Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Cụ bà 91 tuổi và các dự án nhân đạo cho Việt Nam





Ở tuổi 91, cụ Cécile Minh chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Trái lại, cụ luôn bận rộn với hàng loạt dự án hỗ trợ Việt Nam.





Cụ Cécile Minh đọc lời chúc mừng đầu năm gửi tới các thành viên và bạn bè
của Hội hữu ái Pháp-Việt



Chính ánh mắt chăm chú, nụ cười hiền hậu, và đặc biệt là trái tim luôn đập vì những thân phận thiếu may mắn trong cuộc đời đã cuốn hút bất kỳ ai đã từng gặp cụ, để rồi rất nhiều người đã đến góp sức cùng cụ triển khai những dự án nhân đạo ở Việt Nam.

Cụ Cécile Minh sống tại Dreux, một thành phố nhỏ với hơn 30.000 dân, cách Paris khoảng một giờ chạy xe. Với bề dày 38 năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Pháp, khi nghỉ hưu, cụ Cécile Minh đã thành lập Hội Ái hữu Pháp-Việt nhằm tập hợp những người bạn Pháp quan tâm và tình nguyện giúp đỡ Việt Nam.

Để có nguồn tài chính triển khai các dự án, cụ dựa vào những mối quan hệ với nhiều người Pháp nắm giữ các vị trí cao mà cụ có được khi còn công tác. Cụ cũng đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, thuyết phục họ tặng các trang thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt hoặc quyên góp tiền bạc để mua thuốc men và dụng cụ y tế cho các bệnh viện ở Việt Nam.

Ngoài ra, cụ cũng tổ chức nhiều triển lãm tranh và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, sau đó bán lấy tiền gây quỹ. Điều làm chính cụ ngạc nhiên là mọi người luôn trao tặng hoặc đóng góp cho cụ một cách vô cùng hậu hĩnh, chính vì vậy mà 1/4 thế kỷ sắp trôi qua kể từ khi được thành lập, Hội Ái hữu Pháp-Việt vẫn luôn đứng vững, hoạt động hiệu quả và tiếp tục xây dựng nhiều dự án cho tương lai.

Nhân dịp đầu Xuân 2014, cụ tổ chức gặp mặt đón Tết Giáp Ngọ cho các thành viên và bạn bè của Hội Ái hữu Pháp-Việt tại thành phố Dreux. Hơn 60 người gồm các cặp vợ chồng, ông bà, bố mẹ và con cháu là người Pháp đã đến dự.

Rất nhiều người trong số các khách mời là người nghỉ hưu, một số đã biết Việt Nam từ những năm chiến tranh hoặc đã đi du lịch ở Việt Nam, số khác chưa bao giờ đến, nhưng họ vẫn tụ họp về đây như những người bạn của Việt Nam.

Giữa không gian đầy ắp tiếng cười, Chủ tịch Hội, cụ Cécile Minh đã có những lời chúc mừng chân thành tới các vị khách và cảm ơn sự đóng góp thịnh tình của những người bạn cho hoạt động của Hội trong một năm qua. Trong suốt bữa ăn, cụ luôn bận rộn, cái bận rộn của người chủ nhà đang tiếp khách. Cụ đến từng bàn trò chuyện với từng nhóm gia đình và bạn bè, mời họ thưởng thức các món ăn Á Đông mà họ thực sự ưa thích. Sự tiếp đón ân cần, cách trò chuyện tự nhiên nhưng chân thành đã khiến mọi người nể trọng và quý mến cụ.

Ông Jean-Claude Lécuyer, một nhân viên trong ngành giao thông vùng Ile-de-France cho biết: “Tôi tham gia Hội là vì thông qua hoạt động của Hội, tôi được gặp gỡ nhiều người, được biết thêm một đất nước và một nền văn hóa đặc sắc”.

Một phụ nữ sống tại thành phố Chartres, cách Dreux khoảng 30km, tâm sự: “Cụ Cécile Minh đã kể cho chúng tôi rất nhiều về những mảnh đời bất hạnh ở đất nước của các bạn sau nhiều năm chiến tranh. Qua lời giới thiệu của cụ, tôi đã nhận một cô gái tàn tật người Việt Nam làm con đỡ đầu, hàng năm chu cấp một khoản tiền hỗ trợ cháu trong cuộc sống và giúp cháu được đến trường”.

Còn Anis Husset, bác sỹ ngoại khoa về tiết niệu làm việc tại Bệnh viện Dreux, thì mong muốn có thêm nhiều dịp trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp Việt Nam sau chuyến công tác 15 ngày mới đây tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội.

Bác sỹ Anis Husset cho biết: “Các bác sỹ Việt Nam có trình độ chuyên môn rất cao, cái mà họ thiếu là các thiết bị hiện đại để thực hiện các ca phẫu thuật khó. Trong khả năng của mình, tôi phối hợp với cụ Minh để hỗ trợ họ”.

Phó Thị trưởng thành phố Dreux, bà Catherine Rault, người cũng có mặt tại bữa cơm đón năm mới Giáp Ngọ cho biết Tòa thị chính thành phố đã biết các hoạt động của cụ Cécile từ lâu và luôn ủng hộ những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo của cụ.

Sau bữa cơm, trong lúc mọi người đang trò chuyện bên tách cà phê, một số thành viên của Hội đã đến từng bàn giới thiệu và chào bán những con ngựa bằng gỗ màu nâu ngộ nghĩnh hoặc những con búp bê xinh xắn, đáng yêu. Một thành viên giải thích: “Chúng tôi mua những con búp bê nhựa cũ ở chợ, đem chúng về tắm rửa sạch sẽ, sau đó khoác lên chúng những bộ cánh mới. Và đây là những con búp bê trông như mới, các bạn có thể trả giá tùy theo khả năng của mình”.




Một thành viên của Hội giới thiệu và mời mua búp bê để quyên góp tiền ủng hộ Việt Nam



Kiên trì, bền bỉ và sáng tạo, cụ Cécile Minh và các thành viên của Hội Ái hữu Pháp-Việt đã tích tiểu thành đại để hàng năm đều đặn gửi về Việt Nam hàng trăm cân thiết bị y tế và số tiền hàng chục nghìn euro được dùng để hỗ trợ các lớp dạy nghề, trao học bổng và giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Đợt về nước gần đây nhất vào tháng 10/2013, cụ Cécile Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Sơn Tây và tặng bệnh viện gần 400kg các trang bị y tế dùng trong ngoại khoa.

Tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, các thành viên trong đoàn, với sự trợ giúp của các bác sỹ Việt Nam đã khám và phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân gặp bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại đây.

Ngoài ra, thông qua Hội, Bệnh viện Bưu điện đã ký thỏa thuận với Bệnh viện Dreux, hàng năm đưa ít nhất hai bác sỹ của Bệnh viện Bưu điện sang Bệnh viện Dreux để thực tập trong thời gian từ 2-6 tháng. Đến nay đã có tám bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức được đi thực tập theo chương trình này.

Trong 25 năm qua, Hội Ái hữu Pháp-Việt đã gửi về nước 12 container trang thiết bị y tế và trên 6.000 người khuyết tật đã được Hội giúp đỡ để có một cuộc sống tự lập. Điều đáng khâm phục là toàn bộ khối lượng công việc khổng lồ đó, thành quả lao động đó có được là nhờ sự tổ chức, sắp xếp của một người phụ nữ nhỏ bé và ở vào độ tuổi xưa nay hiếm.

Với những hoạt động hướng về Việt Nam, năm 2008, cụ Cécile Minh đã vinh dự được Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng Bằng khen và được Hội Hữu nghị Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.

Trao đổi với chúng tôi, cụ nói: “Tôi rất vui và tự hào vì thông qua các hoạt động của Hội, chúng tôi đã xây một cây cầu kết nối hai dân tộc Pháp-Việt”.

Rời quê hương từ năm 1939, sống và làm việc hơn 75 năm tại nước Pháp, giờ đây, cụ giao tiếp bằng tiếng Pháp tốt hơn tiếng Việt. Nhưng với tất cả mọi người, cụ luôn nhắc: “ Đừng bao giờ quên rằng Việt Nam là quê hương tôi, là đất nước tôi. Được làm một điều gì đó cho quê hương đối với tôi là một may mắn, một đặc ân”.

Người con gái của đất Hà thành năm xưa luôn tâm niệm một điều là phải làm nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước để làm lành những vết thương do hai cuộc chiến tranh để lại, làm nhiều hơn nữa để nuôi dưỡng ước mơ và truyền thêm nghị lực sống cho những thân phận kém may mắn.

Việc làm của cụ không chỉ góp phần xây dựng quê hương, không chỉ giúp đỡ những con người có hoàn cảnh khó khăn, mà còn khơi nguồn những tiềm năng vô tận sẵn có trong mỗi con người, giúp kết nối trái tim và những tấm lòng nhân ái, tại Pháp và Việt Nam, vì một cuộc sống tươi đẹp hơn./.

Bích Hà (TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét