Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Hiệp đạo



Chương 1.

Ma Kiếm




Giang hồ Hắc đạo loan truyền nếu gặp phải Ma Kiếm Hàn Giang Nhạn thì đừng bao giờ xuất thủ. Bởi, việc xuất thủ đồng nghĩa với việc tự biến mình thành kẻ tàn phế. Ngũ tuyệt Ma kiếm của Hàn Giang Nhạn là thứ kiếm pháp bá đạo chuyên cắt tứ chi của đối thủ. Chưa có một ác nhân nào không bị phế tay, chân khi giao chiến với Ma kiếm.

Ma kiếm Hàn Giang Nhạn là một hiệp đạo. Y hành hiệp giang hồ hành thiện, diệt ác nhưng y không giết người. Quan niệm của y là ngăn chặn kẻ ác tiếp tục thủ ác và có cơ hội hối cải.

Hắc Bạch Song Hồ là 2 tên đại đạo khét tiếng lưu vực Sông Hồng. Vụ án gần đây nhất do chúng gây ra đã làm chấn động Võ lâm hai đạo chính tà. Hai mươi tư người của Thăng Long tiêu cục chỉ trong một đêm già trẻ lớn bé đều bị chúng giết.

Điều đó khiến Ma Kiếm không thể không truy tìm chúng. Đã hơn 3 tháng, Hắc Bạch Song Hồ chịu sự truy đuổi của Ma kiếm. Chúng tự biết, chúng không là đối thủ của Ma kiếm. Thế là, chúng quyết định tách ra để chạy trốn. Bạch hồ chạy về phương Bắc, Hắc Hồ chạy về phương Nam.

Ma kiếm không thể phân thân, y quyết định lần theo dấu vết về phương nam, đuổi theo Hắc hồ.

Đôi chân của Hắc Hồ dường như không còn chút sức lực. Hơn một tuần trăng hắn đã chạy không nghỉ nhưng cuối cùng Ma kiếm cũng bắt kịp hắn.

Cái bóng trắng của Ma kiếm ngày càng đến gần. Trước mặt Hắc Hồ đã là ngõ cụt. Tay hắn chạm vào chuôi đao và hắn nghe bàn tay hắn lạnh ngắt. Đầu óc của hắn mơ hồ, nỗi sợ khiến tinh thần hắn tê cứng. Trong giới hắc đạo, hắn thuộc hàng cao thủ nhất lưu nhưng với Ma kiếm thì võ công của hắn dường như vô dụng. Hắn đã từng nhìn thấy Ma kiếm xuất thủ phế đi cánh tay cầm kiếm của Đoạt hồn nhân- một sát thủ nhất đẳng của Thanh Long bang. Đao pháp của hắn so với Đoạt hồn nhân vẫn còn kém vài bậc.

Giờ, hắn đã nhìn thấy rõ gương mặt trắng bệch, lạnh lùng của Ma kiếm Hàn Giang Nhạn. Chó vào đường cùng tất phải cắn. Hắn biết Ma kiếm sẽ không buông tha cho tội ác của hắn bởi giao tình của y và lão tiêu đầu Thăng long tiêu cục.

Hắc hồ rút đao. Bóng trắng của ma kiếm lay động. Ánh kiếm lóe lên rồi vụt tắt. Ma kiếm quay lưng bước đi. Gương mặt y không biểu lộ gì, dường như y chưa từng rút kiếm. Hắc Hồ gần như chết ngất, hắn gã vật ra đất cố bịt máu từ nơi cổ tay hắn đang tuôn ra xối xả. Hắn biết, từ nay tay phải của hắn đã không còn có thể cầm được vật gì, huống chi là đao.

Phải qua một tuần trà, Hắc Hổ mới có thể nhấc mình đứng lên. hắn nghĩ, hắn phải nhanh chóng tìm nơi dưỡng thương. Đúng lúc đó, xuất hiện trước mặt hắn là một cô gái tuổi ngoài đôi mươi. Hắn nhìn cô gái vẽ cầu cạnh. Nhưng ngay lúc hắn định mở miệng thì một lưỡi kiếm đã găm vào yết hầu của hắn.

Cô gái đá vào xác hắc Hồ rồi bậc khóc...

- Mẫu thân, hài nhi đã trả thù cho mẫu thân.

Hắc hổ chết dưới kiếm của cô gái mà hắn chưa kịp biết vì sao?

Mười năm trước, hắn đã hãm hiếp một phụ nữ khiến người phụ nữ này phải treo cổ tự tử.

*

Bạch Hồ cuối cùng cũng đã đến được Vân Nam, nhưng trong lòng hắn vẫn nơm nớp lo sợ. Hắn biết Ma kiếm rồi cũng sẽ truy tìm hắn. Ở vùng này tuy không ai biết hắn nhưng hắn không dám ở lại trấn. hắn tìm hang động trong núi để trú ẩn.

Hắn suy nghĩ ngày đêm tìm cách để chống lại Ma kiếm. So với Hắc hồ hắn là kẻ hung ác và giảo hoạt hơn. Cuối cùng rồi, hắn cũng nở được nụ cười.

Ba năm sau, vụ án Thăng Long tiêu cục gần như đi vào quên lãng. Ma kiếm vẫn đi về phương bắc tìm kiếm Bạch Hồ nhưng gần như mất dấu vết. Y quyết định trở về, đúng lúc đó y nghe tin một vụ thảm sát ở thôn thuộc Lạng Sơn. Thủ pháp giết người được mô tả rất giống với thủ pháp của Bạch Hồ. Ma kiếm tức tốc tìm đến nơi. Quả nhiên, y nhận ra ngay chiêu thức tàn độc của Bát Quái Đao. Bạch Hồ hẳn vẫn còn quanh đây.

Hai ngày sau, Ma kiếm nhận ra bóng dáng của Bạch Hồ gần động Mường Ngao.

Bạch Hồ tỏ ra run rẩy khi đối diện với Ma kiếm. Hắn không hề rút đao chỉ đứng như trời trồng, buộc Ma kiếm phải lên tiếng :

- Ta cho ngươi một sự công bằng, rút đao đi.

Phải hết một nén nhang, tỏ ra không còn cách nào khác, Bạch Hồ rút đao nhắm thẳng vào Ma kiếm bổ xuống. Thân hình ma kiếm chao động, ánh kiếm lóe lên rồi tắt, cùng với tiếng kêu thét của Bạch Hồ. Y quay lưng bỏ đi. Bất chợt y nghe nhói đau và nhận ra lưỡi đao của Bạch hồ đăm xuyên qua lồng ngực của y. Y c quay người lại trừng trừng nhìn Bạch Hồ.

- Ngươi...- Y không còn đủ sức.

Cánh tay mặt của Bạch Hồ máu chảy ròng ròng nhưng vẽ mặt của hắn cực kỳ đắc ý.

- Ha ha... quả thật không uổng công ta ba năm nay trốn tránh chui nhủi để luyện đao bằng tay trái.

Hắn bước đến gần Ma kiếm.

Nhanh như chớp, Ma kiếm đã gom hết tàn lực  ôm chặt Bạch Hồ và ấn thẳng lưỡi đao nơi ngực mình vào tim kẻ gian ác. Ma kiếm lần đầu tiên giết người và đó cũng là lần cuối cùng y nhìn thấy ánh dương quang

( còn tiếp)

Chương 2 :

Nhân Nghĩa Sơn Trang







Con đường sáng tạo




(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)

Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu



Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng Đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: quyền năng sáng tạo.

Vincent van Gogh, “Thư cho Théo”, Ngày 1 tháng chín 1888




Tựa cho lần ấn hành thứ hai

1.

Tôi không bao giờ có ý định điên dại soạn thảo một cuốn sách bàn về nghệ thuật viết văn.

Hiển nhiên văn chương là một nghệ thuật và bút pháp là phương tiện và đồng thời sự đạt thành của chính nghệ thuật ấy. Nhưng nghệ thuật văn chương là một nghệ thuật chỉ có thể thủ đắc được bằng kinh nghiệm cá nhân, về chính bản thân và thực tại. Tiêu chuẩn duy nhất để thẩm định một dòng văn chương là quan niệm và mức độ nó đến gần thực tại.

Tôi đồng ý hầu hết với Nietzsche, trừ tư tưởng căn bản về cùng đích của nghệ thuật và chủ thuyết Siêu nhân mà càng ngày càng tôi thấy càng sai lầm, vô hiệu và vô ích. Nietzsche rất có lý khi viết: “Chủ trương hiện thực trong nghệ thuật là một ảo tưởng” [1] , vì người ta chuyển nhượng tất cả những gì làm ta mê đắm hay gớm ghét vào trong sự vật. Nhưng ta không thể chấp nhận khi ông quan niệm: “Những nghệ sĩ không bao giờ được phép nhìn vào sự vật như chân tướng của chúng” [2] và nghệ thuật là một thứ “sùng bái mê lầm” (culte de l’erreur), một “thiện chí về si tưởng” (bonne volonté de l’illusion) [3] . Chân lý xấu nên “nghệ thuật được ban cho chúng ta để ngăn cản chúng ta khỏi chết vì chân lý” [4] . Không, nghệ thuật phải là một phương tiện giúp ta đạt tới chân lý, tới cái mà thuật ngữ Phật giáo gọi là NHƯ THẬT hay NHƯ THỊ - (Yathabhutam hay Yathatatham). Nghĩa là “sự thật khách quan như thế nào nhìn đúng như thế ấy. Bản chất mình như thế nào, nhận đúng như thế ấy”. Và phải cố gắng gột rửa mọi thứ cảm nhiễm lâu hoặc cho tâm thể trong sáng như gương không lấm bụi trần, “hoa qua chiếu hoa, nguyệt qua chiếu nguyệt” [5] .

Nghệ thuật cũng không hướng tới cái gì xa xôi vĩ đại, (le lointain de l’art) [6] mà là cúi nhìn cái rất gần gũi, khiêm nhường. Chỉ cần với tinh thần Như Thật kiến, Như Thật tri chuyên chú, chúng ta sẽ nhìn thấy cái đẹp ngay trong những sự vật rất mộc mạc, giản dị. “Chỉ có những cái thông thường là kỳ diệu (thực sự vĩ đại), từ lúc được bàn tay thiên tài chạm tới” như nhận xét sâu sắc của Pasternak. Sự kiện này đã được chứng nghiệm bởi hai nhà thơ Đông Phương Basho và Quách Thoại. Basho viết một bài Haiku tuyệt diệu gồm vỏn vẹn mười bảy âm như sau:

Nhìn kỹ
Tôi thấy đóa Nazuma
Bên hàng dậu!

Bông Nazuma tầm thường, khép nép gần như không ai thèm để ý tới nở bên một hàng dậu đổ nát ven đường quê hẻo lánh kia thì có gì đặc biệt đâu, nhưng khi ta chăm chú nhìn nó với tâm trong sáng hồn nhiên thì phép lạ xẩy ra: nó tự biến thành cả một vũ trụ linh thánh, hồng diệu, “rực rõ hơn có vẻ rực rỡ của vua Solomon nữa!” [7] . Bông hoa thược dược của Quách Thoại cũng vậy:

Đứng im bên hàng dậu
Em nở nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Ta lắng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lậy cúi đầu


2.

Cái mà ta gọi là bút pháp thực ra không phải là kỹ thuật sắp xếp , dụng ngữ xảo diệu như người ta thường lầm tưởng mà chỉ là cách diễn tả thật chính xác điều mà ta thấy, biết, suy nghĩ theo đúng chân tướng của chúng. Stendhal đã cho chúng ta một định nghĩa rất đáng giá về bút pháp: “Bút pháp phải giống như một nước sơn trong suốt, nó không được biến đổi mầu sắc, hay những sự kiện và tư tưởng, trên đó nó được phối trí.” (Mélanges de Littérature).

Văn chương chỉ có giá trị độc đáo khi nghệ sĩ đạt tới chỗ thấy biết như thực và diễn tả như thực điều hắn thấy biết như thực. Nhưng dĩ nhiên điều người nghệ sĩ thấy, biết đó không phải là sự thực khách quan cứng nhắc chết chóc mà là sự thực sinh động, hủy diệt – tái tạo thường xuyên, rung động hơi thở sự sống, rộn ràng nhịp đập thiên thu.

Bài thơ của Basho và Quách Thoại cho ta thấy người nghệ sĩ, tự bản chất tuy là một người hiếu cảm, dễ bị xúc động, đụng chạm đủ mọi phía, có khuynh hướng tự nhiên quay về phía những kích động, thác loạn, nhưng những cực đoan thường gặp nhau nên tới một lúc nào đó hắn cũng có thể ngung thần tĩnh lặng chiêm ngắm sự vật. Và khi tâm thức tĩnh lặng, mở phơi một cách hồn nhiên hay thần bí, người ta có thể thấy vẻ đẹp ngay cả trong từng ngọn cỏ lá cây, một vẻ đẹp siêu việt đưa người ta vượt thoát những lo toan thực tiễn của đời sống tang thương thường nhật để thể nhập vào cảnh giới huy hoàng của Tịnh Độ. Chừng nào mà chúng ta chưa đạt tới linh tưởng này thì nghệ thuật đúng chỉ là sự sùng bái mê lầm, hảo ý về ảo tưởng.

Sáng tạo, trong chiều hướng đó, là sáng tạo bản thân, thị hiện hình tượng, gột rửa tâm hồn, kiến chiếu THỰC TẠI. Công việc đó không chỉ dành riêng cho một thiểu số nghệ sĩ chuyên môn mà cho tất cả mọi người – những nghệ sĩ của đời sống, trong đời sông. Và đó chính là cứu cánh của cuốn sách này.

Nguyễn Hữu Hiệu
Vạn Hạnh, Trung Thu 73

*



Lời nói đầu

Tôi đã có dịp đọc một số sách bàn về nghệ thuật viết văn, từ những tuyển tập gồm bài vở của những văn gia, triết gia lừng danh tới những chuyên thư soạn cho sinh viên đại học. Xin kể sơ qua:

Inquiry and Expression, a College Reader, edited by Harold C. Martin and Richard M. Ohmann, Haward University, Holt, Reinehart and Winston, 1962.
Thought in Prose, edited by Richard S. Beal, Boston University and Jacob Korg, University of Washington, Prentice - Hall, Inc, 1964.
Thought and Experience in Prose, Craig Thompson, Oxford University Press, New York, 1963.
Language and Ideas, Robert Montgomerry, Boston, Little Brown and Company, 1962.
Subject and Structure, John Wasson, Boston, Little Brown and Company, 1963,
Study in Prose Writing, James R. Kreuzer, Holt, Reinehart and Winston, 1960.
The Written World, Forms of Writing, edited by Robert W. Daniel, University of Washington, Prentice – Hall, 1962.
The Writer’s Book, edited by Helen Hull, Barness and Noble, 1966.
The Novel Now, Anthony Burgess, Faber and Faber, 1967.
L’Art du Roman, Virginia Woolf, Éditions du Seuil, 2- 1963.
Writers at Work, first series, edited, and with an Introduction by Malcolm Cowley, Viking Press 1958, second series, edited by George Plimpton and introduced by Van Wyck Brooks, Viking Press, third series edited by George Plimpton and introduced by Alfred Kazin, Viking Press, 1968…

Nhưng không tác phẩm nào khiến tôi thích thú bằng cuốn Henry Miller on Writing do Thomas Harry Moore ấn hành (New Directions). Tôi say mê đọc tuyển tập trên nhiều lần và nẩy ra ý muốn trình bầy một tuyển tập gồm nhiều tác giả tôi ngưỡng mộ cùng viết về cái ý hướng nguyên thủy, ý hướng đớn đau, con dốc hiểm nghèo ma đưa quỷ dắt một người đăm chiêu khiến hắn trở thành một nghệ sỹ: ý hướng Sáng Tạo. Và tất cả những nỗi lo âu liên quan tới sự sáng tạo như: sứ mệnh của nhà văn, đề tài, bút pháp, kinh nghiệm, nghệ thuật viết, những điều răn, những giới cấm, thái độ đối với tác phẩm mình, thái độ với độc giả, thái độ đối với nhà phê bình… Vậy thì cuốn sách này đây chính là sự tựu thành của ước muốn đó vậy.

Song Con đường sáng tạo gồm có những bài mà, nếu độc giả đọc kỹ, ắt sẽ nhận ra chưa từng xuất hiện trong nhưng chuyên thư trên trừ cuốn Thư cho một thi sỹ trẻ tuổi của Rilke, lược bỏ những câu xã giao, rút gọn thành một bài in trong cuốn tập Thought in Prose.

Con đường sáng tạo gồm những tác giả mà, nếu độc giả lưu tâm, hẳn sẽ nhận thấy họ không thuộc vào hàng ngũ những nghệ sỹ thông thường. Đó là những kẻ sáng tạo, những kẻ không coi nghệ thuật như một phương tiện giúp con người lẩn tránh mình; một cách giải khuây, nhưng như một con đường dẫn về chính mình, con đường cô đơn, con đường phiền não, khuynh hướng về bất hạnh mà cùng đích là giải thoát – và Giải Thoát.

Ở đây nghệ thuật không phải là đám mây lơ lửng trên dòng đời; nó chính là dòng đời. Ở đây nghệ thuật không phải là một lối đào thoát khỏi thực tế; nó chính là cái neo gieo vào lòng Thực Tại. Một cây mọc càng cao, cành nhánh càng tự do trổ vào bầu trời xanh bát ngát bao nhiêu, gốc rễ lại càng cắm sâu vào lòng đất tối đen bấy nhiêu. Nghệ thuật phải cung cấp cho chúng ta những gốc rễ gân guốc ấy! Nghệ thuật phải giúp chúng ta bám chặt vào thực tại, nở hoa từ thực tại và giải thoát từ thực tại.

Tôi tin chắc rằng Con đường sáng tạo sẽ khích lệ nhiều người, sẽ mang lại thích thú cho nhiều người hơn nữa. Nhưng như thế chưa đủ. Và quá thừa. Chỉ mong sao có chàng trẻ tuổi nào, nhờ nó, thêm hăng hái dấn bước trên đường định mệnh, thêm can đảm trút bỏ hết mọi thứ hành lý, ra đi không có bất cứ một thứ gì đem theo ngoại trừ ý chí sáng tạo, lòng đam mê và ngạo nghễ như chàng Rimbaud tóc rồi tung bay, áo quần tơi tả, túi rỗng nhưng hồn đầy chất ngất vì

Ra đi là đủ rồi.

Je m’en allais, les poings dans mes poches crevées;
Mon paletot aussi devenait idéal;
J’allais sous le ciel, Muse! Et j’ étais ton féal ;
Oh! là là! que d’amours splendides j’ai rêvées!

Nguyễn Hữu Hiệu
Hoàng Hạc Lâu, 23 tháng ba Canh Tuất,

- Bao giờ cất cánh bay lên, hạc vàng?
Ta bất nhẫn Ba La Mật rồi đây.






[1]Volonté de- Puissance, Gallimard 1951, T.1. p.335, frg, 444.
[2]Volonté de- Puissance, p.333, frg.438.
[3]Le Gai Savoir, Gallimard, 1961, p.93, rg. 107.
[4]Volonté de- Puissance, T. I.p. 338, fig. 453.
[5]Hòa Thượng Thích Trí Thủ, “Ý nghĩa ngày Phật Đản”, trong Đặc san Phật Đản, GHPGVNTN, tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa P. L. 2517 p.9
[6]Nietzsche, Le Gai Savoir, p.93
[7]Suzuki, Thiền và Phân tâm học, Như Hạnh dịch, Kinh Thi, 1973.


Tình hình lí luận văn học Việt Nam hiện nay





PHAN THẮNG thực hiện

[Trao đổi với GS.TS Trần Đình Sử]

Giáo sư Trần Đình Sử - Ảnh: internet


PV: Với tư cách một ngành khoa học, lý luận văn học của nước ta có từ bao giờ, thưa GS?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Lí luận văn học hiểu như các quan niệm, niềm tin về văn học thì chúng ta đã có từ thời Lí, Trần, Lê, Nguyễn, thể hiện qua các bài phát biểu, các lời Tựa, Bạt viết cho các tuyển tập thơ văn. Quan niệm thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo từ rất lâu đã ăn sâu vào trong tâm thức của các nhà nho Việt Nam thời trung đại. Tuy nhiên, lí luận văn học hiểu như một ngành khoa học, nhân văn thì phải đến đầu thế kỉ XX chúng ta mới có. Đó là thời điểm viết các cuốn văn học sử đầu tiên, như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi... Muốn viết chúng phải có lí thuyết về lịch sử văn học, tác gia, tác phẩm, thể loại, ngôn ngữ… Lí luận văn học cũng xuất hiện trong các công trình phê bình văn học như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, các công trình nghiên cứu của Trần Thanh Mại, Nguyễn Bách Khoa…

PV: Trình độ lý luận văn học hiện nay của chúng ta đang ở mức nào trong bức tranh chung của nền lý luận văn học thế giới?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Trải qua nhiều biến động của lịch sử trong thế kỉ XX, từ năm 1943 với bản Đề cương văn hóa còn rất thô sơ và đặc biệt là bài Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Trường Chinh, có thể nói đó là các bản tuyên ngôn chuyển hướng văn hóa theo hướng thuần Mác xít, lí luận văn học Việt Nam một phen thay đổi theo hướng độc tôn lí thuyết Mác xít trong bối cảnh chiến tranh lạnh từ sau thế chiến 2 và sau Cách mạng Tháng Tám. Lí luận văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Lí luận văn học Liên Xô cũ và lí luận văn học Trung Quốc thời trước Đại cách mạng văn hóa. Chỉ có từ thời “Đổi mới” năm 1986, đặc biệt là từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, mở ra thời đại hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa thì lí luận văn học Việt Nam mới tiếp xúc trở lại với toàn bộ lí luận văn học của toàn nhân loại. Cái gọi là lí luận văn học hiện nay chính là chỉ lí luận văn học của thời này. Có thể nói trong bầu không khí hội nhập cởi mở chúng ta đã nhanh chóng tiếp thu các lí luận tiến bộ mà trước đây còn bị coi là thù địch, tư sản, xét lại. Tuy còn nhiều bất cập, yếu kém và chậm trễ, nhưng xu thế chung của lí luận văn học Việt Nam hiện đang cố gắng để vươn tới đồng hành với lí luận văn học thế giới. Nhưng nhìn chung nền lí luận văn học của chúng ta nhỏ, yếu, đi sau, ít tính sáng tạo trong bản đồ lí luận văn học của thế giới.

PV: Trong mấy thập kỷ qua, kể từ khởi đầu “Đổi mới” đến nay, Việt Nam đã tiếp thu được những gì đáng gọi là tinh hoa lý luận văn học thế giới để làm giàu cho nền lý luận văn học của mình?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Nếu hiểu tiếp thu có nghĩa là biến lí thuyết của người thành nhận thức, tri thức của mình, đem chúng vận dụng xử lí các hiện tượng văn học thì phải nói từ thời “Đổi mới” đến nay tri thức lí thuyết văn học của chúng ta đã có sự thay đổi to lớn. Bên cạnh sự khắc phục những quan niệm lí luận giản đơn, sơ lược ngự trị một thời, chúng ta đã tự làm giàu mình bằng các lí thuyết tiếp nhận văn học, kí hiệu học, thi pháp học, phân tâm học, tự sự học, cấu trúc và giải cấu trúc, thông diễn học, lí thuyết nữ quyền, hậu thực dân, phê bình sinh thái, lí thuyết diễn ngôn, văn học so sánh, lí thuyết dịch văn học… Chúng ta thường nói tiếp thu tinh hoa, nhưng cái gì là tinh hoa? Trước đây ta hiểu tinh hoa là những gì duy vật, duy tâm là cặn bã; nội dung là tinh hoa, hình thức là cặn bã, gần gũi với dân tộc là tinh hoa, xa lạ là cặn bã, vô sản là tinh hoa, tư sản là cặn bã. Nhưng các tiêu chí ấy ngày nay không còn thích dụng nữa. Trong thực tiễn, trong tồn tại của con người tâm vật không tách rời, nội dung hình thức không tách rời, dân tộc và thế giới không tách rời, vô sản tư sản không tách rời, không thể phân biệt tinh hoa và cặn bã một cách siêu hình. Những gì hữu ích cho cuộc sống, có tác dụng giải thoát con người khỏi những hạn hẹp, ngu dốt, bất luận từ đâu đều là tinh hoa. Những gì trói buộc con người, cầm tù tư duy, ngăn trở sự phát triển đều là cặn bã. Nếu hiểu như thế thì chúng ta đã tiếp nhận được không ít tinh hoa lí thuyết văn học của nhân loại.

PV: Đánh giá của Gs về kết quả, hiệu quả của quá trình tiếp nhận này đối với lý luận văn học và nền văn học của chúng ta trong thời gian vừa qua?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Nếu hiểu kết quả, hiệu quả của tiếp thu lí thuyết văn học nước ngoài là những công trình lí thuyết có ảnh hưởng nào đó thì ở nước ta hiện chưa có nhiều, nhưng xét hiệu quả ở giải phóng tư tưởng, thay đổi tư duy thì điều đó là có thật. Từ thời “Đổi mới” đến nay tư duy về văn học trong đại chúng và nhà văn đã có sự đổi thay to lớn. Chúng ta không chỉ đánh giá lại đúng đắn hơn di sản văn học dân tộc qua các thời đại, mà cũng biết tiếp nhận các thành tựu văn học của nhân loại hiện đại, dù chúng có vẻ xa lạ như thế nào. Trong đào tạo đại học, sau đại học đã xuất hiện nhiều đề tài mới, tìm tòi những lĩnh vực mới. Tuy nhiên phải nhận thấy rằng mức độ thâm nhập vào lí luận mới của ta chưa sâu sắc, vẫn còn nhiều thử nghiệm, hời hợt, chưa có các công trình nguyên sáng được thế giới quan tâm.

PV: Theo ông, ở nước ta, lý luận văn học và sáng tác văn học có tác động tương hỗ tích cực hay không? Hay ngược lại? Các nhà văn có được “hưởng lợi” gì từ lý luận, và ngược lại, thực tế sáng tác có giúp soi tỏ được gì thêm cho lý luận?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Trước đây chúng ta có thời áp đặt lí thuyết cho nhà văn để họ sáng tác theo lí thuyết ấy, cách làm ấy vừa không đúng với quan hệ giữa lí thuyết và sáng tác, vừa gây phản tác dụng. Lí thuyết có tác dụng giúp nhà văn đổi mới ý thức văn học, mở ra những khả năng, những chân trời để họ tự tìm tòi trong lĩnh vực của họ. Lí thuyết cũng có tác dụng biện hộ cho các tìm tòi mới trong sáng tạo, giúp người đọc hiểu được nhà văn và như thế cũng là giúp cho nhà văn. Từ thời “Đổi mới” lí thuyết có tác dụng giải phóng cho nhà văn rất nhiều. Họ không còn bị trói buộc vào phương pháp sáng tác cũ, tiêu chí thẩm mĩ cũ, hệ đề tài cũ. Không nhà văn nào còn dễ dãi tự hi sinh cá tính sáng tạo của mình cho mục đích nào khác. Nhà văn được hưởng lợi từ lí thuyết trong một khoảng cách xa, như một bầu không khí mới, luồng gió mới. Tuy nhiên, phần nhiều nhà văn Việt Nam vẫn còn “ngại” lí thuyết, họ thích sáng tác theo “bản năng” hơn, họ thích tuân theo tiếng gọi của cái “tạng” của họ nhiều hơn, có lẽ vì thế mà sáng tác của chúng ta phần nhiều chỉ nhàng nhàng, ít hoặc chưa thấy đỉnh cao, như dư luận chung cho là thế. Có thể nhà văn ta chưa đánh giá đúng, đánh giá hết ý nghĩa của lí thuyết đối với sáng tác của họ. Về phần mình, lí thuyết không thể là “chay” thoát li thực tiễn văn học của nước nhà. Thực tiễn văn học Việt Nam qua các thời là đối tượng thú vị cho vận dụng lí thuyết, kiểm nghiệm lí thuyết và đề xuất lí thuyết, đáng tiếc là các nghiên cứu như thế còn rất hiếm.

PV: Theo ông, lý luận văn học có phải “chịu trách nhiệm” trước thực trạng nền văn học còn thiếu những tác phẩm “tầm cỡ”, “chưa tương xứng với thời đại”?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Nếu đem một lí thuyết nào đó áp đặt cho nhà văn, buộc họ sáng tác theo lí thuyết đó, kết quả là không hoặc chưa có đỉnh cao, thì đúng là lí thuyết ấy phải chịu trách nhiệm đối với thực tiễn sáng tác ấy. Nhưng đó cũng chỉ là một phần, nhà văn như là chủ thể sáng tạo phải chịu phần lớn trách nhiệm chứ. Tình hình thực tế văn học ta còn thiếu vắng tác phẩm “tầm cỡ”, “ngang tầm thời đại” là vấn đề đã được nêu ra từ lâu. Đó trước hết là vấn đề đánh giá. Theo một tiêu chí nào đó thì chưa có tác phẩm “tầm cỡ”, theo một tiêu chí khác thì có thể vẫn có đấy, nhưng chưa được một luồng dư luận công nhận. Văn học Việt Nam đang trải qua một cuộc đổi thay to lớn về hệ giá trị, về chân, thiện, mĩ. Nhưng chúng ta vẫn còn quá thiên vị đối với hệ giá trị tuyên truyền, mà đối với hệ ấy thì khó có tác phẩm được đánh giá cao, “xứng tầm thời đại”. Một hệ giá trị thống nhất cho toàn bộ nền văn học là khó có thể hình dung được. Có thể đó là lí do làm nảy sinh các loại giải thưởng văn học với các tiêu chí trao giải khác nhau. Về nguyên lí, các văn kiện chỉ đạo của Đảng đều khẳng định tự do sáng tác, tự do tìm tòi, song điều kiện cụ thể lại có khi chưa tương xứng với nguyên lí, điều này cũng có thể gây khó khăn. Nhưng vấn đề then chốt là ở nhà văn. Nhà văn phải độc lập tìm tòi sáng tạo. Họ có thể học hỏi bút pháp của danh gia nước ngoài như nhà văn Mạc Ngôn học bút pháp của Marquez, để làm ra cái mới bằng chất liệu của dân tộc. Nhà văn tầm cỡ thường phải sáng tác để trả lời các câu hỏi lớn về số phận dân tộc và đất nước. Họ cần phải học không chỉ lí thuyết văn học mà còn phải học các loại triết học của nhân loại.

PV: Ông có thái độ như thế nào, lạc quan hay bi quan, về tình hình nghiên cứu và giảng dạy lý luận văn học hiện nay ở các Viện nghiên cứu và ở các trường đại học?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Ở các trường đại học và các viện nghiên cứu hiện nay đang có một đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ, phần nhiều đều sinh sau năm 1975, phần còn lại sinh từ năm 60, những người sinh năm 50 đều sửa soạn về hưu. Thế hệ mới có ưu thế về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp, về nguồn đào tạo đa dạng, lại sống vào thời đại toàn cầu hóa, phương tiện internet phát triển. Đó là thế hệ sẽ đóng góp tích cực cho nền lí luận văn học nước nhà hiện nay và tương lai. Tình hình cán bộ bộ môn lí luận văn học ở trường hay viện cũng như trong xã hội, có người giỏi, người yếu, người thích tiên tiến, người thích như cũ. Tình trạng tổ chức nhiều khi người kém chỉ huy người giỏi, người cũ chỉ huy người mới và thế là kìm hãm lẫn nhau, sự tiến bộ gặp khó khăn. Việc quản lí nghiên cứu khoa học theo lối hành chính, làm theo lối chữa cháy hoặc nghiên cứu nhằm lấy thành tích kỉ niệm một sự kiện trọng đại nào đấy khó hứa hẹn những thành công mong đợi. Cho nên đối với tình hình nghiên cứu lí luận hiện nay tôi vừa lạc quan vừa băn khoăn, nhưng lạc quan là chính. Những cái bất hợp lí rồi sẽ được khắc phục dần.

PV: Theo ông, điểm yếu nhất trong lý luận văn học hiện nay của ta là gì?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Lí luận văn học của chúng ta hiện nay có nhiều chỗ yếu. Sách lí thuyết được phiên dịch, giới thiệu còn quá ít, thiếu hệ thống, thiếu đồng bộ. Việc dịch thuật, thuật ngữ, chất lượng dịch còn rất nhiều vấn đề. Giáo trình lí luận văn học còn mang nhiều tri thức cũ kĩ chưa được đổi mới. Nhất là phần quá trình văn học. Mức phổ cập lí thuyết mới còn thấp, hệ thống lí thuyết cũ vẫn còn sức chi phối, kìm hãm. Trong cái khung lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm nền tảng, bất cứ lí thuyết mới nào “phi mác xít” cũng ở vào vị trí “bất hợp pháp”, dễ bị phê phán về mặt ý thức hệ. Nhà nghiên cứu vừa làm việc tìm tòi vừa nhìn tới nhìn lui để giữ an toàn cho bản thân.

PV: Xây dựng một nền lí luận cần có sự tiếp nối và đóng góp của các thế hệ. Theo ông, ở ta đã và đang có mấy thế hệ nghiên cứu lý luận và có sự tiếp nối tích cực giữa các thế hệ?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Tính từ thế kỉ XX chúng ta có mấy thế hệ lí luận văn học sau: Thế hệ trước 1945, những người đầu tiên kết nối lí luận văn học Việt Nam với lí thuyết phương Tây. Thế hệ các nhà lí luận văn học mác xít hình thành từ năm 1945 -1986. Thế hệ các nhà lí luận ở đô thị miền Nam trước 1975. Thế hệ các nhà lí luận văn học hình thành trong thời hội nhập, từ 1986 đến nay. Mỗi thế hệ đều là sản phẩm của lịch sử, nhưng cũng là sản phẩm của sự nỗ lực riêng của mỗi người. Mỗi thế hệ đều có đóng góp riêng và tiếp nối những kinh nghiệm của thế hệ trước, đồng thời cũng tự đổi thay theo sự vận động của lịch sử. Trong cái thế kỉ có nhiều khúc đứt gãy như thế kỉ XX này, sự tiếp nối lí thuyết của nhau chưa nhiều, nhưng các kinh nghiệm, thao tác nghiên cứu đều được ghi nhận. Chúng ta chưa có lí thuyết nguyên sáng của mình, chưa có các bậc thầy lí thuyết của riêng mình, do vậy cũng chưa có trường phái để tiếp nối. Mỗi thế hệ vẫn đang mải mốt đi tìm hệ hình lí thuyết của thời mình, giải đáp các vấn đề của thời mình. Chúng ta vẫn chưa giải quyết xong bài toán tiếp cận lí thuyết tinh hoa của nhân loại.

PV: Ông có đặt niềm tin vào tiền đồ lí luận văn học nước nhà khi nhìn vào “đội ngũ kế cận”? Vì sao?

Giáo sư Trần Đình Sử:

Tôi vẫn đặt trọn niềm tin vào thế hệ kế cận, bởi họ là con đẻ của thời hội nhập, toàn cầu hóa, thời của đa phương đa nguyên, giàu có. Thế hệ nắm vững tiếng Anh, một công cụ giao lưu rộng mở. Thế hệ không mang gánh nặng của lí luận quá khứ như thế hệ của chúng tôi, chỉ được đọc một loại sách, chỉ theo một quan điểm, chỉ được nhìn theo một phía như con ngựa già. Họ sẽ được vũ trang nhiều thứ lí thuyết, được tắm trong nhiều nguồn suối trong. Trong hội nhập xã hội Việt Nam cũng sẽ cởi mở hơn, thông thoáng hơn, có nhiều không gian cho sáng tác hơn. Thế hệ đó sẽ đem lại nhiều cái mới cho lí luận văn học Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Tôi đi qua đời tôi




VƯƠNG KIỀU




Tôi đi qua đời tôi
buồn vui như lòng ai con kẻ
số phận nằm ở trên cao
định mệnh nằm dưới đất sâu
tôi nằm giữa đời tôi
với bão giông một đời sám hối.

Em nằm giữa tình tôi
để từng đêm buồn theo sương tuyết
giá như cho tôi được một ngày
gần bên em mùa xuân chăn gối
hát lời đào hoa mây tuyết ngàn xa!

Đêm!
Nỗi buồn theo cơn gió mùa đông
thổi vào lòng tôi những cơn bão nổi
ngoài kia mặt đời dù ai khổ hận
người ngó mặt người đong đếm nỗi đau.

Nỗi đau tôi
xin gởi về bạn bè ngàn thu vĩnh biệt
trên không trung những đóa hoa quỳnh
và hương thơm của mỗi lần tiễn biệt
hẹn gặp nhau về cuộc ấy ngàn thu.

Đêm!
Tôi nằm với tấm lòng không
hỏi ai ngoài kia có về?
Để đánh thức giấc chiêm bao
một thời không ngủ
mơ thấy em ngoài kia
mơ thấy bạn bè xưa
buồn vui qua từng ly rượu
phẫn nộ cuộc đời!
Để gió mang đi.

Đêm!
không còn màu đen
chỉ còn màu tang trên những dòng sông
quàng lên tóc tôi
quàng lên tóc em
quàng lên cỏ cây và những bông hoa
của mùa xuân vụng dại.

Tôi thầm nguyện với cuộc đời!
Xin em yêu tôi
như tôi yêu em
để mai sau và dẫu mai sau giờ!
Tình yêu của tôi
không là bài ca sám hối.

Đêm!
Tôi đi tìm em
ngoài kia thinh không không tiếng vu hồi
chỉ còn lời ru
của lòng tôi
yêu cuộc đời tôi.

Tóc David







KENELKES (Anh)

Khi David bước ra cửa, cậu hơi bị hoa mắt bởi ánh sáng mặt trời trắng lóa, và theo bản năng cậu chới với chụp lấy tay cha.

Minh họa: Nhím


Đó là một ngày thực sự ấm áp đầu tiên của năm, trên cả mong đợi, nền nhiệt bất ngờ tăng. Thời tiết giao mùa cuối xuân sang hè. Cha và con trai đang trên đường đến tiệm hớt tóc, một trong nhiều chuyện mà họ luôn làm cùng nhau.

Giờ vẫn vậy, cái lệ thường ấy. “Đã đến lúc cắt dọn cái đống bờm xờm của con,” Cha của David khẽ nói, chỉ vào cậu bằng hai ngón tay kẹp điếu thuốc ở giữa. “Có lẽ cha nên làm điều đó. Mấy cái kéo lớn tỉa cây đâu nhỉ Janet? Hà hà xén lông cừu đã”.

Đôi khi cha rượt cậu quanh phòng khách, làm bộ như cha chuẩn bị cắt tai cậu. Khi bé David thường hoảng hồn khóc ré lên, sợ cha sẽ cắt mất đôi tai của mình thật, nhưng chuyện đó xưa rồi.

Tiệm hớt tóc của ông Samuels ở trong một căn phòng dài phía bên trên chỗ bán khoai tây chiên, phải leo lên cả dãy cầu thang dựng đứng. Những bước chân đàn ông thành hàng chen nhau lên xuống thường xuyên làm mòn nhẵn các bậc thang gỗ. David theo sau cha, cảm thấy bực bội khó chịu vì cậu không thể nện những bước chắc nịch khiến cầu thang lung lay rên rỉ kẽo kẹt như cha cậu.

David yêu tiệm hớt tóc - nó không hề giống như nơi nào khác cậu từng tới. Nơi đó ngập ngụa mùi thuốc lá, mùi đàn ông lẫn mùi của quá trời loại dầu xức tóc. Thi thoảng mùi khoai tây chiên lên tận trên gác, ùa vào phòng cùng với một khách hàng hớt tóc và khi cánh cửa mở ra đố ông nào không nở mũi hít hà.

Những bức ảnh đen trắng chụp các anh thanh niên với đủ kiểu tóc xưa rích treo bên trên một bức hình đóng khung ở cuối phòng, nơi hai cái ghế hớt tóc được bắt bù loong xuống sàn. Đó là hai cái ghế nặng, lỗi thời với chân đế cao su đệm hơi hay xịt xì lạch cạch khi ông Samuels rướn gân - rõ từng ngấn cổ phúng phính - điều chỉnh chiều cao của ghế.

Phía trước ghế hớt tóc là những cái bồn rửa sâu có vòi sen gội đầu và ống kim loại dài gắn với các vòi nước, dường như không phải bất cứ ai cũng được sử dụng chúng. Đằng sau bồn rửa là gương soi và ở hai bên có những cái kệ để kính thưa các thứ: lược nhựa đủ loại (vài cái được nhúng vào một tô thủy tinh chứa chất lỏng màu xanh), kem cạo râu, kéo, dao cạo, bàn chải tóc và, được xếp chồng khít theo hình tháp, 10 bình kem Brylcreem đỏ tươi.

Cuối phòng, khách chờ hớt tóc ngồi, im lặng trong hầu hết thời gian, trừ khi ông Samuels ngưng tay kéo, rít thuốc, nhả làn khói mỏng xám xanh như đuôi diều cuộn lên không trung.

Khi đến lượt David hớt tóc, ông Samuels đặt một tấm ván gỗ phủ miếng da đỏ-nâu ngang qua chỗ tì tay của cái ghế để thợ cắt tóc khỏi phải khom xuống lúc hớt tóc cho cậu. David trườn thượng lên ghế băng đặc biệt dành cho cậu.

“Với tốc độ lớn như dưa, nhổ giò kiểu này thì chẳng bao lâu nữa cậu sẽ không cần thứ này, sẽ được ngồi trên ghế đường hoàng, nhóc ạ” ông thợ hớt tóc nói.

“Wow”, David reo khẽ, quằn người tìm cha, quên béng rằng cha có thể nhìn thấy cậu qua gương. “Cha, bác Samuels bảo con sớm được ngồi trên ghế dựa, không chỉ… trên miếng ván đâu nha!”

“Thì cha nghe,” cha cậu ậm ừ, vẫn chăm chú đọc báo, chẳng nhìn lên. “Cha mong đến lúc đó bác Samuels sẽ bắt đầu lấy lên khi hớt cho con.”

“Ít nhất là gấp đôi giá bây giờ”, ông Samuels nói, nháy mắt với David.

Cuối cùng, cha của David rời mắt khỏi tờ báo, ngước lên nhìn vào gương, thấy cậu con trai đang nhìn mình. Người cha mỉm cười.

“Không phải đã lâu lắm rồi kể từ lúc cha phải ẵm con lên tấm gỗ bởi con không thể tự leo lên đó…”, người cha nói.

“Chả ai mà trẻ con mãi đâu, phải không bọn bây,” ông Samuels tuyên bố. Tất cả những người đàn ông trong tiệm gật đầu đồng ý. David cũng vậy.

Trong gương, cậu nhìn thấy cái đầu nhô ra khỏi tấm choàng nylon mà ông Samuels đã lèn quanh rồi nhét vào cổ áo của cậu cùng cái nêm bằng bông xơ. Đôi khi cậu liếc trộm bác thợ hớt tóc làm việc. Người bác thợ có mùi hỗn hợp của mồ hôi và nước hoa cạo râu khi bác di chuyển xung quanh cậu, chải chải cắt cắt, cắt cắt chải chải.

David cảm giác như cậu đang ở trong một thế giới khác, yên ắng, ngoại trừ tiếng lê chân của bác thợ hớt tóc trên tấm vải sơn lót sàn và tiếng lách cách của cây kéo. Từ phản chiếu trong gương cửa sổ, cậu có thể nhìn thấy cảnh vật qua đó, một vài đám mây nhỏ từ từ trôi ngang qua khung cùng chuyển động của hai cánh kéo tạo tiếng click đều đều.

Buồn ngủ, ánh mắt cậu hạ dần ngay vạt áo khoác nơi tóc cậu rũ xuống, mềm xốp như tuyết rồi cậu tưởng tượng mình đang ngồi trên ghế giống những người đàn ông và các anh thanh niên, băng ghế chờ đặc biệt đặt dựa vào góc tường.

Cậu nghĩ đến cuốn sách tranh về những câu chuyện trong kinh thánh mà dì cậu đã tặng cậu dịp Giáng sinh, có kể chuyện Delilah cắt mái tóc của Samson. David tự hỏi không biết sức mạnh của cậu sau này có được như của Samson không.

Khi ông Samuels hớt xong, David thót từ chỗ ngồi xuống, phủi những mẩu tóc dính ngưa ngứa trên mặt. Nhìn xuống sàn, cậu thấy tóc cậu phủ dày, những búi tóc vàng hoe nằm rải rác giữa những búi màu nâu, màu đen và muối tiêu của những người đàn ông hớt trước cậu. Đột nhiên cậu muốn cúi xuống gom mớ tóc vàng, tách ra khỏi tóc của những người khác, nhưng cậu không có thời gian.

*

Nắng vẫn còn hơi gắt khi họ ra đến vỉa hè bên ngoài tiệm, nhưng không đến mức đổ lửa. Mặt trời qua đỉnh rồi và nắng bắt đầu dịu dần.

“Cha nói con nghe nè, chàng trai, chúng ta kiếm ít cá và khoai tây chiên mang về nhà, phụ mẹ con đỡ bữa trà”, cha của David nói rồi rẽ lên con phố.

Cậu con trai khoái chí nắm chặt tay cha. Những ngón tay chai sần siết lấy bàn tay cậu một cách quá ư… êm ái và David ngạc nhiên nhận ra, âm ấm trong lòng bàn tay cha, một lọn tóc của mình.

Nguyễn Trung dịch

Chuyện kể dưới chân núi Bà Đen




Cả một vùng chiến khu Tòa Thánh cũ kéo xuống căn cứ Năm Trại (Hòa Thành - Tây Ninh), hỏi người dân nơi đây về cái tên Hai Ngoa, ai cũng lắc đầu thán phục. "Hai Ngoa, Đội trưởng An ninh vũ trang chớ gì! Ngày trước lính làng ở đây nghe tên ổng là té ra quần". Vậy mà đi tìm người chiến sĩ an ninh một thời kiên cường vào sống ra chết ấy thật khó. Nhà anh ở phường 4, thành phố Tây Ninh, nhưng muốn gặp thì phải tới trại heo tuốt dưới ấp Hiệp Tân, huyện Hòa Thành.




1. Chúng tôi thử đi tìm nhân vật ấy theo lời chỉ dẫn của anh Út Chư, cán bộ hưu trí Công an Tây Ninh. "Các em đi từ Gò Dầu lên, tới dốc Ao Hồ, thấy có tấm biển Cà phê Phố Về thì quẹo trái, tới cái miếu nhỏ thì quẹo phải, theo lối mòn đi miết vô trỏng là thấy Hai Ngoa liền". Nói vậy mà không phải vậy. Lối mòn tuốt vô sau rừng cây chỉ vừa bánh xe lăn, cỏ mọc lút hai bên. Chúng tôi không nghĩ người hùng của mình lại ẩn náu trong này. Nước ngập và lầy lội, chỉ thấy phía xa lụp xụp những dãy nhà như trại chăn nuôi. Gặp một cậu thanh niên chở những bao thức ăn cho heo chạy xe vô, đón đường hỏi thăm nhà Hai Ngoa, cậu chỉ dãy lán: "Ở trỏng!".

Anh Hai Ngoa khoác vội chiếc áo che thân thể đầy vết sẹo, cười đón khách: "Uống trà Bắc nghen? Từ lâu anh ghiền trà Bắc, uống riết hồi trong rừng rồi quen". Loại "trà Bắc" như anh giới thiệu được hãm thẳng trong chiếc phích hiệu Rạng Đông cũ mèm, nước đỏ đọc. Để như vậy, tuy có trà nóng uống cả ngày không phải pha vào ấm, nhưng nước trà bị nồng, uống mất ngon.

Điện thoại liên tục. Thông báo tiền cám heo. Hỏi bao giờ mở hầm cá mới. Gọi chiều nay đi nhậu. Anh nói: "Cái số mình cực. Nghỉ hưu rồi, tự dưng nhào vô mấy vụ heo, nhím nầy còn hơn con mọn. Bạn hữu chúng la quá trời". Hỏi sao mà bị la dữ vậy, anh cười hơ hơ: "Nhậu hổng vui! Đám nhậu nào thiếu anh, thiếu lửa liền". Là Hai Ngoa nói số anh em cùng công tác sau giải phóng miền Nam, ở Phòng Cảnh sát giao thông Công an Tây Ninh, chứ những đồng đội "ruột" từ hồi mới theo cách mạng như chú Sáu Tiểng, anh Tư An, cô Hai Bé và một số trong Đội An ninh vũ trang huyện Tòa Thánh như Hai Chư, Hai Thiệt, Út Cao, Lâm Quý Ba… thì còn mấy người đâu. Lớp hy sinh, lớp bệnh già chết, giờ chỉ còn anh Tư An và Hai Chư vẫn nhậu được, chú Tư Anh thì già yếu rồi.

Ông Thượng tá Cảnh sát giao thông Hòa Thành thời kỳ 1976-1991 giờ nhìn chẳng khác gì một lão nông, xuề xòa, giản đơn ngồi phì phèo thuốc lá trên bộ bàn ghế xi măng cũ xì, giữa tiếng heo kêu ụt ịt, tiếng bầy vịt vẫy cánh, quàng quạc. Anh rót nước từ phích ra mấy chiếc ly to, than vãn vì sắp hết trà Thái mà mấy đứa quen chưa mang vô cho. "Mấy em kiếm được anh chỗ nầy là giỏi đó nghen, chắc là có "điệp báo"! Chớ mấy cha bạn cũ loạng quạng đi tìm mờ mắt không ra "đại bản doanh" của Hai Ngoa. Chớ mấy em kiếm anh có chuyện gì không?". Chúng tôi nói muốn xin anh một số tư liệu về cuộc sống hiện tại để viết bài, anh xua tay: "Mấy chuyện đó viết làm chi. Sao không viết giùm anh những kỉ niệm thời kháng chiến?".

Chiều lòng anh, khách kiên nhẫn ngồi nghe những mẩu chuyện thời chiến của người chiến sĩ an ninh ngày nào, rồi bất ngờ bị cuốn hút vào quá khứ dữ dội của anh và đồng đội. Đi làm cách mạng từ năm 1962, lúc mới 14 tuổi, vào sinh ra tử đã nhiều, nhưng một trong những kỉ niệm để đời của anh là trận đánh chống càn của Đội An ninh vũ trang hồi tháng 6 năm 1969, cách đây đúng 45 năm.

Thời đó, căn cứ của các đơn vị đều trên động Kim Quang, núi Bà Đen. Đêm xuống, anh em an ninh muốn đánh ở đâu, "quậy phá" bọn ác ôn ở chỗ nào, xong việc đều phải rút lên núi. Nếu chốt lại đến sáng, rất nguy hiểm, địch bao vây, lấy đạn đâu mà chơi tiếp.

Ngày 18/6/1969, Đội An ninh vũ trang do Hai Ngoa tổ chức được bổ sung thêm một cây B40, anh mừng rơn, tự lãnh cây súng cùng 7 trái đạn. Hôm đó đơn vị phối thuộc với CT 9 (Sư đoàn 9) chống địch càn lên núi. Hành quân đêm xuống tới nghĩa trang Thái Bình cực lạc thì đụng địch, không biết lực lượng nào. Vừa đánh địch vừa tiến, tới con đường đất đỏ thuộc xã Ninh Sơn nối tới cửa Hòa Viện - Tòa thánh Tây Ninh thì được lệnh dừng lại, lập trận địa phòng ngự. Việc đầu tiên là rút xẻng ra đào công sự. Đội của Hai Ngoa lúc đó có hai chiến sĩ là Hiếu và Ga. Cán bộ thì có Út Cao, chính trị viên đại đội, Hai Thiệt - đại đội phó, Lâm Quý Ba, cán bộ điệp báo. "Sáu Thùy và thằng Minh bị sốt rét nằm lại động Kim Quang, thành thử cả đội còn có ba thằng"-Anh Hai kể lại.

Sáng 19/6, giặc càn tới, là đơn vị thủy quân lục chiến (TQLC) rất hung hăng. Trận địa ta có ba công sự hình chữ Z, bọn TQLC không nắm rõ trận địa ta nên cho từng toán nhỏ thọc vào bên phải, bên trái, chính diện. Địch vào thì ta phải nổ súng, nhưng bọn TQLC chỉ thăm dò rồi rút quân ra. Hai Ngoa nói với Út Cao: "Mấy thằng này cáo già. Nó thử đội hình mình rồi uýnh đó anh Út".

Trước đó địch đã đánh vỗ mặt Sư đoàn 9, nhất định nó sẽ xiên hông, bọc hậu, mà nó bọc hậu sẽ đụng đội an ninh. Hai Ngoa phán đoán vậy và cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Lúc 9 giờ sáng, anh phát hiện lính địch băng qua đường rất đông, toàn bọn TQLC, bây giờ mà quất một phát B40 thì ngon quá, nhưng không dám vì còn dành đạn phòng xe tăng.

Út Cao nói với Hai Ngoa: "Giờ tao với mầy nghịch mé, đấu lưng với nhau nghen?". "Nếu nghịch mé thì anh đưa AK cho tui, anh giữ B40 đi". Hai Ngoa nói vậy rồi đổi súng, bảo anh Út Cao ngồi cảnh giới và lắp đạn vào băng cho mình. Bắn rát một hồi, thấy bọn địch vòng ra phía sau, Hai Ngoa nói với chú Quý Ba: "Tụi nó quây mình đó chú Ba. Cảnh giới khu nhà tường nghen, nó qua đó là đụng đội mình". Tổ của Hai Thiệt và Hiếu nổ súng, bọn địch dạt ra rồi dàn hàng ngang, xung phong, cách công sự của Hai Ngoa chỉ 7-8m. Cả đội nổ súng quyết liệt từ 9h đến 14h. Địch dội ra, rồi tổ chức đánh bằng lựu đạn. Những tên TQLC chuyên đánh lựu đạn không mang súng mà chỉ khoác quanh mình hai dây lựu đạn. Lợi dụng hỏa lực mạnh, khi quân ta chúi xuống tránh là chúng bò tiếp cận, chọi lựu đạn xuống công sự. Bọn này rất nguy hiểm, nếu không quan sát nhanh thì bị lựu đạn ném tơi bời ngay.

Thấy đạn địch từ tầm thấp chuyển lên tầm cao, biết tụi đánh lựu đạn đang vào, Hai Ngoa lệnh cho anh em cảnh giác. Lựu đạn ném cấp tập. Phía công sự trước mặt, vì gần bụi tre tàu, lại có hố rác bên cạnh nên tên lính TQLC lợi dụng nấp kín, thảy lựu đạn liên tục vào công sự. Tin báo xuống, cậu Hiếu hi sinh, Hai Thiệt và Ga bị thương gãy chân.

Thấy cánh bên phải quân ta bắn rát, Hai Ngoa phán đoán chúng sẽ vòng cánh trái. Một tên lính bên ngoài chạy ngang, Hai Ngoa điểm xạ hai loạt mà trượt, tên lính lộn xuống bờ mương. Hai Ngoa hét lên với Út Cao: "Bà mẹ nó, tui bắn thằng này không chết, chắc tui chết quá". Y rằng, bọn chúng câu M79 vào, vì ở sát nhà dân, sân này cách sân kia mấy mét nên không đủ vòng quay, đạn M79 không kịp nổ lăn lọc cọc, chỉ có một trái bắn vọt, nổ trên cành điều, chụp xuống đầu Hai Ngoa, bể miếng xương sọ. Chú Lâm Quý Ba cũng bị thương, chỉ còn Út Cao. Hai Ngoa vẫy Út Cao lại gần, thều thào: "Giờ chỉ còn mình anh, ráng giữ trận địa, không thì chết hết. Giờ này xế chiều rồi, không có xe tăng đâu. Bắn B40 vào bộ binh đi".

Út Cao quất một trái B40 vào chỗ bọn địch ẩn nấp. Hai Ngoa lúc sắp ngất đi còn nghe bọn địch la hét, kêu khóc. "Đ. mẹ! B40 rồi. Chạy!". Bọn địch sau đó củng cố đội hình, tấn công nữa, Út Cao cố cầm cự tới tối, cho đến lúc bộ đội chủ lực đánh qua, giải vây. Rồi đơn vị tổ chức chôn cất tử sĩ tại chỗ, còn anh khỏe cõng anh yếu, rút qua phía Bàu Năng, về núi Bà.

2. Mới gặp Hai Ngoa, không ai nghĩ rằng đó là một ông Thượng tá Công an một thời hét ra lửa. Anh bảo, không bao giờ tự quan trọng hóa bản thân. Mình là một nông dân cả đời đi làm cách mạng, giờ hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước thì phải cho phỉ chí nông dân chớ. Ngồi đây làm ông chủ trại chăn nuôi, mỗi năm cũng thu về cỡ 200 triệu đồng tiền lời, vừa đỡ vợ con, vừa góp phần xây dựng kinh tế - xã hội, cái tâm của mình cũng thanh thản. Anh phải tránh giao lưu bạn bè, chỉ chỗ nào quan trọng mới tới.

"Nhậu nhẹt cũng vui, nhưng mất việc lắm, nhất là phải coi sóc nào heo, nào cá. Bên Hội Cựu chiến binh, bên Câu lạc bộ Công an hưu trí, nhiều khi họ mời đi du lịch nước ngoài mà cũng chịu, không đi được". Tuy vậy, có những nơi anh sẵn sàng tìm đến, là những "địa chỉ đỏ" mà đồng đội cũ nhiều khó khăn cần giúp đỡ. Người này chưa có nhà ở, người kia con cái đau bệnh, anh đều đưa tay ra, chia sẻ.

Năm nay, nhân kỉ niệm ngày truyền thống của lực lượng vũ trang huyện Tòa Thánh (huyện Hòa Thành - Tây Ninh), số đồng đội cũ nhắn Hai Ngoa nhất thiết phải có mặt. Anh nhờ thằng cháu làm "chủ trại" giùm, rồi ăn mặc đàng hoàng đi gặp mọi người. Nụ cười rạng rỡ, bắt tay từng người một, anh nói bây giờ sướng rồi, chẳng thèm thứ này thứ kia nữa. "Nhưng đừng quên món thằn lằn núi cuốn lá mướp nướng hồi đó nghen. Mồi nhậu số dzách của lính an ninh vũ trang hồi trên núi Bà đó".

Trời đã bắc qua tháng bảy, với những cơn mưa dai dẳng, như trút nước. Anh Hai Ngoa hai tay ôm ly trà nóng, xuýt xoa: "Tính bữa nào lên động Kim Quang, thắp hương cho mấy đứa trong đơn vị cũ, mà ông trời mưa hoài". Anh chỉ lên núi Bà Đen, một lớp mây trắng phủ trên đỉnh như chiếc nón khổng lồ. "Núi Bà còn đội nón là còn mưa lâu đó mấy em"


Theo Phùng Phương Quý - VNCA

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

NGHỆ THUẬT, VẺ ĐẸP VÀ SÁNG TẠO





J. KRISHNAMURTI
GIÁO DỤC
VÀ Ý NGHĨA CỦA SỐNG
Education and the Significance of Life
Lời dịch: Ông Không



CHƯƠNG VIII


NGHỆ THUẬT, VẺ ĐẸP VÀ SÁNG TẠO




Hầu hết chúng ta đều đang cố gắng liên tục để tẩu thoát khỏi chính chúng ta; và bởi vì nghệ thuật cống hiến một phương tiện dễ dàng và kính trọng của thực hiện như thế; nó đảm đương một vai trò quan trọng trong những sống của nhiều người. Trong sự ham muốn của không suy nghĩ về mình, vài người nhờ vào nghệ thuật, những người khác vay mượn nhậu nhẹt, trong khi những người khác nương nhờ những giáo điều thuộc tôn giáo tưởng tượng và huyền bí.

Khi, có ý thức hay không ý thức, chúng ta sử dụng cái gì đó để tẩu thoát khỏi chính chúng ta, chúng ta bị nghiện ngập nó. Phụ thuộc vào một người, một bài thơ, hay điều gì bạn muốn, như một phương tiện của giải thoát khỏi những lo âu và những phiền muộn của chúng ta, mặc dù vơi bớt trong chốc lát, chỉ tạo ra xung đột và mâu thuẫn thêm nữa trong những sống của chúng ta.

Trạng thái của sáng tạo không thể hiện diện khi có xung đột, và vì vậy loại giáo dục đúng đắn nên giúp đỡ cá thể đối diện những vấn đề của anh ấy và không tôn vinh những phương cách của tẩu thoát; nó nên giúp đỡ anh ấy hiểu rõ và xóa sạch xung đột, bởi vì chỉ như thế trạng thái sáng tạo mới có thể hiện diện.

Nghệ thuật bị tách khỏi sống không có ý nghĩa nhiều lắm. Khi nghệ thuật tách khỏi đang sống hàng ngày của chúng ta, khi có một khoảng trống giữa sống thuộc bản năng của chúng ta và những nỗ lực của chúng ta trên khung vải vẽ, trong đá cẩm thạch hay trong những từ ngữ, lúc đó nghệ thuật chỉ trở thành một diễn tả của sự ham muốn hời hợt của chúng ta để tẩu thoát khỏi sự thật của cái gì là. Nối liền khoảng trống này gian nan lắm, đặc biệt cho những người có tài năng và thành thạo thuộc kỹ thuật; nhưng chỉ khi nào khoảng trống được nối liền thì sống của chúng ta mới trở thành tổng thể và nghệ thuật là một diễn tả hòa hợp của chính chúng ta.

Cái trí có khả năng tạo ra sự ảo tưởng; và nếu không hiểu rõ những phương cách của nó, tìm kiếm nguồn cảm hứng là mời mọc tự dối gạt. Cảm hứng hiện diện khi chúng ta khoáng đạt với nó, không phải khi chúng ta đang ve vãn nó. Nỗ lực để nhận được cảm hứng qua bất kỳ hình thức nào của sự kích thích chỉ dẫn đến mọi loại ảo giác.

Nếu người ta không nhận biết được ý nghĩa của sự tồn tại, khả năng hay tài năng trao sự nhấn mạnh và sự quan trọng cho cái tôi và những khao khát của nó. Nó có khuynh hướng khiến cho cá thể tự cho mình là trung tâm và gây tách rời; anh ấy tự cảm thấy chính anh ấy là một thực thể tách rời, một hiện diện cao cấp, tất cả điều đó nuôi dưỡng nhiều tội lỗi và gây ra đấu tranh và đau khổ không ngớt. Cái tôi là một mớ của nhiều thực thể, mỗi thực thể đối nghịch với những thực thể còn lại. Nó là một trận chiến của những ham muốn gây xung đột, một trung tâm của sự đấu tranh liên tục giữa ‘cái của tôi’ và ‘cái không của tôi’; và chừng nào chúng ta còn trao sự quan trọng cho cái ngã, ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’, sẽ luôn luôn đang gia tăng sự xung đột trong chính chúng ta và trong thế giới.

Một nghệ sĩ thực sự vượt khỏi sự hão huyền của cái tôi và những tham vọng của nó. Có khả năng của sự diễn tả khác thường, và tuy nhiên bị trói buộc trong những phương cách của thế gian, tạo ra một sống của mâu thuẫn và đấu tranh. Khen ngợi hay khâm phục, khi bị nhập tâm, thổi phồng cái tôi và hủy diệt sự tiếp nhận, và sự tôn sùng của thành công trong bất kỳ lãnh vực nào chắc chắn hủy hoại sự thông minh.

Bất kỳ khuynh hướng hay tài năng nào mà dẫn đến sự cô lập, bất kỳ hình thức nào của tự nhận dạng, dù hứng khởi ra sao, gây biến dạng sự diễn tả của nhạy cảm và tạo ra vô cảm. Nhạy cảm bị tê liệt khi tài năng trở thành cá nhân, khi sự quan trọng được trao cho ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’ – tôi vẽ, tôi viết, tôi sáng chế. Chỉ khi nào chúng ta nhận biết mọi chuyển động của sự suy nghĩ và cảm thấy riêng của chúng ta trong sự liên hệ của chúng ta với con người, với những sự việc sự vật và với thiên nhiên, thì cái trí mới khoáng đạt, linh hoạt, không bị trói buộc trong những đòi hỏi và những theo đuổi tự phòng vệ; và chỉ lúc đó mới có nhạy cảm đến những xấu xí và những đẹp đẽ, mà không bị cản trở bởi cái tôi.

Nhạy cảm đến vẻ đẹp và đến xấu xí không xảy ra qua sự quyến luyến; nó hiện diện cùng tình yêu, khi không có những xung đột tự tạo tác. Khi chúng ta nghèo khó bên trong, chúng ta buông thả trong mọi hình thức của sự phô trương phía bên ngoài, trong giàu có, quyền hành và những tài sản. Khi những quả tim của chúng ta trống rỗng, chúng ta lượm lặt mọi thứ. Nếu chúng ta có thể kiếm được nó, chúng ta bao bọc chính chúng ta bằng những vật mà chúng ta nghĩ là đẹp đẽ, và bởi vì chúng ta trao cho chúng sự quan trọng tuyệt đối, chúng ta chịu trách nhiệm cho sự đau khổ và hủy diệt nhiều như thế.

Tinh thần tham lợi không là tình yêu vẻ đẹp; nó phát sinh từ sự ham muốn được an toàn, và được an toàn là vô cảm. Ham muốn được an toàn tạo ra sự sợ hãi; nó khởi động một qui trình của cô lập mà thiết lập những bức tường của kháng cự quanh chúng ta, và những bức tường này ngăn cản tất cả nhạy cảm. Dù một vật có lẽ đẹp đẽ ra sao, chẳng mấy chốc nó sẽ mất đi sự quyến rũ của nó đối với chúng ta; chúng ta quen thuộc nó, và cái mà là một hân hoan trở thành rỗng tuếch và khô khan. Vẻ đẹp vẫn còn ở đó, nhưng chúng ta không còn khoáng đạt với nó nữa, và nó đã bị cuốn hút vào sự tồn tại hàng ngày đơn điệu của chúng ta.

Bởi vì những quả tim của chúng ta bị chai cứng và chúng ta đã quên bẵng làm thế nào để khoáng đạt, làm thế nào để nhìn ngắm những vì sao, những cái cây, những phản ảnh trên dòng nước, chúng ta khao khát sự khích động của những bức tranh và những nữ trang, của những quyển sách và những vui chơi vô tận. Liên tục, chúng ta đang tìm kiếm những hứng khởi mới, những kích thích mới, chúng ta thèm khát vô vàn những cảm xúc mạnh mẽ. Chính là sự thèm khát này và sự thỏa mãn của nó mới khiến cho cái trí và quả tim chai lỳ và đờ đẫn. Chừng nào chúng ta còn đang tìm kiếm cảm xúc, những sự vật mà chúng ta gọi là đẹp đẽ hay xấu xí không là gì cả ngoại trừ một ý nghĩa rất giả tạo. Có sự hân hoan vĩnh viễn chỉ khi nào chúng ta có thể tiếp cận những sự vật sự việc trong sáng lại – mà không thể xảy ra được chừng nào chúng ta còn hứng thú trong những ham muốn của chúng ta. Sự thèm khát có được cảm xúc và thỏa mãn ngăn cản đang trải nghiệm cái mà luôn luôn mới mẻ. Những cảm xúc có thể mua được, nhưng tình yêu của vẻ đẹp không thể.

Khi chúng ta nhận biết sự trống rỗng của những cái trí và những quả tim riêng của chúng ta mà không tẩu thoát khỏi nó để vào bất kỳ loại kích thích hay cảm xúc nào, khi chúng ta hoàn toàn khoáng đạt, nhạy cảm cao độ, chỉ lúc đó mới có thể có được sự sáng tạo, chỉ đến lúc đó chúng ta sẽ tìm được sự hân hoan sáng tạo. Vun đắp những cái bên ngoài mà không hiểu rõ những cái bên trong chắc chắn phải thiết lập những giá trị đó mà dẫn con người đến sự hủy diệt và đau khổ.

Học hành một kỹ thuật có lẽ cung cấp cho chúng ta một việc làm, nhưng nó sẽ không khiến cho chúng ta sáng tạo; ngược lại, nếu có sự hân hoan, nếu có ngọn lửa sáng tạo, nó sẽ tự tìm được một phương cách để tự diễn tả chính nó, người ta không cần học hành một phương pháp của diễn tả. Khi người ta thực sự muốn sáng tác một bài thơ, người ta viết nó, và nếu người ta có phương pháp kỹ thuật, thì càng hay ho hơn; nhưng tại sao lại quá nhấn mạnh vào cái gì mà chỉ là một phương tiện của truyền đạt nếu người ta không có gì để diễn tả? Khi có tình yêu trong những quả tim của chúng ta, chúng ta không cần tìm kiếm một phương pháp để sắp xếp những từ ngữ vào chung.

Những nghệ sĩ vĩ đại và những văn hào vĩ đại có lẽ là những người sáng tạo, nhưng chúng ta không là, chúng ta chỉ là những khán giả. Chúng ta đọc vô số những quyển sách, lắng nghe âm nhạc tuyệt vời, nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật, nhưng chúng ta không bao giờ trải nghiệm trực tiếp những siêu phàm; trải nghiệm của chúng ta luôn luôn qua một bài thơ, qua một bức tranh, qua nhân cách của một vị thánh. Muốn ca hát chúng ta phải có một bài hát trong những quả tim của chúng ta, nhưng bởi vì đã mất bài hát, chúng ta theo đuổi người ca sĩ. Nếu không có một người trung gian chúng ta cảm thấy bị lạc lõng; nhưng chúng ta phải bị lạc lõng trước khi chúng ta có thể khám phá bất kỳ điều gì . Khám phá là sự khởi đầu của sáng tạo; và nếu không có sáng tạo, dù chúng ta có lẽ thực hiện bất kỳ việc gì, không thể có hòa bình hay hạnh phúc cho con người. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ có thể sống hạnh phúc, sáng tạo, nếu chúng ta học hành một phương pháp, một kỹ thuật, một kiểu cách; nhưng hạnh phúc sáng tạo hiện diện chỉ khi nào có sự giàu có bên trong, nó không bao giờ có thể đạt được qua bất kỳ hệ thống nào. Tự hoàn thiện, mà là một cách khác của bảo đảm sự an toàn cho ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi,’ không là sáng tạo, nó cũng không là tình yêu vẻ đẹp. Sáng tạo hiện diện khi có sự nhận biết liên tục những phương cách của cái trí, và của những cản trở nó đã tự thiết lập cho chính nó.

Sự tự do để sáng tạo hiện diện cùng sự hiểu rõ về chính mình; nhưng sự hiểu rõ về chính mình không là một tài năng. Người ta có thể sáng tạo mà không có bất kỳ tài năng đặc biệt nào. Sự sáng tạo là một trạng thái của hiện diện mà trong đó những xung đột và những đau khổ của cái tôi không còn nữa, một trạng thái mà trong đó cái trí không bị trói buộc trong những đòi hỏi và những theo đuổi của sự ham muốn.

Để sáng tạo không chỉ là sáng tác những bài thơ, hay chạm khắc những bức tượng, hay sinh sản những đứa trẻ; nó là ở trong một trạng thái mà trong đó sự thật có thể hiện diện. Sự thật hiện diện khi có một kết thúc hoàn toàn của sự suy nghĩ; và sự suy nghĩ kết thúc chỉ khi nào cái tôi không còn, khi cái trí đã ngừng sáng chế, đó là, khi nó không còn bị trói buộc trong những theo đuổi riêng của nó. Khi cái trí hoàn toàn bất động mà không bị ép buộc hay bị rèn luyện vào sự bất động, khi nó yên lặng bởi vì cái tôi ngừng hoạt động, lúc đó có sự sáng tạo.

Tình yêu của vẻ đẹp có lẽ tự diễn tả về chính nó trong một bài hát, trong một nụ cười, hay trong sự yên lặng; nhưng hầu hết chúng ta đều không có khuynh hướng để yên lặng. Chúng ta không có thời gian để nhìn ngắm những con chim, những đám mây bay qua, bởi vì chúng ta quá bận rộn với những theo đuổi và những vui thú của chúng ta. Khi không có vẻ đẹp trong những quả tim của chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ những đứa trẻ tỉnh táo và nhạy cảm? Chúng ta cố gắng nhạy cảm với vẻ đẹp trong khi lẩn tránh những xấu xí; nhưng lẩn tránh những xấu xí dẫn đến vô cảm. Nếu chúng ta muốn phát triển sự nhạy cảm trong những đứa trẻ, chính chúng ta phải nhạy cảm với vẻ đẹp và với xấu xí, và phải tận dụng mọi cơ hội để thức dậy trong các em sự hân hoan hiện diện trong đang thấy, không chỉ vẻ đẹp mà con người đã sáng chế, nhưng còn cả vẻ đẹp của thiên nhiên.

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Nền giáo dục cấm đoán (phần 2): Hãy giáo dục con trẻ theo nhu cầu của chúng, chứ đừng theo nhu cầu của người lớn



Featured Image: Pink Sherbet Photography



Việc chúng ta cần làm, để có một nền giáo dục tốt, giống như bắt đầu lại từ đầu, từ một con số 0. Maria Montessori từng nói:


“Đừng học tôi, học trẻ con ấy.”

Nhưng người lớn dường như không theo kịp lũ trẻ, cũng chẳng chịu quan sát chúng. Anh ta thật sự chẳng hiểu gì về lũ trẻ cả, chẳng biết gì sất. Ngược lại, anh ta biết nhiều lý thuyết lắm. Điều đó có nghĩa là, người lớn tỏ vẻ như biết trẻ con cần gì, nhưng thực tế, anh ta lại hoàn toàn mù tịt. Nói cách khác, cốt lõi của giáo dục phải là chính TRẺ EM. Vì thế, nếu là giáo dục thực chất, thì nên được lấy cơ sở là trẻ nhỏ, chứ không phải là từ nhu cầu của người lớn.

Trẻ con được sinh ra với tiềm năng để sáng tạo, chúng cực kỳ sáng tạo, tò mò và ham quan sát. Và ở trường thì có hai điều có thể xảy ra: Hoặc là chúng ta phải theo dõi quá trình phát triển này và đưa ra các hoạt động nhằm kích thích các tiềm năng của trẻ, hoặc là ép buộc chúng theo khuôn khổ. Thực tế, chúng ta có thể nói rằng, bản chất của con người là luôn học hỏi. Hãy nhìn mà xem. Trẻ con liên tục hỏi bạn: “Tại sao lại thế này? Tại sao lại thế kia?” Không phải là bạn bắt chúng hỏi, mà tò mò và khám phá chính là bản chất của trẻ. Bọn trẻ có tất cả những gì cần thiết: Các giác quan, khả năng đánh giá và mô phỏng. Chúng có bộ não, có thể suy nghĩ, lý luận, tưởng tượng, sáng tạo và mơ mộng. Nhưng tất cả những gì trường học làm đối với bọn trẻ là: Trật tự, im lặng… Chúng bịt miệng tụi trẻ lại.

Vì thể, nếu bạn chịu để ý bạn sẽ thấy rằng, khi lớn lên, chúng bắt đầu mất hẳn sự tò mò và sự hứng thú với học tập. Một đứa trẻ 12 tuổi sẽ cực ít đọc sách sau giờ học, rất ít đứa làm thế. Vì sao? Bởi vì chúng phát chán với việc bị sai bảo nên làm cái này, không nên làm cái kia và vì chúng mất hết sạch sự hứng thú với việc học. Tâm trí của trẻ nhỏ với đầy đủ các phẩm chất cho việc học hỏi, và vượt xa khả năng ấy của người lớn. Bởi vì chúng tò mò và hứng thú một cách tự nhiên với bất cứ điều gì hiện ra trước mắt. Và đấy là cách tâm trí sáng tạo và phát triển chính nó.

Trong một vài năm, một đứa trẻ học cách kiểm soát cơ thể, có khả năng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ, dấu hiệu, thấu hiểu các luật lệ của tự nhiên và các đặc điểm của văn hóa. Tất cả quá trình phức tạp và vô cùng kỳ diệu ấy diễn ra một cách vô thức. Chúng học tất cả những điều này một mình và tốn rất ít công sức.

Từ khi sinh ra, chúng đã có đủ khả năng để xây dựng và định hướng cho mình, học hỏi từ mọi thứ xung quanh, vừa chơi vừa khám phá thế giới. Khi một đứa trẻ ra đời, cơ chế sinh học không phải gò ép, buộc chúng phải trở thành người, điều chúng cần là một môi trường có tính nhân văn. Tất cả những gì xung quanh chúng đóng vai trò định hướng trong quá trình học: Những lúc gia đình quây quần bên nhau, khi mọi người đối xử với nhau… mọi thứ là một phần của môi trường, mà qua đó chúng phát triển chính mình.

Chúng ta cần đem lại loại môi trường như thế nào cho trẻ nhỏ để chúng phát triển một cách hoàn thiện nhất? Nếu chúng ta có một gia đình mà trong đó, tình thương không được biểu hiện chút nào, thì đứa trẻ dễ dàng nhiễm tính hung hăng. Không hoàn toàn, nhưng ý tôi là, trong một môi trường bạo lực, thì bạo lực sẽ dễ dàng sản sinh.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ngày nay, từ lúc 5 tuổi, 98% trẻ nhỏ phải được xem như là các thiên tài. Chúng tò mò, sáng tạo và có khả năng suy nghĩ theo nhiều hướng và tiềm năng giải quyết các vấn đề là cực lớn. Hay nói đơn giản, chúng có một tâm trí cực kỳ rộng mở. Vấn đề là đến năm 15 tuổi, chỉ 10% trẻ nhỏ là còn giữ được những khả năng ấy. Trong thế giới các sinh vật có ý thức có thể nói rằng, chúng ta hoàn toàn là những thiên tài. Và thật sự, điều mà các thầy cô cần phải biết, là học sinh của họ cần phải được tự do với toàn bộ tâm trí, để cho phép tất cả kiến thức, sự sáng tạo và các tiềm năng… mà chúng có bên trong, được bộc lộ ra ngoài.

Là con người, chúng ra là sản phẩm của hàng ngàn tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Chúng ta mang trong mình tất cả các phẩm chất để tồn tại, thay đổi chính mình và trưởng thành. Từ ham muốn được ăn khi đói, tới sự tò mò từ bên trong để khám phá thế giới. Tiềm năng này ngày nay đang đợi chúng ta cho phép để có thể bộc lộ. Hãy nhìn cách mà trẻ con nô đùa, thật tự nhiên và sinh động làm sao, tới những thiếu niên ngày nay, qua sự nổi loạn của chúng và nhu cầu muốn thay đổi thực tại. Tại sao chúng ta cứ khăng khăng triệt tiêu sự tự nhiên của chúng và trừng phạt sự nổi loạn này, trong khi những hẩm chất này đơn giản là cho chúng ta thấy rằng chúng phải được phát triển bản thể, và đáp ứng những nhu cầu bên trong tự nhiên của chúng.

Trẻ nhỏ có một người thầy bên trong, đặc biệt là những năm tháng đầu đời, khiến chúng học hỏi, tò mò và di chuyển, thúc đẩy chúng tham gia, làm việc và tái diễn các hành vi. Và chính những lực ấy giúp chúng quyết định khi nào thì dừng làm việc gì, bởi vì chúng đã hiểu hết về nó. Quan sát cách những đứa trẻ hành động, chúng tôi khám phá ra rằng, chúng sử dụng tất cả những phẩm chất của một nhà nghiên cứu cự phách, giống hệt những thiên tài. Rất tự nhiên, với tất cả các cấp độ phức tạp, phải không nào?

Không một đứa trẻ nào lại không quan sát, không một cậu bé nào lại không khám phá và thử nghiệm. Câu hỏi là chúng ta phải làm gì để kích thích chúng sáng tạo? Câu trả lời là chẳng phải làm gì cả, chúng vốn là như thế rồi. Tất cả những gì chúng ta phải làm là đem lại cho chúng các cơ hội để bộc lộ sự sáng tạo, bằng nhiều cách khác nhau. Nếu chúng được phép như vậy, nay mai thôi chúng sẽ là những nhà khoa học, những nghệ sỹ. Hãy cho chúng được là chính mình.


Thầy giáo nói với cô hiệu trưởng: “Bọn trẻ đang hoài nghi hệ thống giáo dục với điểm số, chúng cho rằng chúng ta chỉ quan tâm tới điểm mà không cần biết chúng tiếp thu được gì.” “Anh cũng cho là tụi nó đúng sao?” “Tôi chỉ không nghĩ là tụi nó hoàn toàn sai, có những điều chưa đúng lắm về cách giáo dục của ta?” “Vậy anh không nghĩ tất cả trở nên như vậy là do xã hội này sao? Còn ở trong xã hội này thì việc tốt nhất cho chúng là đến trường, và đi học”…

“Thưa cô, như cô yêu cầu, đây là toàn bộ những gì em được học trong 5 năm qua tại trường. Và cô biết sao không? Em sẽ quên hết. Thực tế mà nói thì, em đã quên hết rồi…”

“Micaela, hãy cho tôi biết tại sao em nhất quyết với bài phát biểu đó? “Bởi vì đó thực sự là những gì em nghĩ, em chỉ muốn bộc lộ suy nghĩ của mình, e muốn thế.” “Ôi em yêu, ai cũng thích làm những gì mình cảm thấy hứng thú và chúng ta đôi khi phải làm những điều mình không thích.” “Không, em xin lỗi, nhưng em không đồng ý như thế” “Ok, tôi hiểu em nhưng…” “Nghe này Micaela, em có muốn tốt nghiệp không? có bằng, có một cái nghề và trở thành một ai đó?” “Em vốn là một ai đó rồi thưa thầy.”




“Học không có nghĩa là nuốt chửng đủ loại ý tưởng, mà là sáng tạo và tái tạo lại chúng” – Paulo Freire

Cách mà giáo dục hiện nay vận hành, là nhồi nhét thêm các thông tin mà ta tin rằng chúng cần thiết. Tôi tự hỏi mình rằng: Chúng ta nhớ được bao nhiêu thứ từ trường học phổ thông? Với cách mà họ dạy và giảng, chẳng ai thấy hứng thú cả. Khi họ đọc gì đó và bắt tối phải đọc theo, tôi không nghĩ mình học được gì, tôi chỉ thấy mình là một kẻ bắt chước. Tất cả những gì mà chúng ta được học từ trường lớp, hết ngày nọ đến ngày kia, đều sẽ chìm dần vào lãng quên, nếu nó không phải là lựa chọn và quyết định của chính ta.

Trẻ con không phải là những con robot chỉ đơn giản là copy và nhắc lại. Thực sự bản thân chúng sẽ có ý thức về những gì mình làm. Những ý tưởng tới, trẻ con tiếp thu chúng, theo một cách nào đó qua trải nghiệm của chính mình. Nếu quá trình học hỏi không tạo được hứng thú, thì nó không phải là học thật sự. Và trên hết, thiên tài mà mỗi đứa trẻ mang trong mình sẽ không thể tự bộc lộ. Học hỏi thực sự chỉ có thể sinh ra từ sự thích thú, ý chí và cả sự tò mò và nguồn gốc của nó lại bắt nguồn từ những thứ vượt xa mọi lý thuyết. Nó rộng hơn mọi phân tích và các hình dung liên quan. Học hỏi là một quá trình sâu, nơi mà các mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh được thiết lập.

Một trái bóng tự tay mình làm là trái bóng “được”, một trái bóng vay mượn là trái bóng “mất”. Những gì chúng ta học được, chúng ta thu được qua việc làm. Chúng ta học bằng cách khám phá những điều tự nhiên, tìm kiếm, tìm tòi, thí nghiệm. Khi trong sự liên kết với tự nhiên, một đứa trẻ có thể làm bất cứ thứ gì. Như vậy, công việc của một nhà giáo dục là gợi mở các bí ẩn, tạo ra các hoàn cảnh trong tự nhiên, để mặc dù đã được mô tả bởi khóa học nhưng phải để học sinh tự giải thích. Bằng cách đó, học sinh sẽ rất ngạc nhiên và sẽ cố gắng để tự tìm ra đáp án cho riêng mình. Trong nhiều thập kỷ, đã có một mô hình trường học tên là “trường học động”, ở đó trẻ nhỏ bộc lộ, hành động và sáng tạo xa rời hẳn bàn ghế. Nhưng đấy không phải là điều gì mới cả, nó đã được Piaget nói tới từ thập niên 50, đơn giản là không được đem vào áp dụng, chỉ vì sự lười nhác.

Trong những năm đầu của thế kỷ 20, nhiều phương pháp sư phạm mới xuất hiện, đúc rút ừ nhiều lĩnh vực khoa học phát triển mà trọng tâm là hành động và thử nghiệm, tự do và cơ chế tự thân vận động của quá trình học, đổi mới tư duy toàn bộ cơ cấu của trường học. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, tất cả những ý tưởng đột phá đó bắt đầu chìm dần vào quên lãng, bởi vì sự sợ hãi của các thể chế Chuyên Quyền. Vâng, các phương pháp ấy tập trung vào việc coi trẻ nhỏ là người học chính, một cách toàn diện. Một cách tự nhiên, phải có các vật dụng thực tế, cầm nắm được để trẻ có thể sử dụng và thí nghiệm.

Mọi thứ trong trường tiểu học đều có thể được thực tế hóa, mọi vật dụng đều là những thứ có thể lắp ghép và thí nghiệm. Cứ như vậy, tự trẻ nhận ra là nếu nó làm sai, thì vật dụng ấy sẽ bộc lộ và tự sửa lại. Thường thì, người lớn không nên đứng ra để sửa cho trẻ, mà phải để chính đứa trẻ tự sửa sai. Ngày nay, chúng ta có thể thấy trẻ con tự sửa sai cho nhau. Tôi tin rằng, đứng từ quan điểm giáo dục, thì lỗi và sai sót phải được đón nhận, như thực tế khoa học có nhiều sai lầm và lỗi hơn là các câu trả lời đúng. Bình thường chúng ta cho rằng mình đang tiến lên, khi chúng ta thành công, nhưng thực ra, chính sai sót mới là tiền đề để khoa học tiến triển.

Chúng ta nên nói với trẻ rằng: Chẳng quan trọng nếu em mắc lỗi hay sai sót, vì em đang học, bởi vì chẳng có ai là kẻ thắng cuộc ở đây cả, tất cả chúng ta ở đây là để học hỏi.

Edison khi phát minh ra bóng đèn điện đã thử nghiệm và sai sót hàng ngàn lần trước khi thành công. Khi một nhà báo hỏi ông ấy là cảm thấy thế nào khi sai sót cả hàng ngàn lần, ông đơn giản đáp lại: “Tôi chẳng vấp ngã cả ngàn lần, nhưng bóng đèn điện là một sáng chế tốn hàng ngàn bước.” Cũng giống như các khám phá khoa học, giáo dục bất quy tắc là kết quả của một quá trình đầy biến động, mà ở đó một người tìm kiếm các giải pháp thay thế, các quy tắc logic và nhân quả giữa hỗn độn và quy luật. Nhưng phương pháp học này được sinh ra từ thắc mắc khi đối mặt với những hỗn độn, chứ không phải từ một câu trả lời theo quy tắc có sẵn.

Khi chúng ta sinh ra, xã hội này khiến chúng ta ngu dốt vì chúng đem tới toàn là những câu trả lời. Nó cho chúng ta những câu trả lời được thêu dệt sẵn, từ triết học, chính trị, thậm chí là tôn giáo. Vì thế, nó hủy diệt sự hoài nghi và khả năng học hỏi. Trường học cũng vậy, nó toàn cho chúng ta câu trả lời, trong khi thực chất của giáo dục thì nó phải khiến cho chúng ta hoài nghi và tìm tòi. Một nhà giáo cần làm gì? Anh ta cần giúp sức để khơi gợi tìm tòi, chứ không phải là áp đặt một câu trả lời.

Tầm quan trọng của việc hoài nghi và đặt câu hỏi đã tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại, nơi khai sinh Triết học, ở đó, việc học nổi lên từ thay đổi tư duy và trao đổi lẫn nhau. Nhưng nếu đó là bản chất của việc học, thì tại sao chúng ta lại cứ khăng khăng việc áp đặt, giới hạn, quy ước và phân loại chúng? Vì thế, thời gian ở trường, hóa ra lại là thời gian đánh lạc hướng, và ép buộc chúng ta tin vào một chương trình định sẵn. ý tưởng rằng học sinh phải tiến triển, tuân theo cách mà chương trình học đã đề ra trước.

Thường thì, mục tiêu giáo dục trong thế giới hiện nay là chẳng đếm xỉa gì tới học sinh và trẻ nhỏ. Dần dần, lũ trẻ tin rằng việc học là để đáp ứng các lực tác động bên ngoài, chứ không phải nội tâm. Chẳng hạn, tôi phải học để qua kỳ thi, để cạnh tranh tìm việc…

Nếu ta không khuấy động sự thích thú, nếu ta không kích thích sự sáng tạo của trẻ. Ta đang tạo ra các robot với những mục tiêu, và vì thế, thường là 60-70% trẻ em với tiềm năng tuyệt vời bên trong sẽ rơi rụng phía sau. Rồi khi chúng ta lớn lên, nhà trường và xã hội lèo lái chúng ta tới những mục tiêu và động cơ bên ngoài, và chúng ta chẳng thể hiểu nổi là một người có thể làm điều gì đó mà không quan tâm tới lợi lộc thu lại, tất cả chẳng qua là từ nội tâm. Nhưng nếu trẻ nhỏ chẳng hướng tới điều gì cụ thể, nó chỉ đơn giản là tận hưởng việc trưởng thành, nó chỉ bước đi vì sự vui thích của việc đi bách bộ và khám phá, và đó lại chính là điều đem lại sự phát triển cho chúng. Giáo viên không nên là ngôi sao sân khấu, họ chỉ nên là người hướng dẫn, kiểu cầu nối, họ có liên kết nào đó với kiến thức, và tự kiến thức sẽ tạo ra sức hút, tự vận hành theo cách của từng học sinh. Chẳng một áp lức nào buộc trẻ phả đặt được mục tiêu trong một quãng thời gian cụ thể.

Cơ bản, có hai phương thức, một là phải rèn trẻ theo văn hóa, hai là phải thay đổi văn hóa để thích nghi với trẻ. Nói cách khác, một là đi theo lề trái hoặc phải, đơn giản chỉ vậy, nhưng nơi nào đó ở giữa, mới là sự thật. Trường học hiện nay được xây dựng trên nền tảng là ý tưởng cơ bản, bao trùm toàn bộ cơ cấu: Ý niệm rằng trẻ nhỏ như một tờ giấy trắng và hệ quả, là tính cá nhân của nó có thể bị tháo rời và lắp ghép lại, bóp méo tùy theo nhu cầu ngoại cảnh. Đứa trẻ được xem như một đối tượng để nghiên cứu, một con chuột bạch, bên trong một phòng thí nghiệm, một quá trình xã hội hóa, trong suốt lịch sử, mà mục tiêu chính là định hướng, tạo ra một con người khác.

Đây hẳn rất là nhân bản, hay không phải vậy, khi tin rằng rừng cây sẽ bị hại nếu chúng ta không chăm sóc chúng? Không, cứ để mặc chúng là đủ, luôn luôn là vậy. Và tất cả rừng cây chúng ta bỏ mặc vẫn sẽ tồn tại bởi vì con người không can thiệp vào. Một hạt giống ẩn chứa trong mình tất cả những thông tin cần thiết để một sinh linh phát triển, môi trường xung quanh có tất cả những gì cần thiết để cái cây lớn lên, nhưng cách chúng phát triển phụ thuộc vào cơ cấu bên trong hạt giống, mọi phản ứng với điều kiện bên ngoài đều đã được định sẵn bên trong mọi sinh vật sống, dù đó là một cái cây, hay một con người.

Và sự hình thành các nội tạng quan trọng, xương và các cơ tủy… là kết quả của một quá trình nội sinh và độc lập, chẳng đòi hỏi bất kỳ sự can thiệp nào của con người, mà ở đó, người mẹ chỉ đơn thuần là cung cấp những tài nguyên cơ bản chứ không đóng vai trò xây dựng. Chúng ta không phải làm gì, chỉ cần đảm bảo rằng nó được cung cấp những gì nó cần. Và tình yêu thương là một trong những thứ quan trọng nhất. Trong thời gian thai nghén, tình yêu đem lại người bạn đồng hành và sự bảo vệ trong môi trường tử cung, sau đó, là sự đụng chạm về thể xác, hỗ trợ về mặt cảm xúc, bộc lộ, cử chỉ, âm thanh, thậm chí là sự thấu hiểu, chấp nhận, tôn trọng và tin tưởng vào người khác. Nếu tình yêu là sự sống còn cho việc phát triển và học hỏi, tại sao chúng ta lại cố gắng giáo dục bằng đe dọa, hình phạt, áp lực và quên hết về tình yêu thương?



Phi Tuyết

Nền giáo dục cấm đoán (phần 1): Mô hình giáo dục “nhà tù” và “nhồi sọ”




Featured Image: Dale Murray



Đây là một bộ phim tài liệu nghị luận xã hội của nước ngoài, nói về thực trạng và giá trị của nền giáo dục hiện nay, những góc khuất và bất cập, không chỉ tại Việt Nam mà là trên toàn thế giới. Tập phim dài hơn 2 tiếng với rất nhiều những quan điểm mới lạ và thú vị. Những quan điểm này có thể trái ngược với những gì bạn từng biết và từng tin, thậm chí nó có thể là nguyên nhân cho những cuộc khẩu chiến về quan điểm cho những ai quan tâm. Nên, hãy cân nhắc trước khi đọc bài và chuẩn bị tinh thần cho những cảm xúc tồi tệ, nghi ngờ, thất vọng, hoang mang… bạn có thể gặp phải.

Bạn có thể ngờ được không với những tuyên bố: “Trường học chính là rào cản lớn nhất được tạo ra trong xã hội, là mô hình nhồi sọ biến chúng ta thành những kẻ biết vâng lời và không phản kháng, thực tế thực trạng của giáo dục hoàn toàn đi ngược lại những lý tưởng cao đẹp mà nó đề ra…” Thật quá đỗi hay ho và hấp dẫn. Sau đây để tiện cho các bạn theo dõi, mình sẽ viết lại toàn bộ phần sub vì bộ phim khá dài. Việc đọc cũng dễ giúp bạn hiểu hết nội dung và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ai hứng thú với chủ đề này hay muốn xem lại tập phim thì sẽ có link ở cuối bài.

Bộ phim là thành quả tổng hợp từ một quá trình học hỏi không ngừng. Những cá nhân phát biểu trong phim chia sẻ với chúng ta rất nhiều ý kiến và quan điểm, sự tham gia của họ không có nghĩa là họ đồng ý với tất cả các quan điểm mà bộ phim truyền tải. (Người dịch phim Dariya Nguyễn). Khuyến khích chia sẻ thông tin trên phim này!
Phần 1: Mô hình giáo dục nhà tù và nhồi sọ – Trường học ra đời như thế nào?

Thân gửi tới tất cả các em nhỏ và người lớn thực sự mong muốn trưởng thành trong tự do. Tôi vẫn nhớ một câu chuyện triết học mà thầy giáo kể: Một nhóm nô lệ được sinh ra và lớn lên trong hang tối, họ bị trói quay mặt vào tường và tất cả những gì họ thấy là những cái bóng phản chiếu trên tường. Những người cai ngục đốt đuốc phía sau và cố tình tạo ra rất nhiều những cái bóng. Những cái bóng đó là toàn bộ những gì họ được biết về thế giới bên ngoài. Những cái bóng chính là thế giới của họ, hiện thực của họ. Một ngày kia, một trong số họ được thả tự do và được phép đi ra thế giới bên ngoài. Tôi tự hỏi anh ta mất bao nhiêu thời gian mới làm quen được với ánh sáng rực rỡ khi phần lớn thời gian chỉ sống trong tăm tối. Rất có thể, phản ứng của anh ta là sự sợ hãi khủng khiếp về cái thế giới rực rỡ ấy. Liệu anh ta có thể hiểu thế nào là một cái cây, biển cả và mặt trời? Giờ hãy giả thiết rằng anh ta nhìn vào hiện thực và phát hiện ra rằng những gì trong hang chỉ là sự giả dối tột cùng… Tôi không nghi ngờ rằng, anh ta sẽ có một ham muốn lớn lao là được quay trở lại hang, để kể cho những người khác nghe về những gì anh chứng kiến, một hiện thực hoàn toàn khác, một thế giới khác…
Nền giáo dục cấm đoán

Truyền thông, hàng ngàn cuốn sách, và những tuyên bố của những người chức quyền, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, triết gia, các trang web… Đều nhất trí khẳng định về tầm quan trọng của giáo dục. Họ đầu tư cả đống tiền bạc để đào tạo, cải cách và nghiên cứu. Họ in sách, tài liệu, thậm chí đưa cả máy móc hiện đại vào nhà trường. Họ tạo ra các chương trình dạy và học, tăng lương rồi giảm lương, áp dụng đủ loại mô hình dạy học khác nhau. Tất cả, với danh nghĩa, cải tiến giáo dục. Những điều đó không ngăn cản được thực tế rằng: Bao nhiêu trường học, là bấy nhiêu rào cản được tạo ra trong xã hội. Các loại trường chuyên, trường cho người nghèo, trường cho dân tộc thiểu số, cho thợ, cho chuyên gia, cho các tầng lớp trung lưu, trường công và tư, trường cho nhà giàu và các tầng lớp quý tộc… Mục tiêu là gom cho càng được nhiều học sinh càng tốt. Phần lớn là để tạo ra những công nhân phục vụ cho xã hội với các thứ hạng được định sẵn, và chỉ rất hiếm hoi là chú trọng tới thực chất của giáo dục.

Dẫu có khác biệt, thì tất cả các trường học hiện nay trên thế giới là nhằm tạo ra một mô hình nhồi sọ tối ưu. Làm sao mà những ý tưởng ấy lại giúp phát triển trí tuệ cá nhân và nhân loại nói chung được? Và liệu rằng luận thuyết về giáo dục hiện nay đã và đang tồn tại đến nay có thể giúp cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn? Liệu có tồn tại một cách dạy và học khác đạt được những tiêu chí đó? Liệu có thể tạo ra trường học mà tránh được tất cả những lý tưởng, tiêu chuẩn và định kiến? Thắc mắc đó đã dẫn chúng tôi tới một thế giới mới mà hoàn toàn chưa hề được biết tới. Bộ phim này là một phần của quá trình vô tận, một câu hỏi có thể là không có câu trả lời hoàn chỉnh và chính xác, cuộc tìm kiếm tới bản chất của giáo dục và việc học, những sai lầm mà chúng ta mắc phải, và trên hết, những ý kiến sẽ trợ giúp chúng ta tiếp tục tìm kiếm và tiếp tục học hỏi.

Một thầy giáo yêu cầu hai học sinh viết một bài luận về những gì các em thu được sau từng ấy năm đi học. Và kết quả họ bị thầy giáo gọi ra nói chuyện và bị cô hiệu trưởng đến kiểm tra, bài luận có những câu: “Chúng em thấy rất ít thứ quan trọng được học ở trường. Các thầy cô chỉ dạy chúng em phải dè chừng nhau và háo thắng. Bố mẹ và thầy cô, chẳng ai lắng nghe chúng em nói. Đấy là lý do vì sao chúng em muốn nói rằng: Thế là quá đủ rồi. Giáo dục chỉ là một sự cấm đoán mà thôi….” Thầy giáo giải thích với cô hiệu trưởng: “Thực ra là hai em ấy có nói với tôi rằng hai em ấy nảy ra ý tưởng đọc bài luận này tại Buổi Diễn Toàn Trường. Tất nhiên, đây chỉ là bản nháp thôi.”

“Ồ không đâu, đó không phải nháp, tụi em sẽ đọc chính xác như thế đấy.” Cô hiệu trưởng ngắt lời: “Không, không thể được, đó toàn là những từ ngữ hỗn xược xấc láo, các em không thể công kích chúng tôi theo cách lố lăng như vậy.” “Nếu cô cảm thấy bị xúc phạm, thì hẳn phải có lý do chứ ạ?” “Thưa thầy, chúng em chỉ đơn giản là viết bài luận mà thầy giao đề.” “Vậy nên tôi mới nói đó là bản nháp, các em cần uốn nắn lại từ ngữ.” “Không, sẽ không uốn nắn chỉnh sửa gì hết, chúng em sẽ đọc đúng như vậy.” “Không được, như thế là bất kính.” “Xin lỗi cô, em quên mất việc nói ra những gì mình thực sự nghĩ là bất kính…”

“Nghe này, những gì các em nói có thể làm phật lòng nhiều người.” “OK, nhưng nếu đó là những gì chúng em cảm thấy và viết ra như vậy, tại sao lại không thể cho họ biết chứ? tại sao không chứ? Đấy thật sự là những gì chúng em nghĩ thì có vấn đề gì nào? Chúng em sẽ chịu trách nhiệm những gì mình nói.” “Không, không hãy đợi đã, vì tôi hiểu em, cái gì ở trường cũng khiến em thất vọng, tôi làm em thất vọng, các thầy cô làm em thất vọng. Thầy hiểu em quá rõ.” “Không thầy chẳng hiểu gì em cả.” “Thầy hiểu thật đấy.” “Không, thầy không hề.”

Albert Einstein từng nói:


“Nếu bạn muốn tìm ra một kết quả khác, thì đừng lặp đi lặp lại một cách làm, hết lần này tới lần khác.”

“Rất nhiều học sinh sau 12 năm đèn sách vẫn không thể đọc viết thông thạo (sai chính tả), họ không giải được phương trình, không nhớ những gì họ từng tiếp thu (rõ ràng). Vâng, thực tế là họ học được rất ít từ trường học. Vậy lý do vì sao phần lớn học sinh học rồi mà dốt vẫn hoàn dốt? Đấy là bằng chứng chắc chắn rằng lỗi không phải do học sinh, mà là do hệ thống giáo dục rồi.” “Thực tế là ngày nay việc giáo dục được cải tiến rộng rãi, nhưng lại vẫn áp dụng những cách tiếp cận hoàn toàn sai, chỉ toàn là chắp vá chỗ nọ chỗ kia, rồi làm ra vẻ như là chúng đem lại cải tiến thực chất. Vấn đề nằm ở chính luận điểm và quan niệm cơ bản về giáo dục. Cái sai nằm ở chính cách nhìn nhận vấn đề.”

“Các bậc từ tiểu học đến cấp ba ở các nước Mỹ Latinh (Vâng, và cả Việt Nam nữa) chẳng là gì ngoài những cái cũi tẻ nhạt và chán ngắt. Tôi thường mời mọi người tới và tham quan các trường học để thấy được rằng cần phải đập hết những khuôn mẫu. Và cho họ thấy hình ảnh các thầy cô, đứng cạnh bảng đen, chẳng làm gì ngoài nói, nói, nói… trong khi chúng ta đã đi hết một nửa thế kỷ 21. Thật là lố bịch và vô nghĩa.”

“Các môn học mà chủ đề đều khép kín, thụ động, chẳng có gì gợi mở và hấp dẫn, những môn học chỉ toàn chữ, chữ và chữ. Các nhà cải cách chẳng hề tìm hiểu, nói chung là chẳng có gì cải tiến ngoài chương trình học. Họ quá chú trọng vào nội dung, dạy một vài kỹ năng, trong một số lĩnh vực nhất định. Ngày nay kiến thức bị sai lệch bởi vì cách nhìn nhận của chúng ta sai lệch. Thậm chí, chúng tôi có thể nói rằng trong trường học hiện nay, việc học hỏi thực sự đang bị cản trở.

Các kiến thức ta được học chẳng bền mà cũng chẳng thịnh hành được lâu. Vì ngày nay các học thuyết thay đổi rất nhanh. Kiến thức đổi mới và thay thế thường xuyên, trong khi nền giáo dục luôn dậm chân tại chỗ. Xã hội thì thay đổi chóng mặt. Đây chính là gốc rễ của vấn đề. Các nhà giáo dục tại các trường cao đằng đại học cho rằng kết quả của việc học là có thể đo được, định lượng và quan sát được. Cho nên chúng ta bắt đầu tìm kiếm phương pháp để đo lường thứ được cho là kết quả, là mục đích của việc học. Và đó là thứ chúng ta gọi là điểm số, dù ở dạng A hay B, các con số bậc điểm hay dạng mặt cười, mặt mếu… Nhưng logic sau nó vẫn là cũ rích một mục tiêu, để so sánh. So sánh các cá nhân, quá trình học của anh ta với một thước đo tiêu chuẩn. Thật là nhảm nhí. Mỗi cá nhân là duy nhất và độc đáo, chẳng ai giống ai cả để mà so sánh.”

“Cách học hiện nay là nhằm tìm kiếm ra một con số để quyết định, nó thậm chí còn cố định nghĩa một người ở dạng nào: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu hoặc kém. Thế đấy, ví dụ tôi tạo ra một bài thi kiểu ai sẽ có đáp án trước… hệ quả tất yếu là sẽ có người thắng và kẻ thua. Và mỗi khi có kẻ thua thì nghĩa là ai đó sẽ cảm thấy buồn và tồi tệ. Hẳn nhiên rồi.” “Trẻ em cũng được động viên để tranh đấu với nhau. Học sinh giỏi được ghi nhận, được trao giải. Những người không làm tốt thì bị ăn chửi và sau đó phần lớn là bị bỏ mặc. Ai cũng nói về hòa bình nhưng chẳng ai có vẻ dạy cho trẻ em điều đó. Mọi người được giáo dục để tranh đấu, và tranh đấu là bước đầu tiên để gây ra chiến tranh.”

“Về lý thuyết, những gì nói về giáo dục là hướng tới mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện: Giá trị con người, hợp tác, tính cộng đồng, sự đoàn kết, công bằng, tự do, hòa bình, hạnh phúc…bla bla toàn những mỹ từ cao đẹp. Nhưng thực tế về cơ bản, cơ chế của hệ thống giáo dục lại là thúc đẩy điều ngược lại: Tranh đấu, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa phân biệt, các quy tắc luật lệ, bạo lực cảm xúc, chủ nghĩa vật chất… Bất kỳ ý tưởng tốt đẹp nào được nêu ra là đối lập với cơ chế mà giáo dục đang cố duy trì.

Nếu tôi được đào tạo từ một mô hình chỉ chuyên về mặt này hay mặt kia, giả sử là lịch sử chẳng hạn. Thì khi đi dạy, tôi chỉ chăm chăm học sinh này biết gì về lịch sử, sau khi tôi giảng về lịch sử và bắt em ấy đọc một số sách về lịch sử, và thế là tôi xong việc với em ấy. Tôi không cần quan tâm gì tới em ấy nữa. Như là em ấy có đang gặp chuyện khổ tâm gì không, xuất thân em ấy thế nào, gia đình em ấy ra sao.” “Điều dễ nhất cho các giáo viên kiểu truyền thống là cứ lặp đi lặp lại những gì anh ta vẫn dạy, hết năm này đến năm khác. Việc dạy trở thành một quá trình lặp đi lặp lại các biểu tượng. Ngày nay, tại Argentina, phần lớn trẻ em nói rằng: Ôi lại thứ hai rồi sao? Lại phải đến trường rồi sao? Nhưng đấy chưa phải điều tệ nhất, khi phần lớn các giáo viên tại Argentine cũng bày tỏ cùng một tâm trạng như vậy.

“Tôi tin giáo viên ngày nay chỉ đơn giản là một sản phẩm sinh ra từ hệ thống. Họ không sinh ra để mong muốn trở thành một thầy giáo giỏi hay tệ, chỉ đơn giản là xã hội đã bắt họ phải chọn lựa để trở thành như vậy. Làm sao mà tôi có thể dạy các em cách thể hiện cảm xúc khi mà các thầy giáo ở trường đại học chẳng có ai nói với tôi một từ về “cảm xúc”.

“Tôi không muốn đến trường, thật lãng phí thời gian. Tôi cũng không muốn cho con tôi đi học, trường học toàn tạo ra các vấn đề với chúng. Ngày nay một đứa trẻ 8 tuổi còn dành thời gian học nhiều hơn cả một sinh viên. Thật vớ vẩn, chẳng có nhiều thứ đến thế để mà học ở nhà trường. Thế là nhà trường không còn là nơi dạy học, tôi gọi nó là trung-tâm-giữ-trẻ-cả-ngày hay là bãi-nhốt-trẻ-số-lượng-lớn”
“Tôi lại nghĩ trường học giống như nhà tù, quá là tệ đi, đây là nơi mà mọi người nhốt chúng lại và thậm chí là cần cả bảo vệ để ngăn không cho chúng chạy trốn. Trường học khiến bọn trẻ ngày càng khép kín và họ lại xây những bức tường cao hơn mỗi ngày, dù cho tường bằng gạch hay bằng cây thì vẫn thế, vẫn là để cô lập và ngăn cách.”

“Tôi muốn trường học là nơi cho bọn trẻ phát triển một cách tự nhiên như chính cách chúng được sinh ra. Không phải là nơi đào tạo cho chúng sẵn sàng cho các bậc học cao hơn, cao hơn nữa: Tiểu học, trung học, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rồi sau đó nữa là đi làm. Rồi sao, sau nữa là làm gì?” “Thật là đơn giản khi giáo viên chỉ phải nói những câu: Trật tự, im lặng hết cho tôi, bây giờ, lật sách vở ra, bây giờ, lấy cây bút màu đỏ… Theo tôi, những thứ đó, phương pháp đó là để đào tạo… chó, chứ không phải cách giáo dục con người.”

John Taylor Gatto nói: “Vấn đề của chúng ta là hiểu rằng, việc dạy dỗ một cách ép buộc xuất phát từ một thực tế đáng hổ thẹn là trên phương diện con người, những gì là sai, thì trên phương diện cơ chế, lại là đúng.”
Nguồn gốc của trường học và giáo dục

Từ nhu cầu của những nhà Chuyên Quyền

Một điều ít ai biết tới về giáo dục phổ thông đại chúng và bắt buộc như hiện nay, được tạo ra từ một thời điểm cụ thể trong lịch sử. Trước đó, kiểu giáo dục này không tồn tại. Giáo dục ngàn xưa rất khác với giáo dục ngày nay chúng ta được biết. Ví dụ, tại thành Athen – Hy Lạp cổ đại không hề có trường học. Những học viện đầu tiên của Plato là nơi để thảo luận, chia sẻ ý kiến, tự do thí nghiệm và khám phá. Lúc bấy giờ, giáo dục bắt buộc chỉ dành cho nô lệ. Mặt khác, giáo dục tại thành Sparta thì giống như là huấn luyện quân đội nhiều hơn. Khi ấy, chính quyền sẽ tống cổ những kẻ không đạt một mức tiêu chuẩn được định sẵn vào những lớp học bắt buộc, là những nơi bài học và quy tắc xử sự được dạy qua tra tấn và nhục hình. Trong quá khứ, giáo dục là do các nhà thờ công giáo chi phối, ít nhất là tại các nước công giáo phương tây. Và điều này cũng mới chỉ có từ thế kỷ 18, tại thời điểm lịch sử mà người ta gọi là “Khai Sáng Chuyên Quyền” – nơi tạo ra các ý tưởng về giáo dục phổ thông đại chúng, miễn phí và bắt buộc.

Trường học như chúng ta được biết tới nay được khai sinh từ cuối thế kỷ 18, đầu 19 tại Prussia (Đức). Nhằm chống các cuộc nổi dậy tương tự đã xảy ra ở Pháp, Hoàng Gia đề bạt một số nhân vật được cho là “Người khai sáng” để làm hài lòng đám đông muốn nổi dậy, nhưng vẫn duy trì chế độ Chuyên Quyền. Các trường học tại Prussia dựa trên sự phân biệt gắt gao các tầng lớp và giai cấp. Cơ chế của nó, thừa hưởng từ mô hình của người Spartan, đề cao kỷ luật, sự tuân lời và chế độ độc đoán. Mục đích của tầng lớp chuyên quyền đầy học thức này là gì? Là tạo ra một đám dân chúng biết nghe lời và dễ bảo để có thể huấn luyện phục vụ cho chiến tranh sẽ xảy ra trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ khi hàng loạt các quốc gia mới nổi lên (giống các quân cờ thế mạng). Hoàng hậu Cartherine của Nga, đã gọi mời các nhà thông thái tới từ Pháp, kêu gọi họ tạo ra một hệ thống giáo dục và Diderot, một trong những người nổi tiếng nhất, đã tạo ra một đề án, không phải nhằm tạo ra những người dân thông minh hơn, mà là những dân chúng biết vâng lời và phục vụ cho chính quyền.

Tin tức về mô hình giáo dục thành công này lan truyền cực nhanh, đến mức chỉ trong vài năm, các nhà giáo dục ở Châu Mỹ và Châu Âu đã đến học ở Prussia để lấy bằng về áp dụng cho nước mình. Dần dà, mô hình này trở thành chung cho cả thế giới, rất rất nhiều nước đã bắt chước mô hình giáo dục “hiện đại” này để phổ cập cho tất cả dân chúng. Giương cao ngọn cờ của “sự bình đẳng”, trong khi bản chất hệ thống về cơ bản là sự Chuyên Quyền nhằm duy trì quyền lợi cho tầng lớp Quý tộc và phân chia giai cấp ngày một rõ nét hơn. Đấy chính là sự ra đời của giáo dục phổ thông.

“Nên nhớ là chính Napoleon, đã thề thốt là không đội trời chung với Chuyên Quyền, nhưng rồi ít lâu sau, cũng đã làm điều tương tự. Ông ta nói thế này, không thêm thắt một từ: “Tôi muốn tạo ra một hệ thống giáo dục mà từ đó định hướng cho suy nghĩ của dân chúng Pháp.” Bạn hiểu chứ? Ông ta quả thực đã làm như thế, và nó vẫn tiếp tục suy trì cho tới ngày nay, cho dù chúng ta có ý thức được điều này hay không.”

Từ nhu cầu của nền kinh tế sản xuất hàng hóa

Trường học được tạo ra trong một thế giới bị chi phối bởi nền kinh tế công nghiệp, bởi thế phương châm của nó là tạo ra những sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất, với ít chi phí và công sức nhất có thể. Sử dụng các công thức khoa học và quy luật thông thường, trường học chính là giải pháp hoàn hảo để tạo ra nguồn nhân công phục vụ cho các ngành công nghiệp. Giống hệt những nhà tài phiệt công nghiệp của thế kỷ 19. Ai là người cung cấp tài chính cho hệ thống giáo dục bắt buộc, ai giúp sức cho những tổ chức giáo dục? “Tôi phải làm gì cho con cái của những công nhân, để chúng về sau cũng làm việc cho tôi? Làm sao chúng ta có thể dạy họ đọc, dạy họ trở nên những công nhân thông minh?”

Và nền giáo dục đó vẫn duy trì tới ngày nay, một phương tiện để tạo ra những công nhân có ích và những công cụ hữu dụng để chắc chắn rằng nền kinh tế hàng hóa vẫn tiếp diễn theo quy chuẩn cũ. Điều đó đồng nghĩa với việc duy trì cơ cấu xã hội hiện có. Ngoài ra, trường học còn được “chắp cánh” với những nghiên cứu về kiểm soát hành vi, những lời hứa hẹn về một xã hội không tưởng và thậm chí là các học thuyết về tầng lớp xã hội thượng đẳng. Chẳng ngạc nhiên khi các quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống giáo dục như Prussia hay gần giống vậy, gần như cùng lúc, cuối cùng đều trở thành, nguồn cơn của chủ nghĩa Quốc Xã và Bài Ngoại.

Dây chuyền sản xuất hàng loạt trong công nghiệp là một ví dụ hoàn hảo cho giáo dục. Giáo dục áp lên một đứa trẻ có thể được so sánh với quá trình sản xuất một sản phẩm. Vì thế nó đòi hỏi các bước cụ thể và bắt buộc, theo một trình tự cụ thể. Gom nhóm trẻ nhỏ theo độ tuổi và các cấp học. Và trong từng giai đoạn sẽ nhồi những môn học cụ thể. Nội dung nhồi được thiết lập kĩ lưỡng bởi các chuyên gia. Nhưng vấn đề ở chỗ, các môn học, như môn Sinh học, không được thiết lập bởi các nhà sinh vật, cũng không phải bởi những người giáo dục trực tiếp, mà chính hệ thống quan lại, tay sai thời đó – những kẻ hoàn toàn không biết dạy và học là thế nào.

Trong cái dây chuyền như thế, một người sẽ phụ trách từng phần nhỏ của quá trình, mà vốn dĩ không đủ thẩm quyền cũng như khả năng để biết toàn bộ cơ chế hoặc những người tham gia vào quá trình đó. Mỗi giáo viên sẽ dạy từng cấp, từng môn cho học sinh, khoảng 30-40 học sinh mỗi lớp đến độ mà toàn bộ quá trình biến thành hoàn toàn máy móc. Giáo dục hiện nay là trọng tâm của những người cầm quyền, học sinh đến trường, giáo viên lên lớp, học sinh về nhà, giáo viên về nhà. Mỗi ngày cái vòng lặp đều lặp lại i như thế. Giáo viên là một bộ phận công chức của hệ thống lãnh đạo, và họ phải nghe theo lời chủ: “Anh phải dạy cái này, cái nọ cái kia, và theo cách này.” Quá nhiều giáo viên và học sinh bị bóc lột sức lao động đến mệt lử và chẳng còn mấy thời gian để chú ý riêng tới từng học sinh.

Vì lẽ dĩ nhiên họ không thể mong tất cả học sinh cùng làm một việc vào cùng một thời điểm được. Cái dây chuyền sản xuất công nghiệp này cũng như các trường học và các lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia và văn hóa phương Tây. Cho tới vài thập kỷ trước, trường học giống như trại lính và nhà thương điên vậy. Thậm chí giờ nghỉ cũng bắt đầu và kết thúc bằng một hồi chuông tự động, chứ chẳng có một âm thanh con người, nhằm đào tạo trẻ nhỏ tự huấn luyện, từng chút từng chút một, đứng thành hàng, theo một hàng gạch nhất định, lần lượt theo sau lưng người khác, với quy chuẩn từ thấp đến cao.

Suốt thế kỷ qua, chúng ta đã tạo ra những trường học cứ như thể chúng là nhà tù hoặc xưởng sản xuất, đề cao sự vâng lời với luật lệ và quy định xã hội. Trường học đã được hình dung như là nơi sản xuất những công dân vâng lời, những công nhân có ích và những kẻ tiêu dùng hàng hóa đều đặn, nơi là con người dần biến thành những con số, điểm số và số liệu. Yêu cầu và sức ép của hệ thống cuối cùng làm giảm hoặc làm mất nhân tính của tất cả mọi người, bởi vì nó bao trùm lên toàn bộ thầy cô, hiệu trưởng và các nhà quản lý giáo dục. Tất cả bị biến thành một đám người đồng nhất với những tư tưởng đồng nhất, nhằm tạo ra những kết quả tương tự nhau.

“Tất cả chúng ta phải biết cùng một thứ. Mặc cho thực tế là chúng ta, những người lớn, đều chẳng thể biết cùng một thứ, cũng chẳng làm cùng một việc. Và ở trường, thì ai cũng phải làm cùng một thứ, và phải làm thật tốt nữa. Vì thế, trường học không thể có khả năng thỏa mãn những nhu cầu của từng cá nhân, bởi vì trường học là đào tạo, và chúng là các trung tâm đào tạo, việc của họ là thế. Người nào không chịu học, sẽ bị tụt lại phía sau. Nó là như thế đấy.

Điều này ngụ ý rằng, hệ thống giáo dục là một hệ thống phân chia và loại trừ giai cấp: Nó lựa chọn một phần vào đại học để họ trở thành một phần của tầng lớp quý tộc, để lãnh đạo các công ty và quá trình sản xuất của cải, để đứng đầu các hệ thống kinh tế và truyền thông… Và còn những người khác, những người không thích ứng được với trường học, sẽ “lĩnh án” phải làm những công việc bấp bênh hơn bởi họ không có bằng cấp để làm những công việc khác. Hệ thống và các chính phủ, đáng tiếc, chẳng quan tâm đến điều này. Thực chất, họ không thèm quan tâm tới con người như là con người, như là các cá nhân. Và với những tiêu chí này, các hệ thống giáo dục khác, nhằm tìm kiếm cho những mục đích khác, phải bị cấm.”

Sự thực là cốt lõi của mô hình trường học theo kiểu Prussian được xem là trung tâm của hệ thống giáo dục ngày nay. Các bài kiểm tra theo tiêu chuẩn, chia thành độ tuổi, các lớp học bắt buộc, chương trình học xa rời thực tế, hệ thống đánh giá xếp loại, áp lực lên giáo viên và học sinh, cơ chế thưởng phạt, thời khóa biểu chặt chẽ, tách rời và khép kín khỏi cộng đồng, hệ thống học bậc thang… tất cả những điều đó vẫn là một phần không thể thiếu của trường học. Ngay cả ở thế kỷ 21 này.

Trường học không thể bị đánh đồng với giáo dục. Trường học cùng lắm chỉ là một tấm bản đồ cũ kỹ về kiến thức, và giáo dục là vùng đất mà ở đó, việc học thực sự đang xảy ra.



(
Tham khảo
Bộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” – Chưa từng có những nền giáo dục tạo ra con người tự do – Hà Thủy Nguyên



Phi Tuyết

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Dân chủ, văn minh ...Phương Tây



Cái nôi nền dân chủ phương Tây không phải là đế chế La mã đó sao? Một nền dân chủ tàn bạo!

Văn minh Phương Tây với sự tiến bộ phải chăng bằng  " Thập Tự Chinh" , " Chiến tranh thế giới thứ 1 và 2"?
Nước Mỹ lập quốc tự hào vì đã tiêu diệt hết các bộ tộc da đỏ và cái nền "tự do hàng đầu" thế giới được xây dựng trên cuộc nội chiến Bắc- Nam đẫm máu?

Vua Nghiêu, vua Thuấn chẳng phải là độc tài lắm ru! Cai trị thiên hạ quốc thái dân an. Một nền độc tài nhân đạo chăng?

Mục đích của dân chủ là tìm sự cân bằng xã hội!Cân bằng Thiện - ác, giàu -nghèo...

Tự nhiên chẳng phải dân chủ lắm sao? Cây nhả oxy người thở nhả cacbon  cho cây hấp thụ, sâu bọ phá hoại cây cối thì chim chóc diệt sâu bọ bảo vệ cây, cây bảo vệ chim chóc có nơi trú ẩn ...chỉ có loài người " với cái "văn minh tiến bộ" " dân chủ " là ra tay phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên để phải đón nhận bao thảm họa do tự nhiên vận động  cân bằng sự tồn tại của cái " sống chúng sanh."




Thiên hạ cứ bô bô cái miệng " Dân chủ " " văn minh phát triển" ... chán ngấy!