Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

người nặn tò he






Người ta vẫn gọi lão là Ông Tam Lợn, dù ông đã từ bỏ nghề mổ lợn mấy chục năm nay rồi.

Cái tháng này sắp gần Tết rồi mà trời vẫn còn lạnh. Cái lạnh sắt se không chừa cả cơn đau từ những khớp xương nhức buốt của người già. Lão năm nay đã được hơn 80, độ chừng như vậy trên cái mặt già nua nhúm nhó và đen xám xịt của lão. Bộ áo quần trên người lão cũng vậy, khéo khen thứ vải bố ngày xưa được dệt như cái câu “ăn chắc mặc bền” của người dân xứ miền Trung đầy nắng gió. Bộ áo quần lão mặc có màu gì ấy nhỉ, màu xám tro ? màu lông chuột? màu vỏ cây già? Trộn ba thứ màu ấy lại với nhau mới áng chừng được cái màu quen thuộc từ bộ áo quần của lão. Có lẽ màu đất cũ và đất mới đã bệt cứng lại với nhau nên sợi vải mới bền đến vậy. Bộ áo quần đã theo lão từ thời nhà lão còn có của để ăn và theo lão đến mấy chục năm nhà lão đói deo đói dắt khi nhà lão mất hết, bị cướp sạch. Có lẽ là cả nhà lão đã nếm đủ vị đói của những năm 80, có năm cùng quá, lão làm luôn cả công việc mổ lợn thuê, vậy mà thời còn bé lão lại sợ nhìn khi người ta cắt cổ một con gà. Có năm, lão bỏ lại vợ con nheo nhóc lên rừng tìm ngải. Mấy năm sau lão trở về với gương mặt vàng bủng, lão dở người từ dạo ấy, và càng tệ hại hơn khi đứa con trai út của lão lâm bệnh mà chết. Vợ và đứa con gái đầu của lão bỏ vào miền Nam kiếm sống cũng bặt vô âm tín với lão, lần ấy lão nhớ là họ đã bỏ đi trong chuyến tìm ngải trầm kéo dài hơn 5 năm của lão. Từ sáng sớm đến tối mịt, lão đi lất khất bụi bờ xó chợ, lão hiền lành và tội nghiệp nên được người ta cho cái ăn, có khi lão được người ta cho cả tiền. Lão thường cất tiền cẩn thận vào cái túi áo có cái kim băng to tướng. Lão điên, đúng là lão điên chỉ mới một nửa thôi, bởi cứ tháng gần Tết là lão lại lục đục chuẩn bị đi mua gạo dẻo để nhào nặn những con tò he để bán cho lũ trẻ con. Ngày xưa vẫn thế, chỉ trừ khi lão đi làm ăn xa không về, hay đang ở tận rừng sâu tìm ngải trầm mà lão không trở về kịp. Lão đã thật cố gắng tìm về quê nhà vào dịp gần Tết để nặn những con tò he xanh đỏ . Với lão, đó là sự thích thú, đó là thứ hương vị nhàn rỗi mà trong cuộc đời lão thưởng thức được.

Năm nay, tiết trời lạnh cóng quá. Những khớp xương của lão lại cứ buốt nhói, nhất là từ những cái chồi xương mọc ra trên các mu bàn tay và trên mu hai ngón chân cái. Tiếng chày cồm cộp vang ra từ nhà lão cả đêm cho đến gần sáng sớm. Tôi biết lão đang giã bột để làm tò he, âm thanh này đã quá quen với tôi từ thuở bé. Thuở ấy có vài nhà ở xóm tôi làm tò he bán vào dịp Tết, sau này chỉ còn mỗi mình lão. Ngày bé, tôi thường lăng xăng sang nhà lão chơi. Từng cái mẹt tre được cắm đầy những con tò he đủ màu sắc. Tôi thường nhìn những ngón tay thoăn thoắt của lão nặn: những bông hoa hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, những cô thôn nữ áo mớ bảy mớ ba rực rỡ hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chàng Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng chằn tinh, những chùm chuối vàng tươi, con công, chú gà trống, rồi nào là rùa, ếch, ngựa, lợn, cá, cả thầy trò Tôn Ngộ Không, cả chú tễu, ông quan phụ mẫu, bà mẹ, đám trẻ con, ông thợ rừng, bác nông dân, bà đồng, mười hai con giáp, cái chân giò, đĩa xôi, cả hình ông phước lộc thọ…Ông nặn tất, ông nặn nhiều thứ mà ít trùng lại khuôn mẫu từ người khác, tôi thích lắm vì lẽ đó. Qua lời ông giảng giải, tôi được biết về tên gọi “tò he”, có thể là do trước đây một số người hay nặn bột hình chiếc kèn tò te để thu hút sự chú ý của khách. Lâu dần, tiếng tò te từ chiếc kèn trở nên quen thuộc, gắn liền với những người “nặn con giống”, và được gọi chệch thành “tò he.”Ông nói, cái nghề vui này có nguồn gốc từ ngoài Bắc, tò he là một niềm vui chung của người lớn và trẻ con, khi ông nặn những con tò he ông đều thấy được gương mặt người cha yêu quý của ông đang cười. Ngày xưa nhiều khi mải mê với đám tò he của ông mà tôi bị mẹ mắng: “qua mà ở với ông ấy luôn đi! ’’

Ngày xưa, tôi thấy ông cặm cụi giã những lá dứa làm màu xanh, giã bột nghệ làm màu vàng, đám hoa hòe làm màu vàng lợt, cây nhọ nồi làm màu đen, màu đỏ từ quả gấc chín. Ông làm thoăt thoắt, bỗng chốc đám tò he như đang được nhảy múa cả một góc sân nhỏ của nhà lão. Bây giờ, lão lặng lẽ hơn, trên gương mặt lão lâu lâu mới thoáng thấy nụ cười đắc ý. Tôi nhớ ngày xưa lão cười và nói nhiều lắm, tôi còn nhớ vẻ mặt lão hí hửng đưa cho cậu bé là tôi xem con tò he lão vừa nặn xong. Ngày đó, nhìn những con tò he xoay xoay trên đôi tay tôi là lão thấy vui lắm, lão nói: “ cháu thấy không, mỗi con là có một linh hồn khác nhau đấy !.” Tôi nhìn kỹ lại chúng, đúng là từng cái miệng cười cũng khác nhau, cái tròng đen trong đôi mắt cũng khác nhau. Tôi xoay xoay chúng, nghe thấy cả tiếng khóc tiếng cười của chúng thì phải.

Hôm ấy chủ nhật, tôi sang nhà lão chơi, lão đang mang phơi những con tò hè vừa nặn, lão nói:

- Cậu xem, màu của nó tuy đẹp thật nhưng không được thơm, năm nay lão không có quả gấc cho màu đỏ, cả nghệ cho màu vàng, lão phải dùng phẩm màu cả đấy.

Những con tò he được cắm đều trên cái mẹt tròn, rực rõ cả góc sân nhỏ của lão khi nắng vừa lên.

- Còn một nhã nữa đấy, tôi cố cho xong để ngày mai mang ra trước cổng trường tiểu học bán cho mấy cô cậu học trò nhỏ – lão vừa nói với ánh mắt hí hửng thật vui.

Tôi ngồi nặn với lão đến chiều. Bàn tay lão đã cứng khớp và đau, lão nặn thật chậm, những con tò he có gương mặt méo xệch, những hình dạng xần xùi, chắp vá. Tôi thấy thỉnh thoảng lão cau có, rồi lại thoảng cười.

*

Chủ nhật tuần sau tôi lại sang nhà lão chơi, lão đang ngồi ở góc giường, trông lão có vẻ rất ốm.

- Cụ ốm à ?

- Vâng, lão trả lời với giọng rất yếu và khàn.

Tôi thấy đám tò he lão làm hôm trước vẫn còn gần y nguyên trên cái mẹt.

- Thế cả đám này lão chưa mang đi bán được à, mốc meo cả rồi đây này !

Thì ra là lão đã mang chúng đi bán nhưng lũ trẻ lại thờ ơ, chúng đòi ông nặn cho chúng nào là siêu nhân, người nhện, Batman, Đôremon, Pokemon, khủng long xanh…Ông chịu, ông bảo ông không biết hình thù của chúng sao thì mà nặn được ! chúng cười hahaha…

Lão vẫn ngồi ở góc trường đó mấy ngày, trời mưa và lạnh buốt, lão lấy tấm ni lông che đậy cho đám tò he thật cẩn thận, nhưng hai ngày nay lão đã nằm đó và không dậy nổi.

*

Chiều tan sở, trước cổng trường tấp nập, tôi thấy rất nhiều người đang quây quanh một người bán tò he. Tôi nhìn: những con tò he có giáo mác, có súng ống, có kèn đồng, có bộ đội, có siêu nhân, có người nhện…đủ cả. Không phải lão. Tôi thật ngớ, lão đang ốm mà.

Về nhà, tôi lật lật sang nhà lão. Lão nằm đấy, hai hốc mắt lão hôm nay sâu hơn. Tôi hỏi gì, lão cũng lắc đầu. Tôi bảo: “ lão gắng lên, cố húp cháo và uống hết số thuốc đó thì sẽ khỏi, lão chỉ bị cảm lạnh thôi mà.”

Lão lắc đầu, cái lắc đầu cũng yếu ớt. Lão bảo hôm qua lão nằm chộ thấy cha lão. Lão sẽ về với cha lão.

Tôi thấy hình như chiều nay những con tò he nằm mốc meo kia đang rướm nỗi buồn từng thớ thịt. Lão cũng là một con tò he hay nhất mà tôi từng thấy từ thuở bé và cho đến bây giờ đấy. Tôi lẩm nhẩm:

“Tò he cụ bán mấy đồng. Tôi mua một chiếc cho chồng tôi chơi. Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi. Tôi mua cái mới tôi chơi một mình.”

Tôi nghe thấy tiếng thở dài đang yếu dần đi trên những con tò he đầy màu sắc mốc meo đang xoay xoay trên cái mẹt. Ngoài góc sân nhỏ, đâu đấy còn vang vang tiếng của lũ trẻ đang cười.

Tội Tổ Tông Và Phong Trào Phục Hưng (trích "Lịch Sử Đầy Máu của Âu Châu Bị Che Giấu")


Tác giả: Takahiko Soejima
TP Thanh Tâm lược dịch

Tư tưởng về “tội nguyên sơ (tội tổ tông) của con người” là tư tưởng uy hiếp loài người do tập đoàn Ca Tô Rô Ma tàn ác khởi xướng. Họ đang uy hiếp toàn thể nhân loại.
Trích từ sách “Lịch Sử Đầy Máu của Âu Châu Bị Che Giấu”. Tác giả: Takahiko Soejima (Nhật Bản)
Phong trào Phục Hưng (Renaissance) là công cuộc vận động tư tưởng chính trị do giới trí thức khởi xướng và phát động trong niên đại 1400 với nhiều khích động.
Medici là một tài phiệt người Ý giàu có bậc nhất tại Châu Âu, hơn cả các vua chúa thời bấy giờ. Gia tộc này đã là nguyên động lực khơi mào cho vận động tư tưởng Phục Hưng. Gia tộc Medici đã có đóng góp rất quan trọng trong vận động Phục Hưng này.  Trong vận động tư tưởng Phục Hưng tại Âu Châu thì nước đóng vai trò trung tâm không phải là Anh, Pháp hoặc Đức, mà chính là nước Ý.
Một cách khái quát thì lịch sử cận đại của Châu Âu có thể tóm gọn vào cuộc chiến tàn nhẫn đẫm máu giữa thế lực quyền thế là Giáo Hội CaTô mà cơ quan đầu não là Tòa Thánh Vatican tại Rome với giới trí thức đương thời. Đây là cuộc chiến về tư tưởng và tôn giáo của thời cận đại Âu Châu.
Sự tàn ác của Ca Tô Rô Ma giáo
Người viết suy luận rằng Giêsu Kitô là nhân vật có thật, và có thể là người có tâm thiện. Tuy nhiên, những lời giảng trong Thánh kinh được Giáo Hội Ca Tô Rô Ma chủ trương cho là của Giêsu Kitô với mục đích để họ lợi dụng, làm bình phong làm mưa làm gió trong suốt 2000 năm nay.  Ca Tô Rô Ma thật sự là tập đoàn ngụy thiện (đạo đức giả).
Phục Hưng là vận động tư tưởng mới, bắt đầu từ gia tộc tài phiệt Medici. Từ năm 1430, Lão ông Cosimo và người cháu là Lorenzo Magnifico trong gia tộc tài phiệt này đã khởi xướng tư tưởng chủ nghĩa tân Platon (Neoplatonism) và được giới trí thức hưởng ứng nhiệt liệt. Nhưng cho đến năm 1498,  tất cả những thành viên trọng yếu của phong trào vận động tư tưởng này đều lần lượt bị giết. Từ năm 1439,  giai đoạn khởi đầu phong trào này phát triển mạnh mẽ, nhưng dần dần về sau , chỉ khoảng trong vòng 60 năm, những trí thức tham gia cuộc vận động đều bị giết theo cách giống nhau. Họ lần lượt bị thủ tiêu, biến mất trên thế gian. Vận động tư tưởng này cũng bị lụi tàn theo.  Tuy nhiên, chính nhờ vận động tư tưởng này, với công sức lớn lao của Lorenzo và Cosimo đã châm ngòi  cho cuộc vận động phơi bày sự tàn ác, đạo đức giả của Ca Tô Rô Ma.
CosimoDeMedici Portrait by Jacopo Pontormo Lorenzo de' Medici, portrayed by Elliot Cowan
Bên trái: Cosimo De Medici, tranh của họa sĩ Ý Jacopo Pontormo -
Bên phải: Lorenzo de' Medici, tranh vẽ của Elliot Cowan
Từ đó cho đến ngày nay, trải qua hơn 500 năm, có thể nói rằng lịch sử của Âu Châu được cô đọng trong 60 năm này. 60 năm không đơn thuần chỉ là lịch sử, mà còn là giai đoạn  để giải thích cho câu hỏi: cận đại Âu Châu là gì? Nó nói lên điều gì?. Nó nói lên tất cả những tội ác xảy ra tại Florence trong suốt 60 năm.
Trong giai đoạn này, những thành phần trí thức tại Florence đã trực diện với thế lực căn nguyên của sự tàn ác là Ca Tô Rô Ma. Họ đã dũng cảm, không ngừng nghỉ, hết lớp người này đến lớp người khác đứng lên tố cáo tội ác, được che giấu bên trong  lớp vỏ đạo đức giả tạo của thế lực này. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là những người trí thức tranh đấu lần lượt thất bại, vận động suy yếu dần để rồi bị triệt tiêu bởi tập đoàn Ca Tô Rô Ma.  “Phục Hưng (Renaissance)” là khẩu hiệu được lan truyền rộng rãi trong tầng lớp trí thức trong giai đoạn này,  nhưng mãi cho đến sau thế kỷ 19 mới được nhận thức (đánh giá) lại về giá trị của nó.
Lão ông Cosimo là nhà tài phiệt hiếu học. trong những năm 1400, ông tích cực tham gia các buổi giảng thuyết của các học giả người Hy Lạp đến từ Constantinople . Từ đó, ông nhận ra được sự thật là: “Giáo hội Ca Tô Rô Ma là tập đoàn nói láo trắng trợn”.
Sự thật và lừa dối ở đây là gì? Nói tóm gọn cho dễ hiều là: con người được sinh ra trên thế gian này không phải là do tội ác, họ không có tội gì. Sự sống của con người tự nó không ác, cũng không gây ra tội lỗi. Vì vậy, mọi ngưòi có quyền được sống thoải mái, hạnh phúc. Đây là sự thật.Nhưng ngược lại, Giáo hội Ca Tô Rô Ma chủ trương rằng “ tất cả con người khi được sinh ra đều có tội. Con người suốt cuộc sống phải mang theo bên mình tội lỗi. Vì vậy, họ cần phải trả nợ tội lỗi cho đến chết. Cả sau khi chết cũng vẫn tiếp tục trả nợ tội lỗi. Theo họ Giêsu Kitô đã chết để chuộc tội lỗi cho loài người. Đây là lời giảng của Ca Tô Rô Ma. Điều này cho thấy sự nói láo trắng trợn của họ . Sự nói láo này là căn nguyên của mọi tội ác.
Ca Tô Rô Ma giáo truyền dạy (con chiên) hãy luôn xướng đọc câu: Repent!, Repent! (hãy ăn năn! hãy ăn năn!). Thực tế, đây là câu nói dùng để uy hiếp con người.
Saint Paul by Bartolomeo Montagna
↓ Tội tổ tông (original sin) - một sáng tác của St Paul
Tội lỗi nguyên sơ” có nghĩa là con người khi được sinh ra trong thế gian này tự nó đã là đại tội (người đi đạo thường gọi là “tội tổ tông”). Vì vậy cần phải rửa tội. Phải luôn luôn hối lỗi suốt cuộc đời. Suy  kỹ thì đây là tư tưởng vô lý, không căn cứ, không thể chấp nhận được.
Đây là tư tưởng lừa dối ác đức cơ bản nhất của giáo hội Ca Tô Rô Ma , vì rằng  sự thực là sự sống tự nó không có tội ác nào.
Người đề xướng tư tưởng “tội tổ tông” không ai khác là (thánh) Paul (Paulo, c. 5 – c. 67), chứ không phải Giêsu Kitô. Ngoài ra, Peter cũng là người chủ xướng tư tưởng này.
Tóm lại, như trình bày ở trên, giáo hội Catô Rôma là tập đoàn ác đức nhưng luôn ngụy thiện (đạo đức giả) để tiếp tục lừa dối con người.
Ghi chú của người dich:
Chủ nghĩa Tân Platon (Neoplatonism) là trào lưu tư tưởng chịu ảnh hưởng của Plotinus. Lấy tư tưởng Platon (Platonism) làm chủ thể và thống hợp những tư tưởng cổ đại như New Pythagoreans, Stoics, Aristotle, etc. để hình thành hệ tư tưởng siêu việt và có tính siêu hình huyền bí.
Trong tư tưởng Ai Cập, có sự tồn tại của hai thực thể (substances). Một là lãnh vực của khái niệm, tinh thần, tâm lý, hình tướng… Và thứ hai là vật chất bao gồm cá thể và tổng thể vật chất. Vì các thực thể độc lập với nhau nên giữa lãnh vực tinh thần và lãnh vực vật chất không có tồn tại một trung gian nối kết hữu hiệu nào. Xuất phát từ tư duy này, triết lý triển khai lý luận đã cókhuynh hướng đối nghịch (đối lập) giữa tinh thần và vật chất.
Chủ nghĩa tân Platon được hình thành và phát triển từ Alexandria (Ai Cập)và lan rộng qua nhiều địa vực khác. Tân Platon nhấn mạnh về  sự trọng yếu của tinh thần, quan niệm. Theo chủ nghĩa này thì tinh thần, quan niệm là thực thể chân thật, là bản chất quan trọng hơn vật chất. Trên cơ sở này thì đối với người có tư tưởng Tân Platon, họ không coi trọng vật chất, mà tp trung vào tinh thần nên dễ nhận biết kẻ lường gạt).
(Trần Phan Thanh Tâm lược dịch, 15/2/2015)

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

LỜI TỰ TÌNH


             
                             It ain't me babe. (Bob Dylan)



Như cơn gió hoang mang
Tôi từng nói đừng trông đợi
Lời tự tình mới
Chính là tôi đó em
Tôi đâu là cây tùng tôi khúc gỗ du
Cố sống qua mùa Đông tháng rét
Những cơn gió bấc lạnh khan khắc khổ
Thanh lọc từng khu phố nhạt nhòa giá băng
Thải ra đôi giầy chật rút co thân phận
Rập dấu chân không nhà để trở về
Từng bước từng bước nặng
Phải chi vo tròn nhẹ nhàng rơi theo quả cầu tuyết
Suốt đường đời lăn thu vén thảnh thơi
Chính là tôi đó em
Ngại ngần vượt dốc mênh mang vô tận
Cố vươn đứng thương thay quỵ gối
Vật lộn với đày ải áo cơm
Cứ đâu khinh khi coi nhẹ
Hồn ngựa chiến lưu ngoài ngàn dặm
Thân lao đao phục thềm lợi danh
Ngấu nghiến mặt đất cuồng điên bay nhảy
Chập chờn những bức tường say
Đây kẻ ngật ngừ ôm sóng
Chính là tôi đó em
Gốc mai khẳng khiu sau vườn đạm bạc
Suốt bao mùa Đông chiếc áo khoác bạn cho
Một mảnh thân quen qua hết giảng đường
Trang sách mỏng bài thơ nhàu túi áo ưu tư
Bên kia đồi cù dẫu theo lối mòn lòng thung Đa Thiện
Vẫn nghe ác gầm cặn bã chiến tranh
Xô đẩy chúng ta ngã vào vô định
Quyền lực sự chết thở hắt ra thối độc cả dòng sông
Kẻ hèn mọn cầu an
Người buông rơi phản kháng
Chính là tôi đó em
Tiếng thét tra vấn con nhân sư bạc bẽo
Bên nẻo về tuyệt lộ
Những người nữ cợt cười chẳng nỡ chọn tôi
Thật tôi người có phúc
Một mình
Bơ vơ ngóng đường về
Dõi cùng mây mờ mịt.*



            
   Linh đinh vọng quy lộ
   Cực mục vân man man
(Cao-Bá-Quát)

Đoàn Minh Đạo

CON SÂU ĐO BÒ ĐO LOANH QUANH



1
Con sâu đo bò trên mặt lá tẩm nắng mai
Bò dưới cánh hoa dợm mãn khai
Bò xuôi cọng đọt ngọc nõn xanh rạo rực
Đục-cắn-khoét-gậm-nhấm
Muốn nuốt chửng đại ngàn vào khoang bụng 
Thỏa cơn đói rỗng
Bèn rửng rửng đu dây tơ
thả mình êm ru xuống đầu những kẻ đang lơ mơ
Bỏ bước dạo vườn.


2
Cuộc thẩm vấn nêm đậm kỳ hương bếp cung đình
Lẫn mùi kho quẹt,canh tập tàng bếp nhà lao động khói um.


3
-  Chào Tiến sĩ XYZ, xin tự giới thiệu tôi là Sâu Đo
-  Xin hỏi bằng cấp của ông bằng giấy hay bằng plastic ny lông
-  Bằng kim ngân
-  Hội Đồng giám khảo  duyệt luận án của Tiến sĩ gồm những nhà khoa học khoa bảng hàn lâm uyên thâm khả kính nào?
-  Không cần phải thế. Họ một nhắm một mở ký cái rẹt là xong
-  Nghĩa là sao thưa ông?
-  Một bè quyền lực mới xứng tầm
-  Đề tài luận án của Tiến sĩ chắc phải có tiếng vang
-  Xin cho biết tên
-  "Lịch sử phát triển giáo dục đào tạo ở tỉnh Khỉ Ho"
-  Sao lại Khỉ Ho?
-  Vậy mới là phát hiện không đụng hàng
-  Còn tính quốc tế tính hữu ích cho nhân gian?
-  Cũng không cần. Hữu ích cho dân miệt Khỉ Ho trước đã
-  Chắc nội dung văn bản luận án Tiến sỉ có nêu những nhược khuyết của quá trình giáo dục tại đó?
-  Tất nhiên
-  Những biện pháp khắc phục khả thi?
-  Ta làm công tác nghiên cứu là để nói lý thuyết
-  Không làm công việc ứng dụng
-  Ứng dụng là của công nghệ
-  Tiến sĩ nói chí phải. Nhưng xưa kia cá da láng và cánh chim ưng cũng đã là gợi ý thuyết phục cho tàu lặn và máy bay
-  Để xây dựng sự nghiệp,Tiến sĩ đang có công trình nghiên cứu gì tiếp theo?
-  Sự nghiệp của ta là quản lý
-  Nghĩa là Tiến sĩ đã viên mãn với cương vị lảnh đạo vừa mới được trang bị vững vàng mà từ lâu còn khập khiễng?
-  Ai nói với ngươi là...
-  Cám ơn Tiến sĩ XYZ. Nhờ ông mà người đi học ở Khỉ Ho sẽ vươn lên tầm cao hơn cột đèn quê nhà**
-  Đồ sâu bọ...


4
-  Chào Thi sĩ . Lý do Thi sĩ làm thơ?
-  Ta tự thấy mình vô tích sự .. .nên làm thơ
-  Vậy làm thơ đáng kể hơn , hữu ích hơn sao?
-  Làm thơ là công việc vô ích đối với hầu hết người đang sống người sắp chết và người mới chết
-  Biết vô ích sao không phủi bỏ cho nhẹ?
-  Một xứ sở không thi ca là một xứ sở khuyết tật tâm hồn. Ta không khuyết tật.
-  Người ta nói làm thơ là công việc tự hành hạ mình, có phải?
-  Không phải ai làm thơ cũng đi con đường địa ngục
  Để đồng thời cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời trên thành quả lao động sáng tạo của bản thân
-  Thi sĩ có thể nói rõ hơn?
-  Làm sao hiểu nếu không là nhà thơ chân chính 
-  Thế nào là thi sĩ chân chính?
-  Gìn vàng giữ ngọc cho thơ. Thơ càng giá trị nhà thơ càng cao danh giá
-  Gìn vàng giữ ngọc cho thơ?
-  Phải. Không lợi dụng thơ để mưu đồ thỏa mãn tham vong ích kỷ cá nhân,
   quyền lực văn học, đánh bóng vị thế xã hội cho sang trọng thêm
-  Vậy phương hướng nào nhà thơ chân chính theo đuổi?
-  Là chiều sâu cảm xúc và tầm cao tư duy phóng chiếu bằng tài năng nghệ thuật.
-  Thế còn hạnh phúc?
- Là nỗi đam mê thơ
  Là, thông qua thơ, khát khao bày tỏ,chia sẻ hạnh phúc và bất hạnh,
  phản kháng và xây dựng tâm hồn và chân dung con người
  Cho đáng mặt con người
-Hóa ra loài người ai cũng có hạnh phúc riêng
Không đau khổ như sâu tôi đây. Sống kiếp xấu xí bị khinh miệt bị sỉ nhục
để trả giá cho một ít lá một ít cây, một ít hoa một it trái mà tôi đã ăn hại của đời
-         Không đâu, con người còn ăn hại nhiều thứ khác khủng khiếp triệu , tỷ lần hơn
Ý thức về nỗi đau khổ đời mình, bạn lại không biết rằng sau bốn tuần định mạng
làm sâu trần gian bạn có sáu tuần làm bướm địa đàng sao?
Vườn trần và đại ngàn nhờ bướm mà sinh sôi, nhờ bướm trở nên sống động rực rỡ thơ mộng hơn
Bướm cũng chớp cánh rung động không gian miên man tập nhiễm bất
trắc và bay lượn tình tứ trong tâm hồn nghệ sĩ...
-  Ôi, ôi, tôi sẽ tự diệt để hóa bướm sao?
-  Bạn sẽ tự thăng hoa thành bướm. Đấng Sáng tạo cho phép bạn làm như vậy.
Bạn cũng là thi sĩ chân chính làm đẹp Cõi Sống từ vô thức đấy.


                              nguyễn thùy song thanh

NGHE ĐẤT




Nghe Đất,
thơ Mai Thảo
Trầm Tử Thiêng phổ nhạc
Khánh Ly hát



Nằm đây dưới bóng cây xanh
Nhìn qua lá biếc lại xanh sắc trời
Mát thơm đất trải bên người
Nghe trong ẩm lạnh da người cũng thơm

Đất lên hương, thấm qua hồn
Nghe Vui thoáng đến với Buồn thoáng đi
Giữa giờ trưa nắng uy nghi
Bóng vây vây nhẹ hàng mi cúi đầu

Người nằm nghe đất bao lâu
Tai nương ngợ tiếng đời sau thở dài
Lung linh sóng nắng đan cài
Cõi Trong điệp điệp Cõi Ngoài mang mang

Chợt đâu rụng tiếng phai tàn
Rơi ngưng nửa dáng nắng vàng trôi qua
Linh hồn thiếp giữa triều hoa
Bóng hình thôi đã nhạt nhoà quanh thân.


                            Mai  Thảo
                         

Vài Điều Suy Nghĩ Về Ngày Trở Về Của Nhà Văn Lưu Vong




biên khảo






Một ngày không tên vào cuối thập niên bảy mươi tôi được tặng một tập thơ mỏng của Nguyễn Đức Sơn, trong đó có một bài thơ mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ.

Ôi biết ngày nao anh trở lại
Vườn xưa cây trái ngả nghiêng sầu
Anh đi trong nắng tàn hoang dại
Thấy lá sầu riêng bạc hết màu[1]

Bài thơ cho tôi cảm tưởng nhà thơ sắp đi rất xa, có thể biệt xứ, không còn cơ hội trở về. Tuy nhiên đến nay nhà thơ vẫn còn ở Việt Nam, có nghĩa là, ông chỉ di chuyển đến một địa phương khác; thế mà đã buồn đến bạc lá sầu riêng.

Loanh quanh trong nước, vẫn có cơ hội quay về mà đã thương nhớ quê nhà đến thế; những người phải lìa bỏ quê hương, vượt đại dương, không còn đường trở về, nỗi nhớ có lẽ càng khắc khoải hơn. Việt Nam có hai cuộc di cư vĩ đại; từ Bắc vào Nam và từ miền Nam sang nước ngoài. Tôi cũng biết, có những cuộc vượt biên từ miền Bắc hay tập kết ra Bắc, nhưng bài này xin chỉ giới hạn trong việc quan sát ý muốn và hành động trở về của một số văn nghệ sĩ di cư từ Bắc vào Nam và từ miền Nam sang tị nạn ở nước ngoài.

Đã có nhiều định nghĩa về văn nghệ sĩ lưu lạc, lưu đày, lưu vong, tị nạn, di dân, và nhập cư. Mỗi từ mang một ý nghĩa chính trị khác nhau. Trong bài này để giản dị hóa tôi xin được dùng từ lưu vong để chỉ chung cho cả hai trường hợp di cư và tị nạn. Đơn giản, dùng từ này vì nghe quen tai. Văn nghệ sĩ tôi quan sát gồm có ba nhóm: di cư trước tị nạn sau (Phạm Duy, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Trùng Dương), tị nạn (Võ Phiến, Trần Hoài Thư, Lê thị Huệ, Nguyễn thị Thảo An[2]) và một số nhà văn sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở hải ngoại (Kim Thúy, Andrew Lam)[3]. Sự trở về ở đây bao gồm hai mặt: một cách hiện thực với thân thể của văn nghệ sĩ, và biểu tượng, bằng tác phẩm.



Có thật ai bỏ xứ ra đi đều muốn quay về hay đó chỉ là ý nghĩ lãng mạn chỉ xuất hiện trong văn thơ hay nhạc? Chúng ta lớn lên với quan niệm đã được cấy sẵn vào đầu. Cây có cội, nước có nguồn. Chim có tổ, người có tông. Hễ có những cuộc ra đi là tự nhiên ngầm coi như có những lời hứa hẹn sẽ trở về. Ha Jin, nhà văn Trung quốc lưu vong ở Hoa Kỳ quả quyết rằng tất cả mọi người khi lưu lạc đều thương nhớ quê nhà và muốn trở về. “Đa số những người lưu vong đều ấp ủ một mơ ước ngày nào đó trở về quê hương. Nỗi niềm nhung nhớ này thường làm họ mất phương hướng và ngăn ngừa họ bắt rễ ở bất cứ nơi nào.” (Jin, The Writer As Migrant, 2008, p. 63)[4] Ha Jin định nghĩa quê hương như sau: “Theo thường lệ, quê hương của một người là xứ sở nguồn cội của người ấy. Nơi nầy người ấy thường mong muốn trở về dù đi đến bất cứ nơi nào.” (Jin, The Writer As Migrant, 2008, p. 65)[5]

Phạm Duy, là người thể hiện mạnh mẽ nhất cái ý muốn trở về quê hương. Tôi quan sát Phạm Duy như một thi sĩ vì một số lớn ca từ của ông là thơ được phổ nhạc. Bài Thuyền Viễn Xứ mang nỗi sầu cố lý mênh mông. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể khẳng định sầu hoài hương có nghĩa là muốn hồi hương. Trong Come back to Sorrento, Phạm Duy đặt lời Việt thành Trở Về Mái Nhà Xưa, ông đã thể hiện mơ ước trở về chốn cũ. “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh. Về đây với màu gió ngày lang thang. Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng…”Đây là một bản nhạc Ý, độc giả có thể đọc bản chính và bản dịch ở Wikipedia[6], tuy nhiên lời Việt của Phạm Duy lập đi lập lại hai chữ về đây như một xác định trở về dù chỉ là quay về với điêu tàn. Ngay cả khi chọn bản nhạc này để đặt lời, phải chăng ý muốn trở về đã nằm trong tâm tưởng của ông? Một bản nhạc ngoại quốc khác ông viết“Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa…Tìm một miếng đất cho gã si tình…Nàng hãy chôn trái tim non buồn thương.”[7] ca từ thể hiện sự nhớ thương quê nhà, hoàn toàn khác bài dân ca của bản nhạc gốc. Ở Ngày Trở Về, chúng ta cũng có thể tưởng tượng Phạm Duy là anh chàng thương binh trở về quê nhà, để gặp lại mẹ già đã mù lòa, người vợ trẻ thành đóa hoa tàn tạ, và tiếng cười đùa trở thành giọng hát rầu rầu. Khi sang Hoa Kỳ ý muốn trở về của Phạm Duy rõ rệt hơn. “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, nhà của đôi ta xinh xinh nhỏ bé…” Nhà, ở đây có thể là giàn thiên lý, mảnh vườn, miếng nấm mồ, hay là cõi chết nơi ông được ở lại muôn đời. Cuối cùng, Phạm Duy đã trở về, bằng hình hài xương thịt. Khi di cư ông là một trong những người đi trước. Khi trở về ông cũng đi trước rất nhiều người.

Alexander Solzhenitsyn, suốt mười tám năm lưu đày, sống ở tiểu bang Vermont Hoa Kỳ luôn mong muốn trở về quê hương. Ông từ chối không vào quốc tịch Mỹ, và thường nói rằng ông sống chỉ viết cho người Nga đọc. (Jin, Writer As Migrant, 2008, pp. 5-7). Milan Kundera thì trái lại. Xuất thân là người Czech, tác phẩm của ông bị cấm lưu hành ở xứ ông sinh ra. Năm 1975 ông di cư sang Pháp. Lúc 60 tuổi ông bắt đầu viết văn bằng tiếng Pháp. Ông luôn nhấn mạnh, ông là nhà văn Pháp. Có nghĩa là không những Kundera không nhớ tiếc quê nhà mà còn chối bỏ nguồn gốc của ông.[8]

Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, và Mặc Đỗ là trường hợp đặc biệt. Nếu xem mỗi nhà văn là một cái cây thì các ông bị nhỗ bật rễ hai lần. Để tìm xem các ông có ý muốn trở về miền Bắc khi đang sống và viết văn ở miền Nam, tôi đọc một số tác phẩm các ông đã xuất bản ở miền Nam và ở hải ngoại[9]. Bàng bạc trong hầu hết mọi tác phẩm, cả bốn nhà văn đều biểu lộ rõ rệt sự nhớ tiếc tuổi thơ, cảnh cũ, người xưa, tâm trạng lạc lõng của những người xa quê nhà. Chỗ ở mới chưa cố định, công việc chưa vững chắc, nhưng các nhà văn này không mấy hoang mang, thất lạc, hay tuyệt vọng. Độc giả vẫn nhìn thấy những tia sáng của hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Các nhà văn di cư không hề phàn nàn bị kỳ thị Bắc Nam, cũng không phải vất vả đương đầu với một ngôn ngữ xa lạ như nhà văn miền Nam tị nạn sang nước ngoài.

Mai Thảo biểu lộ tâm trạng lạc lõng của người xa quê hương: “Y giống như người đến từ một hành tinh khác. Y đã mất quá khứ, như một thân cây mất rễ. Những ngày tháng về trước đã nhạt nhòa dấu tích, ấn tượng xa xưa chỉ là một vực đen sâu không cùng. Y sống cũng như chết. Y chết giữa cuộc sống.”[10] Cũng có lúc Mai Thảo thoáng nghĩ đến sự trở về nhưng chỉ là một ý nghĩ viển vông. “Từ Cửu Long, chúng tôi sẽ về đánh chiếm lại Hồng Hà. Để những buổi chợ đất nước lại được mở thành hội ở hai bên bờ sông.”[11] Đọc câu này tôi không khỏi mỉm cười. Với bộ vó nhà thơ, ông lấy gì để đánh chiếm lại Hồng Hà chứ? Lúc gần cuối đời, Mai Thảo có tặng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng bài thơ tựa đề Bài Tiễn:

Xuống tầu đưa bạn đi ra biển
Thả tàn tro xuống Thái Bình Dương
Biển mênh mông lặng lòng giông bão
Chẳng biết nơi nào nữa viễn phương[12]

Bài thơ làm tôi liên tưởng đến số phận người vượt biển, câu thơ khiến tôi nghĩ dù Mai Thảo vẫn nhớ đến Việt Nam nhưng nơi này không còn là một chỗ để về.

Thanh Tâm Tuyền trẻ hơn, mộng ước phiêu lưu tràn đầy, thẳng thắn bày tỏ ước muốn ra đi và không trở lại: “Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết.” […] “Nó chờ đợi một chuyến đi xa, không trở về cái đất nước nhục nhã này, đi tìm cái chết nơi hải cảng trong quán rượu xa lạ, chết một mình bên chai rượu.”[13] Thanh Tâm Tuyền có nghĩ đến ngày về, nhưng ông tự chế nhạo cái ý nghĩ viễn vông ấy.

“Đến bao giờ anh tính về ngoài ấy?”

“Anh tính về?” – Người đàn ông cười gằn – “Anh tính sao được, phải đợi thống nhất chứ.”[14]

Vũ Khắc Khoan khẳng định, nhớ nguồn gốc thì vẫn nhớ, nhưng không muốn trở về. “Con người cũng như vạn vật cũng đều phải theo cái lẽ đó mà sinh sôi nảy nở. Nhưng thỉnh thoảng đến chỗ cùng cự của tang thương biến đổi thì tĩnh tâm, thành ý, con người lại nuôi ứ muốn trở về nguồn. Lớn rồi đi, đi rồi xa, xa rồi trở về […] Nguồn tất phải đẹp. Vì nguồn là tuyệt đối. Cho nên con người từ phân hóa sinh thành, mấy ai mà quên hẳn được nguồn.”[15]

“Thế là hết câu chuyện Trương Chi của tôi. Và bây giờ thì chắc ông cũng hiểu tại sao tôi lại không quay về Hà Nội. Cuộc đời Trương Chi có ngang trái chỉ vì họ Trương chưa tìm được người đồng cảnh. tôi may mắn hơn anh ta. Vì tôi đã gặp những người đồng cảnh.”[16]

Vũ Khắc Khoan lớn tuổi nhất và có lẽ do có kinh nghiệm sống dài nhất, ông biểu lộ ý thức chính trị rõ rệt nhất. Và vì lý do chính trị, ông không muốn trở về.

“Ông có hiểu anh trùm Phường đã nói gì với Trương Chi không? Tôi chắc ông cũng thừa hiểu. Đã hơn một lần, tôi chắc những người như ông đã được nghe những lời tương tự. Có phải bắt đầu thì bao giờ cũng là những danh từ quyến rũ: Cách mạng, Lực lượng đang lên… Ông là cái chất ma túy của những danh từ! Và trong cơn mê đắm của tuổi hai mươi, ông đã vội vàng không thèm nghĩ, mà nhận ngay cái vai trò đẹp nhất trong một tấn kịch mới mở màn đầu. Một với hiệp sĩ phong lưu sảng khoái, cả đời chỉ chuyên vào việc cứu khổn phò nguy. Trong mỗi con người, nhất là chúng ta, bao giờ mà chả tiềm tàng một Don Quichotte? Chúng ta đã lên yên. Chúng ta lại có thêm ngọn giáo. Làm gì mà chúng ta chả lăn xả vào một cái cối xay! […] Từ địa vị một chàng hiệp sĩ phong lưu, chúng ta trở nên một con sĩ tốt, cúi đầu chịu lệnh một vị tướng vô hình. Hỡi ơi!”[17]

Mặc Đỗ viết về đời sống xa quê hương như sau: “Anh Giáp phải kéo dài cuộc sống ở đây, không vui với không khí gia đình nhưng rất thương vợ con, lúc nào cũng hy vọng có cơ hội đổi được cái không khí lạc lõng ấy, chẳng hạn đưa gia đình trở về Việt Nam. Nhưng cơ hội mãi không đến vì lẽ này lẽ nọ. Bây giờ hi vọng xem như tiêu tán luôn mãi mãi. Nga bảo có một bữa gần đây chợt Giáp đã buồn rầu nói rằng: ‘Tôi đành ở luôn đây thôi.’”[18]

Tôi cố tìm một sự khẳng định ý muốn trở về, thật mạnh mẽ, như Scarlett O’Hara muốn trở về Tara để tìm lại sự hỗ trợ tinh thần của một nơi nàng đã từng sống trong hạnh phúc ở bốn nhà văn này nhưng không thấy.



Tôi đã đọc một số truyện và tùy bút của Võ Phiến[19] nhưng lúc ấy tôi không để ý tìm xem ông có ý muốn quay về hay không. Thành thật mà nói, dù muốn tôi cũng không thể đọc hết tất cả tác phẩm của ông. Rất có thể, chìm khuất đâu đó nhân vật của ông lớn tiếng đòi về mà tôi chưa đọc tới. Tâm trạng hoài nhớ quê hương của nhà văn Võ Phiến xuất hiện hầu hết trong các bài tùy bút, đặc biệt là tác phẩm Cuối Cùng, của ông. Nỗi buồn này đã được nhà văn John Schafer ghi nhận trong quyển biên khảo “Võ Phiến and the sadness of exile.” Dù Võ Phiến không về hay chưa về bằng xương bằng thịt thì tác phẩm của Võ Phiến đã được nhà văn Thu Tứ đưa về Việt Nam dù phải chịu cái cảnh nằm sao cho vừa chiếc giường của Procrustes[20].



Không đề cập đến sự trở về trong tác phẩm, không hẳn là nhà văn không muốn trở về. Rất có thể với chiến tranh càng lúc càng trở nên khốc liệt, mức độ chia rẽ giữa hai miền Bắc Nam càng lúc càng sâu, cơ hội trở về không có và không thiết thực nên không ai nhắc đến sự trở về? Có thể nào cái một lòng một dạ quay về với tổ quốc của Solzhenitsyn chỉ vì ông không thể sử dụng ngôn ngữ nào khác hơn tiếng mẹ đẻ? Khi trở về quê hương Solzhenitsyn bị tiếp đón lạnh nhạt một thời gian rất dài. Một trong những lý do khiến Solzhenitsyn không thích hợp với cuộc sống và không thể sáng tác được ở Hoa Kỳ là vì trở ngại ngôn ngữ. Và rất có thể thêm một lý do nữa, nói như nhà văn Vũ Khắc Khoan là vì ông ta không tìm được người đồng cảnh. Giả tỉ như lúc bấy giờ có cả triệu người cùng lúc ra đi với ông, qui tụ lại cùng viết và xuất bản bằng tiếng mẹ đẻ, như các nhà văn Việt, có thể ông đã ở lại Hoa Kỳ.



Nhà văn Trùng Dương di cư vào Nam khi bà chừng 9 tuổi, đọc tác phẩm Lập Đông, tôi thấy có nét hoài nhớ mảnh đất bà đã ra đi, nhưng nỗi nhớ không đậm đà như các nhà văn thuộc thế hệ trước. Bà nhớ mang máng là mùa xuân nơi ấy rét lắm khi xuân ở Saigon nóng bức. Tương tự như Trùng Dương, nhà văn Việt sang Mỹ từ lúc 9 hay 10 tuổi nỗi hoài hương không đậm nét, và càng sống lâu ở xứ người, ý thức Việt Nam là quê hương càng phai nhạt. Trong tác phẩm Ru, nhân vật của Kim Thúy, sang Hà Nội làm việc, nhưng quê nhà của cô xuất hiện bằng cái mùi hương xà phòng bột của xứ Canada còn phảng phất trên chiếc áo của chồng cô. Tác phẩm của Linda Lê đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, bản thân Linda Lê cũng đã đến Việt Nam để giới thiệu tác phẩm. Trường hợp của Linda Lê không thể nói là “về” mà phải nói là “đi đến” bởi vì cô không tự nhận là người Việt Nam. Bản sắc Việt dính vào cô như một thây ma chết mà cô phải cưu mang[21]. Andrew Lam, vẫn nhận mình là người Việt, Việt Nam là nơi chốn anh sinh ra, và anh đã nhiều lần trở lại Việt Nam.[22]



Có nhiều nhà văn Việt cương quyết không trở về dù bằng tác phẩm hay thân xác. Nhà văn Trần Hoài Thư là một trong những nhà văn này. Toàn bộ sáng tác của ông được viết ra ở miền Nam. Từ khi sống ở Hoa Kỳ ông không sáng tác nhiều, đa số thì giờ ông dùng để khôi phục những tác phẩm của ông cũng như nhiều tác giả khác đã bị cấm đoán chối bỏ. Nhiều lần tôi trực tiếp hỏi và được biết từ khi ra khỏi nước ông chưa hề trở lại Việt Nam và cũng không cần phải trở về xuất bản tác phẩm của ông.

Nhà văn Lê thị Huệ trở lại Việt Nam nhiều lần, thành quả của những lần trở lại ấy là quyển Văn Hóa Trì Trệ[23] nhưng nhân vật của bà không muốn trở lại. Hãy nghe nhân vật Lan Hương bày tỏ ý nghĩ:

“[…] Có khi tao muốn cắt bỏ luôn quá khứ. Tao muốn ở lại Mỹ đời đời. Tao muốn quên luôn Việt Nam. Nhưng đôi khi tao cũng có nhu cầu tìm lại nơi đã đưa tao vào đời sống này. Tao muốn gặp ba má và anh chị em của tao. Nhưng tao sợ khi về lại Việt Nam tao đã thành một kẻ xa lạ.”[24]

“Em ghét Việt Nam. Em ghét xứ sở này. Em ghét trở về một cái xứ sở ngu dốt. Xứ sở trì trệ. Xứ sở u mê.”[25] (Lê, 2005)

Từ bỏ xứ sở nơi sinh ra vì lý do chính trị và không sử dụng ngôn ngữ của xứ sở bà cư ngụ khi viết văn, Lê thị Huệ xem ngôn ngữ Việt là quê hương. Khi được sử dụng ngôn ngữ mẹ ở đất khách nhà văn không cần phải về nguồn bằng tác phẩm. Như Milan Kundera, Lê thị Huệ cho hai nhân vật Việt tha hương, gặp nhau ở trên giường của một khách sạn, hai kẻ xa lạ nói tiếng Việt với nhau suốt đêm. Với bà, tiếng Việt là nơi hội ngộ, kết hợp hai linh hồn, đây là biểu tượng của sự trở về với quê hương.

Nhà văn Nguyễn thị Thảo An thì dùng dằng nửa về nửa ở. Thảo An nghĩ rằng:

“Theo truyền thuyết, cuộc đời chúng ta là một chuỗi luân hồi.”

“Có nghĩa là chúng ta sinh ra nơi nào thì sẽ trở về nơi đó. Mười mấy ngàn năm, qui luật đó không bao giờ thay đổi.”[26]

Sau đó Thảo An nghĩ ngược lại:

“Nó hình dung ra một cuộc sống cô đơn ngoài biển khơi, nhưng mà còn hơn trở về để chết.”[27]

“Bạc lẳng lặng quay đầu vô vách khe. Nó lạ lẫm trên chính quê nhà của nó. Lần đầu tiên, nó có cảm giác lạc lõng giữa đàn. Bạc chợt ước, phải chi nó chết ở một nơi nào đó trên đường trở về. Để cái quê hương dấu yêu kia mãi mãi vẫn còn trong tim của nó.”[28]



Khi đề cập đến việc trở lại quê hương, một cuộc trở lại vật chất, của con người bằng xương bằng thịt, chúng ta thấy có nhiều quan điểm. Solzhenitsyn cương quyết trở về. Milan Kundera, Cao Xingjian, là những con hoàng hạc một đi không trở lại. James Joyce xem sự lưu đày là nguồn cảm hứng để sáng tác. Vladimir Nabokov quan niệm, ngay cả quốc tịch của nhà văn cũng không đáng kể, chỉ có nghệ thuật biểu lộ trong tác phẩm mới quan trọng. Để được tự do theo đuổi nghệ thuật, Nabokov đã chối từ quê hương Liên Xô của ông trên cả hai mặt chính trị và ngôn ngữ. Tôi không tìm thấy chứng cớ chắc chắn là Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan muốn trở về Việt Nam bằng xương bằng thịt vì tác phẩm của các ông thất lạc rất nhiều, và như đã thú nhận, tôi không thể đọc tất cả tác phẩm của các ông. Tuy nhiên, đã là nhà văn lưu vong, sự trở về quan trọng nhất phải là sự trở về của tác phẩm. Ha Jin cho rằng ngoại trừ việc giúp cho nguôi ngoai nỗi nhớ về quá khứ, cuộc trở về bằng xương bằng thịt của nhà văn chẳng có ý nghĩa gì cả. (Jin, Writer As Migrant, 2008, p. 21)[29]



Bởi vì tính chất chính trị của sự ra đi; sự trở về bằng tác phẩm của nhà văn lưu vong thường bị xem là hành động phản bội. Phản bội những nhà văn cùng khuynh hướng đã từng bị tù đày, làm nhục chỉ vì họ đã viết những điều không được nhà cầm quyền chấp nhận. Nếu bảo rằng chúng ta ra đi khi tình trạng rất tồi tệ; nay chúng ta trở về vì tình trạng trở nên tốt đẹp hơn, và nhà cầm quyền chẳng những chấp thuận mà còn khuyến khích; thế thì tại sao rất nhiều văn nghệ sĩ trong nước vẫn còn bị tù đày vì khác ý thức chính trị với giới cầm quyền? Sự trở về của nhà văn lưu vong mang ý nghĩa đồng tình với, nếu không nói là ủng hộ chính sách của nhà cầm quyền. Văn nghệ sĩ cố gắng trong tuyệt vọng để rời khỏi đất nước, có phải vì tiếng nói của họ bị bóp nghẹt? Tại sao nhà văn lưu vong được khuyến khích mang tác phẩm trở về trong khi rất nhiều văn nghệ sĩ trong nước đang muốn được trở thành người lưu vong? Nếu tình hình chính trị trong nước đã trở nên tốt đẹp hơn sao vẫn có người không chấp nhận được tình trạng sống và viết hiện nay? Có thật văn nghệ sĩ muốn trở về vì yêu thương quê nhà, tìm về cội rễ, hay chỉ vì lợi ích cá nhân của người viết?

Có lẽ rất thầm kín, nguyện vọng to lớn nhất của nhà văn là có người đọc và có chỗ đứng quan trọng nhất trong văn học của nước nhà. Khi bị tách ra khỏi quốc gia, nhà văn bị mất nhiều hơn một người bình thường. Bên cạnh mất gốc rễ, tài sản, bản sắc, khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, còn một cái mất lớn lao vô cùng là người đọc. Với nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại, số người Việt sống rải rác khắp nơi, nên việc xuất bản sách tiếng Việt và có độc giả Việt là một chuyện khó khăn. Nhà văn, nếu phương tiện sinh sống là tiền bán sách, không có người đọc đồng nghĩa với hao mòn sự sống. Một trong những lý do chính đáng mà nhà văn Việt ở hải ngoại muốn trở về cố quán là tìm số đông độc giả.

Quan điểm về sự trở về quê nhà của văn nghệ sĩ lưu vong mỗi người mỗi khác. Một số tác giả tôi đề cập bên trên đã góp phần quan trọng vào việc thành hình nền văn học miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Góp phần, họ chỉ là đại biểu của một khuynh hướng, một nhóm, trong nền văn học miền Nam vốn rất rộng lớn và đa dạng. Chỉ mới nêu lên một số nhà văn mà độc giả đã nhìn thấy chín người mười ý này, thế thì ai có thể đứng ra thay mặt tất cả văn nghệ sĩ để nói lên nguyện vọng, về hay không về, của họ? Ai có thể đòi hỏi sự trở về cho cả văn học miền Nam trước năm 75. Không ai cả. Văn nghệ sĩ nói chung chưa hề bình chọn ai là người lãnh đạo để bày tỏ nguyện ước, đòi hỏi, hay than thở thay cho họ. Nhà văn, nhất là nhà văn, hay tự vác lên vai cái nghĩa cử cao đẹp là nói dùm cho những người không thể nói. Tuy nhiên, xin đừng quên rằng một trong những lý do người ta trở thành nhà văn là vì người ta muốn được có tiếng nói và được nghe chính tiếng nói của mình. Khi nói giùm thiên hạ, chúng ta nên tự hỏi, liệu những người, chúng ta muốn nói giùm, có chấp nhận cái thông điệp của chúng ta, và có đồng ý với người nói giùm hay không.

Trở về hay không đó là sự chọn lựa, dựa trên nhu cầu và lợi ích của cá nhân. Nhà văn, nhất là nhà văn có nhiều độc giả, thường bị nhà cầm quyền lo ngại, sẽ thuyết phục và hiệu triệu người dân chống đối chính quyền. Thu phục được một văn nghệ sĩ nổi tiếng là thu phục được cái đám đông đồng tình với văn nghệ sĩ này để phục vụ cho bất cứ mục tiêu chính trị nào đó, nếu có. Sự ra đi hay trở về của nhà văn chỉ có giá trị đối với nhà cầm quyền khi nhà văn đã thành danh và có một số lượng độc giả đáng kể.

Trở về, cộng tác với nhà cầm quyền có thể mang lợi ích lớn cho người viết. Được viết bằng ngôn ngữ mẹ, bên cạnh việc có số lượng người đọc đông đảo, người viết còn có hy vọng đạt đến những giải thưởng cao quý, như giải Nobel. Mặc Ngôn phục vụ cho đảng Cộng sản Trung quốc được giải Nobel văn chương. Lưu Hiểu Ba lên tiếng chống đối phải đi tù dù được giải Nobel hòa bình. Ha Jin cho rằng Joseph Conrad, người Ba Lan, viết tiếng Anh nhưng luôn tự nhận mình là người Ba Lan, mất giải Nobel vào tay Wladyslaw Reymont, một nhà văn Ba Lan khác kém tài và ít được biết tiếng hơn, chỉ vì Conrad không đại diện cho quốc gia nào (Jin, Writer As Migrant, 2008, p. 34). Tuy nhiên khi trở về, người viết phải chấp nhận có thể rơi vào trường hợp giống như nhà văn Võ Phiến, đã cho phép những đứa con tinh thần bị chặt chân.

Ngày nay với tính cách toàn cầu của internet, nếu chỉ để được có người đọc, và thu nhập tài chánh không phải là vấn đề sống chết, người viết không nhất thiết phải trở về Việt Nam trên cả hai phương diện thể chất và tác phẩm. Bởi vì, sách có thể được xuất bản theo dạng điện tử trên mạng, và có sách in không có nghĩa là có người đọc. Và có người đọc không chắc đã được người thông cảm hay chấp nhận quan điểm của mình. Nói cho cùng, số phận của người viết luôn luôn là số phận bất hạnh. Cái bất hạnh của nhà văn thời hiện đại là nhiều người viết nhưng ít người chịu đọc. Người chịu đọc thì không chịu mua sách vì có thể “đọc cọp” trên internet.

Tôi vẫn nghe một vài nhà văn tiền bối than thở rằng văn học miền Nam bị bức tử. Tôi không nghĩ thế. Những quyển sách kinh điển có thể đóng bụi trên kệ, ai cũng nghe nói nhưng không ai đọc. Sách mà không có người đọc thì chỉ là giấy. Truyện của Faulkner và Mark Twain có thời cũng bị cấm đoán, kiểm soát đục bỏ. Lịch sử thế giới đã có biết bao nhiêu cuộc phần thư nhưng những quyển sách đáng nhớ đáng giữ vẫn tồn tại. Cho rằng Văn học miền Nam bị bức tử là không đặt đúng mức sức thuyết phục ngầm của văn học. Tôi cho rằng văn học miền Nam sau năm 1975 như một cánh rừng bị đốt cháy. Hạt giống của cây đã rơi theo gió chìm dưới mặt đất và gặp lúc thuận tiện lại mọc thành cây. Ngay cả rừng già lâu năm cũng cần bị cháy để có thể duy trì luật tiến hóa của cây. Không cần chờ lời kêu gọi giữ lại chứ đừng trả lại, đã từ lâu, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy một tác phẩm văn học của miền Nam được chuyển thể thành phim. Tủ sách Talawas là chủ trương của một nhà văn ra đời và lớn lên trong chủ nghĩa Cộng Sản. Thế hệ sau đã khôi phục nhiều tác phẩm văn học của miền Nam trước khi có người chính thức kêu gọi khôi phục tác phẩm của văn học miền Nam. Đòi hỏi khôi phục toàn thể văn học miền Nam là một đòi hỏi hào hiệp nhưng có vẻ như đòi chơi cho vui không thiết thực. Ai làm? Và tiền đâu? Khôi phục kiểu nào? Có lợi cho ai? Về với hình thức nào? Bằng khua chiêng giống trống hay kéo dài thân cắt chân cho đúng khuôn mẫu người ta đưa ra. Người muốn về nghe tiếng gọi thơ mộng“Về đây nghe em, về đây, mặc áo the đi guốc mộc.”[30] Người không muốn về nghe âm vọng trong đầu “Bó thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra sao?”[31]

Bản chất của cuộc đời là biến chuyển không ngừng. Bản chất của nhà văn là phụ bạc. Người đọc tác phẩm thế hệ trước bắt buộc phải thay đổi, biến hóa, thậm chí quên đi những điều mình đã đọc để tác phẩm của mình có sự mới lạ. Nhà văn cũng như ca sĩ, bị đào thải nhanh chóng, thay thế bằng giọng hát mới và nhan sắc mới. Thế cuộc có lúc thay đổi, người không muốn về bây giờ có thể sẽ đổi ý. Nhà văn chúng ta bản tính vốn ương bướng kỳ lạ. Gần chết bỗng nhớ con đường làng, khóm trúc bờ ao, tiếng gà khan gáy vang bên đồi, rồi chồm chồm đòi về quê để chết. Đó là tự do của cá nhân.

Dù tôi rất tôn trọng hai mươi năm văn học miền Nam, tôi cho rằng sự thiệt hại mất mát đã xảy ra, không ngăn cản sự sáng tác của thế hệ sau. Nhà văn có thể rút kinh nghiệm của cuộc sống mà biến thành tác phẩm. Dẫu sao đã đến lúc chúng ta nên quan tâm đến một chủ đề khác. Nếu không thì 60 hay 80 hay 100 năm sau chúng ta vẫn cứ tưởng nhớ đến hai mươi năm văn học miền Nam. Chúng ta không thể mãi mãi mang tâm trạng của một đứa bé bị thương, ngồi săm soi vết đau, trông đợi một lời an ủi để sụt sùi rơi nước mắt. Hãy tự hỏi nhau rằng, đã bốn mươi năm, gấp hai lần chiều dài của hai mươi năm văn học miền Nam, với tự do sáng tác và tài nguyên phong phú ở nước ngoài, chúng ta đang có gì và sẽ có gì?



[1] Nguyễn Đức Sơn, người viết ghi lại theo trí nhớ.

[2] Tôi không chắc thân thế của nhà văn Nguyễn thị Thảo An, rất có thể nhà văn đi theo diện di dân nhưng xin ghép Thảo An vào nhóm tị nạn cho tiện.

[3] Nhóm nhà văn này dùng ngôn ngữ của xứ sở họ đang sinh sống. Nói chung họ là người gốc Việt, đôi khi mang tâm trạng của nhà văn vô xứ theo định nghĩa của nhà văn Đoàn Trung Đạo, bài đăng trên mạng Gió O.

[4] Jin, Ha, The Writer as Migrant, 2008, Chicago, The University of Chicago Press, p. 63. “Many exiles, emigrants, expatriates, and even some immigrants are possesed with the desire to someday return to their native lands. The nostalgia often deprives them of a sense of direction and prevents them from putting down roots anywhere.”

[5] Jin, Ha, Writer As Migrant, 2008, Chicago, The University of Chicago Press, p. 65 “Conventionally, a person’s homeland is his country of origin, to which he longs to return no matter where he goes […]”

[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Torna_a_Surriento.

[7] Bản nhạc tựa đề Scarborough Fair dân ca phiên bản của Simon and Garfunkel.

[8] Milan Kundera, Wikipedia.

[9] Mai Thảo (Chuyến Tàu Trên Sông Hồng, Mưa Núi), Thanh Tâm Tuyền (Bếp Lửa, Dọc Đường), Vũ Khắc Khoan (Mơ Hương Cảng, Thần Tháp Rùa) Tất cả các tác phẩm nói trên đều ở Tủ sách Talawas. Mặc Đỗ (Trưa Trên Đảo San Hô, Gió O)

[10] Mai Thảo, Những Vì Sao Thứ Nhất. Tuyển tập Chuyến Tàu Trên Sông Hồng.

[11] Mai Thảo, Mưa Núi.

[12] Nguyễn Xuân Hoàng, Căn Nhà Sau Lưng Tiệm Song Long, Tạp chí Văn 123&124, Tháng Ba&Tư, 2007, p. 6

[13] Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa.

[14] Thanh Tâm Tuyền, . Tuyển tập Dọc Đường.

[15] Vũ Khắc Khoan, Nhập Thiên Thai, Tuyển tập Thần Tháp Rùa.

[16] Vũ Khắc Khoan, Trương Chi, Tuyển tập Thần Tháp Rùa.

[17] Như trên (note 16).

[18] Mặc Đỗ, Một Ngày Như Thường Ngày, Gió O. http://www.gio-o.com/Chung/MacDoSanHo2MotNgay.html

[19] http://www.gio-o.com/Chung/NguyenThiHaiHaVoPhien.htm

[20] Procrustes, huyền thoại Hy Lạp, là một người thợ rèn cấu kết với đảng cướp. Hễ khách đi ngang vùng hắn ta ở phải trọ trong khách sạn của hắn và băng đảng lập ra. Để hành hạ du khách, hắn bắt người ta phải nằm cho vừa cái giường sắt do hắn chế tạo. Hễ người khách cao chân dài quá hắn sẽ chặt chân, nếu thấp hắn cho kéo căng người khách cho dài ra. Không ai có thể nằm vừa cái giường của Procrustes vì hắn bí mật làm ra hai cái giường có kích thước khác nhau.

[21] Đinh Linh, phần giới thiệu Tiếng Nói của Linda Lê. Văn, 2003, trang 8.

[22] “I left Vietnam as a child when communist tanks rolled into Saigon and ignominiously ended the Vietnam War for Americans. That was on April 28, 1975. My family fled, among the first wave of refugees. I was 11 years old. I grew up and became an American citizen and a writer and journalist. But I never forgotten Vietnam, and have returned many times to witness my native land emerge from behind the bamboo curtain.” Andrew Lam, The Glow of Vietnam,National Geographic Traveler, Vol. 32, No. 2, April 2015, p. 65, http://travel.nationalgeographic.com/travel/countries/traveler-vietnam-photos/

[23] Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21, http://www.gio-o.com/SachGioOVHTT.html

[24] Lê thị Huệ, Tiếng Dỗi Hờn của Thân Xác, p. 15

[25] id. p. 71

[26] Nguyễn thị Thảo An, Lửa Bạc, Da Màu.

[27] Nguyễn thị Thảo An, Lửa Bạc, Da Màu

[28] Nguyễn thị Thảo An, Lửa Bạc, Da Màu

[29] “only through literature is a genuine return possible for the exile writer. […]In truth, other than slaking the writer’s nostalgia, the writer’s physical return to his native land has little meaning.”

[30] Nhạc Trần Quang Lộc, thơ của A Khuê.

[31] Nguyễn Du, Kiều



Nguyễn thị Hải Hà

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

những giấc mộng bị cắn vỡ


Trần Nguyên Đán







khi thức dậy sáng nay tôi vẫn nghĩ là mình đang sống trong giấc mộng
nhưng giấc mộng ấy đã bị cắn vỡ
bằng hàm răng nhọn của những con sóc
giống như trái thông già dập nát giữa độ nghiền của máy
tôi cố gắng ưỡn người để xuôi theo dòng đời
dòng đời không ngừng trôi

khi thức dậy sáng nay tôi có nghe mưa đổ trong quên lãng
như một sườn đồi nào đó ngoài cuộc sống
lâu lắm rồi không một con thú hoang nào đi qua
không một tiếng thở dài
sự im lặng làm tôi ngồi dậy thảng thốt
tưởng mình vừa qua đời

khi thức dậy sáng nay tôi nghĩ mình có một phần đời khác
không cùng tồn tại với hiện tại
nơi tôi vui thú cùng nỗi đau không bao giờ nguôi
tôi mãi đi tìm mình trong gương soi
và thấy ảo ảnh nhảy nhót cùng các giọt nắng
mà ngay cả chúng cũng không có thật