Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

mùa đông mây xuống thấp


Buổi sáng cuối tuần trời lặng sương mù
Buổi sáng mùa đông người ta ngủ mơ
Con đường vắng tinh vàng đâu chim sẻ
Buổi sáng mùa đông trống không tâm tư

Buổi sáng cuối tuần một mình đi hoài
Có người thật xa tình duyên hỏi thăm
Tiếng cười giòn vỡ từ mươi năm trước
Buổi sáng mùa đông nghe trời không lạnh

Buổi sáng cuối tuần mù sương chen đá
Loanh quanh đó đây hương trời bỗng lạ
Làm sao có những trong gang tấc gần
Buổi sáng mùa đông có một bài thơ

Buổi sáng cuối tuần lên chùa với em
Lẻn ra vườn sau hỏi nhánh trúc thuyền
Ăn nén cơm chay quả nhiên ẩn ngộ
Buổi sáng mùa đông em niệm kinh thiền

Buổi sáng cuối tuần gom thu trước lá
Nhặt một nụ hoa rớt rụng thiên hà
Ép trong đá lạnh mùa đông sống mỗi
Buổi sáng mùa đông ta đọc chân như

Buổi sáng cuối tuần có người quên bẵng
Chuyện mấy hôm kia ngỡ mấy xa xưa
Sao chép làm chi thời không đứng lặng
Buổi sáng mùa đông thấp cuộn mây mù

Lý Ốc BR

Vũ khúc không buồn mà tê tái

Luôn luôn, người ta có thể đọc ra những buồn vui của cả kiếp người,qua những buồn vui của một đời văn

Ai bảo nghề văn là khổ? Cứ xem như đời anh L., một người bạn vong niên của tôi, thì sướng lắm chứ. Hãy nói một chuyện: sự hưởng thụ. Thời ấy đồng bạc có giá, lương anh đã rủng rỉnh. Vậy mà luôn luôn còn có nhuận bút. Những quyển sách trên trăm trang của anh in ra, thường được tính hàng cây. Cái xe đạp quý như cái cúp bấy giờ, mỗi lần sách in đều thừa sức để mua.

Thuở ấy, nhà văn được trọng vọng. Anh nổi tiếng. Anh luôn được mọi người nhắc nhở. Nhiều cơ sở - các nhà máy, các đơn vị quân đội - chèo kéo mời mọc anh. Mà anh bạn tôi lại có lối chơi rất sang. Người ta mời anh đến, cốt để lấy tiếng, về có viết gì cũng phải khen. Nhưng L. không bao giờ chịu xu phụ, trả nghĩa cái nơi đã cung đốn cơm rượu. Anh viết “khái quát”, anh “đặt vấn đề “ hẳn hoi. Người được viết thì chán, nhưng người đứng ngoài thì thích. Cả giới viết văn cũng thích. Mọi người thấy thơm lây vì anh. Người ta bảo trong sự vận động tiến lên của xã hội, có vai trò của anh, sự đóng góp của anh nữa.
Giá kể cuộc sống cứ như thế mãi thì chưa chắc đã vui, hoặc mới vui một kiểu. Mà gì thì gì, chứ vui mãi một kiểu, dễ sinh nhàm chán! Đùng một cái thời bao cấp qua đi, cả xã hội chuyển sang kinh tế thị trường, mà ngành sản xuất văn chương của chúng tôi cũng rập rềnh lên xuống theo cơ chế thị trường. Cái hình ảnh có thể dùng để so sánh: từ gà công nghiệp, gà chỉ nuôi trong chuồng, chúng tôi trở thành đám gà nhà, gà ta, tự đi kiếm lấy mồi mà ăn. Để bù lại, không khí sáng tác trở nên cởi mở hơn hẳn. Những điều trước kia chỉ anh L. mới biết, thì bây giờ cả làng biết. Vui vầy, hỗn loạn, bảo thế nào cũng được.
Trong cuộc thập tự chinh của giới viết văn để lo kiếm sống hôm nay, dĩ nhiên là vẫn có anh bạn tôi, anh L. một thời nổi tiếng sắc sảo đó. Anh cũng phải lăn lộn với các báo cũng chạy đôn chạy đáo nơi này nơi nọ lấy mấy trăm ngàn mỗi tháng nuôi vợ con. Ban đầu, kể cũng ngại. Anh thử kêu rên. Anh đã thử làm phách như cậu Phước trong Số đỏ, đập chân đập tay em chã, ra đều tôi mà phải lo từng bữa thế này à, thôi tôi không viết nữa, hỏng hết rồi còn gì. Mặc! Chả thấy ai động lòng. Thảng hoặc cũng có vài người động lòng, song họ cũng nghèo như anh, chả cứu được anh. Kêu mãi chán, anh lại cum cúp lo viết, lôi mọi chuyện cũ ra viết.

Nhìn nụ cười đôi khi như đã heo héo ngay trên miệng anh, tôi biết rằng tận trong thâm tâm, anh đau khổ lắm. Và hình như có cả chút hối tiếc nữa. Hối rằng có lúc đã cổ động cho sự nhộn nhạo hôm nay. Giá kể cứ để tất cả đi bằng tay có phải mình khéo nhất hội không; nay đến lúc đi bằng chân như thế này mọi người già trẻ lớn bé đều biết đi, mà mình thì cũng nguệnh ngoạng chẳng hơn gì ai cả.
Nỗi đau của một cây bút từng biết rằng chỗ mạnh của mình là luôn luôn đi trước mọi người là ở cái thế khó chịu bất ngờ. Anh bị mọi người nhìn bằng con mắt cá mè một lứa.
Mỗi lần nhìn lại cuộc đời viết văn của người bạn vong niên -- mà bản thân tôi từng chịu ơn rất nhiều này --, tôi như có dịp nghĩ thêm và thấm thía thêm về duyên nợ nghề nghiệp. Đứng ngoài nhìn, nghề này đâu có buồn! Hôm qua rước sách tưng bừng hoan hỉ đã đành, mà cảnh cả giới bì bõm chìm nổi như hiện nay chắc cũng làm bật cười cho ai đó ngoài giới. Và, những vụ làm ăn những sự xoay sở, những thành bại của mỗi người thì trở thành đề tài cho chuyện đàm tiếu của các đồng nghiệp, buồn làm sao được?
Nhưng có lẽ, dưới một góc độ khác mà xét, ở đây luôn luôn có chút thê thảm. Người hăng hái đi trước có lúc phải hối hận; kẻ báo trước sự nhộn nhạo, mà lúc nhộn nhạo đến, mọi người hái ra tiền ra bạc, còn bản thân lại nhếch nhác như vậy, nhếch nhác hơn cả hôm qua nữa - nhìn cả vũ khúc đời văn, chẳng là tê tái hay sao? Lại còn buồn tê tái hơn, nếu trí nhớ kha khá một chút, người ta nhớ được những cuộc tranh cãi bấy lâu về sứ mạng nhà văn. Người bạn đời của J. P Sartre là S. de Beauvoir từng có lần than thở đại ý: “Thật không thể ngờ là nghề văn có lắm ý nghĩa đến thế, trong khi nó chỉ có thế!”.

In lần đầu trong Những kiếp hoa dại,1993



Viết thêm 25-11-2013

Nguyên do dẫn đến bài phiếm luận về Nguyễn Khải này là ở một ít điều tôi quan sát được về ông những năm khoảng 1979-1986.
Nguyễn Khải là người sớm truyền cho tôi niềm tha thiết với sự đổi mới văn chương. Ông đọc nhiều và hay kể lại với tôi về văn học nước ngoài Tất cả những cái đó gộp cả lại khắc họa trong tôi một định nghĩa văn học là thế nào, cái mà các nhà văn đích thực muốn viết cần phải như thế nào.
Nhất là những chuyện ông biết về giới cầm bút đương thời – nhiều khi là những chuyện rất khỉ gió như chữ của ông vẫn dùng – loại này càng thức dậy trong tôi một ám ảnh. Chúng ta đã sống và viết chẳng ra làm sao cả. Cái mà chúng ta viết ra không phải là văn học. Chúng ta sẽ phải viết khác.
Hoàn cảnh đổi mới đã tới. Đó là những ngày sau chiến tranh khi xã hội cảm thấy cần phải sống khác đi về tất cả mọi phương diện.
Trong văn học từ sau 1975, có hai cao trào, hai cái mốc đáng kể, 1979 và 1986.
Sẽ chẳng có gì lạ lùng khi thấy trong cả hai lần ấy Nguyễn Khải sát cánh với Nguyên Ngọc trong việc làm thủ lĩnh cho đổi mới.
Rồi cả hai lần ông thoái lui.
Chẳng những thế, trong những năm tiếp theo, ông tham gia vào việc phủ định ngay con đường mà ông vừa tham gia vào việc khai phá, phủ định một cách ác liệt. Tại sao ?
Tôi thấy ở đây rõ nhất là cái nguyên nhân này: tình hình xã hội nói chung. Tình hình chưa cho phép thay đổi.
Xưa nay vẫn thế, Nguyễn Khải sống và viết bằng một sự tinh nhạy đặc biệt. Luôn luôn ở ông giữa sự cảm và sự viết có khoảng chênh lệch. Khi cảm thấy điều gì làm được ông làm ngay. Nhưng khi cảm thấy không thể làm được, ông buông ngay.
Có phải từ giã chính mình, ông cũng không cần.
Bởi Nguyễn Khải sớm có một vị thế đáng kể, và sự tha thiết với đổi mới của ông trước đó cũng rõ quá, nên khi thấy Nguyễn Khải trở cờ, người ta oán trách ông. Song nên biết là sự không nhất trí, sự tự mâu thuẫn vốn là bản chất con người nơi ông. Miễn sao ông được hành động, được viết, được đứng ở hàng đầu, ngoài ra thì mọi điều kiện đặt ra cho ông thế nào ông cũng chịu được.


Còn nhớ hồi trước 1975, có một hồi Nguyễn Khải rất mê tử vi. Ông đã từng theo nhà văn Hà Ân lần mãi tới chỗ nhà tử vi Hùng Văn, và được phán một câu nhớ đời — mệnh vô chính diệu đắc tam không. Nguyễn Khải thú với câu ấy lắm. Thú ở chỗ nó nói đúng rằng ông không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì cả.


--Tôi hoan nghênh cả sự kiên cường của anh Ngọc lẫn cả sự chạy làng của anh Khải.
Khi nhớ tới tình hình sau Hội nghị Đảng viên 1979, tôi hay nhớ câu nói ấy của Nguyễn Minh Châu. Hình như tác giảDấu chân người lính muốn nói rằng “ông nào tôi cũng thấy có lý”.


Còn một nguyên nhân nữa dẫn đến sự đổi mầu ở Nguyễn Khải, mà như bài trên, tôi thử phác họa. Là sang thời buổi hỗn loạn này, nhất là mấy năm đầu, Nguyễn Khải thấy kiếm sống khó quá.
Hồi ấy, nhà nước còn chưa biết cách tung ra thật nhiều tiền để nuôi béo những kẻ ngoan ngoãn, nói theo chữ các cụ xưa là chưa có biết phóng tài hóa thu nhân tâm như bây giờ.
Các công thần có lúc rất khổ. Tôi ở Moskva xa xôi mà cũng nghe được một câu của Nguyễn Khải do anh em đồn sang:
- Tôi không viết được dâm như Kim Bình Mai. Tôi không viết được ác như Bố già. Giờ tôi phải sống sao đây.
Lần ấy tôi còn phát hiện ra một điều. Xưa nay làm nũng là cái tính của những cậu con quan mà Nguyễn Khải rất ghét. Thì nay lại thấy thò ra ở ông. Từ đó tôi hiểu rằng những khó khăn trước mắt là điều quá sức với tác giả Tầm nhìn xa, Chiến sĩ. Bao lâu nay được chiều chuộng và tôn sùng, ông không còn đường để trở về với mọi người cầm bút bình thường.
Người ta kể rằng ở Nhật, các họa sĩ khi về già rất thích thể nghiệm, rồi đổi tên ký dưới bức vẽ, cho người mang ra chợ tranh bán, xem sự đón nhận của công chúng đến đâu. Ở Việt Nam không có loại nghệ sĩ như thế.


Hàng ngày Nguyễn Khải là người không biết buồn là gì. Cái cảnh bùi ngùi và bế tắc mấy năm ấy ông chịu sao nổi.
Những điều tôi nói ở trong bài này đến với ông rất nhanh và rồi cũng qua đi rất nhanh.
Giá trị bài viết trên đây của tôi chỉ là ở chỗ nó ghi lại một chút tê tái mà trong những phút yếu đuối, ông đã có dịp bộc lộ, nhưng rồi sẽ coi như một đứa con hoang, không muốn nhìn nhận, thậm chí ai đó nhắc lại ông sẽ khó chịu.



Nhưng riêng đối với tôi, cái tâm cảnh ấy ở ông một lần quan sát được vẫn làm tôi nhớ mãi và mỗi khi cần nói về Nguyễn Khải, vẫn muốn trình lại với độc giả.
Điều khiến tôi tự tin là ở đây, tôi không chỉ nói về một người, mà đã nói về cái lý do chi phối hành động của nhiều người cầm bút thời chúng ta sống.
Nhiều khi những vui buồn yêu ghét, cả những niềm tin chính trị mà mỗi người đặt cả đời mình vào, tưởng là do những nguyên nhân ghê gớm đâu đâu, hóa ra lại chỉ phụ thuộc vào cái nhu cầu ngấm ngầm mà chúng ta vốn giấu kín tận đáy lòng, - đó là nhu cầu tự khẳng định, nhu cầu muốn khôn ngoan sắc sảo nổi trội hơn so với đồng loại.

Vương Trí Nhàn

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Đóng gói hung tin


Nguyễn Vĩnh Nguyên


Edvard Munch (1863 –1944):
Tiếng thét, 91 cm × 73.5 cm, 1893

Chưa bao giờ thế giới ngập tràn hung tin như hôm nay. Các từ: “thảm họa”, “vấn nạn”, “bất trắc”, “bất ổn”, “có vấn đề”,… được dùng đi dùng lại với một cường độ cao trên các phương tiện truyền thông. Nhìn trên bình diện dụng ngôn, thì vốn từ có sự lặp đi lặp lại với một cường độ cao, đến một lúc, sẽ có nguy cơ sáo mòn, xơ cứng và gây ra chứng ung thư di căn trong tâm lý sống.

Ngày xưa, ở vương quốc Alifbay, có một thành phố u buồn, u buồn nhất trong các thành phố, một thành phố u buồn tàn tạ đến nỗi quên cả tên mình. Thành phố ấy nằm trên bờ một đại dương ảm đạm đầy rẫy sầu ngư, một loài cá u uất đến mức ai ăn vào cũng ợ lên những bi thương, dù bầu trời vẫn một màu xanh ngắt.

Phía bắc thành phố u buồn nọ sừng sững những nhà máy đồ sộ, nơi (ấy là người ta bảo thế) nỗi buồn thực sự được sản xuất, đóng gói và gửi đi khắp nơi, món hàng ấy thế gian này dường như chẳng bao giờ thấy đủ. Khói đen phun ra từ ống khói nhà máy nỗi buồn và lơ lửng trên đầu thành phố như thể một đám hung tin”.

Salman Rushdie đã bắt đầu cuốn Haroun và Biển truyện1 như vậy.

Bỏ đi màu sắc viễn tưởng huyền hoặc có được từ khả năng pha chế ngôn từ của Salman, người đọc dễ dàng bị không khí đoạn mở đầu cuốn tiểu thuyết (nói là dành cho trẻ nhỏ) kia hướng suy nghĩ về một khí quyển khác thời hiện đại mình đang sống. Một hành tinh áp suất cao, luôn bị nén cứng bởi không khí hung tin và các biến thể khác của sầu ngư không ngừng sinh sôi dường như đang hiện hữu.

Năm 1986, bốn năm trước khi Salman Rushdie viết Haroun và Biển truyện, thì Ulrich Beck, một nhà xã hội học gốc Đức, đã nắm được tinh thần nhân loại trong thời đại của một siêu nhà thương tự kỷ, với một thâu tóm rất xác đáng: chúng ta đang sống trong một xã hội có những thay đổi căn bản từ logic của “sự phân phối sự giàu có sang logic của sự phân phối nguy cơ”.

Chúng ta có thể kiểm nghiệm sự chính xác của nhận định khái quát trên khi soi chiếu vào khí quyển tinh thần của xã hội và bản thân từng người. Chưa bao giờ thế giới ngập tràn hung tin như hôm nay. Các từ: “thảm họa”, “vấn nạn”, “bất trắc”, “bất ổn”, “có vấn đề”,… được dùng đi dùng lại với một cường độ cao trên các phương tiện truyền thông. Nhìn trên bình diện dụng ngôn, thì vốn từ có sự lặp đi lặp lại với một cường độ cao, đến một lúc, sẽ có nguy cơ sáo mòn, xơ cứng và gây ra chứng ung thư di căn trong tâm lý sống. Như vậy, những hung tin sẽ có hai mặt, thứ nhất, làm cho người biết có thể cảnh giác để tăng cường khả năng và kỹ năng phòng vệ nhưng mặt khác, nó khiến con người ta hoài nghi hơn, lo lắng hơn về cuộc sống, nhìn đâu cũng thấy rập rình bất ổn. Có điều tréo ngoe là, người ta không thể thoát ra khỏi cảm giác đó, ngược lại, muốn biết nhiều thêm, muốn thấy sự rủi ro nhiều thêm với tham vọng chiếm lĩnh tuyệt đối mọi kỹ năng ứng phó an toàn.

Các tế bào mang mầm mống sợ sệt sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, nhấn chìm mọi hứng thú sống. Nói cách khác, càng hiểu biết nhiều, càng dày ảo giác về rủi ro. Và tại đây, truyền thông là một kẻ có đóng góp hết sức đặc biệt. Từ việc cung cấp hung tin, chúng tiến thêm một bước là nắm bắt tâm lý, thị hiếu của các dạng thức hung tin nơi người tiếp nhận, để rồi đáp ứng nhu cầu một cách triệt để. Phía sau mỗi “sản phẩm hung tin”, truyền thông muốn chú thích với người tiếp nhận rằng, thời buổi này, tai họa rình rập khắp nơi nếu không biết lo sợ, thường trực đề phòng thì không phải là con người… văn minh!

***

Có cầu thì có cung. Người ta từ tâm lý muốn biết rõ câu chuyện các tội ác để tránh đến chỗ phát triển nhu cầu được tái hiện chi tiết, không phải để đơn giản là phòng ngừa, mà là để thỏa mãn sự tò mò. Chưa bao giờ người đọc có nhu cầu cao trong việc ngốn hung tin như hiện nay. Có thể kiểm chứng bằng việc những tin tức án mạng giật gân luôn leo lên vị trí được truy cập nhiều nhất trên những trang báo mạng và sách trinh thám, phim hành động, kinh dị, thảm họa kiểu bom tấn Hollywood vẫn là một thị trường béo bở.

Với con người trong kỷ nguyên khoa học và công nghệ thông tin, sự an toàn không bao giờ là đủ trong một thế giới hỗn loạn và đầy rẫy sự cố. Công nghệ cung cấp cho con người khả năng tri nhận nhiều hơn về những nguy cơ đe dọa cuộc sống và sự an toàn của chính mình qua chuỗi sự kiện hằng ngày ở khắp nơi. Chính truyền thông về nguy cơ là cái mà ngày trước, cha ông họ không thể có được để đề kháng trước mọi rủi ro. Song chính truyền thông về nguy cơ trong tình trạng không giải pháp cũng đẩy con người đến vương quốc bị thống trị bởi một ông vua vĩ đại có tên là Nỗi Sợ Hãi.

Truman Capote trong tác phẩm kinh điển Máu lạnh, viết về hai tên giết người đã tấn công một nông trại, giết trọn gia đình chủ nông trại. Vụ giết người man rợ có thật ở cái nơi mà ông gọi là “ở ngoài kia”, tức làng Holcomb thuộc Tây Kansas, Mỹ vào khoảng thập niên 40 đã tạo ra một nỗi sợ lây lan và khuếch đại trong trong ngôi làng đến nỗi, Truman Capote chỉ cần ghi lại lời của một ông chủ cửa hàng: “Quanh đây, khóa và chốt cài là mặt hàng chạy nhất. Người ta mua bất cần nhãn hiệu; chỉ cốt sao chắc là được.” Và điều nguy hiểm nhất, không phải là nỗi sợ mà là sự suy sụp đến từ cái lý do xấu nhất, người ta nghi kị lẫn nhau, “họ tin rằng kẻ giết người là ai đó trong số họ”2.

Năm 2011, một vụ án mạng cướp của giết người xảy ra tại Việt Nam, tương tự như vụ được Truman Capote mô tả trong Máu lạnh. Hành vi tội ác man rợ của kẻ sát nhân còn hai tháng nữa mới qua tuổi vị thành niên kéo dài trong chưa đầy hai giờ đồng hồ được truyền thông trong nước mô tả chi tiết kéo dài trong bốn tháng trời. Tất cả được tái hiện một lần nữa, thật rõ nét, khi vụ xử án diễn ra. Từ báo chí đến các trang web, mạng xã hội, không đếm xuể những lời kết án sát thủ vị thành niên này dù theo luật pháp nước Việt Nam, cậu ta chỉ nhận mức án cao nhất với tội sát nhân vị thành niên là 18 năm tù. Trên một trang mạng, một nhà văn đã nhìn ra vấn đề: với nỗi lo âu thường trực, với sự ám ảnh có được qua những bản tường trình mà truyền thông mang lại, thì tên sát nhân kia phạm một tội ác kinh khủng hơn việc cầm dao giết chết ba mạng người, đó là: biến đám đông trở thành những kẻ sợ hãi và có ý muốn giết người.

Trong khi đó, một điều hiển nhiên khác đang diễn ra: những ai theo dõi báo chí về vụ án mạng một cách chi tiết đều có khả năng bị mắc chứng ám ảnh bị hãm hại khi thấy gương mặt kẻ sát nhân vị thành niên kia hiện diện trong mọi góc khuất của chính ngôi nhà của mình.

***

Trong những bối cảnh xã hội mà sự thật không đủ đem lại lẽ công bằng, các chuẩn tắc đạo đức, luân lý và pháp luật bị xem nhẹ, thì những “gói thuê bao sản phẩm thông tin thiếu vắng giải pháp” luôn là thứ bán chạy nhất - phục vụ cho xu thế tiêu thụ nguy cơ lớn lên từng ngày trong cộng đồng.

“Vì nhu cầu được sợ hãi không ngừng gia tăng, chúng ta phục vụ!” - hẳn đó là một slogan không tồi cho cánh ký giả dấn thân không biết mệt trong việc “đóng gói” những thông tin Cướp, Giết, Hiếp, Đâm Xe Cán Chó đáp ứng thị hiếu đời sống ngày càng cao.

Những “gói hàng” đó không chỉ nâng cao hiệu ứng lo hãi mà còn muốn hé lộ rằng, quý vị độc giả thân mến, hãy dùng tạm gói hàng này đi, và hãy biết náo nức chờ đợi, hàng hôm sau sẽ còn kinh khủng khiếp hơn hôm trước.

.---

1 Tác phẩm đã được Nham Hoa dịch qua tiếng Việt (Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2010)

2 Máu lạnh, Truman Capote, Trần Đĩnh dịch, NXB Hà Nội, 2012

Thơ có ích gì?


Meena Alexander

Meena Alexander

Trong bài nói chuyện tại Yale Political Union1 ngày 23/4 năm nay, Meena Alexander bắt đầu với một trích dẫn từ bài luận năm 1821 của Shelley, “Sự biện hộ của thơ ca”. Kết luận – “Thi nhân là những nhà lập pháp không được thừa nhận của thế giới” – dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi. Sau đây là phiên bản đã sửa chữa đôi chỗ của bài nói chuyện mà Meena đã trình bày.

1

Cách đây không lâu, tôi có buổi đọc thơ ở Colorado, trong một hội trường có những cửa sổ rất lớn nhìn ra dãy Rockies. Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thô ráp, góc cạnh của dãy núi mà chỉ cần quay đầu lại một chút, tôi cũng có thể nhìn thấy nó. Như thường lệ, sau phần đọc thơ lại có những ý kiến phát biểu từ phía dưới hội trường. Một phụ nữ với chiếc áo thun dài tay màu đỏ đứng dậy. Bà ta ở gần cuối hội trường chật ních người, và tôi phải căng mắt ra để trông thấy bà – nhưng giọng bà thì to, rõ và rành mạch.

Câu hỏi ấy dội vào những những bức tường: “Thơ có ích gì?”. Tôi nín thở. Bà ấy có thể là con gái của Plato đang chất vấn tôi. Tôi nhớ rằng khi ấy hội trường im phăng phắc. Tôi nghĩ: chẳng có gì, tôi chẳng thể nói gì. Tôi thốt ra mấy lời, những từ ngữ mà, tận một năm sau, tôi biến chúng thành tâm trạng chưa từng thú nhận trong một bài thơ. Bài thơ có tựa đề khá giản dị – “Question time” (Hỏi thời gian) – và nó sẽ được in trong cuốn sách của tôi, Birthplace with Buried Stones (Nơi sinh với những Hòn đá chôn giấu), sắp được xuất bản vào tháng 10/2013:

Hỏi thời gian

Tôi nhớ cạnh sắc hằn sẹo
Của dãy núi mà trăng trôi ngang qua

người đàn bà với chiếc áo thun màu đỏ,
Như tia lửa phát quang nơi gốc cây đã mục, như những bụi cây rực lên vì phồng giộp

Giơ tay đặt câu hỏi giữa căn phòng chật kín –
Thơ có ích gì?

Trên kia, những ngọn đèn nhấp nháy
Đường điện hẳn có vấn đề

Tôi quay lại và thấy trăng xoáy trong nước,
Dãy Rockies như rùng mình bởi một thứ ánh sáng màu hoa cà

Những sinh vật biển cắt thành tán lá trên trời
Trong bóng cây tôi và anh đã từng

Môi chạm môi, đùi lướt đùi,
Mơ về một quá khứ giải thoát cho những kẻ bị cầm tù trong đó.

Đứng từ xa tôi nhìn người đàn bà ấy và nói –
Chúng ta có thơ

Nên chúng ta không chết vì lịch sử.
Tôi cũng chẳng biết mình phải nói gì.

2

Có thể chúng ta nghĩ về lịch sử như là những gì thuộc quá khứ được giao nộp cho ký ức, được ghi lại bởi những người ở vị trí được làm việc này, quyền lực của họ là quyền lực của kẻ thao túng những hình thức ghi chép công khai. Nhưng có một dòng ngầm quan trọng của lịch sử mà tôi đã nhận ra: những bức thư, nhật kí, bản thảo, kí tự bí mật trên những mảnh giấy được lén lút chuyển ra từ chốn ngục tù. Với tôi, thơ, trong chủ ý của nó, vốn dĩ gần hơn với dòng chảy bị chôn giấu này; lãnh địa của thơ là những gì được cảm nhận từ trong sâu thẳm, từ “trong huyết quản và trái tim”, như Wordsworth từng viết trong những dòng thơ thâu tóm tư tưởng cốt lõi của ông khi suy ngẫm về quá khứ và bản chất bất khả của nó – tức là sự bất khả của ý thức khi muốn tìm cách quay về quá khứ.

3

Lãnh địa của thơ ca là những gì được cảm nhận từ sâu thẳm và về bản chất, không thể nói lên được; đó chính là thứ nghịch lý mà tất yếu thơ ràng buộc vào. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ giống như họa sĩ dùng sắc màu, chất liệu quan trọng nhất để hình thành tác phẩm nghệ thuật. Nhưng thứ ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày quanh ta – trong những âm thanh, quảng cáo, hùng biện chính trị, báo chí – cần phải được thanh lọc để có thể được sử dụng như là chất liệu nghệ thuật.

Bài thơ, trong hành động tạo nghĩa của nó, quay lưng lại với vùng nghĩa đen của ngôn từ; tính chân thực của nó gắn liền với cái có thể được nó khơi gợi. Và hình ảnh được gợi ra này vụt lóe lên được là nhờ ký ức.

[…]

4

Trong khi thơ ca gắn bó với cơ cấu cảm giác ở con người, với sức mạnh cảm tính của sự hiện sinh của thân thể, với những kí ức lấy sức mạnh từ những cảm xúc được các giác quan đẩy lên cao độ, thì đồng thời nó cũng gắn với nơi chốn. Chính tại nơi chốn mà chúng ta định vị bản thân, đánh dấu chính mình trong quan hệ với những kẻ khác; chính tại nơi chốn, ta tồn tại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quá khứ nếu nơi chốn ấy không còn, khi cảm giác bị gạt bỏ phũ phàng, khi chính sự lưu đày hay xê dịch mới đánh dấu những giới hạn của hiện sinh?

5

Tại sao ta lại cần thơ ca trong thời điểm thế này? Với tôi câu hỏi ấy nằm trong một câu hỏi khác: Việc chúng ta thuộc về một thế giới bạo lực thì có ý nghĩa gì?

Tôi nghĩ đến kho dữ liệu vô hình mà một chúng ta mang trong mình, đến sự tích lũy mang tính cá nhân sâu sắc các hình ảnh, âm thanh, mùi vị và những mảnh nhỏ của những thứ vật chất đôi khi bị phá hủy mà ký ức nhận về – và có lẽ đây là một cách khác để nghĩ về dòng sáng lấp lánh của đời sống bên trong vốn cấp ý nghĩa cho sự tồn tại của con người, tất cả những thứ đó sẽ kết tinh lại khi ta can đảm nói chữ “Tôi”. Chắc chắn đó là địa hạt của thơ ca.

6

Được nhấn mạnh ở phần trung tâm bài luận “Sự biện hộ của thơ ca” (1821) của Percy Shelley là những dòng mà trong đó, ông nhắc đến sức mạnh tự thân của bài thơ: “Nó tạo ra cho chúng ta một sự sống khác trong sự sống của chính mình. Nó biến ta trở thành cư dân của một thế giới mà so với nó, cái thế giới quen thuộc ta vẫn sống chỉ là sự hỗn loạn. Nó tái tạo cái vũ trụ thường ngày mà chúng ta là một phần trong đó và là kẻ tri giác nó, và nó thanh tẩy từ cái nhìn bên trong ta lớp phủ của sự quen thuộc, thứ đã che khuất nỗi ngạc nhiên của chúng ta về chính sự sống của mình.”

Cái thế giới đối nghịch ấy, cái sự sống khác trong sự sống của mình ấy, cái vùng khát vọng mà thơ ca khơi gợi nên ấy là gì? Chắc chắn có một sự thật lớn lao bị vùi chôn ở đây, một thứ gì đó liên quan đến trạng thái ngất ngây của ta, sự xuyên thấu của cảm giác mà lí tính thuần túy không thể tạo ra, một kiểu tạo nghĩa, mà thiếu nó, tất cả chúng ta đều có thể trở thành kẻ bị cầm tù bởi chính xác thịt của mình.

7

Đã có những thời kì trong lịch sử chung của nhân loại, ở một số nơi trên thế giới, có những nhà thơ và ca sĩ bị cấm đoán. Nhưng tại sao? Thơ có gì mà khiến người ta phải sợ hãi? Chính xác là vì sức mạnh của bản ngã sống động, thường biến mà thơ ca giải phóng - thứ khát vọng không bao giờ có thể bị ràng buộc bởi luật lệ hay pháp chế. Đó là sức mạnh của con người, là cấp độ tinh thần trong đời sống con người.

8

Bài thơ là một phát minh tồn tại bất chấp lịch sử. Hầu hết các sức mạnh trong đời sống thường nhật mà ta đang sống giờ đang hiệp lực để cản ngăn việc sáng tác một bài thơ. Có thể vẫn còn có không gian nào đó cho thơ được xuất bản, nhưng lại không có không gian cho sự sáng tạo: không có không gian đặc biệt nào nơi người ta được phép ngồi suy ngẫm, dẫu rằng trường đại học có thể vẫn còn một khoảnh rất nhỏ cho điều này.

Trong một thời đại bạo lực, nhiệm vụ của thơ theo cách nào đó là hòa giải chúng ta với thế giới và trao cho chúng ta một chút dịu dàng và thanh cao để ta có thể tồn tại trong thế giới này. Tôi tin sâu sắc vào điều đó, và tôi xem đó như một nỗ lực để dấn thân vào những sự phức tạp của thời đại này, thậm chí ngay cả khi chúng tàn bạo; nhưng thông qua đó, trong chừng mực nhất định, sứ mệnh của thơ là hòa giải chúng ta với thế giới – đó không phải là việc chấp nhận giá trị bề mặt hoặc đồng tình với những điều sai trái, mà là một sự hòa giải hiểu theo nghĩa rộng hơn, để chúng ta trở lại với tình yêu, với địa phận của trí tưởng tượng, về với không gian của cuộc sống trần thế hữu hạn.

9

Thơ là một thứ nghệ thuật bị bỏ rơi, nhưng không phải đối với những người sáng tác, mà đối với nhiều người khác . Tuy nhiên, có một đặc ân mà thơ ca đem lại, một điều, thật nghịch lý, lại khó nắm bắt bằng ngôn từ, một hối thúc mãnh liệt mà Shelley cố gắng khơi gợi trong luận văn “Sự biện hộ của thơ ca” – đó là nhiệm vụ cao cả và bất khả của thi sĩ trong lịch sử mà chúng ta có thể rút ra từ đó giải pháp cho ngày hôm nay

Mở đầu bài luận của mình, Shelley nói về vẻ đẹp và cách thức mà nhờ đó trực giác về cái mà ông gọi là “cái trật tự không thể phá hủy” được trao cho nghệ sĩ. Từ trực giác ấy mà dẫn đến sự xuất thần của đức tin. Ông cho rằng nghệ sĩ là “những người hình thành nên luật pháp, và những người lập nên xã hội dân sự”, tóm lại là, các nhà lập pháp: danh xưng dành cho họ trước đây.

Với tôi bây giờ, điều này dường như là một sự xuất thần nhưng không cứu được cho một cơ thể đang rơi tự do, tìm cách hạ xuống một không gian khả dĩ nào đó để có thể sống sót. Chắc chắn chúng ta hãy đừng đeo ý tưởng về sự lĩnh hội sâu sắc cái đẹp và “thế giới vô hình này” lên các nhà lập pháp thông thường bây giờ, đừng gắn nó với các quốc hội và nghị viện, các quy trình pháp lý và đại diện toàn quyền.

10

Tôi nghe những cái móc nhảy nhót.
Vạt áo cởi nút.
Một trái tim đang đập, đang thở


Nhưng chúng ta nên chăng? Chắc chắn một đời sống biết xúc động, rung cảm - và, tôi muốn nói thêm, thơ, theo nghĩa rộng nhất mà Shelley nói tới - rất quan trọng ngay cả với những nhà lập pháp và những quyết định được đưa ra. Bản chất của luật sử dụng súng và các vấn đề về nhập cư chỉ là hai ví dụ ta có thể nghĩ đến, rút ra từ các cuộc tranh luận gần đây của chúng ta.

Nhưng có lẽ đối với Shelley, cái bóng của lời tiên tri là những gì cho phép các nhà thơ có tư cách như những nhà lập pháp - theo đó, nhà thơ như “người giải thích sự huyền bí của một nguồn cảm hứng chưa được thấu tỏ; là tấm gương của cái bóng khổng lồ mà tương lai soi lên hiện tại”

Tôi nhớ đến bài thơ đáp lại Shelley của George Oppen. Trong một bài thơ có tên “Thảm họa”, Oppen viết:

những cuộc chiến phương tây
gió và bão
về chính trị tôi đã chán ngấy sự phù phiếm
của nhà thơ những nhà lập pháp
của cái thế giới
vô thừa nhận

Cái thế giới vô thừa nhận này là gì? Như thường thấy, đó là một thế giới nằm rất sâu để người ta có thể rơi nước mắt vì nó.

11

Tôi đã ở New York vào ngày 11/9. Thơ là một phương thức để người ta sống sót. Tôi đã viết trên những mẩu giấy nhỏ mình mang theo. Mọi người đọc to những bài thơ cho nhau, trên đài phát thanh, ở quảng trường Liên Hiệp Quốc và những nơi công cộng khác. Có điều gì đó ở bài thơ cho phép người ta biểu hiện được trạng thái mãnh liệt của cảm xúc vốn rất cần thiết trong thời gian khủng hoảng. […]

Tôi đã viết một chùm thơ được đặt tên “Sau đó có một hòn đảo”. Khi viết chùm thơ này, tôi đã liên tục tới khu Ground Zero [khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị phá hủy trong vụ tấn công 11/9 – ND], cố gắng đến gần hiện trường nhất, quay trở lại nơi đây nhiều lần, như một cuộc hành hương. Địa điểm này nay đã như một nghĩa trang của hàng ngàn con người với mùi hôi thối của xác thịt và dây điện cháy. Một lần, khi đi qua phố Liberty, tôi bị ấn tượng mạnh bởi một cậu lính bảo vệ vòng ngoài hiện trường còn rất trẻ. Đó một cậu thanh niên đầy tàn nhang, nét mặt tươi tắn. Phía sau cậu là tường của tòa tháp phía Nam, một ông lão đã rất già dựa vào đó tạo dáng chụp ảnh, lũ trẻ nhỏ la hét đàn chim bồ câu trong niềm phấn khích, một nhân viên cứu hộ, đặt tay ôm cổ họng, khuôn mặt mệt mỏi tột độ, mặt nạ chống khí độc lủng lẳng bên hông anh ta.

12

Vào tháng sau đó, có một cuộc gặp gỡ tại một Viện nghiên cứu châu Á/người Mỹ gốc Á mới được thành lập. Tôi được đề nghị tham gia ban chủ tọa; cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Trung tâm Cao học nơi tôi dạy. Đó đại loại là một dịp mà đúng ra tôi sẽ mặc một chiếc sari mà không cần đắn đo - nhưng giờ đây có điều gì đó làm tôi lấn cấn.

Hai trong số các sinh viên Nam Á của tôi trước đó từng gặp phải rắc rối khi mặc y phục phi Tây phương: người ta đã la hét, có kẻ ném cả chiếc túi giấy vào cô bé. Một người bạn kể với tôi qua điện thoại về lần ra ngoài một buổi tối ở Boston bị một người đàn ông la hét và nhổ nước bọt vào cô như thế nào.

Một sự ngờ vực đã lan rộng ra cộng đồng người châu Á, Nam Á, người da nâu – những người trông có vẻ như là người Ả Rập. Tôi muốn lựa chọn cuộc chiến của tôi. Tôi muốn có sự kiểm soát đối với những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nếu việc tỏ ra khác biệt có thể trở thành điều nguy hiểm, thì sẽ thật vô nghĩa nếu ta chủ ý chấp nhận chịu đựng Tôi cần phải giữ năng lượng để viết, và tôi đang viết rất nhiều thơ.

Tôi cuộn chiếc sari của tôi lại thật khéo léo để không làm nhăn nó, đặt nó một cách cẩn thận trong một chiếc túi nilon mà tôi cắt từ phần giữa túi đựng sách của tôi. Trong toilet nữ tầng 4, tôi trút bỏ bộ quần áo và mặc chiếc sari lên mình. Tôi ngắm nhìn lụa lướt trên sàn lát gạch và không chớp mắt nhìn vào khuôn mặt mình trong gương.

Trông da mình thật tối, chất Ấn Độ không thể lẫn đi đâu được. Tôi cần suy nghĩ vượt qua nỗi e sợ. Sau này khi làm thơ, tôi nghe tiếng Kabir, thi thánh thời trung đại, hát cho tôi, cho tôi can đảm để sống cuộc đời của riêng mình. Đây là bài thơ tôi đã làm.

Kabir Hát trong Thành phố Những Tòa tháp Cháy
Thật đáng xấu hổ
họ làm mi sợ
nên mi lột bỏ chiếc sari của mình,
vò nát chúng thành một cuộn tròn
và rồi trải nó ra
trên sàn toilet.
Đốm lửa từ những tòa tháp
lẩn trốn qua nếp lụa.

Với mái tóc đen của mi
và làn da cháy nắng
mi chỉ là một đứa con của trái đất.
Kabir -người thợ dệt hát:

Hỡi loài người và loài chó
trong thời khắc buồn đau
quả đất đang quay của chúng ta
nhỏ lại.

13

Nghệ thuật trong thời đại chấn thương là một động thái dịch rất cần thiết. “Những mảnh vỡ của một chiếc bình,” Walter Benjamin viết, “được dính keo lại với nhau.”

Nhưng sẽ ra sao nếu như chất keo dính này lộ ra, các vết nối, vết nứt gãy?

Trong thời đại bạo lực, các tác phẩm nghệ thuật phải sử dụng khung của cái thực, nó làm công việc dịch một bản thảo dường như không đọc được, một thứ mã của sự phục hồi chấn thương.

Có vẻ như với tôi, trong nhịp điệu của mình, bài thơ, tác phẩm nghệ thuật, có thể kết hợp với nhịp điệu, âm hưởng của cái thực tại, của những bước ngập ngừng, những im lặng đột nhiên, những bùng nổ tàn bạo thành một chỉnh thể chặt chẽ. Để rồi, những gì được ráp lại với nhau không chỉ là một tác phẩm tồn tại như một vật thể trong thế giới, mà, trong sự hài hòa mà vẫn chực bất an của nó, trong cái bóng trải ra lấp lánh của nó, cho phép thế giới bước vào bài thơ.

Tôi nghĩ về nó như một sự tái tạo trả lại cho ta cuộc sống của ta, mong manh, bấp bênh.

14

Đôi lời để kết luận.

Tôi nghĩ về nhà thơ trong thế kỷ XXI như một người phụ nữ đứng sau cửa tối.
Chị ta là một người nội trợ, nhưng là một người nội trợ kì quặc.
Chị phân vân trong lối cửa tối. Chị cần phải ở đó bên ngưỡng cửa để tìm một sự cân bằng, để duy trì một mái nhà bên rìa của thế giới.
Chị đưa cả hai tay mình ra. Chúng sẽ giúp chị vững vàng, giúp chị tìm lối đi riêng.
Chị ta phải phát minh ra một thứ ngôn ngữ có thể biểu thị bởi nhiều thứ tiếng.

Về những gì mà chị viết, chúng trói buộc chị với cái hữu hình, đối diện với không gian công cộng, chúng đánh dấu sự nguy hiểm, đánh dấu niềm ham muốn.

Phía sau chị, trong bóng tối của ngôi nhà mình thông qua chị, chảy tràn ra những thứ ngôn ngữ mà không ai trong số những người chị biết sẽ có thể đọc hay viết được những ngôn ngữ ấy.

Những ngôn ngữ ấy tạo hình một thân thể bị mất2 bằng phương pháp khắc axit. Một thân thể tinh tế, sống động, không thể chiếm đoạt.
Nguồn gốc của mọi sự dịch.
Về tác giả bài viết: Meena Alexdander (1951) là nhà thơ, học giả có uy tín quốc tế. Sinh tại Allahabad, Ấn Độ, lớn lên ở Ấn Độ và Sudan, hiện bà sống và làm việc tại TP New York, nơi bà được bầu chức danh Giáo sư danh dự khoa Văn học và Ngôn ngữ tại ĐH Hunter.

Nguyễn Đức Tâm An dịch

Giáo dục công dân và nền dân chủ



Bùi Văn Nam Sơn




Alexis de Tocqueville (1805–1859), trong Nền Dân Trị Mỹ (bản tiếng Việt của Phạm Toàn, NXB Tri Thức, tái bản lần 3, 2013), nổi tiếng với nhận định: nền dân chủ hiện đại không thể vận hành tốt mà không có "những đức tính của người công dân".

Vì thế, theo ông, khoa học chính trị không chỉ nghiên cứu nền dân chủ như là định chế mà còn như là lối sống đặc thù, lối sống của "con người dân chủ". Lối sống ấy thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm, nhất là trong những "tập quán của con tim", bởi, những quyền tham gia của người dân mà mọi hiến pháp dân chủ đều cam kết chỉ có thể trở thành hiện thực trong một nền "văn hóa chính trị" sống động. Ông du nhập một thuật ngữ hệ trọng vào châu Âu: sự dấn thân dân sự (civic involvement), và đặt xã hội trước "sứ mệnh giáo dục về nền dân chủ" (mission to educate democracy). Thật đáng kinh ngạc khi thấy rằng những tư tưởng rất hiện đại ấy, về cơ bản, đã sớm có mặt trong triết học chính trị và giáo dục của Aristoteles hơn hai nghìn năm trước!

NHỮNG ĐỨC TÍNH CÔNG DÂN

"Thực tế" hơn thầy của mình là Platon và cũng tỉnh táo không kém cựu thủ tướng Anh W. Churchill, Aristoteles (cũng như Platon) tuyệt nhiên không xem thể chế "dân chủ" là "tốt nhất" mà chỉ là "ít xấu nhất" so với mọi hình thức khác trong lịch sử! Trong Chính trị luận (bản tiếng Việt của Nông Duy Trường, NXB Thế giới, 2012), ông phân biệt chế độ dân chủ như là quyền lực của số đông (demo-cratein) với sự cai trị của số ít (olig-archein) hoặc của một cá nhân. Sự khác biệt tùy thuộc vào việc chế độ ấy thực sự phục vụ cho lợi ích chung hoặc chỉ do lợi ích riêng của một tập đoàn hay một cá nhân. Tùy vào thực chất, ba loại chế độ đều có thể thoái hóa: quân chủ trở thành chuyên chế, quý tộc trị trở thành tập đoàn trị, dân chủ trở thành độc đoán của đa số. Sở dĩ dân chủ là hình thức "ít xấu nhất", vì, theo ông, đó là nơi con người - với tư cách là "sinh vật chính trị" - có thể thực hiện bản tính của mình. Trung thành với ý tưởng về "hạt mầm" (entelechie), đặc tính (nhân học) này chỉ có thể hiện thực hóa trong đời sống cộng đồng. Vì thế, giống như Platon, ông tập trung vào nền "giáo dục công cộng" (quyển 7 của Chính trị luận). Nền giáo dục ấy không giới hạn vào việc khuyến khích các đức tính công dân chỉ với mục đích là củng cố và duy trì trật tự nhà nước hiện có. Trái lại, cần có cái nhìn rộng hơn để vun bồi những đức tính với mục đích "hoàn thiện tâm hồn" nói chung. Nói cách khác, cái chính trị "đơn thuần" phải được vượt bỏ và nâng lên mới có thể hiện thực hóa nó.

Xã hội gồm nhiều loại người khác nhau. Giống hệt nhau, làm sao có xã hôi?
Aristoteles
Aristoteles nêu ba đức tính chính trị của người công dân: dũng cảm, công bằng và sáng suốt. Chúng vừa là nguồn gốc cho sự tự trọng của mỗi cá nhân, vừa là điều kiện cho hạnh phúc cá nhân và cộng đồng. Trong nền dân chủ hiện đại, những đức tính "bản chất" ấy, với tên gọi khác, vẫn còn đầy sức sống. Ngày nay, có lẽ người ta sẽ gọi là: sự quả cảm trong xã hội dân sự, cảm thức về công lý và năng lực lấy thái độ chính trị. Dù điều kiện xã hội có thay đổi đến đâu và trọng tâm được đặt vào đức tính nào, cả ba rõ ràng quan hệ với nhau rất mật thiết. Cảm thức về công lý đòi hỏi phải có năng lực phán đoán để biết lấy thái độ chính trị, đồng thời cũng cần có lòng quả cảm để thực thi trong thực tế. Trong ba đức tính ấy, năng lực phán đoán giữ vai trò chủ đạo. Tình hình càng phức tạp, hành động và hệ quả càng khó lường, năng lực phán đoán càng cần thiết. Ngược lại, năng lực phán đoán chính trị lại cần dựa vào cảm thức công lý và lòng quả cảm mới có hiệu nghiệm.

Đúng theo tinh thần triết học giáo dục của Aristoteles, các đức tính chính trị nói trên không phải là phẩm tính tự nhiên, mà phải được sở đắc dần dần qua sự "rèn tập thành thói quen" trong bối cảnh và thực tiễn chính trị, xã hội tương ứng. Từ thời cổ đại sang cuối thế kỷ 19 của Alexis de Tocqueville đến thế kỷ 21 của chúng ta, dường như đều đúng như thế cả! Có chăng, sự phát triển năng lực phán đoán chính trị ngày nay, về cơ bản, một mặt, là vấn đề của truyền thông và giáo dục, và mặt khác, là làm sao có nhiều điều kiện để tích cực tham gia vào đời sống công cộng.

Ta không quên nhắc lại một điểm trung tâm và đặc sắc khác trong cách hiểu về dân chủ và giáo dục của ông: sự đa dạng của những "cái tốt". Được tiếp cận với nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau, với nhiều kỹ năng và nhiều ngành nghệ thuật là yêu cầu cơ bản để phát huy tiềm lực giáo dục nơi con người. Để hành động hợp lý, ta cần biết đến các khả năng khác để có thể lựa chọn. Khác với cương lĩnh giáo dục ít nhiều mang tính "quyền uy” của Platon, đường lối giáo dục khai phóng và tự do của Aristoteles lưu lại ảnh hưởng sâu đậm nhất trên nền giáo dục Tây phương hiện đại, thể hiện trong ước muốn được tự do "mưu cầu hạnh phúc". (Đồng thời, ta cũng không quên sự khó khăn trong việc điều hòa các xung đột khó tránh giữa những "cái tốt" mà bản thân Aristoteles cũng từng vướng phải, chẳng hạn, khi bênh vực... chế độ nô lệ!).

GIÁO DỤC DUY THỰC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA NÓ

Ta dễ dàng nhận ra những chỗ mạnh của triết thuyết giáo dục duy thực, trong thực tế, đang tiếp tục chiếm lĩnh tư duy giáo dục hiện đại. Trước hết, từ mục đích giáo dục:

1. Mục tiêu tối cao của đời sống và của giáo dục là hạnh phúc (theo nghĩa rộng của eudaimonia); 2.Mục tiêu ấy phụ thuộc vào việc vun bồi lý tính; 3.Vì thế, cần tăng cường học tập từ kho tàng tri thức được hệ thống hóa của nhân loại; và 4. Hiện thực hóa tiềm năng của người học để đáp ứng các vai trò và các trách nhiệm xã hội khác nhau trong cuộc sống được hợp lý hóa cao độ.

Từ mục đích ấy, rút ra chức năng chính của nhà trường: truyền đạt và không ngừng phát triển lẫn sử dụng tri thức. Chương trình giảng dạy, mặc nhiên và kỳ cùng, là đào tạo chuyên ngành "khoa học", ở đâu cũng giống nhau vì chân lý thì bao giờ cũng... giống nhau! Về phía người dạy, phải nắm vững nội dung chuyên môn và cần có kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp. Các tiêu chuẩn đánh giá (PISA, sắp hạng đại học, chuẩn giáo sư...) ngày càng đồng dạng và thống nhất.

Mô hình duy thực được ủng hộ từ nhiều phía: giáo chức, phụ huynh, giới kinh tế, chính trị và những ai có... "đầu óc lành mạnh".

Tiếng nói chỉ trích ngày càng mạnh mẽ cất lên từ phía các tác giả "hiện sinh" và "hậu-hiện đại": 1.Mô hình duy thực còn thiếu phê phán đối với óc "duy khoa học"; 2. Quan niệm quá "hẹp" và "cứng nhắc" về con người; 3.Tự xưng là "toàn diện" (trí, đức, thể, mỹ) nhưng sa vào chỗ phân loại và phân ngành quá sớm; 4.Chịu trách nhiệm về hệ thống điểm số phiến diện và thi cử nặng nề.

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 10, 21.11.2013)

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Công nghệ biến lá cây thành than sau vài giờ



Các nhà khoa học Đức đã phát triển một công nghệ mới, cho phép biến lá cây thành chất đốt sau một đêm.

Những cục than này sau đó có thể được dùng để đốt cháy trong những trạm phát năng lượng thông thường.

Công nghệ này có thể được coi là một cách mạng công nghệ xanh khi giúp giải quyết được vấn đề cung cấp năng lượng.

Rác thải từ vườn như cỏ, lá cây hoặc phần bị cắt xén sẽ được cho vào trong một “nồi áp suất”, nơi chúng bị ép thành dạng than. Chiếc máy này đã hoàn thành một quá trình kéo dài hàng triệu năm trong chỉ vài giờ.
Than được sản xuất từ lá cây rụng.





Theo ông Frieldrich von Ploetz, giám đốc nhà máy Suncoal, có trụ sở bên ngoài Berlin, một trong 3 nhà máy than sinh học đang hoạt động tại Đức cho biết: “Loại than sinh học này cũng có đầy đủ đặc điểm của than tự nhiên. Duy chỉ có một điểm khác là khí CO2 nó sinh ra là trung tính”.

Điểm nổi trội của công nghệ mới này không giống như những quy trình sản xuất khí sinh học thông thường, những chất thải hữu cơ, trong đó có cả thức ăn thừa, cũng có thể “carbon hóa” và chuyển thành nhiên liệu được.

Đột phá này đồng nghĩa với việc riêng tại Đức, hàng năm, một lượng chất đốt khoảng 4 triệu tấn sẽ được sản xuất. Lượng chất đốt này đủ để cung cấp điện cho 2,5 triệu hộ gia đình.

Theo Kienthuc


Hội nhập văn hoá phương Tây: Không thể bừa bãi



Hơn một thế kỷ qua, nước ta có hai thời kỳ giao thoa văn hóa Đông Tây xét ở phạm vi toàn quốc, nói chính xác hơn là giao thoa văn hóa bản địa và văn hóa phương Đông đã bản địa hóa và văn hóa từ phương Tây du nhập.





Thời kỳ thứ nhất, mang tính cưỡng bức diễn ra vào khoảng những năm 20 cho đến cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Thời kỳ thứ 2 là thời kỳ tự nguyện mở cửa và hội nhập, sôi động nhất là từ những năm 90 của thế kỷ trước đến ngày nay...

Ở thời kỳ thứ nhất, sau khi cơ bản bình định xong các phong trào chống đối, chính quyền thực dân Pháp ồ ạt du nhập văn hóa chính quốc vào thuộc địa Đông Dương, nhất là Việt Nam với những ý đồ có lợi cho chủ nghĩa thực dân. Bằng văn hóa, họ sẽ tạo ra một tầng lớp trí thức bản địa được "khai sáng" văn minh chính quốc, thần phục Pháp và từ đó sẵn sàng hướng theo Pháp, làm công cụ cho Pháp. Để thực hiện chủ trương này, họ xây dựng một hệ thống giáo dục theo mô hình giáo dục Pháp, đưa văn hóa Pháp vào nội dung giảng dạy, đào tạo; du nhập tràn ngập những tác phẩm nghệ thuật, văn hóa phẩm, lối sống, ngôn ngữ Pháp… vào nước ta. Bên cạnh ý đồ phục vụ sự cai trị của chính quyền, có một dòng khác, dòng văn hóa do những người Pháp, những người sùng mộ Pháp du nhập. Đó là những khu phố, nhà ở của người Pháp; thực phẩm, lối ăn uống, lối mặc, lối giao tiếp Pháp… Nền văn hóa này lập tức bị nền văn hóa bản địa chống lại như một lẽ tự nhiên. Đó là văn hóa của kẻ xâm lược, văn hóa thực dân đụng độ với nền văn hóa bản địa, đề cao độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng bên cạnh mặt tiêu cực, cuộc du nhập, chủ yếu bằng con đường cưỡng bức của văn hóa phương Tây vào Việt Nam cũng mang lại những hiệu quả tích cực ngoài mong muốn của chính quyền thực dân. Đó là sức mạnh hỗ trợ cho cuộc vùng vẫy để thoát ra khỏi tầm cương tỏa của văn hóa Hán hóa. Là cuộc tiếp thu những tinh hoa phương Tây, Việt Nam hóa văn hóa phương Tây để làm phong phú cho văn hóa bản địa mà điển hình của nó là chữ quốc ngữ. Là sự hình thành một tầng lớp trí thức mới, mảnh đất màu mỡ cho quá trình gieo cấy, hòa nhập văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.

Sau hơn 20 năm đất nước chia làm hai miền, miền Bắc tiếp thu nền văn hóa mang màu sắc XHCN ở các nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, chủ yếu là Trung Quốc, Liên Xô và các nước ở Đông Âu. Miền Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Mỹ, do chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ mang lại. Năm 1975, đất nước thống nhất và đến năm 1986, quá trình Đổi mới được khởi xướng theo con đường hội nhập và phát triển. Một trào lưu văn hóa mới, trào lưu hội nhập văn hóa rộ lên, chi phối hầu hết các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Luồng văn hóa từ phương Tây và ảnh hưởng của phương Tây vào Việt Nam trước hết làm thay đổi cái nhìn của người Việt Nam với thế giới. Trước đây là một không gian đóng kín. Xung quanh chúng ta là một bức tường, bên kia bức tường là một thế giới hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn khác biệt đến mức trong sự hình dung của không ít người, ngay cuộc sống bình thường của con người cũng không thể hòa đồng được. Với chính sách mở cửa, nhiều người - đặc biệt là giới trí thức Việt Nam nhận ra rằng, ngoài những điểm khác biệt mà những khác biệt này chủ yếu là do giới chính trị, giới cầm quyền vốn ghét cay ghét đắng CNXH tạo ra, cuộc sống con người, văn hóa của loài người vẫn có nhiều điểm chung cho dù họ sống ở khu vực địa lý nào. Từ chỗ nhận ra những mẫu số chung ấy, cách nhìn, cách nghĩ của người Việt Nam đã khách quan, nhiều phản biện hơn. Khả năng xét đoán, lựa chọn những cái tốt giữ lại, những cái xấu thì chối từ, loại bỏ tăng lên. Lấy một thí dụ trong bóng đá chẳng hạn.

Trước đây, đối với tuyệt đại đa số khán giả nước ta, bóng đá của các nước trong Liên bang Xô viết, bóng đá của một số nước Đông Âu như Ba Lan, như Đông Đức là nhất thế giới. Nhưng rồi tầm mắt nhìn xa hơn, với trình độ công nghệ thông tin ngày càng tiến bộ, chúng ta được xem trực tiếp các giải bóng đá vô địch châu Âu, vô địch các câu lạc bộ châu Âu, vô địch Nam Mỹ, vô địch bóng đá thế giới… dần dà, sự đánh giá, ngay cả sự hâm mộ cũng khác đi. Cách nhìn của người Việt Nam với nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển, thậm chí với các đội bóng công bằng, khách quan hơn. Thái độ cởi mở, tôn trọng sự thật tương tự như vậy còn có ở hầu hết các lĩnh vực, giúp chúng ta từ bỏ dễ dàng hơn những tư tưởng cũ, cách đánh giá cũ nhiều khi sai lầm, thiên lệch.

Cũng sau hơn 25 năm mở cửa, bằng các cuộc giao lưu, bằng những thông tin từ nhiều nguồn, văn hóa phương Tây với những tinh hoa của nó đã giúp cho tầm dân trí, tầm văn hóa của người Việt thay đổi rất nhiều. Những hiểu biết về văn hóa thế giới đã giúp cho khi nhìn vào văn hóa Việt Nam, cùng một lúc, giảm tông cả hai thái cực. Thứ nhất là cho rằng văn hóa Việt Nam là nhất, không những Việt Nam là cái nôi sinh ra loài người mà còn là một trong những chiếc nôi sinh ra nền văn minh của loài người. Không chỉ trong quá khứ mà ngay hiện nay, Việt Nam cũng là đại diện cho một nền văn minh, nền văn minh lúa nước ở một quốc gia nhiệt đới nóng ẩm. Ngược lại là xu hướng tự ti nhược tiểu, thấy cái gì ta cũng lạc hậu, hèn kém, chưa rõ hình hài.

Từ chỗ biết căn kẽ hơn cái gì mình có họ cũng có, cái gì mình có mà họ không có, cái gì mình thiếu mà họ có, cái gì nếu cố có thể theo được, cái gì khó có thể bằng người từ việc soi rọi mình với thế giới, một động lực mạnh mẽ thôi thúc sự tìm tòi sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam được khơi dậy. Đã có vài chục năm, văn học nghệ thuật chỉ biết đến một học thuyết, một phương pháp sáng tác. Nó có nhiều mặt tích cực nhưng chưa đủ, nó là sự tiến bộ nhưng không phải không có khiếm khuyết. Giờ đây, tùy "gu" nghệ thuật, các nghệ sĩ có thể tự do lựa chọn cho mình một phương pháp sáng tác nào đó, từ đồng hành với phương Tây hiện nay đến khơi lại, làm mới hơn nhiều thứ các nghệ sĩ và công chúng phương Tây đã bỏ qua hàng thế kỷ. Trong mỹ thuật là tượng trưng, ấn tượng, trừu tượng, sắp đặt. Trong âm nhạc là các dòng nhạc có gốc dân gian, có gốc bình dân hoặc điện tử, thậm chí khơi lại dòng nhạc lãng mạn, nhạc trữ tình từng sôi động một thời. Trong văn học là cuộc đua làm mới lại chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa tân hình thức và nhiều trường phái cận đại khác. Người ta không còn bằng lòng chung nhau một chiếc ô nữa mà chia đường rẽ ngả nào cấu trúc luận, cá nhân luận, bản thể luận, hậu hiện đại luận... Những người tôn vinh phương pháp sáng tác hậu hiện đại cũng nhiều màu sắc. Ngay đến nội hàm của từ hậu hiện đại là gì cũng đang bùng nổ nhiều cuộc tranh luận gay go, chưa ai chịu ai. Xu hướng tự "cởi trói", tự do trong lựa chọn khuynh hướng, trường phái sáng tác từ lâu đã trở nên quen thuộc ở phương Tây, khi vào Việt Nam, tuy còn dò dẫm nhưng đã mở ra một không gian sáng tạo rộng thoáng, mới mẻ hơn, cho phép nhiều năng khiếu trở thành tài năng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng nghệ thuật. Và đến lượt mình, công chúng nghệ thuật ở Việt Nam cũng đổi mới, ít định kiến hơn trong rất nhiều lĩnh vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật.

Tuy thế, cũng không thể xem thường những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phương Tây đối với nền văn hóa, hẹp hơn là văn học nghệ thuật của nước ta. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa hiện nay ai cũng thấy rõ. Nguyên nhân dẫn đến điều đó chủ yếu từ chủ quan, từ "nội sinh" nhưng cũng không thể xem nhẹ những bụi bặm, ruồi muỗi cùng với hương thơm ùa vào nước ta từ khi mở cửa. Xu hướng tách văn học nghệ thuật khỏi những tác nhân xã hội, khỏi chính trị trong sáng tác cũng như thưởng thức đã xuất hiện ở chỗ này chỗ khác có nguồn gốc từ phương Tây. Xu hướng bạo lực, xu hướng sex hóa nhiều quan hệ xã hội đang ngày càng phổ biến. Người ta đang nói đến một cuộc "cách mạng" trong tình dục với rất nhiều điều đáng phiền lòng, làm băng hoại thuần phong mỹ tục và để lại rất nhiều tệ nạn, có một phần được cổ súy bởi ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây. Người ta cũng nói việc đề cao đồng tiền như một giá trị vạn năng, những quan niệm dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa yêng hùng cực đoan… cũng có phần nguồn gốc từ phim ảnh, ca nhạc, tiểu thuyết của bên ngoài, chủ yếu từ phương Tây. Cuối cùng, tác hại hơn cả, nó hạ thấp những thành tựu văn nghệ cách mạng, nó làm rạn vỡ và thu hẹp đội ngũ công chúng, hình thành một thị hiếu, một lối sống, một hệ tư tưởng chối bỏ dân tộc, sùng ngoại, chạy theo những giá trị tiêu cực trong văn hóa ngoại lai.

Xu thế hội nhập để cùng phát triển, trong đó có hội nhập văn hóa là không thể đảo ngược. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không nên và không thể là một ốc đảo về văn hóa. Chủ động hội nhập, chắt lọc mọi tinh hoa văn hóa bên ngoài, kể cả tinh hoa văn hóa phương Tây để làm phong phú mình là ích nước lợi nhà. Nhưng đẩy nhanh quá trình hội nhập không có nghĩa là hội nhập lấy được. Muốn tiếp thu được cũng cần phải học, cần có một trình độ nào đó để đón nhận và từ chối. Gần đây, còn có tiếng nói tỏ ý tiếc rẻ một số thành tựu văn hóa thực dân vì ta thắng trận mà phải ngừng lại, tiếc rẻ cho một giai đoạn lịch sử khá dài chỉ được phép phát triển một dòng văn hóa nên đã làm thui chột khá nhiều năng lượng của nền văn hóa nước nhà. Những tiếng nói ấy là phiến diện, không có căn cứ, nếu không nói rằng nói lấy được

V.D.T. (CÔNG AN NHÂN DÂN)

Nữ bác sỹ Việt Nam chữa nhiều bệnh nan y tại Hungary


“Con người ta thế nào cũng nghi ngại khi nghe tới một phương pháp chữa bệnh mới, giúp người liệt có thể đi lại, người điếc có thể nghe. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã thuật lại rằng phương pháp châm cứu cấy chỉ đã giúp họ làm được điều đó.”




Bác sỹ Lê Thúy Oanh. (Nguồn: Fejér Bálint)


Đây là đoạn viết trong bài báo có tựa đề “Cấy chỉ, hy vọng cho những phụ nữ muốn sinh con” về bác sỹ Lê Thúy Oanh, một gương mặt trí thức trong cộng đồng người Việt Nam tại Hungary của nhật báo Bors (Hungary).

Inez là một bé gái ba tuổi khỏe mạnh. Năm 2007, cha mẹ cháu tìm đến một nữ bác sỹ Việt Nam có phòng mạch tại Hungary và được bác sỹ áp dụng một phương pháp châm cứu mới mang tính “cách mạng."

Trả lời báo Bors, Cseri Zsófia (thành phố Kiskunfélegyháza, miền Nam Hungary) cho biết vợ chồng cô không muốn thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, vì nhiều người quen của họ khi tham gia chương trình này đã rất mệt mỏi về tinh thần, nhất là khi không thành công. Do đó, hai người quyết định thử một phương pháp chữa bệnh mà trước đó họ đã được nghe nhiều lời khen.

“Khi chúng tôi đến gặp bác sỹ Lê Thúy Oanh, chúng tôi nghĩ không có gì để mất. Tất nhiên chúng tôi cũng có nghi ngờ, nhưng quả thực điều thần kỳ đã đến với chúng tôi: sau một lần điều trị, tôi đã có thai” - Cseri chia sẻ.

Cseri nói cho tờ Bors rằng mỗi lần đi điều trị, cô được bác sỹ Oanh cấy chỉ vào 20-30 huyệt, kể cả vào thái dương. Sau Inez cô đã sinh bé thứ hai và đang mong chờ đứa thứ ba sẽ chào đời vào tháng Tư sang năm. “Bằng phương pháp này, tôi không chỉ có được những đứa con mà còn khỏi bệnh cường năng tuyến giáp mà trước đây một vị giáo sư 65 tuổi từng bảo tôi là 'đừng hy vọng gì nữa'."

Năm 1989, khi Hungary thay đổi thể chế, bác sỹ Oanh tới Hungary lần đầu và hiện tại, phương pháp cấy chỉ - một nhánh đặc biệt của châm cứu, do bác sỹ Oanh cải tiến và nâng cao tại Việt Nam, được bác sỹ áp dụng tại Hungary, duy nhất ở châu Âu.

“Thông qua hơn 1.200 huyệt đạo trên cơ thể, châm cứu có thể tác động tới những cơ quan nội tạng. Thậm chí, so với cách châm bằng kim truyền thống, chỉ trong cấy chỉ còn liên tục phát huy được tác dụng của mình cho đến khi nó hoàn toàn được hấp thu, do đó nó khiến quá trình chữa trị được thúc đẩy một cách hết sức tích cực,” bác sỹ Oanh tóm tắt bản chất phương pháp điều trị của chị cho tờ Bors.

Được biết, trong số bốn cuốn sách liên quan tới đề tài này của chị, đã có hai cuốn được đưa vào giảng dạy chính thức tại Đại học Y ở Việt Nam.

Không chỉ chưa vô sinh, cấy chỉ cũng đem lại thành công trong các căn bệnh tim mạch và liên quan đến sự vận động của cơ thể (nhiều khi còn hiệu nghiệm trong cả những trường hợp tưởng chừng vô vọng như điếc bẩm sinh, hoặc một số dạng bại liệt).

Tháng 5/2000, Albert László (54 tuổi, vùng Lukácsháza) bị những triệu chứng ngày càng nặng của căn bệnh bại liệt do viêm dây thần kinh và được điều trị. Bệnh nhân này kể với Bors rằng trước đây, tại viện, ông đã được các bác sỹ chữa chạy bằng cách khử khỏi máu những phần tử bị viêm nhiễm, nhưng cách điều trị này cũng chỉ khiến ông đỡ trong vòng 1-2 ngày.

“Tại cơ sở cấy chỉ Việt Nam của bác sỹ Oanh, tôi được cấy chỉ tại ít nhất là 40 huyệt đạo, trên đầu, thái dương, dọc các đốt xương sống, và giữa các ngón tay, ngón chân. Ngay sau lần điều trị đầu tôi đã thấy khỏe lên, và sau 1-2 tháng tôi đã có thể tự chống nạng tới chữa bệnh, rồi sau có thể bỏ nạng. Hiện giờ tôi làm công việc chân tay cường độ cao bên máy, mỗi ngày 12 tiếng, và tôi cảm thấy vẫn mạnh khỏe” - ông Albert kể. Hiện nay, cứ ba tháng một lần, ông vẫn từ vùng Lukácsháza xa xôi lên Budapest điều trị nhằm tăng cường hệ miễn dịch.

Một bệnh nhân xin giấu tên cho biết, sau khi bị chảy máu não, các bác sỹ đã bảo rằng không bao giờ ông có thể cử động được tay trái. Tuy nhiên, sau vài lần điều trị cấy chỉ, bệnh của ông đã thuyên giảm. Còn mẹ một cháu nhỏ bị bệnh tự kỷ thì kể rằng sau khi được điều trị, con chị điềm đạm hơn, ý thức hơn, và cử động của cháu cũng trở nên điều hòa và có sự phối hợp hơn.

Theo bác sỹ Oanh, trong điều trị, y học dân tộc Phương Đông nhìn nhận cơ thể con người là một thể thống nhất, và trọng tâm là sự cân bằng. “Chúng tôi chữa bệnh bằng cách kích hoạt những nguồn năng lượng đối nghịch, cũng như giải thoát năng lượng thừa, nghĩa là tìm cách khôi phục sự cân bằng nội tại của cơ thể”.

Hoàng Linh

TTXVN

Bạn học Tể tướng xứ Ếch



Tư dinh của ngài đương kim Tể tướng xứ Ếch lầu một lâu đài tráng lệ được xây dựng bằng chính "nhớt" của loài ếch. Hẳn nhiên, lâu đài của ngài luôn được bảo vệ nghiêm mật.

Sáng chủ nhật hôm nay, lâu đài của ngài xảy ra chuyện nghiêm trọng và nhanh chòng được loan truyền khắp nơi. Đám cận thần của ngài vui mừng vì kịp thời ngăn chặn được âm mưu thù địch, hòng tìm cách tiếp cận ngài Tể tướng. Các bảo vệ lâu đài của ngài Tể tướng quả thật là những " Ếch nhái " thông minh, tài giỏi.

Chuyện đồn đại thế này:

Sáng nay, một cụ Ếch nông dân đầu đội lá sen, tay mang giỏ tre đến lâu đài của ngài Tể tướng. Cụ Ếch chỉ mới nhảy đến cổng lâu đài đã bị các Ếch bảo vệ chặn lại, quát hỏi :

_ Này lão Ếch quê mùa, lão lê la ở đây làm gì?

_ Dạ thưa mấy anh- Tôi đến thăm Tể tướng ạ!

_ Ô hay, nhìn bộ dạng của lão thì làm sao quen biết tể tướng chứ?- Nói mau, Lão có ý đồ gì đây.

_ Dạ, thưa mấy anh. không dấu gì mấy anh, tôi là bạn học thời tiểu học ở dưới quê lên thăm ạ.

" Bốp" - lão Ếch đã bị bảo vệ giáng cho một báng súng. Chưa kịp hoàn hồ thì lão nhận ra nhiều ếch vệ sĩ vây quanh lão với súng chĩa thẳng vào.

_ Thưa... mấy anh- Lão Ếch run rẫy

_ Giơ tay lên ! Cấm động đậy- Một vệ sĩ Ếch quát lớn.

Lão Ếch riu ríu làm theo. Hai ếch vệ sĩ khác đã nhảy tới khóa tay lão.Một tên vệ sĩ lớn tiến.

_ Đúng là bố láo, mày định qua mặt bọn tao à?

_ Dạ thưa... tôi thực sự là bạn học của ... ngài Tể tướng ạ.

" Bốp" - Lão Ếch lại ăn ngay một cái bạt tay như trời giáng. Tên Ếch vừa đánh lão vừa đánh lão vừa bảo:

_ Tao theo Tể tướng từ bé. Ngài làm gì có " Bạn học" chứ!

_ ? ? ?

Đức ra luật công nhận giới tính thứ ba



Đức trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép trẻ em sinh ra có đặc tính của cả nam và nữ được công nhận là giới tính thứ ba.





Những đứa trẻ mới sinh tại Đức có thể được đăng ký "giới tính thứ ba" thay cho giới tính nam hoặc nữ như trước đây. Ảnh: Alamy.

Những người làm cha, mẹ tại Đức có đặc điểm giới tính của cả nam và nữ giờ đây có thể đăng ký con mình có “giới tính thứ ba”, theo một luật mới của nước này, nhằm mục đích giúp họ tránh phải làm những cuộc phẫu thuật giới tính không cần thiết cho con.

Luật công nhận giới tính thứ ba tại Đức có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2013. Đức trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép cha mẹ của em bé vừa sinh ra bỏ trống cả hai ô giới tính nam và nữ trên tờ giấy khai sinh của con, đồng nghĩa với việc lựa chọn “giới tính thứ ba” cho đứa trẻ. Sau này, đứa trẻ lớn lên có thể điền dấu X vào ô giới tính trong hộ chiếu, thay vì M (nam) hoặc F (nữ) như trước đây.

Điều luật mà Đức vừa thực hiện dựa trên thực tế là có một số người có cả hai giới tính. Họ còn được gọi là những người chuyển giới hoặc liên giới, trong cơ thể có cả nhiễm sắc thể nam và nữ, có những đặc điểm của cả hai giới.

Các nhà lập pháp Đức hy vọng rằng điều luật mới sẽ giúp các bậc cha mẹ giảm bớt áp lực về việc đăng ký giới tính vào giấy khai sinh cho con. Đôi khi, một số cha mẹ phải quyết định phẫu thuật cho em bé để định hướng giới tính rõ ràng.

Chính phủ đã từng nhận được nhiều lời phê bình, phàn nàn rằng thực hiện phẫu thuật quyết định cho đứa trẻ sơ sinh trước khi đứa trẻ đủ lớn và tự quyết định giới tính cho chính mình là một hành động vi phạm nhân quyền.

Một số người chuyển giới bị phẫu thuật quyết định giới tính từ bé cũng cho rằng việc phẫu thuật đã khiến họ tổn thương, khiếm khuyết về cả tinh thần và thể chất. "Tôi không phải đàn ông hay phụ nữ. Tôi là một miếng vải chắp vá do bác sĩ tạo ra, đầy sẹo và thương tích", một người từng trải qua phẫu thuật giới tính từ nhỏ chia sẻ.

Bà Andrea Budzinski, Chủ tịch Hội chuyển giới và liên giới tính Đức, phát biểu: “Chúng tôi muốn mọi người được tự do khỏi mọi sự can thiệp, đặc biệt là khi họ không thể thể hiện mình bởi họ còn quá nhỏ. Cần phải chắc chắn rằng không có thêm đứa bé nào bị ép buộc làm phẫu thuật giới tính. Điều luật này cũng sẽ thay đổi cách mà mọi người vẫn nhìn nhận chúng tôi. Trước đây, chúng tôi bị coi là những người “bị bệnh”.”

Điều luật mới được ban hành tại Đức đã nhận được sự ủng hộ từ những người hoạt động đấu tranh vì công bằng, bình đẳng.

Luật công nhận giới tính thứ ba được coi là một bước đi đúng đắn, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên những nghi vấn về luật pháp. Konstanze Platt, một giáo sư luật tại Đại học Bremen, đặt ra câu hỏi liệu những người lớn lưỡng giới hiện tại có thể lựa chọn giới tính “X” thay vì “F” hoặc “M”, và liệu hai người giới tính “X” có thể kết hôn với nhau hay không.

Như vậy, hiện tại vẫn chưa rõ luật công nhận giới tính thứ ba tại Đức sẽ ảnh hưởng thế nào đến luật hôn nhân nước này.

Theo ANTĐ/Telegraph