Leo Tolstoy
Nguyễn Văn Sâm chuyển ngữ
1.
Cô chị đến thăm cô em ở vùng quê. Chồng cô chị bán tạp hóa ở thành phố, chồng cô em là một nông phu trong làng. Khi hai chị em chuyện trò bên tách trà, cô chị bắt đầu khoe khoan về tiện lợi của đời sống thị thành, về quần áo đẹp của gia đình mình và con cái, chuyện ăn ngon uống sướng, chuyện đi coi hát hò, dạo chơi, giải trí… Cô em bị chọc tức nên phỉ báng cuộc đời bán tiệm và biện hộ cho đời sống của người ở thôn quê:
- Em không đổi cách sống của em lấy cách sống của chị đâu. Có thể em sống kham khổ đó, nhưng ít ra em không vướng bận lo âu. Chị có cuộc sống khá hơn đó, nhưng phải bon chen nên thường để mất những gì đã có. Chị biết mà, tục ngữ nói “vào lỗ hà ra lỗ hóng” cho nên kẻ giàu “nức đố đổ vách” hôm nay ăn mày từng hột cơm ngày mai xảy ra hà rầm. Đời chúng em an toàn hơn. Làm nghề nông thì không giàu, chỉ đủ đút lổ miệng thôi, nhưng mang chữ thọ. Tụi em không thể giàu xụ, giàu hú được, nhưng bao giờ cũng đầy đủ, có ăn có để.
Người chị khinh khỉnh:
- Đầy đủ à? Ứ! Tụi bây ở chung ở lộn với heo với bò thì có. Mầy đâu có biết lịch sự sang trọng là cái giống gì đâu? Mặc dầu thằng chồng mày làm quần quật cách mấy đi nữa, tụi bây cũng sẽ chết theo cách sống của tụi bây, dơ dáy bẫn thỉu, và lũ con của tụi bây sau này cũng vậy mà thôi.
- Ừ! Vậy thì có sao? Cô em trả lời. Dĩ nhiên công chuyện ở đây cực nhọc khó khăn đó, nhưng mà bù lại nó chắc chắc. Chồng em không phải quy lụy ai hết. Trong khi đó anh chị ở thành phố biết bao nhiêu là cám dỗ, bây giờ thì có thể mọi chuyện đều tốt đẹp đó, nhưng mà biết đâu ngày mai ma đưa lối quỷ dẫn đường anh sa vô tứ đổ tường thì tất cả sẽ tan tành hết. Chị biết mà, mấy chuyện đó xảy ra như cơm bữa.
Pahom người chồng, nằm trên nóc lò sưởi, lắng tai nghe mấy người đàn bà nói tầm xàm tầm đế, nghĩ thầm:
- Phải. Từ nhỏ tới lớn đầu tắt mặt tối cày sâu cuốc bẩm tụi tui đâu có thì giờ nghĩ tới mấy chuyện trời ơi đất hởi đó. Chỉ lo là không có đủ đất đai để trồng trọt thôi. Nếu mà có nhiều hả, chấp luôn Quỉ Sứ – Biệt cửa sợ!
Mấy người đàn bà uống xong tuần trà, nói thêm ba điều bốn chuyện về quần áo, giày dép rồi dọn dẹp đi ngủ.
Nhưng có một con Quỷ Sứ đang núp ở ngoài sau cái lò sưởi nghe tất cả những điều Pahom vừa nói. Nó khoái chí khi thấy bà vợ của Pahom đã dẫn dắt ông chồng vào câu nói phách lối rằng là nếu anh có thật nhiều đất đai anh sẽ không sợ chính ngay cả quỷ sứ. “Được rồi!” con quỷ sứ nói thầm, chúng ta làm một cuộc thách đấu. Ta sẽ cho nhà ngươi đất đai đầy đủ và bằng số đất đai này, ta sẽ đặt mi dưới quyền lực của ta.
2.
Cạnh làng có một người đàn bà, làm chủ một mảnh đất trung trung khoảng 300 mẫu. Bà sống hòa thuận với nông dân trong vùng cho tới khi bà đặt một người lính giải ngũ vô vai trò quản lý cơ sở của mình. Lão này phạt vạ dân chúng luôn. Mặt dầu Pahom cố gắng cẩn trọng nhưng mà khi thì con ngựa của anh đạp lên đám lúa kiều mạch của bà ta, khi thì một con bò lạc chân vô vườn, khi thì cả đàn bò băng ngang đồng cỏ khiến anh ta luôn bị phạt vạ.
Pahom đóng tiền phạt, nhưng anh ta càu nhàu rồi về nhà với bộ mặt cáu kỉnh, gắt gỏng vợ con. Suốt trong mùa hè, Pahom gặp rắc rối vô cùng với lão quản lý nầy cho nên khi mùa đông đến thì anh vui vẻ với việc bầy súc vật đã có chuồng đàng hoàng. Mặc dầu anh phải thêm công việc cho súc vật ăn khi chúng không thể thảnh thơi gặm cỏ trên đồng nhưng ít ra anh cũng đã thoát khỏi những lo âu bận bịu.
Mùa đông có tin đồn về bà chủ đất sắp bán miếng đất và một người chủ quán trọ miền trên đang trả giá. Khi các nông dân trong vùng nghe chuyện, họ đã vô cùng lo lắng. Họ nghĩ. Nếu mà anh chàng chủ quán tậu được miếng đất, chúng mình sẽ bị phạt vạ còn nặng hơn cái lão quản lý của bà chủ cũ nữa. Chúng ta tùy thuộc miếng đất này mà.
Vì vậy, tất cả nông dân, nhân danh Hội Đồng Làng yêu cầu bà chủ đất đừng bán cho lão chủ quán, họ đề nghị mua đất với một giá cao hơn. Bà ta đồng ý chuyện này. Họ, kế đó, cố gắng dàn xếp Hội Đồng Làng mua nguyên miếng đất để toàn thể nông dân cùng làm chủ. Họ hội họp hai lần để thảo luận điều đó, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Con quỷ sứ gieo rắc mối bất hòa giữa mọi người nên dân làng không đi đến được một thỏa thuận nào. Cuối cùng họ quyết định mạnh ai nấy mua phần mình tùy theo túi tiền. Bà chủ đất cũng đồng ý với chương trình nầy.
Mới đây Pahom nghe rằng lão láng giềng đang mua năm mươi mẫu, bà chủ đất đã đồng ý nhận một nửa tiền mặt, cho chịu phần còn lại tới sang năm.
Pahom cảm thấy tức tức. Anh nghĩ thầm: Bỏ mẹ, đất bị lấn lần mòn, rồi ta không có miếng nào cho coi! Anh bàn với vợ:
Họ mua đất, mình cũng phải mua độ 20 mẫu chớ! Cuộc sống trở nên khó khăn rồi. Lão quản lý đang làm bầm làm giập mình với mấy cái vụ phạt vạ.
Vợ chồng cùng nhau bàn thảo cách mua. Họ đã để dành được một trăm rub. Họ bán một con ngựa con, nửa số ong mật, đợ một thằng con lấy tiền trước, mượn phần còn lại từ người anh em cột chèo, tất cả góp lại được nửa số tiền mua đất.
Xong, Pahom lựa một miếng đất độ 40 mẫu, một phần có nhiều cây cối, anh tới thảo luận với bà chủ đất. Hai đàng cuối cùng đồng ý nhau, anh bắt tay bà ta để giao kết, đặt một số tiền cọc rồi cùng nhau ra tỉnh ký bằng khoán. Theo khế ước, anh trả phân nửa tiền trước, phần còn lại trả trong vòng hai năm.
Bây giờ Pahom đã có đất đai của riêng mình rồi, anh vay hạt giống, gieo trồng trên mãnh đất đã mua. Mùa màng thu hoạch khá, trong vòng một năm thì Pahom trả được tất cả nợ nần cả cho chủ đất lẫn người anh cột chèo… Giờ đây Pahom nghiễm nhiên thành chủ đất, cày xới, gieo trồng trên đất mình, cắt rơm trên ruộng mình, chặt cây trên đồng cỏ mình. Khi ra đồng vỡ đất hay nhìn luống bắp đang lên hoặc ngó thảm cỏ xanh trên đồng, lòng anh rộn rã sung sướng. Cỏ mọc, hoa nở nơi đây đối với anh có vẽ gì khác với cỏ hoa nơi khác. Trước đây khi đi ngang qua cũng mãnh đất này, tâm trạng anh dửng dưng như khi đi qua bất cứ mãnh đất nào khác, nhưng nay lòng anh khác hẵn…..
3.
Cho nên Pahom rất bằng lòng, và mọi chuyện sẽ tiếp tục tốt đẹp nếu người ta chỉ việc đừng đi băng qua ruộng lúa hay đồng cỏ của anh. Phần lớn anh phản đối họ lễ phép, nhưng mà họ chứng nào tật nấy: bữa thì tụi chăn bò để bò của làng đi thơ thẩn trong đồng cỏ, bữa thì ngựa dẫm nát rẫy bắp, Pahom lần nào cũng đuổi súc vật đi và bỏ qua, trong một khoảng thời gian thật dài anh nhẫn nhịn không truy tố ai. Nhưng sau cùng anh mất kiên nhẫn và kiện ở Tòa Án địa phương. Anh biết rằng chuyện này xảy ra vì mấy người nông dân đó cần đất, và không có ý xấu xa trong vụ này, nhưng rồi anh nghĩ: “Không thể bỏ qua vụ này được, nếu không họ sẽ phá nát hết cơ nghiệp của mình sao?. Họ phải được dạy cho một bài học chớ!” Vì vậy anh mời họ đến, giải thích cho họ, một lần, hai lần, rồi thì vài người bị phạt vạ. Sau một thời gian, những người láng giềng của Pahom ác cảm với anh về chuyện đó, thỉnh thoảng họ cố ý để cho súc vật dẫm vào đất của anh. Ngay cả một người nào đó đêm đến xông vào rừng của anh đốn ngã năm cây chanh còn non. Một hôm Pahom đi qua rừng, nhận thấy có khoảng trống. Anh đến gần hơn và thấy mấy thân cây đã tróc vỏ nằm lăn lóc dưới đất cạnh đó trơ trơ mấy cái gốc còn sót lại. Pahom nổi cơn tam bành:
- Nếu chỉ đốn rải rác thì cũng được đi, đằng này thằng đểu đó đốn cả một lùm. Tao mà biết được thằng nào hã, tao trả đũa liền, không nhịn đâu.
Anh nặn óc nghĩ coi người nào. Sau cùng anh quyết định, chỉ có cái thằng Simon thôi, hỏng ai vô đó được. Rồi anh đến trại của Simon để quan sát, nhưng không thấy gì, lại thêm gây ra cãi vã đôi co. Tuy nhiên bây giờ thì anh chắc như một với một là hai là Simon đã làm chuyện này và anh đưa đơn khởi tố. Simon bị mời ra hầu tòa. Vụ kiện xử tới lui nhưng rốt cuộc Simon cũng được trắng án vì không có đủ yếu tố buộc tội. Pahom còm cảm thấy bất bình hơn, anh trút nổi giận hờn của mình lên đầu mấy vị bô lão và các quan tòa. “Tụi bây ăn xôi chùa nên ngậm miệng, anh cằn nhằn, nếu tụi bây thanh khiết thì đâu có để cho thằng ăn trộm được tự do đâu”.
Và Pahom cãi vã cả mấy ông quan tòa lẫn mấy người hàng xóm. Có lời hăm dọa nhà anh sẽ bị đốt. Cho nên mặc dầu Pahom có nhiều đất đai hơn nhưng mà địa vị của anh trong cộng đồng còn tệ hơn trước nhiều.
Khoảng thời gian này có tin đồn rằng nhiều người sửa soạn di chuyển tới vùng khác.
Pahom nghĩ: “Tao không cần đi đâu hết. Thằng nào đi đở thằng nấy, rộng chỗ, tao mua lại đất, nới rộng trang trại ra. Sống dễ thở hơn. Bây giờ còn tù túng quá, chưa được thoải mái”.
Một hôm Pahom đang ngồi ở nhà một người nông dân đi qua làng tình cờ ghé lại nhà hắn. Anh ta được cho ngủ qua đêm và đãi cơm tối. Pahom tiếp chuyện anh ta, hỏi từ đâu tới. Người lạ cho biết đến từ bên kia bờ sông Volva. Chuyện này dẫn qua chuyện kia, người lạ tiết lộ có rất nhiều người sống ở đó. Anh cho biết lý do tại sao người làng anh đến đó. Ở đây họ gia nhập cộng đồng mới, mỗi đầu người được tặng 25 mẫu đất. Đất đai rất trù phú tốt đến nỗi lúa mạch cao khỏi đầu người, dầy đặc quơ chừng vài liềm là đầy một bó. Có một người nghèo rớt mồng tơi đến đó, tay không chưn đất mà bây giờ có tới sáu con ngựa, hai con bò.
Lòng ham muốn của Pahom được khêu gợi.
“Tại sao mình lại chịu khổ sở ở cái xó xỉnh nầy trong khi có thể sống khá hơn ở chỗ khác? Mình sẽ bán đất đai và trang trại ở đây. Với số tiền đó mình lại bắt đầu một lần nữa ở chỗ mới, mua mọi thứ lại. Ở cái chỗ động tiên phải tới tận mắt coi xem sao cái đã”.
Khoảng hè thì anh ta đã sẵn sàng ra đi. Anh đi về phía hạ lưu sông Volva trên một chiếc tàu, tới Samara rồi lội bộ 300 dặm nữa mới tới chỗ. Đúng như lời người lạ cho biết, nông dân ở đây có rất nhiều đất: 25 mẫu công điền cấp cho mỗi người để cày cấy, ngoài ra có tiền cũng có thể mua thêm đất ngoài với giá một rub rưỡi một mẫu, mua bao nhiêu cũng có.
Biết được tất cả những điều cần thiết, Pahom trở về nhà khi mùa thu tới, bắt đầu bán đi những gì anh sở hữu. Anh bán đất có lời, bán trại ấp, bán trâu bò, rút chân hội viên làng, chỉ còn chờ đến mùa xuân để cùng gia đình lên đường thực hiện một cuộc định cư mới.
4.
Sau khi Pahom và gia đình đến chỗ cư ngụ mới anh liền xin gia nhập hội đồng của một ngôi làng to lớn. Anh ta bợ đỡ các vị Bô Lão và được cấp những giấy tờ cần thiết. Năm phần đất công của làng được cắt cho các con anh sử dụng: nghĩa là 125 mẫu (không phải một miếng lớn mà là những mãnh nhỏ tách rời nhau). Ngoài cánh đồng cỏ của làng được sử dụng chung cho mọi người, nhiều đất trồng trọt cũng như đồng cỏ nên có thể nuôi bao nhiêu trâu bò tùy ý. Ban đầu, trong tình trạng lộn xộn của việc xây dựng trang trại mới và ổn định chỗ ăn ở, Pahom vừa lòng với tất cả mọi chuyện, nhưng sau khi đã quen nước quen cái, anh bắt đầu nghĩ rằng chỗ này cũng không đủ đất cho hắn. Năm đầu anh trồng lúa mì trên đất công được chia, mùa màng thu hoạch rất khả quan. Anh muốn tiếp tục trồng lúa mì nữa, nhưng lại không đủ đất công, đất năm ngoái không thể sử dụng lại được liền vì lúa mì phải gieo trồng trên đất mới hay trên đất hưu canh. Một hai năm thì phải để đất nghỉ cho đến khi cỏ hoang mọc phủ tràn mới có thể trồng lại được. Ai cũng thích đất mới nên đất không đủ cho mọi người, người ta cãi nhau loạn xạ. Những người được mùa đòi được đất để lại trồng lúa mì, kẻ thất mùa đòi giao đất cho người trung gian để có thể lấy tiền trả thuế. Pahom muốn trồng lúa mì thiệt nhiều và mùa màng phải thiệt là tốt tươi. Nhưng đất lại ở quá xa làng, lúa mì phải chở về xa cả chục dặm. Sau một thời gian, Pahom nhận chân rằng mấy người nông dân trung gian sống ở các trang trại rải rác dần dần trở nên giàu có. Anh nghĩ bụng:
“Nếu ta mua vài miếng đất ngoài và cất trang trại trên đó, chuyện đời sẽ khác hẵn. Không cần phải chở tới chở lui xa xôi”.
Chuyện mua đất ám ảnh anh ta thường trực. Anh tiếp tục cách làm ăn cũ trong 3 năm, mướn đất và trồng lúa mì. Mùa màng tốt tươi, huê lợi dồi dào cho nên anh bắt đầu để dành tiền. Anh có thể sống một đời thoải mái nhưng anh lại chán chuyện phải mướn đất của thiên hạ hằng năm, chán luôn chuyện tranh giành để được mướn đất. Ở đâu có đất tốt thì nông dân đổ xô về chộp lấy ngay, cho nên phải đánh hơi thiệt giỏi, nếu không thì không được miếng nào. Năm thứ ba anh và một người trung gian chung nhau mướn một cánh đồng cỏ của vài người nông dân, xong vụ cầy xới đất thì chuyện cãi vã xãy ra và mấy người nông dân đem tới tụng đình. Tất cả chuyện làm ăn đó dẹp bỏ luôn, bao nhiêu công sức bỏ ra trở thành công cóc. Pahom nghĩ, nếu được đất của mình, thì đâu có bị lệ thuộc ai, đâu có mấy chuyện bực mình bực mẫy này. Rồi Pahom bắt đầu lùng kiếm đất để mua. Anh ta đến một người đã có 1300 mẫu, giờ đang gặp khó khăn nên muốn bán rẻ. Pahom trả giá lên xuống với ông ta, sau cùng hai bên ngã giá 1500 rub, trả trước bằng tiền mặt một phần, phần còn lại trả sau. Tất cả mọi chuyện thu xếp xong, chỉ còn chờ kết thúc bằng giấy tờ thì một người con buôn mễ cốc đi ngang qua làng tình cờ ghé lại nhà Pahom một ngày để cho ngựa ăn. Anh ta dùng trà với Pahom và hai bên chuyện vãn với nhau. Người thương nhân cho biết anh ta vừa mới trở về từ vùng đất của người Bashkirs, rất xa, ở đó anh ta mua 13 ngàn mẫu đất chỉ với giá một ngàn rub. Pahom hỏi tới thì thương nhân đáp: “Chỉ cần làm bạn với thủ lãnh của họ. Tôi bỏ ra vài món hàng như quần áo bằng tơ, thảm, trị giá khoảng 100 rub, kiếm thêm một thùng trà, một số rượu cho mấy tay ham uống, và tôi mua được miếng đất, tính ra không tới 3 kopeck mỗi mẫu. Anh ta đưa tấm bằng khoán cho Pahom xem, nói:
- Đất nằm gần sông, tất cả là một thảo nguyên chưa hề được khai thác trồng trọt gì.
Pahom hỏi đi hỏi lại nhiều câu, thương nhân nói:
- Đất ở đó hằng hà sa số, anh đi một năm cũng không hết, tất cả đều thuộc về người Bashkirs. Họ hiền như đất cục, ta có thể mua đất với giá rẻ mạt.
Pahom nghĩ thầm. Hùm! Với một ngàn rub tại sao mình chỉ tậu được có 1300 mẫu mà lại còn gánh nợ. Nếu tới đó mua đất, mình có thể có hơn mười lần, cũng với số tiền đó…
5.
Pahom hỏi kỹ lưỡng về cách tới chỗ đó. Liền sau khi thương nhân mễ cốc từ giã, anh ta sửa soạn ra đi. Anh để vợ ở nhà lo chuyện nông trại lên đường với một người giúp việc. Trên đường đi, họ ngừng lại một thành phố mua thùng trà, mớ rượu, thêm vài món quà theo lời chỉ dẫn của gã buôn bán mễ cốc.
Họ đi, đi mãi, hơn 300 dặm, đến ngày thứ bảy của cuộc hành trình họ đến chỗ người Bashkirs dựng lều. Đúng nhu người kia nói, dân ở đây sống trên một thảo nguyên, cạnh sông, trong những túp lều phủ nỉ. Họ không trồng trọt cũng không ăn những thứ làm bằng bột mì. Mục súc và ngựa của họ ăn cỏ trên đồng hoang. Ngựa con được cột sau lều, ngựa cái được dẫn đến cho bú một ngày hai lần. Họ vắt sữa ngựa cái làm kumiss. Đàn bà làm kumiss, họ cũng làm phó-mát nữa. Đàn ông chỉ việc uống kumiss, uống trà, ăn thịt cừu, hút thuốc. Họ rất cường tráng và vui vẻ. Trong suốt mùa hè họ không bao giờ bận tâm làm bất cứ chuyện gì. Họ thất học, không biết chữ nghĩa nhưng vốn là những kẻ tốt bụng.
Khi thấy Pahom, từ trong lều họ chạy túa ra vây quanh. Một người thông ngôn được mời tới. Pahom cho biết anh đến đây vì chuyện đất đai. Người Bashkirs tỏ vẻ vui thích, dẫn anh ta vào cái lều đẹp nhất, mời ngồi xuống một cái gối đặt trên thảm, họ ngồi vây quanh. Pahom được đãi kumiss và trà. Họ cũng giết cừu mời anh nữa. Pahom lấy quà và trà ra chia cho mọi người. Họ vô cùng hứng khởi, nói chuyện với nhau liền miệng, sau cùng biểu người thong ngôn dịch lại phần cần thiết.
- Họ muốn nói với ông họ thích ông, phong tục của chúng tôi là làm tất cả những gì có thể làm được để vui lòng khách và đáp lại những món quà đã nhận. Ông đã cho chúng tôi, bây giờ ông nói đi, ông thích nhất những gì của chúng tôi, nói đi, có thể chúng tôi sẽ tặng cho ông.
Pahom trả lời: “Món làm tôi thích nhất ở đây là đất đai của các ông. Đất đai ở vùng tôi đông đúc quá và đã cằn cỗi, đất của các ông thì cò bay thẳng cánh, dòm mút mắt, thêm nữa lại phì nhiêu. Tôi chưa từng thấy đất nào như vậy”.
Người thông ngôn nói lại với người Bashkirs những gì Pahom đã nói. Họ bàn cãi với nhau một chập. Pahom không thể hiểu họ nói gì, chỉ thấy họ quá vui và nghe họ reo hò, cười giởn. Rồi thì họ yên lặng ngó chăm chăm Pahom khi người thông ngôn nói:
- Họ bảo tôi nói với ông, để đáp lại quà cáp của ông, họ rất vui lòng tặng ông đất, ông muốn bao nhiêu cũng được. Ông cứ việc chỉ ra, đất đó sẽ thuộc về ông.
Dân chúng Bashkirs lại nói chuyện với nhau một lúc thì bắt đầu bàn cãi. Pahom hỏi xem họ bàn cãi chuyện gì, người thông ngôn cho biết có người muốn hỏi ý ông xếp, không nên quyết định trong lúc ông ta vắng mặt trong khi một số khác cho rằng không cần thiết phải đợi ông ta trở về.
6.
Trong khi người Bashkirs bàn luận, một người đội một cái nón da chồn rất lớn xuất hiện. Mọi người yên lặng đứng dậy. Người thong ngôn nói:” Đây chính là ông xếp của chúng tôi đó”.
Pahom liền lục ra bộ quần áo đẹp nhất và 5 cân trà dâng tặng cho ông ta. Ông xếp nhận tặng phẩm và ngồi xuống ở chỗ danh dự. Người Bashkirs tức thì bắt đầu kể cho ông ta điều gì đó. Ông xếp lắng nghe một lúc, bắt đầu ra hiệu bảo họ im rồi nói với Pahom bằng tiếng Nga:
- Chuyện đó được mà. Chọn bất cứ miếng đất nào anh muốn, chúng tôi có hằng-hà-sa-số.
“Sao mình lại có thể lấy bao nhiêu cũng được cà?” Pahom nghĩ thầm, “mình phải đòi cho được một bằng khoán để chắc ăn, nếu không bây giờ họ nói của anh đó sau này họ lại lấy lại thì cũng như không.”
Pahom nói lớn: “Rất cám ơn về lòng tử tế của ngài. Ngài có nhiều đất, tôi chỉ muốn ít thôi, nhưng tôi muốn chắc chắn miếng nào là của tôi. Ngài có thể cho đo và đặt dưới quyền sử dụng của tôi không? Con người sống nay chết mai. Quí vị tử tế cho tôi, nhưng con cái của quí vị biết đâu lại muốn đòi lại sau nầy?”
Người xếp nói: “Anh nói rất chí lý. Chúng tôi sẽ đặt đất đai dưới quyền sử dụng của anh”.
Pahom tiếp tục: “Tôi nghe trước đây Ngài đã cho một người bán buôn mễ cốc một số, và đã ký bằng khoán đàng hoàng. Tôi xin được Ngài làm giống như vậy”.
Người xếp đã hiểu.
- Được, ông ta đáp: Chuyện đó thì được thôi, dễ dàng. Chúng tôi có một bản mẫu, chúng tôi sẽ đi ra thành phố với anh và làm bằng khoán theo đúng thủ tục.
Pahom hỏi: “Nhưng mà giá cả ra sao?”.
- Giá cả của chúng tôi thì trước sao sau vậy: Một ngàn rub một ngày.
Pahom không hiểu.
- Một ngày? Đo đạc theo kiểu gì vậy? Một ngày là bao nhiêu mẫu?
- Chúng tôi không biết tính ra là bao nhiêu, người xếp đáp. Chúng tôi bán theo ngày. Anh đi bộ vòng quanh trong một ngày. Bao nhiêu đất trong đó sẽ thuộc về anh, và giá là một ngàn rub.
Pahom ngạc nhiên hết sức.
- Nhưng mà một ngày đi vòng quanh thì nhiều lắm.
Người xếp cười: “Tất cả sẽ thuộc về anh. Nhưng với một điều kiện. Nếu anh không trở về trong ngày nơi chỗ anh khởi hành, anh sẽ mất tiền.”
- Nhưng mà làm sao ghi đoạn đường tôi đi qua?
- Này nhé! Chúng tôi sẽ đến chỗ anh chỉ định, đứng ở đó, anh phải bắt đầu từ đó và đi một vòng, mang theo một cái xuổng. Chỗ nào anh thấy cần, thì đánh dấu. Mỗi chỗ quẹo đào một cái lỗ và chất một đống cỏ làm dấu. Sau đó chúng ta sẽ đi một vòng với cái cày vạch lằn nối từ lỗ một. Anh vạch cái vòng lớn bao nhiêu kệ anh, nhưng mà trước khi mặt trời lặn anh phải trở về điểm khởi hành. Vùng đất trong vòng anh đã đi qua sẽ thuộc về anh.
Pahom thích thú không cùng. Cuộc đi được ước định vào sáng sớm ngày mai. Họ nói chuyện một chập, và sau khi uống xong một chút kumiss, ăn thêm vài miếng thịt trừu, họ lại dùng trà. Trời tối. Họ đưa cho Pahom một tấm nệm lót lông để ngủ.
Người Bashkirs giải tán, hứa sẽ hội lại sáng hôm sau ngay khi trời mờ sáng để đến chỗ được chọn trước khi mặt trời mọc.
7.
Pahom êm ấm trên nệm lông nhưng không thể dỗ giấc. Anh miên man nghĩ về đất đai.
“Rồi đây mình sẽ đánh dấu một miếng đất thật là bự. Mình đi bộ một ngày 35 dặm dễ dàng. Mùa này ngày lại dài nữa. Trong một cái vòng 35 dặm thiệt là khối đất. Nhượng lại hay là cho tụi nông dân khoảng nào xấu, giữ miếng đất tốt để khai thác. Mua cặp bò đực, mướn thêm vài người phụ. Bỏ ra khoảng 150 mẫu làm đất ruộng, phần còn lại làm đồng cỏ nuôi mục súc.”
Pahom nằm trao tráo cả đêm, chỉ chợp mắt chút đỉnh trước bình minh. Khó ngủ ngon khi nằm mơ. Anh mơ thấy mình nằm trong cái lều nầy, nghe tiếng ai đó cười vui ở ngoài. Anh không biết là ai nên ngồi dậy đi ra, thấy ông xếp của dân Bashkirs đang ngồi trước lều ôm bụng cười ngặt nghẹo. Đến gần ông ta. Pahom hỏi:
“Ông cười gì vui vậy?. Nhưng anh thấy ngay đó không còn là ông xếp nữa mà là người buôn mễ cốc mới đây đã từng ở nhà anh, đã mách cho anh về chuyện đất đai. Trước khi Pahom kịp hỏi ông ta đến đây lâu chưa thì đã không còn là ông ta nữa mà là người nông dân đến từ sông Volga từ lâu lắm, ở nhà cũ của anh. Rồi thì anh thấy đó cũng không phải là người nông dân đó nữa, bây giờ lại là con quỷ sứ với đủ cả móng chân và sừng, ngồi cười vui, và trước mặt nó, nằm phủ phục trên mặt đất một người đi chân không, chỉ bận mỗi cái quần và cái áo thung lá. Vía của Pahom nhìn kỹ hơn để xem coi ai nằm đó, anh thấy người này đã chết, mà chính lại là anh.
Giựt mình kinh hãi, anh thức dậy.
“Chiêm bao kỳ cục thiệt!”. Anh càu nhàu trong bụng.
Nhìn quanh quất, qua cánh cửa mở anh thấy bình minh đang ló dạng. Anh nghĩ thầm: “Tới giờ đánh thức tụi nó dậy rồi. Phải bắt tay vào việc”. Anh đứng dậy, đánh thức người làm (đương ngủ trong xe) biểu họ thắng yên cương và gọi người dân Bashkirs dậy:
- Đã tới giờ đến chỗ đo đất.
Người Bashkirs thức dậy, tụ tập. Cả ông xếp cũng đến. Họ bắt đầu uống Kumiss, mời Pahom dùng trà, nhưng Pahom không thể đợi được, anh nói: “Đi! Tới giờ rồi. Trễ quá rồi!”.
8.
Những người Bashkirs đã sẵn sàng, tất cả cùng lên đường: người đi ngựa, kẻ lên xe. Pahom lái chiếc xe nhỏ với người giúp việc, đem theo một cái xuổng. Khi họ đến khu đất, mặt trời đỏ bình minh chiếu rọi những tia nắng đầu tiên. Họ leo lên cái đồi nhỏ (người dân Bashkirs gọi là Shikkan), xuống xe, xuống ngựa tụ lại một địa điểm.
Người xếp đến gần Pahom dang tay về phía cánh đồng thẳng tắp nói:
- Coi nè, tất cả ở đây, xa tới mút mắt anh, đều thuộc về anh. Anh có thể chọn phần nào anh muốn.
Mắt Pahom ngời sáng, tất cả thảo nguyên, bằng phẵng như lòng bàn tay, đen như hạt dẻ, trong những chỗ đất lòng chảo nhiều loại cỏ mọc cao ngang tới ngực.
Người xếp lột cái nón bằng da chồn xuống, đặt trên mặt đất nói:
- Đây làm dấu chỗ nầy. Bắt đầu từ đây và trở lại đây. Tất cả vùng đất bao gồm ở trong đường anh đi qua sẽ thuộc về anh.
Pahom lấy tiền bỏ vô nón. Anh cởi áo khoác, chỉ để lại cái áo thung lá không tay. Anh mở dây nịch cột chặt phía dưới bụng, bỏ vô trong áo một gói nhỏ bánh mì, cột một chai nước vô dây nịch, kéo đôi ủng lên cao, giựt lấy cái xuổng từ tay người làm, đứng trong tư thế sẵn sàng khởi hành. Anh dòm quanh quất một lúc để coi đi về phía nào cho có lợi – bốn phía đều có vẽ hấp dẫn, mời gọi.
- Không cần, anh quyết định, mình đi về phía mặt trời mọc.
Anh quay mặt về hướng đông, làm vài động tác dản gân cốt trong khi chờ mặt trời nhú lên khỏi chân trời.
“Đừng mất thì giờ” anh nghĩ. “Khi trời còn mát, đi là tốt nhất”. Những tia nắng lóa lên khỏi chân trời lúc Pahom vác xuổng trên vai đi xuống đồi về phía thảo nguyên.
Pahom bắt đầu đi thong thả. Sau khi đi được khoảng 1000 yard, anh ngừng lại đào một cái lỗ, chất cỏ lên thành đống cho dễ thấy, rồi lại tiếp. Bây giờ thì anh đã quen, nên đi mau hơn. Sau một chập anh lại đào một cái lỗ khác. Anh dòm về phía sau, ngọn đồi thấy rõ ràng trong ánh nắng, người lố nhố lấp lánh những vành sắt bánh xe. Anh ước lượng mình đã đi được 3 dặm. Trời ấp áp hơn. Anh lột áo thung ra, vắt ngang vai tiếp tục đi nữa. Trời ấm. Anh ngó mặt trời – đến lúc phải ăn sáng.
Phần thứ nhất thực hiện suôn sẻ, nhưng mà còn 3 phần nữa. Còn quá sớm. Pahom ngồi xuống, lột giày, móc vô giây nịt, tiếp tục đi. Bây giờ thì đi dễ dàng. Mình phải đi thêm 3 dặm nữa, anh nghĩ thầm rồi quẹo trái, chỗ này đất tốt quá, bỏ uổng. Càng đi sâu vào đất dường như càng tốt hơn. Anh đi thẳng một chập và khi anh nhìn quanh, ngọn đồi đã khó thấy, người trên đó chẳng khác nào như đàn kiến đen, anh chỉ thấy mấy cái cây gì đó lấp lánh dưới mặt trời.
A há! Pahom nghĩ: Phía này như vậy là đủ rồi. Quẹo được rồi. Hơn nữa, mồ hôi ra nhiều quá. Khát nước rát cổ họng.
Anh ngừng lại đào một cái lỗ lớn. Chất cỏ lên thành đống. Mở cái chai, uống miếng nước, quẹo gắt về phía trái. Anh đi mãi miết, trong cỏ cao dưới trời nóng cháy da.
Pahom bắt đầu thấm mệt, anh ngó trời. Mặt trời đúng ngọ. Nghĩ cái đã.
Anh ngồi xuống, ăn vài miếng bánh mì, uống mấy hớp nước, nhưng không dám nằm sợ ngủ quên. Ngồi được một chập, anh tiếp tục đi nữa. Ban đầu anh đi dễ dàng, thực phẩm tăng thêm sức mạnh, nhưng trời nắng kinh khủng khiến anh buồn ngủ. Anh vẫn tiếp tục lê bước, nghĩ bụng ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Về hướng nầy anh cũng đi một đoạn đường dài, khi định quẹo trái nữa thì anh thấy một vùng đất trủng ẩm thấp. Bỏ khu này cũng uổng, trồng cây đai ở đây thì hết sẩy. Anh đi qua luôn chỗ đất đó và đào một cái lỗ ở bờ bên kia trước khi quẹo gắt phía trái. Về phía đồi, hơi nóng làm cho không gian mập mờ như giao động; qua cái lờ mờ đó, anh thấy người trên đó mờ nhạt, hư ảo.
Cha! Mình đi mấy cái chiều trước có bộ hơi dài, chiều này phải cho ngắn lại bớt. Anh đo theo chiều thứ ba, bước nhanh hơn. Anh ngó mặt trời: đang xeo xéo về phía chân trời mà anh thì chưa đi được 2 dặm của chiều thứ ba nầy của cái hình chữ nhật. Còn 10 dặm nữa mới tới đích. Không được, kiểu này miếng đất của mình méo ốm mất, phải đi thẳng đường mới được. Mình có thể đã đi quá xa đó, nhưng mà được nhiều đất cũng đở.
Vì vậy Pahom đào một cái lỗ và quẹo thẳng về phía ngọn đồi.
Pahom thẳng về phía ngọn đồi nhưng mà bây giờ anh đi một cách khó khăn. Nắng vật anh mệt lã, hai bàn chân không giày bị cắt nát, đùi cẳng rã rời. Mong muốn được nghỉ ngơi, nhưng anh sợ trở về không kịp trước khi mặt trời lặn. Mặt trời không đợi chờ ai, đang càng lúc chìm xuống thấp dần.
Bậy, mình đã ham đi quá. Nếu trễ thì hư bột hư đường hết.
Anh ngó về phía ngọn đồi rồi ngó mặt trời. Vẫn còn xa đích quá và mặt trời thì đã gần chơn trời rồi.
Pahom tiếp tục đi, đi khó nhọc nhưng anh đi càng lúc càng mau. Tuy vội vã, nhưng anh còn quá xa chỗ phải tới. Anh bắt đầu chạy, liệng cái áo, vất đôi ủng, quăng chai nước, bỏ cái nón, chỉ giữ lại chiếc xuổng làm nạn để chống.
Làm sao bây giờ? Mình chộp quá nhiều cho nên hư chuyện. Không thể nào về kịp trước khi mặt trời lặn được rồi.
Điều lo ngại làm cho anh càng hụt hơi hơn. Pahom tiếp tục chạy, Áo quần ướt đẩm mồ hôi dính đeo vô người anh. Miệng anh khô khốc khô rang. Ngực anh phồng lên xẹp xuống như ống thụt lò rèn, tim anh đập mạnh như búa nện, chân anh xiêng xẹo, như không thuộc về anh nữa. Pahom kinh hãi e rằng mình sẽ bị chết vì cố gắng quá sức.
Mặc dầu sợ chết, anh vẫn không thể ngừng lại.
Mệt ứ đừ từ sáng tới giờ, bây giờ bỏ cuộc thì có là ngu.
Anh tiếp tục chạy mãi, đến gần ngọn đồi, anh đã có thể nghe người Bashkirs reo hò cổ võ; những tiếng ồn ào này kích thích anh hơn.
Anh gom tàn hơi chạy tiếp.
Mặt trời xuống gấp gần chân trời, ẩn dưới lớp sương mù, trông to lớn và đỏ như máu. Bây giờ, vâng bây giờ, mặt trời gần lặn rồi.
Mặt trời thấp thật đó, nhưng anh cũng đã gần tới đích rồi. Pahom có thể ngó thấy người ở trên đồi vẫy hối. Có thể thấy rõ rang cái nón da chồn của người xếp trên mặt đất, ông ta đương ôm bụng cười. Và Pahom nhớ lại giấc mơ. Quá nhiều đất, nhưng mà trời có để cho hưởng không? Mình chết mất! Mình chết mất! Mình không bao giờ tới đó được rồi.
Pahom ngó mặt trời đã chạm tới mặt đất, một phần đã bị che khuất. Với tất cả sức lực còn lại anh rấn tới, chồm người tới trước để cho khỏi ngã. Khi anh vừa tới chân đồi thì thình lình trời sụp tối. Anh ngó lên, mặt trời đã lặn.
Anh kêu lên công cốc cả và định dừng lại, nhưng anh nghe người Bashkirs vẫn còn reo hò nên nhớ lại là anh đang ở dưới thấp cho nên tưởng mặt trời đã lặn trong khi họ ở trên đồi nên vẫn còn thấy được. Anh hít một hơi dài và chạy lên đồi. Vẫn còn ánh sáng ở đó. Anh đến đỉnh đồi và thấy cái nón. Trước nón người xếp ngồi ôm bụng cười. Một lần nữa Pahom nhớ tới giấc mộng, anh kêu lên, chân anh hụt hẫng, anh ngã về đằng trước, hai tay với chộp cái nón. Người xếp kêu lên thật lớn:
- Thằng cha này giỏi thiệt, được thiệt là nhiều đất ha!
Người giúp việc của Pahom chạy lên cố đỡ anh dậy, nhưng miệng anh đã trào máu. Anh đã trút linh hồn.
Dân chúng Bashkirs thương hại chắc lưỡi hít hà.
Người giúp việc lượm cái xuổng lên, đào một lỗ huyệt dài vừa đủ chứa Pahom, chôn anh trong đó.
Thước mấy, từ đầu tới gót là tất cả số đất anh cần.
Leo Tolstoy
Nguyễn Văn Sâm dịch từ bản tiếng Anh How Much Land Doe a Man Need?
Nguồn: Dịch giả gửi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét