Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Rất nên quan tâm tới… lưu manh




Các từ điển Hán — Hán hiện đại thường ghi lưu manh ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa.
.
1. Trong bài Đường đi và người đi — Những khám phá thú vị về xã hội người Việt xưa in trên TT&VH số ra 18-12-2011 nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết :


“ Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu”.

Tôi muốn bàn thêm với anh Thượng riêng về hai chữ lưu manh.
Chữ manh ở đây không phải người mù.

Trong chữ Hán cũng có một chữ manh viết bằng cách kết hợp chữ vong với bộ mục, Đào Duy Anh dịch nghĩa là mắt không có con ngươi, tối tăm.



Nhưng trong từ ghép lưu manh thì sách vở xưa nay đều viết chữ manh khác, gồm chữ vong như trên và bộ thị thay cho bộ mục. Chữ manh nói về sau này thời cổ là chỉ chung là dân. Trong Bình Ngô đại cáo có câu:

Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập
Đào Duy Anh dịch là
Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp
Là dùng chữ manh ấy.

Từ chỗ ban đầu chỉ dân nói chung ( Hiện đại Hán ngữ từ điển giảng “cổ đại xưng bách tính”), sau chữ manh này chỉ dân không có nghề nghiệp. Nó cũng không mấy khi được dùng riêng mà thường dùng như một thành phần trong từ ghép lưu manh.

Anh Phan Cẩm Thượng cho rằng đểu cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ hàng nên có nghĩa xấu. Nghĩa xấu đó là gì? Từ điển Khai trí tiến đức 1931 ghi đểu cáng là hạng người hèn mạt vô hạnh. Như vậy là từ một thói xấu đã biến thành một bản chất. Nay đểu cáng thường dùng như một tính từ chỉ phẩm chất.

Hạng lưu manh cũng vậy. Các từ điển Hán — Hán hiện đại thường ghi lưu manh ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa.

Tra các từ điển Hán Anh, tôi thấy người ta thường dịch lưu manh thành rogue, gangster, hooligan, sau đó chuyển sang nghĩa rộng hơn, nó dùng để chỉ những quan niệm hành động phi đạo đức, liều lĩnh, bậy bạ, rộng hơn là những triết lý “vô thiên vô pháp”, cho phép người ta dùng mọi thủ đoạn cốt đạt được mục đích.

2. Hồi cuốn Văn minh vật chất của người Việt mới ra, tôi đã thấy cái tên sách hình như to quá so với thực chất. Lẽ ra nên gọi gọn lại, đại khái như Các đồ vật của người Việt thì mới đúng. Chứ còn vật chất là một khái niệm khái quát hơn nhiều. Ví dụ một dạng vật chất là năng lượng, hoặc các loại vật liệu — ở đây đâu có nói tới.

Người Việt là một khái niệm có nghĩa rộng. Việc ở đây tác giả chỉ nói về người Việt ở đồng bằng Bắc bộ cần được xác định rõ ngay từ tên gọi tập sách.

Ngoài ra tôi còn băn khoăn về một chuyện khác. Trong một lần trả lời phỏng vấn, tác giả bảo muốn viết về những đồ vật xưa nếp sống xưa để các bạn trẻ có dịp trở về với cái hồn của dân tộc mà khỏi phải đọc sách vở kinh phật lão.

Tôi thì tôi nghĩ khác. Không gì thay thế sách vở được. Người nghiên cứu hôm nay không thể thỏa mãn với những hồi tưởng hồi ức xưa rồi dừng lại ở cái nếp sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng mà phải đi tới toàn bộ đời sống tinh thần của người xưa. Trong việc này, nhất thiết phải vận dụng tới sách vở từng có từ bao đời nay, kể cả sách của ông cha ta cũng như sách của nước ngoài. Đó là con đường mà các bạn trẻ không thể lảng tránh.

3. Dẫu sao tôi cũng cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Từ chỗ nghiên cứu nghệ thuật thuần túy, anh chuyển sang nghiên cứu cơ sở của nghệ thuật là xã hội.

Khi nghiên cứu về giao thông VN trong xã hội cũ, anh không chỉ nói tới đường đi mà còn nói tới người đi, vì thế mới có câu chuyện chúng ta trao đổi ở đây.

Tôi lại rất tán thành cái hướng mà anh theo là phân chia xã hội không theo thang bậc giai cấp chung chung nông dân—địa chủ phong kiến mà theo các tầng lớp hình thành trong xã hội như kẻ sĩ, nhà buôn, kẻ hạ lưu trộm cướp lưu manh.

Xin phép nói thực, tôi cũng đang muốn làm như vậy.

Phần góp chuyện của tôi:

Ngày nay chúng ta thường hay lý tưởng hóa chữ dân. Nhưng ở trang 87 của Từ điển từ nguyên tiếng Trung ( Nxb Hồng Đức H. 2008 ), tác giả Nguyễn Mạnh Linh ghi:

Để áp bức nô lệ làm việc và tránh tạo phản, bọn chủ nô thường bắt họ đeo gông tay gông chân hoặc dùng mũi khoan chọc mù mắt họ. Chữ dân trong Giáp cốt văn và Kim văn nghĩa gốc là chỉ nô lệ, nghĩa rộng chỉ kẻ bị thống trị trong đó bao gồm nô lệ và dân thường. Sau này phiếm chỉ bách tính quần chúng nhân dân.

Phải đi vào từ nguyên học lôi thôi như vậy vì nói tới người dân xưa là nói tới tình trạng lang thang vô nghệ nghiệp. Mà đó cũng là nguồn gốc tạo nên cách sống của họ. Họ chẳng coi cái gì là quan trọng. Họ dám làm những việc động trời bất chấp pháp luật. Nhờ thế, trong lịch sử các nước như Trung Quốc Việt Nam họ là nguồn gốc của những hỗn lọan mà ngày nay ta hay gộp vào và gọi chung là những cuộc nông dân khởi nghĩa.

Lưu manh du đãng… ở ta đóng vai trò lớn trong các cuộc chiến tranh kể cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Nhiều bộ sách cũ tôi đọc được có ghi những người theo Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận là du đãng, mà sau này Quang Trung mạnh cũng là nhờ tập hợp và phát huy sức mạnh đám người này.

Trong lịch sử Trung quốc, những Lưu Bang Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổcũng mang đậm trong mình chất vô lại, du đãng, lưu manh. Đã có câu tổng kết trí thức chỉ làm đến tể tướng chỉ có lưu manh mới có thể làm vua.

Nhận xét ấy trong thời hiện đại được chứng nghiệm qua bộ đôi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Lịch sử cả Đông lẫn Tây vận động theo hướng xã hội khép kín trong các làng xóm thôn lạc thời cổ điển bị phá vỡ, con người tràn ra thành thị. Trong khi các tầng lớp nhà buôn và quan lại dùng tri thức tổ chức lại đời sống thì tầng lớp lưu manh cũng xuất hiện, và phát triển mạnh theo hướng thâm nhập vào các tầng lớp khác.

Trong xã hội hiện đại, xu thế này chi phối sự hình thành nhân cách từ người lao động đến người có học, làm họ cũng trở nên lười biếng tầm thường tàn ác vô cảm …tức là lưu manh hóa họ. Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng nhưng trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung. Ở tầng lớp lưu manh khóac áo trí thức, cái lõi là vô học, bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm.

———–

Nguồn: Blog Vương Trí Nhàn

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Rừng và cây







Một tác phẩm nghệ thuật chân chính- dù dài hay ngắn-không thể chấm dứt ở trang cuối cùng và không bao giờ hết khả năng kể chuyện.

Khi câu chuyện về các nhân vật kết thúc,tác phẩm phải nhập vào tâm hồn và ý thức người đọc( hoặc nghe đọc) phải tiếp tục tác động như một lực lượng nội tâm của họ.Nó sẽ là sự dằn vặt suy tư và cũng là ánh sáng của lương tâm không bao giờ tàn lụi, không bao giờ khuất phục, thỏa hiệp hay đầu hàng mà còn luôn luôn dũng cảm vùng lên, khắc phục cảnh ngộ trái ngang, san bằng chướng ngại để tiến tới, hướng thẳng về đỉnh cao của Vinh Quang và Danh Dự!

Trong tất cả cuộc đời mà " Vinh, Nhục , Lợi ,Danh vừa đủ nếm", có lẽ ngày nay chỉ còn sót lại điều này,điều mà anh đã nhập tâm từ lúc mới bắt đầu có ý thức và trách nhiệm của người cầm bút. Và trãi qua bao thăng trầm của cuộc sống nó vẫn còn nguyên vẹn, mỗi ngày càng thêm rạng rỡ và sắc nét hơn trong những suy nghĩ của anh nên anh rất trân trọng nó.

Từ lâu, tưởng chừng như anh đã quên đi ý nghĩ " có một chỗ ngồi" trên chiếu những người làm văn nghệ- một ý nghĩ mà không một người cầm bút nào không nuôi nấng trong đầu óc mình ngay từ khi quyết định chọn nghề cầm bút làm khởi điểm và cứu cánh của đời mình- vì nhiều lý do rất phức tạp và cũng khá đau buồn.Tuy vậy, anh cũng không tha thứ cho bất cứ sự dễ dãi, tánh bao biện,háo danh nào hoặc chạy theo lợi nhuận một cách đáng khinh,làm giảm giá tri nghề nghiệp.

Ý thức trách nhiệm đòi hỏi phải có những cố gắng lớn lao và một sự tập trung cao độ sức sống tiềm tàng và tích lũy được vào những trang viết của mình, ít nhiều gì nó cũng phải là một sự ký thác, là những đường máu tâm tư, phản ánh toàn diện những mâu thuẫn phức tạp trong cuộc sống phong phú và sinh động của thời đại.

Cũng không phải mới hôm nay mà đã từ lâu rồi, anh đã đặt ra cho mình nguyên tắc làm việc..." để gia đình và bè bạn- đúng với nghĩa của nó- khỏi phải xấu hổ" khi đọc những gì của anh viết. và anh cũng đã hết sức tự hào, hãnh diện gì mình đã giữ được lương tri cầm bút trước những cám dỗ của cuộc sống phồn hoa.

Mỗi lúc bắt đầu một trang viết mới, anh lại tự đặt cho mình không biết bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là vấn đề phải dứt khoát.

Năm nay, trước thềm năm mới, anh lại cành thấy bối rối, băn khoăn trong việc chọn đề tài...

...." Nỗi niềm thương nhớ về những người đồng đội cũ mỗi năm như vơi dần, phai lợt lần trong ký ức mình...

Biết làm sao?

Đây không phải là dấu hiệu của sự vong tình, bội nghĩa đối với người xưa- những người đã từng chia sớt ngọt bùi, chung chịu gian lao nguy hiểm- mà chỉ là điều tất yếu.

Năm tháng, sự việc mỗi ngày một chồng chất,một liên quan gắn bó chặt chẽ bên trong cuộc sống mới sôi động, dập dồn những biến chuyển mới nhịp nhàng với lực đi lên của thế hệ đã làm mất chỗ của quá khứ xa xưa. Mỗi phút dừng chơn là một phút chậm trể và cũng là dấu hiệu của sự suy thoái... huống gì là ngoái nhìn ngược lại thời gian!

Nhiều người đã nghĩ như vậy. Và có lúc mình cũng bị lôi cuốn vào nhịp sống đó để luôn luôn kịp thời, thích nghi với phong cách mới.Nhưng căn bản con người có những cái gần như không thể biến đổi mà chỉ phai mờ đến mức độ nào đó thôi. Những cái gì đã bị coi như là quên lãng rất có thể được bất chợt nhớ lại với tất cả những tình tiết chi li, sâu đậm nhất

Trong đời mình đã có bao lần Quên rồi Nhớ, Nhớ rồi Quên?

_Tao uống cho say để Nhớ những gì khi tỉnh tao không dám Nhớ và cũng để Quên những gì khi say tao mới có thể Quên!
Câu nói đầu môi của một thằng bạn cũ mỗi khi say đã trăn trở, ám ảnh mình, ray rứt, vày vò tâm hồn mình nhiều năm nay.Cũng may là con người dễ nhớ, mau quên của mình không bị ảnh hưởng lập luận người say đó lâu nên mình cũng chưa bao giờ phân tách, tìm hiểu chính xác, tận tường giá trị- nếu có- của nó. Dù sao cái lập lờ đó cũng làm cho mình xót xa. Và hôm nay câu đó lại trở lại với mình. Mình không thể không suy nghĩ một cách nghiêm túc được.

Phải thẳng thừng lột xác và hóa kiếp cái vỏ nghệ sĩ cũ lửng lơ, chập chờn hồn mộng tỉnh say, quên quên, nhớ nhớ, lạc lõng giữa không gian để và bắt nó thiết thực nhìn thẳng vào cuộc sống với đôi mắt sáng trong, nghiêm chỉnh, khối óc tỉnh táo và con tim nhiệt tình, sục sôi dòng máu nóng thủy chung.

Phải biết Nhớ những gì đáng Nhớ và Quên những gì nên Quên.

Không thể nhập nhằng trộn lẫn Ánh Sáng và Bóng Tối, nhuộm Không Gian và Thời Gian vào một sắc màu nhàn nhạt, lờ mờ và nhìn cả Người lẫn Việc dưới một màn sương mù dày đặc, không còn phân biệt được gì cả.

Ánh sáng và Bóng Tối.
Ngày và Đêm

Ranh giới phân biệt phải rõ ràng, dễ xác định.Dù có kẹt nằm trong vùng tranh chấp của hai cực đó cũng phải nhận cho ra cái khác nhau của nó. Bằng không sẽ mất phương hướng.Và hiệu quả của nó là... đúng hay sai, tốt hay xấu, chánh nghĩa hay phi nhân!?

Nhà văn Ma-nen- en-cốp-phi-nhô-Lô-pết nổi tiếng của Cu-Ba đã viết ở trang mở đầu tiểu thuyết" Người đàn bà cuối cùng và cuộc chiến đấu sắp tới" những dòng sau:

" Ở đây chúng ta cần ít quan tâm đến việc treo những tấm bảng mà quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu các nguyên nhân và tác dụng của các sự việc. Trung thành với cách mạng không có nghĩa là phản bội cá nhân. Chỉ có quan tâm đầy đủ đến con người chúng ta mới có thể xây dựng được Chủ nghĩa xã hội."

" Có người không nhìn thấy rừng thông chỉ gì chú ý những cây thông."

" Có người mãi ca ngợi rừng thông trong khi những cây thông đang thúi rửa"

Ở đây chúng ta cần phải nhìn cả rừng thông và cả từng cây thông, bởi vì suy cho cùng, không có những cây thông thì không có rừng thông".

Ma-nu-en- cốp-phi-nhô-lô-pết Là một trí thức tiến bộ đã tham gia cách mạng giải phóng Cu-ba, hiện đang công tác tại vụ văn học Bộ văn hóa Cu-ba. Với quyển tiểu thuyết " Người đàn bà cuối cùng và cuộc chiến đấu sắp tới" ông đã được trao giải thưởng nhà văn Châu mỹ. Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, bán rất chạy, trên các nước XHCN cũng như TBCN."

....Từ lâu, nhiều người đã trách mình " chỉ nhìn thấy Cây mà không thấy Rừng".Thật là một sự ngộ nhận,hay đúng hơn là cái nhìn hời hợt, máy móc,cho thấy rằng những người đó chỉ nói...qua một lối nói chung chung, ngoài ra không có một nhận xét cụ thể nào về con người mình cả.


Không, không phải mình không thấy Rừng, chưa thấy Rừng đâu. Trái lại, chẳng những mình đã thấy Rừng mà còn vào Rừng nữa. Vào khá sâu để có thể thấy được nhiều loại cây đang mọc trong đó và nhận mặt từng loại cây để biết tình trạng của mỗi loại cây và cả những loại dây leo, những lọai cây ăn bám như tầm gửi nữa...

Mình chẳng dựa vào cây mà nhận xét Rừng nhưng dám mạnh dạn nói Rừng sẽ chẳng còn là Rừng nếu còn để quá nhiều cây ăn bám, các loại cây chỉ biết nương vào bóng những cây khác để sống,những lọai dây leo bò thật nhanh,vươn vòi, tỏa ngọn phất phơ trên cao nhưng không thể lừa được những người tinh mắt, không làm họ lầm tưởng đó là một loại cổ thụ...ngất trời.

Rừng lớn uy nghiêm gió lạnh băng
Biển to sôi nổi sóng muôn trùng
Đêm sâu thầm kín bao điều ác
Ám ảnh hồn tôi đến hải hùng

Rừng cũng như Biển, như Đêm sâu quả thật là bí hiểm... cũng do đó mình mới đặc biệt quan tâm tìm hiểu Rừng,Biển to và Đêm sâu theo nghĩa trắng lẫn nghĩa đen của nó. Mình cũng đã thấy cả mặt tốt lẫn mặt xấu, cái có ích lẫn cái tai hại...

Mình không lầm nhưng lại bị hiểu lầm.Buồn cười thật. Nhưng cũng may, ngoài hững người hiểu lầm mình vẫn có những người hiểu đúng về mình, và rất thông cảm về mối quan tâm của mình.

Nhưng câu chuyện về Rừng và Cây không phải không có những mặt phức tạp của nó.Nếu không phải là người có bản lãnh để tiếp cận nó một cách khéo léo, đúng khía,đúng cạnh, tách rời được các loại tầm gửi, các loại giây leo khỏi các thân cây, ruồng, chặt, dọn dẹp sạch sẽ, quang đang cả khu Rừng mà tránh được cảnh bứt mây động rừng, đồng thời phân biệt được các mầm non đáng được bảo quản, chở che, uốn nắn.

...Liệu mình có chủ quan để vô tình rơi vào khuynh hướng sai lầm trí thức tiểu tư sản không? Nhứt quyết là không. Mình cũng không phiến diện , tả khuynh...Mình không tách rời Con Người với Sự Việc. Cái gì mất? Cái gì được? Cái gì đang tan rả phải tan rả cái gì đang hình thành phải hoàn chỉnh ,vươn lên...

Không thể không quan tâm đến con người nhưng cũng không thể tách rời con người khỏi tập thể.Không tủ tiêu cá tánh, bản năng con người, có tâm huyết, có nhiệt tình với phương châm : Mỗi người vì mọi người,mọi người vì mỗi người.". Mình không ngại chuyện " Bứt dây động Rừng" nữa mà chỉ sợ mình chưa có đủ tư cách bứt mây, chưa chọn đúng sợi mây cần bứt. Thế thôi!

Chưa bao giờ mình thấy yêu cái nghề cầm bút của mình-cái nghề mà mình đã chọn từ lúc mới bước vào đời sống tư lập- hơn lúc này.Nhưng liệu mình còn có được bao nhiêu ngày để nhớ và ghi với những suy nghĩ của mình, đóng góp phần nào cho lớp người sau những gì mình đã thấy, đã nghe và đã biết gì cuộc sống hôm qua, hôm nay...

Nhưng mình đã sống như thế nào? Mình đã làm được gì? Và chưa làm những gì? Thế hệ chúng ta cái quan trọng là làm được bao nhiêu chứ đâu phải là sống được bao lâu? Mình có đủ thành thật và can đảm nói hết sự thật hay không? Hay là tránh né, đảo lộn, bóp méo tất cả, không phản ánh đúng con người của mình với những cái đúng, cái sai, cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở...

..." Bản chất của một giai cấp là định mệnh không thể vượt qua.Nhưng muốn đập tan những ảnh hưởng ràng buộc của nó trong con người, phải trải qua nhiều cuộc vật lộn đau đớn, lâu dài".

...Thực tế đã chứng minh mình là một người có tinh thần cầu tiến, có lương tâm trong sáng, nhiệt tình cách mạng,thù ghét tất cả hững gì tàn bạo, bẩn thỉu trong cuộc sống. Nhưng cũng vì vậy mà lúc nào mình cũng sục sôi ý nghi phản kháng, chống đối những ngang trái, hẹp hòi, phi lý dù rằng những sự việc đó xãy ra cho người khác chứ không phải cho mình...để rồi cả đời, lúc nào cũng bị vày vò, trăn trở, thắc mắc, băn khoăn... không một giờ khắc nào tìm được sự yên ổn cho tâm hồn!

...Một nhược điểm lớn lao, tai hại nữa của mình là sự cầu toàn, luôn luôn đòi hỏi một sự tuyệt đối( trong tình bạn, tình yêu, trong chân lý...và cả trong Cách mạng).Biết là sai lầm sao mình không khắc phục?Do đó, mặc dù con người mình không phải là con người xấu, hèn hạ, mình vẫn trở thành khó chịu, cái gai đối với mọi người(kể cả người thân) và cả với chính mình. Hẳn nhiên, một số kẻ không thích, không ưa mình đã không ngần ngại gì mà không tìm cách xuyên tạc mình...Trường hợp của mình đâu phải là các biệt.Không ít người đã suy nghĩ như mình...hiện đang còn sống cũng như có nhiều người đã hy sinh.Phút cuối cùng của họ đều hiên ngang, anh dũng như bất cứ chiến sĩ Cách mạng chân chính nào trước giặc thù.

Đời người Sống, Chết chỉ một lần thôi.
Sống đừng Sống Mất
Chết phải Chết Còn


Do đó phải thận trọng từng bước đi, đừng để sa chơn xuống bùn nhưng phải biết coi thường hiểm nguy, mạnh dạn vượt thoát để tiến lên tới đích. Thà đi vào cái Chết để tìm sự Sống còn hơn là núp vào cái Sống để chịu chết dần, chết mòn trong cái chết nhục nhã muôn đời...

Cái sống của mình hiện nay... tuy chưa chưa đến nỗi là Sống Mất nhưng cũng gần như ... mất rồi chứ còn gì nữa?

Đời là một tác phẩm nghệ thuật. Không ai làm lại hai lần một tác phẩm...dù là một tác phẩm dơ dang!Mình không thể là bản sao của ai mà cũng không muốn ai là bản sao của mình cả. Cái khác hẳn của con người- so với các sinh vật khác-là cái cá tánh...và đòi hỏi được phát huy cá tánh-không phải xô bồ, hỗn độn- theo qui luật tiến, biến của cuộc sống.

Hôm nay không phải là Hôm qua...và dĩ nhiên càng không phải là Ngày mai. Cũng không có những nguyên tắc chết, những nguyên tắc cứng đơ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.Trường hợp ngoại lệ, cá biệt không phải là không cần thiết, không phải là vô ích... nhứt là trong thời đại nguyên tử, vũ khí hạt nhân, chiến tranh các vì sao.

Mình cũng không muốn là một chiếc lá bị cuốn theo chiều gió, mà phải là một sinh vật có ý thức, tự nguyện đi theo một con đường, làm một công việc mà mình hiểu và biết một cách rõ ràng, tường tận nó sẽ đưa mình đến đâu?


Lời sau cùng:

Một con ếch nằm đáy giếng bao giờ cũng coi trời là nhỏ.Chuyện đó không đáng trách bởi tầm nhìn bị hạn chế của nó. Đáng trách là chú ếch muốn phình bụng để được to bằng con bò

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Trí thức thời nay – đằng sau thói háo danh là tình trạng tha hóa kéo dài[i]


Tác giả: Vương Trí Nhàn
———–


Bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ… trong giới trí thức từng được Đặng Hữu Phúc (TuanVietNam 24-06-2009) xem như một quốc nạn. Chỉ có thể chia sẻ với một khái quát như thế nếu người ta nhận ra những gì đứng đằng sau cáí căn bệnh có vẻ dễ thương đó là sự liên đới của nhiều “chứng nan y “ cùng là sự tha hoá của giới trí thức cũng như của nhiều lớp người khác.

Mỗi khi nói tới trí thức VN thời trung đại, tôi thường nhớ tới một câu chuyện trong sử cũ.

Nửa cuối thế kỷ thứ XVII, có một trí thức Trung quốc là Chu Thuấn Thuỷ trên bước đường chống Thanh phục Minh nhiều lần đến Việt Nam. Lần ấy, khoảng 1657, nghe Chúa Nguyễn có hịch chiêu mộ những ai biết chữ để giúp vào việc nước, Chu ra trình diện. Nhưng ông cảm thấy chung quanh không hiểu mình, không thi thố được tài năng, lại bị làm phiền, nên bỏ sang Nhật. Sau ông đóng góp rất nhiều vào viêc phát triển xã hội Nhật.

Chu không phải là loại người đọc sách xa lánh sự đời. Một học giả Nhật đã viết về Chu “Cái học của tiên sinh nhấn mạnh về “kinh bang tế thế’. Giả sử nếu cần biến một vùng đất hoang thành phố thị, phải tập hợp sĩ nông công thương, thì một tay tiên sinh có thể cáng đáng để xây dựng nên phố thị. Thay vì “ thi thư lễ nhạc” tiên sinh thích nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về cách canh tác ruộng nương và cách xây dựng nhà cửa, cách làm rượu làm tương… Tiên sinh có thể dạy người ta bất cứ việc gì” .(1)

Riêng chuyện bộ máy chính quyền Đàng Trong không thể chấp nhận một người như trên, đủ cho ta hiểu trình độ của xã hội Việt Nam thời đó là như thế nào.

Trong tập ký sự của mình, Chu Thuấn Thuỷ kể khi trình diện nhà cầm quyền địa phương, gặp chuyện buồn cười là người Việt Đàng Trong bắt ông ứng khấu ngay một bài thơ rồi viết trên giấy. Tiếp đó câu đầu tiên bị hỏi là “Cống sĩ với cử nhân và tiến sĩ, bên nào hơn ?“.

Khi biết Chu chỉ là cống sĩ, viên quan địa phương có ý xem thường, cho học lực của Chukhông thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình.

Từ câu chuyện về Chu Thuấn Thuỷ tới câu chuỵên về nghệ sĩ Nga Vladimir Ashkennazy mà Đặng Hữu Phúc vừa kể, như là có sự nối tiếp. Hoặc có thể nói cả hai phối hợp với nhau làm nên một đôi câu đối khá chỉnh. Một bên thì không thể hiểu người nổi tiếng lại không có một chức danh nào, còn bên kia thì không cần biết trước mặt mình là người đã được hoàng đế nhà Minh mời ra giúp nước, chỉ nghe cái bằng cấp người đó kể đã bĩu môi chê bai — giữa người ngày xưa với người ngày nay, sao mà có sự ăn ý đến thế!

Từ háo danh tới vĩ cuồng

Đặng Hữu Phúc đã nói tới cái khó chịu khi phải nghe đám người “mở miệng là họ nói tới chức tước “ — tức đám người háo danh — trò chuyện với nhau.

Ai đã sống trong giới trí thức ở ta hẳn thấy chuyện đó chẳng có gì xa lạ.

Anh A và anh B vốn cùng nghề và cùng cơ quan, họ cùng dự buổi họp nhỏ, chứ không phải đăng đàn diễn thuyết trước bàn dân thiên hạ gì.

Thế mà cứ động phát biểu thì từ miệng anh A, vang lên nào là “ như giáo sư B đã nói” ( gọi đầy đủ cả tên họ), nào là “ tôi hoàn toàn đồng tình với các luận điểm giáo sư B. vừa trình bày “ ( Thực ra có luận điểm khoa học gì đâu mà chỉ là mấy nhận xét vụn).

Và B cũng đáp lại bằng cách nói tương tự.

Khi phải dự những cuộc hội thảo ở đó cách xưng hô và nói năng giữa các thành viên theo kiểu như thế này, tôi chỉ có cách ráng chịu một lúc rồi lảng. Tôi không sao nhớ nổi họ nói với nhau điều gì. Và tôi đoán họ cũng vậy. Vì mỗi người trong họ có vẻ còn mải để ý 

xem người phát biểu đã gọi người khác đúng chức danh chưa, hay để sót, chứ đâu có chú ý tới nội dung các phát biểu.

Không khí nhang nhác như những buổi họp quan viên trong các làng xóm xưa, mà Ngô Tất Tố hay Nam Cao đã tả.

Tại sao chúng ta khó chịu với lớp người háo danh này? Đơn giản lắm, ta thấy họ ấu trĩ, non dại, thực chất họ thấp hơn cái vị thế mà họ chiếm được, không xứng với chức danh họ nhăm nhăm mang ra khoe.

Ai đã thử quan sát tình trạng tinh thần của đám người mê tín hẳn biết, người càng thiếu lòng tin, thì khi vào cuộc mê tín càng cuồng nhiệt.

Giới trí thức cũng vậy, cái sự thích kêu cho to chẳng qua là một cách để xoá bỏ mặc cảm. Kẻ yếu bóng vía lấy cái mã bên ngoài để làm dáng che đậy cho sự trống rỗng bên trong.

Mấy thói xấu mà Đặng Hữu Phúc nêu lên chỉ đáng để người ta cười giễu, ghét bỏ, thương hại. Song ác một nỗi chính nó lại là dấu hiệu đầu tiên của nhiều chứng nan y khác chẳng hạn căn bệnh mà Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ (2) gọi là bệnh vĩ cuồng( me’ganomanie).

Cao Xuân Hạo kể một chuyện mà thoạt nghe chắc chẳng ai dám tin. Hàng năm cơ quan lưu trữ nước mình thường phải thanh lý hàng tấn những hồ sơ “ sáng kiến phát minh “ gồm toàn đề nghị viển vông do người trong nước ùn ùn gửi tới, ví dụ một người đề nghị ta cần mượn của Liên Xô ( hồi đó còn Liên xô ) tên lửa vượt đại châu để bắn vào bắc cực khiến trục trái đất lệch thêm mười độ sao cho VN thay đổi vĩ độ và trở thành một nước ôn đới ( vì tác giả “đề án” này tin rằng chỉ có khí hậu ôn đới mới thích hợp với một tốc độ vũ bão, giúp nước ta đuổi kịp và vượt xa các nước tiên tiến trên thế giới ).

Trong một phạm vi rộng rãi hơn, Cao Xuân Hạo kể về cách nghĩ của mấy giáo sư rởm khi viết sách giáo khoa. Nhiều chương nhiều mục trong loại sách này thường bắt đầu bằng một câu” Lâu nay người ta cứ tưởng rằng (…), song thật ra thì (..). Cái mà “ lâu nay người ta cứ tưởng ” ở đây là những sự thật sờ sờ như “ hai với hai là bốn”. Còn sau mấy chữ “thật ra“ là những phát minh kiểu “hai với hai là chín” mà chỉ có những thiên tài như tác giả mới hiểu được.

Cao Xuân Hạo nói thêm điều đáng lo là ở chỗ phần đông chúng ta khi nghe những điều quái gở ở đây đều thấy bình thường, cùng lắm thì là loại sai lầm dễ tha thứ; còn ai tỏ ý kinh hoàng thì bị mọi người coi là bệnh hoạn vô đạo đức vì đã không tin vào khả năng sáng tạo của những người bình thường.

Cần phải gộp cả thói háo danh và bệnh vĩ cuồng nói trên để phân tích vì giữa chúng có một điểm chung là đều xuất phát từ những người và nhóm người sống trong tình trạng cô lập, không có khả năng tự nhận thức, đứng ngoài nhịp phát triển tự nhiên của thế giới.

Tình hình lại cần được xem là tệ hại bởi nó bám rễ vào bộ phận tinh hoa của xã hội.

Trí thức là bộ phận mũi nhọn của một cộng đồng, những thể nghiệm làm người của cộng đồng đó. Những nhược điểm của trí thức chẳng qua chỉ là phóng to nhược điểm của cộng đồng. Và nếu như những nhược điểm này đã thâm căn cố đế trở thành một sự tha hoá, thì tình trạng của người trí thức sẽ là một phòng thí nghiệm hợp lý để nghiên cứu về tình trạng tha hoá nói chung, từ đó may ra mới có cơ hội nếu không chữa chạy nổi thì ít nhiều cũng giảm thiểu tình hình nguy hại.

Nền giáo dục đơn sơ

Nhiều năm qua chúng ta hay nói một cách hồn nhiên rằng dân ta ham học và trong quá khứ ta có một nền giáo dục chẳng kém gì những nước khác. Bản thân tôi ban đầu cũng tin như thế, sau thực tế ngày càng thấy phải nói ngược lại.

Trong một cuốn sách lịch sử giáo dục (3) tôi thấy người ta chỉ ra rằng thật ra giáo dục là chuyện xài sang. Chỉ những đất nước giàu có mới có tiền của để chi cho giáo dục theo đúng nghĩa của nó.

Khi nền kinh tế ở trình độ tiểu nông manh mún, thậm chí trình độ hái lượm, con người có mỗi việc kiếm ăn đã không làm nổi, ta chỉ có thứ giáo dục ở dạng đơn sơ, kém cỏi.

Ta hay khoe, người dân quê nào ở nông thôn VN cũng sẵn sàng bớt ăn bớt mặc cho con đến học ở các thầy đồ lấy “năm ba chữ thánh hiền”.

Nhưng hãy nhìn kỹ vào những lớp học đó. Trường sở sơ sài. Sách vở tài liệu không có, đến bữa cơm chắc bụng cho người dạy cũng không có nốt ( nhiều truyện tiếu lâm toàn ghi lại chuyện thầy đồ ăn vụng) — thử hỏi sau mấy năm theo học các ông thầy ấy, phần lớn các cậu học trò nhà quê học được gì ? Biết dăm ba chữ để đủ đọc tên mình trong khế ước văn tự thế thôi chứ làm sao hơn được?!

Sự ham học có tính cá nhân nông nổi đó chưa bao giờ kết hợp với nỗ lực của cộng đồng để xây dựng nổi cơ chế giáo dục hợp lý và một nội dung giáo dục lâu dài, có triển vọng .

Đọc lịch sử, đời Lê, sau khi đánh xong giặc Minh, nhà vua lo cầu hiền tài để chọn quan lại ở cấp cơ sở. Chọn như thế nào? Chẳng qua chỉ một số người tinh nhanh đủ chữ ghi chép và … biết làm tính (4).

Theo như cách nói của một tác giả trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật (5) thì một nét đặc thù của trí thức VN trong lịch sử là tính cách lưỡng phân. Ông Nguyễn An Ninh, tác giả bài này giải thích:

– Họ vừa là kẻ sĩ vừa là nông dân.

– Khi không thể sống bằng chữ tức bằng nghề của mình, nhu cầu trí tuệ của họ bị giảm thiểu. Những xung lực cho hoạt động trí tuệ ở họ thường xuyên bị kìm hãm. Gặp hoàn cảnh khó khăn, họ dễ bị hư hỏng.

Tính cách lưỡng phân ấy là cả một ám ảnh, như ám ảnh về quê hương nghèo đói. Ta hiểu tại sao một số trí thức tỉnh táo khi đã thành đạt, vẫn không thể quên nguồn gốc của mình, cái nơi mà từ đó mình đi tới. Đây là lời dặn của Nguyễn Khuyến cho con cái:

Các con nối nghiệp cha nên biết
Nghiên bút đừng quên đậu lúa cà

Thế sao những người nông dân một nửa này vẫn miệt mài đèn sách để có ngày lều chõng khoa cử thì sao?

Việc nhồi vào óc một ít kiến thức cổ lỗ sở dĩ thu hút được toàn bộ tinh hoa nghị lực của nhiều người vì đó là con đường ngắn nhất để được gia nhập vào hàng ngũ quan chức.

Tự hào về nền giáo dục xưa, ta hay đưa dẫn chứng là trong lịch sử, các triều đại đã mở nhiều khoa thi và đã lấy được nhiều tiến sĩ, các bia tiến sĩ đó còn được đặt trong Văn miếu.

Nhưng thử hỏi trước tác của các vị tiến sĩ đó là gì hay chỉ là những bài văn mòn sáo sau khi dâng vua thì chính người viết ra nó cũng quên nó luôn.

Có thể chứng minh sự kém cỏi của nền giáo dục cổ ở một khía cạnh khác.

Nhân xem xét danh sách các tác gia văn học VN bằng con mắt thống kê, người ta đã phát hiện ra một nghịch lý vui vui(6): Đó là nhiều nhà văn nhà thơ VN thời trước nổi tiếng mà không có tác phẩm (đây là nói những tác phẩm dày dặn, có chất lượng đáng kể, được truyền tụng về sau và trở thành một đối tượng mô tả bắt buộc của các bộ từ điển).

Từ điển văn học Việt Nam do Lại Nguyên Ân biên soạn với sư cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường có 276 mục dành cho tác giả trong khi chỉ có 132 mục dành cho tác phẩm. Từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX, tính đổ đồng, mỗi thế kỷ chỉ có 7 tác phẩm; riêng thế kỷ XIX khá hơn, có tới 68 tác phẩm được ghi vào từ điển, nhưng số tác giả cũng lớn hơn, tới 78 người.

Cái hiện tượng cây không trái này (đúng hơn, có thể là toàn những trái chua trái héo, không cần cho ai, đời sau không ai buồn nhớ) càng thấy rõ khi nhìn vào hàng ngũ các ông trạng—chúng tôi muốn nói tới trạng chính thống chứ không phải trạng theo nghĩa dân gian.

Theo Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Kho tàng về các ông trạng VN (7) thì không kể triều Nguyễn không lấy trạng nguyên, các triều đại Lý Trần Lê có tới 47 người được phong trạng.

Nhưng phần lớn họ không có tên trong danh sách các tác gia nổi tiếng ở nước ta.

Ngược lại, xét chung các nhà sáng tác thơ văn, từ Nguyễn Du tới Nguyễn Đình Chiểu, từ Nguyễn Gia Thiều Phạm Thái cho tới Tú Xương, nhiều người không thuộc loại đỗ đạt cao.

Riêng về biên khảo, một học giả thực thụ như Phan Huy Chú, tác giả của bộ sách đồ sộ, mang tính cách tổng kết lớn, một thứ bách khoa toàn thư là Lịch triều hiến chương loại chí, chỉ đỗ đến tú tài.

Câu chuyện người đỗ không giỏi và người giỏi không đỗ không chỉ tố cáo sự kém cỏi của hệ thống giáo dục mà còn cho thấy một phần thực chất con người của nhiều ông trạng. Họ chính là điển hình của loại học trò thuộc bài, chỉ biết tầm chương trích cú rồi làm theo những khuôn mẫu sẵn có, nói chung là những cá tính tầm thường, không có quan hệ gì tới tư duy độc lập và sự sáng tạo.

Còn như muốn hiểu tại sao họ thi đỗ thì chúng ta có thể tìm đọc ngay những giai thoại về họ.

Ví như trường hợp Nguyễn Giản Thanh mà trong dân gian thường gọi là Trạng Me. Vũ Ngọc Khánh, trong sách đã dẫn, chép rằng lẽ ra ông này chỉ đỗ loại nhì (bảng nhãn), chẳng qua hôm vào yết kiến vua có cả mẹ nuôi vua ở đấy, bà này thấy Nguyễn Giản Thanh mặt mũi khôi ngô liền ngẫu nhiên hỏi: “Người này chắc là trạng nguyên ?“ do đó nhà vua, vì muốn chiều lòng mẹ nuôi, lấy Nguyễn Giản Thanh làm Trạng.

Đằng sau câu chuyện vui vui, có một sự thật, ấy là xưa kia, việc phong trạng dù được đề cao trên trời dưới biển ghê gớm như vậy, vẫn mang nhiều tính cách ngẫu nhiên tuỳ tiện; các vua chúa rất hay can thiệp vào công việc định giá, phong tặng; các danh hiệu đôi khi chỉ là sản phẩm của những cơn nóng lạnh bất thường của họ.

Là những cường hào phất lên nắm được quyền lực, họ chỉ dùng đám kẻ sĩ nửa mùa chung quanh như một thứ thư lại để sai vặt, và ban phát các chức danh để làm sang cho vương quốc mà họ là chủ.

Họ chỉ cần người trung thành chứ không cần người giỏi. Kẻ bề tôi càng tầm thường hèn hạ thì càng dễ sai bảo.

Chính cái loại trạng xin trạng nhặt được như thế này lại sẽ là người thích khoe khoang trước bàn dân thiên hạ về danh vị của mình.

Thói háo danh chỉ là một biểu hiện nhỏ của sự tha hoá con người — một sự tha hoá không mạnh mẽ nhưng lại đều đều gặm nhấm cả bản lĩnh lẫn nhân cách.

Chung quanh “giới thông thái chân đất”

Bước vào giai đoạn hội nhập, gần đây, những cuộc bàn cãi xuất hiện đều đều trên mặt báo ở ta cho thấy vấn đề về giới trí thức đang là mối quan tâm chung của xã hội. Điều này có lý do chính đáng của nó.

Sự trì trệ kéo dài hàng ngàn năm mà đến nay ta vẫn lĩnh đủ có một nguyên nhân sâu xa: cộng đồng không hình thành nổi bộ phận tinh hoa (elite) của mình. Một chủ nghĩa bình quân tối đa đã níu kéo tất cả lại.

Có điều, không hẳn khi “ngửi” thấy tầm quan trọng của vấn đề là người ta đã nhận thức được nó đầy đủ.

Bằng chứng là nói tới trí thức, người ta thường nêu ra những yêu cầu lý tưởng đâu đâu với tầng lớp này, như đòi hỏi tính độc lập cao, khả năng phản biện để đóng góp mạnh mẽ cho xã hội, rồi từ đó đưa ra nhiều lời chê bai trong đó lời chê nặng nhất là “tư cách phò chính thống” của trí thức VN nói chung.

Tôi muốn thử đặt vấn đề theo một cách khác: liệu trong thực tế lịch sử chúng ta đã có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa chưa? Nếu tạm thời chấp nhận là có một tầng lớp như vậy, thì quá trình hình thành của họ có đặc điểm gì? Tại sao họ dễ bị làm hỏng đến vậy?

Trước 1945, những Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, các tác giả có bài thường xuyên trên Tri Tân Thanh Nghị… đã có ý kiến về vấn đề này mà chưa ai có dịp tổng kết.

Thời của chúng ta thì thế nào? Trên đây tôi vừa thử nhắc lại bài Tính chất lưỡng phân, một nét đặc thù của trí thức Việt nam trong lịch sử trong đó tác giả hé ra cho thấy vai trò của hoàn cảnh hình thành đã ảnh hưởng ngay tới trình độ và chất lượng thấp của trí thức VN ra sao.

Dưới đây xin tiếp tục nêu thêm lớp người có cách sống lặng lẽ ngoài luồng này.

Tuy không nói ra, nhưng có vẻ như với nhiều người, kẻ sĩ Việt Nam chỉ là một loại trí thức chân đất. Một số nhà nghiên cứu gần đây đôi khi còn đi tới những khái quát cực đoan hơn.

Trong một bài viết mang tên Tâm lý dân tộc với cuộc Cải cách hành chính hiện nay(8)nhà xã hội học lão thành Đỗ Thái Đồng cho rằng xã hội cổ truyền VN thiếu ba chỗ dựa cơ bản:

— Không có giai cấp quý tộc trong khi có đông đảo đám quan lại nhất thời.

— Không có tầng lớp trí thức để có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng. Rất hiếm thấy cái cốt cách như Lý Bạch“Thiên tử hô lai bất thượng thuyền”. Học để làm quan, tuyệt đại đa số kẻ sĩ đều mộng làm quan hơn là giữ vai trò thầy đồ… áo rách.

– Không có lớp doanh nhân tung hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ngoài nước.

Trong ba đặc điểm tôi cho là được nêu ra chính xác này, cái thứ hai liên quan đến chủ đề trí thức chúng ta đang nói.

Đáng nhắc nhở đầu tiên là trường hợp Nguyễn Trãi. Theo cách nói thông thường ông là trí thức hàng đầu của dân tộc. Nhưng bảo rằng ông là trí thức cũng đúng mà bảo rằng đây là người đứng trên đỉnh cao của bộ máy quyền lực cũng đúng.

Gia nhập chính trường, vốn liếng và bản lĩnh trí thức sẵn có trong ông hoạt động theo quy luật của nhà chính trị.

Cái chết của Nguyễn Trãi là bi kịch của một quan chức chứ không phải của một trí thức.Trên nguyên tắc, ở ông đã có một sự chuyển đổi, dù không trọn vẹn.

Thuần tuý hơn về trí thức phải kể loại như Chu Văn An, Nguyễn Du… và rõ hơn là Nguyễn Thiếp. La Sơn phu tử có lúc ra cộng tác với chính quyền có lúc quay về ở ẩn. Và ông ở lại trong lịch sử không phải là những đóng góp phò vua giúp nước cụ thể, mà còn là những đề nghị phải cho dịch Tứ thư Ngũ kinh thế này, phải dạy cho trẻ học thế kia…

Trong suốt trường kỳ lịch sử, bao nhiêu kẻ sĩ ở Việt Nam đều được đào tạo theo hướng như Nguyễn Trãi, kể sao hết. Còn loại như Nguyễn Thiếp quá ít, không tạo nên hiệu quả ngay lập tức nên bị chìm trong vô danh và không thể đóng vai trò dắt dẫn xã hội như giới trí thức các xứ khác.

Không đạt đến chuẩn mực cần thiết. Còi cọc ốm yếu. Cấu trúc đã đơn giản lại dễ bị phá vỡ … Những bệnh trạng loại này phải được coi là đặc điểm lớn nhất của giới có học, những kẻ sĩ trong xã hội cũ và ngày nay kêu bằng trí thức. Ngay so với tình hình bên Trung Hoa, “kiểu dáng mẫu mã” trí thức của ta cũng nghèo nàn hơn rất nhiều.

Nói VN thuở ấy không có trí thức cũng tương tự như nói VN trong thời trung đại không có thành thị, mà chỉ có những phố chợ còm nhom hiu hắt, lắt lay tồn tại giữa một bãi lầy nông thôn tăm tối.

Tới đây, lại thấy trong việc đánh giá giới trí thức VN nói chung có một xu thế, xu thế này đã có từ xưa và nay vẫn tiếp tục, nó được cả nhà nước lẫn dân gian chấp nhận:

– Đồng ý, chúng ta chỉ có một lớp trí thức trình độ non kém. Nhưng có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ. Nhiều người trong đó có phẩm cách cao có đạo đức cao. Đấy mới là điều cần phải nhớ!

– Chân đất cũng được miễn là “có chữ tâm” và hết lòng vì dân vì nước.

Nên xem xét thế nào mối liên quan giữa trình độ và bản lĩnh, hoặc như cách nói thời nay – giữa tài và đức — với từng người cũng vậy mà cả giới cũng vậy?

Khoảng 1974, ở Hà Nội có cuộc thảo luận trên báo Nhân dân về làm ăn thật thà. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nói với chúng tôi:

– Trong nền kinh tế tiểu nông thì không thể làm ăn thật thà được.

Lấy cái ý này của Nguyễn Đình Thi để soi vào vấn đề đang bàn, có thể nói với lớp trí thức non yếu như trí thức phong kiến, câu chuyện bản lĩnh chỉ là một thứ hàng xa xỉ.

Khẩu hiệu của nhà trường ở ta Tiên học lễ hậu học văn .

Suốt thời đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, bọn học trò chúng tôi cảm nhận từ nhà trường một lời cảnh cáo kín đáo: “Thà có một lớp học sinh kém một tí về học vấn rồi ngoan ngoãn, còn hơn là học sinh giỏi mà hư đốn “.

Nhưng kinh nghiệm đi học của bọn tôi lại ngược hoàn toàn. Những học sinh học kém thường lười biếng rồi sau này sinh dối trá lừa lọc. Còn muốn khá ư, người ta phải yêu thầy yêu bạn lắng nghe bài giảng chịu khó suy nghĩ và lẽ tự nhiên là người ta sẽ học giỏi .

Kiêu ngạo chỉ là thói ti toe của mấy cậu học trò nông nổi. Còn những nhân cách lớn khi ngồi trên ghế nhà trường bao giờ cũng khiêm tốn. Vì có tầm mắt rộng. Vì họ hiểu xã hội yêu cầu ở họ rất nhiều, có cố bao nhiêu tưởng cũng không đủ.

Trong thiên ký sự của Chu Thuấn Thuỷ nói trên, có một điểm nữa đáng nhắc lại. Đó là ấn tượng chung của người trí thức lớn Trung Hoa về mấy kẻ sĩ bản địa khi họ quây vào hỏi chuyện người khách từ xa tới.

Thứ nhất, theo Chu nhớ, đó chỉ là những câu hỏi tầm thường. Sự ngây thơ trong tư duy của người hỏi khiến Chu phải cười thầm:

“Người quý quốc đọc những truyện như Tam quốc diễn nghĩa hoặcPhong thần mà cả tin là thật, cứ đến đây hỏi tôi hết chuyện này sang chuyện khác mãi không thôi. [Trong khi ấy thì lại bỏ qua không nghiên cứu những sách kinh điển như Ngũ Kinh, Tam sử ]. Tựa như bỏ vàng ngọc mà chọn gạch đá, nhổ lúa xanh mà trồng cỏ tranh, không hiểu cái gì phải lấy, cái gì phải bỏ ” .

Thứ hai là người ta quá mê muội vì những trò mà nói theo thuật ngữ hiện đại là văn hoá tâm linh.

“Nhưng tại sao chư quân tử từ trên xuống dưới lại cứ đến đòi xem tướng số. Hỏi thật không nhằm chỗ, đến cuối cùng không biết là đã làm nhục Du (Tức CTT). Người coi tướng, người xem sao đông biết bao nhiêu mà đếm cho hết. Trong tứ dân (tức sĩ nông công thương Vĩnh Sính chú) và chín học phái (tức cửu lưu : Nho gia, đạo gia, âm dương gia vv… Vĩnh Sính chú ), họ là hạng người thấp hèn nhất. So họ với nhà nho có đức nghĩa, khác xa một trời một vực, như đen với trắng, như nước với lửa, hoàn toàn tương phản ”.

Tình trạng của giới trí thức mà Chu Thuấn Thuỷ miêu tả ở đây đã xác minh cho nhận xét của chúng tôi — thói háo danh chẳng qua chỉ là dấu hiệu của một tầng lớp trí thức non yếu, tầm thường , dễ dẫn tới tình trạng bán mình một cách đốn mạt.

Còn mọi thái độ dễ dãi với họ chiều nịnh họ mà không dám yêu cầu cao ở họ cuối cùng chỉ đẩy họ sa đà mãi trong tình trạng bần cùng về trí tuệ và nẩy sinh những căn bệnh mới.

Cũng nên nói thêm, sự dễ dãi này ban đầu có vẻ là một thiện ý hoặc nói như chữ nghĩa thời nay – một sự chia sẻ, nó bắt đầu từ một cảm nhận chung về sức ép của hoàn cảnh.

Nó là cách nghĩ từng ngự trị trong xã hội một thời gian dài. Đất nước lo gồng mình lên để chống ngoại xâm. Cuộc sống khó khăn đến nỗi, khi nghĩ về nhau người ta chỉ thấy những điều tốt đẹp, cốt sao giữ lấy cho nhau niềm tự tin, rồi động viên nhau hợp sức trong việc chống trọi lại các thế lực thù địch từ bên ngoài tới.

Tức nó là sản phẩm của những thời đại mà mọi nỗ lực của con người là lo tồn tại, tới mức có thể bảo nền văn hóa của chúng ta là văn hóa để tồn tại.

Còn nếu như đặt vấn đề tồn tại chỉ là chuyện tối thiểu, cái đáng lo hơn, như hôm nay, là chuyện phát triển, chúng ta sẽ phải nghĩ khác về quá khứ và luôn thể nhìn lại khác đi về nhau.

Nay là lúc mọi sự vuốt ve nhau dễ dãi, là không đủ nữa. Công cuộc phát triển đòi hỏi đất nước phải có một tầng lớp trí thức ngang tầm quốc tế và khu vực, ở đó không thể có sự nửa vời, sự tự hạ thấp tiêu chuẩn để làm dáng.

Sự hào phóng của kẻ mô phỏng

Ta hãy theo dõi diễn biến của thói háo danh và bệnh vĩ cuồng trong sự liên hệ với phát triển xã hội.

Nẩy sinh khi cộng đồng trong tình trạng sống cô lập và tự khép kín, ban đầu nó có vẻ như một thói xấu dễ thương.

Tình hình có vẻ sẽ khác đi khi cộng đồng có sự tiếp xúc bình thường với thế giới. Thông thường sự tiếp xúc này làm phong phú thêm cuộc sống mỗi xứ sở đồng thời cũng cung cấp cho người ta tự vượt lên trên mình, kể cả việc khắc phục những thói xấu cố hữu. Dưới ánh sáng những chuẩn mực chung của nhân loại, người ta có dịp suy nghĩ so sánh tự đánh giá, đó là nguồn gốc để các chủ thể có thể trở thành khác đi so với hôm qua.

Tuy nhiên ở đây có thể có hai khả năng. Tiềm năng thay đổi được tận dụng, đó là phương án lý tưởng. Nhưng mặt khác, trong trường hợp có một sự chênh lệch quá lớn, trong bụng tin chắc mình không bao giờ bằng người, thì người ta lại dễ co lại, quay trở về với chính quá khứ của mình, và tự ru ngủ.

Tự ti và kiêu ngạo, hai loại mặc cảm tưởng chừng mâu thuẫn đối lập này nương dựa vào nhau, chuyển hóa lẫn cho nhau,hợp thành nhân tố tạo sức ì cho các chủ thể yếu ớt.

Nếu biết rằng đây không chỉ là căn bệnh trí thức mà là bệnh chung của cả xã hội chúng ta sẽ hiểu tại sao sức sống của nó mãnh liệt đến thế.

Trong bài Đặng Hữu Phúc có nhắc tới tên và tước hiệu của Phan Thanh Giản. Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu. (50 từ)

Sự thực thì đây không phải trường hợp cá biệt gì. Các đời vua chúa VN trong quá khứ chẳng đời nào chịu kém đời nào về khoản này. Một cách ngẫu nhiên tôi muốn nhắc tới trường hợp của vua Lý Thái Tông (1028-1054). Khi Ngài lên ngôi, bầy tôi dâng tôn hiệu như sau ( cũng 50 từ):

Khai thiên thống vận
tôn đạo quý đức
thánh văn quảng võ
sùng nhân thượng thiện
chính lý dân an
thần phù long hiện
thể nguyên ngự cực
ức tuế công cao
ứng chân bảo lịch
thông huyền chí ảo
hưng long đại định

thông minh từ hiếu hoàng đế
– trong nguyên văn viết liền, trên đây tôi phải chép ra thành nhiều dòng cho đỡ nhầm.(9)

Lỗi không phải là ở những người trong cuộc. Đọc lại lịch sử VN cuối thế kỷ XIX thấy Phan Thanh Giản không phải là một nhân cách tầm thường. Là người trong bộ máy, ông chẳng qua buộc phải làm theo thông lệ.

Có vẻ như trong những trường hợp này, việc liệt kê ra hàng loạt hình dung từ để làm đầy danh hiệu cho các quan chức là một thứ nhu cầu của nhà cầm quyền.

Tại sao lại có hiện tượng đó, hiện tượng chính các nhà cầm quyền trên phạm vi quốc gia cũng lạm dụng danh hiệu, cũng háo danh, cũng mắc bệnh vĩ cuồng khiến cho căn bệnh này càng có dịp trở thành quốc nạn?

Xã hội Việt Nam thật sự có bộ mặt riêng khi bắt đầu vươt ra ngoài thế cô lập tự cấp tự túc để hướng về những gì ngoài mình.

Nhưng thế giới lúc đó chỉ có nghĩa là nước Trung Hoa. Không tự nghĩ ra được cái mô hình quyền lực để quản lý xứ sở, văn hoá chính trị của ta hoàn toàn dựa vào Trung Hoa.

Cũng các nguyên tắc ấy, cái hệ thống ấy, cũng các bộ ngành ban bệ ấy, ta bệ vào làm của mình. Thực chất thì biết không bao giờ bằng người rồi. Nhưng càng thất vọng, càng phải che giấu. Cố giữ lấy cái vỏ ngoài, như tên gọi cùng những mỹ từ đi kèm. Thậm chí có nói quá lên một chút cũng không ngần ngại.

Tất cả xuất phát từ cái công thức mà Nguyễn Huy Thiệp đã dùng để mô tả xã hội Việt, một công thức nhiều người muốn bác đi song trong bụng phải nhận là đúng: chất nhược tiểu của xứ sở.

Xuất hiện một tình cảnh tế nhị mà ai cũng cảm thấy nhưng lại thường bảo nhau lảng tránh.

Bề ngoài, giữa thanh thiên bạch nhật, ta khép nép một bề. Khép nép mà vẫn ấm ức. Nên khi quay về tính chuyện trong nhà với nhau, ta lại hết sức hào phóng trong việc đề cao mình. Tự đề cao như một sự phục thù lại, nó là một biểu hiện của phép thắng lợi tinh thần mà Lỗ Tấn đã gọi ra khi tả chú A.Q. Thói háo danh không chỉ là chuỵện nhỏ không đáng chê trách, mà còn có vẻ như phương thức cần thiết để giúp vào việc níu chặt lấy một niềm tin mong manh về bản thân.

Cả cuộc sống tinh thần của xã hội – từ người dân thường đến bậc thức giả– đi theo hướng đó. Nó còn tiếp tục cho đến hôm nay.

Thật chẳng biết nói thế nào khi thấy trong các tài liệu hướng dẫn du lịch, người ta bảo rằng Văn Miếu là một thứ Đại học của Việt Nam.

Có vẻ như trong trường hợp này, chúng ta không những biết mình kém người mà còn biết mình rất khó bằng người.

Nên phải lấy cái danh hão ra mà xuý xoá, rằng tôi có kém gì các anh đâu, các anh có gì tôi cũng có cái đó.

Mươi năm nay mỗi lần giới thiệu các kỳ thi tốt nghiệp đại học thường thấy kèm theo bức ảnh cái cách tổ chức cho học sinh mũ áo để nhận bằng cử nhân ( tương tự như những buổi lế trao giải bên điện ảnh, nghe nói được mô phỏng các cuộc trao giải Oscar)

Cùng với xu thế hội nhập, sự cố gắng để bắt chước bằng được cái bề ngoài này đang có cơ lạm phát.

Thực ra thì ta đang giống ta trong thời phong kiến trung đại hơn bao giờ hết.

Nhân đây nói qua về hệ thống giáo dục và tình trạng học thuật thời Pháp thuộc. Lúc bấy giờ cả nước áp dụng nền giáo dục mà người Pháp mới mang tới. Chưa có đại học, đúng hơn đại học chỉ là một dạng ấu trùng non nớt. Mà nền trung học cũng rất mỏng mảnh, cả xứ Đông dương có được vài trường. Giới trí thức cao cấp không có, chỉ có các trí thức hạng thấp, và họ biết rõ thân phận của mình. Đây là cái thời mà thói háo danh ít có cơ hội phát triển nhất. Bởi sự thực là dưới một dạng thức bất thường là chế độ thuộc địa chúng ta có sự “ nối mạch” với cả thế giới và lấy tiêu chuẩn thế giới để xem xét mình. Lối nhìn nhận tỉnh táo này cũng chấm dứt luôn sau thời thuộc địa.

Nay háo danh hơn xưa

Hai loại trí thức và những căn bệnh giống nhau

Dù có nguồn gốc lịch sử sâu xa trong lịch sử, nhưng phải nhận đến thời nay thói háo danh và bệnh vĩ cuồng ở ta mới phát triển đến giai đoạn cực thịnh — từ những gì mà Đặng Hữu Phúc và Cao Xuân Hạo mô tả thấy toát ra một tinh thần như vậy.

Tại sao ?

Một trong những người viết hay nhất về đời sống tinh thần xã hội VN những năm chống Mỹ là Chế Lan Viên. Đáng nhớ nhất là những câu thơ đầy tinh thần tự hào:

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng
Chưa đâu—và cả trong những giờ đẹp nhất


Hoặc một câu khác:

Ta là ta mà vẫn cứ mê ta

Nhiều người tìm thấy trong những câu thơ trên của ông Chế ý nghĩ của chính mình.

Một thời gian dài, suốt những năm tháng chiến tranh và cả chục năm hậu chiến niềm tự hào này của chúng ta mở ra ở cả hai trường suy tưởng.

Trong thời gian, là so với người xưa – người thời nay thấy thương người xưa vì không được như mình.

Trong không gian, là so sánh với con người ở các cộng đồng khác—họ không thể có cái tự hào như mình.

Nhờ tìm thấy sự ký sinh vào một tình cảm thời đại là niềm tự hào này, nó –thói háo danh ở tầng lớp trí thức – càng ngày càng lây lan.

Nói như Cao Xuân Hạo “nó có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người” (10).

Ngành văn chương mà tôi làm việc thuộc khu vực mà người ta hay nhấn mạnh tính bản địa.

Ngoài cái háo danh kiểu vô thức tập thể — cho rằng văn chương nước mình chẳng kém gì thế giới rồi thường xuyên mũ cao áo dài vái lậy nhau tôn vinh nhau ngay trong sinh hoạt hàng ngày –, còn một lối chạy theo danh vị kín đáo hơn, nhưng chắc chắn hơn. Lo mấy câu thơ của mình được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh cả nước học. Lo tên tuổi của mình thường xuyên được nhắc nhở trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nịnh nọt những người được phân công viết văn học sử đương đại, cốt họ dành cho mình vài dòng trong sách và nhờ thế mình sẽ ở lại với vĩnh viễn.

Sự phát triển tính hiếu danh”vượt xa kế hoạch” như thế này có những liên quan đến tình trạng của giới trí thức đương thời cũng như quan niệm của xã hội về họ.

Gọi chung là trí thức thực ra trong xã hội VN từ sau 1945 có hai loại,
1/những trí thức từ xã hội thuộc địa còn sót lại, và

2/ lớp trí thức mới đào tạo sau cách mạng.

Do nhu cầu đoàn kết toàn dân, cách mạng nay không nhắc tới tinh thần “trí phú địa hào đào tận gốc …” như hồi 1930 nữa. Mà đưa họ– các trí thức nổi tiếng cũ vào cuộc vận động xã hội nói chung.

Với các nhân vật có đóng góp cụ thể — như kỹ sư Trần Đại Nghĩa trong quân giới, các bác sĩ như Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di.. trong nghề y, sự tôn trọng mang ý nghĩa sống còn của cả một sự nghiệp.

Đây là điều thường được nhấn mạnh trong các tài liệu chính thức.

Tuy nhiên, muốn hiểu chính sách đối với trí thức cũ cần phải có một cái nhìn đối với cả giới chứ không chỉ một hai người ưu tú.

Xã hội sau 1945, căn bản là xã hội của tư duy công nông nghĩa là của những người hành động. Mọi sự tính toán xa xôi, những công việc không có lợi ích ngay cho sự nghiệp nếu không bị thù ghét thì cũng không thể được xem trọng như đáng lẽ phải có. Cuộc sống hàng ngày quá ư vất vả, thành ra tuy vẫn hiểu chủ trương lớn là trọng trí thức, nhưng trong thực tế người ta vẫn thành kiến với họ, chí ít là không tôn trọng họ, thấy họ quá kềnh càng phiền phức.

Nên nhớ nét chủ đạo của hoàn cảnh là không khí thời chiến. Chiến tranh cào bằng tất cả. Chiến tranh tước đi những tự do tối thiểu của mọi công dân vì lúc ấy cần phải vậy.

Nhà nước dùng người trí thức với tinh thần mặt trận, nghĩa là có tính hình thức kể cả thường xuyên pha phách một chút ban ơn chiếu cố dù không hẳn bao giờ cũng cố ý.

Tôn trọng thì tôn trọng thật song ở đây không thể có vấn đề muốn nghĩ thế nào thì nghĩ.

Một hai người muốn nghĩ khác đi theo cái mạch chung, lập tức bị vô hiệu hoá.

Tôi nhớ một câu chuyện mà đạo diễn Nguyễn Đình Nghi kể với tôi. Cha ông — nhà viết kịch Thế Lữ — có lần bảo:

– Bố hiểu rằng bố đang “được” cách mạng lợi dụng.

Nhưng Thế Lữ cũng nói ngay:

– Có điều, trong hoàn cảnh này, bố chấp nhận sự lợi dụng đó.

Nguyễn Đình Nghi cắt nghĩa: Vì với người Việt Nam trước 1945, đánh đuổi Pháp là một nhu cầu lớn lắm, để đánh đuổi Pháp cần gì người ta cũng sẵn sàng.

Sự phát triển của y học hiện đại khiến con người ngày càng có thêm khả năng chữa được những loại bệnh nan y, mà trong quá khứ các thế hệ trước phải bó tay. Tuy nhiên, một đặc điểm của các loại thuốc đặc trị này là thường có nhiều tác dụng phụ. Trong khi chữa được bệnh này thì nhiều khi con bệnh lại bị tàn phá bởi chứng khác.

Trong các quyết định dung người và đào tạo người cũng có tình trạng tương tự.

Chính sách đối với trí thức vừa nói ở trên xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của những năm khó khăn nên lúc đó ai cũng thấy phải. Tuy nhiên, một điều không thể kiểm soát nổi đã xảy ra, quá trình tha hoá của trí thức bắt đầu từ đây.

Hiểu rằng mình chỉ dùng để làm cảnh, một số trí thức sa vào hư vô và chọn lối sống thụ động. Tối thiểu thì im lặng. Hoặc có làm cũng chỉ làm cầm chừng, theo cách của kẻ làm công, sống buông thả hưởng thụ.

Để an lòng bản thân, và cũng là để mặc cả với xã hội, họ khi vô tình khi có ý thức, bám vào cái hư danh mà họ đã có.

Đấy là căn bệnh dễ hiểu với các trí thức cũ .

Riêng đối với tầng lớp trí thức mới, việc đào tạo sẽ có đặc điểm riêng, chỉ có điều chung là nó cũng liên quan tới sự nuôi dưỡng thói háo danh mà chúng ta đang bàn.

Xu thế tập trung tất cả sức lực cho chiến tranh làm nẩy sinh trong xã hội VN dăm sáu chục năm nay một tâm lý thường trực, là chỉ tính chuyện ăn ngay trước mắt.

Ngay trong thời kỳ 1946-54, một nền giáo dục thời chiến đã được tổ chức để đào tạo nhân tài. Nhưng cũng vì cần phục vụ ngay nên đó là một nền giáo dục mang nặng tính thực dụng, không muốn và không thấy cần đạt tới chuẩn mực cần thiết.

Tình trạng phi chuẩn này còn được kéo dài mãi và trở nên nặng căn thêm bởi lý do sau đây. Khẩu hiệu của cách mạng là giáo dục phổ cập. Nhưng kinh tế thì chưa bao giờ hết khó khăn để đáp ứng nổi nhu cầu của đại chúng về giáo dục. Ngoài cách pha loãng làm nhẹ làm giảm thiểu chất lượng, không còn có cách nào khác.

Theo những quy luật đã chi phối kẻ sĩ thời phong kiến, như vậy là tính háo danh và bệnh vĩ cuồng đã có đủ điều kiện để bắt rễ vào tư duy và nếp sống của lớp trí thức mới được đào tạo. Mà về khoản hư hỏng thì con người ngày xưa làm sao so với con người ngày nay được!

Bước ngoặt trong việc tàn phá giới đại học cũ
và thay thế bằng một lớp trí thức mới

Nhìn vào giáo dục những năm hoà bình 1954-65, cũng như thời chống Mỹ, thấy số năm học ở phổ thông ở đại học có thể tăng, một số thầy giáo được đi học ở Nga, Trung quốc và các nước Đông Âu… Nhưng về căn bản, cái hồn cốt của giáo dục vẫn là chắp vá, tạm bợ, không có khả năng hội nhập với giáo dục thế giới. Các bằng cấp của chúng ta chưa bao giờ được đông đảo các nền giáo dục khác công nhận là một bằng chứng về tình trạng cô lập kéo dài đó.

Đánh dấu bước ngoặt trong ngành giáo dục cũng như trong quan niệm về giới trí thức là năm 1958 và mấy năm sau.

Chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chống phái hữu ở Trung quốc, và cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn bên Văn nghệ, giới Đại học trước tiên là khu vực khoa học xã hội đã có một cuộc “thay máu”.

Do tự bộc lộ chính kiến riêng, các giáo sư nòng cốt như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Trương Tửu và lớp trẻ đầy tài năng như Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc… bị cho thôi việc hoặc chuyển sang các viện nghiên cứu thực tế là chỉ ngồi chơi xơi nước hoặc làm những việc không quan trọng như dịch tài liệu.

Lớp người thay thế được chọn ra chủ yếu theo tiêu chuẩn chính trị mục đích là giữ sao cho đại học – và các ngành học thuật tương lai – trong tầm kiểm soát.

(Có thể tham khảo thêm những đảo lộn của giới Đại học kỳ này qua bài Hoàng Hữu YênMột thời để nhớ (Hồi ức) Talawas 27.8.2008 – Chú thích của VTN 31-8-2014)

Ban đầu nhiều người trong số mới lên này nhũn nhặn, tự nhận là mình chỉ đóng vai trò thay thế, không đòi hỏi gì về chức danh, vui vẻ với đồng lương bé mọn mà vẫn chăm chỉ làm việc, và trong thực tế họ đã đóng vai trò thúc đẩy khoa học tiến tới.

Tuy nhiên đến khoảng 1973-74 thì có một tình hình mới.

Trong thực tế giảng dạy và nghiên cứu, nhu cầu chuẩn hoá dù không được đặt ra chính thức, song vẫn như một xu thế mà bất cứ nền giáo dục nào cũng phải hướng tới. Ít ra là bề ngoài ta phải có được hình thức cho dễ coi một chút!

Lại thêm những khía cạnh mới trong tình hình xã hội đòi hỏi điều đó. Cuộc chiến tranh giải phóng bước vào một giai đoạn kết thúc.

Có một phương án sau này không xảy ra nhưng lúc đó được tính tới, đó là những cuộc đối thoại giữa hai xã hội miền bắc và miền nam. Trong cuộc đối thoại đó, không thể bỏ qua tiếng nói của giới trí thức.

Ta cần phải có những giáo sư của ta những trí thức của ta chứ!

Phải chứng minh cho phía bên kia thấy rõ là miền bắc không chỉ biết làm chiến tranh mà còn biết làm học thuật. Và thế là nhu cầu phong cấp phong chức nổi lên, nó là đòi hỏi từ hai phía cả từ bên trong bản thân giới học thuật lẫn nhu cầu của xã hội.

Cái cách của xã hội ta xưa nay vẫn vậy. Thấy cần là làm, không đủ điều kiện cũng làm, làm bất kể phép tắc. Và từ chỗ ban đầu còn chặt chẽ nghiêm túc, sự mệt mỏi và nghiệp dư trong quản lý khiến cho công việc càng về sau càng được tiến hành qua loa dễ dãi,” chín bỏ làm mười mà có khi chỉ năm sáu thôi cũng đã coi là mười. “

Những người cơ hội kém cỏi chỉ chờ có thế.

Họ “lẻn” ngay vào những chỗ đất trống (tôi mượn chữ lẻn từ câu Kiều ‘Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào” ) và từ chỗ xấu hổ biết điều quay ra chủ động thao túng tình hình.

Một trong những trục cột của đạo Nho là thuyết chính danh ”quân quân—thần thần – phụ phụ- tử tử”. Tức là người nào phải ra người ấy vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con.

Nhưng từ xã hội VN cổ truyền, cái thuyết chính danh ấy đã chẳng xâm nhập nổi để làm thay đổi được ý nghĩ của bất cứ ai, nữa là hôm nay.

Trong phạm vi toàn xã hội hiện tượng danh thực tách rời ngày càng rõ ràng đến mức không ai muốn che đậy nữa. Đục nước béo cò, xã hội càng nhiều bóng tối thì lớp người thiếu học vấn mà thừa mưu mẹo càng dễ lập lờ đánh lận con đen. Còn như những người tài năng thì không ai muốn cố gắng.

Trong giới ai cũng biết một giáo sư đại học hàng đầu, ông Đ., mấy chục năm nay toàn soạn bài và viết báo chay. Tức là không bao giờ để công học và tự mình đọc lấy tài liệu nước ngoài. Có gì cần, ông đã yêu cầu phòng tư liệu khoa thuê dịch rồi cứ dựa vào đấy mà xào xáo. Được cái tính nết chăm chỉ nên lên đến giáo sư đầu ngành và đầu sách in ra đã lên tới con số dăm bẩy chục cuốn. Nghe nói lúc thân mật ông từng truyền kinh nghiệm cho đám đi sau:

–Tội quái gì mà phải học ngoại ngữ ? Để thời giờ mà viết là hơn, giờ ai bằng mình nào!

Phải nói loại giáo sư đại học như thế này không có ở bất cứ nước nào trên thế giới, trừ nước ta.

Chung quanh câu chuyện dễ dãi phi chuẩn mực trong ban phát chức tước Lịch triều hiến chương loại chí ở phần Quan chức chí của Phan Huy Chú từng có đoạn viết:

“Tước cấp ở đời Lê rất là quan trọng. Từ đời Hồng Đức đặt quy chế về sau các đời theo nhau chưa từng cho lạm bao giờ […]. Gần đây, nhuận triều Tây Sơn phong tước quá lạm,đến cả phu quét chợ lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá.
Danh khí tồi đến như thế! Muốn cho khỏi loạn, có thể được không?”(11)

Điều này cũng đúng với việc ban phát các chức tước danh vị trong khoa học, tức là cái mầm gây ra nhiễu loạn, thời nay.

Khi đã chạy theo hư danh, người trí thức

đã bị làm hỏng hoàn toàn

Cách đây khoảng hai chục năm, tôi đọc được trên tấm cạc của anh C. một người quen, bên cạnh tên tuổi có ghi thêm các chức danh sau đây, mỗi chức danh một dòng, tổng cộng chín dòng.

dòng 1:Nghề anh học ở đại học

dòng 2: Nghề anh đang làm

dòng 3 : Chủ tịch Hội….

dòng 4: Tổng biên tập báo…

dòng 5: Đại biểu Quốc hội ( năm đó anh đang là một ông nghị)

dòng 6: Thành viên Uỷ ban xxx của Quốc hội

Ngoài ra là ba chức danh nữa, tôi không nhớ xuể nhưng hình như là các loại giải thưởng được trao tặng.

Ban đầu tôi cũng thấy buồn cười, nhưng sau thì thông cảm.

Hồi ấy anh bạn tôi sau những nỗ lực bền bỉ, từ công việc chuyên môn được ngắm nghía để cơ cấu vào giới quan chức.

Lớn lên từ đám học sinh Hà Nội rồi thành cán bộ nhà nước, chúng tôi đã nếm đủ những đau xót của một bọn người mang tiếng là người làm nghề sáng tạo trong xã hội mà chỉ công nhân nông dân mới được coi là giá trị.
– Vâng chúng tôi đã biết lao động chân tay là giá trị rồi. Nhưng chúng tôi cũng có giá trị của chúng tôi chứ.
– Không được, anh không được biết hơn mọi người!
Luôn luôn chúng tôi cảm thấy mình có tội vì đã coi trọng việc học.

Đó là về tinh thần. Còn vật chất thì sao? Bao giờ đến lượt được mua xe đạp, bao giờ đến lượt được tăng lương, những việc đó chờ đã mỏi cổ, nói chi đến việc có được một cái nhà, xoay được một chuyến đi ngoại quốc?

Không ai tuyên bố chính thức, nhưng tất cả thực tế hình như đồng thanh rót vào tai mình, chỉ có một cách hết nghèo hết khổ là lọt vào tầm mắt của lãnh đạo.

Trở thành quan chức thì tốt nhất. Nếu không thì cũng phải có được những chức danh trong nghề, nó là cái dấu hiệu đánh dấu mình. Dù có phải luồn cúi chạy chọt một chút song vì cuộc sống bản thân và gia đình, hãy ráng mà giành lấy cho mình những danh vị cần thiết.

Tối mắt tối mũi vì quản lý, các ông phụ trách có nhớ được ai với ai. May mà họ vẫn buộc phải giữ lấy cái tiếng là tôn trọng khoa học, là biết lắng nghe chuyên môn. Cách họ thường làm là dựa vào chức danh mà đối xử. Người có chức tước oai một thì người đứng ra phong tước cho kẻ khác oai mười, xưa nay ai mà chẳng biết?!

Nên nhớ ngoài quyền lợi vật chất, những chức danh cũng là điều kiện để người ta làm chuyên môn giỏi.

Có chức danh anh mới dễ xin được kinh phí cho đề tài của mình. Dễ được tiêu tiền. Dễ được chọn người cộng tác.

Không nói đâu xa, ngay trong cái nghề văn chương của tôi, chức danh cũng giúp ích nhiều lắm.

Ngay trong chiến tranh, Hội nhà văn vẫn được sứ quán Pháp ở Hà Nội tặng cho nhiều cuốn sách vừa in ráo mực bên Pháp. Nhưng sách về thì ông tổng thư ký Nguyễn Đình Thi nói ngay với bà Huệ vợ nhà văn Bùi Hiển giữ thư viện là cất ngay vào kho, chỉ ai trong Ban thường vụ Hội mới được đọc.

Không phải ông Thi tùy tiện làm vậy mà đó là lệnh của trên, mãi ông Tố Hữu, Tổng thư ký Hội nhà văn chỉ chấp hành lệnh trên.

Nói của đáng tội hồi ấy với nhiều hội viên Hội nhà văn, giá có cho đọc cũng đâu có biết tiếng Pháp mà đọc.

Những những anh em có biết thì hận. Muốn trau dồi nghề nghiệp – nghĩa là muốn tử tế hơn — cũng không được. Xã hội không cần. Tốt đâm ra khó, còn hư thì tha hồ, khéo xin một chút là trên tha ngay.

Trên đây là câu chuyện của những năm chiến tranh.

Tôi và các bạn cùng lứa lớn lên vào một giai đoạn thực dụng hơn. Sách vở thì chúng tôi không thật cần lắm, nhưng nhiều nhu cầu khác lại xuất hiện. Mà trước tiên là một chỗ để gia đình chui ra chui vào.

Tôi đã nói là cần thông cảm với anh bạn C. với tấm cạc chín chức danh của mình. Vì hồi ấy sau khi ghé chân quan trường đoàn thể , anh đang lo xin đất làm nhà.

Đến đây lại phải kể dài dòng thêm một chút.

Một là tuy biết trên nguyên tắc trước sau làm quan sẽ sớm được chia nhà, nhưng trong thực tế không đơn giản ô tô ma tích có ghế là có nhà ngay. Muốn được miếng ngon miếng sốt, còn phải cạnh tranh chán với các vị quan khác thì mới được như ý.

Mọi loại quan đều như vậy. Huống chi quan trong văn nghệ là do dân cử, có khi chỉ ngồi được vài năm.

Vốn tính thực dụng, anh bạn tôi hoàn toàn hiểu điều đó. Ngồi chưa ấm ghế anh bắt tay ngay vào việc xin đất. Mà anh làm thật khôn ngoan. Người khác hách dịch công khai huy động cả cơ quan lo chuyện riêng cho mình. Còn C. thì hoàn toàn lặng lẽ tự mình làm hết. Lặng lẽ viết công văn. Lặng lẽ đóng dấu. Lặng lẽ đến các nơi có liên quan.

Chính tấm cạc chín dòng của C mà tôi dẫn ra ở trên xuất hiện trong thời gian đó. Tôi thầm dự đoán anh bạn đã phải loay hoay rất nhiều trong việc soạn ra danh sách các chức vụ để không quên một chức nào.

Đây là tôi nói loại người còn đang hiền lành, nhân biết cái danh có thể đổi ra tiền thì lợi dụng nó.

Lại còn loại người thứ hai là điên cuồng săn đuổi danh vị, sau đó mượn danh vị để tiến thân, ngày càng leo mãi lên trong hệ thống quan chức, dù chỉ là trong phạm vi quan chức chuyên môn. So với họ, anh C. của tôi còn tử tế chán.

Nhưng cả loại người này nưã cũng không phải là “ từ trên trời rơi xuống”. Mà họ cũng là sản phẩm của một sự thích ứng—thích ứng với cách đánh giá người và dùng người của xã hội.

Nhưng đây là vấn đề thuộc về khoa xã hội học quan chức mà tôi chưa có dịp nghiên cứu.

Trong bài này, trong chừng mực nào đó, tôi đã mở rộng ra nói về thói háo danh và căn bệnh vĩ cuồng mà người mình thường mắc, từ xưa trong hoàn cảnh nhược tiểu đã mắc, tới nay trong hoàn cảnh hội nhập nửa vời với thế giới bệnh lại trầm trọng hơn. Đây là những quan sát bước đầu, cần sự chia sẻ phản bác của các đồng nghiệp.

Riêng phần về căn bệnh quý hóa này ở giới trí thức, thì xin bảo đảm là có phần chắc chắn hơn, nó là kinh nghiệm bốn mươi năm sống trong giới của tôi, nên nhân có bài của Đặng Hữu Phúc, tôi mới mạnh dạn mang kể. Hai ý chốt lại cuối cùng:

Một là hãy thông cảm với những người trong cuộc. Không phải người trí thức Việt Namsinh ra đã ham chức danh như chúng ta thấy. Hoàn cảnh đẩy họ đến chỗ phải làm vậy.

Hai là bệnh khó chữa lắm. Vì nó chỉ là một biểu hiện của tình trạng tha hóa trí thức cần được nghiên cứu trên quy mô rộng hơn và có tầm khái quát hơn.

26-7-09

—–

(1) Chu Thuấn Thuỷ Ký sự đến Việt Nam năm 1657 (An Nam cung dịch kỷ sự), Vĩnh Sính dịch và chú thích, Hội khoa học lịch sử Việt Nam 1999, tr.11

(2) Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc — Tâm lý Người Việt nam nhìn từ nhiều góc độ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh,2000, tr.82-87

(3) Roger Gal Lịch sử giáo dục, bản dịch Lê Thanh Hoàng Dân– Trần Hữu Đức. NXB Trẻ– Sài gòn, 1971

(4) Dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư bản của nhà Khoa học xã hội 1983,tập II tr 296
(5) Nguyễn An Ninh Tính chất lưỡng phân, một nét đặc thù của trí thức Việt nam trong lịch sử Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 1998, số 1

Chú ý xin đừng lầm với Nguyễn An Ninh (1900-1943), nhà hoạt động xã hội ở đầu thế kỷ XX Có điều thú vị là nhà trí thức lớn Nguyễn An Ninh trước đây cũng từng nhận xétxứ ta là nơi mà “ chỉ với một chút xíu khoa học” người ta đã có thể tự coi mình là nhà thông thái, tương tự như “với hai xu trong túi, người ta đã trở thành những nhà giàu.” Khi lưu ý tình trạng nhiều người “cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều”, hình như ông muốn nói rằng tình trạng thiếu khát vọng và ý chí đã kìm giữ mãi chúng ta trong khung cảnh lạc hậu.

(6) Con số của Nguyễn Văn Tuấn trong bài viết in trên tạp chí Văn hoá nghệ thuật, 2003 số 3 .

(7) Nxb Văn hóa thông tin, H. 2002

(8) Tâm lý Người Việt nam nhìn từ nhiều góc độ, Sđd, tr.57

(9) Như chú thích (4), tập I, tr.255

(10) Như tài liệu chú thích (2)

(11) Lịch triều hiến chương loại chí Bản của Nxb Sử học,H.1961,tập II ,tr.65

[i] Nguyên là bài Thói háo danh,bệnh vĩ cuồng & tình trạng tha hóa của giới trí thức

In lần đầu trên Tuanvietnam.net 31-7-2009 và in lại trên blog này ngày 7 và 9-8-2009

Nguồn: http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/08/tri-thuc-thoi-nay-ang-sau-thoi-hao-danh.html

Một Phong Trào Đối Kháng NSA Bất Ngờ Chụp Hình Dương Vật cho Tự Do!




Hệ Quả không dự định của cuộc phỏng vấn Edward Snowden do John Oliver của chương trình “Last Week Tonight, đã khơi dậy một phong trào CỐ TÌNH CHỤP HÌNH DƯƠNG VẬT của chính những người dùng mạng (Reddit’s DickPics4Freedom ) gửi lên trang Reddit, để THÁCH THỨC bọn tay sai nhân viên NSA.. nghĩa là cho cả lũ bọn chúng, nhân viên nam nữ xem hình "đời tư" thật sự của các công dân. Những hình này sẽ tràn ngập "kho thông tin mật" của NSA.

Thật là THÔNG MINH, TÁO BẠO!

Nó khiến chúng ta nhớ lại phong trào đối kháng "bảo vệ thuần phong mỹ tục" của nhà nước bản sắc văn hóa Tầu nhân danh để trấn áp nghệ nhân Ai Wei Wei... Giới thanh niên sinh viên Tầu ủng hộ ông Ai Wei Wei đã đồng loạt chụp hình khỏa thân 100% công khai gửi lên mạng cho nhau.. đã đánh bại nhà nước Tầu trong mặt trận "thuần phong mỹ tục" này!

http://chuquyencanhan.blogspot.com.au/2012/10/dan-tau-yeu-tu-do-choi-on-oc-voi-ang.html

http://chuquyencanhan.blogspot.com.au/2012/10/ai-weiwei-khi-phach-cua-mot-nghe-nhan.html

"Người Việt quả cảm" thậm chí đến "Mã Hóa" tín thư còn chưa "dám" bỏ thêm 3 giây đồng hồ 3 cái bấm chuột để thực hiện đối kháng- huống gì đến những phản ứng thông minh bén nhậy và can đảm đến như thanh niên Tầu và Âu Mỹ! Trong cuộc trao đổi thật trào lộng này, Edward Snowden cũng giài thích tính vô tâm của quần chúng về tự vệ với MẬT KHẨU.

À có chứ! Họ có làm đủ trò khỏa thân khoe hàng, luu manh vặt vẽ hình đối thủ, kẻ thù nơi mông, đít v,.v... nhưng là để tào lao tầm phào vui chơi chứ không phải để CÓ NHẬN THỨC CÔING KHAI ĐỐI KHÁNG QUYỀN CHÍNH! Nhưng vẫn cứ ÕNG ẸO ra cái điều "bản sắc văn hóa đạo đức" để che lấp cái thực tế hèn yếu nọa tính tư duy của cả "dân tộc đậu phọng đỏ"

Cũng một việc làm, một hành xử, chỉ khác nhau điểm và tầm NHẬN THỨC!

Nói cho cùng, ngay cả cái ý niệm TỰ DO nó rõ ràng như vậy mà gần như tuyệt đại đa số dân Á Châu, đặc biệt Việt Nam, kể cả những kẻ đang sống ở Âu Mỹ, còn chưa HIỀU nữa chứ nói gì HÀNH XỬ TỰ DO.

Chỉ cần một sự kiện nho nhỏ để thấy sự NGU MUỘI NGHỊCH LÝ của não trạng "Việt Nam":
Những công dân Âu Mỹ Úc gốc Việt (hay nói cách khác, nay thuộc "dân tộc Âu Mỹ Úc") nhưng vẫn hùng hồn minh chứng có "một dân tộc Việt cao quí đặc biệt" cần phải bảo tồn miên viễn bằng mọi giá theo chủ nghĩa dân tộc! Họ bất chấp một sự kiện, chúnh bản thân họ đã đổi "dân tộc", chứ chưa nói cao hơn chút, là hiểu về lịch sử xã hội loài nguòi, hay cao hơn nữa, về tiến hóa, DNA trong tiến trình lịch sử giống vật người .

Tôi có duyệt qua một số trang gốc Việt, có đăng tải và dịch đoản văn tuyệt vời nhân bản của nhà khoa học phi hành gia Carl Sagan "Tiny Pale Blue Dot"..Cái Chấm Xanh Mờ Nhạt. Nhưng mỉa mai và nghịch lý thay, những trang này lại đầy sát khí cùa những bài vở sặc mùi chủ nghĩa quốc gia dân tộc, yêu nước, giống nòi bản sắc chống Tầu v.v Những con "vi trùng" kinh tởm mà Carl Sagan trình bày trong đoản văn, đang hủy hoại Con Người trên cái chấm xanh mờ nhạt đó!!! Có nghĩa là "đồng bào ta" đọc" và "đăng" cho có "phong trào với người ta, chứ thật tình chẳng hiểu tí gì sất cả!!!

Thôi, thì cũng tùy quí vị vậy.

Nhân Chủ
10-4-2015
====
John Oliver Just Inadvertently Inspired DickPics4Freedom
It turns out the late night host was right -- dick pics really were the best way to get people talking about NSA spying.
By Kali Holloway / AlterNet
April 9, 2015When, on this Sunday’s “Last Week Tonight,” John Oliver put NSA spying into terms most Americans might care about – that is, by describing how “dick pics” get passed around by federal employees – he inadvertently started a freedom movement.
Or something like that.
Better put, the Internet has responded to the fact that people’s “junk gets caught up in the government's database” by putting a lot more junk out there. Cue the rise of Reddit’s DickPics4Freedom page.
As the incredibly self-explanatory name implies, the site is basically a gallery of dick pics, each one standing, erect, in protest of unlawful government surveillance. Again, if you click on that link, you are going to see a lot of penises. Just so you know.
If you’re looking for less dick and more information about the NSA’s spying habits, there’s alsoCanTheySeeMyDick.com. Which gives info about “security and privacy” in matters of digitally shared genitalia, and other items. (But mostly genitalia.)
(h/t Salon)
===

CẢNH CÁO: CẤM TRẺ EM DƯỚI "bất cứ tuổi nào"
-CHƯA ĐỦ NHẬN THỨC TỰ DO, tinh thân TRÀO LỘNG, xin đừng mò vào!!!
-Tuy nhiên, Tùy quí vị, nếu tò mò muốn xem DƯƠNG VẬT người ta như bọn côn đồ cảnh sát an ninh nhà nước, cứ tự nhiên!!!
https://www.reddit.com/r/DickPics4Freedom

Cái Chấm Xanh Mờ Nhạt




Tấm Hình "cái chấm xanh mờ nhạt" (hình bên) là một tấm ảnh về Trái đất .
Phi hành gia Carl Edward Sagan đã viết cảm nghĩ của ông về tấm hình Trái Đất như "Cái Chấm Xanh Mờ Nhạt" do phi thuyền Voyager I chụp gửi về, từ một vị trí cách quả Đất khoảng 6 tỷ km (3,7 tỷ dặm) năm 1990, trong quyển sách của ông "Cái Chấm Xanh Mớ Nhạt : Một Viễn Kiến về Tương Lai Nhân Loại trong Không Gian (Pale Blue Dot: A Vision of the Human) Future in Space, như sau:

"" Nhìn từ khoảng cách toàn diện này, Trái đất chẳng có vẽ gì là đặc biệt để đáng chú tâm đến. Nhưng đối với chúng ta, nó lại là khác. Hãy xem xét lại cái dấu chấm đó. Nó là nơi này đây. Cái chấm đó là nơi chốn mái nhà. Cái chấm Đó chính là chúng ta. Trên đó tất cả mọi người bạn yêu quý, tất cả mọi người bạn biết, tất cả mọi người bạn đã từng được nghe nói đến, tất cả mỗi mọi con người đã từng hiện hữu, đã từng sống hết cuộc đời của họ. Tổng hợp vui sướng và khổ đau của chúng ta, của hàng ngàn những tôn giáo quả quyết, những ý thức hệ khẳng định, và những giáo điều kinh tế, của mọi người thợ săn và mọi tên thổ phỉ, mọi vị anh hùng và mọi kẻ hèn nhát, mọi kẻ tác tạo và mọi kẻ phá hủy văn minh, mọi vị vua chúa và tất cả thường dân, tất cả các cặp thanh niên nam nữ yêu nhau, tất cả các bà mẹ và người cha, mọi đứa trẻ đầy kỳ vọng, tất cả mọi nhà phát minh và thám hiểm, tất cả mọi thầy giáo mô phạm, tất cả các tên chính trị gia tham nhũng, tất cả các thần tượng "siêu sao", mọi kẻ "lãnh đạo tối cao", mọi vị thánh và tất cả kẻ tội đồ trong lịch sử của loài người chúng ta đều đã từng sống ở chính nơi đó - trên một hạt bụi nhỏ nhoi lơ lửng trong tia nắng mặt trời.

Trái đất là một sân khấu rất nhỏ trong một khán đài vũ trụ rộng lớn. Hãy ngẫm nghĩ đến những con sông máu tuôn tràn bỏi những tên tướng lãnh và những tên hoàng đế, để trong vinh quang và chiến thắng bọn họ có thể trở thành những bậc bá chủ nhất thời của một phần cực nhỏ của một dấu chấm. Hãy suy nghĩ về những tàn ác không ngừng đến từ những cư dân của một góc của cái điểm ảnh cực tiểu trong tấm hình này lên trên các cư dân chẳng khác gì họ mấy ở một cái góc khác nào đó.

Mức thường xuyên nhầm lẫn của họ đến cỡ như vậy đấy, Họ giết nhau hăm hở đến mức như thế đấy , lòng hận thù của họ sôi sục đến mức độ như vậy đấy . Những hành xử ra vẻ của chúng ta, sự tưởng tượng tự quan trọng về mình của chúng ta, cái ảo tưởng rằng chúng ta có một vị trí đặc quyền nào đó trong vũ trụ, bị cái dấu chấm mờ nhạt này thách thức.

Hành tinh của chúng ta là một hạt bụi cô đơn trong vũ trụ lớn lao bao trùm bóng tối. Trong sự mờ nhạt tầm thường của chúng ta - nằm trong tất cả cái sự bao la vũ trụ này - không một dấu hiệu gì cho thấy sẽ có sự trợ giúp đến từ một nơi nào khác để cứu chúng ta khỏi chính mình.

Cho đến tận ngày nay Trái đất là thế giới duy nhất được biết dung chứa sự sống. Không nơi nào khác có cả, ít nhất là trong tương lai gần kề, để loài người chúng ta có thể di chuyển tới. Tham quan qua thôi, thì có. Cư ngụ lại, thì chưa thể. Dù muốn hay không, trong lúc này, trái đất là nơi duy nhất mà chúng ta thiết lập nền tảng của chúng ta. Người ta cho đến nay vẫn nói rằng khoa thiên văn học là một tiến trình làm khiêm tốn và xây dựng nhân cách (người ta- vì hiểu biết thêm về vũ trụ sẽ nhận ra được sự nhỏ bé không chỉ của cá nhân mình mà của cả cái "thế giới tưởng là vĩ đại" của mình-NK chú thích). Có lẽ không còn minh chứng nào rõ rệt hơn về sự điên rồ tự phụ của con người bằng cái hình ảnh xa tít này của cái thế giới nhỏ xíu của chúng ta. Với tôi, nó nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta để đối xử tử tế với nhau hơn và giữ gìn và trân trọng cái dấu chấm xanh mờ nhạt đó, mái nhà duy nhất mà chúng ta từng biết đến. ""
The Pale Blue Dot is a photographof planet Earthtaken in 1990 by the Voyager 1 spacecraft from a record distance of about 6 billion kilometers (3.7 billionmiles) from Earth, as part of the solar system Family Portrait series of images. In the photograph, Earth is shown as a tiny dot (0.12 pixel in size) against the vastness of space.[2


From this distant vantage point, the Earth might not seem of any particular interest. But for us, it's different. Consider again that dot. That's here. That's home. That's us. On it everyone you love, everyone you know, everyone you ever heard of, every human being who ever was, lived out their lives. The aggregate of our joy and suffering, thousands of confident religions, ideologies, and economic doctrines, every hunter and forager, every hero and coward, every creator and destroyer of civilization, every king and peasant, every young couple in love, every mother and father, hopeful child, inventor and explorer, every teacher of morals, every corrupt politician, every "superstar," every "supreme leader," every saint and sinner in the history of our species lived there – on a mote of dust suspended in a sunbeam.
The Earth is a very small stage in a vast cosmic arena. Think of the rivers of blood spilled by all those generals and emperors so that in glory and triumph they could become the momentary masters of a fraction of a dot. Think of the endless cruelties visited by the inhabitants of one corner of this pixel on the scarcely distinguishable inhabitants of some other corner. How frequent their misunderstandings, how eager they are to kill one another, how fervent their hatreds. Our posturings, our imagined self-importance, the delusion that we have some privileged position in the universe, are challenged by this point of pale light. Our planet is a lonely speck in the great enveloping cosmic dark. In our obscurity – in all this vastness – there is no hint that help will come from elsewhere to save us from ourselves.
The Earth is the only world known, so far, to harbor life. There is nowhere else, at least in the near future, to which our species could migrate. Visit, yes. Settle, not yet. Like it or not, for the moment, the Earth is where we make our stand. It has been said that astronomy is a humbling and character-building experience. There is perhaps no better demonstration of the folly of human conceits than this distant image of our tiny world. To me, it underscores our responsibility to deal more kindly with one another and to preserve and cherish the pale blue dot, the only home we've ever known.


Carl Edward Sagan (/ˈsɡən/; November 9, 1934 – December 20, 1996) was an American astronomer, astrophysicist, cosmologist,
In his book Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space

 Nguồn : NCCQCN