Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Ba câu hỏi cốt lõi và lạ mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị 10


Tác giả: theo FB Trần Đình Thu
1. Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không?
2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?
3. Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN hay không?
Ba câu hỏi cốt lõi này vừa bình thường vừa không bình thường.
Bình thường ở chỗ không thấy lóe lên cái gì trong câu chữ nhưng không bình thường ở chỗ có những câu hỏi chưa bao giờ hỏi (TĐT)
KD: Có thể nói, đây là một trong số những stt đàu tiên trên mạng FB bình về bài khai mạc của ông Tổng- Chủ tại Hội nghị 10. Tác giả TĐT tóm tắt thành 3 nội dung, vừa mới vừa không mới.
  • Không mới vì nó là những đề tài lâu nay đã được đưa ra trong XH ở chỗ này, chỗ khác, của nhiều trí thức, nhà KH, những ai ai quan tâm tới vận mệnh đất nước- tụt hậu và quá nhiều bất an trước đòi hỏi của sự phát triển trong thế giới hiện đại. Nhưng khá mới, vì nó chính thức được đưa ra trong lời khai mạc tại HN 10 lần này của quan chức lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước. Có những vấn đề thuộc loại cấm kỵ hoặc khá nhạy cảm, rất dễ bị quy chụp. Ví thứ vấn đề thứ 2!
  • Không mới vì nếu quan sát các QG văn minh, phát triển, thì kinh tế thị trường phát triển bao giờ cũng phải tương đồng, tương ứng, tương thích với một thể chế chính trị mà ở đó, không thể tồn tại tư duy kinh tế lỗi thời Xin- cho, ở đó Pháp luật độc lập, thượng tôn. Nhưng mới ở chỗ Kinh tế thị trường VN luôn có cái đuôi định hướng XHCN, tương đồng, tương thích, tương ứng với sự lãnh đạo toàn diện và duy nhất của Đảng CS (kể cả pháp luật cũng nằm dưới chiếu  😀  ). Nhưng tư duy kinh tế Xin- cho của nước Việt đang ngày càng tỏ ra lỗi thời, và là vật cản sự phát triển lành mạnh cho một nền kinh tế. Thì nếu Kinh tế Nhà nước không còn tồn tại (hoặc tồn tại một phần rất nhỏ), thì tương ứng với nó là một thể chế chính trị … ra răng? 
  • Dĩ nhiên, nếu Kinh tế nhà nước thay đổi, kéo theo sự tương ứng của một thể chế, hài hòa và nâng đỡ nhau, thì việc sửa Điều lệ Đảng CS chỉ là hệ quả tiếp theo của hai nội dung cốt yếu nhất
Nhưng vấn đề đặt ra, liệu những ý kiến thẳng thắn, và có phần gai góc do sự khác biệt về nhận thức, tư duy thời cuộc, có bị “chụp” cho những chiếc mũ cũng đầy… gai sắc hay không?  😀  😀  😀
Trí tuệ và sự sáng tạo chỉ có thể thăng hoa trên nền tảng một môi trường XH thực sự dân chủ, vì lợi ích QG. Và ngược lại, nó sẽ lụi tàn trên nền tảng một đời sống XH những toan định kiến, tư duy áp đặt kiểu “kẻ mạnh là chân lý”
Vậy thôi. Hãy đợi ở thì… sắp đến!  😀  😀  😀
————— 
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, bộ vét
Trong hình ảnh có thể có: 1 ngườiTrong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và bộ vét
Ông Trọng xuất hiện bằng xương bằng thịt tại Hội nghị 10, không như thông tin “việc tập đi vẫn còn khó khăn, lưỡi cứng chưa nói được” của 1 facebooker nổi tiếng, đặt ra 3 câu hỏi mang tính gợi mở:
1. Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không?
2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?
3. Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN hay không?
Ba câu hỏi cốt lõi này vừa bình thường vừa không bình thường.
Bình thường ở chỗ không thấy lóe lên cái gì trong câu chữ nhưng không bình thường ở chỗ có những câu hỏi chưa bao giờ hỏi.
Câu hỏi có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không là câu hỏi chưa bao giờ các lãnh đạo Đảng CSVN đặt ra kể từ đổi mới đến nay. Đây là câu hỏi cốt lõi cho định hướng kinh tế, giữ cái đuôi “định hướng XHCN” gây tai họa lâu nay hay bỏ đi. Mặc dầu ông Trọng có rào đón (dĩ nhiên là phải rào đón) rằng “Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?” nhưng ông không hẳn kết luận trong câu chữ là giữ lại cái đuôi, bởi vì ông nói tiếp “Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế.”.
Ở thời điểm này, gợi mở là một tiến bộ vì nó còn quá sớm để kết luận. Quá sớm là vì tình hình quốc tế chưa hoàn toàn thuận lợi, Mỹ và Trung đang giằng co, ông Trọng chưa đi Mỹ, nhận thức của 4 triệu đảng viên còn chưa thông suốt hoàn toàn, hàng ngũ lãnh đạo vẫn còn những kẻ muốn giữ cái đuôi để dễ bề kiếm chác. Nhưng xu thế lịch sử phải đưa tới chỗ bỏ cái đuôi này. Vậy thì trong hội nghị đầu tiên của kỳ đại hội này, chỉ cần gợi mở là đủ vì còn nhiều hội nghị khác cho tới trước khi đại hội.
Câu hỏi thứ 2 đã từng đặt ra nhưng cũng chưa từng đặt ra. Đổi mới đảng thì đã từng đặt ra nhưng đổi mới chính trị dường như chưa từng đặt ra.
Cái mới là câu hỏi “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?”.
Mặc dầu liền sau đó ông Trọng vội “cố thủ” trở lại, bảo là chỉ “đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc…” nhưng ông Trọng cũng đã nói ra cái điều mà thời cuộc đặt cho ông: “Đổi mới chế độ chính trị”.
Đổi mới chế độ chính trị là không còn đảng CSVN lãnh đạo toàn diện mà sẽ có nhiều đảng cùng tham gia lãnh đạo, đó là mong muốn của thời đại nhưng cũng như đổi mới kinh tế, điều này còn quá sớm ở hội nghị 10 và ông Trọng đã khẳng định là không có chuyện đổi mới này. Nhưng, tôi đánh giá cao câu hỏi mang tính chất mà những người lãnh đạo cộng sản như ông Trọng coi là cấm kị ấy.
Hỏi một câu hỏi cấm kị với vị trí ông Trọng là một tiến bộ lớn.
Câu hỏi cuối cùng là có sửa điều lệ đảng của đảng ông ấy hay không.
Câu hỏi này ông Trọng đặt ra đầu tiên trong bài diễn văn nhưng tôi đặt cuối vì nó phụ thuộc 2 câu hỏi trên. Nếu có thay đổi về kinh tế và chính trị thì mới sửa điều lệ đảng CSVN còn nếu không thì không sửa.
Tôi còn đặc biệt chú ý đến đoạn này, mang tính khái quát cao:
“Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào?”.
Ông Trọng trả lời cho câu hỏi trên:
“Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó”.
Hình dung Việt Nam đến 2045 khó thì đúng, vì nó quá xa, nhưng tới 2030, chỉ có 11 năm nhưng ông than khó, thì đó là tín hiệu cho thấy ông không thể chắc được điều gì.
Nó hoàn toàn khác với giọng điệu từng nghe từng thấy của các lãnh đạo đảng CSVN xưa nay “Chúng ta phải kiên trì trên con đường tiến lên CNXH và nhất định chúng ta sẽ thắng lợi”.
Trong một bài phát biểu ngắn chỉ 2.600 từ, ông Trọng 2 lần than thở không thể biết Việt Nam 10 năm sau như thế nào:
“Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hàng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào.
Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu”.
Bài phát biểu của ông Trọng thật ra có rất nhiều thông điệp, không phải là một bài phát biểu “một lần như mọi lần” mà nhiều người đang phàn nàn trên facebook của họ.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐẠO PHẬT





Đạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái. Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian. Đôi nơi đạo Phật còn bị trộn lẫn với tín ngưỡng duy linh và cả tín ngưỡng nhân gian nữa... Nhiều lắm, không kể xiết đâu.

Với cái nhìn “chủ quan” của một tu sĩ Theravāda, tôi xin mạo muội liệt kê ra đây những hiểu lầm tai hại và rất phổ biến của Phật giáo trong và ngoài nước để chư vị thức giả cùng thấy rõ như thực:

1- Tôn giáo: Đạo Phật có những sinh hoạt về tôn giáo nhưng đạo Phật không phải là tôn giáo, vì đạo Phật không có một vị thượng đế tối cao hoá sinh muôn loài và có quyền ban thưởng, phạt ác.

2- Tín ngưỡng: Đạo Phật có những sinh hoạt tín ngưỡng nhưng đạo Phật không phải là tín ngưỡng để mọi người đến van vái, cầu xin những ước mơ dung tục của đời thường.

3- Triết học: Đạo Phật có một hệ thống tư tưởng được rút ra từ Kinh, Luật và Abhidhamma, được gọi là “như thực, như thị thuyết” chứ không phải là một bộ môn triết học “chia” rồi “chẻ”, “phán” rồi “đoán” như của Tây phương.

4- Triết luận: Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực. Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.

5- Từ thiện xã hội: Đạo Phật có những sinh hoạt từ thiện xã hội nhưng không coi từ thiện xã hội là tất cả, để hy sinh cuộc đời đầu tròn, áo vuông một cách uổng phí. Đạo Phật còn có những sinh hoạt cao cả hơn: Đó là giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tu tập thiền định và thiền tuệ nữa. Từ thiện xã hội thì ai cũng làm được, thậm chí người ta còn làm tốt hơn cả Phật giáo, ví dụ như Bill Gates. Còn giáo dục, văn hoá, nghệ thuật của đạo Phật là nền tảng Mỹ Học viết hoa (nội hàm các giá trị nhân văn, nhân bản) mà không một tôn giáo, môt chủ nghĩa, một học thuyết nào trên thế gian có thể so sánh được. Và đây mới là sự phụng hiến cao đẹp của đạo Phật cho thế gian. Còn nữa, nếu không có tu tập thiền định và thiền tuệ thì mọi hình thái sinh hoạt của đạo Phật, xem ra không phải là của đạo Phật đâu!

6- Cực lạc, cực hạnh phúc: Đạo Phật có nói đến hỷ, lạc trong các tầng thiền; có nói đến hạnh phúc siêu thế khi ly thoát tham sân, khổ lạc (dukkha), phiền não của thế gian - chứ không có một nơi chốn cực lạc, cực hạnh phúc được phóng đại như thế.

7- 8 vạn 4 ngàn pháp môn: Đạo Phật có nói đến 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn (dhammakhandha) chứ không nói đến 8 van 4 ngàn pháp môn (dhammadvāra). Uẩn (khandha) ngoài nghĩa che lấp, che mờ và nghĩa chồng lên, chồng chất, còn có nghĩa là nhóm, liên kết, tập hợp ví như Giới uẩn (nhóm giới), Định uẩn (nhóm định), Tuệ uẩn (nhóm tuệ). Do từ uẩn (khandha) lại dịch lệch ra môn - cửa (dvāra), pháp môn nên ai cũng tưởng là có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tu theo pháp môn nào cũng được! Ai là người có thể đếm đủ 8 vạn, 4 ngàn cửa pháp này? Còn nữa, xin lưu ý, 8 vạn 4 ngàn chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều lắm, đếm không kể xiết theo truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ cổ thời. Ví dụ 84 ngàn lỗ chân lông, 84 ngàn vi trùng trong một bát nước, 84 ngàn phiền não, 84 ngàn cách tu...

8- Xin xăm, bói quẻ, cầu sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu: Những hình thức này không phải của đạo Phật. Trong kinh tụng Pāli có đoạn: “Sunakkhataṃ sumaṅgalaṃ supabhātaṃ suhuṭṭhitaṃ, sukhno ca suyiṭṭaṃ brahmacārisu. Padakkhinaṃ kāyakammaṃ vācākammaṃ padakkhinaṃ padakkhinaṃ manokammaṃ paṇidhī te padakkhinā...”

Có nghĩa là: Giờ nào (chúng ta) thực hành thân, khẩu, ý trong sạch; giờ đó được gọi là vận mệnh tốt, là giờ tốt, là khắc tốt, là canh tốt... Ngày đó gọi là có nghiệp thân phát đạt, nghiệp khẩu phát đạt, nghiệp ý phát đạt. Và nguyện vọng theo đó được gọi là nguyện vọng phát đạt. Người tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý phát đạt như thế rồi sẽ được những lợi ích phát đạt (chữ phát đạt có thể có thêm nghĩa nhiêu ích).

9- Định mệnh: Đạo Phật có nói đến nghiệp, đến nhân quả nghiệp báo chứ không hề nói đến định mệnh. Theo đó, gây nhân xấu ác thì gặt quả đau khổ, gây nhân lành tốt thì gặt quả an vui - chứ không phải “cái tơ cái tóc cũng do trời định” như định mệnh thuyết của Khổng Nho hoặc định mệnh 4 giai cấp của Bà-la-môn giáo.

10- Siêu độ, siêu thoát: Không có bài kinh nào, không có uy lực của bất kỳ ông sư, ông thầy nào có thể tụng kinh siêu độ, siêu thoát cho hương linh, vong linh, chân linh cả. Thời Phật tại thế, nếu có đến nơi người mất, chư tăng chỉ đọc những bài kệ vô thường, khổ và vô ngã để thức tỉnh người sống; và hiện nay các nước Phật giáo Theravāda còn duy trì. Có thể có hai trường hợp:

- Nếu vừa chết lâm sàng thì thần thức người chết vẫn còn. Vậy có thể đọc kinh, mở băng kinh, chuông mõ, hương trầm... để “thần thức người chết” hướng về điều lành... để thần thức tự tạo “cận tử nghiệp” tốt cho mình.

- Nếu thần thức đã lìa khỏi thân rồi – thì họ đã tái sanh vào cõi khác rồi, ngay tức khắc. Khi ấy thì gia đình làm phước để chư tăng tụng kinh hồi hướng phước ấy cho người đã mất.

Cả hai trường hợp trên đều không hề mang ý nghĩa siêu độ, siêu thoát mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực mà thôi. Tu dựa vào tha lực cũng tương tự như vậy, nhưng cuối cùng cũng phải tự lực: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”.

Chư thiên chỉ có khả năng hoan hỷ phước và báo truyền thông tin ấy cho người quá vãng mà thôi. Họ không có uy lực ban phước lành cho ai cả.

11- Huyền bí, bí mật: Giáo pháp của đức Phật không có cái gì được gọi là huyền bí, bí mật cả. Đức Phật luôn tuyên bố là “Như Lai thuyết pháp với bàn tay mở ra”; có nghĩa là ngài không có pháp nào bí mật để giấu kín cả!

12- Tâm linh: Ngày nay, người ta tràn lan lễ hội, tràn lan mọi loại điện thờ với những hình thức mê tín, dị đoan, sa đoạ văn hoá... mà ở đâu cũng rêu rao các giá trị tâm linh. Đạo Phật không hề có các kiểu tâm linh như vậy. Thuật ngữ tâm linh này được du nhập từ Trung Quốc. Và rất tiếc, tôi không hề tìm ra nguồn Phật học Pāli hay Sanskrit có từ nào tương thích với chữ “linh” này cả!

13- Niết-bàn: Nhiều người tưởng lầm Niết-bàn là ở một cõi nào đó, một nơi chốn nào đó; thậm chí là ở một thế giới ở ngoài thế gian này. Người nào tìm kiếm Niết-bàn kiểu ấy, thuật ngữ thiền tông có cụm từ “lông rùa, sừng thỏ” như ngài Huệ Năng đã nói rõ: “Phật pháp tại thế gian. Bất lý thế gian giác. Ly thế mịch bồ-đề. Cáp như tầm thố giác”. Thố giác là sừng thỏ. Và giác ngộ cũng vậy, chính ở trong khổ đau, phiền não mới giác ngộ bài học được.

14- Bỏ khổ, tìm lạc: Tu Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc. Xin lưu ý cho: Khổ và Lạc chính là căn bản của phiền não!

15- Tu để được cái gì! Có nhiều người nghĩ rằng, tu là để được cái gì đó. Xin thưa, được cái gì là sở đắc. Ai sở đắc? Chính là bản ngã sở đắc. Đạo Phật là vô ngã. Hãy xin đọc lại Bát-nhã tâm kinh.

16- Tu là sửa: Nếu tu là sửa thì mình đã từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác”. Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng tham sân si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật. Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! Có Cái Thấy mới nói đến giác ngộ và giải thoát. Không có Cái Thấy này thì tu kiểu gì cũng trệch hướng hoặc rơi vào phước báu nhân thiên.

17- Vía: Đạo Phật không có vía nào cả. Vía, hồn, phách là quan niệm của nhân gian. Ví dụ, ba hồn bảy vía. Ví dụ, nam thất, nữ cửu – nam bảy vía, nữ chín vía. Nếu là nam thất, nữ cửu thì nó trùng với nam 7 khiếu, nữ 9 khiếu. Vía là phần hồn. Không có cái hồn, cái linh hồn tự tồn tại nếu không có chỗ nương gá. Vía không độc lập được. Như danh - phần tâm, sắc - phần thân – luôn nương tựa vào nhau. Chỉ có năng lực thiền định mới tạm thời tách lìa danh ra khỏi sắc, như Cõi trời Vô tưởng của tứ thiền. Tuy nhiên, cõi trời Vô tưởng hữu tình này không phải là không có danh tâm mà chúng ở dạng tiềm miên. Còn các Cõi trời Vô sắc thì sắc không phải là không có, chúng cũng ở dạng tiềm miên. Thật đáng phàn nàn, Phật và Bồ-tát đều có “vía” cả! Và cũng thật là “đau khổ” khi trong lễ an vị Phật, người ta còn hô “Thần nhập tượng” nữa chứ!

18- Bồ-tát: Bồ-tát là âm của chữ Bodhisatta: Chúng sanh có trí tuệ. Vậy, chúng ta tạm thời bỏ quên “khái niệm Bồ-tát” quen thuộc trong kinh điển mà trở về với nghĩa gốc là “chúng sanh có trí tuệ”. Và như vậy, sẽ có hạng chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Thanh Văn; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Độc Giác; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Chánh Đẳng Giác. Ngoài 3 loại chúng sanh có trí tuệ trên – không có loại chúng sanh có trí tuệ nào khác.

19- Phật: Phật là âm của chữ Buddha, nghĩa là người Giác ngộ. Vậy chúng ta nên tạm thời bỏ quên “khái niệm Phật” từ lâu đã mọc rễ trong tâm thức mà trở về nghĩa gốc là bậc Giác ngộ. Vậy, có người Giác ngộ do nghe pháp từ bậc Chánh Đẳng Giác, được gọi là Thanh Văn Giác. Có người Giác ngộ do tự mình tu tập vào thời không có đức Chánh Đẳng Giác, được gọi là Độc Giác. Có vị Giác ngộ do trọn vẹn 30 ba-la-mật, trọn vẹn minh và hạnh nên gọi là Chánh Đẳng Giác.

Không có vị Giác ngộ (Phật) nào ngoài 3 loại Giác ngộ trên.

20- Thể nhập: Tu là không thể nhập vào cái gì cả. Thể nhập là bỏ cái ngã này để nhập vào cái ngã khác. Cãi ngã khác ấy có thể là dòng sông, có thể là ngọn núi, có thể là một cội cây, có thể là một thần linh, thượng đế. Cái cụm từ “thể nhập pháp giới” rất dễ bị hiểu lầm. Khi đi, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái đi; khi nói, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái nói; khi ăn, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái ăn – thì đấy mới đúng nghĩa “thể nhập pháp giới”, ngay giây khắc ấy, mọi tham sân, phiền não không có chỗ để phan duyên, sanh khởi.



Ngoạ Tùng Am, Sơ Xuân 2015

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
********************************************************
Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bút hiệu của tỳ kheo Giới Đức, là một trong những người sáng lập ra chùa Huyền Không (Huế) từ mái chùa lá ở đèo Hải Vân trước năm 1978. Ông là một nhà sư giỏi thơ văn, am tường hội hoạ và trang trí mỹ thuật và là một cao thủ cờ tướng từng đánh bại một số kì thủ quốc gia. Đồng thời ông cũng là một trong những người nổi tiếng về nghệ thuật thư pháp tại Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.
Thượng tọa Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) là nhà thơ có tên tuổi ở đất thần kinh và đã xuất bản nhiều tập thơ. Ông cũng là nhà văn rất nổi tiếng trong giới Phật giáo; những tác phẩm của ông chẳng những có giá trị trong giới Phật học trong và ngoài nước mà còn đóng góp không nhỏ cho nền văn chương, văn học của Việt Nam.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Các “mê lộ” tấn công của Trung Quốc




Tác giả: Tô Văn Trường

Dùng các thủ đoạn mua chuộc các quan chức, lợi dụng “kẽ hở” của chủ trương đầu tư để thuê dài hạn đến 50 năm các khu vực trọng yếu về kinh tế và quốc phòng từ rừng núi, đến vùng ven biển của đất nước. Hậu họa đã nhãn tiền chẳng cần chờ đến 50 năm sau để con cháu lên án cha ông chết vì tham và ngu dại!… (TVT)

Phân tích các dữ kiện lịch sử cho thấy bành trướng Đại Hán là tư tưởng xuyên suốt các triều đại từ thời phong kiến đến Trung Hoa hiện đại ngày nay. Việt Nam là địa bàn cửa ngõ để triển khai sự bành trướng xuống khu vực Đông Nam Á nhưng trong suốt hàng nghìn năm các triều đại phong kiến tiến hành nhiều cuộc viễn chinh nhưng không chinh phục được, đó là lịch sử vẻ vang tự hào của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Từ giai đoạn sau thắng lợi cách mạng 1949 lập nên nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do tác động của các lực lượng và xu thế chính trị quốc tế, chiến lược bành trướng Trung Hoa có nhu cầu mạnh mẽ hơn, đồng thời có những thay đổi lớn về tư duy cũng như chính sách triển khai thực hiện rất tinh vi uyển chuyển được xây dựng trong ngắn hạn hay dài hạn tùy tình huống mà đối phương rất khó nhận biết, hoặc nhận biết được thì đã muộn không kịp ứng phó tương tự “trận đồ bát quái” Khổng Minh lập ra thời Tam Quốc

Ở giai đoạn này, Việt Nam lại càng đóng một vai trò quan trọng hơn trước đây do cả vị trí địa lý cũng như vị thế chính trị. Nếu chi phối được Việt Nam theo ý đồ Trung Quốc thì chiến lược bành trướng Trung Hoa xuống phía nam và làm chủ Biển Đông sẽ hiện thực được nhanh chóng nhất. Đây cũng chính là sự lo ngại nhất của các nước Đông Nam Á và lãnh đạo an ninh thế giới.

Cách đây hơn 5 năm, tôi viết bài “Mê lộ tám hướng tấn công của Trung Quốc”, đến hôm nay nếu có bổ sung và cập nhật thì hợp lý nhất đó là kiểm điểm lại trong các năm qua Trung Quốc đã tiến thêm như thế nào một cách cụ thể trên cả 8 hướng đó.

Còn ngoài 8 hướng phá Việt Nam ra, có thể thấy thêm gì nữa không? Đó là Trung Quốc đã và tiếp tục chia rẽ ASEAN, mua chuộc, ép buộc và đi đêm với các thế lực quốc tế nhằm cô lập Việt Nam về mọi mặt khiến tiếng nói của Việt Nam trở nên lạc lõng và yếu ớt khi có biến cố bất lợi trên Biển Đông hoặc các tranh chấp khác với Trung Quốc xảy ra.

Cũng nên “kiểm toán” lại xem chính Việt Nam đã ngu ngơ hay vô tình tiếp tay thực hiện các mũi tấn công đó trong thời gian qua ra sao. Có lẽ rõ ràng nhất là chính quyền đang đánh mất lòng tin của người dân khi nhiều hoạt động yêu nước chống ngoại xâm lại bị đàn áp, cố tình hiểu sai lệch, bóp méo và chụp cho cái mũ của con ngáo ộp Việt Tân.

Tám hướng cũng đã là quá đủ để Trung Quốc có thể hạ gục đối thủ nhỏ bé như Việt Nam. Hướng thứ tám là hướng thâm độc và là hướng quyết định thành công của mọi hướng khác.

Gần đây, ngừời dân cả nước quan tâm, phản đối luật 3 đặc khu kinh tế và dự án đường cao tốc Bắc Nam (do một tập đoàn Trung Quốc đề xuất) vì thấy rõ bàn tay “lông lá” của Tầu và bài học về dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông “tiền mất tật mang” đã nhãn tiền.

” Dùng người Việt để trị người Việt và đồng hóa người Việt …” xưa nay nhiều kẻ ngoại xâm đã làm, kể cả Tàu trước đây. Cuối cùng, hướng này vẫn cứ thất bại thảm hại. Có lẽ vận nước mình còn lớn lắm.

Sách lược “lấy bất biến ứng vạn biến “cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh” cứu nước khi nước còn chưa nguy ” mới là thượng sách. Chỉ cần chống lại hướng thứ tám bằng nội lực vươn lên của chính mình, nỗ lực vượt lên chính mình để cải tổ thể chế và hòa giải dân tộc thì hướng thứ tám của Tàu sẽ trở nên vô dụng.

Đọc Tam Quốc, trong lịch sử trận đồ bát quái do Khổng Minh sáng tạo ra chỉ có hai người có thể phá nổi: Người thứ nhất là Hoàng Thừa Ngạn (bố vợ Khổng Minh ) và người thứ hai là Khương Duy ( học trò và là người kế tục sự nghiệp của Khổng Minh). Tướng Ngô là Lục Tốn nếu không có Hoàng Thừa Ngạn chỉ đường chắc chắn sẽ chết tại trận đồ Bát Quái này của Khổng Minh.

Từ lâu, các thế hệ cầm quyền bành trướng Trung Hoa đã bày trận Bát quái này với người “đồng chí” Việt Nam. Ai sẽ là người Việt Nam có đủ tài năng, trí tuệ và bản lãnh phá trận này đây?.

Người ta, thường vẫn hay dùng hình ảnh của tảng băng nổi trên mặt biển để nói về phần NỔI (ý là phần lộ diện : nhỏ) và phần CHÌM (ý là phần tiềm tàng : lớn) –đó là theo lý thông thường , nhưng … ở ta thì cái tảng băng (cũng hình chóp) đó lại … lộn ngược lềnh bềnh nên rất khó đảo lại nhưng … lại rất dễ tan, mau tan chảy! Cái hệ thống “lộn tùng phèo” này có vô số thứ để bàn theo kiểu … “hội đồng chuột” (bàn cách treo chuông vào cổ mèo) nếu chưa đảo ngược lại được!

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng nhau điểm lại việc Trung Quốc dã tâm tấn công một cách có hệ thống như “mê lộ” tám hướng vào nước ta .

Hướng thứ nhất

Bằng mọi cách ngăn chặn mọi cơ hội Việt Nam độc lập tiếp xúc với văn minh thế giới, luôn tạo ra sự phụ thuộc vào Trung Quốc dưới chiêu bài phe XHCN. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã dùng viện trợ quân sự và kinh tế để VN thắng Pháp ở mức loại bỏ ảnh hưởng của Pháp, không để Mỹ tiếp xúc với VN mà dùng biện pháp hòa bình nửa vời chia đôi 2 miền Bắc – Nam VN thực chất là gây tình trạng dẫn đến đối đầu Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ (không chỉ 2 miền VN mà cả nước Mỹ cũng bị rơi vào “bẫy” này).

Khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc (trong khi Mỹ đang lúng túng, Trung Quốc chiếm luôn Hoàng Sa). Việt Nam thống nhất (thực chất không theo mong muốn của Trung Quốc) mặc dù Mỹ tích cực vận động bình thường hóa quan hệ 2 nước giúp VN phát triển mong muốn của thế giới và Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc tiếp tục xúi giục (bẫy tiếp) VN thực hiện ý đồ/ tham vọng thiết lập Liên Bang Đông Dương, tiếp theo là đem quân sang Campuchia thực chất là các bẫy để thế giới nhận thấy VN rất hiếu chiến và mưu đồ bành trướng khó hợp tác!

Đến 1979 gây chiến tranh biên giới nói là cho VN, nhưng thực chất là cho cả thế giới bài học: “Chỉ Trung Quốc có thể dạy được VN mà thôi”, lãnh đạo CS VN không muốn sụp đổ hãy đến Thành Đô.

Từ đó đến nay, VN cứ từ bẫy này sang bẫy khác trong cái vòng luẩn quẩn hay “mê lộ” này, lãnh đạo VN chưa dám dù chỉ nghĩ tới thoát bẫy, đó và chỉ là: độc lập tiếp thu văn minh nhân loại, mà lịch sử VN đã ghi nhận người khởi xướng đúng đắn (nhà trí thức Phan Châu Trinh) hơn 100 năm trước mà chưa thực hiện: “Khai dân trí, hậu dân túy, vị dân sinh” chứ không phải cố nứu và phát triển các chương trình “câu giờ với lịch sử”: “đổi toàn vẹn lãnh thổ lấy tình hữu nghị viển vông”! Ngoài các hướng của mê lộ sau đây, theo thời gian nếu VN vẫn không có được tầng lớp tinh hoa, thì cái mê lộ này sẽ ngày càng phát triển có khi còn ngoài mong đợi của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Sáu tỉnh biên giới phía bắc của nước ta bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt “gặm nhấm”. Ngày nay, các địa danh Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc vv…chỉ còn là hoài niệm trong sách giáo khoa và những câu ca dao của dân Việt. Chúng ta phải mất 6 năm điều đình, nhún nhường, phân định để xây được hơn 1500 cọc mốc bê tông biên giới Việt Trung cao 10-15 m, sâu trung bình 20 m nhưng vẫn chưa phải là bình yên vì đổ cho dân tại chỗ có “quậy phá” chỉ vì cho rằng mồ mả của người dân Trung Quốc vẫn còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam!

Hướng thứ hai

Dùng các thủ đoạn mua chuộc các quan chức, lợi dụng “kẽ hở” của chủ trương đầu tư để thuê dài hạn đến 50 năm các khu vực trọng yếu về kinh tế và quốc phòng từ rừng núi, đến vùng ven biển của đất nước. Hậu họa đã nhãn tiền chẳng cần chờ đến 50 năm sau để con cháu lên án cha ông chết vì tham và ngu dại!

Hướng thứ ba

Phía Tây- Nam, ‘phiên dậu” của nước ta ở Campuchia và Lào nhiều vùng đất rộng lớn đã được Trung Quốc đầu tư, mua bán. Trước đây, các du học sinh người Lào còn thích sang Việt Nam học tập nhưng ngày nay địa điểm đến của họ là Trung Quốc vì học bổng cao gấp 30 lần so với Việt Nam, lại còn được cho về phép vv…Sau tầng lớp cán bộ trung kiên gắn bó với Việt Nam già, mất đi dễ hiểu “đòn xoay trục” của Tầu như thế nào với tầng lớp kế cận ở các nước phía Tây Nam của nước ta.

Hướng thứ tư

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu nhiều tác động bởi thiên tai như: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và hoang mạc hóa (gần 100% là liên quan đến nước). Hằng năm, nước ta chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, làm thiệt hại về người và của vô cùng to lớn. Đặc biệt trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 20 năm gần đây (1994 – 2013) ở nước ta,thiên tai (chỉ tính riêng bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét) đã làm chết và mất tích gần 13.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm (đó là chưa nói đến thiệt hại kinh tế, môi trường do ngập úng thường xuyên ở các thành phố).

Hai nguồn nước chính tác động đén Việt Nam là sông Hồng và sông Mekong đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Quản lý nước là phải quản lý lưu vực sông nhưng Trung Quốc xây dựng tràn lan các đập thủy điện ở thượng nguồn bất chấp đến các hậu qủa phải hứng chịu của Việt Nam ở hạ lưu. Tệ hơn, họ còn không cho ta biết quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện phía thượng lưu, đây là nguy cơ không nhỏ về “chiến tranh nguồn nước” trong tương lai.

Hướng thứ năm

Hàng hóa từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam qua các con đường từ nhập khẩu, tiểu ngạch đến buôn lậu. Chất lượng các sản phẩm qua những hàng hóa đã kiểm nghiệm hầu hết đều vượt mức báo động cho phép, gây tổn hại sức khỏe của nhân dân ta. Người Trung Quốc đi khắp nơi thu mua các sản phẩm không giống ai như lá điều khô, đỉa, móng trâu, hoa thanh long, lá khoai non, thảo quả, cây culi, cây long khỉ vv…giá cao bất thường rồi đồng loạt rút bỏ gây điêu đứng cho bà con nông dân thiếu thông tin, nhẹ dạ , gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.

Phần lớn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kể cả năng lượng, giao thông đều rơi vào tay Trung Quốc do bỏ giá thầu rẻ, và giỏi “đi đêm”, nhưng lúc thực thi lại đưa công nghệ lạc hậu, thi công kéo dài, dùng đủ phép để đội giá đầu tư so với được duyệt để lại hậu quả “tiền mất – tật mang” cho Việt Nam.

Hướng thứ sáu

Xâm chiếm Hoàng sa của Việt Nam, tự vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. Sự kiện giàn khoan HD 981 càng lột tả bộ mặt thật về thủ đoạn trắng trợn, dã tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Kế hoạch tiếp tục đưa thêm các giàn khoan khác đến Biển Đông chứng tỏ Việt Nam không còn đường lùi, phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Mời xem bài “Phải kiện nhưng kiện cái gì, như thế nào, khi nào?” và bài “Hôn nhân ý thức hệ món quá trớ trêu của số phận” (tác giả Tô Văn Trường).

Hướng thứ bảy

Vịnh Hạ Long đã có đường ranh giới Việt – Trung từ thời người Pháp ông Mac Mohon ký kết với nhà Mãn Thanh. Nhưng thực tế, Trung Quốc cũng tìm cách lấn lướt sang ta đến khoảng 50 km2 và thường xuyên gây khó cho hoạt động của ngư dân Việt Nam vì họ người đông lại có tầu to.

Hướng thứ tám

Đất nước muốn phát triển cần có những người lãnh đạo có phẩm hạnh, trí tuệ và tài năng. Từ lâu, Trung Quốc đã can thiệp vào công tác nhân sự của ta. Thủ đoạn truyền thống của Trung Quốc là “cấy mối thân tình”, mua chuộc bằng mọi cách kể cả hù dọa người yếu bóng vía, tạo nên ân tình từ cấp trung ương đến địa phương. Đối với nhân dân ta không thể mua chuộc được thì họ tuyên truyền thất thiệt gây chia rẽ giữa lãnh đạo Nhà nước và nhân dân. Ngày nay, có thể nói “tai mắt” của Trung Quốc len lỏi khắp nơi, tác động khôn lường đến cả chính trị và kinh tế xã hội của Việt Nam.

Mù mờ

Trong bối cảnh mù mờ, Nhà nước chỉ cho cán bộ và nhân dân biết một phần về những việc làm với tư cách đại diện cho cả một dân tộc, đây là một sự bất công đã kéo dài từ nhiều năm nay. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết những gì cho ông Chu Ân Lai về biển đảo, lãnh hải của Việt Nam năm 1958, một điều mà chỉ những ai chú ý tìm hiểu lắm mới biết! Hội nghị Thành Đô năm 1990 có những nội dung gì, ngoài những điều mà báo chí đã đưa? Nội dung của việc trao khu khai thác bauxite cho Trung Quốc ở Tây Nguyên là gì, trong bao nhiêu năm, nội dung của việc cho thuê rừng phòng hộ ở biên giới Việt-Trung là thế nào? Rất nhiều người Việt Nam không được biết rõ, và khi đọc từng đoạn trong tin tức từ báo chí “lề trái”, người ta không còn biết tin vào đâu nữa!

Tại sao trước kia công an giải tán các đoàn biểu tình chống Trung Quốc bành trướng tại các biển đảo của Việt Nam, bắt, giết ngư dân, thậm chí còn theo dõi, bắt người Việt Nam vô tội chỉ vì đã có những biểu cảm của lòng yêu nước, và gần đây lúc lại nới lỏng. lúc thắt chặt? Vậy thì phải đợi Trung Quốc hung dữ hơn thì dân ta mới được phép phản đối chăng? Tại sao nhiều vị chóp bu của Việt nam hầu như không nói gì trước những sự việc trọng đại như Trung Quốc hạ dàn khoan trái phép HD 981, hay những vụ lộn xộn ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Thái Bình, Cần Thơ vv…?

Vĩ Thanh

Dân tộc đã có không chỉ các ngoại xâm hiện thực mà ta đã chiến thắng, mà còn ngoại xâm và nội xâm không lộ diện mà ta chưa thắng, nên dân tộc ta vẫn cứ nghèo so với thế giới. Nước nhà đã độc lập nhưng toàn vẹn lãnh thổ thì chưa và nguy cơ ngày càng lớn. Mỗi người dân, đặc biệt là trí thức nghĩ gì?

Đến lúc này, mà người ta vẫn còn gọi nhau là đồng chí. Thực chất chỉ còn là đồng chí “bán phần”, hay là “bán phần đồng chí” như văn phạm Tàu vì chỉ có nửa phần “vận mệnh tương quan” trong 16 chữ vàng là đồng. Chưa có lúc nào người dân và chính quyền lại sống trong ngờ vực như ngày nay vì Nhà nước không minh bạch với dân. Trước hết, Ban chấp hành Trung ương và các vị đại biểu Quốc hội có quyền được biết các ý kiến của từng thành viên Bộ Chính trị và Ban bí thư về quan điểm và các đối sách đối với Trung Quốc.

Phương ngôn có câu im hơi, lặng tiếng là một đức hay. Nếu danh dự bắt buộc phải lên tiếng mà lặng im thì là một sự hèn nhát (La Cordaire). Ta căm ghét thái độ dửng dưng chỉ cần thêm một bước là dẫn tới phản bội và một bước nữa đã là tội ác trước lương tâm (I.V. Bodarev).

Một lần Byron, thi hào Anh sau khi đứng làm mẫu cho người bạn là nhà điêu khắc Torvansen tạc tượng chân dung của mình, bỗng nhiên ông kêu lên : “không, bạn không tạc hình tôi mà là hình hài của một anh chàng yên ổn nào đó! Tôi hoàn toàn không giống bức tượng này !”. Torvansen hỏi lại : “thế, có gì là xấu nếu ta sung sướng ?”.

Khuôn mặt Byron vụt tái đi vì tức giận và ông la lớn : “Torvansen! hạnh phúc và sự yên ổn cũng khác nhau như đá hoa cương và đất sét vậy . Chỉ có những kẻ ngu và những người tâm hồn thấp kém mới tìm kiếm sự yên ổn trong thế kỷ chúng ta . Chẳng nhẽ trên mặt tôi không có nét nào nói lên sự cay đắng, lòng can đảm và nỗi đau khổ của suy tư ?”…

Theo Ts Phạm Gia Minh, Đảng chỉ có được khi đất nước còn, mất nước thì Đảng như cá không có nước. Thật đáng thương và đáng giận cho những ai lú lẫn, không ý thức được rằng, nước trong đó họ bơi đang cạn dần và nóng lên nhanh chóng!

Dù cho kẻ bán nước có “thẻ xanh” nhưng dân nước Việt không bao giờ quên lời dạy của Vua Lê Thánh Tông (1473) : ”Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

THƠ NGUYỄN NGỌC TƯ




thư nháp

không sao ngăn được thở dài
của bầy tính từ
trong lúc chờ ngược sáng

yếu đuối nhường nào
chữ tựa vào dấu chấm than
khoảng trống trập trùng gió thổi

thuyền nằm bãi cạn
bài hát thầm
tiếng thét câm

xa xôi người ngắm hoa quỳnh
cả hai không lay bóng
phía này mưa giông
em giữ

con tem treo vào đám chữ dửng dưng
nước nguội khi rời khỏi

ví von

họ xây nên mê lộ bằng ví von
“nắng giòn như tiếng cười trẻ nhỏ”
“trời khuất mặt sau đám mây hình nấm”
“đáy vực tối như trái tim đã bạc”

đêm trườn qua như con mèo đen, con mèo mềm tựa người yêu, người yêu tựa con dao nhọn
không thấy vì sao nào nhắm hướng
những cái bóng sơ sinh
ngờ ngợ ngắm nhau

một mê lộ mở ra dịu dàng,
khi người bảo “em như không khí của anh”
mùa ấy vĩnh viễn là có thật
ai đi theo tiếng gọi của mịt mùng

bạn đổi màu theo những ví von
mỗi bước mỗi nhạt nhòa hình dáng

một giao thừa nào

một dòng chuông vỗ sóng
hoa trổ rộ trên không
họ tuôn qua cửa bạc

phía họ không thở dài
phía họ không cười héo
và xênh xang sẵn chỗ cho người

em ngồi cắn móng tay
dỗ cho nguôi nỗi gió

không làm sao buông bỏ
chim từ biệt quay về
hót gọi một xa xôi

cửa bạc khép dần rồi
họ sang trời ca hát
gió lấp, chỗ trống người

chỗ trống người, gió lấp

chiều đông ở ngã tư Sương

hàng cây xuống tóc
những con đường biếng nhác cắt qua nhau
gánh chè rong oằn nặng dải chuông chiều
gió mùa qua sông cơn nữa

những con tắc kè hoa
xám theo gió mùa xám
mái ngói xo ro dưới chân chim

giày đỏ bỏ đi
áo xanh biền biệt
mắt nâu cũng bợt bạt mưa phùn

trên vách kính cửa hiệu dày hơi nước
một bàn tay bé xíu khỏa đục mờ
họ xếp hàng chờ tái sinh trong tiếng cười nói trẻ thơ

con mèo cào rách vỏ giấc mơ

túa ra những người nửa mặt
mấy sông nửa dòng
sau bàn giấy một mặt trời tiều tụy
rượu chưa chảy đã thiu

những lời câm lặng trổ bông
dấu triện đỏ mang tới lời chia tay
nhoi nhói
mười ba năm rụng cánh trong đêm

nhánh tóc cháy lan vòm cây
chuồn chuồn kim may kín ngôi nhà cổ
tình cũ ngồi lau con tim gỉ sét
nửa mặt kia lẩn khuất trong đêm

tôi nhiều không đếm được
những phiên bản ngây ngơ
đuổi theo ngọn đèn trên cánh máy bay
bươn theo dải khói tàu

khoảng cách trong khoảng cách
(Cho Quế Chảnh)

bầy tin nhắn bay đêm
rót mật vào điện thoại em
vời vợi giấu sau đôi cánh ánh kim

cột cây số bị mang ra làm cớ
“chúng đưa anh tới xứ Xa Xôi”
em quên giữa nụ hôn
là những điều chưa nói
giữa hai làn da,
là bóng tối

và cơn cảm nắng năm xưa
cái thở dài không cơn cớ
chảy thành dòng ở giữa
và ý nghĩ trong anh
hái bao lượt vẫn xanh
ngọn ngọn vươn mình phía khác

những bầy tin bay đêm ướt mật
nhủ rằng xa chỉ bằng tích tắc
bằng khoảng cách thiêu thân đến ngọn đèn

ngụ ngôn mùa tưởng ra hoa

núi tan chảy vào lòng cỏ
cỏ nghĩ mình đã gần chạm đến mây
mùa thu dài bằng lời hứa

ngọn đèn tin mình không bao giờ tắt
thơ xuống đường ngâm nga đuổi giặc
muôn năm hiện dáng vóc trong gương

buổi phấn hoa huyễn tưởng bay đầy đất
tượng ngại mình che khuất bầu trời
trẻ đòi hái bom đạn ra chơi

huyễn tưởng ra hoa,
những cái tên gọi vào xa lạ
người thôi hồi ức
trong veo như trẻ nít, khóc cười

căn cước

nguyên quán: phù sa
mẹ giấu cuống rốn dưới chân cây đước
giọt nước mắt đầu tiên phát sáng dưới trăng
nước tràn bờ sau tiếng khóc

đứa trẻ lên ba cời que lên mặt sông gọi những ngôi sao thắp lên
thuộc làu quyền năng của mình
biết gửi cười vào sông cho cái cười bội phần lấp lánh
gửi sông lời thì thầm, đến biển còn vang

trồng một cây cam, trái mặn
cấy một dây trầu, lá mặn
mặn hạt chữ đầu đời gieo lên giấy trắng
chỉ nước mắt ngọt lừ

kết thành từ bao tinh thể muối
đứa trẻ miền sông
lăn hoa tay lên bùn
cắm bộ rễ vào phù sa thao thiết

sớm nhẹ

có mơ chẳng nhớ mơ gì
hơi thở mùa thu mờ sau gáy
ý nghĩ tựa sao rơi

bên hiên chim sáo rỉa lông
rồi theo chiếc lồng bay mất
sớm nhẹ không xóa được dấu chim

tình rón rén ra về
tóc mấy sợi gieo mình vào cỏ
cúc nhẹ ngực không sao cài kín gió

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Sự thăng hoa về tinh thần mới là giá trị đích thực của nghệ thuật

Có sự mâu thuẫn gay gắt giữa nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật truyền thống. Phái hiện đại cho rằng: “Nghệ thuật là chủ quan, không có tiêu chuẩn tuyệt đối tốt hay xấu” cùng với đó là quan niệm: “Sáng tạo nghệ thuật là miễn phí và không nên chịu bất kỳ hạn chế nào”. Nhưng đây cũng là một cơ hội tốt để nhìn lại những giá trị của nghệ thuật truyền thống.
“Đổi mới” và “đột phá”?
Quả thật, trong xu hướng phát triển tưng bừng của nghệ thuật hiện đại, bất kể từ nội dung, phương tiện biểu hiện đến truyền thông, có thể nói rằng không có bất kì điều gì là bị cấm kỵ.
Bất kỳ vấn đề gây tranh cãi nào liên quan đến nghệ thuật hiện đại đều được quy cho khả năng cảm thụ của đôi mắt và tâm hồn; bất kỳ kỹ thuật biểu hiện kỳ cục nào cũng có thể được “hiểu” và đánh giá cao với cái mác “đổi mới” và “đột phá”. Những người không thể hiểu được loại hình nghệ thuật hiện đại tiên phong có thuộc tính “cao thâm khó lường” này thì phải khiêm tốn và cố gắng học hỏi để nhận thức được nó. Các nhà phê bình nghệ thuật phải có thể đào sâu vào logic của tư duy hiện đại và kết hợp với các phương tiện truyền thông để thiết lập những thể loại phê bình nghệ thuật mới.
Mặc dù nghệ thuật hiện đại cũng có những tác phẩm với sự khéo léo, mang vẻ đẹp hoặc ý nghĩa tích cực, nhưng xu hướng phát triển của toàn bộ nghệ thuật đã thực sự chuyển sang một trạng thái hỗn loạn không có tiêu chuẩn và giá trị nội hàm. Khi xem những tác phẩm thuộc nghệ thuật hiện đại, nhiều người không thực sự yêu thích hay cảm động trong tim. Nhưng trào lưu đã là như vậy, không  thuận theo thì sẽ bị gạt ra. Và cho dù bạn đang tham gia vào nghiên cứu học thuật hay tham gia sáng tạo nghệ thuật, nếu bạn không vận dụng đến một số lý thuyết hoặc kỹ thuật hiện đại, bạn sẽ bị đánh đồng là thuộc trường phái bảo thủ.
Vậy thì, có bất kỳ giá trị tiêu chuẩn hoặc phổ quát trong nghệ thuật không?
Trong quá khứ, mọi người đều biết rằng nghệ thuật theo đuổi “sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp”. Từ nghĩa gốc của từ “nghệ thuật”, tiêu chuẩn đó cũng khá rõ ràng. Nghệ thuật trong tiếng Anh được gọi là Fine Arts (tiếng Pháp: Beaux Arts), trong đó từ “art” nghệ thuật có nguồn gốc từ chữ “ars” Latinh, có nghĩa là “kỹ thuật”, “thủ công”. “Fine” mang ý nghĩa là cái đẹp, tinh tế, tốt, vì vậy nghệ thuật hẳn là nhằm “tạo ra sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp đẽ”. Mà kỹ thuật là cái khó, nó có yêu cầu về “kỹ năng cơ bản.” Nghệ thuật là sự biểu hiện cái đẹp, biểu hiện là cái thiện, sự thật phải được thể hiện, nó khiến người ta dễ chịu và thăng hoa, vì vậy nó có tác dụng giáo dục rất lớn.
Từ quy luật của vũ trụ, bất cứ điều gì phù hợp với quy luật của vũ trụ và tự nhiên đều sẽ có giá trị trường tồn, gọi là “thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong” (Thuận ý trời người được thương, ngược ý trời người phải chết). Nghệ thuật cũng là một sản vật của văn hóa của con người trong vũ trụ, nên nghệ thuật cũng phải phù hợp với tự nhiên, phù hợp với bản chất con người (bao gồm cả cảm giác sinh lý và tâm lý), nó phải có thể tồn tại trong một thời gian dài, chuyển cho những người thuộc các thời đại khác nhau theo thời gian và không gian. Các nguyên tắc thẩm mỹ cổ xưa (cân bằng, hài hòa, tỷ lệ, nhịp điệu …) là phù hợp với quy luật tự nhiên. Xu hướng của nghệ thuật hiện đại được thay đổi liên tục, nhưng tuổi thọ của mỗi dạng thức rất ngắn; cho đến nay, liệu đã có tác phẩm nào là bất hủ?
Từ những tác phẩm kinh điển được công nhận trong quá khứ, cho dù đó là đồ chạm khắc Hy Lạp cổ đại, tác phẩm thời kỳ Phục Hưng, hay các tác phẩm nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, chúng ta đều có thể tìm thấy những phẩm chất tương tự, có thể kể đến như:
  • Nghiêm ngặt, chính xác hoặc lý tính, logic.
  • Phù hợp với bản chất con người và cảm xúc được kiểm soát với mức độ thể hiện vừa phải.
  • Tuân thủ quy luật tự nhiên (hài hòa, thống nhất về nhịp điệu, cân bằng, cân đối về tỷ lệ…).
  • Lý tưởng hóa, thiêng liêng, phản ánh sự thật, lòng tốt, vẻ đẹp của “chân, thiện, mỹ”.
  • Giàu ý nghĩa tâm linh và phản ánh sự tu dưỡng của bản thân nghệ sĩ.
  • Thanh lịch và phổ quát, ai ai cũng có thể hiểu và cảm nhận, bất kì độ tuổi hay giới tính, chẳng hạn thơ của Lý Bạch hay nhạc của Mozart. 

Những phẩm chất này không chỉ phản ánh cảm giác trực quan của cái đẹp, mà còn là nguồn cảm hứng của đạo đức con người; sự thuyết phục và thú vị, thậm chí là sự thăng hoa về tinh thần, đó mới là giá trị đích thực của nghệ thuật.
Tầng thứ bất đồng trong nghệ thuật
Khi đánh giá ý nghĩa nội hàm từ biểu hiện của nghệ thuật, cũng có những cảnh giới cao thấp bất đồng. Mặc dù “cảnh giới”, “xấu đẹp”, “phẩm chất” là những khái niệm khó để định lượng được chính xác, nhưng về khía cạnh “cảnh giới”, nghệ thuật cũng có những nhận thức phổ quát mà tương quan với tiêu chuẩn đạo đức.
Cảnh giới cao nhất – theo đuổi sự vĩnh hằng
Cho dù ở phương Đông hay phương Tây, cảnh giới nghệ thuật cao nhất đều là theo đuổi sự thật vĩnh hằng. Sự thật vĩnh hằng này được thể hiện trong các khái niệm về thần, Phật và thiên quốc, hay ở cấp độ trừu tượng được gọi là “Đạo” hoặc “Pháp”. Do đó, người phương Đông truyền thống chú ý đến “sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên”, cầu pháp tìm đạo. “Đạo” hay “Pháp” cũng là nền tảng của sự sống và cái chết của vũ trụ, vị tha, vô hạn và bao dung hết thảy. Nó siêu việt khỏi tình cảm con người, nhưng vì con người cũng nằm trong đó, nên con người cũng có thể nhận thức được. Do đó, ngay cả khi bức tranh phương Đông không thể hiện trực tiếp thần Phật, nhưng thường bao hàm tư tưởng tu luyện tâm tính.

Ở phương Tây, triết gia La Mã cổ đại Plotinus tin rằng sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp là hợp nhất với thần; thần linh  là nguồn gốc của cái đẹp. Do đó, các nghệ sĩ phương Tây trực tiếp đại diện cho Thiên Chúa hoặc thiên quốc, trên thực tế là đại diện cho sự thật vĩnh cửu, tối cao và hoàn hảo. Hầu như tất cả các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất ở phương Tây đều được tìm thấy trong các nhà thờ Thiên Chúa.
“Đối thoại văn học” của triết gia Hy Lạp Plato cũng có câu: “Mỗi linh hồn từng cá nhân đã từng hồn nhiên quan sát thế giới thực vĩnh cửu một cách chân thực...”. Plato tin rằng linh hồn con người (nguyên thần) đều đến từ “thế giới vĩnh hằng chân thực” (thế giới của thần). Những điều tốt đẹp trên trái đất cũng là những gì tồn tại ở “thượng giới” (thiên quốc). Do đó, nếu nghệ thuật của con người có thể khiến mọi người nhớ lại hoặc cảm nhận vẻ đẹp của thượng giới, thì có thể dẫn dắt con người trở về bản chất nguyên thủy, bản tính thuần thiện và chân chính nhất. Nghệ thuật này là nghệ thuật ở cảnh giới cao nhất.
Nghệ thuật đạt đến cấp độ này là rất hiếm, thậm chí càng ít hơn trong nghệ thuật đương đại. May mắn thay, trong những năm gần đây, đã xuất hiện “Đoàn nghệ thuật biểu diễn Shen Yun” lưu diễn trên khắp thế giới, hội tụ những nghệ sĩ biểu diễn đương đại hiếm hoi có thể đạt đến cảnh giới này. Ngoài việc mang đến cho khán giả cảm giác mỹ cảm về thính giác và thị giác, nhiều khán giả còn cảm nhận được thanh lọc thân thể một cách thần thánh, đi cùng sự rung động sâu sắc trong tim.
Tầng thứ hai – tinh thần cao thượng
Con người Châu Âu thời Phục Hưng nhận ra rằng mặc dù con người được tạo ra bởi thần linh, nhưng chủ thể của con người vẫn là ở thế gian. Con người sử dụng suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình để hiểu về thần và thiên nhiên, sinh mệnh được rèn luyện qua những vui buồn của cuộc sống, tích lũy những kinh nghiệm đáng quý. Do đó, nghệ thuật trải rộng từ việc ca tụng thần linh đến việc thể hiện vẻ đẹp của thế gian, bao gồm cả việc trân quý cuộc sống, những tình cảm cao thượng cùng nhiều giá trị phổ quát như đức hạnh và công lý.

Tuy nhiên, giống như hí kịch, những câu chuyện thuận buồm xuôi gió thường không hấp dẫn, phải có những khó khăn và thử thách để vượt qua khảo nghiệm nghịch cảnh; do đó kích thích năng lượng sống cũng là một ý nghĩa giá trị. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được lấy cảm hứng từ hành động của những anh hùng, những con người vĩ đại. Chúng cho thấy sự tương phản và đấu tranh nội tâm, biểu hiện nhân tính và ác tính giao chiến với nhau, trong nghịch cảnh mà thể hiện lòng cao thượng vị tha, thăng hoa trong quá trình xung đột và hòa giải, trở thành một ánh sáng vĩnh cửu truyền cảm hứng cho con người. Bởi vì đức hạnh, trí tuệ và lòng can đảm của con người chính là yếu tố thúc đẩy nhân loại đi từ bình thường đến phi thường. Thông qua quá trình rèn luyện nghệ thuật, cuộc sống và giá trị của con người cũng trải dài từ hữu hạn đến bất hủ.

Ngoài ra, sự tráng lệ của tự nhiên, sự vô hạn, thần bí và không thể đoán trước của thiên nhiên cũng là một lực lượng siêu phàm cho sự thăng hoa. Do đó, thiên nhiên vĩnh viễn là mẫu vật tốt nhất cho nghệ thuật của con người.
Tầng thứ thứ ba – thể hiện bản thân
Mỗi tác phẩm của nghệ sĩ đều phải thể hiện những yếu tố của bản thân; từ kinh nghiệm sống của tác giả, tính cách, tư tưởng, sở thích, sắc thái, đến thái độ và thói quen sáng tạo, là những yếu tố quan trọng trong việc hình thành phong cách cá nhân trong các tác phẩm của nghệ thuật gia đó. Nói cách khác, “cái tôi” của tác giả đã có trong các tác phẩm, không cần phải hướng ngoại tìm kiếm. Người xưa nói rằng “họa như kỳ nhân” (hội họa giống như người), “tự như kỳ nhân” (chữ cũng giống như người) quả thật vô cùng chính xác.
Đó cũng là điều tự nhiên khi các nghệ sĩ thể hiện tài năng, suy nghĩ hoặc cảm xúc của họ trong sáng tạo, sau đó để tác phẩm tự giao tiếp với khán giả. Chỉ có những tâm tư và hoàn cảnh khác nhau trong tác phẩm mới tạo ra những hiệu ứng tâm lý khác nhau cho người xem.
Cái gọi là “thể hiện bản thân” hay nhấn mạnh “sự độc” trong sáng tạo nghệ thuật cũng là hiện tượng xảy ra sau sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa lãng mạn. Đặc biệt là sau khi rời bỏ trường phái ấn tượng, “phong cách cá nhân” của các nghệ sĩ ngày càng được nhấn mạnh, cuối cùng thậm chí trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá giá trị của tác phẩm nghệ thuật; cho nên trong các tác phẩm của thế kỷ XX, nhiều nghệ sĩ đã cố tình từ bỏ nghệ thuật truyền thống, chạy theo đổi mới, biểu diễn và đào sâu vào những ý tưởng mới.
Trong tình huống như vậy, tác phẩm để “thể hiện bản thân” rất dễ chảy vào sở thích riêng hoặc đi vào cực đoan cá nhân, rất khó để tạo ra tiếng vang. Cái gọi là “cái tôi” đó cũng phụ thuộc vào tâm tính mỗi cá nhân tác giả, nên phải đối mặt với một loạt câu hỏi như: có suy đồi không? có nhỏ mọn không? có tự cao tự đại không? có còn tươi sáng và thân thiện không? Cũng giống như tính cách của một người, nếu sáng tạo nghệ thuật chỉ là để tìm kiếm danh tiếng và tiền tài, thì làm thế nào nó có thể đạt tới sự cao quý? làm thế nào nó có thể thực sự chạm được tới trái tim người xem?
Mối quan hệ giữa nghệ thuật và đạo đức cũng có thể được nhìn thấy từ một số khía cạnh: Nhân phẩm của người sáng tạo như thế nào; Liệu chủ đề nghệ thuật có phù hợp với đạo đức hay không; Những kỹ năng nghệ thuật thể hiện đức tính tốt; Loại nghệ thuật nào có thể khiến con người thăng hoa, thanh lọc và làm tăng đạo đức?

1. Vai trò của người sáng tạo trong nghệ thuật
Người sáng tạo là trung tâm của sáng tạo nghệ thuật, trạng thái của bản thân người đó là vô cùng quan trọng. Trước hết, phẩm chất và sự tu dưỡng của người sáng tạo sẽ được thể hiện trong các tác phẩm. Lưu Công Quyền cũng nói rằng “tâm chính tắc bút chính”. Ví như ta có thể so sánh thư pháp của Nhan Chân Khanh và Tống Huy Tông, nét bút ngay chính thể hiện con người đàng hoàng đôn hậu của Nhan Chân Khanh, mà sự tuấn tú cùng thái độ kiêu hãnh hiển nhiên là nét bút của vị vua một nước Tống Huy Tông. Một ví dụ khác là âm nhạc của Mozart và Beethoven, giống như hai người có tính cách hoàn toàn khác nhau, một bên là niềm vui thuần thiện thuần mỹ, một bên là ánh sáng quang minh cùng khí thế hùng hồn.

Thứ hai, trạng thái tâm lý và cảm xúc hiện tại của nghệ sĩ sẽ được bộc lộ trực tiếp trong tác phẩm. Ví như “Hoàng Châu hàn thực thiếp” của Tô Thức, được viết trong thời kỳ ông bị cách chức và đuổi về Hoàng Châu, trong tiết Hàn Thực (tiết Thanh Minh) Tô Thức bị ốm bệnh nhưng lòng luôn hướng về triều đình, vì thế mà mới viết lên bài này, bút pháp cũng trầm bổng theo tâm tình.

Một ví dụ khác là “Tế Chất Cảo” của Nhan Chân Khanh, được sáng tác để cúng tế người anh họ Nhan Cảo Khánh và đứa cháu Nhan Quý Minh trong An Sử loạn. Ngay từ đầu, bút và mực đã ngưng trọng hiểu thị sự trang nghiêm, cây bút tăng tốc theo dâng trào cảm xúc trong lòng ông, nỗi niềm thương tiếc cùng với sự căm hận tên phản đồ đều hiện lên trên giấy.

Raphael – một trong ba bậc thầy thời Phục hưng, người rất giỏi vẽ hình ảnh của Thánh mẫu và Thánh anh. Thánh mẫu dưới ngòi bút của ông có dung mạo vô cùng xinh đẹp, duyên dáng. Khi họa sĩ vẽ về thần linh, ông luôn mang thái độ sùng kính, vì thế nên các tác phẩm rất tự nhiên và thuần khiết. Tuy nhiên, khi Raphael vẽ tình nhân của mình, tâm tư mang nặng thất tình lục dục, vì thế mà hình ảnh cũng trở nên thông tục rất nhiều.

2. Chủ đề của nghệ thuật
Chủ đề nghệ thuật ảnh hưởng đến chính nghệ sĩ. Để trung thực thể hiện đề tài, họa sĩ thường sử dụng trái tim của mình để đi thấu hiểu, mô phỏng và trong vô thức đưa vào trong đó. Khi vẽ thần linh, tâm trí thanh tịnh và thiêng liêng, khi vẽ ma quỷ, tâm trí rất hung tàn cùng mặt mũi dữ tợn, giống như diễn viên tìm ra vai diễn của mình. Khi vẽ núi và biển, tâm trí rộng mở, vẽ tranh nông thôn là yên bình và nhàn nhã, khi vẽ phụ nữ đẹp, họ say mê và trìu mến. Và khi vẽ những bi kịch, họ nghiêm túc và nặng nề…,nhưng điều này có thể có hậu quả bất lợi cho các nghệ sĩ.
Ví dụ, để mô tả tác phẩm bị đắm tàu ​​”The Raft of the Medusa”, họa sĩ lãng mạn Géricault đã đến phòng tang lễ để coi tài liệu về những “bức tranh xác chết”. Chẳng mấy chốc, ông xuất hiện sự yếu đuối về tinh thần, cơ thể cũng trở nên tồi tệ. Họa sĩ người Tây Ban Nha Goya đã tuyệt vọng trong chế độ độc tài của thời đại. Các bức tranh cho thấy sự kinh hoàng, phi lý và tàn nhẫn theo thời gian. Các nét vẽ và màu sắc cũng ảm đạm. Cuối cùng, họa sĩ đã trải qua phần còn lại của cuộc đời trong những vướng mắc của ảo ảnh.

Ngoài ra còn có một số họa sĩ hiện đại sử dụng ma túy để tìm cảm hứng và chủ đề khiến khiến nội dung của bức tranh cũng suy đồi và đen tối. Hậu quả của vòng luẩn quẩn, nhiều nghệ sĩ không khỏe mạnh và có người chết do ma túy, như Basquiat.
Chủ đề hoặc nội dung của nghệ thuật cũng sẽ ảnh hưởng đến người xem. Người xưa nói rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, những gì mọi người tiếp xúc, nó sẽ vô thức đưa vào tâm trí. Đặc biệt là sau khi tiếp xúc lâu dài, nó sẽ dễ dàng tiếp thu, đồng hóa và làm quen với nó.
Ví dụ, sau khi các bộ phim bạo lực ở Hoa Kỳ trở nên phổ biến, tình trạng xả súng giết người trong khuôn viên trường được tăng lên rất nhiều. Mặc dù như bộ phim nổi tiếng Đài Loan “Monga” được đánh giá cao, cũng có những di chứng mà mọi người không muốn thấy: sự gia tăng của hành hung và đánh lộn của giới trẻ. Nhiều người phạm tội tình dục vì xem nội dung khiêu dâm quá nhiều, họ không thể kiểm soát ham muốn của mình. Nếu nghệ thuật thể hiện các giá trị không chính xác như nội dung khiêu dâm, bạo lực và biến thái, chắc chắn nó sẽ có tác động tiêu cực cho bầu không khí xã hội.
Cũng có nhiều ví dụ về những tác động tích cực do nghệ thuật chân chính mang lại. Ví dụ, sau khi Trần Thụ Cúc, một bà già bán rau ở Đài Loan đã quyên góp một khoản thu nhập nhỏ để giúp đỡ người khác, số tiền quyên góp từ nhiều tổ chức từ thiện Đài Loan nói chung đã tăng lên. Ngoài ra, một thí nghiệm được báo cáo bởi Life Science cho thấy những người vô cùng cảm động trước những việc làm tốt của người khác có thể làm điều tương tự trong tương lai.

Một thực tế không thể chối cãi là nghệ thuật có thể thiện hóa trái tim của mọi người. Ví dụ, âm nhạc thuần khiết của Mozart không chỉ hiệu quả (“hiệu ứng Mozart” nổi tiếng), mà còn làm giảm tỷ lệ tội phạm.
3. Kỹ năng và ý tưởng phản ánh đức hạnh
Kỹ năng cơ bản đòi hỏi lý trí, sức bền và sự tập trung: Bất kỳ nghệ thuật chính thống nào cũng đòi hỏi kỹ năng cơ bản của các anh tài, việc phát triển các kỹ năng cơ bản đòi hỏi phải rèn luyện chăm chỉ lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, tập trung và các phẩm chất khác để hoàn thiện. Ví dụ, các kỹ thuật hiện thực của nghệ thuật phương Tây nhấn mạnh vào việc quan sát và phân tích các đối tượng một cách hợp lý, không ngừng thực hành nhiều lần, đó là một thái độ tỉ mỉ của việc tìm kiếm cái đúng, nó cũng là hiện thân của việc học hỏi và tôn trọng sự sáng tạo của con người.
Quan điểm thẩm mỹ của nghệ thuật truyền thống ở phương Đông và phương Tây cũng phản ánh sự toàn vẹn, khách quan, trật tự, cân bằng, hài hòa,… từ bố cục, hình dạng đến sử dụng, như mối quan hệ đạo đức của xã hội loài người, các chi tiết giống như một cuộc sống thực sự, đều có sinh mệnh ký thác trong đó.
Nhiều kỹ thuật vẽ tranh chính thống, như tranh sơn dầu phương Tây hoặc tranh chi tiết phương Đông, thường đòi hỏi nhiều cấp độ tô màu. Ví dụ, phương pháp “Sfumato” của Da Vinci có tới 30 lớp sắc tố, nhưng độ dày chưa đến 40 micron, chỉ bằng một nửa sợi tóc của con người. Các nhân vật được vẽ là tự nhiên và giống như thật, các biểu hiện là tỉ mỉ và không thể đoán trước. Các bức tranh chi tiết truyền thống của Trung Quốc được nhuộm lại nhiều lần bằng mực sáng. Đó là sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng, hình ảnh trông vô cùng tinh tế sâu sắc và tự nhiên.
Một số người cho rằng thật nhàm chán khi chỉ thể hiện những điều tốt đẹp và tích cực trong nghệ thuật. Nếu nghệ thuật là người hướng nội và hòa bình, liệu nó có quá nhàm chán hay không? Mong muốn và ý nghĩ xấu xa cũng là những phần thực sự của bản chất con người. Tại sao không thể biểu hiện ra chứ?
Chúng tôi tin rằng bản chất con người là tốt, “đạo đức” thực sự đến từ bản chất bẩm sinh của con người. Chỉ trong một thời đại khi trái tim con người bị hoen ố và “cái tôi” bị thổi phồng một cách mù quáng, đạo đức được coi là một ràng buộc đối với bản chất con người. Trên thực tế, nghệ sĩ tạo ra loại chủ đề nào, loại kỹ thuật biểu hiện nào, là biểu hiện đặc điểm của người đó, là ý chí của người sáng tạo, giống như mọi người muốn làm điều tốt hay xấu, là lựa chọn riêng của họ.
Đừng bỏ qua sức mạnh của cái thiện
Theo đuổi điều tốt đẹp là bản chất của tất cả mọi người. Nghệ thuật đẹp không chỉ làm hài lòng con người, mà còn làm người ta hướng tới khát khao về thế giới tâm linh tươi sáng, thiêng liêng và thậm chí là sự thật vĩnh cửu. Schumann nói: “Nghệ thuật là ánh sáng chiếu vào bóng tối của con người.” Với chính niệm và sáng tạo tư duy tốt, không chỉ nghệ sĩ có thể tự cải thiện, mà chủ đề tích cực được tạo ra có thể giáo dục xã hội tốt hơn và mang lại lợi ích cho người khác. Đây cũng là trách nhiệm xã hội mà những người sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh, quảng bá và các nhà giáo dục nghệ thuật phải ghi nhớ.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch