Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Những thói quen mà một người Mỹ đã phải từ bỏ khi đến sống tại Việt Nam



Một người Mỹ đã nói về việc mình đã thay đổi thói quen như thế nào khi sống tại Việt Nam và bài viết này hiện đang gây sốt trên cộng đồng mạng thế giới. Jacqueline Kehoe – tác giả của bài viết “những thói quen tôi phải từ bỏ khi đến sống tại Việt Nam”đang khiến cộng đồng mạng thế giới và đặc biệt là cư dân mạng Việt Nam vô cùng thích thú bởi những lý do khiến Jacqueline Kehoe từ bỏ thói quen sinh hoạt thường ngày của mình cũng rất “Việt Nam”. 

Jacqueline Kehoe mang quốc tịch Mỹ nhưng cô nàng lại mang nhiều kỉ niệm sâu sắc tại Việt Nam. Cô đã từng là du khách và đi khắp các vùng miền Việt Nam và có những bài viết trải nghiệm về Việt Nam đã thu hút rất nhiều những bạn trẻ. Cùng tìm hiểu xem tại sao cô nàng lại “từ bỏ” thói quen này khi sống tại Việt Nam nhé!

Tôi chẳng còn quan tâm đến việc có kiến trong tách trà của tôi nữa




Trước khi đến Việt Nam, tôi là một người rất sợ côn trùng. Chỉ cần nhìn thấy một con nhện, một con kiến là tôi có thể hét toáng lên. Thế nhưng sau khi sống ở Việt Nam một thời gian, tôi đã hoàn toàn thay đổi. Bây giờ dù có thấy cả lố kiến trong cốc trà đá tôi cũng chẳng để ý nữa.

Tôi không còn thèm đồ ngọt suốt ngày nữa

Hồi còn ở Mỹ, tôi thường ăn sáng cùng với những món như yến mạch, bánh ngọt, muffin, ngũ cốc. Có thể nói tôi là một người cuồng đồ ngọt, bơ sữa thiếu nó là tôi không thể chịu được. Thế nhưng khi sang Việt Nam tôi lại được thưởng thức những món tráng miệng cực ngon như chè, bánh bông lan và bánh trung thu. Cũng từ đó mà khẩu vị tôi đã thay đổi.

Tôi có thể chịu được những trường hợp mất vệ sinh

Vì ở Việt Nam, bạn khó có thể đảm bảo được mình sẽ không bị tiêu chảy sau khi thưởng thức các món ăn đường phố ở đây. Mỗi lần chọn món ăn của tôi cứ như là một cực hình vậy. Không những vậy, tôi thường xuyên phải chứng kiến việc rửa bát bằng những chậu nước ít ỏi, xung quanh chỗ tôi ăn lúc nào cũng đầy ruồi nhặng. Nhiều chỗ còn không có giấy ăn sạch sẽ cho tôi dùng. Để khắc phục điều này, cách duy nhất tôi có thể làm đó chính là luôn thủ sẵn giấy trong người.

Tôi không còn lảng tránh những cái nhìn của người lạ nữa

Ở Mỹ có một luật bất thành văn như thế này: Nếu có ai đó cứ nhìn bạn thì bạn phải nhìn ra chỗ khác, bởi có như vậy, họ sẽ thôi không nhìn bạn nữa. Ở Việt Nam, mọi chuyện lại khác hẳn. Dù bạn làm gì ở bất cứ đâu cũng có những ánh mắt nhìn bạn chằm chằm để xem bạn làm gì, bạn như thế nào? Dù bạn có tránh đi chỗ khác họ vẫn sẽ cứ nhìn bạn. Nếu có môn thi nhìn chằm chằm trong danh sách những môn thi Olympic, chắc hẳn Việt Nam sẽ có nhiều huy chương lắm.

Tôi không còn cảm thấy phải ngại ngùng vì cơ thể mình nữa





Vòng ngực của tôi so với những người phụ nữ Mỹ thuộc dạng bình thường nếu không nói là hơi nhỏ, thế nhưng khi sang Việt Nam mọi chuyện lại khác hẳn. Có một lần tôi đến ăn sinh nhật ở nhà một người bạn tên là Hải. Trong bữa tiệc ấy, tôi là người nước ngoài duy nhất và khi tôi vừa bước vào nhà thì mẹ anh ấy đã nói một câu gì đó bằng Tiếng Việt khiến cho tất cả mọi người ở đấy đều cười phá lên. Lấy làm lạ tôi liên gặng hỏi Hải xem có phải tại tiếng Việt của tôi còn kém nên mọi người mới cười phải không. Kết quả là anh ý nói với tôi thế này: “Mẹ tôi bảo bạn có bộ ngực khủng như này là nhờ ăn nhiều bơ sữa”.

Tôi không còn ăn nhiều bơ sữa nữa

Giống rất nhiều quốc gia châu Á khác, bơ sữa ít khi được người Việt Nam sử dụng. Thay vào đó sữa đặc lại được sử dụng rất nhiều vì một vài lý do nào đó. Sau một thời gian sống ở Việt Nam tôi đã hiểu vì sao lại như vậy, đó là vì: đồ ăn Việt Nam quá ngon nên không cần phải thêm bơ sữa vào làm gì cả. Dù vậy, khi nào cần sữa bò hay pho mát bạn vẫn có thể tìm được khi sống ở đây, nhưng những loại bơ sữa kia khó có thể bằng được sữa đậu nành của Việt Nam. Giờ khi đã trở lại Mỹ, tôi đã chính thức trở thành một người cuồng sữa đậu nành và đậu phụ rồi.

Tôi không còn ngại khi nhận sự giúp đỡ từ người lạ





Trong một chuyến du lịch bụi, tôi và bạn tôi đang đi trên đường đến làng Rang Rang thì không may gặp phải một cái hồ rất rộng. Lúc này chúng tôi chỉ có hai lựa chọn: một là quay lại (tốn thêm khoảng 6-7h đi lại trong rừng núi hiểm trở) và hai là để cho 2 cậu bé người bạn địa ở đó vác xe của chúng tôi đi sang bên kia sông. Cuối cùng tôi đã quyết định thử đặt niềm tin của mình vào người lạ và lựa chọn phương án thứ 2. May mắn là sau 45 phút, cả sáu chúng tôi đều cập bờ an toàn cùng hai chiếc xe còn nguyên vẹn.

Nhưng tôi cũng dần mất niềm tin vào thế giới xung quanh

Mặc dù người Việt Nam nổi tiếng thân thiện và hiếu khách nhưng đôi khi sự thân thiện này đang dần bị mất đi bởi những biểu hiện xấu. Hầu như những người tôi từng nói chuyện đều đã từng bị móc túi hay bị trộm môt cái gì đó. Điển hình như chính bản thân tôi và bạn cùng phòng cũng có mấy lần mất xe máy một cách khó hiểu. Thêm vào đó, nhiều khi chỉ đang đi trên đường đi dạo thôi bạn cũng có thể bị trấn lột bất cứ lúc nào. Có một lần, tôi đang đi bộ trên đường Nguyễn Đình Chiểu thì từ đâu xông tới hai thanh niên định trấn lột ví của tôi. Tiếc là chúng không làm được gì vì tôi có võ.

Tôi không còn trang điểm nữa





Tôi không bao giờ quên có một lần lái xe dưới cơn mưa tầm tã của trời mùa hè với một chiếc áo mưa mỏng dính. Có lẽ mặc hay không mặc, tôi vẫn ướt như chuột lột. Khi đến nhà bạn của tôi, ngay khi bước chân vào, mọi người đã nhìn tôi với ánh mắt kì lạ. Tôi cũng không hiểu chuyện gì cho đến khi nhìn vào trong gương, trông tôi không khác gì một con quỷ bởi lớp mascara bị lem. Từ hôm đó tôi quyết định không trang điểm nữa mà để mặt tự nhiên.

Tôi không phải trả quá nhiều tiền cho một bữa ăn

Một điều tuyệt vời nhất khi sống ở Việt Nam đó chính là giá cả, chi phí sinh hoạt rất thấp. Thậm chí ở một nhà hàng sang trọng bạn vẫn có thể ăn uống bình thường mà không phải lo lắng vì giá cả. Đặc biệt ẩm thực đường phố ở Việt Nam rất phong phú, các quán nhậu, quán bia mọc ra ở khắp nơi. Tôi là fan chính hiệu của một quán phở và bia 333 ở phố Bùi Viện, cũng vì thế mà giờ tôi dần thích việc ngồi ăn trên những chiếc bàn nhựa đơn sơ thay vì những chiếc ghế sofa sang trọng. Nghĩ lại việc quay lại Mĩ nơi mà 8 đô la cho một cái bánh mì kẹp quả là khiến tôi cảm thấy thật nan giải.

Tôi từ bỏ việc có được sự quy củ




Ở bất kì nơi đâu ở Việt Nam, văn hóa xếp hàng dường như có điều gì đó hơi xa xỉ. Nếu ở đâu có chỗ trống ngay lập tức hàng loạt người vào chen lấn để chiếm được chỗ đấy. Khoảng 10 mét vỉa hè cho người đi bộ, cũng bị nhiều người lấy đó làm bãi đỗ xe. 3 người cùng trên một cái thang máy thì bạn phải đợi hàng loạt người quen của người đi cùng thang máy với bạn lên thì mới đi được. Và hãy nhìn bãi cỏ bên nhà bạn xem, có một ngày nó sẽ trở thành một công trình xây dựng gì đó cho mà xem.

Tôi không cần sự im lặng khi nghỉ ngơi nữa

Karaoke ở hàng xóm tưng bừng cả đêm? Tiếng còi ô tô kêu inh ỏi? Phải công nhận những âm thanh này như đang ru ngủ tôi vậy.

Tôi không muốn làm một công dân tuân thủ luật nữa





Một số xxx ở VN quả thật là biến chất. Họ sẵn sàng bắt bạn rồi sau đó bắt bạn phải hối lộ, đã vậy họ còn chẳng nghiêm khắc nữa chứ. Ở Mỹ, xxx mà đã bắt được ai đó đừng mong họ tha cho. Ở Việt Nam, tôi thường thấy xxx trốn ở một góc nào đó, thấy ai đó phạm lỗi họ sẽ đuổi theo trên một chiếc xe máy, cầm gậy và chỉ liên hồi vào người bị đuổi. Còn người bị đuổi sau đó phải dừng xe, liên tục xin lỗi và rồi móc tiền ra đưa cho họ.

Thú thực, tôi thích lái xe với những câu chào hỏi và gương mặt tươi cười. Tuy nhiên, điều này xem chừng khó tại khó có ai có thể vui vẻ khi hàng ngày đứng giữa hàng trăm chiếc xe máy bụi mù lên cả lên. Có một lần bị bắt tôi thậm chí còn cười và chào xxx cơ, điều này có lẽ khiến cho anh ấy có một ngày vui vẻ hơn chăng.


http://www.webtretho.com/forum/f3950/nhung-thoi-quen-ma-mot-nguoi-my-da-phai-tu-bo-khi-den-song-tai-viet-nam-2095568/

Lưu Lệ Hằng - người “hạ bệ” Diêm Vương tinh




Xuân Nhàn


GS Lưu Lệ Hằng là người phát hiện vành đai Kuiper, khám phá hơn 30 thiên thạch hay tiểu hành tinh mới, tên bà được đặt cho một tiểu hành tinh là Asteroid 5430 Luu. Năm 2012, bà được trao hai giải thưởng danh giá là Kavli Thiên văn học (được xem như “Nobel thiên văn học”) và giải Shaw (Nobel phương Đông).


GS Lưu Lệ Hằng

Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 ở Sài Gòn, làm việc tại Khoa Thiên văn học, Viện Đại học Harvard, Phòng thí nghiệm Lincoln, Viện Công nghệ Massachusetts. Hiện bà nghiên cứu, chế tạo các thiết bị thiên văn và giải pháp công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

“9 năm trước, phi thuyền “Các chân trời mới” được phóng lên khảo sát vành đai Kuiper mà GS Lưu Lệ Hằng là người khám phá. Hôm nay, chị Hằng đến đây, đúng lúc hình ảnh đầu tiên của Pluto (tức sao Diêm Vương, từ tháng 8.2006 bị “giáng” thành tiểu hành tinh) được gửi về trái đất. Một sự trùng hợp hiếm có”.

Đấy là chào mừng từ ông chủ các kỳ Gặp gỡ Việt Nam, GSTS Trần Thanh Vân, về sự hiện diện của nữ khoa học gia danh tiếng người Mỹ gốc Việt hôm khai mạc hội nghị khoa học “Các hệ hành tinh: Một quan điểm đồng vận” tại TP Quy Nhơn.

“Tôi có 1 đứa con, 2 con chó…”




Người phụ nữ ấy xuất hiện ở Quy Nhơn trong hình ảnh không thể giản dị hơn. Giữa không khí tưng bừng cờ quạt, giữa những bộ lễ phục đạo mạo, phẳng phiu, bà nổi bật – hay lạc lõng – chỉ với giày vải thể thao, bộ váy áo nhẹ nhàng, giản dị.

Có hôm, bà vận bộ đồ ka - ki nhiều túi, đi lại thong dong cạnh đồng nghiệp kềnh càng, “tai to mặt lớn”. Con người lừng danh của vật lý thiên thể thế giới không chọn lối đột hiện sau vầng hào quang.

Tôi chắc bà chẳng bận tâm nếu được so sánh với mấy chị “Tây ba lô” bụi bặm, hăm hở đang ngày càng quen thuộc trên đường phố Quy Nhơn. Nhiều phóng viên không có nổi tấm ảnh ưng ý chụp bà ở nghi thức trồng cây lưu niệm tại Trung tâm Khoa học - Giáo dục liên ngành (ICISE).

Loay hoay, xoay trở hồi lâu rồi phải có người đứng ra hướng dẫn bà cách cầm xẻng, cách xúc một mẩu đất. Nhìn bà bối rối xách thùng nước, cúi xuống thật thấp, tưới vào gốc cây rồi dừng chút xíu, ngước lên, nhỏn nhẻn cười với quan khách, thấy… hoàn cảnh thế nào. Đề cập sự mệt mỏi, căng thẳng bị “săn đón”, bà nhận xét: “Người ta làm hơi quá”.



GS Lưu Lệ Hằng trồng cây lưu niệm tại ICISE


“Tôi có một đứa con, hai con chó. Tôi đi chợ, nấu ăn, nuôi dạy con, dắt chó đi chơi. Tôi bình thường và rất yêu loài vật” – GS Hằng cười ha ha khi chúng tôi tò mò muốn hình dung ngày giờ của bậc trí thức lỗi lạc bên ngoài giảng đường, ngoài phòng thí nghiệm, ngoài ống kính thiên văn.

Việc chuyển hướng câu chuyện được bà khích lệ, có lẽ do “bội thực” trước điệp trùng câu hỏi về bầu trời cùng những vì tinh tú. Tôi dấn tới: “Trang phục không đụng hàng của bà thì sao? Là phong cách, sự sơ sài cần cho công việc hay đơn giản chỉ vì nóng quá?”. “Tôi quen thế mất rồi. Các nhà khoa học thường lười chăm chút hình thức. Họ dành thời gian cho việc khác, hữu ích hơn. Tiện lợi, thoải mái là được”.

Yêu và… mất ngủ ở Quy Nhơn

Ngoài hoạt động học thuật tại ICISE và giao lưu khoa học, GS Lưu Lệ Hằng dành thời gian còn lại thăm viếng chùa chiền, tắm biển, thả bộ loanh quanh. Nghiên cứu Phật học, du lịch, bảo vệ môi trường là mối bận tâm khác của bà.

Năm 1986, du lịch dài ngày đến Nepal, giữa núi cao, tuyết trắng, bà đã có những cuộc đàm đạo tâm đắc với các thiền sư Mật tông. Lý lịch bà ghi vài dòng về hoạt động ngoài trời và công tác xã hội là nói về quãng thời gian đứng lớp dạy tiếng Anh cho Tổ chức Cứu trợ trẻ em Nepal.

Bà kể: “Một mùa hè không thể nào quên. Những ngôi làng lạnh lẽo, chót vót nghèo xơ xác. Trường không ra trường, chỉ 4 chiếc cọc chống mái ngả nghiêng. Tụi trẻ đi bộ mấy giờ ròng rã mới đến được điểm lớp. Mỗi tuần chỉ học 2 – 3 buổi thôi”.

Bà tiếc chưa có dịp quay lại Nepal cùng những trải nghiệm ấm áp tuổi thanh xuân. “Với Quy Nhơn, tôi hy vọng sẽ khác. Ở đây có nỗ lực kết nối, truyền bá khoa học của vợ chồng GS Trần Thanh Vân – GS Lê Kim Ngọc mà tôi rất cảm kích và từng về nước tham dự hồi 1995. Còn nữa, các bạn thấy không, Quy Nhơn đẹp bao nhiêu! Bờ biển cong cong hình trăng khuyết, nước trong xanh, bãi cát vàng thật tuyệt. Mà tôi lo lắm. Khách sạn nhiều và lộn xộn. Có khu du lịch tràn lấn sát bờ. Đi dạo, vỏ chai lăn lóc nằm dưới chân. Chúng sẽ được tái sử dụng, đúng không?”.

Cô phiên dịch như hình với bóng ngồi cạnh bà đế thêm: “Ra Eo Gió, chứng kiến dự án du lịch – nghỉ dưỡng đang ồ ạt thi công, GS ngẩn ngơ mấy buổi. Nghe bảo gần ICISE rồi resort cũng mọc lên, lại mất ăn, mất ngủ cho coi”. Bà giải thích, phát triển kinh tế là cần nhưng phải biết nâng niu di sản tự nhiên: “Đâu thiếu chỗ xây khách sạn, khu du lịch, sao phải kéo ra tận bờ biển? Vẻ đẹp thiên nhiên là không thể tái tạo. Phá bỏ nó đồng nghĩa đánh mất nguồn tài nguyên vĩnh viễn”.

Đấy là bà còn chưa biết du lịch đất võ chỉ mới “mở mắt” mà thôi. Theo nhà chức trách, tỉnh này thiếu hụt trầm trọng hạ tầng – dịch vụ, đang vắng bóng cơ sở lưu trú đẳng cấp, chẳng hạn khách sạn 5 sao và đang làm hết sức để có thêm 5.000 phòng nghỉ từ nay đến 2020 bên cạnh 3.300 phòng hiện có.

Đam mê, nhẫn nại và một chút… hên




GS Lưu Lệ Hằng (giữa) cạnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Quân


“Không bao giờ muộn cho một tình yêu. Bạn có thể bắt đầu từ bây giờ”, GS Hằng khuyên một trí thức trẻ khi cô tiếc nuối giấc mơ học đường gắn với con tàu vũ trụ. Chuyến thuyết trình đợt này (ngoài Quy Nhơn còn 2 buổi ở Huế, Hà Nội) – có tên “cách nhìn mới về Hệ Mặt trời” – kỳ thực là một truyền kỳ về tình yêu, lòng kiên trì, sức sáng tạo.

Năm 1984, nhận bằng cử nhân vật lý tại Đại học Stanford, bà hãy còn là cá thể ngoại đạo trước mênh mông thiên văn học. “Thiên văn học với tôi là mối duyên không định trước. Vào thực tập nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA, tôi lần đầu bị mê hoặc bởi những bức ảnh gửi về từ tàu không gian Voyager. Nó đẹp đến không thể cưỡng nổi”.

Xin diễn giải nôm na công trình khám phá vành đai Kuiper (tên nhà thiên văn học Mỹ gốc Hà Lan, người năm 1951 nhắc lại giả thuyết của cựu trung tá quân đội Anh Edgeworth rằng Thái Dương hệ không kết thúc ở Pluto như khoa học vẫn biết mà ngay ranh giới đó còn tồn tại một vành đai tiểu hành tinh), vốn làm rung chuyển ngành vật lý thiên thể cuối thế kỷ 20, trước khi đưa tên tuổi Lưu Lệ Hằng, David C.Jewit (GS hướng dẫn bà tại Viện Công nghệ Massachusetts) và đồng nghiệp đi sau Michael Brown đến đỉnh vinh quang bằng giải Kavli 2012.

Suy đoán của Kuiper - Edgeworth bị thế giới lãng quên, chế nhạo. Nhân loại, với đà phát triển vượt bậc của khoa học không gian, tưởng đã nắm gọn Hệ Mặt trời trong lòng bàn tay. Năm 1987, Jewitt khởi hành tìm kiếm lời giải hợp lý cho “sự trống rỗng” phía ngoài Hệ Mặt trời qua việc quan sát các vật liệu di chuyển chậm.

Cuộc tìm kiếm của hai thầy trò kéo dài 5 năm, cuối cùng đã nhận diện được “khuôn mặt thật” của Pluto và sự hiện hữu của vành đai Kuiper với 70.000 thiên thạch. Rằng, Diêm Vương tinh, khối lượng bằng 0,2% trái đất, bằng 1/6 mặt trăng, quá nhỏ để có thể làm xáo trộn các hành tinh khác. Nó thực ra không xứng đáng chễm chệ trên “ngai vị” một hành tinh. Khám phá trên mở ra hướng đi mới giải thích, chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ.

“Thành công chỉ đến từ lòng đam mê, nhẫn nại cộng chút hên” – bà dùng chữ kiểu Sài Gòn – “Có tình yêu, bạn sẽ luôn trăn trở với nó”. Bà dẫn dắt chúng tôi đi qua ký ức đầy khó khăn, thách thức, thậm chí là thất bại ở đài thiên văn Kitt Peak (Arizona) và Mauna Kea (Hawaii).

“Không ai tin chúng tôi. Tôi và GS Dave phải làm mọi cách để theo đuổi mục tiêu như tranh thủ ké vào phần trống dự án khác hay đề xuất cái này, cái kia, sau đó sử dụng thời gian cho việc của mình. Chúng tôi gắng gượng động viên nhau, lần này thôi, lần này nữa thôi, cho tới ngày 30.8.1992!”.

“May mắn của bà là gì?”. “Ồ, không chúng tôi thì người khác cũng tìm ra, khi công nghệ thay đổi, phương tiện quan sát, tính toán tốt hơn. Cái hên của tôi nằm ở cơ hội tiếp cận kính thiên văn và camera có chip silicon tốt nhất thế giới thời điểm ấy tại Hawaii”.

(Theo Xuân Nhàn/Lao Động)



Phật Giáo Việt, Phật Giáo Tàu




Huỳnh Kim Quang



Khi Mâu Tử, một tri thức Tàu, tị nạn tại Giao Châu và viết trong Lý Hoặc Luận vào cuối thế kỷ thứ 2 sau tây lịch rằng, “Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất,”[1] cho thấy tại Giao Châu lúc bấy giờ, đã là một lãnh địa hùng cứ ở phương Nam không thua kém gì nước Tàu tại phương Bắc. Sử gia Lê Mạnh Thát nhận định về điều này như sau trong bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam:

Nhận xét này của Mâu Tử phải nói là một đòn đánh chí tử vào cảm thức tự tôn dân tộc của người Hán thời bấy giờ, đặc biệt lúc mà cụm từ "Trung Quốc", nước ở giữa, trung tâm không chỉ của con người, mà còn của "trời đất", được phổ biến và lưu hành rộng rãi để xác định vị trí của người Hán đối với các dân tộc khác. Ta đã thấy, để diễn tả việc người Hán đến nước ta tỵ nạn, truyện Sĩ Nhiếp của Ngô chí 4 đã viết: "Sĩ nhân Trung Quốc đến dựa tỵ nạn lên đến số trăm". Trong khi đó, cùng mô tả sự kiện ấy, Mâu Tử xuất phát từ nhận xét trên chỉ đơn giản nói: "Dị nhân phương Bắc đều đến để ở".”[2]

Một đất nước mà hàng trăm “sĩ nhân” của nước lớn đến tị nạn và lập nghiệp thì đất nước ấy không còn là “Hồ,” là “Rợ” nữa. Đất nước ấy chính là Việt Nam, nơi mà một, hai thế kỷ trước tây lịch đã tiếp thu và phát triển đạo Phật lên đến mức hưng thịnh.

Năm 43 sau tây lịch, sau khi Hai Bà Trưng hy sinh oanh liệt vì bảo vệ giang sơn xã tắc và quân đội dưới quyền Hai Bà tan rã, các tướng tá và binh sĩ, người bị giết, người bị bắt, người trốn thoát. Một trong những vị nữ tướng của Hai Bà Trưng còn sống sót và quy ẩn nơi Thiền Môn là Bát Nàn Phu Nhân, tức là công chúa Tiên La.[3] Sự kiện này cho thấy Phật Giáo đã bén rễ rất sâu và rộng trong xã hội Việt Nam trước thời Hai Bà Trưng, vì để có chủa chiền được kiến tạo thì chắc chắn phải có sinh hoạt Phật Giáo, mà điều này thì cần thời gian không ngắn. Tức là Phật Giáo ắt hẳn đã có mặt tại Việt Nam từ ít nhất một, hai thế kỷ trước tây lịch.

“Đất nước lâm nguy, các tướng tá Hai Bà Trưng một số hy sinh bị giết, hoặc bị bắt đi đày vùng Linh Lăng. Nhưng còn một số khác đã rút về các làng quê Việt Nam sống hòa mình vào dân nơi các ngôi chùa, mà ta biết tối thiểu là Bát Nàn phu nhân, hiện còn đền thờ ở xã Tiên La. Theo thần xã, bà là công chúa Tiên La, là nữ tướng của Hai Bà Trưng, sau các trận đánh, bà bị thương, rút về chùa xã Tiên La và mất tại đó.”[4]

Trong khi đó, đến năm 67 sau tây lịch Phật Giáo từ Ấn Độ mới du nhập vào Trung Quốc với bản kinh Phật Tứ Thập Nhị Chương [Kinh 42 Bài] lần đầu tiên được dịch bởi ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan và ngôi chùa được xây dựng đầu tiên ở Tàu là Chùa Bạch Mã, theo như Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viết trong Phật Học Phổ Thông, Khóa V, Chương nói về Lịch Sử Phật Giáo Trung Hoa.

“Theo các sách sử còn truyền lại, thì dân Trung hoa đã có nghe nói đến đạo Phật lâu lắm và rải rác trong dân chúng ở phía Tây, đã có người theo đạo Phật rồi. Nhưng mãi đến đời nhà Đông hán, niên hiệu Vĩnh bình năm thứ mười (T.L 67) Vua Minh Đế sai các ông Vương Tuân, Thái Hâm, cả thảy mười tám người qua nước Đại Nhuc Chi (một nước ở phiá Tây, trên đường từ Ấn Độ sang Trung Quốc) để rước Phật về thờ và có mời được hai vị sư là Ca-Diếp Ma Đằng (Kerssoapa Matanga) và Trúc Pháp Lan (Falan) qua Trung Hoa. Vua Hán Minh Đế truyền dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và cho hai Ngài ở đó dịch kinh truyền Đạo. Hai Ngài đã dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương và mười sáu quyển kinh khác.”[5]

Trong khi tại Ấn Độ, Ngài Long Thọ [Nagarjuna], xuất hiện vào khoảng từ 150 đến 200 năm sau tây lịch, sáng tác Căn Bản Trung Luận Tụng [Mùlamadhyamakakarika] và nhiều bộ luận khác để xiển dương giáo nghĩa Tính Không của Đại Thừa, thì tại Việt Nam cùng thời đó, chính xác là vào cuối thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3 sau tây lịch đã phổ biến Lục Độ Tập Kinh, tức là kinh nói về Lục Độ Ba La Mật của Đại Thừa. Điều này cho thấy rằng giáo nghĩa tinh yếu của Đại Thừa mà cụ thể là Lục Độ Ba La Mật đã được truyền bá rất sớm tại Việt Nam. Thời gian này tại Trung Quốc vẫn chưa có nhiều bộ kinh được dịch và lưu truyền. Vào thế kỷ thứ 4, thứ 5 mới có ngài Nghĩa Tịnh, ngài Chân Đế và ngài Cưu Ma La Thập đến Trung Hoa để dịch các bộ kinh luận Đại Thừa. Đến thế kỷ thứ 7 sau tây lịch nhờ công trình phiên dịch kinh điển quy mô của ngài Huyền Trang thì Phật Giáo Trung Hoa mới phát triển cực thịnh.

Trước đó, giữa thế kỷ thứ 3 tức năm 247 sau tây lịch vào thời Tam Quốc, ngài Khương Tăng Hội từ Việt Nam sang Kinh Châu của Đông Ngô của Trung Quốc để giảng kinh và truyền bá Phật Pháp.

“Vào năm 247, một vài năm sau khi Chi Khiêm rời khỏi kinh đô Kiến Nghiệp, Khương Tăng Hội, một vị cao tăng gốc miền Trung Á, đã đến đây. Ngài đến từ Giao Chỉ, thủ phủ của Giao Châu ở miền cực Nam của đế quốc Trung Hoa (gần Hà nội ngày nay). Gia đình của Ngài đã sinh sống ở Ấn độ trải qua nhiều thế hệ; thân phụ của Ngài, một thương gia, đến định cư ở thành phố thương mại quan trọng này.”[6]

Nói về tình hình Kinh Phật xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3, tức thời đại của Mâu Tử, sử gia Lê Mạnh Thát cho biết trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Chương IV, như sau:

Sự thực, vào thời Mâu Tử không phải chỉ một mình bản Lục Độ Tập Kinh tiếng Việt lưu hành, mà còn nhiều bản kinh khác nữa mà ngày nay chúng tôi truy ra ít nhất được thêm tên tuổi 2 bản kinh. Đó là Cựu Tạp Thí Dụ Kinh cũng do Khương Tăng Hội dịch và Tạp Thí Dụ Kinh mà các kinh lục từ Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ 1 ĐTK 2151 tờ 350b27 và Khai nguyên Thích Giáo Lục 1 ĐTK 2154 tờ 483c14 đều liệt vào loại "thất dịch" của đời Hán.”[7]

Hơn nữa, điều mà các sử liệu của Phật Giáo Việt Nam đều ghi nhận là sự có mặt rất sớm, khoảng thế kỷ thứ nhất và thứ hai trước tây lịch, của Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu tại Việt Nam. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1, thì:

“Các tài liệu như Hậu Hán Thư trong đó có câu chuyện Sở Vương Anh theo Phật Giáo, sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử viết tại Việt Nam vào hạ bán thế kỷ thứ hai, kinh Tứ Thập Nhị Chương và một số tài liệu khác, có tính cách lặt vặt hơn, cho ta thấy rằng trong đời Hậu Hán (thế kỷ thứ nhất và thứ hai) ngoài hai trung tâm Phật Giáo ở Trung Hoa, còn có một trung tâm Phật Giáo rất quan trọng khác ở Giao Chỉ, tức Việt Nam, lúc bấy giờ đang nội thuộc Trung Quốc.

Hai trung tâm ở Trung Hoa là trung tâm Lạc Dương và trung tâm Bành Thành. Lạc Dương là kinh đô Trung Hoa vào đời nhà Hán, Hiện nay là một huyện ở tỉnh Hà Nam, còn Bành Thành thì ở về hạ lưu sông Dương Tử, hiện thuộc tỉnh Giang Tô. Ở nước ta thì có trung tâm Luy Lâu: Luy Lâu là trị sở bấy giờ của Giao Chỉ, hiện nay thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

“Trong ba trung tâm Phật Giáo đời Hán vừa kể, trung tâm nào được thành lập sớm nhất? Hiện giờ chưa có câu trả lời dứt khoát. Nhưng đứng về nguồn gốc, chỉ có trung tâm Luy Lâu tại Giao Chỉ là ta biết chắc chắn do đâu mà được thành lập. Nguồn gốc của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành vẫn còn rất mờ. Có nhiều dữ kiện khiến cho chúng ta nghĩ trung tâm Luy Lâu được thành lập sớm nhất, và trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa.” [8]

Những gì được nói ở trên về mặt sử liệu, văn hóa và tư tưởng cho thấy rằng dù trong thời kỳ bị Tàu đô hộ khắc nghiệt nhất dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận đạo Phật trước Tàu và vượt thoát sự nô dịch hóa của Tàu một cách kiên cường và dũng mãnh sau đó.

Trong khoảng nửa thế kỷ nay, nhất là cao trào gần đây, khi làn sóng chống chính quyền  Trung Quốc bùng phát để phản đối tham vọng bá quyền của chính quyền  Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, nhiều người Việt trong và ngoài nước, kể cả trong giới Phật Giáo đặt vấn đề những gì liên quan đến Tàu trong văn hóa và đạo giáo của người Việt để chỉ trích và loại bỏ. Có điều cần nói ngay rằng thế lực xăm lăng đất nước Việt Nam từ xưa đến nay là các chế độ chính trị cầm quyền tại Trung Hoa thời xưa và Trung Quốc thời nay, chứ không phải là Phật Giáo Tàu. Và trong suốt chiều dài lịch sử cả ngàn năm đấu tranh chống sự xâm lược của Tàu đối với Việt Nam, Phật Giáo Việt và Phật Giáo Tàu vẫn không có mối hiềm khích nào đáng tiếc xảy ra.

Trong chiều hướng đó, có người cho rằng chữ Hán không phải là chữ Việt, chỉ có “chữ quốc ngữ” mới là chữ Việt. Lạ chưa? Nếu vậy thì mấy ngàn năm văn hiến Việt là cái gì? Nếu vậy thì mấy ngàn năm nay tổ tiên ông bà chúng ta dủng chữ gì làm chữ “quốc ngữ”? Không lẽ một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử lại không có “chữ quốc ngữ” cho mình sao?

Chữ mà các cố đạo Ky Tô gọi là “chữ quốc ngữ” đó là gì? Thứ nhất, nó chỉ mới được vay mượn từ ký tự La Tinh từ vài thế kỷ nay và được chính thức áp dụng toàn quốc Việt Nam khoảng 1 thế kỷ nay. Thứ hai, nếu nói chữ Hán là ký tự của người Hán, người Tàu nên không phải là “chữ quốc ngữ”, vậy thì “chữ quốc ngữ” đó cũng vay mượn ký tự La Tinh thì có thật sự đúng là “chữ quốc ngữ” của người Việt không? Thứ ba, cách gọi tên chữ viết mượn ký tự La Tinh là “chữ quốc ngữ” là cả sự hàm ý. Hàm ý thứ nhất là phủ nhận vị thế chữ quốc ngữ của tất cả các thứ chữ mà dân tộc Việt đã dùng trong quá khứ. Hàm ý thứ hai, qua đó cũng phủ nhận luôn tất cả những gì liên quan đến chữ Hán là thuộc về ngôn ngữ và văn hóa Việt, mà mục đích của hàm ý này là loại bỏ vai trò và ảnh hưởng của Phật Giáo ra khỏi lòng dân tộc, vì văn hóa và văn học Phật Giáo Việt Nam hầu hết nằm trong hệ chữ Hán. Nhìn thấy được hàm ý đó, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, năm 2003, đã viểt trong tiểu luận “Văn Minh Tiều Phẩm” như sau:

Nếu gạt bỏ một mảng lớn hay toàn bộ thơ văn các tiền nhân ra ngoài lịch sử văn học Việt nam, mà đại bộ phận được sáng tác bằng Hán văn, quả thật dân tộc Việt nam chỉ mới trưởng thành đây thôi, khi mà văn minh phương Tây được truyền sang thông qua ký tự La-tinh được gọi là chữ quốc ngữ, theo ý đố xâm thực bằng văn hoá – tôn giáo – chính trị.”[9]

Thực sự có đúng là nếu dùng chữ Tàu thì chúng ta bị nô lệ về chính trị, bị Hán hóa về tư tưởng và văn hóa chăng?

Xin hãy suy nghiệm một vài sự kiện lịch sử sau đây để thấy thực hư sa rao.

Các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn tại Việt Nam trải dài hơn một ngàn năm vẫn luôn luôn sử dụng chữ Hán như quốc ngữ -- chữ Nôm cũng được lập ra từ xa xưa nhưng không được sử dụng phổ thông, mãi đến đời Nhà Hồ (1400-1407) mới được chính thức dùng như chữ quốc ngữ trong các văn bản nhà nước. Nhưng cũng chính trong các triều đại ấy đất nước Việt Nam mới thực sự lấy lại được quyền độc lập tự chủ, và diễn ra những cuộc kháng chiến, những trận phản công, những trận đánh quy mô chống lại và dẹp tan kế hoạch xâm lược của các triều đại Tống, Nguyên, Minh. Thanh của Tàu. Việt Nam trong suốt thời gian đó là một quốc gia độc lập với Tàu về mọi mặt.

Bài Nam Quốc Sơn Hà của danh tướng nhà Lý là Lý Thường Kiệt chẳng phải cũng được viết bằng chữ Hán đó sao? Nhưng hùng khí độc lập tự chủ dân tộc và khí phách thách thức trước âm mưu xâm lược của Tàu thì bừng bừng cao ngất có mấy ai bì kịp:

“Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”

Cụ Trần Trọng Kim dịch thơ như sau:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm ?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!”



Năm 987 thời nhà Tiền Lê của Việt Nam, nhà Tống của Tàu sai nhà thơ Lý Giác làm sứ thần qua Việt Nam, Vua Lê Đại Hành cử thiền sư Pháp Thuận giả làm gã chèo đò để đón Lý Giác. Khi đò qua sông, Lý Giác nhìn dòng sông có mấy con ngỗng đang bơi rồi ngâm rằng, “Nga nga lưỡng nga nga, ngưỡng diện hướng thiên nha,” (Ngỗng ngỗng hai con ngỗng, ngửa mặt nhìn lên trời). Ý nói triều đình nhà Tống bên Tàu là thiên triều. Lúc đó, gã chèo đò Pháp Thuận mới gõ vào mạn thuyền mà ngâm rằng, “Bạch mao phô lục thủy, hồng trạo bãi thanh ba,” (Lông trắng phơi trên dòng nước biếc, chân hồng bơi trong ngọn sóng xanh). Ý nói nước Việt có tự do, độc lập hành xử đối sánh ngang hàng với nước Tàu ở bên cạnh. Lý Giác tâm phục khẩu phục vì thấy một gã chèo đò mà văn tài ứng đối nhậm lẹ, uyên bác và khí khái như thế thì giới tri thức sĩ phu Việt còn tài ba cỡ nào. Thiền sư Pháp Thuận cũng dùng chữ Hán để ngâm thơ đối đáp với Lý Giác mà lại làm cho Lý Giác kính nể, nêu cao chủ quyền và danh dự quốc gia, làm sáng tài năng dân Việt. Ai bảo sử dụng chữ Hán là nô lệ Tàu?

Vào thời Hậu Lê, Nguyễn Trãi dùng chữ Hán để viết Bình Ngô Đại Cáo tuyên ngôn nền độc lập tự chủ của nước nhà, ca tụng anh hùng sĩ khí của dân tộc, cổ võ tinh thần dựng nước và giữ nước, hạch tội quân Minh xâm lược, nhưng đồng thời cũng nêu cao lòng nhân nghĩa của giống nòi để sống chung với cộng đồng các lân bang hầu mưu cầu hòa bình và thịnh vượng cho đất nước.

Cái văn:
Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo.
Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam bắc chi phong tục diệc dị.
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tuy cường nhược thì hữu bất đồng,
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp.”




“Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.” [10]

Trên thực tế, người Việt hiện nay có rất ít người biết chữ Hán, nên việc đọc các văn bản chữ Hán, kể cả Kinh Phật, cũng là vấn đề khó khăn. Việc tiếp cận nền văn hóa cổ của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam thời trước đã không được thuận lợi lắm. Vì vậy, nhu cầu dịch chữ Hán ra chữ Việt hiện đại để mọi người có thể đọc và hiểu là cần thiết và quan trọng. Nhưng phải nhận thức rằng dù vậy, chữ Hán mà tổ tiên chúng ta ngày xưa sử dụng vẫn là chữ quốc ngữ một thời của dân tộc với đầy đủ nội hàm và sắc thái truyền thống đặc thù của Việt Nam và cần phải được tôn trọng đúng chức năng và vai trò của nó trong lịch sử.

Có người không rõ về bản sắc đặc thù của Phật Giáo Việt đối với Phật Giáo Tàu, vì vậy họ nghĩ rằng cái gì của Phật Giáo Việt cũng đều là bản sao của Phật Giáo Tàu cả. Đây là sự ngộ nhận rất lớn làm lu mờ vị thế, vai trò, chức năng và ảnh hưởng của Phật Giáo Việt đối với dòng vận hành lịch sử hơn hai ngàn năm của Phật Giáo Việt Nam.

Sử gia Lê Mạnh Thát trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam cho thấy rằng từ những thế kỷ đầu tây lịch, Phật Giáo Việt Nam thông qua Lục Độ Tập Kinh đã nêu bật lập trường quan điểm và cách sống khác nhau của người Việt nói chung và người Phật tử Việt Nam nói riêng đối với văn hóa Tàu. Sử gia Lê Mạnh Thát nêu ra nhiều điểm tiêu biểu của Lục Độ Tập Kinh phản kháng văn hóa Tàu và bảo vệ nét đặc thù văn hóa Việt mà nơi đây xin ghi lại 3 điều, gồm, “xây dựng một ‘hạnh’ mới, một lối sống mới, một nền văn hóa điển huấn mới,” “lý tưởng bồ tát, dám xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than,” và tư tưởng hiếu đạo khác hẳn với hiếu kinh của Tàu. Xin trích vài đoạn trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập I, Chương II như sau để người đọc tham khảo.

“Thứ nhất, thông qua các kinh sách Phật giáo, họ kêu gọi, "bỏ mình chớ không bỏ hạnh". Đấy là những khẩu hiệu trong phong trào bảo vệ ý chí độc lập toàn dân từ sau thời Bát Nàn phu nhân trở đi như truyện 10 của Lục độ tập kinh 2 tờ 6a-5 đã ghi lại. Hạnh đây là lối sống, là cách cư xử, là cung cách thể hiện tính người, thể hiện ý chí riêng cuả từng người, từng dân tộc trong việc đối phó với tự nhiên và xã hội, đối phó với nhu cầu cá nhân và đòi hỏi tập thể mà mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người đều có. Hạnh do thế là một dạng hạnh nguyện. Cho nên, đánh mất hạnh là đánh mất văn hóa, đánh mất ý chí tự tồn, đánh mất hạnh nguyện, biến cá nhân ấy, cộng đồng ấy thành một cá nhân mới, một cộng đồng mới, sống theo một lối sống mới, một cung cách hành xử mới của một cộng đồng mới. Cho nên dân tộc ta lúc nào cũng nối tiếp nhau để kiên trì xây dựng một "hạnh" mới, một lối sống mới, một nền văn hóa điển huấn mới. Nổ lực kiên trì xây dựng này, đến thời Mâu Tử đã tỏ ra thành công hoàn toàn.”



“Thứ hai, họ kêu gọi toàn dân chống lại bộ máy đàn áp của người Hán, mà ngày nay ta có thể tìm thấy một số những rơi rớt trong truyện số 68 trong Lục độ tập kinh tờ 36c24-25, với chủ trương "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than" (Bồ tát đổ dân ai hiệu vi chỉ huy lệ đầu thân mệnh hồ. Lệ chánh, tế dân nạn ư đồ thán). Đây là một chủ trương mà các kinh Phật giáo khác tồn tại ở Trung Quốc lẫn Việt Nam vào ba thế kỷ đầu sdl không thấy nói tới. Rõ ràng đây là một gởi gấm của những người Phật tử Việt Nam đói với tình hình đất nước lúc bấy giờ. Thậm chí, ngay cả khi ta nghiên cứu quá trình hình thành truyện 68 này, ta sẽ thấy điểm này không thể xuất phát từ nguồn gốc Ấn Độ được, bởi vì truyện đã nói đến phong tục địa táng và bỏ vàng vào miệng người chết. Ngay cả chi tiết bỏ vàng vào miệng người chết này, thì tục lệ Trung Quốc vào thời này không thấy nói tới.”



“Không những phê bình chung của đạo hiếu là nêu tên đối với hậu thế, truyện 86 còn phê phán mạnh mẽ quan niệm vô hậu mà Mạnh Tử nêu lên, đó là "bất hiếu có ba, vô hậu là lớn nhất" (bất hiếu hữu tam vô hâu vi đại). Lục độ tập kinh 8, tờ 48a7-10 viết: "Ta muốn cái đạo vô dục, ý muốn ấy mới quí. Đem đạo truyền cho thần, đem đức trao cho thánh, thần thánh truyền nhau giáo hóa rộng lớn không bao giờ hư, đó mới gọi là sự thừa tự tốt. Bây giờ các ngươi ngăn nguồn đạo, chặt gốc đức, có thể gọi là kẻ vô hậu đó vậy".

“Khẳng định có một cách thừa tự tốt, đó là đem đạo đức truyền cho nhau, và đồng thời phê phán khái niệm thừa tự hẹp hòi của quan niệm vô tư và Mạnh Tử nêu lên, hiển nhiên đã nhắm thẳng vào chính những tư tưởng Nho giáo đang lưu truyền tại nước ta, báo động cho quần chúng biết về những thiếu sót và nền văn hóa nô dịch Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập vào đời sống dân ta.”[11]

Gần đây khởi lên một số quan điểm cho rằng thuật ngữ “84,000 pháp môn” là sản phẩm của Phật Giáo Tàu, chứ không có trong kinh điển Pali. Trong Trưởng Lão Tăng Kệ có nói đến 84,000 dharmaskandhas, là 84,000 pháp uẩn, tức là 84,000 tập hợp, nhóm, hay lời dạy của đức Phật và chư vị đại đệ tử của đức Phật.[12] Tuy nhiên, trong Từ Điển Phật Giáo Tây Tạng Ives Waldo Dictionary định nghĩa 84,000 dharmaskandhas là 84,000 cửa pháp [pháp môn] để đối trị với 84,000 phiền não.

“84,000 gates of dharma [taught by the buddha to exist as antidotes for the 84000 kleshas, from each of the three pitakas bka' sde snod gsum nyi khri chig stong re and the 4th nyi khri chig stong bcas = 84000].”(84000 cửa pháp [được đức Phật dạy như là thuốc giải độc đối với 84000 phiền não, từ mỗi tạng trong tam tạng kinh điển.]).

Trong lời giới thiệu chương trình dịch thuật tam tạng kinh điển Phật Giáo sang Anh ngữ của Tổ Chức Phật Giáo Tây Tạng “84000 Translating The Words Of The Buddha,” cũng cho rằng đức Phật đã dạy 84,000 pháp môn.

“It is said that the Buddha taught more than 84,000 methods to attain true peace and freedom from suffering. Of these teachings, only 5% have been translated into modern languages. Due to the rapid decline in knowledge of classical languages and in the number of qualified scholars, we are in danger of losing this cultural heritage and spiritual legacy.”[13] (Được biết rằng đức Phật đã dạy hơn 84,000 phương pháp để đạt tới an lạc và giải thoát khổ đau thực sự. Trong những lời dạy này chỉ có 55% là đã được dịch sang các ngôn ngữ hiện đại. Vì sự thoái bộ nhanh chóng trong kiến thức về các cổ ngữ và trong số lượng học giả có phẩm chất, chúng ta ở trong sự nguy hiểm của mất mát di sản văn hóa và di sản tâm linh này.”

Điều đó cho thấy rằng, không phải vì Phật Giáo Việt lệ thuộc vào Phật Giáo Tàu nên mới cho rằng 84,000 pháp uẩn là 84,000 pháp môn, mà Phật Giáo Tây Tạng cũng hiểu 84,000 pháp uẩn là pháp môn. Tất nhiên, ai cũng biết rằng con số 84,000 chỉ là một con số biểu tượng cho số nhiều chứ không nhất thiết là phiền não chỉ có chừng đó. Nhưng, đã có con số 84,000 phiền não biểu tượng thì con số biểu tượng 84,000 lời dạy của đức Phật như những pháp môn đối trị cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ, vô nghĩa. Có lẽ chính đó là lý do tại sao trải qua nhiều thế kỷ từ Tây Tạng, Trung Quốc đến Việt Nam các bậc cổ đức vẫn sử dụng con số 84,000 pháp môn để nói về 84,000 pháp uẩn. Hơn nữa, pháp môn có hiểu qua nhiều khía cạnh. Có pháp môn dùng để nghe, có pháp môn dùng để suy nghiệm và có pháp môn dùng để tu tập, thích ứng với tam học văn tư tu như là 3 nguyên tắc nhập đạo và phát triểt kiến văn và thực hành Phật Pháp. Theo ý nghĩa này, pháp môn cũng có thể hiểu là cánh cửa vào Phật Pháp qua phương thức văn, tư và tu. Khi nghe trực tiếp một lời dạy của đức Phật, hoặc khi tụng đọc và học tập giáo pháp của đức Phật từ kinh điển, từ chư thiện tri thức, người nghe cũng có thể nhờ đó mà liễu ngộ được Phật Pháp, đốn phá được vô minh và phiền não. Như vậy há không phải mỗi lời dạy, mỗi pháp uẩn là một pháp môn?

Thực tế không phải chỉ có Phật Giáo Việt, Phật Giáo Tàu có mối tương quan tương duyên chặt chẽ nhau vì đều cùng truyền thừa một nguồn cội Phật Pháp như nhau, mà ngay cả nền văn hóa Việt, văn hóa Tàu và các nền văn khác trên thế giới cũng có những tương quan tương duyên với nhau theo từng thời đại. Lịch sử tồn tại và phát triển của các nền văn minh trên thế giới từ xưa đến nay cho thấy rằng, các nền văn minh, các tôn giáo, các nền văn hóa vốn ít nhiều đều có mối tương quan tương duyên nhau. Không một nền văn minh, văn hóa và tôn giáo nào không chịu chi phối, ảnh hưởng, bắng cách này hay cách khác, các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo khác. Phật Giáo cũng vậy, cũng không ngoại lệ. Việc Phật Giáo Việt, Phật Giáo Tàu, Phật Giáo Tạng, hay Phật Giáo Nhật, v.v… chịu ảnh hưởng ít nhiều với nhau là điều tất yếu, ngoài việc có cùng nguồn gốc Phật Pháp ra còn có mối tương quan tương duyên trong giao tiếp lân cận qua nhiều lãnh vực khác. Ngày nay, quan niệm về toàn cầu hóa đã là một sự thật phổ quát. Điều này có nghĩa là tất cả các nước trên thế giới đều chịu tương quan tương duyên và ảnh hưởng lẫn nhau, từ văn hóa, giáo dục, chính trị đến kinh tế, quân sự, v.v... Hiện nay, không một quốc gia nào trên thế giới có thể sống biệt lập với phần còn lại của xã hội loài người. Cả thế giới đã thành một ngôi làng nhỏ.

Tuy nhiên, trong cái chung của toàn cầu hóa vẫn có nét đặc thù của từng quốc gia, từng nền văn hóa, v.v... Phật Giáo cũng vậy, trong cái chung là tinh hoa cốt lỗi của Phật Pháp được đức Phật dạy mà nơi nào Phật Giáo truyền bá đến đều thấm nhuận phổ biến và duy trì, vẫn có cái riêng là nét đặc thù về hành hoạt của Phật Giáo bản địa.

Phật Giáo Việt cũng thế, cũng có những đặc điểm so với Phật Giáo Tàu. Tuy nhiên, một số Phật tử Việt Nam thời nay đôi khi chóa mắt trước những thành quả tu hành của các vị cao tăng ngoại quốc qua sự quảng bá của sách báo và kỹ thuật tin học, đã xem thường con đường thực nghiệm của Phật Giáo Việt, và đã quên rằng truyền thống hai ngàn năm Phật Giáo Việt cũng tu tập nghiêm mật các pháp môn Thiền, Tịnh, Mật như các truyền thống Phật Giáo khác trên thế giới, và đã không thiếu các vị cao tăng đắc đạo. Phật Giáo Việt có những hình ảnh sáng chói hiếm thấy trong các quốc độ Phật Giáo khác kể cả Phật Giáo Tàu như, vị vua sau khi truyền ngôi cho con thì vao chùa tu hành đắc đạo là Đệ Nhất Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông; vị thiền sư sống tự tại dung thông nhị đế Tuệ Trung Thượng Sĩ, thời bình thì ở chùa tu hành, hoằng pháp, thời đất nước bị ngoại bang xâm lăng thì mặc chiến bào ra trận đuổi giặc, giữ gìn bờ cõi biên cương; vị bồ tát dùng thân mình làm ngọn đuốc soi đường để thắp sáng lương tri nhân loại và lương tâm Ngô triều trước pháp nạn của Phật Giáo Việt vào đầu thập niên 1960s của thế kỷ trước là Bồ Tát Quảng Đức.

Hơn nữa, Phật Giáo Việt một thời đã là chất liệu nuôi dưỡng ý thức độc lập dân tộc và sức mạnh kiên cường đấu tranh bảo vệ quốc gia dân tộc với sự chủ đạo của một triết lý nhập thế dấn thân tích cực mà Phật Giáo Tàu không hẳn đã có. Như Lục Độ Tập Kinh đã có nói:

"Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than" (Bồ tát đổ dân ai hiệu vi chỉ huy lệ đầu thân mệnh hồ. Lệ chánh, tế dân nạn ư đồ thán)[14]

Lại nữa, cùng chịu tác động ít nhiều của phong trào chấn hưng Phật Giáo của Đại Sư Thái Hư bên Trung Hoa vào đầu thế kỷ 20, nhưng khi Phật Giáo Việt đẩy mạnh phong trào chấn hưng đến cao điểm thì thành quả khác xa với Phật Giáo Tàu. Phật Giáo Việt đã thực hiện thành công lần đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Thế Giới sự kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống Nam Bắc Tông và hai giới Tăng Sĩ và Cư Sĩ trong một tổ chức thống nhất gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào đầu năm 1964. Phật Giáo Việt đã phát triển thành công chương trình giáo dục quần chúng qua hệ thống Trường Trung Tiểu Học Bồ Đề và Đại Học Vạn Hạnh như là kết quả sáng chói của công cuộc chấn hưng Phật Giáo. Còn nhiều lắm những điểm đặc thù của Phật Giáo Việt mà nơi đây không thể nói hết.

Tóm lại, đức Phật khi đem Phật Pháp để giáo hóa chúng sinh chuyển mê, khai ngộ và thoát khổ, ngài không phân biệt giai cấp, chủng loại và quốc độ của đối tượng cảm hóa. Vì vậy, Phật Pháp đã có thể vượt biên cương quốc gia chủng tộc để lưu truyền trên khắp thế giới từ hơn hai mươi lăm thế kỷ nay.

Phật Giáo Việt và Phật Giáo Tàu có mối tương quan tương duyên đặc biệt kéo dài cả ngàn năm. Nhưng thực chất thì Phật Giáo Việt không lệ thuộc Phật Giáo Tàu. Trong quá trình lịch sử, Phật Giáo Việt mở rộng tâm và trí để tiếp thu có gạn lọc và sáng tạo những tinh hoa của Phật Giáo Tàu nói riêng và các trào lưu văn hóa nói chung để làm giàu thêm cho gia tài tâm linh quý báu của mình.


[1] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Chương IV2, nguồn: http://thuvienhoasen.org
[2] Sách đã dẫn trên, cùng nguồn: http://thuvienhoasen.org
[3] Sách đã dẫn trên, Chương II, nguồn: http://thuvienhoasen.org
[4] Sách đã dẫn, Chương II, nguồn www.thuvienhoasen.org
[5] Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Khóa v, Lịch Sử Phật Giáo Trung Hoa, nguồn www.quangduc.com
[6] E. Zurcher, The Buddhist Conquest Of China, Thạnh Xương, Đài Bắc, Đài Loan, 1959, Huỳnh Kim Quang địch, nguồn: www.thuvienhoasen.org
[7] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Chương IV, nguồn: www.thuvienhoasen.org
[8] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, Chương 1, nguồn: www.langmai.org
[9] Thích Tuệ Sỹ, Văn Minh Tiểu Phẩm, nguồn: www.quangduc.com
[10] Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo, Ngô Tất Tố dịch, nguồn: www.vi.wikisource.org
[11] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập I, Chương II, nguồn: www.thuvienhoasen.org
[12] Xem Thích Nhật Từ, Đức:Phật Có Dạy 84000 Pháp Môn Hay Không, http://thuvienhoasen.org/a22455/duc-phat-co-day-84-000-phap-mon-khong ; và xem Cư Sĩ Nguyên Giác, Tu Học: Nói, Nghe, Đọc, Viết… http://thuvienhoasen.org/a22444/tu-hoc-noi-nghe-doc-viet
[13] Nguồn: http://84000.co/about/vision
[14] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập I, Chương II,

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

VÀ KHI TỈNH (THỨC), TÔI TÌM LẠI TÔI




Quán Như Phạm Văn Minh

To study the Way is to study the Self
To study the Self is to forget the Self
To forget the Self is to be enlightened by all things
Dogen Tổ Phái Thiền Tào Động, Nhật


Vào khoảng năm 1964 hay 65, Thầy Nguyễn Đăng Thục lúc đó là Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tổ chức một buổi hội thảo bằng tiếng Anh, có sự tham dự của viên Giám Đốc Hội Việt Mỹ, với đề tài “Who Am I?” Sinh viên rất phấn khởi vì cuộc hội thảo bằng tiếng Anh về một đề tài triết lý Đông phương. Tôi không còn nhớ chi tiết thảo luận vì trình độ tiếng Anh lúc đó chưa sạch nước cản và kiến thức về về triết học Đông Phương cũng tầm thường, chỉ đủ thi đậu chứng chỉ Triết Đông cuối năm!

Những người không ở trong ngành tưởng là đây là một câu hỏi ngớ ngẩn của những người bị bệnh lãng trí, không còn nhớ mình là ai, nhưng không phải ai cũng có thể trả lời câu hỏi này rõ ràng. Tôi là ai? Tôi là tên cha mẹ đặt hay là bút hiệu mà tôi đặt? Tôi là tiểu sử cắt ngang hay cắt dọc? Tôi là thể xác và tâm hồn? Tôi là những bằng cấp hay kiến thức mà tôi đạt được trong đời? Tôi lúc còn trẻ hay lúc đã về chiều? Tôi vẫn là tôi trong dòng đời trôi chảy hay vẫn thế không biến đổi trong vô thường? Hay tỉnh thức như Walt Whitman “I am larger better than I thought. I contain multitude”.

Thế nhưng hễ bị ai đe dọa hay khiêu khích ‘cái tôi’, hoặc khi nghĩ người khác không hiểu ‘cái tôi’đúng theo mô hình tưởng tượng mà mình ‘nghĩ sẵn trong đầu’, cái tôi không biết từ đâu lại đùng đùng nổi dậy. Cống cao ngã mạn là nguồn gốc lớn nhất của đau khổ mà chúng ta gặp trên đời .

‘Tôi’ theo cái nhìn của khoa học não bộ
Trực giác thông thường khiến chúng ta nghĩ là hễ có ý tưởng phải có người suy nghĩ. Theo Giáo Sư Wolf Singer đây là một trực giác sai lầm còn sót lại từ thời Descartes, khi triết gia này tuyên bố ‘I think therefore I am’ (Cogito Ergo Sum), chia con người thành hai phần, mở đầu cho lối suy nghĩ nhị nguyên. Các nghiên cứu hiện đại về não bộ cho chúng ta một hình ảnh hoàn toàn khác về Ngã trong não bộ con người. Không có bằng chứng cho thấy có phần đặc biệt nào trong não đứng ra chủ động phối hợp ý tưởng. Có ý tưởng nhưng không có người suy nghĩ! Các nhà tâm lý hiện đại gọi là thoughts without a thinker.

Khi trong đầu hiện ra tình cảm về ‘Tôi’, nhiều tế bào trong nhiều vùng khác nhau của não bộ trở nên năng động cùng một lúc và làm dao động hàng ngàn các tế bào não khác. Không có chỗ nào đặc biệt trong não có thể gọi là người suy nghĩ. Vô ngã không phải là lý thuyết suông của đạo Phật mà là một hiện thực trong khoa học não bộ.

Vô ngã là một trong tam pháp ấn, ba cánh cửa giải thoát. Hơn hai ngàn năm trước Đức Phật không có dụng cụ nào để đo lường não, làm sao Ngài ‘thấy’ được chuyện này? Thảo nào mà Kabat Zinn khen tặng Đức Phật là một thiên tài khoa học dù trong tay không có một dụng cụ nào để ‘đo’ tâm ngoài các phương pháp thiền định, trong đó có Thiền Chánh Niệm. Singer khẳng quyết là trực giác cho rằng có một trung tâm điều khiển ý tưởng là hoàn toàn sai lầm (Jon Kabat Zinn and Richard Davidson, The Mind’s Own Physician, p 66)

Nguồn cội khổ đau

Ngã là nguồn cội lớn nhất gây đau khổ cho chúng ta. Sau 49 ngày nhập định và giác ngộ, Đức Phật ngần ngại không muốn đem Chánh pháp truyền bá, phải nhờ có một thiên thần xuống thuyết phục và cuối cùng vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Ngài mới chịu nhận lời. Trong ba Pháp Ấn, khổ và vô thường thì khá rõ ràng dễ được mọi người chấp nhận, nhưng vô ngã là một ý tưởng đi ngược dòng chảy trong bối cảnh văn hóa thời Đức Phật. Nhất là trong Ấn giáo, không những có ngã cá nhân mà còn có Đại ngã và Tiểu ngã. Nhất là câu hỏi theo suy nghĩ thông thường của chúng ta: nếu không có ngã thì ai tác nghiệp và ai thụ nhận nghiệp? Điều bận tâm của Đức Phật rõ ràng là lý thuyết vô ngã. Một câu nói khác thường xem là của Đức Phật do Jon Kabat Zinn dẫn chứng là: “Những điều Như Lai dạy trong 45 năm hành đạo, có thể tóm gọn vào một câu: không có cái gì gọi là Ngã để có thể bám víu vào’. (Trích lại của Jon Kabat Zinn)

Bài thuyết pháp thật ngắn cho Bahiya
Nghe tin Đức Phật đang thuyết pháp, một đạo sĩ Bà La Môn lặn lội từ xa đến nhờ Đức Phật chỉ dạy. Bahiya thưa: “Bẩm Thế Tôn, xin Ngài Ban cho con một bài Pháp”. Đức Phật trả lời: “Hiện giờ thì không được, để lúc khác” Bahiya nài nĩ : “Bẩm Thế Tôn, xin Ngài ban cho con một bài Pháp” Đức Phật cũng trả lời: “Hiện giờ thì không được, để khi khác”. Bahiya không nản lòng, tiếp tục nài nĩ: “Bẩm Thế Tôn, xin Ngài ban cho con một bài Pháp”. Theo truyền thống, Đức Phật không từ chối thuyết pháp cho những đệ tử nào xin Ngài ba lần. Có lẽ đây là một bài Pháp nhắn gọn nhất. Ngài dạy: “Bahiya, liên hệ đến các căn như nhãn, chỉ có cái thấy. Liên hệ đến các căn như nhĩ, chỉ có cái nghe. Liên hệ đến căn thiệt, chỉ có cái nói. Liên hệ đến căn ý, chỉ có cái suy nghĩ. Bahiya không có ngươi trong đó. Nếu không có ngươi trong đó, thì đau khổ còn dính vào đâu được.”

Quý vị tạm dừng một chút để suy nghĩ xem có sự khác biệt khi quý vị nghĩ trong đầu là: “Có cái đau và tôi bị đau” “Có cái buồn hiện diện và tôi buồn”, “Có ý nghĩ về…và tôi suy nghĩ về”, “Có cái bực bội trong lòng và tôi bực mình quá” Trong vế thứ hai quý vị phản ứng theo thói quen và đồng hóa mình và cảm thọ có trong tâm, dĩ nhiên là quý vị cảm thấy đau khổ. Nhớ khi đạt đến mức Xả, quý vị không phản ứng với các cảm giác hay tình cảm tích cực cũng như tiêu cực. Hay như lời Đức Phật dạy Bahiya, nếu không có ngươi trong đó, thì đau khổ còn dính vào đâu được.”

Những yếu tố khác nhau của cái Ngã giả tưởng
Khi nói ‘Tôi’ chúng ta muốn nói tôi là một hiện hữu tự thân, không thay đổi dù là tôi lúc một tuổi và cái tôi lúc về già, tôi vẫn là tôi. Điều này không đúng theo nguyên tắc vô thường. Cái tôi hôm nay không phải là cái tôi trong khoảnh khắc trước, nói gì tuần trước hay năm trước. Ngã chỉ trổi dậy mạnh mẽ khi có những ‘điều kiện’ như khi có một tình cảm thật khó chịu, hay thật vui thích, hay khi giao tiếp xã hội. Đang đi dạo thảnh thơi không để ý gì đến cái tôi, nhưng nếu có người quen biết nào nói: “chào anh Minh”, cái Tôi trở lại ngay. Cường độ của cái ngã có thể thay đổi, khi mạnh liệt, khi tế vi. Ngã không phải lúc nào cũng hiện diện trong ta và cũng giống như các hiện tượng tâm lý khác, đủ điều kiện thì hiện đó nhưng biến đó.

Chức năng của cái Ngã giả tưởng

Cái ngã tư duy-phản tỉnh: (Reflexive self) như ‘tôi đã giải quyết xong vấn đề’. Phần phụ trách suy nghĩ trong não là PFC (Pre Frontal Cortex) và ACC (Anterior Cingulate Cortex).

Cái ngã tình cảm (Emotional self) ‘Tôi bực quá, buồn quá’ thuộc trách nhiệm của phần Limbic.

Cái ngã tiểu sử (auto-biographical self) kết hợp cái ngã phản tỉnh và cái ngã tình cảm để tạo ra hình ảnh cái ngã độc đáo của chúng ta trong quá khứ và tương lai. Khi tâm an lạc cái ngã tiểu sử hầu như biến mất.

Cái ngã đối tượng (self as object) “Tại sao tôi lại do dự, thiếu quyết định đến như thế?” Ngã trở thành đối tượng của chính nó!

Căn bản nhất là cái Ngã chủ thể (Self as subject) là trãi nghiệm thông thường nhất về cái tôi và là một trong những chiến thuật tổ tiên chúng ra dùng để sống còn (phân biệt mình và thế giới bên ngoài) .

Ngã sở hữu (mine): Tiền của tôi, Nhà của tôi. Bồ của tôi. Không được đụng tới đấy nhé!

Tóm lại, theo quan điểm của các nhà Khoa học Não Bộ, chúng ta giả tưởng về một cái ngã thống nhất, tự tại và độc lập và đó là một ảo tưởng. Ngã giả tưởng do sự nhiều hệ thống tế bào não phối hợp và quan trọng nhất là không có trung tâm nào trong não để điều hướng tình cảm, ý tưởng, cảm giác khi ngã trổi dậy (Hanson The Buddha’s Brain p 211).

Ngã và cá nhân

Cá nhân là một tổng thể, gồm cả não và tâm, một hệ thống kết hợp duy nhất, tự chủ và linh động để sống trong một văn hóa và thế giới tự nhiên. Tôi là một cá nhân và anh cũng là một cá nhân. Một cá nhân có tiểu sử, giá trị và chương trình hoạt động, chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Một cá nhân hiện hữu khi cơ thể còn sống và khi não còn nguyên vẹn. Tuy nhiên Ngã không có phần đặc biệt nào trong não bộ chịu trách nhiệm về cái Tôi. Mặc dù hình ảnh của ngã được chứa trong kho ký ức thông tin về nhận thức và ứng xử trong não, ngã chỉ là phần nhỏ của một cá nhân.

Nếu quý vị thảnh thơi thư giản sống trong dòng đời với người khác, cái ngã sẽ từ từ biến mất đàng sau. Nằm ngắm trăng sao trong đêm một mình, hay ngồi ngắm biển bao la chẳng hạn. Càng ít nghĩ về ngã quý vị càng cảm thấy an lạc.

Thế nào đến một lúc nào đó trong đời, quý vị cũng hỏi câu hỏi mà thầy Thục thảo luận với sinh viên Văn Khoa: ‘Tôi là ai?’ Không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này vì ngã là một cái gì dễ vuột khỏi tầm tay, nhất là khi Ngã xem xét đối tượng là chính mình!

Ngã giả tưởng như khi chúng ta nghĩ về con Kỳ Lân (Unicorn), một con vật chỉ có trong huyền thoại! Hình ảnh đại diện Kỳ Lân hiện diện trong não nhưng trên thực tế, Kỳ Lân không hề hiện hữu. Khác với khi chúng ta nghĩ về một con ngựa, hình ảnh của con ngựa hiện diện trong não và con ngựa cũng hiện hữu trong thực tế.

Vài chỉ dẫn thực tiển để khỏi bị Ngã khống chế

Sự phân biệt giữa cá nhân và ngã đề cập trên rất hữu ích giúp chúng ta sống như một cá nhân mà không cần mắc kẹt vào tự ngã. Ngã chỉ là một phần nhỏ của cá nhân. Ngã giả tưởng giúp chúng ta trong một vài trường hợp nhưng phần lớn gây đau khổ, khi chúng ta đồng hóa mình với ý nghĩ hay tình cảm về ngã. Khi chúng ta đồng hóa ngã với thân thể của mình thì khi thân thể tuân theo luật vô thường trở nên yếu đuối và chết, chúng ta sẽ đau khổ. Ý nghĩ chiếm hữu tài sản hay người khác, nên nhớ thân thể này còn không phải là của chúng ta nói chi đến những tài sản khác. Niềm vui có lúc qua đi, nhà cửa, danh vọng cũng có ngày mất đi, không có gì tồn tại mãi mãi. Nghĩ tới vô thường giúp chúng ta trở nên độ lượng hơn với người thân, láng giềng, bạn bè hay những người chung quanh.

Một yếu tố nữa khiến Ngã dễ trổi dậy là ghen tỵ, ganh ghét với người khác. Ghen tỵ kích thích các liên minh synapses làm chúng ta đau đớn cơ thể (Hanson p 216). Thay vì ghen tức chúng ta có thể tỏ ra tử tế với những người có danh tiếng và dù mình không giàu hay nổi tiếng bằng họ. Những người thành công đã cố gắng làm việc nhiều năm và cố gắng hết sức mới được danh vọng và tài sản lớn như thế. Biết đâu họ đã phải một giá đắt cho những gì mà họ thực hiện được! Nghĩa là họ xứng đáng để thành công. Thái độ tử tế như thế làm lòng mình nhẹ nhàng hơn thay vì ghen tức, vừa đau thân, vừa khổ tâm. Khi quan sát tình cảm và những đối tượng khác trong tâm, quý vị tự hỏi ai là chủ nhân của chúng. Không ai cả! Ý tưởng, tình cảm đến rồi đi mà không cần sự can thiệp của chúng ta. Nhiều khi muốn giữ lại cũng không được. Khi thực hành Chánh niệm quý vị biết điều rõ điều này hơn ai hết. Cái Tôi trổi dậy mạnh mẽ khi quý vị nghĩ mình là ‘quan trọng” và người khác phải kính trọng hay chấp nhận mình đúng mức. Khi khiêm cung, với thái độ ‘ngoài trời còn trời’, quý vị cảm thấy an lạc hơn, thảnh thơi như mây trắng! Nếu quý vị muốn đứng trên đám mây, thế nào có ngày quý vị cũng rơi xuống đất.

Khi khích động các liên minh synapses tích cực và để chúng thẩm thấu vào não bộ, quý vị sẽ cảm thấy được che chở. Nếu thiếu những tình cảm này, nhất là trong thời kỳ niên thiếu, trong tim quý vị sẽ có một lổ hổng to, vì thế những trẻ em bị bạc đãi hay hất hủi sẽ có một đời sống tình cảm khó khăn hay bất thường khi trưởng thành. Như những thực hành khác đề nghị trong các phương pháp trị liệu hay Thiền tập thường nhắc tới hai yếu tố quan trọng là từ bi và tử tế với chính mình.

Chúng ta thường thay đổi hành vi khi giao tiếp với người khác, lo ngại là không biết trong đầu họ nghĩ gì về mình. Dĩ nhiên ai cũng muốn được người khác kính trọng, chấp nhận và yêu mến, nhưng đừng tốn quá nhiều thì giờ trong việc lúc nào cũng lo người khác nghĩ sao về mình. Thay vì lo lắng như thế, cố gắng làm việc hết sức, đúng theo tiêu chuẩn đạo đức mà mình đã chọn lựa.

Nghĩ về đạo đức Phật Giáo

Thường Phật giáo nhấn mạnh đến giới cấm những điều bất thiện, nhưng Đạo Đức Phật giáo cũng bao gồm khuyến khích cổ động Phật tử làm những điều thiện (Bố thí, từ bi và nhẫn nhục). Một vài vị tôn túc khi nhắc tới Đạo Đức Phật Giáo hay đề cập tới bộ ba Chân-Thiện -Mỹ. Đây là ý niệm của Triết Lý Hy Lạp (Plato). Ngày xưa chúng ta hay nói Chùa là cái Thiện của Làng, Từ Bi là mặt trời của Đạo Đức Phật Giáo, nghĩa là trong Thiện có cả Chân và Mỹ. Tôi không có ý chẻ sợi tóc làm tư. Không làm điều Ác, chỉ làm điều thiện, thanh lọc tâm ý là tinh hoa Đạo Đức Phật giáo. Nhất là Đức Phật khiêm nhường, xem mình như một người bình thường khác, không bao giờ tự nhận ta là con đường mà xem đạo Phật là ngón tay chỉ mặt Trăng. Một Mặt Trăng nhưng có thể nhiều ngón tay chỉ. Dòng sông khổ đau cho kiếp nhân sinh chỉ có một, nhưng có thể có nhiều chiếc bè đưa chúng ta qua bờ bên kia. Đức Phật là người chỉ đường để chúng ta qua bờ bên kia. Đạo Phật không phải chỉ dành cho Phật tử mà cho tất cả người nào muốn qua bờ khổ đau. Từ ngữ Phật giáo do các nhà nghiên cứu Tây phương đặt ra và khoảng thế kỷ 19 và nếu thế, Đức Phật không phải là một Phật tử! Cũng thế, Thiền Chánh Niệm không phải chỉ dành cho Phật Tử thực tập, nói theo Jon Kabat Zinn, ai còn sống và còn thở đều thực tập được, chỉ cần một chút kiên nhẫn và tinh tấn.

So sánh yếu chỉ Đạo Đức một số tôn giáo Đông phương và Phật giáo.

Vì chú trọng đến trật tự xã hội, Khổng Tử nói: “Dĩ Trực báo Oán”, Mạnh tử nhấn mạnh đến yếu tố công bằng: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Đừng làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình). Đức Phật dạy: “Dĩ Đức báo oán. Dĩ oán báo oán, oán không bao giờ hết, đó là định luật muôn đời” Một đàng muốn bình thiên hạ, một đàng muốn trở về Tâm, để thấy cái Chân Tâm Từ bi Trí tuệ của mình, nên đặt ưu tiên khác nhau. Đó là chưa kể tới một số các tôn giáo độc thần đe dọa: “Mắt đổi mắt, răng đổi răng”. Chỉ về phương diện này quý vị có thấy là chúng ta may mắn (hay sáng suốt) chọn lựa được một tôn giáo Bất Bạo Động và không chấp nhận lòng tin mù quáng. Các khám phá của các nhà Khoa học Não bộ hiện nay, chứng minh Phật giáo là một tôn giáo có thêm một đặc tính khác: phù hợp với những phát kiến mới nhất của khoa học.

Điều này có đủ để quý vị hãnh diện khi chọn lựa Phật giáo là nguồn cỗi đạo đức của mình chưa?

TÍNH THIỆN LÀ ĐỐM LỬA KHÔNG TẮT...



GS.Cao Huy Thuần:
Linh Thoại thực hiện


Những độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò... - những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu của GS Cao Huy Thuần - nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện.


Trở đi trở lại trong nhiều cuốn sách và đặc biệt trong Sợi tơ nhện, ông thường đề cập đến một nguyên tắc đạo đức quan trọng: không nói dối, và trước tiên phải thật với mình thì mới không dối với người. Có thể hiểu ông rất đau đáu với căn bệnh nói dối tràn lan hiện nay? Theo ông, bên cạnh gia đình, giáo dục ở nhà trường có thể làm gì thiết thực hơn để dạy mỗi đứa trẻ, mỗi công dân biết thành thật cũng là biết “làm người”?
- Nói dối là vấn đề làm đau xót xã hội hiện nay. Xung quanh chúng ta, ai cũng biết, toàn là dối. Chính ta cũng nói dối vì nói thật thì không sống được. Rồi ta lại dặn con: “Đừng nói thật con ạ, nói thật thì lỗ đấy”. Nói dối đã in sâu vào thói quen, biến văn hóa tốt đẹp thành “văn hóa” nói dối.

Nhưng chúng ta đừng mất lòng tin, dù cho tôi chẳng đề nghị được với cô một phương thức gì cụ thể để đưa nói thật vào nhà trường hiện nay. Tôi nghĩ nhà trường cũng chịu thôi. Nhưng, đừng mất lòng tin vì bất cứ ai cũng nghĩ trong lòng rằng nói dối là xấu. Đừng mất lòng tin vì tính thiện luôn luôn là ngọn nến trong lòng, đốm lửa không tắt, ánh sáng bất diệt. Lòng tin đó khiến tôi nhiều lần gợi lên vấn đề nói dối, mỗi lần dưới một khía cạnh khác nhau.

Lần này trong Sợi tơ nhện, tôi nêu vấn đề dưới khía cạnh triết lý, nhưng để đưa đến một kết luận đạo đức đơn giản có thể áp dụng trong mọi tình huống: hãy thành thật với mình. Khi nói dối, biết mình đang nói dối, biết mình đang xấu, biết hổ thẹn, biết chữa lại. Cái đáng sợ nhất nơi người nói dối là nói dối quen lưỡi, nói dối mà nghĩ rằng mình nói thật, rằng ai cũng nghĩ mình nói thật. Cái đáng sợ nhất, nói theo ngôn ngữ dân gian, là lương tri không còn biết phân biệt đâu là ma đâu là Phật, lầm ma với Phật, Phật với ma. Với lòng tin nơi sự thành thật không mất đâu cả ở trong ta, ta có thể quy y với chính ta, ai cũng có thể thệ nguyện: “Tôi nguyện giữ giới không nói dối”. Bằng cách tự thắp ánh sáng trong ta, trong mỗi người, biết đâu văn hóa nói dối cũng bớt tối tăm.


"Hãy sống như thử bao giờ cũng là khoảnh khắc cuối cùng, và hãy yêu cuộc đời như một ân huệ tối thượng mà ta phải đền đáp bằng tất cả tốt đẹp, thánh thiện trong lòng

Trích bài Hoa đào năm ngoái". (tr.102 - Sợi tơ nhện)



Bởi vậy có những câu trong sách làm người đọc giật mình chiêm nghiệm, như đọc một câu kinh. Chẳng hạn: “Cách hay nhất đối với bóng tối là ánh sáng. Cách hay nhất đối với xấu là tốt”...

- Vậy thì tôi kể thêm câu chuyện này nhé, lần này thì lấy trong kinh ra hẳn hoi. Hai ông vua lân bang gặp nhau ở biên giới. Hai xe đối đầu nhau trên một con đường hẹp, chỉ vừa một xe đi. Không ai nhường ai. Cuối cùng, hai ông giải quyết tranh chấp bằng câu hỏi: Ông dạy dân thế nào? Ông kia nói: “Cứng rắn đối cứng rắn/ Mềm mỏng đối mềm mỏng/ Thiện đức đối thiện đức/ Bất thiện đối bất thiện”. Ông này đáp: “Lấy không giận thắng giận/ Lấy thiện thắng không thiện/ Lấy thí thắng xan tham/ Lấy chân thắng hư ngụy”. Ông kia xuống xe.

Hình bìa (ảnh: Tiến Long)

Sợi tơ nhện đầy những chuyện giản dị như vậy, lắm khi tưởng là đùa mà thật là thâm thúy. Ngoài ra, cuộc sống trong những tản văn của ông luôn đầy huyền nhiệm, giúp “thắp sáng” trí óc người thật sự lắng nghe câu chuyện khiến người đọc thêm trân quý đời sống. Với riêng ông, đâu là châm ngôn sống mà ông muốn người đọc nhớ và thực tập nhất từ Sợi tơ nhện?

- Tôi quý chữ “thực tập” của cô nhưng tôi đề nghị thay chữ “châm ngôn sống” bằng “kinh nghiệm sống”. Châm ngôn là đến từ bên ngoài. Với tôi, đạo đức phải đến từ bên trong, tự tôi khám phá bằng kinh nghiệm, không luân lý nào áp đặt. Vậy, với kinh nghiệm sống của tôi, tôi tự thấy hạnh phúc là khi mình biết quên mình nhiều hơn và nghĩ đến người khác nhiều hơn. Đơn giản thôi, cô ạ. Cô nghĩ đến con của cô nhiều hơn hay nghĩ đến cô nhiều hơn? Khi cô căng thẳng với chồng, và nếu cô biết ngừng lại một chút, quên cái giận của cô một giây thôi, có phải cô cứu vãn hạnh phúc ngàn vàng của cô không? Sau đó tới thơm ông chồng một cái, trời ơi, có gì hạnh phúc hơn? Ai biết tha thứ, người đó hạnh phúc. Trong Sợi tơ nhện có một chuyện để nói lên ý đó.

Ông từng nói: “Sách của tôi thường viết là để cho giới trẻ đọc, đạo đức trong ấy là gửi cho giới trẻ”. Với Sợi tơ nhện lần này, ông có e ngại những vấn đề như “sinh tử”, “thiền ý”... khó được giới trẻ ngày nay lãnh hội, nhất là lớp trẻ VN ít được đào tạo bài bản về triết học, dễ e ngại những vấn đề còn nhiều tính triết luận?
- Ôi chao, câu hỏi này liên quan đến nhiều chuyện quá, nhưng trước hết tôi xin hỏi lại cô: thế nào là “trẻ”, thế nào là “già”? Tôi cam đoan với cô, các độc giả cụ già của tôi đọc chuyện yêu đương trong sách chẳng ai thấy mình già đâu! Tất cả nhân loại, ai chết cũng đều chết trẻ vì chẳng ai muốn mình già. Như vậy chẳng lẽ cô không tự nhận mình là “giới trẻ”? Nơi quyển Nhật ký sen trắng của tôi, dưới nhan đề lớn ấy là nhan đề phụ: “Chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh”. Bởi vì phụ huynh cũng là “giới trẻ”! Không trẻ với con hoặc không biết trẻ với con thì không hiểu con được đâu, không làm đầy đủ được bổn phận của cha mẹ. Cho nên “giới trẻ” của tôi là mọi lứa tuổi, bắt đầu là tôi vì tôi không có tuổi.

Ấy là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai trong câu hỏi của cô là chuyện làm tôi buồn nhất. Tôi chảy nước mắt trong nhiều sách cũng vì cái buồn ấy. Cái học của ta, cô ạ, không nhắm đến việc mở mang đầu óc suy nghĩ, phán đoán, không khai phóng những cái đầu tự chủ mà giam hãm nó trong nô lệ. Những vấn đề tôi đặt ra trong sách là to tát quá cho giới trẻ chăng? Tôi kể ra đây cho cô vài đề thi môn triết trong kỳ thi tú tài vừa rồi tại Pháp, nghĩa là cho các em 18 tuổi. “Có phải tôi là cái mà quá khứ của tôi đã làm ra tôi?”, “Chính trị có được thoát ra khỏi sự bắt buộc của sự thật?”, “Nghệ sĩ đưa ra một điều gì để hiểu chăng?”, “Phải chăng ý thức của cá nhân chỉ là phản ánh của xã hội trong đó cá nhân ấy sống?”. Họ học là học vậy, cô ạ. Học suy nghĩ. Nói nữa thì chỉ chảy nước mắt thêm mà thôi. Cô nghĩ sống chết là chuyện của các cụ già? Cô tưởng một em bé mồ côi mất mẹ không biết thốt ra một câu chứa đựng tất cả triết lý của thiên hạ: “Mẹ ơi, bây giờ mẹ ở đâu?”.

Như vậy thì chuyện “thiền” cũng không có tuổi, thưa ông?

- Luôn luôn trẻ, càng ngày càng trẻ. Cô quá biết sự bùng nổ của “thiền” trong các xã hội Âu - Mỹ đang bị stress này. Đâu đâu cũng nói “thiền”. Sinh viên ngồi thiền. Xí nghiệp ngồi thiền. Bệnh viện ngồi thiền. Thậm chí trẻ em ở tiểu học cũng được hướng dẫn ngồi im lặng trước giờ học. Tôi chỉ sợ là thiền đi quá xa trên đường thực dụng. Bởi vậy, tôi muốn đưa thiền về lại với những sự việc đơn giản nhất trong đời sống: một tiếng kêu của con ngỗng trời, một hơi thở ấm của nắng đầu xuân... Đi thì biết mình đi, ăn thì biết mình ăn, cô nghĩ giới trẻ không hiểu được chuyện đó hay sao?

Trong Sợi tơ nhện, cây roi của ông quan huyện cũng không dám đánh vào mùa xuân của tuổi trẻ vì nó cũng ý thức được mùa xuân vừa đến nơi một tác phẩm của tạo hóa. Tôi muốn “giới trẻ” làm quen với thiền như vậy, nơi bất cứ sự vật nào, nơi một câu thơ bình thường thôi, chẳng hạn câu này của Hàn Mặc Tử: “Chàng ơi, chàng ơi sự lạ đêm qua - Mùa xuân tới mà không ai biết cả”.

Cái giật mình khi chợt thấy mùa xuân đến ấy là cái giật mình của thiền. Bởi vì không phải ai cũng thấy. Mà ai thấy thì chuyện bình thường nhất cũng là “sự lạ”.

Nếu cô nghĩ rằng “giới trẻ” vẫn chưa hiểu thì tôi xin kể chuyện này. Hồi trước khi tôi còn đi dạy ở Sài Gòn, tình cờ tôi đọc được một bài thơ trong một nội san của sinh viên trường luật, bây giờ quên hết, chỉ nhớ lõm bõm mấy câu cuối, chắc là không đúng hẳn với nguyên văn: “Tôi tiếp tục gục đầu trên quyển Dân luật khái luận - Khi ngẩng lên - người yêu đi lấy chồng”.

Không biết sống trong mỗi giây phút hiện tại thì mất bồ là chuyện hiển nhiên, “giới trẻ” nào mà không biết chân lý ấy?
Linh Thoại thực hiện
(Tuổi Trẻ Online)

Cơ Hội Cho Những Con Ngựa Thành Troy





Nguyễn Tiến Bắc



Trước thềm của Đại hội XII, những người yêu nước-bất đồng chính kiến” tìm cách gây ra nghi ngờ vào tiến trình Đại hội.... Tất cả những gì diễn ra trong cuộc thăm HK của TBT Nguyễn phú Trọng đơn giản chỉ là một sự thật: Hai bên đã thật sự tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của hai quốc gia, - chẳng có chuyện thưởng phạt gì ở đây cả.

"Con ngựa thành Troy” là một điển tích văn học. Chuyện kể rằng: sau 10 năm đánh chiếm thành Troy không thành, quân Hy Lạp dùng kế đưa quân vào thành bằng cách làm một con ngựa gỗ lớn rồi đưa mấy binh sỹ giỏi vào trong bụng ngựa. Kế đến họ "tặng cho” nhà cầm quyền thành Troy. Quân Troy tưởng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp. Trong một đêm no say quân Hy Lạp trong bụng ngựa đã đi ra, họ mở cổng thành cho quân bên ngoài vào. Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp chiếm được thành Troy.



Con ngựa thành Troy ở tỉnh Canakkale, Turkey Đây là con ngựa gỗ đóng trong phim Trojan Horse năm 2004

Điển tích thú vị này khiến người ta nghĩ đến những kẻ đang tiếp tay cho các thế lực thù địch ở bên ngoài bằng cách đóng vai người yêu nước ở bên trong để chống phá chế độ, chống phá Nhà nước ta.

Sự kiện Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ là một dịp để họ đánh từ trong” đánh ra. Có lẽ việc người ta đứng về lợi ích của nhà cầm quyền Bắc Kinh, và cả Hoa Kỳ để bình luận, gợi ý …tạo dư luận tác động xấu đến xã hội và phá hoại quan hệ quốc tế của Việt Nam gần đây lag một minh chứng:

Có người dựa vào The Diplomat (ngày 22/7/2015) viết bài post lên mạng tán đồng với phát biểu của Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông), của Trung Quốc là một ví dụ.

Tại Hoa Kỳ, Ngô Sĩ Tồn vờ đóng vai nhà khoa học khách quan (khi phát biểu ở Trung tâm chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ) rằng: Bắc Kinh nên cố gắng tránh đơn phương tuyên bố áp đặt ADIZ ở Biển Đông…

Đối với Hoa Kỳ, Ngô Sĩ Tồn khuyên: Washington không nên cố gắng để kiềm chế” Trung Quốc và nên có lập trường thật sự trung lập trong vấn đề này... Người Mỹ nên tiếp cận với vấn đề Biển Đông một cách tôn trọng lẫn nhau”... Hai bên cần tiến lên phía trước và tăng cường hợp tác quân sự trong tinh thần ấy”. Ông Tồn cũng kiên quyết chống đối những gì ông coi là sự can thiệp của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông với lập luận rằng sự tham gia ấy chỉ làm mọi chuyện xấu đi”?!

Ai cũng biết việc Hoa Kỳ và Nhận Bản chủ trương hiện diện ở Biển Đông không chỉ vì lợi ích của họ ở Biển Đông mà các nước ở khu vực này, trong đó có Việt Nam cũng cần có sự tham gia của hai nước lớn này để hạn chế sự hung hãn của TQ. Thế nên Trung Quốc đã tìm cách cản trở việc hai quốc gia này hiện diện ở Biển Đông. Ủng hộ những quan điểm đó chẳng phải là nối giáo cho giặc hay sao? Chẳng phải là những con ngựa thành Troy”?

Về quan hệ VN-HK, trong chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng, họ lại đưa thông tin xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền VN và bôi nhọ cả Thượng khách của HK. Họ trích lời TBT: "Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay... Tôi biết nhân quyền là vấn đề Mỹ rất quan tâm, đây cũng là vấn đề VN rất coi trọng. Bảo đảm và cải thiện quyền của công dân là ưu tiên cơ bản và chiến lược của chúng tôi”... (và phán rằng đó) chỉ là giả dối.

Nhằm "gợi ý” cho các lực lượng chống Cộng ở HK chống lại VN, họ nói: Đừng tin những gì mà Việt Nam nói…để được vào TPP, VN sẽ lại "khất vấn đề nhân quyền đó thôi…” Nhân đây xin nói thêm rằng-họ đã tính nhầm rằng Việt Nam có thể sẽ nhân nhượng với (các) cá nhân , tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật - sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng.

Cái mà những người "yêu nước-bất đồng chính kiến” không bao giờ quên là đả kích vào hệ tư tưởng, vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam. Lợi dụng những bức xúc của cán bộ, Đảng viên và nhân dân VN sau vụ việc TQ xâm lấn biển đảo Quốc gia, quan hệ VN- TQ căng thẳng (Giàn khoan HD 981 hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của VN tháng 4/2014), họ đẩy tới ý tưởng "thoát Trung”, với plus value (giá trị cộng thêm). Họ viết: "Thoát Trung là một điều tất yếu nếu VN muốn không trở lại thời kỳ Bắc thuộc”.

Song muốn thoát Trung, thoát giáo điều mác-xít, thoát suy thoái, thoát bế tắc, chỉ có một con đường là thức tỉnh đại khối dân tộc trong đó có đại khối đảng viên thường, không có chân trong các nhóm quan chức lợi ích riêng tư, để họ chung tiếng nói, suy nghĩ và nhất là hành động chung…” Chỉ có bằng hành động thì may ra mới có thể chuyển biến, biến đổi, chuyển hóa được họ”.



Jürgen Nagel - Cuộc biểu tình trên Alexanderplatz ở Đông Bá Linh, ngày 04 tháng 11, 1989 (DHM)

Người ta còn trắng trợn kêu gọi: cần thiết là tổ chức xuống đường đông đảo, trật tự, không bạo lực, như Gandhi đã làm, như Nelson Mendela đã làm, như dân Đông Đức ở Leipzich, Dresden, Berlin đã làm cuối năm 1989” mới có thể thay đổi được tình hình.

Trước thềm của Đại hội XII, những người yêu nước-bất đồng chính kiến” tìm cách gây ra nghi ngờ vào tiến trình Đại hội. Họ nói:

Một việc cần làm trước mắt là tất cả mọi người Việt Nam yêu nước nên theo dõi chặc chẽ các cuộc đại hội đảng các cấp, nhất là các đại hội cấp tỉnh, thành phố, Quân đội, Công an, … có bao nhiêu tỷ lệ đại biểu còn tin thật sự vào chủ nghĩa Mác- Lênin, bao nhiêu còn tin ở chủ nghĩa xã hội mác-xít, bao nhiêu còn muốn đảng mang tên Cộng Sản, bao nhiêu còn muốn đảng CS giữ độc quyền lãnh đạo, và bao nhiêu vẫn còn muốn kinh tế quốc doanh giữ quyền chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, bịt đường không cho kinh tế tư nhân tự do cạnh tranh phát triển”.

Từ đó họ suy luận vu cáo: Chẳng lẽ đến hôm nay mà đại đa số đảng viên CS, đại đa số nhân dân vẫn còn mụ mỵ, mù quáng theo Bộ Chính trị, chui đầu vào 4 cái kiên trì, 4 cái thòng lọng chết người là chủ nghĩa Mác -Lênin, CNXH mác-xít, chế độ độc đảng phi dân chủ và độc quyền quốc doanh?”.

Đối với chính phủ Hoa Kỳ, tổ chức sân sau của các lực lượng cực hữu- Human Rights Watch cho rằng, việc Tổng thống Obama tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng ở phòng Bầu dục không chỉ là một sự kiện lạ mà còn là một thông điệp sai lầm. Họ nói: Cuộc họp này là một sự kiện kỳ ​​lạ - một phần vì ông Trọng không phải là một người đứng đầu nhà nước, nhưng lại thay mặt cho người có vị trí cầm quyền cao nhất, theo Hiến pháp của Việt Nam hiện nay - mà phần kỳ lạ khác do Việt Nam đã nỗ lực rất ít trong thời gian gần đây để xứng đáng được phần thưởng là một cuộc họp trong phòng Bầu dục (Oval Office) của Nhà trắng… Và thông điệp đó là: "Chúng tôi muốn bạn cải cách, nhưng chúng tôi cũng sẽ tưởng thưởng cho bạn ngay cả khi bạn không cải cách gì!”.

Quả đúng như tục ngữ Việt Nam có câu: "Trứng khôn hơn vịt”.

Tất cả những gì diễn ra trong cuộc thăm HK của TBT Nguyễn phú Trọng đơn giản chỉ là một sự thật: Hai bên đã thật sự tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của hai quốc gia, - chẳng có chuyện thưởng phạt gì ở đây cả.

Nguyễn Tiến Bắc

Nguồn http://kbchn.net/co-hoi-cho-nhung-con-ngua-thanh-troy-17879.html

. Đánh Giá các Tranh Luận: Đúng, Giá Trị và Hợp Lý





Thỉnh thoảng, người ta được nghe là, “nó có thể lo-gic đấy nhưng không đúng,” hoặc là “tất cả những gì đúng không phải luôn luôn lo-gic.” Cả hai cách nhìn này đều đúng, tất nhiên chúng không có nghĩa là lo-gic là không liên quan đến sự thật. Thực tế, lo- gic định nghĩa sự thật một cách nghiêm ngặt và nó tách biệt với hai khái niệm khác là hợp
lý và giá trị, thỉnh thoảng nó cũng lẫn lộn với chúng trong bản gốc. Ba khái niệm này cùng nhau tạo ra một cơ sở để đánh giá bất kỳ tranh luận nào. 

Aristotle, người đã thiết lập khoa học của lo-gic trong thế kỷ thứ tư trước công nguyên, là người đầu tiên phát hiện ra sự khác biệt giữa sự thật và tính hợp lý. Có lẽ đây là cống hiến quan trọng của ông đối với lĩnh vực này.

Tính chất giá trị đề cập đến tính đúng đắn mà kết luận rút ra từ những tiền đề của nó -- liệu những kết luận có phụ thuộc vào chúng hay không. Mặt khác, sự thật lại đề cập liệu những tiền đề và kết luận đó có phù hợp với thực tế không. Vì thế, có thể trong lý luận, bắt đầu với những tiền đề đúng đắn nhưng lại đạt được những kết luận sai (bởi vì chúng ta đã lập luận tồi với những tiền đề đó) hoặc là lập luận đúng, có giá trị nhưng lại không đạt được kết luận thực tế nào (bởi vì những tiền đề của chúng ta là sai). Tính hợp lý đạt được khi những tiền đề của một tranh luận là đúng và những kết luận của nó được tạo ra có giá trị từ chúng. Còn nếu không, tranh luận là không hợp lý. Đúng đắn và sai lầm, hợp lý và không hợp lý, có thể kết hợp xuất hiện rất nhiều trong những tranh luận, tạo ra bốn khả năng sau đây:

1. Chúng ta có thể có thực tế đúng (những tiền đề của chúng ta là đúng), và chúng
ta có thể sử dụng chúng đúng cách (những suy diễn của chúng ta có giá trị). Trong một tình huống như thế, không chỉ có tranh luận của chúng ta là hợp lý mà kết luận cũng đúng. 

Toàn bộ tranh luận sẽ có cơ sở và hợp lý.
 a) Tất cả đàn ông đều sẽ chết. Socraté là một người đàn ông. Vì thế, Socrates sẽ chết.

2. Chúng ta có thể có thực tế đúng đắn (những tiền đề của chúng ta là đúng đắn), nhưng chúng ta có thể sử dụng chúng không thích đáng (lý lẽ thiếu giá trị). Trong trường hợp này, kết luận của chúng ta sẽ không hữu hiệu và toàn bộ tranh luận là không đúng.

b) Tất cả mèo đều là động vật. Tất cả lợn đều là động vật.
Vì thế tất cả lợn đều là mèo.

Trong một số trường hợp, kết luận của những tranh luận có thể ngẫu nhiên đúng, như trong trường hợp sau:

c) Tất cả mèo đều là động vật. Tất cả hổ đều là đều là động vật. Vì thế tất cả hổ đều là mèo.

Trong những trường hợp như thế này, chúng ta không thể xác định sự thật của kết luận từ tranh luận. Kết luận có thể đúng nhưng không phải là đúng trên cơ sở bảo vệ của tranh luận này.

3. Chúng ta có thể có thực tế sai (một hay nhiều tiền đề của chúng ta là sai), nhưng chúng ta có thể sử dụng chúng thích đáng (lập luận có giá trị). Trong trường hợp này, lý luân có giá trị nhưng kết luận không hợp lý.

d)Tất cả những siêu sao điện ảnh đều sống ở Hollywood. Robert Redford là một siêu sao điện ảnh.

Vì thế Robert Redford sống ở Hollywood.

Ở đây, tuyên bố thứ nhất sai rõ ràng, mặc dù lập luận có giá trị và kết luận có theo những tiền đề. Như trường hợp 2 ở trên, kết luận có thể đúng nhưng chúng ta không thể xác định tính đúng đắn của nó trong hoàn cảnh của tranh luận đó. Nó có thể đúng mặc dù tiền đề thứ nhất là sai, nói cách khác, nó có thể sai mặc dù lập luận đúng. Để đạt được kết luận mà chúng ta có thể cho là đúng, sẽ không đủ nếu chỉ lập luận đúng, chúng ta phải làm điều đó từ những tiền đề đúng đắn.

4. Cuối cùng, có tình huống mà một hoặc nhiều tiền đề của chúng ta là sai và chúng ta cũng sử dụng chúng không đúng cách (lập luận thiếu giá trị). Trong trường hợp như thế, tranh luận vừa không hợp lý và kết luận không đúng.

e) Tôi thích khoá học này
Tất cả các kỳ thi chung kết đều dễ.
Vì thế, tôi sẽ nhận được thứ hạng cao trong khoá học.

Bốn dạng của tranh luận:
Tiền Đề      +        Lý Luận     =                 Kết Luận

Đúng
Giá Trị
Hợp Lý

Đúng

Thiếu Giá Trị

Không hợp lý

Sai

Giá Trị

Không hợp lý

Sai

Thiếu Giá Trị

Không hợp lý



Đúng đắn và sai lầm là mô tả thuộc tính của bản thân các mệnh đề.

Giá trị và thiếu giá trị đề cập đến việc lập luận và được xác định độc lập với tính
đúng hoặc sai lầm của các tiền đề hoặc kết luận của tranh luận 

Nếu lý luận có giá trị, một cuộc tranh luận có các tiền đề đúng, thì tranh luận đó chắc chắn có cơ sở, lý luận hợp lý. Nếu không, nó chắc chắn không có cơ sở. Vì thế, tất cả các cuộc tranh luận có cơ sở phải có tính hợp lý, nhưng những lý luận có giá trị vẫn có thể là có kết luận hợp lý hoặc là vô lý.
Một kết luận đạt được bằng các lập luận sai hoặc không giá trị có thể ngẫu nhiên
đúng. Điều này không bắt buộc chúng ta phải chấp nhận -- nó vẫn không có tính hợp lý. 

Từ khi chúng ta xác định chỉ có một dạng tranh luận là có kết luận chắc chắn đúng, bạn đọc sẽ băn khoăn tại sao chúng ta lại nên quan tâm đến những tranh luận mà tiền đề của chúng sai. Cho dù là tốt hơn hay xấu hơn, thỉnh thoảng chúng ta ở những tình huống mà chúng ta không biết tiền đề của chúng ta đúng hay không. Vì có thể suy diễn có giá trị,
kết quả đạt được từ những tiền đề nếu đúng cho phép chúng ta đánh giá liệu chúng có đúng hay không. Tuy nhiên, bằng suy diễn hợp lý, chúng ta có thể rút ra kết luận mà chúng ta biết là sai, sau đó chúng ta có thể chắc chắn ít nhất là một trong những tiền đề của chúng ta là sai, bởi vì một kết luận sai không thể được suy diễn hợp lý từ những tiền đề đúng. Một ví dụ thú vị từ lịch sử khoa học liên quan đến thuyết ánh sáng. Lúc đầu, thuyết này cho rằng những phần tử ánh sáng phải đi trên đường thẳng xuyên qua không gian trống. Nhưng cuối cùng người ta nhận ra rằng nếu thuyết này là đúng thì các phần tử ánh sáng di chuyển qua một lỗ tròn trong một vùng mà ánh sáng không thể đi qua sẽ tạo ra một vòng ánh sáng trên một nền sau vùng đó. Tuy nhiên trong một thí nghiệm sau đó sử dụng một lỗ rất nhỏ, hình ảnh được tạo ra trên nền không phải là một vòng tròn ánh sáng, mà gồm những vòng sáng và các vòng tối đồng tâm xen kẽ nhau. Thí nghiệm đã chỉ ra rằng ánh sáng không di chuyển theo những đường thẳng mà là theo hình sóng. Thuyết ánh sáng đi thẳng đã bị thay thế bởi thuyết sóng ánh sáng. Do đó, ta biết rằng một điều gì đó được tạo ra từ một điều khác thậm chí là điều này sai thì nó vẫn có thể có ích lợi to lớn. Theo nghĩa này nếu bạn không hài lòng với một kết luận dường như là được suy ra một cách hợp lý từ một tiền đề, có thể là do bạn không hoàn toàn đồng ý với tiền đề mà kết luận được suy diễn đúng đắn từ đó. Do đó, vấn đề phức tạp có thể nằm ở tiền đề.

Nói một cách khác, khi chúng ta không biết tiền đề là đúng hay sai, chúng ta xem xét cách lý luận; lý luận có giá trị hay không? Trong các lý luận có giá trị và nếu tiền đề đúng, thì kết luận là hợp lý.

Tiền Đề
+
Luận
=
Kết Luận
Đúng
+
Giá Tr
=
Hợp
Sai
+
Giá Tr
=
Không hợp


Ví dụ, hãy xem xét tranh luận sau:

f) Nạo thai là sự huỷ bỏ bào thai, và sự huỷ bỏ một bào thai là lấy đi sự sống của một con người. Do đó, nếu lấy đi sự sống của một con người là là tội ác thì nạo thai cũng vậy.
Cái gì là tiền đề của của tranh luận này? Cái gì là kết luận?
Kết luận có được ra hợp lý từ những tiền đề không? Làm thế nào bạn có thể phản đối tranh luận này? (TQ hiệu đính: bạn có chập nhận rằng bào thai là sự sống chưa, và ai là người định ra cái điều bào thai là sự sống? Nói cách khác, tiền đề “bào thai là sự sống” có đúng hay không?).

Mẫu những tranh luận được suy diễn có cơ sở thường rất ích. Vì vậy nếu chúng ta lập luận hợp lý từ những tiền đề đúng đắn, chúng ta cần thiết phải đạt được một kết luận đúng mà chúng ta có thể kiểm tra tính đúng đắn của nó trực tiếp hoặc không.


( Trích chương 7-
Với Lý Luận Giỏi
Giới Thiệu Những 
Ngụy Biện Thông Thường
Morris S. Engel)