Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

“Lịch sử không chỉ là những cuộc chiến tranh”




Featured Image: Life Magazine



Vốn là một người chẳng ưa gì môn lịch sử với những bài học về các cuộc chiến nhàm tẻ khô khốc. Và cũng tự nhận là người ưa thích tìm hiểu những kiến thức hay ho mới lạ, tôi thường tìm hiểu khá nhiều về các chủ đề nhưng dường như tìm hiểu về lịch sử là việc chẳng bao giờ tôi muốn nghĩ tới. Xấu hổ hơn, tôi lại có thể để cho giáo dục và truyền thông ngang nhiên nhồi vào óc mình khái niệm về “lịch sử” chỉ là những cuộc chiến tranh và rồi chấp nhận khái niệm thiển cận đó. Không, chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ của lịch sử. Ấy vậy mà xưa giờ tôi hoàn toàn không để ý hay chẳng quan tâm gì cả. Nhưng rồi nghĩ lại, suốt những năm tháng học hành trung học, phổ thông. Tôi được dạy gì về lịch sử chứ? Có gì khác ngoài những cuộc chiến không?

Và cho đến bây giờ, sau nhiều năm học mòn mỏi, thật xấu hổ khi phải thừa nhận, tôi chẳng nhớ một mảy kiến thức nào về những cuộc chiến đó cả. Tuy tôi cũng từng bức xúc về cách mà nền giáo dục Việt Nam dạy môn Sử, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc mong muốn những bài giảng về các cuộc chiến nên sinh động hơn, cuốn hút hơn. Hay có thể nói, tư duy của tôi về bộ môn Lịch Sử chỉ luôn gói gọn trong những cuộc chiến. Thật là một sai lầm nghiêm trọng và khủng khiếp. Cũng nhiều khi, tôi tìm hiểu về sử chiến tranh, về bản chất những cuộc chiến, sau cùng tất cả cảm giác đọng lại trong tôi, chỉ là sự hoài nghi, thất vọng, cảm giác tức giận, bất lực và đau đớn như một kẻ bị cả thế giới dối lừa. Thế rồi tôi không muốn quan tâm tới lịch sử nữa.

Cho tới gần đây, đọc bài phỏng vấn về anh Trần Quang Đức, một nhà nghiên cứu sử học trẻ tuổi. Những chia sẻ của anh, những thông tin và kiến thức mới lạ khiến tôi bừng tỉnh. Và tôi tin, nó cũng có thể thức tỉnh bạn. Những góc nhìn mới, thật ra không mới nhưng giờ chúng ta mới được biết sẽ mang lại niềm hứng thú về chủ đề “lịch sử” vốn khô khan nhàm chán.


“Có nhà nghiên cứu giáo dục ở ta đã nói: Giáo dục Việt Nam không hề lạc hậu, mà là lạc đường. Lạc hậu là đi lùi phía sau và có cơ hội để tiến lên, nhưng lạc đường là đi hẳn sang một con đường khác. Quan trọng là đi đúng đường đã, sau đó chấp nhận lạc hậu, rồi từ từ đi lên.”

Điều này hoàn toàn đúng, đặc biệt trong khía cạnh bộ môn lịch sử.


“Lịch sử là tất cả những sự thật đã diễn ra trong quá khứ, tôi muốn nói rằng lịch sử không chỉ có các cuộc chiến tranh. Xưa nay, sử chiến tranh được chúng ta giảng quá nhiều, vô hình trung lại phản tác dụng, khiến người học mệt mỏi với quá khứ. Học lịch sử không phải chỉ để yêu tổ tiên, để tự hào dân tộc. Lịch sử là những sự thật đã diễn ra trong quá khứ – người ta đã ăn thế nào, ngủ thế nào, mặc thế nào – tất cả đều là lịch sử. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” là nói về sử ăn mặc, sau đó sẽ có sử ẩm thực, sử vệ sinh, sử xe cộ, sử giao thông…

Những lát cắt về đời sống như thế sẽ làm diện mạo lịch sử muôn màu muôn vẻ, cuốn hút người trẻ hơn rất nhiều so với sử giáo điều, sử chiến tranh. Trong lịch sử cũng có những khoảng tối mà người ta cần phải biết. Sở dĩ người Việt như hôm nay bởi có người Việt như quá khứ. Cuộc sống hiện đại luôn bắt rễ từ quá khứ, nhưng cái quá khứ ấy được đẩy đi bao xa thì tùy thuộc vào người nghiên cứu sử. Ví dụ chúng ta ăn bánh trôi bánh chay trong tết Hàn Thực, nếu không đọc được sử liệu hay các nghiên cứu văn hóa, chúng ta chỉ biết đây là “phong tục nghìn đời của người Việt”. Để giải thích về các phong tục tập quán, chúng ta luôn luôn dùng chữ “nghìn đời”.

Nhưng nếu dựa vào các sách, ví dụ sách thời Trần, ta biết rằng tết Hàn Thực thời đó các cụ ăn bánh cuốn. Tới thời Lê trung hưng, người ta bắt đầu viết rằng tết Hàn Thực ăn bánh trôi bánh chay. Nghĩa là chúng ta sẽ có góc nhìn đoạn đại – từng lát cắt của lịch sử đã diễn ra, đã xuất hiện những gì. Và những điều tạo nên bối cảnh của người Việt hôm nay, từng nét văn hoá mà người Việt chia sẻ với nhau hôm nay có những thành phần nào, những thành phần ấy có từ bao giờ, đó là ngoại lai, là du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ hay là của người Việt tạo ra… tất cả sẽ là những lý giải về đời sống, và về tư duy.”

Đúng thế, lịch sử tạo nên phong tục, tạo nên văn hóa, và văn hóa chính là thứ chi phối cuộc sống chúng ta đến ngày nay. Sẽ tốt biết bao nếu chúng ta được học về nguồn gốc những nét văn hóa, những tập quán và lối sống. Thay vì chỉ nhìn vào những ánh hào quang cũ kĩ mốc meo của các cuộc chiến. Lịch sử nên là thứ giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, để từ đó hiểu hơn về hiện tại rồi từng bước xây dựng tương lai. Lịch sử không nên chỉ là những cuộc chiến khô khan với toàn những số liệu súng ống người chết như cách ta vẫn làm. Chính lịch sử phải là thứ để chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống từ đó thay đổi cách hành xử cho thích hợp. Lịch sử phải là thứ chân thực giảng giải cho người ta hiểu nguồn gốc của mọi vấn đề.

Tại sao khi học môn lịch sử chúng ta không được dạy những thứ thế này:


“Nguồn gốc của trào lưu phân biệt vùng miền, tiêu biểu ở hiện tại là trào lưu ghét dân Thanh Hoá, nhưng dân Thanh Hoá bị ghét từ khi nào? Vấn đề kỳ thị vùng miền có từ rất lâu rồi, từ thời Bắc thuộc đã có sự không hoà hợp giữa vùng Thanh Nghệ và vùng Thăng Long. Ở thời Lê, dân Thanh Hoá có sự tự cao nhất định, bởi vua Lê chúa Trịnh đều là người Thanh Hoá, họ coi họ là trung tâm. “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” là nói về thời đó. Lúc ấy, Huế lại là vùng Đàng Trong, có nhiều nét văn hóa, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của Chăm. Quan nhà Mạc Dương Văn An đã viết trong “Ô Châu cận lục” rằng: Thói tục của dân Huế rất thô bỉ, quê kệch. Như vậy, dân Huế từng bị coi là thấp kém về mặt văn minh.

Khi nhà Nguyễn thống nhất toàn bộ đất nước và bắt đầu giải quyết vấn đề vùng miền, Huế lại tự hào là đất kinh kỳ.Vậy nên không nên xem kỳ thị vùng miền là đúng hay sai, mà phải quan sát sự thay đổi tư duy của con người.

Đến thời hiện đại, dân Hà Nội lại tự hào mình là Thăng Long kinh kỳ, vì đây là trung tâm chính trị. Tóm lại, kinh tế và chính trị sẽ quyết định văn hoá. Kỳ thị vùng miền được quyết định bởi tư duy chính trị và văn hoá. Ở đâu lòng tự hào về bản thân quá cao sẽ dẫn đến xem thường những vùng miền khác, và khi anh quá xem thường các vùng khác, anh sẽ bị ghét là lẽ đương nhiên. Ta hiểu quá khứ sẽ hiểu được thời hiện tại. Ta sống như thế nào, nghĩ như thế nào trong hiện tại đều có nguyên nhân sâu xa từ quá khứ.”

“Lúc nào ta cũng nói chuyện yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử lúc nào cũng coi Việt Nam luôn là chính nghĩa, lúc nào cũng thấy người Việt là dân tộc bị hại… nhưng bản chất ở phía sau tất cả luôn là một câu chuyện cồng kềnh.

Người ta cực đoan bài xích chữ Hán Nôm trong chùa, nhưng Hán không chỉ là Hán, Việt không chỉ là Việt, mà có sự hỗn dung về văn hoá và nguồn gốc. Không có dân tộc hay đất nước nào thuần chủng ở đây cả. Đây là vấn đề của Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia từng sử dụng chữ Hán. Dân trí cao nên Nhật Bản không bao giờ tranh cãi rằng cái này của tao hay của mày, mà họ thừa nhận luôn rằng cái này tôi học của Tàu, cái này tôi học của Tây… và tôi tạo nên thứ của riêng tôi. Ở Việt Nam có sự thay đổi về tư duy chính trị (thời điểm sau 1979 và gần đây là vấn đề biển đảo Trường Sa – Hoàng Sa), cái nhìn về chữ Nôm, chữ Hán cực kỳ lệch lạc và cực đoan. Thêm nữa, dân trí của Việt Nam thấp, kinh tế kém phát triển. Vì dân trí thấp nên càng dễ sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cứ nghĩ cái gì của mình cũng là nhất, và giờ thì có thêm tinh thần bài Hoa, đặc biệt ở lĩnh vực văn hoá. Ở Việt Nam, vì không hiểu biết thấu đáo nên có nhiều người bài xích cực đoan, không có cái nhìn bao dung, khách quan đối với quá khứ. Đó là những thứ, xét về mặt tiến bộ, không phải là lạc hậu, mà là lệch lạc, gần nhất là lấy văn hóa đem so với Hàn Quốc và Nhật Bản.”

Văn hóa chính là lịch sử. Văn hóa là thứ được con người tạo ra, mỗi thời mỗi khác, người ta kế thừa nó, phát huy nó, bảo tồn hoặc sáng tạo nó. Văn hóa là thứ có thể thay đổi chứ không phải là bất di bất dịch. Tiêu biểu là mỗi triều đại phong kiến khác nhau lại ban hành những luật lệ, tập tục và những quan niệm văn hóa khác nhau.


“Không giống với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tất cả văn hóa Việt là bất biến, mà ngược lại, văn hóa có sự khác biệt trong mỗi thời kỳ, mỗi triều đại.

Theo đó, không phải thời đại nào văn hóa Việt cũng là một thứ chung nhất, một thứ đơn nhất. Có những cái văn hóa mà Lý có Trần có mà đến Lê mất, có những văn hóa mà Lê có nhưng Nguyễn mất. Đơn cử như nói tới khăn xếp áo the là trang phục truyền thống lâu đời nhưng đó chỉ là sản phẩm của nhà Nguyễn, tới thời nhà Lê thì không mặc như vậy nữa. Nhà Lê mặc trang phục kiểu khác, nếu chỉ nhìn cái khác đi này mà mọi người quy kết đó không phải là truyền thống là không đúng. Hiện tại văn hóa của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều nhất các nét văn hóa của thời Nguyễn. Nhờ lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy văn hóa đương đại vốn là tập hợp những nét văn hóa du nhập từ các nước xung quanh, sau đó được nhân dân làm mới lại cho thích hợp và lưu truyền. Nó không phải là một vật vô tri giữ nguyên hiện trạng năm này qua năm khác”. Nếu biết được điều đó, liệu người ta có còn sửng cồ lên với những người bị cho là “sính ngoại” hay “học đòi tư tưởng ngoại lai?

Nhiều nét văn hóa đã thay đổi nhưng có một nét dường như qua bao nhiêu năm tháng vẫn không thay đổi: “Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất phát từ làng, văn hóa làng xã là cái rất riêng chỉ Việt Nam với có.”

Tự nhiên tôi chợt nghĩ, liệu có phải vì bị tác động bởi nét văn hóa làng xã này mà tư duy của chúng ta luôn bị bó hẹp, luôn chỉ suy nghĩ trong phạm vi nhỏ bé, khó tìm ra những hướng đi đột phá và mọi suy nghĩ đều phần lớn mang tính “ao làng”?

Hơn nữa, xuyên suốt những cuốn sách sử, chúng ta luôn được dạy rằng Việt Nam là nước nhỏ bé, yếu thế, luôn bị nhòm ngó và xâm lăng, bị chèn ép và xem thường. Nói cách khác, Việt Nam thật đáng thương và yếu ớt. Vậy nên trong xu hướng tự hào dân tộc, khi thế giới tự hào về những thành tựu, phát minh, những thứ thuộc thì hiện tại và tương lai. Thì lịch sử lại dạy cho chúng ta rằng Việt Nam dường như chỉ có hai điều tự hào duy nhất “những chiến thắng vẻ vang” và “nguồn tài nguyên vô tận”. Chính điều này đã làm cho lịch sử trở nên sai lệch và hình thành thói quen chỉ thích ngồi mát ăn bát vàng, không hề có tinh thần phấn đấu hay suy nghĩ buộc bản thân phải thoát khỏi những gọng kìm kềm hãm cả nền kinh tế, chính trị lẫn đời sống?

Niềm tự hào những chiến thắng vẻ vang không chỉ được dạy trong sách sử, nó còn được biểu hiện một cách đồng bộ và nhất quán từ các ngày lễ lớn cho tới những băng rôn áp phích và tên những con đường. Từ đó càng làm tăng lòng tự hào dân tộc của chúng ta. Càng tự hào bao nhiêu ta lại càng nói về nó nhiều bấy nhiêu và cho phép bản thân quên sạch sanh những sự thật về lịch sử khác. Những chính sách sai lầm, sự vô nghĩa của các cuộc chiến, những sự thật hay mặt tối của chúng hoàn toàn không được ta nhắc đến. Ta không thể nào biết để mà cảm thông với những người dân chết oan trong những “cải cách ruộng đất”, ta không thể nào biết được sự khổ cực và ai oán của những bà mẹ anh hùng, những gia đình tan nát vì chiến tranh, ta không hiểu thấu nỗi đau cùng cực của những nạn nhân gián tiếp từ các cuộc chiến, những thương binh liệt sĩ, những em bé nhiễm chất độc da cam, những bà mẹ dựng bàn thờ tất cả đàn con của mình…

Tại sao ta không được dạy nhiều hơn những điều đó, để yêu thêm đất nước, yêu thêm con người, để tâm hồn biết rung động, đồng cảm và căm thù chiến tranh. Làm sao người ta biết căm thù chiến tranh khi chúng ta dùng nó để tự hào? Và tại sao nước ngoài xâm lược nước ta thì gọi là xâm lược, còn nước ta xâm lược nước khác thì lại gọi là “mở mang bờ cõi”? Điều này có công bằng không? Lịch sử mà không công bằng hay không chuẩn xác thì còn nghĩa lý gì?

Lịch sử dạy chúng ta phải cảm ơn, phải tôn thờ, phải đời đời nhớ ơn những người người xa lạ: Các-Mác, Lê Nin. Lịch sử muốn chúng ta phải biết ơn chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy tại sao lịch sử không dạy ta về bản chất của các loại chế độ trên toàn thế giới để mà phân biệt và nhận định cho đúng về các ưu điểm, nhược điểm. Tại sao lịch sử không giải thích tại sao XHCN tốt đẹp thế mà lại bị sụp đổ, bị các nước khác xem thường và ghét bỏ? Nói chung, theo tôi, bộ môn lịch sử đang giấu diếm và đánh lạc hướng chúng ta quá nhiều. Làm sao có thể đạt được mục tiêu nâng cao dân trí khi mà mọi sự thật được giấu đi và thay thế? Làm sao để mà người ta quyết tâm xây dựng đất nước khi cứ nói oang oang rằng đất nước ta tài nguyên bao la không làm cũng có ăn?

Tự hào về quá khứ không có gì là xấu, nhưng nó là việc không cần thiết lắm trong việc xây dựng và phát triển đất nước ngay từ hiện tại cho đến tương lai. Tiếc thay, bộ môn lịch sử vô vùng thú vị và cần thiết như thế lại đang đi sai đường. Bị chính nền giáo dục làm cho nhàm chán và trở nên chẳng ý nghĩa gì với tuổi trẻ nói chung và cả đất nước nói riêng.

Lịch sử hẳn sẽ thú vị hơn nhiều nếu người ta biết được nguồn gốc của những việc đơn giản và nhỏ bé nhất. Như nguồn gốc cách đặt tên đệm “Văn” và “Thị” trong tên của người Việt. Rằng từ Thị tiếng Hán bao hàm nghĩa chỉ phái nữ nói chung, từ này ban đầu chỉ được dùng cho những người phụ nữ đã trưởng thành, nhưng sau đó nghĩa của từ Thị dần mất đi, người ta dùng nó để đặt tên cho phần lớn các bé gái với nghĩa “đó là con gái”. Tương tự với chữ “Văn” Bốn giai cấp trong xã hội cổ truyền là sĩ, nông, công, thương. Giai cấp sĩ là giai cấp cao nhất, được kính trọng hơn cả. Ðiều kiện cần thiết để bước vào giai cấp này là văn, hiểu một cách rộng rãi là phải có văn chương chữ nghĩa.

Do điều kiện này mà các bậc cha mẹ mong ước cho con có văn chương chữ nghĩa để bước vào giai cấp trên. Ước vọng này thể hiện qua việc đặt chữ văn trong thành phần tên của con. Chữ văn trở nên thông dụng đến độ làm ý nghĩa của nó trở nên mập mờ và lạm dụng. Người ta sinh con trai và đặt cho nó chữ văn với mong ước như thế. Nhưng về sau chữ văn chỉ được dùng đơn thuần với nghĩa “nó là nam”. Có một cách giải thích khác khá hài hước, theo lời ông Nguyễn Ngọc Ngạn “Thị là mắt, người ta đặt cho con gái với nghĩa hàm ẩn sự nhắc nhở, rằng con trai yêu bằng mắt nên con gái phải luôn nhớ điều đó để làm đẹp cho bản thân mình. Còn Văn, nghĩa là văn chương, ý nhắc phái nam rằng phụ nữ yêu bằng tai, thích những lời hoa mỹ, để từ đó cẩn trọng trong cách dùng ngôn ngữ chinh phục phái đẹp…”

Hoặc như lịch sử, thổ nhưỡng địa hình các vùng miền đã hình thành nên tính cách con người vùng đó ra sao. Người miền Trung đất đai khô cằn lại hay phải gánh chịu các loại thiên tai. Nên về cơ bản tính cách của họ thường cần cù, chịu khó, tiết kiệm và chắt bóp. Ngược lại, người miền Tây với đất đai màu mỡ, sản vật trù phú xung quanh chẳng mấy khi phải lo thiếu ăn nên tính tình thường phóng khoáng, vô lo… Chính những điều này đã tạo nên văn hóa và bản sắc mỗi vùng miền. Đó cũng chính là lịch sử – sử văn hóa.

Lịch sử cũng nên dạy cho tuổi trẻ Việt Nam những điều thật sự đáng được tự hào, như việc Việt Nam (Cộng Hòa) đã từng phát triển rực rỡ như thế nào về kinh tế và văn hóa. Rằng chúng ta đã có thể sản xuất ra chiếc xe hơi made in Việt Nam đầu tiên từ hơn 40 năm trước mang tên La Dalat, nó là chiếc xe hơi dân dụng đầu tiên được lắp ráp, mang thương hiệu và sản xuất hàng loạt ở Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Vào thời điểm đó, sáng lập viên của hãng xe Hyundai mới chỉ là tiểu thương tại Hàn Quốc mà thôi, nghĩa là họ còn đi sau chúng ta nữa. Nhưng giờ hãy nhìn lại xem. Ta đang theo sau họ hàng chục năm hay hàng trăm năm trong khi hiện tại một con ốc chúng ta cũng không đủ trình độ sản xuất?

Nếu xét theo sự phát triển và tiến hóa, có phải chúng ta đang đi thụt lùi? Hay có những giai đoạn, nền kinh tế Việt Nam (Cộng Hòa) vượt xa những nước trong khu vực như Đài Loan, Singapo, Hàn Quốc. Hay như trước 1975, có 11 dàn máy tính IBM 360 hiện đại đã được đưa về Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Giáo Dục. Lúc đó, toàn vùng Đông Nam Á chỉ có Singapore sắm được vỏn vẹn… 1 chiếc máy tương tự. Những chính sách tiến bộ trong giáo dục vốn cũng đã tồn tại từ lâu, như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh đi học không hề mất tiền học phí. Và đặc biệt từ thời đó, nguyên tắc căn bản trong nền giáo dục của chúng ta là:


“Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.”

Đây là những triết lý vô cùng tiến bộ cấp tiến, không chỉ với thời xưa mà cả với thời nay. Chúng ta cần phải biết về nó khi học lịch sử nước nhà. Nhưng lịch sử lại ém nó đi để bao che cho những lời nói dối khổng lồ. Những thông tin này nếu muốn biết chúng ta buộc chỉ có thể thu nạp được từ những trang không chính thống. Vậy những con người u mê với lòng tự hào dân tộc hẹp hòi và thiển cận, họ có biết để mà tự hào không? Lòng tự hào dân tộc của họ có đi đúng đường được không khi tất cả đều bị dắt mũi bởi sách giáo khoa và truyền thông truyền thống?

Nhắc đến lịch sử, từ trẻ con cho đến người già, chúng ta đều thuộc nằm lòng cụm từ “lịch sử hào hùng”. Nghĩa là, những cuộc chiến hào hùng vẻ vang. Nghĩa là, lịch sử là một thứ đẹp tuyệt vời phát ra hào quang lấp lánh che mờ mắt người dân khỏi mọi sự thật đau lòng hay hấp dẫn khác. Chúng ta chẳng cần một lịch sử hào hùng, chúng ta cần một cái nhìn khác, một cách đánh giá khác về tầm quan trọng cũng như sự thành thật về lịch sử, về những việc, những sự kiện thật sự diễn ra trong quá khứ. Hơn gấp ngàn lần những con số súng ống và thương vong.

Đây mới là về Sử Việt Nam, đáng lẽ chúng ta còn nên được dạy thềm nhiều về Sử thế giới nữa, nếu muốn hiểu biết và hội nhập. Cũng như vô vàn thứ hay ho ảnh hướng đến đời sống mà ta cần biết, nên biết và phải biết, tất nhiên, bao gồm cả các cuộc chiến. Nhưng các cuộc chiến chỉ nên chiếm một phần thật nhỏ trong bộ môn lịch sử mà thôi.

Ôi trời, lịch sử quả là bao la, hấp dẫn và lôi cuốn. Ấy vậy mà người ta lờ nó đi, giấu nhẹm nó đi, cuộn nó lại và gói trong một cái vỏ bọc chiến tranh nhàm chán. Tôi không cam lòng.

Xin kết bài bằng đoạn phỏng vấn này của anh Trần Quang Đức: “Để có thể trở thành một dân tộc lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những bài học rất nhỏ. Mỗi người Việt hãy tự thay đổi mình từ một cách nhìn, cách nghĩ, một thái độ ứng xử. Đó chắc chắn không phải thái độ mặc cảm, tự ti, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, dễ bị kích động. Đó phải là năng lực tri nhận, gạt bỏ những điều cổ hủ, lỗi thời. Đó là thái độ trân trọng, biết đón nhận, tiếp thu tất cả những giá trị cao đẹp của mọi nền văn hoá, trong đó có văn hoá Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là tinh thần, khát vọng trở thành một dân tộc lớn, tự cường.”

Việc đầu tiên nếu bạn muốn xây dựng đất nước, có lẽ tìm hiểu về lịch sử, theo cách nhìn khách quan nhất, là một điều nên làm. Sẽ có hai con đường có thể xảy ra khi bạn tìm hiểu sâu vào lịch sử. Một, tất nhiên đó sẽ là một thế giới đầy những điều thi vị, hấp dẫn và lôi cuốn, giúp bạn thêm yêu mến đất nước, thêm niềm tự hào và giải thích được những hiện tượng văn hóa đương đại để từ đó có cách đánh giá khách quan và chính xác hơn. Hai, sẽ có nhiều điều khiến bạn bất ngờ, thậm chí thất vọng và hoang mang. Đừng sợ hãi, lịch sử chỉ là quá khứ thôi, thứ chúng ta cần phải lo lắng và quan tâm, chính là hiện tại này.



Phi Tuyết

Đứng Trên Đỉnh Núi


Hoàng Hữu Phước





Khi có tin tôi tự ra ứng cử Quốc hội năm 2011 và đắc cử (tiếng Việt sau 1975 gọi là “trúng cử”), Tổng Giám Đốc của Công ty Win-Win có viết một bài chúc mừng tôi trên trang mạng Emotino.com, nói rằng tôi “đứng trên đỉnh núi”. Người khác mà đọc bài ấy rất có thể cho rằng vị CEO ấy ám chỉ tôi đã trở thành thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ khác. Sự sâu sắc về ý nghĩa của việcđứng trên đỉnh núi hàm chứa ẩn ý của sự cô đơn đối mặt với cuồng phong lạnh giá quất rát mặt thịt da, ánh nắng gắt gay uốn xoắn cong queo từng lọn tóc, chân trần rách toát trên đá sắc trợt phủ rêu phong, lòng bỏ lại sau lưng những gì còn dang dở dưới triền núi thấp. Tất nhiên, đó chỉ là điều tôi nghĩ đến trong lúc thư nhàn, chứ thật tình thì ngay khi đọc nhóm từ đứng trên đỉnh núi, tôi chỉ nhớ đến Không Lộ Thiền Sư và đã viết ngay bài sau để đăng lên Emotino với cảm hứng thơ ca kính đáp tặng người đã có lòng tốt chúc mừng:
*********




Có hai hình ảnh “đứng trên đỉnh núi” đã để lại trong tôi hai cảm nhận đối nghịch nhau: một tích cực, và một ở về phía ngược lại.

Với Không Lộ Thiền Sư, đứng trên đỉnh núi hét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời, lại là một lời hùng tráng, thâm thúy, ung dung tự tại, trong bài kệ Ngôn Hoài:

Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thướng cô phong đảnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Bản dịch của Thục Điểu Ngô Tất Tố:

Lựa nơi rồng rắn đất ưa người,
Cả buổi tình quê những mảng vui.
Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm,
Một hơi sáo miệng, lạnh bầu trời.

Bản dịch của Lăng Tần Hoàng Hữu Phước:

Địa rắn thế rồng cuộc bình an
Thiên nhiên tận hưởng thú thế gian.
Đỉnh núi xông pha mình cô lẻ,
Thét vang trời đất hóa băng hàn


Còn với một nhà sư khác tại Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm trước ông đã hào hứng kể tôi nghe kế hoạch vĩ đại của ông đối với ngôi chùa ông đang trụ trì, và tổng chi phí khổng lồ dự kiến dành cho dự án kiến trúc đồ sộ ấy. Ông nói rằng sẽ cho phá chùa và xây lại theo bản vẽ ông chìa ra cho tôi xem, đó là một kiến trúc kỳ quái giống núi non hiểm trở. Ông nói ông sẽ mỗi ngày lên đứng trên đỉnh núi đó – tức tầng cao nhất của chùa – và sẽ thành một vị tiên, đơn giản vì núi là sơn, người là nhân, mà theo chữ Hán thì chữ nhân viết đè phía trên chữ sơn thành chữ tiên. Tôi ngậm ngùi ra về, không quay lại hào phóng tài trợ cho công trình thần tiên ấy. Sau đó vài năm, khi trở lại tôi thấy ngôi chùa giản dị thanh thoát ngày xưa đã thành một kiến trúc kỳ quái với đầy núi non xám xịt xi măng bê tông cốt thép, lắm hang động xịt xám cốt thép bê tông, lởm chởm thạch nhủ, nhiều tượng thần tiên và linh thú to lớn bằng cốt sắt xi măng sơn nhiều màu sắc rực rỡ chói chang đồng bóng như các cánh buồm của những con thuyền nơi Thung Lũng Tình Yêu hay Hồ Than Thở ở Đà Lạt, lối đi chật chội tối đen, ẩm ướt, ẩm thấp, bốc mùi ẩm mốc, v.v. Tôi băn khoăn không rõ nhân là người, nhânkhông phải là nhà sư, và người tu hành ắt phải ở cấp vượt lên cao hơn người, thì liệunhà sư đứng trên đỉnh núi hoặc cái người-cao-hơn-người mà đứng trên núi, thì có được thành tiên chăng, hay lại thành cái gì khác, chẳng hạn như đại tiên ngang hàng với Thiên Sứ Tổng Quản Thiên Thần, tức cái vị cưỡi ngựa đâm trường thương vào quái thú rồng trong các bức tranh của các họa sĩ tài danh tôn giáo thời Phục Hưng, hay là ngang hàng với thiên thần ác quỷ gọi tắt là thiên quỷ hay ác thần giống trong phimLegion từng được chiếu tại các cinema hoành tráng ở Việt Nam năm 2010? Song, ắt vị sư trụ trì đã toại nguyện vì ông đã có sơn và ắt hài lòng tin tưởng rằng mình đã thànhtiên theo chiết tự chữ Hán của ông, một vị sư trụ trì chùa thờ cả trăm vị Phật, La Hán, thần tiên, linh thú rồng rùa phượng hạc; hoặc đã thành đại tiên theo lý sự Hán-Việt của tôi, một Phật tử tu tại gia chỉ thờ mỗi một Phật Bà Quan Âm (do yêu kính sự xăng xái luôn đứng để sẵn sàng chạy đi cứu người chứ không ngồi yên nhắm mắt thiền ung dung hoặc cười khoái trá toét toe như các Phật Ông) và ghét đến chùa chiền.


Tôi không sao có được cái thần khí đứng trên đỉnh núi của Không Lộ Thiền Sư, và cũng không màng đến cái tham vọng đứng trên đỉnh núi để thành bậc thần tiên như vị sư trụ trì nọ. Song, tôi hiểu rằng cuộc đời như con đường khúc khuỷu gập ghềnh mà mỗi người đều nên cố gắng dấn thân, tiến bước, không chỉ để chứng minh bản thân đã từng một lần tồn tại trên đời mà còn vì bổn phận đối với xã hội, nhân quần; và rằng sẽ không có đỉnh cao nào để mỗi người ngừng lại đứng trên đỉnh núi, mà chỉ có những bờ dốc bên này để người ta cố gắng rướn lên, cùng những sườn thoai thoải phía bên kia để người ta nỗ lực ghìm chậm lại bước chân trước khi ra sức rướn lên dốc đồi khác ở khúc quanh trùng điệp kế tiếp.



Cuộc sống là tiến trình nổ lực không ngừng nghỉ, và hiểu biết được điều đơn giản này chính là niềm hạnh phúc lớn lao miên viễn vậy.




Nam Mô A-di-đà Phật.


Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Pháp danh An Thiện, Bút hiệu Lăng Tần

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

NHÃN HIỆU



Tâm vọng tưởng—quan điểm sai lầm chấp chặt vào cái tôi là không đơn thuần chỉ do tâm áp đặt, là tồn tại theo khía cạnh riêng của nó; cho rằng có một cái gì đó đích thực hiện hữu—là nguồn gốc của tất cả vọng tưởng, nghiệp và khổ đau.

Tâm si mê này, vô minh (không sáng suốt), là cội nguồn của khổ đau. Tâm vọng tưởng này—quan điểm sai lầm tin tưởng rằng cái tôi đích thực tồn tại, nhận thức hoàn toàn bất minh—là khổ đau nghiêm trọng nhất. Đây là căn bản vô minh mà chúng ta cần phải đoạn trừ để thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của nó.

Chúng ta tin rằng có một cái tôi, một bản ngã thực sự trong con người mình. Tuy nhiến, nếu quan sát kỉ, nếu phân tích diện mạo của cái tôi ấy thực sự có tồn tại hay không trong cơ thể hoặc năm uẩn của mình, thì bạn không thể tìm thấy nó. Nếu không phân tích, thì có vẽ như nó tồn tại, nhưng nếu phân tích kỉ, thì bạn khám phá ra rằng nó không tồn tại. Đây là những gì trí tuệ của bạn khám phá. Khi không phân tích và suy ngẫm kỉ lưỡng, khi không nhận thức rõ bản chất tuyệt đối—tánh không của cái tôi, bản chất tuyệt dối của tự ngã—thì dường như có một cái tôi đích thực tồn tại trong có thể hoặc trong thân tâm năm uẩn của bạn. Khi dùng trí tuệ để tìm hiểu, bạn khám phá ra rằng cái tôi xuất hiện đích thực ấy hoàn toàn không tồn tại. Nó không hiện hữu ở bất cứ nơi nào. Sự trống rỗng của cái tôi thực sự đó chính là tánh không hoặc thực tướng, bản chất của tự ngã. Đó là thực tại của tự ngã. Đó là cái tôi đích thực. Nó là trống rỗng—sự trống rỗng của cái tôi đích thực hiện hữu—và đơn thuần chỉ là tên gọi. Lý do duy nhất để cái tôi tồn tại là bởi vì sự tồn tại của nền tảng vững chắc, các uẩn. Năm uẩn—sắc, thọ, tưởng, hành và thức—là cơ sở vững chắc để gán ghép cái tôi, do đó, cái tôi mới tồn tại. Ví dụ, một đứa bé chào đời và cha mẹ của nó đặt cho một cái tên, nhãn hiệu. Trước tiên, đứa bé ấy, sự kết hợp của thân tâm, được thể hiện; sau đó, được gắn nhãn hiệu (tên gọi). Vì thế, phụ thuộc vào điều cơ bản (năm uẩn), chẳng hạn cha mẹ gọi đứa bé ấy là Richard. Trước hết, điều cơ bẩn đó xuất hiện, kế tiếp tên gọi (nhãn hiệu) được gắn vào. Điều cơ bản đó không phải là một cái gì đi liền với nhãn hiệu, “Richard”. Nếu vốn đi liền nhau, thì ngay khi điều cơ bản xuất hiện nó đã có tên gọi “Richard”. Tuy nhiến, hai lãnh vực này có sự khác biệt, Đứa bé—sự kết hợp của thân tâm, các uẩn—và nhãn hiệu—tên gọi “Richard—là không tách rời, nhưng chúng có sự khác biệt nhau. Tương tự, điều cơ bản của chúng ta—sựu kết hợp của thân tâm, các uẩn—không phải được gắn nhãn hiệu cũng lúc với “cái tôi”. Cơ bản ấy và nhãn hiệu không tồn tại riêng biệt, nhưng chúng tồn tại khác biệt. Định nghĩa tại sao Richard tồn tại là bởi vì sự kết hợp của thân tâm—cơ bản có thể nhận lấy nhãn hiệu “Richard”—tồn tại. Richard tồn tại bởi vì cơ bản của nó tồn tại. Đó là lý do chính yếu. Tương tự, lý do duy nhất mà cái tôi tồn tại là bởi vì cơ bản, sự kết hợp của thân tâm, tồn tại—nền tảng vững chắc có thể tiếp nhận nhãn hiệu “cái tôi”, do đó, tự ngã tồn tại.

Tuy nhiên, tâm vọng tưởng của chúng ta không thấy rõ điều này. Đối với chúng ta, nó xuất hiện như thể cái tôi tồn tại từ khí cạnh của các uẩn, dường như có một “cái tôi” thực sự. Bằng cách phân tích diện mạo này và niềm tin của mình đối với nó, bạn có thể khám phá ra rằng những gì mình thấy và tin tưởng đều là ảo giác. Cái tôi thực sự xuất hiện từ đó hoàn toàn không tồn tại. Không có một yếu tố nào của tự ngã thực sự. Trên thực tế, nó không tồn tại, nhưng nếu không nhận thức và hiểu rõ điều này mà cứ tin tưởng ảo giác đó là có thực, khẳng định một trăm phần trăm cái tôi xuất hiện là thực chất của nó, thì bạn bị trở ngại trong việc nhận thức rõ bản chất tuyệt đối, trống rỗng của cái tôi. Cái tôi tồn tại, việc kinh qua hạnh phúc và khổ đau, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn và ngủ không gì khác hơn là do tâm áp đặt. Tuy nhiên, mặc dù đó chỉ đơn thuần ápb đặt cái tôi tồn tại, nhưng nếu tìm hiểu kỉ nó dựa trên các uẩn, trên căn bản, thì bạn không thể tìm thấy nó bất cứ nơi đâu, từ những cộng tóc cho đến các đầu ngón chân của mình. Không có vấn đề gì mà chỉ đơn thuần là áp đặt cái tôi tồn tại. Đích thực là bạn không thể tìm thấy nó trên cơ bản, các uẩn của mình.

Cái tôi xuất hiện trong thân hoặc trong các uẩn của bạn dường như không chỉ đơn thuần do tâm áp đặt—dường như nó không có mối liên hệ gì với tâm, như thể có một cái tôi thực sự tồn tại chưa bao giờ bắt nguồn từ tâm của bạn, mà tồn tại từ khía cạnh riêng của chính nó—là cái tôi không tồn tại. Không phải ở trong thân cũng không phải ở trong các uẩn của bạn hay bất cứ nơi nào khác—cái tôi không tồn tại bất cứ nơi nào. Đây là thực tại. Sự vắng bóng của cái tôi như vậy, tánh không, là bản chất tối hậu của cái tôi.

Tâm vọng tưởng—quan điểm sai lầm chấp chặt vào cái tôi là không đơn thuần chỉ do tâm áp đặt, là tồn tại theo khía cạnh riêng của nó; cho rằng có một cái gì đó đích thực hiện hữu—là nguồn gốc của tất cả vọng tưởng, nghiệp và khổ đau. Tâm si mê này, vô minh (không sáng suốt), là cội nguồn của khổ đau. Tâm vọng tưởng này—quan điểm sai lầm tin tưởng rằng cái tôi đích thực tồn tại, nhận thức hoàn toàn bất minh—là khổ đau nghiêm trọng nhất. Đây là căn bản vô minh mà chúng ta cần phải đoạn trừ để thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của nó.

Cách duy nhất để thực hiện điều này là phải nhận thức rõ tánh không. Trí tuệ nhận thức tánh không của cái tôi là giải phát tối ưu, là phương thuốc trị liệu trực tiếp duy nhất đối với quan điểm sai lầm này. Bằng cách phát huy trí tuệ, chúng ta có thể loại trừ tất cả vô minh, thoát khỏi khổ đau, và bằng cách biểu lộ sự thực đến với những người khác, thì cũng như bạn giải thoát vô số chúng sanh khác.

ĐPNN

Chu xứ trừ tam quái




Nhân chi sơ, Tính bản thiện,
Tính tương cận, Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên.

Tạm dịch:


Con người mới sinh ra, bản tính vốn hiền lành,
Tính ban sơ giống nhau, thói quen dần khác xa.
Nếu chẳng được giáo dục, bản tính sẽ đổi dời,
Đường lối để giáo dục, quý ở sự chuyên cần.




Ngày xưa, vào triều Tấn ở Trung Quốc, ở một làng nhỏ của Nghĩa Hưng, có một người thanh niên tên gọi là Chu Xứ. Cha mẹ đều qua đời sớm khi cậu còn nhỏ. Cậu lớn lên khỏe mạnh và dũng cảm, nhưng vì cậu ta không được giáo dục và chăm sóc tốt, cậu ta thường đánh nhau với người khác và gây nhiều phiền phức trong làng. Ngày thành tuần, tuần thành tháng, tháng thành năm, những rắc rối mà Chu Xứ [gây ra] trở nên càng tồi tệ. Giống như một quái vật, cậu ta bị xa lánh bởi tất cả những người trong làng.

Một ngày nọ khi anh ta đi tản bộ xuống phố, anh thấy một đám đông đang nói chuyện một cách nghiêm trọng về việc gì đó. Tò mò, anh ta ghé lại gần. Nhưng đám đông tản đi khi thấy anh ta đến gần. Cảm thấy một chút bực mình, anh ta tóm lấy một người già và hỏi, ” Mọi người đang nói về điều gì?” Ông già trả lời trong sự sợ hãi, “Làng này đang bị tấn công bởi 3 con quái vật. Một là con hổ ở Nam Sơn. Một con khác là giao long ở Trường Kiều Hà. Chúng giết rất nhiều người…”. Không đợi người đàn ông già nói xong, Chu Xứ hét to lên, “Là hổ hay giao long, chúng ta không có gỉ phải sợ. Tôi sẽ giết những quái vật này trong tức khắc.” Liền lập tức sau khi lập lời thề, anh ta bắt đầu thực hiện phận sự.

Khi anh ta đến Nam Sơn, Chu Xứ tìm hổ khắp nơi trên núi. Sau một hồi tìm kiếm lâu dài, cuối cùng anh ta đã tìm được dấu vết của con vật hung ác. Nhưng sự vui mừng kéo dài không lâu, con hổ đã ẩn trong bóng cây và nhảy qua đầu anh ta với những chiếc răng bén như dao cạo. Nhưng trước khi con hổ kịp có cơ hội đáp xuống đất, trong nháy mắt, Chu Xứ đã quay lại, nhảy lên trên lưng hổ. Với tất cả sức mạnh của mình, Chu Xứ đã nắm nhanh được đầu con hổ và đập nó vào tảng đá sắt bén, cho đến khi nó chết. Trước khi Chu Xứ kịp lấy lại hơi, anh ta bắt đầu đi đến Trường Kiều Hà. May mắn thay, anh ta không phải mất thời gian lâu để tìm con giao long độc ác. Anh thấy giao long đang tắm nắng trên hòn đảo giữa sông. Chu Xứ âm thầm bơi ra đảo, bò đến sau con thú, và chụp lấy cổ nó mà làm cho nghẹt thở. Nhưng giao long thì khỏe hơn cọp và ném Chu Xứ vào cái cây. Chu Xứ không để yên và rít lên, “ta sẽ không để yên cho cổ ngươi cho đến khi ngươi ngừng thở!”. Không kể là nó đã chiến đấu thế nào, con giao long không thể thoát khỏi sự kiềm chặt của Chu Xứ. Sau 3 ngày 3 đêm cuối cùng con thú đã chết. Kiệt sức, Chu Xứ lăn ra ngủ và không tỉnh dậy liền trong 2 ngày 2 đêm.

Những lời bàn tán nhanh chóng truyền đi trong làng rằng Chu Xứ đã giết được các quái vật và chết sau khi kiệt sức. Họ tổ chức linh đình trong 3 ngày 3 đêm, và cuối buổi lễ tất cả đều hát hân hoan, “3 con quái vật đã chết, 3 con quái vật đã chết. Hoan hô, hoan hô, hoan hô!”. Khi những người làng đang hát, Chu Xứ trở về nhà. Chỉ khi đó anh ta mới nhận ra rằng những người trong làng xem anh như quái vật thứ ba.

Chu Xứ cảm thấy xấu hổ vô cùng và nguyện sẽ cải tà quy chính. Anh ta muốn thay đổi và trở thành một người tử tế. Anh nhờ một người thầy giỏi là Lục Vân để dạy anh, và sau đó, Chu Xứ hiến dâng cả đời để học. Cuối cùng anh ta đã trở thành một vị quan có vị trí cao và phục vụ mọi người một cách trung thành.

Cái tôi thời nay




Hiện nay, quý vị trẻ thường thích thể hiện mình theo nhiều cách mà mọi người vẫn thường gọi chung chung là muốn khẳng định cái tôi. Quý vị thường học đòi theo kiểu muốn được tự do, thỏa mái và khẳng định mình. Như là khi làm xong một công việc hay đạt được một thành tích gì thì thường đưa lên trang mạng xã hội Facebook cho mọi người biết, để khẳng định sự thành công, khẳng định cái tôi của mình.


Nhưng quan niệm sống thể hiện cái tôi của quý vị vẫn còn khá chung chung, mọi thứ vẫn còn mơ hồ, chưa có một phương hướng rõ ràng để biết thể hiện cái tôi như thế nào cho đúng nghĩa. Hễ nghe một điều gì đó được số đông người tung hô, nhắc đến nhiều thì mình học đòi, sống theo rồi cho đó là thể hiện cái tôi. Cứ thế mỗi ngày mọi người nêu ra một điều mới và cái tôi cũng theo đó mà bị thay đổi từng ngày theo mọi thứ bên ngoài. Cái tôi không còn chính là cái tôi đúng nghĩa của mỗi người nữa.


II/ CÁI TÔI ẢO, THIẾU TRUNG THỰC.

Nếp nhà xưa nay của mỗi gia đình thường là bố mẹ bảo gì thì con cái ngoan ngoãn vâng lời; thầy bảo trò nghe, anh kính em nhường… Nhưng hiện nay do muốn thể hiện cái tôi nên quý vị trẻ không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Khi được bảo một điều gì, nếu thấy hợp với sở thích của mình thì nghe theo. Trái với sở thích của mình thì dù có đúng cũng chống đối và lấy cái lý gọi là khẳng định mình ra để đối chọi lại, không vâng lời.

Người xưa nói, lúc còn nhỏ, con cái nương tựa bố mẹ thì bảo gì nghe đấy nên con thua bố mẹ. Lúc trưởng thành từ 18 – 25 tuổi, là độ tuổi đang phát triển mạnh, cái gì cũng hăng hái, nông nổi; ăn chưa no, nghĩ chưa tới, xây nhà trên cát trắng, khó ai bảo được lứa tuổi này nghe theo, do đó tạm thời cho con hơn bố mẹ. Từ sau 25 – 40 tuổi thì con bằng bố mẹ. Nhưng 45 tuổi về sau, con người bắt đầu trầm tĩnh, thấy ra nhiều điều còn sai sót nên cần nương vào kinh nghiệm người lớn. Vì thế bố mẹ phải dạy lại cho con.

Mới thấy, khi còn non trẻ, tâm tính nông nổi, tri thức chưa đủ đầy thì sở thích của mình có khi đúng, nhưng cũng sẽ có vô vàn những điều chưa đúng. Căn cứ theo sở thích của mình để khẳng định cái tôi có khi chỉ là căn cứ theo thói hư, tật xấu, những tồn tại còn dỡ tệ mà chúng ta chưa đủ can đảm để đối diện, vượt qua. Một cái tôi như thế không chỉ là một cái tôi thiếu trung thực, rỗng tuếch, không có gì của sự thành đạt mà còn nuôi dưỡng thói quen tồi tệ của mỗi người. Lời khen sai là giặc hại, người chê đúng là thầy mình. Với lời phê bình từ bên ngoài vẫn cần đến sự trung thực. Nữa là đối với chính mình, tại sao không biết đối diện để nhìn nhận một cách khách quan, trung thực nhất? Hôm nay còn bố mẹ che chở, có gia đình nuôi nấng, sức khỏe hãy còn thì cái tôi kia còn nhờ vào những điều kiện này mà được tồn tại. Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời. Do con cái quá can cường thì bố mẹ đành phải nhường bước cho nên cái tôi của mình tạm có chỗ đứng. Nhưng mai kia bước ra xã hội thì không dễ có người nhường mình, mọi thứ không còn thì cái tôi ấy sẽ dựa vào đâu để được còn nữa? Hiện mình chưa có gì, cuộc sống còn nương tựa vào người khác mà lập cái tôi thì không biết cái tôi ấy làm sao có thật? Tất cả chỉ là ảo tưởng! Một cái tôi chứa đầy dẫy những xấu xa, hư đốn, tồi tệ, rỗng tuếch như thế sẽ giết chết đời mình mai sau.

Chúng ta có quyền có đời sống tự lập, sống riêng theo cách của mình, nhưng phải thể hiện nó có căn bản và đúng lúc; không phải là lúc còn non trẻ chưa đủ chính chắn. Một con rắn nếu thả nó bò tự nhiên thì sẽ bò theo đường cong queo, nhưng nếu cho vào ống tre thì nó sẽ bò thẳng. Tâm tính con người chúng ta có nhiều quanh co, tà vạy, xấu dỡ. Nếu thuở bé không được uốn nắn cho ngay thẳng thì mai này sẽ trở thành những con người tàn ác, hư đốn, phá hoại chính mình và xã hội. Lúc còn non trẻ, chúng ta nên lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để rèn luyện mình. Khi trưởng thành, tri thức và phẩm chất đạo đức đầy đủ, năng lực lớn mạnh rồi, không còn một điều gì trong đời này làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, chướng ngại không vượt qua được. Lúc này mới đủ tư cách để quyết định đời mình, biết nên làm gì là phải. Khi thực sự trưởng thành, đứng đắn, đối diện với muôn vàn sai biệt ngoài xã hội, chúng ta vẫn cảm thấy bình thường vượt qua một cách dễ dàng. Huống nữa với bố mẹ anh chị em trong nhà thì có gì mà chúng ta phải cảm thấy khó chịu? Nếu xét thấy còn tâm trạng này thì biết mình chưa thực sự trưởng thành. Với những người thân trong gia đình mà mình không thương được thì không có một tình thương nào dành cho người bên ngoài là chân thật cả. Với người thân trong gia đình mình còn hờn giỗi, thù hận mà bảo là khẳng định mình thì đó chỉ là cái tôi của trẻ con muốn nuông chìu theo thói hư tật xấu cá nhân, là cái tôi ảo, tồi tệ chứ không phải là một cái tôi của trưởng thành, cao cả, quảng đại, ích người, lợi mình.

Chúng ta có thể nhận biết cái tôi ảo này qua vài trạng thái tâm lý điển hình:

1/ Có khi do trào lưu của thời đại, của số đông người nhắc đến nên chúng ta tin theo, học đòi theo và lấy đó làm cái tôi của mình. Nhưng trào lưu và số đông chưa hẳn đã đúng. Cũng như nước lên thì bèo bị đẩy lên theo. Như khi chúng ta đang chen chúc, bị lấn ép trong một đám đông hơn ngàn người. Lúc ấy không có ý muốn chen lấn đi theo hướng nào cả, chỉ bị biển người tự đẩy mình đi về một hướng rất ngẫu nhiên. Tất cả những hành động trên đều là thụ động, bị cuốn theo mãnh lực của số đông chứ hoàn toàn chưa có gì chủ động làm theo chính mình. Đi đường, hễ thấy một đám đông nhiều người đang đổ về một hướng thì cũng chạy theo coi chứ không hề biết đó là gì. Mới thấy, con người chúng ta dễ bị cuốn hút theo số đông bên ngoài một cách mất định hướng. Nếu chúng ta vội tin theo một vấn đề gì đó mà không qua sự tỉnh táo suy xét, nhận định đúng đắn của chính mình thì nó chỉ là một sự bị cuốn theo bên ngoài. Đây không thể là cái tôi chân thật của chính mình được. Hời hợt, tin vội thì cũng sẽ vội lãng quên. Chúng ta không vội tin một điều gì dù điều đó do tiền nhân để lại; do người nổi tiếng, có địa vị, có học thức hay một đấng giáo chủ nói ra; càng không nên tin một điều gì do nhiều người đồn đãi, nhắc đến, đua đòi theo. Chỉ nên tin được điều bằng chính tâm bình, khí hòa, trí sáng để suy xét cho tường tận, tư duy cho thấu đáo, thấy đúng chánh lý và có lợi ích thiết thực cho mình và mọi người. Như thế mới là cái nhìn nhận do chính mình, không do bất cứ một điều gì bên ngoài tác động, chi phối.

2/ Có khi do một hoàn cảnh đặc biệt nào đó khiến mình bị ức chế tư tưởng cho nên tự nó trào phúng, muốn thể hiện cái tôi bản ngã của mình theo chiều ngược lại. Như trò chơi bập bênh. Bên này lên thì bên kia xuống. Và vì hết xuống rồi lại bật ngược lên. Chỉ là một sự bập bênh không tự chủ chứ không phải là một trạng thái thăng bằng có tự chủ. Cũng thế, vì bị ức chế cho nên tôi phải hành động để thể hiện tôi. Đây là cái tôi do hoàn cảnh ức chế này mà có ra. Theo thời gian, mọi thứ nguội lạnh, quân bình trở lại rồi thì cái tôi sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Mới biết không phải là cái tôi đúng thật là mình muôn đời không thay đổi.

3/ Cũng có nhiều người do có điều kiện nên muốn thể hiện tự ngã. Như thế thì cái tự ngã này do những điều kiện thuận lợi kia mà có ra. Nếu do điều kiện mà có thì cũng sẽ vì điều kiện mà mất đi. Cụ thể khi mọi thuận lợi không còn thì cái tôi cũng không còn chỗ đứng. Nhưng có ai bảo đảm được rằng, sức khỏe, tiền tài, của cải, địa vị, quyền uy là còn hoài không thay đổi? Một cái tôi được hình thành dựa trên các điều kiện bên ngoài biến đổi mong manh như thế thì làm sao được tồn tại lâu bền, lấy gì làm chắc chắn để gọi là cái tôi chân thật được?

4/ Hoặc có nhiều vị thích thể hiện cá tính cho là cái tôi. Cá tính chỉ là một sự khác biệt, nhưng không phải sự khác biệt nào cũng đúng đắn. Có khi vì muốn thể hiện cá tính, muốn làm cho mọi thứ khác đi, không khéo đã làm cho vấn đề trở nên kỳ quặc. Hay lắm lúc cá tính không đúng nghĩa của nó mà chỉ là một sự lạ lùng nhất thời cho vui mà thôi. Dù đúng hay sai, đa số cá tính con người chúng ta đều do cái khí trong mình nó thôi thúc, đẩy lên, không quân bình để tỉnh táo nhìn ra sự thật. Cái tôi này nó chỉ có ra khi chúng ta còn sung mãn. Đến lúc bệnh yếu, cái khí không còn, lòng mình chùn lại thì mới nhận ra, đây chỉ là một cái tôi rất trẻ con, ngây ngô, thô tháo, quê kệch, không dùng vào đâu được cả.

5/ Hoặc có nhiều vị thể hiện cái tôi vu vơ, hư ảo một cách thiếu trách nhiệm hay triệt phá lẫn nhau. Trên mạng xã hội hiện nay, khi thấy một số cá nhân có hiện tượng hay sự kiện gì nổi bật, liền bị các “anh hùng bàn phím” cũng vì muốn thể hiện cái tôi của mình nên lập tức bình luận, khen chê, ném đá... đa phần theo hướng tiêu cực. Nếu đối tượng năng lực không đủ, chính kiến không kiên định sẽ bị cuốn theo. Hệ quả là từ tích cực biến thành tiêu cực. Hoặc là nhiều vị hễ có chuyện buồn vui gì cũng đưa lên mạng, rồi cũng bị các “anh hùng bàn phím” này chen vào bàn luận một cách vô trách nhiệm về sự việc không phải là của mình, và chính họ cũng không biết bàn luận như thế để làm gì nữa. Tất cả những hiệu ứng này cho thấy sự hư ảo của cái tôi hiện nay. Đã có trường hợp không chịu nổi áp lực của dư luận và phải tự kết liễu cuộc sống. Tất cả đều do thiếu tinh tế và chính chắn, muốn thể hiện cái tôi theo cách triệt hạ lẫn nhau. Khi muốn thể hiện tức là muốn nhiều người khác biết về thành quả của mình, hoặc là hiểu và thông cảm mình. Nếu được khen thì vui thích; nhỡ bị chê thì khổ não, bực bội, chán nản. Như thế là chúng ta đang sống trên lời phê bình khen chê của người khác, đã đánh mất sự tự chủ của chính mình; tự đặt cuộc đời mình trên đầu lưỡi thiên hạ, bị bập bênh trên nhịp gõ của bàn phím thời đại và phải gánh chịu những hệ lụy từ một cái tôi rỗng tuếch, không đáng có. Là người biết cách rèn luyện năng lực, rèn luyện khả năng thích nghi tốt thì đâu cần người khác phải hiểu biết hay thông cảm mình? Như vậy thì làm gì có chuyện đưa những vui buồn lên mạng cho người khác thấy để xen vào phê bình được? Những lời khen chê đúng sai kia chỉ là những suy tưởng phù khiếm, nếu tự mình có đủ năng lực và giữ vững chính kiến thì những lời đánh giá vô tội vạ kia đâu có đáng để chúng ta phải quan tâm? Nhìn nhận và sống được như thế thì chúng ta mới hạn chế được các sai lầm, không bị những tai họa đáng tiếc.

Con người ta soi mình nơi dòng nước đứng chứ không ai soi mình nơi dòng nước chảy. Dòng nước lăn tăn thì bóng hình bị dợn cong theo gợn sóng, không thẳng. Chỉ có dòng nước phẳng mới soi bóng đúng với thực trạng của vạn vật chung quanh. Cũng thế, khi tâm ta lao xao, còn bị tác động bởi bất cứ một điều gì bên ngoài sẽ không phản ánh đúng sự thật. Khi tâm lóng lặng thì mới có cái nhìn khách quan, đúng với sự thật của mọi vấn đề. Tất cả hành động do những thứ bên ngoài chi phối rồi cuốn theo, không qua sự tư duy chính chắn của trí tuệ an định chân thật nơi chính mình thì chỉ tạo ra cái tôi hư ảo, giả tạo; dễ đưa đến cách sống sai lầm rồi tiếc nuối, ân hận, đau khổ về sau.

III/ KHOE KHOANG, KHẲNG ĐỊNH MÌNH LÀ CHƯA ĐƯỢC TINH TẾ.

Khi ngợi khen một người nào đó thì có nghĩa là đã ngầm chê bai một người khác. Đề cao mình là phô trương bản ngã, là đã có tâm hạ bệ mọi người trong xã hội rồi. Xưa kia trong những câu chuyện hàn huyên, khi nghe người khác nói về thành tích của mình nhiều quá thì trong lòng đã cảm thấy hổ thẹn, thô tháo. Huống nữa là tự mình khoe mình! Người xưa tinh tế là như thế. Thời nay thì sao?

Lúc mới lớn, lần đầu tiên đi với bạn bè bước vào quán cà-phê, chúng ta cảm thấy rụt rè, e dè, hổ thẹn, luống cuống, không tự nhiên. Bản chất ban đầu của mỗi con người bao giờ cũng tinh khôi và sáng trong là như vậy. Nhưng khi đã vào quán lâu ngày thành lờn rồi thì cảm thấy rất thường, thậm chí còn đua đòi đẳng cấp, tìm tòi những điều kỳ lạ mới thỏa mãn thị hiếu của mình. Mới biết, bụi trần gian đã làm chai lỳ con người ta oan uổng đến mức nào! Tương tự, buổi đầu tinh thần con người còn trong sáng, tinh tế, lịch sự như chiếc áo trắng không một nếp nhăn hay lấm chút xíu vẩy bùn. Đối với những thói hư tật xấu thô tệ, chúng ta không thể nói ra hay nghe qua tai được, nói gì đến phạm vào. Hoặc khi nghe ai đó khen mình thì cảm thấy hơi bị lố bịch, vô duyên. Nhưng theo ngày tháng, chúng ta tiếp xúc với những văn hóa đồi trụy, nhang nhảng những thói hư tật xấu, có người đã dần bị thô kệch, bắt đầu ăn nói thiếu cân nhắc, tự phô trương mình, chê bai người khác, học đòi theo thói hư tật xấu của thú tính trong người. Lâu ngày trở nên chai lỳ, thô tháo; đánh mất sự trong sáng, lãng quên giá trị khiêm nhường, kín đáo, tinh tế, nghiêm chỉnh, có nhận thức, có tư cách tối thiểu của một con người tự lúc nào chẳng rõ.

Trong cuộc sống hiện nay, không cần quan sát, chúng ta cũng dễ nhận thấy nhiều điều thiếu tinh tế này. Sau một cuộc đua đã được phân định kẻ thắng người bại. Người chiến thắng bao giờ cũng rất vui, hô hào, thể hiện ăn mừng chiến thắng theo đủ kiểu, không cần biết bạn mình bị thất trận buồn đến mức nào. Chỉ biết có mình mà không hề biết đến cảm xúc của mọi người bên cạnh. Nếu được mời dự trong bàn tiệc mừng chiến thắng, chúng ta không tin được rằng người này thực sự quan tâm mình một cách vô điều kiện, trong khi người bên cạnh của họ khổ đau mà họ không hề hay biết. Nếu như một lần như thế, nhiều lần như thế; hoặc là một người như vậy, nhiều người khác cũng bắt chước như vậy; theo thời gian sẽ tạo ra một xã hội với nhiều người vô cảm, không còn biết quan tâm thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Cuộc đua thì phải có người thua kẻ thắng. Không có người thua kẻ thắng thì không thể gọi là một cuộc đua. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta chỉ tạo nên thi đua khi cần khuyến khích sự phấn đấu của mỗi người. Sự khuyến khích chỉ có giá trị với người chưa sẵn sàng, còn thụ động. Với một người đã sẵn sàng, siêng năng, luôn phấn đấu mọi lúc mọi nơi thì không cần đến cuộc đua. Họ sẽ cùng với mọi người để đi đến một thành tựu, xây đời.

Làm một bài văn chỉ để được có điểm an toàn mà những ý tưởng trong đó không dùng được gì vào đời sống, xã hội thì đó là một bài văn chết ngay từ khi chúng ta đặt bút lên viết. Cuộc đời không cho chúng ta rảnh để tạo nên những cuộc thi đua một cách vô bổ như trò đùa trẻ con. Mà các cuộc đua đều mang ý nghĩa thể hiện sự trải nghiệm, cách hành xử trong cuộc sống. Phải có đủ nhận thức vượt ra ngoài cái khung thắng và bại bình thường của một cuộc đua thì chúng ta mới có được một sự trải nghiệm đột phá thành công trong cuộc sống. Thời nay người ta vẫn ra những bài toán mở. “Trên chiếc tàu biển có chở 45 con cừu. Tình cờ 5 con nhảy xuống biển. Hỏi anh thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?” Nếu tư duy theo một chiều, nhất thiết phải theo đề toán để giải là anh thuyền trưởng 40 tuổi thì sẽ bị sa bẫy, sai lầm. Phải có một trí tuệ đủ lớn dám nhìn thẳng vấn đề để nói đề toán bị sai thì mới nhận thức đúng về đề toán. Chính sự lạ kỳ của bài toán đã tạo nên tính đột biến cho người học, tạo nên một trí tuệ linh động, phát minh. Cũng thế, không phải bao giờ cũng cần phải có phân định thắng và thua thì cuộc sống mới thăng tiến được. Và không phải trong đời ai ai cũng nghĩ đến thắng và thua. Có khi chúng ta cũng nên tư duy, nên có tính đột biến vượt ngoài thắng và thua để nhận ra rằng, chiến thắng cao thượng là nâng đỡ người khác cùng chiến thắng thì cuộc sống sẽ trở nên hài hòa, sống động hơn nhiều.

Ham hố chiến thắng chỉ phù hợp với những người còn tính khí hiếu động, sôi động. Không có một chiến thắng nào dùng được mãi suốt đời. Dù có một đống tài sản khổng lồ cũng không xài được khi có chuyện buồn đau, bệnh hoạn, sắp chết. Nó không phải là cái quá lớn như mình nghĩ để rồi phải quan trọng đến mức quên cả tình người. Một chiến thắng mà quên cảm giác của người khác thì chưa phải là chiến thắng đích thực. Nếu lùi một chút để giúp mọi người cùng tốt, có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui trọn vẹn hơn. Chúng ta vẫn thường nghe các nhà văn nói, sức mạnh chân chính không phải là giẫm lên vai của người khác mà phải nâng đỡ người khác trên đôi vai mình. Giẫm đạp lên nhau để sống, có lẽ không phải là lối sống của người tinh tế, có nhận thức. Biết nâng đỡ người khác trong khả năng của mình, sẽ cảm nhận được niềm vui sâu sắc tự đáy lòng và từ nhiều người mang lại. Phần quan trọng nhất trên cơ thể con người là cái vai. Không phải chỉ để gánh vác mà còn là nơi để cho người khác tựa vào khi họ khóc. Một lúc nào đó tâm hồn thanh thảng, an tịnh; tận trong sâu thẳm của lòng mình, mỗi người chúng ta sẽ tự nhận ra, chiến thắng không phải là tất cả, mà ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng chiến thắng, dù có phải chậm lại một bước. Ý thức được như thế thì đâu có lòng tự đắc lập nên cái tôi cá nhân? Được vậy thì tính người sẽ được khai mở, người người hoan hỷ, lo gì mình không được vui? Chúng ta cần có những khoảng lặng nhất định trong tâm hồn mình thì mới cảm nhận được sự tinh tế và vĩ đại này.

IV/ THỂ HIỆN CÁI TÔI LÀ MỘT CHƯỚNG NGẠI, TỰ CHẶN ĐỨNG BƯỚC TIẾN CỦA MÌNH.

Một bông hoa chỉ đẹp khi vừa hé nở, các cánh hoa hãy còn khum khum úp sát vào nhau như vẫn ngập ngừng chưa muốn nở hết. Mọi việc sẽ có ý vị hơn khi chúng ta còn tâm phấn đấu. Nếu như cảm thấy tự mãn, cuộc sống sẽ bị chùn lại, vô vị, không còn chí khí để phát huy.

Có một doanh nhân thành đạt, khi được nhà báo hỏi: “Anh có thể kể lại những thành tích của mình đã đạt được cho mọi người nghe?” Anh ta cười và đáp: “Điều đó có cần thiết không?”

Khi làm xong một việc gì mà mình không để ý đến thành tích thì chúng ta sẽ hăng hái để tiếp tục các công việc khác. Cứ thế, chúng ta làm rất nhiều công việc có ích cho đời mà niềm vui vẫn chưa thấy đủ, vẫn phấn phát cống hiến hết mình cho đến tận hơi thở cuối cùng. Ngược lại, nếu vừa cảm nhận thành quả thì tự mình cảm thấy đã làm được nhiều việc rồi, cần nghỉ ngơi, hưởng thụ rồi làm nữa. Do đó, thành quả và công việc sẽ bị giới hạn, không được phát huy đúng mức của nó, nếu không muốn nói là sự phát triển đã bị chặn đứng, không còn cơ hội để tiến triển nữa. Cống hiến hết mình là một đức tính cao thượng. Nhưng hưởng thụ tối đa là hạng người quá quan trọng vật chất, lệ thuộc vào mọi thứ bên ngoài một cách thái quá thì làm sao có ý chí, hay những ý tưởng gì cao thượng hơn ngoài những thứ đang có?

Khi mang những thành quả ra để thể hiện cái tôi, để khẳng định mình là ngầm thỏa mãn với thành tựu của mình, sẽ cản bước tiến, ý chí phấn đấu không còn. Như thế, những thành quả kia chỉ là cơm nguội, sẽ dần đưa vào quá khứ và còn trong hoài niệm, tưởng tượng mà thôi. Không nên ngủ quên trên chiến thắng mà phải luôn phấn đấu. Nếu không tự mãn vào những thành quả mình đạt được thì chúng ta sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời. Phải may mắn lắm mới có được những thành tựu trong đời. Nhưng có dám quên những thành tựu của mình đi thì sự may mắn ấy mới được trọn vẹn.

V/ CHẤP NGÃ, LẬP NÊN CÁI TÔI LÀ TỰ NHỐT MÌNH.

Đã có một cái cố định là tôi, thì tôi không thể là cái khác. Ví dụ, khi chấp tôi phải là người của miền này thì sẽ bị nhốt mình vào những đặc điểm của một con người gọi là miền đó. Như thế tôi sẽ không thể là một người muốn học hỏi những điều hay của các miền khác. Như là, khi chấp tôi là miền Trung thì không thể là miền Nam, miền Bắc. Tôi là miền Nam thì không thể học gì ở miền Bắc, miền Trung. Và tôi đã là miền Bắc thì cũng không chấp nhận học hỏi gì ở miền Trung, miền Nam nữa… Đó là do cố chấp vào hình thức, dính kẹt bên ngoài nên bị đóng khung, vướn víu. Hễ ai xúc phạm đến vùng miền của mình, đến cái tôi cá nhân thì liền tức giận, không kềm chế được. Đây là do cố chấp nên đưa đến tai hại, thu hẹp tri thức, dễ bực tức, ngu tối khi cái được gọi là mình bị xúc phạm. Nếu chúng ta không cố chấp, không đóng khung hay lệ thuộc vào bất cứ hình tướng gì bên ngoài thì sẽ linh hoạt và sáng suốt hơn. Không phải mình là hạng người ba phải không có nhận định. Chúng ta có nhận định và lập trường rất hẳn hoi, rõ ràng, nhưng không câu nệ, lệ thuộc hay chấp cứng vào một điều gì để dựng lên một cái gọi là tôi. Như thế sẽ được thông thoáng, sáng suốt và tự tại hơn nhiều.

Anh A sẽ có một đặc điểm riêng để nhận biết đó là anh A, không lẫn với người khác. Anh A không thể sao chép kiểu cách của một anh B nào đó, nó sẽ trở nên đơn điệu, trơ trẻn, mất tự nhiên. Mỗi một con người đều có một tố chất rất riêng. Giọng văn của người này, không thể là cách hành văn của người khác. Sở trường của anh B, không hẳn là việc mà anh C làm tốt được. Làm mới bài hát, làm mới nhận thức, cách giảng dạy, làm mới mọi thứ trong cuộc sống chính là phát huy sở trường của mỗi người để cái ưu điểm, thế mạnh, tố chất riêng có của họ được bật lên, chứ không phải là thể hiện cái tôi như mọi người vẫn nghĩ. Bàn tay có năm ngón bằng nhau sẽ là một bàn tay quái dị, không đẹp. Cuộc sống vốn nhờ vào nhiều sắc màu khác nhau khiến cho nó trở nên đa dạng và sinh động hơn. Nhưng không phải chấp vào một cái gì đó là tôi để lập nên tự ngã, như thế sẽ bị ngăn ngại, không hòa điệu được những sự thật chung quanh mình.

Ví như một anh chàng ăn rồi quét dọn sân vườn, lau nhà quá sạch và đóng kín cửa lại, không muốn cho ai vào. Ngôi nhà sạch ấy chỉ là ngục tù nhốt lấy anh ta. Trong đời vẫn có không ít người có cuộc sống trong sạch, thanh cao, có hiểu biết và may mắn đạt được một số thành tựu nhất định. Nhưng lại quá chấp vào thành quả của mình, lập thành một cái tôi tự ngã, không chan hòa, thông cảm, hiểu biết mọi người. Dần dần bị cô lập, không mở mang kiến thức, không quen sinh hoạt với số đông người, không làm được gì lớn hơn ngoài chút ít thành quả mình đang sở hữu đã quá cũ kỹ. Hiện nay, chúng ta không khó để bắt gặp những người tương tự như vậy. Đời sống của họ khá nghiêm túc, cao thượng, ai cũng quý trọng, nhưng khi ra lãnh đạo số đông người thì không kham nỗi. Hoặc là bị mọi người phản đối, lên án do quá cố chấp, không trông xa nhìn rộng, thiếu hiểu biết và cảm thông trong xử lý công việc. Hoặc là chính mình không hòa điệu, không thích nghi được với nhiều tư tưởng tập thể nên bị căng thẳng, quá sức chịu đựng của mình. Đó là do chấp vào thành quả rồi lập nên một cái tôi khác người, đóng khung, lập dị, cố chấp. Chấp vào cái tôi, tự cao, tự đại, mang tính cá nhân quá thì lòng mình không thông thoáng, trí mình không đủ lớn để cảm thông được với số đông người, không tùy thuận được với nhiều hoàn cảnh phức tạp khác nhau trong cuộc sống. Chính cái chấp tôi này tự đóng khung mình khiến cho chúng ta không làm được gì lớn hơn vượt ra ngoài cái tôi vỏ ốc ấy. Cái tôi của bản ngã tự tôn đó sẽ là ngục tù và chúng ta tự biến mình trở thành một tù nhân từ thể xác cho đến khối óc trong ngục tù vô hình ấy.

Không có mục tiêu để cố gắng phấn đấu thì cuộc đời mình sẽ bị thả trôi, vô ích. Nhưng nếu cố chấp thái quá vào mục tiêu để lập nên cái tôi riêng lẻ của bản ngã thì cũng tai hại cho mình vô kể. Tất cả những nổ lực tự thân của mỗi một người đều rất đáng được trân quý, thán phục. Nhưng nếu chấp vào thành quả rồi tự mãn, tạo nên bản ngã riêng tư thì thật là đáng tiếc. Bởi đó là cội nguồn sản sinh ra bao nhiêu tai hại khó lường, biến sự nổ lực đáng trân quý của mình trở thành điều kiện để chúng ta sống sai, đi vào ngõ cụt.

Một cây không thể tạo nên khu rừng, và rừng không phải chỉ có một loại cây. Tuy có nhiều loại cây khác nhau, nhưng phải nương vào nhau mới thành một khu rừng được. Cái tôi, khẳng định mình có cái riêng khác, nghĩa là phát huy sở trường, đặc điểm riêng có của mình một cách tốt nhất, nhưng hài hòa, thể nhập với cộng đồng chứ không phải chấp vào sở đắc để lập nên một cái tôi theo kiểu tự ngã riêng biệt.

VI/ CÁI TÔI CHÂN THẬT, VĨ ĐẠI, PHÓNG KHOÁNG, TRÍ TUỆ.

Mọi người vẫn thường cho rằng, mỗi người đều có quyền chọn cho mình một lý tưởng sống và lý tưởng nào cũng tốt. Điều này chỉ đúng ở cấp độ phổ thông, nhưng nếu phân ngành chuyên sâu thì cần phải có một cuộc trắc nghiệm để không bị nhầm lẫn.

Chúng ta không thể đặt niềm tin trọn vẹn tuyệt đối vào một người mà họ chỉ chơi với mình khi chúng ta có mọi thứ tiền tài, địa vị, quyền uy, của cải. Còn khi tất cả những thứ ấy vuột khỏi tầm tay, chúng ta khổ sở thì họ lại bỏ mình ra đi. Cũng thế, một lý tưởng mình chọn để sống, lý tưởng ấy phải trung thành tuyệt đối với mình. Khi vui, lúc buồn và cho cả đến khi sắp chia tay cuộc đời, nó phải luôn có mặt và bảo vệ được cho chúng ta. Cụ thể, trên cảnh thuận, nó sẽ giúp cho mình không động tâm vui quá và cũng không bị buồn da diết khi gặp cảnh nghịch ý trái lòng. Bởi trên cảnh vui chúng ta khởi tâm vui theo được thì cái tâm khởi đó sẽ được huân dần thành thói quen và sức mạnh, để rồi khi gặp cảnh buồn nó cũng khởi lên, dao động và buồn theo chứ không thể kềm lại được. Nếu chúng ta dễ buồn dễ vui thì dễ bị hoàn cảnh của cuộc sống chi phối, sẽ đưa đến khổ đau. Một lý tưởng chỉ sống được trên cảnh thuận mà không bình ổn được trên cảnh nghịch thì chưa phải là một lý tưởng trung thành chung thủy với mình. Chưa nói đến, lý tưởng chân thật này phải luôn tồn tại và không bị chi phối bởi bất kỳ hoàn cảnh thuận hay nghịch nào cả. Một điều kiện thứ ba nữa là khi nằm trên giường bệnh, đối mặt với tử thần, lý tưởng ấy phải giúp chúng ta tự thấy mình an ổn, không bàng hoàng, lo sợ. Không phải sống để chờ chết, nhưng chết là điều mà ai cũng có ít nhiều lo sợ cho nên lấy đó để làm thước đo. Một lý tưởng phải được trắc nghiệm, đảm bảo được ba điều kiện trên thì nó mới trung thành với mình, mới đảm bảo có giá trị cho chúng ta tin tưởng tuyệt đối và sống trọn vẹn với nó được.

Bất kỳ một lý tưởng, niềm vui hay sở thích gì, nếu do các tác động từ bên ngoài như là hoàn cảnh, tiền tài, địa vị, quyền uy, con người cho đến từ một đấng giáo chủ mà có ra thì đều là những lý tưởng, niềm vui có điều kiện. Do cái này có nên cái kia có. Và rồi cũng sẽ do cái này không cho nên cái kia cũng trở thành không. Cụ thể là khi mọi thứ bên ngoài kia mình không còn chạm đến được nữa thì cái gọi là lý tưởng, niềm vui, sở thích kia cũng không còn tồn tại. Lúc này mới biết cả đời chúng ta chỉ sống nhờ, ở gởi, vay mượn, tin vào để sống theo mọi thứ bên ngoài chứ chưa có cái gì thật là chính mình cả. Hạnh phúc chân thật trước tiên phải là một nguồn hạnh phúc không do điều kiện mà có. Nếu vì cái này mà tôi có được hạnh phúc thì cũng sẽ đến lúc cái này không còn và hạnh phúc cũng tan biến theo mây khói. Một niềm hạnh phúc bị biến đổi theo các điều kiện bên ngoài thì làm sao gọi là chân thật được?

Lúc nào đó có thể, chúng ta hãy tạm gác lại mọi thứ đang có, phút chốc lắng lại lòng mình thì sẽ cảm nhận được sự lóng lặng, sáng suốt, an lạc vô biên. Cái ấy chính nó tự sẵn đủ nơi mỗi người, không do một thứ gì bên ngoài tác động mà có được. Mỗi ngày thực tập một chút. Lâu dần thành quen, không chờ đến lúc rảnh rang mà chúng ta sẽ ứng dụng được trên mọi công việc. Theo thời gian, năng lực này tự lớn mạnh, tự mình cảm nhận được một năng lực đặc biệt nơi chính mình. Nó là một cội nguồn trí tuệ sáng suốt, định tỉnh kiên cố, an lạc ngập tràn, không còn chỗ cho mọi thứ bên ngoài xen vào chi phối được nữa. Nó đủ lớn cho chúng ta tự tại trên mọi thứ. Những buồn vui, thành bại trong đời này không còn đủ giá trị chi phối mình. Lúc này, không muốn tự do tự tại cũng được tự tại. Một niềm an vui tự tại ngay cả khi có việc, có mọi thứ và khi không việc, không một thứ gì. Muốn làm giàu cũng được; và khi không có một vật gì cũng bình thường, hoan hỷ, tự tại an ổn như nhau. Bằng tâm này để sống, để hành xử và làm việc, quý vị mới cảm nhận được giá trị vô biên của nó. Càng sống, càng phát minh giá trị không có giới hạn. Như người uống nước, nóng lạnh tự biết, chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết giá trị. Với năng lực lớn này sẽ giúp chúng ta an nhiên, tỉnh táo khi sắp ra đi.

Khi tay ta bận nắm lấy một vật này thì không thể cầm nắm được vật khác. Nếu để tay thong thả thì tùy thời muốn nắm lấy bất kỳ vật gì cũng được. Chấp vào một cái gì đó cho là tôi thì cái tôi ấy bị khu biệt giới hạn trong ấy, không còn chỗ để tiếp thu cái khác. Khi mình không là gì cả mà chỉ là một tâm thái rỗng rang, sáng biết, năng lực định tỉnh vô bờ thì sẽ biết khắp; tùy nơi, tùy lúc để vận dụng một cách thông thoáng, tự tại, không có gì làm ngăn ngại che lấp mình được. Chúng ta không thể biết được những gì mình chưa biết. Nếu chấp vào một cái cho là tôi thì cửa tri thức sẽ bít lấp, không còn cơ hội để học được vô vàn những điều hay khác. Sống bằng tâm thể thênh thang rộng lớn, bằng cội nguồn trí tuệ vô biên này sẽ cho chúng ta một khả năng phát minh vô tận. Những gì đã có, chúng ta kế thừa, phát huy, tái tạo, làm tốt hơn. Nếu là chưa có thì phát minh, sáng tạo, làm mới. Một cái tôi trí tuệ vĩ đại như thế mới xứng đáng, đủ lớn cho chúng ta sống về an ổn và thích thú được. Đây tạm gọi là cái tôi chân thật, nhưng không phải có một cái gọi là tôi để chấp vào đó. Vừa có tâm chấp là đã rơi vào hạn lượng, có giới hạn, không còn là một cái tôi vĩ đại không bờ mé này nữa.

VII/ CỘI NGUỒN CỦA MỌI THÀNH TỰU.

Khi sống được bằng cái tôi chân thật, bằng trí tuệ gốc này, diệu dụng sẽ vô ngần. Gần nhất, chúng ta sẽ cảm nhận được ba đặc điểm cơ bản: sức mạnh định tỉnh vô song, trí tuệ sáng biết trùm khắp và cội nguồn an vui vô tận. Thông thường chúng ta tư duy logic thì chỉ tư duy một lúc vài ba mệnh đề, nhiều hơn nữa sẽ bị rối ren và quá sức, có khi còn bị trạng thái buồn nôn, muốn ói mửa. Nhưng khi buông xuống mọi thứ để được trong lặng thì tất cả tự nó ùa về cùng một lúc rất tự nhiên, khiến chúng ta không ngờ được. Mới hay ra, cái sáng biết này là vô biên, còn cái có nghĩ suy kia là hữu hạn. Như khi đùa vui trong đám trẻ đông thì chỉ thấy được vài chục đứa gần mình nhất. Nhưng nếu đứng trên lầu cao bình tâm nhìn xuống thì sẽ thấy hết toàn bộ bọn trẻ, không nhầm lẫn một đứa nào. Cũng thế, trí tuệ chân thật này là một cội nguồn sáng biết trùm khắp, vượt lên trên tất cả, không động và an lạc vô cùng.

Tất cả nhận định, triết lý, phương cách, kỹ năng… đưa đến mọi thành tựu trong đời đều từ trí tuệ, không có một cái gì từ trên trời rơi xuống. Trở về sống bằng cái tôi rỗng suốt, an định mà sáng khắp này là trở về cội nguồn trí tuệ gốc nơi chính mỗi người, là trở về với cha đẻ ra mọi thứ. Có được cội nguồn này, chúng ta sẽ có tất cả. Tùy vào từng trường hợp, trí tuệ gốc này sẽ cho chúng ta biết nên làm gì là hợp lý để đưa đến kết quả hoàn hảo nhất. Ví dụ muốn quản trị kinh tế, quản trị cuộc đời, chúng ta chỉ cần quản trị hai điều cơ bản, đó là quản trị bản thân và quản trị con người. Muốn quản trị bản thân tốt thì chính mình phải chiến thắng được mình; và cội nguồn trí tuệ này sẽ giúp chúng ta làm tốt điều đó. Cụ thể, khi sống bằng nguồn năng lượng định tỉnh, trí tuệ sáng khắp và an lạc vô bờ, chúng ta như được ăn no một món ngon thượng hạng, những thứ khác không còn đủ giá trị chi phối mình nữa. Như vậy là đã làm chủ bản thân, đồng nghĩa đã quản trị được bản thân của mình một cách trọn vẹn. Cũng nhờ vào nguồn trí kia, chúng ta biết tùy vào từng người, tùy lúc, tùy việc nên làm gì và làm như thế nào cho thích hợp. Đó là người thầy cho chúng ta biết kịp để quản trị con người một cách hoàn hảo nhất. Như thế mọi việc tự thành tựu.

Một con sâu sống trong thảm lá xanh thì hình nó sẽ có màu xanh. Nếu ở thân cây khô thì nó phải chuyển sang màu lam như thân cây vậy. Đó là quy luật nương vào tự nhiên để được bảo vệ, sinh tồn. Đối trước một xã hội cũng vậy, dù bị cuốn lôi hay chỉ là tùy duyên để làm một điều gì đó cao thượng, tất cả chúng ta đều phải khéo hòa đồng trong một cộng đồng mà mọi người đang sống. Dù chỉ là lo cơm áo gạo tiền, hay làm những việc cứu người, giúp đời; muốn được thành tựu, chúng ta cũng cần phải biết những điều cơ bản. Mà sống về với cái tôi của cội nguồn trí tuệ chân thật này, sẽ cho chúng ta biết được những điều kiện cần và đủ ấy. Một sự thành tựu có căn bản chứ không phải ngồi đó để mơ tưởng, cầu may. Trước mắt, muốn thành đạt, chúng ta phải tự rèn luyện mình hội đủ ba điều kiện căn bản: trí tuệ, năng lực và sự may mắn.

1/ Trí tuệ: Tất cả những gì học được từ gia đình, nhà trường và xã hội vẫn chưa đủ. Bởi có rất nhiều khi làm xong mọi thứ rồi, đến lúc lắng đọng, nghỉ ngơi, chúng ta thường phát hiện ra nhiều điều sai sót. Nếu trí tuệ đã đủ thì không sai sót, mà còn sai sót nghĩa là chưa được đầy đủ. Và khi yên lắng thì chúng ta tự phát hiện ra những điều sai sót kia. Nếu làm xong rồi, chờ đến tối yên lắng mới biết thì đã muộn. Muốn có được trí tuệ đầy đủ, chúng ta phải yên lắng kịp thời ngay khi hành xử. Ai cũng biết thế, nhưng mọi người chưa thể làm được như thế vì chưa biết cách dồn vốn trí tuệ này, chờ đến khi gặp việc mới nhớ đến dùng thì làm sao kịp được? Muốn có vốn liếng trí tuệ sẵn sàng, chúng ta phải lắng lòng, tỉnh giác trong mọi lúc, trên mọi sinh hoạt. Theo ngày tháng, tiềm năng này tự hình thành và lớn mạnh trong mỗi chúng ta. Gặp việc liền được vững vàng, định tỉnh, sáng suốt; đưa đến thành tựu một cách trọn vẹn, tốt đẹp.

2/ Năng lực: Năng lực có sẵn trong trí lực. Nếu chúng ta nhận và sống trọn vẹn bằng trí tuệ chân thật thì trí lực, năng lực tự có. Nếu chưa như thế thì mỗi người phải biết tự rèn luyện mình. Bằng cách, bất kỳ một điều gì cảm thấy hơi khó chịu thì phải biết đối diện và hoàn thành tốt. Một đôi khi mình có thể đánh đông dẹp bắc; luận cổ, bàn kim thao thao bất tuyệt; nhưng bảo quét nhà thì cảm thấy cái chổi nặng hơn cả tấn, bảo nấu bữa ăn cho gia đình thì cảm thấy khó hơn đi đánh ngàn quân giặc ngoài biên thùy… Như thế là năng lực của chúng ta chưa đủ lớn để chiến thắng, vượt qua mọi thứ trong đời. Những chuyện nghe qua như tầm thường, nhưng nó lại là những lỗ hổng của ý chí, nghị lực, kiên trì, nhẫn nại, chịu khó… đưa đến sơ hở, chủ quan, phá hỏng thành quả to lớn của mình trong chớp mắt. Là người biết hoàn thiện mình, không luận đó là việc lớn hay việc nhỏ, chúng ta phải dám đối diện với những gì mình còn thấy ngăn ngại để phấn đấu vượt qua. Nếu thấy ngại học toán thì phải dốc tâm vào giải toán cho đến khi nào cảm thấy thích thú làm bài tập mới thôi. Nếu là một thanh niên sỉ diện, dễ bị ngại ngùng mắc cỡ trước những việc mọi người cho là tầm thường thì cứ xách giỏ đi chợ, mua đồ về lo cho gia đình một bữa ăn thật tự nhiên. Gặp một người không ưa, mình cũng phải đối diện cho đến khi nào cảm thấy bình thường mới được… Không phải cần làm hay để làm những công việc nhỏ nhặt đó, mà đây là cách để rèn luyện khả năng thích nghi của mình. Một khi rèn luyện đã được thành tựu rồi, chúng ta mới nhận ra giá trị cần thiết và lớn lao của nó. Cuộc thế có như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn giữ được thăng bằng, không ngại. Ngày mai dù có ra sao nữa, chúng ta cũng cân đối được cuộc sống, chẳng sao. Không còn tâm trạng lo ra hay sợ sệt vào ngày mai nữa. Bằng cách này, tự mình vô hiệu hóa được tất cả mọi thứ, không còn một cái gì chi phối hay có thể ngăn chặn được bước tiến của mình. Có vậy, chúng ta mới có được năng lực vững vàng để đưa đến thành tựu mọi công việc trong cuộc sống.

3/ May mắn: May mắn là một cách nói chung chung, chính xác đó là phúc phần của mỗi người. Muốn có phúc, không phải do bố thí nhiều mà lòng mình phải rộng lớn. Chúng ta vẫn thường nghe nói, của cho không bằng cách cho. Nếu cho người khác cả tỷ đồng mà lòng mình tính toán nhỏ hẹp, không tôn trọng họ hay cho rồi hối tiếc thì phước ấy vẫn có giới hạn. Nhưng giúp đỡ người khác một đồng mà lòng mình tôn trọng, hân hoan thì phước ấy sẽ to lớn vô cùng. Khi lòng đủ rộng thì chúng ta làm được nhiều điều một cách tự nhiên, không tính toán cho nên phước ấy sẽ vô lượng. Gặp chuyện phải tranh cãi, chúng ta thoáng rộng tâm hồn, bỏ qua. Gặp người già qua đường, chúng ta tiện tay dìu cụ. Gặp một cây đinh, tiện tay nhặt lấy, cất đi. Lên xe, người khác cần chỗ ngồi tốt, mình nhường cho họ. Họ ngồi chỗ ấy được vui, chúng ta cảm thấy vui sướng trong lòng… Lòng cứ thoáng rộng như thế, chúng ta sẽ có được vô lượng vô biên phước đức. Thử làm một phép kiểm tra lòng mình thì sẽ biết được có phước hay không liền. Khi gặp mọi người, chúng ta quan tâm họ hay mặc kệ, phớt lờ, không cần hay biết. Hoặc gặp một ai đó có địa vị và giàu sang hơn mình, chúng ta nghĩ: “Mình cần nhờ gì ở họ?” Hay: “Họ có cần mình giúp đỡ gì không?” Nếu nghĩ “cần gì ở họ”, đó là chúng ta đang sử dụng bớt phần phước đức của mình. Còn nghĩ “mình giúp được gì cho người khác”, sẽ được thêm phần phước đức. Hưởng thụ thì tiêu hao phước đức. Cống hiến thì phước lại càng được tăng thêm. Cứ như thế, làm được nhiều việc trong khả năng mình, nhưng không tính toán, mong cầu hay tự mãn; cộng thêm lòng an tịnh thì phước đức sẽ tự rộng lớn. “Có phần thì không cần gì lo.” “Có đức thì mặc sức mà ăn.” Đây là nguồn gốc của sự may mắn đưa đến mọi thành tựu.

Ba vấn đề vừa nêu trên là ba yếu tố cơ bản, là điều kiện cần và đủ để đưa đến mọi thành tựu trong đời. Nhưng muốn đạt được ba yếu tố cơ bản này một cách trọn vẹn thì phải nhận ra và sống được bằng trí tuệ chân thật an định kia. Mới biết, cái tôi chân thật này là cội nguồn của mọi thứ từ tinh thần đến vật chất. Có được một trí tuệ và sức định tỉnh đủ lớn như thế, chúng ta sẽ nhận định được mặt ưu và mặt khuyết của mỗi miền Nam Trung Bắc, thấy ra được những điều hay và chưa hay của kim cổ đông tây. Biết học lấy điều hay, rút tỉa kinh nghiệm những điều còn hạn chế, đồng thời phát minh được những điều chưa có. Như thế, chúng ta sẽ là một trí tuệ vượt lên trên nhân loại, thâu tóm cả đông tây kim cổ tinh hoa; tiêu dung, học lấy được tất cả; hòa đồng nhưng không bị hòa tan, mất mình. Cái tôi như thế không vĩ đại và xứng đáng hơn sao? Căn cứ vào đó để làm nên tất cả, xây dựng nên cuộc sống thì mọi thứ luôn tươi mới; đầy đủ nghị lực và trí sáng bất động để làm sinh động cuộc đời này.

VIII/ KẾT LUẬN.

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” Nhạc Trịnh Công Sơn đã đi vào lòng người. Khi cất tiếng hát, ai cũng cảm thấy như đang nói lên cõi lòng của chính mình vậy. Từ một người đạp xích-lô trên đường phố, cho đến một ca sĩ chuyên nghiệp, ai cũng có thể tùy hứng nghêu ngao một vài câu trong bất cứ khi nào thấy thích. Nhưng để trình diễn xuất sắc, hát hay nhạc Trịnh thì không có được nhiều người. Cũng thế, bản chất trong sáng tinh khôi, an tĩnh, rất trí tuệ nơi chính mỗi người ai ai cũng sẵn có. Dù muốn hay không, hoặc ít hay nhiều, mọi người cũng đang sống bằng nó. Nhưng đa phần chúng ta chỉ nhận chân được phần nào hoặc có người thi thoảng mới thoáng chợt hay ra. Không có được nhiều người có đủ điều kiện để nhận ra và sống trọn vẹn bằng chính nó. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta nghi ngờ về cội nguồn trí tuệ vô biên này. Sử dụng được ít hay nhiều là do sự dốc tâm khám phá và sống về của mỗi người. Một khi đã nhận ra được giá trị cao thượng và chân thật tuyệt đối của nó, chúng ta sẽ hào hứng để khám phá và sống về bằng cái tôi chân thật đầy ý vị này.

Thích Tâm Hạnh

(Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã - Thưà Thiên Huế)

ĐÀN ANH NGUYỄN CHÍNH KẾT BỊ LŨ ĐÀN EM NGU ĐẦN CHỬI DỐT

Sửa Lỗi Nhau, OK! Nhưng… Coi Chừng “Lợi Bất Cập Hại”!

http://phamdinhtructhu.blogspot.com/2014/10/sua-loi-nhau-ok-nhung-coi-chung-loi-bat.html

BÀI NÀY ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN BÁO NGƯỜI VIỆT BOSTON- MỘT TỜ BÁO CHỐNG CỘNG HẢI NGOẠI


BÀI VIẾT CỦA GS NGUYỄN CHÍNH KẾT MỞ ĐẦU NHƯ SAU " Khổng Tử viết “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nhưng Tuân Tử chủ trương ngược lại, “Nhân chi sơ, tính bổn ác”.

NGAY LẬP TỨC THẰNG NGU MIỀN ĐẤT LẠNH VÀ THẰNG DỐT LÊ VĂN LANG NHẢY VÀO COM

Công Tử Rừng Phong
06-10-2014

Sách vở nào ghi câu "nhân chi sơ, tính bổn thiện" là của Khổng Tử hở thẳng súc vật nhà họ Phạm Đình miệt vườn Tây Ninh kia?!
Sao mày không chừa cái thói khoe mẽ cái đầu tôm của mày hở Ngợm Thu! Mồ tổ nhà mày! Đã dốt mà cứ bày đặt phô trương!


Miền nắng lạnh
Hôm qua 05:45
Trả lời

+PHAMDINH TRUCTHU thằng dốt, ngu không chịu tìm hiểu còn bày đặt thách với đố , Mạnh Tử là người đã nói câu nay và ông ta là học trò của Khổng Tử thi KT viết thế đéo nào được. Con bò PDTT .

KHOAN HÃY BÀN ĐẾN NGUỒN GỐC CỦA CÂU " NHÂN CHI SƠ TÍNH BỔN THIỆN NÀY. TRƯỚC HẾT CẦN BIẾT NGUYỄN CHÍNH KẾT LÀ AI?


Book:Tiểu Sử Nguyễn Chính Kết 1952 -


Sinh năm 1952, tại làng Bến Thôn, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (bây giờ là Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 40 km). Các bút hiệu khác: JK, Giao Duyên, Huyền Vi.

1954 Được cha mẹ đưa vào Nam, ngụ tại Xóm Mới, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Trải qua thời thơ ấu tại đây.

Học xong tiểu học, vào tiểu chủng viện thánh Giuse, thuộc giáo phận Sài Gòn để tu học làm linh mục. Hết trung học, lên tu học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X (Pontifical College St Pius X), Đà Lạt, đồng thời theo học ban Triết Học tại Đại Học Đà Lạt. Giáo Hoàng Học Viện Piô X là một phân khoa thần học và triết học do các giáo sư ngoại quốc ở các đại học công giáo quốc tế về dạy, và do các linh mục ngoại quốc dòng Tên phụ trách quản lý, mục đích là đào tạo nên những linh mục tương lai cho Việt Nam.

1975-1978 Đến cuối năm 1978 xuất tu, vì thấy đời sống linh mục không thích hợp.

1978 Viết cho báo tôn giáo. Lúc đó trong nước chỉ có tờ báo Công Giáo và Dân Tộc (gồm 2 tờ: Một tuần báo và một nguyệt san). Chỉ viết những bài nghiên cứu hoặc bình luận trên nguyệt san.

1983 Lập gia đình. Dạy triết học tại một số tu viện tại Sài Gòn như: Dòng Xitô Phước Lý (Quận 5, Sài Gòn), Dòng Biển Đức Thiên Phước (Thủ Đức), Dòng Đức Mẹ Người Nghèo (Sài Gòn), Dòng Thánh Thể (Thủ Đức), Học Viện Liên Dòng Nữ (Sài Gòn), v.v…

Viết báo, viết bài thường xuyên trên một số trang nhà Công Giáo, viết sách… Đã viết khoảng 10 cuốn sách, chủ yếu về những chủ đề tôn giáo nêu trên, nhưng mới chỉ xuất bản tại Mỹ cuốn "Ngôn Sứ Thời Đại Mới" (do nhóm Diễn Đàn Giáo Dân in)(*3).

Từng sinh hoạt và làm huynh trưởng trong các hội đoàn như cộng đoàn Couples For Christ hay Gia Đình Cùng Theo Chúa (gốc Philippines), cộng đoàn Giuse-Maria- Martin (gốc bản xứ), và cộng đoàn Kolping hay Khôi Bình (gốc Đức). Khi lên tiếng cho tự do tôn giáo năm 2001, là hội trưởng của hội Kolping Vietnam với nhiệm kỳ 4 năm.

Nhận dịch sách để sinh sống, thường là các sách về tôn giáo (tu đức, thần học, triết học).

Bắt đầu cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền

2001 Bắt đầu lên tiếng ủng hộ LM Nguyễn Văn Lý và viết những bài thức tỉnh lương tâm con người trước tình trạng của đất nước và Giáo Hội.

2005 Mở rộng phạm vi tranh đấu của mình: Lên tiếng cho nhân quyền và tranh đấu cho tự do dân chủ áp dụng hình thức tranh đấu mới như trả lời phỏng vấn trên các đài phát thanh hải ngoại như RFA, BBC, Little Saigon Radio, Vietnam Sydney Radio, đài Quê Hương, đài Tiếng Nước Tôi, v.v…

2006 Góp tay hình thành của Khối 8406 với Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam.

Cộng tác với các trang nhà:

http://tiengnoigiaodan.net/, http://www.maranatha-vietnam.net/, http://simonhoadalat.com/, http://www.chungnhanduckito.net/, http://dongcong.net/, http://dunglac.net/, http://thanhlinh.net/,http://tinvui.org/, http://tinvuivn.net/, http://anhmattamlinh.tinvui.org/, http://vietcatholic net v.v…

Tác phẩm đã xuất bản:

1) Linh Hạnh Phật Giáo Đối Chiếu Với Linh Hạnh Kitô Giáo (hay Linh Đạo Phật Giáo Dưới Cái Nhìn Của Một Kitô Hữu)
(http://www.dunglac.net/nguyenchinhket/linhdaophat.htm)
2) Thích Ứng Hay Hội Nhập Văn Hóa Trong Truyền Giáo (http://www.dunglac.net/nguyenchinhket)
3) Quan Niệm Của Phật Giáo Về Cái Chết
http://www.dunglac.net/nguyenchinhke...mphat-chet.htm
4) Ngôn Sứ Thời Đại Mới
5) Đường Vào Triết Học
6) Đi Vào Triết Học Đông Phương
7) Suy tư về Thực Tại Tối Hậu
8) Phương Pháp Làm Việc
9) Đối Thoại Tôn Giáo
http://nguyenchinhket0.blogspot.com/...aitongiao.html


ĐIỀU ĐÁNG BUỒN CƯỜI NHẤT LÀ LŨ ĐÀN EM CHỐNG CỘNG LẠI MẠT SÁT THẰNG ĐÀN ANH DỐT. THẬT LÀ TỘI NGHIỆP CHO GS. NGUYỄN CHÍNH KẾT

CÁC BẠN CÓ THỂ ĐỌC THÊM VỀ NGUYỄN CHÍNH KẾT

“GS” NGUYỄN CHÍNH KẾT: CÁI CHẾT PHẢN BỘI
http://kbchaingoai.wordpress.com/2011/07/08/%E2%80%9Cgs%E2%80%9D-nguy%E1%BB%85n-chinh-k%E1%BA%BFt-cai-ch%E1%BA%BFt-ph%E1%BA%A3n-b%E1%BB%99i/


HA HA... ĐÚNG LÀ CHUYỆN VUI ĐẦU TUẦN

CHẲNG CÓ SỰ TỒN TẠI NÀO VÔ NGHĨA


Featured Image: AmandaNicole13



Có bao giờ bạn đã từng nghĩ rằng sự hiện hữu của bản thân trên cuộc đời thật vô nghĩa, cảm thấy bản thân chẳng làm được gì? Tôi cũng từng như bạn, cũng từng bi quan, tự trách mình và so sánh bản thân với mọi người xung quanh rằng ông A, bà B sao mà làm được nhiều thứ quá, cống hiến cho xã hội nhiều quá….

Nhưng sao bạn không nghĩ kỹ lại, tại sao bạn lại có mặt trên hành tinh này, bạn lại chính là bạn chứ không phải ai khác, bạn sống ngay tại phút giây này, tại vị trí này chứ không phải ở thời điểm khác, vị trí khác? Liệu rằng có phải bàn tay của Tạo hóa đã xếp đặt cho mỗi người những nhiệm vụ họ cần phải hoàn thành trên cuộc đời này? Khi nghĩ đến đó thôi, lòng tôi lại cảm thấy phấn chấn ngay và bắt đầu nghĩ nhiều hơn về năng lực của bản thân, về những gì mình có thể làm hơn là cứ suốt ngày ngồi đó mà than van, mà bi quan. Nếu như bạn đã từng rơi vào trường hợp giống như tôi, hãy thử suy nghĩ như vậy và hành động, dấn thân.

Cuộc đời bạn sẽ chẳng bao giờ vô nghĩa nếu bạn bắt tay vào làm việc, làm những gì bạn muốn, tất nhiên là có ích cho bạn và mọi người xung quanh. Nếu đủ khả năng, bạn cũng có thể trở thành người tiên phong trong một lĩnh vực của cuộc sống, bạn có thể làm những việc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác,… Lúc đó bạn sẽ thấy, sẽ phát hiện ra nhiệm vụ của chính mình trên hành tinh này. Giá trị về sự tồn tại của mỗi người đều được thể hiện thông qua những gì họ nghĩ, họ làm. Chỉ có suy nghĩ và hành động mới giúp bạn khẳng định được giá trị của bản thân.

Không phải chỉ có loài người chúng ta mới cảm thấy có ý nghĩa khi tồn tại. Những thứ xung quanh bạn, từ thiên nhiên cho đến những loài động vật, những vật vô tri vô giác mà đôi khi bạn không thèm để tâm đến đều có những nhiệm vụ riêng của chính nó.

Một viên đá nhỏ nằm lăn lóc bên vệ đường, bạn nghĩ nó thật vô dụng đúng không? Nhưng những con đường mà bạn đi hằng ngày, những ngôi nhà mà bạn đang ở đều được hình thành từ những viên đá nhỏ kia. Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện mà tôi từng được đọc về giá trị của bản thân mỗi con người, mà nhân vật chính là những viên đá vô tri giác kia. Câu chuyện đại ý thế này:


“Ở một ngôi làng nọ, người dân đang có ý định xây dựng một bức tượng đài về người anh hùng năm xưa đã từng góp công bảo vệ và xây dựng làng, để mỗi ngày dân làng đi qua đều có thể ngắm nhìn và tưởng nhớ đến vị anh hùng kia. Thế là cả làng bắt tay vào xây dựng bức tượng, họ mời một kiến trúc sư đến thiết kế cho bức tượng kia, mua thật nhiều đá về để xây tượng. Sau một thời gian, bức tượng hoàn thành, và mỗi ngày dân làng đi qua đều có dịp ngắm nghía, trầm trồ về bức tượng. Thế nhưng, những viên đá, nhất là những viên góp phần tạo nên khuôn mặt của bức tượng cứ tưởng người dân đang thán phục mình, ngưỡng mộ mình mà sinh lòng kiêu ngạo, khinh khi những viên đá ở dưới làm bệ đỡ, làm những bộ phận khác của bức tượng.

Thế rồi sau nhiều cuộc tranh cãi của những viên đá, những viên đá ở dưới quyết định rời bỏ khỏi bức tượng để dạy cho những viên đá ở phần trên của bức tượng một bài học đích đáng về sự ảo tưởng giá trị của bản thân. Nói rồi làm, từ từ toàn bộ bức tượng đổ sụp xuống, vì làm thế nào một bức tượng có thể tồn tại nếu như không có bệ đỡ chắc chắn. Và tất cả viên đá từ một chỉnh thể hợp nhất giờ lại trở về như trước kia, là một cá thể nhỏ bé. Từ đó, các viên đá hống hách nhìn nhận lại cách hành xử của bản thân và cuối cùng tất cả đều đi đến quyết định là sẽ tham gia vào việc góp mình xây dựng những con đường. Lúc đấy, ai cũng như nhau, không ai hơn ai vì tất cả đều cùng nằm trên một mặt bằng chung.”

Qua câu chuyện trên, tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về ý nghĩa của sự tồn tại. Bên cạnh đó, câu chuyện còn dạy tôi đừng quá ảo tưởng, đừng đắm chìm trong giá trị tồn tại của chính mình mà từ đó quên mất mình là ai, mình tồn tại là nhờ vào những gì.

Hay như những con gián – một loài côn trùng mà hầu hết cả tôi và bạn đều không thích và thường hay xua đuổi khi thấy chúng vì gián là loài côn trùng hôi hám với những chiếc chân có gai, bò khắp nhà, lên thức ăn, tủ quần áo,… lại có một vai trò rất quan trọng đối với thiên nhiên xung quanh. Gián hầu như ăn chất hữu cơ thối rữa, đang phân hủy chất rất nhiều nitơ. Chất này qua phân gián sau đó ngấm vào đất, đem lại nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây cối. Bạn hãy thử tưởng tượng nếu không có những con gián cung cấp dinh dưỡng cho cây thì những cánh rừng bạt ngàn như ngày hôm nay có còn tồn tại nữa không?

Không chỉ vậy, gián còn là thức ăn cho các loài sinh vật khác như chim, chuột. Nếu gián biến mất thì các loài sinh vật khác cũng mất đi một nguồn thức ăn đáng kể. Riêng trong lĩnh vực sức khỏe, gián là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học vì tuy sống trong môi trường bẩn nhưng cơ thể gián sản xuất ra một loại kháng sinh rất mạnh, chống lại rất nhiều loại vi khuẩn. Từ việc nghiên cứu cơ thể loài gián, mong rằng trong tương lai không xa, các nhà khoa học sẽ điều chế ra một loại thuốc kháng sinh chữa được nhiều bệnh cho con người.

Và còn rất rất nhiều vai trò về sự tồn tại của những loài sinh vật, những đồ vật tưởng như vô tri giác kia vẫn đang hằng ngày đóng góp cho môi trường sống của chúng ta. Và dường như dưới bàn tay kỳ diệu của Tạo hóa, tôi cho rằng những gì đang hiện diện trên hành tinh này đều có liên đới với nhau, đều cùng nhau hỗ trợ, phát triển và xây dựng cuộc sống.

Tôi mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ nhận ra giá trị tồn tại của bản thân mình, từ đó lên kế hoạch và hành động cho tương lai. Mong rằng cả tôi và bạn đều làm nên những điều kỳ diệu, mang đến niềm vui sống cho mọi người xung quanh, giúp họ nhận ra giá trị của bản thân vì “chẳng có sự tồn tại nào là vô nghĩa”.



Trương Thanh

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Người cổ đại thật sự thọ hơn 200 tuổi ?

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn và thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Tùy bạn quyết định!


Không phải các nhân vật trong Kinh thánh mới có thể sống đến 900 tuổi hoặc lâu hơn. Các văn bản cổ đại từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau đã liệt kê tuổi thọ mà hầu hết con người ngày nay sẽ cảm thấy khó tin. Một số cho đây là sai sót trong quá trình dịch thuật, hoặc có lẽ những con số đó mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Nhưng song song với rất nhiều lời giải thích như vậy, cũng xuất hiện các lý lẽ phản biện đã làm các nhà sử học phải tự hỏi rằng lẽ nào tuổi thọ của con người đã giảm xuống đáng kể như vậy sau hàng nghìn năm lịch sử.

Ví dụ như, một lời giải thích cho rằng định nghĩa về một năm của người miền Cận Đông cổ đại có thể khác với khái niệm một năm thời nay. Có lẽ một năm ám chỉ đến quỹ đạo của mặt trăng (một tháng) thay vì quỹ đạo mặt trời (12 tháng).



Trên cùng bên trái: Tượng chạm khắc trong một ngôi đền Đạo gia; Trong lịch sử các Đạo sĩ được cho là có thể sống đến mấy trăm tuổi. (Shutterstock*). Dưới cùng bên trái: Một hình minh họa từ thiên sử thi “Shahnama,” một tập hợp các bài thơ tiếng Ba Tư từ thế kỷ thứ 10 đã trích dẫn tuổi thọ của các vị vua có thể lên đến mấy trăm năm và thậm chí hơn nghìn năm. (Wikimedia Commons). Ảnh bên phải: Chân dung một nhân vật trong kinh thánh, Abraham, phác họa bởi Rembrandt: Abraham sống lâu hơn tuổi thọ kỳ vọng của con người hiện đại. (Wikimedia Commons). Nền: (Trái sang Phải) Một phiến đá Xu-me cổ đại (Wikimedia Commons), một văn bản y học Trung Quốc cổ đại (Defun /iStock/ Thinkstock), và văn bản tiếng Hebrew (Shutterstock*)
Nhưng nếu chúng ta làm phép biến đổi cho phù hợp với cách tính ngày nay, thì dù tuổi thọ của Adam trong Thánh Kinh sẽ từ 930 tuổi hạ xuống một con số thực tế hơn là 77, nhưng cũng đồng nghĩa với Adam đã sinh hạ đứa con trai Enoch lúc 11 tuổi. Và Enoch sẽ chỉ 5 tuổi khi cậu sinh hạ Methuselah.

Mâu thuẫn tương tự cũng nảy sinh khi chúng ta thay đổi dùng “năm” để chỉ mùa thay vì chỉ quỹ đạo mặt trời,theo ghi chú của Carol A. Hill trong bài viết của bà “Hợp lý hóa các con số trong Sáng Thế Ký,” xuất bản trên tạp chí “Nhận định về khoa học và niềm tin nơi Công giáo” vào tháng 12 năm 2013.

Các vấn đề tương tự cũng nảy sinh khi chúng điều chỉnh lại tuổi trong các văn bản cổ đại với giả định các tác giả đã sử dụng một quy tắc nhất định do đó đã làm lệch đi số tuổi thực tế (như khi nhân chúng với một con số nhất định).

“Các con số [trong Sáng Thế Ký] có thể có cả hai ý nghĩa thực (đại lượng) và tâm linh (thần số hoặc biểu tượng),” Bà Hill đã viết.

Các mô hình toán học?

Ở cả trong Sáng Thế Ký và trong văn bản Danh sách Vua Sumer có niên đại 4000 năm, trong đó liệt kê thời gian trị vì của từng vị vua Sumer (miền nam Iraq thời cổ đại), và có vài trường hợp vượt quá 30.000 năm, các nhà phân tích đã nhận thấy việc sử dụng các số chính phương (bình phương của một số tự nhiên).

XEM THÊM: “Danh Sách Vua Sumer Vẫn Làm Đau Đầu Các Nhà Sử Học Sau Hơn Một Thế Kỷ Nghiên Cứu

Giống như Kinh Thánh, từ văn bản Danh Sách Vua Sumer cho ta thấy tuổi thọ giảm dần theo thời gian. Danh sách này phân biệt giữa thời kỳ trước đại hồng thủy và sau đại hồng thủy. Thời kỳ trước đại hồng thủy con người có tuổi thọ dài hơn rất nhiều so với thời kỳ sau đó, mặc dù tuổi thọ của con người sau đại hồng thủy là khoảng vài trăm năm hoặc hơn 1000 năm. Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy tuổi thọ giảm rất nhanh, với Adam thọ 930 tuổi, tới Noah thọ 500 tuổi cho đến Abraham thọ 175 tuổi.

Dwight Young thuộc trường đại học Brandeis đã miêu tả về tuổi thọ sau đại hồng thủy theo Danh sách Vua Sumer như sau: “Không thể chỉ vì quá lớn mà cho rằng những con số dường như là giả. Con số lớn nhất, thời gian trị vì 1560 năm của Etana, là tổng thời gian của hai triều đại trước đó. … Một số khoảng thời gian chỉ đơn giản là bội số của 60. Các số khác lại là số chính phương, như: 900, bình phương của 30; 625, bình phương của 25; 400, bình phương của 20 … thậm chí trong những con số nhỏ hơn, bình phương của 6 xuất hiện nhiều hơn thông thường.” Bài viết của Young, với tựa đề “Một cách tiếp cận mang tính chất toán học đối với một số thời gian trị vì của các triều đại nhất định trong Danh sách Vua Sumer,” đã được xuất bản trên tạp chí Nghiên cứu Cận Đông vào năm 1988. Paul Y. Hoskisson, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tư liệu dòng Mặc Môn Laura F. Willes đã viết tương tự như vậy về thời kỳ gia trưởng trong Kinh Thánh trong một bài viết ngắn cho Viện Học bổng Tôn giáo Neal A. Maxwell.

Mặt khác, khi nhìn vào các mô hình, đồng sáng lập Nhà thờ Chúa ở miền nam Texas Arthur Mendez nghĩ rằng tỷ lệ sụt giảm tuổi thọ từ trước thời đại hồng thủy như được ghi nhận trong các văn bản cổ cho tới ngày nay lại vừa hay trùng khớp với tốc độ phân rã quan sát được trong mô sinh vật khi chúng tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc chất độc.
Các sự kiện ở rất nhiều nền văn hóa, bao gồm ở Trung Quốc và Ba Tư

Thời Trung Quốc cổ đại, theo ghi chép trong các sách cổ, những người sống thọ trên trăm năm là rất phổ biến. Nhà châm cứu, tiến sỹ Joseph P. Hou, đã viết trong quyển sách của ông với tựa đề “Các Phương pháp Trường Thọ và Khỏe Mạnh” như sau: “Theo ghi chép của y học Trung Hoa, một lương y tên Thôi Văn Tử thời Tần đã sống đến 300 tuổi. Cát Nhạc thời Hán sau đó đã sống đến 280 tuổi. Một Đạo trưởng tên Huy Triệu đã sống đến 290 tuổi và Lão Tử Thường Nga sống đến 180 tuổi. Như được ghi chép lại trong Bản Thảo Cương Mục [1], He Nengci thời nhà Đường đã sống đến 168 tuổi. Một Đạo trưởng tên Lí Thanh Viễn, đã sống đến 250 tuổi. Trong thời hiện đại, một lương y cổ truyền Trung Quốc tên Lô MInh Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên đã sống đến 124 tuổi,”

Tiến sĩ Hou nói rằng bí quyết sống lâu của người phương Đông là “thuật dưỡng sinh,” tức là ngoài bồi dưỡng thể chất, còn phải bồi dưỡng tinh thần và tâm linh.

Cuốn sách Shahnameh hay Shahnama (“Cuốn sách của các vị vua”) là một thiên sử thi của Ba Tư được Ferdowsi viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10 Sau Công Nguyên. Nó ghi chép lại về các vị vua có thời gian trị vì hơn 1.000 năm, vài trăm năm, rồi xuống đến 150 năm, v.v.v

Các trường hợp trường thọ ngày nay

Kể cả vào thời nay, người ta đã ghi nhận được những người có tuổi thọ vào khoảng 150 năm hoặc hơn thế. Những ghi nhận như vậy thường đến từ các vùng nông thôn, nhưng các tài liệu nhằm xác thực lại khá hiếm. Hơn một thế kỷ trước các dẫn chứng xác thực này có lẽ không được coi trọng mấy ở vùng nông thôn, do vậy việc xác minh các tuyên bố trên gặp nhiều khó khăn.

Một ví dụ như vậy là trường hợp của cụ Bir Narayan Chaudhary ở Nepal.

Năm 1996, Vijay Jung Thapa đến thăm Chaudhary ở ngôi làng Tharu của Aamjhoki trong khu vực Tarai. Chaudhary nói với anh rằng ông đã 141 tuổi. Thapa đã viết trong một bài báo cho tờ Ấn Độ Ngày Nay (India Today). Nếu tuyên bố này là thật, Chaudhary sẽ đánh bại người đang giữ kỷ lục thế giới Guinness cho tuổi thọ cao nhất hiện nay với khoảng cách gần 20 tuổi.

Nhưng Chaudhary không có các giấy tờ để xác nhận điều đó. Tuy nhiên, ông lại có những ký ức xác thực về ngôi làng.

“Hầu hết tất cả những người già cả quanh vùng đều nhớ khi họ còn trẻ Chaudhary (đã già rồi) từng nói chuyện về công việc khảo sát Nepal vào năm 1888,” Thapa viết. “Luật làng quy định lúc ấy ông phải hơn 21 tuổi, vì cuộc khảo sát này là một công việc nghiêm túc. Chaudhary tuyên bố ông đã 33 tuổi vào thời điểm đó và vẫn còn là một chàng trai độc thân cứng đầu.”

Tương tự, rất nhiều người da trắng ở Nga cũng tuyên bố có tuổi thọ vượt trên 170 năm nhưng cũng không có giấy tờ xác thực.

Tiến sỹ Hou viết: “Những người sống thọ như vậy, đều có đời sống rất giản dị. Họ làm công việc tay chân nặng nhọc, thông thường ở ngoài trời, từ lúc trẻ cho đến già. Bữa ăn của họ khá đơn giản, và giao tiếp xã hội cũng vậy, chỉ giới hạn trong gia đình. Một ví dụ như vậy là Shisali Mislinlow, người đã sống đến 170 tuổi. Ông đã làm vườn ở khu vực Azerbaijan của Nga. Cuộc sống của Mislinlow chưa bao giờ vội vã. Ông nói, ‘Tôi chưa bao giờ vội vã, vậy nên đừng sống một cách vội vã, đây là điểm chính. Tôi đã làm công việc tay chân trong suốt 150 năm.’”

Vấn đề niềm tin?

Từ lâu phương pháp trường thọ thời cổ đại đã có liên quan với thuật nội đơn của Đạo gia, hay còn gọi là phương pháp tu luyện thân tâm (cả thân thể và tâm trí) ở Trung Quốc. Ở đây, sự trường thọ có mối liên hệ với đạo đức. Cũng tương tự, ở phương Tây trường thọ cũng hòa quyện với đức tin như một phần của Kinh Thánh.

Mendez đã trích dẫn Titus Flavius Josephus, nhà sử học người La Mã-Do Thái thế kỷ thứ nhất: “Hiện nay khi Noah đã sống qua 350 năm sau cơn Đại Hồng Thủy … nhưng ông sẽ không để ai, so sánh tuổi thọ của người cổ đại với chúng ta hiện nay, với số năm ngắn ngủi chúng ta sống, nghĩ rằng điều chúng ta nói về họ là sai; hay biến tình trạng ngắn ngủi của sinh mệnh chúng ta hiện tại thành một loại lý lẽ, rằng họ cũng không thể đạt được tuổi thọ dài như vậy, chỉ vì người cổ đại tôn kính Thần, và [cuối cùng] được tạo ra bởi Thần; và bởi vì sau đó lương thực của họ đã được cải biến để kéo dài sinh mệnh, từ đó họ mới có thể sống lâu năm như vậy: và ngoài ra, Thần đã gia hạn thời gian sống dài hơn phụ thuộc vào tiêu chuẩn đạo đức của họ, cũng như các hành động tốt họ làm được nhờ vào tiêu chuẩn đó.

Ngày nay, các nhà khoa học đương đại có hai lựa chọn, hoặc là tin vào những ghi chép thời cổ đại về các mức tuổi thọ dường như rất khó tin, hoặc nhìn nhận những ghi chép này như một sự cường điệu hóa, một ý nghĩa biểu tượng nào đó, hay sự hiểu sai. Với rất nhiều người, nó chỉ đơn giản là một vấn đề của niềm tin.

[1]: Bản Thảo Cương Mục là một bộ từ điển bách khoa của Trung Quốc về dược vật học được danh y Lý Thời Trân biên soạn

http://vietdaikynguyen.com/v3/14069-nguoi-co-dai-that-su-co-tuoi-tho-hon-200-tuoi/