thực sự giá trị cho sáng tạo văn học, nghệ thuật. Hiện nay, trong đời sống văn học, nghệ thuật của ta đã xuất hiện xu hướng, một số cây bút thiếu trải nghiệm thực tế, sống chủ yếu ở thành phố, quá lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông, trình làng những tác phẩm thiếu tính chân thực, không có sức thuyết phục, chạy theo những sự kiện giật gân, câu khách mà đánh mất giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật là sự rung cảm thẩm mỹ sâu sắc và qua đó tác động vào đạo đức, lối sống của con người. Cũng từ sự xa rời thực tiễn ấy, đã xuất hiện không ít những tác phẩm lảng tránh những vấn đề nóng bỏng của đời sống, chỉ chăm chăm cho tính giải trí rẻ tiền. Cả hai khuynh hướng đó đều là biểu hiện của sự xa rời thực tiễn, khi người sáng tạo không thể hiện được sự “ưu thời mẫn thế” của mình, và khi đó, họ đã đánh mất thiên chức cao quý của văn học, nghệ thuật.
Bám sát, am hiểu và không ngừng trăn trở với đời sống nhưng người nghệ sĩ trong phản ánh, biểu hiện những vấn đề đạo đức xã hội bao giờ cũng phải dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ, nhân văn, trong sự yêu thương và tin tưởng đối với con người. Người nghệ sĩ không chỉ kể, tả lại cái xấu, cái ác nhan nhản trong đời sống, điều mình trông thấy, hoặc thậm chí chỉ nghe nói, mà phải đứng ở chiều sâu và tầm cao của chuẩn mực đạo đức,nhất là khi phản ánh cái ác. Hiện nay có một số người sáng tạo văn học, nghệ thuật chỉ kể tả những hiện tượng mà không tìm thấy nguyên nhân bên trong, không nhìn thấy những xu hướng phát triển vì không nhận thấy đây là một cuộc đấu tranh nghiệt ngã trong xã hội lúc này, từ đó không thể hiện được niềm tin trong tác phẩm của mình. Đó là những biểu hiện khá rõ, dễ nhận biết của một số người sáng tạo và thực ra là thái độ thiếu trách nhiệm với công chúng và sau nữa là sự vô cảm đáng trách trước sự hưng vong của đạo đức xã hội, vốn là gốc rễ sự hưng vong dân tộc. Tại sao Nguyễn Du, trong bối cảnh xã hội phong kiến suy tàn lại dành những tình cảm yêu thương, trân trọng nhất cho thân phận nàng Kiều vốn bị vùi dập bởi sóng gió cuộc đời đen tối, bởi chính những khắt khe của quan niệm đạo đức chính thống, lại để lại cho đời một trong những hình tượng văn học lớn nhất, một trong những tấm gương đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam? Đó chính là bởi tác giả xuất phát từ tình yêu thương, niềm tin vào phẩm giá con người, xuất phát từ lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức tiến bộ để sáng tạo. Ví dụ này để thấy vai trò đặc biệt quan trọng của cái Tâm, cái Tầm, cái Tài của người nghệ sĩ trong phản ánh, sáng tạo, biểu hiện những vấn đề đạo đức xã hội.


Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và một số văn nghệ sĩ tham gia hội thảo.

5. Để khẳng định, phát huy cao nhất vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp chấn hưng đạo đức xã hội, xây dựng và phát triển nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, bên cạnh tài năng, tâm huyết của người sáng tạo, còn đặc biệt cần đến năng lực, trách nhiệmvà phương pháp sử dụng, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Trách nhiệm này trước hết thuộc về hệ thống chính trị, về các cấp quản lý văn hóa, văn nghệ, của công tác tư tưởng - văn hóa, đồng thời là trách nhiệm của toàn xã hội. Lâu nay, hình như chúng ta không quy định rõ ràng trách nhiệm này cho một cơ quan cụ thể nào mà chỉ hô hào chung chung. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu thiếu năng lực, thiếu hiểu biết đối với lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và tinh đạo đức, trung thực trước các sự kiện, tác phẩm, tác giả văn học, nghệ thuật, có năng lực, “trực chiến” trên lĩnh vực này. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật cần đảm bảo các yêu cầu cụ thể:
- Tham gia định hướng cho hoạt động sáng tạo, góp phần tạo ra được những tác phẩm, công trình văn hóa, văn nghệ có giá trị, hướng mạnh vào việc nhận thức, phát hiện, khám phá và thể hiện đúng đắn, chân thật, sinh động sự xuất hiện nhọc nhằn của cái mới và sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội.
- Theo dõi tình hình và kết quả sáng tác, chọn lọc những tác phẩm tốt, phù hợp để sử dụng các tác phẩm đó trong các chương trình giáo dục, rèn luyện, đặc biệt sử dụng và phát huy các kết quả sáng tạo đó trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thời gian qua, chúng ta đã quan tâm đến nội dung này, song hiệu quả thực tế chưa cao.
- Chỉ đạo đưa các tác phẩm tốt giới thiệu, quảng bá, phân tích, định hướng dư luận xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, triển khai các đợt sinh hoạt tư tưởng theo chủ đề gắn với việc lựa chọn các tác phẩm tốt, phù hợp phục vụ các đợt sinh hoạt đó.
- Tổ chức bồi dưỡng, định hướng và nâng cao năng lực tiếp nhận thẩm mỹ cho công chúng, để từng bước tạo “đầu ra” cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng. Ở đây, vai trò của các nhà lý luận, phê bình, của truyền thông đại chúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng và cần tích cực hơn nữa, dành riêng cho nó cả nhân lực, vật lực và tài lực.
Thưa các vị đại biểu!
Hội thảo đặt ra 4 vấn đề, yêu cầu, gợi mở để các nhà khoa học thảo luận. Đó là vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật nhìn từ lịch sử văn học, nghệ thuật thế giới và Việt Nam; thực trạng đạo đức xã hội ở Việt Nam - những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; vai trò của văn học, nghệ thuật và trách nhiệm của văn nghệ sĩ tham gia xây đắp những giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, trách nhiệm và lương tâm của người nghệ sĩ trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay. Bản Đề dẫn này xin bổ sung thêm vấn đề, đó là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các cấp lãnh đạo, quản lý đối với việc sử dụng và quảng bá tác phẩm văn nghệ trong đời sống. Làm được như vậy, văn hóa, văn nghệ sẽ trở thành một bộ phận khăng khít, không thể thiếu trong cuộc đấu tranh lớn của chúng ta xây dựng con người, giáo dục lý tưởng và phòng chống sự thoái hóa, biến chất tư tưởng, đạo đức, lối sống để bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của chế độ ta, đất nước ta.
10.2014


_________________________
(*) Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét