Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Phê Bình về Đạo của Vật Lý

Fritjof Capra - Biên Dịch: Nguyễn Tường Bách


Bây giờ tôi xin nói đến các phê bình về Đạo của vật lý đã phát sinh trong những năm qua. Một câu hỏi hay đặt ra cho tôi là các đồng nghiệp trong cộng đồng vật lý chấp nhận thế nào các luận điểm chính của tôi?

Như đã tiên đoán, trước hết phần lớn các nhà vật lý đều rất nghi ngờ và thậm chí nhiều người cảm giác bị cuốn sách đe dọa. Những kẻ có cảm giác bị cuốn sách đe dọa đã phản ứng với sự bực dọc thông thường. Họ lăng mạ và thường phê bình hằn học không giấu giếm, trong sách báo hay trong thảo luận riêng, chúng chỉ phản ánh chính sự dao động của họ.

Những lý do mà Đạo của vật lý có khi bị cảm nhận như sự đe dọa nằm nơi sự hiểu sai phổ biến về tính chất đạo học. Trong cộng đồng khoa học, đạo học thường được nghĩ là một cái gì mơ hồ, ù mờ, tối tăm và hết sức phi khoa học. Khi thấy một lý thuyết đáng yêu của mình bị so sánh với hoạt động mơ hồ tối tăm đó, nhiều nhà vật lý cảm thấy bị đe dọa rất nhiều.

Cái nhìn sai lầm này về đạo học thật sự là rất đáng tiếc, vì nếu ta đọc những kinh sách cổ điển của các truyền thống đạo học, ta sẽ thấy những chứng thực tâm linh sâu xa không bao giờ được mô tả một cách mơ hồ tối tăm, mà ngược lại, nó luôn luôn liên hệ với sự sáng sủa. Hình tượng tiêu biểu mô tả thực chứng này có thể là dứt bỏ vô minh, cắt bỏ ảo giác, tâm thức sáng tỏ, nhận thức ánh sáng, hoàn toàn tỉnh giác - tất cả những cái đó nói về sự sáng tỏ. Thực chứng tâm linh lại đi ra khỏi mức độ suy luận trí thức, nên sự sáng tỏ là một thể loại khác, nhưng nó không có gì là mơ hồ hay tối tăm cả về các thực chứng này. Thực tế là từ giác ngộ mà chúng ta dùng để mô tả thời kỳ của Cartesi mới, thời kỳ tiếp cận khoa học ở châu Âu vào thế kỷ 18, là một trong những từ cổ nhất và được sử dụng rộng nhất để mô tả thực chứng tâm linh.

May mắn thay, ý niệm sai lầm về đạo học với những điều mơ hồ và thiếu rõ ràng đó ngày nay đã thay đổi. Vì một số lớn người bắt đầu quan tâm đến tư tưởng phương Đông và thiền định không còn được xem là đáng chê cười hay nghi ngại, đạo học đã được coi trọng hơn trước nhiều, ngay cả trong cộng đồng khoa học.

Hãy cho tôi điểm lại những phê bình chung nhất về Đạo của vật lý, những điều mà tôi luôn luôn phải đương đầu trong suốt mười lăm năm qua. Trước hết, phải nói rằng tôi rất vui mừng thấy trong bài phê bình mà tôi nhận được từ các đồng nghiệp vật lý, không có trong đó tìm thấy sơ suất gì trong các trình bày về vật lý hiện đại. Có vài người không nhất trí với tôi khi nhấn mạnh vài chỗ trong sự phát triển hiện nay, nhưng tới nay không ai thấy có sai lầm về nội dung chuyên môn trong Đạo của vật lý. Thế nên phần này đã đứng vững từ mười lăm năm qua.

Có hai luận cứ mà tôi nghe nhiều hơn cả về luận điểm cơ bản của mình. Luận cứ thứ nhất nói rằng thực tế khoa học của ngày hôm nay sẽ bị sự nghiên cứu của ngày mai phá bỏ. Lời phê bình đó đặt câu hỏi, thế thì một sự việc bị tạm thời như thế, là mô hình hay lý thuyết trong vật lý hiện đại có thể so sánh được với chứng nghiệm tâm linh, nó được xem là phi thời gian và vĩnh cửu? Phải chăng những sự thật của đạo học sẽ đứng vững hay ngã đổ với những lý thuyết của vật lý hiện đại?

Luận cứ này nghe rất thuyết phục, nhưng nó xuất phát từ sự hiểu sai về tính chất của nghiên cứu khoa học. Luận cứ này đúng ở chỗ không có sự thực tuyệt đối trong khoa học. Bất cứ điều gì nhà khoa học nói ra đều được thể hiện bởi những mô tả giới hạn và gần đúng, và sự mô tả gần đúng này sẽ được tốt hơn với mỗi sự phát triển từng phần từng bước.Thế nhưng, khi lý thuyết hay mô hình được cải tiến trong mỗi bước, thì nhận thức không phải bị thay đổi một cách tùy tiện. Mỗi thuyết mới đều liên hệ với thuyết trước nó một cách rõ ràng, mặc dù trong một cuộc cách mạng khoa học, điều này có thể bất định trong một thời gian dài. Thuyết mới không loại bỏ thuyết cũ một cách tuyệt đối, nó chỉ là sự tiếp cận tốt hơn. Thí dụ cơ học lượng tử không hề cho cơ học Newton là sai trái, nó chỉ cho thấy vật lý Newton có hạn chế.

Bây giờ ta cần chú thích thêm là khi một lý thuyết trong một lĩnh vực mới được đề ra, khi khoa học cũ được cải tiến bởi thuyết mới, không phải tất cả khái niệm của cái cũ bị từ bỏ. Và tôi tin, những khái niệm nào trong lý thuyết hiện nay của chúng ta không bị đào thải và tồn tại, đó là những khái niệm gắn chặt với các truyền thống đạo học.

Tôi có thể nói biến cố này trong vật lý Newton. Một trong những phát hiện then chốt của Newton, có thể là cái then chốt nhất và cái nổi tiếng nhất, đó là sự khám phá có một thứ bậc chung trong vũ trụ. Tương truyền rằng, Newton nhận thấy trong tia chớp của trực giác, khi một trái táo rơi từ cành xuống đất, thì lực đã lôi trái táo xuống đất cũng chính là lực lôi kéo các hành tinh quay quanh mặt trời. Đó là điểm xuất phát của thuyết Newton về lực trọng trường và cái nhìn này - có một thứ bậc nhất thể trong vũ trụ - cũng không hề bị cơ học lượng tử hay thuyết tương đối phê phán. Ngược lại, nó được xác nhận và thậm chí được đề cao trong những thuyết mới.

Tương tự như thế, tôi tin rằng tính nhất thể cơ bản và tính liên hệ phức tạp của vũ trụ cũng như nguyên lý động nội tại của những hiện tượng tự nhiên - hai luận điểm lớn của vật lý hiện đại - sẽ không bị các nghiên cứu tương lai làm thương tổn. Chúng có thể được phát biểu lại, và nhiều khái niệm ngày nay sẽ bị thay thế bởi một loạt những khái niệm của tương lai. Thế nhưng sự thay thế này sẽ xảy ra một cách thứ tự và những luận điểm căn bản mà tôi dùng trong sự so sánh với các truyền thống đạo học sẽ được tăng cường, chứ không bị suy giảm, tôi tin thế. Niềm tin này đã được xác định, không phải chỉ bởi những tiến bộ trong vật lý, mà bởi những phát triển nổi bật trong sinh vật học và tâm lý học.

Loại phê bình thứ hai mà tôi được nghe nhiều lần, lý luận rằng nhà vật lý và nhà đạo học nói về hai thế giới khac nhau. Nhà vật lý làm việc với một thực tại lượng tử, nó hầu như hoàn toàn vô nghĩa với thế giới bình thường, với hiện tượng hàng ngày, trong lúc đó, đạo học làm việc chính xác với hiện tượng vĩ mô, với sự vật của thế giới thông thường, nó hầu như không có gì liên quan đến thế giới lượng tử.

Trước hết, người ta cần thừa nhận rằng thực tại lượng tử không hề xa rời hiện tượng vĩ mô. Thí dụ, một trong những hiện tượng vật lý quan trọng của thế giới thông thường, tính cứng chắc của vật chất, là một hệ quả trực tiếp của hiệu ứng lượng tử nhất định. Vì thế ta cần sửa lại lý luận này và nói rằng nhà đạo học không chủ ý làm việc với thực tại lượng tử, còn nhà vật lý thì có.

Bây giờ, nói về khái niệm của hai thế giới khác nhau, cái nhìn của tôi là chỉ có một thế giới duy nhất - thế giới đáng kính sợ và bí ẩn này, nói như Carlos Castaneda - nhưng thực tại duy nhất này có nhiều khía cạnh, nhiều chiều hướng, nhiều mức độ. Nhà vật lý và nhà đạo học làm việc với khía cạnh khác nhau của thực tại. Nhà vật lý khai phá tầng mức của vật chất, nhà đạo học khai phá tầng mức của tâm linh. Điều mà hai loại khám phá có chung là, hai tầm mức đó đều nằm ngoài cảm quan thông thường.

Thế nên ta có nhà vật lý dò tìm trong vật chất với sự giúp sức của những thiết bị tinh xảo và nhà đạo học dò tìm trong ý thức với sự giúp sức của phương pháp thiền định tinh tế. Cả hai đều đạt tới tầng mức không thông thường của nhận thức, và tại tầng mức không thông thường này thì những cấu trúc và nguyên lý của sự tổ chức xem ra hết sức tương tự. Cách thế mà cấu trúc vi mô liên hệ với nhau đối với nhà vật lý, phản ánh đùng cách thế mà các cấu trúc vĩ mô liên hệ với nhau đối với nha đạo học. Và khi ta cô lập những cấu trúc vĩ mô đó trong cách thế nhận thức thông thường thì ta nhận ra chúng là vật thể thông thường, cách ly.

Một loại phê bình khác, hay được nêu lên, nhất trí là nhà vật lý và đạo học hướng đến những tầng mức khác nhau của thực tại. Tầng mức của đạo học cao hơn, là thực tại tâm linh, nó chứa đựng thực tại thấp hơn là hiện tượng vật lý, trong lúc thực tại vật lý không chứa tâm linh.

Trước hết tôi xin nói rằng, nói một thực tại này cao hơn hay thực tại kia thấp hơn, là một tàn dư của mẫu hình tư duy cũ - lại nhắc tới hình ảnh của tòa kiến trúc, chứ không nói về mạng lưới. Tuy nhiên tôi đồng ý là nhà vật lý không nói được gì về các tầng mức khác nhau, hay chiều hướng hay thực tại khác - đời sống, tinh thần, ý thức, tâm linh, vân vân. Đối với vật lý, không có gì để nói về những tầng mức của nó, nhưng khoa học thì rất có thể.

Tôi đã đến chỗ tin rằng mẫu hình mới cho khoa học, mà tôi đã đề xuất sáu tiêu chuẩn, đã tìm thấy sự phát biểu phù hợp nhất trong lý thuyết mới về đời sống, những hệ thống tự tổ chức vận hành, chúng đã xuất hiện trong ngành Cybernetics (điều khiển học) trong những thập niên qua. Ilya Priogine, Gregory Batetson, Humberto Maturana, và Francisco Varela là một số những người đầu tiên đóng góp cho thuyết này. Đó là một thuyết có thể áp dụng cho mỗi quá trình phát triển hữu cơ cá thể, hệ thống xã hội, và hệ thống sinh thái; và chúng hứa hẹn đưa đến một quan niệm thống nhất về đời sống, tinh thần, vật chất và tiến hóa. Cách tiếp cận này xác nhận sự tương đồng giữa vật lý và đạo học và cộng thêm nhiều cái khác nằm ngoài phạm vi vật lý: quan niệm về ý chí tự do, quan niệm về sống chết, tự tính của ý thức, vân vân. Đó là một sự hòa điệu sâu sắc giữa khái niệm, chúng được phát biểu trong một hệ thống tự tổ chức vận hành và các khái niệm liên hệ trong các truyền thống đạo học.

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Đạo của vật lý- Chương 18 : Sự dung thông



Đến nay, thế giới quan được đề xuất bởi vật lý hiện đại luôn luôn chỉ rõ rằng, ý niệm về hạt cơ bản kiến tạo nên thế giới vật chất không thể đứng vững. Trong quá khứ, khái niệm này hết sức thành công để lý giải thế giới vật lý bằng một số nguyên tử; lý giải cấu trúc nguyên tử bằng hạt nhân với các electron chạy vòng sung quanh; và cuối cùng lý giải cấu trúc hạt nhân bằng hai hạt kiến tạo là proton và neutron. Do đó, nguyên tử, nhân nguyên tử rồi hadron lần lượt đã được xem là hạt cơ bản (hạt cuối cùng kiến tạo thế giới vật chất). Thế nhưng, không có hạt nào trong số đó thỏa ứng sự chờ đợi. Cứ mỗi lần tới phiên mình, các hạt này lại cho thấy bản thân chúng có cấu trúc riêng và nhà vật lý cứ luôn luôn hy vọng đợi hạt tới sẽ là những hạt cuối cùng của vật chất.

Mặt khác, lý thuyết vật lý nguyên tử và hạ nguyên tử lại cho thấy sự hiện hữu của những hạt cơ bản đó ngày càng khó đứng vững. Nó phát hiện ra một mối tương quan cơ bản của vật chất, cho thấy rằng động năng có thể biến hóa thành khối lượng, và đề xuất phải nhìn hạt là một tiến trình chứ không phải là vật thể. Tất cả những thành tựu đó chỉ rõ rằng một khái niệm đơn giản mang tính cứng nhắc về “hạt kiến tạo cơ bản” cần phải được tư bỏ, thế nhưng cũng còn nhiều nhà vật lý vẫn ngại làm điều đó. Truyền thống lâu đời chuyên giải thích cấu trúc phức tạp bằng cách đập nhỏ chúng ra từng mảnh đơn giản đã bắt rễ quá sâu trong tư tưởng phương Tây, vì thế ta vẫn cứ tiếp tục tìm kiếm những hạt cơ bản đó.

Thế nhưng có một trường phái tư tưởng hoàn toàn khác trong nền vật lý hạt, nó xuất phát từ ý niệm rằng, thế giới tự nhiên không thể được qui lại về những đơn vị cơ bản, dù đó là hạt cơ bản hay trường cơ bản. Thiên nhiên phải được hiểu một cách toàn thể thông qua tự bản thân nó, với tất cả những phần tử đang ăn khớp với nhau, với chính bản thân chúng. Ý niệm này đã xuất hiện trong hệ thống của thuyết ma trận S và được gọi là giả thuyết Bootstrap. Cha đẻ và lý thuyết gia quan trọng của nó là Geoffrey Chew, người mà một mặt đã phát triển ý niệm này trở thành một triết lý Dung thông chung nhất về thiên nhiên, mặt khác (đã cùng với những người khác), xây dựng một lý thuyết đặc trưng về hạt, được phát biểu trong ngôn ngữ của ma trận S. Chew đã mô tả giả thuyết Dung thông trong nhiều bài viết, và phần sau đây là dựa vào những bài đó.

Triết học Dung thông là tư tưởng từ bỏ hoàn toàn thế giới quan cơ học trong vật lý hiện đại. Vũ trụ của Newton được xây dựng bằng một loạt những đơn vị cơ bản với những tính chất nòng cốt nhất định, xem như do Thượng đế tạo nên và vì thế không thể phân tích thêm được. Với cách này hay cách khác, khái niệm này được chứa đựng trong nhiều lý thuyết của khoa học tự nhiên cho đến giả thuyết Dung thông quả quyết rằng theo thế giới quan mới thì vũ trụ được hiểu như là một mạng lưới động chứa toàn những biến cố liên hệ với nhau. Không một tính chất nào của bất kỳ thành phần nào trong mạng lưới này là cơ bản; tất cả chúng đều sinh ra từ tính chất của những thành phần khác, và chúng tương thích toàn diện trong quá trình tương tác của những cấu trúc xác định trong toàn mạng lưới.

Thế nên, triết học Dung thông mà tiêu biểu là đỉnh cao của quan điểm về tự nhiên, nó xuất hiện trong thuyết lượng tử với sự nhìn nhận có một mối liên hệ chủ yếu và toàn diện trong vũ trụ, nó nhận được nội dung động trong thuyết tương đối, và nó được phát biểu bằng xác suất phản ứng trong thuyết ma trận S. Đồng thời, quan điểm này tiến gần hơn nữa với thế giới quan phương Đông và bây giờ hòa điệu với tư tưởng phương Đông, trong cả triết lý chung lẫn hình dung đặc biệt về vật chất.

Giả thuyết Dung thông không chỉ phủ nhận sự hiện hữu của những hạt vật chất cơ bản, mà còn không chấp nhận bất cứ một đơn vị nào là cơ bản - chẳng có qui luật nào là cơ bản, phương trình hay nguyên lý nào - và với điều đó, từ bỏ những ý niệm đã là nòng cốt trong khoa học tự nhiên suốt hàng năm trăm qua. Khái niệm về qui luật cơ bản được suy ra từ niềm tin có một đấng thiêng liêng về nắm giữ qui luật, bắt rễ sâu trong truyền thống đạo Do Thái - Cơ Đốc. Sau đây là những dòng của Thomas Aquinas:

Có một qui luật trường cửu nhất định, đó là Nghĩa lý, nó nằm trong ý định của Chúa và điều hành toàn thế giới vũ trụ.

Khái niệm về qui luật thiên nhiên thiêng liêng và trường cửu gây một ảnh hưởng lớn trong triết học và khoa học phương Tây. Descartes viết về “qui luật mà Chúa đã đặt để trong thiên nhiên” và Newton tin rằng, mục đích cao nhất của công trình khoa học của mình là để minh chứng cho “qui luật Chúa đặt ra”. Ba thế kỷ sau Newton, mục đích của nhà khoa học tự nhiên là vẫn khám phá ra những qui luật cuối cùng của tự nhiên.

Ngày nay vật lý hiện đại đã phát triển một thái độ rất khác. Nhà vật lý đã nhìn nhận rằng, tất cả lý thuyết của họ về hiện tượng tự nhiên, kể cả những qui luật mà họ mô tả, tất cả đều do đầu óc con người sáng tạo ra; tất cả là tính chất của hình dung của chính chúng ta về thực tại, chứ không phải bản thân thực tại. Hình dung mang nặng tính khái niệm này buộc phải hạn chế và chỉ tiến đên sự gần đúng (xem trang 36), cũng như mọi lý thuyết khoa học và qui luật thiên nhiên mà nó chứa đựng. Tất cả mọi hiện tượng trong tự nhiên cuối cùng đều tương thích và liên hệ với nhau; và muốn giải thích một cái này ta cần hiểu tất cả những cái khác, rõ là điều không thể. Điều làm khoa học thành công là sự khám phá ra tính gần đúng. Nếu ta bằng lòng với sự hiểu biết gần đúng về thiên nhiên, thì như thế ta có thể mô tả một nhóm hiện tượng chọn lọc, bỏ qua các hiện tượng khác không quan trọng. Nhờ thế mà ta có thể lý giải nhiều hiện tượng thông qua một số ít khác và hệ quả là hiểu nhiều khía cạnh khác nhau của thiên nhiên trong dạng gần đúng, mà không buộc phải hiểu mọi thứ khác tức khắc. Đó là phương pháp khoa học; tất cả mọi lý thuyết khoa học và mô hình đều là sự gần đúng so với tính chất đích thực của sự vật, nhưng cái sai sót xảy ra trong sự gần đúng đó thường đủ nhỏ bé để cách tiếp cận đó có ý nghĩa. Thí dụ trong vật lý hạt, các lực tương tác trọng trường giữa các hạt thường được bỏ qua, chúng nhỏ hơn nhiều lần so với các lực tương tác khác. Mặc dù sự sai sót sinh ra do việc này là nhỏ, trong tương lai, tương tác trọng trường cần được lưu ý để có những lý thuyết chính xác hơn về hạt.

Thế nên, nhà vật lý xây dựng những mảng lý thuyết từng phần và gần đúng, mỗi một phần đó chính xác hơn thuyết trước mình, nhưng không có thuyết nào đúng một cách toàn bộ và chung quyết cho các hiện tượng thiên nhiên. Cũng như các lý thuyết, tất cả các “qui luật thiên nhiên” do họ đề ra cũng hay thay đổi, phải bị thay thế bởi các luật chính xác hơn, khi các lý thuyết trở nên hoàn chỉnh hơn. Tính chất bất toàn của một lý thuyết thường được phản ánh trong những đại lượng mà ta gọi là các hằng số cơ bản, đó là, những trị số không được lý giải bằng lý thuyết mà được đưa vào lý thuyết sau khi xác định bằng thực nghiệm. Ví dụ, thuyết lượng tử không thể giải thích trị số sử dụng cho khối lượng của electron, hay thuyết tương đối với vận tốc ánh sáng. Trong quan điểm cổ điển, các trị số đó được xem là hằng số cơ bản của thiên nhiên, chúng không cần lý giải gì thêm. Trong cách nhìn mới, vai trò gọi là hằng số cơ bản chỉ được xem là tạm thời và phản ánh giới hạn của lý thuyết đó. Theo triết học Dung thông, chúng phải được lý giải, từng cái từng cái, trong các lý thuyết tương lai, vì tính chính xác và độ bao trùm của những thuyết này tăng lên. Thế nên ta có thể tiếp cận dần đến tình huống lý tưởng nhất (nhưng có lẽ chẳng bao giờ đạt tới), nơi mà lý thuyết không chứa đựng loại hằng số cơ bản không giải thích được, và nơi mà những qui luật của chúng thỏa ứng tất cả những đòi hỏi chung nhất.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng ngay cả một lý thuyết tối ưu như thế cũng phải chứa vài tính chất không giải thích được, không nhất thiết phải biểu lộ trong dạng những hằng số. Bao lâu còn là một lý thuyết khoa học, bấy lâu nó còn đòi hỏi sự chấp nhận mà không giải thích, một số khái niệm nhất định,chúng đã hình thành ngôn ngữ khoa học. Nếu ta đẩy ý niệm Dung thông đi tiếp. Ta có thể lọt ra ngoài khuôn khổ khoa học luôn :

Trong một nghĩa rộng thì ý niệm Dung thông, mặc dù hấp dẫn và hữu ích, nó là phi khoa học…Khoa học, như ta biết, đòi hỏi một ngôn ngữ dựa trên những khuôn khổ không bị tra vấn. Vì thế mà về mặt ngôn ngữ, nếu muôn tìm cách giải thích tất ca mọi khái niệm, điều đó khó gọi là “khoa học” được.

Điều rõ rệt là quan điểm Dung thông toàn diện về tự nhiên, trong đó mọi hiện tượng trong vũ trụ chỉ được hình thành bằng sự tự tương thích đến rất gần với thế giới quan phương Đông.

Trong một vũ trụ không thể phân chia, trong đó mọi sự vật và biến cố liên hệ chặt chẽ với nhau, khó mà nói gì cho có lý nếu không nói chúng tương thích với nhau. Trong một cách nào đó thì đòi hỏi tương thích lẫn nhau, điều đã xây dựng nên nền tảng của giả thuyết Dung thông; và tính nhất thể lẫn mối liên hệ giữa các hiện tượng, điều được đạo học phương Đông nhấn mạnh; chúng chính là những khía cạnh khác nhau của một ý niệm chung. Mối liên hệ chặt chẽ này được trình bày rõ nhất trong Lão giáo. Đối với các chân nhân đạo Lão, tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều là thành phần của con đường vũ trụ - của Đạo - và qui luật mà Đạo đi theo không do ai đặt định ra hay do đấng thiêng liêng nào, mà là tính chất nội tại trong tự tính của nó. Thế nên ta đọc trong Đạo Đức Kinh:

Người bắt chước Đất (Nhơn pháp Địa), Người theo phép Đất
Đất bắt chước Trời (Địa pháp Thiên), Đất theo phép Trời
Trời bắt chước Đạo (Thiên pháp Đạo), Trời theo phép Đạo
Đạo bắt chước Tự nhiên (Đạo pháp Tự nhiên), Đạo theo pháp Tự nhiên.

Joseph Needham, trong công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về khoa học và văn minh Trung quốc, trình bày rõ ràng tại sao quan điểm phương Tây về qui luật cơ bản tự nhiên, với nguồn gốc từ một đấng thiêng liêng là người ban luật, không hề có sự tương đồng trong tư tưởng Trung quốc. Theo thế giới quan Trung quốc, Needham viết, “sự hòa đồng của mọi hiện hữu được sinh ra, không phải từ quyền phép của một uy lực siêu thế nằm ngoài chúng, mà từ thực tế, chúng là thành phần của một cái toàn thể tạo thành cấu trúc của vũ trụ, và điều chúng tuân thủ chính là sự nhắn nhủ từ chính nội tâm của chúng”.

Theo Needham, thậm chí người Trung quốc không có từ tương tự để chỉ ý niệm cổ điển của phương Tây nói về qui luật tự nhiên. Từ gần nhất với ý niệm đó là Lý, điều mà triết gia Tân Khổng giáo Chu Hi gọi là “vô số những mẫu hình như mạch máu nằm trong Đạo”. Needham phiên dịch Lý là nguyên lý tổ chức và lý giải thêm như sau:

Trong nghĩa cổ đại nhất, nó chỉ định những mẫu hình trong sự vật, đó là vân của ngọc thạch hay sợi trong bắp thịt… Nó đạt được từ chung là “nguyên lý”, nhưng luôn luôn giữ một nghĩa của “cấu trúc”…Đó là “qui luật “, nhưng qui luật này là luật mà các thành phần của cái toàn thể phải tuân thủ vì chúng chính là phần của cái chung… Điều quan trọng nhất khi nói về thành phần là chúng vào đúng chỗ, chính xác, ăn khớp với những thành phần khác tron một sinh cơ toàn thể do chúng tạo nên.

Ta dễ thấy một quan điểm như thế đưa tư tưởng gia Trung quốc vào ý niệm mới được phát triển trong thời gian gần đây của vật lý hiện đại, đó là, sự tự tương thích chính là cái tinh túy của mọi qui luật thiên nhiên. Câu nói sau đây của Chen Sun, một học trò của Chu Hi sống khoảng năm 1200 Công nguyên, diễn tả hình dung này rất rõ, những câu này có thể được xemlà sự trinh bày toàn hảo về nọi dung tự tương thích trong triết lý Dung thông:

Lý là luật của tự nhiên, không thể trốn thoát, luật của sự và vật…ý nghĩa của “tự nhiên, không thể trốn thoát” là sự (của con người) và vật (của thiên nhiên) được tạo ra để được đặt vào đúng chỗ này xảy ra không chút thừa hay thiếu…Con người từ xưa, tìm hiểu sự vật đến chỗ tận cùng, và tìm ra lý, chỉ muốn là sáng tỏ sự không trốn thoát được tự nhiên của sự và vật, và điều đó có nghĩa đơn giản là những gì họ muốn tìm chính là chỗ mà vật được đặt vào ăn khớp vớí nhau. Chỉ như thế.

Trong quan niệm phương Đông, cũng như trong cách nhìn của vật lý hiện đại, thì mọi sự trong vũ trụ đều có liên quan đến mọi sự khác và không có thành phần nào là cơ bản. Tính chất của mỗi phần được xác định, không phải bởi qui luật nào, mà bởi tính chất của tất cả các thành phần khác. Cả hai, nhà vật lý và nhà đạo học đều thừa nhận không thể giải thích hoàn toàn một hiện tượng, thế nhưng sau đó, hai bên mỗi người có thái độ khác nhau. Nhà vật lý, như đã nói trên, bằng lòng với một tiếp cận gần đúng với thiên nhiên. Nhà đạo học phương Đông, mặt khác, không quan tâm đến nhận thức gần đúng hay tương đối. Họ quan tâm đến nhận thức tuyệt đối, nó bao tùm sự hiểu biết của toàn bộ đời sống. Biết rõ mối quan hệ khăng khít với nhau trong vũ trụ, họ thấy rõ giải thích một vật cuối cùng chính là trình bày sự liên hệ vật đó với mọi vật khác như thế nào. Vì điều đó là bất khả; nhà đạo học phương Đông quả quyết rằng không thể giải thích sự vật nào một cách đơn lẻ. Thế nên Mã Minh nói:

Tất cả các pháp không thể dùng danh tự để kêu gọi, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể dùng tâm suy nghĩ được.

Vì vậy, các thánh nhân phương Đông, thường không quan tâm việc giải thích sự vật, mà tìm kiếm một sự chứng thực trực tiếp, phi suy luận về tính nhất thể của mọi sự. Đó cũng là thái độ của Đức Phật là người trả lời mọi câu hỏi về ý nghĩa đời sống, nguyên nhân của thế giới hay tính chất của niết bàn bằng một sự im lặng cao quí. Những câu trả lời vô nghĩa của các thiền sư khi được yêu cầu giải thích điều gì đó, hình như cũng có mục đích đó; để cho người học trò thấy rằng mọi sự đều là hệ quả của toàn bộ cái còn lại; rằng giải thích tự tính không có gì khác hơn là chỉ rõ tính nhất thể của nó; rằng cuối cùng không có gì để giải thích cả. Khi một vị tăng hỏi Động Sơn đang cân gạo: “Phật là gì?”, Động Sơn đáp. “Ba cân”; và khi Triệu Châu được hỏi tại sao Bồ-Đề Lạt-ma đi Trung quốc, ông trả lời: “Cây tùng trước cổng”.

Giải thoát đầu óc con người khỏi chữ nghĩa và lý luận là một trong những mục đích chính của nhà đạo học phương Đông. Cả Phật giáo lẫn Lão giáo đều nói về mạng lưới chữ nghĩa hay mạng lưới khái niệm, đã mở rộng ý niệm của một mạng lưới liên hệ lẫn nhau vào trong lĩnh vực của tư duy. Bao lâu ta còn tìm cách giải thích sự vật, bấy lâu ta còn bị Nghiệp trói buộc: bị giam trong mạng lưới khái niệm của chính ta. Vượt lên chữ nghĩa và khái niệm là phá vỡ vòng kiềm tỏa của Nghiệp và đạt giải thoát.

Thế giới quan của đạo học phương Đông chia sẻ với triết học Dung thông của vật lý hiện đại, không những ở chỗ nhấn mạnh đến mối liên hệ lẫn nhau và sự tương thích của mọi hiện tượng, mà còn ở chỗ phủ nhận một bản thể cơ sở của vật chất. Trong một vũ trụ vốn là một cái toàn thể không thể phân chia và nơi mà mọi hình thể đều đang trôi chảy và thay đổi liên tục, nơi đó không có chỗ cho một đơn vị cố định hay cơ bản. Vì thế mà khái niệm bản thể cơ sở của vật chất không được nhắc tới trong tư tưởng phương Đông. Thuyết nguyên tử vật chất không hề được phát triển trong tư tưởng Trung quốc, và mặc dù nó xuất hiện nơi vài trường phái triết học Ấn Độ, nó chỉ nằm bên lề của huyền thoại Ấn Độ. Trong Ấn Độ giáo, khái niệm nguyên tử chỉ xuất hiện trong hệ Jaina (hệ này được xem là phi kinh viện vì không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Vệ - đà). Trong triết học Phật giáo, thuyết nguyên tử xuất hiện trong hai trường phái của Tiểu thừa, nhưng chúng được phái Đại thừa quan trọng hơn xem là sản phẩm của vô minh. Thế nên Mã Minh nói:

Khi chia chẻ vật chất, ta biến chúng thành vi trần. Nhưng vi trần lại bị chia chẻ tiếp tục, nên tất cả dạng hiện hữu, dù thô sơ hay vi tế, không gì khác hơn là bóng dáng của sự phân biệt và chúng không có bất cứ mức độ nào của thật tánh.

Như thế, những trường phái chính của đạo học phương Đông đều cùng quan điểm với triết lý Dung thông rằng, vũ trụ là một thể chung liên hệ lẫn nhau, trong đó không có phần nào là cơ bản hơn phần nào, rằng tính chất của một phần này được xác định bởi tất cả các phần kia. Trong nghĩa này, người ta cũng có thể nói mỗi phần chứa đựng tất cả các phần kia; và thực tế là một hình ảnh về sự hóa thân để sinh ra lẫn nhau hình như đánh dấu sự chứng nghiệm huyền bí về thiên nhiên. Sau đây là những dòng của Sri Aurobindo:

Đối với cảm quan siêu thế, không có gì là thực sự hữu hạn; nó dựa trên một cảm giác là tất cả ở trong mỗi một và mỗi một ở trong tất cả.

Nội dung tất cả ở trong mỗi một và mỗi một ở trong tất cả tìm thấy sự phát triển lớn nhất trong Hoa Nghiêm Tông của Phật giáo Đại thừa, thường được xem là đỉnh cao cuối cùng của tư tưởng Phật giáo. Nó đặt nền tảng trên kinh Hoa Nghiêm, theo truyền thuyết là do Đức Phật thuyết giảng trong khi Ngài nhập định sau khi giác ngộ. Bộ Kinh này tới nay chưa được dịch ra thứ tiếng phương Tây nào, mô tả một cách chi tiết thế giới được nhận thức thế nào trong ý thức giác ngộ, khi “vỏ cứng của cá thể bị tan biến và cảm giác của hữu hạn không còn đè nặng chúng ta”. Trong phần cuối, được gọi là Phẩm Hoa Nghiêm, Kinh kể lại câu truyện của một người tầm đạo trẻ tuổi, Thiện Tài trình bày một cách sinh động những chứng thực siêu hình của anh về vũ trụ, vũ trụ đã hiện ra như một mạng luới toàn hảo của những mối tương quan, trong đó tất cả sự vật và biến cố tương tác với nhau trong cách thế là mỗi một chứa đựng tất cả cái khác. Đoạn sau này của Kinh, được D.T.Suzuki phỏng dịch, dùng hình ảnh của một khung trời trang hoàng tuyệt đẹp, để truyền đạt chứng nghiệm của Thiện Tài:

Cung điện rộng lớn và bao la như bầu trời. Nền cung điện được lót bằng vô số hạt minh châu đủ loại, và khắp nơi trong cung trời, còn vô số tháp, của lớn, cửa sổ, lan can, lối đi, tất cả đều được gắn bảy loại hạt minh châu quí báu…

Trong cung, khắp nơi đều trang hoàng tráng lệ lại có hàng trăm ngàn tháp, mỗi tháp lại được trang hoàng tráng lệ như cung và cũng rộng lớn như bầu trời. Và tất cả những tháp này, vô số không đếm được, không hề là chướng ngại lẫn nhau, mỗi một đều giữ tính chất riêng của mình trong sụ hòa hợp tuyệt đối với những cái kia; không có gì ngăn cản một tháp này thâm nhập vào tháp kia, vừa cá thể vừa toàn thể; đó là một tình trạng toàn hảo của sự trộn lẫn và trật tự. Thiện Tài, người tầm đạo trẻ tuổi, tự thấy mình trong tất cả các tháp cũng như mỗi tháp riêng lẻ, trong đó tất cả đều chứa trong mỗi một và mỗi một đều chứa đựng tất cả 15.

Tất nhiên, trong đoạn này, cung điện là hình ảnh của vũ trụ và sự thâm nhập lẫn nhau toàn hảo của các thành phần được Đại thừa Phật giáo gọi là viên dung vô ngại. Kinh Hoa Nghiem chỉ rõ sự viên dung này là mối lên hệ động cốt tủy, nó không những xảy ra trong không gian mà cả trong thời gian. Như đã nói trong các chương trước không gian và thời gian cũng được xem là thâm nhập (viên dung) với nhau.

Kinh nghiệm thực chứng của sự viên dung trong trạng thái giác ngộ có thể được xem là linh ảnh huyền diệu của một tình trạng Dung thông hoàn hảo, nơi đó tất cả hiện tượng thế gian đều xen kẽ vào nhau một cách hòa hợp. Trong tình trạng đó của ý thức, óc suy luận được chuyển hóa và các lý giải nhân - quả không còn cần thiết, chúng được thay thế bằng một chứng thực trực tiếp về sự liên hệ lẫn nhau của sự vật và biến cố. Thế nên, khái niệm viên dung của đạo Phật đi xa hơn hẳn bất cứ khoa học nào về Dung thông. Cần nói thêm rằng, có nhiều mô hình về các hạt hạ nguyên tử trong vật lý hiện đại, dựa trên giả thuyết Dung thông, chúng cho thấy một sự tương đồng lớn lao với Đại thừa Phật giáo.

Nếu ý niệm Dung thông được phát biểu trong một khuôn khổ khoa học, thì nó phải được giới hạn và xem như gần đúng với tính gần đúng của nó bắt nguồn từ việc ta bỏ qua các lực tương tác khác, chỉ quan tâm đến lực tương tác mạnh.Vì các tương tác mạnh này lớn gấp hàng trăm lần các tương tác điện từ và gấp nhiều lần hơn nữa so với tương tác yếu cũng như trọng trường, sự tiếp cận gần đúng đó có thể được xem là có lý. Vì vậy Dung thông khoa học chỉ xử lý các tương tác mạnh của hạt, hay của hadron, và vì thế nó thường được gọi là Dung thông hadron. Nó được phát biểu trong khuôn khổ của thuyết ma trận S và mục đích của nó là suy ra tất cả các tính chất của hadron và tương tác của chúng dựa trên yêu cầu của sự tương thích. Các qui luật cơ bản duy nhất được chấp nhận trong nguyên lý ma trận S đã được nói trong chương trước, chúng xuất phát từ cách quan sát và đo lường của chúng ta và vì thế mà tạo nên khuôn khổ cần thiết của mọi khoa học, đó là điều không ai tra vấn. Tất cả mọi tính chất khác của ma trận S có thể tạm thời được xem là nguyên lý cơ bản, nhưng ta hy vọng chúng sẽ tự biến thành hệ quả tất yếu của quá trình tương thích, viên dung trong một lý thuyết toàn bộ. Giả định rằng tất cả hạt hadron đều nằm trong các họ được mô tả bởi dạng Reege (xem trang 324) có thể thuộc loại này.

Trong ngôn ngữ của thuyết ma trận S thì giả thuyết Dung thông đề xuất rằng, ma trận S với toàn bộ trị số, tức là chứa mọi tính chất của hadron, chỉ được xác định bởi các nguyên lý chung, vì rằng chỉ có một ma trận S duy nhất tương thích với cả ba nguyên lý đó. Thực tế là, nhà vật lý chưa bao giờ tiến gần tới một mô hình toán học thỏa ứng được cả ba nguyên lý chung đó. Nếu chỉ có một ma trận S duy nhất đủ khả năng mô tả tất cả tính chất và tương tác của hadron, như giả thiết của Dung thông tiên đoán, thì bây giờ ta hiểu tại sao nhà vật lý không xây dựng được một ma trận S tương thích, dù chỉ là cục bộ. Lý do là thế giới hiện tượng quá phức tạp.

Sự tương tác của các hạt hạ nguyên tử phức tạp đến mức không ai chắc rằng liệu một ma trận S toàn bộ tương thích đến một ngày nào đó được xây dựng nên, thế nhưng ta có thể tin rằng một ngày nào đó được xây dựmg nên, thế nên ta có thể tin rằng một loạt những mô hình từng phần có thể thành công, trong phạm vi nhỏ. Mỗi một mô hình đó có thể xem là đúng cho một phạm vi của vật lý hạt và vì thế chứa vài thông số không thể giải thích được, chính chúng tiêu biểu cho giới hạn của mô hình, những cũng những thông số này lại có thể lý giải bằng các mô hình kia. Nhờ vậy mà càng lúc càng nhiều hiện tượng, từng bậc, được lý giải với một sự chính xác ngày càng tăng, bằng những mô hình tương thích với nhau như những viên gạch, trong đó số lượng các thông số không giải thích được ngày càng giảm đi. Vì thế mà từ Dung thông không bao giờ phù hợp cho một mô hình riêng lẻ, mà chỉ được áp dụng cho một sự phối hợp của nhiều mô hình tương thích lẫn nhau, không có mô hình nào trong số đó là cơ bản hơn cái khác. Như Chew đã nói: “Nhà vật lý nào biết nhìn nhiều mô hình riêng lẻ và có giá trị trong phạm vi của mình, mà không thiên vị mô hình nào, người đó hiển nhiên là một nhà Dung thông học.

Một số những mô hình cục bộ thuộc loại này đã hiện hữu và cho thấy chương trình dung thông sẽ được thực hiện trong một tương lai không xa. Liên hệ đến hadron thì bài toán lớn nhất của thuyết ma trận S và thuyết dung thông luôn luôn lý giải cho được cấu trúc quark, nó đặc trưng cho tương tác mạnh. Thời gian gần đây, thuyết Dung thông chưa giải thích được sự bất thường rất lớn này và đó là nguyên nhân chính tại sao Dung thông chưa được coi trọng trong cộng đồng vật lý. Phần lớn nhà vật lý nghiêng về phía thành lập một mô hình quark, nó cung cấp, nếu không lý giải nhất quán, thì ít nhất cũng mô tả được hiện tượng. Thế nhưng, trong sáu năm qua, tình hình đã đảo lộn. Nhiều công trình quan sát cho phép suy ra phần lớn đặc trưng của mô hình quark, mà không cần giả định có sự hiện hữu của hạt quark. Những kết quả này đã tạo ra niềm hứng khởi lớn lao trong giới lý thuyết gia của ma trận S và có lẽ sẽ buộc cộng đồng vật lý phải đánh giá lại toàn bộ thái độ của họ đối với phép Dung thông trong nền vật lý hạ nguyên tử.

Hình ảnh của hadron xuất hiện từ thuyết Dung thông thường được gọi một cách gợi mở là mỗi một hạt chứa tất cả các hạt kia. Tuy thế, không nhất thiết phải hình dung là mỗi hadron chứa những hạt còn lại trong nghĩa cổ điển, tĩnh tại.

Khi nói cái này chứa cái kia, có nghĩa là hadron kéo cái kia trong cái động và nghĩa xác suất của thuyết ma trận S, mỗi hadron có khả năng ở trạng thái liên kết của một loạt những hạt có thể tương tác với nhau để tạo thành hadron đó. Trong nghĩa đó, tất cả hadron là những cấu trúc được hợp thành, mà thành phần của chúng là hadron, và không có thành phần nào là cơ bản hơn thành phần nào. Lực liên kết để duy trì cấu trúc đó được hình thành bởi sự trao đổi hạt, và những hạt được trao đổi đó lại chính là hadron. Thế nên mỗi hadron cùng một lúc đóng ba vai trò: bản thân nó là một cấu trúc được hợp thành, nó có thể là thành phần của một hadron khác, và nó có thể được trao đổi giữa các thành phần để thành một lực duy trì cấu trúc lại với nhau. Khái niệm “crossing” (giao nhau) vì thế là rất then chốt trong hình dung này. Mỗi hadron được duy trì bởi lực do sự trao đổi với hadron khác trong kênh ngang, rồi bản thân hadron (thứ hai) đó lại được duy trì bởi lực mà hadron trước cũng tham gia. Thế nên, “mỗi hạt sinh ra những hạt khác, những hạt vừa sinh, lại sinh lại hạt trước”. Toàn bộ các hadron tự sinh ra mình theo cách này và tự kéo mình lên, như kéo “ống giày” (bootstrap). Đó là một quá trình vô cùng phức tạp của sự tự khẳng định, đó là cách thể duy nhất để có thể tự hình thành. Nói cách khác chỉ có một nhóm hadron duy nhất tự tương thích - đó là nhóm tìm thấy trong thiên nhiên.

Trong Dung thông hadron, tất cả các hạt đều do các hạt khác tạo thành một cách động, và trong nghĩa này ta có thể nói chúng chứa lẫn nhau. Trong Đại thừa Phật giáo, một quan niệm rất giống như vậy cũng được dùng để nói về toàn bộ vũ trụ. Tấm lưới vũ trụ bao gồm các viên dung vô ngại được minh hoạ trong kinh Hoa Nghiêm bằng tấm lưới Đế Thích Indra (Nhân-đà-la), một tấm lưới rộng lớn treo toàn các hạt minh châu trên cung trời Đế Thích. Sau đây là những dòng của Sir Charles Eliot:

Trên cung trời Đế Thích, người ta nói có một tấm lưới chứa toàn ngọc, được sắp đặt sao mà bạn chỉ cần nhìn một viên, bạn thấy tất cả các viên khác phản chiếu vào đó. Trong cách đó, mỗi sự vật trong thế gian không phải chỉ là nó thôi, mà mang theo mỗi vật khác và thực tế là của tất cả phần còn lại. “Trong mỗi hạt bụi là vô lượng chư Phật".

Sự tương đồng của hình ảnh này với hình ảnh của Hadron thật là đáng kinh ngạc. Hình ảnh cung trời Đế Thích có thể gọi ngay là mô hình đầu tiên của Dung thông, được các nhà minh triết Phương Đông sáng tạo khoảng 2500 năm trước khi vật lý hạt bắt đầu. Người Phật tử quả quyết rằng khái niệm của viên dung vô ngại không thể nắm bắt được bằng tư duy trừu tượng, mà bằng sự chứng thực của ý thức giác ngộ trong trạng thái thiền định. Thế nên D.T. Suzuki viết:

"Đức Phật ( trong phẩm Hoa Nghiêm) không còn là người sống trong thế giới của không gian và thời gian. Ý thức của ngài không phải là ý thức thông thường được quy định bởi cảm quan và suy luận… Đức Phật của Hoa Nghiêm sống trong thế giới tâm thức với quy luật riêng".

Trong vật lý hiện đại, tình huống cũng giống như thế. Ý niệm rằng mỗi hạt chứa tất cả các hạt khác là không thể tưởng tượng được trong không gian và thời gian. Nó mô tả một thực tại, giống như thực tại của Phật, có qui luật riêng. Trong trường hợp của Dung thông hadron, đó là qui luật của thuyết lượng tử và thuyết tương đối, khái niệm then chốt là các lực duy trì hạt với nhau chính là bản thân các hạt đó được trao đổi trong kênh ngang. Khái niệm này có thể biểu diễn bởi một ý nghĩa toán học chính xác, nhưng hầu như không thấy được bằng hình ảnh. Đó là một tính chất mang tính tương đối của Dung thông và vì ta không thể có kinh nghiệm về không gian - thời gian bốn chiều, thật khó mà tưởng tượng được tại sao một hạt riêng lẻ có thể chứa tất cả những hạt khác. Tuy nhiên, đó chính là quan điểm của Đại thừa:

Khi một cái được đặt dối diện với Mọi cái khác, cái Một sẽ được thấy tràn ngập khắp tất cả, đồng thời dung chứa tất cả vào mình.

Ý niệm về một hạt chứa tất cả hạt khác không phải chỉ sinh ra trong đạo học phương Đông, mà còn có trong tư tưởng đạo học phương Tây. Thí dụ sau đây cho thấy rõ rệt trong những dòng nổi tiếng của William Blake:

Nhìn thế giới trong một hạt cát
Và bầu trời trong cánh hoa rơi.
Giữ vô cùng trong lòng bàn tay,
Và vĩnh cửu trong một giờ ngắn ngủi.

Một lần nữa, ở đây, một tầm nhìn huyền bí lại đưa đến hình ảnh của Dung thông; khi nhà thơ thấy thế giới trong một hạt cát thì nhà vật lý hiện đại thấy thế giới trong một hadron.

Một hình ảnh tương tự xuất hiện trong triết học của Leibniz, người xem thế giới được cấu tạo bằng những phần tử cơ bản mà ông gọi là “monads”, mỗi một phần tử đó phản ánh toàn bộ vũ trụ. Điều này đưa ông đến một quan điểm về vật chất, với những tương đồng Đại thừa Phật giáo và với Dung thông hadron. Trong tác phẩm Monadology (1714), Leibniz viết:

Mỗi một phần tử của vật chất có thể được nhìn như một mảnh vườn đầy hoa lá hay một hồ đầy cá. Thế nhưng mỗi cành hoa lá, mỗi tứ chi con vật, mỗi giọt nước cốt của chúng cũng là một mảnh vườn hay hồ nước như vậy.

Thật thú vị thấy rằng những dòng trong Kinh Hoa Nghiêm viết trên đây có thể ghi dấu ấn của ảnh hưởng Phật giáo lên Leibniz. Joseph Needham đã chứng minh rằng Leibniz đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa Trung quốc nhờ những bản dịch mà ông nhận được từ các tu sĩ Jesuit, và triết học của ông rất có thể được cảm hứng bởi trường phái Tân khổng giáo của Chu Hi, mà ông biết rõ. Trường phái này có một gốc rễ trong Đại thừa Phật giáo, đặc biệt trong tông Đại thừa Hoa Nghiêm. Thực tế là Needham nhắc lại ẩn dụ tấm lưới ngọc của Đế Thích, khi nói rõ mối liên hệ với các “phần tử cơ bản” của Leibniz.

Thế nhưng, khi so sánh chi tiết quan niệm của Leibniz trong “tương quan phản chiếu” giữa các phần tử cơ bản với ý niệm viên dung trong Đại thừa, có lẽ ta thấy hai bên khác nhau nhiều và phương thức của Phật giáo nhìn vật chất tới gần hơn với tinh thần của vật lý hiện đại so với Leibniz. Sự khác biệt chính giữa chủ trương “phần tư cơ bản” với quan niệm của Phật giáo có lẽ “các phần tử cơ bản” của Leibniz là những thể cơ bản, chúng được xem là thể tính cuối cùng của vật chất. Leibniz bắt đầu Monadology với những chữ: “Monad mà ta bàn đến ở đây chỉ là một thể tính giản đơn, nó là thành phần của thứ khác; giản đơn được hiểu là không có đơn vị nào nhỏ hơn nữa". Ông viết tiếp: “và những Monad này là những nguyên tử đích thực của thiên nhiên, và nói gọn lại, chúng là yếu tố của mọi vật”. Quan điểm cơ bản này hoàn toàn ngược với triết học Dung thông và vì vậy hoàn toàn khác với Đại thừa Phật giáo, là người từ chối một đơn vị cơ bản hay một thể tính cơ bản . Cách nhìn cơ bản của Leibniz cũng được phản ảnh trong quan niệm về lực, mà ông xem là định luật của mệnh lệnh thiêng liêng (divine decree) và khác hẳn vật chất. Ông viết “lực và hoạt động không thể chỉ là dạng của vật chất thụ động được”. Một lần nữa, điều này ngược hẳn với quan niệm về vật lý hiện đại của đạo học phương Đông.

Nói về mối liên hệ thực sự giữa các monad với nhau, khác biệt chính với hadron Dung thông có lẽ là monad không tương tác lẫn nhau; chúng “không có cửa sổ”, như Leibniz nói, mà chỉ phản chiếu lẫn nhau. Mặt khác, trong hadron Dung thông cũng như trong Đại thừa, sự quan trọng chính là sự tương tác hay viên dung của tất cả các hạt. Hơn thế nữa, quan điểm của Dung thông và Đại thừa về vật chất đều là cái nhì không gian - thời gian, chúng xem vật thể là biến cố mà những tương tác giữa những biến cố đó chỉ có thể hiểu được nếu người ta thừa nhận rằng cả không gian - thời gian cũng tương tác viên dung với nhau.

Thuyết Dung thông về hadron còn lâu mới hoàn chỉnh và tất cả những khó khăn liên quan trong việc phát biểu nó vẫn còn đáng kể. Tuy thế nhà vật lý bắt đầu mở rộng mức tìm hiểu về tính tự tương thích, kể cả vượt qua sự mô tả về các hạt tương tác mạnh. Một sự mở rộng như thế phải vượt qua khuôn khổ của thuyết ma trận S hiện nay, là thuyết đặc biệt chỉ dành để mô tả tương tác mạnh. Người ta phải tìm ra một khuôn khổ tổng quát hơn và trong khuôn khổ mới này, vài khái niệm hiện đang được chấp nhận mà không giải thích, chúng phải được Dung thông hóa; tức là chúng được suy diễn ra từ một sự tự tương thích tổng quát. Theo Geoffrey Chew, những điều này có thể bao gồm khái niệm của ta về không gian - thời gian vĩ mô và, có lẽ bao gồm cả ý thức con người:

Nếu đi tận cuối cùng của logic, thì giả thuyết Dung thông hàm ý rằng sự hiện hữu của ý thức, cùng với những khía cạnh khác của thiên nhiên, là cần thiết cho sự ăn khớp toàn bộ của cái tổng thể.

Cách nhìn này là sự hòa hợp toàn hảo với các quan niệm của các truyền thống đạo học phương Đông, trong đó ý thức luôn luôn được xem là phần bất khả phân của vũ trụ.

Trong quan niệm phương Đông, con người, cũng như tất cả dạng sinh học khác, là những thành phần của một sinh cơ tổng thể không phân chia được. Con người được xem là sự minh chứng sống động của mộ tư thức vũ trụ; trong ta, vũ trụ lặp đi lặp lại lần nữa khả năng của nó sinh ra sắc hình rồi qua đó mà ý thức lại chính mình.

Trong vật lý hiện đại, vai trò của ý thức đã nổi lên trong mối quan hệ với sự quan sát các hiện tượng nguyên tử. Thuyết lượng tử đã chỉ rõ rằng những hiện tượng chỉ được hiểu như một mắt xích của một chuỗi những tiến trình, mà khâu cuối của chúng nằm nơi ý thức của con người quan sát. Dùng những chữ của Eugene Wigner, “Không thể phát biểu định luật (của thuyết lượng tử) trong một cách hoàn toàn nhất quán nếu không dựa trên ý thức”. Sự phát biểu thực từ hiện nay của thuyết lượng tử bởi các nhà khoa học trong các công trình thì chưa dựa rõ ràng lên ý thức. Tuy nhiên Wigner và các nhà vật lý khác cho rằng, sự bao gồm trọn vẹn ý thức con người có thể là một khía cạnh chủ yếu của những thuyết về vật chất trong tương lai.

Một sự phát triển như thế sẽ mở ra nhiều khả năng hấp dẫn cho một sự tác động qua lại giữa nhà vật lý và nhà đạo học phương Đông. Sự hiểu biết về ý thức con người và mối liên hệ của nó với phần còn lại của vũ trụ là điểm khởi đầu của mọi thực chứng siêu hình. Nhà đạo học phương Đông đã khám phá nhiều dạng của ý thức qua bao thế kỷ nay và những kết luận mà họ đạt được thường khác hẳn những ý niệm phương Tây. Nếu nhà vật lý thực sự muốn gắn liền ý thức con người vào lĩnh vực nghiên cứu của họ, thì sự tìm hiểu về các ý niệm phương Đông có thể cung cấp nhiều quan niệm mới mẻ và gợi mở.

Thế nên, sự mở rộng trong tương lai của Hadron - Dung thông, với sự Dung thông hóa không gian và thời gian và có thể với ý thức của con ngưòi, chúng có thể mở ra những khả năng không hề biết trước, đi hẳn ra ngoài khuôn khổ qui ước của khoa học:

Một bước đi như thế trong tuơng lai sẽ là sâu sắc hơn bất kỳ những gì liên hệ tới Hadron Dung thông; chúng ta sẽ buộc phải đương đầu với khái niệm khó hiểu của sự quan sát và, có thể, cả với ý thức. Thành thử, sự vật lộn hiện nay với Hadron Dung thông có thể chỉ là mùi vị đầu của một nỗ lực hoàn toàn mới mẻ của đầu óc con người, một cái không những chỉ nằm ngoài vật lý mà thậm chí còn không được gọi là “khoa học” nữa.

Thế thì ý niệm Dung thông sẽ đưa ta về đâu? Tất nhiên, không ai biết được cả, nhưng thật là đáng say mê khi suy tư về đoạn cuối của nó. Người ta có thể tưởng tượng ra một hệ thống lý thuyết trong tương lai bao trùm càng lúc càng lớn các mức độ của hiện tượng thiên nhiên với độ chính xác ngày càng cao; một hệ thống chứa đựng càng lúc càng ít các tính chất không thể giải thích; suy ra được càng lúc càng nhiều cấu trúc tự tương thích nhau của những thành phần. Rồi tới một ngày, sẽ đạt tới mức mà trong đó tính chất duy nhất không giải thích được trong hệ thống lý thuyết chính là các yếu tố của khuôn khổ khoa học. Qua khỏi mức này thì kết quả lý thuyết không còn được diễn tả bằng lời, hay bằng khái niệm suy luận, và như thế nó ra khỏi khuôn khổ khoa học. Thay vì một thuyết Dung thông về thiên nhiên, nó sẽ biến thành một linh ảnh Dung thông về thiên nhiên, vượt qua lĩnh vực của tư tưởng và ngôn ngữ; dẫn ra khỏi khoa học và đưa vào thế giới của bất khả tư nghì, nơi đó không thể nghĩ bàn được. Nhận thức trong linh ảnh đó là toàn trí, nhưng không thể trao truyền bằng lời: Đó sẽ là nhận thức mà Lão Tử nói tới, cách đây hơn hai ngàn năm:

Người biết không nói, Người nói không biết

(Tri giả bất ngôn, Ngôn giả bất tri).

NGƯỜI CON GÁI TA YÊU


Nguời con gái ta yêu 

Không bao giờ còn được yêu đến thế 
Nửa cuộc đời tìm nhau đâu có dễ 
Sao nửa cuộc đời còn chưa đến trong nhau.
 

Nửa cuộc đời anh tìm kiếm nơi đâu
Anh không ở bên em, cùng em thao thức
Anh biết chăng em đã từng khao khát
Trong căn phòng luôn thắp sáng hình anh.

Người con gái ta yêu
Chưa bao giờ còn được yêu đến thế
Anh lang thang chi hoài chân trời góc bể
Đâu trong đời em có hẹn chờ anh.

Mà thôi nói làm gì, tất cả qua nhanh
Vui buồn rồi phôi pha. Và một ngày nào đó
Em yên lòng sống nửa đời cây cỏ
Vương thương hoài cái thửa lỡ quen nhau. 


Võ Thị Thu Trang

Kẻ si mê







Gã dạo chơi trên Facebook
Mỗi lần rảnh rỗi
Chỉ để giải sầu sau khi đã hoàn tất công việc của một ngày trong mệt nhọc
Vô tình Gã tìm được một thiên thần như trong truyện cổ tích

Thiên thần mang bí danh Vũ Diệu
Gã tự giải mã Vũ Diệu là cơn mưa kì diệu đang trải vào không gian

Người đứng dưới mưa là Gã si mê thiên thần mà chưa được một lần gặp mặt

Gã nằm sõng xoài ra giường suy tưởng
Hơi thở chậm đều

Cặp cửu sổ tâm hồn của Gã đã dần khép lại mặc cho những nàng ánh sáng vẫn ve vãn Gã

Gã chìm vào giấc ngủ nhưng những sợi dây tơ tưởng màu hồng vẫn dập dờn lượn sóng chắp nối trí não của Gã với bí danh Vũ Diệu

Cơn mưa cứ vần vũ trên đầu
Gã cứ thản nhiên đứng cho mưa vần vũ

Mưa càng mạnh
Gã càng thấy mát lạnh lan tỏa khắp cơ thể
Gã ngửa mặt lên trời hứng mưa

Đám mây từ từ giãn mỏng ra và bỗng dưng biến sắc đen thành sắc hồng

Mưa tan rất nhanh
Một khuôn mặt đẹp tuyệt thế đã ló dạng trong sắc hồng của mây
Một thân hình thanh tao thánh thiện với bộ trang phục trắng hồng đã hiện hữu trên một thảm cỏ xanh

Gã rùng mình nhưng kịp nhập sóng mắt cùng thiên thần

Sau giây lát mắt Gã chỉ còn nhìn thấy những cánh hoa tím hồng bay khắp bầu trời

Gã đi trong mưa hoa tím hồng bồng bềnh sóng não dập dờn tình

Thiên thần nhìn Gã cười
Gã cũng cười theo sung sướng
Thời gian trôi rất nhanh
Ánh mắt, nụ cười huyền hoặc của thiên thần đã làm cho Gã trằn trọc

Gã đặt ra nhiều câu hỏi và tự trả lời
Không ai hiểu Gã nghĩ gì vào lúc đêm khuya
Nỗi nhớ nhốt đầy vào file yêu
Kì lạ thay,
Gã muốn mình là anh Hùng thực sự để chinh phục thiên thần
Gã nghĩ tới chuyện sẽ chạm vào thiên thần nhưng lại sợ thiên thần biến mất

Nhưng không,
Gã tin là thiên thần sẽ ở lại mà trò chuyện với Gã

Bởi,
Gã chỉ si mê thiên thần chứ Gã không làm hại thiên thần
Gã đặt lòng tin vào sự nhạy cảm của thiên thần
Đãng trí nghĩ làm cho sóng mắt lệch khỏi thiên thần

Bỗng nụ cười trên môi thiên thần vụt tắt
Với gương mặt buồn thiên thần quay đi
Mây hồng dần tím bầm lại
Những cánh hoa tím hồng ngừng rơi

Gã vội vã gào thét van xin:

“ Hỡi thiên thần tuyệt thế! Dù cõi trần phàm tục không hấp dẫn người! Dù Gã si mê này có ngẩn ngơ về người thì cũng chỉ để tôn người lên thành thiên thần tuyệt thế. Xin đừng bỏ đi!”

Tiếng gào thét van xin vang ran vào không gian. Những âm thanh va đập làm cho đám mây đang bầm tím lại từ từ rạn nứt và trắng bạc ra

Hình ảnh thiên thần cũng giãn mỏng ra

Tiếng thiên thần vọng lại từ trong sâu thẳm và bắt đầu một cuộc đối thoại

“ Hỡi Gã si mê xấu xí và ngu muội! Ngươi hãy quẳng gánh áo cơm của trần gian phàm tục đi để đổi lấy sự tuyệt thế anh hùng. Nếu không ngươi mãi mãi chỉ là một mảnh vỡ!”

“Gã si mê này chỉ có một tấm lòng thanh sạch ngưỡng mộ sự hoàn thiện tuyệt mĩ của thiên thần!”

“ Nhưng ta không tin ngươi có thể ngắm mãi sự hoàn thiện ấy của ta mà không lấy đi một phần tuyệt mĩ!”

“ Xin thề trước ngọn sóng dâng cao nơi đại dương mênh mông! Xin thề trước thiên thần tuyệt thế! Gã si mê này sẽ tự buộc đôi tay của mình lại và chỉ tận hưởng bằng đôi mắt!”

“ Ta thấy đôi mắt của ngươi chứa tia cực tím có thể xuyên thấu sự tuyệt mĩ của ta!”

“ Gã si mê này sợ khi đã tự bịt mắt mình lại thì thiên thần tuyệt thế sẽ biến mất!”

“ Ta sẽ không biến mất!”

“ Nhưng chỉ là sự tuyệt thế trơ trọi”

“ Trơ trọi nhưng vẫn tuyệt thế”

“ Không đâu thiên thần. Người chỉ tuyệt thế trong mắt của Gã si mê này thôi. Cõi trần phàm tục không ai có đôi mắt thượng tiên như Gã”

“ Ngươi có gì để chứng minh về đôi mắt thượng tiên của mình?”

“ Thiên thần cứ quay lại nhìn thẳng vào mắt Gã si mê này sẽ thấy có một nguồn năng lượng cực mạnh với sóng âm dập dờn, tha thiết, đắm say”

“ Ta đang nhìn Gã si mê biết không?”

“ Gã đã si mê ngay lần đầu tiên nhìn thiên thần đã đong đầy hi vọng cho muôn ngày sau”

“ Hóa ra ngươi cũng là một người lịch lãm có mắt thẩm mĩ và biết trân trọng cái đẹp. Ha! Ha! ha!”

“Thiên thần thấy đấy! Chỉ khi thiên thần nhìn vào mắt Gã thì thiên thần mới có thể cười được. Nếu thiên thần nhìn vào kẻ khác thì nụ cười sẽ biến mất và toàn châu thân của thiên thần lại trở nên tím ngắt”

“ Làm sao ngươi biết được?”

“ Kìa! Có kẻ lạ mặt với đôi mắt ma lực trên tay cầm thanh nam châm đang tìm cách tiến lại gần hút thiên thần đi. Xin thiên thần đừng nhìn vào mắt hắn!”

“ Không hiểu sao toàn châu thân ta lạnh toát và cứ dịch chuyển đi nơi khác”

“ Đó là do kẻ lạ mặt với đôi mắt ma lực và thanh nam châm đang hấp dẫn thiên thần đi về phía hắn. Xin thiên thần đừng nhìn vào mắt hắn”

“ Ta không thể đứng vững được nữa, cứ chực ngã người ra. Hình như có một tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy với lời mời hấp dẫn sẽ ban tặng cho ta”

“ Thiên thần hãy cố bám chặt chân xuống cỏ vì nam châm không hút cỏ. Trong lâu đài nguy nga ấy có một con dơi đực chuyên hút sinh khí những cô gái xinh đẹp. Không một cô gái nào vào đó mà có thể xinh tươi trở lại”

“ Ta không tin có điều đó. Ngươi đang lừa dối ta”

“ Kìa! Con dơi đực đã hiện hình trên nóc tào lâu đài. Thiên thần có nghe siêu thanh phát ra từ đôi tai của con dơi không, nó đang làm nhiễu trí não của thiên thần. Đôi cánh của nó đang dang rộng ra để bắt thiên thần đấy”

“ Đó là một chàng trai khôi ngô lịch lãm với âm thanh êm dịu tràn đầy yêu thương đang dang tay vẫy gọi ta về lâu đài chứ đâu phải con dơi như ngươi nói?”

“ Bằng đôi mắt thượng tiên Gã có thể nhìn thấy con dơi hiện nguyên hình”

“ Ta không thể đứng vững được nữa, môi ta dần co lại, toàn châu thân ta như đã chuyển màu. Ta cố bám chặt chân xuống cỏ nhưng tòa lâu đài đã dịch chuyển đến rất gần ta”

“ Không được rồi. Thiên thần hãy cố thêm chút nữa Gã sẽ đến cứu thiên thần”

“ Kìa! Có kẻ cầm dao đang tiến lại gần ngươi từ phía sau lưng. Ngươi hãy chạy đi!”

“ Đó là con dơi đực trên tòa lâu đài đã kịp hiện hình thành một kẻ khác để tiêu diệt Gã”

“ Kìa! Hắn đã tiến lại rất gần. Ngươi đừng nhìn ta nữa. Hãy chạy đi!”

“ Gã si mê này dù có chết cũng quyết không để nụ cười lịm tắt trên môi thiên thần. Xin thiên thần đừng nhìn vào mắt hắn!”

“ Coi chừng! ”

“ Ki…a…Roạt!…Bốp!…Bốp!…Bốp!”

“Oái! dz…a” – kẻ lạ mặt rên la

“ Hắn đã gục ngã. Ngươi giỏi lắm”

“ Gã có được sức mạnh ấy là nhờ thiên thần đã không rời mắt Gã lúc gian nguy”

“ Ngươi chính là tuyệt thế anh hùng nay ta mới gặp. Ta phục ngươi. Nhưng ta phải đi đây”

“ Gã cầu chúc thiên thần đi bình an. Xin thiên thần luôn giữ nụ cười trong mắt Gã ”

Đám mây từ từ bầm tím lại rồi tan rất nhanh

Trước khi đi thiên thần đã khen Gã, phục Gã, tạm biệt Gã? Phải rồi, thiên thần đã phục Gã thì còn ai có thể thay thế Gã trong mắt thiên thần. Vậy là nụ cười trên môi thiên thần sẽ không biến mất. Bây giờ Gã có thể yên tâm chờ đợi thiên thần trở lại rồi…Ha! Ha! Ha!

Nhưng,

Thiên thần không hẹn quay trở lại?
Gã biết tìm thiên thần ở đâu bây giờ?
Gã biết chờ đến khi nào thiên thần mới quay trở lại?

Thiên thần ơi đừng bỏ Gã si mê này! Đừng bỏ nụ cười tuyệt mĩ chứa đầy thông điệp tình yêu mà tạo hóa ban tặng cho người”

Rồi Gã còn nghĩ,

Không biết ngày hai mươi tháng mười này thiên thần có nhận được nhiều quà không

Gã mong cho thiên thần nhận được thật nhiều quà

Nhưng Gã lại sợ…

Sợ thiên thần bị kẻ gian manh dính sắt vào người
Sợ trong những quà thiên thần nhận được có thứ quà bằng nam châm
Sợ thiên thần bị nam châm hút mất
Gã cầu mong không có món qùa nam châm
Gã chấp nhận để thiên thần dính sắt
Gã mâu thuẫn muốn mình là nam châm

Qua khe cửa sổ ánh bình minh đã rọi những luồng sáng tận giường nằm của Gã từ lúc nào không hay

Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên
Gã choàng dậy dụi mắt rồi nhìn theo luồng sáng ánh bình minh
Gã rời khỏi giường đi ra mở cửa sổ
Bầu trời trong xanh không một gợn mây
Gã lại dắt xe đi làm trong bầu không khí thanh sạch của tâm hồn



Vọng Trạch

Những đứa trẻ được nuôi dạy bằng lời nói dối




 


Tôi hỏi 10 người quen cùng một câu hỏi: Anh chị có đưa con đến nhà thầy cô của cháu dịp 20/11, hay ngày lễ khác nhau không? Có hai phụ huynh trả lời rằng không đến nhà thầy cô bao giờ. Một người trả lời rằng anh chị để cháu ở nhà và tự đi.
Còn bảy người nói rằng họ đưa con đi cùng. Cử chỉ này thoạt nhìn rất thông thường. Đưa con đi cùng để “cô có dặn dò gì thì bảo cháu”, hay cẩn thận hơn là để cô nhớ mặt cháu. Nhưng thực ra, ai cũng hiểu là các cuộc “đến nhà thầy cô giáo” ngày 20/11 có tính chất như thế nào. Không hẳn là hối lộ, chạy chọt gì, nhưng cũng có tý quà, cái phong bì mỏng mỏng, là một dạng thức sơ đẳng của cơ chế xin cho. Và trẻ con ngồi chứng kiến tất cả những chuyện ấy. Có thể chứng kiến cả đoạn bố mẹ ngồi nhẩm tính, cho tiền vào phong bì, đi chọn cân hoa quả hay hộp bánh.


Cái hạt giống “móc ngoặc tỷ số” đã luôn được cấy vào đầu thế hệ trẻ từ rất sớm.

Khi người ta đang xôn xao vì những cầu thủ The Vissai Ninh Bình bán độ, thì cần nhớ lại rằng những chàng trai trẻ ấy đã trưởng thành trong một môi trường như thế nào. Bao nhiêu năm giải bóng đá Nhi đồng tổ chức là bấy nhiêu năm canh cánh nạn gian lận tuổi. Hơn 10 năm trước, đã có lúc ông Vũ Quang Vinh, Trưởng ban tổ chức giải Nhi đồng toàn quốc phải thốt lên rằng báo Nhi đồng muốn bỏ, không tổ chức giải đấu này nữa.

Cái câu hỏi: “Cháu mấy tuổi rồi?” là câu hỏi quen thuộc đến mức thiêng liêng, xứng đáng đại diện cho cả một thời thơ ấu vậy mà trẻ con mới đá bóng cũng đã bị bắt trả lời sai.

Rồi đến khi lớn hơn một chút, thì học được một kiểu đá bóng rất đáng sợ, một lối chơi với những pha vào bóng có thể khiến đối phương “mất nghiệp”.

Mới hôm trước, tôi tìm xem cầu thủ Oduwa của đội U19 Tottenham bây giờ đang thi đấu ra sao. Oduwa bị phạm lỗi và dính chấn thương nặng khi sang Việt Nam “giao hữu”. Cũng may mà tìm được và biết Oduwa vẫn khỏe mạnh và vẫn đang tỏa sáng ở giải trẻ nước Anh, chứ nếu vì sang nước ta đá “giao hữu” mà một ngôi sao của bóng đá thế giới có thể vĩnh viễn không ra đời, thì quả thực là áy náy.

Tinh thần của một cuộc bon chen hình như đã được đặt cao hơn tinh thần thể thao và những nguyên tắc đạo đức cơ bản từ lúc họ bắt đầu khởi nghiệp.

Rồi đến khi tham gia vào thi đấu chuyên nghiệp, những chàng trai lại đối mặt với một sự bất hợp lý khác. Đó là việc các ông bầu bóng đá chơi một cuộc chơi ngẫu hứng, có thể giải tán đội bóng và bỏ giải, khiến cầu thủ thất nghiệp bất cứ khi nào.

Nếu như ngày mai, cầu thủ không biết có rời sân với cái chân lành lặn hay đã bị đạp què, có đi về với tư cách một người còn thu nhập hay đội đã bị giải thể, thì có thể lý giải vì sao họ liều.

Không một nhà báo, cảnh sát hay cầu thủ nào hiểu về thế giới cá độ bằng chính các nhà cái. Mà các nhà cái thì đã “đọc vị” được bóng đá nước ta từ lâu rồi. Suốt nhiều năm, các nhà cái nước ngoài không làm độ cho bóng đá Việt Nam. Một vài năm trở lại đây, độ của V-League quay trở lại trên các trang nước ngoài, nhưng các “tổng” trong nước cũng rất ít người cho phép khách đặt cửa và thanh toán tiền cho các trận đấu bóng đá Việt Nam.

Ai chẳng biết rằng nếu để cho V-League tham gia vào thị trường cá độ thì chuyện sẽ như thế nào. Và cái sự “biết tỏng” ấy tất nhiên không xuất phát từ cá nhân cầu thủ, mà là kết quả của hệ thống.

Bóng đá phản ánh xã hội. Nếu thu hẹp tầm nhìn lại, nhìn cách những đứa trẻ bắt đầu chơi bóng và phát triển trong môi trường bóng đá, thì cũng tưởng tượng được hành trình phát triển của những đứa trẻ khác trong xã hội, bắt đầu từ những cuộc bố mẹ dắt tay đến nhà thầy cô.

Những đứa trẻ được nuôi dạy bằng những lời nói dối thì chúng cũng sẽ phải tìm cách bon chen để tồn tại.

Ở đội U17 Đà Nẵng năm ngoái có một cầu thủ người dân tộc thiểu số tên là Bá Đăng Ti Vốt. Cái tên rất lạ. Em được ba đặt tên theo huyền thoại Berti Vogts, đánh dấu sự kiện HLV này đưa tuyển Đức đến chức vô địch châu Âu năm 1996. Khi biết sự tích ấy, tôi thú vị một phần, nhưng trong lòng bỗng thấy nhẹ nhõm, như một tiếng thở phào. Vì cái tên ấy nói rằng nhiều phần là em sinh năm 1996, tức là U17 thật.

Chẳng biết chúng ta nên đặt tên con cái thế nào, để thể hiện ước mong rằng chúng sẽ sống thật thà?

Minh Anh


Xét xử vụ 4 công an xã đánh chết người




TT - Hôm nay 8-5, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bốn bị cáo nguyên là công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) về tội giết người vì đã đánh chết một người dân tại trụ sở.





Anh Nguyễn Mậu Công với các tấm hình chụp thi thể của cha mình - Ảnh: T.K.


Bốn bị cáo gồm Hoàng Ngọc Tuyên (34 tuổi, nguyên phó trưởng công an), Nguyễn Trọng Kiên (23 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (31 tuổi) và Hoàng Ngọc Thức (26 tuổi), nguyên là công an viên xã Kim Nỗ.

Theo cáo trạng, ngày 30-8-2012 Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Mậu Phú (57 tuổi, trú tại thôn Đoài) về việc anh họ của ông là Nguyễn Mậu Thuận (56 tuổi, người cùng thôn) dùng gạch đánh vợ ông gây thương tích phải đi cấp cứu.

Khi được công an xã mời về trụ sở, ông Thuận hỏi giấy mời, giấy triệu tập đâu và nói nếu không có giấy mời thì ông sẽ không đi. Các công an viên vận động một lúc thì ông Thuận đồng ý. Khi về đến trụ sở nhìn thấy ông Nguyễn Đức Vọng (trưởng công an xã), ông Thuận đã có những lời chửi bới ông Vọng về việc bắt giữ ông. Ông Vọng ra lệnh khóa tay ông Thuận để đưa vào phòng.

Ông Thuận không viết bản kiểm điểm như yêu cầu mà còn có những lời nói chửi bới, xúc phạm các công an viên. Hoàng Ngọc Tuyên đã tát ông Thuận, cầm dùi cui cao su vụt mạnh vào đùi ông Thuận, sau đó đưa dùi cui cho các công an viên khác đánh ông Thuận. Các công an viên vừa đánh vừa hỏi ông Thuận “có đau không?”. Sau đó, Tuyên chỉ đạo các công an viên khóa tay chân ông Thuận vào ghế, phân công người đứng quan sát, nếu thấy ai đi qua thì báo cho Tuyên biết rồi tiếp tục dùng bút kẹp các ngón tay, ngón chân của ông Thuận, vừa bóp vừa đánh.

Sau khi đánh xong, các công an viên gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Vọng nói ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông Vọng sang phòng yêu cầu mở còng cho ông Thuận, đưa ông Thuận lên giường nằm, lấy dầu xoa... Khi cán bộ y tế đến thì ông Thuận không còn hơi ấm, không đo được nhịp tim, huyết áp... Công an xã Kim Nỗ đã đưa ông Thuận đến Bệnh viện Đông Anh cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên ông Thuận đã tử vong.

Cáo trạng xác định tại thời điểm các điều tra viên đánh ông Thuận, ông Nguyễn Đức Vọng không có mặt mà đang thực hiện nhiệm vụ khác do lãnh đạo xã phân công, do đó cơ quan điều tra không xử lý ông Nguyễn Đức Vọng là có cơ sở.

Ngày 7-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Mậu Công (35 tuổi, con trai ông Thuận) cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. “Tôi được xem một số lời khai của các bị can tại cơ quan điều tra thì thấy các bị can khai lúc đánh bố tôi, ông Vọng vẫn quanh quẩn ở đó chứ không vắng mặt như cáo trạng thể hiện” - anh Công nói.

TÂM LỤA


Chuyển thành tội danh “giết người”


Tháng 8-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bốn công an xã Kim Nỗ về tội cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ luật hình sự. Sau đó, Viện KSND huyện Đông Anh chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền. Sau khi kết thúc điều tra, Công an TP Hà Nội đã đề nghị Viện KSND TP Hà Nội truy tố bốn bị can tội “giết người” theo khoản 2 điều 93 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt tù từ 7-15 năm. Tuy nhiên khi ban hành cáo trạng, Viện KSND TP Hà Nội đã truy tố bốn bị can ở điểm n, khoản 1 (nặng hơn) với khung hình phạt từ 12-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Ông Đào Văn Cường, phó viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội, cho biết Viện kiểm sát đã căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị can để thay đổi điều khoản truy tố. “Không nhất thiết cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị truy tố điều khoản, tội danh nào thì chúng tôi phải truy tố điều khoản, tội danh đó. Chúng tôi chịu trách nhiệm về các quyết định của mình” - ông Cường cho biết.

Những người chữa bệnh cho đất nước


 
Photo: Yuichiro Chino



Lỗ Tấn trước khi bắt đầu viết văn, ông từng theo học ngành y với ước mơ chữa bệnh cứu người, nhưng rồi ông nhận ra muốn chữa bệnh cho cả một xã hội thì một người thày thuốc là không đủ, ông cần phải cầm bút.

Bác Hồ – một trong những người đọc Lỗ Tấn – cũng bắt đầu con đường giải cứu dân tộc bằng việc cầm bút. “Bản án chế độ thực dân”“Tiếng chuông rè” “Những người cùng khổ”.. Là những phát súng đầu tiên tấn công vào thành trì thực dân đô hộ.

Nói như thế để chúng ta có thể thấy rằng vai trò của báo chí là quan trọng thế nào đối với mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nếu được hỏi ngành nghề nào bị “ghét” nhất, có người sẽ trả lời “y tế”, cũng có người đáp “giáo dục”, lại có người nói là “giao thông”… Nhưng nếu để ý kỹ, cái ngành nghề bị “ghét” nhiều nhất lại chính là báo chí.

Cũng phải thôi, cái ngành nghề gì mà suốt ngày đi bới móc những “sai sót nhỏ nhặt” trong cả một “công lao đóng góp to lớn” của ngành nghề khác. Cái ngành nghề gì mà chỉ chực chờ rình mò quay phim, chụp ảnh những phút “lỡ tay” của người ta. Cái ngành nghề gì mà bắt bẻ từng câu từng chữ của người ta để mà giật tít.

“Tiêm nhầm thuốc” “phong bì” “dịch sởi”..v..v Ngành y tế ghét báo chí ra mặt. “Mãi lộ” “đường cong mềm mại” “sập cầu, lún đường”..v..v Ngành giao thông cũng không ưa gì anh báo chí.

Một xã hội mà nhiều nơi “ghét” báo chí như thế là một xã hội ốm yếu. Bởi lẽ báo chí chính là người thầy thuốc của cả hội. Ở đâu có ung nhọt, ở đâu có “bệnh” là họ lao đến, vạch trần chúng ra trước con mắt công phẫn của dư luận. Muốn có công bằng, dân chủ, trước hết phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Có ai dám đảm bảo rằng cái chết của những em bé vô tội sẽ không bị “chìm xuồng” nếu không được đưa lên mặt báo, biết đâu đấy chúng ta đang đổ hàng đống tiền thuế của người dân vào việc “nâng tầm vị thế quốc gia, thu hút khách du lịch” nếu các trang báo không chuyển đến chính phủ ý kiến cực lực phản đối của đại bộ phận người dân. Không có báo chí, chúng ta chẳng khác gì những con cừu bị chăn dắt, hôm nay được đưa ra bãi cỏ, nhưng ngày mai rất có thể được dẫn đến lò mổ.

Người xưa có câu: “Ban ngày không làm việc xấu, đêm ngủ không sợ quỷ gõ cửa.” Trong thời đại hiện nay có lẽ nên thay bằng: “Ban ngày không làm việc xấu, đêm ngủ không sợ lên mặt báo.” Một người hoàn thành tròn trách nhiệm, không tự thẹn với lương tâm thì sợ gì những bài báo, những tranh vẽ châm biếm!

Làm báo có dễ không? Ở đâu có dịch bệnh, báo chí có mặt, ở đâu thiên tai bão lũ, báo chí cũng không đi sau, mới đây thôi chắc mọi người vẫn còn nhớ cái chết thương tâm của cô phóng viên trẻ khi đi đưa tin về cơn bão lịch sử. Hàng ngày hàng giờ, có bao nhiêu nhà báo đang phải mạo hiểm thân mình, đóng vai đủ mọi thành phần trong xã hội, nay vào ổ mại dâm, mai đi buôn ma tuý..v..v, hòng xâm nhập vào những điểm “đen” nhức nhối. Những con người ấy chắc không còn lạ gì với những thư nặc danh đe doạ, hay nguy hiểm hơn, là những phong bì dày cộm đầy ma lực. Cầm bút thì dễ thôi, giữ cho ngòi bút thẳng mới khó.

Tuy nhiên không có nghĩa là chính trong ngành báo chí không có ung nhọt. Trong thời buổi báo mạng tràn lan, đếm chữ đếm “view” kiếm tiền, có những kẻ đã vận dụng triệt để câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Nay đặt điều dựng chuyện chỗ này, mai tạo dư luận chỗ kia hòng trục lợi. Đáng buồn là bộ phận này không hề nhỏ, thậm chí là đang ngày một gia tăng chóng mặt.

Trước sự phát triển của mạng thông tin và truyền thông, mỗi người chúng ta cần rèn luyện thêm kỹ năng lọc thông tin. Chỉ có kẻ ngốc mới ăn tất cả những thứ gì người khác đưa cho, đọc báo cũng thế, cần phải phân biệt rạch ròi những tờ báo nào chúng ta cần phải đọc vào buổi sáng, những tờ báo nào chúng ta chỉ nên đọc khi vào toilet. Hãy thử tập trung đọc kỹ những bài viết trên những tờ báo uý tín như “Lao Động” “Nhân Dân” “ Dân Trí” “An ninh thế giới”… tôi tin chắc sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc click chuột liên tục để lướt qua những cái tít giật gân tràn ngập trên internet.

Có lẽ những người làm báo muốn bảo vệ hay ca ngợi công việc của họ thì thật quá dễ dàng ( khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi), nhưng có lẽ học có nhiều thứ đáng để viết, đáng để đưa lên mặt báo hơn việc chống lại những người đang phê phán họ. Thôi thì đành dùng địa vị của người ngoài cuộc để nói lên tiếng nói công bằng cho những người đang chữa bệnh cho đất nước.



Voldemort VN

Liệu sẽ có chiến tranh giữa Việt Nam vs. Trung Quốc?


 
Photo: Xinhua



Liệu giàn khoan HD-981 có đủ làm bùng nổ chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Tôi không tin.

Chắc chắn sắp tới Việt Nam sẽ có phản ứng cứng rắn trước hành động lấn chiếm ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng nhà cầm quyền tỉnh táo đủ để biết dừng lại ở một mức độ nào đó với hai mục đích: Một, để bắn tiếng với Trung Quốc là họ sẽ không nhường nhịn được nữa; và hai, để chứng tỏ với dân chúng là họ không bán nước hoặc hèn nhát. Mức độ của sự “cứng rắn” đó sẽ là: Một, dùng các tàu hải cảnh, hải giám và ngư chính thay cho tàu quân sự; hai, đánh nhau bằng ngôn ngữ: mức độ xa nhất là dọa kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế.

Hơn nữa, từ phía Trung Quốc, tôi vẫn không thấy có bất cứ lý do chính đáng nào để họ gây chiến.

Gây chiến, lợi ích duy nhất của Trung Quốc là thuộc về chính trị đối nội: hâm nóng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân chúng để củng cố quyền lực của đảng cầm quyền, qua đó, chính quyền sẽ mạnh tay trấn áp tất cả những lực lượng hoặc mầm mống đối kháng. Có điều, những sự đối kháng tại Trung Quốc chưa trầm trọng đủ để Trung Quốc phải sử dụng đến chiến tranh bên ngoài.

Trong khi đó, những thiệt hại thì vô kể.

Thứ nhất, từ kinh nghiệm năm 1979, Trung Quốc không thể tự tin là kết thúc chiến tranh một cách thắng lợi hay dễ dàng.

Thứ hai, từ kinh nghiệm mấy ngàn năm chiến tranh với Việt Nam, Trung Quốc cũng thừa biết tính cách của người Việt Nam: đánh nhau đến cùng. Do đó, khi khai chiến với Việt Nam, họ biết cuộc chiến ấy sẽ khó có ngày kết thúc.

Thứ ba, chiến tranh chỉ làm cho nhà cầm quyền Việt Nam mạnh hơn: họ được sự ủng hộ của toàn dân.

Thứ tư, nó làm cho các quốc gia Đông Nam Á sợ hãi, từ đó, đoàn kết hơn, có thể hợp thành một liên minh để chống Trung Quốc; và cũng nhờ đó, Mỹ có lý do để dấn sâu vào khu vực: Một trong những kế hoạch họ có thể làm là xây dựng một tổ chức tương tự với khối NATO ở châu Âu, một điều gần đây báo chí Tây phương rục rịch bàn luận.

Thứ năm, trong lúc dự án thành lập khối liên minh rộng lớn ấy chuẩn bị, một trong những điều Mỹ và Việt Nam có thể làm nhanh được là đẩy mạnh quá trình hợp tác quân sự để bảo vệ Biển Đông, nơi cả hai nước đều chia sẻ một số quyền lợi chung.

Thứ sáu, việc gây chiến với Việt Nam sẽ làm mất hình ảnh phát triển trong hòa bình mà Trung Quốc đã tốn bao nhiêu tiền để xây dựng lâu nay. Mất hình ảnh ấy, Trung Quốc sẽ bị nghi ngờ từ mọi phía. Hiện nay, Trung Quốc đã khá giàu và mạnh, nhưng họ chưa giàu và mạnh đủ để thách thức với cả thế giới. Trung Quốc vốn đã cô độc. Họ không thể tự mình làm cho mình cô độc hơn. Điều đó không những ảnh hưởng đến chính trị mà còn có tác hại cả trong lãnh vực kinh tế.

Cuối cùng, thứ bảy, Trung Quốc có thể đạt được bất cứ thứ gì họ muốn từ chính quyền Việt Nam. Bằng đút lót. Bằng mua chuộc. Bằng hăm dọa. Bằng phá rối kinh tế. Vân vân. Họ không cần phải đánh nhau.

Ở trên là những phân tích có tính thuần lý. Trên thực tế, sẽ có hai vấn đề:

Thứ nhất, khi đã quyết định đối đầu, dù chỉ bằng các loại tàu hải cảnh, hải giám và ngư chính, không ai có thể biết chắc diễn tiến sẽ đi đến đâu. Chỉ cần vài phát súng, vài người chết và vài người không kiềm chế được sự tức giận, chiến tranh có thể sẽ nổ lớn bất cứ lúc nào.

Thứ hai, trong lúc chưa chính thức đánh nhau, một trong các chiến thuật có lẽ sẽ được Việt Nam sử dụng là kéo dài vụ tranh chấp càng lâu càng tốt, chủ yếu để thu hút sự chú ý của quốc tế, đồng thời để dễ kêu gọi sự hậu thuẫn của thế giới. Tuy nhiên, như vậy lại đẩy Trung Quốc vào thế không thể nhượng bộ: Rút giàn khoan về nước sẽ bị xem là thua cuộc. Với Trung Quốc, sĩ diện là một vấn đề rất lớn. Chắc chắn họ sẽ đòi Việt Nam trả một giá nào đó. Bằng một sự nhân nhượng nào đó, chẳng hạn.

Không chừng sẽ nhân nhượng bằng cách để mặc cho giàn khoan của Trung Quốc hoạt động nhưng với điều kiện: Nhích ra xa một tí. Ví dụ: một cây số!

Như vậy cả hai bên cùng thắng.

Chỉ có dân tộc Việt Nam là thua.



Nguyễn Hưng Quốc

Đạo của vật lý - chương 13 : Vũ trụ động



Trong nền đạo học phương Đông, có một thực tại được xem là thực thể của vũ trụ, nó là nguồn gốc của muôn hình vạn trạng sự vật và biến cố. Ấn Độ giáo gọi nó là “Brahman”, Phật giáo gọi là “Pháp thân” (thân của mọi hiện hữu) hay “Chân Như” (Cái - như - thế) và Lão giáo gọi là “Đạo”. Tất cả đều quả quyết thực tại cao nhất đó vượt trên những khái niệm suy luận của chúng ta và không thể mô tả được. Thế nhưng thực tại đó lại không tách rời khỏi những biến hiện vô cùng của nó. Tự tính của nó là luôn luôn hiện thành hàng tỉ sắc hình, chúng sinh thành và biến hoại, chúng chuyển hóa từ cái này qua cái khác một cách vô tận. Trong khía cạnh hiện tượng thì nhất thể vũ trụ đó tự nó là động, và tiếp cận với tự tính đó là cơ sở của mọi nền đạo học phương Đông. D.T.Suzuki viết về tông Hoa Nghiêm của Đại thừa Phật giáo như sau:

Ý niệm cơ bản của Hoa Nghiêm là nắm bắt về trụ động mà tính chất của nó là luôn luôn biến hoại, trong dòng của vận động, đó là đời sống.

Sự nhấn mạnh vận động, dòng chảy và thay đổi không phải chỉ có nơi đạo học phương Đông mà cũng là khía cạnh chủ yếu của mọi thế giới quan tâm linh trong các thời đại. Trong thời cổ đại Hy Lạp, Heraclitus đã chỉ rằng mọi sự đều trôi chảy và so sánh thế giới như một ngọn lửa bất diệt. Tại Mexico nhà đạo học Yaqui Don Juan cũng nói về một thế giới thoáng hiện và xác nhận muốn thành minh triết tự thân là ánh sáng hay dòng chảy.

Những khái niệm then chốt của Ấn Độ giáo và Phật giáo lấy từ triết học Ấn Độ tính vận động. Từ “Brahman” xuất phát từ gốc Sanskrit Brih và nói về một thực tại sinh động, luôn luôn vận động. Theo S.Radhakrishnan, từ Brahman có nghĩa là lớn mạnh và đầu mối của đời sống, vận hành và tiến triển. Các bài thuyết giảng (Upanishad) gọi Brahman là vô sắc, bất tử,vận hành và gắn cho nó một sự vận động tự thân, mặc dù nó đứng trên mọi sắc thể.

Lê - câu Vệ - đà diễn tả tính vận động của thế giới với một khái niệm khác, khái niệm “Rita”. Từ này xuất phát từ gốc ri (tự thân vận động). Nghĩa của nó là sự vận hành của mọi sự hay trật tự của tự nhiên. Từ này đóng một vai trò quan trọng trong mọi huyền thoại của Vệ - đà và liên hệ với mọi thần thánh của Vệ - đà. Các nhà đạo sĩ Vệ - đà không xem trật tự của tự nhiên là một qui luật tĩnh tại của Thượng đế bày ra mà là một nguyên lý động nằm sẵn trong vũ trụ. Ý niệm này cũng là khái niệm đạo của Trung Quốc, xem nó là các thể vận hành của vũ trụ, là trật tự của vũ trụ. Như các nhà thấu hiểu Vệ - đà, các chân nhân Trung quốc xem thế giới là dòng chảy và sự biến dịch và vì vậy mà gẵn cho hình dung về vũ trụ một khái niệm động. Hai khái niệm Rita và Đạo về sau được mang từ bình diện vũ trụ đưa xuống cho con người và sau đó mang một khái niệm đạo lý; Rita là qui luật vũ trụ mà trời, người đều phải tuân thủ, và Đạo là đường đi đúng đắn phải theo.

Khái niệm Vệ - đà Rita dung chứa luôn Karma (Nghiệp), về sau nghiệp mới trở thành ý niệm để bày tỏ tính tác động qua lại giữa sự vật và biến cố. Từ Nghiệp có nghĩa là hành động và diễn tả sự quan hệ động giữa các hiện tượng. Trong chí tôn ca (Bhagavad-Gita) ta đọc: tất cả hành động xảy ra trong thời gian thông qua sự nối kết lẫn nhau của các năng lực tự nhiên. Đức Phật là từ bỏ khái niệm truyền thống của nghiệp và cho nó một ý nghĩa mới, trong đó Ngài mở rộng ra xem nó là mối liên hệ động lực trong bình diện con người. Do đó mà về sau nghiệp là chuỗi xích vô tận giữa nguyên nhân và kết quả trong đời con người, và cùng chuỗi xích đó bị Phật phá vỡ bằng cách đạt tới tình trạng của sự giác ngộ.

Ấn Độ giáo cũng tìm ra nhiều cách để trình bày tính chất động của vũ trụ trong ngôn ngữ huyền thoại. Trong Chí tôn ca, Krishna, hiện thân của thần Vishnu, nói: Nếu ta không hành động, thì những thế giới này sẽ suy tận, và Shiva, vũ công vũ trụ có lẽ là sự hiện thân hoàn toàn nhất của vũ trụ đang vận hành. Nhờ sự nhảy múa của mình mà Shiva giữ được tính muôn vẻ của hiện tượng trong thế gian, Ngài thống nhất mọi sự bằng cách đưa chúng vào nhịp điệu của mình và cho chúng cùng nhảy múa - một hình ảnh vĩ đại về tính nhất thể đầy động lực của vũ trụ.

Ấn Độ giáo nhìn vũ trụ như một sinh cơ, đang lớn dần và vận hành tuần hoàn có nhịp điệu, trong đó mọi thứ đều trôi chảy và tất cả những dạng hình tĩnh tại đều là Maya (ảo giác), có nghĩa là chúng chỉ tồn tại trong cái nhìn huyễn giác. Ý niệm cuối cùng này - tính vô thường của mọi sự - cũng là điểm xuất phát của đạo Phật. Đức Phật cho rằng mọi pháp hữu vi đều vô thường và mọi Khổ trên thế gian đều xuất phát từ sự bám giữ nơi sắc thể - nơi sự vật, con người hay ý niệm - thay vì chấp nhận một thế giới đang vận hành và thay đổi. Thế nên thế giới động cũng là gốc rễ của giáo pháp Phật giáo. Sau đây là lời của Radhakrishnan:

Một triết lý động tuyệt diệu được Phật phát biểu cách đây 2500 năm… Cảm xúc trước sự vật đang chuyển hóa, biến đổi và phối hợp không lúc nào dừng, Phật nói về một triết íy vô thường. Ngài xem vật thể, âm thanh, hạt, chất liệu trở thành lực, vận hành, hệ quả và tiến trình và thừa nhận một thực tại động.

Phật giáo gọi thế giới của sự đổi thay liên tục này là Ta - bà, nguyên nghĩa lang thang, trôi nổi và nói rõ rằng trong đó không có gì đáng để bám giữ cả. Đối với người theo Phật giáo thì người đạt đạo là người không chống lại dòng chảy của cuộc sống mà cùng vận động theo nó. Khi thiền sư Vân Môn được hỏi: Đạo là gì, ông đáp Cứ đi. Cũng thế mà Phật tử gọi đức Phật là Như Lai, có nghĩa là người đã đến như thế. Trong triết học Trung quốc, thực tại cứ đổi thay liên tục này được gọi là Đạo và là tiến trình của vũ trụ, trong đó mọi vật đều tham gia. Cũng như Phật giáo, Lão giáo cho rằng ta không nên cưỡng lại dòng chảy mà cần phải thích nghi với nó. Lại một lần nữa đây là đặc trưng của thánh nhân, của người giác ngộ. Nếu Phật là người đến như thế thì thánh nhân đạo Lão là người thuận lẽ trời và nói như Hoài Nam Tử là theo dòng đạo.

Càng học hỏi kinh sách tôn giáo và triết lý của Ấn Độ giáo, Phật giáo và Lão giáo, người ta càng rõ họ nhận thức tự thân thế giới là vận động, trôi chảy và biến dịch. Tấm lưới vũ trụ đang sống, đang vận hành, đang lớn lên, đang thay đổi.

Cũng thế, nền vật lý hiện đại cũng nhìn vũ trụ như một tấm lưới đầy mối liên hệ và nhận thức cũng như đạo học phương Đông, rằng thể nội tại của nó là động. Thuyết lượng tử cho thấy khía cạnh động của vật chất trong thể tính sóng của các hạt hạ nguyên tử. Khía cạnh này, như ta sẽ thấy, sẽ trở nên quan trọng hơn trong thuyết tương đối, trong đó sự thống nhất không gian và thời gian chứng minh sự hiện hữu của vật chất không thể tách rời ra khỏi hoạt động của nó.

Theo thuyết lượng tử thì hạt cũng vừa là sóng và từ đó mà có nó một tính chất kỳ lạ. Khi một hạt bị giam giữ trong một không gian nhỏ thì nó phản ứng lại sự hạn chế này bằng sự vận động. Không gian càng nhỏ thì hạt càng quay nhanh. Tính chất này là một hiệu ứng lượng tử đặc biệt và không hề có sự tương tự trong vũ trụ vĩ mô. Muốn hiểu rõ hơn hiệu ứng này, ta hãy nhớ rằng, trong thuyết lượng tử, hạt được biểu thị bởi một bó sóng, độ dài của bó sóng đó là độ bất định vị trí của hạt. Như hình dưới đây cho thấy, hạt nằm đâu đó trong khoảng X, ta không biết chắc chắn. Nếu muốn siết hạt này, ta ép X phải nhỏ hơn. Thế nhưng điều này sẽ làm độ dài sóng ngắn lại và vận tốc hạt tăng lên. Ta có thể hình dung khá rõ, hạt càng bị giam giữ, nó càng vận động mãnh liệt.

Khuynh hướng dùng vận động để phản ứng lại sự hạn chế làm ta nghĩ đến vật chất hẳn phải có một sự bất an cơ bản, nó là đặc trưng trong thế giới hạ nguyên tử. Trong thế giới này thì phần lớn các hạt vật chất đều mang cơ cấu phân tử, nguyên tử hay hạt và vì thế mà không đứng yên, mà theo tính chất nội tại của nó là vận động không ngừng.

Theo thuyết lượng tử, vật chất luôn luôn ở dạng vận động. Trong thế giới vĩ mô, sự vật xung quanh chúng ta xuất hiện một cách thụ động và vắng mặt sự sống, nhưng nếu chúng ta phóng lớn lên một hòn đá hay miếng kim loại chết đó thì ta sẽ thấy trong đó đầy những hoạt động. Càng nhìn sát nó, nó xuất hiện càng sống động. Tất cả mọi vật xung quanh ta đều gồm những nguyên tử, chúng liên hệ với nhau bằng nhiều cách khác nhau và tạo thành muôn ngàn dạng khác nhau của phân tử, chúng rung động theo nhiệt độ của chúng, cùng hoà nhịp với nhiệt độ xung quanh. Trong những nguyên tử đang rung động đó thì các electron bị điện lực trì kéo vào nhân và chúng phản ứng chống lại sự tù hãm đó bằng cách quay tròn thật nhanh. Sau đó trong bản thân các nhân, các proton và neutron bị trói chặt trong một không gian cực nhỏ, chúng đua nhau chạy với một vận tốc không tưởng tượng nổi.

Một đoạn văn của Lão giáo nói lên sự thăng bằng trong vận động này như sau:

An bằng trong tĩnh tại không phải là sự an bằng đích thực. Chỉ khi có sự an bằng trong vận động thì nhịp điệu tâm linh mới sinh thành, nhịp điệu đó thâm nhập cả trời đất.

Trong vật lý, ta nhận thức tính động của vũ trụ không những trong kích thước vĩ mô-thế giới của nguyên tử và nhân nguyên tử-mà trong kích thước lớn, của thiên thể và thiên hà. Nhờ những viễn vọng kính lớn ta quan sát được một vũ trụ đang vận hành không nghỉ. Những đám mây khinh khí quay vòng, kéo lại với nhau và hình thành thiên thể. Qua đó chúng nóng lên và biến thành lửa cháy rực trong bầu trời. Khi đã đạt giai đoạn này rồi, chúng vẫn còn quay và có thiên thể bắn tạt các khối lượng vật chất ra ngoài. Những khối này bị bắn ra xa, mới đầu quay theo dạng trôn ốc và cứng dần thành các hành tinh chạy vòng theo các vì sao. Sau hàng triệu năm khi phần lớn khí đốt đã hết, các thiên thể phình ra và cuối cùng co lại trong sự sụp đổ trọng trường. Sự sụp đổ này có thể kéo theo nhiều vụ nổ khủng khiếp và có thể biến thiên thể thành lỗ đen. Tất cả những biến cố này-sự hình thành các vì sao từ những đám mây, sự co lại, sự phình ra và cuối cùng là sự sụp đổ-tất cả đều có thể quan sát được thật sự trong bầu trời.

Những vì sao quay vòng, co lại, phình ra và bùng nổ đó biến thành thiên hà với những dạng khác nhau, dạng đĩa mỏng, dạng hình cầu, hình xoáy trôn ốc v.v… Rồi bản thân chúng cũng không phải bất động, mà lại quay tròn. Thiên hà của chúng ta, dãy Ngân hà, là một đĩa vĩ đại gồm thiên thể và khí, nó quay trong không gian như một bánh xe khổng lồ; thế nên tất cả những vì sao của nó-kể cả mặt trời và hành tinh-quay quanh trung tâm của ngân hà. Vũ trụ gồm toàn cả những ngân hà, chúng nằm rải rác trong không gian thấy được và cũng quay vòng như ngân hà của chúng ta. Khi tìm hiểu vũ trụ với hàng triệu ngân hà như toàn thể cấu trúc của nó, chúng ta đã đạt đến mức xa nhất của không gian và thời gian. Và cả trên bình diện này của vũ trụ, ta phát hiện rằng vũ trụ không hề tĩnh tại, nó đang giãn nở ! Đó là một trong những khám phá quan trọng nhất của ngành thiên văn hiện đại. Một sự phân tích chi tiết ánh sáng mà ta nhận được từ những thiên hà xa cho thấy rằng toàn bộ những thiên hà đang bành trướng. Vận tốc mà một thiên hà rời xa chúng ta là tỉ lệ với khoảng cách của chúng đến chúng ta. Chúng càng xa ta thì chúng càng chạy nhanh. Khoảng cách gấp đôi thì vận tốc cũng gấp đôi. Điều này không những chỉ có giá trị khi lấy thiên hà của ta làm gốc, mà cũng như thế với bất cứ điểm gốc nào. Nghĩa là dù đang ở bất kỳ trong thiên hà nào, chúng ta sẽ thấy các thiên hà khác ngày càng đi xa, các thiên hà gần thì với vận tốc vài ngàn ki - lô - mét mỗi giây; các nhóm xa hơn thì vận tốc lớn hơn và vận tốc của các thiên hà xa nhất tiến gần tới vận tốc ánh sáng. ánh sáng của các thiên hà xa nữa thì không bao giờ tới với ta vì chúng bỏ đi xa nhanh hơn cả vận tốc ánh sáng. Anh sáng của chúng, nói như Sir Arthur Stanley Eddington, như một lực sĩ chạy trên một đường băng ngày càng dài ra, điểm đích chạy xa ra, nhanh hơn cả vận tốc của anh ta.

Khi nói về một vũ trụ giãn nở trong khung cảnh của thuyết tương đối tổng quát, ta phải nói sự giãn nở trong một kích thước cao hơn. Ta chỉ có thể hình dung một khái niệm như thế, như khi nói về không gian cong với sự tương tự hai chiều.

Muốn thế ta hãy tưởng tượng một quả bóng với nhiều chấm trên bề mặt. Quả bóng là tượng trưng cho vũ trụ, mặt cong hai chiều của nó giả dụ cho không gian cong ba chiều và những chấm đen là các thiên hà trong không gian đó. Khi quả bóng bị bơm phình ra thì những khoảng cách giữa các chấm cũng lớn hơn. Dù ta lấy chấm nào làm chỗ đứng, ta cũng thấy mọi chấm khác đều xa dần mình. Vũ trụ cũng giãn nở theo cách đó, dù quan sát viên có mặt trên bất kỳ thiên hà nào, tất cả những thiên hà còn lại đều xa dần người đó.

Câu hỏi dễ đặt ra về việc vũ trụ giãn nở là tất cả mọi sự đó bắt đầu như thế nào? Từ mối liên hệ giữa khoảng cách của một thiên hà với ta và tốc độ đi xa của nó (định luật Hubble) ta có thể tính thời điểm lúc bắt đầu bùng nổ, nói cách khác tính được tuổi thọ của vũ trụ. Cứ thừa nhận rằng vận tốc bùng nổ đó không thay đổi (đó là điều không hề chắc chắn) thì người ta tính ra một số tuổi vũ trụ khoảng chừng 10.000 triệu năm. Phần lớn các nhà vũ trụ học ngày nay tin rằng, vũ trụ phát sinh cách đây khoảng 10.000 triệu năm thông qua một biến cố vĩ đại, khi toàn bộ khối lượng của nó phát nổ từ một trái cầu lửa nguyên thủy. Sự giãn nở ngày nay của vũ trụ được xem là sức đẩy còn sót lại của một vụ nổ ban đầu. Theo mô hình vụ nổ ban đầu này thì thời điểm phát nổ là ngày sinh của vũ trụ và của không gian thời gian. Nếu muốn biết trước đó là gì, ta sẽ va vào ngay cái khó khăn về tư duy và ngôn ngữ. Sir Bernard Lowell nói:

Đó là nơi mà ta sẽ gặp giới hạn về tư tưởng, vì ta cứ tiếp tục sử dụng các khái niệm không gian-thời gian, tại lúc chúng chưa xuất hiện trong đời sống hàng ngày. Đối với tôi, hầu như tôi lạc vào một vùng đầy sương mù, thế giới quen thuộc đã biến mất.

Về tương lai của vũ trụ giãn nở, những phương trình của Einstein cũng không cho lời giải rõ ràng. Chúng chấp nhận nhiều lời giải khác nhau, tùy theo những mô hình khác nhau về vũ trụ. Vài mô hình tiên đoán rằng, vũ trụ cứ giãn nở mãi, theo mô hình khác thì nó cứ chậm lại và sẽ quay ngược, co rút lại. Những mô hình này xem vũ trụ có tính chu kỳ, cứ trương nở vài tỉ năm, rồi co lại cho đến khi toàn bộ khối lượng chỉ còn một khối vật chất nhỏ rồi sau đó lại giãn nở, cứ thế bất tận.

Hình dung về một vũ trụ giãn nở và co rút tuần hoàn trong một tầm cỡ không gian và thời gian khủng khiếp không chỉ có trong vũ trụ hiện đại, mà còn hiện diện trong huyền thoại cổ Ấn Độ. Với sự chứng nghiệm vũ trụ như một thể sinh cơ và vận động tuần hoàn, trong Ấn Độ giáo phát sinh một quan niệm vũ trụ sống, nó rất gần với các mô hình khoa học hiện đại. Một trong những vũ trụ luận này đặt nền tảng trên huyền thoại “Lila”, trò chơi của thiên nhân, trong đó Brahman tự biến mình thành thế giới. Lila là một trò chơi có nhịp điệu kéo dài tuần hoàn vô tận, cái Một biến thành cái Nhiều và cái Nhiều trở thành cái Một. Trong Chí tôn ca (Bhagavad Gita) thần Krishna mô tả trò chơi sáng tạo tuần hoàn này bằng những lời:

Cuối thời kỳ tăm tối thì mọi sự lại trở về với tự tính của ta; và khi thời kỳ mới bắt đầu, ta đem chúng ra ánh sáng.

Thế nên ta dùng tự tính của mình mà sáng tạo ra mọi thứ và những thứ này lăn theo bánh xe của thời gian. Thế nhưng ta không bị ràng buộc vào công trình sáng tạo to lớn này. Ta là ta và ta nhìn tác phẩm vui buồn diễn ra.

Ta ngắm nhìn và tromg tác phẩm sáng tạo đó, tự tính sản sinh tất cả, những gì vận động, những gì nằm yên; và cứ thế mà thế giới vận động tuần hoàn.

Ấn Độ giáo nhận trò chơi tuần hoàn thần thánh này là sự phát triển của toàn vũ trụ. Họ xem vũ trụ giãn nở và co rút tuần hoàn và đặt tên cho thời gian không tưởng tượng nổi giữa lúc bắt đầu và chấm dứt một sự sáng tạo là thời kiếp. Kích thước huyền thoại cổ xưa thật đáng kinh ngạc, còn tư duy con người cần hơn hai ngàn năm để tới với một tư tưởng tương tự như huyền thoại đó.

Từ thế giới cực lớn, từ vũ trụ đang giãn nở, hãy trở lại thế giới cực nhỏ. Đặc trưng của vật lý thế kỷ 20 là đi ngày càng sâu vào một thế giới của kính hiển vi, của nguyên tử, của hạt nhân và các hạt tạo thành nhân. Sự tìm hiểu thế giới vi mô này được thúc đẩy bởi một câu hỏi căn bản đã làm loài người trăn trở từ xưa: vật chất được cấu tạo như thế nào? Kể từ ngày đầu của triết lý về tự nhiên, con người đã nghĩ ngợi về câu hỏi này và cố tìm ra một chất liệu căn bản, chất liệu xây dựng mọi vật chất, nhưng chỉ trong thế kỷ này ta mới có thể đi tìm câu trả lời bằng phương pháp thực nghiệm. Nhờ kỹ thuật phức tạp mà nhà vật lý bước đầu tìm hiểu được cấu trúc của nguyên tử và nhận ra rằng, nó gồm có nhân và electron. Sau đó người ta ghi nhận nhân gồm có những hạt nucleon, đó là proton và neutron. Trong hai thập niên vừa qua người ta đi thêm một bước và bắt đầu tìm hiểu cấu trúc của nucleon, thành phần của nhân nguyên tử, chúng xem ra không phải là nững hạt cuối cùng mà lại là từ những đơn vị khác cấu thành.

Bước đầu tìm hiểu nguyên tử đã dẫn đến những thay đổi căn bản về cách nhìn của ta về vật chất, chúng đã được nói trong chương trước. Bước thứ hai, bước đi sâu vào nhân nguyên tử và thành phần của nó, kéo theo một sự thay đổi không kém phần quan trọng. Trong thế giới hạt nhân này ta phải đo lường những loại kích thước nguyên tử và những hạt trong nhân này, vì bị giam trong không gian quá bé, cũng vận động với vận tốc nhanh đến nỗi chỉ có thể dùng thuyết tương đối đặc biệt để mô tả chúng. Tính chất và tương tác của hạt hạ nguyên tử chỉ có thể dùng thuyết lượng tử và thuyết tương đối mà nắm được chúng, và những điều này buộc chúng ta có một sự thay đổi về quan niệm vật chất là gì.

Điều đặc trưng của thuyết tương đối là nó thống nhất những khái niệm căn bản mà ngày trước chúng hoàn toàn độc lập với nhau. Một trong những thí dụ quan trọng nhất là coi khối lượng và năng lượng như nhau, điều này được phát biểu bằng công thức toán học nổi tiếng của Einstein E=mc2. Và muốn hiểu ý nghĩa sâu sắc của mối liên hệ này, trước hết chúng ta phải xét ý nghĩa của năng lượng và khối lượng.

Năng lượng là một trong những khái niệm quan trọng nhất để mô tả các hiện tượng tự nhiên. Như trong đời sống hàng ngày ta nói, một vật thể chứa năng lượng khi nó có thể thực hiện một công. Năng lượng này có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau.

Nó có thể là động năng, nhiệt năng, thế năng, điện năng, năng lượng hóa học v.v…Mỗi dạng đó đều có thể dùng để sinh công. Thí dụ người ta cho một viên đá có thế năng bằng cách nâng nó lên cao. Khi thả nó từ trên cao xuống thì thế năng của nó biến thành động năng và khi viên đá đến đất thì nó sinh công, thí dụ đập vỡ một vật gì đó. Một thí dụ khác: điện năng và hóa năng có thể biến thành nhiệt năng để phục vụ đời sống trong gia đình. Trong vật lý thì năng lượng luôn luôn được gắn liền với một tiến trình nhất định, một dạng hoạt động nào đó và sự quan trọng căn bản là tổng số năng lượng tham gia vào trong một tiến trình luôn luôn không đổi. Sự bảo toàn năng lượng là một trong những qui luật căn bản quan trọng nhất của vật lý. Nó có giá trị cho tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên được biết tới nay, người ta chưa thấy qui luật này bị vi phạm bao giờ.

Khối lượng của một vật lại là một thuộc tính để đo lường trọng lượng của nó, tức là sức hút của trọng lực lên vật thể đó. Ngoài ra khối lượng cũng là quán tính của một vật, tức là sức đề kháng của nó chống lại gia tốc. Vật thể càng nặng thì càng khó gia tốc nó hơn một vật nhẹ, điều này ai cũng biết khi phải đẩy một chiếc xe. Trong vật lý cổ điển thì khối lượng luôn luôn được gắn liền với một dạng vật chất không thể phá hủy, tức là từ chất liệu mà người ta cho là nguồn gốc của mọi vật. Cũng như với năng lượng, người ta cho rằng chất liệu này cũng được bảo toàn, một khối lượng không bao giờ bị hủy diệt.

Bây giờ thuyết tương đối đã chứng minh rằng, khối lượng không gì khác hơn là một dạng của năng lượng. Năng lượng không những có thể mang nhiều dạng khác nhau như trong vật lý cổ điển đã biết, mà còn được chứa trong khối lượng của một vật. Năng lượng chứa trong một hạt, tích số của khối lượng hạt đó với bình phương vận tốc ánh sáng, tức là:

E=mc2

Nếu khối lượng được xem là dạng năng lượng thì không những nó không thể phân hủy mà còn có thể được chuyển hóa qua những dạng năng lượng khác. Điều này xảy ra khi các hạt hạ nguyên tử va chạm nhau. Trong quá trình va chạm đó thì các hạt có thể bị tiêu hủy và năng lượng chứa trong chúng sẽ biến thành động năng, động năng đó sẽ phân bố lên các hạt khác tham dự trong cuộc va chạm. Ngược lại thì động năng của hạt di chuyển với những vận tốc rất cao cũng có thể được dùng để hình thành khối lượng của những hạt mới. Hình sau đây cho thấy một thí dụ rất lạ của một sự va chạm như vậy: một photon (từ bên trái) đi vào một phòng quang phổ, bắn một electron ra khỏi một nguyên tử (vết hình xoắn), va vào một photon khác và sinh ra mười sáu hạt mới trong cuộc va chạm này.

Sự hình thành và phá hủy hạt vật chất là một trong những hệ quả ấn tượng nhất của đẳng thức giữa khối lượng và năng lượng. Trong các cuộc va chạm trong vật lý cao năng lượng thì khối lượng không còn được bảo toàn. Các hạt va chạm nhau bị phá hủy, khối lượng của chúng một phần biến thành khối lượng, phần khác biến thành động năng của các khối lượng mới sinh ra. Chỉ tổng số tất cả năng lượng tham dự trong tiến trình đó, tức là tổng số động năng cộng với năng lượng nằm trong dạng khối lượng, tổng số đó phải được bảo toàn. Tiến trình va chạm các hạt hạ nguyên tử là công cụ quan trọng nhất của ta để nghiên cứu tính chất của chúng, và mối liên hệ giữa khối lượng và năng lượng là chủ yếu nhằm mô tả chúng. Mối liên hệ này đã được xác minh vô số lần và nhà vật lý hạt nhân đã làm quen với tính tương đương giữa khối lượng - năng lượng, đến nỗi họ đo khối lượng hạt nhân bằng đơn vị tương ứng của năng lượng.

Trong vật lý hiện đại, khối lượng không còn có một chất liệu vật chất nữa và do đó mà người ta không còn nghĩ hạt phải có một chất liệu căn bản nữa, mà nó là một chùm năng lượng. Thế nhưng vì năng lượng luôn luôn liên hệ với hoạt động, với tiến trình nên hạt hạ nguyên tử phải có một thuộc tính động. Như đã thấy, chúng không thể xem là những vật thể ba chiều tĩnh như trái banh bi-da hay một hạt cát, mà chúng là một cấu trúc bốn chiều không- thời gian. Dạng của chúng phải hiểu là động trong không gian - thời gian. Hạt hạ nguyên tử là những cấu trúc động, nó có khía cạnh không gian và khía cạnh thời gian. Khía cạnh không gian cho phép nó xuất hiện như vật thể có khối lượng, khía cạnh thời gian của nó là tiến trình với năng lượng tương ứng.

Cấu trúc động hay bó năng lượng này tạo nên cơ cấu nhân, nguyên tử và phân tử ổn định, chúng xây dựng nên vật chất và làm cho vật chất có dạng tưởng như nó gồm những chất liệu chắc thật. Trên bình diện vĩ mô, khái niệm chắc thật đó là một sự gần đúng có ích, còn trên bình diện nguyên tử thì nó hết giá trị. Nguyên tử gồm các hạt và những hạt đó không được cấu thành từ một chất liệu vật chất nào cả. khi quan sát chúng, ta không hề thấy chất liệu nào cả, điều mà ta thấy là những cấu trúc động, chúng liên tục chuyển hóa lẫn nhau - một vũ điệu triền miên của vũ trụ.

Thuyết lượng tử cho thấy, hạt không phải là những đơn vị độc lập mà là những cấu trúc xác suất liền lạc trong một tấm lưới bất phân của vũ trụ. Còn thuyết tương đối phải nói là đã cho cấu trúc đó sự sống, bằng cách vén màn cho thấy tính chất động của nó. Nó chứng tỏ rằng chính hoạt động của vật chất là cái tự tính đích thực của sự hiện hữu của nó. Các hạt của thế giới hạ nguyên tử không những là năng động vì chúng vận hành nhanh chóng, mà cong vì bản thân chúng là những tiến trình! Sự hiện hữu của vật chất và hoạt động của chúng không thể tách rời lẫn nhau. Chúng đều chỉ là hai khía cạnh của một thể thực tại không gian - thời gian.

Trong những chương trước ta đã nói, nhận thức về sự dung thông giữa không gian - thời gian đã đưa nền đạo học phương Đông tới một thế giới quan động. Nghiên cứu kinh sách của họ, ta sẽ thấy không những họ xem thế giới trong khái niệm động,của sự trôi chảy và biến dịch, mà họ có một tri kiến trực giác về tính chất của không gian - thời gian của vật thể vật chất; tri kiến đó cũng là đặc trưng của vật lý tương đối. Khi nghiên cứu thế giới hạ nguyên tử, nhà vật lý phải thống nhất không gian - thời gian và từ đó mà họ thấy vật thể của thế giới này, hạt không phải tĩnh tại mà năng động, xem chúng là năng lượng, hoạt động và tiến trình. Các nhà đạo học phương Đông, trong tình trạng ý thức phi thường của họ, đã biết về sự dung thông không gian - thời gian trên một bình diện vĩ mô cũng như nhà vật lý nhìn hạt hạ nguyên tử. Một trong những lời dạy chính yếu của Đức Phật là mọi pháp hữu vi đều vô thường. Pháp là từ chỉ biến cố, hành động và sau đó mới nói sự thật. Qua đó ta thấy thêm Phật giáo xem tiến trình vận động là chủ yếu của thế giới. Hãy nghe lời của D.T.Suzuki:

Người theo Phật giáo quan niệm sự vật là tiến trình, không phải là vật thể hay chất liệu…Khái niệm Phật giáo về “sự vật” là samskara (hành), có nghĩa là “tạo tác” hay “tiên trình”, điều đó nói rõ, Phật giáo hiểu kinh nghiệm của chúng ta chính là thời gian và sự vận hành.

Cũng như nhà vật lý hiện đại, Phật giáo xem mọi vật thể là những tiến trình trong một dòng chảy rộng khắp và từ chối sự hiện hữu của một chất liệu vật chất. Điều đó ta cũng tìm thấy trong tư tưởng Trung quốc, trong đó có một thế giới quan tương tự, xem sự vật là giai đoạn quá độ trong sự trôi chảy miên viễn của đạo và họ quan tâm đến mối liên hệ lẫn nhau giữa chúng hơn là tìm trong chúng một chất liệu cơ bản. Joseph Needham viết: “Triết học phương Tây tìm thực tại nơi chất liệu, triết học phương Đông tìm thực tại nơi mối liên hệ”.

Yếu tố cơ bản của vũ trụ trong quan điểm vật lý hiện đại cũng như trong đạo học phương Đông là cấu trúc động; là giai đoạn quá độ trong dòng chảy vĩnh viễn của thay đổi và biến dịch (Trang Tử).

Theo mức hiểu biết hiện nay thì cơ cấu cơ bản của vật chất là những hạt hạ nguyên tử và tìm hiểu tính chất cũng như tương tác của chúng là mục đích chính yếu của ngành vật lý cơ bản. Ngày nay chúng ta biết đến hơn hai trăm hạt cơ bản, phần lớn chúng là những hạt được hình thành trong các cuộc thí nghiệm va chạm và chỉ có một thời gian sống vô cùng ngắn, ít hơn cả một phần triệu giây đồng hồ! Rõ ràng là những hạt sống hết sức non tuổi này chỉ nói lên cấu trúc chuyển tiếp của những tiến trình động. Vì thế xuất hiện câu hỏi cơ bản sau đây về cấu trúc của những hạt đó: Đặc tính của chúng là gì để có thể phân biệt hạt này hạt kia? Phải chăng chúng có những thành phần nhỏ hơn, chúng bao gồm những cấu trúc gì? Chúng tác động lên nhau như thế nào, có năng lực nào tác động giữa chúng? Và cuối cùng, nếu bản thân chúng chỉ là tiến trình thì đó là tiến trình gì?

Chúng ta biết rõ tất cả những câu hỏi trên nối kết với nhau không tách rời được trong nền vật lý hạt nhân. Vì tính tương đối của các hạt hạ nguyên tử, chúng ta sẽ không hiểu tính chất của chúng nếu không để ý tới mối liên hệ giữa chúng, và vì mối liên hệ cơ bản của chúng, ta sẽ không hiểu một hạt nào nếu không hiểu những hạt khác. Những chương sau đây sẽ chỉ rõ chúng ta đã hiểu hạt và mối liên hệ giữa các hạt tới đâu. Mặc dù ta chưa có một lý thuyết hoàn chỉnh lượng tử - tương đối, thế nhưng vẫn có nhiều lý thuyết và mô hình từng phần được đề ra, mô tả thành công vài khía cạnh của thế giới này. Sự giải thích về những lý thuyết và mô hình này sẽ dẫn đến những khái niệm triết học, chúng đặc biệt phù hợp với khái niệm của đạo học phương Đông.

Tạm ứng



Nguyễn Thị Hậu


Cha mẹ tạm ứng cho ta hình hài
Rồi về với đất

Cuộc đời tạm ứng cho ta số phận
Vay trả kiếp sau

Buổi chiều tạm ứng cho ta
Nhớ Bình minh

Cơn mưa tạm ứng cho ta
Buồn Dông bão

Ta tạm ứng cho nhau Tình yêu
Rồi truy lĩnh từ người khác
Trò chơi bội bạc.