1. Tiếng Việt có một vốn từ Hán Việt rất lớn. Tuy chưa có con số thống kê thật xác định, song các nhà ngôn ngữ học ước lượng số từ đó chiếm khoảng 60-80% tự vựng tiếng Việt. Trong số từ Hán Việt tiếp thu từ nhiều nguồn, có một loạt từ Hán Việt, tuy tiếp thu chủ yếu qua con đường sách báo Trung Quốc, nhưng lại có nguồn gốc Nhật Bản. Chính người Trung Quốc cũng xem chúng là từ ngoại lai gốc Nhật của Hán ngữ.
Từ Hán Việt gốc Nhật đánh dấu một bước phát triển mới của từ Hán Việt, tạo nên tiềm lực của đời sống tinh thần và tư duy khoa học hiện đại, bên cạnh từ Hán Việt có gốc từ tiếng Hán hiện đại do người Trung Quốc tạo ra và từ Hán Việt do người Việt cấu tạo. Đó là những từ nào, số lượng bao nhiêu, có đặc điểm gì, đến nay vẫn chưa có tài liệu đề cập. Trong bài viết này, chúng tôi sơ bộ cung cấp vốn từ đó và nêu lên một vài nhận xét bước đầu.
2. Người Trung Quốc trong quá trình tiếp xúc với phương Tây đã có những cuốn từ điển do các cho cố đạo Kito soạn để dịch các từ ngữ phương Tây ra tiếng Hán, ví như tự điển Anh Hoa năm 1815, tuy nhiên, phải đến thời kì cận đại do nhu cầu học tập văn minh phương Tây thì nhu cầu dịch thuật mới gia tăng khác thường. Trong lĩnh vực này người Nhật là một bậc tiên phong. Theo tài liệu của Kế Thu Phong và Chu Khánh Bảo trong sách Lịch sử cận đại Trung Quốc, quyển 1 cho biết thì lưu học sinh Trung Quốc ở Nhật đến năm 1906 đã có 13.000 người. Sách và bài báo dịch từ Nhật trong khoảng 1902 – 1904 có 573 đơn vị chiếm 62,2% trong tổng số tài liệu dịch nước ngoài thời gian ấy, dịch từ Anh 10, 7%, dịch từ Mĩ 6,1%. Một ví dụ đó cũng có thể suy ra ảnh hưởng của Nhật đối với Trung Quốc cận đại to lớn biết chừng nào. Tình hình đó làm cho từ ngữ hiện đại trong tiếng Nhật được tiếp thu hàng loạt. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, các từ ngữ, thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn Trung Quốc hiện đại có tới 70% nhập từ tiếng Nhật (Xem Vương Bân Bân: Mối quan hệ giữa từ vựng Trung Quốc cận đại với Nhật Bản). Tác giả Vương Bân Bân nói: “Ngày nay hàng loạt khái niệm mà người Trung Quốc dùng để cao đàm khoát luận, bàn đông nói tây, phần lớn là từ ngữ do người Nhật làm ra cả.”Lúc đầu người Trung Quốc, qua Nghiêm Phục, thường dịch theo lối phiên âm theo kiểu Lư Thoa, Mạnh đức tư cưu, Nã Phá Luân. Ví dụ, Rhetorique thì dịch là “Lôi thoả loại khắc”, romantism thì dịch là “la mạn thế khắc”, inspiration dịch là “yên sĩ phi lí thuần”, telephone dịch là “đức luật phong”, club dịch là “câu lạc bộ”, cholera dịch là “hổ liệt la”... Một cách dịch khác là dịch nghĩa, ví dụ, individualism dịch là “cá nhân độc nhất giả”, sosial dịch là “quần”, sosiologie dịch là “quần học”, economie dịch là “lí tài”, evolusion dịch là “thiên diễn”, capital dịch là “mẫu tài”, philosophie dịch là “học lí”, metaphisique dịch là “huyền học”...Vương Bân Bân nhận xét, cùng một từ mà người Trung Quốc địch phần lớn đều thất bại, còn người Nhật dịch thì thành công.” Sau năm 1917 người Nhật Tá Tá Chính Nhất dịch inspiration là “linh cảm”, thế là người Trung Quốc dùng theo. Cũng vậy Trung Quốc vốn không có từ thần thoại. Người Nhật dịch myth thành thần thoại, năm 1903 người Trung Quốc là Tưởng Quan Vân mang về, thế là Trung Quốc có từ thần thoại. Đặc biệt, đuôi “ism” người Nhật dịch thành “chủ nghĩa”, thế là tạo thuận lợi lớn cho chúng ta ngày nay dịch các từ tương tự.
Dựa vào Từ điển từ ngoại lai tiếng Hán do các tác giả Lưu Chính Đàm, Cao Danh Khải, Mạch Vĩnh Càn, Sử Hữu Vi biên soạn từ năm 1958, hoàn thành năm 1978, xuất bản năm 1984 tại Nxb. Từ Thư, Thượng Hải, chúng tôi xác định có trên 350 từ gốc Nhật ngày nay vẫn được sử dụng trong tiếng Việt. Chúng tôi sơ bộ phân loại theo các lĩnh vực đời sống để thấy vị trí của chúng. Các từ sẽ được sắp xếp theo thứ tự A, B, C...
a. Các từ xã hội, chính trị, quân sự:
biên chế
biểu quyết
bình giá
bối cảnh
bồi thẩm viên
cách mạng
cán bộ
cán sự
cảnh sát
cao trào
cao xạ pháo
câu lạc bộ
chi bộ
chỉ đạo
chỉ thị
chiến tuyến
chính đảng
chính sách
chính phủ
chủ nghĩa
công dân
công nhận
công tố
cộng hòa
cộng sản chủ nghĩa
cơ quan
cơ đốc
cơ đốc giáo
cương lĩnh
dân chủ
đại bản doanh
đại biểu
đại cục
đàm phán
đảng
đặc quyền
đặc vụ
đăng kí
đề kháng
độc chiếm
độc tài
đồng tình
động cơ
động viên
đơn vị
giai cấp
giải phóng
giải quyết
giám định
giao thông
hàng không mẫu hạm
hiến binh
hiến pháp
hiệp định
hiệp hội
hiệu quả
hội đàm
kế hoạch
kháng nghị
kỉ luật
kĩ sư
kiên trì
kinh tế
lãnh thổ
lao động
lập hiến
lập trường
lý tưởng
mục đích
mục tiêu
nguyên soái
nguyên tắc
nghị quyết
nghị viện
nghĩa vụ
nhân quyền
nhân văn chủ nghĩa
nội các
phán quyết
phản bội
phản động
pháp luật
phần tử
phong kiến
phục vụ
phương châm
quan điểm
quan hệ
quân nhu
qui phạm
quốc giáo
quốc lập
quốc tế
quốc thể
quyền hạn
quyền uy
sĩ quan
tập đoàn
tập kết
tập trung
tổ chức,
thành viên
thẩm phán
thẩm vấn
thế kỉ
thi công
thi hành
thị trưởng
thiếu tướng
thiếu úy
thống kê
thời sự
thủ tiêu
thủ tục
thừa nhận
thực nghiệp
thực quyền
tiền tuyến
tiến triển
tình báo
tổ chức
tôn giáo
tổng động viên
tổng lãnh sự
tư bản
tư bản chủ nghĩa
trọng điểm
trọng tài
trung tướng
tùy viên
tư bản
tự do
tuyên chiến
tuyên truyền
tuyển cử
tư pháp
xã giao
xã hội
xã hội chủ nghĩa
xâm lược
xâm phạm
xuất phát điểm
vô sản
b. Các từ thương nghiệp, kinh tế:
bảo hiểm
bất động sản
cố định
công nghiệp
công trái
dự toán
đầu cơ
đầu tư
điện báo
điện thoại
điện tử
động sản
kim ngạch
kinh doanh
ngân hàng
nhập khẩu
nhập siêu
phân phối
quảng cáo
quốc khố
tài vụ
tài phiệt
thanh toán
thị trường
thủ công nghiệp
thương nghiệp
tiêu phí
tín dụng
tối huệ quốc
xuất khẩu
xuất siêu
c. Các từ triết học, tâm lý học:
ám thị
ấn tượng
bản chất
bi quan
biện chứng pháp
biểu tượng
cảm tính
chất lượng
chủ động
chủ quan
chủ thể
cơ chất
cụ thể
dị vật
diễn dịch
đạo đức
định nghĩa
đơn thuần
giả định
gián tiếp
giản đơn
giao tế
hiện thực
hiện tượng
hình nhi thượng
hoàn cảnh
hư vô chủ nghĩa
khách quan
khách thể
khái niệm
khái quát
khẳng định
khí chất
không gian
kí hiệu
kinh nghiệm
lí luận
lí tính
lí trí
luận chiến
mệnh đề
năng động
năng lực
nội dung
nội tại
ngẫu nhiên
ngoại tại
nguyên động lực
nguyên lý
nguyên tắc
nguyên tố
phạm trù
pháp tắc
phân giải
phân tích
phủ định
phủ nhận
phương thức
quá độ
quan niệm
qui nạp
tự nhiên
tất nhiên
tất yếu
thẩm mỹ
thế giới quan
thoái hóa
thời gian
tích cực
tiền đề
tiến hóa
tiến hóa luận
tiêu cực
tín hiệu
tinh thần
tính năng
tổng hợp
tuyệt đối
tư tưởng
tự hào
tương đối
tưởng tượng
triết học
trực giác
trực quan
trực tiếp
trừu tượng
vật chất
xí nghiệp
ý thức
yếu tố
d. Các từ khoa học, giáo dục:
âm cực
bác sĩ
bạch kim
bán kính
bão hòa
bức xạ
chân không
chỉ số
cơ giới
di truyền
diễn tập
dinh dưỡng
dương cực
địa chất
địa chất học
điện khí
động lực học
động mạch
đức dục
giả định
giải phẫu
giáo dục học
giáo khoa thư
hệ thống
hóa học
hóa thạch
học hội
học vị
huyết sắc tố
khoa học
khoa mục
khóa trình
khuếch tán
kích thích
kim cương
kiến tập
lí luận
loại hình
luân lý học
luận lý học
lũy tiến
lực học
lượng tử
mẫn cảm
nghiệp vụ
nguyên tử
ngữ nguyên học
nhân cách
ôn độ
phản ứng
phản xạ
phát minh
phê bình
phóng xạ
phương án
phương trình
quan trắc
quang tuyến
sinh lý học
số học
tâm lý học
tế bào
thám hiểm
thành phần
thăng hoa
thần kinh
thần kinh giao cảm
thể dục
thể thao
thôi miên
thường thức
tỉ trọng
tiêu bản
tiêu hóa
tĩnh mạch
tổ hợp
tốc độ
truyền nhiễm
trường hợp
vận động
vật lí
vệ sinh
xã hội
xã hội học
y học
ý nghĩa
e. Các từ về văn hóa nghệ thuật:
bi kịch
ca kịch
cải biên
chế bản
chủ bút
diễn tấu
diễn thuyết
diễn xuất
đạo cụ
đăng tải
đồ án
giao hưởng
hội thoại
kí giả
kí lục
kị sĩ
kịch trường
kiến trúc
mạn đàm
mĩ cảm
mĩ hóa
mĩ thuật
mĩ học
nghệ thuật
nguyên tác
quảng trường
sáng tác
tác giả
tác phẩm
tạp chí
tân văn
tu từ học
tham quan
thần thoại
tọa đàm
tốc kí
triển lãm
tư liệu
văn hóa
văn học
văn học khái luận
văn học sử
văn minh
vũ đài
xuất bản
Qua các bảng trên đây có thể thấy rõ các từ ngữ về xã hội, chính trị, khoa học, triết học, giáo dục chiếm một số lượng rất lớn, đánh dấu sự trưởng thành của ý thức xã hội về các mặt ấy. Để thấy sự tiếp tu này chúng ta có thể so sánh với ĐạiNam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Của thì sẽ thấy nhiều từ trên đây không có mặt, hoặc nếu có thì dùng theo nghĩa cổ xưa. Ví dụ không có các từ như mĩ thuật, mĩ học, nghệ thuật, triết học, văn hoá, văn minh, kinh tế. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh đã có nhiều từ vựng hơn, song về nghĩa cũng còn rất nhiều chữ giải thích theo nghĩa cũ. Tuy nhiên chúng tôi xin phép không đi sâu vào phương diện này.
3. Số từ Hán Việt gốc Nhật trên đây được tiếp nhận từ từ Hán gốc Nhật trong một thời gian dài. Có những từ tiếp nhận từ đầu thế kỷ như cách mạng, thực nghiệp, tự do, tiến hóa... Các từ giai cấp, lập trường, vô sản... tiếp nhận từ những năm hai mươi, các từ khoa học, giáo dục thì muộn hơn. Có từ như chế bản, kí hiệu học thì chắc là du nhập gần đây.
4. Không phải mọi từ Hán gốc Nhật đều được người Việt vay mượn để chuyển thành từ Hán Việt gốc Nhật. Ví dụ, từ Hán gốc Nhật “nhân lực xa”, do tiếng Việt có từ “xe tay”, “xe kéo” cho nên không vay mượn nữa. Từ Hán gốc Nhật có bi kịch, hỉ kịch, lãnh thổ, lãnh không, lãnh hải.... nhưng tiếng Việt chỉ vay mượn bộ phận và sáng tạo thêm theo cách của mình. Ví dụ, người Việt chỉ mượn từ “bi kịch”, còn “hỉ kịch” thì gọi là hài kịch, thích hợp hơn là hỉ kịch, vì hài kịch không đơn giản là kịch vui. Người Việt chỉ dùng từ lãnh thổ, còn “lãnh hải”, “lãnh không” thì trước đây gọi là “hải phận”, “không phận”, nay gọi là “vùng biển", "vùng trời”. Số lượng từ Hán gốc Nhật không được sử dụng còn khá nhiều. Ví dụ tiếng Việt nói thất tình (không dùng “thất luyến”), sản xuất (không dùng “sinh sản”, sinh sản mang nghĩa khác), nhân viên (không nói “sự vụ viên”, thư viện (không dùng “đồ thư quán”) v.v. chứng tỏ tiếng Việt có cách lựa chọn riêng.
5. Các từ Hán Việt gốc Nhật có hai loại chủ yếu sau:
a. Một loại gồm các từ do người Nhật sử dụng yếu tố Hán để tạo ra từ của mình nhằm phiên dịch, diễn đạt các khái niệm mới về khoa học, giáo dục, chính trị, xã hội như các từ chính đảng, giai cấp, tuyên truyền, công dân, dân chủ, xã hội chủ nghĩa, hư vô chủ nghĩa, tế bào, chân không... Loại này đều mang một hàm nghĩa hiện đại xác định, không gây nhầm lẫn, hiểu lầm nào.
b. Loại thứ hai gồm các từ người Nhật vay mượn từ của Trung Quốc từ nguồn thư tịch cổ rồi phú cho nó một ý nghĩa mới như văn minh, văn hóa, cách mạng, văn học, tưởng tượng, tinh thần, pháp luật, phân tích, phân phối, phép tắc... Những từ này đối với người Trung Quốc, cũng như đối với người Việt Nam, chúng vừa quen lại vừa lạ, và do đó nhiều khi không nhận ra cái nghĩa ngoại nhập mới mẻ của nó.
Ví dụ hai chữ “cách mạng”, trong Kinh Dịch có câu: “Thiên địa cách nhi tứ thời thành, Thang Vũ cách mạng, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân - Trời đất đổi thay mà thành bốn mùa, Thang Vũ đổi thay mệnh thuận theo trời mà ứng theo người”. Nhưng “cách mạng” trong ý nghĩa hiện đại hoàn toàn khác: đó là một cuộc đổi thay lớn, trọng đại trong công cuộc cải tạo xã hội và thiên nhiên, một cuộc nhảy vọt từ chất cũ sang chất mới, chứ không phải đổi thay thông thường, như mùa này thay mùa kia. Đây là từ người Nhật dùng để dịch ý từ tiếng Anh revolution.
Lại ví dụ từ “văn hóa” trong tiếng Hán cổ chỉ “văn tự, giáo hóa”. Người Nhật dùng từ này để dịch ý từ tiếng Anh culture tức là chỉ toàn bộ các giá trị tinh thần và vật chất mà con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử của mình. Ông Đặng Thai Mai đã nói về cảm nhận quen mà lạ đối với từ này như sau: “Danh từ “văn hóa” chúng ta đã mượn ở tiếng Tàu-người Tàu lấy hai chữ này ở sách cổ-bộ Kinh Dịchđể phô diễn một khái niệm mới của khoa học hiện đại... Vậy muốn có ý niệm xác đáng, ta phải công nhận cho chữ “văn hóa” hiện thời một nghĩa mới, nguồn gốc tự Tây phương”(1). Thực ra từ này chúng ta mượn từ tiếng Nhật chứ không mượn từ tiếng Hán cổ.
Từ “văn học” lại càng thú vị. Đây là từ người Nhật dùng để dịch từ tiếng Anh literature, với hàm nghĩa là chỉ các tác phẩm dùng ngôn ngữ, văn tự làm công cụ để biểu hiện một cách hình tượng đời sống con người, bao gồm thơ ca, tiểu thuyết, tản văn, kịch, kí. Trong Luận ngữ có câu: “Văn học, Tử Du Tử Hạ” thì văn học được dùng với nghĩa là học vấn uyên bác, biết nhiều về văn hiến, không dính dáng gì với ý nghĩa hiện đại. Theo một số tài liệu khảo chứng cho biết, năm Minh Trị thứ 16, tức năm 1883 Trung Giang Triệu Dân dịch cuốn Duy Thị mĩ học, lần đầu tiên đem từ Esthetique dịch thành mĩ học, năm 1884, dịch từ Rhetorique thành tu từ, năm 1886 lại dịch từ literature thành văn học. Lương Khải Siêu từng ở Nhật, hấp thu từ “văn học” của Nhật, cho nên trong trước tác của ông hai chữ “văn học” khi thì chỉ học vấn, khi thì chỉ văn học bao gồm tiểu thuyết và kịch, một ý nghĩa mà người Trung Quốc xưa không bao giờ nghĩ đến. Nhà nghiên cứu Nhật Tá Đằng Nhất Lang cho rằng đó là ảnh hưởng Nhật(2).
Ở Việt Nam có lẽ ông Võ Liêm Sơn là người sớm nhất nhận ra cái nghĩa mới của từ đó. Năm 1927, ông viết: “Danh từ văn học bây giờ người Tàu, người Nhật chỉ dùng theo nghĩa mới, nghĩa hẹp, cũng như hai chữ mỹ văn (belles lettres), nhưng là thứ văn có tình cảm, mỹ cảm, thuộc về phạm vi nghệ thuật chứ không gồm cả bao nhiêu văn tự kĩ thuật khác, nó thuộc về phạm vi khoa học”(3) và các tác giả đương thời sử dụng hai chữ này theo nghĩa mới một cách tự nhiên. Ví dụ Phạm Quỳnh viết Văn học nước Pháp (1921). Phan Khôi viết Tục ngữ, phong dao và địa vị của nó trong văn học (1939). Nguyễn Thị Kiêm viết Nữ lưu với văn học (1932). Các tập văn học sử của các tác giả đương thời đều dùng hai từ “văn học”. Ông Đặng Thai Mai cũng viết: “Dưới ảnh hưởng của tư triều Âu, Mỹ, hai chữ văn học ngày nay đã bao hàm một ý nghĩa khác hẳn nghĩa đen ngày xưa của nó”(4).
Loại từ thứ hai này chỉ là một lối vay mượn từ có sẵn từ xưa để dịch nghĩa một từ mới của các nước, đó là một ước lệ, thiết nghĩ nên hiểu theo nghĩa mới đó trong dòng chảy của từ vựng.
Từ Hán Việt gốc Nhật là một phạm vi từ rất đặc biệt. Nó phản ánh các mối quan hệ văn hóa đặc thù của các nước châu Á trong tư triều Âu Mĩ hiện đại. Nhật chịu ảnh hưởng văn hóa Hán và đã tác động trở lại tiếng Hán. Người Việt qua sách vở Trung Quốc mà tiếp thu từ mới của Nhật và qua đó mà tiếp thu văn hóa phương Tây.
Việc xác lập các từ có nguồn gốc Nhật sẽ góp phần để xác lập các từ Hán Việt gốc Việt, do người Việt sáng tạo ra. Nhưng đó sẽ là một vấn đề khác.
CHÚ THÍCH
(1). Đặng Thai Mai, Nguyễn Hữu Đang: Định nghĩa hai chữ văn hóa / Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam (1900-1945), T.5, H. Văn học, 1997, tr.327.
(2). Tá Đằng Nhất Lang: Trung Quốc văn chương luận, Thượng Hải cổ tịch, 1996, tr.250.
(3). Võ Liêm Sơn, Văn học và xã hội/ Thơ văn Võ Liêm Sơn, Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, Vinh, 1993, tr.135.
(4). Văn học khái luận, 1994/ Tuyển tập phê bình nghiên cứu văn học 1900-1945, T.5, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1997, tr.288.