Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

BÓNG DÁNG THẦY TÔI…





Kính dâng thầy



Thưa thầy! Con là học trò cũ của thầy…
Đứa học trò mê văn, giấu truyện ở trên cây



Mỗi áng thơ văn, có dáng dấp bóng hình thầy
Đôi mắt sáng, nụ cười bình dị
Giọng bình văn tri âm, tri kỷ
Nhận… thiếu hiểu biết về mình. Khuyên cố gắng từ đây!

Con học sử nhận ra lời thầy dạy
Nên sửa mình, dáng thẳng lưng ngay
Biết phân biệt người trung kẻ nịnh
Yêu quê hương từ chính những dân cày!

Con giỏi toán, nhưng không tính điều hơn thiệt
Trong yêu mẹ, cha, anh chị em, cô bác xóm giềng…
Biết cao thấp, không cào bằng tất cả
Cộng là thêm, trừ là bớt. Công bằng.

Thầy chưa chỉ đường đời… gió bụi
Bài tập làm văn xưa hỏi mơ ước điều gì?
“Miếng khi đói” và…”Trông nồi… trông hướng”
Biết sẻ chia, và giúp chỉ đường đi…

Có ai hỏi công danh? Thầy cười “Dân vạn đại”
“Phụ mẫu chi dân”, sợ khó vuông tròn
Ba bốn chục mái đầu xanh. Đạo thầy gìn giữ
Trang giấy đầu đời, khuyên những điểm son!

Bài khoa học, bài công dân, địa lý…
Thầy gom trong: Mở mang dân trí nước nhà
Không đóng cửa học điều hay, mới lạ
Dân tộc tự cường tổ quốc gấm hoa.

Ngày mỗi ngày con bước đi xa
Cứ thấy bóng thầy trong từng công việc
Nhỏ nhặt nhất, và điều to lớn nhất
Có bóng dáng thầy như bóng dáng cha…

Mỗi việc con làm, mỗi điều con nói
Cân phân đạo lý, nghĩa tình
Cứ nghĩ mọi người như ruột thịt
Không chia bè, kết nhóm bất minh.

Nên cứ mỗi khi muốn dối gian, hiểm ác
Hoặc làm điều gì trái với lương tâm
Bóng dáng thầy gợn qua, cơn gió mát
Xóa sạch trong con mọi suy nghĩ lỗi lầm…

Cũng có lúc gặp người bỏ tiền, treo danh lợi
Cần ở con một chút xíu… lơ là…
Chợt bóng thầy thổi vào con bão dữ
Con lại quay về… sợ làm bạn quỹ ma…

Thầy trên cao, chìm khuất giữa hương hoa
Gửi thơm cho học trò mỗi người một ít
Dạ thưa thầy,… Con vẫn là con nít
Gữa bóng thầy hư ảo khói nhang xa…



Tháng 11.2013
TRẦN HOÀNG VY

Văn học khoái lạc và buồn đau







BÍCH ĐÀO



 Trong những năm của thập niên 90 của thế kỷ XX, hầu hết các khu vực đời sống xã hội Trung Quốc đã trải qua cơn chuyển rung của “quá trình thị trường hóa tăng cường”, khiến bối cảnh và môi trường văn học đổi thay toàn diện, như nhà tiểu thuyết Chu Uẩn đã nhận xét, rằng Trung Hoa nay không còn là nước nghèo nhất thế giới nữa, nhưng người Trung Quốc thì chắc chắn là những người phát cuồng nhất về tình trạng nghèo đói - tức phát cuồng vì lòng tham và vì theo đuổi sự giàu có. Theo đuổi giàu có đã trở thành nhân sinh quan mới, “giấc mơ Trung Hoa” mới. Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng khổng lồ về kinh tế, với vai trò thế giới của nước Trung Hoa hiện đại ngày càng tăng, thì cũng tăng nhu cầu làm cho thế giới hiểu hơn về văn hóa Trung Quốc; và văn kiện Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012) đã xác định đường lối chiến lược xây dựng Trung Quốc thành “một cường quốc văn hóa”, phát triển văn hóa thành sức mạnh mềm - quyền lực mềm; trong đó có nỗ lực đưa văn chương Trung Quốc ra với thế giới.

Văn học Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đã cho thấy những dấu hiệu vượt qua thời văn học thương mại hóa những năm thập kỷ 80 và 90 - Gs. Martin Woesler, một nhà Trung Quốc học và là dịch giả văn học Trung Quốc tại Đại học Ngôn ngữ ứng dụng Munich (Đức), nhận xét trong dịp Hội chợ Sách Frankfurk 2009. Trung Quốc là khách danh dự của Hội chợ này năm đó; cũng là năm nhà văn mới Hàn Hàn đứng số 1 danh sách bán chạy nhất Trung Quốc với cuốn tiểu thuyết Ta de guo (tạm dịch: Đất nước của người). Martin Woesler thấy ở phong cách siêu thực-phê phán của Hàn Hàn một tín hiệu xu hướng phê phán mới trong văn học đương đại Trung Quốc.

Danh mục “10 cuốn tiểu thuyết hay nhất về Trung Hoa Hiện đại” mới đây trên địa chỉ China Whisper cũng đem lại ấn tượng đó. Đứng đầu danh sách này là cuốn Tửu quốc của Mạc Ngôn; kế tiếp ngay là cuốn Sổ tay Công chức của Vương Hiểu Phương, một tác phẩm gây sốt đương thời, được dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức, bởi trình thuật của một người trong cuộc về những chuyện tham nhũng, hối lộ, những kế hoạch và thủ đoạn xảo quyệt trong tranh giành quyền chức của giới quan liêu cao cấp; rồi những cuốn Tôi yêu Đô-la của Chu Uẩn kể câu chuyện phúng dụ về một xã hội kim tiền mới, Thây ma đi bộ của Liệu Diệc Vũ đặc tả những cuộc đời dưới đáy xã hội Trung Quốc hiện thời; cuốn Đừng coi tớ là người rất nổi tiếng của Vương Sóc với giọng điệu châm biếm phê phán văn hóa đặc biệt của tác giả này, thông minh, sử dụng sự thô tục trực diện; và Búp bê Thượng Hải của Vệ Tuệ, được coi là học theo phong cách phê phán rất mạnh mẽ và sâu sắc của nhà viết kịch vĩ đại Henry Miller, phơi lộ không kiêng dè một thực tại của giới nữ trẻ, hiện đại, suy đồi.

Theo Gs.Zhang Qinghua, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, những biểu hiện như thế cho thấy văn chương Trung Quốc đương đại đang trở nên chín chắn sau những cuộc chuyển đổi giữa hai thế kỷ. Chuyên gia về trào lưu văn học tiền phong và đương đại Trung Quốc này nhận định, văn học đầu thế kỷ ở Hoa lục gây hai ấn tượng chủ yếu: về chất phồn tạp-lễ hội (carnival) và về nỗi buồn đau; hai ấn tượng lớn đó dẫn chiếu hai hình mẫu tự sự mâu thuẫn – tính chất carnival có nguồn đa văn hóa hiện đại (internet-based), còn chất đau buồn có nguồn gốc văn hóa bình dân. Và hai ấn tượng đó là bởi những quan sát bén nhạy của các nhà văn Trung Quốc về các vấn đề của một xã hội thay đổi quá nhanh, bùng nổ tăng trưởng đi đôi với tích tụ của cải, khiến đời sống và dân cư bị phân cực sâu sắc.

Quá trình xã hội đó đem đến hai lựa chọn phong cách văn chương khác biệt, một loại thoải mái vui thích với khoái lạc chủ nghĩa và lối sống tiêu dùng, một loại buồn đau và phẫn nộ bởi những đổ vỡ của đạo lý xã hội. Theo đó có hai luồng ý tưởng và khuynh hướng hầu như đồng thời hiện diện: văn học phồn tạp - lễ hội, không hướng thượng, giải ảo tưởng, giải cấu trúc, hoàn toàn có tính đảo lộn và kỹ trị, tính hình ảnh giải trí và đa văn hóa, mặt khác là văn học lấy đạo lý xã hội làm trung tâm, lo âu và giận dữ chống phân cực xã hội, mang tính bình dân truyền thống.

Cả hai luồng phong cách văn chương đó, rất khác biệt nhưng cùng tồn tại và kết nối nhau sâu sắc, cùng đem giá trị tri thức và quyền năng đạo lý của chúng tái tạo lịch sử và truyền thống theo những lối riêng mình.

Tiêu biểu trong xu hướng “carnival” phải kể đến lớp nhà văn được gọi là “hậu -1980”, trong đó nổi bật như Quách Kính Minh và Hàn Hàn. Hầu hết văn chương của họ nổi tiếng trong thế giới ảo trước khi bước vào “đời sống văn học”. Văn chương đó ám ảnh bởi một lối sống và suy nghĩ khác, tưởng tượng khác, mang tính thay thế và chống truyền thống. Họ đạt được thành công lớn trong thu hút giới trẻ, tạo những nhóm độc giả riêng của mình, có những bảo trợ riêng của các nhà xuất bản, có thu nhập cao.

Giáo sư Zhang thấy trong đặc tính của xu hướng văn học này các nguồn ảnh hưởng từ ứng xử của thế giới ảo, như mức độ thô tục và phản ứng với thẩm quyền xã hội – điều mà Bakhtin đã chỉ ra về đặc tính “carnival” chối bỏ trật tự quyền lực, tự do chủ nghĩa về trí tuệ và lý tính.

Xu hướng có tính phồn tạp - lễ hội cũng hiện diện trong văn học nghiêm túc, trở nên phong cách được ưa chuộng, như trong các tác phẩm của Mạc Ngôn (sinh năm 1955), hay Dư Hoa (sinh năm 1960). Không phải ngẫu nhiên như vậy, mà bởi bắt nguồn từ thực tại Trung Hoa hiện đại đã trải qua những biến động hết sức kịch tính, to lớn, như các biến động của thập niên 70 tiếp liền đến cuộc tăng trưởng kinh tế quá nhanh chóng những năm 80. Tâm hồn Trung Quốc đã nếm trải một hành trình mà người bên ngoài không tưởng tượng nổi. Trong những biến chuyển khổng lồ cả về vật chất và tinh thần đó, rất nhiều cuộc đời bị cuốn vào xoáy lốc của bi kịch và khổ nạn mang tầm vóc huyền thoại, bị văng ra một không gian hoang hóa; và những tâm hồn sống sót lại kịp bị quyền lực thị trường và kim tiền quy phục.

Sự biến chuyển hai kỷ nguyên, từ bao cấp tập trung hóa sang “kinh tế thị trường” là quá nhanh và quá lớn, như Dư Hoa viết rằng: “Những khác biệt lớn giữa hai thời đại mà người phương Tây có bốn trăm năm kinh qua thì người Trung Quốc đã chứng kiến trong bốn mươi năm. Những biến cải và bão tố của bốn trăm năm đã bị cô đúc lại cho bốn mươi năm”.

Về xu hướng văn học đau buồn, Giáo sư Zhang thấy nguồn cội của nó từ trong truyền thống, nhưng nền tảng trực tiếp của nó là trong những biến chuyển kinh tế - xã hội đương đại. Biến chuyển kinh tế xã hội lớn như vậy luôn gây khủng hoảng sâu sắc trong đạo lý và cuộc đời. Những người tin tưởng vào tính đúng đắn đạo lý sẽ không thể coi tình trạng thất nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo cực đoan, những thảm họa môi trường... như là “cái giá phải trả cho sự phát triển xã hội” và tăng trưởng khổng lồ về kinh tế. Đằng sau “cái giá” ấy không chỉ có những tòa nhà chọc trời và đô thị mở rộng, mà còn có những cuộc khai thác lạnh lùng tài sản của nhân dân và của quốc gia. Cho nên văn chương đã phải dùng đến những thủ pháp truyền thống về kịch tính để phản ánh và suy ngẫm.

Xu hướng buồn đau thực ra có thể thấy trong hầu hết các chủ đề văn học được nói đến, và không nghi ngờ gì đó là một nét truyền thống trong văn học Trung Quốc hiện đại xuyên thế kỷ.

(Tổng hợp từ: Enghlish Pen. www; China Daily; CCTV;
Hội đồng Anh; Hội chợ sách London 2012;
Chinese Literature Today; China Classic International)


XỨ SỞ VỌNG PHU…


Alan Phan


Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng, lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng… (Lê Thương – Hòn Vọng Phu)





Hôm qua xe tôi tình cờ bị kẹt trước một giao lộ gần khu Little Saigon của Quận Cam. Một tai nạn nhỏ đang được cảnh sát giao thông xử lý. Ở lane cạnh xe tôi là một người phụ nữ lớn tuổi, đang quay kính xe xuống và để một bài hát Việt hơi ồn ào qua phóng thanh trong xe. Cũng may đó là một bài hát ngày xưa tôi thích, nên nó cũng làm dịu đi chút nắng nóng và sốt ruột của mình. Bài “Mưa Trên Phố Huế”.

Tôi yêu Huế và nhũng người con gái Huế. Có lẽ vì đây là hai sự thể mà tôi không bao giờ hiểu nổi?

Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than…

Dù quê cha là Quảng Trị và tôi có dịp ghé thăm Huế nhiều lần, tôi chưa bao giờ ở Huế hơn 5 ngày liên tục. Do đó, ấn tượng của tôi về dòng sông Hương, về cầu Tràng Tiền, về Thiên Mụ, về Quốc Học hay Đồng Khánh…chỉ là những nét đẹp thoáng qua như bức tranh thuỷ mạc, không có gì sâu đậm. Nhưng chính cái đơn giản mộc mạc đó đã cuốn hút lòng người?

Thực ra, cảm nhận làm tôi yêu thành phố này là một nỗi buồn câm nín, chịu đựng và man mác lan tỏa trong khắp môi trường. Nỗi buồn đó thể hiện qua nụ cười e ấp của nhũng tà áo màu tím, qua đôi mắt vời vợi của những đứa trẻ lang thang, qua giọng nói trọ trẹ khó nghe của các bạn hàng, qua những đền đài cung điện đã tan phế…Tôi đã đi qua rất nhiều thành phố khắp thế giới, và tôi chắc chắn là không đâu “buồn” bằng Huế. Ngay cả Sarajevo đổ nát tang thương cũng không làm tôi rưng rưng như khi đọc vài đoạn văn “Giải Khăn Sô cho Huế” của nhà văn Nhã Ca. Cái buồn kỳ lạ, se sắt dù nhẹ nhàng.

Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai …

Rồi những người con gái Huế. Dù họ tíu tít như chim đầu ngày hay lãng mạn mông lung nhìn đất trời, cái nỗi buồn câm nín, chịu đựng và man mác đó vẫn thể hiện quanh họ. Bạn bè thường nói đàn ông Huế “thâm hiểm” và “khép kín” lắm; nhưng qua lớp bọc mỏng manh, họ vẫn là những con người hết sức bình thường, tốt với bà con bạn bè thân thuộc. Riêng đàn bà Huế, họ tràn đầy những bí mật không ai biết giải mã. Họ thông minh, khôn khéo, phức tạp, phi lý, theo mùa (moody?) và hoàn toàn sống theo cảm giác. Yêu một người con gái Huế là phiêu lưu bên bờ vực của núi cao, khi lên đỉnh với trăng sao, khi rớt xuống vực với thú dữ.

Có thể tôi diễn tả hơi quá, nhưng các bạn tự làm cuộc thử nghiệm nhé.

Thực ra, dù không có cường độ cao vút như gái Huế, phần lớn những người con gái Việt, không nhiều thì ít, đều chia sẻ cái “nỗi buồn câm nín” này. Câu hát “mong đợi một người biền biệt nơi mô” trong những chiều mưa rơi vẫn làm những cô gái khắp đất nước rơi lệ và thông cảm. Có một thời gian mà bài trường ca “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương là một bài hát được nhiều người thích nhất.

Ôi Quê Hương Xứ Dân Gầy …

Trên thế giới, ngoại trừ Đan Mạch tạc tượng một mỹ nhân cá ngóng đợi một chàng thủy thủ (hay hoàng tử?), tôi chưa nghe một huyền thoại nào về một phụ nữ ôm con đứng đợi chồng về, rồi hóa đá. Tình yêu và sự chung thủy mà người đàn bà Việt dành cho gia đình, nhất là chồng, đã được nhiều bạn bè nước ngoài của tôi xác nhận. Dù đây là nét đặc trung của nền văn hóa Khổng Phu Tử khắp Á Đông, nhưng người đàn bà Việt đảm đương, bươn chải, chăm sóc…chồng con nhiều hơn cả người Tàu hay người Hàn (OK, có lẽ thua đàn bà Nhật một chút, và thế hệ mới của dân Việt đang lưu đày tứ xứ hay đã hưởng nền giáo dục XHCN có thể không còn mang nhiều truyền thống này…). Trong khi đó, tôi nghĩ đàn ông Việt gần như …”hư” nhất thế giới trong khía cạnh lo lắng cho gia đình. Alan tôi cũng không là ngoại lệ.

Lý do chính là trai Việt thích làm…anh hùng hơn. Nền văn hóa 4 nghìn năm của chúng ta đầy những huyền thoại về chiến công hiển hách, vang động đất trời…của những chàng trai đất Việt, lúc thì chống ngoại xâm giữ gìn quê hương, khi thì đi mở mang bờ cõi…Hồi còn nhỏ, khi học sừ, có lần tôi hỏi ông thầy là tại sao Tây, Tàu, Mỹ …là bọn thực dân xâm lược, còn Chiêm Thành, Chơn Lạp, Khmer…lại là bọn man di mọi rợ cần dẹp tan để khuếch trương…giang sơn đế chế Việt hào hùng? Ông cho tôi một cái đá đít đau điếng và đuổi ra ngoài lớp.

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất quân…
Vì đàn ông Việt phải băng rừng lội suối sống kiếp chinh nhân, tạo thành tích cho lịch sử ngàn sau…cho nên chúng ta không còn nhiều thì giờ để quan tâm đến những chuyện lẻ tẻ? như một công trình dấu ấn trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật hay khoa học…có thể sánh với các nền văn minh thế giới? Sao chép Tây, Tàu, Mỹ…cho nó tiện? Nhưng tệ nhất là bỏ bê gia đình lại cho người đàn bà Việt quản lý…để họ biến thành những hòn đá vọng phu?

Gần đây, thế giới thay đổi nhanh chóng và những …chinh nhân Việt không còn nhiều cơ hội để vung tay mài dao múa kiếm. Ngay cả mấy thằng đồ đệ như Lào, Kampuchia…cũng không còn ngoan ngoãn. Thay vì những cuộc viễn chinh…chúng ta đi “xuất khẩu lao động”, thay vì những trấn lột công khai của bên thắng cuộc, chúng ta đi xin viện trợ và FDI. Chúng ta vẫn nghĩ mình là…rồng, nhưng không ai quan tâm.

Sinh ra làm gái Việt, có lẽ các chị cũng biết về cái “định mệnh buồn muôn thuở” của mình. Và nỗi buồn man mác do đó vẫn thể hiện ngay cả trong những môi cười, trong những tiệc cưới. Nhưng nếu có chút an ủi, các chị phải biết rằng nhũng chàng trai Việt cũng đang..hóa đá trong lúc đợi chờ một thời kỳ vàng son mới. Anh hùng phải làm anh hùng…nghĩa là phải mang trong người một dũng khí để trực diện bất công và nô lệ.

Thực ra, họ chỉ cần làm một con người đúng nghĩa…và chăm sóc gia đình.



Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

điếu văn của người quét chợ




Lúc này người ta đang làm thủ tục nhập quan. Người quá cố được bọc trong lần vải xô, lòng khòng như chiếc lá héo bị vặn theo chiều dọc, trông có vẻ dài hơn lúc còn sống. Lão thầy cúng nửa mùa, một tay bắt quyết, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú, một tay cầm con dao chém lung tung bốn phương tám hướng. Sau một hồi nhảy thách lên như con choi choi, lão băm bảy nhát dao vào phía trong quan tài trừ quỷ nhập tràng rồi khoát tay ra hiệu cho hai ông già đưa người chết vào cỗ ván gỗ tạp bọc giấy đỏ.

Phải nói, không có gì thê thảm, não nề bằng tiếng kèn đám ma. Khi mà những hợp âm năm cung của điệu Lâm khốc được nâng đỡ bởi tiếng nhị réo rắt, hoà với chuỗi âm thanh đơn độc của cây đàn bầu vuốt dài đến vô tận, nghẹn ngào như nấc lên từng nhịp, thì đến người ngoài cuộc cũng rơi nước mắt. Người thổi kèn là một thợ chuyên nghiệp có hạng. Khi thổi, mái đầu bạc của ông rung rung, đôi lúc đảo qua đảo lại như các bà đồng đội bát nhang. Cùng với tiếng kèn là dàn đồng ca nức nở với đủ các cung bậc của đám con cháu nội ngoại. Ông có sáu con, bốn trai, hai gái. Cái gia đình đông đúc ấy, đã lâu lắm rồi, hôm nay mớ có dịp gặp mặt đông đủ.

Người con trai thứ hai, một trung uý hải quân, đội mũ mấn, áo xô, tay chống cây gậy bằng tre tươi, khẽ cúi đầu chào tôi. Anh ta đứng ngay phía đầu quan tài, mặt hốc hác, mắt có quầng thâm vì thức đêm.Tôi cúi đầu trước vong linh ông, chắp tay vái ba vái rồi vào góc rạp, ngồi xuống chiếc ghế đẩu, khuất sau linh sàng. Ở đây ít người qua lại, tôi muốn giành chút thời gian yên tĩnh để nghĩ về ông.

*

* *

Cách đây ít lâu, có một lần ông bảo tôi :

- Đêm qua mình gặp giấc mơ rất kỳ lạ.

Tôi nói đùa:

- Bác bị chèo đò (*), mặc quần cộc về nhà, chắc là lũ cá chép đỏ (**) đến đón xuống thủy cung chứ gì ...

Ông nheo cặp mắt hấp háy:

- Không phải xuống thủy cung mà ở ngay trên dương gian mới lạ. Đến bây giờ mình vẫn còn thấy lạnh sống lưng.

- Chắc lại chuyện ma quỷ ?

- Cậu đoán không sai .

- Chuyện thế nào ?

- Tầm ba giờ sáng, có tiếng gọi cửa, mình quáng quàng chồm dậy trong tình trạng thái như bị thôi miên. Một cái bóng trông chẳng khác gì thằng bù nhìn giữ dưa, khoác chiếc áo thụng đen dài quét đất lẳng lặng ra hiệu cho mình đi theo. Chừng nửa canh giờ, hắn ta dẫn mình đến nghĩa địa khu dân cư. Tay mặc đồ đen biến mất để lại phía sau đám lân tinh chập chờn của loại tử thi đang phân huỷ cùng với một trận âm phong lạnh thấu xương. Từ các ngôi mộ, những bóng đen bí hiểm lần lượt xuất hiện. Mặc dù mắt kém, và nhất là đêm mưa phùn, bóng tối dày đặc, mình vẫn nhận ra thấp thoáng vài người quen. Một ông già gầy giơ xương, cái bụng lép kẹp gá trên đôi chân khẳng khiu, giống hệt thằng đánh gậy, đứng gần nhất, bỗng giật phắt mảnh khăn che đầu, nhe răng cười :

- Tôi đây. Ông còn nhận được không ?

Đó là Cả Tuynh, chuyên nghề mổ lợn, chết vì cảm đột ngột sau một cuộc "độc ẩm" lít rưỡi "cuốc lủi" (***) với lòng lợn tiết canh say bí tỉ. Mình gật đầu bảo :

- Ông Uống nhiều quá, vỡ động mạch não. Lẽ ra không nên...

Cả Tuynh nhăn mặt:

-Ông chớ tin bọn lang băm ở cái bệnh viện sát nhân ấy. Người ta sống chết có số, không cưỡng lại được.

Ngẫm nghĩ một lúc, lão trách :

- Ông soạn điếu văn cho tôi sơ sài quá. Hồi còn sống, tôi biết có những thằng ăn ở vô cùng đểu giả, thế mà lúc chết lại được người ta xưng tụng bằng đủ thứ ngôn từ hay ho. Ông khinh cái nghề ba toa của tôi nên xuống dưới này bị lép vế. Giận ông lắm.

Mình chưa kịp thanh minh thì lại một bóng đen khác, trông có vẻ như vừa mới được diện kiến Diêm Vương, chân cà nhắc nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn, từ ngoài chen vào, giọng thì thầm :

- Tôi suốt đười chỉ trộm cắp kiếm ăn, chẳng may bị bệnh hiểm nghèo bỏ mạng. Ông không ghét bỏ lại đọc cho bài điếu văn đầy lòng vị tha. Giờ tôi đã cải tà quy chính, được Thành Hoàng trọng dụng cho ra cai quản khu mộ địa.

Thú thật với cậu, lúc ấy mình thật sự hoảng. Sống lưng lạnh toát, hai thái dương co giật như sắp sửa lên cơn động kinh. Thì ra đó là lão Nghinh, trước làm công nhân đường dây, về hưu non, bị thủng dạ dày, chết chưa đầy năm. Tay này hồi còn làm việc đã có tiền án vì bán trộm dây thông tin. Nhà đông con, lão túng quẫn đâm liều. Hôm lão qua đời bà vợ sang năn nỉ :

-Lúc ông ấy còn sống có gì không nên không phải xin làng xóm thứ lỗi, giờ thành người thiên cổ rồi, trăm sự nhờ bác, viết cho nhà em bài điếu...

Trước khi lẩn đi, bóng ma lão Nghinh chắp tay vái mình ba vái rồi nói trong tiếng thở phều phào, chẳng biết thật hay bỡn :

- Biết thế này tôi xuống âm phủ trước đây mấy năm cho đỡ nhếch nhác.

Lại một người quen.Tất nhiên là mình nhận ra người đàn ông có dáng thấp đậm, bộ mặt nhẵn thín như thoa mỡ này chết cách đây hai năm. Đó là ngài phó bí thư tỉnh uỷ, vừa nghỉ hưu, bị nhồi máu cơ tim. Lão ta về xứ khỉ ho cò gáy này thăm bà vợ bé không chính thức vẫn giấu vợ cả và các con từ nhiều năm nay. Số chẳng ra gì. Chính hôm ông ấy hấp hối thì có trận mưa nguồn đổ về, cuốn phăng cây cầu Xi Măng dài hơn tám chục thước. Nước đục ngầu, chảy băng băng, mở rộng mặt suối đến mức không một phương tiện vận tải nào có thể qua được. Tất cả xe cộ từ tỉnh về đều đỗ lại bờ bên kia. Các quan chức đồng sự với ông cựu phó bí thư, vị nào cũng complét, cravate, giầy da bóng loáng, nhìn mặt nước đỏ lừ, gầm réo cuốn theo cả những cây gỗ lớn bị bật rễ mà lắc đầu ngao ngán. Đó là trận lũ thế kỷ, một trăm hai mươi bảy năm mới có một lần. Chẳng biết đến bao giờ nước mới rút. Ác một nỗi là sáng ngày hôm sau đã bắt đầu Đại hội trù bị, trong đó có nội dung bầu nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Tất nhiên, những kẻ khôn ngoan chẳng ai muốn vắng mặt vào thời điểm cực kỳ quan trọng ấy chỉ vì những lý do thứ yếu, đại loại như dự lễ cưới hoặc viếng đám ma. Vậy là, khách không chờ được đành lên ô tô về tỉnh.

Đám tang bên này còn thiếu bài điếu văn. Không còn cách nào hơn, bà vợ hai ông phó bí thư lại phải đến nhờ. Mình định chối nhưng bà ta không chịu :

- Ai ở khu dân cư này chết cũng có điếu văn. Bác mà không giúp thì em nhục với hàng xóm làng giềng. Chẳng gì ông ấy cũng là quan chức đầu tỉnh. Chỉ tại cái số vất vả.

Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng mình lấy cuốn vở học trò của thằng cháu, tìm được chiếc bút chì trong ngăn kéo rồi bảo bà quả phụ :

- Chị phải nói rõ ngày tháng năm sinh, quê quán cũng như những việc làm của ông ấy lúc còn sống tôi mới viết được. Có điều phải nói thực. Ông ấy nằm xuống rồi, coi như đã trả hết nợ đời, đừng quanh co, dối trá để vong hồn ra đi được thanh thản.

Bà ta khóc nấc lên :

- Từ khi nghỉ hưu đến giờ hết lộc, vợ con ông ấy ăn ở bạc lắm, chỉ có mẹ con em là thương thật lòng. Thôi thì cũng chẳng dấu làm gì...

Thế là bà vợ bé kể. Thì ra tay phó bí thư này cũng là một kẻ rách giời rơi xuống hạ giới. Ông ta chưa học hết cấp hai nhưng lại có bằng thạc sỹ Quản lý kinh tế. Vụ bằng giả của một số quan chức đầu tỉnh đã ầm ĩ lên một hồi, kéo hơn chục tờ báo vào cuộc nhưng cuối cùng, chẳng biết bằng cách nào, ông ta dẹp êm ru . Rồi vụ com măng với công ty xúc tiến việc làm lừa hơn hai trăm nữ thanh niên đi lao động ở Đài Loan bị trục xuất, vụ nhập khẩu ô tô rởm ăn chênh lệch giá và trốn thuế, vụ tịch thu đất của nông dân xã K cho doanh nghiệp nước ngoài thuê khống... cũng đều trót lọt mặc cho hàng trăm đơn kiện vượt cấp bay như bướm bướm lên Hà Nội.

Nể người đàn bà, mình vắt óc tưởng tượng ra những công tích làm "đầy tớ" dân của ông cựu phó bí thư để bài điếu lâm ly, hùng hồn. Nhưng cố mãi vẫn không được. Hình như có một sức mạnh huyền bí nào đó tác động đến cân não làm đầu óc mình lộn xộn, khiến những câu chữ cứ chuội đi. Cuối cùng, đành nghĩ ra một hạ sách là kết hợp điếu văn của lão hàng thịt với điếu văn của lão Nghinh, xào xáo đôi chút cho hợp với gia cảnh của người vừa quy tiên rồi chép lại thật nắn nót trên tờ giấy khổ rộng không có dòng kẻ.

Lúc sắp đưa ma, mình mới sang. Ngừng tiếng kèn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư trịnh trọng đọc. Lão này có giọng tốt, chuyên nghề đọc điếu văn, lên bổng, xuống trầm, rất có ngữ cảm. Cũng may đám tang hôm ấy vô cùng nhốn nháo. Những người đến viếng toàn là khách giời ơi nên chẳng ai phát hiện ra cái trò đánh tráo trắng trợn đó, trừ kẻ nằm trong quan tài. Bây giờ người ấy đang đứng trước mặt mình với bộ mặt nhẵn thín, cặp mắt lồi, trắng dã long lên sòng sọc :

- Ông soạn cho tôi bài điếu văn hổ lốn. Phần đầu của lão hàng thịt, phần giữa là của tay Nghinh chuyên nghề trộm cắp. Phần cuối mới là của tôi nhưng lại xỏ xiên cạnh khoé. Ông là thằng đểu. Tôi thật sai lầm là chết ở cái xó này. Đáng lẽ ra đám ma của tôi phải linh đình nhất tỉnh, tiền phúng viếng nhẹ ra cũng vài ba tỷ...

*

* *

Sau bữa ấy, ông Viển ốm nặng, nói năng lảm nhảm như bị ma làm, tưởng khó qua được. Ông bảo, cứ mỗi khi nghĩ đến cái khuôn mặt nhẵn thín thuôn thuôn hình quả dưa của lão phó bí thư lại muốn ói ra mật xanh mật vàng. Từ đấy ông dứt khoát không viết điếu văn cho ai nữa. Bây giờ ông nằm đây, yên lặng, để rồi chỉ chốc nữa thôi vĩnh viễn về với đất.

Những năm tám mươi, ông là nhân viên hành chính của xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc. Đơn vị này làm ăn theo kiểu gạo chợ nước sông, sản phẩm toàn loại thứ cấp, nợ cũ chồng lên nợ mới có nguy cơ giải thể. Cũng vào dịp ấy, những nhà hoạch định chính sách kinh tế nghĩ ra sáng kiến nhập những xí nghiệp nhỏ thành xí nghiệp lớn theo mô hình "công nông nghiệp hiện đại", thành ra ông thuộc diện dôi dư. Người ta động viên ông về hưu non vì đã đủ năm công tác, tuổi quá năm mươi. Vậy là ông về. Nhà đông con, cuộc sống khá chật vật. Ông san sẻ tình thương cho các con giống như bà mẹ nghèo chia bánh đa vừng mỗi khi đi chợ về. Ông nhịn ăn, nhịn mặc nuôi con đi học. Lương hưu không đủ sống, ông nhận thêm chân quét chợ. Một tháng được tám mươi ngàn. Chợ Bồng họp suốt ngày, ít người mà lắm rác. Quét mãi không hết, có hôm ông phải làm đến nửa đêm. Cứ mỗi lúc nhìn chiếc áo bạc phếch dán trên tấm lưng còng nhấp nhô theo nhịp chổi, tôi lại động lòng trắc ẩn. Nghĩ về ông bao giờ tôi cũng hình dung ra cặp chân ống đồng khẳng khiu với hai bàn chân thô tháp bước đi theo kiểu vạt tép nhưng nhanh một cách lạ thường. Lúc vắng người, bà Ngấn hàng thịt giúi cho ông mấy ngàn "để uống rượu". Ông dừng tay quét, đưa trả lại, bảo :

- Cảm ơn bà. Tôi còn tự kiếm được. Khi nào hết tiền uống rượu, tôi xin.

Người đàn bà phốp pháp, mặt vuông chữ điền, cặp mắt lá răm lúng liếng, không dám nguýt dài mà chỉ thở dài lẩm bẩm :

- Rõ khổ. Đúng là trời bắt tội.

Bà hàng thịt thương ông già quét chợ không phải bằng tình thương vay mượn mà đó là thứ tình thương rất thực thà xuất phát từ lòng căm ghét vợ ông, một người phụ nữ mắn đẻ, già mà vẫn còn duyên nhưng làm biếng và vô tâm.

Buổi trưa ông thường đi mò. Suối gần nhà, nước xanh trong nhưng cũng sẵn tôm,cua, ốc lẫn giữa đám rong đuôi chó. Chỗ nước sâu quá tầm tay, ông hít một hơi dài rồi lặn xuống. Mỗi lần như thế, cũng lôi được từ đám rong ra một vài con cua hoặc chú tôm càng. Những thứ mò được bao giờ ông cũng chia làm hai phần. Phần nhiều, cho tất cả vào nồi , thêm vài quả cà, nêm muối, đun kỹ cả nhà ăn. Phần ít hơn, ông nướng trên than hồng hay rang nhạt nhắm rượu.

Ông có sở trường trong việc soạn điếu văn. Lời điếu của ông khúc chiết, đâu ra đấy, hợp với từng cảnh ngộ của mỗi người khi nằm xuống. Văn ông mộc mạc, chân chất, nhưng chính vì thế mà khi đọc lên nghe thật bi thiết não nùng. Nghe ông kể lại giấc mơ gặp toàn ma quỷ ngoài nghĩa địa, tôi cũng thấy chờn chợn. Không ít người cho ma quỷ chẳng qua là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng xét đến cùng, biết đâu đấy, con người ta chết rồi vẫn còn lưu lại trên cõi đời một chút linh hồn. Ai chứng minh được điều đó ? Chắc chỉ có những người đã đi khỏi thế gian này. Nhưng tìm họ ở đâu ? Gần đây, nghe khẩu khí của ông, tôi có linh cảm những điều chẳng lành nhưng vẫn nói đùa để xua đi cái không khí nặng nề :

- Sao bác lại lấy điếu văn của lão Cả Tuynh thay cho ông phó bí thư ?
Ông nhếch mép cười nhạt :

- Cũng thế cả. Cái khác nhau là ở chỗ, một đằng bán thịt lợn cho người còn một đằng bán linh hồn cho ma quỷ.

Tôi không hiểu ông muốn nói gì.

*

* *

Hơn một năm sau. Hôm ấy tôi đang chẻ lạt rào vườn thì vợ tôi từ chợ Bồng về bảo : "Bác Viển chết rồi". Tôi không tin, quẳng dao chạy vội ra cổng. Đúng là ông đã chết, một cái chết không bình thường. Nguyên nhân vẫn tại con suối Cả. Suối Cả chảy vòng vèo uốn khúc giữa hai bờ mọc toàn sung ngái hoặc những cây cơi cổ thụ tán sum sê. Đứng trên sườn núi trông con suối giống như dải khăn xanh da trời phản chiếu ánh chiều vàng nhạt, đẹp một cách khiêm nhường của một vùng sơn cước. Nhưng về mùa hè thì nó trở nên khá dữ dằn. Chỉ sau một trận mưa ngàn, mặt nước trong khoảnh khắc nở phình ra, đục ngầu sủi bọt, chồm lên dữ dội như có hàng ngàn bờm ngựa chen nhau phi nước đại.

Hôm ấy ông đi câu chạch chấu. Suối Cả có nhiều chạch nhưng chạch chỉ cắn câu vào những ngày mưa lũ. Đã thành thói quen, ông chọn mỏm đá bằng phẳng nhô hẳn ra ngoài suối rồi mắc mồi, buông câu. Chạch chấu kho khô với tương thì thật tuyệt. Canh dấm chua cũng tốt. Còn nếu đem nấu cháo, thêm ít gia vị và rắc hồ tiêu rồi vừa húp và thổi phù phù, thì có lẽ, trên đời này không món cao lương mỹ vị nào hấp dẫn bằng. Ở phía trên ông chừng vài chục bước có một thằng bé cũng đang câu. Nó chỉ độ mười hai mười ba, con bà vợ bé ông phó bí thư quá cố. Cậu ta đã làm được một xiên đến sáu bảy con vừa chạch vừa cá. Đúng vào lúc nó ngửa người, tay giật mạnh cần câu thì bị mất đà trượt chân khỏi tảng đá trơn đầy rêu. Là người nhìn thấy đầu tiên, ông Viển chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi vứt cần câu, để nguyên cả quần áo lao xuống nước. Cũng may, ông nhảy đón đầu, túm ngay được chân thằng bé. Bằng một cố gắng phi thường, ông dìu nó bơi cắt chéo dòng lũ vào vùng nước nông phía bờ đối diện. Bên ấy dòng chảy đã yếu nhưng do bị va đập quá mạnh, ông đuối sức, không tấp được vào bờ. Ba hôm sau người ta mới tìm thấy ông bị kẹt giữa đám rễ cây ở một cánh bãi gần cửa sông Bía, người lép kẹp, chẳng có biểu hiện gì của cái xác chết trôi.

Trong cảnh tang gia bối rối, tôi nghe thấy ông Trưởng khu dân cư kiêm Trưởng ban tang lễ hỏi đám thanh niên choai choai vừa đi đào huyệt về:

- Gia đình đã cử ai viết điếu văn chưa ?

Thằng Lộc gọi ông Viển bằng chú bảo :

- Chúng cháu không biết. Tối qua thím cháu có nhờ ông Túc nhưng ông ấy không dám nhận lời.

- Chà ! Gay nhỉ. - Ông Trưởng ban chép miệng, mắt lơ đễnh nhìn hàng cờ phướn ướt sũng nước mưa hồi đêm đang uể oải lay theo chiều gió. - Ông ấy viết điếu văn cho bao nhiêu người, giờ đến lượt mình lại không có...

Tôi chợt nhớ ra. Cách đây đã lâu, khoảng hai ba năm gì đó, sau mấy hội tổ tôm ở nhà Ba Thống, ông Viển rủ tôi sang uống rượu lạc rang. Lúc tôi sắp về, ông rút từ ngăn tủ ra chiếc phong bì bằng giấy học trò trịnh trọng đưa bằng cả hai tay, giọng có vẻ xúc động :

- Tôi gửi chú cái này. Đây là vật ký thác. Khi nào tôi nhắm mắt, người ta nhập quan rồi hãy mở. Số tôi có lẽ không được chết thanh thản nên có mấy lời dặn lại. Chú có dám hứa danh dự với tôi không?

Tôi mỉm cười hoài nghi :

- Tôi hứa...Mà làm sao bác nghĩ đến chuyện viết di chúc sớm thế ?

Ông hấp háy cặp mắt đã thấm hơi men nhưng giọng lại bình thản, trang trọng như một nhà tiên tri :

- Trong cõi đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Viết gửi chú trước, sợ đến lúc lâm sự trở tay không kịp.

Tôi lẳng lặng ra về bằng lối cổng sau. Tìm được cái hộp nhỏ bằng gỗ vàng tâm trong góc tủ, tôi lật giở những thứ giấy tờ lưu trữ của gia đình, và cũng chẳng mấy khó khăn tìm ra cái phong bì xếp lẫn vào giữa đám giấy má đã ố vàng. Tôi bóc phong bì không được bình tĩnh lắm vì hồi hộp và cả tò mò nữa .Tôi thầm dự đoán, biết đâu ông Viển có vàng, lúc sinh thời, sợ các con ỷ lại, lười làm nên dấu một chỗ, lúc chết, sợ chúng tranh nhau nên phải nhờ tôi, là người ông tuyệt đối tin tưởng, đứng ra phân xử...

Từ trong phong bì rơi ra tờ giấy gấp tư viết bằng bút bi màu tím. Tôi lật giở cả hai mặt và bỗng nhiên sững cả người. Đó không phải chúc thư mà mà là... điếu văn của chính ông.

Đặng Văn Sinh


(*) Một hình tức xử phạt khi người chơi tổ tôm phạm luật
(**) Quân bài tổ tôm có tên "bát vạn"
(***) Tiếng lóng chỉ loại rượu ngang tự cất ở nhà



linh thị








tôi, một bóng ma mắc chứng tự kỷ
thức dậy từ đáy biển sâu
bên dưới bầu trời rắn cắn

những đêm tôi giấu trong màu xám
mắt trắng câm
miệng núi lửa

ngày nóng yên tĩnh khó thở
im lặng là con mồi
bơi vào hàm cá mập

mặt trời nuốt tôi
trong cái họng khổng lồ hoang dã
tiếng kêu của tôi lớn lên như bụi nấm hoang
không chịu chết



nguyễn man nhiên

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Tìm lại tôi





Một ngày thấy lại tôi,
Co ro trong dĩ vãng.
Mệt nhoài, hoài nghi .. anh.
Tình yêu, màu loang lỗ !
Một ngày đã có tôi,
Anh, cười .. tan theo nắng,
Trong vòng tay trìu mến,
Thế giới ngừng, lặng thinh ..
Một ngày tôi đã hỏi,
Anh, tình yêu có phai ?
Một nụ hôn thật dài,
Sẽ mãi như hôm nay.

Một ngày anh đã nói,
Em, hơi thở của anh,
Thiếu vắng em một giờ,
Là thoi thóp chờ mong.
Một ngày mặt trời vỡ,
Trăng trốn theo bước anh.
Trong bóng đêm vật vã,
Tôi tìm lại chính tôi.

Dáng Thơ

Canh bạc






“Khi đồng tiền là tất cả,
con người sẽ trở thành nhỏ bé“

Căn phòng trở nên lặng lẽ. Ngọn đèn dầu leo lét đặt giữa chiếu, hắt lên tường. Những bóng người trầm mặc bất động, chỉ còn tiếng trang bài xoàn soạt. Bảy tám đôi mắt hướng theo tay nhà cái tạo thành một vòng tròn bí ẩn.

- Chín nước đây!

Hắn dè dặt đặt những lá bài lên chiếu, mắt nhìn chiếc đồng hồ đặt cửa.

- Mười ông cụ!

Tiếng nói khô khốc, kèm theo với tiếng kêu đét của những quân bài quật xuống chiếu. Gã trước mặt vơ những đồng tiền trên chiếu về phía mình cả chiếc đồng hồ cuối cùng của hắn cũng nhẹ nhàng lướt về phía gã. Năm sáu đôi mắt thèm thuồng cay cú, ánh mắt hằn học như muốn nặn bóc toàn bộ cơ thể gã được bạc. Ở đây sự mất còn, niềm vui sướng khổ đau, hy vọng và tắt ngấm, tất cả cái mớ hỗn độn ấy đang nháo nhào hoà quện vào nhau, cô đọng lại trên “bãi chiến trường” – chiếc chiếu mỗi bề hai mét. Ở đây tất cả được nén xuống, dồn ép lại để rồi lại bùng lên trong đôi mắt sung sướng hay hằn học thất vọng. Ở đây tất cả phải tuân theo kỷ cương của cỗ bài! Đó là luật pháp của những người khi đặt chân vào chiếu. Họ tự quan sát lẫn nhau chặt chẽ và tự nguyện, kề vai sát cánh bên nhau mật thiết song giữa họ là một vực thẳm ngăn cách, là những tinh cầu riêng biệt, những linh hồn cô độc.

Cứ thử chơi bẩn xem! Nó sẽ bị bóp chết tức khắc trước sự đoàn kết của những kẻ còn lại.

Ôi! Thứ luật pháp thật hoàn hảo trong cái xã hội vuông vắn bốn mét vuông! Ở đó tất cả đều riêng biệt, tất cả đều cô lập, giữa họ chỉ có một mục đích chung là băm chặt lẫn nhau. Họ lạnh lùng, bình tĩnh chờ đợi sự ban phát của may rủi.

Một thoáng suy nghĩ lướt qua trong óc! Ở đây hắn chẳng có gì để mất! Hắn đã để lại trên chiếu bạc đến đồng tiền cuối cùng, cả áo rét đang mặc và chiếc đồng hồ vàng đeo tay. Đối với hắn thua thế cũng là quá! Tặc lưỡi đứng dậy khỏi chiếu, hắn không quên ném về phía mấy ông bạn cái nhìn sắc lạnh. Một ý nghĩ thoáng qua trong óc: “Có kẻ vào cầu thì có kẻ ra cầu!” Trên môi hắn đọng lại nụ cười mai mỉa! Hắn đã chơi đúng luật, “Không cần ai thương hại và cũng chẳng thương hại ai”.

Rời khỏi chiếu với những bước đi mệt mỏi, đối với hắn đâu phải lần đầu! Trong óc hắn một canh bạc mới đang đến! Phải chăng sự ham mê tuổi trẻ đã phú cho hắn cái sức mạnh ghê người đến thế. Trong hắn! Cuộc đời là sự lặp lại bất tận – Hắn như viên bi nằm trong một vòng bi quay tít. Sự đói rách, mách bảo hắn phải giành giật! Chính sự đói rách, đã chỉ cho hắn thấy quyền lực vạn năng của đồng tiền đối với người đời. Hắn đốt cháy giai đoạn, đi đến nắm bắt quyền lực tối cao ấy, đó là:

“Sấp, ngửa, đỏ, đen”. Với hắn cuộc đời là một canh bạc, sự sống là thắng bại, được ăn cả ngã về không. Ở đâu hắn cũng chỉ thấy sự thắng bại. Trong gia đình, hắn là người kiếm ra tiền. Trong tiệm, ăn hắn là kẻ giàu có. Trước bạn bè hắn là ngôi sao sáng may mắn, nói chung hắn là kẻ không biết lùi bước trong đời.

Đẩy mạnh tấm cửa gỗ, luồng gió lạnh như trăm ngàn mũi kim xuyên suốt cơ thể, hắn rùng mình nghĩ đến chặng đường hai mươi cây số!

- Này ông bạn! Có khép hộ cái cửa, chết rét cả lũ bây giờ!

Lời nói của kẻ chiến thắng như đẩy hắn ra ngoài mưa gió, không chần chừ, hắn bước vào đêm tối.

Đi được một quãng, hắn ngoái lại, căn nhà chứa bạc chỉ còn là một khối đen sì giữa cánh đồng mờ ảo đầy gió lạnh. Trong chiếu bạc hắn đã trở thành bé nhỏ, giờ đây giữa cánh đồng tối sẫm hun hút gió, hắn càng thêm nhỏ bé.

Đồng vắng hoang vu chỉ còn những bước đi tung hoành của gió. Những tiếng vun vút trong không trung, như những cây roi quất vào bóng đêm giá lạnh, cả không gian trở nên sóng sánh tê buốt, vạn vật như lắng xuống, đắm chìm trong lòng đất, nhường chỗ cho gió mùa tung hoành cắn xé.

Hắn chuyệnh choạng co ro, miệng luôn cằn nhằn số phận. Gió từ mọi phía bủa vây lấy hắn, gió luồn qua tóc qua cổ, qua lần áo mỏng như muôn ngàn mũi kim châm chích vào cơ thể. Gió lạnh làm chùng những sợi gân trong cơ bắp, thân thể hắn rã rời, đầu nóng như lửa, những bước ân trở nên ngắn dài, bồng bềnh không định hướng. Đoạn đường đồng bốn cây số với hắn giờ đây sao dài thế! Tưởng chừng như vô tận. Hắn thấy, cứ tốc độ này thì sức chịu đựng chẳng được mấy chốc! Đường cái chắc còn xa vì hắn chưa thấy đèn pha ôtô qua lại.

Hắn dừng lại cố gắng trấn tĩnh rồi bắt đầu co cẳng chạy!

- Phải chạy thôi! Óc hắn có vẻ minh mẫn ra đôi chút, nhưng chân hắn thì cứng đơ, nặng trịch và tê dại. Hai bàn chân như đang lội trong bùn nhão nhoẹt. Chạy được một quãng hắn không sao chịu nổi, mặt đất như níu chân hắn lại.

- Mẹ kiếp! – Câu chửi thề méo mó văng qua cửa miệng. Hắn lại lầm lũi bước thấp, bước cao. Hắn đã thấu hiểu thân phận giữa đêm đông giá lạnh. Đối với hắn sòng bạc, con đường đều đen tối và khủng khiếp như nhau. Hắn thèm khát ngọn lửa, dù ngọn lửa hắn cho là thấp hèn nhất ngọn lửa con hắn đốt rác trong vườn mùi khói khét lẹt bẩn thỉu, mỗi khi nghĩ đến hắn thường lợm giọng:

- Mẹ kiếp! Số phận hắn giờ đây cũng chẳng khác gì ngọn lửa ấy.

Buổi sáng lúc ra đi, trong bộ quần áo liền mũ ấm áp, cả cơ thể chỉ hở cái mặt, lúc ấy mùa đông thích thú làm sao? Cưỡi xe máy hắn lao vào gió lạnh như một lời thách đố. Giờ đây trong gió lạnh, hắn trở thành méo mó rách nát. Hắn như lão ăn mày khi xưa trên hè phố bị hắn khước từ lời khẩn cầu, lúc ấy vợ hắn hỏi:

- Sao anh không cho ông lão? Mình chỉ bớt điếu ba số thì người ta đỡ tủi bao nhiêu!

Cả ngày hôm ấy gia đình hắn kém vui, lúc đó cơn lốc đỏ đen như phủ kính linh hồn, những ảo ảnh đang chờ đợi hắn!…

Những vệt sáng trên đường cái, dứt khỏi óc hắn dòng suy nghĩ mông lung, mong ước của hắn giờ đây là con đường và những vệt sáng.

Xa xa tiếng động cơ dội lại, trong ngực hắn trái tim cồn cào thổn thức, hắn muốn chạy muốn thở, hắn muốn gào đến vỡ cổ “Chờ tôi với!”

Con đường đang nằm dưới chân hắn – một con đường trải nhựa hút vào đêm tối, vài bóng cây ven đường vật vã trong gió thổi, hắn ngồi nép dưới thân cây lớn tránh gió, hắn ngồi xổm co ro hai tay ôm lấy gối, cổ lún sâu trong ngực, hắn cảm thấy đỡ lạnh hơn và dễ lao ra đường khi có xe đi tới. Không hoạt động, hắn càng lạnh hơn, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, tất cả mọi thứ trên cơ thể chừng như chẳng còn cảm giác, người hắn tê dại đau đớn, hắn không còn đủ sức lê thêm bước nào nữa. Những khốn cùng đã giáng xuống đời hắn. Nỗi cô đơn, lạc lõng, sự day dứt muộn màng, tất cả đang dồn ép trái tim hắn. Hắn muốn cào, muốn xé, muốn nguyền rủa tất cả mọi thứ đã đi qua đời hắn. Hắn khao khát một hơi ấm, một đốm lửa, một cuộc sống bình thường như vợ con hắn, những con người bình thản trước những thắng bại của hắn. Những con người hắn tưởng họ không còn ước muốn trong cuộc sống đỏ đen này. Giờ đây hắn đã hiểu! Sự lạc lõng, nỗi cô đơn trong cáI thế giới riêng biệt mà hắn đang sống. Hắn ao ước con đường kia ngắn lại, hình ảnh căn nhà hiện lên lung linh trong hắn như nỗi thất vọng muộn màng.

- Đây rồi! Hắn bật dậy! Rồi ngã lăn quay ra đất, chân hắn không còn cảm giác gì nữa, tất cả mọi chỗ trong cơ thể đều phản lại hắn. Tay bò, chân lết, hắn cố lê ra vệ đường. Từ xa, hai vệt pha đèn lung linh trong đêm tối, tiếng động cơ đều đều mỗi ngày mỗi gần, tim hắn muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hắn nhổm dậy hai tay nhoài về phía trước!

- Cứu tôi với! – Hắn gào lên với tất cả sức lực còn lại trong cơ thể, khi luồng ánh sáng bỏ lại hắn trong bóng tối. Tiếng động cơ xa dần chỉ còn tiếng gào man dại của hắn trong đêm trường giá lạnh! Hắn gục xuống và ngất đi trong tê dại!…

Vũ Thi

Cõi vắng bên đời

Nhân xĩ hồ đồ phú




(Vận: Nhất xĩ, nhì đĩ)
Ấm ớ hội tề;
Hồ đồ nhân xĩ!
***
Nhớ các ngài
Đất nước tài bồi, cho học ăn học nói học gói học mở, mới thành ra ông nọ bà kia;
Nhân dân hỗ trợ, cấp túi cơm túi áo túi gạo túi tiền, những mong được quốc gia nguyên khí .
Lúc còn u tối, thầy cô lo việc học việc hành;
Khi đã thành tài, nhà nước phong học hàm học vị
Đứng giảng đường quàng quạc nói chữ thánh hiền;
Ngồi bàn tiệc nhăm nhăm chiếm ngôi tiên chỉ
Lương cao bổng hậu, ăn mòn mồm đã mấy chục năm;
Chức lớn quyền to, ngồi chai đít cũng nhiều vị trí
Cửa cao nhà rông, xênh xang phô đồ Nhật, đồ Tây;
Vợ đẹp con khôn, ngao du tận nước Âu, nước Mỹ
Bú thì nào cốt nhắc sâm banh;
Đớp thì những cao lương mỹ vị.
(Cóc phải như Lý tôi
Tiêu dùng tiện tặn, đồng lương ba cọc ba đồng;
Ăn ở xuề xòa, tài sản mỗi người một bị)
***
Biết rằng
Gốc có vững thì cây mới bền, ấy vốn đạo nhân
Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi, mới là người trí

Vậy mà ,
Cống hiến đếm xem được ải được ai?
Hồ đồ tòi ra một lũ một lỹ
Nói năng thánh tướng, rồng lộn rồng leo
Rân chủ ruồi bu, mèo quào mèo ị
Xưng danh :
Bác sĩ, kỹ sư
Giáo sư, tiến sĩ
Văn nhân với lại thi nhân
Hưu trí còn thêm mất trí
Hàng tôm hàng cá góp mặt dăm bà
Du đãng du côn chen chân chục vị
Lại có cả
Ông Mỹ, bà Tây;
Mợ thông, cậu ký,
Thầy lang xốc nách thầy đồ;
Cụ phó thúc mông cụ lý.
Khuyến mãi ông nọ bà kia;
Van lơn bố cu mẹ đĩ ;
Hạ cám, ông đầu bếp Quế Trâu ;
Thượng vàng, ngài giáo sư Hoàng Tỵ.
Cá kể đầu, rau kể mớ, úm ba la, cũng được ….. trăm người ;
Anh đánh trống, chú la làng, hò dô ta, mình mần…. KIỀN NGHỊ !.
***
Hai hàng tập hợp, soi xuôi soi ngược, chết cha rồi, cớ sao trốn mất một ông…
Tiên chỉ đại nhân, đếch có đếch xong, bu mày đâu, khẩn trương truy tầm cụ Lý !
“Thưa , nay chúng con, kính cẩn mời cụ Lý tham giả tham gia…”
« Chậc, để lúc khác, tao còn bận đưa cậu Vàng đi ị … đi ị… »
Trò mèo
Bố khỉ !

Sưu tầm

Albert Einstein & Phật giáo


“Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo toàn cầu”. Vượt lên mọi thần linh giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm trọng thể gồm mọi phương diện trên. Trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có Đạo Phật đáp ứng đủ điều kiện đó.
“Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được mọi nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo”.“Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học”. “Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.
“Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có Tôn giáo thì Tôi phải là một Phật tử. Vì những gì Tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi.
 Albert Einstein