James Fulcher và John Scott, Lê Hải dịch và chú thích[1]
Trong xã hội đương đại, thời khắc con người được sinh ra cũng chính là lúc bản sắc xã hội lần đầu tiên được gán cho mỗi cá nhân. Giai đoạn chuẩn bị trước khi sinh tất nhiên cũng sẽ liên quan ít nhiều tới bản sắc của đứa bé: trang trí phòng ngủ, mua quần áo, vân vân. Thế nhưng phải đến khi sinh thì căn cước thực của đứa bé mới được cấp. Trẻ sơ sinh ngay lập tức được xác minh là con trai hay con gái, và sau đó là tên. Giới tính[2] của đứa bé, cùng với tên, và tên của cha mẹ sẽ được quan chức chính phủ chính thức được ghi nhận, và cũng thường được loan báo và xác nhận trong một buổi lễ tôn giáo. Tất nhiên là đứa bé không đủ khả năng để phản ứng lại những bản sắc cá nhân và xã hội - chắc chắn không phải bằng cách phản xạ hay ý thức - và sẽ không có quyền lựa chọn. Cả cái bản sắc được gán cho lẫn bản khai sinh chính thức nhiều khả năng sẽ đi cùng suốt cả cuộc đời với đứa bé. Phụ nữ lấy chồng sẽ lấy họ chồng theo qui ước và tục lệ, nhưng chỉ có tên "mẹ đẻ" nằm trên giấy hôn thú.
Thông qua quá trình xã hội hóa cơ sở (primary socialization), giai đoạn sơ sinh và nhi đồng, các giá trị cơ bản về bản sắc xã hội được nạp vào. Càng lớn trẻ sẽ càng chủ động hơn trong việc xây dựng bản sắc xã hội riêng. Các bản sắc cơ sở (primary identities) như cá tính, giới tính và có khi kể cả sắc tộc sẽ được xây dựng thông qua các quá trình hội nhập xã hội ở mức cơ sở (Jenkins[3] 1996:62).
Tính cá nhân (personhood) là cảm nhận về tính chất của bản thân và những đặc tính của con người. Điều này được phát triển khá sớm trong giai đoạn sơ sinh, nhưng hình thành rất chắc chắn. Vai trò tích cực đầu tiên của trẻ trong quá trình hình thành bản sắc riêng đi kèm với việc xây dựng khái niệm về tính cá nhân của mình. Trẻ sơ sinh chỉ có thể từ từ học được rằng em tồn tại như một thể gì đó tách rời với môi trường xung quanh. Tương tự vậy, em chầm chậm nhận biết khả năng tạo ra sự kiện, tức là khả năng trở thành một nhân tố trong xã hội (agent). Điều đó đòi hỏi trẻ nhận biết khái niệm khác biệt.
Trẻ em học được là mình khác với chiếc giường và đồ chơi, và khác với cha mẹ. Dù vậy, em cũng học được rằng mình có chung một số đặc điểm với cha mẹ. Các đặc điểm chung đó không chỉ tách trẻ ra khỏi nhóm các vật vô tri vô giác mà còn cả những thú vật nuôi trong nhà, hay các loài thú khác. Bằng cách này, trẻ sơ sinh bắt đầu học những cảm nhận sơ khai nhất về bản thân và vị trí nhân văn của chính mình: biết rằng mình là một con người. Điều đó bắt đầu quá trình phát triển hệ thống ngôn ngữ, có vẻ như là điều kiện quan trọng để xây dựng khả năng ngôn ngữ. Tuy vậy, còn cần phải tích lũy một khối lượng ngôn ngữ rất lớn. Ý niệm về tính cá nhân phát triển rất nhanh khi khả năng ngôn ngữ của trẻ mở rộng khi lên hai tuổi[4].
Khi trẻ bắt đầu ý thức được mình là một con người, thì bố mẹ hoặc người chăm sóc có thể bắt đầu gắn thêm những bản sắc xã hội khác mà họ đã xây dựng và ghi nhận cho em bé. Đó là những bản sắc mà các phụ huynh coi là quan trọng trong việc xác định bản sắc riêng và lý lịch cho trẻ. Quan trọng nhất thường là bản sắc giới tính, là nam tính hay nữ tính. Thể loại bản sắc giới tính này sẽ qui định cách mà cha mẹ đối xử với con cái. Từ quần áo, đồ chơi, cho đến cách dùng từ ngữ, sẽ rất khác nhau đối với mỗi giới tính từ những giờ đầu tiên trong cuộc sống của trẻ.
Gắn liền với bản sắc giới tính còn là bản sắc của trẻ trong gia đình hoặc hộ gia đình. Khi biết mình là con trai hay con gái thì trẻ cũng biết luôn rằng mình là trẻ con, và là con của ông bố và bà mẹ cụ thể. Thông qua cha mẹ, trẻ cũng có thể biết thêm rằng mình là anh, chị, hay em, là cháu của ông bà, cháu của cô dì chú bác, vân vân. Tất cả những góc cạnh của bản sắc dòng tộc được giới tính hóa giúp xác định vị trí gia tộc của trẻ trong một gia đình cụ thể.
Bản sắc sắc tộc - tư cách thành viên trong một nhóm văn hóa cụ thể được định nghĩa bằng "chủng tộc", tôn giáo hay ngôn ngữ - nhiều khả năng sẽ được gắn với trẻ trong những năm đầu đời, khi vấn đề sắc tộc nổi trội ra ở phụ huynh và những người mà trẻ được giao tiếp. Ví dụ như tại Anh hiện nay, chuyện là người da đen nổi trội đối với đa số người gốc châu Phi hay Ca-ri-bê. Trẻ học được điều đó rất sớm. Trong khi đó, chuyện là người da trắng lại không nổi trội đối với các thành viên của nhóm sắc tộc đa số. Vấn đề màu da không được họ dùng nhiều như là đặc tính để phân biệt bản thân, và nhiều trẻ em da trắng không được học để coi mình như là người da trắng. Khi sắc tộc là vấn đề nổi trội thì bản sắc sắc tộc được học như một phần liên kết với bản sắc gia đình được giới tính hóa. Trong trường hợp đó, có thể nói sắc tộc là một góc cạnh của gia tộc.
Các bản sắc sơ cấp thường bền vững hơn các loại hình bản sắc thu nhận sau này trong cuộc sống, như Richard Jenkins từng lập luận:
Các bản sắc đi vào cuộc sống trong giai đoạn đầu thường thể hiện ra là nhiều ảnh hưởng hơn các bản sắc được chấp nhận sau này. Đa phần trẻ con chỉ có thể phản ứng yếu ớt đối với các định nghĩa bên trong nhằm thay đổi hay điều chỉnh chúng. Được thâu nạp trong quá trình học rất cơ sở, các bản sắc đó trở thành một phần của hành trang nhận thức mang tính tiên đề của mỗi cá nhân, một thứ "mọi vật vốn sẵn như vậy". Trẻ nhỏ tuổi thiếu khả năng để phản đối những định nghĩa từ bên ngoài gán cho chúng. Trẻ chỉ có một lượng giới hạn kinh nghiệm và văn hóa để đặt câu hỏi hay kháng lại, ngay cả trong trường hợp được khuyến khích làm như vậy. Và trẻ không có khả năng đó: trong và trước quá trình tiếp nhận ngôn ngữ, thiên hướng của con người trong quá trình học là để mặc cho cá nhân mở cửa trước các định nghĩa mang tính áp đặt và hệ lụy của người khác (Jenkins 1996:62).
Sau này khi trẻ lớn lên, chúng thường nghĩ về các bản sắc sơ cấp đã được gán ghép thời thơ ấu như là những gì đã cố định và không thể thay đổi. Một số góc cạnh của bản sắc cá nhân có thể được thay đổi: tên gọi có thể được rút ngắn hoặc chuyển thành biệt hiệu, và người ta có một khoảng tự do để thay đổi tên để tránh quan hệ với một hình ảnh hay nghĩa nào đó. Một người có thể thích được gọi là James hơn Jim, hay Mick hơn là Michael. Sự tự do này hiếm khi biến thành việc đổi tên hoàn toàn, dù luật nói chung cho phép như vậy. Ngoài ra, giới tính và liên hệ cha mẹ còn nhiều khả năng được coi là vĩnh viễn và không đổi hơn. Hai yếu tố đó được coi như là tự nhiên và nét đặc thù bình thường của thế giới. Thay đổi về những bản sắc này nhiều khả năng bị coi là không thể tưởng tượng ra nổi hoặc vô cùng khó khăn, nếu không nói là không thể. Mặc dù có một vài phiên tòa nổi tiếng, con cái vẫn khó gạch tên cha mẹ trong khai sinh dù chuyện từ bỏ cha mẹ vẫn ít nhiều phổ biến. Chỉ một ít trường hợp người ta xét lại bản sắc giới tính của mình, và một số ít hơn nữa đi trị liệu để thay đổi hay điều chỉnh đặc tính giới tính của mình. Những người làm như vậy thường gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục những người khác về bản sắc xã hội mới của mình, và họ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thay đổi một vài góc cạnh trong bản sắc cá nhân. Rất ít nước cho phép họ thay nội dung từng ghi trên khai sinh. John Smith có thể đi giải phẫu giới tính và trở thành Joan Smith nhưng mà trên giấy tờ chính thức vẫn là đàn ông, bất kể dáng vẻ bên ngoài phụ nữ như thế nào đi nữa. Cô ta nhiều khả năng sẽ gặp trở ngại từ những người khác, không muốn công nhận cô thực sự là đàn bà.
Các bản sắc thứ cấp (secondary identities) được thu nhận trong quá trình xã hội hóa thứ hai[5] được xây dựng trên nền tảng những bản sắc sơ cấp. Loại hình bản sắc thứ cấp quan trọng nhất mà con người thu nhận trong xã hội hiện đại là bản sắc nghề nghiệp. Thông qua thị trường lao động và loại hình công việc cụ thể, họ bắt đầu nhìn bản thân như một loại người giữ vai trò nghề nghiệp. Họ mô tả bản thân và được những người khác mô tả như kỹ sư, người làm bánh, bác sĩ, hay nhà xã hội học. Các bản sắc thứ cấp khác cũng quan trọng không kém, mà một số dần trở nên còn quan trọng hơn bản sắc nghề nghiệp. Ví dụ như các bản sắc liên quan đến nhu cầu mua sắm và giải trí đang ngày càng thêm đặc biệt quan trọng. Người ta có thể định nghĩa mình như người sưu tầm đồ cổ, fan hâm mộ bóng đá, kẻ nhiệt thành với opera, người say mê ngựa đua, vân vân.
Cảm giác về bản sắc dân tộc cũng dần hình thành trong nhiều người. Ví dụ như tại Anh quốc và Hoa Kỳ, quốc tịch là bản sắc thứ cấp quan trọng với nhiều thành viên của nhóm đa số da trắng. Với thành viên của các nhóm sắc tộc thiểu số, thì bản sắc sơ cấp của họ về chuyện là người da đen hay gốc Ấn vẫn còn rất nổi trội và các bản sắc đó được củng cố qua hành động của những người đàn áp hay loại trừ họ. Sức kháng cự của các bản sắc sắc tộc đó sẽ thường đối nghịch lại các cố gắng của chính phủ muốn xây dựng một nhận thức chung về công dân dân tộc.
[...] Đa phần các bản sắc thứ cấp - bản sắc nghề nghiệp, giai cấp, chính trị và tôn giáo - thường liên kết với biên giới của một quốc gia dân tộc. Điều đó được xác định rất rõ trong cái bản sắc 'dân tộc' như người Anh, Pháp, Đức, Mỹ, vân vân. Nhưng điều đó có còn đúng trong thời đại toàn cầu hóa? John Urry[6] (2002) đã phát triển ý này thông qua nghiên cứu về du lịch và đi lại. Khi một người định nghĩa mình là 'khách du lịch' thì họ muốn nói lên điều gì? Họ là công dân 'một quốc gia' đang ở trên một nước 'ngoài', hay khách du lịch là một bản sắc biệt lập của toàn cầu hay liên quốc gia?
Du lịch là một hiện tượng đặc biệt của thời hiện đại, tăng trưởng cùng với sự phân biệt giữa 'công việc' và 'giải trí' trong xã hội hiện đại. Các xã hội trước thời hiện đại không hề có phân biệt giữa công việc được trả lương và giờ nghỉ ngơi không được trả lương, cho nên người ta không có khả năng đi lại để hưởng thụ - leisure. Chuyến đi cùng chuyến lưu trú được xây dựng thành một tour hay holiday được đặt vào những chỗ khác chỗ làm việc và sinh sống bình thường, với những lý do không liên quan trực tiếp tới công việc, và trong những khoảng thời gian đặc biệt. Người đi lại trong hoàn cảnh đó nhận vào mình một bản sắc đặc biệt: người du lịch - tourist. Theo Urry, bản sắc du lịch liên quan tới việc chấp nhận khái niệm được gọi là tourist gaze. Người du lịch là người nhìn vào sự vật và nơi chốn trong một cách đặc biệt và khác biệt, không giống với người dân địa phương hay người lao động tại chỗ. Dân du lịch tập trung tới những điểm du lịch - sights, ghi nhận bằng hình ảnh và postcard nhằm mục tiêu sau này sẽ gợi nhớ lại sự kiện này. Tuy nhiên, cái mà người du lịch nhìn thấy không phải là nơi chốn 'thực' (bất kể nó là cái gì), mà chỉ là hình ảnh của nơi chốn được các chuyên gia về du lịch cấu trúc (construct) nên, những người đang ngày càng nhiều quanh ngành công nghệ đi lại và nghỉ ngơi trong thế giới hiện đại.
[...] Đà tăng trưởng toàn cầu về du lịch tạo ra lưu lượng người di chuyển toàn cầu mà chủ yếu là khách du lịch. Thực tế (reality) toàn cầu được xây dựng nên qua các hình ảnh được giới thiệu tại các điểm tập trung du khách. Kết cấu của bản sắc dân tộc cũng - ngày càng tăng - được xây dựng do, và dành cho khách du lịch đến từ bên ngoài quốc gia. Cảm nhận riêng của mỗi người về bản sắc dân tộc thể hiện qua kết cấu của ngành công nghệ du lịch toàn cầu, và dân tộc phải cạnh tranh để thể hiện bộ mặt của mình cùng các biểu diễn nhằm thu hút đám đông du khách. Bản sắc dân tộc không còn gắn liền với cảm nhận về lãnh thổ, mà liên quan nhiều hơn đến cảm nhận về hình ảnh của những nơi chốn cụ thể. Ví dụ như nước Anh tạo dựng hình ảnh quốc tế về lịch sử và di sản dân tộc. Cùng lúc đó, tư tưởng về đi lại và di chuyển trở thành trung tâm trong bản sắc của con người. Họ không còn định nghĩa bản thân đơn giản thông qua nơi chốn họ sống và làm việc, mà còn định nghĩa mình bằng những nơi chốn mà họ có thể đi đến, và cùng đó, tư tưởng về du lịch và di chuyển.
[...] Trong xã hội hiện tại, Beck[1] (1992) cho rằng người ta đang gia tăng ý thức về các mối nguy hiểm mà toàn thể nhân loại đang phải đối mặt, hoạt động trên tầm mức toàn cầu. Ý thức này phần nhiều được dẫn dắt từ các sản phẩm truyền thông. Nguy cơ có thể đến từ thức ăn cải biến gien, công nghệ sản xuất hàng loạt, thay đổi môi trường, v.v. được tường thuật và bàn luật trên báo chí và truyền hình, theo cái cách mà các tường thuật đó được xây dựng để hình thành nên khái niệm của người dân về các nguy cơ và tham gia vào đó. Người đọc và khán giá dễ có cùng cảm nhận về khủng hoảng hay thảm họa, khiến họ rất bất an về số phận của mình và các hoàn cảnh đặc biệt của mình. Cách họ nhìn thế giới như một thế giới nguy hiểm, một thế giới chạy trốn (Giddens[2] 1999) mà họ không thể hoặc ít có thể kiểm soát. Ý thức đó kéo theo cảm giác lo lắng về chuyện họ bị gắn với thế giới này nói chung, hơn là với từng nguy hiểm cụ thể. Điều này từng được Riesman[3] (1961) nhắc rất sớm. [...]
Giddens nhìn quá trình gia tăng sự lo lắng theo như là hệ quả của thời hiện đại về hình thành các bản sắc. Theo đó người ta xử lý tình huống này trong cuộc sống hàng ngày bằng cách 'đóng ngoặc', hoặc không bàn tới những điều không chắc chắn và nguy hiểm trên thế giới. Họ cố xây dựng bản sắc trong cuộc sống xã hội hàng ngày tách rời khỏi các nguy hiểm đó, cho phép họ tiếp tục thực hiện các công việc thường lệ mỗi ngày.
Trong xã hội tiền hiện đại, mô hình thường lệ đó được truyền thống và thói quen truyền lại: người ta chỉ phải ra một vài quyết định hay lựa chọn, và cơ bản có thể dựa vào những cách mà mọi việc vốn vẫn được thực hiện truớ đó. Số phận và sứ mệnh của họ trong cuộc sống đã định hình từ trước, và họ đa phần giữ vai trò thụ động trong thế giới. Đối với các xã hội hiện đại, cùng với mức độ cá nhân cao và sự biến mất của các tư tưởng truyền thống khi đối mặt với khủng hoảng, hay các phản ứng được coi là hợp lý, giờ không còn nữa, và mỗi con người phải tự có quyết định cho riêng mình.
Theo Giddens, xã hội hiện đại phụ thuộc chủ yếu vào văn hóa 'phản thân' - reflexivity, một thứ văn hóa buộc người ta phải liên tục theo dõi, đánh giá và thay đổi hành động của mình tùy thuộc vào các hậu quả có thể gây ra. Cái tôi trong một 'dự án phản thân', tức là cái bản sắc liên tục được tái cấu trúc được chính danh hóa thông qua quá trình xây dựng các narratives phù hợp. Con người bị thúc phải chịu trách nhiệm ra quyết định và xây dựng bản sắc cho riêng mình, và kết cấu nên một "narrative của cái tôi" liên tục thay đổi. Họ trở thành những người mà Bauman[4] (1995) mô tả là 'hành hương': đi qua cuộc đời mình bằng những chọn lựa về sứ mệnh và tái hình thành bản sắc trong lúc đi. Giddens lập luận là ngay cả những cá nhân thành công trong quá trình xã hội hóa cũng có thể đối mặt với nỗi lo sợ kéo các nỗ lực và các cá nhân đó vào tình trạng lo lắng hoang mang thường xuyên về chính bản sắc của mình và vị trí của mình trên thế giới.
[1] Trích từ James Fulcher và John Scott 2003, Sociology, Oxford University Press, trang 127-129 và 154. Đây là sách giáo khoa nhập môn cho ngành xã hội học, dày 933 trang. Đoạn trích dịch là phần nói về bản sắc của con người được hình thành thông qua hai quá trình xã hội hóa - cơ sở (primary) và thứ cấp (secondary). Chữ identity được dịch xen kẽ là bản sắc và căn cước.
[2] Xác định về giới tính của trẻ sơ sinh cũng không hoàn toàn đơn giản, sẽ được đề cập nhiều hơn trong chương 5 của quyển giáo trình.
[3] Richard Jenkins (1996) Social Identities, London: Routledge.
[4] Các bậc phụ huynh có quan tâm đến việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và định hình bản sắc mời đọc thêm nghiên cứu của TS Nguyễn Huy Cẩn 2001, Từ hoạt động đến ngôn ngữ trẻ em, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
[5] Quá trình xã hội hóa cơ sở (primary socialization) được tính là xảy ra trong giai đoạn sơ sinh và thơ ấu, trong hoán cảnh gia đình hoặc một hộ gia đình nhỏ, còn quá trình xã hội hóa thứ cấp (secondary socialization) bắt đầu khi trẻ tiếp xúc bên ngoài gia đính, với các trẻ khác, với giáo viên ở trường, học nhiều kỹ năng xã hội và nhận biết nhiều hơn về vai trò bên ngoài gia đình.
[6] John Urry 2002, The Tourist Gaze, 2nd edition, London: Sage Publications
[1] Beck, U. 1992, Risk society: Toward a New Modernity, SAGE
[2] Giddens, Anthony 1999, Runaway World, Profile Books
[3] Riessman, David 1961, The Lonely Crowd, Yale University Press
[4] Bauman, Zygmunt 1995 Life ub Frafments: Essays in Postmodern Morality, Basil Blackwell