" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016
Ông Kẹ là ai?
Đó chính là một tướng lĩnh người Carthaginian (Tunisia hiện tại), người đã đánh bại Đế quốc La mã trong trận đánh tên là Cannae, chỉ với 50,000 quân chống lại 90, 000 quân thiện chiến.
Trận Cannae, năm 216 trước Công Nguyên (tranh không rõ tác giả)
Trong trận đánh đó, thay vì bố trí một chính diện mạnh để chống xuyên phá như thông thường, ông đã găm lực lượng tinh nhuệ ở hai cánh. Trong quá trình phát triển của trận đánh, ông chủ động lùi khối trung tâm, tạo thành một vòng cung lõm bao lấy đội hình địch. Khi chính diện của địch đã bị kéo giãn theo vòng cung, thì lực lượng kỵ binh ở 2 cánh phát triển thành hai gọng kềm, cơ động vu hồi khép kín vòng vây, và sau đó chia cắt đội hình La Mã ra từng khối và tiêu diệt.
Bố trí trận Cannae (từ trang emersonkent.com)
Kể từ sau trận đó, Hannibal, tên của ông, trở thành Ông Kẹ mà người La Mã ngày xưa và người Ý ngày nay dùng để doạ trẻ nít khi khóc. Còn bản thân trận đánh trở thành bài học kinh điển về chiến tranh, mà trong đó vận động chiến thuật để tạo thành thành các mũi cơ động vu hồi (tấn công đối phương từ bên sườn hoặc sau lưng) bao vây địch được nâng lên tầm nghệ thuật.
Có phải cứ có vua thì gọi là “phong kiến”?
Phong kiến vốn là gọi tắt lại của “phong tước kiến địa” (ban tước hiệu và đất đai).
Chữ này bắt nguồn từ chế độ ban đất Trung Quốc thời Chu với các nước chư hầu dưới thiên tử. Các chư hầu thời ấy được chia làm 5 tước, từ cao xuống thấp: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Nhà Chu phong đất và tước cho con cháu họ hàng và công thần, làm thành các nước chư hầu bao quanh đất của Thiên tử nhà Chu.
Vị trí của nhà Chu so trên bản đồ Trung Quốc ngày nay
Như vậy tương đương trong tiếng Tây, chữ phong kiến là feudalism – một chế độ xã hội châu Âu thời Trung đại, khi các nước được chia thành các lãnh địa, cai trị bởi các Lãnh chúa được nhà vua ban tước (các lãnh chúa được phong làm 5 hoặc 6 bậc tùy theo hệ thống từng quốc gia).
Thứ bậc trong chế độ phong kiến ở Âu châu. Trên cùng là tăng lữ, kế là vua, kế nữa là lãnh chúa. Hình từ Internet
Ở Nhật Bản, chế độ phong kiến là các daimyō lãnh chúa địa phương dưới Thiên hoàng hoặc Shōgun. Sau cải cách Minh Trị, chính quyền Nhật cận đại đã dẹp bỏ chế độ này, phân chia lại đẳng cấp quý tộc theo 5 bậc của hệ thống triều đình Anh quốc, nhưng dùng các chữ Hán của nhà Chu Công-Hầu-Bá-Tử-Nam để dịch các tước hiệu.
Chế độ phong kiến xưa ở Nhật: trên cùng là vua, kế là Shōgun, dưới là các daimyō, dưới nữa là nông dân. Các samurai phục vụ cho cả hai tầng lớp shogun và daimyo. Hình từ Internet
Khi chủ nghĩa Marxist phát triển ở Việt Nam, chữ “phong kiến” được dùng quá nhiều đến nỗi bây giờ chúng ta thường hiểu một cách nhập nhằng “phong kiến” là “quân chủ”. Quân chủ là hình thái nhà nước có ông vua cai trị. Còn phong kiến là khi ông vua chia đất và phong tước cho các quý tộc, mỗi vùng được phong đất giống như một nước riêng. Nhiều học giả nước ta đầu thế kỷ 20 (điển hình là Phan Khôi, xem link [2]) cho rằng Việt Nam không có chế độ phong kiến nếu xét đúng về mặt xã hội. Thời kỳ gần giống “phong kiến” nhất có lẽ là Loạn 12 sứ quân trước thời Đinh và thời Trần lúc các vương gia được phong thái ấp.
Trong các nước quân chủ hiện nay, không còn nước nào là “phong kiến”. Chế độ “phong kiến” vừa mới được chính thức bãi bỏ ở Scotland về mặt pháp lý năm 2000, sau khi đạo luật “Bãi bỏ Chiếm hữu Phong kiến năm 2000″ được thông qua.
Lâu đài Eilean Donan ở Scotland có từ thế kỷ 13, giờ thì có thể thuê để trú thử vài đêm hưởng cảm giác. Hình từ trang này
Tuy nhiên “tàn dư” phong kiến vẫn còn sót lại trong tên của một số nước châu Âu như “Công quốc Monaco”, “Công quốc Liechtenstein” (đều là dịch từ chữ Principality) hay “Đại công quốc Luxembourg” (Grand Duchy). Người đứng đầu Luxembourg không phải là Hoàng đế hay Vua mà là một vị đại Công tước (Grand Duke hay Großherzog). Người đứng đầu Monaco hay Liechtenstein là một vị mang tước Prince. Tước vị Prince đáng lẽ dịch đúng thì phải là Vương tử, hay Thân vương, ở dưới vua một tí và cao hơn Công tước một tí, khi dịch sang tiếng Việt thì gặp một số trục trặc vì dịch là Vương thì bị nhầm với vua (“vương quốc” thì dùng để dịch chữ kingdom rồi), nên người ta hay gom Prince với Duke vào chung và dịch là Công tước hết. Vài chỗ (ví dụ wikipedia tiếng Việt) gọi là Thân vương quốc, nhưng chữ này có vẻ rất luộm thuộm.
Prince Alois và Princess Sophie của Liechtenstein đến dự lễ lên ngôi của Vua Willem Alexander và Hoàng hậu Maxima của Hà Lan tại New Church, 30. 4. 2013, Amsterdam, Hà Lan.
Anh là một nước có người đứng đầu là vua nên gọi là vương quốc. Trong liên hiệp Anh có nước Wales, và trên danh nghĩa thì thái tử nước Anh luôn được ban tước Thân vương xứ Wales (Prince of Wales), tức là người đứng đầu xứ Wales, nên về mặt lý thuyết, Wales cũng có thể coi là một Công quốc, nằm trong Vương quốc Anh.
Thái tử Charles, Prince of Wales, và thái tử phi Diana (ở Việt Nam hay gọi là Công nương Diana), Princess of Wales, (1961 – 1997) tại lâu đài Balmoral, Scotland nơi họ hưởng tuần trăng mật. Ảnh Getty
*
Hồi ký lúc suy tàn: lục lại đủ loại tình, trừ tình yêu nghệ thuật
Quỳnh Vy
Hí họa của Mert Gurka
Cả hai diễn viên Chánh Tín và Thương Tín đều đóng phim Ván Bài Lật Ngửa. Sau mấy chục năm sống trong hào quang điện ảnh, họ đã cùng nhau lần lượt lật ngửa cuộc đời cho hàng triệu khán giả săm soi.
Tôi xin nói thẳng là tôi chưa cầm trên tay cuốn hồi ký của Thương Tín. Tôi chỉ đọc các trích đoạn đăng nhiều kỳ trên báo mạng. Tôi ngạc nhiên quá! Vì ông Thương Tín chỉ kể lể về các cuộc tình. Tình một đêm. Tình rủ rê ngủ lại. Tình hờ. Tình cưới hỏi. Tình nhân… Đủ các thể loại tình. Nhưng đúng như nghệ sĩ Lê Khanh có nhận xét, không có chút nào về tình yêu điện ảnh và sân khấu.
Thời sáng chói lẫy lừng của diễn viên Thương Tín là thời xã hội còn bao cấp, thời mà việc đi coi phim là một món ăn còn hiếm ai muốn thưởng thức. Các rạp hát cũ kỹ còn tồn tại từ thời trước năm 75. Lúc đó, chưa có kỹ xảo dàn dựng. Phim trường còn thiếu thốn. Kinh phí thì nghèo nàn. (Có những thước phim bây giờ khi xem lại thấy chạnh lòng thay cho diễn viên lẫn đạo diễn). Lúc đó, cũng chưa có các rạp phim hiện đại sang trọng như bây giờ. Và cũng chưa hề có blog, có trang xã hội để khi xem phim xong, ta cùng bạn bè leo lên mạng tha hồ múa phím vui tưng bừng cùng nhau.
Vậy thì tại sao, cả chị Ghost Writer lẫn diễn viên Thương Tín không kể lại cho mọi người cùng biết? Biết đâu, cuốn hồi ký sẽ ngồn ngộn chất chứa nhiều chi tiết lịch sử cho nền điện ảnh Sài Gòn trong thập niên 1980? Có phải vì cả hai người không dám kể đúng, kể thật những chi tiết dễ gây đụng chạm và làm mất lòng ông này bà kia? Dễ bị kéo kiểm duyệt dùng quyền hạn cắt cái rẹt không nương tay?
Để rồi cả hai người, người viết lẫn người kể, đã tha hồ tấn công vào các người đàn bà trong quá khứ. Mà theo quán tính và hủ tục của Á đông, không một phụ nữ nào dám mở miệng thanh minh một câu gì!!!
Tôi đọc trên báo lời phân trần của diễn viên Thương Tín, rằng chị Ghost Writer đã chủ động gợi ý cho anh việc đồng ý cho chị ấy viết hồi ký, để anh có chút tiền lo cho con gái. Tôi thấy diễn viên Thương Tín nên có thêm nick name là Đổ Văn Thừa. Anh Thương Tín à! Anh tưởng đâu anh là vỏ quýt dầy, nhưng ở đời cũng có móng tay nhọn. Vả lại, yếu tố giật gân sẽ bị họ khai thác triệt để thì mới bán sách được chứ, phải không?
Người phụ nữ khôn ngoan đầy bản lĩnh
Đó là diễn viên Diễm My. Người phụ nữ mà Thương Tín kể lại là đã từng là người tình, là người đã rủ anh ngủ lại đêm ở nhà riêng. Cô Diễm My đến tham dự buổi ra mắt hồi ký. Cô ăn mặc model. Cô trang điểm xinh tươi. Cô lại xuất hiện tại chỗ ấy bằng dung mạo thật yêu kiều rạng rỡ trước một Thương Tín gầy gò, hom hem, xuống sắc. Cô rất biết cách núp bóng tùng quân. Khi suốt buổi trò chuyện, một điều nàng nhắc về chồng, hai điều cô cũng kể về chồng. Nào là chồng khuyên hãy đến dự buổi ra mắt hồi ký của tình cũ chứ đừng gởi điện hoa. Vì em mới là bó hoa đẹp nhất tươi nhất. Nào là chồng đặt vé máy bay cho cô.
Diễm My quả thực là một phụ nữ rất đẹp và cũng rất khôn ngoan.
Ông bác sĩ nào vậy?
Ông bác sĩ nào đã vi phạm lời thề Hippocrates khi tè le hột me kể cho Thương Tín biết một cô bồ của anh đã từng đi phá thai 4, 5 lần? Chi tiết phá thai 4, 5 lần cũng bị Thương Tín lẫn Ghost Writer đưa vào hồi ký. Và họ nhai đi nhai lại nhiều lần trong các bài phỏng vấn.
Nhưng ta không thể không thắc mắc:
1. Ông bác sĩ của vài chục năm trước, nay còn sống hay không?
2. Lời kể lể của ông bác sĩ lắm lời về bệnh nhân đúng được mấy phần trăm sự thật?
3. Diễn viên Thương Tín thuật lại lời nói của ông bác sĩ đúng sự thật mấy phần trăm?
Có con rồi sao không lo để đức?
Người Việt Nam thường có quan niệm “Sống tốt để đức lại cho con”. “Con gái nhờ đức cha. Con trai nhờ đức mẹ.”
Cái lối sống quan hệ với quá nhiều phụ nữ để rồi sau đó vin vào lý do phải trung thực với quá khứ, kể lể chi tiết giường chiếu quá kỹ, nêu rõ đích danh từng người…. thì ông bà xưa cũng có câu này để mô tả hạng người này:”Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”. Đó là một lối sống không để lại đức.
Ngoài ra…
Diễn viên Thương Tín khi đặt bút ký hợp đồng bán hồi ký, có tìm hiểu xem bản quyền sách sẽ thuộc về ai? Nếu sách tái bản, anh có được nhận tiền thêm nữa hay không? Bao nhiêu phần trăm nhuận bút anh sẽ được nhận thêm? Hay là anh chỉ được quyền nhận tiền vỏn vẹn một lần chừng ấy thôi?
Anh có nhờ luật sư nào hỗ trợ và tư vấn hay không?
*
“Đời giông bão”. Tên của hồi ký là như vậy. Dù cho giông bão cay đắng ra sao, nhưng một khi đã dám chơi thì phải dám chịu chớ. Nỡ nào khi đã suy tàn còn gây giông bão lên cuộc đời những hai chục người tình cũ, và giông bão cả tương lai của đứa bé con mới có mấy tuổi đời.
Câu chuyện ngụ ngôn: Hãy lắng nghe tiếng hát của Thiên thần
Tác giả: Lam Nguyệt
Từ thuở xa xưa trong đại khung vũ trụ có rất nhiều Thiên quốc mỹ lệ, trong một Thiên quốc nọ, có Thiên thần và các Thiên nhân sống một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Thế giới Thiên quốc rất nguy nga lộng lẫy, khắp nơi lấp lánh ánh hào quang rực rỡ và thần thánh, nơi đó không có bi thương, không có bệnh tật, càng không có oán hận và tranh đấu.
Thiên quốc đã trải qua những năm tháng dài đằng đẵng, không biết đã qua bao nhiêu năm, bao nhiêu kiếp, thế rồi Thiên thần phát hiện ra Thiên quốc của mình đã bị lệch khỏi đặc tính của vũ trụ, nếu không quy chính kịp thời thì cuối cùng sẽ phải đối mặt với sự hủy diệt. Chỉ có một biện pháp để quy chính lại Thiên quốc, đó là hạ xuống một nơi thấp kém nhất gọi là “nhân gian”, đi tìm bí quyết cứu độ thế giới: ba chữ Chân Ngôn!
Từ Thiên quốc nhìn xuống nhân gian, cảnh tượng thật đáng sợ tột cùng! Khói đen cuồn cuộn, sóng đục ngất trời, người thế gian đều mang trên mình lớp vỏ giống như cái kén chui ra chui vào trong bùn đất, lúc khát lúc đói, lúc sợ nóng, lúc sợ lạnh, còn bị dày vò bởi các loại bệnh tật không tránh khỏi và các truy cầu, dục vọng không được thỏa mãn, đau khổ không sao tả siết. Hơn thế nữa, vào lúc ba chữ Chân Ngôn xuất hiện ở nhân gian thì cũng đồng thời xuất hiện một con ma đỏ tên là “Thượng Hắc” gây họa loạn nhân gian, nó sẽ tìm mọi cách ngăn cản Thiên thần quay trở về.
Thiên thần vẫn quyết định đi xuống nhân gian, chúng sinh trong Thiên quốc quỳ phủ phục mãi không đứng dậy, nước mắt tuôn trào đầy cảm phục, cũng có chúng sinh thệ nguyện cùng đi xuống với Thiên thần: “Hỡi Thiên thần mỹ lệ, để thế giới Thiên quốc của chúng ta được trường tồn mãi mãi, chuyến đi này của Ngài chắc chắn vô cùng nguy hiểm, gian nan muôn phần, hãy cho phép chúng thần được cùng Ngài hạ thế.”
Thiên thần đã bỏ đi vầng hào quang của Thần mà hạ xuống nhân gian, trải qua vô số khổ nạn, khó nhọc tìm kiếm suốt 200 triệu năm.
Cuối cùng, ngày ấy đã đến, Thiên thần đã tìm được ba chữ Chân Ngôn, cô mừng rỡ cất lời ca từ tận bản nguyên sinh mệnh của mình: “Đây chính là điều ta muốn tìm, những người bạn nơi Thiên quốc hãy mau tới đây, ta đã tìm được bí quyết cứu độ thế giới Thiên quốc rồi, ba chữ Chân Ngôn vĩ đại và thiêng liêng! Chúng ta cuối cùng đã có thể trở về Thiên quốc rồi!”
Tiếng hát đã làm kinh động con ma đỏ, ma đỏ điên cuồng cười nhạo: “Ha ha, ngươi đừng có mong nghĩ đến việc trở về!” Nói xong nó hiện nguyên hình là một con quái thú lớn màu đỏ vô cùng xấu xí, trông giống như con rồng nhưng lại không phải rồng, nó ngoác cái miệng lớn đầy máu lao về phía Thiên thần. Kể cũng thật thần kỳ, từ khi Thiên thần có được ba chữ Chân Ngôn, cô đã dần dần trút bỏ lớp vỏ kén dày và nặng, đôi cánh của cô đã mọc trở lại, năng lượng của Thần dần dần khôi phục, sức mạnh đó khiến ma đỏ gần như mất mạng, phải tháo chạy xa bay.
Thế nhưng Thiên thần không muốn một mình trở về Thiên quốc, cô muốn tìm những người bạn của mình, cô không kể vất vả cực nhọc mà tìm kiếm họ, không kể mệt mỏi mà cất lên tiếng ca kêu gọi họ thức tỉnh: “Bạn và tôi đều có duyên, xin hãy lắng nghe tôi hát, mau nhớ kỹ ba chữ Chân Ngôn, đó là điều chúng ta chờ đợi bấy lâu, hỡi những người bạn của tôi, hãy cùng tôi trở về đi, trong Thiên quốc của tôi có thế giới của các bạn, trong thế giới của các bạn có lời chúc phúc của tôi…”
Có những người bạn nghe được lời ca của Thiên thần, họ nhảy múa reo hò, chính tại thời khắc họ ghi nhớ ba chữ Chân Ngôn kia, thân thể của họ cũng xảy ra sự thay đổi thần kỳ, năng lượng từ bi và thần thánh đã tẩy sạch hết những dơ bẩn trên thân họ, họ mừng rỡ hòa theo lời ca của Thiên thần: “Tôi đã nhớ rồi, tôi đã nhớ rồi, ba chữ Chân Ngôn thật quá tốt đẹp, tương lai của chúng ta thật xán lạn vô cùng!”
Thế nhưng, cũng có những người bạn đã bị ma đỏ bỏ bùa mê, họ đã mất đi ký ức bình thường, quên đi lời giao ước thuở xưa khi đến đây; họ cũng mất đi thị giác bình thường nên không thể nhìn thấy đôi cánh của Thiên thần. Nghe thấy Thiên thần không ngừng ca hát, họ cười nhạo nói rằng: “Ta không tin chút nào, những điều ngươi nói đều là cái thứ mê tín phong kiến. Ta khoác trên mình những bộ y phục lộng lẫy, ở trong căn biệt thự xa hoa, lái xe sang đi khắp đó đây, còn ngươi hãy xem ngươi có gì? Ngươi nói ngươi có cánh mà sao ta lại chẳng nhìn thấy?” Thiên thần lo lắng kêu lên: “Mau rời khỏi con ma đỏ đi, nó đã bỏ bùa mê cho mọi người rồi, nên mọi người mới không thấy được chân tướng!” Lúc này con ma chú bị bùa mê của ma đỏ cũng cất tiếng nói: “Con à, ta là người mẹ “Thượng Hắc” của các con, ta đem số tiền ta cướp được chia cho các con, mua những bộ quần áo lộng lẫy và xây những căn biệt thự xa hoa cho các con, chỉ cần các con nghe lời ta, mãi mãi đi theo ta, ta sẽ cho các con sống một cuộc sống an nhàn thoải mái!”
Những người bạn bị bỏ bùa mê càng thêm tin vào lời của con ma đỏ, mắt họ chỉ thấy lợi ích mà không nhận ra Thiên thần. Nếu trước khi kiếp nạn cuối cùng xảy đến mà họ vẫn không thể tỉnh ngộ, thì họ sẽ không bao giờ có thể quay trở về Thiên quốc được nữa, hơn nữa sẽ bị tiêu hủy cùng với con ma đỏ, thật cực kỳ nguy hiểm!
Thiên thần vẫn không nản lòng hát vang lời ca thức tỉnh họ: “Hãy nhớ kỹ ba chữ Chân Ngôn, đó là điều chúng ta chờ đợi bấy lâu, hỡi những người bạn của tôi, hãy cùng tôi trở về đi, trong Thiên quốc của tôi có thế giới của các bạn, trong thế giới của các bạn có lời chúc phúc của tôi…”
Cứ như vậy, dẫu cho trời đông giá rét, ngày hè nóng nực, dẫu cho xuân hạ thu đông, có những lúc, con ma đỏ gắng gượng hơi tàn đột nhiên tập kích, Thiên thần không cẩn thận cũng sẽ bị thương, nhưng dưới pháp lực của ba chữ Chân Ngôn, Thiên thần sẽ hồi phục lại rất mau chóng. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, Thiên thần dùng tiếng ca để thức tỉnh mọi người.
Hỡi con người thế gian, nếu như có người khuyên các bạn hãy mau mau rời khỏi con ma đỏ ấy thì đó nhất định là Thiên thần đang hát, xin các bạn hãy buông bỏ những thành kiến nơi thế tục và những lời dối trá bịa đặt của con ma đỏ, hãy cảm nhận lời ca bằng trái tim chân thành nhất, không vì điều gì khác, chỉ bởi vì các bạn cũng tới từ thế giới Thiên quốc tươi đẹp.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2010/10/18/69107.寓言故事:听,天使在唱歌.html
Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016
Việt Nam: Quốc gia thành công hay thất bại?
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Các chỉ tiêu đánh giá quốc gia thất bại
Từ năm 2005 trở đi, hàng năm tạp chí chính trị học nổi tiếng thế giới Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại, xuất bản tại Mỹ) đều công bố Bảng Xếp hạng các quốc gia được đánh giá theo Chỉ số Quốc gia thất bại.[1]
Chỉ số Quốc gia thất bại (Failed States Index – FSI) do Quỹ Hòa Bình (Fund for Peace, một thinktank ở Mỹ, độc lập với tạp chí Foreign Policy) tổng hợp 90.000 nguồn dữ liệu định lượng khác nhau được công khai từ đầu năm đến cuối năm của gần 180 quốc gia trên thế giới, để gộp thành 12 thang điểm đo đạc từ mức độ phát triển kinh tế cho đến chỉ số về sự công bằng trong xã hội. Sau đó, tạp chí Foreign Policy công bố Bảng Xếp hạng các quốc gia được đánh giá theo Chỉ số quốc gia thất bại.
Quỹ Hoà bình đưa ra khái niệm chỉ số FSI nhằm để từ đó dùng phương pháp định lượng tìm ra các quốc gia thất bại.
Sở dĩ phải xác định quốc gia thất bại chủ yếu là do các quốc gia đó đang trở thành mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế, nhất là lo ngại khi vạch chính sách ngoại giao đối với các quốc gia ấy. Quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất là nơi có nền kinh tế yếu nhất, phát triển chậm nhất, nhiều bất công nhất, v.v.. Nói đơn giản, đó là nơi mà phần lớn dân có đời sống hàng ngày rất khó khăn, xã hội bất an; người dân phải phấn đấu để sống sót từng ngày, để được hưởng một chút tự do. Đó là những hoàn cảnh căn bản tạo nên một quốc gia có nhà cầm quyền thất bại.
Có 12 chỉ tiêu (Indicator) đánh giá, gồm 4 chỉ tiêu xã hội, 2 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu chính trị. Mỗi chỉ tiêu được đánh giá theo thang điểm 10; điểm càng cao tức càng thất bại, điểm càng thấp thì càng thành công. Cộng điểm của 12 chỉ tiêu này lại được tổng số điểm đánh giá mức độ thất bại, tức FSI của quốc gia đó.
Chỉ tiêu xã hội gồm:
(I-1) Áp lực gia tăng số dân (Mounting demographic pressures, viết tắt DP);
(I-2) Sự di chuyển quy mô lớn dân tị nạn, tạo ra các tình huống nhân đạo khẩn cấp (Massive displacement of refugees, creating severe humanitarian emergencies, REF);
(I-3) Sự lan rộng các nhóm thù địch tìm cách trả thù nhau (Widespread vengeance-seeking group grievance, GG);
(I-4) Dân bỏ trốn để thoát cảnh khổ sống trong nước mình (Chronic and sustained human flight, HF).
Chỉ tiêu kinh tế gồm:
(I-5) Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều theo các nhóm dân (Uneven economic development along group lines, UED);
(I-6) Suy thoái kinh tế nặng (Severe economic decline, ECO).
Chỉ tiêu chính trị gồm:
(I-7) Mức độ phạm tội và/hoặc phi pháp của chính quyền (Criminalization and/or delegitimization of the state, SL), còn được gọi là chỉ tiêu tham nhũng;
(I-8) Tình trạng suy thoái của các dịch vụ công (Deterioration of public services, PS);
(I-9) Sự trì hoãn hoặc tùy tiện trong việc áp dụng luật pháp và vi phạm nhân quyền một cách phổ biến (Suspension or arbitrary application of law; widespread human rights abuses, HR);
(I-10) Sự vận hành các cơ quan an ninh theo kiểu “nhà nước bên trong nhà nước” (Security apparatus operating as a “state within a state”, SEC);
(I-11) Sự gia tăng tình trạng giới tinh hoa chia bè kết phái (Rise of factionalized elites, FE);
(I-12) Sự can thiệp của các nước ngoài hoặc thế lực chính trị bên ngoài (Intervention of external political agents, EXT).
Trong bảng xếp hạng năm 2015, các quốc gia được chia làm 4 loại lớn theo tổng số điểm FSI:
Loại Báo động (Alert), – có FSI từ 90 điểm trở lên, là các nước thất bại nhất, kém ổn định nhất (trong đó còn chia làm Very High Alert, High Alert và Alert);
Loại Cảnh báo (Warning), – có FSI từ 60 đến dưới 90 điểm (trong đó còn chia làm High Warning, Warning và Low Warning);
Loại Ổn định (Stable), – có FSI từ 30 đến dưới 60 điểm, trong đó còn chia làm Less Stable, Stable và More Stable [trước đây gọi là Vừa phải Moderate];
Loại Bền vững (Sustainable), – có FSI dưới 30 điểm, là các nước thành công, ổn định nhất, trong đó còn chia làm Sustainable và Very Sustainable.
Như vậy tổng số điểm FSI càng nhỏ (thứ hạng càng thấp) thì càng thành công, và ngược lại, tổng số điểm FSI càng lớn (thứ hạng càng cao) thì càng thất bại. Năm 2015, Nam Sudan có FSI bằng 114,5 điểm và xếp hạng thứ 1, là quốc gia thất bại nhất thế giới, trong khi Phần Lan có FSI bằng 17,8 điểm và xếp hạng thứ 178, là quốc gia thành công nhất thế giới.
Theo thói quen, 60 quốc gia có tổng số điểm FSI cao nhất bị coi là nhóm quốc gia thất bại; các quốc gia còn lại không bị coi là thất bại.
Các quốc gia thất bại thường có một số đặc điểm chung, phổ biến nhất là mất sự kiểm soát lãnh thổ trên thực tế hoặc không thể hoàn toàn nắm được quyền hợp pháp sử dụng vũ lực. Tiếp theo là sự suy yếu khả năng quyết sách tập thể; không thể cung cấp cho nhân dân các dịch vụ công cộng thích hợp, không thể dùng tư cách thành viên chính thức của cộng đồng quốc tế để giao lưu với các quốc gia khác.
Mười hai chỉ tiêu nói trên hàm chứa nhiều nhân tố của quốc gia thất bại như tham nhũng nặng; các hành vi phạm tội; không có khả năng thu thuế hoặc khả năng được nhân dân ủng hộ; có số lượng lớn người buộc phải bỏ quê nhà tha phương cầu thực; nền kinh tế suy thoái nặng; sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng dân cư; sự hãm hại nhân dân một cách có tổ chức hoặc phân biệt đối xử nghiêm trọng; sức ép dân số nặng; giới tinh hoa chia rẽ; môi trường sống bị phá hoại nặng.
Chỉ số FSI đầu tiên được đưa ra vào năm 2005, hồi ấy chưa có ai thật sự nghiên cứu về các quốc gia thất bại một cách có phương pháp. Trong 5 năm qua, việc đưa ra FSI và bảng xếp hạng quốc gia thất bại đã tạo lập được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với nhóm quốc gia này và tăng cơ hội thảo luận giữa các nhà quyết sách ở Mỹ và trên thế giới. Chỉ số FSI khiến họ chú ý đến các quốc gia thất bại, cách đối phó với những thể chế ấy, và các “căn bệnh” đặc biệt của mỗi quốc gia có nhà cầm quyền thất bại.
Bảng Xếp hạng quốc gia thất bại năm 2010
Bảng này được công bố trên tạp chí Foreign Policy số tháng 7-8/2010. Qua đó ta thấy có nhiều nước châu Phi thuộc nhóm 37 quốc gia loại “Báo động” (tức nguy hiểm vì bất ổn).
Somalia 3 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia thất bại với tổng số điểm FSI là 114,3. Nước này suốt 18 năm qua không có sự vận hành của bộ máy nhà nước, thiếu luật pháp, rối loạn, nạn cướp biển hoành hành, nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang kiểm soát chặt các đường phố thủ đô Mogadishu, nội chiến liên miên, dân chúng không biết dân chủ là gì… Somalia đạt số điểm cao tuyệt đối (10 điểm) về 4 chỉ số : dân tị nạn nhiều; tham nhũng; tồn tại “nhà nước bên trong nhà nước”; và giới tinh hoa chinh bè kết phái.
Tiếp sau là Chad, Sudan, Zimbabwe, Cộng Hòa Congo, Afghanistan, Iraq, Cộng hòa Trung Phi, Guinea, Pakistan, Haiti, Bờ Biển Ngà (Ivory Coast), Kenya, Nigeria, Yemen, Myanmar, Ethiopia, Đông Timor, Bắc Triều Tiên, Niger thuộc số 20 quốc gia thất bại nhất. Hầu hết các quốc gia này đều nghèo đói, rối loạn, chính trị độc tài chuyên chế, nhiều người dân vì khổ cực phải bỏ nước ra đi.
Có những quốc gia nhờ cải thiện được một số chỉ tiêu nên thứ hạng tăng về phía tốt hơn. Như Sierra Leone và Liberia cách đây ít lâu thuộc Top 20 quốc gia thất bại nhất nay đã ra khỏi danh sách đó. Sri Lanka sau khi dẹp xong nhóm Con hổ giải phóng Tamil, từ thứ 22 năm 2009 nhảy lên thứ 25 năm 2010 (tăng 3 bậc về phía tốt). Cộng hòa Dominic cũng tăng 5 bậc.
Các quốc gia xếp ở cuối bảng (số thứ tự lớn nhất) là các quốc gia ổn định nhất, tốt nhất. Ở châu Á, quốc gia tốt nhất là Nhật Bản, xếp thứ 164, với tổng FSI bằng 31,3 điểm; thứ nhì là Singapore, thứ 160 với 34,8 điểm .
13 quốc gia thuộc loại Bền vững gồm: 10 nước châu Âu (có 4 nước Bắc Âu), 1 nước châu Mỹ, 2 nước châu Đại dương. Na Uy là quốc gia tốt nhất, xếp cuối bảng (thứ 177) với FSI thấp nhất, bằng 18,7 điểm. Tiếp đó đến: Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ireland, Đan Mạch, New Zealand, Áo, Australia, Luxembourg, Hà Lan, Canada, Iceland (thứ 165).
Xếp hạng của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như sau: tốt nhất là Anh – thứ 161, Pháp – 159, Mỹ – 158, Nga – 80, Trung Quốc – 62. Qua đây có thể thấy hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc lại không được coi là quốc gia thành công bằng các quốc gia nghèo hơn.
Có một trường hợp đặc biệt: Trung Quốc năm 2009 bị xếp thứ 57, thuộc vào loại quốc gia thất bại, tức trong nhóm 60 nước có FSI lớn nhất (nhưng năm 2010 tăng 5 bậc về phía tốt hơn, ra khỏi nhóm quốc gia thất bại).
Vì sao một nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới lại bị xếp vào nhóm quốc gia thất bại? Đó là vì Trung Quốc có chỉ số FSI lớn về các chỉ tiêu: – sức ép dân số (chỉ số Demographic Presures bằng 9, do có nhiều người di cư ra nước ngoài), – phân hóa giàu nghèo quá chênh lệch (chỉ số phát triển không đồng đều Uneven Development bằng 9,2), – tồn tại vấn đề nhân quyền (chỉ số Human Rights bằng 8,9),
Bảng Xếp hạng quốc gia thất bại năm 2015
Trong Bảng xếp hạng FSI năm 2015 có 38 nước thuộc loại Báo động. 87 nước thuộc loại Cảnh báo, 38 nước thuộc loại Ổn định và 15 nước thuộc loại Bền vững.
Trong 38 nước thuộc loại Báo động có 4 nước thuộc loại Báo động rất cao: Nam Sudan xếp loại cao nhất (114,5 điểm FSI, xếp thứ 1), rồi đến Somalia (114,6), CH Trung Phi (111,9), Sudan (110,8).
Trong 87 nước thuộc loại Cảnh báo, có 27 nước thuộc loại Cảnh báo cao, 42 nước loại Cảnh báo, 18 nước loại Cảnh báo thấp.
Trong 38 nước thuộc loại Ổn định có 12 nước loại Kém Ổn định, 15 nước loại Ổn định, và 11 nước loại Ổn định hơn.
Trong 15 nước loại Bền vững có 14 nước loại Bền vững và một nước loại Rất Bền vững tức Quốc gia bền vững nhất thế giới năm 2015 là Phần Lan, có tổng số điểm FSI bằng 17,8, rồi đến Thụy Điển (20,2), Na Uy (20,6), Đan Mạch (21,5). Trong các quốc gia Bền vững, có 2 nước ở châu Đại dương (Australia, New Zealand), một ở Bắc Mỹ (Canada), 11 ở châu Âu.
Xếp hạng của các nước Hội đồng Bảo an LHQ: Anh – 33,4 điểm, thứ 161 (tốt nhất); Pháp – 33,7, thứ 160; Mỹ – 35,3, thứ 158; Trung Quốc – 76,4, thứ 83; Nga – 80,0, thứ 65.
Xếp hạng các nước khối ASEAN như sau:
Singapore, 34,4 điểm, thứ 159, là quốc gia ổn định nhất châu Á, hơn Nhật, Hàn Quốc.
Brunei, 63,0 điểm, thứ 121.
Malaysia, 65,9 điểm, thứ 115
Việt Nam, 72,4 điểm, thứ 97.
Indonesia, 75,0 điểm, thứ 88.
Thái Lan, 79,1 điểm, thứ 71.
Lào, 84,5 điểm, thứ 55.
Philippines, 86,3 điểm, thứ 48.
Cam-pu-chia, 87,9 điểm, thứ
Myanmar, 94,7 điểm, thứ 27, tức kém ổn định nhất trong Asean.
Như vậy Lào, Philippines, Cam-pu-chia và Myanmar thuộc loại quốc gia thất bại.
Singapore là một trong ba quốc gia châu Á thuộc loại Ổn định hơn (More Stable), xếp cao hơn Mỹ một bậc. Hai nước kia là Nhật (36,0, thứ 157) và Hàn Quốc (36,3, thứ 156).
Việt Nam thuộc loại quốc gia Cảnh báo, nhưng xếp ở bậc tốt hơn Indonesia (75,0, thứ 88), Trung Quốc (76,4, thứ 83).
Đáng chú ý:
Nga được 80,0 điểm, thứ 65, gần sát loại quốc gia thất bại;
Cuba là nước có FSI được cải thiện nhanh nhất trong một thập niên qua: tổng số điểm FSI năm 2015 bằng 67,4 (giảm 3,4 điểm so 2014, giảm 10,4 điểm so 2010), xếp thứ 121, được xếp vào loại Low warning, bỏ xa Việt Nam.
Việt Nam: Quốc gia thành công thứ tư trong khối ASEAN
Năm 2010 Việt Nam xếp thứ 95 (tức tăng 1 bậc về phía tốt hơn so với năm 2009), như vậy là tốt hơn Ấn Độ (thứ 87), Thái Lan (81), Indonesia (61), Phillippines (51), Cam-pu-chia (40), Lào (40), Myanmar (16); chỉ kém Malaysia (110), Brunei (117), Singapore (160), nói cách khác, Việt Nam là quốc gia thành công thứ 4 trong 10 quốc gia thuộc khối ASEAN.
Năm 2015, Việt Nam vẫn giữ thứ hạng thành công như trên và trong bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam tăng 2 bậc về phía tốt hơn.
Các chỉ tiêu của Việt Nam có số điểm như sau (trong ngoặc là số liệu năm 2010):
– DP: 6,1 (6,9); – REF: 4,7 (5,2); – GG: 6,5 (5,3); – HF: 5,6 (5,9); – UED: 5,5(5,9); – ECO: 5,8 (6,6); – SL 8,1 (7,3); – PS: 5,2 (6,4); – HR: 7,8 (7,3); – SEC: 5,1 (6,0); – FE: 6,9 (7,0); EXT: 5,1 (6,2);
Tổng cộng Việt Nam được 72,4 điểm (76,6), vẫn thuộc vào loại quốc gia cần được cảnh báo có nguy cơ thất bại. Có hai chỉ tiêu cao từ 7,0 trở lên, và tăng về phía xấu, đó là chỉ tiêu tham nhũng SL có số điểm là 8,1 (7,3); chỉ tiêu nhân quyền HR bằng 7,8 (7,3).
Dư luận một số nước châu Phi có phản ứng khi thấy nước mình bị xếp hạng xấu, cho rằng đây chỉ là cách đánh giá theo quan điểm phương Tây, còn đa số các nước không bình luận. Trung Quốc năm 2009 bị xếp hạng thuộc nhóm quốc gia thất bại nhưng cũng không có phàn nàn gì.
Qua đó có thể thấy phương pháp đánh giá quốc gia thất bại nói trên là tương đối khách quan. Bản thân nước Mỹ cũng không được xếp hạng tốt tương xứng với vị thế siêu cường số một. Dĩ nhiên, như mọi think tank khác của Mỹ, Quỹ Hoà bình và tạp chí Foreign Policy tiến hành nghiên cứu xếp hạng quốc gia thất bại trước hết nhằm phục vụ nhu cầu chiến lược của Washington, vì thế họ chỉ cần làm việc này một cách khách quan, khoa học chứ không cần quan tâm nhiều tới phản ứng của dư luận.
———-
Nguồn tham khảo:
– http://www.foreignpolicy.com;
– http://www.fundforpeace.org;
– https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_Fragile_States_Index
Kèm bảng xếp hạng 2015 lấy từ http://fsi.fundforpeace.org/rankings-2015
———–
[1] Gần đây thuật ngữ Chỉ số quốc gia thất bại đã được thay bằng thuật ngữ Chỉ số quốc gia dễ đổ vỡ (yếu kém), Fragile States Index (viết tắt vẫn là FSI), nhưng để tiện đối chiếu với số liệu các năm từ 2005 tới nay, ở đây chúng tôi vẫn dùng từ Chỉ số quốc gia thất bại.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/12/viet-nam-quoc-gia-thanh-cong-hay-bai/#sthash.zuHMVU0S.dpuf
Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016
Mấy ý nghĩ về thơ
Quang Dũng
Theo ý tôi, đã có những triệu chứng đáng mừng cho thơ: Người đọc đã muốn đòi hỏi một cái gì khác trong tiếng nói của thơ chứ không muốn đọc dễ dãi một ít sự việc ghi chép thành vần, một ít tình cảm đã gặp nhiều lần sắp xếp thành vần điệu và, bao giờ cũng thế, có cái kết hướng đi lên một cách đã quá quen thuộc. Người làm thơ cũng tự ngấy mình, nếu cứ đi mãi vào cái nếp dễ dãi ấy; làm xong một bài thơ mà thấy như chưa làm gì cả vì bản thân cũng thấy tẻ nhạt, không hào hứng không rung động. Hay có hào hứng rung động thì cũng chỉ là cái ảo ảnh chốc lát do vần điệu gây ra chứ cái vui lớn như của một người phát minh ra một cái gì cống hiến được cho cuộc sống thì không có. Tìm tòi công phu và sáng tạo, đó là cái băn khoăn chính của người làm thơ bấy nay; bây giờ đã có nhiều dấu hiệu của cuộc khủng hoảng trưởng thành trong thơ. Nhiều quan niệm khác nhau về kỹ thuật và nội dung đã dần dần lên tiếng, và cũng như đang có một sức chuyển mình chưa biết đến thế nào nhưng chắc chắn là sẽ làm phong phú cho thơ của chúng ta.
Từ cách mạng, qua kháng chiến mười năm, cũng như ở mọi địa hạt khác, ở thơ người ta thấy không có được nhiều tác phẩm lớn. Đòi hỏi như thế thì cũng có thể là vội vàng, nhưng không phải là không chính đáng. Dân tộc làm một cuộc cách mạng. Cuộc sống bao nhiêu cái vĩ đại đang diễn ra, cái mừng vui cũng như cái đau khổ, mười năm qua, ai mà chẳng thấy là những cái mà con người thấy có cái vinh dự được trải qua. Cái hiện tại thật là to lớn, ai mà không thấy tự hào có mặt. Thế mà nguồn thơ chưa bắt được mạch sống, chưa có chất máu đỏ tươi, hơi thở khổng lồ của cuộc đời hiện tại, thực cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.
Tôi hình dung lại lúc bước vào kháng chiến, lúc người thi sĩ bước vào cách mạng. “Cách mạng”, chỉ hai tiếng đó với bao nhiêu âm hưởng và hình ảnh nó gợi lên, đủ lôi cuốn người làm thơ, − vốn tìm cái đẹp chân chính − không mặc cả, lao cả cuộc đời mình theo nó. Nhưng thật là bỡ ngỡ. Ta như những người chán một bờ nhỏ hẹp thèm một đất đai khác, mê biển rộng, ra đi mà thiếu một địa bàn vững chắc. Nên có cái hào hứng, cái nhiệt thành của người đi mà chưa có cái phong thái vững vàng và trong sáng của người đến.
Những người làm thơ lớp trước, khi bước vào Cách mạng đều muốn đem hết cái nhiệt tình của mình để làm trách nhiệm hướng dẫn − và tưởng như hướng dẫn được − cái sức thơ măng trẻ của dân tộc. Nhưng có một điều là chính những người làm thơ ấy lúc làm cái việc tìm đường cho thơ thì con người thơ trong họ biến mất. Chỉ còn có con người “đường lối”, “lập trường”, con người “đi lên” hay “đi xuống” nó choán hết. Và cứ như thế, những người thi sĩ ấy chạy theo miết những biện pháp cụ thể của chính sách, những công việc sự vụ ngập đầu. Những người ấy đã một thời được quần chúng ưa thích, Cách mạng cũng tin tưởng ở những người ấy và sở cậy họ ở trong lĩnh vực thơ, kỳ vọng họ sẽ đem cái hồn thơ làm phong phú cho Cách mạng, mở thêm những chân trời bao la về cảm xúc, cái mà cách mạng bản thân nó cũng mong đợi ở người làm thơ. Để tiến lên lên cùng cách mạng, hồn con người cần phải phơi phới, bay lộng như lá cờ anh dũng của nhân dân đang tự giải phóng mình; hồn con người trong cuộc đấu tranh quyết liệt này, va chạm cũng vĩ đại, đau xót cũng trên mức bình thường, vui sướng hào hứng cũng đến cùng độ; thế mà trước hết, những người thi sĩ đứng tiêu biểu cho cái truyền thống thơ của dân tộc lúc bước vào cái con đường vinh quang của lịch sử ấy của dân tộc, đã tự trói chân mình, cắt cánh mình…, bỏ ngay cả chính cái phơi phới phóng khoáng của tâm hồn nó là một điều nằm trong mục đích của cách mạng: giải phóng cho con người, được hoàn toàn là con người, tự do lớn lên, tự do vươn tới những chân trời tình cảm mà từ lâu đời, phong kiến và tư bản đã đứng lù lù chặn lối…
Dưới cái ảnh hưởng ấy, những người làm thơ, những người có cái cốt cách thi sĩ, có cá tính phong phú ngay cả ở chế độ cũ, tưởng bước vào ánh sáng của cách mạng thì hoa sẽ nở muôn cành, chim sẽ bay vạn dặm, cái khí thế người thi nhân bao giờ cũng dũng cảm bảo về cái Đẹp và cái Thật, tưởng sẽ được khuyến khích, thì trái lại, đã chịu bước đi từng bước một, mang nặng những cái mâu thuẫn trong tâm hồn, e dè với cách mạng, cách bức với cách mạng, quên hẳn chính mình là hơi thở của cuộc đời vĩ đại mai này mà cách mạng đang tạo nên. Làm thế nào mà nói lên được cái đẹp tốt, cái viễn ảnh làm phấn khởi lòng người đi cùng trong một chuyến thuyền tới nơi đất đai mà chính mình chưa nắm được nó ra thế nào?
Chưa ý thức được cách mạng một cách rõ rệt nên tiếng nói của thơ đối với cuộc đời mới đang xây dựng này thiếu hào sảng, thiếu cái khí thế vững mạnh của nó. Người làm thơ bấy nay chưa làm chủ vấn đề, nói trắng là chưa thấy được rõ cái nhiệm vụ cách mạng của mình, nên tiếng nói chỉ là phụ hoạ mà không có được cái giá trị sáng tạo đóng góp cho cách mạng.
Tôi muốn trình bày ra đây những dẫn chứng cụ thể về cái ý “tiếng nói của thơ mới chỉ là phụ hoạ chứ không có được cái giá trị sáng tạo đóng góp cho cách mạng”.
Từ lúc dân tộc làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám cho đến lúc bước vào cuộc kháng chiến, người văn nghệ nào cũng chờ đợi những đường lối sáng tác mà Cách mạng sẽ mang tới cho mình, những đường lối ấy họ ước mong là sẽ tới để giải phóng cho ngòi bút họ. Bởi thế cho nên Cách mạng đòi hỏi gì, họ đều đứng dậy “có mặt” ngay. Đường lối của cách mạng, họ tuyệt đối tuân theo và triệt để ủng hộ. Những con người văn nghệ − nói riêng ở đây là những người làm thơ − vừa hôm qua đây còn mang bao nhiêu bản chất ngang tàng, khinh mạn với cuộc sống (cũ), kiêu bạc với cuộc đời (cũ), mỗi người như một hòn núi lửa, mỗi người có cái tự hào riêng với cái thế giới riêng của mình, mỗi người sống theo một nhân sinh quan đặc biệt của mình, ấy thế mà nghe tiếng hô của Cách mạng, họ tập trung được ngay, cùng một ý chí chiến đấu và cùng một lòng cố vượt, hy sinh cái đời riêng với những thói quen của mình − cái hy sinh ấy đã thật là đau xót đối với họ − để đi theo Cách mạng. Là vì họ đều hăm hở muốn được Cách mạng mở cho họ những chân trời mới về cảm xúc và có cái sung sướng của những người được đi vào một xứ sở mới lạ và phong phú về đề tài.
Nhưng những quan niệm giới hạn về văn nghệ của những người có trách nhiệm hướng dẫn họ đã làm tắt cái lửa đó. Người ta quan niệm người làm thơ là những người mơ mộng không sát được thực tế cách mạng, là những người hoàn toàn ngây thơ mà cách mạng phải dạy dỗ uốn nắn mới đi vào được những vấn đề mới. Những người chỉ đạo đường lối − là những cán bộ chính trị chứ không phải là những nhà thơ, hoặc là nhà thơ nhưng đã không còn mang tính chất thi sĩ nữa − lại cứ lo lắng và tự thấy mình như phải có cái trách nhiệm hướng dẫn thơ đi cho đúng với công tác trước mắt của cách mạng, áp dụng nó vào những công việc có tính chất thực dụng ngay, dựa theo một ý thức không rộng rãi về “phục vụ” mà đưa ra những nguyên tắc, những lệ luật máy móc để đánh giá thơ … do đó đã gò thơ đi vào công tác cách mạng một cách bị động.
Xuất phát từ những điểm ấy, người lãnh đạo đã xem người làm thơ rất nhỏ bé, rất phụ thuộc, coi như họ chỉ là những người có khả năng diễn ca mọi vấn đề của cách mạng, coi như họ là một bộ môn cần thiết cũng có cho đủ ở trong một nước và cũng có một tác dụng nào trong công tác tuyên truyền cho cách mạng mà thôi. Trên lý luận, Đảng coi trọng vấn đề văn học, nhưng trên thực tế công tác, những người lãnh đạo đã không tin tưởng ở những người làm thơ và không nhìn họ đúng với cái tầm quan trọng của vấn đề.
Thành ra chính đi theo cách mạng mà cái tri thức về cách mạng, người làm thơ không được trau dồi cho đến nơi đến chốn; người làm thơ lúc nào cũng bỡ ngỡ với những vấn đề mới do công việc cách mạng biến diễn ra; lúc nào cũng làm một người đuổi theo vấn đề. Không thấy mình được chủ động gì hết trong lĩnh vực của tư tưởng nghệ thuật. Theo ý tôi, cách mạng đâu có muốn như thế! Cách mạng đâu có cứng nhắc muốn tạo ra những người chỉ biết phục tòng mình mà không sáng tạo gì thêm được cho cách mạng.
Người lãnh đạo cách mạng tưởng không gì chán hơn là lại được đọc những tác phẩm văn thơ đúng như trong đường lối mình vạch ra, tư tưởng của tác phẩm chỉ ở trong cái phạm vi tư tưởng mà mình đã gợi ra. Chính những người lãnh đạo cách mạng cũng đòi hỏi ở Văn nghệ − riêng là thơ − nói lên cho mình những tình cảm lớn lao, cổ vũ được cả cho mình, bồi dưỡng cho mình bằng những cái xúc cảm lạ lùng vĩ đại mà người thi sĩ tiên giác được trên cơ sở của cách mạng. Nhưng làm thế nào được? Đã có người thi sĩ nào gần đây có thể nói lớn được rằng: “Cách mạng đã hoàn toàn tin cậy ở tôi. Tôi tự hào được đứng ở hàng ngũ tiền phong của cách mạng, vì cách mạng đã giúp cho tôi ý thức nổi cái trách nhiệm và đã cho tôi đầy đủ cái hiểu biết về cách mạng rồi”.
Do cái tình trạng ấy mà người làm thơ cũng cứ vô tình thấy mình nhỏ lại, rồi bằng lòng theo những lối đã vẽ ra, trăm người cùng đi một kiểu, cùng tới một chỗ, cùng gặp những cây cỏ và sông núi giống nhau, kể lại cho nhau nghe thì ai cũng biết cả rồi… chỉ một con đường ấy, cây cỏ ấy, núi và sông ấy… Cả một nếp suy nghĩ, vui buồn của dân tộc bỗng nhiên đều bị ảnh hưởng của sự hướng dẫn một chiều đó.
Công chúng đọc thơ cũng bị gò vào cái nếp nhận xét rất khắc nghiệt của công thức, nên chi, cái hiện tượng trước khi đọc một bài thơ, người ta đã mai phục sẵn những nguyên tắc để mổ xẻ nó, phê phán nó. Óc nhận xét máy móc đã choán mất cái óc thưởng thức hồn nhiên và bình tĩnh của người đọc. Người làm thơ giống nhau, người phê bình cũng phê bình bằng những lý luận, những nguyên tắc giống nhau. Rồi chính người làm thơ không dám đi sai cái công thức mà mình đã đưa tràn ngập trong thơ, chỉ vì lại sợ công chúng − đã được hướng dẫn theo nếp ấy − lại vận dụng chính cái tinh thần đó mà phê phán thơ mình.
Cái vòng luẩn quẩn đó đã kéo dài.
Người làm thơ tự thấy như mình phải giả tạo đi phần nào. Đã thấy hai con người trong một mình anh. Cũng như Tartarin Quichotte và Tartarin Sancho trong một truyện của Daudet. Lúc Tartarin Quichotte hét đòi phải đưa cho mình giáo, mác, đao, chuỳ, để xông pha vào chốn nguy hiểm, thì Tartarin Sancho hét cô hàng cà-phê phải đưa cho mình súc-cù-là, bánh, thịt và áo len. Mà chỉ là một Tartarin. Chỉ là một con người chứa hai con người xung đột nhau. Người thi sĩ có chứa đựng những cảm xúc rào rạt chân thành với cuộc sống − mà cuộc sống thì mênh mông rộng lớn, cuộc sống có chứa đựng chính sách chứ đâu phải là chính sách chứa đựng nổi cuộc sống − mà nói ra thì e ngại những sự sai lạc này nọ, nên không thể nào thấy thoả mãn được.
Có cái gì đè nặng lên đường lối văn học nghệ thuật chúng ta mà văn học nghệ thuật lại từ chối những sự phản ảnh chân thành của mọi khía cạnh tâm tình! Cái gì đè nặng lên tư tưởng mọi người để hễ nói ra là phải nói những điều đã đúng từ trước khi nói? Sao lại phải gò nhau vào một cái khuôn rồi bảo cứ tự do đi lại trong cái khuôn đó? Hễ không chịu được thì lại chụp mũ là tư tưởng còn lạc hậu! chưa ý thức được cái tự do mới! cái tự do trong những khuôn khổ!...
Thơ của chúng ta, chính trong mười năm qua, bản thân nó, dầu cho công thức đi nữa, thì cũng đã lớn, cũng đã là một bước dài so với cái đời chưa cách mạng. Nhưng giá không vướng vào những khuyết điểm trên kia, ai biết nó đã đi xa đến thế nào? Ai đoán được nó đã cao lớn như thế nào? Và sự nghiệp của thơ đối với dân tộc của chúng ta đang cách mạng đã có những đóng góp to tát và phong phú đến thế nào! Cái sống của dân tộc làm cách mạng thì to quá, mà cái tiếng nói mới của dân tộc, cái nghĩ mới của dân tộc, cái tứ hào hùng để khích lệ thêm cho dân tộc thì lại như rụt rè, tụt lại sau, bị bỏ rơi một quãng đường không phải là ngắn.
Không riêng gì trong địa hạt thơ, các ngành khác của văn học nghệ thuật cũng đều cảm thấy như vậy (như những bài đã phát biểu trên báo Văn nghệhoặc những ý phát biểu trong cuộc học tập lý luận vừa qua) cho nên có cái hiện tượng băn khoăn chung, dấu hiệu của những sự thay đổi sắp tới, − và tất cả những hy vọng đó muốn chờ mong ở Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai này giải quyết. Sự trưởng thành ngày nay, theo ý tôi, chính là do mười năm kháng chiến và cách mạng vừa qua. Chính ở trên miếng đất đã nuôi dưỡng chúng ta ấy mà chúng ta đã lớn lên và nhận thấy mình cần thay đổi. Cũng như mỗi người nhớ lại những nét vẽ của mình ngày nhỏ: người thì là một cái gậy, đầu tròn như một cái vung, tay là một cái que có năm ngón toè ra như năm cái tăm. Ngày nhỏ ta cho thế là đúng hình dáng của một người rồi. Lớn lên, ta không cần phải biết luật viễn cận hay hiểu về khoa học tạo hình mà cũng cứ nhận ngay là sai và buồn cười về những nét đơn sơ nguệch ngoạc ấy của thời thơ ấu. Qua một chặng đường dài, ta đã nhiều kinh nghiệm. Ánh sáng của Đại hội thứ hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô, ánh sáng của những lý luận văn học của các nước bạn mới tràn vào, ùa vào như ánh sáng ùa qua cửa sổ mới mở, đến với chúng ta; ánh sáng của những buổi kiểm điểm văn học nghệ thuật theo một đường lối dân chủ thực sự do Đảng chủ trương; ánh sáng của một nền nhân văn chân chính lúc nào cũng dắt người ta trở lại đi đúng đường; tất cả đã giúp chúng ta đứng dậy, nhận định nổi cái yếu ớt, cái gò bó, cái nông cạn nó làm cản trở đà lên của chúng ta từ trước đến nay. Chính ta đã lớn lên, lớn lên vì cả những băn khoăn mà ta đã ấp ủ hàng bao nhiêu ngày nay. Bây giờ đã đến lúc cởi mở. Bây giờ đã đến lúc người làm thơ vun đắp, đề cao cái truyền thống thi sĩ của mình. Và Cách mạng thiết tha phát huy cho cái truyền thống đó.
Theo ý tôi, cái truyền thống vinh quang của người thi sĩ là ở chỗ lúc nào họ cũng thấy có trách nhiệm gắn bó với cuộc sống. Họ là những người biết yêu ghét vui mừng hay căm giận ở một mức độ cao hơn mọi người. Họ là những người lúc nào cũng tha thiết với chính nghĩa và tự thấy như mình phải có một sứ mệnh: làm cái tiếng nói trong sáng nhất, can đảm nhất và tha thiết nhất của con người.
Cũng chính vì có mang được cái truyền thống đó trong mình nên người làm thơ mới được xã hội cần đến.
Nếu anh cũng rung động bình thường như mọi người, đau xót bình thường như mọi người, dũng cảm bình thường như mọi người dũng cảm được, thì nói lên hay không nói lên, lời anh cũng vậy mà thôi, vì nó chỉ ở mức bình thường mà mọi người đều có cả. Làm sao mà nói ra những điều xúc động lòng người? Chính cái truyền thống ấy nó đã giúp cho người thi sĩ vượt được lên trên mọi vấn đề của thời đại, mọi trói buộc tầm thường của cuộc đời để nhìn thấy những khía cạnh mà người ta không nhìn thấy rõ được. Rồi họ thấy tự họ phải có cái trách nhiệm nói lên với cuộc sống những ưu tư của họ, những điều họ đau xót, những điều họ ước vọng hay những niềm tin tưởng của họ đối với cuộc sống.
Không có người thi sĩ lớn nào đã được cuộc đời yêu mến kính trọng mà lại không từ chỗ cảm thông sâu sắc với thời đại của mình vượt ra khỏi cái khuôn sáo của thời đại mình; bởi thế tiếng nói của họ nhiều khi lạ lùng làm người ta sửng sốt − nhưng tin tưởng ở trong con người họ vững chắc, họ cứ đi thẳng con đường sứ mệnh của họ và xã hội bao giờ cũng công bằng, chóng chầy sẽ biết đến họ và coi họ là những người bạn tâm tình thứ nhất của mình, vì chính họ đã nói được lên cái ước vọng chính đáng nhất của xã hội.
Người thi sĩ thấy vinh dự được đi với Cách mạng, Cách mạng cũng thấy cái vinh dự được nhiều thi sĩ về “tụ nghĩa” ở dưới bóng cờ mình. Họ vốn là những người bất mãn lớn với cái cũ rồi. Họ đi với Cách mạng là để được làm Cách mạng chứ đâu phải để bất mãn với Cách mạng. Đôi điểm không thông đã làm cho họ phật ý, nhưng nghĩ đến Cách mạng, tin ở cái chân lý cao cả của Cách mạng, họ vẫn phấn đấu, kiên trì và trung thành với Cách mạng, dầu họ là trong Đảng hay ngoài Đảng. Đã đứng ở hàng ngũ phấn đấu cho Cộng sản chủ nghĩa là cái lý tưởng tuyệt đích của nhân loại bây giờ, họ cũng có cái kiêu hãnh mang một tâm hồn Cộng sản − và họ nhất định tin như thế − chỉ có khác là kết nạp hay chưa kết nạp mà thôi.
*
Người ta quan niệm từ xưa tới nay rằng người làm cái “nghiệp” văn chương thường là lận đận. Cái đó không phải là không có lý. Người Văn nghệ sĩ, người làm thơ nói riêng ở đây, là người có nhiều khí khái, có nhiều tự trọng và có một cái ý thức rõ rệt về trách nhiệm của mình, tất nhiên là không thể dung hoà với những cái trạng thái hỗn loạn của xã hội cũ, nên họ thường là chống đối; họ là những hiệp sĩ mang cây bút vì con người mà xông pha mà hy sinh. Thân thế họ vì vậy mới “ba chìm bảy nổi”. Những chính thể đương thời không dung được họ và họ cũng không dung tha gì cho những chính thể đó. Họ đều là những người bất mãn xung thiên cả. Có người đã nói: “Bao giờ cũng vậy, văn chương kiệt tác vẫn là những thứ văn chương chống đối lại”. Cái đó theo tôi rất đúng đối với thời đại cũ.
Nhưng ở chế độ của chúng ta, điều đó không còn là một quy luật nữa. Cách mạng là nơi “đất thánh” mà người thi sĩ hằng mơ ước đi tới, − dầu có gặp những bệnh ấu trĩ nó làm chậm bước đi của họ phần nào − thì họ vẫn cứ thẳng bước đi tới. Chống đối lại Cách mạng ư? Không bao giờ họ lại chống đối lại chính cái lý tưởng tha thiết nhất của đời họ mà họ đã quyết hiến dâng cả tim óc và máu nóng! Họ chỉ chống đối những cái sai lầm có phương hại đến Cách mạng chính vì cái ý thức thiết tha bảo vệ Cách mạng của họ mà thôi.
Theo ý tôi, những người làm thơ là những người như vậy, thiết tha gắn bó với cái hiện tại của Cách mạng, sôi nổi muốn góp phần xương máu của mình vào cho sự nghiệp Cách mạng chóng thành công, thế mà họ chưa đạt được những điều mong ước. Vì sao? Chính bởi họ chưa được hoàn toàn tự do phát triển tài năng của họ. Chính vì họ chỉ mới làm vai trò phụ hoạ chứ không phải vai trò tiền phong của Cách mạng.
Bản thân người thi sĩ cũng vì thế mà không thoải mái vững vàng trong những bước đi mới của mình. Nói cách khác tức là kém một tinh thần “chủ nhân ông” trong vấn đề.
Giải phóng cho thơ không gì bằng trang bị cho người làm thơ đầy đủ cái hiểu biết về Cách mạng, đặt tin tưởng vào họ và để họ tự do tung hoành trên cái diện tích bao la của cuộc sống Cách mạng, chắc chắn là tiếng nói của thơ lại sẽ ngân vang sang sảng và phong phú vô cùng.
Giải phóng cho thơ, không gì bằng trả lại cho người làm thơ cái giá trị xứng đáng với cái truyền thống cao quý mà họ đã mang ở trong máu họ.
Theo ý tôi, đã có những triệu chứng đáng mừng cho thơ: Người đọc đã muốn đòi hỏi một cái gì khác trong tiếng nói của thơ chứ không muốn đọc dễ dãi một ít sự việc ghi chép thành vần, một ít tình cảm đã gặp nhiều lần sắp xếp thành vần điệu và, bao giờ cũng thế, có cái kết hướng đi lên một cách đã quá quen thuộc. Người làm thơ cũng tự ngấy mình, nếu cứ đi mãi vào cái nếp dễ dãi ấy; làm xong một bài thơ mà thấy như chưa làm gì cả vì bản thân cũng thấy tẻ nhạt, không hào hứng không rung động. Hay có hào hứng rung động thì cũng chỉ là cái ảo ảnh chốc lát do vần điệu gây ra chứ cái vui lớn như của một người phát minh ra một cái gì cống hiến được cho cuộc sống thì không có. Tìm tòi công phu và sáng tạo, đó là cái băn khoăn chính của người làm thơ bấy nay; bây giờ đã có nhiều dấu hiệu của cuộc khủng hoảng trưởng thành trong thơ. Nhiều quan niệm khác nhau về kỹ thuật và nội dung đã dần dần lên tiếng, và cũng như đang có một sức chuyển mình chưa biết đến thế nào nhưng chắc chắn là sẽ làm phong phú cho thơ của chúng ta.
Từ cách mạng, qua kháng chiến mười năm, cũng như ở mọi địa hạt khác, ở thơ người ta thấy không có được nhiều tác phẩm lớn. Đòi hỏi như thế thì cũng có thể là vội vàng, nhưng không phải là không chính đáng. Dân tộc làm một cuộc cách mạng. Cuộc sống bao nhiêu cái vĩ đại đang diễn ra, cái mừng vui cũng như cái đau khổ, mười năm qua, ai mà chẳng thấy là những cái mà con người thấy có cái vinh dự được trải qua. Cái hiện tại thật là to lớn, ai mà không thấy tự hào có mặt. Thế mà nguồn thơ chưa bắt được mạch sống, chưa có chất máu đỏ tươi, hơi thở khổng lồ của cuộc đời hiện tại, thực cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.
Tôi hình dung lại lúc bước vào kháng chiến, lúc người thi sĩ bước vào cách mạng. “Cách mạng”, chỉ hai tiếng đó với bao nhiêu âm hưởng và hình ảnh nó gợi lên, đủ lôi cuốn người làm thơ, − vốn tìm cái đẹp chân chính − không mặc cả, lao cả cuộc đời mình theo nó. Nhưng thật là bỡ ngỡ. Ta như những người chán một bờ nhỏ hẹp thèm một đất đai khác, mê biển rộng, ra đi mà thiếu một địa bàn vững chắc. Nên có cái hào hứng, cái nhiệt thành của người đi mà chưa có cái phong thái vững vàng và trong sáng của người đến.
Những người làm thơ lớp trước, khi bước vào Cách mạng đều muốn đem hết cái nhiệt tình của mình để làm trách nhiệm hướng dẫn − và tưởng như hướng dẫn được − cái sức thơ măng trẻ của dân tộc. Nhưng có một điều là chính những người làm thơ ấy lúc làm cái việc tìm đường cho thơ thì con người thơ trong họ biến mất. Chỉ còn có con người “đường lối”, “lập trường”, con người “đi lên” hay “đi xuống” nó choán hết. Và cứ như thế, những người thi sĩ ấy chạy theo miết những biện pháp cụ thể của chính sách, những công việc sự vụ ngập đầu. Những người ấy đã một thời được quần chúng ưa thích, Cách mạng cũng tin tưởng ở những người ấy và sở cậy họ ở trong lĩnh vực thơ, kỳ vọng họ sẽ đem cái hồn thơ làm phong phú cho Cách mạng, mở thêm những chân trời bao la về cảm xúc, cái mà cách mạng bản thân nó cũng mong đợi ở người làm thơ. Để tiến lên lên cùng cách mạng, hồn con người cần phải phơi phới, bay lộng như lá cờ anh dũng của nhân dân đang tự giải phóng mình; hồn con người trong cuộc đấu tranh quyết liệt này, va chạm cũng vĩ đại, đau xót cũng trên mức bình thường, vui sướng hào hứng cũng đến cùng độ; thế mà trước hết, những người thi sĩ đứng tiêu biểu cho cái truyền thống thơ của dân tộc lúc bước vào cái con đường vinh quang của lịch sử ấy của dân tộc, đã tự trói chân mình, cắt cánh mình…, bỏ ngay cả chính cái phơi phới phóng khoáng của tâm hồn nó là một điều nằm trong mục đích của cách mạng: giải phóng cho con người, được hoàn toàn là con người, tự do lớn lên, tự do vươn tới những chân trời tình cảm mà từ lâu đời, phong kiến và tư bản đã đứng lù lù chặn lối…
Dưới cái ảnh hưởng ấy, những người làm thơ, những người có cái cốt cách thi sĩ, có cá tính phong phú ngay cả ở chế độ cũ, tưởng bước vào ánh sáng của cách mạng thì hoa sẽ nở muôn cành, chim sẽ bay vạn dặm, cái khí thế người thi nhân bao giờ cũng dũng cảm bảo về cái Đẹp và cái Thật, tưởng sẽ được khuyến khích, thì trái lại, đã chịu bước đi từng bước một, mang nặng những cái mâu thuẫn trong tâm hồn, e dè với cách mạng, cách bức với cách mạng, quên hẳn chính mình là hơi thở của cuộc đời vĩ đại mai này mà cách mạng đang tạo nên. Làm thế nào mà nói lên được cái đẹp tốt, cái viễn ảnh làm phấn khởi lòng người đi cùng trong một chuyến thuyền tới nơi đất đai mà chính mình chưa nắm được nó ra thế nào?
Chưa ý thức được cách mạng một cách rõ rệt nên tiếng nói của thơ đối với cuộc đời mới đang xây dựng này thiếu hào sảng, thiếu cái khí thế vững mạnh của nó. Người làm thơ bấy nay chưa làm chủ vấn đề, nói trắng là chưa thấy được rõ cái nhiệm vụ cách mạng của mình, nên tiếng nói chỉ là phụ hoạ mà không có được cái giá trị sáng tạo đóng góp cho cách mạng.
Tôi muốn trình bày ra đây những dẫn chứng cụ thể về cái ý “tiếng nói của thơ mới chỉ là phụ hoạ chứ không có được cái giá trị sáng tạo đóng góp cho cách mạng”.
Từ lúc dân tộc làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám cho đến lúc bước vào cuộc kháng chiến, người văn nghệ nào cũng chờ đợi những đường lối sáng tác mà Cách mạng sẽ mang tới cho mình, những đường lối ấy họ ước mong là sẽ tới để giải phóng cho ngòi bút họ. Bởi thế cho nên Cách mạng đòi hỏi gì, họ đều đứng dậy “có mặt” ngay. Đường lối của cách mạng, họ tuyệt đối tuân theo và triệt để ủng hộ. Những con người văn nghệ − nói riêng ở đây là những người làm thơ − vừa hôm qua đây còn mang bao nhiêu bản chất ngang tàng, khinh mạn với cuộc sống (cũ), kiêu bạc với cuộc đời (cũ), mỗi người như một hòn núi lửa, mỗi người có cái tự hào riêng với cái thế giới riêng của mình, mỗi người sống theo một nhân sinh quan đặc biệt của mình, ấy thế mà nghe tiếng hô của Cách mạng, họ tập trung được ngay, cùng một ý chí chiến đấu và cùng một lòng cố vượt, hy sinh cái đời riêng với những thói quen của mình − cái hy sinh ấy đã thật là đau xót đối với họ − để đi theo Cách mạng. Là vì họ đều hăm hở muốn được Cách mạng mở cho họ những chân trời mới về cảm xúc và có cái sung sướng của những người được đi vào một xứ sở mới lạ và phong phú về đề tài.
Nhưng những quan niệm giới hạn về văn nghệ của những người có trách nhiệm hướng dẫn họ đã làm tắt cái lửa đó. Người ta quan niệm người làm thơ là những người mơ mộng không sát được thực tế cách mạng, là những người hoàn toàn ngây thơ mà cách mạng phải dạy dỗ uốn nắn mới đi vào được những vấn đề mới. Những người chỉ đạo đường lối − là những cán bộ chính trị chứ không phải là những nhà thơ, hoặc là nhà thơ nhưng đã không còn mang tính chất thi sĩ nữa − lại cứ lo lắng và tự thấy mình như phải có cái trách nhiệm hướng dẫn thơ đi cho đúng với công tác trước mắt của cách mạng, áp dụng nó vào những công việc có tính chất thực dụng ngay, dựa theo một ý thức không rộng rãi về “phục vụ” mà đưa ra những nguyên tắc, những lệ luật máy móc để đánh giá thơ … do đó đã gò thơ đi vào công tác cách mạng một cách bị động.
Xuất phát từ những điểm ấy, người lãnh đạo đã xem người làm thơ rất nhỏ bé, rất phụ thuộc, coi như họ chỉ là những người có khả năng diễn ca mọi vấn đề của cách mạng, coi như họ là một bộ môn cần thiết cũng có cho đủ ở trong một nước và cũng có một tác dụng nào trong công tác tuyên truyền cho cách mạng mà thôi. Trên lý luận, Đảng coi trọng vấn đề văn học, nhưng trên thực tế công tác, những người lãnh đạo đã không tin tưởng ở những người làm thơ và không nhìn họ đúng với cái tầm quan trọng của vấn đề.
Thành ra chính đi theo cách mạng mà cái tri thức về cách mạng, người làm thơ không được trau dồi cho đến nơi đến chốn; người làm thơ lúc nào cũng bỡ ngỡ với những vấn đề mới do công việc cách mạng biến diễn ra; lúc nào cũng làm một người đuổi theo vấn đề. Không thấy mình được chủ động gì hết trong lĩnh vực của tư tưởng nghệ thuật. Theo ý tôi, cách mạng đâu có muốn như thế! Cách mạng đâu có cứng nhắc muốn tạo ra những người chỉ biết phục tòng mình mà không sáng tạo gì thêm được cho cách mạng.
Người lãnh đạo cách mạng tưởng không gì chán hơn là lại được đọc những tác phẩm văn thơ đúng như trong đường lối mình vạch ra, tư tưởng của tác phẩm chỉ ở trong cái phạm vi tư tưởng mà mình đã gợi ra. Chính những người lãnh đạo cách mạng cũng đòi hỏi ở Văn nghệ − riêng là thơ − nói lên cho mình những tình cảm lớn lao, cổ vũ được cả cho mình, bồi dưỡng cho mình bằng những cái xúc cảm lạ lùng vĩ đại mà người thi sĩ tiên giác được trên cơ sở của cách mạng. Nhưng làm thế nào được? Đã có người thi sĩ nào gần đây có thể nói lớn được rằng: “Cách mạng đã hoàn toàn tin cậy ở tôi. Tôi tự hào được đứng ở hàng ngũ tiền phong của cách mạng, vì cách mạng đã giúp cho tôi ý thức nổi cái trách nhiệm và đã cho tôi đầy đủ cái hiểu biết về cách mạng rồi”.
Do cái tình trạng ấy mà người làm thơ cũng cứ vô tình thấy mình nhỏ lại, rồi bằng lòng theo những lối đã vẽ ra, trăm người cùng đi một kiểu, cùng tới một chỗ, cùng gặp những cây cỏ và sông núi giống nhau, kể lại cho nhau nghe thì ai cũng biết cả rồi… chỉ một con đường ấy, cây cỏ ấy, núi và sông ấy… Cả một nếp suy nghĩ, vui buồn của dân tộc bỗng nhiên đều bị ảnh hưởng của sự hướng dẫn một chiều đó.
Công chúng đọc thơ cũng bị gò vào cái nếp nhận xét rất khắc nghiệt của công thức, nên chi, cái hiện tượng trước khi đọc một bài thơ, người ta đã mai phục sẵn những nguyên tắc để mổ xẻ nó, phê phán nó. Óc nhận xét máy móc đã choán mất cái óc thưởng thức hồn nhiên và bình tĩnh của người đọc. Người làm thơ giống nhau, người phê bình cũng phê bình bằng những lý luận, những nguyên tắc giống nhau. Rồi chính người làm thơ không dám đi sai cái công thức mà mình đã đưa tràn ngập trong thơ, chỉ vì lại sợ công chúng − đã được hướng dẫn theo nếp ấy − lại vận dụng chính cái tinh thần đó mà phê phán thơ mình.
Cái vòng luẩn quẩn đó đã kéo dài.
Người làm thơ tự thấy như mình phải giả tạo đi phần nào. Đã thấy hai con người trong một mình anh. Cũng như Tartarin Quichotte và Tartarin Sancho trong một truyện của Daudet. Lúc Tartarin Quichotte hét đòi phải đưa cho mình giáo, mác, đao, chuỳ, để xông pha vào chốn nguy hiểm, thì Tartarin Sancho hét cô hàng cà-phê phải đưa cho mình súc-cù-là, bánh, thịt và áo len. Mà chỉ là một Tartarin. Chỉ là một con người chứa hai con người xung đột nhau. Người thi sĩ có chứa đựng những cảm xúc rào rạt chân thành với cuộc sống − mà cuộc sống thì mênh mông rộng lớn, cuộc sống có chứa đựng chính sách chứ đâu phải là chính sách chứa đựng nổi cuộc sống − mà nói ra thì e ngại những sự sai lạc này nọ, nên không thể nào thấy thoả mãn được.
Có cái gì đè nặng lên đường lối văn học nghệ thuật chúng ta mà văn học nghệ thuật lại từ chối những sự phản ảnh chân thành của mọi khía cạnh tâm tình! Cái gì đè nặng lên tư tưởng mọi người để hễ nói ra là phải nói những điều đã đúng từ trước khi nói? Sao lại phải gò nhau vào một cái khuôn rồi bảo cứ tự do đi lại trong cái khuôn đó? Hễ không chịu được thì lại chụp mũ là tư tưởng còn lạc hậu! chưa ý thức được cái tự do mới! cái tự do trong những khuôn khổ!...
Thơ của chúng ta, chính trong mười năm qua, bản thân nó, dầu cho công thức đi nữa, thì cũng đã lớn, cũng đã là một bước dài so với cái đời chưa cách mạng. Nhưng giá không vướng vào những khuyết điểm trên kia, ai biết nó đã đi xa đến thế nào? Ai đoán được nó đã cao lớn như thế nào? Và sự nghiệp của thơ đối với dân tộc của chúng ta đang cách mạng đã có những đóng góp to tát và phong phú đến thế nào! Cái sống của dân tộc làm cách mạng thì to quá, mà cái tiếng nói mới của dân tộc, cái nghĩ mới của dân tộc, cái tứ hào hùng để khích lệ thêm cho dân tộc thì lại như rụt rè, tụt lại sau, bị bỏ rơi một quãng đường không phải là ngắn.
Không riêng gì trong địa hạt thơ, các ngành khác của văn học nghệ thuật cũng đều cảm thấy như vậy (như những bài đã phát biểu trên báo Văn nghệhoặc những ý phát biểu trong cuộc học tập lý luận vừa qua) cho nên có cái hiện tượng băn khoăn chung, dấu hiệu của những sự thay đổi sắp tới, − và tất cả những hy vọng đó muốn chờ mong ở Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai này giải quyết. Sự trưởng thành ngày nay, theo ý tôi, chính là do mười năm kháng chiến và cách mạng vừa qua. Chính ở trên miếng đất đã nuôi dưỡng chúng ta ấy mà chúng ta đã lớn lên và nhận thấy mình cần thay đổi. Cũng như mỗi người nhớ lại những nét vẽ của mình ngày nhỏ: người thì là một cái gậy, đầu tròn như một cái vung, tay là một cái que có năm ngón toè ra như năm cái tăm. Ngày nhỏ ta cho thế là đúng hình dáng của một người rồi. Lớn lên, ta không cần phải biết luật viễn cận hay hiểu về khoa học tạo hình mà cũng cứ nhận ngay là sai và buồn cười về những nét đơn sơ nguệch ngoạc ấy của thời thơ ấu. Qua một chặng đường dài, ta đã nhiều kinh nghiệm. Ánh sáng của Đại hội thứ hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô, ánh sáng của những lý luận văn học của các nước bạn mới tràn vào, ùa vào như ánh sáng ùa qua cửa sổ mới mở, đến với chúng ta; ánh sáng của những buổi kiểm điểm văn học nghệ thuật theo một đường lối dân chủ thực sự do Đảng chủ trương; ánh sáng của một nền nhân văn chân chính lúc nào cũng dắt người ta trở lại đi đúng đường; tất cả đã giúp chúng ta đứng dậy, nhận định nổi cái yếu ớt, cái gò bó, cái nông cạn nó làm cản trở đà lên của chúng ta từ trước đến nay. Chính ta đã lớn lên, lớn lên vì cả những băn khoăn mà ta đã ấp ủ hàng bao nhiêu ngày nay. Bây giờ đã đến lúc cởi mở. Bây giờ đã đến lúc người làm thơ vun đắp, đề cao cái truyền thống thi sĩ của mình. Và Cách mạng thiết tha phát huy cho cái truyền thống đó.
Theo ý tôi, cái truyền thống vinh quang của người thi sĩ là ở chỗ lúc nào họ cũng thấy có trách nhiệm gắn bó với cuộc sống. Họ là những người biết yêu ghét vui mừng hay căm giận ở một mức độ cao hơn mọi người. Họ là những người lúc nào cũng tha thiết với chính nghĩa và tự thấy như mình phải có một sứ mệnh: làm cái tiếng nói trong sáng nhất, can đảm nhất và tha thiết nhất của con người.
Cũng chính vì có mang được cái truyền thống đó trong mình nên người làm thơ mới được xã hội cần đến.
Nếu anh cũng rung động bình thường như mọi người, đau xót bình thường như mọi người, dũng cảm bình thường như mọi người dũng cảm được, thì nói lên hay không nói lên, lời anh cũng vậy mà thôi, vì nó chỉ ở mức bình thường mà mọi người đều có cả. Làm sao mà nói ra những điều xúc động lòng người? Chính cái truyền thống ấy nó đã giúp cho người thi sĩ vượt được lên trên mọi vấn đề của thời đại, mọi trói buộc tầm thường của cuộc đời để nhìn thấy những khía cạnh mà người ta không nhìn thấy rõ được. Rồi họ thấy tự họ phải có cái trách nhiệm nói lên với cuộc sống những ưu tư của họ, những điều họ đau xót, những điều họ ước vọng hay những niềm tin tưởng của họ đối với cuộc sống.
Không có người thi sĩ lớn nào đã được cuộc đời yêu mến kính trọng mà lại không từ chỗ cảm thông sâu sắc với thời đại của mình vượt ra khỏi cái khuôn sáo của thời đại mình; bởi thế tiếng nói của họ nhiều khi lạ lùng làm người ta sửng sốt − nhưng tin tưởng ở trong con người họ vững chắc, họ cứ đi thẳng con đường sứ mệnh của họ và xã hội bao giờ cũng công bằng, chóng chầy sẽ biết đến họ và coi họ là những người bạn tâm tình thứ nhất của mình, vì chính họ đã nói được lên cái ước vọng chính đáng nhất của xã hội.
Người thi sĩ thấy vinh dự được đi với Cách mạng, Cách mạng cũng thấy cái vinh dự được nhiều thi sĩ về “tụ nghĩa” ở dưới bóng cờ mình. Họ vốn là những người bất mãn lớn với cái cũ rồi. Họ đi với Cách mạng là để được làm Cách mạng chứ đâu phải để bất mãn với Cách mạng. Đôi điểm không thông đã làm cho họ phật ý, nhưng nghĩ đến Cách mạng, tin ở cái chân lý cao cả của Cách mạng, họ vẫn phấn đấu, kiên trì và trung thành với Cách mạng, dầu họ là trong Đảng hay ngoài Đảng. Đã đứng ở hàng ngũ phấn đấu cho Cộng sản chủ nghĩa là cái lý tưởng tuyệt đích của nhân loại bây giờ, họ cũng có cái kiêu hãnh mang một tâm hồn Cộng sản − và họ nhất định tin như thế − chỉ có khác là kết nạp hay chưa kết nạp mà thôi.
*
Người ta quan niệm từ xưa tới nay rằng người làm cái “nghiệp” văn chương thường là lận đận. Cái đó không phải là không có lý. Người Văn nghệ sĩ, người làm thơ nói riêng ở đây, là người có nhiều khí khái, có nhiều tự trọng và có một cái ý thức rõ rệt về trách nhiệm của mình, tất nhiên là không thể dung hoà với những cái trạng thái hỗn loạn của xã hội cũ, nên họ thường là chống đối; họ là những hiệp sĩ mang cây bút vì con người mà xông pha mà hy sinh. Thân thế họ vì vậy mới “ba chìm bảy nổi”. Những chính thể đương thời không dung được họ và họ cũng không dung tha gì cho những chính thể đó. Họ đều là những người bất mãn xung thiên cả. Có người đã nói: “Bao giờ cũng vậy, văn chương kiệt tác vẫn là những thứ văn chương chống đối lại”. Cái đó theo tôi rất đúng đối với thời đại cũ.
Nhưng ở chế độ của chúng ta, điều đó không còn là một quy luật nữa. Cách mạng là nơi “đất thánh” mà người thi sĩ hằng mơ ước đi tới, − dầu có gặp những bệnh ấu trĩ nó làm chậm bước đi của họ phần nào − thì họ vẫn cứ thẳng bước đi tới. Chống đối lại Cách mạng ư? Không bao giờ họ lại chống đối lại chính cái lý tưởng tha thiết nhất của đời họ mà họ đã quyết hiến dâng cả tim óc và máu nóng! Họ chỉ chống đối những cái sai lầm có phương hại đến Cách mạng chính vì cái ý thức thiết tha bảo vệ Cách mạng của họ mà thôi.
Theo ý tôi, những người làm thơ là những người như vậy, thiết tha gắn bó với cái hiện tại của Cách mạng, sôi nổi muốn góp phần xương máu của mình vào cho sự nghiệp Cách mạng chóng thành công, thế mà họ chưa đạt được những điều mong ước. Vì sao? Chính bởi họ chưa được hoàn toàn tự do phát triển tài năng của họ. Chính vì họ chỉ mới làm vai trò phụ hoạ chứ không phải vai trò tiền phong của Cách mạng.
Bản thân người thi sĩ cũng vì thế mà không thoải mái vững vàng trong những bước đi mới của mình. Nói cách khác tức là kém một tinh thần “chủ nhân ông” trong vấn đề.
Giải phóng cho thơ không gì bằng trang bị cho người làm thơ đầy đủ cái hiểu biết về Cách mạng, đặt tin tưởng vào họ và để họ tự do tung hoành trên cái diện tích bao la của cuộc sống Cách mạng, chắc chắn là tiếng nói của thơ lại sẽ ngân vang sang sảng và phong phú vô cùng.
Giải phóng cho thơ, không gì bằng trả lại cho người làm thơ cái giá trị xứng đáng với cái truyền thống cao quý mà họ đã mang ở trong máu họ.
Ký ức về những cơn mưa
Sống Chậm
Câu chuyện số 1
Câu chuyện số 1
Tôi được lãnh đạo cho đi công tác ở Hồng Kông. Buổi tối cuối cùng được mời dự gala dinner của giới tài chính. Vì không khí vui, cởi mở hơn cả Oktoberfest [1] , nên có uống rượu, nhảy nhót nên làm rơi mất mấy cái danh thiếp. Hôm sau, tôi nhận được một email trong đó có hình scan cái card visit của chính tôi.
Quái lạ, sao lại có người mất công scan card của mình rồi lại gửi cho mình nhỉ? Xem tiếp trang scan thứ hai thì thấy một số điện thoại cùng một dòng ghi chú viết tay của mình. Thì ra vì sợ tôi mất đi một số điện thoại ghi ở phía sau card mà người tốt vô danh nào đó đã mất công scan và gửi email cho khổ chủ. Việc đó khiến tôi lưu tâm và suy nghĩ nhiều. Rồi một lần, có ai đó gửi nhầm cho tôi một email với nội dung về học tập (không phải spam mail). Nhớ lại câu chuyện chiếc card visit và người tốt vô danh, tôi đã gửi trả lại email đó kèm theo câu chuyện trên. Bản thân nghĩ là mình làm được một việc tốt. Mọi việc không dừng ở đó và dưới đây là chuyện tiếp theo.
Câu chuyện số 2
Cô gái ấy cảm kích lắm, viết mail cảm ơn tôi và thỉnh thoảng có gì cần hỏi ý kiến lại gửi email cho tôi. Đó là một cô bé khá đặc biệt, học giỏi ở trường Đại học Kinh tế. Hôm được nhận học bổng của Xi-măng Hà Tiên, cô bé ấy (gọi tôi là chú, đến nay tôi vẫn chưa hề biết mặt) gửi cho tôi một email nói về niềm sung sướng vô bờ và tự hào vì được lãnh đạo cao nhất của công ty đến trao tận tay học bổng ở trụ sở Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Cô bé có một nhận xét tinh tế rằng của cho không bằng cách cho. Học bổng không nhiều, nhưng sự trọng thị của ban giám đốc đã làm các sinh viên cảm động và mong muốn được cống hiến cho nhà máy.
Tôi chạnh lòng tự hỏi việc con cái thờ ơ, không biết quý trọng những gì chúng có, có phải là lỗi ở cách dạy dỗ của chính chúng ta? Có phải vì ta đã cho chúng quá nhiều, chăm bẵm quá kỹ? Cách cho lại cũng không hợp lý?
Một hôm khác, không biết có tâm sự gì cô bé ấy gửi cho tôi một bài thơ với nhan đề
Tặng anh một bài thơ con nít – Mưa
Một hạt mưa rơi
Từng hạt mưa rơi
Bé đang ngồi chơi
Vội đóng cửa sổ
Mưa như pháo nổ
Toé muôn bóng tròn
Bé chạy lon ton
Xếp thuyền thả nước
Mưa làm thuyền ướt
Thương quá là thương
Bé muốn ra đường
Cứu nguy thuyền giấy
Nghĩ thì nghĩ vậy
Bé chẳng dám đâu
Sợ bị ốm lâu
Nghỉ học buồn lắm
Kèm theo đó là vài dòng cảm nghĩ: “Em đọc bài thơ này và thấy nhớ tuổi thơ quá! Hồi nhỏ, trời mưa là nước ngập vào tận nhà, chờ mẹ về lâu lắm, anh Ba xếp thuyền cho em thả, những con thuyền chở nặng những ước mơ. Bây giờ lớn lên, không hiểu sao không còn thương anh Ba nhiều như ngày xưa nữa...”
*
Đọc bài thơ cô bé chép tặng, kỷ niệm bỗng nhiên hiện về, rõ từng nét một như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Người châu Âu hay nhớ đến tuyết rơi, người Việt thì hay nhắc tới những cơn mưa, và tôi thì nhớ mãi...
Mưa phố Sài Gòn
Một chiều đầu tháng Tám, Sài Gòn có trận mưa. Lúc đó tôi đang ngồi với anh bạn từ HN vào. Trời mưa tầm tã. Chưa bao giờ anh bạn người Bắc thấy Sài Gòn mưa lớn và dai như vậy bởi lẽ trong đầu anh, mưa miền Nam chỉ ào một chốc rồi tạnh. Hình như, trong cách nghĩ của người miền Bắc, mưa Sài Gòn cũng hời hợt như người Sài Gòn vậy. Bây giờ anh bạn tôi mới được mục sở thị một cơn mưa Sài Gòn dữ dội, hai mắt cứ dán chặt vào màn mưa mà ngắm nghía, mà trầm tư suy nghĩ. Hai thằng ngồi ôn lại những ngày học thêm về lập trình Pascal ở trường Bách khoa Hà Nội, nhớ lại những buổi hẹn hò, hỏi thăm các cô gái cũ bây giờ ra sao. Chỉ tiếc là đoạn kết của cuộc nói chuyện thú vị đó là một hậu quả nghiêm trọng. Lúc về đến góc Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nước dâng cao quá, xe như nổi lên, đạp ga mà bánh xe quay tít, nước chui cả vào trong sàn xe, đành chết trân giữa biển người, xe và nước. Sợ mấy anh ở cơ quan ra về lúc này dễ bị ngập nước vỡ máy, nên vội vàng gọi điện thông báo, mong mọi người đừng bị khổ sở như mình.
Mưa trên sông
Rằm tháng Bảy âm lịch 2008, mấy anh em Phòng Khai thác mời đi cúng cô hồn trên sông Sài Gòn. Lúc về ghé ngang quán Gió. Chắc cũng không nhiều người biết quán này. Nó chỉ là một quán lá tồi tàn xập xệ ngay sát mép nước, gần vị trí cầu Phú Mỹ đang xây, nhưng tôm cua cá thì rất tươi ngon. Trời chợt đổ cơn mưa. Mưa giăng mịt mù có lúc không biết đâu là nước sông, đâu là nước trời đổ xuống. Bình thường, nhìn từ trên bờ sông Sài Gòn không quá lớn, nhưng nếu ngồi trên sàn quán thì thấy cũng mênh mông. Nhìn ra sông mưa rơi hối hả, nước chảy xiết, mấy cụm lục bình trôi lẻ loi, một chiếc phao neo cô độc, tự nhiên thấy mình bé nhỏ và vô nghĩa quá. Rượu uống đã lâng lâng, nhìn mưa lòng dạ thêm rối bời. Ngẫm mình mạng thuỷ – “thiên hà thuỷ” –, thân ta chỉ như muôn vàn giọt nước quá bé nhỏ đang rơi xuống sông, buồn vì chưa làm được gì nhiều báo đáp bậc sinh thành, tri ân các anh và bạn bè đã cưu mang, giúp đỡ từ khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, buồn vì chưa làm gì được cho đời...
Mưa Sài Gòn
Hồi mới vô Sài Gòn, chưa mua được xe đạp, ba thằng chung nhau thuê một chiếc xích-lô đi làm (cánh xe ôm mấy lần zin ba từ kho 18 lên tới 27-28 Tôn Đức Thắng bị công an phạt nên sợ không dám đi). Hồi đấy xích-lô chưa bị cấm vào trung tâm nên chạy được khắp nơi, đi xích-lô thích lắm. Nhiều người đi, thanh niên tụi tôi cũng đi chẳng ngại gì. Xích-lô Sài Gòn đẹp nhất nước, khác hẳn thứ cùng loại của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, lại có mái che khá đẹp. Thú nhất là đi xích-lô dưới trời mưa: hé rèm nhìn ra, thấy dòng người dù trong mưa gió vẫn hối hả qua lại, cảm thấy mảnh đất Sài Gòn sao sôi động thế! Tự nhủ rồi mảnh đất này sẽ gắn chặt với đời mình. Có những đêm mưa tầm tã, chui vào xích lô chạy từ cơ quan về nhà trọ, ăn tối bằng mỳ gói không nước. Nhớ nhà và buồn, lòng tê tái, tự hỏi đời mình rồi sẽ ra sao.
Những cơn mưa khi ta còn nhỏ
Trên đường đi học bất chợt gặp mưa, đúng lúc còi báo động máy bay Mỹ rú lên “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý...”, bèn nhảy đại xuống hố cá nhân ngập nước. Trên nước, dưới nước, xung quanh cũng nước, tuy sợ nhưng thích thú. Học lớp Hai ở miếu làng, phía trước hậu cung có cái sân gạch. Mưa lớn là thành bể bơi, cả lũ trần truồng tắm mưa và cứ thế chạy về nhà. Lớp Ba học ở ‘đống họ Bùi’ (nghe nói do người Tàu vun thành đống yểm bùa chôn của). Đống cao lắm. Mỗi lần mưa khó lòng leo lên, ngày nào đi học cũng bị “vồ ếch” (chắc rằng các em, các cháu bây giờ không biết vồ ếch là gì đâu). Trẻ con xưa thường rủ nhau vặt trộm hoa quả vườn nhà người, không ít lần bị chó rượt đuổi, cắn rách cả quần đùi, rơi mất cặp. Gặp khi trời mưa bão, ta có thể lượm những quả bòng non ăn vào thấy tê cả lưỡi, tha hồ nhặt nhãn, vải, me từ trên trời rụng xuống. Thời ấy mấy nhà có tiền mua hoa quả cho trẻ con ăn, vì thế mỗi mưa to gió lớn là một bữa đại tiệc thỏa mãn vị giác. Mưa còn là “mì chính” nữa. Tháng Bảy, tháng Tám mưa lớn, buổi tối cắt cái lốp xe đạp hỏng đi soi cá vui như hội, sáng mai nhà có bữa ăn tươi, nồi riêu cá ngọt lừ ai mà không nhớ. Trẻ con ở thành phố cũng có phần vì mưa tôm cá nhiều nên bán rẻ lắm, đâu chỉ 3, 4 hào một mớ cá rô ron.
Những trận mưa như thế chỉ để lại những kỷ niệm vui về tuổi ấu thơ, tuyệt không một chút gì khổ sở.
Những cơn mưa ác mộng
Lớn lên, mưa là thấy buồn. Có cả những lần mưa là nỗi kinh hoàng. Cuối năm học cấp I, nơi ăn chốn ở nhà tôi xem ra còn chưa tệ lắm. Ngôi nhà ba gian cửa gỗ bức bàn có hai trái làm buồng, tuy lợp rạ nhưng sau cũng được phủ một lớp giấy dầu. Mỗi khi có mưa lớn, tôi thường ra ngồi ở bậu cửa cùng hai đứa em thả thuyền, cảnh giống như bài thơ cô bé tặng ở trên. Nhưng rồi mấy năm sau, gia cảnh sa sút, nhà dột nát, lần mưa nào cũng phải căng túm tấm vải nhựa trong nhà, rồi lấy xoong nồi hứng nước. Năm 1977 có trận bão số 7 ác liệt không thể nào quên. Về chiều, gió giật mỗi lúc một mạnh, mưa như tạt nước, trong nhà không còn một chỗ nào khô. Nhà chỉ có bà nội và ba đứa cháu. Bố ở Quảng Ninh, mẹ đi học ở Kiến An chưa về kịp. Một cơn giật của gió khiến ngôi nhà đã từ từ khụyu xuống. Các chú bác chắc là ở xa, lo chống bão nhà mình nên cũng chẳng ai sang xem các cháu thế nào cả. Gió lớn quá, bà phải lọ mọ dẫn các em sang nhà ông chú họ ở cách đấy trăm mét trú tạm. Còn mình, lòng tự nghĩ là con trai thì phải ở lại với ngôi nhà. Lúc ấy trẻ con nghĩ thế, lớn lên mới thấy là nguy hiểm. Cũng may, đến chập tối thì gió đã màn màn và ngôi nhà không sụp xuống hẳn mà chỉ đổ ở tư thế quỳ. Hết bão, hơn chục thầy cô giáo ở trường mẹ dạy đến giúp dỡ căn nhà đổ ra rồi dựng lại thành một gian nhỏ hơn. Phần còn lại làm củi đun dần mấy năm rồi hết, nay chỉ còn sót lại một cánh cửa gỗ. Tiếng là nhà mới, nhưng cũng chỉ được hai năm đầu, còn suốt mấy năm học cấp II, gian nhà ngang ấy cũng không thể gọi là chốn che thân lúc trời mưa gió. Đã mấy lần trong mưa ba anh em ngồi khóc hu hu. Nghĩ đời mấy mẹ con cơ cực quá, lòng giận bố sao cứ đi công tác xa. Ước gì ta mau lớn, giàu có để xây cho mẹ ngôi nhà lợp ngói. Giờ đây, đọng lại trong ký ức về thời ấy là nỗi lo sợ về những trận mưa.
Thời đại học, mưa có mòi lãng mạn
Có cô bé mắt to tròn, khiến mình phải đội mưa đứng ngóng trước cổng trường Ngô Quyền. Chờ mãi, nước mưa từ balcon rạp Lê Văn Tám đổ xuống dềnh lên cả bậc thềm. Thế rồi thấy em trèo lên xe máy một chàng trai nào đó vụt mất. Buồn! Trận mưa ấy như dấu chấm hết cho một mối tình sinh viên. Mưa trong ký túc xá thì lại thật vui, hơn hai chục cái giường tầng trong căn phòng thông thống, mấy nhóm nghêu ngao hát, kẻ thì lẩm nhẩm đọc bài thơ về mưa của Huy Cận, chỗ thì đánh bài tú lơ khơ bôi râu, mấy anh bộ đội xuất ngũ đi học thì ra cắm quán mua rượu uống, đám thì ngồi cạnh cửa sổ đợi con gái đi qua là giơ tay ra túm... Đọng lại trong ký ức về quãng thời gian này là những “cơn mưa em bất chợt”, “mưa dịu êm như ru”, “mưa sạch trong cơn khát”... Nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng mau bị quên.
*
Thế đấy, với tôi mưa là những câu chuyện gắn liền với mỗi bước trưởng thành. Bao nhiêu trận mưa, bây giờ gom lại chỉ còn những thế. Mỗi tuổi cảm nhận về tuổi ấu thơ, về cơn mưa mỗi khác, càng lớn dường như cảm xúc về chúng càng nhạt dần và mau chóng bị quên đi. Bây giờ đi xe hơi, đâu biết nắng mưa bên ngoài. Lúc xuống xe nếu mưa đã có ô, vào nhà hàng quán xá còn có người mang dù che tận cửa xe nữa. Bây giờ, nhà cao cửa rộng, mưa lớn đóng cửa kéo rèm, chỉ còn nghe những tiếng rào rào, lộp bộp... Bây giờ, có hàng trăm trận mưa cũng chẳng nghĩa lý gì. Mưa bây giờ vẫn giống mưa xưa, nhưng giờ cảm xúc đã có phần chai lỳ. Ít nhớ hiện tại, hay nhắc lại chuyện ngày xưa. Có lẽ ta già mất rồi! Nhân đọc bài thơ cô bé tặng, tôi cậm cạch gõ từng con chữ, tạm khắc họa lại bốn mươi năm cuộc đời mình, từ lúc còn bé tý với những thăng trầm cùng mưa, kẻo sau này không bắt gặp lại được cảm xúc này nữa. Mười phần, chỉ mong các con tôi thấu hiểu một hai để biết cha mẹ chúng ngày xưa sống thế nào, để chúng sống có cảm xúc, có tình cảm với mọi người.
Lời đáp của cô bé không biết mặt
Cơn mưa trong lòng anh (tự nhiên cô bé lại chuyển cách gọi từ ‘chú’ sang ‘anh’) làm em thêm hiểu anh hơn, dù sao khi trở về với chính mình, người ta luôn cần món ăn kỷ niệm để nuôi sống phần tâm thức. Cần lắm những cơn mưa để làm tươi mát tâm hồn, nhất là khi ta cảm thấy mình già cỗi, đơn độc và kiệt sức với những lo toan. Anh làm em nhớ những kỷ niệm về mưa gắn liền với tuổi thơ của em. Chắc chắn là không nhiều khốn khó như anh nhưng em vẫn biết thế nào là "vồ ếch" khi trời mưa.
Em sẽ dành thời gian để đọc lại bài viết này của anh. Đọc email anh mà em đang vui cũng muốn rớt nước mắt, hiểu thêm về thế hệ trước sống khổ cực như thế nào, hiểu là để thực hiện ước mơ, phải hy sinh và đánh đổi nhiều thứ như thế nào.
Chị Hai em nói, trước 30 tuổi, người ta tiêu xài “tình cảm” một cách phóng khoáng và phung phí, tạo lập những mối quan hệ xã hội, gặp gỡ bạn bè, đi tìm nửa con tim... tất cả những thứ ấy giành lấy gần hết quỹ thời gian ít ỏi của mỗi con người, gia đình là ưu tiên từ dưới đếm lên. Đến khi qua 30, đã có gia đình hay có ý nghĩ về một gia đình, đã có sự ổn định cuộc sống nên họ bắt đầu “lượm lặt” tình cảm, để đến khi một ngày "không đẹp trời" nào đó, họ không đơn độc giữa cuộc đời với những bước chông chênh. Anh có già đi đâu, chỉ là đang trên hành trình lượm lặt lại kỷ niệm, lượm lặt lại tình cảm để nhuộm màu cho tâm hồn đang có dấu hiệu “xuống sắc” thôi mà.
Anh nên gửi email này cho chị, con cái và bạn bè đọc đi, khéo chừng lại có cuộc họp mặt tưng bừng để ôn lại kỷ niệm ngày thơ ấy, lúc đó tha hồ thả hồn trên dòng sông ký ức. Ký ức để người ta tiếp tục vui sống chứ không phải để dung dưỡng nỗi buồn quá khứ. Ghi lại cảm xúc rồi thì phải vui sống với hiện tại, tiếp tục vượt khó khăn để hữu ích cho đời anh nhé!
Quái lạ, sao lại có người mất công scan card của mình rồi lại gửi cho mình nhỉ? Xem tiếp trang scan thứ hai thì thấy một số điện thoại cùng một dòng ghi chú viết tay của mình. Thì ra vì sợ tôi mất đi một số điện thoại ghi ở phía sau card mà người tốt vô danh nào đó đã mất công scan và gửi email cho khổ chủ. Việc đó khiến tôi lưu tâm và suy nghĩ nhiều. Rồi một lần, có ai đó gửi nhầm cho tôi một email với nội dung về học tập (không phải spam mail). Nhớ lại câu chuyện chiếc card visit và người tốt vô danh, tôi đã gửi trả lại email đó kèm theo câu chuyện trên. Bản thân nghĩ là mình làm được một việc tốt. Mọi việc không dừng ở đó và dưới đây là chuyện tiếp theo.
Câu chuyện số 2
Cô gái ấy cảm kích lắm, viết mail cảm ơn tôi và thỉnh thoảng có gì cần hỏi ý kiến lại gửi email cho tôi. Đó là một cô bé khá đặc biệt, học giỏi ở trường Đại học Kinh tế. Hôm được nhận học bổng của Xi-măng Hà Tiên, cô bé ấy (gọi tôi là chú, đến nay tôi vẫn chưa hề biết mặt) gửi cho tôi một email nói về niềm sung sướng vô bờ và tự hào vì được lãnh đạo cao nhất của công ty đến trao tận tay học bổng ở trụ sở Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Cô bé có một nhận xét tinh tế rằng của cho không bằng cách cho. Học bổng không nhiều, nhưng sự trọng thị của ban giám đốc đã làm các sinh viên cảm động và mong muốn được cống hiến cho nhà máy.
Tôi chạnh lòng tự hỏi việc con cái thờ ơ, không biết quý trọng những gì chúng có, có phải là lỗi ở cách dạy dỗ của chính chúng ta? Có phải vì ta đã cho chúng quá nhiều, chăm bẵm quá kỹ? Cách cho lại cũng không hợp lý?
Một hôm khác, không biết có tâm sự gì cô bé ấy gửi cho tôi một bài thơ với nhan đề
Tặng anh một bài thơ con nít – Mưa
Một hạt mưa rơi
Từng hạt mưa rơi
Bé đang ngồi chơi
Vội đóng cửa sổ
Mưa như pháo nổ
Toé muôn bóng tròn
Bé chạy lon ton
Xếp thuyền thả nước
Mưa làm thuyền ướt
Thương quá là thương
Bé muốn ra đường
Cứu nguy thuyền giấy
Nghĩ thì nghĩ vậy
Bé chẳng dám đâu
Sợ bị ốm lâu
Nghỉ học buồn lắm
Kèm theo đó là vài dòng cảm nghĩ: “Em đọc bài thơ này và thấy nhớ tuổi thơ quá! Hồi nhỏ, trời mưa là nước ngập vào tận nhà, chờ mẹ về lâu lắm, anh Ba xếp thuyền cho em thả, những con thuyền chở nặng những ước mơ. Bây giờ lớn lên, không hiểu sao không còn thương anh Ba nhiều như ngày xưa nữa...”
*
Đọc bài thơ cô bé chép tặng, kỷ niệm bỗng nhiên hiện về, rõ từng nét một như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Người châu Âu hay nhớ đến tuyết rơi, người Việt thì hay nhắc tới những cơn mưa, và tôi thì nhớ mãi...
Mưa phố Sài Gòn
Một chiều đầu tháng Tám, Sài Gòn có trận mưa. Lúc đó tôi đang ngồi với anh bạn từ HN vào. Trời mưa tầm tã. Chưa bao giờ anh bạn người Bắc thấy Sài Gòn mưa lớn và dai như vậy bởi lẽ trong đầu anh, mưa miền Nam chỉ ào một chốc rồi tạnh. Hình như, trong cách nghĩ của người miền Bắc, mưa Sài Gòn cũng hời hợt như người Sài Gòn vậy. Bây giờ anh bạn tôi mới được mục sở thị một cơn mưa Sài Gòn dữ dội, hai mắt cứ dán chặt vào màn mưa mà ngắm nghía, mà trầm tư suy nghĩ. Hai thằng ngồi ôn lại những ngày học thêm về lập trình Pascal ở trường Bách khoa Hà Nội, nhớ lại những buổi hẹn hò, hỏi thăm các cô gái cũ bây giờ ra sao. Chỉ tiếc là đoạn kết của cuộc nói chuyện thú vị đó là một hậu quả nghiêm trọng. Lúc về đến góc Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nước dâng cao quá, xe như nổi lên, đạp ga mà bánh xe quay tít, nước chui cả vào trong sàn xe, đành chết trân giữa biển người, xe và nước. Sợ mấy anh ở cơ quan ra về lúc này dễ bị ngập nước vỡ máy, nên vội vàng gọi điện thông báo, mong mọi người đừng bị khổ sở như mình.
Mưa trên sông
Rằm tháng Bảy âm lịch 2008, mấy anh em Phòng Khai thác mời đi cúng cô hồn trên sông Sài Gòn. Lúc về ghé ngang quán Gió. Chắc cũng không nhiều người biết quán này. Nó chỉ là một quán lá tồi tàn xập xệ ngay sát mép nước, gần vị trí cầu Phú Mỹ đang xây, nhưng tôm cua cá thì rất tươi ngon. Trời chợt đổ cơn mưa. Mưa giăng mịt mù có lúc không biết đâu là nước sông, đâu là nước trời đổ xuống. Bình thường, nhìn từ trên bờ sông Sài Gòn không quá lớn, nhưng nếu ngồi trên sàn quán thì thấy cũng mênh mông. Nhìn ra sông mưa rơi hối hả, nước chảy xiết, mấy cụm lục bình trôi lẻ loi, một chiếc phao neo cô độc, tự nhiên thấy mình bé nhỏ và vô nghĩa quá. Rượu uống đã lâng lâng, nhìn mưa lòng dạ thêm rối bời. Ngẫm mình mạng thuỷ – “thiên hà thuỷ” –, thân ta chỉ như muôn vàn giọt nước quá bé nhỏ đang rơi xuống sông, buồn vì chưa làm được gì nhiều báo đáp bậc sinh thành, tri ân các anh và bạn bè đã cưu mang, giúp đỡ từ khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, buồn vì chưa làm gì được cho đời...
Mưa Sài Gòn
Hồi mới vô Sài Gòn, chưa mua được xe đạp, ba thằng chung nhau thuê một chiếc xích-lô đi làm (cánh xe ôm mấy lần zin ba từ kho 18 lên tới 27-28 Tôn Đức Thắng bị công an phạt nên sợ không dám đi). Hồi đấy xích-lô chưa bị cấm vào trung tâm nên chạy được khắp nơi, đi xích-lô thích lắm. Nhiều người đi, thanh niên tụi tôi cũng đi chẳng ngại gì. Xích-lô Sài Gòn đẹp nhất nước, khác hẳn thứ cùng loại của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, lại có mái che khá đẹp. Thú nhất là đi xích-lô dưới trời mưa: hé rèm nhìn ra, thấy dòng người dù trong mưa gió vẫn hối hả qua lại, cảm thấy mảnh đất Sài Gòn sao sôi động thế! Tự nhủ rồi mảnh đất này sẽ gắn chặt với đời mình. Có những đêm mưa tầm tã, chui vào xích lô chạy từ cơ quan về nhà trọ, ăn tối bằng mỳ gói không nước. Nhớ nhà và buồn, lòng tê tái, tự hỏi đời mình rồi sẽ ra sao.
Những cơn mưa khi ta còn nhỏ
Trên đường đi học bất chợt gặp mưa, đúng lúc còi báo động máy bay Mỹ rú lên “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý...”, bèn nhảy đại xuống hố cá nhân ngập nước. Trên nước, dưới nước, xung quanh cũng nước, tuy sợ nhưng thích thú. Học lớp Hai ở miếu làng, phía trước hậu cung có cái sân gạch. Mưa lớn là thành bể bơi, cả lũ trần truồng tắm mưa và cứ thế chạy về nhà. Lớp Ba học ở ‘đống họ Bùi’ (nghe nói do người Tàu vun thành đống yểm bùa chôn của). Đống cao lắm. Mỗi lần mưa khó lòng leo lên, ngày nào đi học cũng bị “vồ ếch” (chắc rằng các em, các cháu bây giờ không biết vồ ếch là gì đâu). Trẻ con xưa thường rủ nhau vặt trộm hoa quả vườn nhà người, không ít lần bị chó rượt đuổi, cắn rách cả quần đùi, rơi mất cặp. Gặp khi trời mưa bão, ta có thể lượm những quả bòng non ăn vào thấy tê cả lưỡi, tha hồ nhặt nhãn, vải, me từ trên trời rụng xuống. Thời ấy mấy nhà có tiền mua hoa quả cho trẻ con ăn, vì thế mỗi mưa to gió lớn là một bữa đại tiệc thỏa mãn vị giác. Mưa còn là “mì chính” nữa. Tháng Bảy, tháng Tám mưa lớn, buổi tối cắt cái lốp xe đạp hỏng đi soi cá vui như hội, sáng mai nhà có bữa ăn tươi, nồi riêu cá ngọt lừ ai mà không nhớ. Trẻ con ở thành phố cũng có phần vì mưa tôm cá nhiều nên bán rẻ lắm, đâu chỉ 3, 4 hào một mớ cá rô ron.
Những trận mưa như thế chỉ để lại những kỷ niệm vui về tuổi ấu thơ, tuyệt không một chút gì khổ sở.
Những cơn mưa ác mộng
Lớn lên, mưa là thấy buồn. Có cả những lần mưa là nỗi kinh hoàng. Cuối năm học cấp I, nơi ăn chốn ở nhà tôi xem ra còn chưa tệ lắm. Ngôi nhà ba gian cửa gỗ bức bàn có hai trái làm buồng, tuy lợp rạ nhưng sau cũng được phủ một lớp giấy dầu. Mỗi khi có mưa lớn, tôi thường ra ngồi ở bậu cửa cùng hai đứa em thả thuyền, cảnh giống như bài thơ cô bé tặng ở trên. Nhưng rồi mấy năm sau, gia cảnh sa sút, nhà dột nát, lần mưa nào cũng phải căng túm tấm vải nhựa trong nhà, rồi lấy xoong nồi hứng nước. Năm 1977 có trận bão số 7 ác liệt không thể nào quên. Về chiều, gió giật mỗi lúc một mạnh, mưa như tạt nước, trong nhà không còn một chỗ nào khô. Nhà chỉ có bà nội và ba đứa cháu. Bố ở Quảng Ninh, mẹ đi học ở Kiến An chưa về kịp. Một cơn giật của gió khiến ngôi nhà đã từ từ khụyu xuống. Các chú bác chắc là ở xa, lo chống bão nhà mình nên cũng chẳng ai sang xem các cháu thế nào cả. Gió lớn quá, bà phải lọ mọ dẫn các em sang nhà ông chú họ ở cách đấy trăm mét trú tạm. Còn mình, lòng tự nghĩ là con trai thì phải ở lại với ngôi nhà. Lúc ấy trẻ con nghĩ thế, lớn lên mới thấy là nguy hiểm. Cũng may, đến chập tối thì gió đã màn màn và ngôi nhà không sụp xuống hẳn mà chỉ đổ ở tư thế quỳ. Hết bão, hơn chục thầy cô giáo ở trường mẹ dạy đến giúp dỡ căn nhà đổ ra rồi dựng lại thành một gian nhỏ hơn. Phần còn lại làm củi đun dần mấy năm rồi hết, nay chỉ còn sót lại một cánh cửa gỗ. Tiếng là nhà mới, nhưng cũng chỉ được hai năm đầu, còn suốt mấy năm học cấp II, gian nhà ngang ấy cũng không thể gọi là chốn che thân lúc trời mưa gió. Đã mấy lần trong mưa ba anh em ngồi khóc hu hu. Nghĩ đời mấy mẹ con cơ cực quá, lòng giận bố sao cứ đi công tác xa. Ước gì ta mau lớn, giàu có để xây cho mẹ ngôi nhà lợp ngói. Giờ đây, đọng lại trong ký ức về thời ấy là nỗi lo sợ về những trận mưa.
Thời đại học, mưa có mòi lãng mạn
Có cô bé mắt to tròn, khiến mình phải đội mưa đứng ngóng trước cổng trường Ngô Quyền. Chờ mãi, nước mưa từ balcon rạp Lê Văn Tám đổ xuống dềnh lên cả bậc thềm. Thế rồi thấy em trèo lên xe máy một chàng trai nào đó vụt mất. Buồn! Trận mưa ấy như dấu chấm hết cho một mối tình sinh viên. Mưa trong ký túc xá thì lại thật vui, hơn hai chục cái giường tầng trong căn phòng thông thống, mấy nhóm nghêu ngao hát, kẻ thì lẩm nhẩm đọc bài thơ về mưa của Huy Cận, chỗ thì đánh bài tú lơ khơ bôi râu, mấy anh bộ đội xuất ngũ đi học thì ra cắm quán mua rượu uống, đám thì ngồi cạnh cửa sổ đợi con gái đi qua là giơ tay ra túm... Đọng lại trong ký ức về quãng thời gian này là những “cơn mưa em bất chợt”, “mưa dịu êm như ru”, “mưa sạch trong cơn khát”... Nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng mau bị quên.
*
Thế đấy, với tôi mưa là những câu chuyện gắn liền với mỗi bước trưởng thành. Bao nhiêu trận mưa, bây giờ gom lại chỉ còn những thế. Mỗi tuổi cảm nhận về tuổi ấu thơ, về cơn mưa mỗi khác, càng lớn dường như cảm xúc về chúng càng nhạt dần và mau chóng bị quên đi. Bây giờ đi xe hơi, đâu biết nắng mưa bên ngoài. Lúc xuống xe nếu mưa đã có ô, vào nhà hàng quán xá còn có người mang dù che tận cửa xe nữa. Bây giờ, nhà cao cửa rộng, mưa lớn đóng cửa kéo rèm, chỉ còn nghe những tiếng rào rào, lộp bộp... Bây giờ, có hàng trăm trận mưa cũng chẳng nghĩa lý gì. Mưa bây giờ vẫn giống mưa xưa, nhưng giờ cảm xúc đã có phần chai lỳ. Ít nhớ hiện tại, hay nhắc lại chuyện ngày xưa. Có lẽ ta già mất rồi! Nhân đọc bài thơ cô bé tặng, tôi cậm cạch gõ từng con chữ, tạm khắc họa lại bốn mươi năm cuộc đời mình, từ lúc còn bé tý với những thăng trầm cùng mưa, kẻo sau này không bắt gặp lại được cảm xúc này nữa. Mười phần, chỉ mong các con tôi thấu hiểu một hai để biết cha mẹ chúng ngày xưa sống thế nào, để chúng sống có cảm xúc, có tình cảm với mọi người.
Lời đáp của cô bé không biết mặt
Cơn mưa trong lòng anh (tự nhiên cô bé lại chuyển cách gọi từ ‘chú’ sang ‘anh’) làm em thêm hiểu anh hơn, dù sao khi trở về với chính mình, người ta luôn cần món ăn kỷ niệm để nuôi sống phần tâm thức. Cần lắm những cơn mưa để làm tươi mát tâm hồn, nhất là khi ta cảm thấy mình già cỗi, đơn độc và kiệt sức với những lo toan. Anh làm em nhớ những kỷ niệm về mưa gắn liền với tuổi thơ của em. Chắc chắn là không nhiều khốn khó như anh nhưng em vẫn biết thế nào là "vồ ếch" khi trời mưa.
Em sẽ dành thời gian để đọc lại bài viết này của anh. Đọc email anh mà em đang vui cũng muốn rớt nước mắt, hiểu thêm về thế hệ trước sống khổ cực như thế nào, hiểu là để thực hiện ước mơ, phải hy sinh và đánh đổi nhiều thứ như thế nào.
Chị Hai em nói, trước 30 tuổi, người ta tiêu xài “tình cảm” một cách phóng khoáng và phung phí, tạo lập những mối quan hệ xã hội, gặp gỡ bạn bè, đi tìm nửa con tim... tất cả những thứ ấy giành lấy gần hết quỹ thời gian ít ỏi của mỗi con người, gia đình là ưu tiên từ dưới đếm lên. Đến khi qua 30, đã có gia đình hay có ý nghĩ về một gia đình, đã có sự ổn định cuộc sống nên họ bắt đầu “lượm lặt” tình cảm, để đến khi một ngày "không đẹp trời" nào đó, họ không đơn độc giữa cuộc đời với những bước chông chênh. Anh có già đi đâu, chỉ là đang trên hành trình lượm lặt lại kỷ niệm, lượm lặt lại tình cảm để nhuộm màu cho tâm hồn đang có dấu hiệu “xuống sắc” thôi mà.
Anh nên gửi email này cho chị, con cái và bạn bè đọc đi, khéo chừng lại có cuộc họp mặt tưng bừng để ôn lại kỷ niệm ngày thơ ấy, lúc đó tha hồ thả hồn trên dòng sông ký ức. Ký ức để người ta tiếp tục vui sống chứ không phải để dung dưỡng nỗi buồn quá khứ. Ghi lại cảm xúc rồi thì phải vui sống với hiện tại, tiếp tục vượt khó khăn để hữu ích cho đời anh nhé!
Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016
mưa còn mãi xa...
Hè chưa đến nắng đã đốt da
Rừng già trọc lóc phố trơ ra
Văn minh tiến bộ Thời thổ tả
Trăn nuốt đuôi mình để lột da
Cây khát nước trước nhà
Gió khô mình lết la
Ta chèo queo dưới mộ
Đợi sét trời chui ra
Có đâu Lương Sơn Bá
Chúc Anh Đài khi xưa
Khiến ông trời xót dạ
Rơi nước mắt ngọc ngà
Đời vẫn phơi hàng giả
Nên mưa còn mãi xa...
44% người dân phải đưa hối lộ mới xong sổ đỏ
Tác giả: Diệu Thùy
Số người phải chi “lót tay” để làm sổ đỏ năm 2015 tăng gấp đôi năm trước, với khoảng 44% “phải đưa hối lộ mới làm xong”.
Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất “kinh niên” của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Báo cáo PAPI 2015 vừa công bố sáng nay cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương dường như đi xuống, đặc biệt là khi so sánh với kết quả năm 2013.
Người trả lời trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế.
Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc –UNDP kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2015 cho thấy “chạy chức chạy quyền là có và chúng ta phải sốt ruột hơn nữa”.
Toàn cảnh buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2015.
Chúng tôi đã hỏi người dân về việc thân quyen ảnh hưởng như thế nào đến xin việc. Người dân cho biết thân quen rất quan trọng để xin vào nhà nước chứ không phải liên quan đến trình độ, bằng cấp hay ngoại ngữ. Mặt khác, người dân đang chấp nhận tham nhũng, sống chung với lũ”, TS. Giang cho biết.
Theo kết quả khảo sát, năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. So với kết quả năm 2014, điểm chỉ số này giảm 3%.
So với 2 năm trước, kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương. 54% người trả lời đồng ý với nhận định cho rằng cán bộ chính quyền không sử dụng công quỹ vào mục đích riêng (59% năm 2014), 48% người trả lời đồng ý rằng cán bộ không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất (54% năm 2014) hoặc khi thụ lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân thấp hơn trước (49% so với 58% năm 2014).
Quảng Trị, Cần Thơ và Trà Vinh được người dân đánh giá cao lần lượt ở ba chỉ tiêu này. Trong khi đó, Hà Giang, Bình Dương và TP.HCM đứng cuối bảng lần lượt ở ba chỉ tiêu .
“Tỉ lệ người dân nhận định không có hiện tượng vòi vĩnh từ cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận và giáo viên tiểu học công lập năm 2015 thấp hơn so với hai năm trước, một chỉ báo cho thấy hiện tượng phải “chung chi”, “bồi dưỡng” ngoài quy định có xu hướng phổ biến hơn”, báo cáo PAPI chỉ ra.
Ở hơn nửa số tỉnh/thành phố trên toàn quốc, tỉ lệ người trả lời cho biết không phải bồi dưỡng ngoài quy định khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận chỉ dao động từ 28% đến 47%. Tại hơn một nửa số địa phương trên cả nước, chỉ có 36% đến 59% số người được hỏi cho rằng không có hiện tượng phụ huynh học sinh phải “bồi dưỡng”giáo viên xảy ra.
Người dân cũng bày tỏ quan ngại về công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Kết quả khảo sát PAPI giai đoạn 2011- 2015 cho thấy, “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành vấn nạn trong khu vực công.
Chẳng hạn ở Hà Nội, chỉ có 14% số người được hỏi cho biết họ không phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan nhà nước. Ở Hà Giang, 2015 là năm thứ hai liên tiếp người dân tỉnh này cho rằng quan hệ cá nhân có ý nghĩa quan trọng khi xin việc vào cơ quan nhà nước, thể hiện qua việc hầu như không có người trả lời nào cho rằng không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở năm vị trí công vụ cấp xã/phường được hỏi.
Quyết tâm của người dân trong việc trong việc tố giác các hành vi tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ chính quyền có xu hướng suy giảm. Năm 2015, chỉ khoảng 3% số người đã bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền.
“Ngoài ra, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới khoảng 24 triệu VNĐ” tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho biết.
Đáng nói là so với năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ năm 2014 (24%).
Cũng theo kết quả khảo sát, Trà Vinh đạt điểm cao nhất trong chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng” năm 2015. So với kết quả năm 2011, điểm số của Trà Vinh tăng đến 47% sau 5 năm. Nam Định đạt điểm cao nhất ở nội dung “quyết tâm chống tham nhũng” của chính quyền và người dân năm 2015”.
Phần lớn những tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất và trung bình cao tập trung ở miền Trung và miền Nam. Trong nhóm 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất có tới 11 địa phương ở miền Nam và bốn địa phương ở miền Trung.
Long An và Sóc Trăng là hai tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất trong 5 năm liên tục từ 2011 đến 2015, trong khi Hà Nội luôn ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất trong cùng giai đoạn.
Cũng theo kết quả khảo sát PAPI 2015, chỉ số ‘thủ tục hành chính công’ cũng giảm nhẹ trong năm 2015. Trong bốn dịch vụ hành chính công PAPI đo lường, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày.
Chỉ có chỉ số nội dung ‘Cung ứng dịch vụ công’ cho thấy có sự cải thiện dù không đáng kể trong hiệu quả cung ứng dịch vụ công tới người dân. Tuy vậy, người dân vẫn quan ngại về chất lượng dịch vụ ở bệnh viện tuyến huyện/quận và cũng không mấy hài lòng với chất lượng dịch vụ giáo dục tiểu học công lập.
PAPI được phối hợp triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)
Chỉ số PAPI đo lường sáu lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công. Khảo sát PAPI đã được triển khai thực hiện thường niên từ năm 2011 đến nay.
Báo cáo Chỉ số PAPI 2015 phản ánh ý kiến đánh giá của gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
————-
http://infonet.vn/44-nguoi-dan-phai-dua-hoi-lo-moi-xong-so-do-post196001.info
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)