Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Sự Khác biệt của triết học phương Đông và phương Tây





Triết học là một hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại của xã hội và đặc biệt sự tồn tại này ở xã hội phương Đông khác hẳn với phương Tây về cả điều kiện tự nhiên, địa lý dân số mà hơn cả là phương thức của sản xuất...

Triết học là hình thái ý thức xã hội ra đời từ khi chế độ cộng sản nguyên thuỷ được thay thế bằng chế độ chiếm hữu nô lệ. Những triết học đầu tiên trong lịch sử xuất hiện vào khoảng thế kỷ VIII – VI trước công nguyên ở Ấn Độ cổ đại, Trung quốc cổ đại, Hy Lạp và La Mã cổ đại và ở các nước khác.

Theo quan điểm của mác xít triết học là một hình thái ý thức xã hội, là học thuyết về những nguyên tắc chung nhất của tồn tại và nhận thức về thái độ của con người đối với thế giới, là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Như vậy triết học là một hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại của xã hội và đặc biệt sự tồn tại này ở xã hội phương Đông khác hẳn với phương Tây về cả điều kiện tự nhiên, địa lý dân số mà hơn cả là phương thức của sản xuất của phương Đông là phương thức sản xuất nhỏ còn phương Tây là phương thức sản xuất của tư bản do vậy mà cái phản ánh ý thức cũng khác: văn hoá phương Đông mang nặng tính chất cộng đồng còn phương Tây mang tính cá thể.

Sự khác biệt căn bản của triết học phương Tây và phương Đông còn được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất đó là triết học phương Đông nhấn mạnh sự thống nhất trong mối quan hệ giữa con người và vũ trụ với công thức thiên địa nhân là một nguyên tắc “thiên nhân hợp nhất”. Cụ thể là:

Triết học Trung quốc là nền triết học có truyền thống lịch sử lâu đời nhất, hình thành cuối thiên niên kỷ II đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên. Đó là những kho tàng tư tưởng phản ánh lịch sử phát triển của những quan điểm của nhân dân Trung hoa về tự nhiên, xã hội và quan hệ con người với thế giới xung quanh, họ coi con người là tiểu vũ trụ trong hệ thống lớn... trời đất với ta cùng sinh, vạn vật với ta là một. Như vậy con người cũng chứa đựng tất cả những tính chất, những điều huyền bí của vũ trụ bao la. Từ điều này cho ta thấy hình thành ra các khuynh hướng như: khuynh hướng duy tâm của Mạnh Tử thì cho rằng vũ trụ, vạn vật đều tồn tại trong ý thức chủ quan vầ trong ý niệm đạo đức Trời phú cho con người. Ông đưa ra quan điểm “vạn vật đều có đầy đủ trong ta”. Ta tự xét mình mà thành thực, thì có cái thú vui nào lớn hơn nữa. Ông dạy mọi người phải đi tìm chân lý ở ngoài thế giới khách quan mà chỉ cần suy xét ở trong tâm, “tận tâm” của mình mà thôi. Như vậy theo ông chỉ cần tĩnh tâm quay lại với chính mình thì mọi sự vật đều yên ổn, không có gì vui thú hơn. Còn theo Thiện Ung thì cho rằng: vũ trụ trong lòng ta, lòng ta là vũ trụ. Đối với khuynh hướng duy vật thô sơ - kinh dịch thì biết đến cùng cái tính của con người thì cũng có thể biết đến cái tính của vạn vật, trời đất: trời có chín phương, con người có chín khiếu. Ở phương Đông khuynh hướng duy vật chưa rõ ràng đôi khi còn đan xen với duy tâm, mặc dù nó là kết quả của quá trình khái quát những kinh nghiệm thực tiến lâu dài của nhân dân Trung hoa thời cổ đại. Quan điểm duy vật được thể hiện rõ ở học thuyết Âm dương, tuy nó còn mang tính chất trực quan, chất phác, ngây thơ và có những quan điểm duy tâm, thần bí về lịch sử xã hội nhưng trường phái triết học này đã bộ lộ rõ khuynh hướng duy vật và tư tưởng biện chứng tự phát của mình trong quan điểm về cơ cấu và sự vận động, biến hoá của sự vật hiện tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội.

Ở Ấn độ tư tưởng triết học Ấn độ cổ đại được hình thành từ cuối thiên niên kỷ II đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên, bắt nguồn từ thế giới quan thần thoại, tôn giáo, giải thích vũ trụ bằng biểu tượng các vị thần mang tính chất tự nhiên, có nguồn gốc từ những hình thức tôn giáo tối cổ của nhân loại. Ở Ấn độ nguyên tắc “thiên nhiên hợp nhất” lại có màu sắc riêng như:

Xu hướng chính của Upanishad lànhằm biện hộ cho học thuyết duy tâm, tôn giáo trong kinh Vêđa về cái gọi là “tinh thần sáng tạo tối cao” sángtạo và chi phối thế giới này. Để trả lời câu hỏi cái gì là thực tại cao nhất, là căn nguyên của tất cả mà khi nhận thức được nó, người ta sẽ nhận thức được mọi cái còn lại và có thể giải thoát được linh hồn khỏi sự lo âu khổ nào của đời sống trần tục và ràng buộc của thế giới này là “tinh thần vũ trụ tối cao” Brahman, là thực thể duy nhất, có trước nhất, tồn tại vĩnh viễn, bất diệt, là cái từ đó tất cả thế giới đều nảy sinh ra và nhập về với nó sau khi chết. Tóm lại Brahman là tinh thần vũ trụ, là đấng sáng tạo duy nhất, là đại ngã, đại đinh, là vũ trụ xung quanh cái tồn tại thực sự, là khách thể.

Còn Atman là tinh thần con người, là tiểu ngã, là cái có thể mô hình hoá, là chủ thể và chẳng qua chỉ là linh hồn vũ trụ cư trú trong con người mà thôi. Linh hồn con người (Atman) chỉ là sự biểu hiện, là một bộ phận của “tinh thần tối cao”. Vì Atman “linh hồn” là cái tồn tại trong thể xác con người ở đời sống trần tục, nên ý thức con người lầm tưởng rằng linh hồn, “cái ngã” là cái khác với “linh hồn vũ trụ”, khác với nguồn sống không có sinh, không có diệt vong của vũ trụ.

Vậy nên kinh Vêđa nối con người với vũ trụ bằng cầu khẩn, cúng tế bắt chước hoà điệu của vũ trụ bằng lễ nghi, hành lễ ở hình thức bên ngoài. Còn kinh Upanishad quay vào hướng nội để đi từ trong ra, đồng nhất cá nhân với vũ trụ bằng tri thức thuần tuý kinh nghiệm.

Đối với phương Tây lại nhấn mạnh tách con người ra khỏi vũ trụ, coi con người là chủ thể, chúa tể để nghiên cứu chinh phục vũ trụ – thế giới khách quan. Và cũng chính từ thế giới khách quan khách nhau nên dẫn đến hướng nghiên cứu tiếp cận cũng khác nhau:

Từ thế giới quan triết học “thiên nhân hợp nhất” là cơ sở quyết định nhiều đặc điểm khác của triết học phương Đông như: lấy con người làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu – tính chất hướng nội; hay như nghiên cứu thế giới cũng là để làm rõ con người và vấn đề bản thảo luận trong triết học phương Đông bị mờ nhạt. Nhưng ngược lại triết học phương Tây lại đặ trọng tâm nghiên cứu vào thế giới – tính chất hướng ngoại; còn vấn đề con người chỉ được nghiên cứu để giải thích thế giới mà thôi. Cho nên phương Tây bàn đậm nét về bản thể luận của vũ trụ.

Cái khác biệt nữa là ngay trong vấn đề con người phương Đông cũng quan niệm khác phương Tây:

Ở Phương Đông người ta đặt trọng tâm nghiên cứu mối quan hệ người với người và đời sống tâm linh, ít quan tâm đến mặt sinh vật của con người, chỉ nghiên cứu mặt đạo đức thiện hay ác theo lập trường của giai cấp trống trị cho nên nghiên cưú con người không phải là để giải phóng con người mà là để cai trị con người, không thấy quan hệ giữa người với người trong lao động sản xuất.

Ở Phương Tây họ lại ít quan tâm đến mặt xã hội của con người, đề cao cái tự nhiên – mặt sinh vật trong con người, chú ý giải phóng con người về mặt nhận thức, không chú ý đến nguyên nhân kinh tế – xã hội, cái gốc để giải phóng con người.

Thứ hai, ở phương Đông những tư tưởng triết học ít khi tồn tại dưới dạng thuần tuý mà thường đan xen với các hình thái ý thức xã hội khác. 

Cái nọ lấy cái kia làm chỗ dựa và điều kiện để tồn tại và phát triển cho nên ít có những triết gia với những tác phẩm triết học độc lập. Và có những thời kỳ người ta đã lầm tưởng triết học là khoa học của khoa học như triết học Trung hoa đan xen với chính trị lý luận, còn triết học Ấn độ lại đan xen tôn giáo với nghệ thuật. Nói chung ở phương Đông thì triết học thường ẩn dấu đằng sau các khoa học.

Ở phương Tây ngay từ thời kỳ đầu triết học đã là một khoa học học độc lập với các môn khoa học khác mà các khoa học lại thường ẩn dấu đằng sau triết học. Và thời kỳ Trung cổ là điển hình: khoa học muốn tồn tại phải khoác áo tôn giáo, phải tự biến mình thành một bộ phận của giáo hội.

Thứ ba, Lịch sử triết học phương Đông ít thấy có những bước nhảy vọt về chất có tính vạch ra ở các thời điểm, mà chỉ là sự phát triển cục bộ, kế tiếp xen kẽ. Ở Ấn độ, cũng như Trung quốc các trường phái có từ thời cổ đại vẫn giữ nguyên tên gọi cho tới ngày nay (từ thế kỷ VIII – V trước công nguyên đến thế kỷ 19).

Nội dung có phát triển nhưng chỉ là sự phát triển cục bộ, thêm bớt hay đi sâu vào từng chi tiết như: Nho tiền tần, Hán nho, Tống nho vẫn trên cơ sở nhân – lễ – chính danh, nhưng có cải biên về một phương diện nào đó ví như Lễ thời tiền Tần là cung kính, lễ phép, văn hoá, thời Hán biến thành tam cương ngũ thường, đời Tống biến thành chữ Lý...

Các nhà triết học ở các thời đại chỉ giới hạn mình trong khuôn khổ ủng hộ, bảo vệ quan điểm hay một hệ thống nào đó để hoàn thiện và phát triển nó hớn là vạch ra những sai lầm và không đặt ra mục đích tạo ra thức triết học mới. Do vậy nó không mâu thuận với các học thuyết đã được đặt nền móng từ ban đầu, không phủ định nhau hoàn toàn và dẫn đến cuộc đấu tranh trong các trường phái không gay gắt và cũng không triệt đêt. Có tình trạng đó chính là do chế độ phong kiến quá kéo dài và bảo thủ, kết cấu kinh tế, giai cấp trong xã hội đan xen cộng sinh bên nhau.

Ngược lại ở phương Tây lại có điểm khác biệt. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, bên cạnh các trường phái cũ lại có những trường phái mới ra đời có tính chất vạch thời đại như thời cố đại bên cạnh trường phái Talét, Hêraclit... đến Đêmôcrit rồi thời đại khai sáng Pháp, CNDV ở Anh, Hà lan, triết học cổ điển Đức... Và hơn nữa cuộc đấu tranh giữa duy tâm và duy vật mang tính chất quyết liệt, triệt để hơn.

Thứ tư, Sự phân chia trường phái triết học cũng khác:

Ở phương Đông đan xen các trường phái, yếu tố duy vật, duy tâm biện chứng, siêu hình không rõ nét. Sự phân chia chỉ xét về đại thể, còn đi sâu vào những nội dung cụ thể thường là có mặt duy tâm có mặt duy vật, sơ kỳ là duy vật, hậu kỳ là nhị nguyên hay duy tâm, thể hiện rõ thế giới quan thiếu nhất quán, thiếu triệt để của triết học vì phân kỳ lịch sử trong các xã hội phương Đông cũng không mạch lạc như phương Tây.

Ngược lại triết học phương Tây thì sự phân chia các trường phái rõ nét hơn và các hình thức tồn tại lịch sử rất rõ ràng như duy vật chất phác thô sơ đến duy vật siêu hình rồi đến duy vật biện chứng.

Thứ năm, Hệ thống thuật ngữ của triết học phương Đông cung khác so với triết học phương Tây ở 3 mảng:
- Về bản thể luận: Phương Tây dùng thuật ngữ “giới tự nhiên”, “bản thể”, “vật chất”. Còn ở phương Đông lại dùng thuật ngữ “thái cực” đạo sắc, hình, vạn pháp,... hay ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ... Để nói về bản chất của vũ trụ đặc biệt là khi bàn về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ thì phương Tây dùng phạm trù khách thể – chủ thể; con người với tự nhiên, vật chất với ý thức, tồn tại và tư duy. Còn phương Đông lại dùng Tâm – vật, năng – sở, lí – khí, hình – thần. Trong đó hình thần là những phạm trù xuất hiện sớm và dùng nhiều nhất.

- Nói về tính chất, sự biến dổi của thế giới: phương Tây dùng thuật ngữ “biện chứng” siêu hình, thuộc tính, vận động, đứng im nhưng lấy cái đấu tranh cái động là chính. Đối với phương Đông dùng thuật ngữ động – tĩnh, biến dịch, vô thường, thường còn, vô ngã và lấy cái thống nhất, lấy cái tĩnh làm gốc là vì phương Đông triết học được xây dựng trên quan điểm vũ trụ là một, phải mang tính nhịp điệu.

- Khi diễn đạt về mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng trên thế giới thì phương Tây dùng thuật ngữ “liên hệ”, “quan hệ” “quy luật”. Còn phương Đông dùng thuật ngữ “đạo” “lý” “mệnh” “thần”, cũng xuất phát từ thế giới quan thiên nhân hợp nhất nên tất cả phải mang tính nhịp điệu, tính quy luật, tính soắn ốc của vũ trụ như thái cực đến lưỡng nghi... Có nhịp điệu là hài hoà âm dương, còn vũ trụ là tập hợp khổng lồ các xoắn ốc...

Thứ sáu, Tuy cả hai dòng triết học phương Đông và phương Tây đều nhằm giải quyết vấn đề cơ bản của triết học nhưng phương Tây nghiêng nặng về giải quyết mặt thứ nhất còn mặt thứ hai chỉ giải quyết những vấn đề có liên quan. Ngược lại ở phương Đông nặng về giải quyết mặt thứ hai cho nên dẫn đến hai phương pháp tư duy khác nhau.

Phương Tây đi từ cụ thể đến khái quát cho nênlà tư duy tất định – tư duy vật lý chính xác nhưng lại không gói được cái ngẫu nhiên xuất hiện. Còn phương Đông đi từ khái quát đến cụ thể bằng các ẩn dụ triết học với những cấu cách ngôn, ngụ ngôn nên không chính xác nhưng lại hiểu cách nào cũng được, nó gói được cả cái ngẫu nhiên mà ngày nay khoa học gọi là khoa học hỗn mang – dự báo.(...).

S.T

Cõi tạm

Võ Kim Ngân



Không mùa, không tháng, không năm
Không lo âu
Không chuyện bận lòng
Chỉ có phút giây này ở lại
Kiếp luân hồi tránh bánh xe lăn ?

Tất cả thoát ngoài cõi tạm
Thử phiêu diêu hồn xác siêu phàm
Trả nợ luân hồi
Trả nợ tái sinh

Chẳng là ai
Chẳng là gì
Khói mỏng…

Không mùa, không tháng, không năm
Không trưa, chiều, chẳng có ban mai
Một cõi tạm bên ngoài cõi tạm
Hồn thiên di quên nẻo đi về…

Đã trả hết chưa nợ nần muôn kiếp
Hay đan thêm một kiếp luân hồi ?
Vay một cõi trả về một cõi
Cõi nào là cõi tạm hồn ta ?



Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Gọi nắng






Những ngày tháng sáu, bầu trời quê tôi luôn đầy mây xám và theo đó là những cơn mưa dầm. Phải ở lì trong nhà chẳng biết làm gì hơn là nghe nhạc. Hẳn nhiên là nhạc Trịnh với giọng hát Khánh Ly. Cứ vậy mà thả nỗi buồn lênh đênh theo giai điệu rồi rơi tỏm xuống vì ca từ hết sức độc đáo của anh.

Tôi có cái duyên được ngồi cà phê với anh trong một buổi chiều ở quán Nắng Vàng nằm trong một con hẻm đường Điện Biên Phủ. Dạo đó, tôi dự định viết một bài phỏng vấn anh cho tờ Tây ninh cuôi tuần- tờ báo phát hành ở Sài gòn cộng tác với nhà văn Dương Hà ( tác giả Bên dòng sông Trẹm).

Ngày đó, tôi dự định phỏng vấn anh về các ca khúc phản chiến. Với tôi, tôi thích các ca khúc phản chiến của anh hơn là những bản tình ca. Anh rất cởi mở và càng tỏ ra vui vẻ hơn khi biết tôi là con của một nhà báo mà anh quen biết, thân thiện.

Chúng tôi đề cặp nhiều quanh bài " Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" - dù đây là bài hát được anh sáng tác sau giải phóng nhưng tôi xếp nó vào dòng nhạc phản chiến của anh. Anh khá bất ngờ khi tôi đặt vấn đề này và cả bài " Huyền thoại mẹ". Anh bảo về cơ bản có thể xem là vậy. Tôi nói với anh tư tưởng Phản chiến của anh vẫn phản phất trong nhiều bài Tình ca. Anh cười ý nhị.

Tiếc là lúc đó, anh có việc phải đi nên câu chuyện của chúng tôi vẫn chưa kết thúc.

Anh chỉ bảo tôi thường xuyên ghé anh chơi. Rồi đột nhiên anh hỏi tôi : - Thu biết chơi nhạc không?

Tôi nói tôi có học Guitar cổ điển chút chút.
Với tôi đó là một kỉ niệm khó quên không phải vì tôi được được làm quen với người nỗi tiếng như anh ( Từ nhỏ, tôi được rất nhiều người nổi tiếng bồng bế rồi) mà là cảm giác sự gần gũi rất rõ giữa tôi và anh.

Đáng tiếc, công việc bề bộn tôi chưa kịp gặp lại anh thì tờ báo hết vốn.  Ban biên tập cho ngưng và phải lo thu xếp công nợ mà nhà văn Dương Hà không trả được.

Tôi cũng đã không viết bài về buổi nói chuyện ngắn ngủi nhưng rất thú vị cùng anh.

Cho đến ngày anh mất, nhiều anh em ở Tây ninh rũ tôi đi điếu tang nhưng tôi từ chối.

Với tôi anh luôn hiện hữu trong cuộc đời qua những ca khúc của anh.

Chiều nay, trong cái u tối của bầu trời đang mưa, tôi dường như nhận ra một " hoa nắng " vừa rơi...nhận ra bóng dáng anh ngồi gầy hao...

Bài Guitar cổ điển đầu tiên tôi tự tập và đánh mà không cần thầy cũng là bài " Hạ Trắng " của anh do Đỗ Đình Phương biên soạn

Xin em một miếng trầu



Mời trầu anh đi em
Trầu cay, vôi nồng, cau chát
Miếng trầu tay em têm
Anh ăn, má anh đỏ rát

Dù anh không biết ăn trầu
Cũng cứ mời em nhé
Để biết người xưa yêu nhau
Dịu dàng, nồng cay thế

Lỡ rồi anh có say
Đổ tại miếng trầu thắm đỏ
Không phải do bàn tay
Em têm trầu. Xinh xinh nhỏ

Miếng trầu em cho anh
Đắng cay, nồng nàn, có cả
Để thấy trời rất xanh
Và lúa đồng thơm ngát lạ...

Sự thất bại của giáo dục đại học Việt Nam





Tác giả: GS Nguyễn Văn Tuấn

———-

Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, có lẽ là đề tài bàn luận muôn thuở. Ở Việt Nam, người ta bàn về vấn đề giáo dục đại học từ rất lâu, từ mô hình tổ chức đến phương pháp giảng dạy, và giảng viên & giáo sư.

Không phải như thời trước 1975 ở miền Nam, đại học là những trung tâm dành cho giới tinh hoa của đất nước, thường chỉ tồn tại ở thành phố lớn. Thời tôi còn đi học, chỉ có một tỉ lệ nhỏ tốt nghiệp trung học, và chỉ 10% (?) trong số tốt nghiệp trung học vào được đại học. Nói cách khác, đại học ngày đó thu hút học sinh tinh hoa của tinh hoa. Còn ngày nay đại học mọc lên từ làng xã ra thành phố.

Ai cũng tốt nghiệp trung học, thì phải tìm nơi cho họ học đại học. Có thể nói Việt Nam đang trải qua một phong trào “phổ thông hoá” đại học. Hiện nay, Việt Nam có 207 trường đại học được công nhận, và con số này vẫn còn tăng. Công chúng phải phải đặt câu hỏi về vai trò của đại học vì công chúng là người gián tiếp nuôi đại học qua tiền thuế.

Có lẽ câu hỏi cơ bản đặt ra là: giáo dục đại học tồn tại để làm gì? Câu hỏi này cũng là một cách định hình và phân biệt giữa đại học và cao đẳng dạy nghề. Trong một bài viết cách đây 4-5 năm gì đó, tôi có phát biểu rằng trong một xã hội hiện đại, giáo dục bậc đại học có bốn chức năng chính:



a) đáp ứng nhu cầu tri thức của công chúng và giúp công chúng tự khai thác tiềm năng của mình và cống hiến lại cho xã hội;

(b) sáng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu khoa học, và chuyển giao những tri thức này đến xã hội;

(c) cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, cần thiết cho sự phát triển của một nền kinh tế hiện đại; và

(d) vận hành như là một trung tâm văn hoá, với chức năng khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, cố vấn về đường lối và chính sách cho nhà nước.

Nếu nhìn chức năng của đại học theo cái nhìn đó và đối chiếu với thực tế, tôi nghĩ đại học Việt Nam thất bại gần hết. Tôi sẽ giải thích tại sao, còn nguyên nhân thì sẽ bàn trong một dịp khác.

Đại học Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại như là một ốc đảo, thiếu sự tương tác với công chúng, xã hội, và kĩ nghệ. Ai đã từng ghé thăm và làm việc các đại học Việt Nam, dù là đại học “hoành tráng” nhất, sẽ thấy rất rõ đó là những công sở, với cổng kính tường cao, và giờ mở cửa y như một cơ quan hành chính của Nhà nước. Thư viện thì hầu như chẳng có sách để đọc và tham khảo, mà hình như nhà trường cũng chẳng quan tâm đến thư viện (do thiếu ngân sách). Người dân rất khó tiếp cận đại học, và không có hi vọng gì để được vào đọc sách trong thư viện. Ngược lại, các đại học phương Tây là những thiết chế của cộng đồng, của người dân, ai cũng có thể ghé qua và có thể tham gia những hội thảo dành cho công chúng. Người dân cảm thấy tự hào đó là một cơ sở khoa học và văn hoá của cộng đồng mà họ đóng góp tạo dựng nên.

Khả năng sáng tạo ra tri thức mới của đại học Việt Nam cũng không đáng kể. Một thước đo về đóng góp vào tri thức khoa học là số công trình nghiên cứu trên các tập san quốc tế. Trong tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế (hiện nay ~2300 bài), các đại học đóng góp chưa đến 50%. Thật ra, trong số hơn 200 đại học, chỉ có khoảng 20 đại học là có đóng góp vào công bố quốc tế, và cũng chỉ tập trung các trường lớn.

Những trường nhỏ và mới như Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế, ĐH Nha Trang, ĐH Đồng Tháp, v.v. cũng có đóng góp khiêm tốn (mỗi trường đóng góp từ 5-20 bài mỗi năm). Tổng số bài báo khoa học từ tất cả các đại học Việt Nam còn thấp hơn 1 đại học của Thái Lan (như Chiang Mai hay Chulalongkorn). Tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam chưa bằng phân nửa số bài báo của một đại học bên Singapore! Về sáng tạo, các đại học Việt Nam cũng chẳng có đăng kí bằng sáng chế quốc tế. Con số là 0. Nói chung, nghiên cứu khoa học và khả năng sáng tạo của các đại học Việt Nam chưa đáng kể. Ở đây, chúng ta chưa bàn nguyên nhân, chỉ nêu sự thật.

Những sinh viên mà đại học Việt Nam đào tạo khó tìm được việc vì không đáp ứng nhu cầu của giới kĩ nghệ. Ngay cả những người tìm được việc vẫn phải cần đào tạo lại. Một viên chức người Việt thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: “Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít.” Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở trong nước, hàng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng.

Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả những sinh viên đã tìm được việc làm, họ đều phải được huấn luyện lại, nhất là ở các công ti ngoại quốc. Trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, như Intel chẳng hạn, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp. Do đó, đại học Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam.

Nhưng điều này có lẽ không ngạc nhiên, vì đầu vào còn khá thấp. Theo một nghiên cứu về kĩ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp. Do đó, không ngạc nhiên khi đầu ra cũng thấp. Trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Toán, lí, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trước đây vài năm, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: “Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), cao học bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng cao học”.

Đại học Việt Nam khó trở thành một trung tâm văn hoá. Chương trình giảng dạy (nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn) đều chịu dưới sự kiểm soát của một cơ chế vô hình nào đó. Một báo cáo của chuyên gia nước ngoài nhận xét rằng “các trường đại học Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị bóp nghẹt về tri thức, trong khi công chúng đang phản ứng ngày càng lớn.” Vụ Nhã Thuyên vừa qua là một ví dụ tiêu biểu về bóp chết tự do học thuật. Thiếu tự do học thuật làm cho các đại học Việt Nam không thể nào hoàn thành sứ mệnh khai hóa xã hội.

Nói tóm lại các đại học Việt Nam đã thất bại trong việc thực hiện những chức năng của một đại học hiện đại. Nếu một đại học mà chỉ đào tạo và không quan tâm hay không có những hoạt động liên quan đến sáng tạo tri thức mới và đóng vai trò trung tâm văn hoá, thì có lẽ nên xem đó là trường cao đẳng. Mà, quả vậy, có thể nói không ngoa rằng, chiếu theo những tiêu chuẩn học thuật nghiêm túc, phần lớn các đại học Việt Nam chỉ là các trường cao đẳng chứ không phải đại học đúng nghĩa.

Sự thất bại này là tiền đề để suy nghĩ về việc sắp xếp lại hệ thống đại học – cao đẳng. Theo tôi, trước hết phải phân tầng các đại học thành 3 nhóm: nhóm elite, nhóm đào tạo, và nhóm địa phương. Nhóm elite gồm những đại học có thể tự chứng minh đạt được 4 chức năng tôi đề cập trên đây, đặc biệt là nghiên cứu koa học.

Nhóm đào tạo không cần ưu tiên làm nghiên cứu khoa học mà chỉ tập trung đào tạo chuyên gia có phẩm chất chuyên môn tốt. Tôi nghĩ đến nhóm này như là những “college of advanced education” (CAE) của Úc thời thập niên 1980-1990. Còn nhóm “địa phương” là những đại học do địa phương quản lí, họ cũng đào tạo và ở mức độ khiêm tốn làm nghiên cứu khoa học, nhưng chức năng của họ là phục vụ phát triển kinh tế – xã hội – văn hoá của địa phương là chính. Dĩ nhiên, không ai ngăn cản một CAE hay đại học địa phương không vươn tầm trở thành một đại học elite, nhưng tạm thời phải có phân tầng chứ không thể theo chủ nghĩa bình quân được.

Tôi nghĩ sự thất bại của đại học Việt Nam có nguồn từ sự lẫn lộn giữa đại học và cao đẳng dạy nghề. Đại học là một thiết chế dành cho những “learned people” (tạm xem là học giả), nó không chỉ đơn thuần là nơi đào tạo chuyên gia kĩ thuật, càng không đơn giản là nơi dạy nghề. Nếu chỉ đào tạo chuyên gia thì nên xem đó là viện công nghệ. Đại học theo cái nhìn của tôi không thể có những môn học vốn thuộc sở trường của các cơ sở dạy nghề như “hospitality”, du lịch, nhà bếp, tiếp tân.

Một đại học đúng nghĩa theo tôi phải có những môn học mà phương Tây gọi chung là liberal studies như nghệ thuật, ngôn ngữ cổ và kim, văn hoá, văn học, v.v. hay những tri thức phổ quát. Sinh viên y không chỉ học y học mà còn phải học các môn học liberal studies. Nhưng ở Việt Nam, người ta lẫn lộn giữa giáo dục đại học, đào tạo chuyên môn, và cao đẳng. Điều này dẫn đến những tranh cãi có khi vô bổ về vai trò của “đại học”, và làm cho nền giáo dục đại học thật sự bị thất bại trong vai trò đáp ứng nhu cầu tri thức và văn hoá của người dân, thất bại trong sáng tạo ra tri thức mới, và thất bại trong việc đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.



Theo TTXVH, ngày 06/8/2014

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Tháng Cô Hồn ( tháng 7 âm lịch)




Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Cũng còn tháng nữa là tới tháng 7 rồi dân gian ta hay nói vui đó là tháng cô hồn và tháng này cũng là tháng Vu Lan báo hiếu. Vậy có ai biết về truyền thuyết tại sao lại có tháng cô hồn và Vu Lan báo hiếu này hok. Mọi người cùng đọc nha! chắc chắn khi đọc xong bạn sẽ thấy tâm hồn thư thái và thanh nhàn....
Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ. Nguồn cội của Tết Quỷ gắn liền với văn hoá Đạo giáo của Trung Quốc, bởi Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần.

Đạo giáo gọi Thiên – Địa – Thuỷ là “Tam Nguyên”. Nguyên tức là sự khởi đầu của tất cả, Trời – Đất – Nước là ba nguyên khí căn bản tạo ra và nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. Nếu đem Tam Nguyên này xếp vào ba ngày âm lịch trong năm, thì sẽ có “Tam Nguyệt Nhật”: 15/1 là Thượng Nguyên, 15/7 là Trung Nguyên và 15/10 là Hạ Nguyên. Theo truyền thuyết, Tam Nguyên Nhật là sinh nhật của Tam Quan Đại Đế trong Đạo giáo, địa vị của ba đại đế này chỉ đứng sau Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày Thượng Nguyên là sinh nhật của “Thiên quan tứ phúc đại đế”, ngày Trung Nguyên là sinh nhật của “Địa quan xá tội đại đế”, còn ngày Hạ Nguyên là sinh nhật của “Thủy quan giải nguy đại đế”. Ba đại đế chia nhau cai quản khắp nơi, cho nên Tam Nguyên Nhật trở thành ba ngày lễ lớn quan trọng của Đạo giáo.

Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết về Tam Quan, và thường người ta ghép Thiên Quan, Địa Quan, Thuỷ Quan vào Tam Hoàng: Nghiêu, Thuấn, Vũ. Thiên Quan (Nghiêu Đế) chủ về ban phúc cho nên rất được dân gian tín phụng. Thuỷ Quan (Vũ Đế) chủ về trị thủy, làm cho dân chúng được an cư lạc nghiệp. Còn Địa Quan (Thuấn Đế) chia Trung Quốc thành 12 châu, làm cho dân chúng có cuộc sống ổn định, hơn nữa vua Thuấn lại là người con chí hiếu, cho nên Tam Nguyên Nhật cũng còn được gọi là “Lễ báo hiếu”. Thời cổ, vào ngày lễ báo hiếu, người Trung Quốc giết dê, gà và đốt hương, hoá vàng để tế ông bà tổ tiên, rồi dần dần được mở rộng ra thành ngày phổ độ cho cả cô hồn và từ đó mang tên gọi “Trung Nguyên phổ độ”.

Nhưng ngày 15/7 cũng chính là Lễ Vu Lan của Phật giáo, như vậy Lễ Vu Lan của Phật giáo và Tết Quỷ trong dân gian Trung Quốc là không hoàn toàn giống nhau. Ở Trung Quốc, Lễ Vũ Lan đầu tiên được bắt đầu từ thời Lương Vũ Đế, đến đời Đường (thế kỷ 7-10) đã rất thịnh hành. Vu Lan là dịch ý từ tiếng phạn Ullambana, nghĩa là giải thoát khỏi sự “khốn khổ vì bị treo ngược”. Mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên từng sống sa đọa, gây nhiều ác nghiệp, khi chết bị đoạ địa ngục làm quỷ đói và chịu hình phạt treo ngược người như vậy. Ý nghĩa và nguồn gốc Lễ Vu Lan được ghi chép và giải thích rõ trong Vu Lan Bồn Kinh:


Lễ Vu Lan với nghi thức bông hồng cài áo là nét văn hóa đẹp có ý nghĩa giáo dục lòng hiếu thảo và tình người cho đại chúng - (Ảnh minh họa: Internet)
"Thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, trong số 10 đại đệ tử của ngài có một vị tôn giả tên Mục Kiền Liên. Sau này Mục Kiền Liên đắc quả A La Hán thoát khỏi nghiệp sinh tử và có pháp lực thần thông cao cường. Trước khi Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, cha mẹ của ngài đều đã mất sớm và trở thành quỷ đói bị đoạ vào địa ngục. Sau khi đắc đạo, Mục Kiền Liên muốn báo ân phụ mẫu bèn dùng thiên nhãn quan sát khắp nơi, thấy song thân ngài đang bị giam hãm dưới âm ty với hình dạng quỷ đói hết sức đáng sợ: bụng to như núi, mà cổ họng chỉ nhỏ như cây kim, không thể ăn uống gì được, thân thể hai người chỉ còn da bọc xương mà thôi. Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng đau xót bèn cầm một bát thức ăn dùng thần lực mang xuống âm phủ cho mẹ, nhưng thức ăn vừa đưa sát miệng liền hoá thành tro bụi. Mục Kiền Liên đành chịu bất lực, vội đi bái kiến và thuật chuyện của mình cho Phật Thích Ca nghe. Đức Phật nói: “Cha mẹ ngươi thời còn sống đạ tạo ra vô số tội lỗi, cho nên sau khi chết phải bị đoạ vào địa ngục làm quỷ đói để chịu quả báo, một mình ngươi không thể đủ sức cầu độ cho họ được, mà phải dựa vào uy lực của tăng chúng mười phương mới mong giải thoát nổi. Vào ngày rằm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, tất cả tăng chúng đều cùng tụ họp tinh tiến tu hành, đến ngày rằm tháng 7 thì kết thúc và trong ngày này sẽ có nhiều tăng chúng đắc chánh quả. Ngày ấy, nếu ngươi muốn cứu song thân khỏi khổ quỷ đói, phải cúng dường cơm chay cho tăng chúng, như vậy công đức rất lớn, không những việc làm đó có thể giải thoát cho song thân ngươi khỏi khổ quỷ đói, mà thậm chí còn có thể khiến 7 kiếp của song thân người còn được hưởng phúc trên trời. Giá như cha mẹ ngươi còn tại thế, thì việc cầu cúng ấy cũng có thể khiến họ được thêm phúc đức và trường thọ”.

Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, quả nhiên cha mẹ của tôn giả thoát được kiếp quỷ đói và siêu thăng".

Nghĩ về việc làm thơ



*Có nhiều khi đọc những bài thơ lẻ của ai đó, thấy hay. Nhưng khi đọc cả một tập thơ của họ thấy lẫn nhiều bài tầm tầm trung bình, thậm chí có cả dưới trung bình. Cảm giác như mình vừa mất mát cái gì đó, buồn buồn.

*Làm thơ, nhiều lúc giống với... chơi thể thao. Có ngày chơi hay, thắng giòn giã. Có ngày thua lãng nhách. Cầu thủ giỏi, không phải lúc nào cũng đạt được phong độ tốt nhất. Nhà thơ cũng vậy, có khi đã là tác giả nổi tiếng rồi nhưng vẫn không tránh khỏi những lỗi thông thường, những câu vụng về, nhạt nhẽo.

*Có người cho rằng, thơ của tôi, là suy nghĩ của tôi, không ai có thể sửa thơ tôi. Cũng có lúc bài thơ bị sửa thành ra thơ người khác. Nhưng cũng nhiều lúc, bài thơ chỉ được sửa một chữ, một ý là bài thơ hay hẳn lên. Nhiều lúc, chỉ bỏ bớt một từ, một vài từ, một khổ thơ... bài thơ trở nên nhẹ nhõm, súc tích hơn...

*Đọc bài thơ nhạt cũng chán, nhưng không bực mình như khi gặp phải những sạn sỏi trong thơ. Nhiều khi phải bỏ bài thơ đi thật tiếc, nhưng sửa thì không dễ, không tiện. Nói lao động thơ tức là nói đến sự chăm chút cho bài thơ qua nhiều công đoạn sao cho bài thơ đạt được sự tối ưu , sự hài hoà về cả nội dung và hình thức.

*Thơ là sự khám phá, sáng tạo, phát hiện. Trong thơ cũng có tả, có kể, có suy nghĩ. Nhưng không phải chỉ có thế. Thơ không phải chỉ là sự diễn đạt ý tưởng thuần tuý, mà nó phải gợi được cho người đọc về một "vấn đề" gì đó. Nó phải truyền được xung động tinh thần từ tác giả tới người đọc.

*Có nhiều điều phải bàn kỹ về vần và nhạc trong thơ. Không ai phủ nhận về yếu tố vần và nhạc của thơ. Nhưng nếu coi thơ nhất thiết phải có vần có nhạc thì chưa hẳn. Thơ cũng có sự vận động và phát triển của nó.

*Chỗ đến của thơ là Con Người. Thơ phải mang đến được cho Con Người những khoái cảm về Chân- Thiên- Mỹ... Hay nói chính xác hơn, thông điệp mà người làm thơ muốn gửi gắm không phải là cho thiên thần hay ma quỷ, mà thơ viết là để gửi Con Người- cho Con Người và vì Con Người...

*Tôi có đọc đâu đó ý kiến của một nhà thơ, rằng, thơ phải "chạm" được "tâm can" chính tri, xã hội, và thời đại mình đang sống. Một nhà thơ chân chính phải "gánh" lên vai sức nặng của toàn bộ lịch sử thời đại mình. Nhà thơ phải thuộc về nhân dân , thuộc về " phe nước mắt". Còn thì có nhiều kiểu làm thơ, có người làm thơ để chơi, có người làm thơ để kiếm tình, kiếm tiền, kiếm danh lợi...



*Người làm thơ thường dễ phát hiện ra mình thiếu cái gì đó, trong thơ, nhưng không dễ phát hiên ra mình bị thừa cái gì đó. Nhà thơ Xuân Sách, trong một lần trò chuyện với một nhà thơ trẻ, có nói: "Thấy được cái thiếu của mình đã khó, nhưng khó hơn là thấy được những cái thừa. Nghệ thuật văn chương là biết cắt gọt. Thơ cần ngắn, cần gợi, cần mở. Và khi cắt được những cái thừa thì sẽ thấy mình thiếu cái gì. Thế mới độc !"

*Có người làm thơ cụt ngủn. Đọc nghe khô khốc. Có người thì lại làm thơ mượt mà, bóng bảy. Đọc lên nghe cứ vang như hát. Nhưng để nhớ, để thuộc thì có khi thơ "gầy", thơ "khô" lại có lợi thế hơn.

*Thầy Lê Trí Viễn, có lần, bảo tôi: "Làm thơ phải đi, đọc, nghĩ, và viết". Chuyện tưởng bình thường, ai cũng biết , vậy mà, phải mất nhiều năm sau, tôi mới thấm được. Trong bốn động từ thầy nêu, tôi suy nghĩ mãi về động từ "đọc". Phải chăng người ta chỉ hơn nhau, phân biệt được nhau là ớ cái sự "đọc"? Phải chăng, ý thầy là, phải biết "học" mỗi khi "đọc"?

Lê Huy Mậu

NAM MÔ A-DI-ĐÀ…

Bùi Tự Lực



Xưa
ít người gõ chuông mõ ăn chay
ra khỏi nhà gặp ngay việc thiện.Nay
người niệm Phật, cầu kinh ê hề vỏ hến
đi đường thấy lắm kiểu gian manh.

Xưa
bóng mát cây cao nơi trú ngụ của thánh thần
chốn chùa chiền tôn nghiêm cõi phật.

Nay
am, miếu, khám thờ…khắp ria đường, cổng chợ
chốn công quyền cũng dành một nơi rước thần linh về ở.

Cớ sao chuyện Đạo, việc Đời cứ dở dở ương ương?

Quỷ dữ, yêu ma lẫn lộn với Thánh hiền
“Nam mô A-di-đà…”. Tiên Phật! Phật Tiên!

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

ĐỪNG ĐUỔI THEO MẶT TRỜI





Em vẫn lùi xa
Lời nói thật tuột hoài
Không thể tìm được nơi bấu víu
Nhưng thề thốt không thể nào níu kéo
Mất tin rồi, theo đuổi chỉ hoài công.

Nắng nhạt dần, ngày còn lại tấc gang
Ai đuổi theo mặt trời được mãi?
Thì cứ để em xa
Nếu ngày mai trở lại
Anh sẽ đón em về từ phía mặt trời lên.

Vương Duyệt

Mùa thu mù



 Nakahara Chuya (Trung Nguyên Trung Dã) (1907-1937) là một gương mặt chói ngời của văn học Nhật Bản cận đại dù mất ở tuổi ba mươi và chỉ kịp để lại hai thi tập “Bài ca sơn dương” (Yagi no uta) và “Bài ca ngày tháng cũ” (Arishihi no uta).

Thi sĩ Nakahara Chuya - Ảnh: internet


Vị trí của Nakahara trong văn học Nhật Bản có thể sánh ngang với Rimbaud của Pháp và Hàn Mặc Tử trong văn học Việt Nam. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ tượng trưng Pháp cùng với Cơ Đốc Giáo, Nakahara đã khai triển trong thơ mình một cảm hứng chủ đạo là “xa xăm và cao viễn” như lời của nhà phê bình Yoshida Hiroo đã nhận xét. Giải thưởng văn học Nakahara Chuya uy tín đã được thành phố Yamaguchi, quê hương ông thành lập năm 1966 để tưởng nhớ một tài năng mệnh bạc.
Bài thơ “Mùa thu mù” (Moumoku no aki) nói về một mối tình tuyệt vọng nổi tiếng sau đây được chúng tôi dịch từ tuyển thơ “Nakahara Chuya thi tập” do Yoshida Hiroo biên tập, Nhà xuất bản Tân Triều xã (Shinchosha) ấn hành năm 2008, tái bản lần thứ 15 năm 2011.
Người nữ trong bài thơ này chính là nữ diễn viên Hasegawa Yasuko (1904- 1993) vốn quen biết và sống chung với Nakahara Chuya từ khi còn ở Kyoto năm 1924. Đến năm 1925 khi Nakahara đưa nàng lên Tokyo thì quen biết và rồi sống chung với nhà phê bình Kobayashi Hideo. Khi nàng bị Kobayashi bỏ rơi, Naka- hara quay lại mong nối lại tình cũ nhưng không được chấp nhận. Mối tình tay ba nổi tiếng này cũng đã đi vào lịch sử văn học Nhật Bản. Thời kỳ này Nakahara viết nhiều thơ ca yêu đương mà “Mùa thu mù” này là một minh chứng tiêu biểu. Bài thơ cho ta thấy sự tuyệt vọng cùng cực của Nakahara, cắn chặt răng đứng trước bờ đoạn nhai tuyệt bích mà chìm vào đáy tuyệt vọng. Một bài thơ đớn đau, một bài thơ như mửa máu. Có một tứ thơ gợi nhớ Phạm Hầu “đưa tay ta vẫy ngoài vô tận, chẳng biết xa lòng có những ai”…
Hoàng Long (dịch và giới thiệu từ nguyên tác Nhật ngữ)



NAKAHARA CHUYA


Mùa thu mù

I.
Gió dựng và sóng thét gào
Đưa tay tôi vẫy trước vô tận

Lúc ấy tôi nhìn thấy một đóa hoa nhỏ màu đỏ
Nhưng rồi cũng sẽ rã nát màu phai

Gió dựng và sóng thét gào
Đưa tay tôi vẫy trước vô tận

Tôi đã bao lần than thở vô tình
Khi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ quay trở lại

Trong huyết quản cứng cáp tuổi thanh xuân
Đã tuôn chảy quá nhiều hoàng hôn và hoa loa kèn đỏ

Yên lặng, rực rỡ kiêu sa
Như nụ cười cuối cùng của người đàn bà gửi lại

Nghiêm trang, phong nhiêu, buồn bã
Khác thường, ấm áp, chói ngời còn lại trong lòng tôi

A, còn lại trong lòng tôi….

Gió dựng và sóng thét gào
Đưa tay tôi vẫy trước vô tận

II.
Rồi điều này sẽ ra sao? Điều kia sẽ thế nào?
Sao cũng được.

Điều này có nghĩa chi? Điều kia có nghĩa gì
Tôi lại càng mặc kệ.

Con người chỉ biết dựa vào mình thôi
Còn lại hãy phó mặc tất cả
Hãy để yên mọi chuyện như chúng là…

Nương tựa vào mình, nương tựa mình, nương tựa mình, nương tựa mình
Chỉ như thế mới khiến con người không phạm lỗi

Thản nhiên, vui vẻ yên lặng như bó rơm
Lấp đầy nồi hơi bằng sương mù buổi sáng, bước chân nhảy bẫng lên cũng được thôi

III.
Thánh mẫu Maria của tôi ơi
Tôi đã ho mửa máu

Người không nhận lấy ân tình tôi
Nên giờ đây tôi ngập ngụa trong vũng lầy tuyệt vọng

Dù tôi cũng chẳng ngoan hiền gì
Dù tôi cũng chẳng mạnh mẽ

Rất tự nhiên tôi yêu em
Em cũng yêu thương tôi vậy mà…

A, Thánh mẫu Maria của tôi ơi
Bây giờ ta chẳng thể làm gì được nữa
Ít nhất chỉ cần em biết điều này

Yêu tự nhiên, yêu người rất tự nhiên đâu phải lúc nào cũng có
Khi biết được điều này sẽ chẳng ai tha thứ cho em đâu

IV.
Ít ra khi tôi chết
Người con gái đó sẽ mở lòng với tôi chăng
Khi ấy đừng đắp mặt bằng phấn trắng
Khi ấy đừng trang điểm mặt bằng phấn trắng

Chỉ lặng lẽ mở lòng ra thôi
Hãy để chiếu xạ vào đôi mắt tôi
Đừng nghĩ gì cho tôi cả
Xin đừng nghĩ điều gì cho tôi

Chỉ xin em kìm những giọt nước mắt lã chã
Và hãy thở ấm áp mà thôi
Nhưng nếu như nước mắt có rơi

Xin hãy cúi mặt trên người tôi
Và hãy giết tôi đi cũng được
Nếu em làm như thế
trên con đường khúc khuỷu chốn hoàng tuyền
Tôi sẽ rất hân hoan