Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

CÂY MAI VÀ CÁI THÚ CHƠI MAI NGÀY TẾT






LỜI MỞ ĐẦU

Trong các loài cây được sử dụng chơi kiểng, kể cả cây có hoa hay không, mai là loài được ưa chuộng nhất từ xưa đến nay. Người đời thường bị quyến rũ bởi sự tương phản của mai: Tuy có thân và cành gầy guộc, có hoa mỏng manh, và mang hương thơm dịu dàng, thanh khiết, nhưng ở bên trong mai là cả một sự kiêu dũng. Chính sự kiêu dũng này đã giúp mai vượt qua được mưa gió sương hàn của mùa đông để đơm hoa kết nụ khi xuân về. Các nhà nho xem mai là tấm gương cho loài người về sự hòa hợp giữa chữ Nhẫn và chữ Dũng.

Đã kiêu dũng, có hương thơm, lại nở sớm nhất trong các loại hoa xuân nên mai được tôn phong địa vị bách hoa khôi- ví như người đỗ đầu khoa thi, người con trai ưu tú nhất hoặc con gái xinh đẹp nhất.

Mai được gộp chung với tùng và trúc thành bộ "tam hữu". Sư gộp chung này bắt nguồn từ sách Luận ngữ: "Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn” (bạn có ích gồm ba hạng: ngay thẳng, rộng lượng, và hiểu biết nhiều). Người xưa thường ví von ba loại cây này là ngự sử mai, trượng phu tùng, và quân tử trúc. Ngoài ra, mai còn được kết hợp với lan, cúc, và trúc thành bộ tứ quý để biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong thơ văn, mai thường được dùng để ví von cho phẩm chất của người quân tử.
Nghệ thuật thưởng mai chắc chắn đã phát xuất từ Trung Hoa. Theo sử sách, từ thời Xuân Thu, người dân ở đất Tây Chu đã trồng mai như một thứ cây cảnh. Dần dần người Trung Hoa xem mai tượng trưng cho khí tiết của dân tộc họ và nâng mai lên hàng quốc hoa. Sau đó, thú thưởng mai lan sang những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong đó có Việt nam và trở thành biểu tượng của mùa xuân, của sự may mắn, vui tươi và trường thọ. . Hoa mai, hoa đào, bánh chưng là hình ảnh Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Hoa mai gắn liền với văn hóa, đời sống, tâm linh, triết lý sống, nghệ thuật ứng xử, thơ, văn, nhạc, họa. Hiếm có loài hoa nào được quan tâm sâu sắc như vậy.

1. Sự tích hoa mai :


Ngày xửa ngày xưa có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm, yêu cả ba ông Táo bằng đá núi đêm ngày chịu khói lửa để nấu cơm, hầm ngô, nướng thịt cho mọi người ăn. Một lần, thương ba ông Táo, trời đã nóng lại chịu lửa suốt ngày đêm, cô bé mới lên năm ấy đã lấy một gáo nước to dội luôn lên đầu ba ông. Tro khói bốc lên mù mịt. Ông Táo già nhất vụt hiện ra nói:
- Cháu thương ta nhưng chưa hiểu ta. Lửa càng nóng, ta càng vui. Cháu mà dội nước thì có ngày ta bị cảm mất.

Từ đấy, cô bé không dội nước lên đầu ba ông Táo nữa. Nhưng ông Táo già thì thỉnh thoảng lại hiện lên trò chuyện với hai chị em cô bé trong chốc lát. Một hôm thương ông, cô em hỏi:
- Ông thích lửa thôi à? Ông còn thích gì nữa không?
-Có chứ! Năm sắp hết. ông phải về trời! Cháu bắt cho ông con cá chép ông cưỡi về Trời thì ông thích nhất. Cô bé liền rủ chị đi bắt cho bằng được một con cá chép về. Cô bỏ ngay vào bếp lửa rồi nói:
- Ông Táo ơi! Chúng cháu biếu ông con chép này đây!
Con cá chép vụt biến mất. Tối hăm ba Tết, quả nhiên hai chị em thấy ông hiện ra, sau đó cưỡi con cá chép như cưỡi ngựa, bay ra khỏi nhà và bay cao mãi lên trời… Bố cô bé là một người đi săn thú rất tài giỏi. Ông thường chỉ thích đi săn thú dữ. Ông bảo:

- Còn thú ác thì tôi còn đi săn cho kỳ hết!

Ông không muốn truyền nghề cho con mình, vì cả hai đều là gái. Nhưng cô em lại rất thích nghề của cha. Lên năm cô đã xin cha dạy cho mình đủ cả côn, quyền và đao kiếm. Cô tuy bé người nhưng nhanh nhẹn vô cùng, và về sức mạnh của đôi tay cô, người cha cũng phải kinh ngạc. Lên chín, cô đã hăm hở xin theo cha đi săn thú. Người mẹ và người chị lo lắng, nhưng cô bé đã thưa ngay:

- Con không giết được con mồi bằng một nhát như cha thì con đâm ba nhát, năm nhát, mẹ và chị cứ yên tâm.

Nói sao làm vậy, cô bé lần đầu theo cha đi săn đã giết ngay được một con lợn lòi rất hung dữ… Trong vùng bỗng xuất hiện một con quái đầu người mình báo. Bà con ai cũng lo lắng, khiếp sợ. Vì con quái vật chỉ thích ăn thịt người, nhất là thịt trẻ con. Người cha liền dẫn cô gái nhỏ đi tìm quái vật để giết. Người mẹ và chị can ngăn nhưng không được. Người cha bảo:

- Tôi chỉ cho nó đi theo để xem, còn diệt quái ác là việc của tôi, hai mẹ con đừng lo.

Hai cha con đi được mấy ngày thì có tin con quái đã bị người cha giết chết thật. Bữa hai cha con trở về, bà con trong vùng mang rượu, gà vịt đến làm cỗ ăn mừng. Cô gái nhỏ không quên đặt vào bếp lửa một con cá chép và khấn với ông Táo già:

- Chúng cháu xin gửi biếu ông con chép để thỉnh thoảng ông cưỡi đi chơi.

Ông Táo già lại hiện lên cám ơn cô bé và hỏi:

- Cháu thấy con quái có sợ không?

- Cháu chỉ thích được cha cháu cho cháu được cùng đánh với nó, nhưng cha cháu không chịu.

Người cha sau đó bỗng bị ốm nặng. Người mẹ và hai cô gái hết lòng chăm sóc. Bệnh người cha có đỡ, nhưng sức khỏe thì không còn được như trước nữa. Vài năm sau, ở vùng trong xa, bỗng xuất hiện một con quái cũng đầu người nhưng mình trăn. Con quái này có sức khỏe ghê gớm. Nó có thể quấn chết một con bò mộng chỉ trong chớp mắt. Nó lại cũng thích ăn thịt trẻ con và có thể ăn một lúc đến mấy đứa. Bà con vùng đó liền cử người ra mời cha con người đã giết con quái đầu người mình báo vào diệt quái giúp bà con. Người cha nhìn cô gái nhỏ của mình hỏi:

- Liệu con có nhận lời đi giúp bà con không?
Cô gái nhỏ liền đáp:
- Con xin cha mẹ và chị để cho con đi!
Người cha nói:
- Cha sẽ cùng đi với con, nhưng cha chỉ giúp con thôi. Lần này chính con phải lo diệt quái đấy. Người mẹ và chị càng lo lắng gấp bội.
- Ông ơi! Đường từ đây vào đó xa xôi cách trở. Quái thì dữ ác mà con bé thì mới mười bốn tuổi, tôi sợ lắm.
- Cha ơi! Cha và em nhận lời, rủi có chuyện gì thì mẹ và con làm sao sống nổi.
Cô gái nhỏ liền thưa:
- Mẹ và chị à, con tuy còn nhỏ nhưng con có đủ sức để diệt quái. Bà con đã ra nhờ lẽ nào mình lại từ chối. Mẹ và chị cứ yên lòng. Cha và con diệt xong quái sẽ trở về ngay.

Thấy không can ngăn được, người mẹ và chị đành lo chuẩn bị mọi thứ cho hai cha con lên đường. Trước đó người mẹ đã may áo mới cho hai con ăn tết, bây giờ bà liền hỏi cô gái nhỏ:

- Con muốn mẹ nhuộm áo cho con màu gì?
Cô bé nhìn ra ngoài đồi núi, rồi đáp:
- Con rất thích màu vàng!

Người mẹ liền giã nghệ nhuộm cho con một màu vàng thật tươi. Ngày lên đường, cô bé mặc chiếc áo vàng, nhìn càng khỏe, càng đẹp. Cô nói với mẹ và chị:

- Diệt xong con quái lúc về con sẽ mặc áo này cho mẹ và chị nhận ra được con ngay từ xa…
Trước khi đi cô gái cũng không quên khấn chào ông Táo đá núi và hứa:
- Cháu sẽ trở về kể chuyện diệt quái cho ông nghe.
Ông Táo liền hiện ra nói:
- Chúc hai cha con mau trừ được quái. Ông sẽ chờ ngày trở về…

Hai cha con đi ròng rã hơn một tháng trời mới vào đến nơi có con quái đầu người mình rắn. Nghỉ ngơi được dăm ba ngày, hai người liền đi tìm quái để diệt. Hai cha con đánh nhau với nó hai ngày liền mà không diệt nổi. Sức của người cha thì cứ yếu dần. Cô bé liền thưa với cha:
- Cha ơi! Ngày mai cha cứ để cho con bám sát nó. Con sẽ đâm một con dao găm chặt đuôi nó vào thân cây này, đâm một con dao cắm chặt mình nó vào thân cây khác. Nó không quăng mình đi được thì ta sẽ lựa thế mà chặt đầu nó đi. Người cha biết cách đánh đó hay nhưng rất nguy hiểm.
Tin vào tài nghệ của con, ông gật đầu:
- Được! Nhưng con phải đề phòng cẩn thận nếu nó dứt được đuôi ra.
- Cha cứ yên tâm.
Ngày hôm sau theo cách đánh ấy, hai cha con quả đã diệt được quái. Nhưng trước khi chết nó đã quẫy mạnh một cái, dứt được cái đuôi ra khỏi mũi dao. Sau đó nó liền cuốn ngay lấy người cô bé. Cô bé vừa chặt được cái đầu con quái thì cũng bị con quái quấn gẫy cả xương mềm nhũn cả người. Thấy con gái yêu của mình chết, người cha buông rơi cả thanh kiếm, chạy đến đỡ lấy xác con. Bà con trong vùng cũng vừa chạy đến. Họ đem xác cô gái về chôn cất rồi lập đền thờ. Nhưng cô gái đâu chịu chết như vậy. Vì cô biết rằng cha mẹ chị mình cùng bà con vùng trong, vùng ngoài đều yêu quý mình, mà cô cũng yêu quý và muốn sống với họ. Cô xin thần Đất giúp cô biến thành một con chim lông vàng rực rỡ, một con chim chưa ai thấy bao giờ rồi bay về quê nhà xin gặp ông Táo đá núi:
- Ông ơi! Cháu bị con quái quấn chết. Nhưng cháu mà chết thì mẹ cháu, chị cháu làm sao sống nổi. Vậy đêm nay hăm ba Tết, ông có về trời ông hãy tâu với Trời cho cháu sống lại…
Ông Táo đá núi liền hứa:
- Được, Ông sẽ tâu giúp cho cháu…
Con chim lông vàng rực rỡ liền bay xuống chỗ mẹ và chị đang ngồi, kêu lên mấy tiếng rồi bay đi. Cũng vừa lúc đó người mẹ và chị biết tin là cô gái nhỏ đã không còn nữa. Bà mẹ ngã ra chết giấc bên bếp lửa. ông Táo đá núi liền đưa hai bàn tay ấm nóng áp vào trán cho bà tỉnh lại và nói ngay:
- Bà cứ yên tâm. Đêm nay về trời, tôi sẽ xin Trời cho cháu sống lại.

Hai mẹ con nghe nói mừng quá liền sụp xuống lạy tạ ơn. Ông Táo đi tối hăm ba thì tối hăm tám ông trở về hạ giới. Ông nói với hai mẹ con:
- Trời rất thương cô bé nhưng cháu chết đã quá ngày, xin sống lại quá chậm. Vì vậy trời chỉ có thể cứu cho cháu mỗi năm sống lại được chín ngày.
Hai mẹ con nghe nói vừa buồn nhưng cũng vừa mừng. Thôi cứ được trông thấy con, thấy em trong giây lát cũng đã đỡ khổ rồi. Huống gì lại được thấy đến chín ngày. Bà mẹ liền hỏi:
- Ông ơi! Bao giờ thì cháu sống lại được?
- Tùy hai mẹ con cứ cầu trời sống từ ngày nào, trời sẽ cho ngày ấy.
- Vậy nhờ ông xin cho cháu sống lại ngay đêm nay!
- Đêm nay thì chưa được, sớm nhất là phải từ đêm mai!
- Vâng, ông xin cho cháu sống lại từ đêm mai vậy!

Hai mẹ con suốt đêm hôm ấy cứ thức mãi. Cả ngày hôm sau, hai mẹ con đều chẳng muốn làm gì. Chỉ mong cho trời chóng tối. Chờ mãi rồi trời cũng tối thật. Hai mẹ con hồi hộp đợi, không biết con mình, em mình sẽ sống lại trở về như thế nào. Định khấn gọi ông Táo thì bỗng nghe ngoài cổng có tiếng gọi:
- Mẹ ơi! Chị ơi!
Hai mẹ con vụt chạy ra và thấy đúng là cô gái nhỏ đã trở về. Trong chiếc áo vàng vẫn sáng lên nhìn rất rõ. Ba mẹ con ôm nhau khóc như mưa. Ngày hôm sau người cha cũng từ vùng trong trở về. Dọc đường thương con, thương vợ ông chưa biết sẽ nói gì cho vợ và con ở nhà đỡ khổ. Không ngờ khi về đến nhà đã thấy cô gái nhỏ đang nằm ngủ bên cạnh mẹ và chị. Ông dụi mắt tưởng là con bé nhà ai đến chơi. Khi biết cô gái nhỏ đã được sống lại, trở về ông liền ôm chầm lấy con và cứ để cho nước mắt chảy dài trên má.

Cô gái nhỏ ăn Tết với cha mẹ và chị đúng chín ngày. Trong chín ngày đó, cô gái nhỏ dành làm hết mọi công việc để giúp cha mẹ, giúp chị. Nhưng cả nhà lại không muốn cô gái làm việc gì. Trong chín ngày, họ sống bù cho cả một năm sắp phải xa nhau. Đến đêm thứ chín trời vừa tối, cô bé vừa kịp ôm lấy cha, mẹ và chị để chào ra đi thì người cô bỗng cứ mờ dần như sương khói rồi biến mất. Cả nhà buồn rầu, thương nhớ cô gái nhỏ vô cùng. Nhưng nghĩ đến chuyện Tết năm sau, cô sẽ về, mọi người lại an ủi nhau, lại kiên nhẫn chờ đợi… Và năm sau, cũng vào chiều hai chín Tết, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về ăn Tết với gia đình rồi đến tối mồng Bảy lại ra đi… Năm nào cũng thế. Nghe chuyện lạ, người vùng trong liền cử người ra mời cả gia đình vào sinh sống trong đó để bà con được trả ơn và gặp lại cô gái nhỏ đã giúp bà con diệt được con quái đầu người mình trăn. Thấy sức người cha đã suy yếu, cả nhà bàn với nhau và nhận lời. Từ đấy hàng năm, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về sống chín ngày cuối năm, đầu Xuân với cha mẹ, với bà con vùng trong. Khi cha mẹ và chị đều mất cả, cô gái không về nữa. Cô hóa thành một cây hoa ngay ở ngôi đền bà con đã dựng lên để thờ cô. Cây ấy hầu như cả năm chỉ có lá, nhưng cứ vào khoảng gần Tết, hoa lại nở đầy. Hoa màu vàng tươi như màu áo của cô gái nhỏ ngày trước.

Hoa vui Tết với bà con khoảng chín mười ngày rồi rụng xuống đất, biến mất để năm sau lại trở về. Cây hoa ấy ngày nay ta gọi là cây Mai Vàng. Ngày Tết ở miền Trung và ở Nam Bộ, bà con thường mua một cành hoa mai về cắm trên bàn thờ ông bà. Họ tin rằng, có cành hoa mai vàng vừa đẹp nhà vừa vui Tết lại vừa có thể xua đuổi được hết các loài ma quái trong suốt cả năm.


2/ CÁC LOẠI HOA MAI


 Mai có nhiều chủng loại. Người Trung Hoa đã tìm tòi nghiên cứu và phân mai ra đến gần 250 loại khác nhau. Trong các loại này, hầu hết có hoa năm cánh nhưng cũng có loại mang đến cả trăm cánh, xếp thành nhiều tầng. Tuy nhiên, người Trung Hoa xưa kia không đánh đồng các loài mai cùng một đẳng cấp. Họ phân chia thứ bậc rõ ràng. Loài mai quí nhất là Khánh khẩu mai, kế tiếp là Hà hoa mai, Đàn hương mai, Ban khẩu mai và cuối cùng là Cẩu đăng mai.
- Khánh khẩu mai: loài mai mọc ở vùng núi cao khánh khẩu.
- Hà hoa mai: cánh mai giống như cánh hoa sen ôm tròn lấy nhụy.
- Đàn hương mai: loài hoa có cánh vàng sậm như màu gỗ từ đàn. Loài này sai hoa, hương lan tỏa khắp không gian và thường nở trước các loài mai khác.
- Ban khẩu mai: đóa hoa hơi cúi xuống, cánh cong cong, khi nở cánh không xòe ra.
- Cẩu đăng mai: hoa nhỏ, chẳng có mùi thơm.

Ở Việt nam, để đơn giản hóa. , nhiều người chia mai thành 4 loại tùy theo mầu sắc: hoàng mai, bạch mai, hồng mai, và thanh mai (mầu phớt xanh). Tại Việt Nam, có hai loại đặc biệt thường được xếp riêng các loại mai khác là mai tứ quý và song mai.

- Mai tứ quý là loại mai có 5 cánh mầu vàng nhưng thường được liệt vào loại hoa đỏ vì khi tàn, các cánh hoa rơi rụng rồi năm đài hoa đổi thành mầu đỏ, úp lại ôm lấy nhụy, trông giống như nụ hoa vừa nhú. Nhụy bên trong kết hạt rồi hạt to dần, đẩy 5 đài hoa bung ra trông như hoa mai đỏ vừa nở. Hạt ở giữa các cánh hoa có mầu xanh khi còn non và đổi sang mầu đen khi già. Vì vậy, mai tứ quý cũng được gọi là nhị độ mai, tức mai nở hai lần, trước vàng sau đỏ. Loại mai này được nhiều người ưa chuộng vì nở hoa quanh năm.

- Song mai là giống mai đặc biệt có nhiều ở huyện Thanh Trì miền Bắc. Hoa có mầu trắng, ra hoa và kết trái từng đôi nên được gọi là song mai.

Ngoài ra, có một số hoa vẫn thường được liệt vào loài mai mặc dù không cùng họ với mai. Đó là nhất chi mai, mai mơ, và mai chiếu thủy.
- Nhất chi mai có mầu đỏ hồng, thường gặp ở miền Nam.
- Mơ là loại hoa có mầu trắng hồng, sau kết thành trái, và mọc nhiều ở miền Bắc. Hoa mơ được nhiều nguời gọi là mai và được nhắc đến nhiều trong thi ca như "thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái" (Chu Mạnh Trinh), "rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi" (Nguyễn Bính), và "càng mưa phùn gió lạnh, càng lạnh cành hoa mơ" (Quang Dũng).
- Mai chiếu thủy là cây đa niên, gốc to, cành nhánh nhiều, lá mọc thành đôi, và có hoa chùm nhỏ li ti mầu trắng tuyền. Hoa luôn luôn hướng xuống dưới nên được gọi là mai chiếu thủy. Hoa có hương thơm dịu dàng, thanh khiết.

Thuở trước, tại miền Bắc, các cụ ta trồng mai như một thứ cây cảnh chứ không chưng mai trong nhà vào dịp tết như người dân miền Nam sau này. Tại miền Nam, mai được chưng bầy trong ngày tết là loại mai vàng, chỉ mọc từ Quảng Bình trở vào. Khi nhắc đến mai, người Việt, nhất là nguời miền Nam, thường nghĩ đến loại mai vàng này.
Trên thế giới có ít nhất là 50 loài mai, phân bổ rải rác ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Song chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Phi. Phần lớn những chi mai vàng và một vài chi mai đỏ thuộc họ Ochnaceae. Còn những chi mai trắng, hồng hoặc mai đỏ lại nằm trong họ Apocynaceae và Rubiaceae

I.Mai vàng

Nhìn chung, mai vàng có nhiều chi và loài với tên khoa học khác nhau, tuy nhiên xét về hình thức hoa thì tương tự như nhau. Tất cả đều có màu vàng
Mỗi loài mai vàng có những nét đặc trưng riêng và người ta thường căn cứ vào sự khác biệt của lá, cánh hoa hay hương thơm để đặt tên cho chúng. Tùy theo loài mà chúng có cánh hoa lớn hay nhỏ, nhọn hay tròn, cánh dúm hay thẳng, có viền hay không viền cánh. Nhụy có thể thẳng hay cong hoặc lá cuốn hay thẳng. Màu lá cũng có nhiều sắc độ: xanh trong, xanh bóng, xanh sậm, xanh nhạt hay gần với màu trắng. Trên thế giới hiện nay một số loài như sau: Ochna integerrima, Ochna integerrima (lour.) Merr, Ochna multiflora, Ochna serrulata, Ochna serrulata (hochst.) Walp. và Ochna thomasiana…

*.mai vàng việt nam

Mai vàng còn được gọi là lạp mai. Lạp có nghĩa là sáp ong, nó giống như màu vàng tươi thắm của hoa mai. Còn khi nhắc đến từ lạp nguyệt, người ta lại liên tưởng tới loài mai vàng, bởi vì lạp nguyệt là tháng chạp, mà mai vàng chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng chạp, tức tháng 12 Âm lịch. Giống cây mai vàng Nam bộ đặc trưng nhất là loại có hoa 5 cánh màu vàng. Tuy giống này mọc khá nhiều ở miền nam Việt Nam, song người ta còn thấy chúng phân bố ở một số nước Đông Nam Á.

Mai vàng là loài cây hoa tiêu biểu trong ngày Tết ở miền nam Việt Nam. Chúng mọc từng cây riêng lẻ, đôi khi lại có dạng cây bụi. Chúng có tên khoa học là Ochna integerrima, họ ochnaceae.

Mai vàng là loại cây sống lâu năm, thân to xù xì, cành nhánh nhiều. Nếu uốn thử cành mai vàng ta sẽ thấy mềm mại hơn cành đào. Chúng có hoa màu vàng thơm thoang thoảng, mọc thành chùm trên cuống dài treo lơ lửng bên cành. Lá rụng vào mùa đông, hoa nở vào mùa xuân. Ta có thể trồng mai vàng ngoài vườn, trước sân nhà, trong bồn hay chậu đều được. Mai vàng dễ chăm sóc hơn đào. Chúng thích môi trường nhiều nắng và đất luôn ẩm, song phải dễ thoát nước. Nếu trồng mai vàng ở miền bắc, ta cần chú ý giúp chúng tránh mưa gió. Chúng có thể ra hoa chậm sau tết.

Tại Việt Nam, nơi có nhiều mai vàng nhất là những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẳng cho tới Khánh Hòa. Các vùng núi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều loài hoa này, ở cao nguyên cũng có, song số lượng ít hơn. Mai vàng mọc hoang dã trong rừng gọi là "mai núi". Do phải chen chúc sống chung với những loài cây khác ở địa thế khắc nghiệt, mai núi buộc phải "vùng lên". Chính vì thế đôi khi ta bắt gặp những cây mai ấy có hình dáng lạ kỳ. Loài mai này có hoa khá nhiều cánh, khoảng từ 12 đến 18 cánh.

Ngày xưa, khi cha ông ta vào miền nam khai hoang lập nghiệp đã lấy cành của loài cây này chưng trong ngày Tết, thay thế cho cành đào phương bắc. Từ đó mai vàng có vị trí quan trọng hơn trong đời sống tâm linh người việt. Chúng trở thành loại cây cảnh nổi tiếng và rất đặc thù của miền nam.

Một loài mai vàng khác mọc ở triền cát, ở những khu rừng ven biển được gọi là "mai động". Loài mai này có thân suông, tròn, hoa trổ chi chít trên cành. Nếu chúng có hoa với 5 cánh nhỏ thì gọi đó "mai sẻ". Loài mai này rất sai hoa, rất thích hợp với câu thơ của Lưu Vũ Tích đời nhà Đường (Trung Quốc): "Mai hoa nhất dạ mãnh nam chi" (Hoa mai một đêm nở đầy cành phía nam). Mai động hay mai sẻ phân bố rải rác ở các tỉnh miền trung từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào miền nam, cho tới tận Đồng Nai và Tây Ninh…

Thông thường mai vàng có mùi hương rất khó nhận ra, do đó trong bài tụng của Hoàng Bá Hy Vân mới có câu: Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương (hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương), song ở nước ta lại có một loài mai khá đặc biệt, cánh hoa của nó có kích cỡ bình thường như mai vàng 5 cánh, nhưng hương thơm lại "đậm" hơn những loài mai khác nên người ta gọi chúng là "mai hương". Chúng còn có tên khác là "mai thơm" (thường được trồng ở Bến Tre) hay "mai ngự" (mọc khá nhiều ở Huế).

Riêng loài mai có cánh hoa lớn kích cỡ bình thường người ta gọi nó là "mai châu" (đọc trại từ "trâu" thành "châu"). Loài mai có nụ hoa nhỏ, cánh dài và nhọn được gọi là "mai cánh nhọn". ở Thái Lan cũng có loài mai cánh nhọn, hình dáng hoa tương tự như loại mai vàng cánh nhọn Việt Nam song cánh lại dài hơn và nó có hoa màu trắng (cùng giống với mai chiếu thủy Việt Nam). Loài có 5 cánh tròn, khít bên nhau gọi là "mai cánh tròn". Riêng loài có cánh to, nhăn nheo như miếng giấy thấm nước thì người ta gọi nó là "mai cánh dúm".

Xét về góc độ sai hoa, ngoài mai sẻ, chắc chắn ta cũng cần phải nhắc đến "mai chùm gửi". Loài này có thân cứng, trên cành mọc lên những khối u, chung quanh khối u đâm ra rất nhiều tược non và từ đó nụ hoa mọc khá dầy. Khi nở những đóa hoa san sát vào nhau tạo thành một bó rất đẹp. Người ta còn gọi loài này là "mai tỳ bà" hay "mai vương". Còn loài mai rừng có thân màu nâu, lá to xanh bóng, có răng cưa ở viền lá, hoa màu vàng, mọc thành chùm theo hình chủy nên người ta gọi nó là "mai chủy". Loài có thân nhỏ, cành giòn, lá xanh bóng hình oval có răng cưa, hoa màu vàng nhạt mọc rất nhiều ở rừng cà ná được đặt tên là "mai rừng cà ná". Một loài mai hoang dã khác cũng khá đặc biệt, phân bố rải rác ở vùng núi vĩnh hảo. Nó có thân cứng, cành nhỏ giòn, hoa vàng từ 10 đến 16 cánh thẳng. Loài mai này nặng khoảng gấp rưởi loại mai vàng bình thường, được gọi là "mai đá" (có lẽ cái tên xuất phát từ thành ngữ "nặng như đá").

Ngày nay, các nghệ nhân đã có công lai tạo, tháp ghép và nhân giống nên có nhiều loại mai vàng mới xuất hiện, hình dáng hoa rất lạ và đẹp. Màu hoa tỏ ra khá phong phú: từ vàng nhạt, vàng mơ, vàng chanh cho đến vàng tươi; từ vàng nghệ, vàng thau, vàng cam cho đến vàng sậm…và cũng từ cách căn cứ màu sắc hoa nên người ta đặt tên cho chúng là "mai kem, mai nghệ, mai thau hay mai cam v.v.".

Ngoài ra, trên cùng một cánh hoa cũng có sự thay đổi sắc độ khác nhau, có loại cánh màu vàng nhạt nhưng chung quanh viền cánh lại màu vàng sậm, có loại cánh vàng viền đỏ hay viền trắng. Đặc biệt nhất là loại có mặt ngoài cánh màu đỏ, mặt trong màu vàng.

Cây ra hoa cũng có số lượng cánh khác nhau. Lúc đầu giới mộ điệu tỏ ra thích thú trước loại mai giảo 12 cánh của những nghệ nhân ở Thủ Đức và Bến Tre. Song bây giờ họ không còn lạ nữa, bởi vì nhiều loại mai vàng đa cánh khác đã được trình làng, tỏ ra chiếm ưu thế hơn bởi sự độc đáo của số lượng và tầng cánh (thường là 3-4 tầng cánh trở lên). Trong đó phải kể đến mai Huỳnh Tỷ 24 cánh, mai Chín Đợi 24 cánh, mai cúc Thủ Đức 24 cánh và mai Gò Đen 48 cánh…; tuy nhiên số lượng cánh hoa không chỉ giới hạn ở mức độ đó, ngày nay đã có những loài mai vàng đã được một số nghệ nhân đưa lên tầm cao mới với số lượng cánh rất khó tin: mai Thủ Đức 80 cánh hay mai Bến Tre 120 cánh, thậm chí 150 cánh…


Mai vàng đã phổ biến ở miền Bắc vào thời Lý - Trần




                                         ảnh rừng mai Yên tử

Dĩ nhiên từ trước đến nay, mọi người miền Bắc đều cho rằng cây mai vàng không thể hiện diện ở Bắc Bộ từ thời xa xưa, vì đây là loài cây xuất xứ ở Nam. Miền Bắc chỉ có cây mai trắng, nhưng ít người dùng để chơi Tết, mà ngày Tết thường chỉ chơi hoa đào. Nhưng từ năm 2007, khi rừng Đại lão mai vàng ở Yên Tử được phát hiện và công bố khiến tất thảy đều ngỡ ngàng.

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đưa rừng mai vàng vào quy hoạch di sản quan trọng phải bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu rừng mai quý hiếm này. Khi khảo sát kỹ nguồn gốc cây mai vàng ở non thiêng đại ngàn Yên Tử, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả và Trường Đại học Nông nghiệp l cũng đều nhận thấy giống mai vàng này đã có cách đây khoảng 800 năm, được phân bố rải rác khắp vùng rừng Yên Tử, nhưng tập trung ở 3 khu chính; đó là: Khe núi dọc từ chùa Hoa Yên xuống, khu rừng thuộc phường Vàng Danh (TX Uông Bí) và khu rừng thuộc dãy núi xã Tràng Lương, Bình Khê (Đông Triều).

Tại đây, người ta có thể bắt gặp những cây mai cao đến 15 mét, đường kính thân 60-70cm và có rất nhiều cành. Theo những nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thì cây mai vàng Yên Tử và cây mai vàng miền Nam đều thuộc cùng một loài (tên khoa học là Ochna integerrima), đây là loại mai có 5 cánh, lộc màu xanh. Cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu. Trên một cành có rất nhiều hoa. Kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2 - 3cm. Sự khác biệt lớn nhất mà người yêu thích mai vàng Yên Tử quan tâm là khả năng sinh sống và nở hoa trong điều kiện khí hậu có nhiệt độ lạnh của miền Bắc.

Chính điều này đã tạo nên những đặc điểm về hình thái, hương thơm và thời điểm nở hoa khác hẳn so với các giống hoa mai vàng ở phương Nam. Truy tìm trong sử liệu, những công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hóa về di tích danh thắng Yên Tử có rất nhiều, song, hầu như không có tài liệu chính thức nào nói về loài mai vàng rất quý tại Yên Tử, mọc thành rừng. Chỉ nghe dân gian tương truyền rằng, khi lên núi Yên Tử tu hành, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã phát động các tín đồ Phật tử trồng cây mai vàng. Sau nhiều năm được bàn tay các Phật tử chăm sóc, cùng với sự ưu ái của thiên nhiên, những cây mai nhỏ bé đã biến thành rừng mai rộng lớn.

*. Mai vàng campuchia

Loài mai này có tên khoa học là Ochna integerrima (lour.) Merr., họ Ochnaceae. Hoa thường có 5 đến 9 cánh, khi nở mãn khai những cánh hoa úp ngược về phía cuống. Màu hoa hơi vàng tái. Loài này còn được tìm thấy ở Việt Nam với tên khoa học là Ochna integerrima Merr., họ Ochnaceae. Chúng là loài cây hoang dã mọc trong rừng ở miền nam và miền trung, phân bố từ nơi khô cằn cát nóng cho tới chỗ ven sông râm mát. Chúng thuộc dạng cây gỗ, nhánh gầy mảnh và dài, lá dơn màu xanh nhạt bóng, mọc thưa trên cành. Mép là có răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành chùm ở nách lá. Cuống hoa ngắn, đài hoa xanh bóng không che kín nụ.

Nhìn chung, loài này ở Campuchia hay Việt Nam đều đã được nâng cấp số lượng cánh lên rất nhiều. Ngày nay người ta có thể nhìn thấy loài này có hoa 40 cánh trở lên. Và không chỉ có màu vàng, mà còn có thêm màu trắng hoặc màu đỏ. Do đó người ta thường sử dụng chúng làm cây cảnh, chưng vào dịp Tết Nguyên đán.

*. Mai vàng Nam Phi

Hiện nay người ta nhận thấy có khoảng 12 loài mai vàng thuộc chi Ochna phân bố rải rác khắp Nam Phi, bao gồm dạng cây lẻ và cây bụi. Song phổ biến nhất là những loài mai vàng có tên khoa học:Ochna pretoriensis (magalies plane) và Ochna pulchra (peeling plane). Hai loài này xuất hiện rộng khắp những vùng đồi thuộc Koppie. Chúng có hoa màu vàng.

Loài Ochna pulchra cao khoảng 7 m, vỏ cây thường bị tróc ra, lá dễ rụng. Chúng mọc hoang dã trong rừng, vỏ cây màu xám nhạt, xù xì ở phần gốc. ở phần trên thân cây vỏ bị tróc lộ ra màu trắng kem nhạt. Gỗ cây ít được sử dụng vì giòn và dễ gãy. Loài này có hai loại: hoa màu vàng và màu hồng. Tương truyền rằng chỉ cần mang một phần rễ của loài Ochna pulchra đi theo, người thợ săn sẽ có được nhiều may mắn trong lúc đi săn. Có một điều lạ là, người ta bảo trong cây có chất dầu độc, song một số hãng mỹ phẩm ở nước này lại chiết xuất chất dầu đó để sử dụng cho tóc.

Ở Nam Phi còn có một số loài mai vàng khác, có tên khoa học làOchna serrulata, Ochna multiflora và Ochna tropurpurea. Tất cả đều thuộc họ Ochnaceae. Người nước ngoài gọi chúng là Mickey mouse plant, bird's eye bush, small-leaved plane và carnival bush. Những loài này có màu hoa khó xếp loại chúng vào nhóm mai vàng hay mai đỏ, bởi vì có một số loài mai vàng về sau rụng cánh còn lại đài hoa đỏ nên có thể gọi chúng là mai đỏ. Nói chính xác, chúng khá giống với mai tứ quí việt nam, cũng có tên là "chuột mickey". Hoa thu hút nhiều ong và bướm. Khi trái chín, chim chóc thường kéo đến ăn trái. Do đó, chúng tôi mạn phép xếp những loài mai vàng này vào mục mai đỏ (sẽ trình bày ở phần sau).

*. Mai vàng Miến Điện

Ở đất nước này, có những loài mai vàng giống như ở Nam Phi (Ochna serrulata). Hình thức hoa có khác đôi chút ở chỗ cánh bẹt hoặc có bầu noãn đỏ tồn tại khá lâu trước khi hoa rụng.

*. Mai vàng Indonesia

Những loài mai này có tên khoa học là Ochna kirkii oliv., Ochna serrulata (hochst.) Walp. và Ochna serrulata. Chúng đều có nguồn gốc ở Nam Phi, tuy nhiên "ngoại hình" lớn hơn. Có loài hoa nở vào mùa xuân và mùa hè hoặc nở quanh năm.

*. Mai vàng châu Phi

Người ta bắt gặp một loài mai phân bố rải rác khắp những nước nhiệt đới ở châu phi. Chúng cũng có 5 cánh màu vàng như ở việt nam, song lại khác tên khoa học. Đó là loài ochna thomasiana, thuộc dạng cây bụi. Lá hình oval, đầu lá bén, dài khoảng 10 cm. Hoa nở rộ trên cành vào mùa xuân, song đôi khi cũng nở bất chợt vào mùa hè với số lượng hoa ít hơn. Cánh hoa màu vàng, dài khoảng 2 cm. Đài hoa bung rộng ra và trở thành màu đỏ tía bên trong có trái non màu xanh, khi già màu đen. Những người nước ngoài nhìn hoa của loài mai này, họ tưởng tượng như gương mặt của chuột mickey hay mắt chim, do đó họ mới đặt tên cho chúng là Mickey mouse bush và bird's eye bush.

*. Mai vàng Madagascar

Loài mai này có 5 cánh tròn, dúm, giống như mai cánh dúm của Việt Nam. Lá dài và rủ xuống từng chùm. Chúng có tên khoa học làOchna greveanum.

II. Mai đỏ

Mai đỏ có một số chi khác nhau song hình thức về hoa thì tương tự hay ít nhất cũng có màu đỏ. Tùy theo chi và loài, mai đỏ cao từ 2 đến 8 m và nở hoa quanh năm. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, mai đỏ gồm có những loài như sau: Ochna integerrima, Ochna serrulata, Ochna multiflora, Ochna thomasiana, Ochna mossambicensis, Jatropha pandurifolia, Jatropha integerrima vàWrightia dubia. Như vậy, xét về chi thì mai đỏ cũng có một số loài cùng chi với mai vàng là Ochna, chỉ có chi Jatropha và Wrighita là khác.

*. Mai tứ quí Việt Nam

Có tên khoa học là Ochna integerrima, họ Ochnaceae. Đây là một loài mai vàng sau khi ra hoa cánh màu vàng rụng hết còn lại những đài hoa màu đỏ giống như cánh và có trái bên trong. Lúc còn non trái màu xanh, đến khi chín trái chuyển sang màu đen. Tùy theo loài mỗi đóa hoa sẽ có số lượng trái từ 1 đến 6.

Mai tứ quí Việt Nam còn được gọi là Nhị độ mai. Nó cao khoảng 2-3 m, còn những loài mai tứ quí khác ở Thái Lan và một số nước khác thuộc châu Á thì có thể cao đến 8m, hoa có đường kính khoảng 4cm, cánh hoa màu đỏ và thường có hai tầng cánh, trái non màu xanh, trái già màu đen. Cây ra hoa từ tháng 2 đến tháng 5 Dương lịch, có trái từ tháng 4 đến tháng 6. Người ta có thể nhân giống mai đỏ bằng hạt, chiết cành hoặc giâm cành.

Người nước ngoài gọi mai tứ quí Việt Nam là " Mickey mouse ", bởi vì hình dáng của những cánh hoa đỏ với hạt đen bên trong khiến họ liên tưởng đến gương mặt của chuột Mickey. Tuy nhiên chúng không có hai tầng cánh. Lá màu xanh đậm. Chúng sống trong môi trường có độ ẩm vừa phải, đất nhiều mùn và có ánh sáng từ 30 đến 50%.

*. Mai tứ quí Thái Lan

Cùng tên khoa học và cùng họ với mai tứ quí Việt Nam, tuy nhiên mỗi hoa thường có 6 trái màu đen. Loài này có lá không to lắm. Cây cao từ 2 m trở lên. Hoa cũng nở quanh năm


(còn tiếp)

















4 nhận xét:

  1. Qua bài viếc chi tiết và nhiều kiến thức quá, rất hay chú à. cháu sẽ cố gắng đọc hết, bây giời chỉ 2/3 bài à.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay quá chú ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay quá, hiểu về mai nhiều hơn và yêu quý mai nhiều hơn nữa, rất cám ơn tác giả, chào thân ái., rất mong được đọc nhiều bài viết hay như thế nữa về các loài hoa đẹp ....

    Trả lờiXóa