Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Một ngày không như mọi ngày.


 Một ngày không như mọi ngày.


1. Một cuộc tình chia tay ko mấy tốt đẹp sẽ là vết thương không thể lành. Người phụ tình có lý lẽ của kẻ mạnh khi họ có những hành xử làm tổn hại, tổn thương người bị phụ tình, bởi vì theo họ, tình đã hết! Nhưng nếu nghĩ, nhớ đến cái “nghĩa” của những năm mặn nồng thì chắc họ sẽ cư xử phải đạo hơn, dù đã hết tình thì cũng không nên làm người kia phải đau lòng thêm nữa. Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vậy mà vẫn trách móc hờn giận, vì sao người ấy lại có thể hành xử vô tâm vô tình đến thế. Dù biết rằng hành xử ấy khoét sâu hơn nỗi đau của sự chia ly, vết thương càng sâu càng khó lành, nhưng đã Bỏ thì nên Buông… cho nhẹ lòng. Mất một người bạn nhưng không mất một tình yêu đẹp, của mình.
Từ chuyện tình nho nhỏ nghĩ về chuyện lớn hơn.

2. Một cuộc chiến kết thúc gần 40 năm, vậy mà nỗi đau (hình như) ngày càng di căn. Bên này bên kia có gia đình nào không mất mát không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng kéo dài chắc chắn không chỉ một, hai thế hệ? Nhưng lạ, đọc những gì tràn ngập trên mạng những ngày này, có những nỗi đau chỉ cần một hai câu từ cũng làm nhói lòng người. Nhưng cũng có câu chữ… chỉ thấy như là đang a dua theo những nỗi đau những sự mất mát. Có một câu nói rất hay “ngoài đau bụng mọi cái đau khác chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng ai không cảm nhận được những nỗi đau ấy thì đó không phải là người tử tế”. Vâng, khi không thực sự cảm nhận nỗi đau của những người trong cuộc thì xin đừng khoét sâu hơn vết thương ngày cũ.
Vì mỗi người dù còn căm hận hờn giận thì vẫn còn đó một quê hương mà ta không thể chối từ.

3. “Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào… Những bà mẹ đau nỗi đau mất đi những đứa con, có phân biệt đứa con bên này bên kia? Những người đang yên nghỉ ở những nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng, ở trên cao xanh họ có còn phân biệt bên thắng bên thua? “Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”. Bao giờ những ngày Tháng Tư này sẽ là Ngày Hòa Hợp, Hòa Giải của chúng ta?

4. Bảo tàng Ký ức chiến tranh ở Hàn quốc, ngay sảnh chính có một bức tranh lớn kín một bức tường. Bức tranh vẽ rừng cây hoa lá tràn ngập, ở giữa là giới tuyến Bàn Môn Điếm và hai lá cờ Hàn quốc và Triều Tiên nhỏ xíu. Dòng chữ lớn chạy suốt “Bán đão Triều Tiên có bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng đang bị chia thành hai nước”. Có quốc gia nào không có khát vọng thống nhất, chỉ khác nhau sự lựa chọn con đường đi đến thống nhất mà thôi.

5. Và THỜI GIAN sẽ trả lại công bằng cho tất cả… nhanh lắm, có khi không hết một đời người…


Nguyễn Thị Hậu

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Người đàn ông đi bên cạnh đời em


Nguyễn Thị Hậu

(Lời một người bạn gái: Độc lập tự lo hạnh phúc)

Cám ơn anh
Người đàn ông đi bên cạnh cuộc đời em
Nhưng không thể
Mang lại cho em hạnh phúc
Và anh đã “mặc kệ”
Để em
Được là chính mình
Như bản tính mẹ sinh
Như anh đã yêu
Ngày chúng ta chưa thành đôi lứa


Cám ơn anh đă “mặc kệ” em
Tự bơi qua thời khốn khó
Trở thành
Người đàn bà đảm đang
Biết làm “mọi nhẽ”
Thương chồng yêu con
Tự xót xa mình
Tháng dài năm đằng đẵng…


Cám ơn anh đã “mặc kệ” em
Những lúc cần có anh bên cạnh
Một mình
Tự chữa lành
Vết thương
Tuổi đàn bà
“Canh cô Mậu quả”

Thì thôi vậy
Đã trót đời
Bên nhau
Anh và em
Độc lập
Tự lo
Hạnh phúc
Và ta gọi đó

Tự do.

Tình cảm trong lĩnh vực công nghệ tình dục ở thành phố Hồ Chí Minh


Kimberly Kay Hoang
Nguyên Trường dịch



Tóm tắt: Bài báo này khảo sát nền công nghệ tình dục ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, một đất nước đã nhanh chóng thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế trong hơn 20 năm qua. Trên cơ sở khảo sát tại chỗ trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2006 đến tháng 8 năm 2007, tôi phân tích và so sánh quan hệ của những người lao động tình dục và các khách hàng của họ trong ba khu vực khác nhau của ngành công nghệ tình dục. Khu vực hạ cấp mua vui cho đàn ông Việt Nam, khu vực trung cấp phục vụ cho người da trắng ngoại quốc và khu cao cấp phục vụ cho người Việt hải ngoại (Việt kiều). Tôi sử dụng lí thuyết của Arlie Hochschild về biểu hiện tình cảm để minh hoạ những người phụ nữ trong khu vực hạ đẳng thường có thái độ thô bạo trong khi những người phụ nữ làm việc trong khu vực trung và cao cấp thường có tình cảm hơn. Khía cạnh tình cảm trong các mối quan hệ này cho thấy những điều kiện tạo thành những sự lựa chọn mà những người lao động trong lĩnh vực tình dục có thể có đối với khách làng chơi của họ.

Dẫn nhập

Trong vài chục năm gần đây đã xuất hiện nhiều tác phẩm viết về công nghệ tình dục trên phạm vi toàn cầu (Bales, 2004; Cabezas, 2004; Kempadoo, 2004). Trong mười năm qua, các nhà khoa học đã tập trung chú ý đến sự phát triển của du lịch tình dục trên phạm vi toàn cầu, được thể hiện bởi sự hoà nhập giữa du lịch quốc tế và khu vực, và sự cung ứng và tiêu thụ các dịch vụ tình dục (Brennan, 2004; Lim, 1998). Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, tình dục thường kết hợp với dòng di chuyển xuyên quốc gia của đàn ông từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn (Wonders and Michalowski, 2001). Tiểu luận này khảo sát nền công nghệ tình dục toàn cầu hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh (HCMC), trước đây gọi là Sài Gòn, một thành phố, thông qua những thay đổi về mặt kinh tế-xã hội đầy kịch tính trong hơn 20 năm qua, đã tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Tôi phân tích và so sánh quan hệ giữa những người lao động trong lĩnh vực tình dục với các khách hàng của họ trong ba khu vực khác nhau của nền công nghệ tình dục ở thành phố Hồ Chí Minh và đưa ra mẫu thức của tình cảm trong những mối qua hệ này. Về phía khách làng chơi đàn ông, tôi nhận thấy rằng một số người thích trả nhiều tiền hơn để đổi lấy sự thân tình chứ không chỉ tình dục. Về phía người lao động, tôi nhận thấy rằng khu vực dịch vụ quyết định hình thức tình cảm, người được trả công cao thường có biểu hiện tình cảm cao hơn. Elizabeth Bernstein (2007) là khoa học gia duy nhất mà tôi biết đã thử so sánh những người lao động trong những khu vực khác nhau của nền công nghệ tình dục ở San Francisco. Công trình nghiên cứu của Bernstein cho thấy tình cảm của những người lao động tình dục trong những khu vực được trả công trung bình và cao thông qua cái mà bà gọi là sự xác thực có giới hạn. Tuy nhiên bà biện luận rằng những người đàn bà đứng đường được trả công thấp thường tỏ ra vô cảm “làm cho xong”, không hề có tí tình cảm nào trong đó. Tôi mở rộng công trình nghiên cứu của Bernstein thông qua việc khảo sát ba lĩnh vực của nền công nghệ tình dục ở thành phố Hồ Chí Minh. Trái ngược với Bernstein, tôi thấy rằng những người lao động trong khu vực hạ cấp làm tình chỉ vì tiền thường có thái độ thô bạo vì họ phải đè nén sự kinh tởm trước cơ thể và tuổi tác của khách làng chơi. Hơn nữa, trong khi Bernstein thấy rằng tình dục cao cấp thường hoạt động trong không gian có tính rất riêng tư, khảo sát của tôi lại cho thấy khu vực tình dục cao cấp lại được thể hiện khá tình cảm, giúp những người đàn ông thể hiện nam tính của mình một cách công khai nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Các số liệu của tôi còn chứng tỏ sự tồn tại, dù không thật rõ nhưng cần thiết, giữa sự thân tình và quan hệ kinh tế mà những người làm việc trong lĩnh vực tình dục trung và cao cấp có dưới hình thức những biểu hiện thân tình với khách làng chơi (Zelizer, 2005) nhằm làm cho khách cảm thấy được an ủi, quan tâm, có khả năng tưởng tượng và khát khao.


Hoàn cảnh lịch sử: Mại dâm trong giai đoạn thuộc địa Pháp và Mĩ


Cùng với việc thiết lập các căn cứ quân sự với quân đồn trú trên những vùng khác nhau, công nghệ tình dục ở Đông Nam Á phát triển rất nhanh trong giai đoạn Pháp thuộc và chiến tranh Việt Nam. Cơ sở hạ tầng như thế đã tạo ra ở phương Tây hình ảnh người đàn bà đẹp và ngoan ngoãn ở Đông Nam Á (Enloe, 1990). Nạn mại dâm ở Việt Nam phát triển cùng với việc khai thác thuộc địa của Pháp, nhằm phục vụ thực dân. Trong khi trước thời Pháp thuộc người Việt Nam vẫn sống chủ yếu là ở làng quê, việc phát triển các trung tâm đô thị – trụ sở của bộ máy quản lí hành chính, thương mại và tài chính của nhà nước thuộc địa – thúc đẩy sự trỗi dậy trong cơ cấu kinh tế của đất nước làm cho nạn mại dâm cũng gia tăng (Guenel, 1997). Sài Gòn-Chợ Lớn, sau này đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh, là thành phố bị tác động mạnh nhất trong giai đoạn thuộc địa. Thành phố này được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” với dân cư phát triển rất nhanh, từ 13.000 người vào 1883 lên thành 250.000 vào năm 1932, làm cho Sài Gòn trở thành biểu tượng của ảnh hưởng của phương Tây (Guenel, 1997: 149). Cho đến năm 1930 “Sài Gòn là trung tâm đô thị chủ yếu và là một trong những mắt xích phức tạp của nạn buôn người, có quan hệ mật thiết với giới mại dâm” (Rodriguez, 2008). Trong những thành phố như Sài Gòn, thực dân và dân bản xứ quan hệ mật thiết với nhau, điều đó đã dẫn tới những qui định cứng rắn hơn (Proschan, 2002). Thực dân Pháp cố gắng quản lí nạn mại dâm ở Đông Dương bằng cách buộc gái điếm phải đăng kí với chính quyền địa phương. Lí do căn bản là không để cho dân đi khai thác thuộc địa bị mắc những căn bệnh lây qua đường tình dục (Stoler, 1991, 1992). Nhưng việc quản lí đã thất bại vì nạn mại dâm có bảo kê giữ thế thượng phong trong thị trường tình dục. Mại dâm có bảo kê thường xuất phát từ các nhà thổ được nguỵ trang thành tiệm café, phòng hút thuốc phiện và quán bar, gây khó khăn cho việc quản lí công nghệ tình dục (Rodriguez, 2008).


Trong cuộc chiến Việt Nam, chính sách của Bộ quốc phòng Mĩ là hạn chế mại dâm đến hết mức có thể. Tuy nhiên, trong những năm 1960, việc quản lí của Mĩ đã trở nên lỏng lẻo hơn. Đến năm 1966, Sài Gòn có 1000 quán bar, hơn 100 hộp đêm và ít nhất là 30 tửu quán (Sun, 2004: 131). Khi Mĩ đổ thêm quân vào Việt Nam thì nhu cầu mại dâm cũng tăng. Năm 1967 có 500.000 quân Mĩ và quân Nam Việt Nam và theo đánh giá thì có khoảng một trăm ngàn phụ nữ tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tình dục (Dunn, 1994). Khu vực trung tâm Sài Gòn và gần những khu nhà của người Mĩ và các căn cứ quân sự dày đặc các quán bar chuyên phục vụ người Mĩ (Jamieson, 1995). Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến giữa cộng sản Bắc Việt và chính phủ Nam Việt kết thúc bằng việc Sài Gòn thất thủ.


Thành phố Hồ Chí Minh trong khung cảnh toàn cầu đương đại


Sau khi Sài Gòn thất thủ, Việt Nam thực hiện chính sách bế quan toả cảng. Chính phủ xã hội chủ nghĩa thực hiện chương trình phục hồi nhân phẩm nhằm xoá bỏ nạn mại dâm. Nhưng sau một thập kỉ tụt hậu về sản xuất và lạm phát phi mã, năm 1986 chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách cải tổ mà họ gọi là Đổi Mới, tức là chính sách đã đưa Việt Nam từ nước xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường (Turley and Selden, 1993). Sài Gòn, sau này được gọi là thành phố Hồ Chí Minh, trở thành một thành phố có tốc độ lưu chuyển người và tư bản rất cao. Là “khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam”, thành phố Hồ Chí Minh đóng góp tới 35% tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam (Pham, 2003). Theo sau các nước xã hội chủ nghĩa khác, năm 2006 Việt Nam tham gia WTO, tức là tự mình lao vào nền kinh tế toàn cầu và thiết lập những mối quan hệ mới với các nước khác trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư (Greider, 1997; Hoogvelt, 1997; Sassen, 1998). Có một số bằng chứng cho thấy thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu nổi lên như là một thành phố toàn cầu mới, Saskia Sassen (2001) coi đây là trung tâm sản xuất, phát triển công nghệ và tài chính tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu hệ thống giao thông hiện đại, chưa có thị trường chứng khoán quốc tế lớn và chưa có ảnh hưởng tích cực đối với thị trường thế giới. Như vậy là, thành phố Hồ chí Minh mới là thành phố quốc tế đang lên chứ chưa phải là thành phố toàn cầu. Thành phố quốc tế đang lên, tôi khẳng định, là một phần của khu vực ngoại vi trong thị trường tư bản toàn cầu mà cơ cấu kinh tế và xã hội của nó đang ngày càng được định hình bởi quá trình toàn cầu hoá từ bên trên và hoạt động của chủ nghĩa siêu quốc gia từ bên dưới. Việc luân chuyển người và tư bản từ các nước đã phát triển sang các nước kém phát triển hơn là đặc điểm của quá trình toàn cầu hoá từ bên trên. Những cá nhân sống trong các nước kém phát triển hơn lợi dụng các mối liên hệ toàn cầu của họ nhằm giữ vững hoặc nâng cao mức sống của họ chính là những người tham gia vào hoạt động của chủ nghĩa siêu quốc gia từ bên dưới (Smith and Guarnizo, 1998). Trong hai mươi năm qua người ta đã ít chú ý đến sự gia tăng hoạt động mại dâm trong đất nước đang toàn cầu hoá này (Nguyen-Vo, 2008). Thực vậy, Giáo sư Bùi Thị Kim Quy đã nhận thấy rằng nạn mại dâm ở Việt Nam đã gia tăng ngay sau Đổi Mới, với khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam thường xuyên tham gia (CATW, 2005).


Tình cảm thể hiện


Tôi sử dụng lí thuyết quan hệ tình cảm của Arlie Hochschild’s (2003 [1983]) làm phương tiện kiểm tra và so sánh quan hệ giữa người lao động tình dục với khách làng chơi ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong công trình nghiên cứu các tiếp viên hàng không Mĩ và nhân viên thu nợ, Hochschild đã khảo sát sự thâm nhập của những mối quan hệ tình cảm vào trong quan hệ thương mại. Bà chia tình cảm của con người thành hai phần: phần cốt yếu của tình cảm của con người được thể hiện chủ yếu trong đời sống riêng, ở gia đình được bà gọi là tình cảm thực (emotion work) và việc biến tình cảm riêng tư thành một loại hàng hoá đem bán trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được bà gọi làtình cảm thể hiện (emotional labor). Muốn thể hiện tình cảm phù hợp với hoàn cảnh thì người ta phải cố tình gợi lên, uốn nắn và đè nén tình cảm bên trong bằng cách chuyển hoá tư tưởng, cơ thể và điệu bộ, thông qua cả những hàng động mang tính bề mặt bên ngoài và sâu thẳm ở bên trong nữa.


Hochschild khẳng định rằng tình cảm thể hiện thay đổi tuỳ thuộc vào giới tính và giai cấp xã hội. Những người có địa vị xã hội thấp kém thí dụ như phụ nữ, người da màu và trẻ con không có “những tấm lá chắn” nhằm bảo vệ họ khỏi những hành động xúc phạm đến tình cảm. Nói về giới tính, tình cảm thể hiện rất quan trọng đối với phụ nữ vì họ ít được độc lập về tài chính, ít quyền lực, uy tín và địa vị xã hội hơn là đàn ông. Vì vậy mà cần phải khảo sát tình cảm thể hiện thay đổi như thế nào trong những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ tình dục với những địa vị xã hội khác nhau.


Việc thảo luận thường chủ yếu nhắm vào khu vực trung và cao cấp. Bài phân tích của tôi cho thấy những cơ chế khác nhau của tình cảm thể hiện và ước vọng trong hoạt động và mối quan hệ qua lại giữa những người lao động tình dục và khách làng chơi trong cả ba khu vực: hạ đẳng, trung và cao cấp. Mặc dù có nhiều “kiểu” người lao động và khách làng chơi trong từng khu vực, nhưng tôi đưa ra những mối quan hệ điển hình giữa đàn ông và đàn bà trong mỗi khu vực. Đàn bà trong khu vực hạ đẳng phục vụ chủ yếu cho khách làng chơi Việt Nam. Họ là những người được trả công thấp nhất, họ thường chỉ có những mối quan hệ ngắn và nhanh với khách và có thái độ thô bạo (Xiao, 2009). Những người lao động tình dục trong vực khu trung bình phục vụ cho khách du lịch ba lô da trắng. Trong khu vực này, đàn bà thường dùng tình cảm nhằm tạo ra sự cảm thông và tình yêu, thông qua những lời dối trá nhằm giữ vững và nâng cao mức sống của họ. Trái lại, đàn bà trong khu cao cấp phục vụ đàn ông Việt kiều và được trả công cao nhất. Đàn bà trong khu vực này dựa vào sự khao khát và quan tâm giả tạo để có thể sống với tiêu chuẩn “5 sao” quanh năm. Mặc dù tất cả những người đàn bà trong công trình nghiên cứu của tôi đều khoác cho công việc của họ những tấm áo khác nhau, hiện tượng “ăn bánh trả tiền” trắng trợn thường xảy ra trong khu vực hạ cấp, trong khi người lao động và khách làng chơi trong khu cao cấp thường trộn lẫn giữa hoạt động kinh tế với sự thân tình (Zelizer, 2005).

Phương pháp nghiên cứu

Từ tháng 6 năm 2006 đến tháng 8 năm 2007, tôi đã tiến hành nghiên cứu tại hiện trường trong 7 tháng, chia làm ba thời kì. Trong thời gian này, tôi đã quan sát những người tham gia trong các quán bar, quán café, nhà của những người lao động tình dục, những khu phố buôn bán, khách sạn và đường phố. Các nhà khoa học, những người viết về phụ nữ lao động tình dục trong giai đoạn thuộc Pháp và Mĩ thường coi đàn bà là gái điếm trong các nhà thổ. Nhưng trong bài báo này, tôi tập trung chú ý vào những người lao động tình dục (sex workers) (Bernstein, 1999) trong kĩ nghệ tình dục đương đại, những người tự tham gia hoạt động tình dục chứ không phải là các gái điếm hay trẻ con bị buôn bán hay bị ép buộc (O’Connell Davidson, 1998). Như vậy là, công trình nghiên cứu của tôi chỉ giới hạn trong những người phụ nữ trên 18 tuổi, làm việc như những thực thể độc lập trong các quán bar hay câu lạc bộ mà thôi. Tôi bắt đầu công trình nghiên cứu bằng cách ngồi trong các quán bar và đứng trên đường phố để gặp và làm thân với những người lao động tình dục và khách làng chơi khác nhau trước khi đề nghị những người phụ nữ đó tham gia vào đề án của tôi. Sau khi đã kết thân với những người lao động trong các quán bar, tôi mới hỏi liệu họ có thể dành thời gian làm việc với tôi ở bên ngoài quán được không. Tôi cũng sử dụng hiểu biết của hai người lái xe ôm là Cường và Lộc, hai anh này đã giới thiệu tôi với những người đàn ông và đàn bà trong khu vực hạ cấp và trung bình. Qua những mối quan hệ như thế, tôi đã gặp gỡ tổng cộng 54 người lao động và 26 khách làng chơi trong cả ba khu vực. Đấy là những người đồng ý tham gia vào dự án của tôi.



Khu vực hạ cấp: Tôi phải giải quyết việc đó trong hai mươi phút



Những người lao động tình dục chuyên phục vụ cho đàn ông địa phương thường hoạt động trong những địa điểm mang danh hiệu cắt tóc, quan café hay trong các công viên xung quanh quận I trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Một buổi chiều mùa hè, Cường chở tôi đến quân Tân Bình, đi từ trung tâm thành phố mất 45 phút xe ôm. Ở đây có 25 hiệu cắt tóc nằm thành một dãy sát nhau. Tất cả các hiệu cắt tóc trông đều giống nhau, rộng khoảng hơn một mét, dài gần hai mét, với hai hoặc ba người lao động tình dục ngồi bên trong. Không có Cường thì tôi không thể nào ngờ được rằng đây là những điểm mại dâm vì trông chúng cũng chẳng khác gì những hiệu cắt tóc hợp pháp khác trên khắp thành phố này.



Chúng tôi dừng lại trước một hiệu có treo một cái gương lớn và hai chiếc ghế bọc da ở bên trong. Ở đằng sau cái màn hoa là một chiếc giường bọc da, như thể chỉ đủ cho một người nằm. Quán có vẻ ọp ẹp, không có bồn rửa tay, cũng chẳng có phòng tắm. Tiền thuê một chỗ như thế khoảng 40 USD một tháng. Tôi gặp Thuý, Yến và Thu, ba người là chị em họ với nhau, tuổi khoảng gần 35. Khác với những người làm trong hai khu vực kia, những người này không có quần áo đẹp hay loè loẹt. Họ là đối tượng của những người đàn ông nghèo khó trong khu vực, những người cho rằng cơ thể của họ vừa gần gũi lại vừa quen thuộc nữa. Tôi đã đến cái quán này mấy lần, giống như mọi quán khác trên cùng con phố, nó thường hoạt động vào buổi sáng và buổi chiều và đóng cửa trước 5 hoặc 6 giờ chiều. Thời khoá biểu như thế giúp những người đàn bà này che giấu gia đình và họ có thể có mặt ở nhà khi con họ đi học về. Những người đàn bà này kiếm sống bằng mãi dâm, mỗi khách làng chơi chỉ trả họ 3USD là cùng. Thuỷ, Yến và Thu đều là các bà mẹ đơn thân; chồng họ đã bỏ đi theo những người đàn bà trẻ hơn. Sau khi bị ruồng bỏ, để có tiền nuôi con các cô phải bán dâm. Trung bình mỗi cô có ba người khách một ngày, tức là được khoảng 100 USD một tháng. Theo Thuỷ thì như thế là thu nhập cao hơn những người phục vụ trong các nhà hàng hay “osin” khoảng 40USD/tháng. Khi mới vào, khách làng chơi ngồi lên ghế, các cô bắt đầu massage đầu và cổ. Nếu là khách mới thì các cô phải đợi khách tự yêu cầu “dịch vụ”, nghĩa là họ biết có việc bán dâm ở đây. Thực ra, đúng là có người đến cắt tóc thật, nhưng ít người đi ra với cái đầu đã được hớt gọn gàng. Khách quen thường đến đòi phục vụ tình dục ngay. Tất cả các cửa hiệu cắt tóc trên con đường này cũng như trong các quận ngoại thành khác đều hoạt động theo kiểu ấy.


Quan hệ người lao động-khách làng chơi thường kéo dài 20 phút, đấy là khi các cô không gặp phải những “ca khó”; trong những trường hợp như thế (khó), cô khác phải vào giúp; khách làng chơi vẫn chỉ trả có 3 USD. Tôi ngồi tán gẫu với các cô suốt 3 tiếng đồng hồ trước khi Phong, một khách làng chơi khoảng 45 tuổi, tới. Anh này mặc một chiếc quần màu xám, áo T-shirt cộc tay. Anh ta ngồi lên chiếc ghế da, nhưng cả anh ta lẫn ba người phụ nữ và tôi đều không nói một lời nào. Tôi thấy Thuỷ massage cổ anh ta chừng năm phút, rồi hỏi: “Anh sẵn sàng chưa?” Không trả lời, anh ta đi vào nằm lên giường, còn Thuỷ thì kéo bức màn che lại. Khi Thuỷ “làm việc” thì Yến và Thu quay sang tôi. Tôi hỏi: “Anh ta là khách hàng thường xuyên à?” Yến đáp: “Vâng, tuần nào anh ta cũng tới và chỉ đòi Thuỷ thôi. Chúng tôi rất lo vì anh ta là loại khó”. Tôi hỏi: “Khó nghĩa là thế nào?” Cô bảo: “Anh ta thuộc loại có tuổi, Thủy cảm thấy khó cho nên chúng tôi phải vào giúp. Tôi ghét lắm vì anh ta bóp rất chặt. Đôi khi rất đau, nhưng chúng tôi không dám nói hay làm gì vì anh ta trả tiền cho chúng tôi”. Hai mươi phút sau Thuỷ và khách của cô đi ra. Anh ta lấy xe mô tô và phóng đi mà không nói với ai câu nào. Sau khi khách đã đi, tôi hỏi Thuỷ: “Các vị có nói chuyện với nhau không?” Cô nhìn tôi và bảo [bằng tiếng Việt],


“Không, chẳng có gì mà nói. Họ đến và nhận được cái mà họ cần rồi đi. Chúng tôi có thể nói gì được? Có vẻ như họ chẳng quan tâm hay tôn trọng gì chúng tôi. Đôi khi ba chúng tôi nói chuyện rồi khóc với nhau vì những người như cái gã vừa nãy là những kẻ rất khó. Họ tỏ ra thô lỗ và chỉ muốn nhận cái mà họ trả tiền thôi. Nếu chúng tôi không “giải quyết được” thì họ sẽ không trả tiền cho nên đôi khi cả ba chúng tôi phải thay nhau giải quyết cho ‘nó ra’”.


Kiểu quan hệ này thường chỉ là “ăn bánh trả tiền” mà không cần mặc cả hay tình cảm gì hết. So với những người phụ nữ trong khu vực trung và cao cấp thì những người đàn bà này không cần cố gắng thiết lập quan hệ thân mật với khách làng chơi. Những người phụ nữ trong khu vực này phải là cái việc mà Hochschild (2003 [1983]) gọi là “kiểm soát hay đè nén tình cảm, tức là cố tình đè nén cái tình cảm không hay đang xuất hiện”. Những người đàn bà này phải đè nén cảm xúc coi thường khách làng chơi của họ. Khách làng chơi tới, được phục vụ và rời khỏi tiệm trong vòng 20 phút. Những người đàn bà trong khu vực này mất thì giờ chủ yếu cho công việc và gia đình, và không tìm cách chuyển sang khu vực được trả công cao hơn.


Do tính chất quan hệ giữa người lao động và khách cho nên tôi khó bắt chuyện với khách làng chơi khu vực hạ đẳng. Vì vậy mà Cường, tức là anh lái xe ôm mà tôi quen, thường bắt chuyện với những người đàn ông địa phương, anh hỏi, còn tôi thì ngồi nghe. Khi ngồi với Cường trong một quán café nhỏ ở quận Tân Bình, tôi đã gặp một người lái xe tải tên là Thực, khoảng 35 tuổi. Cường hỏi: “Anh có hay vào quán này không?” Thực đáp: “Có, tôi thường đến đây khi đi ra ngoài thành phố”. Cường hỏi: “Mấy cô ở đây thế nào?” Thực bảo:

“Mấy người ở đây đều là phụ nữ nhà quê, họ sạch sẽ nhưng không thể nói chuyện với họ được. Tôi đến, giải quyết, rồi đi. Chỉ phải trả 50 ngàn (3 USD) thôi. Còn đòi gì nữa? Họ không phải là những người đàn bà cao sang đi với bọn da trắng. Họ chỉ là những người đàn bà nông thôn nghèo túng không có việc làm mà thôi”.

Những người đàn bà này chỉ bán thân vì khách hàng của họ cũng chẳng cần gì hơn là làm tình. Đa số đàn ông đến đây là những người thất nghiệp hoặc không có tay nghề, thu nhập chừng 50 USD tháng; họ không thể đòi hỏi hơn. Quan hệ giữa người lao động-khách hàng là “mì ăn liền”, khách làng chơi làm tình với những người mà họ cảm thấy dễ chịu. Mặc dù khách làng chơi không nghĩ rằng những người phụ nữ ở đây thể hiện tình cảm với họ, nhưng thật ra, những người phụ nữ ở đây phải đè nén sự khinh bỉ đối với khách hàng của mình.



Khu trung lưu: “Cô ấy là một người khoẻ mạnh và trung thực”



Giống như đường Khao San ở gần Bangkok hay phố Petaling ở Kuala Lumpur, Phạm Ngũ Lão, quận 1 ở thành phố Hồ Chí Minh là khu du lịch “Tây ba lô”. Những khu vực này phục vụ du khách quốc tế đủ mọi thành phần, nhưng nổi tiếng vì có các dịch vụ du lịch và khách sạn rẻ tiền. Có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, khách sạn mini, hãng du hành, nhà hàng, quán café và dĩ nhiên là các quán bar chuyên phục vụ đàn ông da trắng nữa. Các phố trong khu vực này đầy những người bán hàng rong, trẻ con đường phố và phục vụ chủ yếu cho người nói tiếng Anh. Tôi tiến hành khảo sát bảy quán bar trong khu vực này. Mối quan hệ giữa người lao động và khách làng chơi có thể thấy rõ trong một quán tên là Azul, rộng khoảng một mét rưỡi, dài chừng bốn mét, quầy thu ngân ốp đá với 6 chiếc ghế cho khách ngồi và uống. Phía sau là một chiếc ghế bành hình chữ L bọc da. Ngay ngoài cửa có hai cái bàn, chủ quán thường ngồi và nói chuyện với khách ở đấy. Những người lao động tình dục làm việc ở đây đóng vai người pha rượu có lương. Trong khi họ là những người kéo khách vào quán thì họ lại chẳng được chủ trả cho đồng nào. Những người lao động tình dục dùng quán làm chỗ gặp gỡ khách làng chơi và họ tự ra giá mà không cần trung gian nào hết. Người lao động phải trả cho chủ quán 7 USD sau mỗi lần “đi” khách. Khách làng chơi phải trả từ 30 đến 70 USD, tuỳ thuộc vào yêu cầu của từng cô và khả năng mặc cả của khách. Các quán bar trong khu vực “Tây ba lô” có tốc độc lưu chuyển cao, không chỉ vì các cô ở đây thường chuyển từ quán nọ sang quán kia, hi vọng tìm được khách mới mà còn vì các quán này thường bị chính quyền bắt đóng cửa, rồi lại được mở. Tất cả các cô tôi gặp ở khu vực này đều có tuổi gần ba mươi và phần lớn là những bà mẹ đơn thân.



Tôi gặp Trâm vào tháng 6 năm 2006 và giữ liên lạc với cô cho đến tháng 8 năm 2009, sau đó cô đi Canada với ông chồng người Mĩ tên là William vì cô không được nhập cư vào Mĩ. Khi gặp Trâm lần đầu trong quán Azul, cô đã làm tôi ngạc nhiên vì đây là người sành điệu nhất trong quán. Cao khoảng 1 mét 6, cô thường mặc những bộ quần áo làm nổi bật những đường cong trên cơ thể. Cô trang điểm nhẹ nhàng và tự nhiên, tay và cổ đều có đeo vòng, hoa tai có gắn hạt xoàn. Bề nổi, Trâm có rất nhiều tiền và tất cả những người phụ nữ trong quán bar này đều ghen tị với đồ trang sức của cô. Tôi đã bắt chuyện với Trâm ngay tối đầu tiên. Cô nói là trước đây cô đã có chồng người Việt Nam, tên là Hải và có với anh này ba đứa con. Người chống cũ và ba đứa con cũng như họ hàng đều sống cách trung tâm thành phố chừng một giờ đi xe. Cách đây vài tháng bạn cô, tên Trang, giới thiệu cô cho Cô Thuỷ, chủ nhà hàng và cô bắt đầu giữ chân pha rượu từ đấy. Ban đầu Cô Thuỷ bảo là Trâm chỉ được nhận tiền “bo” của khách ngoại quốc. Tháng đầu cô được 75 USD. Chẳng bao lâu sau cô biết rằng có thể kiếm được nhiều hơn nếu cô chịu đi “với khách về nhà”. Trâm bảo tôi: “Cô Thuỷ không bao giờ ép tôi đi khách. Nhưng cô ấy bảo tôi là có thể kiếm được nhiều tiền nếu làm theo cách đó. Thế là tôi bắt đầu làm và kiếm được khoảng 75 USD mỗi lần đi khách”.


Trâm kể cho tôi nghe chuyện làm quen với một người đàn ông đến từ bang Connecticut, tên là William, ngay trong quán bar này. Ban đầu William có vẻ rất thích cô và trả giá cao (120 USD mỗi đêm). Sau hai tuần họ đã có quan hệ thân mật, họ kể cho nhau nghe chuyện đời mình và đi chơi phố với nhau suốt ngày. William rời Việt Nam để về Mĩ vào tháng 6 năm 2006, nhưng vẫn giữ quan hệ với Trâm qua chatroom và email. Anh gửi cho cô mỗi tháng 500 USD để chi tiêu và trả tiền học phí tiếng Anh. Năm tháng sau (tháng 1 năm 2007) William quay lại Việt Nam, Trâm li dị với người chống cũ và hai người kết hôn. Sau đó không lâu cô sinh một bé gái, đặt tên là Jessica và họ rời khỏi khách sạn để chuyển đến căn hộ ba buồng ở Phú Mỹ Hưng, một khu ngoại ô mới với những căn hộ và villa sang trọng dành cho giới giàu có mới. Trâm và William phải trả tiền thuê nhà là 1200 USD một tháng, tức là gấp 12 lần giá trung bình ở thành phố Hồ Chí Minh. Đấy là khu nhà ở mới nhất và đắt nhất, nằm trong quận đang được cải tạo. William và Trâm đồng ý ở lại Việt Nam cho đến khi cô được phép di cư.


Tôi hỏi Trâm tại sao cô còn làm trong ngành kĩ nghệ tình dục khi đã có đủ thứ mà đa số những người phụ khác trong lĩnh vực này ước ao: chồng ngoại quốc, tiền và cơ hội định cư ở nước ngoài. Trâm nói [bằng tiếng Việt]:


“Các cô ở đây bảo rằng tôi tham. Tôi làm ở đây vì hai lí do. Thứ nhất, tôi phải gửi tiền cho anh chồng cũ và con tôi. Tôi vẫn còn yêu anh chồng đầu tiên. Tôi phải giả vờ yêu William và chăm sóc anh ta vì anh đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Không phải là tôi không yêu William. Nhưng đây là kiểu tình yêu khác, ta phải nuôi dưỡng tình yêu đối với người đã giúp đỡ mình. Không có gì bảo đảm là William sẽ đưa được tôi ra khỏi Việt Nam được. Sứ quán nghiên cứu rất kĩ các trường hợp làm đám cưới giả. Họ có thể cho rằng đám cưới của tôi là giả vì tôi đã li dị cho nên tôi phải có kế hoạch dự phòng chứ”.


Mặc dù Trâm phải nuôi “tình yêu” với William, tình cảm của cô đã chuyển hoá từ cố gắng tạo ra tình cảm và quan tâm sang tình cảm sâu nặng đối với William. Trâm tiếp tục làm việc trong ngành kĩ nghệ tình dục ngay cả khi đã kiếm được một ông chồng ngoại quốc là vì địa vị về mặt kinh tế và xã hội của cô chưa được chắc chắn, và cô cần tiền để cung cấp cho gia đình.


Những người phụ nữ đồng cảnh ngộ với Trâm sống trong thành phố quốc tế mới nổi có thể dựa vào hoàn cảnh nghèo nàn và thuộc thế giới thứ ba của đất nước nhằm kích thích trí tưởng tượng của khách làng chơi, để họ cảm thấy như đang đóng vai những vị cứu tinh cho các cô. Sau khoảng hai tháng rưỡi làm quen với Trâm trong quán bar, quán café và mua sắm, Trâm bắt đầu nói cho tôi biết những tình tiết trong cuộc sống với William. Một buổi chiều tháng 8 năm 2007, Trâm mời tôi về nhà, tôi gặp William và con gái họ là Jessica ở đấy. Khi nói chuyện về Việt Nam, William bảo tôi:


“Chị biết đấy, người ta thường có quan niệm xấu về những người đàn ông da trắng lấy vợ Việt Nam. Nhưng tôi yêu Trâm ngay từ ngày đầu tiên tôi gặp cô ấy ở nhà hàng Azul. Không như những người đàn bà ở Mĩ, cô ấy không đòi bình đẳng. Cô ấy biết cách chăm sóc tôi. Cô ấy là người giàu tình cảm và cô ấy làm cho tôi cảm thấy mình là người được yêu. Mặc dù chúng tôi có osin, chuyên nấu ăn và giặt giũ, nhưng Trâm vẫn hướng dẫn cho cô ta cách nấu những món ăn mà tôi thích”.


Tôi hỏi anh ta: “Tại sao anh lại lấy cô ấy mà không lấy người nào đó ở Mĩ?” Anh ta đáp: “Tôi là người lái xe bus đã 20 năm nay, khó tìm người yêu lắm. Không ai muốn lấy lái xe bus hết. Sau khi mẹ mất tôi được thừa kế rất nhiều tiền và tôi quyết định đi chu du khắp thế giới. Việt Nam là nơi dừng chân cuối cùng của tôi. Tôi yêu đất nước này và yêu Trâm nữa. Tôi không nói được tiếng Việt và cô ấy nói tiếng Anh cũng không tốt lắm, nhưng chúng tôi vẫn hiểu nhau. Tôi vui vì được chăm sóc cô ấy. Khi tôi nhìn thấy cảnh cha mẹ và con cô ấy sống, tôi đã cho họ 50.000 USD (trong vòng 6 tháng) để xây lại nhà. Chúng tôi gửi cho họ mỗi tháng 200 USD để mua thức ăn và đồ dùng lặt vặt. Trâm là người mạnh khoẻ và đa tình”.


Đàn ông gặp những người như Trâm đã thấy lí do vì sao cô lại tham gia vào kĩ nghệ tình dục. Trâm và William quan tâm đến nhau, hai người kể cho nhau nghe câu chuyện của đời mình, yêu nhau (thật hay giả) và quan tâm đến nhau. William nói với tôi ước muốn được “chăm sóc” người đàn bà trung thực và mạnh mẽ như Trâm. Anh ta còn muốn cứu cô khỏi cảnh làm gái bán bar vì khác với những người đàn bà ở phương Tây, Trâm làm cho William không chỉ cảm thấy được yêu mà còn là người cần thiết và trên thực tế là nhân vật quan trọng vì anh đã chi tiền để cải tạo căn nhà của bố mẹ cô. Khác với những người lao động tình dục chuyên phục vụ cho đàn ông Việt Nam đã nói đến bên trên, khả năng nói tiếng Anh, khả năng giao tiếp với người nước ngoài và tạo cảm giác yêu đương và thông cảm của Trâm đã giúp cô thuyết phục được những người đàn ông phức tạp như William thường xuyên giúp đỡ cô. Câu chuyện về những người như William và Trâm cho thấy chiến thuật của phụ nữ trong việc sử dụng tình cảm để có thể nhận được tiền, nâng cao mức sống và có thể ra nước ngoài định cư.


Khu vực cao cấp: “Nhiều người thích cô ấy, nhưng cô ấy chỉ đi với tôi thôi”

Những người phụ nữ làm việc trong khu cao cấp của ngành kĩ nghệ tình dục ở Việt Nam không ra giá trực tiếp. Trong khu vực này, quan hệ kinh tế và tình cảm đan xen vào nhau đến mức là cả đàn ông lẫn phụ nữ đều thường cố gắng thể hiện quan hệ tình cảm mà ít nói với nhau trực tiếp về tiền (Zelizer, 2005). Người lao động tình dục trong khu vực cao cấp có gắng tạo dựng “quan hệ thân tình” và che đậy sự kiện là muốn được trả nhiều tiền hay quà tặng đắt tiền (Zelizer, 2005). Giống như những người lao động tình dục ở Thái Lan mà Aura Wilson (2004) đã khảo sát, những người phụ nữ hoạt động trong khu vực cao cấp ít khi ra giá trực tiếp. Đa số bỏ túi được nhiều hơn bằng các món quà. Các cô thường chi khá nhiều tiền cho các thẩm mĩ viện và quán bar, nhằm tạo cho khách hình ảnh của những người đi chơi giàu có. Nhưng khác với những người phụ nữ địa phương vào quán với bạn bè, những người này biết rằng họ đang làm việc. Họ lợi dụng sắc đẹp và khả năng biến tình cảm của mình thành một món hàng. Khách làng chơi quan hệ với những người lao động tình dục cao cấp trả tiền không chỉ vì nhục dục, họ trả tiền vì người đàn bà đẹp và đáng yêu, những người dành nhiều thời gian tâm sự với họ trong nhà hàng hay quán café chứ không chỉ làm tình. Tôi xin minh hoạ khu vực cao cấp bằng hai câu chuyện của một người lao động và một khách làng chơi trong ngành công nghệ tình dục Việt Nam như sau.


Tôi làm quen với Thanh, một Việt kiều, cũng là chuyên viên máy tính ở Paris về Việt Nam thăm gia đình, sống cùng khách sạn với tôi. Một tối Thanh cho tôi đi theo anh ta. Sau khi vào quán Whisper, một quán bar nằm ngay trung tâm quân 1, Thanh nói với tôi [bằng tiếng Anh]: “Tất cả [các cô ở đây] đều làm, chị phải trả giá đúng”. Khi tôi đề nghị giải thích thì anh ta nói: “Đấy là món đồ uống mà chị sẽ mua. Tôi nghĩ, thường thì mua một chai Remy [chai Cognac giá khoảng 100 dollars] và sau đó mời các cô đến nói chuyện”. Đêm đó Thanh gặp hai người, Châu và Hoài, cả hai đều mặc quần áo cộc và đi giày cao gót. Châu 23 tuổi, còn Hoài 24. Khi Thanh giới thiệu, chúng tôi cùng mỉm cười và không nói chuyện được nhiều vì nhạc trong quán mở to quá. Thanh thích Hoài và họ bắt đầu ve vãn nhau. Cuối buổi Thanh và Hoài cho nhau số điện thoại và họ đi vào khách sạn, vào quán café, quán bar với nhau suốt hai tuần liền. Trước hôm Thanh trở về Paris tôi đã mời anh ta đi uống café và làm một cuộc phỏng vấn không chính thức. Câu đầu tiên Thanh nói với tôi bao trùm việc buôn bán sắc đẹp của đàn bà và ước muốn của đàn ông [bằng tiếng Anh]:


“Chị biết đấy, tôi chỉ ở đây có hai tuần thôi và có một người đẹp đi chơi cùng thì còn gì thú bằng. Nghĩa là, chị biết đấy, tôi là thanh niên Việt Nam, tôi mua cho cô ta đồ trang sức, quần áo và cho cô ta tiền tiêu trong thời gian chúng tôi bên nhau. Thanh niên da trắng kiệt sỉ lắm. Họ đếm từng xu, trong khi người Việt Nam chúng ta phóng khoáng hơn. Tôi là người tốt, chị biết đấy, tôi cho cô ấy tiền và mua cho cô ấy tặng phẩm. Tôi quan tâm đến cô ấy. Tôi có thể tiêu nhiều tiền trong hai tuần cũng không sao. Đây là kì nghỉ của tôi”.


Khi tôi hỏi Thanh trong hai tuần qua anh ta đã chi cho Hoài bao nhiêu, thì anh ta bảo: “Tôi không biết. Tôi mua cho cô ấy rất nhiều đồ, thỉnh thoảng tôi lại đưa cho cô ấy hai trăm… có thể sáu bảy trăm dollars”. Khi tôi nói về quan niệm của anh ta về những người làm việc trong lĩnh vực tình dục ở Việt Nam và tỉ giá ngoại tệ, Thanh giải thích: [bằng tiếng Anh]:


“Những cô gái này cao giá vì họ trẻ, xinh xắn, và những anh chàng khác cũng muốn. Chị biết đấy, họ khéo léo và biết nói tiếng Anh. Họ biết cách nói chuyện với đàn ông… Tôi biết nếu tôi đưa ít thì cô ấy sẽ đi với người khác. Tôi không muốn những cô xấu xí đang nói chuyện với mấy tay da trắng mà chị nhìn thấy kia.”


Việt kiều, tương tự như Thanh, đến Việt Nam để thụ hưởng không chỉ tình dục. Những người đàn ông này mua dịch vụ của những người lao động tình dục trong khu vực cao cấp, tức là mua dịch vụ của những cô gái trẻ, đẹp, phong lưu và có nhiều người thích, và quan trọng hơn là làm cho họ cảm thấy là mình cũng được người khác thích. Những người phụ nữ này còn tạo điều kiện cho đàn ông thể hiện sức mạnh của đồng tiền của mình bằng cách tạo ra cách sống sang trọng. Những người lao động tình dục trong khu vực cao cấp dùng tình cảm để tạo ra cảm giác thèm muốn và cảm giác về quyền lực của khách bằng cách giúp những người đàn ông đó thể hiện nam tính của mình ở những nơi công cộng (Allison, 1994). Cái ham muốn đó hiện diện không chỉ trong khả năng thanh toán của Thanh mà còn nằm trong khả năng thể hiện tình cảm của Hoài khi cô cùng với Thanh vào quán café, khách sạn hay quán bar (Constable, 2003). Trong khu vực cao cấp, quà tặng là thứ bắt buộc phải có để trao đổi. Thông qua những món quà tặng đắt tiền, cả người lao động lẫn khách làng chơi đều thể hiện mình là những người sành điệu hơn những người đàn ông và đàn bà trong khu vực trung và hạ cấp, tức là những người sử dụng quan hệ tình-tiền theo kiểu “tiền trao cháo múc” (Peiss, 1986).


Nhiều người lao động trong khu vực này có khả năng và cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc cung cấp cái mà Hochschild gọi là “tình cảm sâu nặng” (deep acting). Một trong những người như thế là Kim Lý, một người bạn trai đã giới thiệu tôi với cô vào tháng 8 năm 2006. Cũng như những người mà tôi ngờ rằng đang làm trong lĩnh vực tình dục khác, tôi phải chờ cho đến khi khá thân với Kim Lý mới dám hỏi thẳng và trực tiếp về công việc của cô. Giống như một số người phụ nữ làm việc trong khu vực cao cấp, Kim Lý xuất thân từ một gia đình khá giả. Cha mẹ cô có một cửa hàng bán đồ mĩ phẩm sản xuất tại Nhật và Hàn Quốc ở quận 1. Kim Lý thường mời tôi đi uống café, vào mĩ viện và quán bar, cho thấy khả năng kinh tế và xã hội tạo điều kiện cho cô sự tự tin và có những cầu nối để gia nhập những quán bar cao cấp, nơi cô có thể gặp gỡ những người đàn ông Việt kiều khác nhau. Trong thời gian gặp gỡ tôi, Kim Lý đang hẹ hò với hai Việt kiều Mĩ; một người từ San Jose, California còn người kia thì từ Pittsburgh, Pennsylvania tới. Mới 21 tuổi, những đêm cuối tuần Kim Lý thường đến các quán bar cao cấp trong những khách sạn 5 sao hay những địa điểm như Whisper. Khả năng kinh tế và xã hội của Kim Lý giúp cô che giấu vai trò của mình (người lao động tình dục) đối với đa số đàn ông trong khi kín đáo thể hiện nó với một số người khác.


Một tối (tháng 6 năm 2007) Kim Lý và tôi tới Whisper. Đêm đó tôi mới biết rằng so với những người phụ nữ trong các khu vực khác, những người hành nghề trong khu vực cao cấp thường bỏ rơi những khách làng chơi mà họ thấy là không hợp, như Kim Lý đã làm hôm đó. Bỏ rơi đàn ông thường làm cho cô có nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là Việt kiều, những người mà cô có thể lựa chọn. Hơn nữa, nó còn đưa đến cho cô những người thích cô để cô lựa chọn. Cô nói với tôi [bằng tiếng Anh]:


“Phải biết cách nói chuyện với đàn ông Việt kiều. Không được nói ngay là tôi sẽ ngủ với anh, còn anh sẽ trả tiền cho tôi. Nếu muốn được nhiều tiền hơn thì phải kiên nhẫn và biết cách nói chuyện với họ”.

Khi tôi đề nghị giải thích thì cô bảo [bằng tiếng Việt]:

“Chị biết đấy, nhiều cô gái cảm thấy ngượng khi đòi tiền ngay. Nhưng đấy là những con ngốc. Như em thì em sẽ nói: ‘Anh yêu ơi, phải tiết kiệm mới được. Ăn ở chỗ nào rẻ rẻ thôi’. Lúc đó họ sẽ nghĩ là em quan tâm tới họ và họ sẽ cho tiền. Không cần phải đòi. Chị hiểu không? Việt kiều thường hào phóng. Em phải tỏ ra quan tâm tới họ bằng những việc nhỏ nhặt thôi và họ thường cho em những món đồ đẹp như thế này (vừa nói cô vừa chỉ vào cái vòng bằng vàng trắng trên cổ tay”.


Trong những trường hợp như vậy, những người đàn bà như Kim Lý thể hiện tình cảm bằng cách giả vờ quan tâm tới túi tiền của khách. Tương tự như các cô trong công trình nghiên cứu của Amy Flowers về trí tưởng tượng bằng công nghệ tình dục qua điện thoại, Kim Lý thường nói dối, đóng kịch với khách, kể chuyện nhằm kiếm được những món quà tặng đắt tiền (Flowers, 1998). Những người phụ nữ này dành nhiều thời gian và công sức nhằm lèo lái và trình diễn tình cảm với khách hơn là làm tình “theo lối mì ăn liền”. Nhằm khẳng định mình là những người phụ nữ trẻ, đáng ước ao, họ thường làm cho khách tin rằng họ không cần đàn ông, mà là những người phụ nữ có quyền lựa chọn, những người yêu và thích đi chơi với những người đó.


Khi tôi hỏi cách thức cô quyết định sẽ ngủ với người nào, nếu khi mới gặp cô không thể hiện cho họ biết rằng mình là người làm trong lĩnh vực tình dục, thì cô giải thích:


“Em không ngủ ngay. Em phải nói chuyện với họ trong quán café, rồi đi nhà hàng nữa. Em chỉ ngủ sau khi đã nhận được tiền hoặc quà. Phải bắt họ làm, không thì họ sẽ chẳng coi mình ra gì. Nếu em nghĩ rằng đấy là người kiệt xỉ thì em sẽ không nhấc máy mỗi khi họ gọi nữa”.


Điều này cho thấy thời gian đóng vai trò như thế nào trong quan hệ ở khu vực cao cấp. Những người phụ nữ này mất nhiều ngày thậm chí nhiều tuần với khách nhằm tạo ra quan niệm về sự sang trọng trong khi chờ đợi được trả bằng tiền hay quà cáp trước khi đồng ý ngủ với khách. Những người như Kim Lý, tức là những người đóng vai khách hàng giàu có trong các quán bar và câu lạc bộ đắt tiền ở thành phố Hồ Chí Minh, phải chi cho riêng khoản uống đã là khoảng từ 15 đến 100 USD một đêm. Khác với những người phục vụ khách làng chơi địa phương và người da trắng, những người làm trong khu vực cao cấp hoạt động độc lập và không bao giờ thể hiện công khai là những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ tình dục. Bằng cách thanh toán bằng quà tặng, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều che giấu được hình ảnh của họ. Đây là cách làm hiệu quả vì những Việt kiều như Thanh thích đi quán, đi nhà hàng với những người phụ nữ đẹp, những người tạo cho họ cảm giác là được người khác quan tâm.


Kết luận

Có sự khác nhau trong quan hệ giữa khách hàng với người lao động trong ba khu vực khác nhau trong lĩnh vực kĩ nghệ tình dục ở thành phố Hồ Chí Minh, phụ thuộc vào địa điểm làm việc, kiểu khách hàng, cách thức quan tâm, thời gian, sự gắn bó về kinh tế và tình cảm, cách thức phụ nữ chiêu dụ đàn ông, và kiểu quan hệ của phụ nữ với khách hàng của họ. Phụ nữ làm việc trong khu vực hạ cấp phải bán dâm để sống tại những địa điểm tồi tàn nhằm thoát nghèo, trong khi những người hoạt động trong khu cao cấp xuất thân từ những gia đình khá giả và có nguồn lực kinh tế cũng như quan hệ xã hội bảo đảm cho họ thâm nhập vào trong và xung quanh những khu đắt tiền nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Là những người bán dâm, phụ nữ dựa và tham gia vào những hình thức thể hiện hoặc đè nén tình cảm. Người lao động tình dục trong khu trung cấp làm cho “Tây ba lô” cảm thấy mình là những người có quyền lực và cần thiết vì có tiền chăm sóc cho những người đàn bà nghèo thuộc thế giới thứ ba; trong khi những người lao động tình dục trong khu cao cấp làm cho Việt kiều cảm thấy là được người phụ nữ của mình thích và yêu; còn những khách làng chơi trong khu vực hạ cấp quan hệ với những người phụ nữ xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ như họ. Công trình này khảo sát bản chất của mối quan hệ giữa khách làng chơi và người lao động, từ đáy cho đến đỉnh của thị trường, và thấy rằng ở dưới đáy có nhiều tình dục và nhiều đè nén tình cảm hơn, trong khi những người phụ nữ được trả giá cao nhất lại cần ít tình dục nhưng phải thể hiện nhiều tình cảm hơn. Các nữ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực tình dục, những người có thể biến tình cảm của mình thành một loại hàng hoá và đem bán và tạo được quan hệ thân mật với khách làng chơi đàn ông có thể được giá cao hơn, trong khi những phụ nữ hành nghề mại dâm “tiền trao cháo múc” thường phải đè nén cảm giác kinh tởm của mình. Tình cảm thể hiện trong những mối quan hệ này cho thấy những điều kiện tạo ra những lựa chọn cho cả đàn ông lẫn phụ nữ. Qua khảo sát khía cạnh văn hoá của tình cảm thể hiện, tiểu luận này cho thấy cung cách mà những người lao động trong lĩnh vực tình dục thể hiện với đàn ông Việt Nam, với “Tây ba lô” và Việt kiều và bằng cách đó, minh hoạ cho sự phức tạp của kĩ nghệ tình dục ở thành phố Hồ Chí Minh. Giá trị của tiểu luận này không phải chỉ là nó cho chúng ta thấy kĩ nghệ tình dục ở thành phố Hồ Chí Minh hoạt động như thế nào mà còn giúp cho ta hiểu sâu thêm về cách thức đè nén cũng như thể hiện tình cảm của những người lao động tình dục nhằm tạo ra cảm giác thoải mái, mơ mộng và ước muốn. Cách thức thể hiện này thay đổi đối với cả đàn ông lẫn phụ nữ, tuỳ thuộc vào địa vị kinh tế cũng như xã hội của họ.


Tri ân: Tôi xin cảm ơn Barrie Thorne, Raka Ray, Irene Bloemraad, Michael Burawoy, Hung Cam Thai, Peter Zinoman, Becki Ross and Paul Spickard, những người đã giúp đỡ tôi bằng những nhận xét và đưa ra nhiều câu hỏi trong khi tôi viết bài báo này. Tôi cũng xin cám ơn Suowei Xiao, Julia Chuang and Leslie Wang, những người đã giúp tôi xem xét các số liệu và khung lý thuyết cho bài báo này. Tôi xin cám ơn Rhacel Parrenas, Stephanie Gilmore and Eileen Boris, những người đã tổ chức hội thảo tại UC Santa Barbara nơi bản nháp của bài báo này được viết. Cuối cùng tôi xin được cám ơn Jessica Cobb, người đã giúp tôi hoàn thiện những ý tưởng trong bài báo này.

Tài liệu tham khảo

Allison, Anne (1994) Nightwork: Sexuality, Pleasure, and Corporate Masculinity in a Tokyo Hostess Club. Chicago, IL: The University of Chicago Press.
Bales, Kevin (2004) Disposable People: New Slavery in the Global Economy. Los Angeles: University of California Press.
Bernstein, Elizabeth (1999) ‘What’s Wrong with Prostitution? What’s Right with Sex Work? Comparing Markets in Female Sexual Labor’, HastingsWomen’s Law Journal 10(1): 91–117.
Bernstein, Elizabeth (2007) Temporarily Yours: Intimacy, Authenticity, and the Commerce of Sex. Chicago, IL: University of Chicago Press.
Brennan, Denise (2004) What’s Love Got to do with it? Transnational Desires and Sex Tourism in the Dominican Republic. Durham, NC: Duke University Press.
Cabezas, Amalia (2004) ‘Between Love and Money: Sex, Tourism, and Citizenship in Cuba and the Dominican Republic’, Signs 29(4): 987–1015.
CATW (2005) ‘Trafficking and Prostitution in Asia and the Pacific’, Coalition Against Trafficking In Women, URL (accessed January 2010):http://www.catw-ap.org/programs/research-documentation-publications/facts-and-statistics/
Constable, Nicole (2003) Romance on a Global Stage: Pen Pals, VirtualEthnography, and ‘Mail-Order’ Marriages. Berkeley: University of California Press.
Dunn, Caroline (1994) ‘The Politics of Prostitution in Thailand and the Philippines: Policies and Practice’, unpublished Working Paper 86, Centre of Southeast Asian Studies, Monash University, Australia.
Enloe, Cynthia (1990) Bananas, Beaches, and Bases: Making Feminist Sense of International Politics. Berkeley: University of California Press.
Flowers, Amy (1998) The Fantasy Factory: An Insider’s View of the Phone Sex Industry. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.
Greider, William (1997) One World, Ready or Not: The Manic Logic of GlobalCapitalism. New York: Simon and Schuster.
Guenel, Annick (1997) ‘Sexually Transmitted Diseases in Vietnam and Cambodia since the French Colonial Period’, in Milton Lewis, Scott Bamber and Michael Waugh (eds) Sex, Disease, and Society, pp. 139–53. Westport: Greenwood Press.
Hochschild, Arlie (2003 [1983]) The Managed Heart: Commercialization ofHuman Feeling. Berkeley: University of California Press.
Hoogvelt, Ankie (1997) Globalization and the Postcolonial World: The NewPolitical Economy of Development. Basingstoke: Macmillan.
Jamieson, Niel (1995) Understanding Vietnam. Berkeley: University of California Press.
Kempadoo, Kamala (2004) Sexing the Caribbean. New York: Routledge.
Lim, Lin L (1998) The Sex Sector: The Economic and Social Bases of Prostitution in Southeast Asia. Geneva: International Labour Office.
Nguyen-Vo, Thu-Huong (2008) The Ironies of Freedom: Sex, Culture, andNeoliberal Governance in Vietnam. Seattle: University of Washington Press.
O’Connell Davidson, Julia (1998) Prostitution, Power and Freedom. Ann Arbor: The University of Michigan Press.
Peiss, Kathy (1986) Cheap Amusements: Working Women and Leisure in theTurn-Of-The-Century New York. New York: Temple University Press.
Pham, Chi Do (2003) The Vietnamese Economy: Awakening the DormantDragon. New York: Routledge.
Proschan, Frank (2002) ‘Syphilis, Opiomania, and Pederasty: Colonial Constructions of Vietnamese (and French) Social Diseases’, Journal of theHistory of Sexuality 11(4): 610–36.
Rodriguez, Marie-Corinne (2008) ‘Insights into Prostitution in Vietnam During the Colonial Days from the Late 19th Century to the Early 1930s’, unpublished paper, University of Provence, Aix-en Provence, France.
Sassen, Saskia (1998) Globalization and its Discontents: Essays on the NewMobility of People and Money. New York: The New Press.
Sassen, Saskia (2001) The Global City: New York, London, Tokyo. Princeton, NJ: Princeton University Press.
Smith, Michael Peter and Guarnizo, Luis Eduardo (1998) Transnationalismfrom Below. New Brunswick, NJ: Transaction Publishers.
Stoler, Ann (1991) ‘Carnal Knowledge and Imperial Power: Feminist Representations of Women in Non-Western Societies’, in Micaela Di Lenardo (ed.) Gender at the Crossroads of Knowledge: Feminist Anthropology in thePostmodern Era, pp. 51–101. Berkeley: University of California Press.
Stoler, Ann (1992) ‘Sexual Affronts and Racial Frontiers: European Identities and the Cultural Politics of Exclusion in Colonial Southeast Asia’,Comparative Studies in Society and History 34(3): 514–51.
Sun, Sue (2004) ‘Where the Girls Are: The Management of Venereal Disease by United States Military Forces in Vietnam’, Literature and Medicine 23(1): 66–87.
Turley, William and Selden, Mark (1993) Reinventing Vietnamese Socialism: Doi Moi in Comparative Perspective. Boulder, CO: Westview Press.
Wilson, Ara (2004) The Intimate Economies of Bangkok: Tomboys, Tycoons, and Avon Ladies in the Global City. Los Angeles: University of California Press.
Wonders, Nancy and Michalowski, Raymond (2001) ‘Bodies, Borders and Sex Tourism in a Globalized World: A Tale of Two Cities – Amsterdam and Havana’, Social Problems 48(4): 545–71.
Xiao, Suowei (2009) ‘China’s New Concubines? The Contemporary Second-Wife Phenomenon’, unpublished PhD thesis, University of California Berkeley.
Zelizer, Viviana (2005) The Purchase of Intimacy. Princeton, NJ: Princeton University Press.
Tác giả: Kimberly Kay Hoang nhận bằng MA về xã hội học ở trường Stanford Universityvà hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở khoa xã hội học tại University of California, Berkeley. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của chị là giới tính, nhập cư, toàn cầu hoá và kĩ nghệ tình dục ở Việt Nam.

VỪA LÀ TÌNH CẢM, VỪA LÀ CẦU LỢI

Vương Trí Nhàn
Có phải cách biểu hiện tình cảm của người mình nhiều khi quá ồn và mang nặng chất diễn, tức thích ngả sang khoe mẽ phô phang? Liệu bao giờ chúng ta mới tìm ra được cái hình thức hợp lý cho những nghi lễ cần thiết? Nhiều lần ý nghĩ ấy đã đến với tôi, nhất là trong những dịp vui, chẳng hạn một đám cưới hỏi, một lễ hội, và cả trong những ngày tết cổ truyền. Hôm nay đây nó lại đến với tôi nhân không khí xã hội vào đêm trước của ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt Nam như vẫn được gọi một cách trang trọng. Một mặt, tôi thấy việc này là cần thiết và mong mỏi có cách gì đó thực hiện một nhu cầu tình cảm chân thành nơi mình; mặt khác, lúng túng vì chẳng biết cách sao để bộc lộ. Nhìn ra chung quanh, cũng thấy một tình trạng bất lực tương tự. Trong phần lớn trường hợp, tình cảm được biểu hiện một cách vụng về. Người này lặp lại người kia, năm nay nói những chuyện y như năm ngoái. Cười cười nói nói đấy mà không tạo được cảm giác thiêng liêng như nó phải có. Lời nói của con người lúc này trở nên nhàm chán, nó đã bị tha hóa ngay ở cái chỗ nó phải tự nhiên và tươi mới hơn ở đâu hết. Người ta, tức là cả học sinh và thầy giáo, chỉ làm cái việc hình như ai ở vào hoàn cảnh ấy cũng làm, chúc tụng nhau, cám ơn nhau, hứa hẹn với nhau, ngoài ra các trò thường không quên có thêm ít quà, quà sẽ to nhỏ tùy tâm tùy sức, mà cũng tùy theo cái yêu cầu họ muốn gửi gấm và chờ đợi nơi thầy - điều sau cùng này tuy không nói ra song ai cũng hiểu.
Ngày hội này đang có quy mô ngày càng lan rộng, nhất là ở các thành thị. Đường sá tấp nập hơn những ngày thường. Trước khi nối nhau xuôi ngược, học trò chen chúc ở các cửa hàng. Giá hoa ở những người đạp xe bán rong tăng vọt hẳn lên, để rồi mấy hôm sau, đống rác nào bên đường cũng to hơn ngày thường vì những bó hoa vứt sớm.
Người có lỗi trước tiên phải kể là chính chúng ta, tức là các bậc cha mẹ học sinh, cái bên chủ động trong cái lễ hội tự phát này. Rằng tình cảm không thể là lời nói suông. Rằng mỗi người phải góp phần xã hội hóa giáo dục. Rằng lương của các thầy các cô, cũng như lương của mỗi chúng ta, vốn đã quá thấp... Ta viện ra đủ thứ lý do để biện hộ như vậy. Song đằng sau cái việc mà bảo là làm vì các thầy, thật ra ta đang làm vì chính bản thân.
Nhiều người tha thiết giục con đi đến thăm thầy bởi chỉ sợ thầy quên con mình. Không muốn để ai biết, nhưng trong thâm tâm, họ sẵn sàng tìm cách lấy lòng thầy một cách thiết thực, như khi đi cúng bái, họ đã toan hối lộ thần thánh. Tức là, cái tư duy thực dụng - một lối thực dụng sát mặt đất mà người ta thường tưởng lầm là đặc trưng của thời buổi kinh tế thị trường - đã sớm có mặt.
Thế nhưng các thầy hoàn toàn vô can chăng?
Trong khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, tôi tìm được một đoạn trong cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (sách viết năm 1915).
Sau khi bảo rằng "người ta sinh ra ở đời,... có thầy dạy mới khôn biết việc này việc nọ, cho nên học trò ở với thầy cũng như con ở với cha mẹ, ấy cũng là một luân thường của Á Đông ta", tác giả than phiền: "Song cũng vì tục trọng sư đạo ấy mà sinh ra mấy thói dở. Kìa như các bực đáng mặt mô phạm, có công dạy dỗ có ân đức giáo hóa nhuần thấm đến người thì người ta không nên quên đã đành. Còn như mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng nhà quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ để hộ khẩu (có thể hiểu là để kiếm ăn - VTN chú) cho qua ngày, vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo. Động một tí thì bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi thầy có việc mừng vui, nào khi thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là cái mọt của thiên hạ".
Cái hiện tượng Phan Kế Bính miêu tả thuộc loại những bi kịch của một xã hội dựa trên kinh tế tiểu nông - khi chưa tìm ra được cách thanh toán công xá với nhau, người ta phải nghĩ ra nhiều thứ gọi là lễ để thay thế. Và cái bi kịch ấy vẫn còn, khi điều kiện kinh tế đẻ ra nó vẫn còn! Vào những ngày này, nhiều thầy cô giáo, ở chỗ riêng tư, vẫn bảo rằng nhận quà và nghe những lời chúc mà chẳng thấy thú vị gì cả. Song bất chấp những phản ứng lẻ tẻ, guồng máy vẫn quay, và đứng ở ngoài mà nhìn, thì thấy thầy trò ai vẫn ở đúng vị trí người đó.

Gia đình Việt khó níu giữ văn hóa dân tộc khi có yếu tố ngoại




Một buổi sáng, tỉnh giấc ông bố Việt (sống tại Australia) nhận được hai tin nhắn của con gái đang học trung học viết bằng tiếng Anh: “Hôm nay là sinh nhật con, con mời 15 bạn đến dự” và “7h tối, xin bố mẹ hãy ra khỏi nhà”.


"Liệu bạn có thể chịu đựng nổi một đứa con như vậy không?", người cha đang làm đại diện cho một công ty Việt Nam tại Sidney (Australia) bất bình và cảm thấy thất vọng với đứa con vì đã đuổi bố mẹ ra khỏi nhà để tổ chức sinh nhật. Anh đưa gia đình sang đây sống và làm việc từ khi con gái mới vài ba tuổi, cháu được hưởng toàn bộ nền giáo dục của nước sở tại. Vì bận công việc nên anh chị không có nhiều thời gian dạy dỗ con, phó mặc sự giáo dục cho nhà trường.


Ngược lại với gia đình anh, những đứa con của một người phụ nữ Huế dù sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ nhưng sau nhiều năm vẫn nói tiếng Việt bằng giọng Huế chuẩn, như giọng của mẹ. Thậm chí nếu không biết rõ tường tận gia đình họ và chỉ nghe họ nói chuyện, nhiều người có thể nhầm tưởng họ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Việt Nam.

Đó là hai trong nhiều trường hợp mà nhà hoạt động văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh, cựu đại sứ Việt Nam cạnh EU và vương quốc Bỉ, từng gặp và kể lại trong buổi giao lưu “Hồn Việt trong thế kỷ 21” với Câu lạc bộ FLI tại TP HCM vừa qua. Điều này cho thấy việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc khi sống ở nước ngoài phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của gia đình.

Cả gia đình sang Pháp từ khi bà Ninh mới 3 tuổi, nhưng bà nhận thấy cuộc sống của gia đình vẫn mang đậm chất Huế, thanh đạm, mọi người đều có trách nhiệm với nhau. Không bao giờ cha mẹ cần nhắc con làm việc này hay việc kia, nhắc con phải giữ truyền thống Việt vì cách nuôi dạy con hàng ngày của cha mẹ đã khiến con cảm nhận được những giá trị Việt trong con người mình. Bà cho rằng một khi cha mẹ đã phải nhắc nhở con thì việc giữ gìn văn hóa dân tộc đã mất đi tính thực tế.

Theo bà Ninh, ở nước ngoài, việc giữ gìn tiếng Việt chính là cách giữ hồn Việt rõ nhất và cũng khó nhất. Nếu không nỗ lực, để những bận bịu lo toan của cuộc sống hàng ngày cuốn đi thì tiếng Việt rất dễ bị mai một.

Qua quan sát của bà, những người Việt khi đã trưởng thành mới ra nước ngoài thường rất có ý thức mình là người Việt Nam, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, nói tiếng Việt, lập bàn thờ tổ tiên, thậm chí tổ chức đám cưới cho con cái mang đậm nét truyền thống còn hơn cả những người ở trong nước. Họ cũng thích tập hợp nhau lại, cùng nấu ăn, hát hò và củng cố tính cách Việt.

Với thế hệ những đứa con được sinh ra ở xứ người, sợi dây gắn bó với đất nước đã lỏng dần, và việc thế hệ F1 này có còn nhiều chất Việt hay không phụ thuộc phần lớn vào cách giáo dục trong gia đình.


Đám cưới của một người Việt tại Mỹ. Ảnh: Jessica Claire


Bên cạnh đó, thì ngay tại trong nước, làn sóng hội nhập tác động vào Việt Nam rất mạnh mẽ. Theo bà, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước cởi mở trong giao lưu với phương Tây nhất. Khả năng thích nghi của người Việt rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước có thị trường thông tin kỹ thuật số phát triển rất mạnh, nối mạng Internet mạnh mẽ nhất. Không nhiều quốc gia trên thế giới người dân dễ dàng tìm thấy những dịch vụ wifi công cộng dễ dàng như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, mặt trái của hội nhập là chúng ta du nhập văn hóa phương Tây thiếu chọn lọc. Một vài ví dụ rất nhỏ như chị em chạy theo xu hướng ăn mặc thiếu vải, xa lạ với văn hóa phương Đông truyền thống, hay việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt pha tiếng Anh không cần thiết. Bà từng gặp hai mẹ con người Việt, vào một quán ăn của người Việt, trên chính mảnh đất Việt Nam và nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Rồi những nghệ danh ghép nửa Anh nửa Việt… là những xu hướng văn hóa tuy không chết người nhưng rất vô duyên.

Kim Anh

Bộ Mặt Thật Của Các Nhà “Dân Chủ”




Một số phần tử cơ hội, bất mãn cá nhân, thành phần “trở cờ” trong đó có cả những người nhẹ dạ ở trong nước và tổ chức cực đoan nước ngoài đang lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá Đảng, Nhà nước CHXHCNVN. Chiêu bài đó được một số tổ chức không có thiện chí với Việt Nam, các cơ quan truyền thông việt ngữ ở nước ngoài bơm, thổi phụ họa. Đây là việc làm sai trái cần đấu tranh, phê phán và vạch mặt kịp thời để mọi người thấy được bộ mặt thật của họ, nhằm góp phần bảo vệ sự ổn định của Đất nước xây dựng Tổ quốc dân chủ và phồn vinh.



Internet- Tốc độ phát triển “thần kỳ” ở Việt Nam

Gần đây, một số người đã có những bài viết có nội dung xuyên tạc, kích động, thóa mạ những thành tựu mà toàn thể dân tộc Việt Nam đã đạt được kể từ khi công cuộc đổi mới được tiến hành. Vậy họ là ai? Đó là một số người có quan điểm chính trị cơ hội một cách rõ ràng, có hiểu biết, có một thời gian nắm một số vị trí trong hệ thống chính trị, họ có tham vọng chính trị lớn, trong đó có cả những người có chức sắc tôn giáo, một số người bất mãn, một số người có nhận thức mơ hồ, không phân biệt được phải trái, đúng sai, bị kích động, lôi kéo, ngày càng lún sâu vào con đường lầm lạc.Thông qua Internet, các blogger, họ đã cấu kết với nhau phát tán trên các mạng truyền thông việt ngữ ở nước ngoài như VOA- RFA-RFI- BBC, tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, vu cáo, bôi đen chế độ ở Việt Nam.

Nhìn vào các bài viết của họ ta có thể thấy rằng ,nói chung, mục tiêu chủ yếu của họ vẫn là những hoạt động nhằm phủ định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tấn công trực diện vào Cương lĩnh, đường lối đổi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng CSVN đang lãnh đạo toàn diện. Họ tìm mọi cách bóp méo, suy diễn, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam bất chấp lẽ phải,cường điệu hóa một vài vụ việc liên quan đến pháp luật từ đó họ hồ đồ kết luận là: đó là “Bản chất” của chế độ. Không những thế họ còn mạnh miệng bôi nhọ quá khứ cách mạng một cách vô liêm xỉ, chà đạp lên giá trị truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc làm tổn thương đến tình cảm thiêng liêng mà Đảng và nhân dân Việt Nam dành cho các anh hùng liệt sĩ đã vì nước hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Họ đưa ra những câu hỏi lấp lửng như “có cần thiết hay không khi Đảng phát động toàn dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ”? hay “Nếu không có Đảng CSVN thì dân tộc này đã ở một vị thế khác…” !?..vv… xuyên tạc lịch sử, hòng chia rẽ Đảng với Nhà nước; cô lập, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, kích động một số thành phần mà họ cho là “Nhạy cảm” dễ thâm nhập nhất đó là: trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, kích động một số người từng tham gia hoạt động cách mạng trước đây có tâm trạng bất mãn vì trước khi còn đang làm việc đã có một số vấn đề mà không được “Thỏa mãn” cái “tôi” của họ nay đã hạ cánh thì “Trở cờ” hòng thực hiện ý đồ “trong biến thì phất cờ”. Họ nhắm vào điểm cốt yếu đó là: chia rẽ tôn giáo, dân tộc, chia rẽ các vùng, miền trên đất nước với âm mưu thâm hiểm hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hướng tới mục đích cuối cùng là làm suy yếu Đảng, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, thực hiện đa nguyên, đa đảng, lập các đảng phái nhằm đưa đất nước đi theo con đường khác mà theo lý luận của họ là sẽ “Dân chủ hơn, sáng sủa hơn” !? Gần đây nhất, họ tìm mọi cách phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân, dân tộc ta qua gần 30 năm đổi mới, xuyên tạc, bóp méo, bôi đen bức tranh xã hội, hòng gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Họ đặt ra những điều kỳ quặc như: “Có bao giờ nhân dân Việt Nam lại sống trong cảnh tủi nhục, đau thương như hiện nay không?”. “Có bao giờ dân tộc Việt Nam lại bị chia rẽ, nghi kỵ nhau, hận thù nhau sau những năm tháng cai trị của một chế độ như bây giờ không”? Từ đó, họ đưa ra những điều xuyên tạc, vu cáo trắng trợn: “Hơn nửa thế kỷ áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên đất nước ta, Đảng Cộng sản đã thực hiện chính sách cai trị bằng thủ đoạn và bạo lực. Nhân dân chỉ được phép cúi đầu sợ hãi và sống trong mòn mỏi, tuyệt vọng”. Họ nhắm mắt nói bừa rằng, tất cả những quyền thiêng liêng của dân tộc được nói trong “Tuyên ngôn độc lập” “đều bị chà đạp thô bạo ngay sau đó, khi mà chính quyền cộng sản được dựng lên!”

Họ đã lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để nhen nhóm tổ chức ra những đảng phái; thảo ra những “điều lệ”, “tuyên ngôn”, “cương lĩnh” và đề ra những hình thức, phương pháp hoạt động, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống phá Nhà nước, chế độ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó chính là bộ mặt thật của cái gọi là “những tổ chức đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam” và đó cũng chính là những hành động vi phạm pháp luật. Việc xét xử nghiêm minh những người vi phạm pháp luật là việc làm bình thường, theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế. Một số thế lực ở nước ngoài tìm cách tiếp tay, kích động những phần tử chống phá Nhà nước và chế độ. Khi các phần tử này bị xử lý theo pháp luật thì họ kêu la, hò hét rằng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo, đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đó là sự xuyên tạc thô bạo, đổi trắng thay đen nhằm che giấu những âm mưu đen tối của họ.

Để đạt mục tiêu đó, họ thực hiện sự kết hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nước, nhưng hướng chính là khơi dậy từ bên trong, tiến tới xây dựng lực lượng chống đối từ trong nước, tạo dựng “Ngọn cờ”, nhân vật “Nòng cốt”, chờ thời cơ để thành lập các tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản. Phụ họa theo các nhà “Dân chủ, nhân quyền” có các tổ chức gọi là “Theo dõi nhân quyền” thường sản xuất ra những cái gọi là: “Nghị quyết”, “Báo cáo” về tình hình tự do, nhân quyền trên thế giới trong đó có Việt Nam, họ đòi áp đặt cho Việt Nam những khái niệm về “Tự do, dân chủ” theo kiểu của họ, bất chấp tính đặc thù của quốc gia đó. Mỗi dịp như vậy các nhà “Dân chủ” trong nước được dịp thể hiện cái gọi là “Bức xúc” trước “Thảm trạng” về tự do, dân chủ, nhân quyền trong nước. Một loạt các đối tượng đưa ra xét xử như: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê công Định, Lê Thăng Long, Cù Huy Hà Vũ, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Tạ Phong Trần, Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Nguyễn Phương Uyên…. những người vi phạm đó chỉ vì một chút định kiến, động cơ cá nhân không trong sang đưa ra những thông tin méo mó, bôi đen sự thật về xã hội Việt Nam, họ liên hệ với những tổ chức, phần tử người việt chống cộng cực đoan ở hải ngoại chống đối nhà nước Việt Nam, đòi lật đổ chế độ hiện hành. Nhiều vị luật sư bào chữa cho các bị cáo nói rằng: Những người này không phạm luật vì họ đã sử dung quyền tự do ngôn luận của mình !? vậy có phải đây là một lập luận đúng? Xin thưa rằng: đó là điều hoàn toàn sai lầm, thực ra ở đây họ đánh tráo khái niệm này. Vấn đề là ở chỗ, trong luật quốc gia và luật quốc tế thì quyền tự do ngôn luận (Và nhiều quyền khác) không phải là quyền “tuyệt đối” như các vị biện minh, ngụy biện cho hành vi phạm pháp của mình mà là những quyền có giới hạn, nói một cách khác là quyền bị hạn chế. Trong công ước Quốc tế về quyền con người, tại khoản 3 điều 19 quy định: “Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy là việc các bị cáo dựa vào luật quốc tế về quyền con người để biện hộ cho mình là sai, họ đã phớt lờ về khoản 3 điều 19 liên quan đến tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận của các bị cáo thì điều 88 bộ luật hình sự 1999 quy định: “Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm:

a. Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân…

c. Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”..

Việc các bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng không có bằng chứng về hậu quả của hành vị phạm tội của các bị cáo là không có cơ sở pháp lý. Tội “tuyên truyền” vốn là tội phạm mang tính chất “bất bạo động” theo cách nói của mấy nhà “luật học mạng”, blogger. Các vị đòi hỏi phải có bằng chứng về hậu quả của những tội phạm này gây ra ư? chẳng lẽ nhà nước Việt Nam phải ngồi chờ đến khi nào luồng gió sặc “Mùi hoa” như việc đã xảy ra ở Trung đông, bắc phi thì mới có cái gọi là “bằng chứng” như các vị yêu cầu? Xin thưa hậu quả việc phạm tội của các bị cáo đó là: bạo loạn, lật đổ chính quyền, nội chiến, là sự can thiệp của nước ngoài.vv… Trên thế giới không có một quốc gia nào quy định chứng cứ về hậu quả xã hội của loại tội phạm này. Ngay tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây đòi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông chủ mạng WikiLeaks cũng chỉ cho rằng với những thông tin của mạng này “có thể” gây nguy hiểm cho quân đội Hoa Kỳ. Như vậy là với chứng cứ mà các bị cáo khai nhận tại tòa “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài lieu có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã đủ cấu thành tội phạm và chiếu theo luật hiện hành, thì mức án mà các bị cáo này phải nhận là đúng người, đúng tội, điều này không thể chối cãi được. Xã hội chính trị lành mạnh luôn hướng dẫn, khích lệ, cổ vũ những động lực đúng đắn của mỗi cá nhân, khi cá nhân đó hành động với động cơ phù hợp với ợi ích chung của cộng đồng thì khi ấy xung đột xã hội sẽ giảm thiểu, tạo ra sự hài hòa, đồng thuận cùng tồn tại và phát triển, ngược lại những cá nhân đi ngược lại dòng phát triển chung sẽ bắt buộc xá định lại nhu cầu của mình nếu không sẽ bị đào thải và bị pháp luật trừng phạt, quyền tự do bị tước đoạt. Thực tế cho chúng ta thấy rằng: không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau trong các tầng lớp trong xã hội và khác với quan điểm, đường lối của Đảng. Đó cũng là lẽ bình thường không có điều gì “Ghê gớm” vì như chúng ta đã biết nhận thức là một quá trình, chân lý cũng là một quá trình. Do nhiều yếu tố tác động nên không tránh khỏi có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng. Nhưng phải là những ý kiến đóng góp chân thành chứ không phải là quan điểm chống lạị.

Và một thực tế không thể phủ nhận được đó là: Từ một nước thuộc địa, dân bị nô lệ, chúng ta đã giành được cái nhân quyền lớn nhất là quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chúng ta đã phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, nâng trình độ phát triển kinh tế lên ngày một khá hơn. Từ một nước có mặt bằng dân trí thấp, Việt Nam đã là một quốc gia có trình độ văn hóa phổ thông cao hơn mức trung bình của thế giới và là quốc gia đạt chỉ số phát triển con người (HDI) vào hàng cao so với nhiều quốc gia khác.Đời sống nhân dân trong nước được cải thiện rõ rệt, quốc phòng, an ninh được giữ vững, xã hội ổn định, vị thế Việt Nam không ngừng được nâng cao, là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trong đó có cả cường quốc trước đây là “Cựu thù”. Rõ ràng, sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Việt Nam giờ đây là địa chỉ tin cậy cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, báo chí quốc tế đã phản ánh nhiều điều “mắt thấy tai nghe” của du khách quốc tế viếng thăm đất nước sôi động và trẻ trung sau khi tới Việt Nam hòa mình vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân ở nhiều góc cạnh. Việt Nam ngày nay chứng tỏ là một quốc gia thiên đường cho du khách quốc tế. Sẽ là hết sức sai lầm nếu ai còn tin vào những điều ma muội của những kẻ luôn gắn hình ảnh Việt Nam với chiến tranh và sự nghèo đói, mất tự do, dân chủ và bị “kềm kẹp” dưới chế độ “Cai trị của Đảng CS”. Ngược lại, có đến mới biết Việt Nam xinh đẹp và thân thiện và người dân luôn được pháp luật bảo hộ quyền công dân một cách đầy đủ và mang tính nhân văn nhất. Chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Mỹ Ông John Kerry ngày 14-12-2013 đã nói lên điều kỳ diệu này “Không ai không ngạc nhiên khi thấy VN hiện đại đã thay đổi thế nào chỉ trong 20 năm. Thật đáng kinh ngạc” – ông nói và nhấn mạnh “đây không phải ngẫu nhiên, mà có sự cam kết và tầm nhìn của rất nhiều người” Ông dẫn chứng: “Kim ngạch thương mại song phương của chúng ta đã tăng 50 lần kể từ năm 1995 lên 25 tỉ USD/năm. Chúng ta sắp đạt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ sang VN như tuyên bố của Tổng thống Obama năm năm trước”. Đất nước từng bị cô lập vì cấm vận cách đây hơn 20 năm giờ “có thể là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ tại khu vực và chúng ta sẽ cố để thực hiện điều đó”. Còn ông Fred Burke, giám đốc điều hành của Hãng luật Baker McKenzie và là người từng ở VN gần 20 năm, thừa nhận những gì ngoại trưởng Mỹ nói. “Những gì ông nói hoàn toàn đúng những gì tôi đã trải qua. Giờ rất nhiều thứ chúng ta xem nhẹ khi nghĩ lại VN đã thay đổi thế nào, từ điện thoại di động cho đến chất lượng cuộc sống” – ông Burke nói. Theo ông, VN giờ đây là “một cơ hội” cho người Mỹ khi rất nhiều người trẻ muốn sang VN để làm các lĩnh vực như công nghệ thông tin hay kinh doanh. Những ai vẫn tồn tại quan điểm bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống hãy suy nghĩ lạị, chỉ một dẫn chứng nhỏ về việc này đó là: hằng năm số lượng người Việt Nam sống xa Tổ quốc về thăm đất nước luôn luôn tăng, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam tham quan, du lịch và ký kết hợp tác làm ăn cũng ngày càng nhiều, không ít người đến hẳn Việt Nam sinh sống và làm việc. Điều đó chứng tỏ những gì mà các nhà “Dân chủ” kêu gào chỉ là điều nực cười mà thôi.

Viết tại Dallas Dec-14-2013
Amari TX

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Chiên tranh




Đây là chuyện riêng của hai người, lúc đầu tôi không có ý định viết lên giấy nhưng rồi cân nhắc kỹ nhiều mặt, cuối cùng, bắt chước nhà văn Pháp Angđrê Môroa trong truyện Cuộc trở về của người tù, tôi viết và cho đăng báo chuyện này, với hy vọng mong manh rằng nếu ngẫu nhiên đọc nó, biết đâu ông Nam sẽ nghĩ lại…
Các bạn thử hình dung một chuyện thế này:
Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi. Mà nào chờ đợi một hai năm! Không, đúng mười năm. Và trong suốt mười năm dài ấy, cô gái không hề nhận được tin tức nào về chồng. Vì sao thì khó ai biết được. Thế rồi chiến tranh kết thúc, chàng trai trở về, sung sướng cảm động khi thấy vợ vẫn chung thủy. Nhưng khi hai người lên giường nằm, đặt một tay lên bụng vợ, chàng trai bỗng ngồi bật dậy:
- Em có chửa?
- Vâng.
Im lặng.
- Với ai?

- Với anh, tất nhiên, - cô gái bình thản đáp - Em còn có chửa với ai được nữa, ngoài anh?
Chàng trai không nói gì, lẳng lặng chui ra khỏi màn, mặc quần áo rồi đến ngồi hút thuốc bên bàn - một giờ, hai giờ, cũng có thể lâu hơn. Sau đó, vì cả nhà chỉ có một giường, anh lục ba lô lấy tấm vải nhựa trải xuống sàn.
Mọi chuyện bắt đầu từ đêm ấy, cái đêm chấm dứt mười năm chờ đợi, nhớ thương của một cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, và cũng là đêm mở đầu những thử thách mới, nơi con người lần nữa phải mặt đối mặt với chiến tranh, loại chiến tranh không súng đạn sau cuộc chiến tranh súng đạn mà họ vừa vượt qua một cách thắng lợi.
Liệu lần này họ lại đứng vững hay sẽ bị đánh gục? Trả lời câu hỏi này thật khó, vì những thử thách mới thời bình đòi hỏi không phải sức chịu đựng ghê gớm về hy sinh và thiếu thốn, mà là cái gì đấy còn lớn hơn, phức tạp, tế nhị hơn: đó là sự tỉnh táo, tình thương và lòng vị tha.


Minh họa: Văn Nguyễn

Bạn đọc thân mến, bức tranh tôi miêu tả trên không phải lấy từ cuốn sách nào đó, cũng không do tôi nghĩ ra mà là chuyện có thật ở làng tôi.
Đôi trai gái ấy là Nam và Xuyến. Suốt đêm đó không ai nói thêm một lời nào, dù cả hai không hề chợp mắt. Sáng hôm sau, Nam đi một vòng quanh làng thăm hỏi mọi người, thực ra là để dò hỏi tin tức vợ những năm anh đi vắng. Anh ngạc nhiên, bối rối khi nghe mọi người nhận xét rất tốt về Xuyến, rằng cô cần cù, nết na và đặc biệt nghiêm túc trong quan hệ.
"Chắc cô ta khéo giấu nên mọi người không biết”.
Về nhà, không kìm được, anh lại hỏi vợ, vẫn câu hỏi cũ:
- Cô chửa với ai?
- Với anh - vẫn cái giọng nhỏ nhẹ, bình tĩnh ấy.

- Với tôi? Sao lại có thể với tôi? Cô coi thường tôi quá! - Nam giận dữ quát to - Cô thử giải thích tôi nghe đi.
Xuyến ngước lên nhìn chồng, hai mắt rơm rớm như muốn khóc, khuôn mặt cô ửng đỏ vì ngượng ngùng.
- Nào, cô nói đi, nói đi!
- Anh Nam - Xuyến nói - Anh đừng mắng em như thế. Oan em... Em yêu anh, bao giờ cũng yêu anh và bao giờ cũng chung thủy với anh. Giá anh biết, dù chỉ một phần thôi, rằng em đã phải vất vả, đau khổ và lo sợ thế nào trong suốt mười năm chờ anh vừa qua. Còn việc vì sao em có chửa thì đơn giản thôi. Vì trong suốt chừng ấy năm, tối nào đi ngủ em cũng kê sẵn một chiếc gối cho anh cạnh gối em. Nhiều hôm sáng dậy, em thầm xấu hổ khi nhớ lại chuyện anh và em tối trước. Cách đây không lâu, anh cũng về với em như thế. Lần này hình như em cảm thấy anh gần hơn, cụ thể hơn. Khi tỉnh dậy, em vẫn một mình như bao lần khác, nhưng em biết chắc là anh vừa ở bên em, thậm chí hơi ấm của anh còn bám vào da thịt em, thậm chí chăn còn nhàu nát...
- Cô phịa ra chuyện ấy để bắt tôi tin và rồi dần dần chính cô cũng tin cái điều nhảm nhí ấy chứ gì?
- Xin anh đừng nói thế, oan em. Em không hề...
Nhưng Nam đã bỏ ra ngoài.
Những lời Xuyến vừa nói, thực ra không phải không làm anh suy nghĩ. Anh hiểu và thông cảm với Xuyến, vì bản thân anh trước đây cũng nhiều đêm nằm mơ có vợ bên cạnh. Nhưng không lẽ vì thế mà vợ anh có chửa? "Không! Không thể như thế được!" - anh nghĩ, tuy rất muốn tin vào điều vợ nói. Anh tìm mọi cách bào chữa cho cô, thậm chí viện cả cái thuyết đồng giao cách cảm mà gần đây người ta hay nhắc tới, nhưng cuối cùng anh vẫn phải đau khổ mà thừa nhận rằng Xuyến đã không chung thủy với anh, đã ăn nằm với một người đàn ông khác. Mà điều ấy thì quá sức anh chịu đựng, một trở ngại quá lớn anh không vượt qua nổi, thậm chí cả khi anh rất yêu thương vợ, trước kia cũng như bây giờ. Biết làm thế nào được, con người anh là thế, anh không thể lại ôm một người đàn bà khi người ấy đã từng trong vòng tay một người đàn ông khác.
Họ, hai vợ chồng và thằng bé mới sinh, vẫn ở chung trong cùng căn nhà chật hẹp. Không ai nghe họ to tiếng với nhau lần nào. Chồng - anh Nam - là người đàn ông khỏe mạnh chí thú. Anh chí thú ruộng vườn, không những đủ ăn mà còn thừa thóc bán cho nhà nước. Trong một thời gian ngắn anh sắm đủ thứ cần thiết cho gia đình. Tính anh hiền, ít nói. Cả với vợ, anh cũng chỉ nói khi thật cần thiết. Ban ngày anh làm luôn tay, làm hùng hục mọi việc. Hết việc, anh ngồi im, thường nhìn trân trân một điểm nào đó trước mặt. Và rất buồn. Tối đến anh vẫn ngủ riêng, tất nhiên không phải giữa sàn nhà, mà trên chiếc giường nhỏ mới mua, đặt sát cửa sổ. Chị vợ sau sinh đẻ, vốn nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn, bao giờ cũng lặng lẽ như cái bóng. Với ý thức của người có lỗi, chị rất muốn chiều chuộng chồng, muốn san sẻ bớt những ý nghĩ nặng nề anh đang chịu đựng, nhưng mọi cố gắng của chị đều vô ích trước vẻ lãnh đạm tàn nhẫn của anh, nên chị cố tránh gặp mặt và thường ngồi im ở một góc nào đấy.
Còn thằng bé thì thật lạ, càng lớn càng giống Nam như đúc. Một sự ngẫu nhiên? Hay lần nữa buộc phải suy nghĩ về lời giải thích vô lý của Xuyến? Điều này quả có làm Nam băn khoăn không ít. Đứa bé thật kháu. Nam không chút ác cảm nào với nó, dù chính nó là trở ngại ngăn cách hai vợ chồng anh, là nguyên nhân mọi bất hạnh trong gia đình. Ngược lại anh thương nó như thương Xuyến, vợ anh, và anh cảm thấy thực sự khổ sở khi phải cố giấu không bộc lộ tình cảm đó. Nhiều lúc cao hứng, hoặc vì vợ bận, anh còn bế con và giặt tã giúp vợ. Tuy nhiên, sau những lần đấu tranh, dằn vặt như vẫn thường xảy ra, cuối cùng cái con người định kiến, cố chấp trong anh vẫn thắng. Anh cương quyết không chịu cho thằng bé mang họ anh, vẫn bắt chữa lại thành "bác" mỗi khi nó quen miệng gọi "bố". Nhiều đêm nghe vợ ôm con khóc ở giường bên, anh những muốn lại gần vợ vuốt ve, an ủi cô, muốn làm điều gì đó thật tốt đẹp cho cô, thế mà anh vẫn nằm yên, trân trân nhìn lên trần nhà hoặc bỏ ra sân hút thuốc cho tới sáng. Những lúc ấy anh rất cáu giận. Anh giận Xuyến, giận đứa bé và nhất là giận bản thân anh. Con người anh, cái tính anh là thế, biết làm thế nào được?
Một hôm, Nam sang nhà tôi chơi.
- Được mấy ngày về thăm quê mà cứ ngồi lì ở nhà mãi thế à? - Vào tới ngõ, anh nói to thay cho lời chào - Lại viết lách?
- Ừ, nghề mà - tôi đáp - Mời anh ngồi chơi.
Lúc này đứa bé đã lớn, biết chạy lon ton khắp làng, nhưng gia đình anh thì vẫn như cũ. Nghe nói bà con, chính quyền nhiều lần khuyên anh làm lành với vợ nhưng anh không chịu. Thế đấy, người dân làng tôi, tôi biết - rất chân thành và cả tin, nhưng một khi có ý nghĩ nào đó chui vào đầu thì không dễ mà giũ ra nổi.
- Thế nào, anh Nam, vẫn "chiến tranh" à? - tôi ướm hỏi.
Nam không đáp, nhưng nét mặt buồn hẳn xuống. Mãi lúc sau anh mới nói:
- Anh xem đấy, tôi còn biết làm thế nào khác được?
- Sao lại không? - tôi cao giọng - Thì "hòa bình" đi! Anh không thấy anh đang làm khổ chị ấy à?
- Thế anh tưởng tôi sung sướng lắm chắc?
- Chính vì vậy mà cần bỏ qua cho nhau và càng sớm càng tốt.
Nam ngồi im, bất chợt nghiêm mặt hỏi tôi:
- Có điều này, tôi hỏi thật anh nhé?
- Vâng, anh cứ hỏi.
- Anh có tin cô Xuyến không? Tin chuyện cô ấy có chửa ấy?
- Tin, tôi tin - tôi đáp.
- Vì sao?
- Vì sao thì không biết, nhưng tôi tin.

- Còn tôi thì không! - anh bật đứng dậy nói to một cách giận dữ - Không! Không bao giờ!
- Suy cho cùng điều ấy không quan trọng - tôi cũng nổi nóng. - Quan trọng là cô ấy đã chờ anh chừng ấy năm. Quan trọng là cô ấy vẫn yêu anh. Quan trọng là anh không thể và không có quyền đối xử với cô ấy như thế.
- Anh nói dễ lắm, anh nhà văn ạ - Nam nhếch mép cười với vẻ mỉa mai không che giấu - Với các anh, mọi chuyện thật đơn giản.
Rồi không nói thêm một lời nào, anh bỏ đi.
Đấy, các bạn xem: một con người đã mười năm lăn lộn khói lửa chiến trường, có thể đã lập nhiều chiến công phi thường, đã vượt qua trăm nghìn thử thách ghê gớm, thế mà bây giờ con người từng trải được tôi luyện ấy không vượt qua nổi cái trở ngại tưởng như rất bé kia, để chấm dứt đau khổ cho chính bản thân và cho người mình yêu quý nhất. Thật bất công và cũng thật chua xót. Nhưng cả tôi, cả các bạn thử thuyết phục anh ta đi.
Tháng hai năm 1979, khi xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc, Nam tình nguyện gia nhập lại quân đội. Vợ anh không giữ, chỉ nói:
- Anh đi, em sẽ chờ. Bao lâu em cũng chờ...
- Và cô sẽ tiếp tục đêm đêm mơ tôi về thăm. Có thể cô sẽ lại có chửa? - anh châm chọc.
- Vâng - vợ anh đáp như không nhận thấy sự châm chọc ấy - Nhưng anh hãy tin bao giờ em cũng yêu anh, và nếu có chửa thì cũng chỉ với anh, một mình anh...
Nam không đáp, chỉ lặng lẽ lên đường. Và không bao giờ trở về nữa.
                                               ***
Từ ấy nhiều năm đã trôi qua. Cô Xuyến nay đã là bà Xuyến. Bà già và yếu hẳn đi một cách nhanh chóng. Bà vẫn mòn mỏi chờ chồng như năm nào. Vẫn như năm nào, bà không hề nhận được một bức thư nhỏ nào của chồng, xưa là anh, bây giờ là ông Nam.
Đây là chuyện riêng của hai người, lúc đầu tôi không có ý định viết lên giấy nhưng rồi cân nhắc kỹ nhiều mặt, cuối cùng, bắt chước nhà văn Pháp Angđrê Môroa trong truyện Cuộc trở về của người tù, tôi viết và cho đăng báo chuyện này, với hy vọng mong manh rằng nếu ngẫu nhiên đọc nó, biết đâu ông Nam sẽ nghĩ lại. Tôi, ông Nam và bà Xuyến dẫu sao cũng là người cùng làng với nhau. Mà đã là người cùng làng thì, tôi nghĩ, không ai có quyền thờ ơ với số phận người khác.
Thái Bá Tân

Một ngày mùa đông



Đinh Công Thủy




Trong bóng đen lờ đờ của chiếc quạt trần
tàu bắp cải cuộn mình răng rắc
bầy nòng nọc hiền lành ngủ yên trong bùn khô
người đã đến và im lặng

Tấm khăn xám choàng kín tán cây bàng
ủ ấm ngọn lửa
một bài ca bay lên từ ống khói
xoa mềm vết nẻ bàn tay không tuổi
căm căm giọng mưa phùn
lời hát hanh khô

Ngày đột nhiên bị đánh thức bởi tiếng kẹt cửa
người đã đi
bài ca rải dọc đường sau những mỏi mệt

Một ngày tháng mười hai dịu dàng bị bỏ quên trong góc tủ ẩm ướtcạnh giấc ngủ của loài gián.








Chuyện ở “chợ Mát”



Suốt thời gian dài vừa qua, từ khi nhà chức trách mạnh tay trong các chiến dịch "Rào chắn 1" (từ ngày 31-7-2013) và "Rào chắn 2" (từ 18 đến 28-11-2013) thực hiện truy quét người nhập cư bất hợp pháp trên toàn lãnh thổ Nga thì không khí của “chợ Mát” (Mátxcơva) có phần trầm lắng hơn.


Bức tranh toàn cảnh

Mặc dù hiện tại các chiến dịch nói trên đã tạm dừng nhưng xem ra tâm trạng bà con người Việt Nam tại đây vẫn còn thắc thỏm, lo âu. Những khu chợ lớn mà nhà chức trách làm mạnh tay như chợ Liu (Trung tâm thương mại Mátxcơva), chợ Chim (Sadovod)… nơi có hàng mấy chục nghìn con người mang các quốc tịch khác nhau đang làm việc. Các đợt truy quét làm ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện bán buôn. Hàng hóa nếu kịp đóng quầy còn đỡ, nếu chưa kịp thì chưa biết có chuyện gì xảy ra? Ngoài ra, dù anh (hay chị) có giấy tờ hay không thì cứ mời lên xe về đồn để kiểm tra đã. Hàng trăm, thậm chí là cả nghìn con người bị đưa lên xe chở về các đồn cảnh sát. Những người có giấy tờ chắc chắn "xịn" thì sau mấy tiếng đồng hồ ngồi "đếm kiến" trong đồn sẽ được trở về làm việc bình thường. Còn số người có vấn đề hoặc bất hợp pháp thì xin mời nán lại để kiểm tra tiếp hoặc là nằm ở diện ra tòa án và bị trục xuất khỏi Nga. Cũng có nhiều trường hợp "chạy chọt" để ra khỏi đồn nhanh, nhưng thời gian này nhà chức trách làm nghiêm hơn nên chuyện "may rủi" là khá hiếm.





Một góc chợ Mátxcơva



Nhưng cũng nhờ thông qua hai chiến dịch truy quét ráo riết này mà các lực lượng chức năng Nga đã bắt được khá nhiều tên tội phạm thực sự nguy hiểm đến sự an toàn của xã hội, khám phá ra hàng trăm băng nhóm rửa tiền bất hợp pháp, những ổ nhóm chứa chấp vũ khí, chất nổ trái phép, ma túy, mại dâm, thậm chí là cả bạc giả… Có lẽ, đây là thời điểm mà các cơ quan chức năng Nga làm việc khá hiệu quả.

Nhân dịp đến chơi nhà mấy người quen ở chợ Chim và Liu, khi hỏi chuyện kinh doanh buôn bán, anh Đinh Văn Dần, quê Thái Bình, chuyên bán hàng thể thao kể lại: "Căng lắm anh ạ, có giấy tờ hợp pháp với quyền lao động 3 năm hẳn hoi mà em cũng phải vào ngồi cũi sắt (nơi nhốt tạm người giam giữ tại đồn), mất mấy tiếng đồng hồ mới ra được, chả biết bao giờ thì có giấy tờ hợp pháp mới không bị bắt?". Chú em tên Tuệ ở cùng phòng với Dần cho biết thêm: "Đến như cháu đây có giấy tờ của công dân Nga ở thành phố xa lên mà vẫn còn bị chất vấn hỏi han nữa là…?". Tôi bảo: Chú có dấu tạm trú không? Chú bị họ hỏi là đúng rồi còn gì? Vé lên thăm Mátcơva đâu? Chỉ được phép tạm trú 3 ngày thôi chứ? Chú ở trên này hàng năm trời bán buôn, nên bị gom là không oan đâu! Khối "dân đầu đen" mang quốc tịch Trung Á, thậm chí là có hộ chiếu Nga nhưng không có tạm trú hoặc hết hạn nên vẫn bị thu gom ở ngoài bến xe, ở ga tàu điện ngầm hoặc nhan nhản ở chợ kia kìa… nói gì đến chú. Đó là chưa nói tới chuyện giấy tờ giả bán giấm dúi ở nhiều nơi.

Chị Trân, bán hàng áo da bức xúc hơn: "Anh bảo hàng hóa đã ế ẩm, sáng ra chưa mở hàng, dân tình đã chạy rầm rầm cứ như là cháy nhà đến nơi. Dân ta chạy, dân Tàu chạy, "dân đầu đen" (cách gọi người Trung Á: Tajikistan, Kyrgyzstan…) cũng chạy - mà họ là người chạy sớm nhất và nhanh nhất đấy vì đa phần giấy tờ cư trú hợp pháp của họ không có? Cả chợ cứ chạy nháo nhác cả lên. Có nhiều người trèo tường ngã tóe cả máu, nhưng vẫn tập tễnh chạy... Còn anh Bùi Xuân Ng. một chủ hàng lâu năm từ thời chợ Saliut, chợ Vòm nay về chợ Chim thì nói vẻ hài hước mà xót xa: "Bây giờ mà mở cuộc thi maratông thì dân chạy chợ chắc phải về nhất!" Cũng phải thôi, bởi bà con Việt Nam lâu nay quen sống trong nỗi lo phập phồng như vậy.

Liệu có thay đổi?

Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: Tại sao nhà chức trách không để người ta bán buôn một cách đàng hoàng? Ví dụ: Cứ nộp thuế hợp pháp, giấy tờ làm việc tại chợ hợp pháp, giấy tờ tùy thân hợp pháp... như tại những trung tâm thương mại khác của người Nga để khi nhà chức trách đến kiểm tra thì không có tình trạng lộn xộn nói trên. Trong thâm tâm nhiều người Việt Nam làm ăn lâu dài tại Nga cũng rất muốn như vậy. Hóa ra, mọi việc lại không đơn giản như vậy. Đây là vấn đề đang làm đau đầu các nhà chức trách Nga. Bởi lẽ, trên địa bàn thủ đô Mátxcơva, số lượng người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp không nhỏ, rất khó kiểm soát. Số lượng chợ cũng quá nhiều, diện tích mặt bằng lại quá lớn (lên đến hàng mấy chục ha/chợ) mặc dù từ giữa những năm 2000 đến nay đã dẹp đi hàng trăm chợ hoạt động theo kiểu tạm bợ hoặc bán tạm bợ.

Gia nhập loại hình chợ dưới dạng trung tâm thương mại quy củ và hiện đại thì liệu số người ít tiền có dám vào thuê chỗ bán hàng không? Tiền thuê mặt bằng ở đâu ra? Lại còn các khoản chi phí khác cao hơn chợ cũ nữa. Tâm lý chung là họ không thích vào bán buôn trong những nơi mà chi có thể cao hơn thu như vậy. Xem ra, dẹp bỏ đi một thói quen quả là khó khăn. Đó là chưa nói bộ phận dân nghèo Nga từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây là quen mua bán ở những loại chợ bình thường và giá cả hàng hóa rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam… Tất cả là do ở mức thu nhập của đa phần người dân Nga vẫn còn thấp, chiếm khoảng 60, 70% dân số. Giới nhà giàu Nga thì họ có thể mua sắm hàng hiệu ở các trung tâm thương mại lớn sang trọng chứ mấy ai bước vào những khu chợ nay đuổi, mai chạy mà có người nhập cư hoạt động ở đó. Hiện nay thành phần "giới nhà giàu" này chiếm khoảng 15 đến 20% dân số Nga.

Về phía các ông chủ chợ hoặc trung tâm thương mại thì sao? Rõ ràng, họ nắm được "lợi thế" đó nên càng có đất dụng võ! Số ông chủ chợ này đa phần là "dân đầu đen" nhưng ở tầng lớp cao như người Do Thái, Azerbaijan, Armenia, Gzudia...). Người Nga ít ông chủ chợ hơn, hay nói đúng ra là người Nga máu kinh doanh chợ búa như "dân đầu đen" không nhiều. Các ông chủ chợ người Trung Quốc hay người Việt Nam thời này "lép vế" hơn trước. Cụ thể là loại chợ ở Mátxcơva do các ông chủ Việt Nam cai quản đã không còn, chỉ còn tồn tại ở dưới dạng làm đại lý ăn tiền chênh lệch cho chủ chợ phía Nga hoặc "dân đầu đen" Trung Á mà thôi. Một chi tiết khác không kém phần nhạy cảm, đó là một vài vị thuộc nhà chức trách địa phương còn hy vọng duy trì tình trạng này để có thể kiếm thêm tí chút. Chính vì thế mà trong các chiến dịch "bàn tay sạch" đã lộ ra vài vị bị truy tố trước pháp luật…

Những nguyên nhân chủ quan và khách quan nói trên đã cho thấy tình trạng để có những khu chợ văn minh thực sự trong giai đoạn hiện nay còn phải vất vả chèo chống một thời gian khá lâu nữa. Và tình trạng truy quét người nhập cư bất hợp pháp sẽ còn diễn ra dài dài. Người dân còn phải chạy, phải tính toán… và cũng mong sao là họ có thể an cư mà lạc nghiệp. Bởi chính quyền Nga cũng đã đề ra rất nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm thắt chặt quản lý lượng người nhập cư cũng như tình trạng bán buôn trên địa bàn thủ đô Mátxcơva hiệu quả hơn.


Võ Hoài Nam



“HÔN NHÂN DỊ CHỦNG”


LÊ MINH QUỐC

Ngày nay, có những phụ nữ Việt sẵn sàng “nâng khăn sửa túi” cho chồng là người nước ngoài. Trong mắt mọi người, “hôn nhân dị chủng” đã trở nên bình thường. Chẳng ai rỗi hơi đàm tiếu, bình luận này nọ. Miễn họ sống hạnh phúc, chẳng làm phiền đến ai, vậy can cớ gì mà mình phải ý kiến ý cò xen vào? Nhiều phụ nữ Việt cảm thấy tin cậy, ấm áp khi “nương bóng tùng quân” là ông Tây to đùng, nói năng rổn rảng, đi đứng hiên ngang. “Ngó vậy chứ ổng hiền khô à”- một chị bạn đã không ngần ngại “khoe” chồng trước bạn bè.







Thử đặt câu hỏi, có phải hôn nhân là chuyện của hai người, là sự lựa chọn của riêng đôi bạn trẻ? Chưa chắc, bởi họ còn ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ khác. Đôi lúc sự việc trở nên oái ăm từ bên nhà vợ hoặc nhà chồng, do không phải ai cũng hiểu nếp văn hóa của người phương Tây. Mãi đến bây giờ, anh bạn Tây của tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ đến ngày ra mắt gia đình bên vợ.

Lúc ấy, với tâm trạng hào hứng, đôi uyên ương đánh ô tô từ Sài Gòn về Long An. Đến nơi, sau phần lễ đúng nghi thức của người Việt, anh bước ra sân chào hỏi mọi người. Chưa kịp ngồi vào bàn tiệc, lập tức một ly rượu đế “trân trọng kính mời”. Chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, anh nâng ly uống cạn cho phải phép xã giao. Vậy là xong? Không. Lần lượt hết người này đến người nọ luân phiên nhau mời. Anh không rành tiếng Việt. Họ không biết tiếng Anh. Từ chối thế nào cho đúng phép lịch sự? Thôi thì, đành uống. Xã giao một vài ly, chỉ nhấp môi có được không? Ai lại làm thế, phải trăm phần trăm cho đúng điệu. Thấy anh khổ sở, nhăn nhó quá, cô vợ chạy ra can anh em, họ hàng, bạn bè “tha” cho chồng mình. Mọi người cười đùa như bảo rằng, có thương nhau, quý nhau mới mời chứ có ai ép uổng gì đâu (!?). Hơn nữa, hôn nhân là ngày trọng, chú rể phải say tới bến, say quắt cần câu thì mới vui (?!).

Từ đó, trở về sau, mỗi lúc nghe về quê vợ là anh xay xẩm mặt mày, mùi rượu vẫn còn xộc lên óc. Bèn tìm mọi cách thoái thác cho bằng được. Vợ thương chồng nên không nỡ ép. Mà đã xong đâu, không thấy anh theo vợ về, mọi người xì xào, bộ thằng chả ỷ người nước ngoài giàu có chê họ hàng, xóm giềng mình nghèo hèn nên không thèm về chứ gì? Sự hiểu nhầm ấy, cô vợ phải phân trần hết lời, chẳng ai chịu nghe. Bực quá, cô vợ tỉ tê tâm sự với chồng nhưng cả hai không tìm được tiếng nói chung. Thế là đôi bên mặt nặng mặt nhẹ vì cái chuyện lãng xẹt đó.

Mới đây thôi, cậu em trai kết nghĩa từ Hà Nội “nấu cháo” điện thoại gần cả nửa tiếng đồng hồ, hỏi tôi phải nên “xử lý” như thế nào? Chuyện rằng, với phụ nữ mắt xanh, tóc bạch kim thì ngày Tết cổ truyền của ta không hẵn có ý nghĩa quan trọng lắm. Do đó, Tết con ngựa tới đây, cô vợ nằng nặc đòi chồng tranh thủ 9 ngày nghỉ đặt tour du lịch nước ngoài, đặng thư giản suốt một năm cật lực, mệt mỏi với công việc. Khi hay tin, lập tức bố mẹ cằn nhằn ra mặt: “Ơ hay, vợ con là dâu cả, ngày Tết ngày nhất phải ở nhà quán xuyến bếp núc, lễ giỗ ông bà chứ?”. Khổ nổi, em trai tôi là con độc nhất, chẳng biết nhờ cậy ai thay thế giúp. Vậy phải làm sao cho trong ấm ngoài êm?

Lại có trường hợp, dù hai con và đang ở riêng, nhưng thỉnh thoảng bố mẹ từ quê vẫn lên chơi dăm ba ngày, tiện thể trông nom cháu. Sự thể hiện tình cảm ruột rà này là bình thường. Thế nhưng cô vợ Tây chẳng hài lòng chút nào bởi nhà cao cửa rộng, máy lạnh cả ngày nhưng ông bố vẫn hiên ngang với ống điếu thuốc lào phì phò như khói như khói tàu. Chiều đi làm về, mở cửa bước vào nhà là cô muốn dội ngược ra ngoài! Biết vợ không ưng ý với thói quen của bố nhưng khi anh vừa thốt lời “góp ý”, lập tức ông bố tự ái bỏ ra ga đón tàu về quê ngay tấp lự.

Đời sống của một gia đình “vận hành” như thế nào là do quy ước của hai người. Thế nhưng, nhiều bà mẹ cảm thấy “nóng mặt” khi con trai mình bị “hành hạ” quá thể. Chà, nó ở tận đẩu tận đâu, tiếng Việt không rành mà nó tưởng giàu có, xinh đẹp là có quyền “ăn hiếp”, “bắt nạt” con trai cưng của bà à? Đừng hòng. Ai đời, đàn ông đàn ang gì sau khi cơm nước xong lại xộc tay vào rửa chén bát, chưa hết, có lúc nó còn phải lau nhà nữa đấy! Nếu biết tiếng Tây thì bà cũng rổn rảng vài câu cho nhẹ người, khổ nổi phải giữ ấm ức mà không thể thốt nên lời. Với quan niệm Á Đông những chuyện “hèn mọn” này là nhiệm vụ của người vợ, đàn bà trong nhà. Nói thì nói thế, bà đâu biết, con dâu của bà phải làm những việc gì trong nhà mà mắt bà không thấy. Hơn nữa, sự phân công ấy do cả hai tự nguyện thỏa thuận, mình can thiệp làm gì?

Để mọi việc “dễ chịu” hơn, thiết nghĩ cả hai cần trao đổi, giải thích về phong tục, tập quán, văn hóa của nhau để tự ý thức và có cách ứng xử phù hợp. Có như thế, 2 người trong cuộc “hôn nhân dị chủng” mới dễ dàng thích ứng và có khả năng đối phó với các tác động từ bên ngoài.