Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Chữ nước mình- chữ nước họ



Tác giả: Đào Dục Tú


Chưa có nhà ngôn ngữ học nào thống kê tỉ mỉ trong vốn từ vựng của dân Việt ta có bao nhiêu từ gốc Hán Việt, tức chữ Hán đọc âm Việt và từ gốc Hán Việt chiếm chính xác bao nhiêu phần trăm. Thế nhưng qua cảm quan của người sử dụng tiếng mẹ đẻ không chỉ trong đời sống thường nhật mà quan trọng hơn trong công việc cầm bút hàng ngày, tôi ước đoán không dưới bẩy mươi phần trăm từ vựng Việt ngữ là gốc Hán Việt.



Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bây sẽ “bị” đánh tơi bời!
Nguồn: Trên mạng


Có thể dễ dàng tìm kiếm những bài xã thuyết theo phong cách tuyên huấn, tuyên giáo quen thuộc không hề cần dùng một từ thuần Việt nào, hoặc nếu có thì thưa vắng đến mức không đáng kể..Nhân dân,quân đội ,đảng ,chính quyền ,đoàn thể,thành tích ,khuyết điểm,hạn chế,kiên quyết,diễn biến hòa bình,triệt để,tôn trọng ,cực lực ,phản đối ,chiến tranh,hòa bình,hy sinh sản xuất ,năng suất . . .đại loại tất cả những từ quen thuộc này đều gốc Hán Việt cả.

Điều đó không có gì mới nhưng quả là sự “lấn át” ngôn ngữ dễ làm một số người hiểu lệch chuyện ngôn ngữ sang chuyện . . .chính trị, tư tưởng

Đã có người trong bối cảnh quan hệ Việt Trung rơi vào cơn sóng to gió lớn do “giàn khoan”-lãnh thổ Trung Quốc di động lù lù xuất hiện trên vùng lãnh hải Việt Nam, đã đòi loại bỏ cả chữ Hán cổ trên hoành phi câu đối ở tất cả các đền chùa miếu mạo, trước hết là những di tích văn hóa-lịch sử- du lịch xây dựng mới hoặc trùng tu .

Lý do họ đưa ra,nói nôm na là người mình đâu phải không có chữ, con cháu chúng ta làm sao hiểu được cái thứ “chữ vuông như hòm” có khi mười mấy nét chấm phết một chữ lại thêm sơn son thiếp vàng kia nói cái gì. Thậm chí có người còn cao đàm khoát luận về tự tôn, tự hào, tự ái dân tộc xung quanh chuyện này với những suy diễn vô căn cứ.

Họ không cần biết đền chùa miếu mạo cùng những di tích văn hóa lịch sử do ông cha ta kiến tạo từ nhiều đời trước,là kết quả và phong cách kiến trúc văn hóa mỹ thuật mang dấu ấn Việt, trong đó chữ Hán cổ biểu tỏ chính đạo Việt,tư tưởng ,tình cảm Việt, hàm chứa dấu ấn lịch sử một thời đại đã qua ngàn năm, là những công trình vô cùng cổ xưa quý giá. Chả lẽ cần bỏ cả tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của cụ danh tướng Lý Thường Kiệt chỉ vì toàn chữ Hán cổ” Nam quốc sơn hà nam đế cư” !

Thứ nữa, có ghi âm chữ quốc ngữ-,âm Việt ghi bằng chữ la-tinh, dắt giây phía dưới hay phía trên hoành phi câu đối chẳng hạn, vừa phá vỡ chỉnh thể di tích mà con cháu ta cũng vẫn không sao hiểu được; cho dù là những hoành phi câu đối “đơn giản chữ” như “đức lưu quang” “quang tiền thùy hậu” “hàn mặc hương” “vạn thế sư biểu” vân vân.

Còn đối với hàng loạt câu đối thâm hậu ý nghĩa kiểu như “vạn cổ đan tâm minh nhật nguyệt-Thiên thu nghĩa khí tráng sơn hà” chẳng hạn, thì biết bao nhiêu chữ quốc ngữ giải thích cho xong !Đấy là chưa kể lượng chữ trên hoành phi câu đối không thể quá nhiều;hoành phi chừng ba đến năm, sáu chữ Hán cổ là cùng, chỉ có thể sử dụng chữ Hán cổ tượng hình truyền thống có ý nghĩa hàm súc rất cao.

Vả lại nghĩ cho cùng thì chữ Hán là kết quả quá trình phát triển ngôn ngữ của một dân tộc vĩ đại có vài nghìn năm hoàn thiện văn tự- chữ viết, là “công văn hóa” của người Trung Hoa, của nhiều trí tuệ trác việt người Trung Hoa từ cổ chí kim. Thứ chữ đã để lại cho hậu thế công trình trước tác của “bách gia chư tử”, hàng trăm nhà tư tưởng nhiều đời, để lại nền thơ Đường nổi tiếng thế giới ,nền tiểu thuyết lịch sử cổ Trung Hoa có ảnh hưởng không ít đến mỹ cảm văn chương Việt như Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Tây Du Ký,Hồng Lâu Mộng,Thủy Hử, vân vân và vân vân.

Cái thứ chữ Hán cổ làm nên kỳ tích văn chương ,tư tưởng đó chẳng liên quan gì , chẳng “đẻ” ra và cũng không “là bà đỡ” cho đủ thứ chinh trị bành trướng, bá quyền nước lớn của nhà cầm quyền ! Đấy là chữ viết, là ngôn ngữ, là công trình văn hóa phi vật thể vào hàng cổ xưa vĩ đại nhất của bất kỳ một dân tộc nào,đặt cơ sở cho giao tiếp giữa con người và con người và để lại kho kiến thức lịch sử, khoa học tư tưởng, văn học thành văn cho hậu thế. Dân tộc nào cũng vậy..

Vả lại do hoàn cảnh lịch sử cụ thể nghìn năm Bắc thuộc, với chính sách cai trị hà khắc khốc liệt của phong kiến phương Bắc, việc ngôn ngữ Hán theo quân viễn chinh và bộ máy cai trị vào đất Việt,áp đặt vị thế độc tôn của nó trong suốt hàng nghìn năm, là chuyện “tất yếu của lịch sử”, không muốn cũng không xong.

Cũng tương tự chữ la-tinh theo chân các cố đạo phương Tây đi trước và đi sau đoàn quân viễn chinh Pháp vào “thuộc địa Việt”, dần dần hình thành chữ quốc ngữ-ghi âm tiếng Việt bằng chữ la-tinh. Chả lẽ dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng vẫn chống “giặc dốt” khai trí học khởi đầu từ i-tờ, người Việt hiện đại sử dụng chữ la-tinh là . . .dại dột về văn hóa tư tưởng hay sao ?.

Vấn đề ở chỗ là hàng nghìn năm Bắc thuộc, một bộ phận cốt yếu khởi đầu ,khởi nguồn của tiếng Việt vẫn còn và quan trọng hơn,phong tục nước ta vẫn nguyên vẹn trong tâm thức và tâm cảm Việt. “Núi sông bờ cõi đã chia-Phong tục Bắc nam cũng khác” (Bình Ngô Đại Cáo). Hàng loạt từ chỉ quan hệ gia đình gia tộc như bố mẹ cô dì chú bác cậu mợ anh em con cháu. . .

Hàng loạt từ gọi tên các bộ phận trên cơ thể người như tóc tai mặt mũi miệng chân tay da xương ruột gan phèo phổi. Hàng loạt từ gọi tên các trạng thái tình cảm buồn vui giận ghét vân vân, hàng nghìn năm Bắc thuộc đâu có mất ! Học giả Phạm Quỳnh để đời một nhận định văn hóa chí lý “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Câu Kiều mở đầu “Trăm năm trong cõi người ta-Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” bên cạnh bốn từ gốc Hán Việt “chữ tài chữ mệnh” là mười từ nôm na thuần Việt mà kết lại cụ Nguyễn Tiên Điền gọi là “lời quê”-lời quê chắp nhắt dông dài-mua vui cũng được một vài trống canh !

Trong quá trình giao lưu văn hóa song hành cùng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, người Việt tiếp nhận,vay mượn chữ Hán hay chữ la-tinh, là chuyện bình thường. Học văn hóa xứ người thích hợp để làm giầu văn hóa xứ mình ở nhu cầu thiết yếu bậc nhất là chữ viết ,văn tự, tuyệt đối không thể quy vào tư tưởng vọng ngoại vong bản cần phủ định một cách hồ đồ .

Vấn đề ở chỗ ta vẫn là ta ,người vẫn là người. Độc lập về chính trị tư tưởng không có nghĩa là “đứng một mình” về văn hóa, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hướng tới văn minh hiện đại thời a-còng !.

Chữ Hán cổ là một bộ phận của văn hóa dân tộc. Dù đã rơi vào tình trạng từ ngữ nhưng ánh xạ của chữ Hán cổ trên hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, trong hàng nghìn trang sử ,sắc phong của các triều đại phong kiến, trong mộc bản triều Nguyễn-một cổ vật quý hiếm bậc nhất vân vân. . . là tài hoa , tinh hoa trí tuệ của người Việt, đã đi vào tâm cảm Việt, tâm thức Việt .

Đấy là sự thật văn hóa ,chứng tích văn hóa tuyệt vời của nước Việt trường tồn cùng lịch sử. Ừ thì đấy là chữ nước họ, nhưng thứ chữ ấy đã được Việt hóa ở nội hàm ý nghĩa, cũng đã thành chữ nước mình. Gọi chung từ ,chữ gốc Hán Việt, nghĩa là phần tự- chữ là của nước họ,phần âm-thanh và phần nghĩa uyển chuyển là của nước mình !.Chuyện hai năm rõ mười là vậy. / .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét