Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Đôi mắt nhân gian


Tôi trôi bồng bềnh trên một biển nước. Nước đen như mực. Những con sứa sáng rực như ánh sáng đèn neon tiến lại phía tôi. Chúng ngoe nguẩy những xúc tua như một đám thủy tức chuẩn bị bắt mồi rồi cố bám vào chân.

Tôi giật mình cố co chân lại nhưng hình như không thể thực hiện nổi, cảm thấy co cơ và đau nhức toàn bộ chân bên trái. Một con bạch tuộc lao lên mặt, tôi lấy tay đẩy ra nhưng nó cố tình lấy vòi móc vào mắt dù hai tay tôi vẫn đang bóp mạnh vào cổ nó. Tôi nghiến răng. Đôi mắt phọt ra khỏi hốc mắt rồi bay tít lên tận trời. Trời ở đây cũng lạ, xanh thăm thẳm, không một gợn mây, cứ như tôi đang đứng trước ống kính ở Universal Studio quan sát vũ trụ vậy. Đôi mắt bay ngược lên trời, nhưng vẫn chằm chằm nhìn vào tôi. Đến khi nó xa tít tận giữa thiên hà tôi vẫn thấy đôi mắt ấy. Trong tay tôi con bạch tuộc bị bóp mạnh, biến thành bộ xương trắng toát, rồi vỡ ra như bột mì rơi xuống làn nước đen. Tôi giật mình tỉnh giấc. Trán và sau gáy đẫm mồ hôi. Hai bàn tay nhớp nháp như dịch của con sứa vẫn còn sót lại. Một cái gối lớn đè lên chân. Dưới giường một tấm phim X quang đen có những vạch trắng in hình những dẻ xương sườn nằm chỏng chơ.




Minh họa: Phạm Minh Hải



Tôi uể oải khi nghe tiếng chim chích chòe hót inh tai ngoài giếng trời. Tiếng lịch kịch băm chặt trên thớt. Mùi hành. Mùi thịt rang mặn quá muối. Tiếng trẻ con khóc. Tôi lấy chăn trùm qua đầu. Đầu vẫn đau nhức. Tôi nghĩ giá như có khẩu súng săn tôi sẽ bắn con ác điểu từ lỗ cửa sổ nơi mèo vẫn thường chui vào nhà. Ở đời sao lại có người yêu thiên nhiên mà nuôi chim nhốt nơi giếng trời? Sao không để ở đầu giường mà nghe nó gáy sáng? Tôi đã có ý định gặp chủ nhà để than phiền về độ ồn của con chim, nhưng không biết người chủ của nó là ai, dù hai nhà hàng xóm đấu lưng lại với nhau. Hai dãy nhà cách nhau một khoảng thông gió. Dăm ba hộ làm chuồng cọp lấn ra để phơi đồ hay trồng cây cảnh. Tôi bực dọc tắt đồng hồ báo thức rồi nằm xuống một lần nữa. Tôi bật dậy vì trong đầu lóe lên một ý định ác độc. Tôi sẽ cho axít HClO vào chai nước rửa kiếng rỗng, tôi sẽ cố sức bình sinh “phụt” tới chỗ con ác điểu. Tôi vừa đánh răng vừa nhìn gương mặt chán chường của mình trong gương và tự bật cười với ý đồ nham hiểm của mình.

Phòng khám đã có sẵn một nhóm người ngồi trên dãy ghế đợi màu xanh. Tôi vén tay áo sơ mi coi đồng hồ: 7:30, nhiệt độ phòng 16 độ C. Bệnh viện Quốc tế giờ giấc bao giờ cũng rất chuẩn. Làm việc ở đây đã lâu nhưng tôi vẫn dị ứng với mùi thuốc sát trùng quen thuộc, thỉnh thoảng lại hắt hơi một tràng dài. Hôm nay nắng sớm, chứng dị ứng nắng làm tôi ngứa ngáy. Vòng tay ra sau lưng gãi, tay kia tôi vớ lấy một quyển sổ khám bệnh màu xanh. Từng người, từng người vào ra, rồi cũng đến bệnh nhân cuối cùng. Bụng tôi cồn cào, mắt hoa lên, dãy ghế đợi màu xanh hình như vẫn còn một người, một người có cặp mắt của giấc mơ đêm qua.

Cặp mắt ấy là của một người đã bước qua tuổi thanh niên. Anh ta có dáng cao và hơi gầy, đặc trưng của nhóm công chức hạng nhân viên thường thấy. Cách đây ba tháng tôi thấy anh ta ngồi ở vị trí cuối cùng của hàng ghế đợi. Vì danh sách đợi quá dài nên đến lượt anh ta thì hết giờ làm việc buổi sáng. Như một phản xạ có điều kiện tôi chạy nhanh ra khỏi phòng khi thấy cô bác sĩ Peach đang lắc lư tấm lưng bè bè đi tới. Tôi lướt qua người đàn ông ấy, nhưng anh ta không có phản ứng, tựa hồ như một người đang ngủ ngồi dù vẫn mở mắt. Thấy bóng cô Peach là tôi lại trốn. Chả bao giờ tôi thấy dễ chịu với những câu chuyện của cô ta. Đại loại như: Hôm qua ở bên em có một thằng trẻ mới 18 tuổi, người gầy giơ xương sườn, xăm trổ kín mít, nó bị H dương tính. Mà anh biết nó tên gì không? Tên nó là Trần Đại Phúc đấy, rõ mỉa mai chưa? Tôi đã chán những câu chuyện thế này rồi, tôi nói hay em kể về tên em đi, mắt cô ta lánh lên tự hào, em tên Đào, tiếng Anh là Peach, họ Lê, nên lấy là Le Peach. Mấy cô y tá trẻ trong khoa mỗi khi thấy cái lưng bè bè lắc lư thì lại gọi to bác sĩ Bitch (con chó cái). Hai ba cô bụm miệng cười với nhau cố sao không thành tiếng trước cửa phòng chứa y cụ. Ở cái bệnh viện nửa Tây nửa ta này, tên ai cũng là cả một câu chuyện cười.

Người đàn ông ấy đưa cặp mắt lơ đãng nhìn tôi rồi nói nhỏ nhẹ: Bác sĩ ơi, có thể tôi bị bệnh. Tôi đo nhịp tim và huyết áp của người đàn ông rồi ghi vào sổ. Tôi hỏi anh bị bệnh gì. Anh ta bẻ tay rồi vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt ấy, nhưng tôi thấy nó mang nhiều sắc khí hơn. Tôi hất hàm hỏi: Bệnh gì? Có thể tôi bị trầm cảm, anh ta nói lí nhí. Tôi nổi giận: Anh có là bác sĩ không mà anh biết anh bị trầm cảm? Anh ta lúng túng, nhưng tôi không ngủ được. Đồng hồ đã quá giờ ăn trưa nên tôi sốt ruột muốn vọt ra khỏi phòng để tránh cô bác sĩ Peach. Anh không ngủ được thì về nhà cố ngủ, ở đây chỉ chữa bệnh cho những người có bệnh thôi. Tôi nói rồi vội vã cởi áo blouse, ném ống nghe xuống bàn rồi lủi nhanh ra phía toilet khi thấy cái tướng lặc lè từ phía hàng xà cừ.

Chứ cô Peach chỉ chờ đến giờ nghỉ trưa của tôi thì cô bắt đầu phát thanh. Như hôm qua tôi nói hay em đừng kể chuyện mấy đứa trẻ ranh nữa, em kể chuyện người già đi. Cô ta tuôn ra chuyện một bà xơ già sáu mươi tuổi nhận được kết quả HIV dương tính mà vẫn như không. Tôi nói bà ấy chăm sóc mấy đứa trẻ có H nên bị phơi nhiễm, vả lại già rồi nên thấy mọi sự vô thường, anh hả, anh chỉ mong sống đến bốn mươi. Câu chuyện của tôi và Peach cứ như thế, sao tôi không chán cho được.

Tôi vẫn gặp người đàn ông đó. Lần này ánh mắt anh ta nhìn vào tôi, ánh mắt dịu lại nhưng mang một chút của sự cầu xin. Anh ta nói như nài nỉ: Bác sĩ hãy giúp tôi. Tôi không tài nào ngủ được. Tôi trả lời: Ở đây chúng tôi chỉ chữa bệnh một cách cơ học thôi, còn về mặt tâm thần anh có thể đi nơi khác. Chắc anh có gì lo lắng thái quá, thôi anh đừng suy nghĩ nữa. Giọng anh ta yếu ớt: Hay là tôi bị rối loạn lo âu? Tôi bật cười: Ồ, anh là bác sĩ cho mình rồi đó.

Sau vụ mơ thấy bộ xương trắng trong vũng nước màu đen như mực thì tôi không mang phim về nhà để làm thêm nữa. Chắc lúc tôi đang xem phim xong đột nhiên buồn ngủ quá nên lăn ra ngủ, lại bị gối đè lên chân nên sinh ra ác mộng. Tôi sẽ cố đi ngủ sớm và sẽ dậy sớm hơn con ác điểu của nhà hàng xóm. Nhưng dạo này tôi không tài nào ngủ được, mỗi lần chợp mắt thì ánh mắt ấy lại chiếu rọi vào tôi làm tôi giật mình mở mắt ra. Ánh mắt của người thanh niên như ám ảnh hơn trên di ảnh. Tôi đi qua một đám tang nơi đầu hẻm, một đám tang đầy những hoa cúc và hoa loa kèn trắng. Tôi nhìn nhanh lên tấm ảnh thờ, đúng rồi, cặp mắt này nhìn tôi lần cuối cùng với ánh mắt cầu xin tha thiết. Tôi dắt xe vội vã rồi lên xe phóng nhanh như ma đuổi, nhưng hình như ánh mắt từ tấm ảnh đó cứ bám theo gáy tôi làm tôi cảm thấy rờn rợn.

Dạo này cứ đến 11 giờ thì tôi khám nhanh và kê toa cho bệnh nhân, sao cho 11 giờ 45 thì sẽ vọt lên phòng ăn. Nhưng tôi cũng không được yên, cô Peach qua phòng không tìm thấy tôi lại gọi vào điện thoại di động. Lần này tôi vẫn cố lắng nghe, nhưng tôi lái vấn đề sang hướng khác. Đại loại như cô ta cứ nói về bệnh nhân thì tôi lại nói: Em có thể đừng kể về bệnh nhân nữa được không? Cô ta ồ lên: Anh có biết ông trưởng khoa ngoại tiêu hoá không, ổng mới đầu tư mở phòng mạch riêng cách đây sáu tháng đấy. Vừa mới chết, nhưng để lại di chúc là toàn bộ tài sản cho đứa con gái bốn tuổi, không để lại cho cô vợ trẻ xu nào. Tôi nói: Nếu anh chết anh cũng làm vậy. Cô Peach cau mày như muốn trách tôi nói quở, rồi thêm: Anh có biết không, hôm khai trương phòng mạch ổng tự lên scan thử, thì có dấu hiệu lạ, tưởng cái máy mới mua 40 ngàn đô Mỹ bị hư nên ông ấy scan phát nữa, kết quả vẫn y như thế, vẫn ung thư gan. Sáu tháng sau thì đi. Sinh nghề tử nghiệp anh nhỉ? Cô Peach ra điệu trầm tư.

Người đàn ông ấy vẫn tiếp tục đến phòng khám. Tôi bảo anh ta: Để tôi giới thiệu anh qua bệnh viện tâm thần, trường hợp của anh không phải chuyên môn của tôi. Anh ta nhìn tôi nài nỉ: Tôi thực sự bị trầm cảm bác sĩ, bác sĩ phải cho tôi loại thuốc nào đấy. Tôi thực sự bị bệnh và tôi đang đến giới hạn của sự chịu đựng. Tôi muốn được dừng lại, tôi muốn được nghỉ ngơi. Bác sĩ hãy cho kê đơn cho tôi loại thuốc chống trầm cảm ba vòng nhé, tôi chỉ mua thuốc được khi có đơn. Ánh mắt anh ta khẩn thiết lắm. Tôi thầm nghĩ, lại thêm một kẻ bệnh tưởng. Cứ theo như sách đã học tôi sẽ cho hắn uống giả dược và tiêm nước cất thì sẽ hết bệnh. Nhưng trường hợp này lại đọc sách hẳn hoi và đòi cụ thể một loại thuốc chống trầm cảm Amtriplitin. Tôi nghĩ cứ để anh ta đi lại thế này thì rắc rối, trễ một chút cô Peach lại qua nữa thì phiền. Tôi kê đơn cho anh ta sáu viên và dặn uống một liều nhỏ bằng một phần tư mức bình thường.

Bẵng đi một tuần anh ta không đến tái khám nữa. Tôi nghĩ mình đã thành công. Cô Peach vẫn sang gặp tôi đều đều, tôi nghĩ những câu chuyện về bệnh nhân sẽ cạn kiệt thì cô sẽ để cho tôi yên. Nhưng cô lại lái sang chủ đề khác, ví dụ như: Anh có biết ông trưởng khoa tim mạch mới đổi xe hơi đấy, dạo này mổ suốt, tiền mua dụng cụ y khoa nhiều, nên bên bán dụng cụ chi hoa hồng cũng lắm. Thế chừng nào anh mua xe hơi đi cho đỡ mưa đỡ nắng, anh cứ đi cái xe gắn máy cà tàng mãi à? Mà anh nhớ là anh dị ứng nắng đấy. Tôi nói tôi chỉ muốn đi xe mà nhiều màu sơn xanh sơn đỏ ấy. Cô Peach hỏi xe Roll Royce phải không anh. Tôi ném cái tăm đang xỉa xuống bàn rồi thủng thẳng: Xe tang. Cô Peach có vẻ giận, cô nói: Anh đúng là người đời.

Hai tuần sau anh ta lại đến. Lần này anh ta có vẻ nhanh nhẹn và linh hoạt hơn. Tôi nghĩ có thể anh ta bị bệnh tưởng hoặc thuốc có tác dụng thật. Anh ta không xin thuốc nữa mà yêu cầu tôi cho giấy nghỉ. Tôi nói: Nhìn anh khoẻ mạnh, anh không thể bị bệnh được nên tôi không cho anh nghỉ được. Bảo hiểm xã hội chỉ dùng để chi trả cho những người ốm đau thực sự. Anh ta cố nài nỉ: Tôi ốm thực sự, tôi phát ốm lên rồi. Anh hãy cho tôi nghỉ. Tôi đề nghị anh ta đi về. Anh ta hét lên lần nữa: Tôi thực sự phát ốm lên rồi. Đến lúc bảo vệ lôi anh ta ra, anh ta giận dữ quát lên: Tôi không ổn, tôi thực sự ốm, tại sao các người không cho tôi nghỉ? Tôi muốn dừng lại.

Tôi thì vẫn cứ đi làm. Tôi đã nghĩ ra ý định độc ác giết chết con chích choè bằng chất tẩy rửa bồn cầu nhưng tôi vẫn chưa làm được. Buổi trưa tôi vẫn lắng nghe những câu chuyện của cô Peach, những câu chuyện liên tu bất tận không bao giờ hết. Ví dụ chuyện của hôm kia là: Các bác sĩ Nhật Bản biểu diễn kỹ thuật ghép gan, kết quả rất tốt, thành công mỹ mãn, nhưng bệnh nhân chết. Chuyện hôm qua là cô Hellen (tên Việt Nam là Nguyễn Thị Hên) y tá khoa ngoại, uống thuốc phơi nhiễm H mà người gầy tọp đi đến 6 kí, xuống hết cả thần sắc. Tôi nhìn vào thân hình hơi quá khổ của cô Peach, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, vừa uống canh vừa nói: Thế à, đó cũng là một phương pháp giảm cân đấy. Cô Peach nghe xong im lặng không nói gì.

Anh ta vẫn đến. Anh ta nói: Làm ơn bác sĩ cho tôi một cái giấy nghỉ, tôi thực sự ốm rồi. Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Giọng anh ta yếu ớt, đôi vai anh ta co lại trong chiếc ghế sô pha màu xanh. Anh ta bắt đầu khóc.

Tôi quyết định rồi, hôm nay tôi sẽ không ăn cơm trưa nữa để tránh gặp cô Peach. Tôi sẽ khám bệnh qua trưa. Tôi cố gắng an thần, ngồi thẳng lưng lại và tôi đề nghị anh ta kể mọi chuyện.

Anh ta kể: Tôi làm việc ở một công ty quản lý nợ. Trong số khách hàng của công ty có một cặp vợ chồng trẻ có một khoản vay thế chấp. Chẳng may ông chồng chết do lao não. Công ty bắt tôi xiết nợ khách hàng với bất kỳ giá nào để thu hồi nợ. Cô gái ấy đã đề nghị gia hạn sáu tháng để sắp xếp công nợ. Tôi đã đồng ý và hàng tuần đến nhà để bám sát tình hình. Sau đó cô ta có chửa. Bà mẹ chồng nói cô ta hoang thai để giành thêm phần tài sản thừa kế của chồng. Một lần đến hạn thu lãi, qua điện thoại tôi yêu cầu cô ta đóng ngay lập tức trong buổi chiều hôm đó. Cô ta nói rằng đang đi khám thai, đề nghị đến ngày mai sẽ đóng. Tôi nói là đã hết quý, nếu cô không đóng tiền sẽ sinh ra nợ quá hạn làm xấu báo cáo tài chính của công ty, sếp sẽ la rầy tôi. Tôi đề nghị cô ta trả tiền bằng mọi giá. Cô ta vội vã chạy xe gắn máy trên đường, không may bị té xe và sẩy thai. Bây giờ thì cô ta vĩnh viễn không có con được nữa, bị liệt nằm trên giường sau tai nạn. Tôi thấy vô cùng ân hận, đó là lỗi của tôi.

Tôi thấy những giọt nước mắt của anh ta tuôn ra, tôi nghĩ đây không phải là giọt nước mắt khi bạn muốn thỏa hiệp mà là nước mắt của sự đau lòng thực sự. Tôi kê toa cho anh ta một liều thuốc chống trầm cảm ba vòng đủ liều, tôi nghĩ anh ta cần giúp. Tôi viết giấy đề nghị công ty cho anh ta nghỉ một tuần, hẹn một tuần sau thì tái khám.

Thế mà một tuần sau tôi đi qua một đám tang ngay ở chung cư gần nhà. Cặp mắt từ tấm ảnh thờ, đúng rồi cặp mắt của anh ta.

Tôi tưởng anh ta sẽ khỏi bệnh sau khi uống thuốc và nghỉ ngơi một tuần. Nhưng cô gái kia đã tự tử chết. Anh ta là kẻ có lương tâm, cảm thấy mình rất tội lỗi. Anh ta đã uống thuốc chống trầm cảm lớn hơn 50 liều cần thiết. Chất độc thần kinh làm anh ta an thần vĩnh viễn.

Tôi vẫn cứ bị ám ảnh vì cặp mắt của anh ta trên di ảnh. Tôi thấy nó ở khắp nơi. Nó ở trong gương. Nó ở trong bồn rửa mặt. Nó ở trong ly nước trà tôi uống. Nó ở trên bầu trời xanh xanh thẳm. Ở đâu nó cũng nhìn chằm chằm vào tôi. Giá như anh ta được phát hiện trầm cảm sớm hơn, giá như cô gái ấy đừng tự tử. Giá như ...

Cả tuần nay, mỗi buổi sáng căn phòng của tôi lại vắng lặng khác thường, không còn tiếng con chim chích chòe nữa. Tôi ghé đầu qua lỗ mèo chui nhìn qua giếng trời, con chim chích choè nằm chỏng chơ đưa hai chân khô cứng lên trời.

Tôi đến bệnh viện xem địa chỉ từ sổ lưu phòng khám, tôi đã biết anh ta là chính chủ của con chích choè kia.

Buổi trưa hôm nay tôi kiếm cô Peach. Tôi kể cho cô nghe một chuyện chả liên quan gì đến chuyên môn, chuyện con chích choè hay ồn ào bên giếng trời nhà tôi. Peach nghe xong, ôn tồn nói: Anh nên nghỉ ngơi. Anh nhìn có vẻ mệt mỏi lắm, lâu nay anh có nhiều biểu hiện của chứng trầm cảm.

Tôi nói: À! Peach này, cái cô gái trong câu chuyện người thanh niên kể đó, có cái thai thụ tinh nhân tạo từ trứng của cô ta và tinh trùng đông lạnh của người chồng quá cố. Cô ấy muốn giữ lại một chút kỷ niệm với chồng là đứa con. Cô đã làm nhiều lần mà chưa thành công.

Peach nói lên phòng hành chính làm thủ tục cho tôi. Cô đứng lên, rồi lại ngồi xuống. Peach ngập ngừng một hồi rồi nói: Em nói chuyện này, chuyện cuối cùng nhé, chuyện của em nhé. Em cũng đang uống thuốc chống phơi nhiễm H.

Peach ra đến cửa canteen rồi quay lại nhìn tôi. Lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt Peach.

Từ hôm đó tôi không còn cảm thấy đôi mắt từ vũ trụ nhìn chằm chằm vào tôi nữa.

Tôi nhớ ánh mắt Peach, ánh mắt con người.

Đôi mắt nhân gian

Vũ Văn Song Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét