Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

bản đồ Việt Nam từ thế kỷ 10 đến 19


Năm 905

Năm 930

Năm 931

Năm 937

Năm 938
Năm 944

Năm 966 - 967

Năm 967

Năm 968

Năm 980

Năm 1010

Năm 1014

Năm 1048

Năm 1069

Năm 1154

Năm 1225

Năm 1306

Năm 1402




Năm 1407



Năm 1418



Năm 1425



Năm 1428



Năm 1471





Năm 1479



Năm 1540



Năm 1554



Năm 1569



Năm 1611



Năm 1653



Năm 1658



Năm 1679



Năm 1693



Năm 1708



Năm 1732



Năm 1739



Năm 1755



Năm 1757



Năm 1771

Năm 1773

Năm 1774

Năm 1788

Năm 1802

Năm 1832



Năm 1835
http://www.ohay.tv/view/ban-do-viet-nam-qua-cac-giai-doan-p2/JwRvV

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Tiếng chim tu hú


 hoạ sĩ Đỗ Đức 


 Ngày bé đi chăn trâu, cứ từ tháng Ba, mùa vải chín là hay được nghe tiếng chim tu hú kêu. Gọi là kêu chứ không phải hót vì đó chỉ là những thanh âm nhịp đôi dồn dập vút lên trời cao. Giống chim này nhỏ cỡ con chào mào, đuôi dài, lông màu than, bay cao, ghét đám đông mà lại chỉ độc hành. Người ta đặt tên tu hú cho nó theo tiếng kêu hối thúc từng đợt kiên nhẫn gọi Hè. Hết Hè thì nó câm bặt đợi đầu Hè năm sau lại mới lên tiếng, cứ như trời chỉ cho nó được kêu có vậy trong một năm. Chưa thấy ai nói đến chuyện phân biệt cái đực của giống chim này, bởi mấy ai trông thấy nó đâu? Có họa là nó lưỡng tính! Tu hú là giống luôn giấu mình trên ngọn cao giữa muôn trùng lá xanh, giọng thì rõ cao, nhưng cả tràng tiếng kêu “tu hú, tu hú”… thì có vẻ vô nghĩa. Chẳng biết nó kêu thế để gọi bầy hay chỉ cốt đánh tiếng để mọi người biết nó có mặt trên đời này? Một người nào đó đã làm bài thơ có câu: “Tiếng chim tu hú gọi Hè…”, còn một nhạc sĩ khác đã sáng tác bài hát có ca từ: “tu hú kêu, tu hú kêu mùa vải chín đầy ước mơ huy hoàng…”. Tu hú xuất hiện từ đầu mùa vải, và chẳng biết nó có ăn vải không, nhưng bị vu cho là mang trong mình virus bệnh màng não ở trẻ con khi rỉa mỏ vào quả vải chín. Nhưng rồi đó cũng chỉ là nghi án. Còn bệnh màng não trẻ con chẳng qua xuất hiện vào mùa quả vải và cũng là mùa tu hú hoắng giọng nên dễ bị đồng nhất bệnh tật với sự xuất hiện của nó, dễ oan lắm. Mà có ai trông thấy nó ăn vải bao giờ đâu. Tu hú là loài chim vụng dại duy nhất của rừng xanh không biết làm tổ nuôi con. Nó thường nhằm vào tổ cu gáy hoặc một loài nào đó có tổ trên cành cao. Nhằm lúc chủ nhà đi vắng mò đến rỉa ăn trứng của chủ nhân rồi gẩy vỏ đi, đẻ trứng vào đó. Thế là khỏi phải ấp trứng, cũng chẳng cần nuôi con mà vẫn giữ được dòng giống. Đểnh đoảng của loài tu hú là thứ đểnh đoảng ăn người. Người ta ví chuyện tu hú đẻ nhờ giống như những chàng trai đa tình gửi gắm đám con hoang ngoài giá thú vậy… Nhưng có nhẽ một phần vì thế mà giống chim này hiếm hoi về số lượng. Bây giờ rừng xanh hoang đi thì cũng là lúc không còn nghe thấy tiếng tu hú gọi Hè nữa. Đã lâu lắm rồi hầu như không thấy tiếng nó kêu vào mùa vải chín… Mất tiếng chim tu hú không chỉ mất đi một loài, mà còn mất luôn một kỷ niệm tuổi thơ thú vị của những đứa trẻ đồng quê. Tiếng cuốc sau lũy tre, tiếng tu hú trên các lùm cây là tiếng của hai loài đặc trưng cho sự chuyển mùa. Những ngày gió nồm Nam, nắng nóng chớm vào Hè tôi lại thấy nhớ tiếng chim tu hú, nỗi nhớ mà lứa con tôi không hề có…
Read more at: http://www.dongngandoduc.com/2015/08/tieng-chim-tu-hu/

Con Vật


Nguyễn Vũ Hiệp

Con Người không cần được làm lại. Con Người cần được nhận ra.

Ngày nay rất hiếm Con Người. Đa số con người đã chọn làm con vật. Chúng tự xưng: tôi là con vật hai chân đứng thẳng! Trong cơn thèm khát những vì sao thần thánh, chúng cố nhón cao những đôi chân vật lý đồ sộ qua các tầng mây. Nhưng trong lớp vỏ vật lý phì nộn, linh hồn chúng đang quỳ mọp xuống, liếm láp tất cả những gì là tầm thường, hạ lưu và ti tiện của loài sâu bọ rúc dưới đáy bùn lầy. Kẻ nào không dám đốt cháy linh hồn để thắp mình thành một chòm sao, kẻ đó sẽ chỉ tìm thấy bụi đất trên những thiên thể vĩnh hằng tỏa sáng.

Đa số con người đã chọn làm con vật.

Đa số đã chọn làm loài gia cầm, gia súc trong các nông trang. Chúng gọi cái máy ấp là Mẹ, gọi chuồng nhốt là Nhà. Chúng gọi những máng ăn đầy cám công nghiệp là Hệ Thống Phúc Lợi, gọi tên đồ tể đang mài dao là Nhà Chức Trách. Chúng gọi những chất bài tiết mà mình thải ra là Văn Hóa, gọi hơi lạnh của cái máy vắt sữa là Nền Văn Minh. Chúng gọi những khẩu phần đều tăm tắp, những ô chuồng đều tăm tắp, những kết cục đều tăm tắp là Bình Đẳng Bình Quyền, và gọi mùi hôi thối tởm lợm của nông trang là Bản Sắc Dân Tộc. Với chúng, tăng cân là Thăng Tiến, vỗ béo là một chính sách hợp Lòng Dân, và béo phì là Thành Đạt. Với bầy cừu, thảo nguyên chỉ là chó sói; với lũ gà công nghiệp, bầu trời chỉ có diều hâu. Chết là cuộc đời định trước của những sinh vật này. Chúng sống như những xác chết biết đi, và sinh con chỉ để nông trại có thêm cái chết. Ngày ngày, chúng sống vì thịt, trứng, sữa, và chết thành thịt, trứng sữa. Chúng không tiêu thụ hoặc tạo ra Ý Tưởng và Cái Đẹp: quá nhiều thịt, nặng nề và tăm tối, để ánh sáng có cơ hội ngấm qua! Chúng không phải là sinh vật: trong vĩnh hằng, chúng chỉ là một phụ tùng của cái máy vắt sữa, là thực phẩm của cái thớt và con dao, là sự duy trì liên tục cái “bản sắc” hôi thối tởm lợm, là chất bài tiết được tuần hoàn. Kẻ nào không còn tư duy, ý chí và rung động riêng, kẻ đó không có linh hồn, nằm ngoài sự sống và chỉ còn là công cụ trong tay kẻ sống.

Số khác đã chọn làm bọn thú cưng. Những con vật này thèm khát được kẻ khác vuốt ve, và chỉ sống vì cái vuốt ve của kẻ khác. Điều chúng làm được, cái chúng cho được: vẫy đuôi, liếm láp, uốn éo, cọ mình. Chúng cũng không phải một dây đàn sự sống ngân lên bất tận, ban Ý Tưởng và Cái Đẹp tràn ngập và chiếm lĩnh không gian; chúng là hiện thân của sự vuốt ve có qua có lại, trong xó bếp.

Những con vật này đang gọi cái cọ mình là Tình Yêu, gọi cái vẫy đuôi là Nhân Tính, gọi cái liếm láp là Cảm Thông, gọi sự uốn éo là Đạo Đức và Nghĩa Cử. Khi chúng được vài ngôn từ vuốt ve đè ra gãi bụng, hồn chúng sướng đến thăng thiên. Bởi linh hồn chúng không ngụ trong tim óc: linh hồn chúng đã bị cán bẹt, lộn ngược, băm nát, rồi xù lên thành lớp lông bên ngoài. Linh hồn chúng không còn là tư duy và ý chí nội tại, tự lực, tự do: linh hồn chúng chỉ còn là một chuỗi phản ứng giản đơn, là nội lực mơn trớn để đáp trả ngoại lực mơn trớn. Tình Yêu, Nhân Tính, Cảm Thông và Đạo Đức của chúng vốn chẳng là gì khác ngoài những màu mè trên lớp lông kia, là thứ mơn trớn qua lại của động vật bầy đàn đến mùa động dục. Toàn bộ hào quang của chúng, giá trị của chúng, sự tồn tại của chúng cũng chỉ nằm gọn trong lớp lông kia. Một con thú cưng trụi lông có là gì khác, ngoài thứ rác rưởi bẩn thỉu, đáng tởm và vô giá trị, cần vứt bỏ cho khuất mắt người và khuất mắt chính mình? Dù những bộ lông di động này tự gọi mình là Người Đẹp, Anh Hùng, Lãnh Tụ hay Sĩ Phu, tạo hóa cũng chỉ gọi chúng bằng một từ: Con Đĩ.

Còn một con vật khác: loài ký sinh. Chúng bẩn thỉu nhất, gian manh nhất và nguy hiểm nhất. Chúng sống bám vào sự ngu độn của bầy gia súc và cơn động dục của lũ thú cưng. Chúng ký sinh trên ngôn từ và biến ngôn từ thành thuốc độc. Chính chúng đã gọi con vật là con người, để khiến Con Người quên mất mình là ai. Chính chúng đã dán cái nhãn Công Dân lên những tảng thịt của nông trại, gắn cái mác Tử Tế lên loại đĩ chuyên lấy tâm hồn làm trang sức trên lông, bình dân hóa và thấp kém hóa mọi mỹ từ, rồi gạt Con Người ra khỏi đó. Chính chúng đã dùng từ Chăn Chiên để chăn dắt bầy gia súc, dùng từ Tình Yêu Thiên Chúa để mơn trớn đám thú cưng, rồi mạo xưng thánh thần. Như thể thánh thần vui lòng mời lũ súc vật hạ đẳng, xuẩn ngu vào phòng khách! Như thể thánh thần có nhu cầu chơi đĩ thâu đêm, và yêu những con đĩ một cách thành thật! Như thể thánh thần cũng cần hút thứ máu bạc nhược, cũng cần được mơn trớn qua lại bằng ngôn từ, và cũng cần thu thập những mẩu linh hồn đã vỡ vụn thành rác rưởi như chúng – loài ký sinh!

Ngày nay, con vật đang lấn át, cô lập, đồng hóa, và đôi lúc, nuốt chửng Con Người. Dưới sự giật dây của loài ký sinh, sự chính đáng hóa và thi vị hóa của loài thú cưng, và bằng sự đông đảo, cuồng tín, xuẩn ngu của loài gia súc. Tinh hoa lặng thầm biến mất, nhường chỗ cho những rởm rít ồn ảo tủn mủn được tô vẽ thành mốt thời trang.

Chính ở đây, ta cần một lời đính chính.

Con Người không cần được làm lại, nó cần được nhận diện.

Chỉ đáng coi là Con Người, những vị vua ban phát tầm vóc của mình cho dân chúng, thay vì chắp vá nên tầm vóc bằng tiếng hô “Vạn tuế!” của đám đông.

Chỉ đáng coi là Con Người, những tu sĩ là thần thánh, thay vì là con đĩ của thần thánh.

Chỉ đáng coi là Con Người, những tình nhân chung thủy với chính mình.

Chỉ đáng coi là Con Người, những tội đồ viết luật và những cư dân lập quốc.

Chỉ đáng coi là Con Người, những linh hồn chứa nhiều bầu trời thay vì thèm khát một cõi trời.

Chỉ đáng coi là Con Người, những kẻ kiến tạo thay vì ký sinh, thám hiểm thay vì chạy trốn.

Chỉ đáng coi là Con Người, những kẻ sống để đạp đổ Tên và vượt khỏi Tên, thay vì để được gọi Tên và đặt Tên.

Chỉ đáng coi là Con Người, những kẻ tìm tính thần thánh trong cá thể thay vì đám đông, và tìm sự thiêng liêng trong cái Đẹp thay vì no ấm.

Số còn lại, đơn thuần là Nô Lệ.

Đó là sự trừng phạt đời đời mà chúng tự giáng xuống bản thân.

Ai không lấy bản thân làm nơi nương tựa tối hậu, kẻ đó đáng trở thành công cụ của người ngoài.

Ai tôn thờ ngoại vật và sùng bái tha nhân, linh hồn kẻ đó chia lìa, vỡ tan, và trở thành thức ăn cho quỷ dữ.

Nguồn: Ikaria

Học thuyết truyền thông của Mỹ – Góc nhìn từ truyền hình thực tế





Nước Mỹ được mệnh danh là đất nước của tự do. Và trên nền tảng của một đất nước tự do, người Mỹ cũng tự hào rằng họ được hưởng một nền truyền thông tự do. Tuy nhiên, sự tự do này có được hiểu hoàn toàn theo học thuyết tự do hay không và nó có giới hạn đến đâu lại là một điều đáng phải bàn tới. Trong bài tham luận này tôi sẽ đưa ra một số dẫn chứng ở một nhánh nhỏ của nền truyền thông Mỹ – công nghiệp truyền hình, với một số dẫn chứng về truyền hình thực tế.

Theo giáo sư Carl Becker, “Học thuyết dân chủ về tự do ngôn luận và tự do báo chí, dù chúng ta có coi đó là quyền lợi tự nhiên và không thể chối bỏ được hay không, đều dựa trên những giả thiết nhất định. Một trong số đó là việc con người khao khát tìm hiểu sự thật và có xu hướng bị dẫn dắt bởi sự thật đó. Một giả thiết khác là phương pháp tiếp cận sự thật duy nhất trong một thời gian dài là tranh luận tự do trong thị trường mở. Một giả thiết khác là vì con người luôn luôn có sự bất đồng ý kiến, nên mỗi người phải được phép đề xuất ý kiến một cách tự do, và thậm chí là tích cực, miễn là anh ta phải tôn trọng quyền lợi đó của những người khác. Và giả thiết cuối cùng là từ sự so sánh và khoan dung giữa các ý kiến, ý kiến nào hợp lý nhất sẽ được đưa ra và nhìn chung sẽ được chấp nhận”.

Một cách vắn tắt, để đạt được sự tranh luận tự do trong thị trường mở, thứ nhất, nền truyền thông phải được độc lập với các yếu tố chính trị, đảng phái. Thứ hai, người dân phải được cung cấp thông tin đa chiều một cách đầy đủ, hoàn chỉnh. Thứ ba, bản thân người dân phải có khao khát tìm hiểu sự thật và chấp nhận tính đa chiều của các ý kiến. Tuy nhiên thực tế chưa bao giờ hoàn hảo như lý thuyết.

Truyền hình có hoàn toàn độc lập với chính phủ?
Truyền hình của Mỹ ra đời vào khoảng những năm 1920 và bùng nổ vào những năm 1950. Cho đến năm 1992, nước Mỹ đã có truyền hình cáp với gần 500 kênh truyền hình, trong đó có nhiều kênh chuyên biệt. Cùng với khả năng tương tác với một lượng khán giả lớn, truyền hình có thể được xếp chung với báo và tạp chí, gọi là “báo hình”. Tuy nhiên, khác với báo chí tại Mỹ tương đối độc lập với chính phủ, các vấn đề kĩ thuật của truyền hình làm nó khó có thể tách rời khỏi sự chi phối của chính phủ Mỹ.
Truyền hình sử dụng sóng điện từ để lan truyền hình ảnh. Tuy nhiên, sóng điện từ vốn chỉ có một nguồn cung cấp hạn chế và không phải bất kì ai cũng có thể thành lập một đài truyền hình mà không gây nhiễu sóng. Và các quốc gia đã giải quyết vấn đề này theo nhiều cách khác nhau. Nước Pháp đến tận năm 1982 vẫn chỉ chấp nhận độc quyền sở hữu truyền hình do nhà nước điều hành giống như cách quản lý phương tiện điện thoại và điện tín và điều này chỉ thay đổi vào những năm 1990. Giải pháp của nước Mỹ là một hệ thống độc lập với chính phủ Mỹ, do Quốc hội Mỹ lập ra, có tên là Ủy ban truyền thông Liên bang FCC (Federal Communications Commission)có nhiệm vụ phân bố tần số trên cả 50 bang của Mỹ. Đến đây, câu chuyện bắt đầu phức tạp khi Ủy ban truyền thông Liên bang buộc phải đưa ra một số tiêu chí để lựa chọn nên chuyển giao tần số điện từ này cho công ty nào giữa rất nhiều các công ty truyền hình tư nhân. Cuối cùng, việc xem xét đánh giá nội dung được đưa thành một tiêu chí lựa chọn (Program Content Regulations). Điều này đã gây ra một cuộc tranh luận rất lớn. Một số người cho rằng với cách thức làm việc này, Ủy ban đã vi phạm các nguyên tắc về tự do ngôn luận và tự do báo chí, và rằng, chức năng của nhà nước chỉ đơn thuần là phân bố tần số chứ không phải là quản lý nội dung chương trình. Thậm chí, nước Mỹ còn có một câu chuyện đùa nổi tiếng về “7 từ nói tục bao không bao giờ nghe thấy trên truyền hình” được lấy cảm hứng từ hành động của FCC. (*) Tóm lại, từ việc quản lý tần số đến việc có thể quản lý nội dung, rất khó để tách bạch truyền hình ra khỏi sự quản lý của chính phủ.

Trên thực tế, FCC không có danh sách 7 từ cấm cho các chương trình, bao gồm cả các chương trình được phát từ 6 a.m và 10 p.m, tức là khoảng thời gian trẻ em chưa đi ngủ, nhưng họ có một hướng dẫn nội bộ về việc những thành tố nào nên loại bỏ (như khiêu dâm) và những thành tố nào thì không.

Ngay cả trong trường hợp truyền hình độc lập hoàn toàn với chính phủ thì cũng rất khó để truyền hình theo đúng học thuyết tự do, khi quyền sở hữu các phương tiện truyền thông ngày càng tập trung vào tay một số người. Lý do dễ nhìn thấy cho việc này là những thiết bị để tiếp cận một số lượng khán giả lớn ngày càng trở nên đắt đỏ, và chỉ có một số ít người mới có khả năng tiếp cận. Tại Mỹ, chỉ có 5 công ty sản xuất gần như toàn bộ số lượng phim mà toàn nước Mỹ theo dõi. Trong công nghiệp truyền hình, con số này còn thấp hơn. Chỉ có hai hoặc ba mạng lưới phát sóng lớn phục vụ toàn bộ các trạm phát sóng trên toàn quốc.

Người xem có nhận được thông tin đa chiều?
Theo quan niệm chủ nghĩa tự do, các chức năng chủ yếu của truyền thông đại chúng là thông tin và giải trí. Chức năng thứ ba được hình thành như một yếu tố kết nối cần thiết để tạo ra nền tảng hỗ trợ kinh tế, từ đó đảm bảo sự độc lập tài chính, là chức năng kinh doanh và quảng cáo. Đến đây, có một câu hỏi được đặt ra là người ta phải giảm chất lượng hoặc tiêu chuẩn hóa hoạt động truyền hình đến mức độ nào để giải quyết được bài toán nội dung và tiền bạc. Đến nay, ngành công nghiệp truyền hình vẫn đang lúng túng đi tìm lời giải, điều này được thể hiện rõ nhất trong chức năng giải trí của truyền hình.

Lấy ví dụ về American Idol – một chương trình truyền hình thực tế ăn khách của Mỹ. Kết thúc mùa thứ 3, chương trình này đã đem lại cho FOX (đơn vị sản xuất chương trình) 260 triệu đô-la. Sự hợp tác với FOX cũng đem lại cho AT&T, hãng viễn thông lớn nhất của Mỹ một món hời khi chỉ trong tuần cuối cùng của mùa America Idol 2003, công ty này đã nhận được hơn 20 triệu cuộc gọi và tin nhắn để dự đoán tên người chiến thắng. Người phụ trách truyền thông của FOX đã nói rằng “Sự kết hợp mạo hiểm của chúng tôi với FOX đã hướng dẫn lại công chúng và khiến người Mỹ nhắn tin nhiều hơn bất kỳ chiến dịch marketing nào từ trước đến nay”.

Nhiều người có thể ngạc nhiên về sự thành công của American Idol, nhưng những người sản xuất nó, FOX television thì không. Format của chương trình đã được xây dựng từ rất lâu trước đó, bắt đầu bằng các nghiên cứu về phản ứng của người dân đối với nội dung của các chương trình truyền hình. Điều đáng nói ở đây là, sự nghiên cứu này được đặt ra với mục tiêu giúp các kênh truyền hình Mỹ, bao gồm cả FOX, tìm kiếm một vị thế lớn hơn trong quy trình quảng cáo thay vì việc dựa dẫm quá nhiều vào các công ty quảng cáo ở bên ngoài, chứ không phải dựa trên bất kỳ ý nghĩa nhân văn nào như chương trình America Idol đưa ra. Giống như Lee Gabler, đồng giám đốc điều hành của Creative Artist Agency đã nhận định trong khoảng thời gian này: “Hiện nay, sức ảnh hưởng của công ty quảng cáo đang đe dọa tất cả những ai muốn dấn thân vào ngành này, hệ thống truyền hình đang bị phủ nhận, và những người làm quảng cáo thì không có bất kỳ giải pháp nào”.

Giải pháp được những người làm truyền hình đưa ra cũng tương đối giống với nhận định của các công ty quảng cáo khi đó là nhấn mạnh vào cảm xúc của người xem. “Cảm xúc của người xem là một nguồn không bao giờ cạn. Nó luôn luôn ở đó, chờ đợi để được chạm tới các ý tưởng mới, những nguồn cảm hứng mới và những trải nghiệm mới”. (Keven Roberts, Giám đốc điều hành toàn cầu của Saatchi & Saatchi).

Những người làm truyền hình chia người xem ra làm 3 loại: Khán giả hay thay đổi (Zappers) và Khán giả trung thành (Loyals) và người xem bình thường nằm đâu đó giữa 2 loại này. Zappers là những người xem ti vi khi họ muốn và có thể chuyển kênh bất cứ khi nào, còn Loyal là những người trung thành với một số chương trình truyền hình nhất định. Nôm na là, Zapper xem ti vi, còn Loyal xem chương trình truyền hình. Nếu chỉ chú trọng vào nội dung truyền tải, rất khó để những người sản xuất truyền hình quyết định đối tượng khán giả nào quan trọng với họ hơn. Nhưng điều này đã được quyết định khi yếu tố quảng cáo xuất hiện. Khán giả trung thành có xu hướng chú ý đến các mẫu quảng cáo gấp 2 lần, và nhớ về các sản phẩm được quảng cáo nhiều hơn 2-3 lần so với những người xem truyền hình bình thường. Và format của American Idol đã được xây dựng với mục tiêu giảm số lượng Khán giả hay thay đổi, hấp dẫn Khán giả trung thành, và cố gắng chuyển khán giả xem bình thường thành Khán giả trung thành.

Họ xây dựng điều này như thế nào? Đầu tiên, mỗi tập của American Idol đều được chia thành các mục nhỏ kéo dài vài phút, có lồng yếu tố cảm xúc. Những mục này đều ngắn gọn và dễ xem với tất cả đối tượng khán giả. Sau đó, trong mỗi tập họ cố gắng giữ chân khán giả bằng cách lặp lại liên tục các yếu tố đáng chú ý trong tập trước, giúp ngay cả người xem do vô tình nhìn thấy chương trình cũng có thể hiểu được điều gì đang diễn ra và dễ dàng kết nối cảm xúc với các nhân vật trong chương trình. Đến tuần cuối cùng, khi rất nhiều Khán giả bình thường đã bị cuốn vào vòng xoáy của American Idol, họ sẽ dành một tập chương trình nhìn lại tất cả các chặng đường đã qua, giúp người xem dễ dàng thực hiện việc kết nối quan trọng nhất: nhắn tin bình chọn. Ngay cả việc bỏ ngỏ kết quả bình chọn và thông báo vào ngày hôm sau cũng được thực hiện với mục đích lôi kéo tính kết nối từ khán giả, khiến họ phải mong chờ từ tuần này sang tuần khác.

Đối với các Khán giả trung thành, việc quan trọng nhất với họ là nhìn thấy sự phát triển thông qua từng tập. Điều này đòi hỏi những người sản xuất nội dung phải sử dụng một vài thủ thuật để hấp dẫn khán giả. Họ có xu hướng lựa chọn những thí sinh phù hợp nhất với “genre” tiêu thụ truyền hình của khán giả với một vài tính cách nổi bật. Các genre tiêu thụ này có thể đã được khán giả thiết lập trong vô thức từ rất lâu trước đó với ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng khác như phim ảnh và phát thanh. Đến những tập cuối cùng, những tính cách được ưa thích hơn sẽ được dành nhiều “đất” trên truyền hình hơn, và người xem có xu hướng gán những tính cách đó cho một vài thí sinh cụ thể. Họ bắt đầu muốn biết nhiều hơn về tính cách của thí sinh, động lực tham gia thi của thi sinh, hoàn cảnh xuất thân, và đôi khi có thể là các thành viên trong gia đình của thí sinh đó. Và trong quá trình thực hiện được những điều này, những người sản xuất các chương trình truyền hình thực tế bị cáo buộc đã cắt gọt nội dung, thậm chí là sáng tạo một nội dung hoàn toàn khác lạ so với “thực tế”.

Tóm lại, trong cách thức xây dựng chương trình cả về nội dung lẫn format thể hiện, tính thực của truyền hình thực tế hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Và chắc chắn, với một chương trình dựa trên cảm xúc người xem, mà sâu xa hơn, dựa trên doanh thu quảng cáo có thể có được, người xem có lẽ không nên kỳ vọng vào tính đa chiều của thông tin được đưa ra.

Công chúng có công tâm?

Theo học thuyết tự do, mọi người đều có quyền biểu đạt ý kiến. Ý kiến của mỗi người không hoàn toàn là sự thật nhưng có thể là một mảnh nhỏ của sự thật. Các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ cung cấp sự thật bằng cách đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề và công chúng là người đưa ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, giả thiết này chưa bao giờ hoàn toàn đúng trong thực tế, bởi vì một vài người sẽ luôn có ưu thế hơn trong việc thuyết phục công chúng tin tưởng vào mình, như khả năng diễn thuyết, cách thức xây dựng hình ảnh bản thân, hoặc đơn giản, có nhiều mối quan hệ hơn với các cơ quan thông tấn báo chí. Ngay cả công chúng, với số lượng lớn lên đến hàng nghìn người, cũng có thể cùng đánh giá phiến diện về một vấn đề.

Hãy quay trở lại với ví dụ về American Idol. Với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều khán giả, American Idol đã đưa cho công chúng một loạt các câu chuyện có tình tiết hấp dẫn (drama – tất nhiên, nhiều phần trong số đó được cường điệu hóa), và đến lúc này, công chúng bắt đầu vào cuộc. Theo một khảo sát về truyền hình thực tế của của Initiative Media, 60.9% số người được hỏi nói rằng câu chuyện chính của họ về truyền hình thực tế là các vấn đề bình luận liên quan đến đạo đức của các ứng viên. Điều này thực sự rất gây ngạc nhiên, vì một chương trình truyền hình thực tế lại có thể giúp những người xem truyền hình củng cố lại các giá trị đạo đức của họ đến như vậy. Chúng ta chưa bàn đến lợi và hại của vấn đề này, nhưng rõ ràng có một điều đáng ngạc nhiên ở công chúng: Ban đầu họ bắt đầu xem chương trình với tâm thế giải trí, và cuối cùng, họ kết thúc ở việc kết luận về một vài giá trị đạo đức. Ban đầu họ xem chương trình với mục tiêu tìm ra người chiến thắng xứng đáng nhất, nghĩa là ở mặt tài năng, thì cuối cùng họ lại lựa chọn một người gây được nhiều ảnh hưởng nhất về một vài giá trị đạo đức. Rõ ràng công chúng không hề lý trí, và họ không hề công tâm trong các đánh giá của mình.

Kết luận:

Phải khẳng định rằng, mục tiêu bài tham luận này không phải để chứng minh là truyền thông Mỹ không tự do. Ngược lại, nó còn tự do hơn rất nhiều nền truyền thông được đặt trong các thể chế chính trị khác. Tuy nhiên, thông qua một số khía cạnh, chúng ta có thể thấy truyền thông Mỹ không tự do như chúng ta vẫn lầm tưởng, và cũng không phải là ví dụ hoàn hảo của học thuyết truyền thông tự do.

Trong lịch sử, mỗi một công nghệ mới ra đời đều tác động không nhỏ đến nền truyền thông, như sự ra đời của báo, radio, truyền hình đều gắn liền với một công nghệ mới. Cùng với xu thế của internet và sự trỗi dậy của các đế chế như Facebook, Youtube, nền truyền thông Mỹ nói riêng và thế giới nói chung sẽ phải đối mặt với nhiều biến động lớn. Và có thể, tới lúc đó, một học thuyết truyền thông mới sẽ ra đời – truyền thông trong thời đại số.

Sẻ Ngô

Người đàn bà lấy cắp cơn mưa



Tôi đi Lisbon (1) công tác khá đều. Tôi đáp máy bay đến đó, nếu không phải là hàng tháng, thì ít nhất là tháng rưỡi hay khoảng đó một lần. Nhờ đã có thời gian hồi còn là thiếu niên và thanh niên ở Brazil, nơi mà cha mẹ tôi sống một số năm vì lý do nghề nghiệp, nên tôi biết tiếng Bồ khá đủ để không cần đến thông dịch viên.

Tôi cũng khá rành về thành phố này. Nhiều nơi mà chúng tôi thường đến sau cùng đã bắt đầu trở nên quen thuộc, ít ra là bề ngoài, cho dù ở một mức độ sâu hơn hầu như mọi chuyện về chúng còn cho chúng tôi cảm giác xa lạ.

Cũng là tự nhiên thôi, khi mà nhiều chuyện khác thường xảy ra ở Lisbon không còn làm tôi ngạc nhiên, như thể tôi đã chuẩn bị chờ đón chúng. Vì thế tôi đã không bực bội lắm (hay ít ra là tôi đã không biểu lộ sự bực bội) khi tôi biết khách sạn (năm sao) của tôi đã được đăng ký chỗ hết sạch, và căn phòng của tôi được công ty tôi trả tiền đã có người đến trước tôi ở.

Tuy nhiên, ông quản lý khách sạn thì rất hào phóng trong việc xin lỗi về nhầm lẫn này – việc mà ông không chịu trách nhiệm – và cách ông giải quyết vấn đề rất hoàn hảo, là cho tôi tùy ý sử dụng mà không tính thêm một khoản tiền nào, cả một dãy phòng mà tôi nghe ông gọi là “dành cho tổng thống”, và đó là dãy phòng trên cùng của khách sạn.
Tôi mỉm cười khi nhìn thấy nơi tôi lên đến, thầm cám ơn sự thiếu sót của khách sạn, một sự thiếu sót mà ông quản lý có vẻ đổ thừa cho vận số. Tôi bây giờ là người cư trú độc nhất của dãy phòng xa hoa lộng lẫy có thể ở cả một đoàn tùy tùng, và rõ ràng đó là nơi ở của tổng thống nhiều quốc gia khác nhau và của những người cho mình là VIP chỉ vì tầm cỡ tài khoản của họ ở ngân hàng. Đối với tất cả những người từ nhiều lĩnh vực khác nhau đó (từ bóng đá hay điện ảnh, từ ngân hàng, từ chính trị hay đại doanh nghiệp), mọi thứ trong dãy phòng đó đã lên tiếng với họ, như đã lên tiếng với tôi, qua sự xa hoa, tiện nghi, và những bao lơn mở ra một khung cảnh thành phố rực rỡ.

Không tệ, tôi thầm nhủ, và không nghĩ thêm về chuyện này nữa (mà thật sự đâu cần phải nghĩ gì thêm) để chuyển sang nghĩ những vấn đề khác. Như thường lệ, hai ngày trọ của tôi trôi qua nhanh chóng, mỗi ngày trải qua theo một tiến trình những cuộc hội họp kinh doanh, và kết thúc là dự tiệc chiêu đãi, điều đó có nghĩa là tôi trở về khách sạn trễ hơn tôi muốn. Tôi gần như không có thời gian để lưu tâm đến dãy phòng, vì tôi ít khi ở trong phòng.

Chỉ buổi sáng cuối cùng tôi mới có thể hưởng thụ đôi chút sự sung sướng của gian phòng xa hoa mà tôi cư trú. Tôi đã ngâm mình thật lâu trong cái bồn tắm mà miêu tả cho chính xác hơn thì phải nói là cái hồ tắm, hưởng thụ một trận mát-xa thủy lực theo cách Jacuzzi (2) rất đặc biệt, cạo râu trước một bức tường lắp toàn kính, và yêu cầu dùng bữa điểm tâm ngoài bao lơn. Sau đó tôi mặc quần áo và thong thả sắp xếp đồ đạc, lúc ấy chỉ mới 9 giờ 5, thời gian đăng ký lên máy bay đến 10 giờ 20 mới bắt đầu, và tôi biết taxi bình thường không mất hơn 15 phút từ khách sạn đến phi trường.

Được một lúc chợt tôi nhận ra với một chút ngạc nhiên là không phải chỉ có một mình tôi trong dãy phòng. Có hai người phụ nữ – hai người dọn phòng da đen – mà tôi chợt thấy khi nhìn qua khung cửa mở một nửa – họ đang làm vệ sinh gian phòng khách đại sảnh kế phòng ngủ của tôi. Có lẽ họ đã vào phòng từ cửa hông, có một cửa khác ở đó, có lẽ sau khi đã dọn nhiều phòng ngủ, phòng tắm, phòng trang điểm và 2 hoặc 3 phòng khách trước khi đến gian phòng mà họ đang có mặt. Họ không biết đến sự hiện diện của tôi, vì bận làm việc với mấy cái máy hút bụi, bận đẩy mấy chiếc xe chất đầy bột giặt, đồ dùng phòng tắm, khăn lông sạch, chính tôi cũng không thấy và không nghe tiếng họ vào phòng cho tới lúc ấy.

Trong một thoáng, tôi muốn bảo họ ra khỏi phòng rồi trở lại sau khi tôi đi rồi, nhưng sau đó tôi quyết định ngược lại. Dù sao thì tôi cũng sẽ rời phòng trong chốc lát nữa thôi. Tôi muốn đi tản bộ một chút trên con đường dưới tán những cây lan dạ hương, rồi quay trở lại khách sạn để lấy hành lý và gọi một chiếc taxi. Tôi quay lưng về phía họ và bước tới tủ quần áo, dọn mấy bộ đồ tôi đã mang theo.

Đó là lúc tôi nghe họ nói chuyện. Một trong hai người nói là chính, người kia thỉnh thoảng đệm một câu hỏi hay thốt ra một tiếng tán thán. Giọng của hai người khác nhau.

Cơn mưa, tôi nghe một trong hai người nói. Chính là vì cơn mưa.

Tôi sắp cái áo cộc tay vào va ly, bộ đồ vét và đồ lót, rồi bắt đầu gấp chiếc áo sơ mi. Tôi nghe được tiếng người đàn bà khá rõ.

Chính là vì cơn mưa, chị ta lặp lại.

Trời đã không mưa một thời gian dài, mọi vật đã bắt đầu chết. Cả cây và chim cũng chết. Người ta vấp xác chim chết khắp nơi.

Tôi gấp chiếc sơ mi thứ hai và sắp cả hai vào va ly. Tôi đóng va ly và cài khóa mã bằng một dãy số mới.

Mọi thứ khô cằn, đất nứt nẻ. Tôi nghe người đàn bà nói. Vì thiếu nước. Mặt đất rạn ra. Thú vật hấp hối. Lá khô rúm trên cây, rồi thì cây cũng khô.

Tôi nhìn qua khung cửa. Người đàn bà đang nói đã thôi dọn phòng. Người kia cũng thôi và đang nhìn người nói. Vào lúc đó, có vẻ như tấm trải sàn, bột giặt và xe chất đồ linh tinh không tồn tại đối với họ.

Rồi dân làng bắt đầu bàn tán, người phụ nữ tiếp tục nói, lần này lớn tiếng hơn. Hay có thể là tiếng chị lớn hơn vì tôi hướng về phía chị.

Có người sẽ bị kết tội vì trời hạn hán. Dân làng bắt đầu nói rằng người đàn bà đó sẽ bị kết tội.

Nhiều người khác nói không. Không ai chắc chắn điều gì. Nhưng cơn hạn cứ tiếp tục và mọi thứ đang chết.
Rồi họ mời một pháp sư. Họ đốt một đống lửa và đốt thảo mộc, pháp sư uống bất cứ thứ gì ông phải uống và thức suốt đêm lầm bầm những lời không ai hiểu được. Đến sáng, những Già làng đến, pháp sư bảo họ rằng đó là tội lỗi của người đàn bà. Đó là những gì ông ấy nói và mọi người nghe được. Người đàn bà đó đã lấy cắp cơn mưa.

Khi ấy các Già làng hiểu những gì sẽ xảy ra và họ cúi nhìn xuống đất vì cảm thương cho người đàn bà sống một mình ở ngoài rìa làng. Chồng của chị đã bỏ chị từ lâu, kế đến là con trai chị chết và chị đã khóc đến mức cơ thể quắt queo, mắt chị cạn khô, chị đã trở thành một con người héo hon, lưng còng xuống đất. Chị bỗng giống như thú hoang, không còn nói nữa, chỉ rên rỉ và thỉnh thoảng vào ban đêm, chị rú.

Người đàn bà đó, pháp sư nói trong khi nhìn xuống đất. Ông đốt một tẩu thuốc và chầm chậm nhả khói. Chị ta lấy cắp cơn mưa.

Nhưng không ai muốn giết chị. Ngay cả pháp sư cũng nói đó là điều ông không muốn.

Những Già làng và pháp sư tụ tập ở đó, như chờ đợi điều gì. Tất cả dân làng ngồi dưới một thân cây chờ đợi. Thời gian cũng dừng trôi.

Người phụ nữ đang kể chuyện dừng lại một lúc, như thể chị cũng đang đợi. Người phụ nữ kia không hỏi gì, vẫn lặng thinh, chờ nghe câu chuyện ra sao.

Thế rồi có một người thanh niên tình nguyện. Tôi sẽ đi, anh ta nói. Cứ như thể giết người đàn bà và bị giết thì cũng như nhau.

Người phụ nữ lại dừng lời. Họ như ở đâu đó, ở một chỗ nào khác, ở chỗ câu chuyện thu hút họ. Tôi mở cửa rộng hơn và tò mò nhìn ra họ. Bây giờ tôi chắc chắn họ sẽ không chú ý đến tôi.

Người phụ nữ đang nói mập mạp, khuôn mặt phị. Chị có giọng nói khỏe, ngân nga và thể hiện cử chỉ bằng tay và thân mình. Thỉnh thoảng chị thay đổi nét mặt và giọng nói, như thể chị đang nhập những vai khác. Người phụ nữ kia cột một cái khăn trùm đầu, gầy và trẻ hơn, có vẻ ít bình tĩnh hơn người phụ nữ kể chuyện.

Anh ta đi tới lều của chị ấy và sống đêm đó với chị ta. Anh ta ngủ và làm tình với chị ta. Anh ta đè chị xuống đó, vuốt ve vú và tóc chị ấy, dịu dàng ấp ủ chị ấy và rồi siết chị ấy trong vòng tay anh, như thể anh ta lại làm tình với chị ấy nữa, anh siết cổ chị càng lúc càng chặt cho tới khi chị ngạt thở. Rồi anh bế xác người đàn bà ra khỏi lều, đặt chị nằm trên đất, và mọi người lặng lẽ đi quanh xác chị.

Người phụ nữ dừng kể một lúc và lau mồ hôi trán bằng cánh tay.

Và rồi trời bỗng bắt đầu mưa, người phụ nữ nói. Rồi trời bỗng bắt đầu mưa.

Hai người phụ nữ nhìn nhau không nói. Rồi họ lắc lắc đầu, thở dài và tiếp tục công việc dọn phòng.

Tôi nhìn đồng hồ tay vì không biết đã trải qua bao lâu. Tôi nhận ra chỉ mất mấy phút. 7 phút. Tôi nghĩ mình chẳng cần đến 7 phút ấy. Tôi vẫn còn thừa thời gian. Nhưng tôi cảm thấy không thoải mái.

Tôi xách va ly, mở tung cửa, cố tình gây ra một tiếng động lớn và oai nghi bước qua mặt hai người phụ nữ đang trố mắt nhìn tôi kinh ngạc, phát ra một tiếng “Á” hoảng sợ, như thể họ thấy một con ma.

Tôi ném cho họ một câu gọn lỏn: “Chào buổi sáng”, và đi tới thang máy.

Đăng ký lên máy bay lúc 10 giờ 20, tôi nghĩ thầm trong khi ấn nút và cảm thấy thang máy bắt đầu chạy xuống. Có một cái gì đó trong toàn bộ câu chuyện làm tôi hơi mất ổn định, một cái gì đó trong toàn bộ cuộc trò chuyện kinh khủng của phụ nữ, mà tôi đã vì lý do phi lý nào đó, lại lắng nghe. Tôi chưa bao giờ nghe lén những cuộc trò chuyện, nhất là những cuộc trò chuyện của phụ nữ. Tôi lại nhìn đồng hồ tay và tính xem tôi cách bao nhiêu thời gian với thành phố tôi sống, ở một nơi khác thuộc châu Âu.

Chỉ khi phi cơ cất cánh tôi mới bắt đầu nhìn thấy nhiều việc theo cách khác. Tôi đã trải qua hai ngày ở Lisbon và, với cái giá của phòng tiêu chuẩn, tôi nhủ thầm, tôi đã chiếm cả một dãy phòng lớn, chắc phải đến 15 phòng, đã chiếm những bao lơn lớn và một phòng tắm kích cỡ bằng một hồ tắm. Và rồi đột nhiên, tôi đã mở một cánh cửa và thấy ở phòng kế cận, một mảnh đời châu Phi, hoàn toàn nguyên sơ, như một vùng rừng trinh nguyên. Trong 7 phút, chính xác là 7 phút, tôi đã lạc giữa rừng già.

Tôi mỉm cười, nghĩ rằng chuyện này mà kể với ai khác, ví dụ như kể cho người khách bên cạnh tôi hay cho cô tiếp viên vừa đem lại cho tôi ly uýt-ky. Họ sẽ nghĩ là tôi say hay là khùng điên.

Nhưng tôi không say hay khùng điên, tôi nghĩ, tôi lại mỉm cười và ngả mình vào ghế. Tôi không có sai lầm gì cả. Chỉ có thể là Lisbon lạ lùng.

(Từ The Woman Who Stole the Rain)
Teolinda Gersão (Bồ Đào Nha)
Võ Hoàng Minh (dịch)








Teolinda Gersão sinh tại Coimbra, Bồ Đào Nha. Bà học ngôn ngữ Đức, Anh và Rôman (Romance) tại các trường đại học Coimbra, Tuebingen, và Berlin. Rồi làm giảng viên Bồ Đào Nha tại Đại học Technical Berlin, và là giáo sư tại New University of Lisbon, tại đây bà dạy Văn học Đức và Văn học So sánh cho đến năm 1995. Sau đó, bà dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác. Bà là tác giả của 12 tập tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Tiểu thuyết đầu tiên của bà, O Silencio (Sự im lặng), in năm 1981, được giải thưởng PEN Club, và được vinh danh là “Sách của năm”, sau này được xếp vào danh sách “100 tác phẩm Bồ Đào Nha hay nhất” của thế kỷ XX. Bà được một giải thưởng PEN nữa về sáng tác năm 1989 và được giải Grand Prix của Hội Nhà văn Bồ Đào Nha, giải thưởng Critic Award của Hội Phê bình Văn chương Quốc tế (ICLA), và giải thưởng về Truyện ngắn Grand Prix Camilo Castello Branco. Tác phẩm của bà cũng vào chung khảo giải thưởng về Tiểu thuyết European Prize Aristeion. Bà đã sống 2 năm ở São Paulo và một thời gian ở Mozambique, nơi là bối cảnh tiểu thuyết A Árvore das Palavras (Cây Chữ) năm 1997 của bà. Cây Chữ – The Tree of Words – là tiểu thuyết đầu tiên của bà được in bằng tiếng Anh.

Những tác phẩm của bà đã được dịch sang nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ý, Rôman, Ả Rập, Bulgaria, Czech và Croatia.
Truyện ngắn dưới đây được Margaret Jull Costa dịch từ tiếng Bồ Đào Nha sang tiếng Anh. Bản Việt dịch theo Margaret Jull Costa.


(1) Lisbon: thủ đô Bồ Đào Nha.
(2) Jacuzzi: bể tắm, mát-xa bằng thủy lực.

Nghĩa của tiếng Việt: Gác – từ trên lầu đến xưng hô lễ phép



Cùng học tiếng Việt



Chữ gác trong tiếng Việt hiện đại có 3 nghĩa chính.

1.
Nghĩa đầu tiên là cái lầu, hay cái nhà xây thành tầng cao, đôi khi chỉ cái phòng ở trên tầng. Đây là từ gốc Hán, 閣, đọc âm Hán-Việt là các. Tàng kinh các là gác chứa sách, khuê các là cái lầu nơi phụ nữ ở.

Nội các là từ chỉ chung các quan chức chính phủ, tức cơ quan Hành pháp dưới quyền Thủ tướng. Chữ này có gốc gác từ thời nhà Minh ở Trung Quốc khi Hoàng đế lập ra một ban cố vấn gọi lànội các, chỉ cái phòng bàn bạc bí mật ở sâu trong cung.

Tuy nhiên nghĩa hiện đại của nó thì bắt nguồn từ hệ thống Nghị viện của Anh quốc, dịch từ chữcabinet, vốn cũng có nguồn gốc tương tự trên.



Nữ hoàng Elizabeth II chụp ảnh cùng Nội các Cameron ở số 10 Downing năm 2012.

Ở châu Á, Nhật là nước đầu tiên dùng chữ nội các theo nghĩa hiện đại, chức danh chính thức của thủ tướng Nhật là Nội các Tổng lý Đại thần, tức là Đại thần tổng quản lý nội các; các bộ trưởng cũng gọi là Đại thần (Thần ở đây là chữ 臣, tức là bầy tôi của vua, chứ không phải thần của chữthần thánh). Cuối Thế chiến II, khi Nhật giành Việt Nam từ Pháp thì vua Bảo Đại cũng lập ra Nội các, đứng đầu là ông Trần Trọng Kim. Hiện giờ ở Việt Nam thì chúng ta không dùng từ này một cách chính thức.



Biểu tượng hoa và lá ngô đồng của Thủ tướng và Nội các Nhật Bản. Biểu tượng này trước đây là gia huy của dòng họ shogun Toyotomi, sau Minh Trị thì thành biểu tượng cho Chính phủ.

Xem phim cổ trang, bất kể Tàu Nhật Hàn Việt, chúng ta hay thấy ngày xưa hay gọi nhau tôn trọng là các hạ, có nghĩa là “người ở dưới gác”. Ngày xưa lại còn gọi vua là bệ hạ, gọi quý tộc làđiện hạ. Đây đều là các danh xưng kiêng kị. Tôi không dám nói trực tiếp với vua, với vương, mà chỉ dám nói với người đứng dưới bệ (bệ cửu trùng) hay người dưới điện, hay người dưới gác, để nhờ lên bẩm lại với người ở trên. Lâu dần thì thành cách gọi tôn xưng. Xin rất cảm ơn thầy Nguyễn Đại Cồ Việt của ĐHQG Hà Nội đã bổ sung giúp phần này.

2.
Nghĩa thứ hai là đặt (gác) một vật lên chỗ cao, hoặc hoãn lại, đình lại, tạm thời quên một chuyện gì đó đi (gác lại). Đây cũng là một từ gốc Hán, 擱, cũng đọc là các, nay đã được Nôm hóa.

3.
Nghĩa thứ ba là canh phòng, trông nom (canh gác). Đây lại là một từ gốc Pháp, garde. Nếu đọc sách cũ thì chúng ta hay gặp chữ người gác đan, hay gardien, tức người canh gác, ông bảo vệ. Chữ Tây này nếu tìm hiểu về từ nguyên cũng rất hay, vì nó đi vòng vèo từ tiếng tiền-German qua tiếng Latin, sau đó được đưa ngược về tiếng Anh vốn là tiếng có gốc German, khiến cho cách đọc bị Latin hóa. Các bạn quan tâm có thể xem trên trang facebook của bọn mình, vì cho lên đây thì lạc đề rồi.



Hai anh lính gác người Scot ở lâu đài Edinburgh đang thay ca. Cùng là bảo vệ Nữ hoàng và nhà của Nữ hoàng nhưng các anh lính gác Edinburgh thì mặc đồ xanh đen, váy kilt cùng giày trắng rất nổi, khác với lính ở Buckingham mặc áo đỏ quần đen đội mũ bearskin cao ngồng.



*

Về phong trào Biểu hiện (Expressionism) Đức, thế kỷ 20



Thúy Anh dịch






Franz Marc, “The Large Blue Horses”, 1911

Biểu hiện (Expressionism) là phong trào nghệ thuật hiện đại bắt nguồn từ lĩnh vực thơ ca và hội họa ở Đức đầu thế kỷ 20, sau mở rộng ra nhiều lĩnh vực kiến trúc, hội họa, văn chương, nhạc kịch, múa, phim ảnh và âm nhạc. Đặc điểm của phong trào là thể hiện thế giới xung quanh bằng cái nhìn chủ quan, triệt để bóp méo (thế giới xung quanh) tạo hiệu ứng về mặt cảm xúc nhằm khơi gợi tâm trạng hoặc ý tưởng. Họa sỹ Biểu hiện mong muốn thể hiện ý nghĩa và những trải nghiệm tình cảm hơn là hiện thực vật chất.

Expressionism được phát triển như là một phong cách tiên phong chủ yếu ở Berlin trước Thế chiến I, 1914, phổ biến qua suốt thời Cộng hòa Weimar (là chính phủ của nước Đức từ 1918 sau Cách mạng tháng 11 sau khi Thế Chiến I kết thúc đến khi Adolf Hitler được phong làm thủ tướng vào 1933 và Đảng Quốc xã lên nắm quyền).

Thuật ngữ biểu hiện – Expressionism – đôi khi gợi nhắc đến nỗi sợ hãi, lo lắng (angst). Theo cách hiểu chung nhất thì hai họa sỹ thế kỷ 16 Matthias Grünewald và El Greco đôi khi cũng được cho là họa sỹ Biểu hiện dù trên thực tế thuật ngữ Biểu hiện chỉ dùng chỉ các tác phẩm Biểu hiện ở thế kỷ 20.


Quang cảnh Toledo của El Greco, 1595/1610, được cho là mang phong cách trường phái Biểu hiện thế kỷ 20, theo lịch sử được xem là tác phẩm điển hình của trường phái Kiểu cách (Mannerism)

Đặc điểm của trường phái
Các họa sỹ Biểu hiện tập trung vào quan điểm cá nhân, phản ứng lại với chủ nghĩa thực chứng positivism (khuynh hướng nhận thức luận của triết học và xã hội học cho rằng phương pháp khoa học là cách thức tốt nhất để lý giải các sự kiện của tự nhiên, xã hội và con người) và với những phong cách hội họa khác như chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism) và Ấn tượng (Impressionism).

Trong khi từ Biểu hiện đã được dùng theo nghĩa hiện đại từ sớm những năm 1850 thì xuất xứ của nó đôi khi được quy về cho những tác phẩm có tên Expressionismes của họa sỹ vô danh Julien-Auguste Hervé trưng bày năm 1901 ở Pháp. Một ý kiến khác lại cho rằng từ này được đặt vào năm 1910 bởi sử gia nghệ thuật người Czech Antonin Matějček, trái nghĩa với từ Ấn tượng:

Họa sỹ Biểu hiện mong ước trên hết được thể hiện chính mình, (từ chối) những nhận thức trực tiếp của mắt để xây dựng nên các cấu trúc hình ảnh phức tạp của tinh thần. Những ấn tượng và hình ảnh trong trí óc đi qua tâm hồn tựa như đi qua một bộ lọc, giúp anh ta rũ bỏ mọi điều vây bám, làm hiện lên cái tinh chất thuần túy nhất của con người anh ta, và rồi cái tinh chất ấy được tinh lọc và cô đặc thành những dạng thức tổng quát hơn để anh ta nhanh chóng chép lại dưới dạng những thể thức và biểu tượng đơn giản trên tranh.



“Tiếng thét” của Edvard Munch (1893) gây ảnh hưởng đến các họa sỹ Biểu hiện thế kỷ 20


Những tiền nhân

Tiền nhân của phong trào Biểu hiện là họa sỹ Hà Lan Vincent van Gogh, họa sỹ Bỉ James Ensor, Sigmund Freud.

Năm 1905, nhóm bốn họa sỹ Đức dẫn đầu là Ernst Ludwig Kirchner thành lập phong trào Cây cầu – Die Brücke (the Bridge) – ở thành phố Dresden. Có thể cho rằng đây là tổ chức sáng lập nền hội họa Biểu hiện Đức.


Ernst Ludwig Kirchner, “Self-Portrait as a Soldier”, 1915

Vài năm sau, vào 1911, một nhóm họa sỹ cùng tư tưởng thành lập Kỵ mã xanh – Der Blaue Reiter (The Blue Rider) ở Munich - tên gọi này đến từ tác phẩm Kỵ mã xanh của Wassily Kandinsky năm 1903 và chỉ được dùng chính thức từ 1913. Thành viên gồm Kandinsky, Franz Marc, Paul Klee và Auguste Macke. Là phong trào nghệ thuật Đức, nổi bật với hội họa, thơ ca và nhạc kịch từ 1910-30 nhưng tiền nhân của phong trào lại không phải là người Đức. Bị sa sút ở Đức vì Hitler những năm 1930, phong trào vẫn có những tác phẩm Biểu hiện tiếp nối ra đời.


Franz Marc, “Fighting Forms”, 1914




August Macke,” Lady in a Green Jacket”, 1913

Có nhiều nhóm thuộc phong trào Biểu hiện, trong đó có Cây cầu và Kỵ mã xanh như đã nói. Cây cầu tồn tại lâu hơn, Kỵ mã xanh chỉ tồn tại 1911 – 1914 cao trào là 1912. Các họa sỹ Biểu hiện nói chung chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn trong đó có Edvard Munch, Vincent van Gogh và nghệ thuật châu Phi. Họ cũng để ý đến phong trào Dã thú ở Pháp – nguồn cơn khiến họ có xu hướng dùng màu tùy ý ngẫu hứng và bố cục chướng mắt.

Người Biểu hiện cũng không nhận là Biểu hiện

Trường phái Biểu hiện nổi tiếng khó định nghĩa, một phần là do trùng với các phong trào “isms” khác của nghệ thuật Hiện đại như Tương lai Futurism, Cơn lốc Vorticism, Lập thể Cubism, Siêu thực Surrealism và Dada. Richard Murphy từng nói: “Việc tìm kiếm định nghĩa bao quát cho từ Biểu hiện khó đến độ hầu hết các họa sỹ Biểu hiện như Kafka, Gottfried Benn và Döblin đều (là những họa sỹ) một mực chống lại Biểu hiện anti-expressionist.”

Phong trào phát triển đầu thế kỷ 20 ở Đức này là nhằm phản ứng lại với tình trạng mất nhân tính của quá trình công nghiệp hóa đô thị hóa và nói một cách rõ ràng là Biểu hiện từ chối hệ tư tưởng của Hiện thực. Họa sỹ Biểu hiện chỉ mô tả những sự vật hiện tượng nào kích thích, lay động họ và mô tả theo cảm xúc chủ quan. Điều gây tranh cãi ở đây là họa sỹ nào cũng đầy xúc cảm, không chỉ họa sỹ Biểu hiện, nhiều trường hợp tác phẩm sáng tác ở châu Âu từ thế kỷ 15 trở đi cũng nhấn mạnh cảm xúc mãnh liệt.

Các kiểu nghệ thuật ấy xuất hiện trong giai đoạn xã hội có nhiều biến chuyển như phong trào Cải cách Tin lành Protestant Reformation, Chiến tranh Nông dân Đức German Peasants’ War, Chiến tranh Tám năm Eight Years’ War và sự chiếm đóng Hà Lan của Tây Ban Nha. Khi đó tình trạng cướp bóc, hãm hiếp, tai ương, hỗn loạn, đàn áp… được phản ánh bằng các tác phẩm in khắc, các cảnh vẽ kịch tính kinh dị được mô tả trong đó thường không mấy ấn tượng về mặt mỹ thuật và cũng không gây nhiều cảm xúc nơi người xem.

Biểu hiện Expressionism được so sánh tương tự phong trào Baroque thế kỷ 17 bởi giới phê bình như sử gia nghệ thuật Michel Ragon và triết gia Đức Walter Benjamin. Theo nhà văn Ý Alberto Arbasino, sự khác nhau giữa hai phong trào là “Biểu hiện không lảng tránh các hiệu ứng bạo lực khó chịu, Baroque thì ngược lại. Biểu hiện tung ra nhiều cái “fuck you”, Baroque thì không. Baroque lịch sự hơn.””

Đối nghịch với phong trào Ấn tượng Pháp tập trung diễn tả hình thù trông thấy được của vật thể, các họa sỹ Biểu hiện tìm kiếm khắc họa nội tâm và những cảm nhận chủ quan. Việc tái hiện những ấn tượng đẹp đẽ thẩm mỹ cao về đề tài không quan trọng, điều quan trọng là lột tả những phản ứng nội tâm sâu sắc bằng những màu mạnh và bố cục năng động.

Kandinsky, họa sỹ chính của nhóm Kỵ mã xanh tin rằng chỉ với màu và hình dạng người xem có thể hình dung tâm trạng và cảm xúc trong tranh, một lập luận khiến ông tiến gần hơn đến trừu tượng.



Một thí dụ cho lập luận của Kandinsky: bức ”Elbe Bridge I” của Rolf Nesch




Bức “Nollendorfplatz” của Ernst Ludwig Kirchner, 1912




Franz Marc của nhóm Kỵ Mã Xanh, “Deer in Woods” (Nai trong rừng), 1914

Những người chịu ảnh hưởng

Những ý tưởng sáng tác của họa sỹ Biểu hiện Đức đã ảnh hưởng nhiều họa sỹ Mỹ và rất nhiều họa sỹ quan trọng của châu Âu…

Cuối thế kỷ 20, đầu 21 một số các họa sỹ Mỹ phát triển những phong cách riêng được cho là có Biểu hiện trong đó.

Biểu hiện Mỹ (American Expressionism) và Biểu hiện Tượng hình Mỹ (American Figurative Expressionism) mà cụ thể phong trào Biểu hiện Tượng hình Boston là phần không thể thiếu của nghệ thuật Hiện đại Mỹ giai đoạn Thế chiến II… Biểu hiện Tượng hình Boston dần suy yếu bởi sự phát triển của Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) ở New York.

Sau Thế chiến II, đên lượt Biểu hiện Tượng hình (Figurative Expressionism) gây ảnh hưởng đến nhiều họa sỹ và phong cách trên toàn cầu. Thomas B. Hess viết rằng “Tranh (Biểu hiện) Tượng hình mới mà một số người hằng mong mỏi như để phản ứng lại với Biểu hiện Trừu tượng thì đã tiềm tàng ngay trong Biểu hiện Trừu tượng từ lúc mới bắt đầu, và (Biểu hiện Tượng hình) là một trong những mạch phát triển trực hệ nhất của Biểu hiện Trừu tượng.”

Rồi Biểu hiện Tượng hình New York, Trừu tượng Trữ tình (Lyrical Abstraction), phái Vệt màu (Tachisme) những năm 1940 và 1950 ở châu Âu, phong trào Tượng hình Bay Area (Bay Area Figurative Movement)…

Một số họa sĩ thuộc Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) những năm 1950 cùng tham gia Biểu hiện Tượng hình Figurative Expressionism.

Ở Mỹ và Canada, Trừu tượng Trữ tình bắt đầu từ những năm cuối 1960 và đến những năm 1970. Và Tân Biểu hiện (Neo-Expressionism) là phong cách quốc tế hồi sinh vào cuối những năm 1970 gồm họa sỹ nhiều quốc tịch…