Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Động lực để Việt Nam phát triển thần kỳ




 VIENHANLAM

“Cách đây bốn, năm mươi năm thì Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam, và Việt Nam hiện có 90.000 người sống tại Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc ở Việt Nam làm ông chủ, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì làm ôsin. Nghe mà xót lòng.”


Đó là chia sẻ gần đây của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng trên báo Tuổi Trẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Minh Khương – tiến sỹ về “kinh tế học phát triển” tại Đại học Harvard, giáo sư đại học quốc gia Singapore – chia sẻ công thức để đi tới sự thịnh vượng cho VIệt Nam. Theo đó, động lực phát triển của một đất nước có thể gói gọn trong ba chữ EEC – emotion (cảm xúc), enlightenment (sự khai sáng) và coordination (tính phối thuộc).

Năm 1960, Hàn Quốc và Philippines tương đồng về mọi mặt. Thậm chí, Philippines lợi thế hơn rất nhiều như sự hỗ trợ của quốc tế, dân trí khá tốt, tiếng Anh thông thạo. Lúc đó mọi người dự báo rằng, một ngày nào đó Hàn Quốc sẽ kém xa Philippines và Philippines đã sẵn sàng cho sự phát triển thịnh vượng. Thế nhưng ba mươi năm sau, nhìn lại Hàn Quốc đã tổ chức được Olympic thế giới và khẳng định được vị thế một dân tộc đang trỗi dậy rất mạnh mẽ.

Vì sao đất nước họ đi được nhanh như thế? Việc trì trệ có thể nhiều lý giải, nhưng để cất cánh thì rõ ràng có bài học rất lớn mà các nước muốn trỗi dậy phải học hỏi. Robert Lucas, một giáo sư Mỹ nổi tiếng, kinh tế gia đoạt giải Nobel có nói rằng: “Nếu ta hiểu được thấu đáo con đường đi đến phồn vinh của một đất nước, thì chắc chắn ta sẽ làm ra được một cái thần kỳ khác tương tự như thế”.



Theo ông Vũ Minh Khương, quá trình phát triển của mỗi quốc gia tổng kết lại bằng tiếng Anh chỉ có 3 chữ “EEC”. E thứ nhất là emotion, trong tiếng Anh người ta còn chơi chữ tốt hơn: “E stands for Energy” nghĩa là năng lượng, motion là chuyển động. Đây là cội nguồn và động lực trung tâm của mọi quá trình cải biến. Bởi vì phát triển kinh tế không phải chỉ là quá trình đầu tư đơn thuần mà đây là công cuộc cải biến vĩ đại đòi hỏi sự chuyển động rất lớn, nói cách khác con người phải có xúc cảm rất cao.

Emotion có hai trạng thái quan trọng. Trạng thái thấp của emotion chỉ đơn thuần là cảm xúc, thường là nghi kỵ, bi quan, ức chế. Nếu chỉ đơn thuần giải phóng năng lượng xúc cảm ở trạng thái thấp như thế sẽ gây ra những rối loạn, thậm chí phức tạp và bất ổn. Chẳng hạn chúng ta thấy ở cấp độ quốc gia, công ty thì đơn từ kiện tụng triền miên.

Tuy nhiên, nếu nâng được xúc cảm lên cấp độ cao hơn, “aspiration”, là khát vọng, là sự lo lắng cho vận mệnh quốc gia và ý thức trách nhiệm với tương lai. Khi xúc cảm ở dạng này được giải phóng ra thì năng lượng vô cùng lớn. Tổng thống Park Chun Hee khi khởi xướng cuộc cải cách cho Hàn Quốc, đã tuyên bố rõ: “Tôi mong muốn từng ngày làm cho Hàn Quốc đuổi kịp Nhật Bản”. Đó là lời thề thiêng liêng, lời tuyên thệ về phồn vinh của đất nước. Động lực xúc cảm này truyền tải rất mạnh mẽ đến giới tinh hoa. Cái hay là dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn trước đó, các tập đoàn, công ty tham nhũng triền miên nhưng ông Park Chun Hee không bắt tù họ, mà mời họ cùng ngồi với chính phủ để bàn bạc làm gì để dân tộc Hàn Quốc tiến lên, đối phó được với sự đe doạ của bên ngoài và tình thế thế giới đang khắc nghiệt như thế. Họ đã chụm đầu với nhau và đi những bước thần kỳ.

Phải nói rằng đất nước Hàn Quốc ngày đấy còn đói khát, khổ sở hơn nước ta rất nhiều. Đầu tư nước ngoài không đáng kể, chỉ có một số trợ giúp nhất định của Mỹ và bồi thường chiến tranh của Nhật Bản. Nhưng người dân họ tràn đầy xúc cảm, khát vọng vươn lên, từ người lãnh đạo đến các doanh nhân và người dân.

Chữ E thứ 2 là Enlightenment, nghĩa là độ khai sáng, mà độ khai sáng phải luôn luôn trau dồi, phải nhận thức rõ bối cảnh thế giới, tri thức về thế giới của mình phải thông suốt. Tư duy của mình phải học hỏi, mở mang, quý trọng đồng bào mình, quý trọng các cộng đồng xung quanh, phải liên tục học hỏi. Chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của sự khai sáng từ cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản đến các cải cách của các nước sau này như Hàn Quốc, Singapore, thậm chí Trung Quốc với cải cách của Đặng Tiểu Bình.

Điều quan trọng nhất là người lãnh đạo phải khai sáng, nếu không sẽ bị sa lầy vào những khủng hoảng không cần thiết như Nga hoặc Trung Quốc hiện nay. Những biểu hiện có thể thấy là họ hà khắc với dân tộc thiểu số, không coi trọng láng giềng, coi thường quy luật phát triển của lịch sử. Ngay cả trong chống tham nhũng, lẽ ra phải xây dựng những cơ chế khiến người ta không tham nhũng được, thay vì phát động đại chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Khi độ khai sáng có dấu hiệu đi xuống, chắc chắn đất nước ấy sẽ gặp khó khăn trên con đường phát triển trong thời gian tới.

Tôi muốn lưu ý rằng, enlightenment là yếu tố luôn luôn tự khai sáng chính mình chứ không phải anh có khai sáng rồi là yên tâm. Đây là quá trình học hỏi không ngừng, luôn luôn xem lại mình và nhìn lại người khác, nhìn sang người khác để thấy cái hay của người khác để học hỏi, cái dở của người khác để tránh. Đấy là trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm của tri thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của từng người dân.

Chữ C – chân kiềng thứ ba là Coordination – tính phối thuộc, đòi hỏi đội ngũ có năng lực. Động lực phát triển của đất nước phải được hiện thực hoá thành những chương trình cụ thể, dưới sự dẫn dắt, điều hành và phối hợp của những con người cụ thể.

Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét