Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

GIÁ NHƯ ANH CHẲNG TRỞ VỀ

[Nhân đọc "NGÀY ANH TRỞ VỀ" của Nồng Nàn Phố]

Một ngày trời Hà nội ẩm ương, nắng không nắng, mưa không mưa, lạnh nóng hếch hai viền, tôi nằm ì dương mắt vào desktop, lướt hững hờ những tin tức đẫn đờ trôi. Rồi, như một bức tường sừng sững chắn đứng vòm mắt, một bức tường tua tủa gai, tua tủa xơ, tua tủa những điều gan ruột, găm trầy trật lên khoé mắt kẻ rất ít khi đọc thơ văn mậu dịch, của những người tên tuổi vang bóng hơn tác phẩm của họ. Bức tường chắn ngang tầm mắt, chặn đứng mọi nghĩ suy mông lung khác đang lởn vởn trong đầu tôi, đó chính là một bài thơ với cái tựa đề vô cùng giản dị của Nồng Nàn Phố: “Ngày anh trở về”. Một bài thơ chứa thông tin và sự thật nhiều hơn ngàn vạn dòng lịch sử đã từng ghi. Một bài thơ khía vào ruột gan người đọc những vết lằn bom đạn, rắc vào sống mũi người đọc có lương tri hàng vạn tấn sa tế cay xè vì cảm động. Một bài thơ. Một-bài-thơ.

Anh trở về với một chiếc nạng gỗ trên tay
Gặp con trâu mất một hàm cúi gằm mặt ko nói
Những bước chân khuyết làm loét đường sỏi
Làm loét cả chiếc nón quai nhung

Anh trở về với một nửa cặp mắt trừng
Dây thần kinh méo xệch méo xụa
Bàn tay sáu ngón ngắt một bông lúa
Bông lúa thương anh... cong vuốt lòng đồng

Anh trở về với đầy ắp bi đông
Toàn đất là đất
Anh bảo đó là đồng đội, là bạn anh, là được mất
Có đôi lúc khát lòng, anh lại ngửa cổ, dốc và đau


Mọi câu từ tác giả sử dụng đều giản dị đến trong ngần. Giản dị như những người lính chân chính. Không hề diêm dúa, không hề lên gân, không hề kỹ xảo hay luyến láy phô diễn sự rối rắm. Nhưng những câu thơ cứ mọc ra chan chứa hình ảnh, chan chứa nỗi niềm. Mỗi vần thơ mang tải một sự thật. Mỗi câu thơ hằn chứa một câu chuyện. Mỗi điệp ngữ là cả một sự xát muối vào tim người đọc.

Người lính trở về sau cuộc tranh, mang trên mình những vết thương bom đạn. Cây nạng gỗ khua xuống đường sỏi như những con dấu của tội ác chiến tranh đóng lên văn bản cuộc đời. Vết chân tròn làm rách cả trái tim người thương ẩn dụ sau hình ảnh chiếc nón quai nhung, đến con vật gần gũi nhất của nhà nông là con trâu cũng u hoài như chẳng nói. Hình ảnh tàn tật, giằng xé tan nát cõi lòng người đọc, có lẽ là hình ảnh “bàn tay sáu ngón ngắt một bông lúa | Bông lúa thương anh… cong vút lòng đồng”. Hiếm có hiếm có hình ảnh nào đẹp mà đau đến vậy.

Người lính trở về mang theo những chiếc bi đông không còn dùng đựng nước để uống, thay vào đó là những nắm đất của đồng đội còn sót lại sau một chiến tranh. Ngỡ như mình là người hạnh phúc vì sống nhiều hơn đồng đội. Nhưng hay đâu, “Có những lúc khát lòng, anh lại ngửa cổ, dốc và đau”…

Anh trở về lật lại kí ức nát nhàu
Mẹ chết sau ngày anh đi lính
Cha bị bắt, đứa em gái cũng ngã bệnh
Hàng xóm chặt ngọn cúc tần đắp mả cho người hàng xóm khác ... rồi đi!


Những ký ức dội về trong trái tim người lính nơi cố thổ. Mẹ chết, cha bị bắt, em gái cũng ngã bệnh… Những hàng xóm chết không còn xác, phải chặt cành cúc tần làm giả xương phong mộ cho nhau… Những ký ức điêu tàn, những ký ức thê lương, những ký ức chẳng thà đừng trôi về làm gì nữa...

Anh trở về co nhúm đám lông mi
Vắt giọt nước mắt cuối cùng để khóc cho ngày trở về... ngày anh biết tên mình ko nằm trong danh sách liệt sỹ
Ngày người yêu anh thủ thỉ
Vào tai chồng rằng : anh ấy đã trở về với vô số vết thương


Người lính trở về quắt lòng thấy mình không tên trong danh sách của những người được “Tổ quốc ghi công” [Tổ quốc luôn sẵn giấy để ghi tên cho những người nằm dưới mộ]. Nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào. Đồng đội ngày ra đi hồ hỡi tay bắt mặt mừng, đồng đội ngày trở về nhìn nhau qua danh sách… Người ấy năm xưa giờ đã có chồng, đêm ôm chồng thủ thi bên tai về người lính trở về với vô số vết thương… Câu thơ chíu lòng độc giả. Nhà thơ như nhà phân tâm học, xỏ dây thừng vào mũi người đọc dắt đi hết nỗi đau này qua niềm đau khác…

Anh trở về dúi mảnh thân khuyết ngược khuyết xuôi nhìn lũ cá nhảy dưới mương
Chắc lẽ chúng chưa quen cuộc đời ko tiếng súng
Con gà mái đến tuổi dậy thì rặn toét mông mà ko rớt trứng
Mà rớt toàn nỗi buồn cục tác cục ta

Có lẽ, trong cả bài thơ, đây là khổ thơ nên thơ nhất. Nghẹn một nỗi nghẹn rất thơ, nấc một niềm nấc rất thơ, nhói một sự nhói rất thơ. Đến bầy cá dưới mương cũng như đã quen tiếng bom tiếng đạn, nay im ắng bình hoà, chúng cũng ngơ ngác tựa như người lính ghim mắt xuống mương kia. Con gà mái chắc có lẽ quen cảnh vừa đẻ trứng vừa chạy bom chạy đạn, nay thinh im rặn mãi chỉ rặn được nỗi buồn trong cục ta cục tác. Khổ thơ đẹp đến lay lắt, đẹp đến cắt cứa.

Anh trở về... với những kí ức bị vò nát nhàu trong hai chữ "hai ta"
Chiếc nhẫn cưới mẹ dành anh ko kịp đeo cho chị
Tay anh dư một ngón... ngón co quắp, ngón cụt, ngón "lẹo" nên chỉ
Đủ sức đeo giùm chị chiếc nhẫn cầu hôn

Anh trở về với nỗi tủi hờn
Của một người ko được nằm trong danh sách liệt sỹ
Của một người chết cha, chết mẹ, chết em, chết hàng xóm, chết luôn người tri kỉ
Của người... chỉ còn sống mỗi ngón tay thừa, ngón tay lẹo mà thôi

Đọc những câu thơ này, tôi nhớ cha thắt quặn. Cha tôi cũng là một người lính đặc công trở về với những mảnh đạn pháo găm vĩnh viễn nơi thành sọ, với 2/3 bánh chè chân trái gửi nơi dòng kinh Xẻo Rán. Ngón tay mọc nhẫn kinh thề bị đạn CKC bắn xuyên qua báng súng AK lấy gọn… Mấy câu thơ nhức nhói đến bồn chồn. Ngón tay thừa ra do bị lẹo. Những nỗi đau và nỗi buồn đâu đó mọc ra thêm…

Anh trở về rụt cổ im ngồi
Gạt nước mắt vào ống điếu
Hít một hơi thật dài vạch lên sân những điều đời, đất nước, hậu thế còn thiếu
Những điều... anh chẳng đòi lại bao giờ
Những điều chưa chắc còn lại trong thơ.

Nỗi buồn chiến tranh có trong hang triệu người dân nước Việt. Khép lại đau thương ai chả muốn làm. Nhưng còn đó những sự thật cắt cứa gan lòng, còn đó những “im ngồi” không thưa thốt. Thốt ai nghe?! Thưa ai biết?! Thì đành “Hít một hơi thật dài vạch lên sân những điều đời, đất nước, hậu thế còn thiếu | Những điều... anh chẳng đòi lại bao giờ | Những điều chưa chắc còn lại trong thơ”...

Chu Giang Phong Arts

2 nhận xét:

  1. Nhớ lại Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, bỗng nhận ra nỗi buồn từ chiến tranh cứ vắt mình từ thế kỉ này sang thế kỉ khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, bằng những con đường và sự xuất hiện khác nhau.

    Trả lờiXóa