Thông qua Đường dây nóng tư vấn đạo đức cho nhà báo (Ethics AdviceLine For Journalists) ở Chicago, Illinois, Mr. Do đã được kết nối với Giáo sư David Ozar ở khoa Triết, Đại học Loyola Chicago
để tìm hiểu về thủ thuật gài bẫy của phóng viên khi thực hiện phóng sự
điều tra được xử lý, đánh giá và nhìn nhận như thế nào trong xã hội
Mỹ.
Nguồn bài viết của: Mr. Do
Tình huống được đặt ra là: Một phóng viên gài bẫy, đưa tiền cho cảnh sát trong một vụ "chuộc xe" để có tư liệu viết bài, phanh phui tiêu cực trong lực lượng cảnh sát. Việc làm này được xử lý, đánh giá như thế nào dưới góc độ pháp lý (ở Mỹ) và dưới góc độ đạo đức báo chí (cũng ở Mỹ nốt)?
Ý kiến của ông Ozar chỉ nên để tham khảo.
-----------
Tôi xin dịch lại. Các chỗ in đậm là nhấn mạnh của ngài Ozar.
Về khía cạnh pháp lý, những người ở Đường dây nóng không phải là chuyên gia luật pháp, và khi một nhà báo có thắc mắc về pháp lý gọi đến đây, chúng tôi sẽ giới thiệu họ tới một tổ chức có tên gọi Úy ban Phóng viên vì Tự do Báo chí (Reporters Committee for Freedom of Press - web: www.rcfp.org). Nhưng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của một đồng nghiệp ở Đường dây nóng, người từng là một nhà báo thâm niên, và cả anh ấy cũng như tôi đều tin rằng, luật pháp Mỹ cấm việc đưa hối lộ cho cảnh sát nên một phóng viên thực hiện hành động này là vi phạm pháp luật và có thể bị bắt và xét xử về hành động đó. Nhưng đây chỉ là niềm tin của hai công dân bình thường, không phải là ý kiến của chuyên gia pháp lý. Chúng tôi cũng tin rằng (nhưng điều này không dựa trên kinh nghiệm cá nhân hoặc kiến thức của chuyên gia) đôi khi cảnh sát muốn đặt một cái bẫy để vạch trần một quan chức tham nhũng (quan chức cảnh sát hoặc chính quyền), và, trong những trường hợp đó, do đây là một phần của một chiến dịch đã được thông qua bởi cảnh sát, việc đưa tiền cho viên cảnh sát "con mồi" kia không bị coi là phạm pháp. Vì thế, nếu nhà báo kia tham gia vào một chiến dịch kiểu như vậy của cảnh sát, thì chúng tôi cho rằng điều anh ta làm có lẽ không được coi là phạm pháp. Nhưng chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi nghĩ là lực lượng cảnh sát hiếm khi thực hiện một kế hoạch kiểu như thế ngoại trừ khi họ có cơ sở vững chắc để tin rằng viên cảnh sát kia vốn đã tham nhũng rồi. Nếu một nhà báo gài bẫy một viên cảnh sát mà không hề biết rằng người này đã từng dính chàm hay chưa thì tôi cho rằng đó không phải là một phương cách hiệu quả để phanh phui một trường hợp tham nhũng. (tôi sẽ nói kỹ về điều này.)
Còn xét về khía cạnh đạo đức, thì có nhiều điều để nói về hành động này. Đường dây nóng chúng tôi thường sử dụng Bộ quy tắc Đạo đức của Hiệp hội Nhà báo chuyên nghiệp (Code of Ethics of the Society of Professional Journalists) để xem xét vấn đề này. Có thể tham khảo tại địa chỉ: www.spj.org/ethicscode.asp.
Theo tôi, điều mục trong Bộ quy tắc có liên quan mật thiết nhất về trường hợp này là: "Tránh sử dụng phương pháp ngầm hoặc lén lút để thu thập thông tin ngoại trừ khi các biện pháp công khai truyền thống không cho phép làm lộ thông tin hệ trọng đối với công chúng."
Có nghĩa là, theo đánh giá của tôi, sai sót đạo đức quan trọng nhất trong tình huống này là nhà báo đã sử dụng phương pháp đánh lừa để có được bài viết và hành động này phạm quy tắc đạo đức ở hai khía cạnh. Thứ nhất, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy đấy (đánh lừa - Mr. Do) là "biện pháp cuối cùng" (có nghĩa là sau khi tất cả "các biện pháp công khai truyền thống" đã được thực hiện). Và quan trọng hơn, hầu như không có khả năng (very unlikely) người đó có thể lấy được "thông tin quan trọng cho công chúng" bằng phương pháp đánh lừa này. Tất nhiên, tham nhũng có hệ thống trong lực lượng cảnh sát hiển nhiên là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với lợi ích công chúng. Nhưng như đã nói ở trên, ngay cả nếu nhà báo nọ nỗ lực để chứng minh rằng tệ tham nhũng là có hệ thống trong lực lượng cảnh sát, thì tất cả những gì anh ta có thể "sô" ra ở đây là có một viên cảnh sát nhận hối lộ trong một trường hợp cụ thể. Và trong bối cảnh mà dân chúng đã biết tỏng rằng có một số cảnh sát nhận hối lộ, thì điều mà nhà báo này phanh phui ra chẳng đóng góp gì thêm cho lợi ích công chúng theo một chừng mực quan trọng nào đó.
Thêm vào đó, ở Mỹ, bất cứ phóng viên nào tin rằng việc sử dụng thủ thuật đánh lừa - như là phương cách cuối cùng và quan trọng đối với lợi ích của công chúng - có thể mang lại thành công trong việc thu thập thông tin quan trọng, thì đều phải biết rõ rằng anh ta cần phải tham vấn ý kiến của tòa soạn trước khi thực hiện phương pháp đó. Lý do chủ yếu là tất cả các thủ pháp đánh lừa mà phóng viên thực hiện có thể tạo ra nguy cơ làm giảm lòng tin của công chúng vào báo chí, rằng nhà báo đang làm việc cho tổ chức đó đang thực hiện công việc "vì sự thật," có nghĩa là, tính chính trực của tờ báo bị đe dọa, chứ không chỉ đối với riêng nhà báo đó, vì thế một quyết định của tổ chức (thường là ban biên tập) cần phải được đưa ra trước khi nhà báo hành sự. Và trên thực tế thì chuyện này cũng tạo ra nguy cơ làm giảm uy tín của giới báo chí nói chung. Và thêm vào đó, phần lớn chúng ta đều cần biết rằng đối với những vấn đề đạo đức nhạy cảm, tốt hơn hết là cần tìm kiếm lời khuyên để ta không bị sự tự tin (hoặc thói kiêu ngạo) của mình che mắt.
Một trong những điểm liên quan nữa trong Bộ quy tắc được đề cập ở mục "Hành động độc lập", trong đó nêu nguyên tắc "tránh đấu thầu tin tức", liên quan tới vấn đề trả tiền để tiếp cận tin tức cũng như những xung đột lợi ích nảy sinh trong vấn đề này mà một phương pháp báo chí tích cực hơn có thể tránh khỏi. Sẽ là tốt hơn rất nhiều nếu trong trường hợp trên, nhà báo tìm hiểu xem tại sao người bị tịch thu xe muốn trả tiền hối lộ (có nghĩa là thực hiện đúng chức năng của nhà báo) và qua đó có thể soi chiếu ánh sáng lên mối quan hệ đưa - nhận hối lộ, chứ không nên trở thành một phần của câu chuyện đó.
Cũng có thể tìm thấy sự liên quan về bổn phận nhà báo trong mục "Giảm thiểu thiệt hại." Trong trường hợp khoản tiền hối lộ là rất lớn, thì có lẽ phóng viên đã cố gắng làm hư một cảnh sát vốn dĩ trong sạch và trung thực, bởi vì một người bình thường rất khó cưỡng lại những cám dỗ lớn. Thế nên ở đây cũng có một sự băn khoăn rằng liệu hành động đó có làm phương hại tới những cảnh sát vốn dĩ trong sạch hay không (đó là một lý do nữa cho thấy rằng việc phóng viên không biết rõ viên cảnh sát kia trong sạch hay đã từng nhúng chàm là một yếu tố quan trọng)...
Nguồn:Mr. Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét