Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Sự thăng hoa về tinh thần mới là giá trị đích thực của nghệ thuật

Có sự mâu thuẫn gay gắt giữa nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật truyền thống. Phái hiện đại cho rằng: “Nghệ thuật là chủ quan, không có tiêu chuẩn tuyệt đối tốt hay xấu” cùng với đó là quan niệm: “Sáng tạo nghệ thuật là miễn phí và không nên chịu bất kỳ hạn chế nào”. Nhưng đây cũng là một cơ hội tốt để nhìn lại những giá trị của nghệ thuật truyền thống.
“Đổi mới” và “đột phá”?
Quả thật, trong xu hướng phát triển tưng bừng của nghệ thuật hiện đại, bất kể từ nội dung, phương tiện biểu hiện đến truyền thông, có thể nói rằng không có bất kì điều gì là bị cấm kỵ.
Bất kỳ vấn đề gây tranh cãi nào liên quan đến nghệ thuật hiện đại đều được quy cho khả năng cảm thụ của đôi mắt và tâm hồn; bất kỳ kỹ thuật biểu hiện kỳ cục nào cũng có thể được “hiểu” và đánh giá cao với cái mác “đổi mới” và “đột phá”. Những người không thể hiểu được loại hình nghệ thuật hiện đại tiên phong có thuộc tính “cao thâm khó lường” này thì phải khiêm tốn và cố gắng học hỏi để nhận thức được nó. Các nhà phê bình nghệ thuật phải có thể đào sâu vào logic của tư duy hiện đại và kết hợp với các phương tiện truyền thông để thiết lập những thể loại phê bình nghệ thuật mới.
Mặc dù nghệ thuật hiện đại cũng có những tác phẩm với sự khéo léo, mang vẻ đẹp hoặc ý nghĩa tích cực, nhưng xu hướng phát triển của toàn bộ nghệ thuật đã thực sự chuyển sang một trạng thái hỗn loạn không có tiêu chuẩn và giá trị nội hàm. Khi xem những tác phẩm thuộc nghệ thuật hiện đại, nhiều người không thực sự yêu thích hay cảm động trong tim. Nhưng trào lưu đã là như vậy, không  thuận theo thì sẽ bị gạt ra. Và cho dù bạn đang tham gia vào nghiên cứu học thuật hay tham gia sáng tạo nghệ thuật, nếu bạn không vận dụng đến một số lý thuyết hoặc kỹ thuật hiện đại, bạn sẽ bị đánh đồng là thuộc trường phái bảo thủ.
Vậy thì, có bất kỳ giá trị tiêu chuẩn hoặc phổ quát trong nghệ thuật không?
Trong quá khứ, mọi người đều biết rằng nghệ thuật theo đuổi “sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp”. Từ nghĩa gốc của từ “nghệ thuật”, tiêu chuẩn đó cũng khá rõ ràng. Nghệ thuật trong tiếng Anh được gọi là Fine Arts (tiếng Pháp: Beaux Arts), trong đó từ “art” nghệ thuật có nguồn gốc từ chữ “ars” Latinh, có nghĩa là “kỹ thuật”, “thủ công”. “Fine” mang ý nghĩa là cái đẹp, tinh tế, tốt, vì vậy nghệ thuật hẳn là nhằm “tạo ra sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp đẽ”. Mà kỹ thuật là cái khó, nó có yêu cầu về “kỹ năng cơ bản.” Nghệ thuật là sự biểu hiện cái đẹp, biểu hiện là cái thiện, sự thật phải được thể hiện, nó khiến người ta dễ chịu và thăng hoa, vì vậy nó có tác dụng giáo dục rất lớn.
Từ quy luật của vũ trụ, bất cứ điều gì phù hợp với quy luật của vũ trụ và tự nhiên đều sẽ có giá trị trường tồn, gọi là “thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong” (Thuận ý trời người được thương, ngược ý trời người phải chết). Nghệ thuật cũng là một sản vật của văn hóa của con người trong vũ trụ, nên nghệ thuật cũng phải phù hợp với tự nhiên, phù hợp với bản chất con người (bao gồm cả cảm giác sinh lý và tâm lý), nó phải có thể tồn tại trong một thời gian dài, chuyển cho những người thuộc các thời đại khác nhau theo thời gian và không gian. Các nguyên tắc thẩm mỹ cổ xưa (cân bằng, hài hòa, tỷ lệ, nhịp điệu …) là phù hợp với quy luật tự nhiên. Xu hướng của nghệ thuật hiện đại được thay đổi liên tục, nhưng tuổi thọ của mỗi dạng thức rất ngắn; cho đến nay, liệu đã có tác phẩm nào là bất hủ?
Từ những tác phẩm kinh điển được công nhận trong quá khứ, cho dù đó là đồ chạm khắc Hy Lạp cổ đại, tác phẩm thời kỳ Phục Hưng, hay các tác phẩm nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, chúng ta đều có thể tìm thấy những phẩm chất tương tự, có thể kể đến như:
  • Nghiêm ngặt, chính xác hoặc lý tính, logic.
  • Phù hợp với bản chất con người và cảm xúc được kiểm soát với mức độ thể hiện vừa phải.
  • Tuân thủ quy luật tự nhiên (hài hòa, thống nhất về nhịp điệu, cân bằng, cân đối về tỷ lệ…).
  • Lý tưởng hóa, thiêng liêng, phản ánh sự thật, lòng tốt, vẻ đẹp của “chân, thiện, mỹ”.
  • Giàu ý nghĩa tâm linh và phản ánh sự tu dưỡng của bản thân nghệ sĩ.
  • Thanh lịch và phổ quát, ai ai cũng có thể hiểu và cảm nhận, bất kì độ tuổi hay giới tính, chẳng hạn thơ của Lý Bạch hay nhạc của Mozart. 

Những phẩm chất này không chỉ phản ánh cảm giác trực quan của cái đẹp, mà còn là nguồn cảm hứng của đạo đức con người; sự thuyết phục và thú vị, thậm chí là sự thăng hoa về tinh thần, đó mới là giá trị đích thực của nghệ thuật.
Tầng thứ bất đồng trong nghệ thuật
Khi đánh giá ý nghĩa nội hàm từ biểu hiện của nghệ thuật, cũng có những cảnh giới cao thấp bất đồng. Mặc dù “cảnh giới”, “xấu đẹp”, “phẩm chất” là những khái niệm khó để định lượng được chính xác, nhưng về khía cạnh “cảnh giới”, nghệ thuật cũng có những nhận thức phổ quát mà tương quan với tiêu chuẩn đạo đức.
Cảnh giới cao nhất – theo đuổi sự vĩnh hằng
Cho dù ở phương Đông hay phương Tây, cảnh giới nghệ thuật cao nhất đều là theo đuổi sự thật vĩnh hằng. Sự thật vĩnh hằng này được thể hiện trong các khái niệm về thần, Phật và thiên quốc, hay ở cấp độ trừu tượng được gọi là “Đạo” hoặc “Pháp”. Do đó, người phương Đông truyền thống chú ý đến “sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên”, cầu pháp tìm đạo. “Đạo” hay “Pháp” cũng là nền tảng của sự sống và cái chết của vũ trụ, vị tha, vô hạn và bao dung hết thảy. Nó siêu việt khỏi tình cảm con người, nhưng vì con người cũng nằm trong đó, nên con người cũng có thể nhận thức được. Do đó, ngay cả khi bức tranh phương Đông không thể hiện trực tiếp thần Phật, nhưng thường bao hàm tư tưởng tu luyện tâm tính.

Ở phương Tây, triết gia La Mã cổ đại Plotinus tin rằng sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp là hợp nhất với thần; thần linh  là nguồn gốc của cái đẹp. Do đó, các nghệ sĩ phương Tây trực tiếp đại diện cho Thiên Chúa hoặc thiên quốc, trên thực tế là đại diện cho sự thật vĩnh cửu, tối cao và hoàn hảo. Hầu như tất cả các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất ở phương Tây đều được tìm thấy trong các nhà thờ Thiên Chúa.
“Đối thoại văn học” của triết gia Hy Lạp Plato cũng có câu: “Mỗi linh hồn từng cá nhân đã từng hồn nhiên quan sát thế giới thực vĩnh cửu một cách chân thực...”. Plato tin rằng linh hồn con người (nguyên thần) đều đến từ “thế giới vĩnh hằng chân thực” (thế giới của thần). Những điều tốt đẹp trên trái đất cũng là những gì tồn tại ở “thượng giới” (thiên quốc). Do đó, nếu nghệ thuật của con người có thể khiến mọi người nhớ lại hoặc cảm nhận vẻ đẹp của thượng giới, thì có thể dẫn dắt con người trở về bản chất nguyên thủy, bản tính thuần thiện và chân chính nhất. Nghệ thuật này là nghệ thuật ở cảnh giới cao nhất.
Nghệ thuật đạt đến cấp độ này là rất hiếm, thậm chí càng ít hơn trong nghệ thuật đương đại. May mắn thay, trong những năm gần đây, đã xuất hiện “Đoàn nghệ thuật biểu diễn Shen Yun” lưu diễn trên khắp thế giới, hội tụ những nghệ sĩ biểu diễn đương đại hiếm hoi có thể đạt đến cảnh giới này. Ngoài việc mang đến cho khán giả cảm giác mỹ cảm về thính giác và thị giác, nhiều khán giả còn cảm nhận được thanh lọc thân thể một cách thần thánh, đi cùng sự rung động sâu sắc trong tim.
Tầng thứ hai – tinh thần cao thượng
Con người Châu Âu thời Phục Hưng nhận ra rằng mặc dù con người được tạo ra bởi thần linh, nhưng chủ thể của con người vẫn là ở thế gian. Con người sử dụng suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình để hiểu về thần và thiên nhiên, sinh mệnh được rèn luyện qua những vui buồn của cuộc sống, tích lũy những kinh nghiệm đáng quý. Do đó, nghệ thuật trải rộng từ việc ca tụng thần linh đến việc thể hiện vẻ đẹp của thế gian, bao gồm cả việc trân quý cuộc sống, những tình cảm cao thượng cùng nhiều giá trị phổ quát như đức hạnh và công lý.

Tuy nhiên, giống như hí kịch, những câu chuyện thuận buồm xuôi gió thường không hấp dẫn, phải có những khó khăn và thử thách để vượt qua khảo nghiệm nghịch cảnh; do đó kích thích năng lượng sống cũng là một ý nghĩa giá trị. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được lấy cảm hứng từ hành động của những anh hùng, những con người vĩ đại. Chúng cho thấy sự tương phản và đấu tranh nội tâm, biểu hiện nhân tính và ác tính giao chiến với nhau, trong nghịch cảnh mà thể hiện lòng cao thượng vị tha, thăng hoa trong quá trình xung đột và hòa giải, trở thành một ánh sáng vĩnh cửu truyền cảm hứng cho con người. Bởi vì đức hạnh, trí tuệ và lòng can đảm của con người chính là yếu tố thúc đẩy nhân loại đi từ bình thường đến phi thường. Thông qua quá trình rèn luyện nghệ thuật, cuộc sống và giá trị của con người cũng trải dài từ hữu hạn đến bất hủ.

Ngoài ra, sự tráng lệ của tự nhiên, sự vô hạn, thần bí và không thể đoán trước của thiên nhiên cũng là một lực lượng siêu phàm cho sự thăng hoa. Do đó, thiên nhiên vĩnh viễn là mẫu vật tốt nhất cho nghệ thuật của con người.
Tầng thứ thứ ba – thể hiện bản thân
Mỗi tác phẩm của nghệ sĩ đều phải thể hiện những yếu tố của bản thân; từ kinh nghiệm sống của tác giả, tính cách, tư tưởng, sở thích, sắc thái, đến thái độ và thói quen sáng tạo, là những yếu tố quan trọng trong việc hình thành phong cách cá nhân trong các tác phẩm của nghệ thuật gia đó. Nói cách khác, “cái tôi” của tác giả đã có trong các tác phẩm, không cần phải hướng ngoại tìm kiếm. Người xưa nói rằng “họa như kỳ nhân” (hội họa giống như người), “tự như kỳ nhân” (chữ cũng giống như người) quả thật vô cùng chính xác.
Đó cũng là điều tự nhiên khi các nghệ sĩ thể hiện tài năng, suy nghĩ hoặc cảm xúc của họ trong sáng tạo, sau đó để tác phẩm tự giao tiếp với khán giả. Chỉ có những tâm tư và hoàn cảnh khác nhau trong tác phẩm mới tạo ra những hiệu ứng tâm lý khác nhau cho người xem.
Cái gọi là “thể hiện bản thân” hay nhấn mạnh “sự độc” trong sáng tạo nghệ thuật cũng là hiện tượng xảy ra sau sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa lãng mạn. Đặc biệt là sau khi rời bỏ trường phái ấn tượng, “phong cách cá nhân” của các nghệ sĩ ngày càng được nhấn mạnh, cuối cùng thậm chí trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá giá trị của tác phẩm nghệ thuật; cho nên trong các tác phẩm của thế kỷ XX, nhiều nghệ sĩ đã cố tình từ bỏ nghệ thuật truyền thống, chạy theo đổi mới, biểu diễn và đào sâu vào những ý tưởng mới.
Trong tình huống như vậy, tác phẩm để “thể hiện bản thân” rất dễ chảy vào sở thích riêng hoặc đi vào cực đoan cá nhân, rất khó để tạo ra tiếng vang. Cái gọi là “cái tôi” đó cũng phụ thuộc vào tâm tính mỗi cá nhân tác giả, nên phải đối mặt với một loạt câu hỏi như: có suy đồi không? có nhỏ mọn không? có tự cao tự đại không? có còn tươi sáng và thân thiện không? Cũng giống như tính cách của một người, nếu sáng tạo nghệ thuật chỉ là để tìm kiếm danh tiếng và tiền tài, thì làm thế nào nó có thể đạt tới sự cao quý? làm thế nào nó có thể thực sự chạm được tới trái tim người xem?
Mối quan hệ giữa nghệ thuật và đạo đức cũng có thể được nhìn thấy từ một số khía cạnh: Nhân phẩm của người sáng tạo như thế nào; Liệu chủ đề nghệ thuật có phù hợp với đạo đức hay không; Những kỹ năng nghệ thuật thể hiện đức tính tốt; Loại nghệ thuật nào có thể khiến con người thăng hoa, thanh lọc và làm tăng đạo đức?

1. Vai trò của người sáng tạo trong nghệ thuật
Người sáng tạo là trung tâm của sáng tạo nghệ thuật, trạng thái của bản thân người đó là vô cùng quan trọng. Trước hết, phẩm chất và sự tu dưỡng của người sáng tạo sẽ được thể hiện trong các tác phẩm. Lưu Công Quyền cũng nói rằng “tâm chính tắc bút chính”. Ví như ta có thể so sánh thư pháp của Nhan Chân Khanh và Tống Huy Tông, nét bút ngay chính thể hiện con người đàng hoàng đôn hậu của Nhan Chân Khanh, mà sự tuấn tú cùng thái độ kiêu hãnh hiển nhiên là nét bút của vị vua một nước Tống Huy Tông. Một ví dụ khác là âm nhạc của Mozart và Beethoven, giống như hai người có tính cách hoàn toàn khác nhau, một bên là niềm vui thuần thiện thuần mỹ, một bên là ánh sáng quang minh cùng khí thế hùng hồn.

Thứ hai, trạng thái tâm lý và cảm xúc hiện tại của nghệ sĩ sẽ được bộc lộ trực tiếp trong tác phẩm. Ví như “Hoàng Châu hàn thực thiếp” của Tô Thức, được viết trong thời kỳ ông bị cách chức và đuổi về Hoàng Châu, trong tiết Hàn Thực (tiết Thanh Minh) Tô Thức bị ốm bệnh nhưng lòng luôn hướng về triều đình, vì thế mà mới viết lên bài này, bút pháp cũng trầm bổng theo tâm tình.

Một ví dụ khác là “Tế Chất Cảo” của Nhan Chân Khanh, được sáng tác để cúng tế người anh họ Nhan Cảo Khánh và đứa cháu Nhan Quý Minh trong An Sử loạn. Ngay từ đầu, bút và mực đã ngưng trọng hiểu thị sự trang nghiêm, cây bút tăng tốc theo dâng trào cảm xúc trong lòng ông, nỗi niềm thương tiếc cùng với sự căm hận tên phản đồ đều hiện lên trên giấy.

Raphael – một trong ba bậc thầy thời Phục hưng, người rất giỏi vẽ hình ảnh của Thánh mẫu và Thánh anh. Thánh mẫu dưới ngòi bút của ông có dung mạo vô cùng xinh đẹp, duyên dáng. Khi họa sĩ vẽ về thần linh, ông luôn mang thái độ sùng kính, vì thế nên các tác phẩm rất tự nhiên và thuần khiết. Tuy nhiên, khi Raphael vẽ tình nhân của mình, tâm tư mang nặng thất tình lục dục, vì thế mà hình ảnh cũng trở nên thông tục rất nhiều.

2. Chủ đề của nghệ thuật
Chủ đề nghệ thuật ảnh hưởng đến chính nghệ sĩ. Để trung thực thể hiện đề tài, họa sĩ thường sử dụng trái tim của mình để đi thấu hiểu, mô phỏng và trong vô thức đưa vào trong đó. Khi vẽ thần linh, tâm trí thanh tịnh và thiêng liêng, khi vẽ ma quỷ, tâm trí rất hung tàn cùng mặt mũi dữ tợn, giống như diễn viên tìm ra vai diễn của mình. Khi vẽ núi và biển, tâm trí rộng mở, vẽ tranh nông thôn là yên bình và nhàn nhã, khi vẽ phụ nữ đẹp, họ say mê và trìu mến. Và khi vẽ những bi kịch, họ nghiêm túc và nặng nề…,nhưng điều này có thể có hậu quả bất lợi cho các nghệ sĩ.
Ví dụ, để mô tả tác phẩm bị đắm tàu ​​”The Raft of the Medusa”, họa sĩ lãng mạn Géricault đã đến phòng tang lễ để coi tài liệu về những “bức tranh xác chết”. Chẳng mấy chốc, ông xuất hiện sự yếu đuối về tinh thần, cơ thể cũng trở nên tồi tệ. Họa sĩ người Tây Ban Nha Goya đã tuyệt vọng trong chế độ độc tài của thời đại. Các bức tranh cho thấy sự kinh hoàng, phi lý và tàn nhẫn theo thời gian. Các nét vẽ và màu sắc cũng ảm đạm. Cuối cùng, họa sĩ đã trải qua phần còn lại của cuộc đời trong những vướng mắc của ảo ảnh.

Ngoài ra còn có một số họa sĩ hiện đại sử dụng ma túy để tìm cảm hứng và chủ đề khiến khiến nội dung của bức tranh cũng suy đồi và đen tối. Hậu quả của vòng luẩn quẩn, nhiều nghệ sĩ không khỏe mạnh và có người chết do ma túy, như Basquiat.
Chủ đề hoặc nội dung của nghệ thuật cũng sẽ ảnh hưởng đến người xem. Người xưa nói rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, những gì mọi người tiếp xúc, nó sẽ vô thức đưa vào tâm trí. Đặc biệt là sau khi tiếp xúc lâu dài, nó sẽ dễ dàng tiếp thu, đồng hóa và làm quen với nó.
Ví dụ, sau khi các bộ phim bạo lực ở Hoa Kỳ trở nên phổ biến, tình trạng xả súng giết người trong khuôn viên trường được tăng lên rất nhiều. Mặc dù như bộ phim nổi tiếng Đài Loan “Monga” được đánh giá cao, cũng có những di chứng mà mọi người không muốn thấy: sự gia tăng của hành hung và đánh lộn của giới trẻ. Nhiều người phạm tội tình dục vì xem nội dung khiêu dâm quá nhiều, họ không thể kiểm soát ham muốn của mình. Nếu nghệ thuật thể hiện các giá trị không chính xác như nội dung khiêu dâm, bạo lực và biến thái, chắc chắn nó sẽ có tác động tiêu cực cho bầu không khí xã hội.
Cũng có nhiều ví dụ về những tác động tích cực do nghệ thuật chân chính mang lại. Ví dụ, sau khi Trần Thụ Cúc, một bà già bán rau ở Đài Loan đã quyên góp một khoản thu nhập nhỏ để giúp đỡ người khác, số tiền quyên góp từ nhiều tổ chức từ thiện Đài Loan nói chung đã tăng lên. Ngoài ra, một thí nghiệm được báo cáo bởi Life Science cho thấy những người vô cùng cảm động trước những việc làm tốt của người khác có thể làm điều tương tự trong tương lai.

Một thực tế không thể chối cãi là nghệ thuật có thể thiện hóa trái tim của mọi người. Ví dụ, âm nhạc thuần khiết của Mozart không chỉ hiệu quả (“hiệu ứng Mozart” nổi tiếng), mà còn làm giảm tỷ lệ tội phạm.
3. Kỹ năng và ý tưởng phản ánh đức hạnh
Kỹ năng cơ bản đòi hỏi lý trí, sức bền và sự tập trung: Bất kỳ nghệ thuật chính thống nào cũng đòi hỏi kỹ năng cơ bản của các anh tài, việc phát triển các kỹ năng cơ bản đòi hỏi phải rèn luyện chăm chỉ lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, tập trung và các phẩm chất khác để hoàn thiện. Ví dụ, các kỹ thuật hiện thực của nghệ thuật phương Tây nhấn mạnh vào việc quan sát và phân tích các đối tượng một cách hợp lý, không ngừng thực hành nhiều lần, đó là một thái độ tỉ mỉ của việc tìm kiếm cái đúng, nó cũng là hiện thân của việc học hỏi và tôn trọng sự sáng tạo của con người.
Quan điểm thẩm mỹ của nghệ thuật truyền thống ở phương Đông và phương Tây cũng phản ánh sự toàn vẹn, khách quan, trật tự, cân bằng, hài hòa,… từ bố cục, hình dạng đến sử dụng, như mối quan hệ đạo đức của xã hội loài người, các chi tiết giống như một cuộc sống thực sự, đều có sinh mệnh ký thác trong đó.
Nhiều kỹ thuật vẽ tranh chính thống, như tranh sơn dầu phương Tây hoặc tranh chi tiết phương Đông, thường đòi hỏi nhiều cấp độ tô màu. Ví dụ, phương pháp “Sfumato” của Da Vinci có tới 30 lớp sắc tố, nhưng độ dày chưa đến 40 micron, chỉ bằng một nửa sợi tóc của con người. Các nhân vật được vẽ là tự nhiên và giống như thật, các biểu hiện là tỉ mỉ và không thể đoán trước. Các bức tranh chi tiết truyền thống của Trung Quốc được nhuộm lại nhiều lần bằng mực sáng. Đó là sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng, hình ảnh trông vô cùng tinh tế sâu sắc và tự nhiên.
Một số người cho rằng thật nhàm chán khi chỉ thể hiện những điều tốt đẹp và tích cực trong nghệ thuật. Nếu nghệ thuật là người hướng nội và hòa bình, liệu nó có quá nhàm chán hay không? Mong muốn và ý nghĩ xấu xa cũng là những phần thực sự của bản chất con người. Tại sao không thể biểu hiện ra chứ?
Chúng tôi tin rằng bản chất con người là tốt, “đạo đức” thực sự đến từ bản chất bẩm sinh của con người. Chỉ trong một thời đại khi trái tim con người bị hoen ố và “cái tôi” bị thổi phồng một cách mù quáng, đạo đức được coi là một ràng buộc đối với bản chất con người. Trên thực tế, nghệ sĩ tạo ra loại chủ đề nào, loại kỹ thuật biểu hiện nào, là biểu hiện đặc điểm của người đó, là ý chí của người sáng tạo, giống như mọi người muốn làm điều tốt hay xấu, là lựa chọn riêng của họ.
Đừng bỏ qua sức mạnh của cái thiện
Theo đuổi điều tốt đẹp là bản chất của tất cả mọi người. Nghệ thuật đẹp không chỉ làm hài lòng con người, mà còn làm người ta hướng tới khát khao về thế giới tâm linh tươi sáng, thiêng liêng và thậm chí là sự thật vĩnh cửu. Schumann nói: “Nghệ thuật là ánh sáng chiếu vào bóng tối của con người.” Với chính niệm và sáng tạo tư duy tốt, không chỉ nghệ sĩ có thể tự cải thiện, mà chủ đề tích cực được tạo ra có thể giáo dục xã hội tốt hơn và mang lại lợi ích cho người khác. Đây cũng là trách nhiệm xã hội mà những người sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh, quảng bá và các nhà giáo dục nghệ thuật phải ghi nhớ.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét