Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Người Việt và việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài trong con mắt của một số trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX



Trong các công trình nghiên cứu văn hóa của một quốc gia, thường người ta không quên để riêng một phần nói về lịch sử giao lưu văn hóa của nước chủ nhà với các nước khác, các nền văn hóa khác.

Nhu cầu tự nhận thức buộc người ta phải làm vậy. Không một dân tộc nào chỉ sống khép kín mà không quan hệ với các cộng đồng khác. Tối thiểu thì trong mối quan hệ này, các dân tộc sẽ học hỏi để ngày mỗi trở nên mạnh mẽ hơn giàu có hơn. Còn nói cho to tát ra thì đây chính là chỉ số đánh dấu trình độ trưởng thành của mỗi dân tộc với tư cách một bộ phận của nhân loại.
Trong quá trình này, ý thức về ta và người nẩy sinh, nó cũng là một khía cạnh làm nên tâm thế làm người, một hằng số lặp đi lặp lại ở nhiều thế hệ.
Hiện trong các công trình nghiên cứu về văn hóa VN, vấn đề này gần như chưa được đặt ra. Song ở dạng những nhận xét tạt ngang, nó đã được các nhà trí thức các nhà hoạt động văn hóa trong quá khứ quan tâm và phát biểu đây đó. Mấy năm trước chúng tôi đã trích lục một số ý kiến này để đưa vào mục Người xưa cảnh tỉnh, in rải rác trên mặt báo. Nay xin hệ thống hóa lại và giới thiệu chúng theo trình tự thời gian mà các tác giả đã phát biểu. Các đầu đề nhỏ là do người biên soạn đặt.

Sống như mơ ngủ

Nước ta từ ngày Pháp sang bảo hộ trên mấy mươi năm, người mình học Tây học chỉ làm được việc phiên dịch nói phô mà thôi, không có ai hấp thu được chỗ tinh tuý, phăn (phanh) tìm đến nơi màu nhiệm về mà đào tạo ra học trò để làm việc vẻ vang cho nòi giống. Trái lại, bụng không một hạt gạo mà nói chuyện thi thư (1), tay không nửa đồng mà tự xưng Khổng Mạnh. Có lẽ da thịt huyết tuỷ của người nước mình mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? Không thế thì sao lửa đốt bên da mà không biết nóng, sét đánh ngang trán mà không biết sợ, thày hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu thương mình mà vui lòng làm tôi làm tớ.
Hiện trong lúc ngủ say mới tỉnh, xu hướng chưa định, học mới học cũ ngả đường phân chia công hội thương hội chương trình chưa nên, thành hiện ra một cái quái tượng, đầy nhà rối rít ồn ào, chưa giải quyết vội được.

(1) Nghĩa gốc: Kinh Thi và Kinh Thư. Ở đây chỉ việc học hành ở trình độ cao
Phan Châu Trinh
Hiện trạng vấn đề, 1907


Tuỳ tiện cẩu thả trong giao lưu tiếp xúc

Xét nước ta các đời thụ phong Trung quốc chỉ là chính sách ngoại giao cho nên coi là trò chơi, không coi là vẻ vang.
Kẻ lấy Trung quốc làm ỷ lại, ắt là vào thời cuối (1): vua nhác, tôi nịnh, binh bị không sửa sang, coi họ như cha mà quên điều nanh ác. Thời cuối các đời Trần, Lê đều có, mà triều ta (2) lại càng nhiều.
Sứ thần ngày xưa làm nhục được người Trung quốc coi như vinh dự. Những kẻ đi việc sứ đời sau lấy việc được một bài thơ, bài văn, một lời than tiếng cười của sĩ phu Trung quốc trở về để khoe khoang với bạn bè làm vẻ vang.
Mặt này lại là một điều suy sút của sĩ phu nước ta.

(1) tức giai đoạn suy tàn của một triều đại
(2) triều ta đây tức là nhà Nguyễn
Phan Châu Trinh
Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hiệp,1912


Sang đến xứ người
cũng không biết đường học hỏi


Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn (1) với Nhật Bản, thấy họ tiến thì nức nở khen, chứ không khi nào chịu xét vì sao họ được tiến tới như thế ? Họ chỉ đóng tàu đúc súng mà được giàu mạnh hay họ còn trau dồi đạo đức sửa đổi luân lý mới được như ngày nay ?
Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật về, không đem cái hay cái tốt về cho dân nhờ mà chỉ làm giàu thêm tính nô lệ !
Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng ?!
Lấy lịch sử mà nói thì dân tộc Việt Nam không phải là không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay (2) mà vẫn còn mê mê muội muội bịt mắt vít tai không chịu xem xét không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người.

(1) cùng theo đạo Khổng cùng sử dụng chữ Hán
(2) tính tới thời điểm tác giả nói trong bài này, nước Pháp mới đô hộ nước ta 60 năm

Phan Châu Trinh
Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925


Dễ ỷ lại

Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có Ngô xây – Việc gì vợ goá lo ngày lo đêm. Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô không sang thì vạn tuế thiên thu chắc không bao giờ có tháp. Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao? Thì chỉ vì ỷ lại.

Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân,1928


Thạo sử người hơn sử mình

Sĩ tử khắp nước ta làu thông kinh sách mà không biết đất đai của nước ta và nòi giống dân ta như thế nào.
Họ chỉ biết Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông mà không biết Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ ra làm sao.
Họ chỉ biết Khổng Minh, Địch Nhân Kiệt, mà không biết các bề tôi Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn thờ vua giúp nước như thế nào.
Họ chỉ biết núi Thái Sơn cao chót vót, sông Hoàng Hà cao thăm thẳm, nhưng không hề hay biết núi Tản Viên từ đâu tới, sông Cửu Long ở Nam Kỳ phát nguyên từ nơi nào.
Ưa chuộng phong tục nước ngoài cho nên bao nhiêu nghi lễ về quan hôn tang tế (1), chúng ta đều bắt chước người Trung Hoa cả.
Người nước ta lại còn lấy kỹ nghệ nước ngoài làm ưa thích. Đã không chịu học hỏi cách biến chế, óc sáng kiến của họ, mà lại đi tiêu thụ hàng hoá giúp cho họ. Đa số những vật liệu như đồ sứ hàng tơ lụa, hàng thêu, hàng đoạn (2) …, chúng ta đều đi mua sắm từ bên Trung quốc về dùng. Rồi dần dà lâu ngày, linh hồn của dân ta tự nhiên bị đổi dời, trí não của dân ta tự nhiên bị bưng bít mà ta không hề biết, chỉ vì cái cớ chúng ta chuyên trọng Bắc sử (3) mà thôi.

(1) Các việc thuộc về đình đám, ma chay, cưới xin v..v..
(2) Hàng dệt bằng tơ, mặt bóng mịn
(3) Tức lịch sử Trung Hoa
Hoàng Cao Khải
Việt sử yếu, 1914


Học đòi làm dáng một cách sống sượng

Cứ chiều đến, độ sáu bảy giờ, đứng ở góc hồ Hoàn Kiếm, trông kẻ đi qua người đi lại, thấy ngứa mắt quá. Nhất là trông mấy ông ăn mặc quần áo Tây. Gớm sao mà khéo bắt chước, giá sử sự học hành, sự buôn bán mà cũng bắt chước được khéo thế thì hay quá! Ông cổ cồn trắng, cổ nút xanh, nút đỏ, đầu thì mũ cỏ, tay thì ba toong, giày thì bóng nhoáng, hai ngón tay thì khéo gẩy gẩy cái nách áo gi-lê. Ông ngồi xe thực khéo lấy dáng. Ngày xưa cái ô lục soạn, cái điếu thuốc lá bọt. Nay những cái ấy đã cho là đồ cũ rồi. Cái xe Nhật Bản bây giờ cũng bỏ. Bây giờ có xe cao su, êm hơn mà ngồi ưỡn ra bệ vệ hơn nhiều. Tay cầm quyển sách hay là cái nhật trình (1), mắt giả lờ trông thì lại ra tuồng (2) nữa.
Em (3) thực là người hiếu (4) sự duy tân. Cách ăn mặc An Nam đội cái khăn bằng cái rế, búi tóc như quả bưởi, áo lướt tha lướt thướt, giày lẹp cà lẹp kẹp, móng tay gãi đầu như người rũ chiếu, thì cũng bẩn lắm thực. Em cũng muốn rằng người An Nam ăn mặc cho gọn gàng sạch sẽ diện mạo tinh nhanh, nhưng mà thấy những trò sài sơn (5) của các ông cũng ngứa mắt lắm.

(1) báo ra hàng ngày
(2) trông có vẻ phường tuồng
(3) bài này in trong mục Nhời đàn bà của Đăng cổ tùng báo, ký Đào Thị Loan nên tác
giả xưng em
(4) ưa thích
(5) chúng tôi chưa tra cứu được chỉ đóan là làm dáng ăn diện
Nguyễn Văn Vĩnh
Đăng cổ tùng báo, 1907


Thị hiếu tầm thường

Cái lý thú của nước Nam ta nhỏ mọn lắm.
Kìa cái đồng hồ từ tám mươi đời thì quấn vải tây điều, kết quả găng. Nọ núi non bộ khéo chắp tỉ mỉ trong trồng cây uốn con phượng. Cầu quán con con, thuyền bé lí tí. Câu đối với tranh thì hết tứ thời phong cảnh lại đến thiên lý giang sơn.
Thi hoạ nhỏ nhen, thi chẳng ra thi hoạ chẳng ra hoạ.
Giang sơn treo cửa sổ, sơn thuỷ để đầu giường. Hoành phi câu đối thì chữ nghĩa đẹp phẩy mác hơn đẹp ý tình (1). Đồ chạm đồ cẩn thì tỉ mỉ con dơi già quả mướp non, người ngoại quốc mua cho cũng là thương công hơn trọng khéo. Ghế giường bàn tủ dáng dấp nặng nề.
Nói tóm lại thì người Nam mình chưa cái gì là cái khéo. Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu, càng xấu bấy nhiêu.
Người mỗi ngày một hay, vi xảo là thông ngôn ông Tạo hoá (2). Ta mỗi ngày một đổ (3), vi xảo là cơn hứng chí điên cuồng. Học chẳng phải mà bắt chước chẳng phải.
Xảo nghệ muốn noi theo ngoại quốc, là phải noi lý tưởng chớ không nên bắt chước phù hoa. Kẻo mà khéo thêm ra chẳng thấy đâu, lại đang nghề nguyên lành hoá nghề lang lố (4).

(1) phẩy mác là tên gọi các nét trong chữ Hán.
(2) vi xảo: sự kỹ lưỡng khéo léo; cả câu ý nói sự hoàn chỉnh của sản vật đạt đến mức như là tự nhiên sinh ra đã vậy.
(3) kém đi, hỏng đi
(4) Nghĩa như nhố nhăng
Nguyễn Văn Vĩnh
Đăng cổ tùng báo, 1907


Vay mượn tuỳ tiện
thêm thắt lung tung 


Ngày nay có cải lương (1) gì, thì chỉ sợ rằng trái đạo lý cũ của mình.
Đạo lý cũ của mình là thế nào có ai biết đâu? Con khóc cha mà cúng phải tìm trong Thọ mai gia lễ hay là Văn công gia lễ, xem ngày xưa ở bên Tàu các ông ấy khóc cha ra làm sao, thì cứ thế mà khóc.
Gián hoặc (2) trong hai cách có điều gì khác nhau thì cũng biết vậy, lúc túng việc thì vớ được quyển nào theo quyển ấy. Gọi là cho nó theo một lệ nào đó, thì là nhà văn phép.
Trong cả các trò chơi, như hát tuồng, hát chèo cũng hay bắt chước những cách vô lý.
Tấn tuồng thì lấy trong các sự tích của Tàu, mà lúc ra hát thì quên cả đến thời đến xứ (3). Cứ nhân chỗ nào hát được mấy câu nam thì nam (4) cho mấy câu. Chỗ nào có dịp khôi hài thì khôi hài. Thấy người xem có mấy người dễ cười, thì làm mãi.

(1) cũng tức là cải cách
(2) thỉnh thoảng, giá như
(3) thời ở đây tức niên đại thời gian, xứ tức hoàn cảnh không gian
(4) nam: vốn được hiểu là những gì mang tính cách thuần Việt. Đọc chệch thành nôm. Chữnam thứ hai thì dùng như một động từ

Nguyễn Văn Vĩnh
Tật huyền hồ sáo hủ, Đông dương tạp chí,1913


Học không biết cách

Về đạo cương thường cứ nói rằng ta thâm nhiễm (1) của Tàu nhiều lắm rồi, nhưng tôi xét ra chưa có điều gì gọi là thâm nhiễm cả.
Trong hết cả số người theo Nho học thì hoạ là có mấy ông vào bực giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người ta học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp (2) đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao...
Vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức (3) đi, mà làm ra cả một pho luật mới chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có, cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật pháp cũng hồ đồ. Cương thường đạo lý toàn là giả dối hết cả, không có điều gì là có kinh có điển.

(1) ảnh hưởng sâu sắc
(2) tức khớp, ghép lại cho khít, cho phù hợp
(3) bộ luật cổ của nước ta có từ thời Lê, tham khảo nhiều từ bộ luật của đời Đường

Nguyễn Văn Vĩnh
Đông dương tạp chí, 1913


Học đòi vặt vãnh
bỏ qua chuyện lớn



Quái lạ cho người đời, hễ ai bảo cải lương lối nhà cửa ở, hay là cải lương ách ăn mặc bắt chước theo lối Âu Tây, thời đua nhau như vịt; còn nhỡ ai khuyên bảo nên cải lương những thói xấu nết hư -- chốn hương thôn không nên tranh giành kiện tụng nhau, ở với bè bạn thời phải giữ lòng trung tín -- thời dẫu nói rát cổ bỏng họng cũng chỉ lờ đi, chớ không thèm nghe.
Nguyễn Bá Học
Di ngôn, do Nguyễn Bá Trác thuật, Nam Phong, 1921


Nặng tính hiếu kỳ

Cái tính hiếu kỳ là cái bệnh chung trong lối học của ta, xưa kia học chữ Tàu, đọc sách Tàu, lâu dần quá mê chuộng mà khinh rẻ những cái của mình.
Cái gì của Tàu cũng cho là hơn mà chịu khó nghiên cứu, cái gì của mình cũng cho là dở là kém không thèm nhìn tới.
Thành ra núi sông đình miếu nước Tàu thì biết mà núi sông đình miếu nước mình thời không hay; danh lam thắng tích bên Tàu thì rõ mà danh lam thắng tích nước mình thì không tường; lịch sử địa dư nước Tàu thì thiệp liệp (1), mà lịch sử địa dư nước mình thời mịt mù; phong tục nhân vật nước Tàu thời tường tất mà phong tục nhân vật nước mình thời tối tăm.
Mà có phải mình thiếu gì cái đẹp cái hay, cái đáng ngắm …

(1) cũng có hiểu ít nhiều
Dương Quảng Hàm
Học sao cho phải đường, Hữu thanh, 1921




Không có can đảm là mình

Ông Dorgelès trong quyển Con đường cái quan có nói đến thói hay bắt chước của người mình. Đại khái ông nói rằng: “Ngày xưa người Tàu sang cai trị An Nam, người An Nam đều nhất nhất theo Tàu cả. Nay người Pháp sang bảo hộ mới được gần một trăm năm mà nhà cửa đã theo Tây thời rất dễ dàng, mà nói đến tiếng An Nam thời khô khan, hình như phải dịch tiếng mình ra tiếng nước ngoài.
... Khoa học có nói rằng giống thằn lằn hễ bám vào cây nào thì lâu dần sẽ giống da cây ấy. Ở bên An Nam này thời không thế, thằn lằn không đổi màu da mà chính cây đổi màu da để lấy màu da thằn lằn.”
Câu nói đau đớn thay mà xét người ta nói cũng phải.
Người viết văn phải có can đảm mà dịch những chữ nước ngoài ra. Mới đầu có hơi ngang tai, sau dần rồi cũng nghe được. Cụ Nguyễn Du không can đảm sao dịch nổi chữ tang thương ra chữ bể dâu, chữ thiết diện ra chữ mặt sắt (1)...
Mà cũng lạ thay cho người mình không suy xét kỹ: Người Tàu nói chữ vân cẩu tang thương có khác gì chữ mây chó chữ bể dâu không. Ấy thế mà giá mình nói “Bức tranh mây chó vẽ người bể dâu” (2) tất phần nhiều người cho là mách qué!
Người Tàu trước kia làm gì có những tiếng cộng hoà, cách mạng, cá nhân, vật lý học, kỷ hà học (3)... Vì lòng sốt sắng làm cho tiếng nước nhà giàu thêm lên, nên họ không ngại khó, rồi mới đặt ra được cái tiếng ấy.
Người mình thì không thế. Muốn dịch một chữ Pháp hay chữ Anh ra tiếng nước nhà mà không dịch nổi, thì cứ việc mở ngay tự vị (4) Tàu ra, trong ấy đã sẵn sàng cả rồi. Dù người Tàu có dịch sai chăng nữa cũng mặc cứ cắm đầu cắm cổ mà chép, ai biết đến đó mà lo.

(1) Hai câu nguyên văn trong Truyện Kiều: Trải qua một cuộc bể dâu và Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình
(2) Một câu trong Cung oán ngâm khúc: Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
(3) Tức hình học
(4) Tức từ điển
Nguyễn Duy Thanh
Muốn cho tiếng An Nam giàu, Phụ nữ tân văn, 1929

Bắt chước không phải lối

Tính bắt chước vốn là tính tự nhiên của loài người, dẫu ở nước nào cũng thế cả. Nhưng giá ta có sẵn cái tinh thần tốt rồi chỉ bắt chước lấy những điều có bổ ích thêm cho tinh thần ấy thì thật là hay lắm. Chỉ hiềm vì mình để cái tinh thần của mình hư hỏng đi, mà lại mong bắt chước sự hành động của người ta thì sự bắt chước ấy lại làm cho mình dở hơn nữa.
Vì đã gọi bắt chước là chỉ bắt chước được cái hình hài bề ngoài mà thôi còn cái tinh thần ở trong, phi(1) lâu ngày nhiễm (2) lấy được mà hoá (3) đi thì khó lòng mà bắt chước được. Thành thử bao nhiêu những sự bắt chước của mình chỉ là làm loạn cả tính tình tư tưởng và phong tục của mình.
Có lắm người vọng tưởng (4) rằng mình cố bắt chước được người ngoài là mình làm điều có ích cho sự tiến hoá của nòi giống. Không ngờ rằng sự bắt chước vội vàng quá lại thành cái độc gây ra các thứ bệnh cho xã hội. Mà sự lầm lỗi ấy chỉ mỗi ngày một thêm ra chứ không bớt đi được.

(1) không phải
(2) thâm nhập
(3) thay đổi. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu ghi: phàm vật này mất đi mà vật kia sinh ra gọi làhoá
(4) nghĩ lầm

Trần Trọng Kim
Nho giáo, 1930

Óc sùng ngoại nặng nề

Anh thợ vẽ cầm lấy cái bút là vẽ ngay phong cảnh Cô tô thành ngoại Hàn Sơn tự; thầy đồ cầm đến cái bút là tả ngay lịch sử Hán Cao Tổ Trương Lương Hàn Tín; anh phường tuồng ra trò là diễn ngay tấn Lưu Bị Quan Vũ Trương Phi.
Thổ sản thổ hoá (1) mà hễ cái gì tồi thì cho một tiếng “nam “vào để giễu, như cái áo tơi gọi là áo cừu nam sột soạt, anh chàng dở người mà hay bàn thời thế họ gọi là Gia Cát nam. Cái gì tốt thì cho một tiếng “tàu “vào để khen, như măng khô gọi là măng tàu.
Ấy cũng vì tư tưởng đã thiên di (2)như thế mà những nhà chế tạo nội hoá rất khốn khổ, đồ tốt không bán được phải thất nghiệp, mà những đồ thô bỉ tầm thường thì may còn ngoi ngóp sống để kiếm ăn với những người quê mùa nghèo khó.

(1) hàng trong nước làm ra
(2) biến chuyển

Nguyễn Trọng Thuật
Điều đình cái án quốc học, Nam Phong, 1931


Khi học hỏi người, thường thiếu tự tin

Cách học muốn cho bằng người thì phải biến hoá khác đi. Nay cứ toàn mô phỏng, thấy không thể theo cho bằng được, bèn sinh lòng tự tiện (1), là mình tự khinh cái tài của mình; tự tiện quá rồi tự khí (2) tự bỏ cái tài của mình, cho mình là đồ bỏ.
Mà đồ bỏ thật, vì học không có cái gì dùng được như mẫu của người.
Cũng vì thế mà bao nhiêu cái hay không còn gì nữa.
Trước khi vì học thuật nước nhà mà hy vọng, ta phải hết sức từ bỏ cái căn bệnh cẩu thả, cái tính tự tiện tự khí. Không thì về xã hội lại cứ lười biếng a dua không suy xét lựa chọn, không có cái tinh thần tự giác tự tin. Về kẻ học giả lại cứ tham cận lợi (3), nhai văn nuốt chữ, lấy học đường của nước văn minh làm con đường tắt hiển vinh, học đến bao giờ cũng chung vô sở đắc (4).

(1) tự tiện đây là tự coi rẻ mình coi mình là hèn; khác với tự tiện có nghĩa làm theo ý thích hiện nay hay dùng
(2 ) tự làm hỏng mình
(3) lợi ích trước mắt
(4) cuối cùng vẫn không có gì là của riêng mình
Nguyễn Trọng Thuật
Điều đình cái án quốc học, 1931


Chỉ biết học cái bề ngoài

Người mình vốn có cái thiên tính dễ đồng hoá, nghĩa là có tư cách(1), dễ am hiểu dễ thu nạp lấy những gì khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người ngoài mà hoá làm của mình.
Nhưng cái tài đồng hoá đó thường thường chỉ là cái khoé tinh (2), biết xem xét và bắt chước của người, phảng phất ở bề ngoài, chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để (3), chỗ tinh tuý.
Tỉ như thợ An Nam thì phỏng chép tài lắm; những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ bắt chước cũng được như hệt cả.
Cái cách đồng hoá dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt.
Như học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu được thấu, đã hoá được hẳn những cái người ta dạy mình, và chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy nó đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
Có những người mặc thì mặc theo đúng mốt tối tân ở Paris, nói năng ba hoa đi đứng đường đột; bề ngoài như vậy mà bề trong nghị luận mơ hồ, tư tưởng lộn xộn, không có thống hệ (4), không biết bắt chước lấy cái lối nói năng gãy gọn, biện lẽ phân minh như người Tây phương.

(1) nghĩa cũ: tài lực trình độ khả năng
(2) mánh khóe ranh ma
(3) gốc rễ
(4) ngày nay hay nói ngược lại: hệ thống
Phạm Quỳnh
Giải nghĩa đồng hoá, Nam Phong, 1931


Không có thì giờ lo đến văn hoá,
đành đi vay mượn

Cả cuộc lịch sử của nước Nam là một cuộc chiến đấu vô hồi vô hạn đối với người Tàu hoặc bằng võ lực, hoặc bằng ngoại giao, hằng ngày chỉ nơm nớp sợ bị nội thuộc lần nữa. Cái công của các tiên dân ta chống giữ cho non sông đất nước nhà, can đảm vô cùng, kiên nhẫn vô cùng, thật đáng cảm phục.
Nhưng cả tinh lực trong nước đều chuyên chú về một việc cạnh tranh để sinh tồn đó, cạnh tranh với một kẻ cường lân (1) hằng ngày nó đàn áp, để cố sinh tồn cho ra một nước độc lập, còn có thì giờ đâu, còn có dư sức đâu mà nghĩ đến việc khác nữa.
Cái quan niệm quốc gia bị nguy hiểm luôn nên thường lo sợ luôn chiếm mất cả tâm tư trí lự, không còn để thừa chỗ cho những quan niệm khác về văn hoá về mỹ thuật.
Nói riêng về học thuật thì đã sẵn cái học của Tàu đó, tiêm nhiễm vào sâu từ thuở mới thành dân thành nước, không thể tưởng tượng được rằng ngoài sách vở của thánh hiền còn có nghĩa lý (2) gì khác.
(1)kẻ hàng xóm mạnh
(2)Cái lý thuyết phải theo

Phạm Quỳnh
Bàn về quốc học, 1931


Tâm lý ỷ lại, chịu làm học trò suốt đời 

Địa lý lịch sử, chính trị đều như hiệp sức nhau lại mà gây cho nước ta một cái tình thế rất bất lợi cho sự học vấn tư tưởng. Bao nhiêu những người khá trong nước đều bị cái tình thế ấy nó áp bách trong mấy mươi đời nên dần dần lập thành một cái tâm lý riêng, là cái tâm lý ỷ lại vào người chứ không dám tự lập một mình ; trong việc học vấn thì cái tâm lý ấy là tâm lý làm học trò suốt đời.
Nước ta ở ngay cạnh nách nước Tàu, từ hồi ấu trĩ cho đến lúc trưởng thành đều nấp bóng nước Tàu mà sinh trưởng, khác nào như một cái cây nhỏ mọc bên một cái cây lớn, bị nó “ cớm “ không thể nào nẩy nở lên được.
Phạm Quỳnh
Bàn về quốc học,1931


Học người cũng không xong

Phàm phóng chép (1) của người chỉ phóng chép được những cái thô thiển trước, còn đến cái tinh tuý thì phải công phu lắm mới nhập diệu (2) được.
Thử xét trong những kẻ tự xưng là hạng tân tiến (3), mấy người đã học được đến nơi đến chốn? Mấy người có thể đối đáp nghị luận với tây, nói những chuyện văn chương mỹ thuật, chính trị triết học mà người ta phải chịu phải phục? Hay là phần nhiều chỉ mới học mót được mấy câu văn sáo đã đem ra mà huyễn diệu (4) đồng bào?
Ấy là không nói những kẻ học chữ tây cũng còn chửa thông, nói một câu không khỏi sai mẹo, mà cũng làm ra mặt thông thạo các lối văn minh mới, nhất thiết tự xưng là duy tân cả, coi văn hoá cũ của nước nhà như cỏ rác hết.
Tưởng học được của người những gì hoá ra chỉ học được những thói tự do rởm, bình đẳng xằng, những cách du đãng phóng túng với cái tính khinh bạc ngạo mạn mà thôi.
Lắm lúc trông thấy cái kết quả bất lương đó mà ngờ rằng nếu học tây mà đến thế thì thà không học nữa còn hơn.
Cái học kia làm cho người ta nước giàu dân mạnh của khéo người khôn, có đâu lại tạo ra những cái quái vật như vậy?!
Hay mình như cái đất xấu, hạt giống tốt trồng vào rồi mọc lên cũng thành ra cằn cọc?

(1) bắt chước
(2) đi tới cái thần khí sâu xa của sự việc
(3) tức hạng hướng sự học sang Tây phương, hồi đầu thế kỷ XX
(4) khoe khoang (với ai đó)
Phạm Quỳnh
Phong hoá suy đồi, Nam Phong, 1932


Chưa biết trở thành chính mình 

Tôi không nhớ vị giáo sư Pháp nào, ở lâu năm bên ta, đã nói: “Những thanh niên Việt Nam đào tạo ở trường học mới, không có một tinh thần sáng tạo chắc chắn ”.
Lời bình phẩm có vẻ vội vàng gắt gao, nhưng không phải là không có một phần sự thực.
Vì sự thực cái bệnh ỷ lại là bệnh của ta và đã ăn sâu vào trong xương tuỷ người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa.
Không phải bây giờ mà từ bao giờ, không phải ở trong văn chương mà ở khắp các địa hạt, người Việt Nam đã tỏ ra mình là một giống người sống một cách lười biếng và cẩu thả.(...). Cẩu thả và biếng nhác trong sự ăn, sự mặc, sự ở, nhất là trong sự phô diễn tư tưởng.
Tự ta, ta không hề cố gắng và tạo tác ra một cái gì hoàn toàn của ta; ta chỉ muốn hưởng thụ những của sẵn và cam tâm làm kiếp con ve của thơ ngụ ngôn (1).
Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả.

(1) ý muốn nói vui chơi ca hát, không biết tính xa, và sẵn sàng vay mượn để sống qua ngày. Lấy tích từ bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine Con ve và con kiến, bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh.
Lưu Trọng Lư
Một nền văn chương Việt Nam, Tao đàn 1939


Hợm hĩnh quá đáng

Một vài ông vua nước Nam đã làm cho thần dân của các ngài tưởng lầm rằng văn học nước mình cũng ngang hàng với Trung quốc. Sự thác giác (1) ấy làm hại cho quốc dân từ lâu nay, cái hại chẳng phải nhỏ.
Lê Thánh Tôn phê bình hai câu thơ của Thân Nhân Trung quan đại học sĩ tại triều mình Quỳnh đảo mộng tàn xuân vạn cảnh - Hàn giang thi lạc dạ tam canh hợm hĩnh cho rằng dù Lý Bạch, Đỗ Phủ, Âu Dương Tu, Tô Thức (2)… cũng vị tất đã nghĩ được ra.
Gần này người ta còn truyền tụng hai câu thơ phê bình thi văn bản triều (3): Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán -- Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường.
Văn học chữ Hán đến triều Nguyễn đáng gọi là thịnh hơn các triều khác; nhưng nếu bảo vượt qua cả Hán Đường thì quá lố!
Những lời tự khoe ấy cần phải cải chánh.

(1) lầm tưởng
(2) các thi hào nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung quốc.
(3) tức triều Nguyễn

Phan Khôi
Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta,Tao đàn,1939


Trì trệ và bất lực

Bị ý thức hệ nho giáo bảo thủ lung lạc, bị nguỵ thuyết của bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, đẳng cấp nho sĩ Việt Nam không còn một chút hoạt lực (1) nào, không còn được một tính cách cấp tiến nào nữa.
Bởi vậy họ đã chống tiến hoá chống cải cách.
Phụ hoạ với triều đình, họ đã lấy cái học bã giả (2) của Tống nho dựng một bức trường thành ngăn các trào lưu triết học khác không cho tràn tới địa hạt tri thức do họ giữ đặc quyền.
Thiếu độc lập về tư tưởng, hoàn toàn phục tùng cổ nhân Trung Hoa về cả mặt tình cảm, quá câu nệ về hình thức thơ Tàu, -- đẳng cấp nho sĩ Việt nam chỉ sản xuất ra được những lối thơ nghèo nàn. Nhiều tập thơ mài giũa công phu nhưng không chút sinh khí.
Qua ngay hình thức của thơ, ta cũng thấy rõ tinh thần bảo thủ của đẳng cấp nho sĩ, và sự bất lực của đẳng cấp này trong mọi công cuộc sáng tạo xã hội có tính chất cấp tiến.

(1) sức sống
(2)điều ai cũng biết.

Lương Đức Thiệp
Việt Nam tiến hoá sử,1944

Thoả mãn với việc
mô phỏng bắt chước

Vô luận là vấn đề gì, về quốc kế hay dân sinh cũng như về luân lý hay triết lý, kẻ sĩ nước ta đều thấy các thánh hiền Trung quốc giải quyết sẵn cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì.
Trái lại cái gì của Trung quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm lại cô lại cho vừa với kích thước khuôn khổ của chúng ta.
Bởi thế chính trong thời kỳ toàn thịnh của nho học nước ta, người ta thấy có những nhà nho kinh luân như Tô Hiến Thành, nhà nho anh hùng như Trần Quốc Tuấn, nhà nho cao khiết như Chu An, nhà nho khẳng khái như Nguyễn Trãi, mà tuyệt nhiên vẫn không thấy một nhà tư tưởng một nhà triết học nào.
Chúng ta chỉ có những nhà nho lao tâm khổ tứ để bắt chước thánh hiền mà cư xử và hành động cho hợp với đạo lý chứ không có nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn với đạo lý xưa mà băn khoăn khao khát đi tìm đạo lý mới.

Đào Duy Anh
Việt nam văn hóa sử đại cương * 1950
*Đây là bộ sách Đào Duy Anh viết ở Thanh Hóa những năm kháng chiến chông Phap. Không phải Việt nam văn hóa sử cương 1938

Nền văn hoá của kẻ yếu

Hình như sống dưới cái bóng của cái khối văn hoá Trung quốc, sừng sững ở bên mình như cả núi Thái Sơn, văn hoá chúng ta chỉ cố sức để man diên (1) ở trên mặt đất chứ không có cái khuynh hướng trổ vọt lên trời.
Để sống còn, chúng ta chỉ cốt bám chặt lấy đất như bám lấy cái nguồn sinh khí.
Cho nên chúng ta không có cái vinh dự là có những tổ tiên chọc trời khuấy nước, làm chấn động thế giới bằng những tư tưởng hay hành động, nhưng chúng ta lại đã may mắn có được những tổ tiên cần cù, kiên nhẫn biết sống thiết thực và biết tổ chức cuộc sống một cách thích đáng để đối phó với vận mệnh khắc nghiệt của mình.
Cái giá trị tranh đấu chúng ta nhận thấy trong cái tính chất thiết thực ấy lại tuồng như chỉ là tiêu cực.
Ngay trong văn hoá bình dân, cái văn hoá phát triển ở ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của Hán hoá, tuy có lộ rõ cái tinh thần chống đối luân lý lễ giáo của nhà nho, thế mà cũng chỉ là sự chống đối của kẻ yếu.
Có những người sau khi làm tròn phận sự một người quân tử ở đời thì rũ sạch nợ trần đi tìm nhàn hạ ở nơi thôn dã, hay có người bất bình với thời thế khiến mình không thể làm tròn phận sự được mà đi tìm an ủi ở sơn lâm.
Nhưng thảy đều là những người chỉ cầu tự nhiên cấp cho những thú thanh cao để di dưỡng tính tình mệt mỏi, chứ không ai dám đem tâm trí mà tìm tòi mà tra hỏi tự nhiên.

(1) bò lan như cây cỏ

Đào Duy Anh
Việt Nam văn hoá sử đại cương, 1950

Vương Trí Nhàn

SỰ VÔ CẢM CÓ GÌ LẠ ĐÂU EM




Baron Trịnh

Sự vô cảm có gì lạ đâu em
Vì nó đã đã lan tràn trong xã hội
Đến nghị trường người ta còn bối rối
Bàn cãi bao lâu mà vẫn giống lúc đầu

Sự thờ ơ vô cảm đã ăn sâu
Thân của ai thì phải lo cho người đó
Bởi đi ra đường không cẩn thận là dính nhọ
Ốc không lo nỗi mình, sao lo cọc mọc rêu(!)

Bao nhiêu chuyện buồn báo chí đã nêu
Hôi bia, giật hoa, tranh đồ ăn miễn phí…
Thấy tai nạn đành ngó lơ không dám cứu
Bởi nguy cơ thành thủ phạm mới rầu

Bác sỹ, giáo viên không thiếu những con sâu
Mặc bệnh nhân đau, mặc học sinh khốn khó
Không có tiền thì cứ nằm, ngồi ở đó
Bởi đầu tiên là phải hỏi tiền đâu?

Chen lấn trên đường đi, chen lấn ở ga tàu
Bằng mọi giá phải giành cho mình phần lợi
Như thời bao cấp tranh mua dầu mua mỳ sợi
Mấy chục năm rồi, có thay đổi gì đâu!

Phở ướp fóc-môn, rau phun thuốc sâu
Thịt lợn thịt gà toàn nuôi bằng tăng trọng
Giờ đến cá cũng chết trắng đầu ngọn sóng
Chất độc vô hình lẩn khuất mỗi bữa ăn!

Đến bò, dê giúp dân bớt khó khăn
Chả biết tại sao nhiều nơi về nhà quan để sống(?)
Nhiều cánh rừng xanh đã thành đồi trơ đất trống
Sông phơi lòng xót cơn khát người dân

Dẫu biết rằng cuộc sống bớt khó khăn
Nhưng đạo đức lại theo chiều suy thoái
Nên vô cảm là điều không tránh khỏi
Biết làm sao khi ai cũng giành phần lợi cho mình

Nhưng hay vui lên vì luôn có những tấm chân tình
Những miếng thịt cho học trò vùng cao, những hộp cơm cho bệnh nhân miễn phí
Những viên đá Trường Sa và những việc làm tử tế
Sẽ đến ngày con người sống để yêu nhau.

Làm chủ bản thân mình: Gió lớn không lay chuyển được núi!



Tác giả: Theo Secretchina | Dịch giả: Minh Nữ





Nếu như có ai đó nói những lời khiến bạn bị tổn thương, phê bình hay hạ nhục bạn thì bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn sẽ nổi trận lôi đình, hỏa khí bừng bừng mắng lại người ta, bạn sẽ kìm nén cơn giận xuống hay sẽ ung dung bỏ qua? Câu chuyện về Đức Phật dưới đây sẽ cho chúng ta một bài học sâu sắc để giữ vững tâm tính và làm chủ bản thân mình.

Một hôm, Đức Phật đang trên đường đi hóa duyên thì ngang qua một ngôi làng, đột nhiên có một toán người kéo đến tìm Ngài và nói những lời hết sức vô lễ thậm chí rất xấu xa bẩn thỉu. Đức Phật chỉ im lặng lắng nghe, sau khi họ nói xong mới ôn tồn bảo: “Cảm ơn các vị đã tới tìm tôi, nhưng tôi đang có việc phải đi ngay, người dân làng bên còn đang đợi tôi, tôi phải đến đó đã. Ngày mai khi xong việc tôi sẽ có đủ thời gian, lúc đó nếu như các vị còn điều gì muốn nói với tôi thì chúng ta sẽ gặp lại nhau được không?”.

Toán người sau khi nghe xong thì không tin nổi vào tai mình, họ đồng loạt kinh ngạc: Chuyện gì xảy ra với người này vậy? Một người trong số đó liền hỏi Đức Phật: “Chẳng lẽ ông không nghe thấy chúng tôi nói gì sao? Chúng tôi nói ông không ra gì cả, vậy mà ông không phản ứng gì hết.”

Đức Phật nói: “Nếu các vị muốn tôi phản ứng lại thì quá muộn rồi, các vị phải quay về mười năm trước thì mới thấy được tôi phản ứng. Nhưng mười năm nay tôi đã không còn bị người khác điều khiển, tôi không còn là một nô lệ nữa, tôi là chủ của bản thân mình. Tôi chỉ dựa vào việc mình cần làm chứ không chạy theo phản ứng của người khác.”

Đúng vậy! Chỉ cần là đang làm việc mà bản thân cần làm, nếu như có người tức giận hay sỉ nhục bạn thì đó chẳng qua là vấn đề của anh ta. Bởi vì anh ta muốn nói thế nào, muốn làm ra sao thì đó là đạo đức tu dưỡng của anh ta, bạn có thể làm được gì sao?

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn nhất định sẽ gặp phải những chuyện trái ý hoặc nhận được những lời lẽ khó nghe. Phản ứng của bạn trước những mâu thuẫn chính là tấm gương phản chiếu nội tâm bên trong bạn. Có những người tâm như ngọn cỏ đầu tường, hễ gió thổi về tây thì ngả về tây, gió thổi về đông thì lập tức ngả về đông, cứ luôn bị ngoại cảnh chi phối mà không sao làm chủ được mình. Họ khi phải đối mặt với mâu thuẫn hoặc khi bị sỉ nhục thì không thể giữ được bình tĩnh và lập tức tranh đấu với đối phương, hành động của đối phương quyết định phản ứng của họ, họ đã vô tình trở thành nô lệ của người khác. Nhưng để có thể bất động trước ngoại cảnh và làm chủ bản thân là cả một quá trình tu dưỡng lâu dài, không tự nhiên mà làm được. Nếu như bạn có ý thức rèn giũa bản thân, học cách khoan dung nhẫn nại, luôn suy nghĩ tích cực và thiện tâm với người khác, thì nhất định có một ngày bạn sẽ làm được. Khi ấy, tâm của bạn không còn là ngọn cỏ – gió vừa thổi tới đã vội vàng lay động, mà tâm của bạn sẽ vững chãi như ngọn núi kia – dù là ngọn gió nào cũng không thể lay chuyển được!

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Xung Quanh Tác Phẩm:Món Hàng Xuất Cảng Làm Chết Người Nhất Của Mỹ: DÂN CHỦ (America’s Deadliest Export: Democracy)




By William Blum, Zed Books, London/New York

Giáo sư Trần Chung Ngọc


Với một thành tích khủng khiếp về nhân quyền, với chính sách đối ngoại mà kết quả là vi phạm nhân quyền trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, với những vi phạm nhân quyền ngay trên đất Mỹ, với chính sách chính thức cho phép tra tấn tù nhân v…v… tôi nghĩ “Mỹ, hay những cá nhân Mỹ, bất kể họ là thượng nghị sĩ hay dân biểu, hay những tổ chức của Mỹ như HRW, AI, đều không có tư cách để nói về nhân quyền ở Việt Nam”. Còn những tiếng ỉ eo cất lên trong sa mạc truyền thông của dân Mít ta thì thật sự không đáng nói đến. (TCN)

Vài Lời Nói Đầu

Xin có vài lời về tôi, cái tôi đáng ghét. Cuối tháng Tư năm 1975, tôi và gia đình trở lại nước Mỹ. Năm 1980 tôi nhập quốc tịch Mỹ. Từ 1975 đến khi về hưu năm 1996, tôi đi làm đóng thuế đầy đủ. Đối với nước Mỹ, tôi không có gì phải thù hận hay chống. Tôi được học bổng đi Mỹ học. Tôi tốt nghiệp ở một đại học lớn của Mỹ. Tôi có việc làm tốt trong một đại học Mỹ. Bà xã cũng dạy học ở một trường Trung Học Mỹ. Ba đứa con đều tốt nghiệp đại học Wisconsin-Madison và có việc làm tốt. Tôi không có gì phải phàn nàn và có thể nói tôi rất biết ơn nước Mỹ. Tôi trả ơn nước Mỹ bằng cách sống xứng đáng là một công dân Mỹ tốt, dạy con sống cho đàng hoàng, đừng làm gì để mang tiếng tới người Việt Nam, tôn trọng luật pháp, đóng thuế đầy đủ và luôn luôn cố gắng tiến bộ trong nhiệm vụ của mình để cho người Mỹ khỏi khinh. Đó là cách tôi trả ơn nước Mỹ.

Tôi nghĩ, phát minh ra những vũ khí giết người như người đẹp làm bom áp nhiệt (bomb lady) Dương Nguyệt Ánh không phải là để trả ơn nước Mỹ đã cưu mang, mà thực chất chỉ là góp phần vào tội ác của Mỹ qua chính sách đối ngoại độc quyền (monopoly) của Mỹ như chúng ta sẽ thấy trong một phần sau.. Làm bom giết người để trả ơn, đó là lối suy nghĩ độc nhất vô nhị tôi chưa từng thấy ở trên đời.Sống trên đất Mỹ tổng cộng là hơn 40 năm, kể cả thời gian trước 1975, theo quan niệm của tôi, nước Mỹ có thể nói là một thiên đường hạ giới, đối với những người theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ cần mình có đời sống thoải mái, gia đình yên ổn, và sống trong một khu gia cư ít trộm cướp, giết người.. Tôi không ham thiên đường ở trên trời, phải sống muôn đời muôn kiếp với một tên ác quỷ, theo nhận định của James A. Haught, về một Gót trong Cựu Ước. Mỹ là một nước có nhiều cơ hội để con người thực hiện hoài bão của mình, tốt cũng như xấu. Nhưng dù tốt hay xấu, ai cũng có một đời sống vật chất tương đối hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Do đó, rất nhiều người muốn được sống ở đất Mỹ. Sau cuộc chiến, không kể đợt đầu khoảng mấy trăm ngàn người, trong đó có gia đình tôi, được Mỹ không vận sang Mỹ, không kể một số trí thức không muốn sống trong cảnh đối đãi kỳ thị của chính quyền mới đối với những người của chế độ cũ, và vì tương lai của con cái đã tìm đường vượt biên, bỏ nước ra đi, đa số thuyền nhân về sau đều thuộc diện kinh tế. Điều này không có gì đặc biệt, cũng như nhiều người dân Mexico, bất kể nguy hiểm rắn rết sa mạc, đói khổ chết ở dọc đường, vẫn tìm cách lẻn sang nước Mỹ bằng những con đường đầy gian nguy, bất trắc.. Cơ hội ở Mỹ giúp tôi tìm hiểu về kết cục cuộc chiến ở Việt Nam, điều đã luôn làm cho tôi thắc mắc. Và tôi đã đọc rất nhiều về nước Mỹ, về Cộng sản, về cuộc chiến và về Ca-tô giáo, vì Nam Việt Nam, từ 1954 đến 1975 có hai vị tổng thống là người Ca-tô. Những gì tôi viết về cuộc chiến tranh, về Ca-tô giáo và về nước Mỹ sau này đều bắt nguồn từ sự hiểu biết qua sách vở này. Chỉ trích Ca-tô là thiên Ca-tô Lẽ dĩ nhiên tôi cũng có nhiều kinh nghiệm bản thân về hai nền VNCH, về cuộc chiến, nhưng những tác phẩm của những bậc thức giả Tây phương, gồm đủ mọi lớp người, từ trí thức khoa bảng đến các vị lãnh đạo tôn giáo v…v… đã giúp tôi hiểu biết thêm rất nhiều. Noam Chomsky đã từng nói: “Nếu anh chỉ trích những tội ác của Mỹ, không phải là anh chống-Mỹ, mà là anh thiên-Mỹ” (If you're criticizing US crimes you're not anti-American, you're pro-American.). Bài viết này cũng viết trong tinh thần “thiên-Mỹ” như trên. Cho nên những bài tôi viết đưa ra những sự thật về tội ác, vô đạo đức của Ca-tô giáo không phải là tôi chống-Ca-tô mà là thiên-Ca-tô (pro-Catholic). Khoan nói đến đám tín đồ Ca-tô thấp kém, ngay cả những bậc được gọi là trí thức Ca-tô cũng không hiểu được điều này. Cho nên, vì cuồng tín, vì được nhào nặn trong vòng sợ sự thật, họ phản ứng qua những thủ đoạn nhiều khi rất hạ cấp như chụp mũ CS, bịa đặt về đời tư cá nhân, nguyền rủa, trù ẻo v…v…. cùng dùng những từ những người hiểu biết không ai dùng. Sau đây chúng ta hãy đi vào nội dung của bà Món Hàng Dân Chủ của Mỹ





Dân chủ là món hàng xuất cảng của Mỹ được quảng cáo nhiều nhất nhưng trên thực tế đã gây tai hại nhất cho nhiều quốc gia, về sinh mạng con người cũng như về vật chất của cải, vì bao giờ món hàng này cũng có hậu thuẫn của bom đạn làm chết rất nhiều người vô tội, gồm đủ mọi lớp tuổi, từ con trẻ, phụ nữ đến các ông già bà lão, khoan kể đến những sự tàn phá bằng bom đạn trên đất nước. Lẽ dĩ nhiên, những sự tổn thất lớn lao về sinh mạng, về sự tàn phá đất nước, phần lớn là những quốc gia mà Mỹ muốn xuất cảng dân chủ đến phải gánh chịu. Sự tổn thất về phía Mỹ thường không đáng kể trước những tổn thất của các quốc gia mà Mỹ muốn phải nuốt trọn món hàng dân chủ trên đầu môi chót lưỡi của Mỹ, bình phong che đậy cho những mục đích bá đạo sâu thẳm khác của Mỹ, như sẽ được chứng minh qua những tài liệu trong một phần sau. Qua nhiều tài liệu chúng ta cũng thấy rõ sự thật về đạo đức của chính quyền Mỹ, nếu chúng ta chịu khó đọc vài cuốn sách điển hình sau đây của giới trí thức Mỹ: - The Assault on Reason của Al Gore;- American Dynasty: Aristocracy, Fortune, and the Politics of Deceit in the House of Bush và- American Theocracy: The Peril and Politics of Radical Religion, Oil, and Borrowed Money in the 21st Century của Kevin Phillips;- Big Lies: The Right-Wing Propaganda Machine and How It Distorts the Truthcủa Joe Conason;-Lies And the Liars Who Tell Them của Al Franken;-Secrets, Lies and Democracy và Deterring Democracy của Noam Chomsky;-Dark Ages America: The Final Phase of Empirecủa Morris Berman;The President of Good & Evil [mostly evil, TCN]: Questioning The Ethics of George W. Bush của Peter Singer;-Moyers on America của Bill Moyers;-CIA: Secrets of “The Company”của Mick Farren; Selling Out: How the Big Corporate Money Buys Elections, Rams Through Legislation, and Betrays Our Democracy của Mark Green;-Major Problems in American Foreign Policy: Documents and Essays của Thomas G. Paterson; Imperial America: The Bush Assault On The World Order của John Newhouse; American Politics: The Promise of Disharmony của Samuel P. Huntington v…v… Tôi đã đọc 3 cuốn sách của William Blum: - Killing Hope: U.S. Military and CIA Interventions Since World War II (Hi Vọng Trong Sự Giết Chóc: Những Cuộc Can Thiệp Của Quân Lực Mỹ Và CIA Từ Thế Chiến II—Cho Tới 2003) Common Courage Press, Maine, 1995; - Rogue State: A Guide to the World's Only Superpower (Quốc Gia Vô Nguyên Tắc: Một Hướng Dẫn Về Siêu Quyền Lực Duy Nhất Trên Thế Giới) Common Courage Press, 2000; và - America’s Deadliest Export: Democracy: The Truth About US Foreign Policy and Everything Else (Món Hàng Xuất Cảng Làm Chết Người Nhất Của Mỹ: Dân Chủ: Sự Thật Về Chính Sách Đối Ngoại Của Mỹ Và Mọi Điều Khác) Zed Books, London/ New York 2013. William Blum đã từng là một viên chức trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhưng từ chức năm 1967 để phản đối những gì Mỹ đang làm ở Việt Nam.

 
Ý tưởng của William Blum về nước Mỹ được gói ghém trong đoạn sau đây trong phần mở đầu cuốn “Rogue State“Rogue State..”:





“Nếu tôi là …Tổng Thống, tôi có thể chặn đứng những cuộc tấn công khủng bố trên nước Mỹ trong vài ngày. Vĩnh viễn. Trước hết tôi sẽ xin lỗi – công khai và rất thành thực - mọi góa phụ và những trẻ mồ côi, những người nghèo và những người bị tra tấn, và tất cả nhiều triệu nạn nhân khác của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Rồi tôi sẽ tuyên bố là các cuộc can thiệp của Mỹ trên thế giới – gồm cả những cuộc bỏ bom đã chấm dứt. Và tôi sẽ báo cho Israel biết là Israel không còn là tiểu bang thứ 51 của liên bang Mỹ mà – lạc lõng thay - là một ngoại bang. Rồi tôi sẽ giảm quỹ quốc phòng ít nhất là 90% và dùng số tiền cắt đó để đền bù cho các nạn nhân của Mỹ. Khi đó sẽ có dư tiền bạc. 330 tỷ đô-la một năm cho quỹ quốc phòng thì tương đương với hơn 18000 đô-la/1 giờ, kể từ khi Dê-su sinh ra đời. Đó là những gì tôi làm trong ba ngày đầu ở tòa nhà trắng. Ngày thứ tư, tôi sẽ bị ám sát.” (If I were president, I could stop terrorist attacks against the United States in a few days. Permanently. I would first apologize – very publicly and very sincerely – to all the widows and the orphans, the impoverished and the tortured, and all the many millions of other victims of American imperialism. I would then announce that America’s global interventions – including the awful bombings – have come to an end. And I would inform Israel that it is no longer the 51st state of the union but – oddly enough – a foreign country. I would then reduce the military budget by at least 90% and use the savings to pay reparations to the victims. There would be more than enough money. One year’s military budget of $330 billion is equal to more than $18,000 an hour of every hour since Jesus Christ was born. That’s what I’d do on my first three days in the White House. On the fourth day, I’d be assassinated.) Lẽ dĩ nhiên William Blum không vào được tòa nhà trắng, nhưng may mắn thay, ông ta cũng không bị ám sát. Cuốn America’s Deadliest Export: Democracy… là một cuốn mà những nhà dân chủ cùng những người ở hải ngoại gửi hết thỉnh nguyện thư này đến thỉnh nguyện khác cho chính quyền Mỹ, hay cho vài cá nhân trong chính quyền Mỹ, cho rằng Mỹ là một cường quốc vạn năng, để yêu cầu Mỹ can thiệp vào những chuyện nội bộ Việt Nam, cần phải đọc. Đọc để mà biết nước Mỹ và quyền năng của Mỹ trên chính trường quốc tế ngày nay.Chính quyền Việt Nam cũng nên đọc, nếu chưa đọc, ba cuốn sách trên và những bản tin hàng tháng trên The Anti-Empire Report của William Blum Các Trường Hợp Điển Hình Việt Nam “Vi Phạm Nhân Quyền” Đây là những kiến thức tối cần thiết về chính sách đối ngoại của Mỹ. Để mỗi khi cómột chính khách Mỹ trịch thượng nào, thí dụ như Thượng nghị sĩ John McCain hay Dân biểu Loretta Sanchez chẳng hạn, hay Phil Robertson thuộc cơ quan HRW (Human Rights Watch), hay ngay cả các nghị viên trong Quốc Hội Âu Châu v…v…, với danh nghĩa dân chủ, nhân quyền để xía vào những chuyện lặt vặt nội bộ của Việt Nam, chưa hề làm chết một ai, như các vụ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Phương Uyên v…v… thì chỉ cần hỏi họ nhẹ một câu: - “Quý vị đã bao giờ đọc mấy cuốn sách của William Blum chưa” (Have you ever read William Blum’s three books: Killing Hope: U.S. Military and CIA Interventions Since World War II, Common Courage Press, Maine, 1995; Rogue State: A Guide to the World's Only Superpower, Common Courage Press, 2000;andAmerica’s Deadliest Export: Democracy: The Truth About US Foreign Policy and Everything Else, Zed Books, London/ New York 2013. Ngoài ra cũng có thể hỏi thêm: - “Quý vị có bao giờ nghe đến những tác phẩm của các học giả Mỹ sau đây không? Vậy thì quan niệm về nhân quyền của quý vị là như thế nào?” Cứ hỏi xem họ sẽ trả lời ra sao. - Nelson, Deborah. The War Behind Me: Vietnam Veterans Confront The Truth About U.S. War Crimes, Inside the Army’s Secret Archive of Investigation, Persus Book, New York, 2008.- Turse, Nick. Kill Anything That Moves – The Real American War in Vietnam, The Metropolitan Books, New York, 2013.- Chomsky, Noam & Edward S. Herman, The Washington Connection and Third World Fascism, The Political Economy of Human Rights: Volume I, South End Press, Boston, 1979.- Grant, Zalin. Facing the Phoenix: The CIA and the Political Defeat of the U.S. in Vietnam, W. W. Norton & Company, New York, 1991. Những người chống Cộng ở hải ngoại hay trong nước không cần phải gửi thỉnh nguyện thư, không cần phải “mách bu”, vì nếu muốn, Mỹ có trăm ngàn phương cách để Mỹ xía vào những chuyện nội bộ của bất cứ nước nào. Các nhà dân chủ cũng nên đọc Chương “Con Ngựa Thành Troie: NED” (Trojan Horse: The National Endowment For Democracy) trong cuốn “Quốc gia vô nguyên tắc..” (Rogue State…) NED là cơ quan tài trợ, cấp “fund” cho Võ Văn Ái ở Paris để hàng năm báo cáo láo về nhân quyền ở Việt Nam, và đã từng huấn luyện nhà dân chủ Lê Quốc Quân, hoặc có thể tài trợ cho một số cá nhân hay tổ chức mà chúng ta không thể biết, để tranh đấu cho “món hàng xuất cảng làm chết người nhất của Mỹ: Dân Chủ.” ở Việt Nam. Điều rất rõ ràng trong mấy chục năm gần đây là những món hàng tự do, nhân quyền, dân chủ v…v… của Mỹ xuất cảng đến đâu là có bom đạn đi theo tới đó và số người vô tội, gồm cả phụ nữ và trẻ em, chết vì bom đạn không phải là ít. Việt Nam, Iraq, Afghanistan, Lybia v…v… và v…v… là những bằng chứng lịch sử hiển nhiên nhất. Vài Điều Về Chính Sách Đối Ngoại Của Mỹ Đọc ba cuốn sách trên của William Blum, và nhiều cuốn khác, chúng ta thấy không có cách nào có thể coi Mỹ là đạo đức, tôn trọng dân chủ, nhân quyền v..v… nhất là ở những nơi ngoài đất Mỹ. Ngay cả trên đất Mỹ cũng đã có những trường hợp Mỹ vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, thí dụ như lùa những công dân Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung sau khi Nhật oanh tạc Pearl Harbor; hoặc những biện pháp đối với dân Mỹ trong thời đại “hoảng sợ Đỏ” (Red scare) theo chủ thuyết của McCarthy, hoặc dựa vào Patriot Act sau 9/11 để kiểm soát mọi mặt của đời tư cá nhân của công dân Mỹ. Với tràn ngập những tài liệu trong 3 cuốn sách trên, William đã chứng minh là “Mỹ tuyệt đối không phải là một thế lực làm tốt đẹp cho thế giới - mà trái hẳn lại” (The United States is absolutely NOT a force for good in the world - quite the opposite.) Mỹ ở đây phải hiểu là tập đoàn tài phiệt, chủ xí nghiệp, giới đại gia giầu có nhưng không bao giờ thấy là đủ, và những viên chức Do Thái nằm đầy trong chính quyền Mỹ, từ Tòa Án Tối Cao xuống đến Quốc Hội, Quốc Phòng, Ngoại Giao v…v… Muốn biết ảnh hưởng của Do Thái trên mọi mặt của chính quyền Mỹ, xin quý vị hãy vào http://www.youtube.com/watch?v=0xe5cQDIbMs, coi mẩu video của David Icke: Rothschild Zionism Sau đây là sự phân phối tiền tệ và tài sản trên đất Mỹ, nhìn vào đó chúng ta thấy sự cách biệt giàu nghèo là như thế nào, và ai thực sự nắm quyền ở Mỹ.

Theo http://www2.ucsc.edu/whorulesamerica/power/wealth.html, bài “Who Rules America?”:

  

Nhìn vào hình trên chúng ta thấy 1% dân Mỹ nắm 36% tiền tệ và các tài sản quốc gia khác góp chung, trong khi khối 80% chỉ nắm có 11%. Nếu chỉ kể tiền tệ không thì 1% đó nắm 42% trong khi khối 80% chỉ nắm có 5%.. Và đây là thiên đường hạ giới của chủ nghĩa tư bản, tự do, dân chủ và bình đẳng trước Gót. Chính những thế lực thuộc 1% ở trên chót đã hoạch định đường lối đối ngoại của Mỹ. Người dân Mỹ, nhất là giới trung lưu, phần lớn là tốt và giầu lòng bác ái, nhưng một khi đã bầu xong tổng thống thì tất cả đều phó mặc cho chính quyền. Hơn nữa, vì sống trong nền văn hóa Ki-tô giáo, và với guồng máy tuyên truyền của Mỹ bao trùm mọi phương tiện truyền thông trong xã hội, từ báo chí, sách giáo khoa, Internet đến điện ảnh v…v… về nước Mỹ, phần lớn là tự đề cao sai sự thật, nhưng có có tác dụng làm cho người dân hãnh diện, nên đa số người dân dễ bị tuyên truyền nhồi sọ với những cái gọi là “giá trị Do Thái – Ki Tô” (Judeo-Christian values), với đạo đức của dân Chúa, với ưu thế về kinh tế và vũ khí giết người, có nhiệm vụ chinh phục thế giới cho Gót, Mỹ là một thị trấn trên ngọn đồi (a city on the hill) nhìn xuống mọi nước thấp kém ở dưới, Mỹ là cái đầu tầu kéo cả thế giới theo sau về đạo đức và tự do v…v… cho nên thường ủng hộ bất cứ chính sách nào của chính quyền Mỹ, vì tin rằng tất cả những gì Mỹ làm trên thế giới đều là vì có lòng tốt.. Chúng ta có thể đọc, trang 9: Giới lãnh đạo Mỹ đã thuyết phục được đa số dân Mỹ về chính sách đối ngoại nhân từ của họ. Có thể làm cho người Mỹ tin, cũng như vô số người khác trên khắp thế giới (lẽ dĩ nhiên có người Việt Nam) – trước tràn ngập những bằng chứng trái ngược, thí dụ như danh sách những việc làm khủng khiếp của Mỹ trên thế giới – chính quyền Mỹ đã thực hiện được trọn vẹn điều mà có thể coi là những kỳ công xuất sắc về tuyên truyền và nhồi sọ trong lịch sử thế giới. (American leaders have convinced a majority of the American people of the benevolence of their foreign policy. To have persuaded Americans of this, as well as a multitude of other people throughout the world – in the face of overwhelming evidence to the contrary, such as the lists of US international atrocities shown above - the American government has pulled off what must surely rank as one of the most outstanding feats of propaganda and indoctrination in all of history) Vì vậy, trước những luận điệu lừa dối của chính quyền để gây chiến hoặc vô cớ can thiệp vào các nước ngoài, người dân vẫn ủng hộ, như trong thời gian đầu ở Việt Nam, và sau này ở Iraq, Afghanistan, Lybia v…v…. Một thí dụ điển hình ở Iraq: “Dù không có bằng chứng nào, nhưng “Bush con” và bộ máy tuyên truyền của Mỹ cho rằng Iraq có “vũ khí giết người hàng loạt” (Weapons of Mass Destruction) và liên hệ đến al-Qaeda trong vụ 9/11, đe dọa nền an ninh của Mỹ, để tấn công, giết cả trăm ngàn người. Michael Moore nhận định, 2008: “Chiến tranh của Bush”, tôi đã từng gọi thế từ lâu. Không phải là “chiến tranh Iraq”. Iraq chẳng làm gì cả. Iraq không đặt kế hoạch cho ngày 9/11. Iraq không có vũ khí giết người hàng loạt[“Bush’s war”, that’s what I’ve been calling it for a long time. It’s not the “Iraq war”. Iraq did nothing. Iraq didn’t plan 9/11. It din’t have weapons of mass destruction.] William Blum châm biếm như sau, bản tin #120:: “Cuối cùng đã tìm thấy! Sau 10 năm tìm kiếm, cuối cùng Mỹ đã kiếm thấy vũ khí giết người hàng loạt của Iraq … ở Syria!” [Found at last! After searching for 10 years, the Iraqi weapons of mass destruction have finally been found - in Syria!] Trở về cuộc chiến ở Việt Nam trước đây, dù không có bất cứ bằng chứng nào là Hồ Chí Minh theo sự chỉ đạo của CS Nga để chống Pháp, nhưng Mỹ cứ cho là như vậy để can thiệp vào Việt Nam, giúp Pháp chống Cộng Nga ở Việt Nam, trong khi Việt Nam không có bất cứ một khả năng nào có thể gây hại cho nước Mỹ. Mỹ bảo là để chống Cộng nhưng không dám đụng đến Nga Sô hay Trung Cộng. Xin đọc: Paul Joseph, Cracks In The Empire, South End Press, Boston, 1981, trang 83: “Dù rằng thiếu bằng chứng, Washington tiếp tục cho rằng cuộc đấu tranh chống Pháp (ở Việt Nam) là do sự hứng khởi và chỉ đạo từ Liên Bang Sô Viết. Thí dụ, trong bức công điện gửi cho Thủ Tướng (Pháp) Ramadier, đại sứ Mỹ vẫn sai lầm cho rằng Việt Minh là một phong trào mà “triết lý và tổ chức chính trị đều phát khởi từ và bị kiểm soát bởi điện Kremlin. Tuy vậy tình báo Mỹ đã cố gắng, và thất bại, để kiếm ra bằng chứng là có mối liên hệ kiểm soát giữa Moscow và Hồ Chí Minh. Một công điện của Bộ ngoại giao gửi cho đại sứ Mỹ ở Trung Quốc viết “Bộ không có bằng chứng nào về sự nối kết trực tiếp giữa ông Hồ và Moscow nhưng cứ cho rằng có.” [Despite a lack of evidence, Washington continued to perceive the anti-French struggle (in Vietnam) as something inspired and directed from the Soviet Union. For example, in the cable to Premier Ramadier cited above, the American embassador falsely maintained that the Vietminh was a movement whose “philosophy and political organization emanated from and was controlled by the Kremlin.” Yet American intelligence had tried, and failed, to substantiate the existence of controlling ties between Moscow and Ho Chi Minh. A State Department cable to the US Ambassador in China read “the Department has no evidence of a direct link between Ho and Moscow but assumes it exists..] Cho nên chúng ta có thể nói về cuộc chiến hậu Geneva ở Việt Nam là : “Chiến tranh của Mỹ”. Không phải là “chiến tranh Việt Nam”. Việt Nam chẳng làm gì cả. Việt Nam không đặt kế hoạch tấn công nước Mỹ. Việt Nam không theo lệnh của Moscow kháng chiến chống Pháp. Việt Nam không chủ trương xuất cảng Cộng sản Việt Nam sang Mỹ. Việt Nam không đe dọa sự an ninh của Mỹ. Đọc William Blum chúng ta mới thấy rằng Noam Chomsky, một học giả lừng danh của Mỹ, viết không sai: “Thật ra chính sách đối ngoại của Mỹ là đặt căn bản trên nguyên tắc không liên quan gì đến nhân quyền, mà là liên quan nhiều đến sự tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho ngoại thương” (James Speck, Editor, The Chomsky Reader, p. 331: U.S. foreign policy is in fact based on the principle that human rights are irrelevant, but that improving the climate for foreign business operations is highly relevant.) Và đúng hơn nữa là Noam Chomsky đã đưa ra nhận định về những tội ác chiến tranh trên thế giới của Mỹ: “Nếu những luật của Nuremberg (tòa án xử tội phạm chiến tranh trong Đệ Nhị Thế Chiến) được áp dụng thì sau mỗi cuộc chiến tranh, mọi tổng thống Hoa Kỳ đều đã phải bị treo cổ.” [Introducing Noam Chomsky, by John Maher & Judy Groves, Totem Books, New York, 1997, p. 156: If the Nuremberg laws were applied, then every post-war American president would have been hanged.] Trong những tổng thống Mỹ gần đây thì George W. Bush là đáng treo cổ nhất vì đã lừa dối quần chúng để phát động cuộc chiến tranh ở Iraq với nhiều tội ác của quân lực Mỹ ở đó. Muốn biết chi tiết về con người, trình độ trí thức, đạo đức v…v… của Bush, xin mời quý đọc giả đọc ít nhất là hai cuốn sách sau đây: (1) Michael Moore,Stupid White Men, Penguins Books, England, 2002; và (2) Peter Singer, The President of Good and Evil: Questioning the Ethics of George W. Bush., A Plume Book, New York, 2004. Đọc về Bush chúng ta mới thấy sự cuồng tín tôn giáo của Bush tai hại như thế nào, không thua gì sự cuồng tín của đám con chiên Việt Nam. Tai hại hơn nữa là Bush lại là tổng thống của một nước mạnh nhất thế giới. Việt Nam ta cũng may vì đám Ca-tô cuồng tín đã mất đi quyền hành sau khi nước nhà thống nhất. 9 năm dưới triều Ngô Đình Diệm ở miền Nam cũng đủ cho người dân Việt Nam thấy sự tai hại của cuồng tín Ca-tô là như thế nào. Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Quang thì cuồng tín là tổng hợp của ngu dốt, hợm hĩnh và kiêu căng. Vì ngu dốt, hợm hĩnh, kiêu căng nên người Ca-tô mới tin rằng mình ở trong một “hội thánh” trong khi bản chất của “hội thánh” này chỉ là một “tổ chức tội phạm quốc tế” (International Criminal organization) đúng như tòa án quốc tế ITCCS đã lên án. Ngày nay, chỉ có một đầu óc bất bình thường Bush mới có thể thốt ra những lời như sau, Peter Singer, pp. X-XI: 

“Tôi cũng có niềm tin này, tin chắc là tự do không phải là món quà của quốc gia này cho thế giới. Tự do là món quà của đấng Toàn Năng cho mọi người nam, nữ trong thế giới này”... “Về nhiệm vụ truyền bá tự do trên khắp thế giới là “điều mà chúng ta được [Gót] kêu gọi để làm, đó là điều mà tôi quan tâm” “Lời kêu gọi của chúng ta là liên kết tim óc và hành động của chúng ta với kế hoạch của Gót, những điều mà chúng ta có thể biết” [I also have this belief, strong belief that freedom is not this country’s gift to the world. Freedom is the Almighty’s gift to every man and woman in this world”; “Refer to the mission of spreading freedom throughout the world as “what we have been called to do, as far as I’m concerned.”; “our calling is to align our hearts and action with God’s plan, in so far as we can know it”.] Chỉ có người bị bệnh tâm thần phân liệt mới biết đến kế hoạch của Gót mà theo định nghĩa là một cái gì đó vô hình, không ai biết được, không ai hiểu được [invisible, unknowable, incomprehensible]. Cũng mê sảng và bịp bợm như giáo hoàng John Paul II trước đây, đã nói trước những kẻ xấu số, bệnh hoạn ở Nam Mỹ là hãy chịu đựng vì đó là kế hoạch kỳ diệu của Gót [God’s wondrous plan]. Nhưng những gì Bush làm chẳng phải là để vinh danh Gót mà thực tế là rập theo khuôn của Gót trong Cựu Ước như là kẻ ác ôn côn đồ, hiếp đáp kẻ yếu, không đếm xỉa gì đến công lý, nhân quyền, tự do và dân chủ. Thật vậy, theo Bush thì kế hoạch của Gót ở Iraq là gì. Peter Singer, p. XII:
Bỏ bom giết hại người dân vô tội vì những hành động của một người (Sadam Hussein) (Bombing innocent people because of one mans’s actions)
Vì có 4 thường dân Mỹ bị giết một cách khủng khiếp ở Fallujah, Iraq, quân đội Mỹ đã tấn công và giết hại 600 người hầu hết là phụ nữ, trẻ em và người già (The attack on Fallujah as a form of collective punishment for the gruesome killing of 4 American civilians in that city.. Six hundred people were killed in a week of fighting, “most of them” women, children and elderly people)

Phát ra những lời mê sảng của Bush về món quà tự do của Gót, chúng ta thấy, như hầu hết các tín đồ Ki Tô Giáo thấp kém, Bush chưa bao giờ đọc đến cuốn Thánh Kinh của Ki Tô Giáo và cũng không biết gì đến lịch sử Ki Tô Giáo ở Âu Châu và ngay cả trên nước Mỹ. Khi con người thay Gót nắm toàn quyền ở Âu Châu trong thời Trung Cổ thì quyền tự do mà Gót ban cho con người chỉ là quyền tự do duy nhất là phải tin vào Gót của Ki Tô Giáo, nếu không thì sẽ bị tra tấn, tàn sát thẳng tay, nhân danh Gót. Những cuộc thập tự chinh, những tòa án xử dị giáo, những cuộc săn lùng, tra tấn và thiêu sống phù thủy v…v… ở Âu Châu và chính sách diệt chủng dân da đỏ của Mỹ đã chứng tỏ như vậy. Chỉ cần nghe vài lời trên đầu môi chót lưỡi của Bush, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng tai hại của niềm tin vào Gót của Ki Tô Giáo trên những người thiếu đầu óc:



http://arcticcompass.blogspot.com


Blum viết, trang 19: “Năm 2004, Bush Con nói: “Tôi tin tưởng ở những lời Gót nói với tôi, không có những lời đó, tôi không thể làm được nhiệm vụ của tôi” [“I trust God speaks to me,” said Bush the younger in 2004. “without that, I couldn’t do my job”] Bush còn nói: “Chúng tôi tin vào giá trị và phẩm cách của mọi con người” [We believe in the value and dignity of every human life.] Và Blum bình luận: “Cả hai cha con đều biểu lộ sự tin tưởng sâu xa của họ đối với Gót và cầu nguyện cả trước và trong những cuộc tàn sát tập thể của họ” (Trong hai cuộc tấn công Iraq) [Both father and son are on record expressing their deep concern for God and prayer both before and during their mass slaughters.]

Noam Chomsky viết về sự đạo đức giả của Bush:

“Nếu chúng ta thật sự có đầu óc ngây thơ , chúng ta có thể tin ngay cả điều mà George W. Bush nói với chúng ta là ông ta tôn trọng cái gì nhất trong thế giới, ông ta là một tín đồ Ki Tô sùng tín…thật ra thì mọi người lãnh đạo Mỹ đều phải nói “Tôi là người Ki-tô sùng tín”. Vậy thì, nếu ông là một người Ki-tô sùng tín, ông phải tôn trọng Phúc Âm, điều này có nghĩa là ông phải nhớ kỹ định nghĩa của sự đạo đức giả trong Phúc Âm, nghĩa là: người đạo đức giả là người áp dụng những tiêu chuẩn trên người khác nhưng không cho phép người khác áp dụng trên chính mình. Đó là đạo đức giả”

[And, if we're really simple-minded, we might even believe what George Bush tells us he reveres most in the world, he's a pious Christian ... in fact, every [US] leader has to say "I'm a pious Christian." Well, if you're a pious Christian, you must revere the Gospels, which means you must have memorized the definition of the hypocrite in the Gospels, namely: the hypocrite is the person who applies standards to others but won't allow them to be applied to himself. That's the hypocrite.]

Một Trong Những Điều Đạo Đức Giả Của Phúc Âm

Những người không đọc Phúc Âm nên khó mà nắm bắt được Chomsky nói gì về sự đạo đức giả trong Phúc Âm. Có rất nhiều nhưng tôi chỉ kể ra hai điều. Chúa Cha phán: “Không được giết người” nhưng chính ông ta hoặc ông ta ra lệnh giết tối thiểu là hơn 2 triệu người trong Cựu Ước. Trong Tân Ước Chúa Con phán: “Hãy yêu người lân cận như chính mình”, nhưng nếu người lân cận đó không tin ông ta thì sao? Hãy đọc lời Chúa Con phán: “Hãy mang những kẻ thù của ta, những người không muốn ta ngự trị trên họ, và giết ngay trước mặt ta”. Mà không phải chỉ có chuyện đạo đức giả trong Phúc Âm mà còn rất nhiều chuyện vô đạo đức của Chúa Cha cũng như của Chúa Con. Ai không đồng ý xin mời lên tiếng, nhưng trước hết hãy đọc kỹ cái gọi là Thánh Kinh.

Trong cuốn The President of Good & Evil, Peter Singer đã vạch trần những “tiếng sủa giảng đạo phô trương tôn giáo” (sanctimonious, preachy bark off) của Bush và đưa ra sự thật về Bush là: tham lam nhưng làm ra vẻ đạo đức, dối trá nhưng làm ra vẻ đức hạnh, lẫn lộn hiếu chiến với “chiến tranh chống ác” [greed posing as “ethics”, duplicity posing as morality, and confused bellicosity as a “war against evil”], nhưng thật ra là vì dầu và ống dẫn dầu. Dân Mỹ biểu tình mang biểu ngữ “Không đổ máu cho dầu” (No blood for oil) nhưng chỉ có thể làm thế mà thôi. Vì sự lừa dối quần chúng của Bush về Iraq có vũ khí giết người hàng loạt, đe dọa sự an ninh của Mỹ, để có cớ tấn công phủ đầu, mà bao nhiêu người vô tội đã chết ở Iraq.Từ ngày 9/11/2001, có rất nhiều người vô tội bị quân đội Mỹ giết, nhiều hơn là số người bị chết bời quân khủng bố ngày 9/11 ở WTC và chết bởi những hành động khủng bố khác sau đó cộng lại với nhau. (Peter Singer, Preface: Many more innocent people have been killed by American forces, since September 11, 2001, than were killed by terrorists on that black day and in all the subsequent terrorist attacks put together).

Tài liệu trên trang nhà http://en.wikipedia.org/wiki/Casualties_of_the_Iraq_War cho ta bảng về tổn thất nhân mạng sau đây, không kể gần 5000 quân nhân và nhân sự Mỹ, so với 2-3000 người chết ở WTC, New York, ngày 9/11


Có lẽ chúng ta nên tự hỏi, tại sao những cuốn sách của William Blum, Noam Chomsky, Michael Moore, Peter Singer và nhiều tác giả khác viết về nước Mỹ như vậy mà chính quyền Mỹ không đưa các tác giả ra tòa. Vấn đề ở đây không phải là tự do ngôn luận. Luật của Mỹ rất rõ ràng, tự do ngôn luận không có nghĩa là bịa đặt, vu khống để hạ uy tín hay nhân cách của người khác, nhất là khi viết về tổng thống hay các nhân vật cao cấp trong chính quyền. Trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại, đã có nhiều trường hợp vu khống người khác là Cộng sản bị tòa phạt nặng. Cho nên chúng ta phải hiểu là những tác giả như William Blum v…v… đều viết ra sự thật, có cơ sở với nhiều tài liệu chứng minh, chứ không viết láo lếu vu vơ như một số người Việt chống Cộng bất kể liêm sỉ.


Giới lãnh đạo Mỹ nắm quyền, nắm tiền trong tay và theo cấu trúc của Hiến Pháp Mỹ, mọi sự thay đổi đều phải qua Quốc Hội Mỹ, cho nên người dân tha hồ chỉ trích, phản đối từ cá nhân tổng thống đến những việc làm sai trái hay những tội ác của chính quyền Mỹ, chính quyền Mỹ vẫn hành động theo chủ trương của giới tài phiệt mà phần lớn nằm trong tay người Do Thái hay thiên Do Thái. Một phần ba tổng số ngoại viện của Mỹ, khoảng 3 tỷ đô-la một năm, là để viện trợ cho Do Thái. Điều đáng nói là những người bất đồng chính kiến với chính quyền Mỹ, không một người nào dám đặt vấn đề là phải lật đổ chính quyền, vì làm như vậy họ sẽ bị bắt vào tù ngay tức khắc. Mặt khác, tuyệt đại đa số người dân rất ít biết sự thật về những gì Mỹ làm ở ngoài quốc gia của họ, họ chỉ quan tâm đến đời sống cá nhân của họ, cho nên phần lớn vẫn tin theo những gì bộ máy tuyên truyền của chính quyền muốn họ tin, bất kể sự thật.


Sáu Luận Điểm Của William Blum


Cuốn America's Deadliest Export: Democracy của William Blum gồm 26 Chương ngoài phần Dẫn Nhập (Introduction): 1. US foreign policy vs the world; 2. Terrorism; 3. Iraq; 4. Afghanistan; 5. George W. Bush; 7. Condoleezza Rice; 8. Humanh rights, civil liberties, and torture; 9. Wilileaks; 10. Conspiracies; 11. Yugoslavia; 12. Libya; 13. Latin America; 14. Cuba; 15. The cold war and anti-communism; 16. The 1960s; 17. Ideology and society; 18. Our precious environment; 19. The problem with capitalism; 20. The media; 21. Barack Obama; 22. Patrotism; 23. Dissent and resistance in America; 24. Religion; 25. Laughing despise the empire; 26. But what can we do?.


Hiển nhiên là tôi không thể đi vào chi tiết của từng chương một. Cho nên tôi xin tự hạn trong một số vấn đề mà tôi nghĩ người Việt chúng ta cần biết về chính sách đối ngoại của Mỹ. Sau đây, chúng ta hãy điểm qua vài quan điểm của William Blum trong cuốn America's Deadliest Export: Democracy. Chúng ta sẽ thấy chính sách đối ngoại của Mỹ ở khắp nơi có nhiều điểm giống ở Việt Nam:


Trong Chương I: Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với thế giới (US Foreign Policy Vs the World) William Blum đã chứng minh 6 điểm:

1. Chính sách đối ngoại của Mỹ không có ý định tốt (US foreign policy does not “mean well”). Tác giả viết:

Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến Mỹ đã:

Nỗ lực lật đổ hơn 50 chính quyền ngoại bang, hầu hết đã được bầu một cách dân chủ.
Can thiệp thô bạo vào sự bầu cử dân chủ của ít nhất là 30 quốc gia.
Toan tính ám sát hơn 50 người lãnh đạo ngoại quốc.
Thả bom trên dân chúng trong hơn 30 quốc gia
Toan tính dẹp một phong trào quần chúng hay quốc gia trong 20 nước.

Since the end of WWII the US has:


Endeavored to overthrow more than 50 foreign governments, most of which were democratically elected.
Grossly interfered in the democratic elections in at least 30 countries.
Attempted to assassinate more than 50 foreign leaders
Droppep bombs on the people of more than 30 countries
Attempted to suppress a populist or nationalist movement in 20 countries.

Tác giả cho rằng, trang 30: Thả bom toàn diện, xâm lược, chiếm đóng, phá hủy nhà cửa, tra tấn, dùng đạn dược có chất phóng xạ Uranium, giết cả trăm ngàn người, và hàng ngày nhục mạ con người, đàn ông, đàn bà, trẻ con, không chứng tỏ đó là có ý định tốt. [Saturation bombing, invasion, occupation, destruction of homes, torture, deplete uranium, killing a hundred thousand, and daily humiliation of men, women and children do not indicate good intention.]

Nhìn lại cuộc chiến ở Việt Nam, chúng ta hãy thử nghĩ xem, Mỹ can thiệp vào Việt Nam và với những gì Mỹ đã làm đối với người dân hai miền Nam, Bắc, có phải là với ý định tốt không? Tất cả đoạn trên đều có thể áp dụng cho trường hợp Việt Nam, mà thực chất còn tàn bạo hơn nhiều, chỉ cần thay cụm từ “dùng đạn dược có chất phóng xạ Uranium” bằng “dùng hóa chất độc hại màu da cam”. Có lẽ với chiêu bài chống Cộng thì chỉ tốt với tập thể những người chống Cộng cho Chúa, cho Vatican, và những người nhờ đó mà có nắm đô-la trên tay, và cám ơn Mỹ vì cuộc xâm lược của Mỹ đã thay đổi xã hội Việt Nam, đưa đĩ và các Cha lên tột đỉnh của bậc thang xã hội với câu truyền tụng “Nhất đĩ, nhì Cha” . Đĩ sống với đô-la của lính Mỹ với mức sống vật chất cao hơn của công chức và quân đội, không kể tướng ta tham nhũng.. Còn các Cha, thuộc hạ của Vatican, sống với đô-la viện trợ của một ngoại bang đã tạo nên Việt Nam Cộng Hòa và với những đặc quyền của các lãnh chúa, khai thác và chiếm đoạt tài sản quốc gia. Đây là sự kiện lịch sử, cấm cãi.

2. Mỹ chẳng quan tâm gì đến cái gọi là “dân chủ”, bất kể là không biết bao nhiêu lần mọi tổng thống Mỹ mỗi khi mở miệng đều nói đến từ này… Vấn đề là: những người lãnh đạo nước Mỹ nghĩ thế nào về “dân chủ”. Điều mà họ quan tâm đến ít nhất là nền kinh tế dân chủ nào đó – thu hẹp khoảng cách biệt giửa giới nghèo tận mạng và giới giầu có thừa thãi nhưng chưa thấy là đủ. Điều mà họ quan tâm đến nhiều nhất là làm thế nào để chắc rằng một quốc gia mà Mỹ nhắm tới có chế độ chính trị, tài chính, và cơ cấu hợp pháp để cho nơi đó là nơi thuận lợi cho toàn cầu hóa các công ty.

[The US is not concerned with this thing called “democracy”, no matter how many times every American president uses the word each time he opens his mouth… The question is: what do American leaders mean by “democracy” The last thing they have in mind is any kind of economic democracy– the closing of the gap between the desperate poor and those for whom too much is not enough. The first thing they have in mind is making sure the target country has the political, financial, and legal mechanism in place to make it hospitable to corporate globalization.]

3. Những kẻ khủng bố chống Mỹ không phải bị thúc đẩy bởi thù hận hay ghen tị về tự do hay dân chủ, hoặc bởi sự giầu có của Mỹ, chính phủ thế tục, hay văn hóa, mà chúng ta được bảo như vậy nhiều lần. Họ bị thúc đẩy bởi những điều kinh khủng mà Mỹ làm trên quê hương của họ trong nhiều thập niên bởi chính sách đối ngoại của Mỹ. [Anti-American terrorists are not motivated by hatred or envy of freedom or democracy, or by American wealth, secular government, or culture, as we’ve been told many times. They are motivated by decades of awful things done to their homelands by US foreign policy.]

Lẽ dĩ nhiên tuyệt đại đa số người dân Mỹ không biết đến chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên qua, và những hành động của Mỹ trên khắp thế giới qua chính sách này.. Nhưng những quốc gia nạn nhân của Mỹ thì không bao giờ quên được. [But there is another major reason for anti-Americanism: the accreted residue of many years of U.S. foreign policies. These policies are unknown to most Americans. They form only minor footnotes in U.S. history. But they are the chapter titles of the histories of other countries, where they have had enormous consequences.]

Sự thù hận của người Hồi giáo đối với Mỹ bắt nguồn từ nhiều lý do. Tác giả đưa ra quan điểm của hai nhân vật Al-Marayati, một người Hồi giáo, và Raymond Imbrahim, một người Ki-tô Giáo (Coptic Christian) về tại sao Hồi giáo ghét Mỹ và Tây phương.

Mỹ kiên định ủng hộ những nhà độc tài ở Trung Đông
Mỹ khuyến khích tuyên truyền chống Hồi Giáo
Mỹ kiểm soát những ngưồn thiên nhiên và kỹ nghệ của những quốc gia Hồi Giáo
Mỹ mù quáng ủng hộ Israel chống Palestine (ngày nay chúng ta có từ “Usrael”)
Mỹ giết người Hồi Giáo bừa bãi trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drones)
Mỹ phá hủy Iraq trong hai cuộc chiến 1991 và 2003
Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự trên khắp Trung Đông
Tây phương ghét và thù nghịch đối với Hồi giáo
Tây phương muốn nắm quyền ở Trung Đông
Tây phương đang cướp dầu của những quốc gia Hồi giáo

The U.S. consistently supports Middle East dictators
The U.S. “sanctions” anti-Islam propaganda
Has controlled the natural and industrial resources of Muslim countries
“Blindly” supports Israel against the Palestinians
Kills Muslim civillians indiscriminately in drone attacks
“Destroyed Iraq” in both 1991 and 2003
The West hates and is hostile towards Muslims
The West wants to take over Middle East
The West is stealing Islamic countries’ oil

4. Mỹ thực sự không chống tự thân chủ nghĩa khủng bố, chỉ chống những quân khủng bố không phải là đồng minh của đế quốc (Mỹ). Có một lịch sử dài và bỉ ổi về Washington hỗ trợ nhiều quân khủng bố chống Castro, ngay cả khi những hành động khủng bố ở trên đất Mỹ…Mỹ cũng hỗ trợ cho những quân khủng bố, hoặc chiến đấu trong phía của những thánh chiến quân Hồi giáo, ở Kosovo, Bosnia, Iran, Linya, và Syria, gồm cả những kẻ được biết là liên hệ với al-Qaeda, để đẩy mạnh những mục đích của chính sách đối ngoại quan trọng hơn là chống khủng bố. (The United States is not actually against terrorism per se, only those terrorists who are not allies of the empire. There is a lenghty and infamous history of Washington’s support for numerous anti-Castro terrorists, even when their terrorist acts were committed in the US.. The US has also provided close support to terrorists, or fought on the same side of Islamist jihadists, in Kosovo, Bosnia, Iran, Libya, and Syria, including those with known connection to al-Qaeda, to further foreign policy goals more important than fighting terrorism.)

5. Iraq không phải là bất cứ sự đe dọa nào cho nước Mỹ. Về tất cả những lời nói láo bất tận về Iraq, đây là lời nói láo xảo quyệt nhất, nền tảng cần thiết cho tất cả những lời nói láo khác (Iraq was not any kind of a threat to the US. Of the never-ending lies concerning Iraq, this is the most insidious, the necessasry foundation for all the other lies.)

Tác giả mở đầu chương nói về Iraq với: Bắt đầu với những lời nói láo lớn lao. Kết cục với những lời nói láo lớn lao. Không bao giờ quên (Iraq. Began with big lies. Ending with big lies. Never forget.)

Đọc chương này chúng ta sẽ thấy dựa trên những lời nói láo để lừa dối quần chúng Mỹ đã tàn phá Iraq đến mức độ như thnào. Tác giả viết:

Quốc gia Iraq tân tiến, hiện đại, có học thức, đã bị sa sút thành một quốc gia hầu như bị phá sản như thế nào; Mỹ, bắt đầu từ 1991, đã bỏ bom trong suốt 12 năm, với lý do bào chữa này nọ không đáng tin ; rồi xâm lược, rồi chiếm đóng, lật đổ chính quyền, tra tấn không giới hạn, giết bừa bãi như thế nào; dân chúng của đất nước khốn khổ đó đã mất đi mọi thứ như thế nào.

(How the modern, educated, advanced nation of Iraq was reduced to a quasi-failed state; how the Americans, beginning in 1991, bombed for 12 years, with one dubious excuse or another; then invaded, then occupied, overthrew the government, tortured without inhibition, killed wantonly; how the people of that unhappy land lost everything..)

Cuộc chiến tranh của Bush (Bush’s war) ở Iraq và cuộc chiến tranh của Mỹ (American war) ở Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Khi sự dối trá của chính quyền Bush bị phanh phui, dân chúng biết sự thật về nguyên nhân cuộc tấn công Iraq, nên khi sự đòi hỏi Mỹ rút quân ra khỏi Iraq của dân chúng và thế giới lên cao thì những người ủng hộ cuộc chiến lại viết lại lịch sử đưa ra những lời tiên đoán láo về một cuộc tắm máu ở Iraq giống như ở Việt Nam sau khi Mỹ rút lui vào tháng 3, 1973 (Those support the war are rewriting history to paint a scary picture of what happened in Vietnam after the US military left in March 1973.) William Blum viết, trang 67:

Họ nói về một cuộc “tắm máu” [ở Việt Nam] sau khi Mỹ rút quân, một từ hàm ý có sự giết chóc một số đông thường dân không ủng hộ người Cộng sản. Nhưng điều này chẳng bao giờ xẩy ra. Nếu nó đã xẩy ra thì những người ở Mỹ ủng hộ cuộc chiến chống Cộng ở Việt Nam không còn gì vui mừng hơn là quảng cáo một “cuộc tắm máu của Cộng sản”. Nó sẽ là những tít lớn trên khắp thế giới. Sự kiện là chúng ta không thể tìm thấy ở đâu chuyện như vậy chứng tỏ sự kiện là không có gì xẩy ra như là một cuộc tắm máu. Thật khó mà có thể bác bỏ điều không xẩy ra này.

Trong thực tế, thay vì một cuộc tắm máu những kẻ cộng tác với kẻ thù, người Việt Nam đưa họ đến những “trại cải tạo”, một cách đối xử văn minh hơn là ở Âu Châu sau Đệ Nhị Thế Chiến mà nhiều người cộng tác với Đức quốc xã bị bêu xấu diễn hành công cộng, cạo trọc đầu, nhục mạ nhiều cách, và/hoặc bị treo cổ ở cái cây gần nhất. Nhưng một số người bảo thủ ngày nay muốn cho chúng ta tin rằng những trại cải tạo ở Việt Nam là những tiểu Auschwitz (lò sát nhân của Đức Quốc xã).

Có một sự kiện lịch sử khác cần phải nhớ: vì chúng ta cùng chấp nhận là Mỹ đã thất trận ở Việt Nam, và vì trước đây chúng ta được bảo rằng cuộc chiến đó là cuộc chiến cho sự tự do của chúng ta, “cuộc chiến cho tự do của chúng ta” hiển nhiên là thất bại, và chúng ta phải sống trong sự chiếm đóng của quân lực Bắc Việt. Khi nào ở ngoài đường phố và anh thấy một toán lính đi tuần của Bắc Việt đi qua, xin làm ơn nói với họ là tôi có lời chào.

[They speak of the “bloodbath” that followed the American withdrawal, a term that implies killing of large numbers of civilian who didn’t support the communists. But this never happened. If it had taken place the anti-communists in the US who supported the war in Vietnam would have been more than happy to publicize a “commie bloodbath”. It would have made big headlines allover the world. The fact that you can’t find anything of the sort is indicative of the fact that nothing like a bloodbath took place. It would be difficult to otherwise disprove this negative..

In actually, instead of a bloobath of these who collaborated with the enemy, the Vietnamese sent them to “re-education” camps, a more civilized treatment than in post-World War II Europe where many of those who collaborated with the Germans were publicly paraded, shaven bald, humiliated in other ways, and/or hanged from the nearest tree. But some conservatives today would have you believe that the Vietnamese camps were virtually little Auschwitzes.

Another historical reminder: since it’s generally accepted that the US lost the war in Vietnam, and since we were told back then that the war was a battle for our freedom, the the “fight for our freedom” must have been unsuccessful, and we must be under the occupatin of the North Vietnamese Armt. Nest time you’re on the street and you see a passing NVA patrol, please wave and tell them that I say hello.]

Nếu quý vị tò mò, muốn biết những thế lực nào trên thế giới đã gây ra “cuộc tắm máu” ở Việt Nam, xin mời đọc: http://www.chomsky.info/books/counter-revolutionary-violence.htmtrong đề tài “Bạo Lực Chống Cách Mạng: Những cuộc tắm máu thực sự xẩy ra và do tuyên truyền” [Counter-Revolutionary Violence: Bloodbaths in Fact and Propaganda] trong đó có những phần quan trọng sau đây:

Constructive Bloodbaths in Vietnam

French and Diemist Bloodbaths

The Overall U.S. Assault as the Primary Bloodbath

"Operation Speedy Express"

The 43-Plus My Lais of the South Korean Mercenaries

Phoenix: A Case Study of Indiscriminate "Selective" Terror

Accelerating Bloodbath in South Vietnam

The Thieu Police State

Saigon's Political Prisoners and the Accelerating Bloodbath


6. Chưa bao giờ từng có con vật như là Cuộc Âm Mưu Của Cộng Sản Quốc Tế.Trước đây vẫn có, cũng như bây giờ vẫn đang có, là những dân tộc sống trong nghèo khổ, vùng lên để phản đối tình trạng của họ, chống một chính quyền đàn áp, một chính quyền thường được sự ủng hộ của Mỹ (There was never such animal as the International Communist Conspiracy. There were, as there still are, people living in misery, rising up in protest against their condition, against an oppressive government, a government usually supported by the US)

Thật ra, Cuộc Âm Mưu Của Cộng Sản Quốc Tế chỉ là điều tưởng tượng, bịa đặt của những đầu óc hiềm thù của những cường quốc Tây phương, những thôi thúc đế quốc thô thiển nhất của họ bị chế ngự bởi các phong trào cách mạng trên khắp thế giới thực dân thuộc địa: để đối lại những sự nổi giậy này, các cường quốc Tây phương đã liên kết một cách cẩu thả mọi phong trào giải phóng với sự đe dọa của Sô Viết, sự kinh hoàng của Đỏ… Khi đó chúng ta biết rằng điều đó không phải là sự thật (The old international communist conspiracy was a figment of the malicious minds of Western powers whose grossest imperial impulses had been tamed with revolution movements all over the colonial world: the Western powers' answer to this insurgence was to sloppily link each and every one to the Soviet Menace, the Red Scare… We knew then it wasn't true)

William Blum viết trong phần Dẫn Nhập của cuốn “Rogue State..”:

Trong cuộc chiến Việt Nam, tổng thống Johnson và nhiều viên chức chính quyền khác quả quyết với chúng ta là những người Á Đông không tôn trọng mạng sống của con người như chúng ta. Chúng ta được bảo như vậy, lẽ dĩ nhiên, vì bom Mỹ, bom napalm, hóa chất màu da cam và những súng ống từ máy bay trực thăng đang nghiền nát người Việt nam và những mạng sống mà họ rất tôn trọng.

Trong 70 năm, Mỹ đã thuyết phục hầu hết thế giới là có một cuộc âm mưu quốc tế ở ngoài đó. Một cuộc âm mưu của Cộng sản quốc tế, đang tiến hành để kiểm soát toàn thể hành tinh, cho những mục đích không có giá trị cứu vớt xã hội. Và thế giới bị làm cho tin rằng bằng cách nào đó phải cần đến Mỹ để cứu thế giới khỏi sự đen tối của Cộng sản. Washington nói: “Chỉ cần mua vũ khí của chúng tôi, hãy để cho quân đội và các xí nghiệp của chúng tôi được tự do trong đất nước của mấy người, và cho chúng tôi quyền phủ quyết về ai sẽ là những người lãnh đạo của mấy người, và chúng tôi sẽ bảo vệ mấy người.

Và nếu dân chúng của bất cứ nước nào dốt nát mà không nhận thức được rằng họ cần phải được cứu, và nếu họ không hiểu rõ giá trị của những động cơ cao cả của Mỹ, thì được cảnh báo là họ sẽ bị thiêu đốt trong hỏa ngục của Cộng sản. Hoặc một bản sao hỏa ngục Cộng sản của CIA. Tuy nhiên họ cũng sẽ được cứu.

[During the Viemam War, President Johnson and other govemment officials assured us that Asians don't have the same high regard for human life as Americans do. We were told this, of course, as American bombs, napalm, Agent Orange and helicopter gunships were disintegrating the Viemamese and their highly regarded lives.

For 70 years, the United States convinced much of the world that there was an international conspiracy out there. An International Communist Conspiracy, seeking no less than control over the entire planet, for purposes which had no socially redeeming values. And the world was made to believe that it somehow needed the United States to save it from communist darkness. "Just buy our weapons," said Washington, "let our military and our corporations roam freely across your land, and give us veto power over whom your leaders will be, and we'll protect you."

And if the people of any foreign land were benighted enough to not realize that they needed to be saved, if they failed to appreciate the underlying nobility of American motives, they were warned that they would burn in Communist Hell. Or a CIA facsimile thereof. And they would be saved nonetheless.]


Thực Chất Mục Đích Cao Cả Của Mỹ Ở Việt Nam


Chúng ta hãy đọc thêm một tài liệu trên trang nhà sau đây về thực chất mục đích cao cả của Mỹ ở Việt Nam

http://www.examiner.com/article/endless-and-contrived-us-wars-against-communism-and-terror-what-are-we-really-buying

Sau “cuộc chiến làm cho thế giới an toàn cho Dân Chủ,”, kiến nghị của Hồ Chí Minh cho một Việt Nam dân chủ bị từ chối bởi những kẻ chiến thắng Đệ Nhất Thế Chiến. Việt Nam tiếp tục ở dưới sự độc tài về kinh tế và chính trị của sự thống trị của thực dân Pháp. Mỹ ủng hộ Minh trong Đệ Nhị Thế Chiến trong chiến tranh du kích chống Nhật của ông ta, và rồi từ chối kiến nghị cho nền độc lập của Việt Nam trong giai đoạn cuối của chiến tranh. Mỹ đã đài thọ tới 80% chiến Phí cho Pháp để giữ Việt Nam trong vòng nô lệ của Pháp. Mỹ ủng hộ xóa bỏ cuộc bầu cử ở Việt Nam khi người ta thấy rõ là Minh được nhiều người ưa thích hơn đối với một lãnh đạo thân Tây Phương (Diệm) [Tài liệu của Mỹ cho thấy thực chất Diệm là con đẻ (offspring) của Mỹ do Mỹ xếp đặt làm tổng thống của một quốc gia tay sai (client state) để hành động theo những mục đích của Mỹ. Nhưng khi Diệm đi sai đường lối chống Cộng và ý muốn của Mỹ thì Mỹ trừ khử. Vấn đề chỉ đơn giản có thế, còn thắc mắc bàn cãi về chuyện Diệm yêu nước hay yêu Vatican, Diệm giỏi hay dốt, và ai giết Diệm là không hợp lẽ “irrelevant”].

Chiến tranh Việt Nam nổ tung do sự sắp xếp của McNamara phúc trình láo về biến cố ở vịnh Bắc Việt để trắng trợn tấn công Bắc Việt. Cuộc chiến leo thang với những cuộc xâm lược và tấn công vào Lào và Cam Bốt, bỏ nhiều bom hơn là bom của mọi phía trong Đệ Nhị Thế Chiến trên một đất nước nhỏ hơn California và giết hại có thể đến 10% thường dân – 3.5 triệu. Mục đích phi lý là đánh bại Cộng sản bằng cách chiếm lòng dân trong khi chúng ta giết trên 1000 người mỗi ngày, trẻ con, phụ nữ và người già qua những vụ bỏ bom từ trên cao.

[After the “War to make the World Safe for Democracy,” Ho Chi Minh’s petition for a democratic Vietnam was denied by the victors of WW1. Vietnam remained under France’s dictatorship for economic and political colonial domination. The US supported Minh during WW2 in his guerilla warfare against Japan, only to deny his petition for Vietnam’s independence at the end of the war. The US paid for up to 80% of France’s military costs to keep Vietnam enslaved by the French. The US supported the cancellation of an ELECTION in Vietnam when it became clear that Minh’s was more popular than a Western-friendly leader. The Vietnam War exploded with McNamara’s contrived reporting of the Gulf of Tonkin incident; manipulated intelligence at best, and an outright false-flag attack at worst. The war escalated with invasions and attacks into Laos and Cambodia, dropping more bombs than from all sides of WW2 combined on a country smaller than California that killed perhaps 10% of their civilian population – 3.5 million. The irrational goal was to “defeat terrorism”, excuse me, “defeat communism” by winning the hearts and minds of civilians while we killed over 1,000 civilian children, women and the elderly daily through high-altitude bombing.]



Ám Ảnh Của Mối “Hoảng Sợ Đỏ”


Về sự ám ảnh của mối “hoảng sợ Đỏ” (Red scare) sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ đã đối xử với chính dân của mình như thế nào? Trong bài Chống-Cộng vào thập niên 1950(Anti-Communism in the 1950s) Wendy Wall viết,http://www.gilderlehrman.org/history-by-era/fifties/essays/anti-communism-1950s :

Trong thập niên 1950, chưa tới 50 ngàn người Mỹ trên tổng số dân số 150 triệu, là thành viên của đảng Cộng sản. Tuy vậy, vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950, sự sợ hãi của Mỹ về một cuộc lật đổ nội bộ đã lên tới mức độ gần như là cuồng loạn. Những cơ quan trung thành với chính phủ điều tra hàng triệu nhân viên liên bang, hỏi họ đọc những sách báo nào, ở trong những nghiệp đoàn và tổ chức nào, và họ có đi nhà thờ hay không. Hàng trăm nhà viết chuyện phim, tài tử đóng phim, nhà đạo diễn bị cho vào sổ đen vì cho rằng họ có khuynh hướng chính trị (thiên tả), trong khi giáo sư, công nhân ngành thép, thủy thủ, luật sư, và những người làm việc xã hội mất việc vì những lý do tương tự. Hơn 39 tiểu bang bắt buộc giáo sư và công chức phải tuyên thệ trung thành. Một số thư viện cất bỏ ra khỏi những giá sách những cuốn sách mà họ cho rằng quá thiên tả. Sự “hoảng sợ Đỏ” sau Đệ Nhị Thế Chiến thường được biết là chủ nghĩa McCarthy, một trong những người nổi tiếng chống Cộng, Thượng Nghị Sĩ Joseph McCarthy.

[In 1950, fewer than 50,000 Americans out of a total US population of 150 million were members of the Communist Party. Yet in the late 1940s and early 1950s, American fears of internal communist subversion reached a nearly hysterical pitch. Government loyalty boards investigated millions of federal employees, asking what books and magazines they read, what unions and civic organizations they belonged to, and whether they went to church. Hundreds of screenwriters, actors, and directors were blacklisted because of their alleged political beliefs, while teachers, steelworkers, sailors, lawyers, and social workers lost their jobs for similar reasons. More than thirty-nine states required teachers and other public employees to take loyalty oaths. Meanwhile, some libraries pulled books that were considered too leftist from their shelves. The postwar Red Scare is often called “McCarthyism,” a name derived from one of the era’s most notorious anti-Communists, Senator Joseph McCarthy.]


Tương Lai Nước Mỹ: Phải Chăng Trên Đà Suy Thoái?


Hai cuộc chiến ở Việt Nam cách đây mấy chục năm, mới đầu là “cuộc chiến của Pháp”, sau đó là “cuộc chiến của Mỹ”, đã làm chia rẽ lòng người dân Việt, gây nên sự thù hận một chiều kéo dài cho tới ngày nay của một số những kẻ chiến bại phần lớn thuộc đám người đã nổi tiếng là “hễ đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản bội dân tộc.”. Nhiều người cho rằng sự hi sinh lớn lao của Việt Nam không đáng, trước sau gì rồi Việt Nam cũng sẽ được độc lập, chỉ việc ngồi “há miệng chờ sung”, “bất chiến tự nhiên thành”. Đó là cách nhìn thiển cận về cục diện thế giới.

Nhìn xa hơn nữa, chúng ta phải thấy rằng ngày nay đất nước đã mở mang phát triển như thế nào, và vị thế của Việt Nam trên chính trường thế giới ngày nay ra sao, so với 50 năm trước, khi mà hầu hết thế giới chẳng biết gì đến Việt Nam, chẳng biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, trừ một số nước liên hệ đến cuộc chiến. Đây là khía cạnh tích cực nhất của sự hi sinh của người dân Việt. Nhìn theo khía cạnh này chúng ta cần phải ghi ơn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và toàn thể Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã đưa Việt Nam lên vị thế ngang hàng với các cường quốc trên thế giới ngày nay, ít ra là về chính trị.. Từ đó người Việt Nam có thể tự hào mình là người Việt Nam, mang hộ chiếu Việt Nam, nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, bất kể họ là ai mà không có mặc cảm. Do đó tôi viết bài này với hi vọng chúng ta hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại của Mỹ, từ đó chúng ta có thể cất bỏ một huyền thoại là Mỹ có ý tốt khi can thiệp vào Việt Nam để giúp dân Việt Nam có tự do dân chủ..

Một số người trong chúng ta, thường bị trói chặt trong thiên kiến, trong thù hận, vì chúng ta không biết đến sự thật, hay cố chấp bác bỏ những sự thật không phù hợp với sự hiểu biết hay thiên kiến của chúng ta. Hi vọng những sự thật trong bài viết này sẽ cởi trói cho chúng ta thoát khỏi những quan niệm cố chấp một chiều về hai cuộc chiến ở Việt Nam.

Nếu quý đọc giả đã đọc hai bài về “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam” trên sachhiem.net http://sachhiem.net/ TCN/TCNls/TCNls16.php,http://sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls16a.php thì quý vị sẽ thấy rằng nội dung mấy cuốn sách của William Blum đã chứng minh là những điều tôi viết trong hai bài trên là không sai.


Hiểu Thêm Về Chính Sách Đối Ngoại Của Mỹ

Để hiểu thêm về chính sách đối ngoại của Mỹ, chúng ta hãy đọc thêm vài đoạn của William Blum trong cuốn America’s Deadliest Export: Democracy:

Bí quyết để hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ là chẳng có gì là bí mật cả. Điều chính là, chúng ta phải nhận thức được rằng Mỹ cố gắng để thống trị thế giới, với mục đích này Mỹ sẵn sàng làm đủ mọi cách mà Mỹ thấy cần.

[Page 1: The secret to understanding US foreign policy is that there is no secret. Pricipally, one must come to the realization that the US strives to dominate the world, for which end it is prepared to use any means necessary.]

Tham vọng của Washington để thống trị thế giới không bắt nguồn từ lý tưởng về dân chủ hay tự do, một thế giới công bình, chấm dứt sự nghèo khổ và bạo lực, một hành tinh đáng sống trên đó, mà là từ kinh tế và hệ tư tưởng.

[Page 5: Washington’s ambition for world domination is driven not by the cause of a deeper democracy or freedom, a more just world, ending poverty or violence, or a more liveable planet, but rather by economic and ideology.]

Những viên chức Mỹ không mong muốn gì hơn là làm lại thế giới theo hình ảnh của Mỹ (Mỹ là hình ảnh của Gót), với các xí nghiệp tự do, “chủ nghĩa cá nhân”, một cái gì đó gọi là “giá trị Do Thái – Ki Tô”, một thứ khác nào đó mà họ gọi là “dân chủ” như là những yếu tố cốt cán. Những nhà lãnh đạo Mỹ tự cho rằng quyền năng đạo đức của Mỹ là tuyệt đối và không thể thách thức như là sức mạnh về quân sự của Mỹ.

[Page 6: American officials would like nothing better than to remake the world in America’s image, with free enterprise, “individualism”, something called “Judeo-Christian values”, and some other thing they call “democracy” as core elements…American leaders assume that the US moral authority is absolute and unchallengeable as US military power.]

Chúng ta cần phải nhớ rằng: Mỹ, cũng như Israel, cần có những kẻ thù. Không có những kẻ thù, Mỹ có vẻ như là một quốc gia không có mục đích đạo đức và đường hướng.

[Page 102: We have to keep this in mind: America, like Israel, cherishes it enemies. Without enemies, the US appears to be a nation without moral purpose and direction.]

Và về chuyện Mỹ và Israel đe dọa tấn công Iran vì cho rằng Iran đang tiến tới việc làm bom nguyên tử, tác giả viết:

Nhưng nếu Iran thực sự chế tạo vũ khí hạt nhân, chúng ta phải đặt câu hỏi: có đạo luật quốc tế nào nói rằng Mỹ, Anh, Nga, Tàu, Israel, Pháp, Pakistan, Ấn Dộ được quyền có vũ khí hạt nhân, nhưng Iran thì không? Nếu Mỹ biết rằng Nhật Bản có bom nguyên tử, thì Hiroshima và Nagasaki có bị tàn phá (bởi bom nguyên tử của Mỹ)không? Nhà viết quân sử Israel Martin van Creveld đã viết: “Thế giới đã thấy vì sao mà Mỹ tấn công, như đã chứng tỏ, không có lý do nào hết. Iran mà không toan tính chế tạo vũ khí hạt nhân, chắc là họ điên”

[Page 63: But if Iran is in fact building nuclear weapons, we have to ask: is there some international law that says that the US, the UK, Russia, China, Israel, France, Pakistan anh India are entitled to nuclear weapons, but Iran is not? If the US had known that the Japanese had deliverable atomic bombs, would Hiroshima and Nagasaki have been destroyed? Israeli military historian Martin van Creveld has written: “The world has witnessed how the US attacked for, as it turned out, no reason at all. Had the Iranians not tried to build nuclear weapons, they would be crazy”]

Năm 2003, John LeCarré, tác giả nhiều tác phẩm về loại gián điệp, châm biếm:

Gót bổ nhiệm nước Mỹ để cứu thế giới theo bất cứ cách nào hợp với Mỹ. Gót bổ nhiệm Israel là sự quan hệ của chính sách ở Trung Đông của Mỹ và bất cứ người nào muốn lộn xộn với ý tưởng đó là a) kẻ chống-Do Thái, b) kẻ chống-Mỹ, c) về phe kẻ thù, và d) một kẻ khủng bố.

[God appointed America to save the world in any way that suits America. God appointed Israel to be the nexus of America’s Middle Eastern policy and anyone who wants to mess with that idea is a) anti-Semitic, b) anti-American, c) with the enemy, and d) a terrorist.” – John LeCarré, London Times, January 15, 2003]

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ là một cường quốc bá chủ về quân sự và kinh tế, nhưng không thể nói là Mỹ cũng đứng đầu về đạo đức và tâm linh, dù Mỹ vẫn tự cho mình là như vậy. Nhưng vị thế bá chủ và độc quyền của Mỹ đã bắt đầu đi xuống khi mà Mỹ không còn là nước duy nhất có vũ khí nguyên tử hay hạt nhân. Á Đông và thế giới thứ ba đang vươn lên về kinh tế và xã hội. Năng lực của Mỹ dùng kinh tế để ép các nước nhỏ không còn hiệu lực như trước. Uy tín của Mỹ giảm vì chính sách đối ngoại của Mỹ. Kết cục của cuộc chiến ở Việt Nam đã đưa đến nhận xét của Morris Dickstein trong cuốn Gates of Eden: American Culture in the Sixties, Basic Books, New York, 1977, trang 271:

Ở Việt Nam chúng ta không chỉ thua một cuộc chiến tranh và mất đi một tiềm lục địa, chúng ta cũng còn mất đi lòng tự tin lan tràn khắp xã hội rằng vũ khí và mục tiêu của Mỹ bằng cách nào đó nối kết với công lý và đạo đức, không chỉ với sự theo đuổi quyền lực. Mỹ đã thất bại về quân sự, nhưng “ý tưởng quốc gia” của Mỹ, huyền thoại về nước Mỹ mà chúng ta ấp ủ, còn bị một cú làm cho tiêu tan hơn…Việt Nam đã tước đi mất một hình ảnh về quốc gia này mà chúng ta hết sức cần đến.

[In Vietnam we lost not only a war and a subcontinent we also lost our pervasive confidence that American arms and American aims were linked somehow to justice and morality, not merely to the quest of power. America was defeated militarily, but the “idea” of America, the cherished myth of America, received an even more shattering blow… Vietnam robbed us of an image this nation we desperately needed.]

“Ý tưởng quốc gia và hình ảnh quốc gia” mà Dickstein muốn nói đến là quan niệm “Mỹ là dân Chúa, là một thị trấn trên ngọn đồi, nhìn xuống thế giới thấp kém bên dưới, và Mỹ là một quốc gia cao cả, đạo đức, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, được Gót trao cho nhiệm vụ khai sáng thế giới..

Trong cuốn Dark Ages America, Morris Berman viết trong phần dẫn nhập, trang 1:

“Thật vậy, đối với đa số người Mỹ, có vẻ như không có mấy nghi ngờ là Mỹ đang ở đỉnh cao của sức mạnh quân sự, có thể làm lay chuyển thế giới theo ý của mình và được trao cho nhiệm vụ mang ánh sáng của dân chủ tới những nơi tối tăm nhất trên địa cầu”

[Indeed, for the majority, there appears to be little doubt that America is at the zenith of its military power, capable of shaking úp the world as it sees fit and charge with the mission of bringing the light of democracy to the darkest corners of the globe.]

Sau đó tác giả viết:

Các đế quốc, và các nền văn minh, lên rồi xuống, qua một chuỗi những giai đoạn trong quá trình. Chúng ta đã ở trong thời kỳ mông muội xa xưa khi Ronald Regan, với tất cả sự sáng suốt của con đà điểu, đã cho đó là “buổi bình minh của Mỹ”; 20 năm sau đó, dưới thời của “hoàng đế trẻ con” George W. Bush, chúng ta đã đi vào thời đại đen tối, theo đuổi một con đường thiển cận chỉ làm tăng nhanh sự suy thoái của chúng ta. Điều mà chúng ta đang thấy là những đặc tính hiển nhiên của Tây phương sau sự sụp đổ của La Mã: sự chiến thắng của tôn giáo trên lý trí; sự hao mòn của nền giáo dục và suy nghĩ phê phán; sự hợp nhất của tôn giáo, quốc gia và bộ máy tra tấn, và chính trị và kinh tế ngoài lề của nền văn hóa chúng ta.

[Empires, and civilizations, rise and fall, and they go through a series of stages in the process. We were already in our twilight phase when Ronald Reagan, with all the insight of an ostrich, declared it to be the “morning of America”; twenty-odd years later, under the “boy emperor” George W. Bush, we have entered the Dark Ages in earnest, pursuing a short-sighted path that can only accelerate our decline. For what we are now seeing are the obvious characteristics of the West after the fall of Rome: the triumph of religion over reason; the atrophy of education and critical thinking; the integration of religion, state, and the apparatus of torture, and the political and economic marginalization of our culture.]

Nhận định về sự suy thoái của Mỹ của tác giả dựa trên nhiều luận điểm trong một cuốn sách dày gần 400 trang. Vài luận điểm điển hình của tác giả như sau:

Vì tôn giáo thắng lợi trên lý trí, và dân chủ trở thành chế độ tài phiệt, Mỹ đã đi vào giai đoạn phát triển lịch sử không thể quay đầu trở lại… Một chính sách đối ngoại tự hủy diệt, chủ nghĩa cá nhân cực độ, sự bành trướng lãnh thổ và kinh tế, và sự theo đuổi giàu sang vật chất – tất cả, như là một nghịch lý, là những cái đinh đóng vào nắp quan tài của tập thể chúng ta…

[As religion triumphs over reason, and democracy turns into plutocracy, the nation has entered a phase in its historical development from wich there is no return… A self-destruction foreign policy, extrem individualism, teritorial and economic expansion, and the pursuit of material wealth – are now, paradoxically the nails in our collective coffin.]

Sau vụ 9/11 tổng thống Bush Con đặt câu hỏi: “Tại sao họ lại ghét chúng ta. Khi mà chúng ta quá thánh thiện” (Why do they hate us. When wer’e so good?) Một câu hỏi khá ngớ ngẩn vì nếu biết về chính sách đối ngoại của Mỹ và những việc làm vô đạo đức của Mỹ trên khắp thế giới thì Bush sẽ không bao giờ đặt câu hỏi như vậy.

Mặt khác, sau biến cố 9/11, trong khi hầu như cả thế giới đều ủng hộ Mỹ để chống khủng bố, thì Bush lại huênh hoang phát ngôn láo như dùng từ “thánh chiến” (crusade) để nói về cuộc tấn công Iraq, cùng đẩy nhiều nước ra xa bằng câu “Hoặc các người về phe chúng tôi, hoặc về phe những quân khủng bố” (Either you are with us, or with the terrorists). Có thể vì chỉ số thông minh IQ của Bush chỉ là 92, và theo Michael Moore trong cuốn Stupid White Men thì Bush, trong cuộc nói chuyện với sinh viên ở đại học Yale, tự hào là một sinh viên có điểm trung bình C cũng có thể làm tổng thống, trang 87: “And to the C students, I say you, too, can be President of the United States”, và:

một tổng thống Mỹ chẳng mấy khi đọc cái gì – gồm cả những bản tin ngắn để cho ông ta đọc – và nghĩ rằng Phi Châu là một quốc gia chú không phải là một lục địa, trang 87: (a president who rarely reads anything – including his own briefing papers – and thinks Africa is a nation, not a continent).

Lẽ dĩ nhiên, với một tổng thống trình độ như vậy thì không lạ gì chính sách đối ngoại Mỹ nằm trong tay giới tài phiệt vây quanh như Cheney, Rumsfeld, Condoleezza Rice, Colin Powell v..v… với những công ty như Haliburton, AT&T, Enron, ExxonMobil (Moore, p. 31) Và Bush không hiểu tại sao người ta ghét Mỹ? Chúng ta hãy đọc vài lý do trên: Why People Hate America

Tại Sao Người Ta Ghét Mỹ?

Đây là một bài dài với nhiều chi tiết lịch sử, tôi chỉ đưa ra vài điểm:
Người Mỹ áp đặt những giá trị của họ trên người khác (Americans impose their values on others)
Làm nhiều điều vô đạo đức chống các quốc gia khác (do many immoral things against other nations)
Là những người vị kỷ nhất và kiêu căng (are the most self serving and arrogant)
Duy trì tình trạng độc quyền của Mỹ (maintain its monopoly status)
Người Mỹ tin rằng quốc gia của họ là tốt nhất trên thế giới. Là nước dân chủ nhất. Họ nghĩ rằng các quốc gia khác đều xấu (Americans believe their country is the best of the world. It is the most democratic country. They think others nations are bad)
Mỹ muốn xía vào những chuyện của các nước khác, dùng quân đội, kinh tế và truyền thông (Americans want to interfere in other’s affairs. Americans do it by using their military, economy and media.)
Nói ngắn gọn, người ta ghét Mỹ vì Mỹ toan tính thay đổi họ vào ý muốn của Mỹ (In brief, people hate America because Americans try to change them into American way.)

Mỹ là một đế quốc và giới trí thức Mỹ đã viết nhiều về “thế giới hậu-Mỹ” (post-American world) hay “thời đại hậu-Mỹ” (post-American era), có nghĩa là đế quốc Mỹ sẽ mất đi ảnh hưởng giống như các đế quốc ở Âu Châu. Berman cho rằng chỉ trong vài thập niên nữa là Mỹ sẽ ở ngoài lề của sân khấu thế giới (Within a few decades the US will be marginalized on the world stage). Điều này có nghĩa là Mỹ không còn ở vị thế bá chủ nữa.

Thay Lời Kết

Vài Lời Với Những Nhà Tranh Đấu Cho Dân Chủ Và Nhân Quyền Ở Việt Nam:

Trước hết, quý vị đã thấy, qua phần trình bày ở trên, thực chất món hàng dân chủ của Mỹ là như thế nào. Nấp sau chiêu bài dân chủ và nhân quyền của Mỹ để gây loạn trong xã hội là con đường tự hủy diệt. Thật ra quý vị không hiểu thế nào về dân chủ vì chưa có một ai đưa ra một lộ trình dân chủ thích hợp với văn hóa, xã hội và truyền thống của Việt Nam. Phạm Hồng Sơn cóp nhặt nguyên văn dân chủ của Mỹ mà không hiểu rõ dân chủ của Mỹ có nhiều mặt và thay đổi theo đường lối chính trị của giới cầm quyền và tài phiệt, thực chất là phi dân chủ. Lê Quốc Quân cũng được NED huấn luyện về dân chủ của Mỹ.

Ở trên, Berman đã viết: Vì tôn giáo thắng lợi trên lý trí, và dân chủ trở thành chế độ tài phiệt nên thực ra không làm gì có dân chủ thực sự ở Mỹ. Berman còn viết, trang 3: Chủ nghĩa bảo thủ Ki-tô và dân chủ thì hoàn toàn đối nhau [fundamentalism and democracy are completely antithetical] Và chúng ta đã biết, giới lãnh đạo Mỹ cũng như đa số quần chúng tin rằng Mỹ đã được Gót giao phó cho nhiệm vụ thống trị thế giới, và Bush cũng tuyên bố là ông ta hành sự theo lời của Gót nói với ông ta. Như vậy thì làm gì có chuyện dân chủ, vì bản chất của Gót là độc tài, ác ôn.

Về nhân quyền thì tin Việt Nam nay chính thức là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chắc chắn là làm cho quý vị không vui, vì tin đó như một cái tát vào mặt quý vị và những tổ chức, cá nhân chuyên trơ trẽn xía vào những chuyện nội bộ nhỏ nhặt ở Việt Nam, rêu rao là vấn đề nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ, đặc biệt là Phil Robertson của tổ chức HRW. Những lời quý vị lên án một cách thiển cận Việt Nam vi phạm nhân quyền đã trở nên lạc lõng, lố bịch và vô giá trị.

Kết quả 184/192 quốc gia bầu cho Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chứng tỏ thế giới đã nhận định là ở Việt Nam không có vấn đề nhân quyền như là chính sách của Nhà Nước. Nhưng quý vị không chịu mở mắt ra để nhìn vào thực tế. Đối với những người nấp sau chiêu bài dân chủ và nhân quyền để chống Cộng, hoặc vì hội chứng Việt Nam, Tây phương bị đá ra khỏi Việt Nam trong hai cuộc chiến, thì Việt Nam không xứng đáng vào Hội Đồng Nhân Quyền vì Việt Nam vi phạm nhân quyền rất trầm trọng. Trang nhà voatiengviet.com có bài “Quốc tế phản ứng về việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ” nói lên sự ngu dốt của voatiengviet, trong đó Quốc tế của voatiengviet chỉ là Phil Robertson và Võ Văn Ái. Quốc tế là các nước trên thế giới hay là hai nhân vật ngu xuẩn và đạo đức giả ở trên, hay Quốc tế là những tổ chức VOAtiengviet, BBCtiengviet, RFI, RFA, AI, HRW v…v… chuyên xía vào chuyện nội bộ của Việt Nam. Tôi nói là ngu xuẩn và đạo đức giả vì Mỹ mới chính là nước vi phạm nhân quyền vào bậc nhất trên thế giới, chứ không chỉ riêng trên đất Mỹ. HRW có vẻ như mù trước Gitmo, Guantánamo, Abu Ghraib, những trung tâm tra tấn tù nhân theo chính sách chính thức của Mỹ [xin đọchttp://www.globalresearch.ca/torture-as-official-us-policy], chỉ nhìn thấy cái kim ở Việt Nam mà không thấy cái đà đang xuyên vào mắt Mỹ. Mà Mỹ cũng đã là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đương nhiệm. Nếu quý vị muốn gửi thỉnh nguyện thư hay “mách bu” thì nên tìm “bu” khác. Nhưng trên cục diện quốc tế ngày nay, không có “bu” nào có thể giúp quý vị đạt được mục đích đâu. Vài sự kiện lịch sử về nhân quyền của Mỹ cho chúng ta thấy rõ vấn đề.

Năm 1986, Mỹ là quốc gia duy nhất đã bị Tòa Án Quốc tế (World Court) kết án là khủng bố quốc tế - dùng võ lực bất hợp pháp, cho những mục tiêu chính trị (The Chomsky Reader, p. 84: In 1986, the U.S. was the only country comdemned by the World Court for international terrorism – for “unlawful use of force” for political ends) và Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc kêu gọi mọi quốc gia, trong đó có Mỹ, phải tôn trọng luật lệ quốc tế.

Cường Quyền Đã Thắng Công Lý

Tại sao Mỹ không dám công nhận quyền của Tòa Án Quốc Tế Le Hague? Vì nếu công nhận thì Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên bị đưa ra Tòa Án Quốc tế về những tội ác chiến tranh (war crimes) trong đó có những tội ác ở Việt Nam.

Đầu tháng 5, 2001, Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu hất Mỹ ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Tế trong đó Mỹ liên tục là một thành viên từ năm 1948, trong khi Trung Quốc, Việt Nam, Cuba đều được bầu làm thành viên. Điều này cho thấy, Mỹ chỉ có thể dựa vào ưu thế kinh tế và quân sự chứ không thể dựa vào chiêu bài “nhân quyền”. Nếu Mỹ thực sự tôn trọng nhân quyền trên nước Mỹ cũng như trên thế giới thì tại sao Mỹ lại bị loại ra khỏi Ủy Ban Quốc Tế Nhân Quyền? Nhưng Mỹ là một cường quốc mạnh nhất về quân sự và kinh tế nên Mỹ muốn làm gì cũng được, muốn nói gì cũng được, vì Mỹ biết không có nước nào có khả năng để chống Mỹ

Về biến cố này, Vince Hyaner đã viết trong bài “Những Vi Phạm Của Hoa Kỳ” (US Violations) :

“Sự loại Hoa Kỳ ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền là một bất ngờ cần được hoan nghênh. Trong khi các chính trị gia, ký giả và dân thường hỏi tại sao, câu trả lời ở ngay trước mắt chúng ta: Hoa Kỳ có một thành tích khủng khiếp về nhân quyền.. Hi vọng rằng sự loại Hoa Kỳ ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền là một dấu hiệu mà các thành viên khác của LHQ sẽ không dung dưỡng cho những hành động không hề thay đổi, đơn phương tấn công nhân quyền của Hoa Kỳ.”

(The ejection of the US from the UN Human Rights Committee is a welcome surprise. While politicians, journalists and everyday people ask why, the answer is right in front of us: The US has a horrible human rights record…It is hoped that this ejection comes as a sign that the other members of the UN will not tolerate the consistent unilateral assaults on human dignity by the US.)


Các Trường Hợp Điển Hình Việt Nam “Vi Phạm Nhân Quyền”

Vậy thì Việt Nam vi phạm nhân quyền tồi tệ như thế nào mà những cá nhân vô tên tuổi hay những tổ chức của nước ngoài cứ nhao nhao lên án là Việt Nam vi phạm nhân quyền? Sau đây là vài trường hợp điển hình nói lên những hành động vi phạm nhân quyền tồi tệ của Việt Nam, lẽ dĩ nhiên tồi tệ theo quan niệm của những người chống Cộng, hay của những tổ chức như VOAtiengviet, BBCtiengviet, RFI, RFA, AI, HRW:






Thứ nhất, Việt Nam không tôn trọng “nhân quyền chửi bậy trong tòa” của Chúa thứ hai Nguyễn Văn Lý mà lại cho công an bịt miệng ông ta thay vì vả vào miệng ông ta mấy cái vì tội nói láo trong tòa, coi thường tòa án. Vả chứ đừng có tra tấn như anh hai ở Guantanamo.

Thứ nhì, Việt Nam không tôn trọng “nhân quyền huy động giáo dân cầu nguyện với búa, kìm và xà beng” của TGM Ngô Quang Kiệt mà lại toa rập với Vatican để đuổi ông ta ra khỏi nước, để cho ông ta được vinh hạnh mang hộ chiếu của một “tổ chức tội phạm quốc tế”, khỏi phải mang danh là ông “Tổng Kiệt nhục nhã” như lời tự nhận của ông ta.

Thứ ba, Việt Nam cho cán bộ mở cửa phòng giam tù để cho gió độc lùa vào ám sát vua tù Cù Huy Hà Vũ, không cho hắn có cơ hội ứng cử vào chức bộ trưởng và kiện tụng bảo vệ tác quyền của… Mozart và Beethoven.






Thứ tư, Việt Nam dám bắt em bé cờ vàng Phương Uyên của đám người hoài cờ vàng, hoài Ngô, hoài Mỹ, hoài đô-la rồi lại thả với lý do: “Con nhỏ này ngây thơ và dại, nó là đứa con nít cần ít đô la và cái laptop nên bị người ta xúi nó ăn cứt gà, tha cho nó để cho bọn “bọ xít” ca tụng nó là “anh thư” và để cho nó đi tế Ngô Đình Diệm”, hi vọng có thể kiếm thêm ít đô từ hải ngoại.

Thứ năm, Việt Nam chỉ bảo vệ “nhân quyền của đám Chúa thứ hai”, chuyên xúi giáo dân cuồng tín làm loạn, nhưng lại không bảo vệ nhân quyền của mấy tên giáo dân côn đồ hành hung cán bộ, ném gạch đá ở giáo xứ Mỹ Yên, dám bắt chúng bỏ tù.






Thứ sáu, Việt Nam không bảo vệ “nhân quyền trốn thuế” của tên luật sư Lê Quốc Quân mà lại mang ra xét xử, hầu như không coi Lê Quốc Quân có kí lô nào, dù rằng hắn là người mà NED đã huấn luyện, do đó có McCain và Albright chống lưng, tin rằng Phil Robertson sẽ bắt chính quyền Việt Nam phải “thả ngay lập tức”.

Gần đây, dân chống Cộng lại hồ hởi loan tin Hạ Viện Mỹ làm Luật Nhân Quyền cho Việt Nam. Thật không có gì lố bịch bằng! Đáng lẽ phải làm lại luật nhân quyền cho Mỹ. Làm luật nhân quyền cho Việt Nam rồi phái thái thú về cai trị Việt Nam, thế là vừa lòng quý vị chống Cộng. Quý vị cứ hi vọng đi, chờ đợi cho đến Tết Congo, cũng như chờ đợi sự trở lại của anh nhà quê Do Thái đã 2000 năm nay mà chẳng thấy tông tích anh ta ở đâu, và vẫn kiên trì chờ đợi.





Guantanamo: Tính đến tháng 7 năm 2005, đã có nói là hơn 500 người bị giam giữ trong trại - AP. Trong 800 tù nhân bị trải qua trại tù Vịnh Guantanamo, chỉ có 223 sống sót. Ảnh http://www.examiner.com/


Chuyện Hạ Viện Mỹ trước đây đưa ra dự luật về nhân quyền cho Việt Nam là một hình thức trịch thượng ngu xuẩn hòng áp đặt vô lối quan điểm về nhân quyền của Hạ Viện Mỹ trên quốc gia Việt Nam, một hình thức xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Chỉ có Quốc Hội Việt Nam mới có đủ tư cách để làm luật nhân quyền cho Việt Nam. Nhưng thực chất dự luật về nhân quyền cho Việt Nam (sic) chỉ là một trong những chuyện láo lếu mà ký giả Victor Davis Hanson viết trên tờ Chicago Tribune ngày 19 tháng 10, 2007, là: Quốc Hội Nhúng Mũi Vào Những Chuyện Không Phải Nhiệm Vụ Của Họ [Congress Sticks Its Nose Where It Doesn’t Belong]. Ký giả Hanson viết rằng theo Hiến Pháp Hoa Kỳ thì Tổng Thống quyết định đường lối ngoại giao, và Quốc Hội [gồm Thượng Viện và Hạ Viện], ngoài nhiệm vụ phê chuẩn các hiệp ước hay chấp thuận quyền phát động chiến tranh, chỉ có nhiệm vụ duyệt chính sách của Tổng Thống để hoặc chấp thuận hoặc bác bỏ ngân quỹ để thi hành chính sách đó [The president establishes American foreign policy.. Then Congress oversees the president's policies by either granting or withholding money to carry them out – in addition to approving treaties and authorizing war].

Đưa ra dự luật về nhân quyền cho Việt Nam cũng như những chính sách thuộc lãnh vực ngoại giao là “nhúng mũi vào những việc không thuộc thẩm quyền của Quốc Hội”. Ký giả Hanson than phiền là “gần đây cả trăm dân biểu trong Quốc Hội đã quyết định là họ đối phó với những vấn đề ngoại giao quốc tế thích hợp hơn là Bộ Ngoại Giao” [But recently hundreds in Congress have decided that they’re better suited to handle international affairs than the State Department]. Và ký giả Hanson kết luận là những việc “nhúng mũi” của Quốc Hội này đã gây bất lợi cho chính sách ngoại giao của Mỹ, nhưng lại không có trách nhiệm giải quyết những rắc rối sinh ra bởi những hành động tự do theo ý họ về chính sách đối ngoại của Mỹ. [So they pass resolutions (thông qua các Nghị Quyết) and pontificates a lot (làm như đó là những sắc lệnh của Giáo hoàng ban cho giáo dân), but rarely have to clean up the ensuing mess of their own freelancing of American foreign policy).]

Với một thành tích khủng khiếp về nhân quyền, với chính sách đối ngoại mà kết quả là vi phạm nhân quyền trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, với những vi phạm nhân quyền ngay trên đất Mỹ, với chính sách chính thức cho phép tra tấn tù nhân v…v… tôi nghĩ “Mỹ, hay những cá nhân Mỹ, bất kể họ là thượng nghị sĩ hay dân biểu, hay những tổ chức của Mỹ như HRW, AI, đều không có tư cách để nói về nhân quyền ở Việt Nam”. Còn những tiếng ỉ eo cất lên trong sa mạc truyền thông của dân Mít ta thì thật sự không đáng nói đến.

Và đây là lời kết luận của tôi để chấm dứt bài viết này.



Trần Chung Ngọc

Me- Rừng một thân- giá 3 triệu-



Me- Rừng một thân- giá 3 triệu-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh




TÔI VẤP VÀO MỘT GÓC RỘN RÀNG QUÊ





Ngộ chưa kìa...
Lũ kiến dọn nhà nơi gốc nhãn cong queo
Con bọ xít hút căng nhựa trái non ngã khèo xuống đất
Đàn ong tấu nhạc trên cặp cánh thong dong đã ắp đầy mùa mật
Ve sầu lột mình khóc những tiếng ban sơ

Bầy vịt quang quác cười dưới đám dây mơ
Cậu gà trống dãi nắng cả trưa lượn lờ ghẹo mái
Mẹ con nhà trâu lim dim nhai nốt cành lá ngái
Lão Mực hằm hè cắt nát cái chổi nan

Chị lợn sề ễnh bụng nằm dỗ đám con ngoan
Bé mèo mun biếng lười khoanh tròn trong góc bếp
Vợ chồng thạch sùng giận nhau cứ hoài chép miệng
Anh cóc tía giả vờ le lưỡi mắng bọn ruồi đen...

Tôi trở về
vấp một góc rộn ràng nơi quê mẹ thân quen
Tự dưng thèm muốn trở về giữa tháng năm rước đèn đom đóm
Tôi muốn tìm lại tuổi thơ từ ngày tôi trót lớn
Tìm tôi phía dại khờ
nghêu ngao khúc tình buồn
con dế vô tư

Đỗ Quyên