Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Văn hóa tranh luận và ngụy biện (5)



Có thể nói những loại ngụy biện trên đây có những đặc điểm chung là (a) phát biểu không dựa vào lí lẽ logic; (b) các định đề không vững để đi đến một kết luận; và (c) đưa ra giả định không đúng. Ngụy biện, do đó, nói cho cùng, là một sản phẩm của sự lười suy nghĩ. Và hầu như trong chúng ta, ai cũng có ít nhất là một lần lười suy nghĩ. Do đó, nếu điểm qua những loại ngụy biện trên đây, chúng ta tự cảm nhận rằng trong quá khứ mình chắc cũng có lần phạm vào lỗi lầm của ngụy biện. Điều này có thể đúng, và không nên lấy làm ngạc nhiên, vì các nhà thông thái, và ngay cả giới có huấn luyện về logic học cũng đôi khi, vì cố ý hay vô tình, ngụy biện. Giới chính trị gia và truyền thông là những người cực kỳ nổi tiếng về ngụy biện.

Nhưng tại sao những ngụy biện vẫn còn có mặt trên báo chí? Theo tôi, bởi vì chúng vẫn có khách hàng. Vẫn có người, dù ít hay nhiều, tin tưởng vào ngụy biện, vì nó thuận nhĩ, trơn tru, và nhất là không thách thức. Sờ một hòn đá trơn tru đem lại cho chúng ta một cảm giác khoan khoái dễ chịu hơn là sờ một hòn đá lởm chởm, hay ngồi trên một cái ghế ghồ ghề. Người ta thích sự trơn tru, bởi vì trơn tru là dấu hiệu của sự khoan khoái, dễ chịu, là cái khoảng thời gian giải lao, không cần sự thách thức.

Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng không đến nỗi tệ, bởi vì những ngụy biện phản ánh sự thành công [hay có người nói sự phong phú] của ngôn ngữ trong việc tách rời giữa những gì thô thiển, gồ ghề với những gì hoàn thiện, mĩ miều. Nhưng sự trơn tru của các vật thể và ngôn ngữ ngày nay đem lại cho chúng ta một cảm giác giả tạo về thế giới thực của các vật thể. Những kỳ kẹt xe trên đường xá mới để lộ trái tim phức tạp của một thành phố. Tương tự, một sự cố của internet sẽ nhắc nhở chúng ta về tình trạng hỗn mang và phức tạp của hệ thống thông tin điện tử. Sự hỗn mang và phức tạp là thực. Trơn tru, tròn trĩnh có thể là giả tạo. Những câu văn ngụy biện có thể chỉ là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì thân thiện. Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục đích lôi cuốn người nghe/đọc, thay vì cung cấp cho họ một sự thực.

Bởi vì ngụy biện là những lí lẽ mà bề ngoài có vẻ logic, nên chúng có khả năng thuyết phục những người không chịu khó suy nghĩ, nhất là những người còn mang nặng cảm tính. Điều này giải thích tại sao nhiều người trong chúng ta tiếp nhận một cách thụ động quá nhiều những điều càn rỡ về thế giới chung quanh, kể cả những niềm tin tôn giáo, những mê tín dị đoan, những triết lí quái đảng, những thông tin sai lạc, v.v.. Cái tác hại của việc tiếp nhận thụ động này là nó làm cho chúng ta trở nên nô lệ với cảm tính, và dễ dàng trở thành những tín đồ cuồng tín của những người “lãnh đạo” chính trị hay tôn giáo.

Để không trở thành những nô lệ, chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Suy nghĩ nghiêm túc là một quá trình hoạt động tri thức nhằm ý niệm hóa, ứng dụng, phân tích, tổng hợp, và (hay) đánh giá những thông tin được thu thập từ quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, lí luận, hay liên lạc, như là một niềm tin cho hành động. Chúng ta cần phải dựa vào những giá trị tri thức với những đặc điểm như trong sáng, chính xác, nhất quán, có liên hệ, bằng chứng tốt, lí lẽ hợp lí, có chiều sâu, và công bình. Tức là, trước một câu phát biểu hay một đề nghị, chúng ta phải thẩm định lại kết cấu và nguyên tố của phát biểu hay đề nghị đó. Những kết cấu và nguyên tố này là: mục đích, vấn đề, giả định, quan niệm, bối cảnh, kết luận, ngụ ý, hậu quả, phạm vi tham khảo, và quan điểm khác.

Người Việt chúng ta thường rất tự hào về những đối thoại [mà chúng ta cho là “thông minh”] giữa Trạng Quỳnh và Chúa Trịnh ngày xưa. Nhưng nói một cách công bằng và theo tiêu chuẩn của lí luận logic, thì những trao đổi của Trạng Quỳnh hay tương tự chỉ là những ngụy biện ở trình độ thô sơ nhất [*]. Nhưng có điều đáng buồn là những đối thoại kiểu Trạng Quỳnh, mà trong đó sự hơn thua nhau từng câu nói, bắt bẽ nhau từng chữ, vặn vẹo ý nghĩa của từng câu văn, v.v… lại đi vào sử sách, như thể để làm gương cho thế hệ sau này. Mà làm gương thật. Cho đến ngày nay, có người vẫn còn cho đó là một biểu tượng của sự thâm thúy, thông minh của dân tộc, là phản ánh sự phong phú của ngôn ngữ Việt, và đem ra ứng dụng trong tranh luận.

Theo dõi báo chí, chúng ta thấy những hình thức tấn công cá nhân (thay vì tấn công vào luận điểm), xuyên tạc ý tưởng, chụp mũ, suy luận theo cảm tính, mỉa mai, đơn giản hóa vấn đề, v.v… xuất hiện hầu như hàng ngày, có khi hàng giờ. Vì những tần số của những loại ngụy biện xuất hiện quá nhiều như thế, nó thành một sự rập khuôn. Theo thời gian, rập khuôn trở thành “truyền thống”. Hậu quả của cái truyền thống này là những ai ra ngoài cái khuôn sáo của ngụy biện đều có thể bị xem là phi chính thống, dẫn đến một lối suy nghĩ và phán xét kì quặc kiểu “anh/chị không thuộc nhóm của tôi, vậy thì anh/chị thuộc nhóm bên kia,” “anh khen Việt Nam, vậy anh là cộng sản,” “giọng nói anh ‘Bắc kì 75’, vậy anh là cộng sản,” hay “Nhà nước cho anh ra ngoài này trình diễn, chắc anh là cộng sản đi tuyên truyền”… Anh ở phía này, tôi bên kia. Nói tóm lại, đó là một lối phân định theo hai giá trị: xấu và tốt, đen và trắng, hay địch và ta một cách cứng nhắc. Cách phân định này thể hiện một sự nghèo nàn về trí tuệ, hay lười biếng suy nghĩ. Chỉ cần đặt vấn đề ngược lại một chút, hay phát triển vấn đề xa hơn một chút, ai cũng có thể thấy lối phân chia có/không này không thể đem đến một đáp số cho một vấn đề nào cả.

Trong cái sự thực phức tạp, mờ mờ ảo ảo của vấn đề, có cái đẹp riêng. Không phải cái đẹp trơn tru, tròn trĩnh, nhưng là cái đẹp khắt khe của sự thật. Tương tự, một lời phát biểu nghịch lí có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong đúng/sai, tốt/xấu, bạn/thù. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên vượt qua chính mình bằng cách cho các tế bào trí tuệ có cơ hội làm việc.



Bàn Tân Định

—————————-
Chú thích:

[*] Đơn cử về câu chuyện “Mèo chúa, mèo dân”, chuyện kể như sau: Chúa Trịnh có một con mèo mà Chúa rất đỗi yêu quí. Mỗi bữa ăn của mèo Chúa đều cho mèo ăn cơm thịt cá. Muốn chơi khăm Chúa, Quỳnh bèn bắt trộm con mèo của Chúa đem về nhà mình. Đến bữa ăn, Quỳnh đem ra hai đĩa thức ăn, một đĩa cơm rau, một đĩa cơm thịt, và Quỳnh cầm chiếc roi chờ đấy. Do quen ăn thịt cá nên con mèo của Chúa chạy ngay sang đĩa thức ăn quen thuộc của mình. Mỗi lần như vậy thì Quỳnh dùng roi quất cho con mèo rõ đau. Chừng vài lần thì con mèo thôi không dám bén mảng đến đĩa cơm thịt nữa, đói quá rồi cũng ăn cơm rau ngon lãnh. Tin Quỳnh ăn cắp mèo rồi cũng đến tai Chúa. Chúa sai Quỳnh đến hỏi cho ra cớ sự. Quỳnh lí lẽ: Mèo của chúa là mèo cao sang đài các, nên bữa ăn cũng sang trọng; còn tôi nhà nghèo, nên mèo tôi cũng chỉ ăn cơm rau. Bây giờ nếu Chúa bảo tôi đánh cắp mèo của Chúa, hãy thử đem ra đây hai đĩa thức ăn, một đĩa có thịt một đĩa chỉ cơm rau. Nếu mèo ăn cơm thịt là mèo của chúa, mà nếu nó ăn cơm rau thì là mèo của tôi”. Chúa ưng thuận bèn sai y truyền. Con mèo của Chúa vẫn theo bản năng của mình, nhưng khi thấy Quỳnh nhấp nhấp cái roi, nó sợ quá, bèn bước qua đĩa cơm rau ăn ngon lành. Quỳnh mới vỗ tay reo lên :”Đấy mèo của Chúa thì phải ăn thịt cá, còn mèo dân của tôi chỉ ăn cơm rau, thì rõ là mèo của tôi chứ tôi có đánh cắp mèo của Chúa bao giờ!”. Nói rồi Quỳnh đắc thắng ôm con mèo của Chúa đi thẳng, để mặc cho Chúa tức giận, biết bị Quỳnh chơi khăm mà không làm gì được.

Ở đây lí luận của Trạng Quỳnh phạm phải lối nguỵ biện “loại bỏ tiền đề” như đã nêu ở trên.

Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện(4)

Nhóm 7. Phạm trù sai

35. Hỗn hợp. Loại ngụy biện này thường dùng những đặc tính bề ngoài để suy luận cho một điều gì cá biệt. Ví dụ: “Xe đạp được làm bằng những dụng cụ nhẹ kí, do đó, xe đạp rất nhẹ”, hay “Xe hơi dùng ít xăng dầu và không gây ra ô nhiễm môi trường bằng xe bus. Do đó, xe hơi không gây hại cho môi trường bằng tác hại của xe bus.”

36. Tùy tiện, phi thể thức (ad hoc). Giải thích và lí lẽ là hai điều khác nhau. Nếu muốn xác minh A, và dùng B làm bằng cớ, thì câu phát biểu “A xảy ra bởi vì B xảy ra” là một lí lẽ. Tuy nhiên, nếu muốn xác minh một sự thật về B, thì câu phát biểu “A xảy ra bởi vì B xảy ra” không phải là một lí lẽ mà là một lời giải thích. Ngụy biện theo kiểu phi thể thức là hình thức dùng giải thích sau khi đã có sự thật mà sự thật không ứng dụng vào một bối cảnh khác. Thông thường ngụy biện phi thể thức được khoác vào chiếc áo lí lẽ. Chẳng hạn như nếu chúng ta giả định rằng Thượng đế đối xử công bằng với mọi người, thì những phát biểu sau đây là những lời giải thích phi thể thức: “Tôi mới hết bệnh ung thư”, “Cầu nguyện với Thượng đế đi, Ngài là đấng toàn năng”, “Nhưng Ngài có chữa trị cho những bệnh nhân ung thư khác không”, “À, Thượng đế rất huyền bí.”

Nhóm 8. Phi logic (non sequitur) và nhầm lẫn trong tam đoạn luận

37. Phi logic. Ngụy biện phi logic thường xảy ra trong trường hợp một lí lẽ mà kết luận được rút ra từ những tiêu đề không dính dáng gì với nhau. Chẳng hạn như “Người Ai Cập đã từng làm nhiều khai quật để xây dựng những kim tự tháp, họ chắc chắn phải rất thạo về cổ sinh vật học.”

38. Loại bỏ tiền đề. Ngụy biện loại này thường xảy ra dưới hình thức “nếu A thì B, không phải A thì không phải B.” Ví dụ: “Nếu tôi ở Sài Gòn thì tôi đang ở Việt Nam. Tôi hiện không ở Sài Gòn, do đó, tôi không ở Việt Nam”.

39. Giả định hư. Đây là một loại ngụy biện bằng cách dùng kỹ thuật phỏng vấn. Một trường hợp cổ điển là “Ông đã ngưng đánh vợ chưa?” Tức là một câu hỏi với một giả định rằng người được hỏi từng hành hung vợ. Đây là một mẹo mà giới luật sư thường hay dùng trong thẩm vấn. “Ông dấu tiền ăn cắp đó ở đâu?” Giới chính khách cũng thích mẹo này, đại khái như “Bao giờ thì nhóm EU này sẽ không còn xâm phạm vào công việc của chúng ta?”

40. Ngụy biện bốn ngữ. ( Một tiêu chuẩn của tam đoạn luận gồm có 3 chữ). Ví dụ như trong câu phát biểu “Tất cả chó là thú vật, và tất cả mèo là loài động vật có vú, do đó tất cả chó là loài động vật có vú,” có bốn chữ: chó, mèo, động vật, và động vật có vú.

41. Đứt đoạn. Hai sự vật riêng biệt được xem là có liên hệ nhau nếu chúng có chung đặc tính. Người ngụy biện lợi dụng chữ giữa của một phát biểu để đưa đến một kết luận sai. Chẳng hạn như trong câu “Tất cả người Nga là nhà cách mạng, và tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ cũng là nhà cách mạng, do đó, tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ là người Nga,” chữ chính giữa là “nhà cách mạng”. Nhưng kết luận này sai, vì dù những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và người Nga là những người cách mạng, nhưng họ có thể là hai nhóm cách mạng khác nhau.

Nhóm 9. Các nhầm lẫn khác

42. Dẫn chứng bằng giai thoại. Một trong những ngụy biện phổ biến nhất và đơn giản nhất là dựa vào những câu chuyện có tính vụn vặt, hay giai thoại. Chẳng hạn như “Có hàng khối bằng chứng cho thấy thượng đế hiện hữu và vẫn ban phép mầu hàng ngày. Mới tuần rồi đây, tôi có đọc được một câu chuyện về một cô gái sắp chết vì ung thư, cả gia đình cô đi cầu nguyện trong nhà thờ, và chỉ vài ngày sau cô hết bệnh.” Dùng kinh nghiệm cá nhân để minh họa cho một luận điểm là một điều hoàn toàn hợp lí, nhưng dùng những giai thoại như thế sẽ chẳng chứng minh gì. Một anh bạn có thể cho rằng anh từng gặp Elvis ở một siêu thị nào đó, nhưng những người chưa gặp Elvis bao giờ thì cần nhiều bằng chứng xác thực hơn.

43. Lợi dụng cổ tích. Đây là một loại ngụy biện cho rằng những gì đúng hay tốt chỉ đơn giản vì chúng là cổ xưa, và những người theo cách ngụy biện này thường nói “hồi nào đến giờ ai cũng vậy.” Chẳng hạn như “Hàng trăm năm nay, Úc chịu dưới sự cai trị của Hoàng gia Anh, và là một nước thịnh vượng. Một thể chế tồn tại lâu dài như thế ắt phải là một thể chế ưu việt.”

44. Dựa vào cái mới (ad novitatem). Ngược lại với loại ngụy biện dựa vào cái cũ, ngụy biện dựa vào cái mới cho rằng một điều gì đó tốt hơn và đúng hơn đơn giản chỉ vì nó mới hơn cái khác. “Windows 2000 phải tốt hơn Windows 95, Windows 2000 mới được thiết kế lại năm ngoái.”

