Đinh Phương
Đọc bài Tính đại chúng: kẻ thù của văn học được đăng lại trên Văn Việt, tôi xin cám ơn nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra một số chi tiết và nhận xét rất thú vị liên quan đến văn học thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, cho rằng “tính đại chúng là kẻ thù của văn học” liệu có thỏa đáng?
Anh Quốc cho rằng: “Thất bại lớn nhất của văn học Việt Nam đương đại là chưa thoát khỏi quần chúng, là cứ quanh quẩn mãi trong sân chơi của quần chúng, là cứ la đà hoài trong nền văn hoá đại chúng”. Luận cứ từ hai lý do:
1. Tính đại chúng không nên được xem là thước đo của một nền văn học.
2. Văn học Việt Nam chưa bao giờ thực sự xa rời đại chúng.
Những luận cứ này xem ra chỉ đúng một phần. Tính đại chúng không nên là thước đo, nhưng ít nhất nó phải là một trong những tiêu chí của văn học, bởi câu hỏi: viết cho ai, để làm gì?
Mỗi dân tộc là mỗi tập thể có nhiều giai tầng (không phải giai cấp), gọi nôm na là giới, có trình độ nhận thức khác nhau. Ở đây tôi chỉ đề cập đến hai giới: giới bình dân gồm đa số, và giới trí thức là thiểu số.
Giới bình dân, tức đại chúng, thường chỉ lo cơm áo gạo tiền, được giới trí thức dẫn dắt – có khi là lèo lái – về mặt tinh thần. Giới trí thức khác với đại chúng ở chỗ họ có chiều sâu hơn về tư duy, có thể là do học hành, cũng có thể là do năng khiếu luận đoán bẩm sinh. Ngay cả những cuộc nổi dậy của giới thợ thuyền đòi dân chủ và bình đẳng bên Tây phương vào những thế kỷ trước cũng là do giới trí thức thiểu số lãnh đạo. Giới trí thức dẫn dắt đời sống tư duy của quần bằng văn học, thường là qua logic.
Như anh Quốc chỉ ra, thực tế cho thấy những tác phẩm bình dân được đại chúng (quần chúng) ưa chuộng, có số tiêu thụ nhiều, chưa chắc đã là những tác phẩm lớn, hoặc của những tác giả lớn. Không thể “hình dung diện mạo của một nền văn học” qua các sạp sách báo ở các nhà ga, hay ở các quầy cho thuê sách, v.v. Ở đó, cao lắm, người ta chỉ có thể hình dung ra nền văn hóa của đại chúng mà thôi. Văn học, văn hóa và văn chương là ba phạm trù khác nhau. Văn học có vai trò khác, nó định hình văn hóa qua văn chương.
Nếu muốn xác định nền văn học của một dân tộc, khả dĩ hơn, chúng ta nên nhìn vào giới cầm bút – là giới trí thức – của dân tộc ấy. Họ viết những tác phẩm, cho người đọc, để gây ảnh hưởng đến tư duy của con người. Điều này cho thấy đối tượng của văn học là đại chúng, nên văn học phải mang tính đại chúng. Anh Quốc viết: “Nên nhớ giải Nobel thường trao cho người nào đó vì cả sự nghiệp của họ, và sự nghiệp ấy phải có ý nghĩa tích cực về phương diện chính trị và văn hoá đối với nhân loại…”. Xin hỏi: “Tích cực về phương diện chính trị và văn hoá đối với nhân loại” nếu không bao hàm tính đại chúng thì nó là cái gì?!
Chính ngay ở trong giới cầm bút, qua những tác phẩm, họ cũng tìm cách gây ảnh hưởng tư duy của nhau, từ đó mới có “writers’ writer”, và cũng từ đó mới có cái-văn-học-là (what it is) và cái-văn-học-làm (what it does), là cái “giữa bản thân văn học và những hồi ứng mà văn học tạo ra ở người tiếp nhận” như anh Quốc đã đề cập đến.
Những tác phẩm của “writers’ writer” hầu như là những tác phẩm văn học hàn lâm, cao siêu nên – tất nhiên, và trước hết – nó chỉ có “tính đại chúng” trong phạm vi của giới writer.
Đối với giới bình dân, những tác phẩm hàn lâm này, rất “khó nhằn”. Điều này cũng lý giải được rằng tại sao hầu hết những tác phẩm lớn, có giá trị lại không/chưa được quần chúng “yêu thích”. Nhưng ở một tương lai xa hơn là có thể, nếu nền văn hóa của giới bình dân phát triển kịp. Đã có rất nhiều tác phẩm hàn lâm cũng chỉ được quần chúng công nhận sau nhiều thập kỷ, có khi sau cả một vài thế hệ.
Cùng một hoàn cảnh như thế, thật dễ hiểu, bản thân những trang mạng văn học mang tính chuyên môn như Tiền Vệ, Da Màu, Văn Việt… là nơi chốn sinh hoạt của giới cầm bút, giới bình dân có vào đây họ cũng “chán lè” vì họ chưa/không bắt được “tần sóng” của văn học ở tầng cao hơn này.
Một ví dụ khác, quan niệm về nhân quyền: một số dân tộc nhận thức được lý thuyết này, nên ở đấy nó mang tính đại chúng, trở thành phổ quát. Nhưng còn nhiều dân tộc khác chưa/không nhận thức được nội hàm và giá trị của nó, nên nó bị thờ ơ. Việt Nam của chúng ta là một điển hình.
Phải nhìn nhận một điều là nền văn học của chúng ta, dù trải dài hơn 4000 năm văn hiến, và nhất là từ khi có chữ quốc ngữ, nhưng cho đến nay vẫn còn luẩn quẩn trong cái cũ, sáo mòn, nhai lại, lạc hậu. Cái chúng ta đang cần nỗ lực là cái mới: đề tài mới, văn chương mới, chứ không phải cái-chối-bỏ-tính-đại-chúng-trong-văn-học.
Những tác phẩm văn học đều có xu hướng muốn được đại chúng hoá qua in ấn – nay có thêm hình thức ebook. Ở bối cảnh của Việt Nam như hiện nay, việc đại chúng hóa các tác phẩm gặp phải sự khó là môi trường kiểm duyệt, và (có lẽ) đây mới là lý do tại sao văn học nước nhà “cứ quanh quẩn mãi trong cái sân chơi của quần chúng” từ hơn nửa thế kỷ qua. Vụ thơ của nhóm Mở Miệng, luận án của Nhã Thuyên, là một bằng chứng: giết chết cái mới, không cần biết nó có sống được không?!
Như vậy, không nên đổ tội cho sự chậm tiến của nền văn học Việt Nam là vì “chưa bao giờ thực sự xa rời đại chúng”. Nếu cần – và điều này cần thật – thì cả đề tài văn học và hình thức văn chương phải khác lạ, hấp dẫn, để đưa văn học đến gần với đại chúng mới là điều đáng bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét