Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

HAI MƯƠI NĂM SAU






After twenty years », O'Henry


Viên cảnh sát đi tuần ngược lên đại lộ một cách oai phong. Vẻ oai phong cố hữu chớ không cố tình lấy le vì chẳng mấy ai chứng kiến. Lúc đó chỉ mới khoảng mười giờ đêm, nhưng từng đợt gió lạnh và trời muốn mưa làm đường sá vắng hẳn người.

Viên cảnh sát kiểm tra từng nhà, quay tròn cây ma trắc bằng động tác rắc rối ngoạn mục, thỉnh thoảng anh quay lại nhìn dọc đại lộ dài yên tĩnh với cái nhìn đầy cảnh giác. Thân hình vạm vỡ vẻ đàng hoàng tự tin, viên cảnh sát là hình ảnh đẹp đẽ của người giữ an bình xã hội. Ở khu này mọi sinh hoạt ngừng rất sớm. Thảng hoặc mới thấy ánh đèn tiệm thuốc lá hay một cái bar mở cửa suốt đêm, nhưng phần đông là tiệm tùng nên cửa đã đóng từ lâu rồi.

Khi đến giữa chừng một dãy nhà, viên cảnh sát bỗng dưng chậm bước. Ở lối vào tối thui tiệm bán đồ ngũ kim, một người đàn ông đang đứng tựa vào đấy, điếu xì gà chưa đốt trên môi. Khi viên cảnh sát đến bên cạnh, người đàn ông nói vội vàng giọng chắc nịch :

- Mọi việc đều ổn cả, ông cảnh sát ạ. Tôi chỉ chờ người bạn. Ðây là cái hẹn đã định trước từ hai mươi năm rồi. Ông thấy có vẻ lạ lùng phải không ? Vậy tôi giải thích cho ông nghe, nếu ông muốn chắc chắn là mọi việc đều bình thường, hợp pháp. Cũng gần khoảng hai mươi năm nay, trước kia có tiệm ăn tên « Big Joe Brady's » ngay chỗ tiệm đồ này đây.

- Tiệm ăn đó đã bị phá năm năm nay rồi. Viên cảnh sát xác nhận.

Người đàn ông đứng chỗ lối vào bật diêm châm thuốc. Ngọn lửa soi rõ khuôn mặt hơi xanh, quai hàm vuông, cặp mắt sắc bén với cái thẹo trắng nhỏ gần chân mày phải. Cái kẹp cà vạt nạm cục kim cương to tướng hơi kỳ. Anh ta nói :

- Tối nay là hai mươi năm rồi, tôi đã ăn tối tại « Big Joe Brady's » ở đây với Jimmy Wells, bạn thân nhất của tôi, người tuyệt vời nhất thế giới. Cậu ấy và tôi cùng lớn lên ở đất Nữu Ước này y như hai anh em. Lúc đó tôi mười tám và Jimmy hai mươi. Sáng hôm sau tôi phải đi miền Tây kiếm tiền. Ông không thể lôi Jimmy ra khỏi Nữu Ước được đâu. Cậu ta cho Nữu Ước là mảnh đất không đâu hơn trên đời. Rồi đêm đó chúng tôi giao ước là sẽ gặp lại hai mươi năm sau, đúng ngày giờ này, bất kể điều kiện sống như thế nào và bao nhiêu xa xôi cách trở phải vượt qua. Tin rằng trong hai mươi năm, số phận mỗi đứa đã được vạch rõ và của cải cũng đã có rồi, dù là gì chăng nữa.

Viên cảnh sát nói :

- Thú vị nhỉ. Nhưng tôi thấy giữa hai cuộc gặp gỡ có hơi lâu. Anh không bao giờ nhận được tin tức gì của bạn từ khi ra đi sao ?

- Có chớ. Chúng tôicó liên lạc một thời gian. Nhưng vài năm sau bặt tin nhau. Ông coi, miền Tây là một áp-phe khá lớn nên tôi xuôi ngược khắp nơi như thổ công. Tôi biết Jimmy sẽ gặp tôi ở đây nếu cậu ta còn sống, bởi vì cậu luôn luôn là người chân thật và trung thành nhất thế gian. Cậu không quên đâu. Tôi vượt cả ngàn cây số để tới đây tối nay, và sẽ được đền bù nếu bạn tôi cũng tới.

Người đứng chờ rút trong túi ra cái đồng hồ khá đẹp, nắp cẩn hột xoàn. Anh ta nói :

- Mười giờ kém ba phút. Chúng tôi đã chia tay ở đây, trước cửa tiệm ăn lúc đúng mười giờ.

Viên cảnh sát hỏi :

- Anh thành công ở miền Tây lắm phải không ?.

- Còn phải nói ! Giá Jimmy làm được một nửa như tôi ! Cậu ta hơi chậm chạp nhưng là người rất tốt. Tôi đã phải vật lộn với mấy tên cáo già thứ dữ để lập gia tài. Ở Nữu Ước con người đâm ra ù lì đi. Phải là miền Tây mới làm người ta sắc bén ra.

Viên cảnh sát quay tròn cây ma trắc bước đi vài bước :

- Tôi tiếp tục đi tuần nhé. Hy vọng là bạn anh sắp tới. Anh ta phải đến thật đúng giờ à ?

- Ô, không, tôi để dôi ra cho cậu ta ít nhất là nửa giờ chứ. Nếu Jimmy còn trên quả đất này thì cậu ta sẽ đến khoảng giờ đó. Xin chào ông cảnh sát.

- Chào anh.

Viên cảnh sát trả lời và tiếp tục cuộc tuần tiễu, kiểm tra từng cửa khi đi qua.

Trời đổ cơn mưa bụi thật lạnh và gió thổi từng cơn. Một ít người đi bộ còn trong khu này đang rảo bước, buồn rầu im lặng, cổ áo kéo cao, hai tay thọc sâu trong túi. Ở lối vào tiệm bán đồ ngũ kim, người đàn ông đã vượt cả ngàn cây số để giữ đúng một cái hẹn bấp bênh đến độ vô lý với người bạn thời niên thiếu, đang hút xì gà và chờ đợi.

Anh ta đợi khoảng hai mươi phút thì một người đàn ông cao lớn mặc áo khoác dài, cổ áo dựng đứng tận tai, từ đầu đường kia vội vã tiến tới. Anh ta đến thẳng chỗ người đứng chờ và hơi ngập ngừng hỏi :

- Cậu đấy hả, Bob ?

Người đàn ông đứng chờ ở lối vào la lên :

- Cậu đấy hả, Jimmy Wells ?

Người mới tới vừa reo vừa cầm hai tay bạn trong tay mình :

- Trời ơi ! Ðích thị là Bob, đúng như hai với hai là bốn. Tớ chắc chắn là sẽ gặp cậu ở đây nếu cậu còn sống trên đời. Hừm, ừ, hai mươi năm quả là dài. Cái quán ăn cũ đã biến mất rồi Bob à. Tớ muốn nó còn đó, như vậy tụi mình lại có thể ăn tối với nhau. Miền Tây đãi ngộ cậu ra sao, hở ông bạn già ?

- Tuyệt. Nó cho tớ tất cả những gì tớ muốn. Cậu thay đổi nhiều đấy, Jimmy. Tớ không bao giờ nghĩ là cậu cao như vậy, ít nhất cũng cao hơn cả ngón tay.

- Ờ, sau hai mươi tuổi tớ có cao thêm chút đỉnh.

- Ở Nữu Ước có thành công không, Jimmy ?


- Tàm tạm thôi. Tớ có việc làm ở một trong các bộ của thành phố. Ði, Bob, tụi mình tới một chỗ tớ biết để nói nhiều về thời gian qua cho yên tĩnh.

Tay trong tay, hai người đi ngược lên phố. Người tới từ miền Tây, mà tánh tự cao được phóng đại bằng thành công, bắt đầu kể những nét chính về lịch sử nghề nghiệp mình. Người kia thì chìm kín trong áo khoác, chăm chú lắng nghe.

Ở góc đường có tiệm thuốc tây sáng rực ánh đèn. Khi họ tới dưới ánh sáng chói chang ấy, hai người cùng lúc quay lại chăm chăm nhìn mặt nhau.

Người đến từ miền Tây bỗng dừng lại nới tay ra. Anh ta nói khô khan :

- Anh không phải là Jimmy Wells. Hai mươi năm quả thực là lâu, nhưng không đủ lâu để biến cái mũi khoặm thành mũi tẹt được.

Người cao lớn trả lời :

- Ðôi khi thời gian ấy đủ để thay đổi một người chân thực thành kẻ bất lương. Anh đang trong tình trạng bị bắt từ mười phút rồi, « công tử » Bob ạ. Chicago nghĩ là anh sẽ đi một vòng gần chỗ chúng tôi nên điện cho biết là họ muốn tán gẫu với anh một chút. Anh bình tĩnh nghe đấy chứ ? Như vậy là hợp lý. Giờ thì, trước khi đến bót, anh hãy đọc cái giấy người ta nhờ tôi trao tận tay anh cái đã. Anh có thể đọc trước cửa kiếng này. Của cảnh sát viên Wells gửi cho anh đấy.

Người đến từ miền Tây mở miếng giấy nhỏ người kia vừa đưa. Tay anh ta bất động khi bắt đầu đọc, nhưng khi đọc xong thì nó run lên. Mảnh giấy có vẻ ngắn gọn :

« Bob, tớ đã đến chỗ hẹn đúng giờ. Khi cậu bật diêm châm xì gà thì tớ thấy đó là khuôn mặt mà Chicago đang tìm. Không biết sao tớ không thể tự mình làm công việc ấy, nên đã tìm một cảnh sát viên mặc thường phục đến để thi hành. Jimmy ».

MIÊNG




O'HENRY (1862-1910)


Tên thật là William Sydney Porter. O'Henry sinh ở Greensboro (North Carolina), và nổi tiếng nhờ truyện ngắn. Rời ghế nhà trường từ tuổi 15, ông đã làm đủ thứ nghề và học nhiều ngoại ngữ để kiếm sống. Năm 1896, bị nghi ngờ ăn cắp tiền của một nhà băng nơi ông làm việc ở Austin, ông trốn sang Honduras và chỉ trở về khoảng 2 năm sau, khi nghe tin vợ đau nặng. Ông bị kết án 5 năm tù tại nhà lao Columbus (Ohio), song chỉ ở đấy 3 năm 3 tháng nhờ hạnh kiểm tốt. Ðiều lý thú là chính trong nhà lao mà ông bắt đầu viết truyện ngắn với nhiều bút hiệu. Ra tù, ông định cư tại New York từ năm 1902, và tiếp tục viết. Năm 1903, tờ « World » ở New York thuê ông viết mỗi tuần một truyện, đăng ngày Chúa Nhật. Ông nổi tiếng nhờ các truyện ngắn này và xuất bản được tất cả là 10 tuyển tập, từ 1904 cho tới 1910, năm ông mất tại New York. Những quyển nổi tiếng nhất in dưới dạng sách bỏ túi (London, Minster Classics) là : « Cabbages and Kings », « The Four Millions », « The Voice of the City », « Strictly Business », « Six and Sevens », « Waifs and Strays », « The Ransom of Red Chief »... Khung cảnh khi thì cuộc đời thô thiển và giản dị của miền Tây và Nam Hoa Kỳ, khi thì cuộc đời trong những thành phố lớn, nhất là New York. Nhân vật thường là những tên vô lại, không đạo đức, được diễn tả một cách sống động, tự nhiên. Ðoạn cuối của câu chuyện thường được kết cấu một cách khéo léo, luôn luôn bất ngờ như trong truyện « After twenty years », rút ra từ « O'Henry Stories » (London, Minster Classics). Từ 1918, bút hiệu của ông được dùng cho một giải thưởng tiếng tăm - giải O'Henry - để trao tặng cho truyện ngắn nào được xem là hay nhất trong năm ở Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét