" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017
Hóa giải mối đe dọa toàn cầu đối với dân chủ
Nguồn: Ngaire Woods, “Confronting the Global Threat to Democracy”, Project Syndicate, 03/06/2016
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trên khắp thế giới, các nhà dân túy đang thu hút phiếu bầu với lời hứa sẽ bảo vệ dân thường khỏi những thực tế khắc nghiệt của toàn cầu hóa. Để đạt được mục đích này, họ khẳng định giới chính trị gia dân chủ dòng chính là không đáng tin, vì họ còn quá bận rộn bảo vệ những người giàu có – một thói quen mà toàn cầu hóa chỉ tăng cường thêm.
Suốt nhiều thập niên, toàn cầu hóa đã hứa sẽ mang lại lợi ích cho tất cả. Trên phạm vi quốc tế, nó đã tạo điều kiện cho sự phát triển của những “con hổ châu Á” và các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), giúp tăng trưởng nhanh chóng ở khắp châu Phi, và tạo điều kiện cho sự bùng nổ ở các nước phát triển cho tới năm 2007. Nó cũng tạo ra những cơ hội mới và tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều nước giàu đã phải thắt lưng buộc bụng; các nền kinh tế châu Á phát triển chậm lại; BRICS trì trệ; và nhiều nước châu Phi trở lại cảnh nợ nần.
Tất cả điều này đã góp phần làm gia tăng bất bình đẳng – “nguồn” nuôi dưỡng của sự bất mãn. Emmanuel Saez và Gabriel Zucman ước tính rằng ở Mỹ, khoảng cách giàu nghèo hiện đang là rộng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái (1929-1933), khi 1% số hộ gia đình giàu nhất hiện đang nắm giữ gần một nửa số tài sản của quốc gia.
Tại Anh, Văn phòng Thống kê Quốc gia báo cáo rằng trong giai đoạn 2012-2014, nhóm giàu nhất chiếm 10% dân số nhưng sở hữu tới 45% tổng số tài sản hộ gia đình. Kể từ tháng 7/2010, nhóm giàu nhất này đã giàu lên nhanh gấp ba lần so với những người thuộc “nửa dưới” của dân số.
Tại Nigeria, mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc, đạt trung bình 7%/năm kể từ năm 2000, có thể đã giúp giảm nghèo ở phía tây nam của đất nước; nhưng ở phía đông bắc (nơi nhóm cực đoan Boko Haram hoạt động mạnh nhất), bất bình đẳng giàu nghèo và nghèo đói đã xuất hiện một cách đáng báo động. Xu hướng tương tự cũng xuất hiện từ Trung Quốc, Ai Cập, tới Hy Lạp.
Cùng với sự bất bình đẳng, sự suy giảm lòng tin của công chúng đã làm dấy lên cuộc nổi dậy chống lại toàn cầu hóa và dân chủ. Ở khắp các nước phát triển và đang phát triển, nhiều người nghi ngờ rằng người giàu đang ngày càng giàu hơn vì họ không tuân theo những quy định tương tự như những người khác.
Không khó để hiểu tại sao. Khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại, sự vi phạm lòng tin của những người ở lớp trên của xã hội trở nên rõ ràng hơn. Ở Anh, vào năm 2013, Amazon, Starbucks, và Google gây phẫn nộ lớn khi lợi dụng lỗ hổng [luật pháp] để gần như không phải trả đồng thuế nào, khiến chính phủ Anh đã phải dẫn dắt nhóm G8 đưa ra một tuyên bố nhằm làm giảm tình trạng trốn thuế và tránh thuế. Trong năm 2015, một cuộc kiểm toán đối với Tổng công ty Dầu khí quốc gia Nigeria thuộc sở hữu nhà nước cho thấy có khoảng 20 tỉ USD doanh thu đã không bao giờ được nộp cho các cơ quan dưới thời chính phủ tiền nhiệm.
Vấn đề dường như mang tính hệ thống. Năm nay, Hồ sơ Panama vạch trần cách mà giới nhà giàu trên thế giới tạo ra các công ty bí mật ở nước ngoài, cho phép họ tránh được giám sát tài chính và thuế. Và các ngân hàng lớn nhất thế giới đã phải đối mặt với mức tiền phạt chưa từng có trong những năm gần đây vì hành vi vi phạm luật pháp trắng trợn.
Nhưng, bất chấp dư luận tiêu cực mà các trường hợp như vậy tạo ra, chưa hề có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Gần một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chỉ có một giám đốc ngân hàng phải vào tù. Thay vào đó, nhiều chủ ngân hàng lại đi theo con đường tương tự như Fred Goodwin, người đứng đầu Ngân hàng Hoàng gia Scotland của Anh, người tạo ra khoản lỗ chồng chất đến 24,1 tỷ bảng Anh (34,2 tỷ USD), nhưng sau đó đã từ chức và được hưởng một khoản lương hưu hậu hĩnh. Dân thường – chẳng hạn như người cha của ba đứa con đã bị bỏ tù tại Anh vào tháng 9/2015 vì khoản nợ cờ bạc 500.000 bảng – lại không được hưởng “sự trừng phạt” như vậy.
Tất cả điều này giúp giải thích tại sao các phong trào chống các chính trị gia dòng chính (anti-establishment) được đà phát triển trên toàn thế giới. Những phong trào này cùng chia sẻ một cảm giác “bị tước tiếng nói” – cảm giác rằng chính quyền không thể đem đến sự công bằng (a fair shake) cho dân thường. Họ chỉ ra các kết quả bầu cử đã bị “mua” bởi những nhóm lợi ích đặc biệt, chỉ ra các khuôn khổ pháp lý và điều tiết khó hiểu dường như đang gian lận, làm lợi cho những kẻ giàu, chẳng hạn như các quy định ngân hàng mà chỉ có những tổ chức lớn mới có thể đáp ứng, hay các hiệp ước đầu tư được đàm phán trong bí mật.
Chính phủ đã cho phép toàn cầu hóa- và những người giàu có thường xuyên chuyển chỗ ở – vượt mặt họ. Toàn cầu hóa đòi hỏi phải có quy định và quản lý. Nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm. Và nó cũng đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu sâu rộng và hiệu quả. Khi các chính phủ thất bại trong việc hợp tác hồi những năm 1930, toàn cầu đã đột ngột dừng lại.
Phải đến khi có một loạt nỗ lực được quản lý chặt chẽ và cẩn thận sau Thế chiến II, nền kinh tế thế giới mới mở cửa và cho phép toàn cầu hóa “khởi động lại” lần nữa. Thế nhưng, dù nhiều quốc gia đã tự do hóa thương mại, kiểm soát vốn vẫn đảm bảo rằng dòng “tiền nóng” không thể vào và ra khỏi các nền kinh tế một cách dễ dàng. Trong khi đó, các chính phủ đã đầu tư lợi nhuận từ tăng trưởng vào giáo dục chất lượng cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và hệ thống phúc lợi xã hội vốn làm lợi cho số đông người dân. Vì công việc của chính phủ càng phát triển, nên nguồn lực đổ vào đầu tư cũng nhiều lên.
Đến những năm 1970, giới lãnh đạo và kinh doanh ở các nước giàu có đã trở nên tự mãn. Họ mù quáng tin vào lời hứa rằng thị trường tự cân bằng, tự kiềm chế sẽ tiếp tục tạo ra tăng trưởng. Đến khi tư tưởng chính thống mới này lan sang lĩnh vực tài chính vốn đầy nợ, thế giới đã bước sang giai đoạn đổ vỡ. Thật không may, nhiều chính phủ đã mất khả năng quản lý những lực lượng mà họ đã tự do hóa, và các lãnh đạo doanh nghiệp thì mất đi ý thức trách nhiệm đối với phúc lợi của xã hội nơi họ trở nên phát đạt.
Trong năm 2016, chúng ta học lại một điều rằng, về mặt chính trị, toàn cầu hóa cần phải được quản lý để không chỉ cho phép kẻ thắng cuộc giành được chiến thắng và còn phải đảm bảo rằng họ không lừa gạt hay bỏ bê trách nhiệm của mình đối với xã hội. Không được có chỗ cho các chính trị gia tham nhũng bắt tay với các lãnh đạo doanh nghiệp tham nhũng.
Khôi phục lại lòng tin của người dân sẽ rất khó khăn. Các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải có được “giấy phép hoạt động” từ xã hội nói chung, và góp phần rõ rệt vào việc duy trì các điều kiện hỗ trợ cho sự thịnh vượng của họ. Họ có thể bắt đầu làm điều đó bằng cách nộp thuế.
Chính phủ sẽ cần phải tách mình ra khỏi các công ty không hoàn thành nghĩa vụ của họ. Hơn nữa, họ phải cải tổ hoạt động của mình, để chứng minh tính công bằng, không thiên vị của họ. Các quy định cứng rắn đòi hỏi phải có sự đầu tư đáng kể để nâng cao năng lực của chính phủ và các dịch vụ pháp lý hỗ trợ.
Cuối cùng, sự hợp tác toàn cầu là rất quan trọng. Toàn cầu hóa không thể bị xóa bỏ. Nhưng với một cam kết mạnh mẽ và có tính chia sẻ , nó có thể được quản lý.
Ngaire Woods là Hiệu trưởng của Trường Blavatnik về Quản trị Chính quyền và Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh tế Toàn cầu tại Đại học Oxford.
Quá trình từ bỏ kinh doanh của quân đội Trung Quốc
Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Gốc rễ lịch sử của việc quân đội làm kinh tế ở Trung Quốc
Việc quân đội tham gia vào các hoạt động thương mại không chỉ đơn thuần xoay quanh vấn đề lợi ích kinh tế. Mối quan hệ giữa quân đội và các hoạt động kinh doanh nằm trong mối quan hệ tương tác lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều giữa một bên là thiết chế nhà nước và một bên là quân đội, giữa xu hướng chuyên nghiệp hoá và xu hướng thương mại hoá. Vai trò của quân đội là khác nhau trong từng thời điểm lịch sử cụ thể tương ứng với từng thể chế chính trị cụ thể. Hãy cùng tìm hiểu mối quan hệ tuy đơn giản mà phức tạp này tại Trung Quốc.
Kinh tế quân sự Trung Quốc thời kỳ phong kiến
Quân đội là công cụ bạo lực của nhà nước với hai mục tiêu căn bản: bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đảm bảo cho đất nước có được sự ổn định nhất định về mặt đối nội. Là công cụ bạo lực, tuy nhiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, quân đội được cho là cần phải hoàn toàn có thể tự cung tự cấp, hay ít nhất là đảm bảo tự cung tự cấp được một phần các nhu yếu phẩm của mình. Trên thực tế, quân đội phong kiến Trung Quốc rất hiếm khi được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn về mặt tài chính. Các cuộc chiến tranh liên miên, thiên tai địch hoạ, cũng như hệ thống thu thuế kém hiệu quả khiến cho “quốc khố” không thể nào gánh vác hết được hoạt động của quân đội, chưa kể tới việc chi dùng tiền thuế cho các hoạt động khác. Thêm vào đó, triết lý cai trị thông thường thời bấy giờ dựa trên nhận định rằng thuế thấp sẽ tốt hơn và là bằng chứng cho tấm lòng nhân từ của hoàng đế.
Để giải quyết vấn đề ngân khố cho quân đội, các hoàng đế Trung Hoa thường áp dụng một trong hai chính sách sau để hỗ trợ cho quân đội phong kiến. Thứ nhất là áp dụng cách tiếp cận của trường phái Pháp Gia với dại diện là Thương Ưởng thời Tần, khi ông đề xuất đưa toàn bộ nền nông nghiệp của quốc gia đặt dưới sự kiểm soát của quân đội (thuế đánh tới 2/3 hoa lợi và chuyển cho các mục đích quân sự). Cách tiếp cận này đặt nền tảng dựa trên một triết lý khác: Phú Quốc Cường Binh, cho rằng an nguy của quốc gia chống lại các mối đe doạ từ bên ngoài sẽ được đảm bảo bởi một nền nông nghiệp mạnh, thông qua đó mọi nguồn lực được huy động cho chiến tranh. Thương Ưởng dẹp bỏ hết các nước phiên thuộc và tái cấu trúc bộ máy hành chính nhà Tần theo hướng quân sự hoá tập trung cao độ phục vụ cho chiến tranh và bành trướng.
Sau đó tới thời nhà Tuỳ-Đường, chính phủ trung ương tiếp tục thực hiện chính sách này nhưng với cách thức khác: chế độ quân điền (均田制度; Jūntián Zhìdù). Nông dân vừa phải tham gia vào quân đội khi cần thiết và đồng thời họ vẫn có thể được hưởng hoa lợi từ các hoạt động nông nghiệp.
Cách thức thứ hai phổ biến hơn là nhà nước phong kiến cho phép quân đội được tham gia vào các hoạt động kinh tế để bổ trợ cho phần ngân sách ít ỏi được triều đình cung cấp hằng năm. Phiên bản hoàn thiện nhất của chính sách này chính là chế độ đồn điền (屯田制度; Túntián Zhìdù), là hình mẫu căn bản của kinh tế quân sự được các triều đại phong kiến áp dụng trong suốt một khoảng thời gian dài. Trong khoảng thời gian đầu, quân đội không được sử dụng đất của nông dân mà chỉ được canh tác trên các khoảng đất của nhà nước. Và tuỳ theo mối quan hệ giữa triều đình phong kiến và quân đội, chẳng hạn khi có chiến tranh, thì phần lợi tức mà quân đội nhận được dao động từ 50 đến 75% tổng lợi tức.
Quân đội và hoạt động kinh tế thời kỳ Mao Trạch Đông
Quan hệ giữa quân đội và ĐCSTQ trong thời kỳ của Mao Trạch Đông có thể được mô tả như một mối quan hệ cộng sinh. Các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng cũng đồng thời là tướng lĩnh quân đội. Cả hai thiết chế này do đó có quan hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời (quyền lực chính trị xuất phát từ nòng súng – theo lời của Mao). Vai trò của Mao Trạch Đông là cực kỳ quan trọng. Khái niệm tự cấp tự túc và quân đội làm kinh tế trở thành đặc trưng căn bản của bộ máy nhà nước-quân đội của Trung Quốc trước khi cải cách mở cửa.
Khi ĐCSTQ tiến hành các hoạt động chiến tranh du kích chống lại Tưởng Giới Thạch, quân đội Trung Quốc khi đó chỉ đơn giản là một đội quân du kích được trang bị tồi tàn, không được huấn luyền đầy đủ và bao gồm nông dân và công nhân tại các khu vực nghèo khó ở phía tây đất nước. Vì nền kinh tế dân sự tại các khu vực này không đủ để hỗ trợ cho quân đội, tự cấp tự túc là chính sách cần thiết và hiển nhiên. Mao Trạch Đông đặc biệt ủng hộ các hoạt động sản xuất kinh tế của quân đội và luôn luôn quan tâm tới chính sách này trong suốt khoảng thời gian cầm quyền của mình. Mao cho rằng tự cung tự cấp không chỉ là cách thức giúp cho quân đội Trung Quốc tồn tại trong khoảng thời gian khó khăn, mà còn mang ý nghĩa chính trị khi quân đội không tạo ra quá nhiều gánh nặng cho người dân. Điều này trái ngược hoàn toàn với quân đội của Tưởng Giới Thạch vốn khét tiếng với các hoạt động cướp phá hay bóc lột cư dân địa phương.
Ba chính sách tự cấp tự túc căn bản của quân đội Trung Quốc trong thời kỳ này bao gồm: (1) tịch thu vũ khí khí tài từ đối thủ, ở đây là quân đội của Tưởng Giới Thạch; (2) tận dụng nguồn lực từ đất đai, thu thuế cao đối với các chủ đất hay với thương dân tại các vùng kiểm soát và (3) chính là tự sản xuất, khi quân đội Trung Quốc được cho phép xây dựng nhà máy, bệnh viện và các xưởng sửa chữa quân trang quân dụng với số lượng ngày càng tăng.
Chiến tranh chống Nhật bùng nổ và nội chiến Quốc-Cộng sau đó khiến cho chính sách tự cấp tự túc được mở rộng hơn nữa do quân đội cần tài nguyên nhiều hơn cũng như Mao Trạch Đông không muốn đặt gánh nặng lên người dân. Từ năm 1938, quân đội Trung Quốc được phép mở rộng các hoạt động sản xuất bao gồm công nghiệp quân sự và chế tạo các mặt hàng tiêu dùng cần thiết cung cấp ngược lại cho phía dân sự. Các tổ hợp sản xuất quốc phòng thời điểm này chính là tiền thân của các tổ hợp kinh doanh quốc phòng sau này của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian này nắm gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế tại các vùng kháng chiến.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1949, một trong những nhiệm vụ căn bản của quân đội Trung Quốc là dần dần chuyển biến từ một đội quân du kích trở thành một đội quân chính quy. Và bước đầu tiên chính là chuyển dần dần các hoạt động kinh doanh không cần thiết cho chính phủ dân sự. Với việc sở hữu nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và công nghiệp trong suốt khoảng thời gian trước đây khiến cho nhánh hậu cần của quân đội Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết nền kinh tế quốc gia sau chiến tranh, đặc biệt trong việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và mạng lưới cơ sở hạ tầng. Các đơn vị quân đội đã chuyển giao hệ thống đường sắt, thông tin liên lạc, sân bay và một số cơ sở hạ tầng khác. Binh lính cũng được điều động tham gia các dự án xây dựng. Quân đội cũng tham gia mạnh mẽ vào hoạt động ngoại thương, đặc biệt với Liên Xô.
Việc quân đội tham gia kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trong các thập kỷ tiếp theo khiến cho số lượng các nhà máy quốc phòng gia tăng chóng mặt. Tuy nhiên điều này cũng gây ra một số hệ luỵ căn bản: (1) hoạt động huấn luyện của quân đội bị gián đoạn khi khoảng 10% nhân lực của quân đội trong khoảng thời gian này bị điều chuyển sang các xí nghiệp hay sang các cơ sở sản xuất nông nghiệp, làm giảm đi khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; (2) rất nhiều các cơ sở sản xuất, các mỏ do quân đội điều hành hoạt động kém hiệu quả và gây thất thoát lớn; (3) nhiều cơ sở sản xuất hay nông trường quân đội nằm trên đất do chính quyền địa phương quản lý và cũng thường xuyên né tránh các quy định của nhà nước trong một số lĩnh vực, gây ra rạn nứt nhất định trong mối quan hệ giữa quân đội và chính quyền dân sự.
Nói tóm lại, các hoạt động kinh doanh của quân đội Trung Quốc trong giai đoạn sau này (như sẽ được đề cập trong phần sau) xuất phát từ truyền thống quan hệ quân sự-dân sự có góc rễ trong lịch sử gắn chặt với yếu tố tự cấp tự túc. Cần phải nhắc lại rằng mối quan hệ cộng sinh giữa quân đội và ĐCSTQ là bệ đỡ quan trọng giúp quân đội có thể có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp và kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn của Mao.
Nghiên cứu về quan hệ giữa quân đội và hệ thống Đảng/chính quyền dân sự đưa ra hai lập luận: xu hướng thương mại hoá gắn liền với sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ đối với quân đội, trong khi đó quá trình chuyên nghiệp hoá sẽ gắn liền với một quân đội Trung Quốc dần có tiếng nói riêng trong việc triển khai các chính sách của riêng mình vốn sẽ được đề cập rõ hơn trong phần sau.
Từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình: chuyên nghiệp hoá hay thương mại hoá
Chuyên nghiệp hoá và thương mại hoá, hay nói rộng ra hơn là câu hỏi liệu quân đội chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu bảo vệ tổ quốc hay không luôn là một vấn đề thường trực trong quan hệ Đảng-quân đội tại Trung Quốc. Nó liên quan mật thiết tới đời sống kinh tế-chính trị trong nội bộ Trung Quốc, cũng như tới tình hình thế giới và khu vực trong từng thời điểm cụ thể.
Đặng Tiểu Bình và câu chuyện “thương mại hoá” quân đội
Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh tụ tối cao tại Trung Quốc sau Đại Cách mạng Văn hoá vô sản và chính thức mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. “Bốn hiện đại hoá” được đưa ra như là chính sách cốt lõi để cải cách nền kinh tế cũng như đảm bảo ổn định xã hội, bao gồm: nông nghiệp; công nghiệp; khoa học và công nghệ; quốc phòng. Chiếm vai trò và ngân sách hết sức quan trọng trong hai thập kỷ trước, quốc phòng trong giai đoạn này chỉ đóng vai trò thứ yếu nhường chỗ cho các nhiệm vụ phát triển và mở cửa nền kinh tế.
Có nhiều lý do để Đặng Tiểu Bình khuyến khích quân đội đóng một vai trò kinh tế lớn hơn trong giai đoạn cải cách mở cửa. Ông cho rằng Trung Quốc không gặp phải bất cứ mối đe doạ xâm lăng trực tiếp nào từ Liên Xô hay Mỹ, do đó duy trì một ngân sách quốc phòng quá cao cho quân đội là không cần thiết. Nguồn lực cần được chuyển cho các nỗ lực hiện đại hoá. Và để bù đắp cho ngân sách sụt giảm, quân đội được phép tham gia vào kinh doanh một cách sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, truyền thống tự cấp tự túc của quân đội vẫn được nhấn mạnh. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như quân đội cần phải thể hiện sự linh hoạt điểu chỉnh so với thời thế; khả năng quản lý được cải thiện; tạo việc làm cho những nhóm lợi ích phụ thuộc vào quân đội; quân nhân làm quen với kỹ năng quản lý dân sự…Cách tiếp cận này được gọi là “xả nước nuôi cá”.
Theo sau chính sách này là một loạt các quy định được ban hành, trong đó nhấn mạnh tới việc các hoạt động sản xuất và kinh doanh của quân đội phải tuân thủ theo chính sách chung của đảng và nhà nước. Ba quy tắc cũng được nhấn mạnh: (1) quân đội được kỳ vọng sẽ tham gia lâu dài vào sản xuất và kinh doanh vì ngân sách dành cho lực lượng này sẽ có thể tiếp tục suy giảm; (2) định rõ vai trò và phân công lao động khi các đơn vị quân đội không được sử dụng quân nhân đang được biên chế hay tài nguyên quốc phòng quốc gia cho mục đích thương mại và (3) chấp nhận phát triển và phân chia lợi ích không đồng đều giữa các đơn vị kinh tế quốc phòng.
Trong suốt giai đoạn từ 1984 đến 1989, doanh thu tới từ các doanh nghiệp cho quân đội dẫn dắt gia tăng nhanh chóng, nhưng đồng thời với đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí, rửa tiền, buôn lậu và các hành vi phạm tội khác gia tăng một cách đáng báo động trong hàng ngũ các công ty quân đội. Các công ty này kinh doanh đủ mọi ngành nghề từ nông nghiệp cho tới công nghiệp; từ các ngành dịch vụ cho tới công nghệ; nhà hàng khách sạn cho tới hậu cần. Nhiều giải pháp kiểm tra và giám sát đã được đưa ra nhưng tình trạng này không có dấu hiệu suy giảm. Hơn nữa, sự biến Thiên An Môn nổ ra năm 1989 khiến cho mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn suy thoái đạo đức trong nội bộ các doanh nghiệp quân đội phải tạm dừng lại.
Tham nhũng tràn lan đến mức báo động chủ yếu do hai yếu tố. Thứ nhất là sự tham gia hạn chế nhưng hợp pháp của quân đội trong nền kinh tế Trung Quốc lúc bấy giờ. Thứ hai là những yếu tố thể chế, ví dụ như đặc quyền của quân đội trong tiếp cận cơ sở hạ tầng, giao thông, tài nguyên thiên nhiên, các khu vực biên giới và đặc biệt là miễn nhiễm trước các cơ chế giám sát và điều tra của dân sự.
Phải nói thêm rằng, trong giai đoạn này quá trình thương mại hoá quân đội đã hoàn toàn áp đảo quá trình hiện đại hoá với những lý do vừa nêu trên. Đặng Tiểu Bình tập trung quyền lực lớn, cùng với đó là những nhóm lợi ích ủng hộ thương mại hoá trong quân đội mà đứng đầu là Dương Thượng Côn (Chủ tịch nước Trung Quốc giai đoạn 1988-1993, một trong “bát đại nguyên lão”) và Dương Bạch Băng (em trai cùng cha khác mẹ của Dương Thượng Côn, Thượng tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc giai đoạn 1987-1992). Một thống kê cho thấy tới cuối những năm 1990, có hơn 15.000 công ty quốc phòng hoạt động, tạo ra giá trị hàng tỷ NDT mỗi năm. Hơn 75% trong số này được tạo ra bởi các tập đoàn quốc phòng lớn kiểm soát bởi ba quân chủng lớn của quân đội.
Quá trình “phi thương hoá” quân đội diễn ra sau đó phần nào thể hiện sự đấu tranh quyền lực nội bộ ở Trung Quốc sau khi Giang Trạch Dân thay Đặng Tiểu Bình trở thành người đứng đầu Trung Quốc, và Giang mong muốn tăng cường sự kiểm soát của mình với quân đội. Bên cạnh sự nổi lên của Giang Trạch Dân là sự trỗi dậy của phe ủng hộ “chuyên nghiệp hoá” trong quân đội mà đại diện tiêu biểu là Tư lệnh hải quân Lưu Hoa Thanh và Tổng tham mưu trưởng Trương Vạn Niên. Phe “chuyên nghiệp hoá” chiến thắng trong cuộc đấu khi cả Dương Thượng Côn và Dương Bạch Băng bị ép phải rời khỏi quyền lực. Sự trỗi dậy của xu hướng hiện đại hoá/chuyên nghiệp hoá cũng một phần do quân đội Trung Quốc trong giai đoạn này ý thức được sự cần thiết phải xây dựng một lực lượng chính quy và tinh nhuệ sau khi chứng kiến sức mạnh áp đảo khủng khiếp của Mỹ trong Chiến tranh Vùng vịnh chống lại Iraq. Sự ủng hộ của giới lãnh đạo quân đội theo xu hướng “hiện đại hoá/chuyên nghiệp hoá” đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn này.
Cũng phải nói thêm rằng quá trình “phi thương hoá” trong hai năm 1998-1999 không phải đột nhiên xảy ra. Trước đó đã có một số bước đi lẻ tẻ của bên dân sự nhằm từng bước lập lại trật tự trong các hoạt động kinh doanh của quân đội. Tuy nhiên lý do chính dẫn tới quyết định phi thương hoá của Giang Trạch Dân vẫn chưa rõ ràng, nhưng có hai luồng thông tin đồn đoán khác nhau: (1) Giang Trạch Dân đã đặc biệt giận dữ khi nhận được các báo cáo tham nhũng cực lớn từ 6 công ty của quân đội và công an. Nghiêm trọng nhất trong số đó là hoạt động buôn lậu dầu của quân đội và đã khiến cho hai công ty dầu khí độc quyền nhà nước lớn bị phá sản. Báo cáo cũng chỉ ra rằng hoạt động buôn lậu của quân đội trong thời kỳ khủng hoảng tài chính Châu Á khiến cho chính phủ dân sự thất thoát hàng tỷ NDT và khiến giảm phát trầm trọng hơn; (2) xuất phát từ Thủ tướng khi đó là Chu Dung Cơ. Ông Chu trong một hội nghị chống tham nhũng đã thẳng thừng chỉ trích một doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng cục Hậu cần vì đã không chịu nộp thuế cho nhà nước. Phe quân đội và ông Chu đã cãi nhau kịch liệt và kết quả là Giang Trạch Dân 4 ngày sau phải lên tiếng ủng hộ quan điểm của Chu Dung Cơ.
Quá trình phi thương hoá đã đặt mọi hoạt động sản xuất của quân đội dưới một cơ quan chung thống nhất (Tổng cục Hậu cần); cắt giảm số lượng các doanh nghiệp quân đội xuống chỉ còn 50% so với trước đây; điều chính lại các chứng năng giám sát và quản trị ở từng quân khu; phân tách và phân công lao động rõ ràng hơn…Cho đến năm 1998-1999, một quá trình “phi đầu tư” hoá các doanh nghiệp quân đội giáng cú đòn mạnh mẽ nhất vào xu hướng “thương mại hoá” khi hầu hết tài sản của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn (viễn thông, hàng không, cơ sở hạ tầng…) dần dần được chuyển giao cho các tổ chức của chính phủ hay dân sự.
Tập Cận Bình, giấc mơ Trung Hoa và xu hướng hiện đại hoá
Nỗ lực của Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào tạo tiền đề cho xu hướng hiện đại hoá/chuyên nghiệp hoá trong quân đội Trung Quốc trong giai đoạn của Tập Cận Bình. Quá trình “phi đầu tư” hoá các doanh nghiệp quân đội năm 1998-1999 được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, giáng cú đòn mạnh mẽ vào xu hướng “thương mại hoá”. Hầu hết tài sản và cơ sở kinh doanh của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của quân đội (viễn thông, hàng không, cơ sở hạ tầng, đất đai có liên quan tới kinh doanh…) dần dần được chuyển giao cho các tổ chức và tập đoàn dân sự nhà nước hay cho chính quyền địa phương. Thậm chí các nhà máy sản xuất và sửa chữa vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng cũng được chuyển giao hết cho tư nhân hoặc dân sự. Quá trình này hoàn thành năm 2001.
Tập Cận Bình lên lãnh đạo một lực lượng quân đội hiện đại hơn và chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước đây, với một ngân sách quốc phòng dồi dào. Gia tăng ngân sách quốc phòng đều đặn qua từng năm cũng là một biện pháp thoả hiệp giữa chính phủ dân sự và phe quân đội. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc vẫn được phép giữ lại một số các công ty và cơ sở kinh doanh nhất định, chủ yếu có lợi ích trong các ngành như nông nghiệp, bệnh viện hay khách sạn nhà nghỉ.
Khái niệm “giấc mơ Trung Hoa” ra đời sau đó như là một dấu ấn trong nhiệm kỳ cầm quyền của ông Tập. Một phần của “giấc mơ Trung Hoa” đề cập tới việc xây dựng một lực lượng quân đội có khả năng và trình độ bắt kịp với các lực lượng quân đội hùng mạnh khác trên thế giới.
Có thể khẳng định rằng xu hướng “chuyên nghiệp hoá” đã thắng thế khi hầu hết các tướng lĩnh quân đội hiện tại ở Trung Quốc là những quân nhân chuyên nghiệp không có nhiều kinh nghiệm chính trị. Họ ủng hộ hiện đại hoá quân đội. Vai trò của Tập Cận Bình cũng đáng lưu ý khi ông được đánh giá là nhà lãnh đạo mạnh nhất Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, là một “lãnh đạo nòng cốt” của Đảng có đủ khả năng để dẹp bỏ hầu hết mọi chướng ngại cản trở “hiện đại hoá”.
Nằm trong nỗ lực thúc đẩy hiện đại hoá, có nhiều thông tin cho rằng Chủ tịch Tập trong tương lai gần sẽ cấm hoàn toàn việc quân đội làm kinh tế để tập trung cho một mục tiêu duy nhất là huấn luyện và chiến đấu. Mọi tàn dư còn sót lại theo sau chính sách “phi thương hoá” quân đội của Giang Trạch Dân sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Tháng 11 năm 2015, ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc tuyên bố mọi hoạt động kinh tế tạo ra doanh thu còn lại của quân đội sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2018. Các hoạt động này bao gồm khám chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội; cho tư nhân thuê lại các nhà kho của quân đội; cho phép các đoàn ca múa nhạc của quân đội tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng có thu phí; thuê ngoài các công ty xây dựng quân đội hay việc cho phép sinh viên ngoài ngành được học tập tại các trường/viện của quân đội. Bước đi này được xem là dấu chấm hết cho xu hướng “thương mại hoá” quân đội vốn đã ăn sâu bám rễ trong cách thức tổ chức quân sự ở Trung Quốc từ trước tới nay.
Trong vòng 3 năm, các đơn vị quân đội và cả các đơn vị công an đang cung cấp những dịch vụ nêu trên không được ký kết thêm hợp đồng mới cũng như dần dần đáo hạn tất cả các hợp đồng đang có bằng cách đàm phán với các đối tác dân sự. Quá trình này đang diễn ra theo đúng như kế hoạch và hầu như không gặp phải bất kỳ cản trở nào, với những lý do đã nêu ở bên trên. Bên cạnh đó, các quy định về kiểm toán trong quân đội cũng được đổi mới và thắt chặt hơn nhằm loại bỏ tham nhũng.
Dự kiến cho tới năm 2018, những gì còn lại của cái gọi là “yếu tố kinh tế” của quân đội Trung Quốc sẽ bao gồm các hoạt động tăng gia sản xuất tự cấp tự túc của các đơn vị quân đội. Dĩ nhiên các sản phẩm này sẽ không được bán ra ngoài thị trường. Ngoài ra, một số dịch vụ được đánh giá là “quan trọng đối với an ninh quốc gia” yêu cầu phải có sự tham gia của quân đội sẽ được điều hành bởi một ban điều hành hỗn hợp dân sự/quân sự và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cục có liên quan. Lợi nhuận từ các dịch vụ này nếu có sẽ nộp ngân sách nhà nước. Ngân sách quốc phòng được rót xuống chủ yếu phục vụ mua sắm vũ khí/khí tài, trả lương, bảo hành/bảo dưỡng và cho nghiên cứu và phát triển vốn sẽ được quân đội ký hợp đồng thuê ngoài từ các công ty dân sự.
Đặc trưng quân đội làm kinh tế phụ thuộc lớn không chỉ vào đặc trưng chính trị của mỗi quốc gia, mà còn vào đặc điểm lịch sử và quá trình phát triển của quốc gia đó. Tại phương Tây và đặc biệt là tại Mỹ, quân đội tách hoàn toàn ra khỏi các hoạt động kinh doanh. Mọi hoạt động sản xuất vũ khí và các loại trang thiết bị cần thiết rơi vào tay các tập đoàn tư nhân. Quân đội phương Tây là một bộ phận của chính phủ và nằm dưới quyền điều hành của các quan chức dân sự.
Trong khi đó quân đội ở một số nước đang phát triển và những nước thuộc thế giới thứ ba thường có xu hướng can dự nhiều hơn vào đời sống kinh tế và thu lợi lớn từ các hoạt động kinh doanh. Một phần lý do là bởi sức mạnh của họ trong cán cân quyền lực quốc gia lớn, thường có khi lấn át luôn cả phe dân sự. Trong nhiều trường hợp các chính phủ dân sự cần sự ủng hộ của phe quân đội nên “thả lỏng” và cho phép họ lấn sân sang các mảng chính sách khác, đặc biệt là kinh tế. Trong một số trường hợp khác, ví dụ như Myanmar, ảnh hưởng về mặt lịch sử của quân đội khiến cho con đường “phi thương hoá” không hề đơn giản. Quân đội ở một số quốc gia vốn đã được “thể chế hoá” để đóng vai trò như một trụ cột chính trị và kinh tế khó có thể thay thế.
Có nhiều yếu tố tác động tới khả năng quân đội có thể tách ra khỏi các hoạt động kinh doanh. Dân chủ hoá không nhất thiết dẫn tới quá trình “phi thương hoá” mà còn phải kể tới một số các tương tác khác. Thứ nhất là một chính phủ dân sự đủ mạnh và đủ nguồn lực để đảm bảo các lợi ích của quân đội, ví dụ như đảm bảo đủ ngân sách quốc phòng. Tỷ lệ tham nhũng trong quân đội được kiểm soát tốt hơn cũng khiến cho quá trình tách bạch giữa nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ quốc phòng an ninh trở nên chậm hơn. Việc các công ty quân đội làm ăn hiệu quả trong bối cảnh các nhóm lợi ích ủng hộ xu thế chuyên nghiệp hoá hoàn toàn vẫn chưa đủ mạnh cũng làm giảm đi tính cấp bách của quá trình phi thương hoá quân đội. Quan trọng nhất là các yếu tố về lịch sử và tư tưởng như đã đề cập ở trên.
Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017
PHƯƠNG NGỮ TUY HÒA, PHÚ YÊN !!
1.Lời mở đầu: Nói là phương ngữ e không đúng lắm bỡi vì có nhiều từ sau đây còn thấy dùng ở nơi khác. Vả lại có từ dùng ở xóm, xã tôi lại không dùng ở xã khác. Ví dụ “Dưỡng ngư” ở phía bên kia sông, quê của Nguyễn Đình Chúc thì nói là “dữ ngư”.
Phải qua sàn lọc thì từ ngữ mới dùng phổ biến cả tĩnh. Bài này tôi muốn đưa những từ thốt ra từ miệng những người chân lấm tay bùn suốt đời quanh quẩn trong lũy tre làng, trên đồng ruộng nhỏ hẹp của mình, chằng giao lưu đâu xa. Nhờ đó mà còn giữ đặc thù. Trong thế giới ngày nay mở rộng, tiếng nói đặc thù từng địa phương e mai một. Tôi sợ tiếng đặc thù của quê tôi mai một. Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ dơ ” là câu nói cữa miệng của người dân nông thôn hồi đầu thập niên 1950 của bà con lối xóm làng tôi ở. Tếng “nẫu”nghe quen thuộc đối với mọi người. Khi lớn lên ra tĩnh học bọn trẻ chúng tôi hay bị bạn bè trêu ghẹo “nẫu ơi là nẫu” để chỉ tụi tôi “rặc nòi “người Bình Định Phú Yên. Chúng tôi lấy đó làm “quê”. Cảm thấy bị chọc quê nên dần dần tụi tôi bỏ “nẫu” thay vào đó bằng “người ta”. Dùng từ “người ta” thay từ “nẫu”. Nói: “người ta lấy cái này” thay “nẫu lấy cái này”v. v.
Khi ra ngoài, người mình hay mặc cảm xứ mình không bằng xứ người nên có xu hướng chối bỏ cái đặc thù của mình để hòa nhập vào cái của người ta, lâu dần bị hòa tan trong cộng đồng mới. Lâu ngày thấy cái của người ta cũng thầm thường nhàm chán nên mình trở lại thích cái của mình nhưng bây giờ nó đã trở nên mai một và ta lấy việc đó làm tiếc. Ta yêu mến cái của riêng ta thì nó đã ra đi rồi, tìm lại rất khó. Ngày nay, trong mấy ngày tết, ta triều mến nhìn hình ảnh cái đống rơm, bụi chuối…giữa Đại Lộ Nguyễn Huệ Saigon, bên cạnh nhà cữa hiện đại nguy nga để nhận ra cái cảm giác “rưng rưng”! Hình ảnh “đống rơm” chỉ còn trong ký ức.
Ông Dohamide trong tác phẩm BangSa Champa nói lên cái mặc cảm thói “ăn bốc” của người Chăm Châu đốc nhiễm văn hoá Mã Lai trước văn minh của người Hán ăn bằng đũa và văn minh Châu Âu ăn bằng muổng nỉa. Đến khi dự các bữa tiệc ngoại giao thấy các vị cấp cao người Nam Đảo “ăn bốc” hồn nhiên mà cảm phục cái đẹp của văn hoá mình. Ông nhớ lại tín ngưỡng Ấn Độ của ông, của đồng bào ông ở Châu Đốc. Họ bài xích “đôi đũa” của người kinh: “Hai tay ta là tặng phẩm mà thượng đế đã ban cho. Tại sao ta không trân trọng xử dụng nó mà ruồng bỏ nó để xử dụng cái “đôi đũa” là thứ con người tạo ra. Nó giống như 2 cái que làm ra để chèo vẹo, dày xéo lên thức ăn là thứ gì mà thượng đế đã ban cho ta.!” Nhờ thông tin này mà tôi yêu và quí thói “ăn bốc.” Ngày xưa không biết nên chê ăn như vậy là “man di.”
Phát âm theo tiếng địa phương của mình thì tự do thoải mái hơn nhiều. Chỉ trở ngại là người xứ khác nghe không êm tai hay không hiểu hết ý của mình thôi. Nhưng con dân nên biết khi nào xử dụng tiếng chung cho cả nước, khi nào dùng tiếng địa phương của mình, thì ngôn ngữ nước ấy mới trở nên giàu âm điệu, nhiều màu sắc. Có một thời (Chín Năm Kháng Chiến ở Liên Khu 5), người ta muốn cho thống nhất nên bắt tụi trẻ con chúng tôi phải nói đúng tiếng Việt, tức phát âm theo giọng Hà Nội ví dụ phân biệt “t”và “c”. Phải phát âm phân biệt “hiểu biết” và “xanh biếc”. Người nông dân thoải mái, biếc nào cũng biếc, nên phát âm “hiểu biếc” và “xanh biếc…cho “phẻ” chơi.
Khó khăn lắm tôi mới moi ra được một số từ nói lên cái đặc thù của tiếng nói người Phú Yên dù có những từ không chuẩn lắm, tức vùng khác cũng có thể họ đã dùng. Mong có sự chỉ vẽ khách quan. Cái đặc thù ở đây không những thấy ở các “từ” dùng mà còn thấy “cách phát âm” của người Phú Yên khác hay hơi khác người ở những vùng khác:
2-Tự Điển
2.1-Phát âm:
21.1 phát âm các vần khác nơi khác.
Ai: Người Phú Yên xưa không phát được âm o-a-i =“oai” mà phát a-i thành “ai” cho phẻ, tức lười, không chịu uốn lưỡi. ví dụ: “Toại nguyện” phát âm thành”tại quyện“, “tại ngoại để điều tra”thành “tại quại để điều tra”,”thoai thoải“thành “thai thải“,Ông ngoại“ phát âm thành “ông quại“, “hoài bảo” thành “quàibảo“. “Thoái hoá” phát âm thành “thái quá”. Thoai thoải phát âm thành “thai thải“. Hồi những lớp học Bình Dân thời khởi nghĩa các cán bộ giáo dục ở Phú Yên rất vất vả tập các cụ đọc đúng “Tiếng Việt”!
Ay: Người Phú Yên thích phát âm vần “ay” hơn vần “ây”. Vi dụ “Lại đay(đây)tao cho kẹo.” “Mày (mầy)có mấy anh em?” “Chiện(chuyện) tày (tầy)trời”
Au: vần “âu” phát thành vần “au”ví dụ “đi đâu” thành “đi đau“. Mày có biết chiện đó không?- Tau (tao)đau có biết”, “chiếc tàu(tầu)bay”. Cái chạu (chậu)để rửa chén…Nhưng trong khi các miền khác nói “đi mau lên”, “giọt máu” thì người nông thôn Phú Yên trước đây nói ngược lại là”đi mâu lên“, “giọt mấu‘. Thật “ngược ngạo” với người ta. Cái này không thể nói người Phú Yên có di truyền cái cơ quan phát âm khác người ta hay tại uống “nước” Phú Yên mà phải nói là “hình thành tiếng nói ở một địa phương” là cái gì rất phức tạp. Vì vậy ta nên giữ gìn bồi đắp cái riêng tư của tiếng nói của ta.
Iêm: Vần “êm” phát âm thành “iêm”. “Ẵm em đi dạo dường(vườn)cà/Trái non ăn mấm (mắm)trái già làm dưa/ Dưa chua ba bữa dưa chua/Mẹ mầy(mày) xách chén đi mua từng đòng(đồng)/ Từng đòng(đồng) ít quá chị ơi/ cho thiêm chút nữa ăn cùng bữa cơm”
Iệt: Vần “ật” phát âm thành “iệt”. Ví dụ “Chiều chiều quạ nói dới(với)diều/Ở nơi đống trấu thiệt(thật)nhiều gà con”
Ăm: Vần “ăm” phát thành “âm”. “Cơm dới (với) mấm (mắm) thì thấm dào (vào) lâu” “Mấu (máu) đào nhợm (nhuộm) thấm (thắm)từng trang/ Chỉ quen chiến đấu, đàu(đầu)hàng không quen”
Âu: Vần “ôi” phát thành vần “âu.”ví dụ“đương khi tắt lửa cơm “sâu”/Lợn kêu con khóc, chòong đòi tòm tem!”. “Đừng ăn trái “ẩu” nữa, đi lại đàng kia “thẩu” cho cháy cái biếp(bếp)lửa cho tao!”
Tôi còn nhớ hồi mới khởi nghĩa nghe mấy người lớn hát: “Mấu đào nhuộm thắm từng trang, chỉ quen chiến đấu đàu hàng không quen”. Hai tổ hợp âm “au” và “âu” các vùng khác cũng xài lẫn lộn với nhau ví dụ: người ta dùng cả “mầu” và “màu”. “Màu xanh” và “mầu xanh” đều dùng được hết. Như vậy việc phát âm có thể do thói quen rồi lâu ngày trở nên đặc thù cho một vùng.
Âu: Vần “ôi“ thành vần “âu“ ví dụ “đi rồi” thành “đi rầu“. “Cha con về chưa?-dạ cha con đã dề rầu, dìa rầu“; “Em bé nằm trong cái nâu(nôi)”; phát âm “tồi tàng” thành “tầu tàng“, tội lỗi thành tậu lẫu, môi mép thành mâu mép, nầu niu xoong chảo, bà nậu…Bọn trẻ cũng hay rút gọn “âu”, thành “u”. Ví dụ: các vùng khác thì người ta gọi “tàu bay, tàu thủy hay tầu bay, tàu thủy, đầu gối”. Trong khi trẻ con ở Phú Yên thì gọi “tù bay, tù thủy, đù gấu“. Kiểu gọi này thì hiếm thấy. Cỡ hồi đầu thập niên 1950 thì thường nghe chúng phát âm như vậy.
Ê: Phát âm thành i hay iê. ví dụ: Tim (têm)trầu, thim (thêm)bớt,Nim ním(nêm nếm) iê: làrút gọn của tổ hợp nguyên âm u-y-ê. ví dụ như vần “uyên” phát âm thành vần “iên”: Thuyên chuyển phát âm thành thiên chiển
iê: Còn thay nguên âm “ê”. “điêm “(điêm)phia (khuya)giấc địp(điệp) mơ màng/ Nào ai săn sóc bên giường gọi tui”. “Thêm vào” thành “thiêm vào”. Trên đài truyền hình Cần Thơ trong chương trình hướng dẫn trồng rau VTV2 phát ngày 7-3-08 có câu của một học viên phát biểu: “…yêu cầu cán bộ diễn giải “thiêm”…” Ông này ở Nam hay người Phú Yên vào Cần Thơ làm việc?
Ư: Vần “ươi”phát âm thành “ư.” Tức là lười uốn lưỡi, uốn miệng. Ví du: “Thằng Hai con Ba đi đau(đâu) rầu(rồi) bay?- Ảnh chĩ xuống xóm dứ (dưới) rầu (rồi), đi dìa(về) dứ (dưới )rầu(rồi)”… “Được ở gần chợ nên lúc nào tui cũng ăn được đồ ăn tư (tươi) sống…”
Ưc: Người PhúYên và Nam Bộ thích phát âm ưc hơn uât. Thích nói Kỷ thực hơn kỷ thuật. “Con gái xấu mà biết kỷ thực làm đẹp thì cũng trở nên đẹp”
Oi:Vần “oai” phát âm thành “oi”. ví dụ: “Thoai thoải” phát thành “thoi thỏi“, “thoái hóa” phát thành thói quá (hoá). “Ngoài kia trời mưa hay nắng” thì nói “ngòi kia trời mưa hay nắng”, “Tọai nguyện” phát thành “tọi nguyện”, “Mèo chó là loài ăn thịt” phát âm thành “lòi chó lòi mèo…” Tức không chịu uốn miệng.
Quại:Tổ hợp phụ âm “ng”…”ngờ” phát thành “qu”…”quờ”. ví dụ “ông ngoại” thành “ông quại“, “ngoài trời” thành “quàitrời”.
Quế: Tổ hợp phụ âm “hu“= qu, ho=qu. Ví dụ “ngoài Huế có lạnh không?- Quài Quếlạnh lắm”, “hoa tai”phát âm thành “qua tai“, “hoài bảo” thành “quài bảo“.
Tổ hợp phụ âm “ngo”=“qu”, tức cũng rút gọn lại
Phụ âm D=V “Trời mưa, dào (vào)nhà đi con.” Lối phát âm này tương tợ người Nam Bộ. Người Nam phát âm V thành vz. Vô đây thành vzô đây.
21.2 Âm đặc biệt mà nơi khác không thấy:
Chơi: Về mặt phát âm, người nông dân phú yên có một từ mà tôi dám chắc không một vùng nào trong xứ Việt Nam này có. Chỉ duy Phú Yên có nó mà thôi. Đặc biệt đến nỗi không có ký âm nào của Tiếng Việt ghi được âm của từ đó. Tôi không biết làm sao ký âm từ đó cho đúng âm của nó. Nếu ráp c-h-ơ-i thì thành từ“chơi“. Ráp c-h-o-i thì thành từ “choi”.Còn ráp c-h-â-y thì thành từ “chây”, làm sao có âm của người PY. “Chơi”, “choi”“chây”, đều khác xa âm của người nông thôn Phú Yên dùng. Phải thu âm trực tiếp mới giữ được âm “đúng” của từ này. Phải nói từ này rất đặc thù trong tiếng nói địa phương của Phú Yên mà không ai để ý tới. Một ngày kia nó mai một. Các thế hệ sau không ai dùng nó nữa và nó sẽ biến mất.
Trời: Đặc biệt về phát âm. Cũng như “chơi” có cách phát âm đặc thù mà không mẫu tự LaTinh nào ký âm được. Nếu ráp t-r-ơ-i thì thành “trời”, ráp t-r-ô-i thì thành “trồi”, ráp t-r-o-i thì thành “tròi”.
Đấc: Nói đúng Tiếng Việt là “trái đất“. “Đất”nghe âm nó nằng nặng gần với giọng Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh và Hà Nội. “Đấc” nghe nhẹ bỗng hơn. Âm nàytrong Nam biến đổi đi và nghe như âm “ức”. Hồi tôi dạy môn địa chất ở trường Chợ Lách tĩnh Vĩnh Long bị học trò chọc quê hoài về từ này. Phát âm “trái đấc” theo giọng Phú Yên và “trái đất” theo giọng của người Nam phân biệt khácnhau. Khi tôi phát âm “trái đất” theo giọng Bắc thì tụi nó không chọc quê nữa.Nhưng tụi nó không phát âm “trái đất”theo giọng Bắc đâu, phát âm theo giọng của nó! Giọng người Nam gần giọng người dân quê của Phú Yên. Nếu ráp đ-â-t thì thành “đất” như người Bắc, ráp đ-â-c thì thành “đấc”, ráp đ-ư-c thì thành “đức”. Phát âm của người PY và của người Nam không giống cả 3 từ đó. Âm của người Nam và người PY hơi giông giống nhau nhưng phân biệt được sự khác biệt. Thế mới hay viết đúngchính tả là một chuyện còn phát âm là một chuyện khác. Tại sao phải bắt nói đúng Tiếng Việt! Tôi nhớ hồi chín năm kháng chiến thầy giáo của tôi khổ công dậy tụi tôi nói đúng Tiếng Việt! Nếu cảnước nói cùng rặc một giọng thì nước đó có màu mè gì? Từ Nam chí Băc chỉ có một màu làm sao xứ đó hấp dẫn được du khách.
2.2-Từ đặc biệt
Ai dè: Tao cứ tưởng mày con nhà giầu có nhiều tiền tha hồ tiêu xài. “Ai dè” mày cũng tiện tặn như tụi tao
Ăn ba hột: ăn vội vàng. “Ăn ba hột rồi đi tắm”
Ăn bẫm: ăn mạnh miệng. “Cái thằng khỉ, ăn bẫm, không biết ngại à”
Ăn chực: Đến nhà người ta có ý chờ người ta cho ăn mà nghĩ rằng mình chẳng có tích sự gì cho người đã cho mình ăn cả. “Hôm qua nhà tao có cúng giỗ. Có mấy đứa nhỏ lạ hoắc đến ăn chực”. Thành ngữ “Ăn chực nằm chờ” là đến nhà người ta chờ đợi quá lâu. Không tự lo ăn được nên phải buộc ăn nhờ người ta
Ăn ké: ăn thêm phần của người khác mà không phải trả thêm tiền. “Hôm nay mẹ mày không đi chợ nấu ăn được. Cho ba ăn ké với con.”Ăn của nhà người khác
Bá láp: không đúng đắn. “Nói bá láp bá xàm, không trúng không trật gì hết ráo!”
Báng: Dùng cho trâu bò. Có nghĩa là dùng sừng để húc vào cái gì hay vào đối thủ. “Con bò này rất khỏe nên nó bángrất hăng.”Ở vùng khác ta thấy từ “báng” trong từ “chống báng”
Ba rọi: “Cắt cho tôi miếng thịt ba rọi”Thịt ba rọi là thịt nửa nạc nửa mỡ.
Bà chã: “Bột đã khuấy chín đang dẻo queo mà đổ nước lạnh vào để cho nó bã chã chơi” Bã chã là không kết dính, rời rạc. Ngoài ra “bã chã”còn có nghĩa “vỡ lỡ, nửa vời, không thành công”. Ví dụ: “Chuyện đang tiến triển ngon lành mà mày nói ra nói vào để trở nên bã chã”
Bảnh: “Con nhỏ này coi bộ bảnh(đẹp)gái, còn cái thằng kia coi bộ bảnh trai!”. Dọn(bày bàn)chi những món ngon nhiều như dậy! Bữa tiệc hôm nay coi bộ bảnh(ngon, đẹp) đó!”. “Bảnh” có nghĩa là đẹp, tốt, ngon…
Bằng: Làm bằng. “Lấy cho cha cái chén coi!”- Chén bằng đất hay chén bằng sứ”.Người Phú Yên hay nói rút gọn. Thay vì nói “chén làm bằng đất” thì nói chén bằng đất. Dùng rộng ra có nghĩa là “cách thức.”Ví dụ “Mày từ trển xuống đay đi bằng gì?-Đi bằng xe đạp. Con hổng chịu đi bộ đau!”
Bét: Mắt bét là mắt có thị lực nhìn kém. Mắt ướt át tèm nhem thường do bịnh đau mắt hột gây ra. Bét mắt: mắt làm việc nhiều trở nên mỏi mệt ví dụ: “Đồ đạc mày bỏ lôn xộn quá! Tao tìm bét mắt mới thấy được cái này!”
Bẹo: “Con Hai đâu rồi! Tối rồi mà chưa dọn cơm ra ăn á!- Chĩ còn đi lỏng nhỏng ở ngoài đường nói chiện quiên thiên với trai. “Bảo nó giờ này mà còn đi đau?, đibẹo hả!”.Từ bẹo ở đây có ý nghĩa xấu chứ ở trong Nam Bộ có ý nghĩa là trưng ra cho người ta thấy. Ở các chợ nổi, kẻ mua người bán đi lại trên ghe nên hàng hóa muốn cho khách mua thấy thì người bán phải bẹo hàng, tức là treo những hàng mẫu trên cây sào cắm ở đầu ghe cho khách ở dưới ghe thấy. Có lẽ từ này xuất phát từ từ “bêu” trong ngữ cảnh “chém bêu đầu”
Biểu: Là bảo. “Tao “biểu” đi lên là đi lên, đi xuống là đi xuống. nghe chưa! ” “Cái thằng này lạ thật. Sao ngồi thừ ra một đống “dậy” mầy!-Ai “ biểu” chị đánh em chi!”
Bộ Lần: Chỉ việc thường hay làm trước đó. “Sao sáng nay mày bỏ quên cái xe!-“Bộ lần”tôi hay thường đi bộ nên hôm nay quên mất cái xe!”
Bớ: Hỡi. Tiếng cảm thán. “Đông về lạnh lắm bớ người ơi! /Chồng em đứng gác ngoài trời khuya lơ” ; “Miệng kiêu(kêu)bớ chú đi đường/Đi đau (đâu)mà dội(vội), đi đau mà dàng(vàng)”
Cắc cớ: “Muốn cho nó thấm nước từ từ thì ta đổ từ từ nước ấm vào bột chứ aicắc cớ đổ nước sôi vào bột một cái ào chẳng nó quánh lại thành cục thành hòn hết trọi.” “Cắc cớ” nghĩa là “lấy làm lạ”, làm chuyện khác thường(nhưng nhiều khi cũng đạt được kết quả như làm một cách bình thường. ví dụ. “Mặn là mặn, ngọt là ngọt. Cắc cớ bỏ muối vào chè thử xem sao!. Cắc cớ nó ngon thiệt!”. “Cắc cớ” dùng trong việc thử nghiệm.
Chình ình: Phơi bày một cách thô thiển. “Đồ con gái hư. Khách khứa ra “dào” mà nằm chình ình ra đó.” “Trời ơi té ở đâu mà mình mẩy con ướt át đất cát lấm tèm nhem dậy!(vậy)-Té ở cữa ngõ. Không biết ai bỏ cục đá mằm “chình ình” ra đó. Tối trời con có thấy đau!(đâu)”
Chịu đèn: là trai gái chịu gần gụi với nhau có thể tiến tới hôn nhân. “Con Thắm với thằng Hai coi bộ “chịu đèn” với nhau. “Thâu” ông bà gả phức đứa con gái cho nó đi cho “rầu”…”
Chõng: là cái giường. có câu “Lều chõng đi thi”nên nói từ này là từ địa phương của Phú Yên nghe không chuẩn. Nhưng ngày xưa ở nông thôn Phú Yên thường nói cái chõng hơn. Ngày nay đàn em chúng ta hay gọi là cái giường. Gọi chõng nghe lạ lắm.
Chụm lửa: chất củi vào bếp để duy trì lửa trong bếp. Người Bắc gọi là thổi cơm hay đun bếp.
Cũ mèm: “Khoác lên mình cái áo thun cũ mèm.” Cũ mèm là cũ lắm
Dan ca: Bày vẽ ra cho ruờm rà. Nói vòng vo, không nói thẳng vào mục đích. “Ăn uống sơ sơ rồi đi làm! Ai biểu nấu nướng bày biện dan ca ra để cho công chiện (chuyện) trễ nải đi rồi lùng bùng!” “Em gặp anh đây cũng muốn dan ca/Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.”
Dí: nghĩa là với “Chiều chiều quạ nói “dí”(với)diều/ ở nơi đống trấu thật nhiều gà con.”Ăn cơm “dí”(với)cá “dí”(với)dưa. Có lẽ là từ đọc trại lại từ “vzới” của người Nam Bộ
Dìa: nghĩa là “về” ví dụ đi dìa nhà. “Chị hai đi dìa dứ(dưới hay đi dìa trển(trên đó)?”
Dí thá: Ở PhuYên , trâu bò cày phải dùng một đôi để kéo cày. Một con đi bên phải gọi là đi vai “dí”, một con đi bên trái gọi là đi vai “thá.”Người cày quất roi vào con vật hô: “dí, thá”để điều chỉnh chúng nó đi thẳng đường cày. Muốn nó đứng lại thì hô “dí dò.”Những từ này có thể bắt nguồn từ chuyện cổ tích nói về chuyện trâu ở núi Hương, thôn Mỹ Thạnh xã Hoà Phong huyện Tuy Hoà. Trong quyển sách “Tim Hiểu Địa Danh Qua Tục Ngữ Ca Dao Phú Yên”Nguyễn Đình Chúc viết: “Núi Hương xưa kia có nhiều danh mộc. Tương truyền trên đỉnh có cây kì nam to mùi hương bay khắp và trong núi có 2 con trâu trắng và đen, ngày thường có chim lùa trâu ra bàu uống kêu “Dí cò, thá cháng.”Có người Hoa Kiều nghe tin núi Hương có kì nam nên đến nơi xem xét và quả thật có mùi thơm, nên đem lễ vật đến cúng để khai thác, nhưng cọp, rắn trăn rượt chạy. Chiều ngày sau, 2 con trâu kéo cây kì nam xuống bàu và mất hút…”
Dìa: đi dìa, đi dô, đi dề. “di dìa”đúng là từ nói trại đi của từ “đi dề”. Người nông dân “cũ” của Phú Yên phát phụ âm “v” na ná giống người Nam Bộ và khác xa người Bắc. Người Bắc nói “vâng,vô, về” thì người Nam nói ” vzâng”, người nông thôn Phú Yên nói “đi dô, đi dề,đi dìa”
Dính lẹo: hay lẹo: là thực hiện tính giao phối đực và cái trong tự nhiên. “mùa này chó hay lẹođực” “Kệ nó con! nó “dính lẹo” đừng có đập nó tội nghiệp nó, con!”Hồi nhỏ chúng tôi nghe những lời chất phát của ông bà cha mẹ nói với con cháu cũng hồn nhiên không kém. Hình ảnh này không có gì kích thích sự tò mò về tính giao mà ngày nay cả cha lẫn con bị hấp dẫn trong thế giới “văn minh hấp hẫn” này. Từ này có tác dụng giáo dục về cái ngày nay gọi là “giáo dục gới tính.”Nghe có vẻ khoa học nhưng thiếu tính tự nhiên nên kết quả giáo dục kém hơn ông bà ta. Hình ảnh dính lẹo hết sức tự nhiên như hình ảnh Linga và yoni mà người Chăm thờ phượng trong tín ngưỡng văn hoá Phồn thực của Chăm. “Dính lẹo” chứa đựng hình ảnh phồn thực hết sức tự nhiên, có phải phiên bản của văn hoá này?
Dít: Nghĩa là bít lại, kín, phát âm sai từ “vít”. “Lợi dụng kẽ hở mà làm sai trái-Đã là cái kẽ thì hở. Có cái kẽ nào dít đâu mà nói”. “Ăn no dít đít.”
Dịt: là giỏ đựng cá. Dụng cụ để một khi câu được cá hay bắt được cá thì bỏ vô, đan bằng nan tre giống hình con vịt. Thường được cột vào 2 bên bằng 2 ống tre kín 2 đầu để “Dịt” nổi trên mặt nước. Ngư dân tha hồ kéo theo bên mình để bắt cá bỏ vô.
Dở ẹt: hay dở ẹc là rất dở ví dụ “bài hát dở ẹc. Món này ăn dở ẹc”. “Ẹc” có có nghĩa nhỏ nhất, sau cùng. ví dụ “Trời tối rồi! Còn con vịt nào đi ăn về chuồng trễ nữa không? –Không. Đây là con về út ẹc”.
Dưỡng ngư: nghĩa là khinh xuất, không cẩn thận đề phòng., không biết sợ nữa. “Nó bịnh mấy bữa nay rồi. Ăn uống không được, nằm một chỗ mà bảo rước thầy bẳt mạch mà nó không chịu-Coi bộ nặng đó, đừng có “dữơng ngư”…”Còn có nghĩa trẻ con rầy la mà không biết sợ cứ làm tới “Đừng có chọc ghẹo em nữa! Cứ dỡn mặt nó . Nó sẽ “dưỡng ngư”…”
Đầy ngay: nghĩa là nhiều lắm. “Hôm nay là ngày lễ. Ở ngoài đường xe nó chạy đầy ngay”
Đi lút: “Lạ tới mức anh đi lút vào đất Thái mà không biết”. Lút nghĩa là sâu.”Cắm lútcon dao.”
Đồ: là đại từ bất định chỉ những cái đã bày ra. “Tụi nó sắp biểu tình! Tui thấy nó treo cờ treo băng, treo đồ, tuồng như to chiện(chuyện)lắm!
Đụng: là trai gái chịu lấy nhau làm vợ làm chồng. “Cháu ông “đụng” cháu bà có sao đâu. Có bà con “dí” nhau “đau” mà sợ. Cho “cứ” đi là “dừa.”Khen chê tụi nó sẽ ở “giá” đó”Có tác giả nói từ này xuất xứ ở Nam Bộ. Lấy ý từ chỗ ghe thuyền đi mua bán trên sông hay đụng nhau trong các cuộc giao lưu mua bán đi lại. Đó là duyên để lắm đôi trai gái gặp nhau kết nghĩa thành vợ thành chồng.
Đựng: nghĩa là “để mà”. Từ này thấy người Nam Bộ có dùng như câu sau đây thấy trên đài truyền hình phỏng vấn một mẹ được tặng nhà tình nghĩa ở quận 7 TPHCM: “Nhà dột nát hết “dáo”. Tui phải lấy tấm nhựa phủ lên mái “đựng” mà có chỗ chui “da” chui “dào”…
Êm ru bà rù, hay iêm ru bà rù: “Ở nhàảnh chĩ cãi nhau tùm lum. Thấy cha mẹdìa hai vợ chồng êm ru bà rù không thấy nói gì hết”. “.Êm ru bà rù” nghĩa là êm re, lẵng lặng như tờ, êm phăng phắc. Không những thế mà còn có nghĩa trơn tru, trôi chảy mữa. “Cái máy chạy êm ru bà rù”
Gía: là goá. “Ráng chữa chạy cho nó sống. “Thẵng” mà chết thì “cỏn” nó ở “giá”. Làng này con gái “giá” bụa nhiều và đã mang tiếng nhiều “dụ de bà giá!”…”Đàn ông chọc ghẹo đàn bà con gái gọi là “de” gái
Giội: là dùng nước tạt mạnh để làm trôi đi vật thừa thãi dơ dáy ví dụ giội nhà giộicầu.
Giỏ cụ lão: Giỏ dùng để tải gạo ra chiến trường thời 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Phú Yên. Giỏ được các cụ lão đan bằng nan tre để đựng gạo. Giới trẻ hơn gọi là giới nông dân. Nông dân thì làm thành đoàn dân công tải gạo và quân nhu ra chiến trường. Gới tốt hơn nữa là giới thanh niên. Thanh niên thì cầm súng.
Giọc nước: là thò tay vào nước để quậy phá chơi thôi chữ không nhằm mục đích làm gì. Ví dụ: “Trông em, Coi chừng đừng để nó “giọc nước”ướt hết áo quấn nó sẽ bịnh cảm đó.”
Giỡn mặt: Chọc ghẹo không nghiêm túc để người đối diện không sợ, không nể. ‘”Giỡn chó thì chó liếm mặt” Ông cảnh sát nói với tay anh chị: “Đừng có giỡn mặt, tao bỏ tù mày đấy!”
Gút gạo: là vo gạo cho sạch rồi hong khô. Vi dụ “Gút gạo cho sạch rồi đem đi xay đi!”
Hèn chi: “Nó ích kỷ thật. hèn chi mày không chơi với nó”. “Hèn chi” có nghĩa là vì vậy, do đó, bỡi vậy…
Hòn Nần: xem Miếu Biểu Trung.
Hổng giống ai: không giống ai thì phát âm “hổng giống ai”.
Í dui: là nói ái chà! Biểu lộ đau đớn. “Í dui, sao mày nghéo bắp dế(vế)của tao đau quá!” “Í dui! Kim chích vào tay của em, đau quá hè!”
Ỉa giấc: khi xưa ở làng quê người ta không biết làm nhà cầu. Người ta vào rừng, ra đồng, ra gò hay nơi nào xa nhà và kín đáo để ỉa. Gò là nơi đất cao dùng dể chôn người chết. Ỉa giấc là bạ đâu ỉa đó. Lười biếng không đến những nơi đó. “Đi ra chỗ kia con! Sao mày hay ỉa giấc như dậy!”
Hớt hỏng: là lẻo mép. Chỉ tính nông cạn, không kín đáo hay kể sự thật không cần thiết cho người chẳng có gì liên quan đến chuyện đang nói “Đồ hớt hỏng, chưa chi mà khai hết chuyện nhà của mình cho người ta biết”. “ hay thường nói “Đồ ăn cơm trên hớt hỏng”
Hư: là không còn tốt. “Đồ con gái hư! Ăn nói rổn rảng giữa đám đông.” “Mẹ ơi! Con viết bài không được. Không phải nó hết mực mà nó hư rồi”
Không hè: “Lấy cho tao cái muỗng, đôi đũa cái bát và tăm xỉa răng” – “Chỉ có tăm xỉa răng không hè!“. Không hè có nghĩa là không có cái gì ráo, chỉ có mỗi một cái đó mà thôi.
Lảng xẹt: Lảng là không đậm đà ý vị, Không đúng đắn nghiêm trang. “Canh mà nấu không có cá có thịt trông nó lỉnh lảng làm sao!”. “Con nhỏ này thật lảng nết . Hễ gặp con trai bất kể quen hay không đều xáp lại nỏi ỏm tỏi không kiêng nể gì cả”. “Em nó bịnh ăn không được tao cho nó chén cháo thịt. Mày mạnh nuốt cái gì không được. Ăn cháo có đường mà chê, đòi cho được cháo thịt.”Đòi lảng xẹt à!”
Lẫm: (1) là một cấu trúc hình hộp có 5 mặt làm bằng vách đất và đáy cũng làm bằng vách đất. Có cữa để đổ lúa vào làm kho chứa lúa. (2) là cái đình để chức sắc trong làng làm việc. “Xóm Lẫm”. Có câu ru con như sau: “Nực cười đũa bếp bịt vàng?Chuồng heo phủ ngói/Lẫm llàng lợp tranh!”
Lấm lem : lem luốc thì có thấy các vùng khác dùng nhưng lấm lem thường thấy dân nông thôn ở Phú yên dùng nhiều.Lem là lan ra và có ý nghĩa dơ dáy, không sạch sẽ sắc sảo. Từ “lấm lem” gợi hình dơ dáy luộm thuộm rất mạnh. Đó là từ tượng hình dùng rất hay: “Trời ơi! em bé sao mà lấm lem lấm luốc dậy“
Mặc bính. Lấy tạm quần áo của người khác mặc. Người nam gọi là mặc kính.“Thằng đó mặc bính áo của tao mày”
Ma da: là ma ở dưới nước chuyên nhận chìm người ta chết để thế mạng mình đi đầu thai kiếp khác, sống trên khô.
Mốc cời: “mặc bộ đồ bà ba mốc cời, đi đôi guốc mòn lẻm và anh ta đội cái nón cời tả tơi!“. “Mốc cời”nghĩa là màu xám nhưng rất cũ, mốc meo hư nát.
Mòn lẻm: “mặc bộ đồ bà ba mốc cời, đi đôi guốc mòn lẻm và anh ta đội cái nón cời tả tơi!“.“Mòn lẻm” nghĩa là quá mòn vật dụng trở nên mỏng và sắc bén.
Mú dẻ: hoa mú dẻ là hoa của 1 thứ cây mọc ở đồi trọc, màu vàng, mùi thơm, cho trái cũng màu vàng chín mọng mà trẻ con(nhất là bọn chăn bò vùng đồi núi) rất ưa thích. “rủ nhau đi hái mú dẻ chim chim”. Chim Chim là loài cây mọc chung với mú dẻ, trái màu đỏ. Nơi khác gọi là Dú Dẻ
Mủng: là dụng cụ đan bằng tre dùng đựng gạo để vo gạo. Lỗ của cái mủng nhỏ, các nan tre đan lại khít hơn khi đan cái rổ. Cái rổ có lỗ lớn hơn dùng để đựng rau cho mau rút nước. Cái mủng nhỏ gọi là cái cão.
Mừ ứ: Nghĩa là để mắt tới. “Con gái gì mà lớn tồng ngồng như dậy(vậy) chẳng có ai mà mừ ứ tới”
Ngầy: “Đi đau giờ nầy mới dìa, hầunãy giờ ổng bã ngầy(ngầy la) mầy tứ tung!”.Người Phú yên nói “rầy la, mắng chưởi, quở phạt, trách mắng người dưới quyền ” thành “ngầy hay ngầy la“.
Nghen: “Tụi bay chơi đông dui(vui) quá nhỉ, cho tau chơi với nhen!”. “Đi với tau(tao) nghen”. “ Nghen!” nghĩa là đồng ý không? Được không? OK chứ? Chịu không?
Nghinh ngang: rất nhiều nên bỏ bừa bãi. “Phú yên tĩnh nhỏ lo gì/Nhưng mà sản vật đủ thì nghinh ngang.”Trích “Non nước Phú Yên”Nguyễn Đình Tư, trang 206. Còn có nghĩa tự do không theo trật tự: “Nép, nép dô(vô), sao đi “nghinh ngang” dữ dậy(vậy)!”
Ních hết: ăn khoẻ “Cá mòi cũng ních/cá trích cũng nhấn”Tức phàm ăn. Cái gì cũng ăn no thôi không kén chê gì cả. “Nó đang đói. Nó ních hết không để cai gì lại hết.”Trong “đất rừng Phương Nam”tác giả cũng có xài từ này…trang 39. Tức người Nam Bộ dùng từ như người Phú Yên.
Núi Cảnh Vực: ĐNNTC viết: “ở phía Đông –Nam huyện Tuy Hoà” có lẽ là vùng núi Đá Bia
Núi Bảo Tháp: là núi Nhạn Tháp
Núi Cấm Sơn: ĐNNTC viết “Núi cấm Sơn ở phía Nam huyện, phía Bắc liền núi Vân Hoà, phía Nam liền núi Lỗ trụ và đèo Húc Viện” Theo mô tả thì đèo Húc Viện có lẽ là đèo Dinh Ông bây giờ. Núi Cấm Sơn có lẽ là núi Cẩm Sơn gần miếu Lương Văn Chánh.
Núi Liên Trì: ĐNNTC viết : “Ở phía Đông-Bắc huyện. chân núi này có hồ sen nên gọi thế”
Núi Chủ Sơn: ĐNNTC Viết: “Ở phía Tây-Nam huyệnTuy Hoà, sóng rất cao, phía Nam có núi Đồn Tàu, phía Bắc giáp Man Động”. Đoán là núi Mẹ Bồng Con hay là núi Chúa.
Núi Thạch Thành: ĐNNTC viết: “Núi Thạch Thành ở phía Tây huyện Tuy Hoà, có thủ sở. Năm Ất Mão đầu đời Trung Hưng, đạo binh cứu viện thành Diên Khánh, sai bọn đốc chiến Mai Tiến Vạn và Nguyễn Văn Nguyên giữ núi Thạch Thành để chặn đường tắt của giặc, tức là đây. Gần về phía Bắc có đồn Phước Sơn, là chỗ phát nguyên của sông Đà Diễn.”
Nước lạnh: “Chế bình trà mời bác 7 uống cho dui(vui)”-Thôi , tui uống 1gáo(dụng cụ để múc nước làm bằng sọ dừa có tra cán để cầm) nước lạnh rồi).Ngoài Bắc gọi là nước lã.
Nước khách: khoa học gọi là nước của cuồng lưu. Nước suối chảy rất lớn, rất mạnh. Nhứt khắc thì suối khô cạn.
Nước kiêu ấm: là nước sắp sôi, nghe tiến kêu re re.
Nước Chè: là nước trà.
Nước giọt: là nước trên mái nhà chảy nhỏ giọt xuống sân
Ngạch cữa: Cữa thì có khung ngoại ôm 2 cánh cữa khi cữa đóng. Khung cữa nhà ngày xưa gồm có 2 thanh ngang. Một ở trên và một ở dưới, 2 thanh 2 bên. Thanh ngang ở bên dưới thì nằm sát mặt đất và gọi là ngạch địa. Nếu nhà kiên cố, cữa đóng then cài, thì kẻ trộm muốn vào nhà ban đêm phải “khoét ngạch”Tức là đào âm qua móng của tường hay âm qua ngạch địa mà chui lên khỏi nền nhà. Ngày xưa tụi trẻ con chúng tôi hay nghe ông bà kể cái khôn của tên ăn trộm. Trước khi chui lên thực sự thì nó lấy cái “Trã”ám khói đen ngòm đặt trên đầu một cây gậy để đưa lên. Gia chủ rình thấy tưởng là cái đẩu của thằng ăn trộm bèn phan một nhát gậy, nghe kêu một cái “oảng”Té ra cái trã bị vỡ chứ đầu thằng ăn trộm không bị vỡ!
Ngó bộ: là xem ra, có vẻ. “Cái đó ngó bội coi đẹp đó”.
Nhem thèm: Nghĩa là bày ra ở trước mặt cho người ta thèm chơi. “Đem ra chỗkhác mà ăn. Đừng đứng trước mặt tụi nó để nhem thèm chúng nó“ Viết đến đây tôi nhớ thời ấu thơ dắt trâu ăn cỏ. Nó thấy lúa ở trong ruộng cứ le lưỡi ra liếm lúa mà ăn. Tức quá tụi tôi bức một nắm cỏ non tươi tốt huơ qua huơ lại trước mặt con trâu và miệng nói liên tục: nhem thèm..nhem thèm…Tức thì con trâu bỏlúa mà quay lại liếm cỏ mà ăn.
Ống lương khô: Dùng thời 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ống làm bằng ống tre rộng ruột mỏng vỏ, kín 2 đầu, cưa cắt ra thành một đoạn ngắn làm nắp. Đoạn còn lại dài hơn làm thân Miệng đoạn thân vạt mỏng phía bên ngoài. Đoạn nắp miệng khoét mỏng phía bên trong sao cho 2 cái úp lồng khít vào nhau. Thế là có một hộp hình ống để đựng lương khô. Lương khô thường làm bằng thịt gà hay thịt heo nạt kho khô với muối, đường, sả, ớt hay mắm ruốt để dùng được lâu.
Óng kẹo bà cô: là đi đã lâu rồi. Ví dụ. “Ổng đi hồi nào?-Đi đã lâu rồi, đi óng kẹo bà cô!”
Phái lòng hay phải lòng: là trai gái chịu lấy nhau. “Con Hai nhà mình coi bộ phái lòng thằng Giỏi ở xóm trên đấy!”
Qúa tay, quá chưn: “Ba bỏ mấy cái áo dơ trong thau giặt chung với đồ dơ của mày. Sao mày chỉ giặt đồ của mày còn đồ của ba mày bỏ lại. Con nhỏ quá tay!Còn cái khăn này nữa. Mày cũng bỏ lại. Trời! con cái quá tay quá chưn!. “Qúa tay” có nghĩa là tệ hại thực, tệ hết chỗ nói…
Qúa thảm: “Mày có rất nhiều. Cho nó một ít! “Thì đây nè, lấy một chút thôi nhé!”- “cho chi quá thảm!” . “Quá thảm ” không có nghĩa là quá bi ai mà là quá ít
Quỹ quài: tức là Huỹ hoài, có nghĩa là lâu, nói lâu khó để người ta hiểu mình. Nguyễn Đình Tư viết trong Non Nước Phú Yên trang 24: “Chóp Chài cao lắm bấy/Trông hũy trông hoài/Chẳng thấy người thương” Hồi còn chính sách “bao cấp,”giao tiếp với nhau thì người ta hay dùng điếu thuốc để gợi chuyện phổ biến như ộng bà ta ngày xưa dùng “Miếng trầu đầu câu chuyện”vậy. Thuốc hiệu 3 số năm (555)là thuốc ngoại nên quí, giao tiếp có hiệu quả hơn thuốc hiệu “MAI” nội địa sản xuất ở nhà máy thuốc lá Saigòn(hãng thuốc lá Basto của Pháp để lại). Thời đó có câu “Thuốc Mai nói quài nói quỹ”
Quảy: ở quảy(trong Nam nói là ở ngoảy). Chỉ ở về phía bắc.”Mày mới dô hử. Ở quảy cha mẹ con có phẻ hay không”. “Ở quày Hà Nậu có lạnh lắm không?”
Rế: Dùng để bỏ nồi niêu xoong chảo còn nóng bưng cho khỏi phỏng tay. “Anh dìa(về)thắt rếkim cang/Dót(vót) đôi đũa biếp(bếp), cứ (cưới)nàng còn dư ”Kim cang là một thứ dây bứt ở trong rừng, thắt thành hình vòng tròn hình hoa thị, số cánh thường là số lẻ, từ 5,7,9 trở lên tuỳ rế to nhỏ. Các cánh hoa được bện bỡi dây kim cang quanh chu vi để thành cái vành rế. Người Nghệ Tĩnh nồi không có quai và họ không có rế. Không biết làm sao họ bưng nồi cơm còn nóng? Người Phú Yên đi ghe bầu ra đó buôn mắm thấy làm lạ hát câu: “Nhà không chái/Đái Không ngồi/Nồi không quai”Nhà của người Phú Yên ngoài 2 mái tước sau, có 2 cái chái ở 2 bên. Đàn bà PY thì mặc quần 2 ống chứ không mặc váy một ống, Đàn bà con gái Nghệ Tĩnh cứ đứng thẳng mà đái không sợ ướt “quần!”
Rổ may: là cái rổ đựng đô kim chỉ dụng cụ khâu vá cho các bà các cô dùng
Rộng: là nuôi, trử cá trong cái gì để nó còn sống mà dùng từ từ. Ví dụ: “Bắt cá bỏ vô chậu “rộng” nó đi con!”Dùng rộng ra có nghĩa là chứa chấp. ví dụ: “Tí ha, tí hửng như đồ rượng đực! Lúc nào cũng“rộng” trai ở trong nhà!”
Rớ tới.; Nghĩa là động tới, đề cập đến. “Tụi bay lôn xộn quá. Tao không bao giờ giờ “rớ tới”hết ah!.”
Ruột Nghé: Dụng cụ bằng vải không may 2 mép lại với nhau theo đường thẳng mà gấp chéo qua rồi chéo lại, theo đường cong xoắn ốc thành hình ống như cái ruột để đựng gạo mang theo khi chạy giặc Pháp tản cư ra khỏi nơi Pháp chiếm đóng hay cho binh sĩ đi hành quân. Cách làm: Dùng một băng vải rộng cỡ 2dm. Uốn cong lại sao cho mặt trên nằm gọn vào bên trong. Mặt dưới nằm gọn lại bên ngoài. Lúc bấy giờ 2 mép vải giáp nhau theo đường chéo. Chỉ việc khâu 2 mép lại thì ta có một cái ống vải hình ruột nghé. Đường may chạy xoắn ốc chung quanh ruột nghé.
Sao dẫy: sao như vậy, chỉ sự ngạc nhiên khi nhận ra việc làm sai trái.Ví dụ “Sao dẫy! làm hư hết trọi, hết ráo! làm như thế này chứ”
Săn: Gỗ tốt. ví dụ củi săn khác với củi tre. “Dùi đánh đục, đục đánh săn” nghĩa là dùi đục(làm bằng gỗ) đánh cái đục(bằng sắt) thì đục đánh xuống khúc gỗ.
Tau: Đại từ danh xưng ngôi thứ nhất. Nghiã là tôi, tao. “Tụi bay chơi đông dui quá nhỉ, cho tau chơi dới(với) nghen!”.
Tám hoánh: là đã xong rồi. Ví dụ: “Họ đi lâu chưa?-Đã đi tám hoánh rồi, từ hồi nước mới ròng” Trích “Đất Rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi” Người Phú Yên nói đi “đi tám quánh rồi”
Te Tua: là rách nát nhiều lắm. “Hai ống quần rách “te tua” Trích trang 23 trong ĐRPN của Đoàn Giỏi. Người Phu Yên cũng dùng “te tua” Ví dụ tàu lá “rách te tua”. Nó bị “chưởi mắng te tua”.
Thâu đi ông: Dùng để phủ định ý người đang nói. “Đố cái thằng đó mà thi đậu được kỳ này! Thâu đi ông, nó sẽ đậu thủ khoa cho mà xem!”
Thẵng, cỏn: “Mẹ ơi, chị hai, anh bốn và mấy đứa cháu đi về nội về ngoại của nó rồi!” -“Kêu tụi nó lại để mẹ gửi cái này cho thẵng và cỏn cái đã . “Không!, ảnh chĩ đi hết trơn hết trọi rồi”. Thường cha mẹ chồng cha mẹ vợ gọi con dâu và con rể không trực tiếp bằng “con, thằng” thô bạo bà gọi trại lại bằng “cỏn, thẵng” nghe nhẹ nhàng thân mật và lịch sự với lòng nể nang con cái hơn. Anh chị em ở phía chồng phía vợ cũng gọi anh rể chị dâu bằng “ảnh chĩ” cũng ý như vậy. Ngoài ra “ảnh chĩ ”cũng được dùng để làm thay đổi âm điệu câu nói.. Nói “anh” đi rồi nghe không êm bằng “ảnh” đi rồi.
Thớt thịt: là hang bán thịt ở chợ. “Nó bỏ cái rổ ở dưới gầm một “thớt” bán thịt lợn” Trích trang 22 trong “Đất Rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi”
Trã: là dụng cụ bằng đất nung dùng vào việc nấu canh kho cá. Nồi chỉ dùng để nấu cơm mà thôi.
Trách: là dụng cụ giống như cái trã, chỉ nhỏ hơn thôi. “cái trách, cái trã, cái mủng, cái cảo”là dụng cụ bếp núc của các bà ngày xưa. Nguyễn Đình Tư viết trong“Non Nước Phú Yên”trang 209: “Cẩm Sơn làm trã làm vung/Làm chum làm vại/Nắn thùng nắn niêu” Đúng câu hát của người Phú Yên là: “Cẩm Sơn làm trã làm dung/Làm chum làm dại/Nắn thùng nắn niêu”… nghe mới đúng điệu người sinh trưởng ở Phú Yên. Niêu là cái nồi đất nhỏ.
Trách trã: là trách móc. “Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua. Nay qua qua. Thôi trách trã làm gì!”
Trắng bóc: Trắng ghê lắm. Hàm ý trắng như cái gì mới lột vỏ ra thấy bên trong quá trắng. “Con nhỏ này mặt mũi trông xấu xí nhưng da dẻ nó trắng bóc à! ” “Con nhà ai mà trắng như trứng gà luộc mới bóc vỏ!”
Trắng tinh: rất trắng. Hàm ý còn mới và tinh khiết nên giữ được màu trắng. “Vở mới mua mà! Giấy má còn trắng tinh”
Trịn: là lấy mông hay đít cọ vào cái gì để chùi cho sạch. “Trẻ con thời xưa chỉ mặc áo chứ không có quần để mặc. Ỉa thì trịn đít lên mô đất thay vì chùi bằng giẻ hay rửa đít.” Câu tục nói: “Một đời phấn sáp đeo hoa/ Một đời ỉa trịn cũng qua một đời!”
Trưa trật: quá trưa. Từ này cũng thấy người Nam Kỳ dùng. “Phải qua 2 cái phà nên trưa trật tôi mới tới đây”(bài viết về tướng cướp Bảy Viễn của Trúc Giang)
Tui: là tôi. “Anh bỏ qua chiện(chuyện) đó chứ tui(tôi) giận lắm”
Tứ tung: là vươn vãi khắp nơi. Tung là đường dọc, hoành là đường ngang. Ở đây biến thể “tứ tung” là bốn phía. “Sao dậy, đút cơm không chịu ăn, để cơm đổ tháo “dung dãi” tứ tung, cái thằng này! Chị “quánh” cho mà coi!”
Ui ui: là nắng không lớn lắm. Ví dụ: “Trời nắng “ui ui” mà mày dẫn em đi xa, không “đậu”mũ thì em nó sẽ bị bịnh cảm đó!”
Ử: là không còn chắc chắn nữa. “Đừng leo lên! Bức tường ở ngoài mưa gió lâu ngày nó ử rồi”
Ưng: là vừa lòng. Ví dụ “ăn món này có ưng ý anh không?”Người Phú Yên còn dùng rộng ra nữa. Trai gái “ưng” ai có nghĩa là lấy ai. Ví dụ “Thằng Hai xóm trên “ưng”con Ba ở xóm “ dứ”(dưới)”
Xỉ: là cái muổng, cái thìa. Phan Ngọc Giang nói từ này gốc Mam Bộ, gốc tiếng người Hoa
Xửng: xửng mưa, tạnh mưa. “Mấy hôm nay mưa quá trời. Khi nào xửng mưa tao qua!”
Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017
“Đạo bất đồng bất tương vi mưu”
Khổng Tử từng đến kinh đô nước Chu, thỉnh giáo Lão Tử về Lễ chế. Một ngày, Khổng Tử cưỡi một chiếc xe cũ do trâu kéo, lắc la lắc lư tiến vào thành Lạc Dương – kinh đô của nước Chu. Ông đi lần này mục đích là để tham quan “Các nguyên tắc trị nước mà các vị Tiên vương đã dùng”, khảo sát “Nguồn gốc của Lễ Nhạc”, học tập “Các quy phạm đạo đức”, bởi vậy việc ông tới viếng thăm Lão Tử, vị quan tinh thông chế độ Lễ nghi và quản lý thư viện hoàng gia, ấy là an bài tối quan trọng [của Thiên thượng]. Khổng Tử sau khi hoàn thành việc khảo sát lần đó, đã nói một câu lưu truyền đời sau rằng: “Trong số rất nhiều học thuyết trên đời, ta chọn theo [học thuyết của] nhà Chu”. Chế độ Lễ nghi thời đại nhà Chu là phỏng theo Lễ chế thời đại nhà Hạ và nhà Thương làm cơ sở mà đặt định ra, và Khổng Tử chủ trương sử dụng Lễ chế của thời đại nhà Chu. Có thể thấy chuyến đi lần ấy của ông thu được ích lợi không hề nhỏ.
Khổng Tử bái kiến Lão Tử. Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông trả lời là đọc “Chu Dịch”, và Thánh nhân đều đọc sách này. Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”.
Khổng Tử trả lời: “Tinh hoa của nó là tuyên dương Nhân Nghĩa“.
Lão Tử nói: “Cái gọi là nhân nghĩa, đó là một thứ mê hoặc lòng người, giống như như muỗi rận ban đêm cắn người, chỉ có thể làm người ta thêm hỗn loạn và phiền não mà thôi. Ông xem, con chim Thiên nga kia không cần tắm rửa mà lông vũ tự nhiên vẫn trắng như tuyết, Quạ đen hàng ngày không nhuộm lông mà tự nhiên vẫn đen. Trời vốn là cao, đất vốn là dày, mặt trời mặt trăng từ trước tới nay đã phát ra ánh sáng rực rỡ, tinh thần từ trước tới nay chính là đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ lúc sinh ra thì đã khác nhau. Nếu như ông tu Đạo, vậy cũng thuận theo quy luật tồn tại của tự nhiên, tự nhiên là có thể đắc Đạo. Tuyên dương những thứ nhân nghĩa để làm gì đây? Chẳng phải điều đó cũng đáng tức cười như việc vừa đánh trống vừa đi tìm một con dê thất lạc hay sao?”
Lão Tử lại hỏi Khổng Tử: “Ông cho rằng tự mình đắc Đạo rồi chưa?”.
Khổng Tử nói: “Tôi đã tìm cầu 27 năm rồi, vẫn chưa đắc được”.
Lão Tử nói: “Nếu như Đạo là một thứ hữu hình có thể tìm kiếm và dâng hiến cho con người, thì người ta sẽ tranh giành nó đem dâng tặng cho quân vương. Nếu như Đạo có thể đem tặng cho người khác, thì người ta sẽ đem tặng nó cho người thân. Nếu như Đạo có thể giảng rõ ra được, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của mình. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, thì người ta đều sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình. Song những chuyện như thế là không thể được. Nguyên nhất rất đơn giản, Đạo ấy chính là thứ mà một người bình thường không thể nhận thức một cách chính xác được, Đạo tuyệt đối sẽ không thể nhập vào tâm của người thường được”.
Khổng Tử nói: “Tôi nghiên cứu ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, ‘Lễ’, ‘Nhạc’, ‘Dịch’, ‘Xuân Thu’, giảng nói đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để bái kiến 70 quân vương, nhưng họ đều không chọn dùng chủ trương của tôi. Xem ra người ta thật là khó thuyết phục được!”.
Lão Tử nói: “Ông nói ‘Lục Nghệ’ ấy tất cả đều là những thứ xưa cũ của thời đại các tiên vương, ông nói những thứ đó để làm gì đây? Thành tựu tu học mà ông đạt được hôm nay cũng đều là những thứ xưa cũ rồi”.
Khổng Tử thỉnh giáo xong Lễ chế nhà Chu, liền quyết tâm trở về nước Lỗ khôi phục lại nguyên xi Lễ nghi của nhà Chu. Lão Tử đối với việc này vẫn bảo lưu ý kiến. Bởi vì Lễ tuy là cần phải có, nhưng muốn khôi phục toàn diện Lễ nghi nhà Chu, e rằng không thể làm được. Thời thế thay đổi, chút Lễ nghi nhà Chu ấy cũng không thích hợp với tình huống đương thời nữa. Vì vậy Lão Tử nói với Khổng Tử: “Ông theo lời những người đó, xương cốt của họ đều đã mục nát cả rồi, chỉ là những lời bàn luận của họ là còn tồn tại mà thôi. Hơn nữa quân tử gặp được thời cơ chính trị 1 thì liền theo chính, thời cơ không thích hợp thì cũng như cây cỏ bồng kia gặp sao yên vậy. Tôi nghe nói: Người giỏi kinh doanh đem cất giấu của cải hàng hóa, không cho người thác trông thấy, mặc dù giàu có nhưng dường như cái gì cũng không có. Người quân tử Đức cao thường bề ngoài cũng giống như người ngu độn, không để lộ chân tướng ra ngoài. Ông cần phải vứt bỏ tâm kiêu ngạo và dục vọng, vứt bỏ tâm thái và thần sắc mà ông đang có kia đi, vứt bỏ chí hướng quá truy cầu kia đi, bởi vì những thứ này đối với ông chẳng có chỗ nào tốt cả. Đó chính là những gì mà tôi muốn cho ông biết”.
Khổng Tử không biết nên trả lời ra sao, nhưng vẫn không buông bỏ chí hướng của mình: Đại trượng phu “biết rõ những việc không thể làm mà vẫn làm”. Tham quan xong các địa phương khác, Khổng Tử cáo từ Lão Tử, mang theo trong lòng những nỗi niềm phấn khởi xen lẫn với thất vọng mà rời kinh đô Lạc Dương của nhà Chu. Phấn khởi là vì học hỏi lễ giáo đã thành công, thất vọng là vì những lời khuyến cáo của Lão Tử. Phía sau lưng ông, một bia đá được dựng lên ghi lại mấy chữ: “Khổng Tử đến đất Chu học hỏi lễ nghi”.
Khổng Tử trở về, 3 ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy kỳ lạ, bèn hỏi thầy chuyện là thế nào. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được nó. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”.
Đó chính là sự khác nhau cơ bản giữa một Giác Giả độ nhân và một nhà tư tưởng của nhân gian. Cái gọi là “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” (Tạm dịch: không cùng một trình độ tu Đạo thì tâm cảnh cũng khác nhau xa), chính là tình huống như thế này. Đạo lý của Lão Tử vi diệu khó có thể hiểu nổi, bởi vì ấy là lời giáo huấn của Thần. Lời của Khổng Tử chẳng qua chỉ là học vấn của con người, là quy phạm đạo đức và hành vi của loài người mà thôi.
Bất Danh
Hàm nghĩa của chữ “Sinh”
“sinh” đối với con người lại chính là “tử” trong mắt của các sinh mệnh cao tầng, con người đến thế gian chính là đi vào cõi chết. Câu nói của Lão Tử “xuất sinh nhập tử” (sinh ra là chết đi) chính là có hàm nghĩa như vậy.
Tác giả: Chiếu Viễn
[ChanhKien.org] “Sinh” (生) là một từ hội ý (từ do hai hay nhiều bộ chữ ghép tạo thành), đây là chữ Giáp Cốt(1) cổ của Trung Quốc, bên trên là chữ “thảo mộc”, bên dưới là “mặt đất” hoặc “thổ nhưỡng”. Nghĩa gốc của từ này chỉ cây cỏ sinh trưởng trên mặt đất. Ngoài ra chữ “sinh” còn có nghĩa là sản sinh, sáng tạo và nuôi dưỡng.
Trong thư pháp chữ Khải, chữ “sinh” (生) bên trên là “nhân” (人), bên dưới là “thổ” (土), “con người ở trên mặt đất” nghĩa là sinh. Con người sau khi chết đi thì an vị dưới đất, không thể ở trên mặt đất được. Vậy thì nơi ở của người sống nên là ở trên mặt đất, nơi có ánh Mặt trời, nếu ở lâu trong căn phòng dưới mặt đất hoặc dưới gầm cầu, đường hầm thì sẽ mang đến âm khí u ám, không có lợi cho sức khỏe.
Nếu nhìn từ góc độ khác, theo lý luận của Đạo gia, trong không gian vũ trụ mà xã hội nhân loại tồn tại này, hết thảy vạn vật đều do âm dương Ngũ hành tạo thành, vật chất cấu thành thân thể người cũng không phải ngoại lệ. “Thổ” đứng vị trí thứ năm trong ngũ hành, cho nên đối với sinh mệnh ở cảnh giới rất cao mà nói, thân thể người chính là đất, con người sống ở thế gian chính là bị chôn vùi trong đất, “sinh” đối với con người lại chính là “tử” trong mắt của các sinh mệnh cao tầng, con người đến thế gian chính là đi vào cõi chết. Câu nói của Lão Tử “xuất sinh nhập tử” (sinh ra là chết đi) chính là có hàm nghĩa như vậy.
Cho nên con người chỉ có cách duy nhất là khắc khổ tu luyện trong chính Pháp đại Đạo, dũng mãnh tinh tấn, cuối cùng ra khỏi Ngũ hành, mới có thể rời xa cõi chết, bước vào cuộc sống vĩnh hằng.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/157291
Chú thích:
(1) Chữ Giáp Cốt là chữ Hán cổ viết trên mai rùa hay xương thú vật, có hình dạng rất gần với những vật thật quan sát được, đây được coi là hình thái đầu tiên của chữ Hán.
Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017
Ngủ trong lớp học: một thực hành văn hóa
Nguyễn Hồng Phúc
Đi học bị (một vài) giảng viên bảo nhau rằng ý thức học tập của mình kém, do hay bỏ học và hay ngủ trong lớp học.
Nhưng sao họ chẳng bao giờ đọc hành vi ngủ của sinh viên như đọc một tác phẩm nghệ thuật đương đại nhỉ? Tức là xem hành vi ngủ đó như một thực hành có chủ ý thay vì chỉ đơn thuần là một sự gà gật vô thức của chủ thể. Cũng tức là nhận ra rằng: Thực ra sinh viên đang muốn đối thoại với mình.
Nếu chúng ta luôn nhìn cuộc đời như một loạt những set nghệ thuật sắp đặt, đối diện và tư duy về nó như với những tác phẩm nghệ thuật, hẳn sẽ thu được rất nhiều thứ.
Nếu đọc hành vi ngủ của sinh viên trong lớp như một tác phẩm nghệ thuật, giảng viên sẽ thu được những giá trị phản tư rất lớn, thay vì có những ứng xử bá quyền với sinh viên, những điều chỉ càng bộc lộ rằng: họ ít đọc sách và ít suy tư về giáo dục.
Vì sao sinh viên lại ngủ trong lớp? Điều đó cho thấy những vấn đề gì trong kiến thức của giảng viên, và của thực trạng giáo dục hiện nay? Còn chính bản thân người ngủ nữa? Anh/ chị ta là người thế nào? Ngủ vì lười? Ngủ vì thức khuya đọc sách? Ngủ là thiếu tôn trọng giảng viên? Là nhận thức kém, không hiểu bài hay xuất phát từ việc quá hiểu những kiến thức và môi trường mình đang học? Ngủ thế là thiếu lý tưởng, thiếu ý thức hay vì quá có lý tưởng và ý thức?…Mười vạn câu hỏi vì sao sẽ được đặt ra. Và ngay chính trong việc giải mã này đã hình thành một tâm thế đối thoại, cởi mở của giảng viên, và tất nhiên, sẽ khiến họ khiêm tốn hơn rất nhiều.
Vậy nên, mình nghĩ, mỗi con người, trong cuộc đời này: hãy cố gắng nhìn đời như một tác phẩm nghệ thuật và bằng con mắt của một nghệ sĩ.
“Mừng chảy nước mắt” khi đếm người tham nhũng!
Bích Diệp
(Dân trí) - Theo báo cáo sơ bộ công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ từ nay tới cuối năm 2017 của Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng đã được công khai theo đúng quy định pháp luật.
Các bộ ngành, địa phương kiểm tra trên 1.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch nhưng chỉ phát hiện 22 đơn vị vi phạm.
Báo Dân trí, bài “Chỉ có 77 trường hợp được xác minh tài sản trong năm 2016” cho biết chỉ có 77 người thuộc diện kê khai được tiến hành xác minh tài sản, thu nhập trong tổng số trên 1 triệu người kê khai năm 2016.
6 tháng đầu năm 2017 chỉ có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; xử lý kỷ luật 4 người do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 3 người vi phạm phát hiện từ kỳ trước.
Tổng số vụ tham nhũng mà ngành thanh tra đã phát hiện được là 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Nhận xét trước Chính phủ, ngành thanh tra tự thấy, “số vụ việc phát hiện còn ít”. Ô hay! Ít là tốt chứ! Rất đáng để mừng! Mừng vì hóa ra, “lượng hóa” tham nhũng lại chẳng đến nỗi “nghiêm trọng” như người ta cảm nhận.
Hồi tháng 4 vừa rồi, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016 của Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 bảng xếp hạng toàn cầu, nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là “nghiêm trọng”.
Nhưng nói “nghiêm trọng” mà số vụ việc bị phát hiện, số người chịu trách nhiệm… như báo cáo của ngành thanh tra vừa nêu trên thì có vẻ hơi… thái quá!? Vậy, rốt cuộc, tham nhũng bị phát hiện ít là do cán bộ, công chức ở ta trong sạch, hay vì công tác tố giác, phát hiện còn hạn chế?
Mới chỉ cách đây 3 tháng, tại một xã thuộc tỉnh Hà Nam, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh này đã khởi tố và bắt tạm giam đối tượng có tên là Mai Hiển Dũng – một cán bộ lao động thương binh xã hội ở địa phương. Lý do là cán bộ này đã lợi dụng chức vụ để “ăn chặn” tiền trợ cấp các hộ chính sách trong nhiều năm liền.
Hay như hồi đầu năm (tháng 2/2017), Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết cơ quan này vừa ban hành quyết định kỷ luật đối với 13 cán bộ, cá nhân có liên quan đến vụ sai phạm trong việc chi tiền hỗ trợ người dân vùng hạn, mặn trên địa bàn.
Trong đó, ông Đặng Văn Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy và bà Phan Thị The, chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cùng bị khiển trách về mặt Đảng và chính quyền vì để thuộc cấp chi sai, bỏ sót hàng trăm hộ dân hoặc chiếm dụng tiền hỗ trợ hạn, mặn cũng như tiền cấp bù quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.
Bòn rút, ăn chặn tiền trợ cấp cho người nghèo, những người bất hạnh, những người đang lao đao, khốn khó vì thiên tai… đến mức như thế thì chưa nói đến sĩ diện, tự tôn làm người mà lương tâm của những cán bộ kia chắc cũng đã mục ruỗng, bỏ đi mất rồi!
Lại nhớ đến câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vài năm trước: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Tham nhũng, hay nói cách khác là “dụng công vi tư”, là lạm dụng vị trí, quyền hạn để lấy của công “đút túi” làm của riêng. Vậy, những trường hợp nêu trên không tham nhũng thì gọi là gì?!
Rồi gần đây, có những sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra và chờ đưa ra kết luận, như dinh thự, chung cư, xe sang… của Giám đốc Sở TNMT Yên Bái, những băn khoăn quanh nguồn gốc của khối tài sản cổ phiếu hàng trăm tỷ đồng của một vị Thứ trưởng đương chức. Người dân thực sự đang nóng lòng nhận được câu trả lời: Từ vi phạm “nghiêm trọng” cụ thể như thế nào đến mức độ kỷ luật ra sao?
Còn nhớ, hồi tháng 10 năm ngoái, báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực (!).
Cho nên, để đấu tranh và ngăn chặn tham nhũng, phải nhìn thẳng vào thực tế quy định pháp luật có lỗ hổng để các cá nhân lợi dụng hay không? Đã có phương án “vá” những lỗ hổng đó với những chế tài thực sự đủ mạnh hay chưa? Chứ nói thật, chỉ dựa vào sự trung thực của cán bộ, đảng viên khi kê khai tài sản, chỉ “khiển trách”, “cảnh cáo” trong các mức án kỷ luật… thì chuyện đẩy lùi tham nhũng được hãy còn xa.
BÊN BỜ VỰC
Từ Thức
Hai người lên tới đỉnh núi lúc trời vừa nhá nhem tối. Gã thanh niên vạm vỡ đứng ôm bụng thở dốc, mồ hôi chẩy trên mặt như giọt mưa. Người đồng hành, một ông già râu tóc bạc phơ, y phục, phong thái đạo sĩ, đứng ung dung ngắm cảnh, nhàn hạ như vừa xong một tuần trà.
Gã thanh niên nhìn vách núi dựng đứng, chân núi thăm thẳm, mất hút trong mây mù, nói, hổn hển :
-Con sợ thầy thực. Leo núi suốt từ sáng mà không biết mệt. Không biết bao giờ con mới tập luyện được như vậy.
Lão trượng vuốt râu, cả cười :
-Cần nhất là đừng sốt ruột. Phải tập luyện mỗi ngày, nhưng không tìm cách đốt giai đoạn. Một ông tướng nổi danh nói với binh sỉ : hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đẩy.
Trăng lên, sáng vằng vặc. Sâu hút dưới chân vưc là một con sông uốn éo như rắn, chan hoà ánh trăng. Một hai chiếc thuyền neo bên bờ sông, nhỏ bé xinh xắn như những chiếc thuyền giấy của trẻ con. Gã thanh niên cất tiếng ngâm :
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Lão trượng đang nửa tỉnh, nửa thức, ngạc nhiên, hỏi :
-Con biết tiếng Việt ?
-Thầy quên con là một chuyên viên về cổ ngữ ?
Ông già cả cười :
-Quả thực, nhiều lúc thầy quên con đã trưởng thành, đã là một học giả có tên tuổi. Ngày nay, ít ai còn biết tiếng Việt
Thời gian đi vùn vụt.Trong đầu ông già, gã học trò vẫn còn là một chú nhỏ chạy lăng quăng trong sân nhà, hay ngủ gà ngủ gật giữa những buổi học kéo dài trong cái nóng nực của trưa hè. Mới như hôm qua, cái buổi sáng người ta trao cho ông một hài nhi còn đỏ hỏn ai đem bỏ trước cổng nhà từ lúc đất trời choạng vạng.
Một lần trong một thư viện lớn, ông thấy một nhóm sinh viên chúi đầu nghiên cứu, trên bàn cả một đống sách dầy cộm mang tên tác giả là người học trò thân yêu của mình. Ông vừa kiêu hãnh, vừa xúc động, vừa bàng hoàng , ý thức rằng đứa học trò nhỏ ngày nay đã dần dần vuột khỏi tay mình, đã thành một học giả có uy tín.
Ông già nói :
-Câu thơ đẹp quá , nhất là trong cái đêm trăng như đêm nay.
Bắt chước học trò, ông lên tiếng ngâm, giọng sang sảng :
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hoàng hôn nắng mới lên
Vườn ai mượt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió lên lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay…
Và tiếp :
-Hồi nhỏ, có lần thầy ghé thăm cái thành phố ngày xưa tên là Huế, thăm thôn Vỹ nhưng Huế không còn là Huế, thôn Vỹ không còn là thôn Vỹ của Hàn Mặc Tử. Vườn ai mượt quá xanh như ngọc đã trở thành những cao ốc kệch cỡm, những cơ sở sản xuất giầy dép, siêu thị của người Tàu. Những cô thiếu nữ trong chiếc áo dài lả lướt ngày xưa đã trở thành những bà vợ Tàu , vợ Đai Hàn buồn bã. Huế bây giờ mang một cái tên Tàu, giống như những thành phố khác của cái nước ngày xưa gọi là Việt nam. Những lâu đài, cung điện biến thành những khách sạn, những tiệm ăn Tầu. Nơi mình đang đứng, có lẽ ít ai nhớ ngày xưa gọi là đèo Ải Vân
Trong đầu ông già, hình ảnh một thành phố ảm đạm. Nước sông Hương lờ đờ , nhớ những câu hò đối đáp. Cầu Trường Tiền lở lói, vắng những tà áo trắng, những tiếng chuyện trò ríu rít của đám nữ sinh.
Ông già nhiều lần nhức nhối đứng trước những tiệm, những cơ sở mậu dịch làm môi giới tuyển đàn bà cho người Tầu. Những thiếu nữ nghèo, đôi khi còn ở tuổi ô mai, đáng lẽ đang ép hoa, bắt bướm, đứng xếp hang chờ tới lượt cởi quần áo cho khách Tàu sờ mó, nắn bóp, coi soát từ trong ra ngoài trước khi mua. Những tấm bảng quảng cáo chữ Tầu bảo đảm hang hóa nếu không ưng ý có thể đổi hay trả lại. Người ta xuất cảng phụ nữ để lấy ngoại tệ, như người Ái Nhĩ Lan xuất cảng thịt cừu, người Argentine xuất cảng thịt bò. Một cái tát vào mặt mà khó dân tộc nào chấp nhận, nếu còn đôi chút tự trọng. Những người cầm quyền đồng lõa làm chuyện bán đàn bà, đồng bào, chị em, con cái của mình để kiếm tiền, sẽ ngần ngại gì khi bán đảo, bán đất, bán rừng, bán nước, nếu lợi nhuận lớn hơn, mặc dù đã tham ô đầy túi .
Ông già nghĩ tới một tài liệu về người abrorigènes ở Úc Châu. Người da trắng đã tập trung hàng trăm ngàn đàn bà aborigènes, chở đi khắp xứ, cho lập gia đình, hay nô lệ tình dục, với người da trắng. Những đứa con đẻ ra là con lai, không biết gì về dân tộc mình, trở thành xa lạ với nguồn gốc của mình đẻ trở thành công dân hạng nhì trên đất nước của tổ tiên. Người Tầu, vì chính sách hạn chế sinh đẻ, chỉ quý và đôi khi chỉ giữ con trai, thiếu hàng trăm triệu dàn bà. Họ nhập cảng đàn bà Việt, bắt cóc hay lấy phụ nữ Việt tại chỗ. Cả một thế hệ con lai không biết gì về văn hoá Việt, sẽ gia tăng đội ngũ người Tầu vốn đã đông đảo trên đất Việt
Gã thanh niên lục trong cái túi cồng kềnh y vẫn đeo sau lưng ra một cái lều vải, lúi húi dựng lều. Ông già không cần lều ; vẫn ngủ ngoài trời, lấy cỏ làm nệm, phiến đá làm gối. Sương, gió, nóng lạnh, ngoại vật không ảnh hưởng gì tới ông
Gã thanh niên đốt lửa , sửa soạn bữa ăn tối, đúng ra là để pha trà, vì bữa cơm rất đơn giản : cả hai đều ăn chay trường, đã gói sẵn trong túi vải.
Một con nai ngơ ngác từ trong bụi cây bước ra, dương đôi mắt to , đen láy, nhìn ngọn lửa, nhìn ông già, nhìn gã thanh niên , dò dẫm, rồi đi lại ,nằm dưới chân lão trượng.
Ông già vẫn nói con vật, ngay cả những con dữ tợn nhất, nếu nó cảm thấy mình vô hại, cảm thấy cái từ tâm của kẻ đối diện, nó trở thành thân thiện. Và cái từ tâm, nếu chân thực, nó toát ra tự nhiên như một hương thơm, như một hơi thở, ngay cả thú vật cây cỏ cũng cảm nhận được. Cây cỏ không biết, nhưng gã thanh niên đã thấy, nhiều lần,những con cọp, báo, gấu nằm cạnh ông già , ngoan ngoãn như những con mèo con.
Sau bữa cơm thanh đạm, gã thanh niên đưng dậy, vươn vai, đi vài đường quyền. Ông già nhìn, hài lòng, thấy đường võ của học trò đã điêu luyện, đã uyển chuyển, không còn cái cứng rắn, cái cố gắng phô diễn sức mạnh của tuổi trẻ. Gã thanh niên đã biết quên cái bản năng háo thắng, cái bản năng chinh phục, muốn đè bẹp đối phương. Y đã quên thân thể mình. Quên cái tôi. Ông vẫn nói đường võ phải đi nhẹ nhàng , như không muốn xô đẩy không gian chung quanh. Phải biết kính trọng cái quân bình ở trong ta cũng như trong vạn vật.
Trăng lên đỉnh đầu. Ông già trầm ngâm :
-Hồi trẻ, thầy mất hàng chục năm học vẽ, mơ thành hoạ sĩ ; nhưng thấy mình bất lực, không diễn tả nổi cái đẹp của thiên nhiên, cái nhiệm màu của đời sống, thầy bỏ vẽ. Mỗi lần đứng trước cảnh đẹp như thế này, vẫn thấy đôi chút ngậm ngùi.
Gã thanh niên cảm động trước lời tâm sự của ông già; bình thường là một người lạc quan, yêu đời, biết thưởng thức từng giây phút của đời sống. Tưới một bông hoa, tỉa một cành lan, ngắm mấy con cá vàng tung tăng trong bể cá, đọc một trang sách, đón nắng hanh vàng đầu hè hay se se người trước cơn gió lành lạnh cuối thu, mỗi hành động nhỏ bé, tầm thường , đối với ông là một nguồn hạnh phúc.
Ông vẫn nói với học trò đừng chạy đuổi, tìm kiếm hạnh phúc ; nó ở trong ta, nó ở trước mặt, trong mỗi cử chỉ, trong từng hơi thở, trong giây phút đang sống. Càng chạy càng mệt , càng đuổi theo càng mất.
Gã thanh ni ên trở lại câu chuyện thơ phú :
-Trước Hàn Mặc Tử hàng trăm năm, hàng ngàn năm, đã có những người nông dân Việt làm những câu ca dao tuyệt đẹp : Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?
Ông già mỉm cười :
- Có người nói câu ấy, nguyên văn ‘’ Hỡi cô bán nước bên đàng, sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ? ‘’ là thơ Bàng Bá Lân, nhưng của ai, nó cũng nói lên cái tâm hồn Việt. Có những thi sĩ như vậy, làm thơ như ca dao. Người nông dân bất cứ nươc nào, làm ruộng chỉ mong cho đươc viêc, cho chóng xong. Cái anh nông dân Việt nam, cực khổ trăm chiều, không được ngày hai bát cơm, anh ta vẫn không quên mình là thi sĩ. Cái thắc mắc của anh ta chắc chắn không có một anh nông dân nào khác trên thế giới bận tâm : sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
-Con nghiên cứu đã nhiều, không thấy người nông dân nước nào có cái tâm hồn ấy. Ngoài ca dao, người dân Việt còn một hình thức diễn tả rất tài tình là tục ngữ
-Nươc nào chẳng có tục ngữ. Đó là cái túi khôn của người dân, những quan sát , những nhận xét về đời sống ghi lại từ đời này qua đời kia.
-Tuc ngữ Việt có hai điểm đặc biệt không đâu có : nó đầy hình ảnh và bao giờ cũng đầy khôi hài tính. Bao giờ cũng là những nhận xét về xã hội hết sức tinh tế, diễn tả bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh : như đỉa phải vôi, theo voi ăn bã mía, nằm chờ sung rụng, ăn cơm nhà vác ngà voi, cá nằm trên thớt , gái ngồi phải cọc, lệnh ông không bằng cồng bà, nắm thằng có tóc ai nắm thằng trọc đầu…Những tác phẩm lớn thường có hai đặc điểm : đầy hình ảnh và khôi hài tính . Ngoài tư tưởng, cố nhiên. Không có văn chương Anh nếu không có cái khôi hài đen. Trong văn chương Pháp, ngay cả ở Proust, nhà văn khó nhai vì rất tỉ mỉ dài dòng, vẫn có cái khôi hài kín đáo khiến Proust là Proust .Những bài hát của Jacques Brel, bên cạnh cái xúc động, bao giờ cũng có cái gì tếu tếu. Thơ không có hình ảnh là vè, văn không có hình ảnh là những bản báo cáo hành chánh , những biên bản của thừa phát lại
Ông già gật gù :
-Người Pháp nói : lời nói bay đi, hình ảnh lưu lại. Les paroles passent, les images restent.
-Vâng, đúng vậy. Những người làm nghề quảng cáo thương mại, làm marketing đều biết : một cái spot thành công phải có hai điều kiện : hình ảnh đập vào mắt , bám vào óc và một nét khôi hài khiến người ta mỉm cười. Và tất cả, trong một spot dài 30 giây. Những người nông dân Việt nam đã hiểu điều đó trước mọi ngươi . Không có gì gơi hình và tếu hơn cái cảnh một anh đi vác ngà cho con voi để nói đến một người làm chuyện vô bổ , lo chuyện cho thiên ha , hay cái cảnh một anh nằm dưới gốc sung chờ sung rụng để nói về một người lười biếng.Tất cả tục ngữ Việt nam đều như thế .Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ta cũng kiếm được một câu nói lên cái cảnh ngộ của mình , những nhận xét, phê phan về người , về vật : cá mè một lứa, cá lớn nuốt cá bé, nó lú chú nó khôn, trứng đòi khôn hơn vit, theo đóm ăn tàn , ăn cỗ đi trước lội nước đi sau, đánh võ miệng, ếch ngồi đáy giếng, cha ăn mặn con khát nước, con nhà lính tính nhà quan , vẽ đường cho hươu chạy. Chỉ trong vài chữ, cả một nhân sinh quan trong một cuốn phim hoạt họa linh động,têu tếu.
- Ít lời nhiều ý là một đặc tính của Á Đông.Thơ haiku của Nhật…
Gã thanh niên cãi , ngạc nhiên thấy mình cãi lại ông thầy :
-Thơ haiku xúc tich, it lời nhiều ý, nhưng nghè không có chất khôi hài, không có nét châm biếm. Người Nhật nghiêm trang, ít cười cợt. Cái khôi hài ,cái đầu óc đầy hình ảnh của người bình dân Việt nam thật hóm hỉnh, thât bất ngờ , thật lý thú .Và thật hữu hiệu. Không có gì hữu hiệu hơn khả năng khôi hài. Những người có tiếng là đào hoa đều đồng ý : một người đàn bà mỉm cười là một người đàn bà đã bị chinh phục một nửa. Tục ngữ Tây phương thỉnh thoảng cũng có câu gợi hình, nhưng rất hiếm, như khi họ nói ‘’ đổ nước tắm, đừng đổ cả đứa nhỏ trong chậu ‘’. Hay người Phi Châu nói ‘’ một người già chết đi là một thư viện vừa cháy, ‘’, ‘’con cừu có bốn chân nhưng vẫn không thể chạy trên hai ngả đường ‘’. Gợi hình, nhưng vẫn thiếu cái têu tếu.
Ông già lợi dụng cơ hội đề cập một đề tài vẫn lẩn quẩn trong đầu từ nhiều năm nay:
-Nói tới đàn bà, thầy vẫn tự hỏi : bao giờ con nghĩ đến chuyện gia thất . Phải nhớ là thời gian qua nhanh
Gã thanh niên hơi lúng túng :
-Con chưa kiếm ra người hợp ý. Có lẽ con không có cái khiếu làm cho phái đẹp mỉm cười.
Chợt nhận ra vẻ ưu tư của ông già, y trấn an :
-Thầy đừng lo, chuyện phải đến thế nào cũng đến.Thầy vừa khuyên hãy đi từ từ.
Ông già không ngờ cái thuyết đi từ từ quay về ngực mình như một cái boomerang , bèn trở lại đề tài bỏ dở, thoải mái hơn là chuyện đàn bà mà chính ông cũng lơ mơ :
-Tai sao một dân tộc như vậy lại biến mất trên bản đồ thế giới ?
-Theo con nghĩ , vận mệnh của một dân tộc, cũng như vân mệnh của một cá nhân, không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên. Cái may rủi đối với một cá nhân, cái tình cờ của lich sử đối với một dân tộc là một dữ kiện quan trọng, nhưng không bao giờ là một dữ kiện quyết định. Cái hưng vong của một quốc gia là do dân tộc ấy tạo ra. Không có chuyện tình cờ. Nói theo đức Phật, có cái nhân và cái quả.
Ông già không phải là một học giả, lại ít tìm hiểu về đề tài đang bàn, nhưng ông vẫn nghe nói người Việt nam có nhiều đức tính : hiếu học, cần mẫn,chịu khó, tháo vát, và, như gã hoc trò ông vừa nói, dân tộc ấy nhìn đời với nụ cười thường trực trên môi, nụ cười khiến họ chịu đựng nổi trăm ngàn khó khăn, thử thách, như một bùa hộ mệnh. Nụ cười ấy chứng tỏ một nhân sinh quan rất quân bình, ít dân tộc nào đạt đươc.
Ông cũng nghe nói đến cái hy sinh vô bờ bến của người mẹ, người vợ Việt nam, cái chịu đựng gian khổ không giới hạn của người dân Việt..Tại sao dân tộc ấy không có một đời sống mà họ đáng được hưởng ? Tại sao dân tộc ấy đi đến chỗ giải thể ?
Sương bắt đầu xuống lạnh hai bờ vai. Gã thanh niên chất thêm củi , nướng một trái bắp non ; mùi bắp thơm thoang thoảng trong cái thanh tịnh của đêm trăng. Con nai đã ngủ vùi , đầu gối trên đùi ông già.
Ông già nói, độ lượng :
-Dân tộc nào cũng có cái tốt, cái xấu. Cái tốt cái xấu trộn lẫn nhau, tạo ra cá tính của một cá nhân, một cộng đồng . Phải là thánh nhân mới không có thói xấu.Và không có gì buồn tẻ hơn là những ông thánh
-Có những tính xấu vô hại , có tính xấu đưa đến nạn diệt vong. Cái tính xấu ghê rợn của người Việt là cái thói chia rẽ, đố kị nhau. Mỗi người Viêt như tìm thấy
cái vui trong cái thất bại của người đồng hương , cảm thấy cái thú trong viêc phá phách công cuộc chung. Không có hội đoàn nào tồn tại quá ba bẩy hai mươi mố ngày. Không có tổ chức nào không chia hai, chia bốn. Một hội chơi lan, đá dế cũng đánh nhau bể đầu. Trong y học, người ta nói đến trường hợp những người có khuynh hướng tự huỷ, autodestruction, chỉ tìm thấy lẽ sống trong việc tự huỷ hoại mình. Không lẽ có một dân tộc có khuynh hướng tự huỷ ? Một nhu cầu tự sát tập thể ? Như một đàn cá voi rủ nhau tự sát trên bãi biển ?. Cái quốc tính lạ kỳ ấy ăn sâu vào mỗi người Việt , ngay cả ở tầng lớp trí thức, nhất là ở tầng lớp trí thức. Cũng lạ, với người Việt, học vấn không có ảnh hưởng gì đến tư cách của họ, như nước đổ đầu vịt ( gã thanh niên mỉm cười : ‘’nước đổ đầu vịt ‘’ là một câu tục ngữ Việt ) .Một quốc gia làm sao tồn tại được với một giới trí thức bệnh hoạn như vậy.
- Không phải chỉ có người Việt có cái thói phá nhau. Chẳng có người Pháp nào đồng ý với người Pháp nào về một vấn đề gì .Ngay cả người Do thái , chính họ tự nhận : cứ có hai người Do thái ngồi với nhau lá có ba ý kiến …
-Bất đồng ý kiến không phải là điều xấu.Tranh luận đưa tới tiến bộ. Người Việt ngồi với nhau không phải để tranh luận, nhưng để phá nhau . Không một hội đoàn Việt nam nào tồn tại vài tháng .Không có một nhóm người Việt nào làm ăn với nhau được vài năm . Ngay cả những người có cùng một lý tưởng , thiện chí cùng mình , những người cơm nhà ngà voi , ngồi với nhau ba bẩy 21 ngày là cái bản năng tự huỷ ấy đùng đùng kéo đến . Abdel Nasser nói : tôi rất buồn khi thấy một người Ả rạp nói xấu một người Ả Rạp khác. Nếu ông ta là người Việt nam, Nasser sẽ phiền muộn dài dài. Đập phá nhau là một môn thể thao quốc gia của người Việt, toàn dân tích cực tham dự và hăng say tập luyện ; như basket ball với người Mỹ , football với ngưới Ba tây, sumo với người Nhật, taekwondo với người Cao ly.
Ông già chống chế :
-Nhiều sách báo nói đến tính bao dung của người Việt nam, ngay cả với kẻ thù.
Gã thanh niên gậm trái bắp nướng, ăn ngon lành .Y không mời ông già, biết ông già chỉ ăn một ngày hai lần : giữa trưa và tám giờ tối . Và cứ ba ngày là một ngày không ăn một hạt cơm , để cho thân thể nghỉ ngơi .
-Thầy nói đúng. Đó là một dân tộc rất đại lượng, rất bao dung đối với người ngoại chủng, ngay cả đối với kẻ thù. Nươc Việt một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giằc Tây , nhưng khi một ông tướng Tầu chết, họ quên thù oán, lập đền thờ (nghĩa tử là nghĩa tận ). Khi chiến tranh Việt Pháp chấm dứt , họ hết lòng thân thiện với người Pháp , tiếp đón kẻ thù hôm trước như anh em. Không thấy ai đi lùng giết những lính lê dương muốn ở lại . Không thấy có người Việt nào hươi đao chém cổ một người lính Mỹ trước máy truyền hình . Không thấy có người Việt nào ngồi hạch tội người Nhật về những tội ác chiến tranh như bên Tàu. Ông tổng thống nước Mỹ, đi tới nước nào cũng bị la ó , phản đối rầm rộ, không dám thò đầu ra ngoài đường , đến Việt nam dân chúng hồ hởi đổ ra đường chào đón như đi trảy hội. Cả dân miền Bắc , những người đã lãnh hàng triệu trái bom Mỹ trên đầu, lẫn dân miền Nam , những người đã bị Hoa kỳ bỏ rơi không thương tiếc.
Ông già mỉm cười , lạc quan :
-Đó là dấu hiệu một triết lý sống rất cao. Vứt bỏ oán thù, Chúa hay Phật cũng không dạy gì khác
-Phiền một nỗi là là những người đại lương như vậy với người ngoại quốc lại đối xử với nhau một cách cực kỳ tàn tệ, cưc kỳ dã man. Cạn tầu ráo máng. ( Lại một câu tục ngữ Việt, gã thanh niên lẩm bẩm ). Kẻ thắng hành hạ kẻ bại như những con vật .Tôi nhốt anh để anh khỏi lộn xộn, nhưng tôi hành hạ, nhục mạ anh, không phải vì anh là kẻ cựu thù, mà vì anh có cái tội là đồng bào, anh em ruột thịt.
Ngọn lửa lách tách nổ, thơm mùi gỗ thông cháy. Gã thanh niên pha một tách trà, đưa mời ông già. Ông già nhấp một ngụm , hơi nhau mày, nói :
-Nhớ bọc gói trà cho kỹ. Cái giống trà ngon nó khó tính lắm. Hơi một giọt mưa , hơi một ngọn gió là nó giở chứng ngay
Gã thanh niên không quên câu truyện đang bàn, như đã lâu lắm y mới có dịp đề cập một đề tài vẫn luẩn quẩn trong đầu y :
-Con suy nghĩ hoài, không tìm đươc nguyên nhân cái mâu thuẫn lạ kỳ ấy .Tại sao một dân tôc đại lượng như vậy lại thù ghét nhau đến như thế ? Tại sao những con cá voi rủ sau tự sát trên bãi biển ?
Về những con cá voi, ông già đành ngọng, nhưng về cái dân tộc kỳ quặc nọ, ông liều một cách giải thích :
-Có lẽ đó là hậu quả của những cuộc chiến tranh triền miên . Chiến tranh huỷ hoại tất cả, huỷ hoại cả tình người . Lại thêm chính sách chia để trị của kẻ thống trị. Phải nghi kỵ để khỏi mất mạng. Biết bao nhiêu dân tộc, dưới những thử thách một trăm lần ít cay nghiêt hơn, đã biến mất trên bản đồ thế giới. Người Tầu, trong một ngàn năm đô hộ, đã tìm mọi cách chia để trị. Người Pháp khuyến khích dân Việt hút thuốc phiện, rượu chè ; chia nươc Việt ra thành ba , bày ra một trăm thứ ngạch trật, phẩm hàm trong một xã hội vốn đã cực kỳ nhiêu khê, biến mỗi người Việt thành một ông quan, sẵn sàng căm hờn nhau, sẵn sàng giết nhau vì một cái danh hão, một miếng thịt chia không đều. Bỏ được một tệ trạng đâu phải dễ . Hãy nhìn những nước hồi giáo với những hủ tục truyên lại từ 14 thế kỷ
Gã thanh niên ngần ngừ : y ít có thói quen cãi lý với ông thầy mà y kính trọng.
-Nhưng , y nói, người Việt nam là những người có khả năng thích ứng rất nhanh , những tục lệ cũ , nhuộm răng đen , tục đa thê vv.. chỉ vài mươi năm đã biến mất. Nhóm Tư Lực Văn Đoàn đả kích các tệ trạng xã hội An nam, cũng chỉ ít năm sau vấn đề họ nêu ra không còn là thời sự nữa.Thầy có nhớ cái bài thơ của Nguyễn Bính : Hôm qua em đi tỉnh về. Đợi em ở mãi con đê đầu làng ..
Cái gì chứ thơ thì không ai địch nổi ông già . Ông có trí nhớ của một thiếu niên 18 tuổi. Ông đọc vanh vách :
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo dài khuy bấm em làm khổ tôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen ?
Gã thanh niên ngắt lời, trong khi ông già còn cao hứng :
-Con cháu ông Nguyễn Bính, chắc đã rất bỡ ngỡ trước cái thời trang lạ kỳ của những người chỉ cách họ môt thế hệ. Và nếu con cháu nhà thơ có bồ khăn nhung quần lĩnh rộn ràng, chắc họ cũng khổ tâm lắm, nhưng không phải khổ tâm vì cô bạn quá tân thời mà vì quá quê mùa, cổ hủ. Những người Việt di tản ra nước ngoài chỉ vài năm đã hội nhập với đời sống mới. Họ biết cải tiến rất nhanh, nhưng nhất quyết giữ lại cái quốc tính kia. Cái thói thù ghét nhau, cái thói vọng ngoại đã có từ rất lâu. Đoc sử Việt nam , không biết bao nhiêu những cuôc huynh đệ tương tàn , mỗi lần chiến trận ngã ngũ, thế nào ở trang sau cũng có cái màn cả bên thua lẫn bên thắng chạy ra nước ngoài cầu cống . Cái anh phó thường dân Việt nam, không ai hỏi ý kiến anh ta .
Ông già :
-Dù sao dân tộc ấy đã đương đầu với ngoại xâm hàng ngàn năm, tại sao bị giải thể đầu thế kỷ 21 ?
-Nươc Tầu ngày xưa là một cường quốc thưc dân , nhưng trong nước cũng chia năm xẻ bẩy, thập loạn sứ quân , khó giữ vĩnh viễn một thuộc địa . Sang thế kỷ 21 , Trung Hoa trở thành một trong hai nước mạnh nhất thế giới, cả về kinh tế lẫn chính trị. Một đại cường thống nhất , vươn lên như vũ bão. Hàng hoá Tàu tràn ngập thị trường, họ làm chủ về mặt kinh tế .Về văn hoá ,sách vở Tàu tràn ngâp, trên truyền hình quốc gia chỉ có phim ảnh Tầu. Đàn bà , con gái Việt bị gả bán cho người Tàu để tìm đường sống, để lấy tiền đong gạo, để nuôi gia đình . Nhân công Việt nam , nổi tiếng là chịu khó và không đòi hỏi gì , đi tha phương cầu thực, làm nô lệ ở những nước phát triển hơn .Trungquốc cần dầu lửa, cần thị trường , cần nhiên liệu , ngang nhiên chiếm một vài hòn đảo. Không ai phản ứng gì , hay phản ứng đại khái, họ lấn thêm vài cây số biên giới. Dần dần, họ chiếm trọn Việt nam nhẹ nhàng như trở bàn tay.
-Thế giới không phản ứng gì ?
-Khi Trung Quốc còn là một nước nghèo đói, không ai ho he gì khi họ chiếm
Tây tạng; ai dám lên tiếng khi họ đã trở thành một đại cường ?
-Còn người Việt ?
-Họ còn mải chơi môn thể thao quốc gia. Vả lại, đó là một nước đã vong thân trước khi mất lãnh thổ. Khi sách báo, tuyền thanh, truyền hình tràn đầy những sách báo, phim ảnh Tầu, Hàn, dân tộc đó đã đánh mất mình, chỉ còn là một cái xác không hồn. Mất đảo, mất rừng, có hy vọng chiếm lại, nhưng vong thân...
- Văn hóa phải vươn ra, phải tiếp nhận, nếu không sẽ cằn cỗi.
-Thưa đúng vậy. Người ta nói văn hoá như một cái cây, phải bám chặt rễ để vươn ra thở hít thở khí trời. Nhưng khi cái rễ lung lay, hay tệ hơn, khi không còn rễ, càng vươn ra càng mau đổ. Xâm lăng bằng văn hoá, xã hội, cái mà người ta gọi là “ soft power ”, nó ghê rợn hơn cả xâm lăng bằng vũ lực.
Ông già vươn vai , ngả đầu trên phiến đá ,nói với gã học trò, ôn tồn như một lời an ủi :
-Khuya rồi. Ráng ngủ một giấc. Mai phải đi sớm.Thiên hạ chờ mình đúng ngọ.
Ông già nói xong, nhắm mắt ngủ, dễ dàng, ngon lành như một hài nhi.Gã thanh niên biết là sáng hôm sau ông sẽ thức dậy đúng sáu giờ.Muốn dậy giờ nào,ông giàkhông cần báo thức.Ong chí lẩm nhẩm vài lần trong đầu là sáng hôm sau nhỏm dậy đúng giờ,như một cái máy.
Gã thanh niên nằm thao thức.Trăng sáng ,chan hoà, phí phạm, lai láng ngập đất trời . Y không khỏi nghĩ đến cái anh nông dân thi sĩ . Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ? Đẹp quá . Một tâm hồn đẹp như vậy không thể tàn rụi. Cái anh nông dân ấy, từ bốn ngàn năm nay anh ta vẫn sống chết bám lấy đất nước . Bao nhiêu người đã phản bội, anh ta vẫn kiên trì bám giữ ruộng đồng. Y muốn tin rằng cái anh nông dân ấy không biến mất, anh ta vẫn lẩn quẩn đâu đó dưới kia. Y chợp mắt, mơ màng, tưởng như nghe thấy, lẫn với tiếng dế kêu , tiếng gió xào xạc trên ngọn cây, tiếng bước chân ai từ dưới thung lũng vọng lên, rậm rịch lên đường.
Từ Thức
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)