Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Em chết trong nỗi buồn







Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương, rơi không thành tiếng
Trái tim em còn trẻ dại trắng trong
Ai cất giùm em cái nhìn già nua
Ai cất giùm em bàn tay cằn cỗi
Trong xứ sở của anh, hiếm hoi niềm vui
Nơi cô đơn khô khan đến nao lòng

Ai đã đánh mất em, hay tự em đánh mất
Phải chi em xấu xa?
Phải chi em xấu xa?
Không … Không … Không …
Trái tim trong trắng của em. Sao không ai nhận ra ?
Sao không ai nhận ra ?

Đi bên anh em còn lạc lối về
Có đôi khi muốn mình như chiếc bóng
Tan lắng vào đêm
Không ai nhận ra mình

Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn



Hiếm có bài hát nào tôi “sợ” nghe như bài hát Romance 2 của Phú Quang. Lạ lùng là thế. Mỗi khi quyết định nghe, có nghĩa là một lần can đảm, chấp nhận một khoảng thời gian khi nghe bài hát ấy, sau khi nghe bài hát ấy, sẽ “chết trong nỗi buồn”.

Tôi sợ, bởi vì mỗi lần nghe, là một lần nhìn thấu tỏ lại lòng mình, thấy lại nỗi đáng thương của mình. Thấy mình không được an toàn trong cảm giác trốn tránh nữa.

Không phải lúc nào, dù là khi ta đối diện với chính ta, ta cũng có thể can đảm nhìn lại vết thương của chính mình, phải không, những người bạn gái?

Lần đầu tiên nghe bài hát này, và biết nó phổ thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi đã lên mạng tìm kiếm. Tôi vốn rất yêu mến cô, cô là nhà thơ với tôi, nữ tính vô cùng. Kết quả tìm chỉ cho thấy đây là 1 bài thơ chưa xuất bản…Tôi từng nghe nói, khi cô được nghe chính Phú Quang hát bài hát này, cô đã khóc, vì lẽ, bài hát đã nói đúng về giấc mơ, về khao khát trong trái tim cô, tâm hồn cô…

Lạ một điều, khi nghe bài hát này lần nào, tôi cũng ước mình có thể khóc. Nhưng không, chỉ da diết buồn, chìm sâu bất tận, àh, ví von thì có thể như người ta dùng dao cùn để cứa vào 1 vết thương không lành miệng vậy.

Người đàn bà trong bài thơ ấy, bài hát ấy, là người đàn bà mang trên mình những dấu ấn thời gian, đôi mắt già nua, bàn tay cằn cỗi, những điều mà ai cũng thấy. Nhưng trái tim người đàn bà ấy “trái tim em còn trẻ dại trắng trong” thì không ai nhận ra, không ai cả, thậm chí là “anh”, người bạn cùng đường, người mà “đi bên anh em còn lạc lối về…”

“Em chết trong nỗi buồn, em chết trong nỗi buồn…” điệp khúc ấy trở đi trở lại, nó gợi cho tôi nhớ tới một câu thơ của Nguyễn Phong Việt “Chúng ta đã nhiều lần chết đi dù vẫn đang tồn tại giữa bao người”… Cái chết ấy, trong nhiều khoảnh khắc, là những phút tê đắng của tâm hồn, là những phút lịm đi, như nỗi cô đơn của một người muốn chìa bàn tay mà không ai buồn nắm lấy, là những khi bước trên đường mỏi mệt một mình đơn lẻ, là những khi trong đám đông trong nói cười ồn ã mà thấy trống rỗng tận cùng, là những khi mong chờ một yêu thương nhỏ bé không bao giờ thành hiện thực, là những khi nhắm chặt mắt mà không thể nào chợp mắt, thấy mình bé nhỏ, cô đơn… Người đàn bà ấy khản giọng nói rằng “trái tim em còn trẻ dại trắng trong, sao không ai nhận ra, sao không ai nhận ra”…

Tôi yêu cái sự tuyệt vọng ấy biết bao. Người đàn bà nào trong cuộc đời không từng có ý nghĩ mình xứng đáng được hưởng hạnh phúc, tùy từng tính cách mà họ nghĩ về nó với sự khiêm nhường hay tự kiêu… Thế nhưng, trong cuộc đời này, có mấy người tìm được hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự? Và khi không tìm thấy, họ âm thầm chịu đựng. Chẳng có mấy người cất lên tiếng nói chân thành như thế. “Sao không ai nhận ra”, “Sao không ai nhận ra…” Và tại sao? Tại sao anh – cũng – không – nhận – ra?

Cõi trần gian này, tình yêu này, và số phận này, đã đánh cắp biết bao thời thanh xuân thiếu nữ. Trên con đường mỏi mệt tìm hạnh phúc, đến một lúc, người đàn bà ngơ ngẩn hỏi rằng “Ai đã đánh mất em hay tự em đánh mất”….Trong phút xa xót ấy, sững sờ ấy, thảng thốt ấy, chỉ có mình người đàn bà đứng lặng nhìn mất mát của chính mình. Dẫu rằng không biết vì đâu, và không biết vì ai, nhưng đã “đánh mất” rồi, đánh mất “chính em” . …“Phải chi em xấu xa, phải chi em xấu xa…” người đàn bà ấy đã cay đắng nói rằng, giá mà chị xấu xa thật sự, xứng đáng thật sự với nỗi cô đơn đắng ngắt này, để phải nhận nỗi “lạc lối” này…Nhưng không, đó là người đàn bà ý thức được bản thân mình biết bao, ý thức được sự trong trắng của trái tim mình, ý thức mình xứng đáng để nhận hạnh phúc, nhận tình yêu. Nhưng hạnh phúc đâu rồi, tình yêu đâu rồi và anh đâu rồi?

Cho nên “em chết trong trong nỗi buồn”, cho nên có những khi “muốn mình như chiếc bóng – Tan lắng vào đêm – Không ai nhận ra mình”….

Hạnh phúc của một người phụ nữ được đo bằng định nghĩa của người đàn ông về mình. Nhưng có biết bao phụ nữ trong cuộc đời này, từng ngước lên bầu trời và tự hỏi “Trái tim em còn trẻ dại trắng trong – sao không ai nhận ra. Sao không ai nhận ra”.

http://nguoiduynhat83.wordpress.com/

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Sóng Tình Yêu



Tuệ Thiền










Ta yêu nhau: cây đời xanh hơn
Tầng ô-dôn bớt những vết thương
Lũ chim gọi nhau về đất hứa
Gã bụi đời giũ áo bất lương

Ta yêu nhau: niềm tin ló dạng
Rét nứt mùa, xuân đã nhú lên
Kẻ ô trọc theo đàn sâu nhỏ
Cởi tối đen hoá cánh bướm vàng

Ta yêu nhau: đất trời độ lượng
Rớt hận thù khỏi ánh mắt đau
Sóng tình yêu toả lan vô tận
Tim bình yên, quên thuở nát nhàu



Ta yêu nhau: lòng ta trong hơn

Không để tình yêu hoá oán hờn

Nụ hôn thương nỗi đau trái cấm

Người gặp người giữa cõi bán buôn.

---

Chuyến tàu băng giá





Đạo diễn:Joon-ho Bong
Diễn viên:Chris Evans, Tilda Swinton, Jamie Bell

Một bộ phim hay xem và suy ngẫm. Bộ phim mang tính triết lý sâu sắc về nền Văn minh phương Tây
Thật là thú vị khi con tàu với động cơ vĩnh cửu này bị phá vỡ, hai kẻ sống sót còn lại để khởi đầu lại cho thế giới mới của loài người chính là một cô gái Châu Á với khả năng dùng tâm trí nhìn xuyên thấu vạn vật và một cậu bé Châu Phi hoang dã

Xem bộ phim này rồi không biết những tín đồ sùng bái Văn minh Phương Tây sẽ nghĩ gì?

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Khi luật sư chỉ là cái bóng của công lý




Tác giả: Lê Chân Nhân

Trong tất cả các tội ác mà con người có thể gây ra, thì bức cung nhục hình để ép bị can nhận tội là tội ác ghê tởm nhiều khi còn hơn cả giết người.
>> Cơ quan điều tra không nên quản lý giam giữ

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Bởi vì, có những trường hợp giết người vì không làm chủ được bản thân, vì tự vệ, vì bộc phát nhất thời. Còn dùng nhục hình để ép án là hành vi có chủ đích, kéo dài ngày này qua tháng khác, hành hạ người vô tội. Người dùng nhục hình và bức cung là cán bộ điều tra, hiểu biết pháp luật, có quyền sinh sát đối với số phận người khác. Chính vì họ được đào tạo, được nhà nước giao trách nhiệm điều tra tội phạm, nhưng họ dùng quyền và sức mạnh được giao để nhục hình một công dân nên mới đáng ghê tởm



Xâm phạm hoạt động tư pháp để đẩy người khác vào tù tội, phải chịu án chung thân, tử hình thì những điều tra viên đó không còn nhân tính. Thậm chí, có trường hợp dùng nhục hình đến nỗi can phạm bị tử vong ngay trong trại tạm giam.

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn với những lời tố cáo nhục hình chưa làm rõ. Vụ án Hàn Đức Long cũng ở Bắc Giang cũng tương tự. Hàn Đức Long bị ghép tội hiếp dâm, giết người nhưng một mực kêu oan. Cán bộ điều tra bức cung bằng cách dùng bút bi kẹp vào các kẽ ngón tay, đốt bằng bật lửa gas…

Vụ án ở Phú Yên còn tệ hơn, nghi can bị 5 công an đánh chết tại trại tạm giam.

Không lên tiếng cảnh tỉnh thì sẽ còn bức cung nhục hình nhiều và theo đó là án oan sai chồng chất. Chính vì vậy nên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã yêu cầu khắc phục tình trạng này. Bộ Công an cũng ban hành Thông tư, trong đó quy định nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.

Các quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhưng chưa đủ để ngăn chặn hành vi bức cung, nhục hình, mà phải thực hiện những cải cách cụ thể hơn. Ví dụ, đã có nhiều ý kiến đề xuất lắp đặt camera trong phòng hỏi cung. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra vừa điều tra vừa giam giữ thì khó có thể minh bạch trong chuyện lấy thông tin từ camera. Nếu như điều tra viên không dùng nhục hình trong phòng lấy cung mà ở nơi khác thì sao?

Cho nên, đề xuất tách cơ quan quản lý giam giữ độc lập với cơ quan điều tra là một biện pháp phù hợp.

Ngoài ra, một quy định vô cùng khoa học và có khả năng ngăn chặn nhục hình rất thực tế, đó là sự có mặt của luật sư trong các cuộc hỏi cung. Thiếu vai trò của luật sư, khó có thể nói đến sự minh bạch của các bản cung. Nhìn vào thực tế, luật sư còn chưa được tạo điều kiện để thực hiện công việc vô cùng quan trọng, đó là tiếp cận với thân chủ trong các cuộc hỏi cung. Thiếu vai trò này, luật sư chỉ là cái bóng của công lý mà thôi.

Hãy như quốc gia văn minh, trước khi thẩm vấn, cảnh sát sẽ nói với nghi phạm bằng “Lời cảnh báo Miranda”: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ đợi sự có mặt của luật sư”.

Có lẽ “Lời cảnh báo Miranda” nên được áp dụng khắp nơi trên địa cầu này, đặc biệt là những nơi còn bóng tối.

———–

Theo Dân trí, ngày 07/8/2014

Văn hóa Việt Nam khác văn hóa Tàu




GS Lưu Trung Khảo

 Trong các yếu tố để dân tộc ta tồn tại được, để dân tộc ta được độc lập, để dân tộc ta thoát khỏi cái gọng kềm, cái móng vuốt của Bắc phương, thì cái yếu tố rất quan trọng là yếu tố Văn Hóa. Chính là nhờ yếu tố Văn Hóa này, mà chúng ta mới giữ được sự độc lập về tư tưởng cũng như văn chương ngôn ngữ và các phương diện khác.

Quan niệm về vương quyền và tổ chức đất nước của ta khác người Trung Hoa. Họ quan niệm rằng vua là thiên tử, là con Trời, được Trời sai xuống để cai trị muôn dân. Và vì thế cho nên họ có quyền sinh quyền sát (giết) và quyền tổ chức hoàn toàn theo ý muốn của đấng thiên tử tức là con Trời như văn chương ngôn ngữ và các phương diện khác.


Quan niệm tuyệt đối trung thành với ông vua là quan niệm phổ cập trong xã hội phong kiến Trung Hoa. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu, vua sai bảo bầy tôi chết thì bầy tôi phải chết, nếu không chết là bất trung. Cha bảo con chết, con không chết là con bất hiếu. Chính quyền đó được "tập trung" và người ta có quan niệm "trung quân là ái quốc". Nhưng người Việt Nam chúng ta không quan niệm như vậy.

Theo quan niệm của người Việt Nam chúng ta, Quốc tổ như đằng lạc, đất nước giống như dây mây quấn vào với nhau chặc chẽ, không phân biệt vua tôi hay thứ dân gì hết. Tất cả đều là một mối để tạo thành đất nước. Vua Trần Nhân Tông đã họp các bô lão lại tại Hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến toàn dân là nên hòa hay nên chiến. Tất cả các bô lão đều thưa: Quyết Chiến! Đấy là một thứ quốc hội sơ khai của Đất Nước chúng ta.

Nhìn vào cách tổ chức làng xã ở Việt Nam, thì chúng ta thấy rằng chế độ làng xã đó là những nước cộng hòa nhỏ bé, họ có thể đặt ra những luật lệ cho riêng trong làng, với các bản hương ước ở trong làng. Cho nên trong thành ngữ Việt Nam mới có câu "phép vua thua lệ làng". Phép tắc của vua nhu khi đến các lũy tre phải dừng lại, nếu trái với với những luật lệ ở trong làng.

-- Một nhà nghiên cứu người Pháp đã nói rằng đồng bằng sông Hồng Hà được kết hợp bởi 800 tiểu quốc cộng hòa. Bởi vì trong những tiểu quốc đó, sau những lũy tre xanh đó người ta có những luật lệ, và những luật lệ đó nhiều khi trái với những luật lệ của triều đình.

-- Chính vì thế mới có một bài vè, vào thời Vua Minh Mạng, nhà vua muốn thống nhất y phục, cho nên đã ra lệnh cho phụ nữ phải mặc quần. Mà phụ nữ ở miền bắc thì thường mặc váy. Thế cho nên trong ca dao mới có một bài diễu cái chỉ dụ của nhà vua:

Chiếu vua mồng sáu tháng ba
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì lột lấy quần chồng sao đang?
Có quần, ngồi quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng xem quan

Thành ra cái chỉ dụ đó, tuy ra, mà không có hiệu lực. Cho đến thời chúng tôi còn ở lại miền Bắc thì chúng tôi vẫn còn thấy phụ nữ miền Bắc mặc váy, thay vì mặc quần.

-- Người Trung Hoa có quan niệm về nam nữ và đời sống gia đình cũng khác biệt. Tại Trung Quốc, thì người ta tôn trọng nam quyền. Người ta gọi là "nam tôn nữ ti", tức là người nam thì được tôn trọng, còn người phụ nữ ở địa vị thấp hèn. Sinh được người con trai để nối dõi tông đường là quý. Có một người con trai cũng kêu là có, sinh 10 người con gái cũng coi như không. Bởi con gái là con người ta, con trai mới nối dõi tông đường, phụng thờ Tổ Tiên, thì mới coi là có con.

-- Chuyện nam nữ Trung Hoa cũng cách biệt nhau ngay trong gia đình. Con gái Trung Hoa tới tuổi cập kê là phải ở riêng. Ở Việt Nam, nam nữ tuy không được bình quyền 100% như thời đại bây giờ, nhưng nữ quyền đã được tôn trọng. Bộ Luật Hồng Đức có quy định những điều bắt người đàn ông không có quyền ly dị vợ. Có 7 điều không cho phép người đàn ông ly dị vợ, khi người vợ đã chịu tang bố mẹ chồng 3 năm, khi người vợ giúp cho ghé đến nhà chồng từ lúc nghèo đến lúc giàu sang phú quý..

-- Những chi tiết như vậy chứng tỏ rằng Việt Nam rất trọng nữ quyền, như pháp luật đời Hồng Đức. Người chồng cũng không được phép ly dị vợ nếu người vợ không có chỗ nào nương tựa. Theo luật, chúng ta thấy người Việt Nam tôn trọng nữ quyền, coi nữ quyền không thua gì nam quyền cả.

-- Chúng ta thấy mối liên hệ nam nữ của người Việt Nam được giữ trong vòng lễ giáo, không có sỗ sàng, rất là lãng mạng, rất là tế nhị, và ở trong vòng đạo lý. Nếp sống luân lý của người Việt Nam có tính cách nhân bản hơn, không bị gò bó một cách quá cứng rắn chặc chẽ không tuân thủ được như là ở bên Trung Hoa.

-- Về ngôn ngữ văn tự của ta cũng khác với người Trung Hoa. Người Việt Nam đã dùng chữ Nôm từ thế kỷ thứ 11, 12. Do nhu cầu. Không phải người Việt Nam ai cũng tên là Bạch Ngọc, Cẩm Hường, Hùng Dũng, Anh Hào vân vân. Còn những tên như là Thị Mít, Thị Xoài, Thị Nở, Tám Kèo, Tư Cột... chẳng hạn. Những cái tên đó, chữ Hán không có để viết. Những cái tên như thôn Miễu thôn Mường của người Việt Nam thì không có chữ để viết. Do đó người ta phải tạo ra một số chữ để ghi âm các chữ Việt Nam đó.

-- Về thực tế, cần phải có một thứ chữ để ghi âm tiếng Việt. Chữ Hán không có đủ để ghi các âm đó, cho nên Tổ Tiên ta đã phát minh ra một thứ chữ mới. Thứ chữ mới này một phần mượn chữ Hán, một phần khác do các cụ sáng tạo ra, chế ra, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm đó sau này được các cụ dùng để sáng tạo thi văn.

-- Những từ ngữ mà chúng ta đang nói như là "chính trị khoa học triết học kỹ thuật" là những từ ngữ chúng ta mượn của người Trung Hoa và chúng ta phiên âm theo Tiếng Việt. Những từ ngữ này, sau này, đến thời Việt Cộng thì họ đã lạm dụng một cách quá đáng.

-- Mặc dù rằng nhà cầm quyền hô hào là phải làm cho Tiếng Việt trong sáng, nhưng trái lại, nếu chúng ta có dịp đọc những báo cáo chính trị trong những kỳ đại hội, thì chúng ta thấy hầu như là họ viết những bài diễn từ đó từ đầu đến cuối toàn là những từ ngữ Hán Việt ! Có nhiều từ ngữ rất là xa lạ với người Việt Nam, mà người Việt miền nam chúng ta không quen dùng!

-- Chẳng hạn như chữ "sự cố kỹ thuật". Sự cố là gì ? Là việc. Vì "lý do kỹ thuật" là được rồi, họ bày đặt bắt chước Tàu mà dùng chữ "sự cố kỹ thuật"! Hay là "khẩn trương lên". Khẩn trương lên là "nhanh lên", có gì đâu, dùng tiếng Việt cũng được, nhưng mà họ (Việt Cộng) lại cắt cớ bày ra là "khẩn trương"! Rồi ghi danh học thì gọi là "đăng ký", rồi khai triển trong quy mô lớn, thì họ gọi là "triển khai đại trà" ... Tất cả những lề lối dùng chữ bắt chước Tàu một cách vô lối như vậy đã làm cho Tiếng Việt nhiều khi trở nên khó hiểu và ngớ ngẩn.

-- Chúng ta đã có những kho từ ngữ rất là phong phú. Có đủ từ ngữ để diễn tả, và có những từ ngữ văn hoa, xác đáng, chính xác, để mà diễn tả mọi sự, mọi tình huống. Nhưng mà họ (Việt cộng) lại làm ra vẻ khác đời khác người. Thí dụ từ trước chúng ta vẫn dùng "thuỷ quân lục chiến", họ dùng "lính thủy đánh bộ", máy bay trực thăng thì "máy bay lên thẳng", hoả tiễn thì là "tên lửa" , hàng không mẫu hạm thì là "tàu sân bay". Tất cả những điều nô lệ Tàu, hoặc cải cách một cách vô lối như vậy, đã làm cho Tiếng Việt trở thành ra ngô nghê và nhiều khi nặng mùi Trung Quốc!

-- Phép đặt câu trong Tiếng Việt cũng thật là đặc biệt. Chúng ta có lối phát âm cũng như lối đặt câu có thể thích hợp với ngôn ngữ quốc tế. Người Trung Hoa cũng có cố xem, để bắt chước, để mà sửa đổi chữ viết, nhưng mà cũng không sửa đổi được. Tôi nhớ là năm 1958 khi Mao Trạch Đông cầm quyền được 9 năm thì có lập một ủy ban nghiên cứu, La Mã hóa chữ Trung Hoa, và họ đã nghiên cứu Tiếng Việt và đặc biệt là các dấu giọng của Tiếng Việt để áp dụng vào việc La Mã hóa chữ Trung Hoa. Nhưng mà không nổi, bởi vì chữ Trung Hoa có rất nhiều chữ đồng âm, và chương trình đó bị thất bại.

-- Chúng ta nhìn nhận rằng trước khi chúng ta có chữ Nôm, chữ Nôm khó, bởi vì phải thông chữ Hán thì mới biết chữ Nôm. Rồi chúng ta có được món quà, có được một thứ "quốc bảo" do các giáo sĩ Tây Phương mang lại: đó là chữ Quốc Ngữ mà bây giờ chúng ta đang dùng. Dễ học, dễ nhớ và dễ phổ biến.

-- Thế nhưng mà sau này thì người ta lại cố tình làm cho Tiếng Việt thêm khó khăn, bày đặt ra, tạo ra những từ ngữ chẳng có nghĩa lý gì cả! Thành ra chúng ta thấy Tiếng Việt bây giờ ở trong nước Việt Nam, nhất là đọc các báo điện tử, chúng tôi thấy có nhiều bài viết có những từ ngữ rất khó hiểu!

-- Chính người Pháp cũng phải ngạc nhiên rằng một dân tộc đã bị ngoại thuộc Tàu hơn 1000 năm, bị (Tàu) dùng đủ mọi biện pháp để đồng hóa. Minh Thành Tổ đã hạ lệnh cho các quan lại không sang xâm chiến Việt Nam thì phải tìm đủ mọi cách tiêu hủy mọi di sản văn hóa Việt, không được để một mẫu giấy có chữ do người Việt Nam viết. Các bia ở các đình chùa cũng phải (Tàu) đập phá. Các đình chùa miếu mạo cũng phải đập phá cho mà chết. Chỉ có các sách Trung Hoa là còn để lại.

-- Cái âm mưu đồng hóa đó, chúng ta thấy từ thời Mã Viện khi họ tịch thu các trống đồng, khi họ bắt người Việt phải tuân theo luật Hán. Rồi lại còn dựng các cột đồng "đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt", để cho người Việt Nam khi mà qua đó thì có người phải bỏ một nắm đất nắm sỏi vào đó, để cho cột đồng khỏi đổ.

-- Cái âm mưu đồng hóa đó, sau này chúng ta còn thấy ở Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên. Có những người ca ngợi là những người này chịu ảnh hưởng của người Hán, ca ngợi đó là những văn quan có đức, đã đem văn hóa Trung Hoa mà truyền bá cho Việt Nam, mà không nghĩ rằng đó là những âm mưu ác độc của người Trung Hoa muốn đồng hóa dân ta! Cũng như họ đã đồng hóa biết bao tộc Việt khác ở phía nam sông Dương tử !

-- Trong số những dân tộc phía nam sông Dương tử thuộc dòng Việt như Mân Việt, Ưu Việt bị đồng hóa, thì chỉ riêng giống dân Lạc Việt là hậu duệ này là họ không đồng hóa nổi mà thôi! Chúng ta vẫn giữ được ngôn ngữ, chúng ta vẫn giữ được phong tục. Chúng ta vẫn giữ được nếp sống văn hóa. Và nếp sống văn hóa đó sẽ là yếu tố rất là quan trọng để giữ được bản sắc dân tộc.

-- Trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi có viết rằng "dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có" (tuy cường nhược thì hữu bất đồng, nhi hào kiệt thế vị thường phạp), chúng ta đối với Tàu có lúc cường lúc nhược, nhưng mà hào kiệt của chúng ta không bao giờ thiếu.

-- Mặc dù rằng có những lúc "nhân tài như lá mùa thu" nhưng mà cuối cùng, người Việt chúng ta cũng vượt (việt), vượt khổ, vượt khó, đứng lên! Có lúc vác cần câu mà đánh giặc, nhưng mà lúc nào cũng "gắn bó một lòng phụ tử , rót rượu ngọt để khao quân".

-- Do vậy mà cuối cùng, nền độc lập đã dành lại được. Hiện giờ, chúng ta biết, ở Biển Đông, người Trung Hoa ngang ngược, ngang nhiên chiếm Hoàng Sa năm 1974 và chiếm Trường Sa năm 1984. Và đã sát hại biết bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng như lính của cộng sản Việt Nam! Rồi bây giờ ở ngoài Biển Đông, cái "lưỡi bò", tức là đường dây ranh giới trên mặt biển mà người Trung Hoa vẽ ra, đã ngăn cản không cho ngư phủ Việt Nam ra đánh cá ở Biển Đông.

-- Chúng ta thấy có những tàu Việt Nam đã bị những tàu hải quân Trung Quốc bắt mang về đòi tiền chuộc, không khác gì hành động của bọn hải tặc bắt cướp thuyền để đòi tiền chuộc. Thêm nữa, có những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần cảnh của hải quan Trung cộng húc chìm. Rồi họ bỏ mặc cho ngư dân Việt Nam ngoi ngóp giữa biển. Nếu không có các tàu khác cứu kịp thì tất cả các ngư dân đó bị làm mồi cho cá biển.

-- Việc khai thác mỏ dầu lửa ở Biển Đông cũng bị Trung cộng tìm mọi cách ngăn cản. Những bãi, những mỏ, như Tư Chính ở Côn Sơn từ trước đến giờ là thuộc chủ quyền Việt Nam, không bao giờ có các vấn đề khó khăn đặt ra, nhưng mà bây giờ khi thăm dò dầu khí ở đó là bị Trung cộng ngăn cản.

-- Đất Nước bị áp bức, bị chiếm đoạt ở trên mặt biển, trên các hải đảo, ở đất liền và việc cắm mốc ở biên giới đã mang đến cho Trung cộng rất nhiều lợi lộc. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, và biết bao nhiêu đất ở Hà Giang, ở Cao Bằng, ở Lạng Sơn, ở Lai Châu... đã bị Trung Quốc chiếm đoạt. Đường biên giới chạy lui về phía Việt Nam, khiến cho bây giờ chúng ta muốn coi ải Nam Quan thì phải xin hộ chiếu sang Trung Quốc thì mới coi được!

-- Chúng ta mất rất nhiều đất ở dọc biên giới. Không những thế, sự ngang nhiên láo xược của công nhân Trung Hoa ở ngay trên Đất Nước chúng ta cũng là một vấn đề tủi nhục, mà nhà cầm quyền Việt Nam đã nhắm mắt làm ngơ! Có những làng được dựng lên, của công nhân Trung Quốc sang khai thác ở Việt Nam. Trong các làng đó, các quán văn nghệ, quán nước, hàng ăn, đều dùng chữ Trung Hoa để đề tên các bảng. Bảng tên đường cũng đã dùng chữ Trung Hoa.

-- Tôi nhớ năm 1945 khi quân của Tưởng Giới Thạch kéo qua để tước khí giới quân đội Nhật, thì Hà nội cũng đã đề các bảng tên bằng chữ Hoa, nhưng đó là trên những bảng gỗ chiều dài khoảng độ 30 cm, chiều dọc khoảng 10 cm, đóng một cách thô sơ để chỉ cho các quân tàu biết mà khỏi lạc đường. Chứ không có tính cách như là bảng chỉ đường hiện giờ mà chúng ta thấy ở các làng ở tây nguyên (cao nguyên trung phần) mà dân Trung cộng đang trú đóng.

-- Ngoài chuyện khai thác bauxite ở tây nguyên ra, theo tiến sĩ Mai Thanh Truyết, thì còn có thể Trung cộng đang khai thác Uranium là một nguyên liệu rất cần thiết để chế tạo nguyên tử, rất cần dùng trong kỹ nghệ mới của thời hiện đại, vừa dùng để làm vũ khí, còn có thể dùng cho điện năng.

-- Không những ở tây nguyên, mà còn dọc theo duyên hải trung phần, từ Đà Nẵng tới Hội An, có nhiều làng người Hoa làm chủ và đã thuê công an đứng gát! Chỉ có người Trung Hoa mới được phép vào làng đó, người Việt Nam thì không được phép.
.........

nsvietnam.blogspot.com.au/2014/08/van-hoa-viet-nam-khac-van-hoa-tau-gs.html#more

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Sự Khác biệt của triết học phương Đông và phương Tây





Triết học là một hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại của xã hội và đặc biệt sự tồn tại này ở xã hội phương Đông khác hẳn với phương Tây về cả điều kiện tự nhiên, địa lý dân số mà hơn cả là phương thức của sản xuất...

Triết học là hình thái ý thức xã hội ra đời từ khi chế độ cộng sản nguyên thuỷ được thay thế bằng chế độ chiếm hữu nô lệ. Những triết học đầu tiên trong lịch sử xuất hiện vào khoảng thế kỷ VIII – VI trước công nguyên ở Ấn Độ cổ đại, Trung quốc cổ đại, Hy Lạp và La Mã cổ đại và ở các nước khác.

Theo quan điểm của mác xít triết học là một hình thái ý thức xã hội, là học thuyết về những nguyên tắc chung nhất của tồn tại và nhận thức về thái độ của con người đối với thế giới, là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Như vậy triết học là một hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại của xã hội và đặc biệt sự tồn tại này ở xã hội phương Đông khác hẳn với phương Tây về cả điều kiện tự nhiên, địa lý dân số mà hơn cả là phương thức của sản xuất của phương Đông là phương thức sản xuất nhỏ còn phương Tây là phương thức sản xuất của tư bản do vậy mà cái phản ánh ý thức cũng khác: văn hoá phương Đông mang nặng tính chất cộng đồng còn phương Tây mang tính cá thể.

Sự khác biệt căn bản của triết học phương Tây và phương Đông còn được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất đó là triết học phương Đông nhấn mạnh sự thống nhất trong mối quan hệ giữa con người và vũ trụ với công thức thiên địa nhân là một nguyên tắc “thiên nhân hợp nhất”. Cụ thể là:

Triết học Trung quốc là nền triết học có truyền thống lịch sử lâu đời nhất, hình thành cuối thiên niên kỷ II đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên. Đó là những kho tàng tư tưởng phản ánh lịch sử phát triển của những quan điểm của nhân dân Trung hoa về tự nhiên, xã hội và quan hệ con người với thế giới xung quanh, họ coi con người là tiểu vũ trụ trong hệ thống lớn... trời đất với ta cùng sinh, vạn vật với ta là một. Như vậy con người cũng chứa đựng tất cả những tính chất, những điều huyền bí của vũ trụ bao la. Từ điều này cho ta thấy hình thành ra các khuynh hướng như: khuynh hướng duy tâm của Mạnh Tử thì cho rằng vũ trụ, vạn vật đều tồn tại trong ý thức chủ quan vầ trong ý niệm đạo đức Trời phú cho con người. Ông đưa ra quan điểm “vạn vật đều có đầy đủ trong ta”. Ta tự xét mình mà thành thực, thì có cái thú vui nào lớn hơn nữa. Ông dạy mọi người phải đi tìm chân lý ở ngoài thế giới khách quan mà chỉ cần suy xét ở trong tâm, “tận tâm” của mình mà thôi. Như vậy theo ông chỉ cần tĩnh tâm quay lại với chính mình thì mọi sự vật đều yên ổn, không có gì vui thú hơn. Còn theo Thiện Ung thì cho rằng: vũ trụ trong lòng ta, lòng ta là vũ trụ. Đối với khuynh hướng duy vật thô sơ - kinh dịch thì biết đến cùng cái tính của con người thì cũng có thể biết đến cái tính của vạn vật, trời đất: trời có chín phương, con người có chín khiếu. Ở phương Đông khuynh hướng duy vật chưa rõ ràng đôi khi còn đan xen với duy tâm, mặc dù nó là kết quả của quá trình khái quát những kinh nghiệm thực tiến lâu dài của nhân dân Trung hoa thời cổ đại. Quan điểm duy vật được thể hiện rõ ở học thuyết Âm dương, tuy nó còn mang tính chất trực quan, chất phác, ngây thơ và có những quan điểm duy tâm, thần bí về lịch sử xã hội nhưng trường phái triết học này đã bộ lộ rõ khuynh hướng duy vật và tư tưởng biện chứng tự phát của mình trong quan điểm về cơ cấu và sự vận động, biến hoá của sự vật hiện tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội.

Ở Ấn độ tư tưởng triết học Ấn độ cổ đại được hình thành từ cuối thiên niên kỷ II đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên, bắt nguồn từ thế giới quan thần thoại, tôn giáo, giải thích vũ trụ bằng biểu tượng các vị thần mang tính chất tự nhiên, có nguồn gốc từ những hình thức tôn giáo tối cổ của nhân loại. Ở Ấn độ nguyên tắc “thiên nhiên hợp nhất” lại có màu sắc riêng như:

Xu hướng chính của Upanishad lànhằm biện hộ cho học thuyết duy tâm, tôn giáo trong kinh Vêđa về cái gọi là “tinh thần sáng tạo tối cao” sángtạo và chi phối thế giới này. Để trả lời câu hỏi cái gì là thực tại cao nhất, là căn nguyên của tất cả mà khi nhận thức được nó, người ta sẽ nhận thức được mọi cái còn lại và có thể giải thoát được linh hồn khỏi sự lo âu khổ nào của đời sống trần tục và ràng buộc của thế giới này là “tinh thần vũ trụ tối cao” Brahman, là thực thể duy nhất, có trước nhất, tồn tại vĩnh viễn, bất diệt, là cái từ đó tất cả thế giới đều nảy sinh ra và nhập về với nó sau khi chết. Tóm lại Brahman là tinh thần vũ trụ, là đấng sáng tạo duy nhất, là đại ngã, đại đinh, là vũ trụ xung quanh cái tồn tại thực sự, là khách thể.

Còn Atman là tinh thần con người, là tiểu ngã, là cái có thể mô hình hoá, là chủ thể và chẳng qua chỉ là linh hồn vũ trụ cư trú trong con người mà thôi. Linh hồn con người (Atman) chỉ là sự biểu hiện, là một bộ phận của “tinh thần tối cao”. Vì Atman “linh hồn” là cái tồn tại trong thể xác con người ở đời sống trần tục, nên ý thức con người lầm tưởng rằng linh hồn, “cái ngã” là cái khác với “linh hồn vũ trụ”, khác với nguồn sống không có sinh, không có diệt vong của vũ trụ.

Vậy nên kinh Vêđa nối con người với vũ trụ bằng cầu khẩn, cúng tế bắt chước hoà điệu của vũ trụ bằng lễ nghi, hành lễ ở hình thức bên ngoài. Còn kinh Upanishad quay vào hướng nội để đi từ trong ra, đồng nhất cá nhân với vũ trụ bằng tri thức thuần tuý kinh nghiệm.

Đối với phương Tây lại nhấn mạnh tách con người ra khỏi vũ trụ, coi con người là chủ thể, chúa tể để nghiên cứu chinh phục vũ trụ – thế giới khách quan. Và cũng chính từ thế giới khách quan khách nhau nên dẫn đến hướng nghiên cứu tiếp cận cũng khác nhau:

Từ thế giới quan triết học “thiên nhân hợp nhất” là cơ sở quyết định nhiều đặc điểm khác của triết học phương Đông như: lấy con người làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu – tính chất hướng nội; hay như nghiên cứu thế giới cũng là để làm rõ con người và vấn đề bản thảo luận trong triết học phương Đông bị mờ nhạt. Nhưng ngược lại triết học phương Tây lại đặ trọng tâm nghiên cứu vào thế giới – tính chất hướng ngoại; còn vấn đề con người chỉ được nghiên cứu để giải thích thế giới mà thôi. Cho nên phương Tây bàn đậm nét về bản thể luận của vũ trụ.

Cái khác biệt nữa là ngay trong vấn đề con người phương Đông cũng quan niệm khác phương Tây:

Ở Phương Đông người ta đặt trọng tâm nghiên cứu mối quan hệ người với người và đời sống tâm linh, ít quan tâm đến mặt sinh vật của con người, chỉ nghiên cứu mặt đạo đức thiện hay ác theo lập trường của giai cấp trống trị cho nên nghiên cưú con người không phải là để giải phóng con người mà là để cai trị con người, không thấy quan hệ giữa người với người trong lao động sản xuất.

Ở Phương Tây họ lại ít quan tâm đến mặt xã hội của con người, đề cao cái tự nhiên – mặt sinh vật trong con người, chú ý giải phóng con người về mặt nhận thức, không chú ý đến nguyên nhân kinh tế – xã hội, cái gốc để giải phóng con người.

Thứ hai, ở phương Đông những tư tưởng triết học ít khi tồn tại dưới dạng thuần tuý mà thường đan xen với các hình thái ý thức xã hội khác. 

Cái nọ lấy cái kia làm chỗ dựa và điều kiện để tồn tại và phát triển cho nên ít có những triết gia với những tác phẩm triết học độc lập. Và có những thời kỳ người ta đã lầm tưởng triết học là khoa học của khoa học như triết học Trung hoa đan xen với chính trị lý luận, còn triết học Ấn độ lại đan xen tôn giáo với nghệ thuật. Nói chung ở phương Đông thì triết học thường ẩn dấu đằng sau các khoa học.

Ở phương Tây ngay từ thời kỳ đầu triết học đã là một khoa học học độc lập với các môn khoa học khác mà các khoa học lại thường ẩn dấu đằng sau triết học. Và thời kỳ Trung cổ là điển hình: khoa học muốn tồn tại phải khoác áo tôn giáo, phải tự biến mình thành một bộ phận của giáo hội.

Thứ ba, Lịch sử triết học phương Đông ít thấy có những bước nhảy vọt về chất có tính vạch ra ở các thời điểm, mà chỉ là sự phát triển cục bộ, kế tiếp xen kẽ. Ở Ấn độ, cũng như Trung quốc các trường phái có từ thời cổ đại vẫn giữ nguyên tên gọi cho tới ngày nay (từ thế kỷ VIII – V trước công nguyên đến thế kỷ 19).

Nội dung có phát triển nhưng chỉ là sự phát triển cục bộ, thêm bớt hay đi sâu vào từng chi tiết như: Nho tiền tần, Hán nho, Tống nho vẫn trên cơ sở nhân – lễ – chính danh, nhưng có cải biên về một phương diện nào đó ví như Lễ thời tiền Tần là cung kính, lễ phép, văn hoá, thời Hán biến thành tam cương ngũ thường, đời Tống biến thành chữ Lý...

Các nhà triết học ở các thời đại chỉ giới hạn mình trong khuôn khổ ủng hộ, bảo vệ quan điểm hay một hệ thống nào đó để hoàn thiện và phát triển nó hớn là vạch ra những sai lầm và không đặt ra mục đích tạo ra thức triết học mới. Do vậy nó không mâu thuận với các học thuyết đã được đặt nền móng từ ban đầu, không phủ định nhau hoàn toàn và dẫn đến cuộc đấu tranh trong các trường phái không gay gắt và cũng không triệt đêt. Có tình trạng đó chính là do chế độ phong kiến quá kéo dài và bảo thủ, kết cấu kinh tế, giai cấp trong xã hội đan xen cộng sinh bên nhau.

Ngược lại ở phương Tây lại có điểm khác biệt. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, bên cạnh các trường phái cũ lại có những trường phái mới ra đời có tính chất vạch thời đại như thời cố đại bên cạnh trường phái Talét, Hêraclit... đến Đêmôcrit rồi thời đại khai sáng Pháp, CNDV ở Anh, Hà lan, triết học cổ điển Đức... Và hơn nữa cuộc đấu tranh giữa duy tâm và duy vật mang tính chất quyết liệt, triệt để hơn.

Thứ tư, Sự phân chia trường phái triết học cũng khác:

Ở phương Đông đan xen các trường phái, yếu tố duy vật, duy tâm biện chứng, siêu hình không rõ nét. Sự phân chia chỉ xét về đại thể, còn đi sâu vào những nội dung cụ thể thường là có mặt duy tâm có mặt duy vật, sơ kỳ là duy vật, hậu kỳ là nhị nguyên hay duy tâm, thể hiện rõ thế giới quan thiếu nhất quán, thiếu triệt để của triết học vì phân kỳ lịch sử trong các xã hội phương Đông cũng không mạch lạc như phương Tây.

Ngược lại triết học phương Tây thì sự phân chia các trường phái rõ nét hơn và các hình thức tồn tại lịch sử rất rõ ràng như duy vật chất phác thô sơ đến duy vật siêu hình rồi đến duy vật biện chứng.

Thứ năm, Hệ thống thuật ngữ của triết học phương Đông cung khác so với triết học phương Tây ở 3 mảng:
- Về bản thể luận: Phương Tây dùng thuật ngữ “giới tự nhiên”, “bản thể”, “vật chất”. Còn ở phương Đông lại dùng thuật ngữ “thái cực” đạo sắc, hình, vạn pháp,... hay ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ... Để nói về bản chất của vũ trụ đặc biệt là khi bàn về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ thì phương Tây dùng phạm trù khách thể – chủ thể; con người với tự nhiên, vật chất với ý thức, tồn tại và tư duy. Còn phương Đông lại dùng Tâm – vật, năng – sở, lí – khí, hình – thần. Trong đó hình thần là những phạm trù xuất hiện sớm và dùng nhiều nhất.

- Nói về tính chất, sự biến dổi của thế giới: phương Tây dùng thuật ngữ “biện chứng” siêu hình, thuộc tính, vận động, đứng im nhưng lấy cái đấu tranh cái động là chính. Đối với phương Đông dùng thuật ngữ động – tĩnh, biến dịch, vô thường, thường còn, vô ngã và lấy cái thống nhất, lấy cái tĩnh làm gốc là vì phương Đông triết học được xây dựng trên quan điểm vũ trụ là một, phải mang tính nhịp điệu.

- Khi diễn đạt về mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng trên thế giới thì phương Tây dùng thuật ngữ “liên hệ”, “quan hệ” “quy luật”. Còn phương Đông dùng thuật ngữ “đạo” “lý” “mệnh” “thần”, cũng xuất phát từ thế giới quan thiên nhân hợp nhất nên tất cả phải mang tính nhịp điệu, tính quy luật, tính soắn ốc của vũ trụ như thái cực đến lưỡng nghi... Có nhịp điệu là hài hoà âm dương, còn vũ trụ là tập hợp khổng lồ các xoắn ốc...

Thứ sáu, Tuy cả hai dòng triết học phương Đông và phương Tây đều nhằm giải quyết vấn đề cơ bản của triết học nhưng phương Tây nghiêng nặng về giải quyết mặt thứ nhất còn mặt thứ hai chỉ giải quyết những vấn đề có liên quan. Ngược lại ở phương Đông nặng về giải quyết mặt thứ hai cho nên dẫn đến hai phương pháp tư duy khác nhau.

Phương Tây đi từ cụ thể đến khái quát cho nênlà tư duy tất định – tư duy vật lý chính xác nhưng lại không gói được cái ngẫu nhiên xuất hiện. Còn phương Đông đi từ khái quát đến cụ thể bằng các ẩn dụ triết học với những cấu cách ngôn, ngụ ngôn nên không chính xác nhưng lại hiểu cách nào cũng được, nó gói được cả cái ngẫu nhiên mà ngày nay khoa học gọi là khoa học hỗn mang – dự báo.(...).

S.T

Cõi tạm

Võ Kim Ngân



Không mùa, không tháng, không năm
Không lo âu
Không chuyện bận lòng
Chỉ có phút giây này ở lại
Kiếp luân hồi tránh bánh xe lăn ?

Tất cả thoát ngoài cõi tạm
Thử phiêu diêu hồn xác siêu phàm
Trả nợ luân hồi
Trả nợ tái sinh

Chẳng là ai
Chẳng là gì
Khói mỏng…

Không mùa, không tháng, không năm
Không trưa, chiều, chẳng có ban mai
Một cõi tạm bên ngoài cõi tạm
Hồn thiên di quên nẻo đi về…

Đã trả hết chưa nợ nần muôn kiếp
Hay đan thêm một kiếp luân hồi ?
Vay một cõi trả về một cõi
Cõi nào là cõi tạm hồn ta ?



Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Gọi nắng






Những ngày tháng sáu, bầu trời quê tôi luôn đầy mây xám và theo đó là những cơn mưa dầm. Phải ở lì trong nhà chẳng biết làm gì hơn là nghe nhạc. Hẳn nhiên là nhạc Trịnh với giọng hát Khánh Ly. Cứ vậy mà thả nỗi buồn lênh đênh theo giai điệu rồi rơi tỏm xuống vì ca từ hết sức độc đáo của anh.

Tôi có cái duyên được ngồi cà phê với anh trong một buổi chiều ở quán Nắng Vàng nằm trong một con hẻm đường Điện Biên Phủ. Dạo đó, tôi dự định viết một bài phỏng vấn anh cho tờ Tây ninh cuôi tuần- tờ báo phát hành ở Sài gòn cộng tác với nhà văn Dương Hà ( tác giả Bên dòng sông Trẹm).

Ngày đó, tôi dự định phỏng vấn anh về các ca khúc phản chiến. Với tôi, tôi thích các ca khúc phản chiến của anh hơn là những bản tình ca. Anh rất cởi mở và càng tỏ ra vui vẻ hơn khi biết tôi là con của một nhà báo mà anh quen biết, thân thiện.

Chúng tôi đề cặp nhiều quanh bài " Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" - dù đây là bài hát được anh sáng tác sau giải phóng nhưng tôi xếp nó vào dòng nhạc phản chiến của anh. Anh khá bất ngờ khi tôi đặt vấn đề này và cả bài " Huyền thoại mẹ". Anh bảo về cơ bản có thể xem là vậy. Tôi nói với anh tư tưởng Phản chiến của anh vẫn phản phất trong nhiều bài Tình ca. Anh cười ý nhị.

Tiếc là lúc đó, anh có việc phải đi nên câu chuyện của chúng tôi vẫn chưa kết thúc.

Anh chỉ bảo tôi thường xuyên ghé anh chơi. Rồi đột nhiên anh hỏi tôi : - Thu biết chơi nhạc không?

Tôi nói tôi có học Guitar cổ điển chút chút.
Với tôi đó là một kỉ niệm khó quên không phải vì tôi được được làm quen với người nỗi tiếng như anh ( Từ nhỏ, tôi được rất nhiều người nổi tiếng bồng bế rồi) mà là cảm giác sự gần gũi rất rõ giữa tôi và anh.

Đáng tiếc, công việc bề bộn tôi chưa kịp gặp lại anh thì tờ báo hết vốn.  Ban biên tập cho ngưng và phải lo thu xếp công nợ mà nhà văn Dương Hà không trả được.

Tôi cũng đã không viết bài về buổi nói chuyện ngắn ngủi nhưng rất thú vị cùng anh.

Cho đến ngày anh mất, nhiều anh em ở Tây ninh rũ tôi đi điếu tang nhưng tôi từ chối.

Với tôi anh luôn hiện hữu trong cuộc đời qua những ca khúc của anh.

Chiều nay, trong cái u tối của bầu trời đang mưa, tôi dường như nhận ra một " hoa nắng " vừa rơi...nhận ra bóng dáng anh ngồi gầy hao...

Bài Guitar cổ điển đầu tiên tôi tự tập và đánh mà không cần thầy cũng là bài " Hạ Trắng " của anh do Đỗ Đình Phương biên soạn

Xin em một miếng trầu



Mời trầu anh đi em
Trầu cay, vôi nồng, cau chát
Miếng trầu tay em têm
Anh ăn, má anh đỏ rát

Dù anh không biết ăn trầu
Cũng cứ mời em nhé
Để biết người xưa yêu nhau
Dịu dàng, nồng cay thế

Lỡ rồi anh có say
Đổ tại miếng trầu thắm đỏ
Không phải do bàn tay
Em têm trầu. Xinh xinh nhỏ

Miếng trầu em cho anh
Đắng cay, nồng nàn, có cả
Để thấy trời rất xanh
Và lúa đồng thơm ngát lạ...

Sự thất bại của giáo dục đại học Việt Nam





Tác giả: GS Nguyễn Văn Tuấn

———-

Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, có lẽ là đề tài bàn luận muôn thuở. Ở Việt Nam, người ta bàn về vấn đề giáo dục đại học từ rất lâu, từ mô hình tổ chức đến phương pháp giảng dạy, và giảng viên & giáo sư.

Không phải như thời trước 1975 ở miền Nam, đại học là những trung tâm dành cho giới tinh hoa của đất nước, thường chỉ tồn tại ở thành phố lớn. Thời tôi còn đi học, chỉ có một tỉ lệ nhỏ tốt nghiệp trung học, và chỉ 10% (?) trong số tốt nghiệp trung học vào được đại học. Nói cách khác, đại học ngày đó thu hút học sinh tinh hoa của tinh hoa. Còn ngày nay đại học mọc lên từ làng xã ra thành phố.

Ai cũng tốt nghiệp trung học, thì phải tìm nơi cho họ học đại học. Có thể nói Việt Nam đang trải qua một phong trào “phổ thông hoá” đại học. Hiện nay, Việt Nam có 207 trường đại học được công nhận, và con số này vẫn còn tăng. Công chúng phải phải đặt câu hỏi về vai trò của đại học vì công chúng là người gián tiếp nuôi đại học qua tiền thuế.

Có lẽ câu hỏi cơ bản đặt ra là: giáo dục đại học tồn tại để làm gì? Câu hỏi này cũng là một cách định hình và phân biệt giữa đại học và cao đẳng dạy nghề. Trong một bài viết cách đây 4-5 năm gì đó, tôi có phát biểu rằng trong một xã hội hiện đại, giáo dục bậc đại học có bốn chức năng chính:



a) đáp ứng nhu cầu tri thức của công chúng và giúp công chúng tự khai thác tiềm năng của mình và cống hiến lại cho xã hội;

(b) sáng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu khoa học, và chuyển giao những tri thức này đến xã hội;

(c) cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, cần thiết cho sự phát triển của một nền kinh tế hiện đại; và

(d) vận hành như là một trung tâm văn hoá, với chức năng khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, cố vấn về đường lối và chính sách cho nhà nước.

Nếu nhìn chức năng của đại học theo cái nhìn đó và đối chiếu với thực tế, tôi nghĩ đại học Việt Nam thất bại gần hết. Tôi sẽ giải thích tại sao, còn nguyên nhân thì sẽ bàn trong một dịp khác.

Đại học Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại như là một ốc đảo, thiếu sự tương tác với công chúng, xã hội, và kĩ nghệ. Ai đã từng ghé thăm và làm việc các đại học Việt Nam, dù là đại học “hoành tráng” nhất, sẽ thấy rất rõ đó là những công sở, với cổng kính tường cao, và giờ mở cửa y như một cơ quan hành chính của Nhà nước. Thư viện thì hầu như chẳng có sách để đọc và tham khảo, mà hình như nhà trường cũng chẳng quan tâm đến thư viện (do thiếu ngân sách). Người dân rất khó tiếp cận đại học, và không có hi vọng gì để được vào đọc sách trong thư viện. Ngược lại, các đại học phương Tây là những thiết chế của cộng đồng, của người dân, ai cũng có thể ghé qua và có thể tham gia những hội thảo dành cho công chúng. Người dân cảm thấy tự hào đó là một cơ sở khoa học và văn hoá của cộng đồng mà họ đóng góp tạo dựng nên.

Khả năng sáng tạo ra tri thức mới của đại học Việt Nam cũng không đáng kể. Một thước đo về đóng góp vào tri thức khoa học là số công trình nghiên cứu trên các tập san quốc tế. Trong tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế (hiện nay ~2300 bài), các đại học đóng góp chưa đến 50%. Thật ra, trong số hơn 200 đại học, chỉ có khoảng 20 đại học là có đóng góp vào công bố quốc tế, và cũng chỉ tập trung các trường lớn.

Những trường nhỏ và mới như Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế, ĐH Nha Trang, ĐH Đồng Tháp, v.v. cũng có đóng góp khiêm tốn (mỗi trường đóng góp từ 5-20 bài mỗi năm). Tổng số bài báo khoa học từ tất cả các đại học Việt Nam còn thấp hơn 1 đại học của Thái Lan (như Chiang Mai hay Chulalongkorn). Tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam chưa bằng phân nửa số bài báo của một đại học bên Singapore! Về sáng tạo, các đại học Việt Nam cũng chẳng có đăng kí bằng sáng chế quốc tế. Con số là 0. Nói chung, nghiên cứu khoa học và khả năng sáng tạo của các đại học Việt Nam chưa đáng kể. Ở đây, chúng ta chưa bàn nguyên nhân, chỉ nêu sự thật.

Những sinh viên mà đại học Việt Nam đào tạo khó tìm được việc vì không đáp ứng nhu cầu của giới kĩ nghệ. Ngay cả những người tìm được việc vẫn phải cần đào tạo lại. Một viên chức người Việt thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: “Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít.” Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở trong nước, hàng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng.

Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả những sinh viên đã tìm được việc làm, họ đều phải được huấn luyện lại, nhất là ở các công ti ngoại quốc. Trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, như Intel chẳng hạn, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp. Do đó, đại học Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam.

Nhưng điều này có lẽ không ngạc nhiên, vì đầu vào còn khá thấp. Theo một nghiên cứu về kĩ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp. Do đó, không ngạc nhiên khi đầu ra cũng thấp. Trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Toán, lí, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trước đây vài năm, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: “Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), cao học bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng cao học”.

Đại học Việt Nam khó trở thành một trung tâm văn hoá. Chương trình giảng dạy (nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn) đều chịu dưới sự kiểm soát của một cơ chế vô hình nào đó. Một báo cáo của chuyên gia nước ngoài nhận xét rằng “các trường đại học Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị bóp nghẹt về tri thức, trong khi công chúng đang phản ứng ngày càng lớn.” Vụ Nhã Thuyên vừa qua là một ví dụ tiêu biểu về bóp chết tự do học thuật. Thiếu tự do học thuật làm cho các đại học Việt Nam không thể nào hoàn thành sứ mệnh khai hóa xã hội.

Nói tóm lại các đại học Việt Nam đã thất bại trong việc thực hiện những chức năng của một đại học hiện đại. Nếu một đại học mà chỉ đào tạo và không quan tâm hay không có những hoạt động liên quan đến sáng tạo tri thức mới và đóng vai trò trung tâm văn hoá, thì có lẽ nên xem đó là trường cao đẳng. Mà, quả vậy, có thể nói không ngoa rằng, chiếu theo những tiêu chuẩn học thuật nghiêm túc, phần lớn các đại học Việt Nam chỉ là các trường cao đẳng chứ không phải đại học đúng nghĩa.

Sự thất bại này là tiền đề để suy nghĩ về việc sắp xếp lại hệ thống đại học – cao đẳng. Theo tôi, trước hết phải phân tầng các đại học thành 3 nhóm: nhóm elite, nhóm đào tạo, và nhóm địa phương. Nhóm elite gồm những đại học có thể tự chứng minh đạt được 4 chức năng tôi đề cập trên đây, đặc biệt là nghiên cứu koa học.

Nhóm đào tạo không cần ưu tiên làm nghiên cứu khoa học mà chỉ tập trung đào tạo chuyên gia có phẩm chất chuyên môn tốt. Tôi nghĩ đến nhóm này như là những “college of advanced education” (CAE) của Úc thời thập niên 1980-1990. Còn nhóm “địa phương” là những đại học do địa phương quản lí, họ cũng đào tạo và ở mức độ khiêm tốn làm nghiên cứu khoa học, nhưng chức năng của họ là phục vụ phát triển kinh tế – xã hội – văn hoá của địa phương là chính. Dĩ nhiên, không ai ngăn cản một CAE hay đại học địa phương không vươn tầm trở thành một đại học elite, nhưng tạm thời phải có phân tầng chứ không thể theo chủ nghĩa bình quân được.

Tôi nghĩ sự thất bại của đại học Việt Nam có nguồn từ sự lẫn lộn giữa đại học và cao đẳng dạy nghề. Đại học là một thiết chế dành cho những “learned people” (tạm xem là học giả), nó không chỉ đơn thuần là nơi đào tạo chuyên gia kĩ thuật, càng không đơn giản là nơi dạy nghề. Nếu chỉ đào tạo chuyên gia thì nên xem đó là viện công nghệ. Đại học theo cái nhìn của tôi không thể có những môn học vốn thuộc sở trường của các cơ sở dạy nghề như “hospitality”, du lịch, nhà bếp, tiếp tân.

Một đại học đúng nghĩa theo tôi phải có những môn học mà phương Tây gọi chung là liberal studies như nghệ thuật, ngôn ngữ cổ và kim, văn hoá, văn học, v.v. hay những tri thức phổ quát. Sinh viên y không chỉ học y học mà còn phải học các môn học liberal studies. Nhưng ở Việt Nam, người ta lẫn lộn giữa giáo dục đại học, đào tạo chuyên môn, và cao đẳng. Điều này dẫn đến những tranh cãi có khi vô bổ về vai trò của “đại học”, và làm cho nền giáo dục đại học thật sự bị thất bại trong vai trò đáp ứng nhu cầu tri thức và văn hoá của người dân, thất bại trong sáng tạo ra tri thức mới, và thất bại trong việc đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.



Theo TTXVH, ngày 06/8/2014