MỘT ĐỜI THỰC - HƯ

" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Ý nghĩa điều bắt đầu

HUỲNH LÊ NHẬT TẤN



Từ khi sinh ra lớn lên. Bạn
Có nghĩ tự mình bóc từng hạt
lớp da, tính chai lỳ trên khuôn
mặt kẻ lạ? Riêng tôi thích khui

lớp màng trinh như trái trứng gà
mẹ hấp sống trong nồi cơm từ
chiều. Muốn ăn xin từ tốn sẽ
hấp dẫn như lực hút mặt đất

Tôi đang khát uống từng giọt khi
cuống họng khô tưởng như có em …
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 22:12 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: thơ hay

Nỗi buồn : Tự hào hay sợ hãi?



Tôi đã từng trải qua những trải nghiệm mới mẻ, mọi thứ đổi thay nhanh chóng, cảm xúc biến thiên xoành xoạch của thời trẻ. Tôi cùng từng trải qua cái tuổi trẻ bồng bột thích chứng tỏ bản thân mình. Thời mà mọi thứ bắt đầu chuyển biến khá lớn trong tâm hồn một con người, biết nhận thức hơn, có nhiều suy nghĩ hơn mà đôi khi chẳng ai có thể giải đáp nỗi. Rồi tôi cũng bắt đầu biết yêu, biết thất tình, biết cảm giác bị bạn bè chơi khăm, bị lừa dối, bị phân biệt, và còn nhiều thứ kinh khủng hơn mấy chuyện đó.

Ai trong chúng ta đều đã, đang hoặc sẽ trải qua những vấn đề đó; chúng ta có cuộc sống riêng, nhưng chúng ta sẽ vướng mắc ở những vấn đề chung – cuộc chơi của tâm trí và đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc đời. Một ít vốn tính mạnh mẽ vượt qua như diều gặp gió càng trở nên giỏi giang hơn, ít khác yếu đuối nên chịu khuất phục và lui về góc tường với nỗi sợ hãi.

Nhưng hiện nay giới trẻ đang có trào lưu kiểu như trải qua được chút chuyện tình cảm buồn rồi cứ ôm khư khư tưởng chừng như nó là to tát lắm, rồi cứ ngỡ mình đang phải gồng mình gánh chịu cả bầu trời tối sầm đen thui lui, rồi tự hào nghĩ rằng mình đã trải nghiệm nhiều lắm, trưởng thành lắm, sâu sắc lắm, đau khổ lắm, tổn thương lắm, tuyệt vọng lắm. Một ít lên facebook đăng những dòng sướt mướt đến ấu trĩ không cách chi chấp nhận được, một ít cuồng kiểu drama lãng mạn Hàn Quốc…

Vâng! Đây là kết quả của một nền văn hóa tiêu thụ, của thời trang, xe cộ, tiền bạc và phim thị trường, và nhạc thị trường, và tình cảm mì ăn liền quen vài hôm đã “chồng” – “vợ” ấu trĩ đến mức không chịu nỗi. Chúng ta tiêu thụ văn hóa bề mặt thì làm sao có thể phân tích mọi thứ ở mức độ sâu sắc?

Đáng tiếc thay, giới trẻ bây giờ như thế. Hôm rồi có bài viết của blogger Chou Lê về việc top 10 sách bán chạy nhất của Tiki toàn là sách của những tác giả trẻ với tên gọi: Buồn làm sao buông / Người yêu cũ có người yêu mới?!?? Mới trải qua được vài mối tình đã vội gọi tên những cảm xúc, đám đông hí hửng vì cảm xúc của mình được ai đó hiểu và gọi thành tên nên rầm rộ mua vô. Các bạn nghĩ là người xưa không sâu sắc như các bạn nên không viết được như thế hay sao? Hay là họ không hiểu những cảm xúc đó? Hay là các bạn nghĩ phải gọi thành tên thì những cảm xúc đó mới đẹp đẽ và “đáng tự hào” biết bao như một tờ giấy chứng nhận: “Tôi đã trải qua những mỗi tình chia ly”?

Bạn ơi! Đời sống này luôn và mãi mãi khắc nghiệt. Nếu bạn không tự đứng dậy, không ai mang đến ông bụt cho bạn cả. Nếu bạn buồn nên không buông ư? Rồi bạn sẽ phải buông thôi; hoa hồng đẹp không có nghĩa là phải nắm nó thật chặt đâu. Nếu bạn thất bại trong một mối tình, khóc cho đã đi, rồi hãy đứng dậy mà đi tìm người khác phù hợp với mình hơn. Chẳng có ai tới chìa tay ra giúp bạn như trong phim hay trong chuyện tình cảm sướt mướt đâu. Bởi vì, biết sao không? Thế giới này quá ồn ào, không còn ai có thể nghe tiếng khóc hay tiếng la của bạn đâu, những tình huống trong chuyện đã không còn hiện hữu lâu rồi, bạn phải tự mình đi kiếm cái mà bạn muốn. Bạn phải tự đi, ôm cái thất bại hay lòng tự hào về những cảm xúc đau buồn đã được chứng nhận trong mấy cuốn sách Top ten kia từ ngày này qua ngày nọ chẳng được cái gì cả. Phải tự thân, tự thân…

Bạn! Mỗi người sống trên đời đều trải qua những thứ đó; thất bại trong công việc, thất bại trong tình cảm, đau khổ xảy tới với gia đình, ai ai cũng phải nếm qua. Một chút cảm xúc buồn bã của tuổi trẻ khi thất tình, hay những giây phút “chán” chường vì không có việc gì để làm. Đó chưa là cái gì trong cuộc đời này cả, nếu không muốn nói là nhỏ bé. Xin lỗi! Nhưng nếu bạn tưởng tôi coi thường những tình cảm mong manh, dễ thương của tuổi trẻ thì có lẽ bạn đã nhầm. Tôi đang không coi thường nó bởi vì tôi từng như thế, tôi chỉ đang nói mọi người hãy trải nghiệm cuộc sống và trân quý mọi thứ trên đời, từ thành công cho tới thất bại, từ công việc cho tới tình cảm. Từ đó mà trở nên cứng cáp, trưởng thành, sống cho tốt, mạnh mẽ và có ích. Đừng tưởng mình đã trải qua những thứ kinh khủng nhất cuộc đời bạn ạ, vì thế đừng ôm nó khư khư tưởng chừng như “có mỗi mình ta” chịu sự đau khổ tổn thương tột cùng đó, hãy cảm ơn dòng đời đã làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn, sức chịu đựng tốt hơn và trưởng thành hơn.

Mỗi thất bại sẽ là mẹ thành công nếu chúng ta chịu học bài học từ nó, nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ tiếp tục sai lại bài toán cũ, thất bại lúc này là bà ngoại của thất bại chứ không phải là thành công gì nữa. Đơn cử, nếu bạn muốn thành công trong tình cảm, hãy học các lý do thất bại từ những mối tình trước, và bạn sẽ hoàn thiện lối sống có bản sắc, tình yêu sẽ lại đến, sớm thôi.

Tôi muốn nói mọi người hãy mạnh mẽ! Đừng lo lắng “nếu cả thế giới này đều mạnh mẽ thì sao?”, không bao giờ có chuyện đó đâu, yên chí đi! Và biết đâu những bạn gái hay ôm khư khư niềm đau từ các mối tình cũ khi đọc được bài này, tôi hi vọng có thể giúp bạn nhận ra điều gì đó hơn là nước mắt, và rụt rè, và sợ hãi, và bi lụy. Hãy nhớ, những người mạnh mẽ không làm người ta sợ tiếp xúc và chơi cùng, mà chính là những người yếu đuối, bi lụy, mang trong mình đầy nỗi sợ hãi. Tôi thừa nhận, mình rất sợ hãi những cô gái yêu đuối, bi lụy.

Sự thực là, yếu đuối là kém cỏi, yếu đuối là không có bản sắc, yếu đuối là không có sức hút. Xin đừng hiểu nhầm ý tôi rằng mạnh mẽ sẽ không khóc, chỉ có yếu đuối mới khóc; đó không phải là ý của tôi. Mạnh mẽ là dám đứng lên trải nghiệm cuộc đời dù trước đó đã bị lừa dối, ruồng bỏ hay gì đi nữa. Mạnh mẽ là “không rảnh” mà ngồi đếm số lần thất bại rồi quay lại cảm xúc của đoạn 3, mạnh mẽ là dám bước tiếp, sống cho ra sống.

Mạnh mẽ hay yếu đuối là quyền của bạn. Tự hào về nỗi đau hay sợ hãi nó rúc vào một góc tối cũng là quyền của bạn. Nhưng tôi không tin ai đó thích những điều tiêu cực. Đời sống là chuyến hành trình, khúc nào qua rồi thì cho qua để tiếp xúc với những trải nghiệm mới đa sắc màu đẹp đẽ.

Nỗi buồn không phải để tự hào, cũng không dành cho sợ hãi, nó vốn không sinh ra để đảm nhiệm ý nghĩa đó. Nó sinh ra để tôi luyện và đào tạo bạn. Và nếu bạn không tận dụng nó một cách đúng đắn, bạn bỏ qua chính mình, bạn chấp nhận tầm thường, bạn lãng phí cuộc sống. Nỗi buồn, thất bại sinh ra với mục đích để cho bạn ăn “no bụng”, rồi sau đó lớn lên, cứng cáp, trưởng thành, có nhiều sức khỏe làm nhiều việc mình muốn…

Trải nghiệm là không có giới hạn, và cảm xúc thì sẽ chẳng bao giờ là cũ. Bạn sẽ được đi khắp muôn nơi, ngắm nhìn thiên nhiên, ngắm nhìn con người, ngắm địa cầu xanh tươi, những điều mới mẻ đầy thích thú mà mãi về sau bạn mới biết là: Tuổi trẻ đa sắc thái đẹp thật đấy, nhưng sẽ đáng tiếc nếu chỉ dừng lại ở mức đó…

-Lục Phong-
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 21:46 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: TẠP VĂN

Nịnh


 



 

Cô con gái cưng của Mác hỏi cha : “Ba ơi , thói xấu đáng ghét nhất của con người là gì ?” . Mác trả lời ngay không một chút do dự : “Thói nịnh hót”. Không riêng gì Mác, mọi người chân chính từ xưa đến nay đều có ý kiến tương tự như vậy. Vua Pie đệ nhất của Nga thường nói: “Thà tôi có một kẻ thù trắng trợn còn hơn có một nịnh thần bịp bợm”. Còn nhà dân chủ Ôgut Bêben thì gọi những kẻ nịnh là bọn “chỉ quen vẫy đuôi mừng trước chủ”…



Biểu hiện của thói nịnh hót rất phong phú. Loại nịnh phổ biến nhất, thường gặp nhất là dùng lời nói để tâng bốc người khác một cách quá đáng, có khi hèn hạ nhằm mục đích cầu lợi. Đối tượng để kẻ nịnh tâng bốc chủ yếu là người có chức, có quyền. Anh là thủ trưởng của kẻ nịnh ư ? Thế thì anh lập tức trở thành con người “toàn thiện, toàn mỹ” rồi. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của anh đều trở thành mẫu mực.

Nếu anh nói dài, lượng thông tin quá nghèo nàn thì kẻ nịnh vẫn bảo rằng anh phát biểu sâu sắc, phong phú; những ý kiến anh nêu ra mang tính khoa học và có giá trị chỉ đạo làm cho mọi người “sáng ra”. Nếu anh phát biểu cụt lủn, ấp a ấp úng như ngậm hột thị, chẳng ai hiểu anh muốn nói gì thì kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh phát biểu ngắn gọn, súc tích và dễ tiếp thu.

Nếu anh thô bạo, kẻ nịnh sẽ nói rằng anh có thái độ nghiêm khắc cần thiết của người lãnh đạo. Nếu anh mềm yếu, rụt rè, kẻ nịnh sẽ bảo là anh tế nhị, độ lượng. Nếu anh ăn mặc cầu kỳ, xa hoa, kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh lịch sự. Ngược lại, anh ăn mặc cẩu thả, lôi thôi, lếch thếch, kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh giản dị, tiết kiệm…Thôi thì đủ thứ. Những ưu điểm, sở trường của anh, kẻ nịnh sẽ “bốc” lên theo cấp số nhân. Những khuyết điểm, nhược điểm của anh, kẻ nịnh sẽ hóa phép, biến tất cả thành những điều hay, lẽ phải.

Một loại nịnh khác là cùng với việc dùng lời nói, kẻ nịnh còn có những cử chỉ và hành động thích hợp. Thông thường thì những kẻ nịnh hay khúm núm, xun xoe trước đối tượng mà hắn thấy cần thiết phải nịnh. Anh là thủ trưởng của hắn? Thế thì khi gặp hắn, anh chỉ việc hững hờ chìa bàn tay trái của mình ra (không cần chìa tay phải) kẻ nịnh sẽ dùng cả hai tay của hắn ôm chặt lấy bàn tay anh, mắt hắn long lanh sung sướng, đầu hắn hơi cúi xuống, lưng hắn hơi khom lại, hai gối hơi chùng với tư thế nửa đứng, nửa quỳ và kèm theo lời chào hỏi tâng bốc ngọt ngào.



Ảnh chỉ mang tính minh họa

Những cử chỉ và hành động của kẻ nịnh thường khá lộ liễu, nhưng đôi khi lại rất kín đáo, tinh vi; phải chú ý quan sát thật kỹ mới thấy được.

Những kẻ nịnh cũng thường là những kẻ hay xúc xiểm và hay nói xấu người khác. Bởi thế ngôn ngữ dân gian mới có khái niệm “xiểm nịnh”. Họ đã nịnh anh thì trước mặt anh thế nào họ cũng tìm được những đối tượng mà anh không ưa thích để nói xấu. Họ ca ngợi anh là thông minh, lịch sự, độ lượng … thì thế nào họ chê người mà anh không thích là ngu đần thiếu văn hóa và hẹp hòi…

Kẻ nịnh không chỉ nịnh cấp trên thôi đâu; nhiều khi họ nịnh cả đồng cấp và cấp dưới nữa đấy. Sắp đến kỳ xét lương, nâng ngạch bậc cán bộ; sắp bầu cấp ủy mới hoặc cơ quan sắp lấy ý kiến của quần chúng về việc đề bạt cán bộ… Toàn những việc hệ trọng cả. Những kẻ nịnh đánh hơi các khoản ấy tinh lắm. Họ thừa hiểu rằng muốn vào được cấp ủy phải có sự tín nhiệm của đa số đảng viên; muốn được đề bạt , được nâng lương sớm thì cũng phải có sự ủng hộ của quần chúng. Chỉ được lòng cấp trên thôi thì chưa đủ. Thế là họ mở chiến dịch lấy lòng tất cả mọi người, tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng.

Cần phân biệt nịnh với quý mến và kính trọng. Chúng ta không phủ nhận sự quý mến và kính trọng thật sự thường thấy trong quan hệ giao tiếp ứng xử giữa người và người. Không phải cứ khen nhau, tôn trọng nhau, tặng nhau thứ này, thứ khác đều là những hiện tượng xu nịnh. Chúng ta không vơ đũa cả nắm, không hồ đồ và thiển cận như vậy. Trong cuộc sống , sự quý mến và tôn trọng nhau một cách chân thành; sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, tặng nhau, giúp nhau khi cái này, khi cái khác là những chuyện thường tình, là những điều cần thiết.

Đó là biểu hiện của sự quý mến và kính trọng thật sự, là những nét đẹp trong truyền thống đạo đức của dân tộc ta. Chúng ta chỉ phê phán thói nịnh hót nấp dưới chiêu bài quý mến và kính trọng; bởi vì đó là sự giả dối. Trong thực tế, những kẻ nịnh thường nấp dưới chiêu bài quý mến và kính trọng cho nên dễ làm cho nhiều người bị lừa. Không phải họ nịnh anh tức là họ quý mến hay kính trọng anh đâu. Khi nào anh hết vai trò quan trọng đối với họ, hoặc anh thất thế thì họ sẽ hững hờ, lạnh nhạt với anh ngay, thậm chí họ còn có thể quay lại đá đít anh cho mà xem.

Thói nịnh hót gây ra tác hại không nhỏ, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trước hết nó làm cho kẻ nịnh mất hết bản lĩnh, mất hết nhân cách, trở nên thoái hóa biến chất, bị mọi người khinh bỉ. Nó làm cho người được nịnh không đánh giá đúng mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dễ mắc khuyết điểm, sai lầm. Nó uốn lệch nhận thức của người được nịnh. Nếu người được nịnh đó là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì sẽ làm tổn hại đến công việc chung như: Đánh giá sai lệch đội ngũ cán bộ dưới quyền mình, dẫn tới tình trạng người tốt không được trọng dụng, kẻ xấu lộng hành… Thói nịnh hót còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tạo ra sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu tổ chức .

Nịnh và ưa nịnh là hai mặt của một vấn đề . Kẻ nịnh và kẻ ưa nịnh là tiền đề tồn tại của nhau . Có kẻ nịnh bởi vì có người ưa nịnh và ngược lại . Sự tồn tại của hai hiện tượng : nịnh và ưa nịnh chứng tỏ một điều là do chúng ta tu dưỡng kém , do việc tự phê bình và phê bình không được đẩy mạnh trong các tổ chức đảng , chính quyền , đoàn thể và trong các tổ chức quần chúng khác . Thường có tình trạng là mọi người có thể tự nhận mình có khuyết điểm này khuyết điểm khác , nhưng ít ai dám dũng cảm nhận mình có thói nịnh hót hoặc ưa nịnh . Khi phê bình người khác cũng vậy ; dường như chúng ta đều cảm thấy có gì khó nói khi phê bình đồng chí mình , bạn mình là có thói nịnh hót hoặc thích được nịnh hót .

Muốn hạn chế được thói nịnh hót điều quan trọng nhất là phải tạo ra được dư luận xã hội rộng rãi lên án thật mạnh mẽ thói nịnh và ưa nịnh. Phải làm cho những kẻ nịnh và ưa nịnh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi mắc phải căn bệnh này. Đáng tiếc là trong pháp luật của ta không thấy có điều khoản nào xác định khung hình phạt đối với thói nịnh và ưa nịnh. Nó chưa bị coi là một tội giống như tội giết người , tội tham nhũng…Đành phải sống chung với thói nịnh và ưa nịnh vậy thôi chứ biết làm sao bây giờ ./.


Tiến Hải 
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 21:37 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: phiếm

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Chủ tịch nước yêu cầu xét xử nghiêm vụ dùng nhục hình





Theo Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có ý kiến yêu cầu xét xử nghiêm vụ án 5 công an dùng nhục hình tại TP Tuy Hòa, Phú Yên.


Chủ tịch nước yêu cầu xét xử nghiêm vụ dùng nhục hình (09/04)
Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát (06/04)
Bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng (06/04)
Bất chấp (05/04)
Vụ công an dùng nhục hình: “Vụ án còn nhiều việc chưa rõ” (05/04)


Theo bản tin này, vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến việc Tòa án Nhân dân thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo nguyên sĩ quan công an về tội danh dùng nhục hình, gây tử vong.

Nhiều cơ quan truyền thông theo dõi phiên tòa đã nêu vấn đề về mức án tòa tuyên dành cho các bị cáo là chưa hợp lý.

Sau khi xem xét, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch nước kết quả.

Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước đến các cơ quan pháp luật nói trên để thực hiện.

*Trước đó, chiều 3-4, TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã tuyên bản án dành cho 5 bị cáo nguyên là sĩ quan công an dùng nhục hình, trong đó có 3 người chịu án giam, còn 2 người được cho hưởng án treo.

Theo bản án tuyên, có 3 bị cáo bị phạt tù giam gồm:

Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa): 5 năm tù giam

Bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45, Công an tỉnh Phú Yên): 2 năm tù

Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa): 1 năm 6 tháng tù giam

Hai bị cáo được kết án tù nhưng cho hưởng án treo là:

Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa): 1 năm 3 tháng tù, cho hưởng án treo

Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa): 1 năm tù, cho hưởng án treo.

Theo bản án, Hội đồng xét xử nhận định tất cả các bị cáo đều phạm tội “dùng nhục hình” đối với anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) khiến anh này tử vong như truy tố của Viện KSND TP Tuy Hòa.

Bản án cho rằng việc tuyên mức án trên là đã xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Án cũng tuyên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình bị hại 99 triệu đồng, có trách nhiệm cấp dưỡng cho hai con nhỏ của anh Kiều mỗi tháng 575.000 đồng/tháng.

TTXVN-TL


Về vụ án  chúng ta có thể mô tả như sau :

- Bắt cóc ( bắt giam giữ người trái pháp luật)
- Tra tấn  dã man( dùng vũ khí tấn công nạn nhân không có khả năng tự vệ (với 72 vết thương) mục đích khai thác thông tin từ nạn nhân)
- Giết người ( dùng vũ khí đánh vào vùng nguy hiểm mà bản thân ngưới tấn công hiểu rõ có thể gây ra chết người. 5 công an viên này đều là sĩ quan được đào tạo nghiệp vụ chính quy có khả năng tự vệ không chế, vô hiệu hóa đối tượng. Nạn nhân hoàn toàn không có khả năng tự vệ ( bị trói) thì tại sao lại phải đánh vào đầu nạn nhân?Tiết lộ của ông trưởng Công An về việc " sợ nạn nhân đập đầu vào tường tự tử" )?
Câu hỏi :
- Vì sao : Sợ nạn nhân đập đầu vào tường tự tử? Bản thân nạn nhân chỉ là nghi can của một vụ trộm cắp mà nếu bị kết án thì mức hình phạt cũng không khiến nạn nhân phải nảy sinh ý định " tự tử")? phải chăng nạn nhân quá uất ức vì bị " tra tấn dã man" và đã từng phản ứng bằng cách " tự tử" và các Công An này đều biết và ngăn chặn khi họ chưa " đạt mục đích"?
- Trong 72 vết thương trên mình nạn nhân thì có bao nhiêu vết thương ở vùng nguy hiểm, cụ thể là vùng đầu nạn nhân)?
- Có phải chỉ duy nhất Nguyễn Nhân Thành Thảo dùng " dùi cui" (vũ khí dù có tính sát thương nhẹ) đánh vào đầu nạn nhân?

"Lạm quyền" là tội phạm cực kỳ nguy hiểm vì chính nó nguyên nhân tạo ra " bất công xã hội" huống chi là " sự lạm quyền gây hậu quả nghiêm trọng"!
Quyền đầu tiên của " nhân quyền" là " quyền được sống " không một ai có thể tước đi khi người đó không có hành vi "gây nguy hiểm cho xã hội".


Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 22:05 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: Báo chí

Cúc áo của mẹ

Ấn phẩm “Văn học và Tuổi trẻ”, là tạp chí ra hàng tháng của Nhà xuất bản Giáo dục, số tháng 3-2011 (235), đăng truyện ngắn “Cúc áo của mẹ” của Nhất Băng (là nhà văn chuyên nghiệp, tên khai sinh Lỗ Nghĩa Bân, sinh năm 1972, Hội viên Hội Nhà văn tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; Anh đã được trao nhiều giải thưởng quốc gia về truyện cực ngắn); Bản dịch của Nhà báo-Dịch giả Vũ Phong Tạo. Đồng thời, như thường lệ, Ban Biên tập đã động viên các bạn đọc trẻ tuổi phẩm bình truyện ngắn trên.


Đến số tháng 5+6 (236-237), tại hai trang 101 và 102, tạp chí đã chọn đăng bốn lời bình truyện “Cúc áo của mẹ” của bốn bạn đọc trẻ: Hoàng Khánh Linh, Đỗ Văn Hải, Dương Lệ Trúc và Võ Văn Đại, là học sinh từ đồng bằng Bắc Bộ Nam Định, đến ven biển miền Trung Quảng Nam, Bình Định, rồi đến cao nguyên miền tây Kon Tum, gần như trên khắp đất nước hình chữ S duyên dáng!


Xin cung cấp toàn văn truyện ngắn “Cúc áo của mẹ” và nội dung của bốn lời bình khá xúc tích và hấp dẫn ấy, mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc củng cố niềm tin của người lớn chúng ta, của cả xã hội chúng ta đối với thế hệ trẻ ngày nay.


Nỗi ám ảnh

Truyện khai thác một đề tài không mới nhưng vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Có lẽ bởi hình ảnh “cúc áo của mẹ”. Hình ảnh này trở đi trở lại, ám ảnh một cách nhức nhối. Bà mẹ làm việc đến khi kiệt sức chết vì bà bị ám ảnh về chiếc áo. Bà thấy mình có lỗi khi không thể mang cho con hạnh phúc, cuộc sống sung sướng bằng bạn, bằng bè. Và người mẹ đáng thương và đáng trọng ấy cùng tấm áo năm xưa lại thành nỗi ám ảnh cho cậu con trai suốt cả cuộc đời.
Ám ảnh mang tên niềm ân hận đã được đẩy đến cao trào khi cậu quỳ sụp trước “cúc áo của mẹ” trong buổi biểu diễn thời trang. Chi tiết đặc biệt về chiếc cúc áo đó khiến người đọc không khỏi bật ra tiếng khóc đau đớn, chua xót cho số phận của nhân vật.
Câu chuyện khép lại bằng câu nói đầy ý nghĩa của nhà thiết kế, nó làm cho người ta phải day dứt. trăn trở không yên, rồi cũng bị ám ảnh lúc nào không hay…
HOÀNG KHÁNH LINH (Lớp 10A3 - THPT Nghĩa Hưng A - Nghĩa Hưng - Nam Định)


Một hình ảnh nhiều ám gợi

“Cúc áo của mẹ” vừa là tên truyện ngắn lại vừa là hình ảnh để tác giả gửi gắm tình cảm. Hình ảnh chiếc áo có hàng cúc áo “kì lạ” xuất hiện ở phần đầu tác phẩm cho thấy sự khéo léo của người mẹ nghèo khó nhưng rất mực yêu thương, chăm lo cho con. Người con chỉ vì nhất thời nông nổi của tuổi trẻ mà làm mẹ đau lòng dẫn đến sự ra đi mãi mãi. Khi người con nhận ra sai lầm, cậu muốn nói một lời xin lỗi nhưng cơ hội đã không còn.
Và chiếc áo có hàng cúc hình chữ “vê” (V) trở lại ở cuối tác phẩm, trong triển lãm thời trang càng làm cho nhân vật người con thêm ân hận, day dứt. Giờ đây sống giữa vật chất đủ đầy, có tôn tạo phần mộ của mẹ đẹp bao nhiêu nữa thì mẹ cậu vẫn mãi mãi xa cậu mất rồi. Câu nói của nhà thiết kế thời trang ở cuối tác phẩm như một lời tri ân sâu sắc tới tất cả các bà mẹ trên thế gian này.
Truyện có sức gợi lớn, mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc.
ĐỖ VĂN HẢI (59B - Nguyễn Văn Trỗi - Quy Nhơn - Bình Định)


Nhà nghệ thuật chân chính
Trong cuộc đời, không có gì là hoàn hảo nếu thiếu đi một tấm lòng, một trái tim biết tạo ra nghệ thuật. Và hơn bao giờ hết, người mẹ chính là một nhà nghệ thuật sáng giá nhất bởi vì họ mang trong mình một thứ mà không hẳn nhà nghệ thuật nào cũng có, đó chính là đức hi sinh cao cả. Câu chuyện đã khép lại nhưng đồng thời mở ra cho con người ta bao trăn trở…
DƯƠNG LỆ TRÚC (Lớp 11/1- THPT Sào Nam- Duy Xuyên- Quảng Nam)


Cúc áo của mẹ - Triết lí về cuộc sống và con người

Kết cấu theo dòng hồi ức, truyện để lại khá nhiều dư vị quen thuộc: Lòng thương con của mẹ, vì sự xốc nổi của con mà mẹ phải chịu sự cay đắng đến tuyệt vọng, nỗi ăn năn muộn màng của đứa con thơ dại…
Nhưng nếu dừng lại ở đó thôi thì đây cũng chỉ là một câu chuyện thường, nếu không nói là sáo mòn. Nét đặc sắc làm nên ý nghĩa sâu xa của truyện có lẽ là nằm ở chi tiết tấm vải lót màu vàng và hai hàng cúc áo hình chữ “vê” (V).
Cái áo mà cậu học trò này và anh người mẫu kia mặc rõ ràng là như nhau.
Nhưng tại sao khi tạo ra nó là một người mẹ nghèo khổ - dù là người “phát minh” ra trước, người mặc nó là cậu học trò lúc nào cũng “mặt mày lọ lem, đầu bù tóc rối bụi bặm”, trước đó luôn phải “mặc quần áo cũ của anh, vá chằng vá đụp”, thì nó thật tầm thường?Cả người tạo ra và người mặc đều bị khinh thường, bị cười nhạo, mỉa mai.
Còn khi người tạo ra là “một nhà thiết kế thời trang bậc thầy”, người mặc là người mẫu, và xuất hiện trên sàn diễn thời trang danh tiếng, thì nó trở thành một thứ mốt thời thượng, và nhà thiết kế này lại được bao kẻ tôn sùng, tung hô!
Cho nên, hành động “quỳ sụp” và “oà khóc thống khổ” của người con ấy không hẳn là sự ăn năn của đứa con tuổi 12-13, mà có lẽ đó là sự cay đắng chua chát của một người từng trải đã nhận ra sự trớ trêu của cuộc sống và bất công của lòng người: Thứ cao quý có khi lại bị cho là tầm thường, người đáng kính có lúc lại bị coi khinh!
VÕ VĂN ĐẠI (Trường THPT Lê Lợi - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum)



CÚC ÁO CỦA MẸ

Tác giả: NHẤT BĂNG - Vũ Phong Tạo dịchAnh ấy còn nhớ, năm tổ chức lễ sinh nhật 12 tuổi, anh ấy vẫn còn đang đi học, thầy giáo tự nhiên chẳng có lý do gì cho cậu ta nghỉ học. Vừa sáng tinh mơ, mẹ cậu đã kéo cậu ra khỏi chăn, cậu lẩn tránh bàn tay lạnh cóng của mẹ, còn nằm rán trên giường một lát, thì đã nghe thấy mẹ nói: "Con trông đây là cái gì?"



Cậu mở to mắt, trước mặt là một chiếc áo mới, kiểu quân phục như cậu từng mơ ước, hai hàng cúc đồng, trên vai áo có ba vạch màu xanh, đó là mốt quần áo "thịnh hành" trong học sinh. Cậu bỗng mừng rơn, vội mặc áo quần, ngay bát miến trường thọ cũng ăn vội vội vàng vàng. Cậu muốn đến lớp, đến trường ra oai với các bạn học, rằng cậu cũng có một chiếc áo mới của mình, mà là một bộ "mốt" nhất nữa.


Cần hiểu rằng, từ nhỏ đến lớn, cậu toàn mặc quần áo cũ của anh, vá chằng vá đụp nữa!

Quả nhiên đúng như dự kiến của cậu, khi cậu bước vào lớp học, ánh mắt của các bạn đều trố lên, các bạn đều không ngờ được rằng, cậu lúc nào cũng mặt mày lọ lem, đầu bù tóc rối bụi bặm cũng có lúc vẻ vang rạng rỡ như thế này.

Ngồi trên vị trí của mình, cậu hoàn thành tiết học đầu tiên một cách vui vẻ, hởi lòng hởi dạ. Trong giờ giải lao, các bạn ấy đều vây quanh cậu, vạch xem quần áo mới của cậu. Có bạn bỗng hỏi:

- Ô hay! Tại sao khuy áo của bạn không giống của chúng mình nhỉ?

Lúc ấy, cậu mới nhìn kỹ cúc áo của mình, quả thật không giống cúc áo của người khác hai dãy thẳng đứng. Còn cúc áo của cậu lại nghiêng lệch, hai dãy xếp thành hình chữ "vê" (V).

Các bạn lật xem áo của cậu, bỗng đều cười òa lên. Thì ra, chỗ đính khuy trên chiếc áo trắng của cậu là một miếng vải cũ màu vàng. Cậu cũng hiểu ra, chắc là mảnh vải mẹ mua không đủ may áo, đành phải lót bên trong bằng mảnh vải khác, sợ người khác nhìn thấy, cúc áo đành phải đính sang bên cạnh. Và cũng để người khác không nhìn thấy, mẹ đã khéo léo đính chéo hàng cúc kia, tự nhiên thành hình chữ "vê" (V).

Biết rõ sự thực, các bạn cười òa lên, ánh mắt lại giễu cợt như trước. Những ánh mắt ấy làm cho lửa giận bốc lên ngùn ngụt trong lòng cậu. Buổi trưa về đến nhà, trước mặt khách đến thăm, cậu cắt nát vụn chiếc áo mới của mình. Mẹ cậu lao đến trước mặt con, giơ cao tay, nhưng cuối cùng không giáng xuống. Cậu liếc nhìn, thấy nước mắt mẹ chảy quanh trong khóe mắt, vội quay đầu chạy biến…

Cậu rõ ràng cảm thấy, từ hôm ấy trở đi, mẹ hình như biến thành một người khác. Mẹ làm nghề xay đậu phụ, thường ngày mẹ rất ít ngơi tay, từ đó về sau đến thời gian xả hơi mẹ cũng không giữ lại cho mình. Cậu tận mắt thấy mẹ gầy sọp đi, tận mắt nhìn thấy mẹ nằm bẹp rồi ra đi mãi mãi… Cậu rất muốn nói một câu: “Con xin lỗi mẹ”, mà không còn cơ hội nữa.

Song, cậu thừa kế được tính khí kiên cường và cần cù phấn đấu của mẹ. Cậu cố gắng học tập, làm cho cuộc đời của cậu phát sinh biến đổi một trời một vực. Cậu có rất nhiều rất nhiều tiền, trùng tu tôn tạo phần mộ của mẹ nhiều lần.

Rồi một hôm, cậu tham gia một cuộc triển lãm trình diễn thời trang, đó là những mẫu thiết kế của nhà thiết kế thời trang bậc thầy, đỉnh cao thế giới. Trong đó, có một người mẫu nam bước lên sàn diễn, mắt cậu bỗng căng lên, đầu óc kêu ong ong hỗn loạn. bộ áo màu trắng ấy với hai dãy khuy đồng hình chữ "vê" (V).

- Bên trong có phải là…?

Cậu không làm chủ mình được nữa, lao lên sàn diễn, lật ra xem tấm áo của người mẫu nam, lót bên trong tự nhiên cũng là một mảnh vải vàng!

Cậu ta quỳ sụp trước mặt người mẫu nam, òa khóc thống khổ.

Sau khi nghe anh ta kể hết câu chuyện, tất cả những người có mặt tại hội trường đều trầm ngâm suy nghĩ mãi.

Cuối cùng, một nhà thiết kế bậc thầy nói: "Thực ra, tất cả những người mẹ đều là các nhà nghệ thuật!".

VŨ PHONG TẠO dịch
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12866
(Theo Bán nguyệt san “Truyện mini chọn lọc”, TQ)
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 21:33 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: Truyện hay

Khi người bỏ ta, ta bỏ người?








“Những người xuất hiện trong cuộc đời bạn, giống như những hành khách trên một chuyến xe buýt. Đến trạm dừng, người này xuống, ắt sẽ có người khác lên.” - Khuyết danh (nguyên tắc cho những mối quan hệ)

Thật ra, trên đời này, chẳng ai thích sự biệt ly cả. Dù đấy là một tình yêu tan vỡ, hay là đôi bạn không còn chung hướng, thì chẳng ai dễ chịu cả. Nên chăng, tôi cũng chẳng thích thú gì nói về sự kết thúc. Nhưng buổi tiệc nào cũng phải có lúc tàn. Đôi khi, kết thúc là sự hiển nhiên, đôi khi kết thúc lại là sự ép buộc. Muôn vàn cách kết thúc, là cũng muôn vàn tâm trạng, muôn vàn cảm xúc của những người trong cuộc. Xe đã chạm bến, thì phải có người xuống, kẻ lên. Mỗi người phải tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ sự tích cực… Vì, nói gì đi nữa, tương lai của chúng ta vẫn đang là một con đường thẳng tắp phía trước.

Trong các kiểu chấm dứt, tôi ngán ngẫm nhất là khi người ta kết thúc nhau bằng một cuộc cãi vã, bằng một sự im lặng vô tình, hay thậm chí chỉ là trò đùa ngớ ngẫn. Vậy thôi là kết thúc! Thật tâm, chẳng lẽ họ không thấy tiếc nuối. Không phải cái tiếc nuối day dứt ân hận, mà cái tiếc nuối đôi phần cảm thấy bất lực, cái tiếc nuối chắc lưỡi hai tiếng duyên phận. Phận luôn ở trong tay mình. Nên nếu là người trong cuộc, mỗi người hãy bỏ qua một chút ngại ngùng, một chút tự tôn, ngồi lại với nhau. Ai cũng có cái sai, ai cũng có cái đúng, chia sẻ với nhau thật tâm hơn, hiểu nhau hơn, rồi sẽ thân nhau hơn.

Còn đối với sự xa cách, sao cứ phải nặng nề ai trước, ai sau. Một cuộc điện thoại, một dòng tin nhắn, thậm chí là một bức thư tay, chẳng ai hại ai, cũng chẳng ai phiền ai. Nếu đã quá lâu, chuyện cũ không còn nhớ, thì chuyện mới vẫn đầy ắp mà. Công việc này, tình cảm này, con cái này, ăn uống này, buôn chuyện người khác này… Có gì đâu mà phải phức tạp mà đến thây kệ nhau trong giữa dòng đời?

Tuy nhiên, có những mối quan hệ mà tâm không muốn, nhưng cuộc đời xô đẩy, thì lòng đành phải chấp nhận. Như chuyện làm, chuyện học, chuyện tương lai… làm mà sao ta quản được. Chỉ mong sao chuyện làm đã xong, chuyện tương lai tạm ổn, ta vẫn nhớ tới bạn, bạn vẫn nhớ tới ta. Lâu ngày gặp nhau, chén chú chén anh cũng thấy ấm lòng yên dạ. Yêu nhau thật lòng, thật tâm, người ta còn chịu được xa, được cách. Tình bạn như bông hoa nhài, vốn thoang thoảng hương thơm nhưng đọng mãi không thôi, cớ sao mà phải hít hà tham lam để tàn hoa, nát nhụy?


“Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta bắt buộc phải chọn lựa, từ bỏ và không từ bỏ, không phải để cho bản thân chúng ta thảnh thơi, mà là để cho cái mới có cơ hội bước tới…” - Khuyết danh

Quả thật, trong cuộc sống, đôi lúc, có những cái chúng ta phải than rằng, cái cũ không đi thì sao cái mới có thể đến. Nghe thì có vẻ chua chát, phụ bạc, nhưng có thể đơn giản chỉ là chiếc áo đã quá chật, hay ngôi nhà đã quá cũ. Phức tạp hơn, như là một tình bạn không thể dung hòa, một tình yêu chẳng còn sự tin tưởng. Tệ bạc hơn nữa là sự dối lừa, là sự hèn mạt, là nhỏ nhen, là thấp kém với nhau. Đã nhìn thấy “shit” trong mắt nhau, đã mang đôi giày chật chội của nhau, nhưng không thể nào hiểu nổi, không thể nào chấp nhận nổi, không thể dung hòa nổi. Giải thoát cho nhau không phải vì lười biếng, cũng không phải vì hèn nhát, mà đơn giản chỉ là để nhau thanh thản hơn, nhìn chính mình hơn và nhín chính họ hơn. Có thể một ngày nào đó, suy nghĩ đã khác, tư tưởng đã khác, thì sẽ hiểu nhau, san sẻ nhau, chấp nhận nhau. Chúng ta vẫn có một cơ hội là bạn.

À! Có một “sự kết thúc” mà tôi thực sự rất ghét. Là kiểu kết thúc mà chẳng ai nhờ vả được ai, chẳng ai có thể đong đưa được ai, chẳng ai còn có thể lợi dụng được ai. Đấy đâu phải là sự kết thúc. Bởi vì thực sự nó đâu đã bắt đầu. Ngồi chung mâm với nhau thế là thành bạn, chén tạc, chén thù hóa ra thân. Thấy nhau đẹp, thấy nhau xinh, ôm ấp nhau, lẫn lộn thỏa mãn vài phần dục vọng. Thấy nhau giàu, thấy nhau sang, ngọt nhạt thảo mai hy vọng vớ được vài bữa ngon, vài chuyến đi chơi miễn phí. Thấy nhau có tiếng, có trí, có vai vế, hà hơi thân cận, giựt le với đời, chứ chẳng để học hỏi, chẳng để suy nghiệm. Mối quan hệ ấy đâu đã bao giờ thực sự bắt đầu để mà kết thúc?

Xã hội này, sách vở này, dạy ta kết bạn, dạy ta kết thân, dạy ta “never eat alone”. Nhưng hình như chẳng mấy ai dạy ta phải kết thúc một mối quan hệ như thế nào. Thế nên, khi chuyến xe buýt đã cập bến, đành phải tự thân ta trải nghiệm, tự thân ta thấu hiểu và tự thân ta vượt qua. Chỉ hy vọng sao, đừng vì đã từng quá quý một người, đừng vì đã từng quá cảm động một người, mà sự ra đi của họ làm tan vỡ đức tin của ta. Biết rằng cuộc sống đôi lúc cần phải có một chút nhẫn tâm, nhưng thật ra thì… đừng vẫn hay hơn!



Diều Hâu Đuôi Đỏ

Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 21:27 2 nhận xét:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: Sống

Tài sản quan chức: Phân biệt “tiền bẩn” không khó





.
Tham nhũng hoặc lạm dụng vị trí công việc để làm giàu bất chính luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và người dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh các chế tài của luật pháp, cần phải có những đãi ngộ xứng đáng cho những người giữ vị trí quan trọng trong xã hội… Trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này.


Nên nhìn nhận công bằng về lương quan chức

Thưa ông, trên Tuần Việt Nam những ngày qua đang có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc làm giàu của quan chức. Theo ông, có nên áp dụng cơ chế những người giữ chức vụ quan trọng trong xã hội được hưởng lương cao, đảm bảo mức sống đầy đủ, giàu có hơn mặt bằng chung, như một hình thức phòng ngừa tham nhũng?
Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Dân phải giàu thì nước mới mạnh. Quan chức thì trước hết cũng là dân, không nên phân biệt quan chức có được làm giàu hay không, vấn đề là cách làm giàu có chính đáng hay không? Nếu người ta làm giàu bằng tài năng, hiệu quả công việc, chất xám… mà họ bỏ ra, thì việc họ có thu nhập vượt trội hơn những người khác là hoàn toàn hợp lý.

Tôi ủng hộ quan điểm những người nắm giữ những vị trí nhất định trong xã hội phải có thu nhập trước hết là đủ sống, sau đó là có thể tích lũy và đầu tư cho việc tái tạo sức lao động. Tôi cho rằng nên có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho họ.

Nhưng hiện nay, nói thẳng ra là đồng lương chưa đủ sống, vậy thì nói gì đến chuyện tích lũy và nuôi gia đình. Chúng ta nên nhìn nhận công bằng, rộng mở về vấn đề này.

Khi một quan chức tự nhiên giàu lên, anh ta phải có nghĩa vụ chứng minh được đó là tài sản từ thu nhập chính đáng.

Ví dụ đó là tài sản thừa kế từ ông bà tổ tiên, tài sản từ sản xuất lao động mà có. Tôi vẫn cho rằng nên phân định ‘tiền sạch’ với ‘tiền bẩn’ - tiền do lợi dụng chức vụ, tham nhũng, tước đoạt của người khác mà có.

Việc này cần phải có những cơ chế giám sát chặt chẽ, đặc biệt đối với những người ở những vị trí dễ lạm dụng chức vụ để tham nhũng như quản lý đất đai công sản, thu chi ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm đề bạt cán bộ, ban hành chính sách hay cấp phép đầu tư..vv..vv

ĐBQH Lê Như Tiến. Ảnh: Lê Anh Dũng



Làm thế nào chúng ta phân biệt được ‘tiền sạch’ ‘tiền bẩn’? Khi người dân nhìn thấy ông bộ trưởng/thứ trưởng nào đó ở những biệt thự rất to, nhà đất nhiều… đương nhiên họ phải đặt câu hỏi?
Quan trọng ta có muốn làm hay không, chứ chúng ta có rất nhiều công cụ để giám sát (Các Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ công chức…) và để xác minh tài sản, như Ủy ban Kiểm tra của Đảng, sự giám sát của QH, thanh tra của CP và các cơ quan điều tra. Vấn đề chính là có muốn làm không. Nút thắt chính là ở khâu triển khai thực hiện.

Có thể lý giải được điều gì, khi mà các cơ quan thanh tra đã tiến hành trên 64 nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6%. Chứng tỏ là có sự “nắn dòng, bẻ ghi” trong quá trình thanh tra điều tra.

Nếu họ chứng minh được đó là tài sản của ông bà để lại: một căn nhà ở đây, một mảnh đất ở TP Hồ Chí Minh, hoặc sẵn một căn nhà cho thuê hàng tháng, hoặc có con cháu làm ở doanh nghiệp X.Y hay đang công tác ở nước ngoài, lương cao vv…vv.. Sau khi cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc, thấy thông tin đó là chính xác thì tài sản của họ là minh bạch.

Thực tế là hiếm khi thấy những người có chức vụ ở trong các căn hộ khiêm tốn, tài sản đơn sơ… không lẽ tất cả quan chức đều có bố mẹ giàu có, hoặc con cái ở nước ngoài?
Chính vì thế tôi mới nói họ phải có nghĩa vụ chứng minh, giải trình. Nếu không chứng minh được thì đó rõ ràng là tài sản bất minh.

Thực tế đã có nhiều quan chức đã bị dư luận lên án vì không bạch hóa được tài sản. Gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng được biết nhiều cán bộ cấp cao sau khi nghỉ hưu cũng bị phát hiện có nhiều tài sản bất minh. Có nhiều người khác đã có nhà trước đó, nhưng được Nhà nước cấp thêm nhà theo kiểu cho không. Như vậy rõ ràng có sự bất bình đẳng giữa các công chức với nhau.

Kê khai nhưng không công khai?
Như ông nói: chúng ta có nhiều công cụ giám sát, có nhiều cơ quan thanh tra/kiểm tra sự minh bạch tài sản. Nhưng người dân không được biết về những thông tin và kết quả kiểm tra đó ở đâu, như thế nào; làm sao người dân phát huy được vai trò giám sát?
Tôi đã phát biểu vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội. Chúng ta có kê khai nhưng không công khai. Hàng năm, mỗi đợt bầu cử, ứng cử, bổ nhiệm đề bạt, ta đều có những cuộc kê khai, kiểm tra tài sản công chức. Nhưng kê khai xong chỉ để trong ngăn tủ cơ quan, được khóa kỹ lưỡng; không công khai nơi cư trú hay thông tin tài sản về người được kê khai. Điều này khiến người dân, cử tri không biết thông tin, không thể giám sát được công chức mà họ bầu ra. Kê khai mà không công khai là hoàn toàn vô nghĩa.

Tôi đề nghị Chính phủ công khai toàn bộ những hồ sơ tài sản quan chức để người dân giám sát. Chính người dân trên địa bàn sẽ chỉ rõ người quan chức mà họ bầu ra có bao nhiêu tài sản trước và sau khi nắm chức vụ; bao nhiêu tài sản được dịch chuyển cho người thân, bao nhiêu tài sản không được đưa vào kê khai.. Như vậy sẽ đảm bảo sự minh bạch.

Thêm nữa, nhà nước cần cơ chế bảo vệ người phát hiện và tố cáo về những tài sản bất minh của các quan chức, hoặc có những nghi vấn tài sản do vi phạm pháp luật mà có. Đôi khi, người tố cáo lại trở thành nạn nhân của kẻ tham nhũng vì những kẻ tham nhũng có chức có quyền, có tiền thì không thiếu gì thủ đoạn đê hèn để trả thù và trù dập người tố cáo.

Ông có cho rằng cơ chế giám sát tài sản quan chức có, nhưng khó thực hiện vì người ban hành chính sách cũng chính là đối tượng chịu thực thi chính sách. Nói cách khác là không ai muốn ‘lấy đá ghè chân mình’?
Chính xác! Tôi cũng đã nghe nhiều vị chức sắc nói ‘Chẳng ai tự lấy đá ghè vào chân mình’. Làm sao mình lại tự kiểm tra giám sát chính mình được. Rất khó!

Thưa ông, có vẻ như hình ảnh một vị quan chức giản dị, hòa đồng với người dân dễ được lòng dân hơn. Nhưng, có nhiều độc giả gửi thư phản hồi với tòa soạn rằng, điều mà người dân quan tâm không chỉ là vị quan chức đó giàu hay nghèo mà quan trọng nhất là chất lượng, hiệu quả công việc và đóng góp được gì cho sự hưng thịnh của quốc gia? Ông bình luận gì về điều này?
Người dân không tiếc đãi ngộ vật chất với người có chức có quyền để họ có điều kiện và yên tâm cống hiến hơn cho đất nước, như phương tiện đi lại, lương cao, nhà ở…

Tuy nhiên, người dân cũng đòi hỏi những cán bộ đó phải thực sự là công bộc của dân và phải đem lại lợi ích cho nhân dân chứ không phải người dân cần những người cán bộ đi xe đạp cà tang, ăn cơm bụi nhưng lại không có cống hiến được gì cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Hoàng Hường (thực hiện)
————


http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/169470/tai-san-quan-chuc–phan-biet–tien-ban–khong-kho.html
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 21:24 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: Tham nhũng

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Không đề 56






Ngày
nhỏ giọt mồ hôi nuôi thời gian đắt đỏ

Đêm
Bứt từng sợi tóc chăn ảo mộng mênh mông

Đời quay mòng
cô đơn bốc đồng như con gái ế chồng
Cơn say lên ngồng gọi bóng se duyên

Rút ruột trăng rằm kéo sợi tơ mềm
Bóp vụn hoa tẩm hương khâu túi truân chuyên
hứng tình miên viễn

Đất trời u tịch 

tỉnh  thức niềm trinh
Vầng trăng chảy máu
Hoa nát nhàu
Gió vào ngổ ngáo nửa mình phên phông

Cô đơn
từ khước lấy chồng
Túi tình trống rỗng bạc lòng trăng hoa
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 23:03 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest

NHỮNG QUY TẮC LÊN MEN



Nguyễn Lương Ngọc



Khi mắt đã no nê
Những quy tắc lên men
Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật
Có gì không ổn
Có gì như bệnh tật
Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ
Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ
Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ
Đã cho anh chiếc lăng kính này đây
Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu

Em tặng anh cát
Đây nó là thủy tinh
Em tặng anh dòng sông
Đây nó là ánh sáng
Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được
Đấy là em.
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 22:44 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: thơ hay

NHÃ THUYÊN: “MÌNH LÀ MỘT CON CHIM CHẲNG HỢP BẦY”




Nhưng bây giờ, mình phải bay đi đâu? Mình đã làm thân với những loài chim và biết rằng, trong thành phố này, mình là một con chim chẳng hợp bầy. Những loài chim trong thành phố có lẽ đã cảm thấy bất trắc khi mình lại gần. Thiên nhiên đã ngẫu hứng tạo ra mình, có lẽ, nhưng thiên nhiên không kèm theo hướng dẫn sử dụng, cũng không khuyến mại một cái lồng. Trong kí ức của một con chim có hình ảnh một con người không? Trong hình dạng bây giờ, liệu mình có bị phát hiện ra mình đã từng là một con người không. Bây giờ, mình phải bay đi đâu?



MÌNH HÓT LÊN
tặng p.m.đ & những mùa


Một sáng sớm mùa đông, bầu trời xám thở ra hơi mát lạnh, tôi tự nhiên trút bỏ dần bộ dạng người. Trong gương, khi đưa bàn tay trái lên gỡ tóc rối, tôi thấy ngón tay đeo nhẫn và ngón trỏ thấp hơn hẳn. Theo trò đùa của mắt, tôi hà hơi mờ mịt mặt kính, áp bàn tay trái vào gương, nhấc lên, thấy hình bàn tay trên gương, chiếc sừng nai nhấp nhô những mầm sừng đang nhú, hai mầm sừng bị chặt ngang, rồi dấu vết trên mặt gương mờ dần, chiếc sừng teo nhỏ lại, thành chiếc cành đang đâm nhánh bỗng chết khô vì cây bị đứt rễ, rồi dần dần chúng biến mất hẳn trước mắt tôi, chỉ còn lại toàn hơi sương. Tôi dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải nắn vuốt từng ngón tay trái, phát hiện điều kì cục xảy ra với cả ngón trỏ, và cả ngón áp út bàn tay phải: chúng cụt lủn, chỉ còn hai đốt. Như thể một căn bệnh lây nhiễm, các ngón tay khác cũng trụi dần trụi dần, một cái cây bỗng nhiên bị loài sâu khổng lồ gặm mòn hết cành lá, chỉ còn trơ lại những hốc mắt tròn lụi trên thân.
Bây giờ tôi thấy mình thấp dần, toàn thân co dồn, hai chân lún mãi xuống, một cái lò xo chịu lực ép vô hình. Mặt sàn nơi tôi đứng vẫn bất động, không có dấu hiệu chuyển rung, chao đảo. Cái mặt tôi vẫn nguyên dạng mặt người, gương mặt quen thuộc với tôi: hai con mắt lầm lì thiếu sinh khí, hai lá đào khô, cái mũi thấp bẹt cố nhoi lên hít thở, cái lều tạm bợ trên sa mạc của lũ vi trùng, hai gò má cao xương xương, hai hốc đá, nơi trú ngụ của những nụ hôn trong quá khứ bỏ hoang, vết sẹo nằm ngang dài 4cm, con đỉa nằm bẹp trên trán cao và dô, vài sợi tóc lòa xòa ngang má. Gương mặt bây giờ là kí ức người sót lại của tôi, là minh chứng cho nhân dạng tôi. Theo độ lún xuống của đôi chân và toàn thân co lại, chiếc mặt tôi, may thay, vẫn gắn với đầu, từ từ tụt xuống, và rơi xuống mặt đất, một cái đầu tượng bằng đất.
Qua những tấm gương lớn đặt sát tận chân tường, gắn với tứ phía của căn phòng riêng có cửa thông ra phòng khách, tôi thấy đôi chân mẹ, chiếc làn nhựa xanh đặt xuống nền gạch hoa như mọi ngày. Tiếp đó, như thường lệ - và tôi luôn đoán đúng, tôi nghe tiếng gọi vào ăn sáng, lần này tiếng gọi vang lên âm âm, có lẽ bởi tai tôi đang ở quá sát mặt đất. Ngày nào tôi cũng rình đoán những lúc mẹ gọi đến tên mình vào các giờ ăn. Tiếng “con” vang lên trong không trung, vón cục, lăn lốc cốc, đôi khi cũng vui tai. Tôi và mẹ sống cùng nhau 20 năm qua, bằng số tuổi tôi bây giờ, theo thể thức giao tiếp đặc biệt gần như thủ tục: phần lớn thời gian tôi sống trong căn phòng đặt gương tứ phía, mẹ và tôi không giáp mặt nhau nhưng từ phòng mình, tôi vẫn quan sát được bước chân mẹ, những chuyển động chống chếnh như dưới nước khi ánh mặt trời rọi vào, gương mặt lấp ló đâu đó, đôi mắt lo âu vẫn dò theo tôi nhất cử nhất động bằng cách nhân thành nhiều đôi mắt qua các tấm gương. Có một thỏa thuận ngầm đáp ứng nhu cầu của cả hai bên: nhu cầu quan sát từ xa của tôi và mẹ bằng cách nhân bội con mắt, tôi đề phòng mẹ nhất cử nhất động, mẹ canh chừng tôi nhất cử nhất động, từ khi tôi mới lọt lòng. Bà chỉ có mình tôi, bà sống vì tôi và luôn sợ hãi tôi biến mất bất cứ lúc nào.
Có lẽ ngày đang trôi, nắng mùa đông hắt vào tấm gương loang loáng những lưỡi ánh sáng nhọn sắc, những lưỡi thép trắng lạnh. Gương mặt tôi bắt đầu biến thái, miệng tôi dài ra và úp vào nhau thành cái mỏ chim. Tôi mơ hồ đoán rằng chính lưỡi dao của ánh sáng đang khoét gọt tôi theo cách nó muốn.
Tôi đang thành một con chim. Lông bắt đầu phủ dần lên hai cánh tay và bàn tay trụi lủi. Lông dầy lên toàn thân, ấm áp. Những móng chân của tôi hơi quặp lại và lớp sừng đang sần lên. Một con chim ngoại cỡ so với những loài chim quen thuộc trong thành phố này.
Tôi cười thầm. Sự biến mất của tôi sẽ làm mẹ kinh hãi. Thậm chí tuyệt vọng, thậm chí bà có thể chết bất ngờ. Ánh sáng đang khoét gọt tôi theo cách của thiên nhiên, theo quy luật sinh tồn và thích ứng. Tôi không phải là sở hữu của mẹ tôi. Tôi không thuộc quyền kiểm soát của bà. Tôi cũng chẳng thể tự quyết định chính tồn tại của mình.
Tôi nhảy nhót ra ban công. Tôi bay, thử xem. Tôi đập cánh. Tôi lấy đà. Tôi ngã dúi. Tôi đập cánh lại. Tôi lấy đà. Tôi bay được.
Quả thật tôi là chim? Tôi bay lên.
Khi mệt, tôi đứng nghỉ trên dây điện chăng khắp phố, nhìn nghía bọn người đi lại ở dưới, bọn người tôi vốn chán ghét vì sự nhàm tẻ đúc ra từ khuôn mặt họ. Lần đầu tiên tôi quan sát đám đông di chuyển đủ loại người, mà tôi không phải trà trộn vào họ, cũng không phải len lén nhìn, không phải bày đặt một căn nhà gương, tôi đang ở trên cao hơn để nhìn họ, tôi không bị họ săm soi như soi một con người bình thường. Tôi đang mang hình thù chim. Tôi bắt đầu thấy họ hay hay là lạ. Rồi có lẽ họ cũng săm soi tôi, săm soi một con chim, có thể bằng mắt, bằng tay, bằng ná thun, bằng súng, bằng đá…theo cách của một con người. Nhưng tôi chẳng lo xa. Bây giờ tôi đang là chim.
Tôi gõ gõ vào thân cây, nghiêng nghiêng đầu, mổ mổ xuống cánh lá.
Tôi nghe tiếng hót của tôi cứ mỗi ngày mỗi trong hơn.
Trong kí ức của một con chim có hình ảnh một con người không?
Mình hót lên. Chỉ mang máng rằng cánh tay mình teo dần rồi mọc ra hai cái cánh. Rồi lông phủ lên… Chỉ mang máng rằng một sáng sớm mùa đông, bầu trời xám thở ra hơi mát lạnh, mình tự nhiên trút bỏ bộ dạng người. Thế rồi bay đi luôn và là chim luôn từ đấy.
Nhưng bây giờ, mình phải bay đi đâu? Mình đã làm thân với những loài chim và biết rằng, trong thành phố này, mình là một con chim chẳng hợp bầy. Những loài chim trong thành phố có lẽ đã cảm thấy bất trắc khi mình lại gần. Thiên nhiên đã ngẫu hứng tạo ra mình, có lẽ, nhưng thiên nhiên không kèm theo hướng dẫn sử dụng, cũng không khuyến mại một cái lồng. Trong kí ức của một con chim có hình ảnh một con người không? Trong hình dạng bây giờ, liệu mình có bị phát hiện ra mình đã từng là một con người không. Bây giờ, mình phải bay đi đâu?

NHÃ THUYÊN
Người đăng: phamdinhtructhu vào lúc 22:27 Không có nhận xét nào:
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Nhãn: TẠP VĂN
Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn Trang chủ
Đăng ký: Bài đăng (Atom)

Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

phamdinhtructhu
Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

Bài đăng phổ biến

  • Bài 2 : MAI TRONG THI CA
    Nhat chi mai 1./ Thi ca trung quốc Từ ngàn năm trước, hoa mai đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân. Hoa mai được nhắc ...
  • Những “con kên kên” trong giới báo chí Việt Nam - kỳ 2
    Nhà báo” Huy Đức, Hoàng Linh, Năm Cam và Ba Tung: Cuộc chơi của tiền và quyền lực ngầm Chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc câu chuyện nổi...
  • AI LÀ NGƯỜI ĐỨNG SAU TẬP ĐOÀN "LỪA ĐẢO " TRẦN ANH LONG AN.
    A.ĐÔI ĐIỀU VỀ CÔNG TY HỒNG ĐẠT VÀ TRẦN ANH LONG AN 1/ Công ty Hồng Đạt Công ty Hồng Đạt Long An chỉ là một doanh nghiệp tư nhân, hoạt động c...
  • (không có tiêu đề)
     **Thực hư nghề làm báo: Sự thật và những thách thức** **Sự thật không có đúng sai, chỉ có người sử dụng đúng hay sai!** Bài báo này sẽ mở đ...
  • Có phải cứ có vua thì gọi là “phong kiến”?
    Phong kiến vốn là gọi tắt lại của “phong tước kiến địa” (ban tước hiệu và đất đai). Chữ này bắt nguồn từ chế độ ban đất Trung Quốc thời Chu ...
  • Nguyễn Công Khế
    TƯ LIỆU LỊCH SỬ: Nguyễn Công Khế dùng thủ đoạn ti tiện đuổi Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi nghề báo, cướp ghế Tổng biên tập báo Thanh Niên Nếu nhà b...
  • Bảng chữ cái hình người Nude (18+)
    Bảng chữ cái hình người Nude (18+) Baron Trịnh A B C D E F G H I J K ...
  • NGÔN NGỮ CỜ VÀNG
    Xichloviet Các anh cờ vàng luôn lải nhải rằng CSVN là tay sai Tàu cộng, luồn cúi bọn Tàu để giữ đảng , ai cũng thấy rằng đó chỉ là những ...
  • Điệp viên giỏi nhất của CIA ở VN
    Quân đội Mỹ sử dụng nhiều tình báo trong cuộc chiến Việt Nam Tiếp theo phần một loạt bài về các điệp viên ít được biế...
  • Đi tìm di sản Đà Lạt - Kỳ 3: Bản sắc không gian “kiểu Đà Lạt”
    Có hai mảng chính kiến tạo nên diện mạo di sản kiến trúc Đà Lạt: mảng công trình thời thuộc địa (xây dựng từ 1916(1) đến giữa thập niên 194...

NHÓM

  • Ảnh nghệ thuật (32)
  • Bạn viết (52)
  • Báo chí (604)
  • BLOGGER (105)
  • Cảm xạ học (9)
  • Cây bonsai (362)
  • CHÂM (1)
  • Chân dung (75)
  • Chủ nghĩa Hiện sinh (5)
  • CHUYÊN ĐỀ (87)
  • chuyện xưa (70)
  • Cười chút chơi (80)
  • đó đây (65)
  • Đông phương học (118)
  • Đông y (4)
  • Gia đình (1)
  • Giáo dục (94)
  • Hán nôm (20)
  • HỌA THƠ (11)
  • HOÀI TRINH (4)
  • HOÀI TRINH- Măc Tường Ly (1)
  • HỘI HỌA (22)
  • Hôn nhân- gia đình (11)
  • khoa học- kỹ thuật (45)
  • KIẾN TRÚC (5)
  • LSTV (1)
  • Luật (1)
  • LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH (347)
  • Mai vàng (10)
  • MỘT ĐỜI THỰC HƯ (18)
  • Nghe nhạc (65)
  • NHẠC (2)
  • NHẠC THƠ (52)
  • Phật học (141)
  • phiếm (436)
  • Sống (366)
  • TẠP VĂN (302)
  • Tập Thơ (11)
  • Tây ninh (1)
  • Tham nhũng (64)
  • Thế giới (145)
  • THƠ (98)
  • THƠ CHÂM (48)
  • thơ hay (505)
  • Tiếng Việt (59)
  • Triết học (41)
  • Truyện hay (205)
  • Truyện kiếm hiệp (1)
  • TRUYỆN NGẮN (11)
  • Tư liệu (353)
  • Vẽ đẹp Việt nam (28)

Danh sách Blog của Tôi

Nhãn

  • Ảnh nghệ thuật (32)
  • Bạn viết (52)
  • Báo chí (604)
  • BLOGGER (105)
  • Cảm xạ học (9)
  • Cây bonsai (362)
  • CHÂM (1)
  • Chân dung (75)
  • Chủ nghĩa Hiện sinh (5)
  • CHUYÊN ĐỀ (87)
  • chuyện xưa (70)
  • Cười chút chơi (80)
  • đó đây (65)
  • Đông phương học (118)
  • Đông y (4)
  • Gia đình (1)
  • Giáo dục (94)
  • Hán nôm (20)
  • HỌA THƠ (11)
  • HOÀI TRINH (4)
  • HOÀI TRINH- Măc Tường Ly (1)
  • HỘI HỌA (22)
  • Hôn nhân- gia đình (11)
  • khoa học- kỹ thuật (45)
  • KIẾN TRÚC (5)
  • LSTV (1)
  • Luật (1)
  • LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH (347)
  • Mai vàng (10)
  • MỘT ĐỜI THỰC HƯ (18)
  • Nghe nhạc (65)
  • NHẠC (2)
  • NHẠC THƠ (52)
  • Phật học (141)
  • phiếm (436)
  • Sống (366)
  • TẠP VĂN (302)
  • Tập Thơ (11)
  • Tây ninh (1)
  • Tham nhũng (64)
  • Thế giới (145)
  • THƠ (98)
  • THƠ CHÂM (48)
  • thơ hay (505)
  • Tiếng Việt (59)
  • Triết học (41)
  • Truyện hay (205)
  • Truyện kiếm hiệp (1)
  • TRUYỆN NGẮN (11)
  • Tư liệu (353)
  • Vẽ đẹp Việt nam (28)

Lưu trữ Blog

  • tháng 12 2012 (114)
  • tháng 1 2013 (4)
  • tháng 3 2013 (6)
  • tháng 4 2013 (27)
  • tháng 5 2013 (54)
  • tháng 6 2013 (61)
  • tháng 7 2013 (55)
  • tháng 8 2013 (40)
  • tháng 9 2013 (145)
  • tháng 10 2013 (271)
  • tháng 11 2013 (123)
  • tháng 12 2013 (130)
  • tháng 1 2014 (11)
  • tháng 2 2014 (34)
  • tháng 3 2014 (109)
  • tháng 4 2014 (135)
  • tháng 5 2014 (107)
  • tháng 7 2014 (73)
  • tháng 8 2014 (55)
  • tháng 9 2014 (43)
  • tháng 10 2014 (79)
  • tháng 11 2014 (113)
  • tháng 12 2014 (112)
  • tháng 1 2015 (53)
  • tháng 2 2015 (35)
  • tháng 3 2015 (85)
  • tháng 4 2015 (102)
  • tháng 5 2015 (97)
  • tháng 6 2015 (113)
  • tháng 7 2015 (157)
  • tháng 8 2015 (193)
  • tháng 9 2015 (4)
  • tháng 10 2015 (29)
  • tháng 11 2015 (67)
  • tháng 12 2015 (120)
  • tháng 1 2016 (20)
  • tháng 2 2016 (25)
  • tháng 3 2016 (45)
  • tháng 4 2016 (70)
  • tháng 5 2016 (94)
  • tháng 6 2016 (130)
  • tháng 7 2016 (78)
  • tháng 8 2016 (140)
  • tháng 9 2016 (119)
  • tháng 10 2016 (102)
  • tháng 11 2016 (54)
  • tháng 12 2016 (34)
  • tháng 1 2017 (8)
  • tháng 2 2017 (8)
  • tháng 3 2017 (26)
  • tháng 4 2017 (8)
  • tháng 5 2017 (20)
  • tháng 6 2017 (27)
  • tháng 7 2017 (33)
  • tháng 8 2017 (20)
  • tháng 9 2017 (16)
  • tháng 10 2017 (28)
  • tháng 11 2017 (25)
  • tháng 12 2017 (17)
  • tháng 1 2018 (20)
  • tháng 2 2018 (10)
  • tháng 3 2018 (15)
  • tháng 4 2018 (7)
  • tháng 5 2018 (12)
  • tháng 6 2018 (14)
  • tháng 7 2018 (11)
  • tháng 8 2018 (4)
  • tháng 9 2018 (23)
  • tháng 10 2018 (4)
  • tháng 11 2018 (7)
  • tháng 12 2018 (1)
  • tháng 1 2019 (1)
  • tháng 2 2019 (3)
  • tháng 3 2019 (4)
  • tháng 4 2019 (1)
  • tháng 5 2019 (1)
  • tháng 6 2019 (5)
  • tháng 7 2019 (2)
  • tháng 9 2019 (1)
  • tháng 11 2019 (1)
  • tháng 1 2020 (4)
  • tháng 2 2020 (3)
  • tháng 3 2020 (4)
  • tháng 4 2020 (1)
  • tháng 5 2020 (2)
  • tháng 7 2020 (2)
  • tháng 8 2020 (2)
  • tháng 9 2020 (6)
  • tháng 10 2020 (6)
  • tháng 11 2020 (3)
  • tháng 1 2021 (3)
  • tháng 2 2021 (1)
  • tháng 4 2021 (1)
  • tháng 5 2021 (4)
  • tháng 6 2021 (2)
  • tháng 7 2021 (1)
  • tháng 8 2021 (4)
  • tháng 9 2021 (2)
  • tháng 10 2021 (1)
  • tháng 11 2021 (1)
  • tháng 2 2022 (1)
  • tháng 3 2022 (2)
  • tháng 4 2022 (1)
  • tháng 7 2022 (4)
  • tháng 8 2022 (2)
  • tháng 10 2022 (4)
  • tháng 11 2022 (2)
  • tháng 12 2022 (3)
  • tháng 1 2023 (4)
  • tháng 3 2023 (3)
  • tháng 5 2023 (1)
  • tháng 8 2023 (3)
  • tháng 9 2023 (2)
  • tháng 10 2023 (3)
  • tháng 11 2023 (7)
  • tháng 12 2023 (1)
  • tháng 7 2024 (1)
  • tháng 10 2024 (2)

Tổng số lượt xem trang

Giới thiệu về tôi

phamdinhtructhu
Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

Bài đăng phổ biến

  • CHUYỆN " QUÝ BÀ" MUA DÂM- PHẦN 1
    Trước đây tôi đã nghe rất nhiều chuyện lạ ở VN: nào là chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”, nào là "Hội những máy bay bà già thích thị...
  • Cách chăm sóc cây bông trang nở hoa tuyệt đẹp
    Bông trang trong trang trí và nghệ thuật Bonsai Mọc thành từng bụi to và cao hơn hai mét. Bông trang lá to nhiều màu hơn như màu hồng, cam, ...
  • Phọt phẹt và "bựa"
    *  Phọt phẹt Người mẹ cứ "vạch vú" ra bắt con bú, thằng con không chịu cứ khóc. Ông nội ngồi bên dỗ cháu: "Bú ngoan đi cháu...
  • “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”
    Khổng Tử từng đến kinh đô nước Chu, thỉnh giáo Lão Tử về Lễ chế. Một ngày, Khổng Tử cưỡi một chiếc xe cũ do trâu kéo, lắc la lắc lư tiến vào...
  • Nguyễn Công Khế
    TƯ LIỆU LỊCH SỬ: Nguyễn Công Khế dùng thủ đoạn ti tiện đuổi Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi nghề báo, cướp ghế Tổng biên tập báo Thanh Niên Nếu nhà b...
  • Những “con kên kên” trong giới báo chí Việt Nam - kỳ 2
    Nhà báo” Huy Đức, Hoàng Linh, Năm Cam và Ba Tung: Cuộc chơi của tiền và quyền lực ngầm Chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc câu chuyện nổi...
  • Sự Thật Về Đại Học Fulbright
    TS Nguyễn Kiều Dung Lời mở đầu: Cựu TT Phan Văn Khải nhầm rồi. Ông muốn thành lập đại học đẳng cấp quốc tế thì phải hỏi các giáo sư, các nh...
  • (không có tiêu đề)
    1 - NHƯ NHỮNG DẤU YÊU 2- TA GỌI TÊN EM “DỊU DÀNG NGỰC BỰ 3- MÁNG CŨ  4-NỤ TÌNH E ẤP SƯƠNG MAI  5- THƯƠNG  6-NGƯỜI ĐÀN BÀ NGÂY THƠ 7- EM HỌC...
Chủ đề Đơn giản. Hình ảnh chủ đề của luoman. Được tạo bởi Blogger.