45. Lí lẽ của đồng tiền. Loại ngụy biện này thường dựa vào một niềm tin duy nhất rằng đồng tiền là một tiêu chuẩn của sự đúng đắn. Những người có nhiều tiến có khả năng đúng hơn những người ít tiền. Chẳng hạn như “Nhu liệu của hãng Microsoft đương nhiên là tốt hơn; nếu không thì làm sao Bill Gates có thể trở nên tỉ phú như thế”.

46. Dựa vào cái nghèo. Ngược lại với ngụy biện dựa vào sự giàu có, có một loại ngụy biện khác dựa vào sự nghèo khổ. Chẳng hạn như “Các vị sư có khả năng hiểu thấu được ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì họ từ bỏ mọi xa hoa của cuộc sống.”

47. Điệp khúc (ad nauseam). Loại ngụy biện này cho rằng một lí lẽ càng được lặp đi lặp lại nhiều chừng nào thì nó sẽ được người ta chấp nhận là đúng. Do đó, người ngụy biện thường chỉ lặp đi lặp lại những phát biểu, bất kể là quái dở thế nào, cho đến khi người đối thoại mệt mỏi không còn muốn nghe nữa.

48. Lạm dụng thiên nhiên. Đây là một ngụy biện rất thông thường trong giới chính trị gia, mà trong đó họ tìm cái tương đồng giữa một kết luận nào đó và một khía cạnh của thế giới tự nhiên, rồi từ đó phát biểu rằng kết luận đó là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như “Đặc điểm của thế giới tự nhiên là cạnh tranh; động vật đấu tranh chống nhau để làm chủ tài nguyên thiên nhiên. Chủ nghĩa tư bản, một hình thức cạnh tranh để làm chủ tư liệu, chỉ đơn giản là một phần của con người sống trong thế giới tự nhiên. Đó cũng là cách mà thế giới tự nhiên vận hành.”

Một hình thức khác của lạm dụng thiên nhiên là lí luận cho rằng bởi vì con người là sản phẩm của thế giới tự nhiên, chúng ta phải bặ bắt chước hành động theo những gì chúng ta thấy trong thế giới tự nhiên, và làm khác đi là “phi tự nhiên”. Ví dụ: “Đồng tính luyến ái dĩ nhiên là không tự nhiên. Có khi nào anh thấy hai thú vật cùng giới tính giao phối với nhau không?”

49. Ngụy biện “Tu quoque”. Đây là một trong những ngụy biện rất phổ biến. Nó dựa vào lí lẽ rằng một hành động có thể chấp nhận được bởi vì người đối nghịch đã làm. Chẳng hạn như “Anh là một người lừa dối.” “Rồi sao? Anh cũng là một tay lừa dối vậy.”

50. Lạm dụng thống kê. Thống kê thường được giới ngụy biện sử dụng tối đa, vì theo họ thống kê có thể dùng để “chứng minh” bất cứ điều gì. Người ta có thể vặn vẹo hai con số 1 và 3 điểm để sản xuất những phát biểu như “khác nhau 2 điểm”, “cao gấp 3 lần”, hay “tăng 200%”; người ta có thể dựa vào ý kiến đồng tình của 4 người trong 5 người để cho là “80% người được thăm dò”, hay thậm chí “đa số cộng đồng” đồng ý với một luận điểm nào đó. Tức là những khái quát hoá một cách vội vã, hay dựa vào một mẫu số cực kỳ thấp, thấp đến độ nó không có nghĩa lí gì. Thực ra, thống kê không chứng minh điều gì cả. Thống kê chỉ là một phương tiện hay thuật toán dùng để loại bỏ những trường hợp khả dĩ hay không khả dĩ. Vì có quá nhiều ngụy biện thống kê, nên vấn đề này sẽ được bàn tiếp trong một dịp khác. Tuy nhiên, những ai thích tìm hiểu vấn đề ngụy biện thống kê có thể tìm đọc cuốn sách rất nổi tiếng của Darrell Huff, có tựa đề là “How to lie with statistics” (tạm dịch: “Làm thế nào để lừa dối bằng thống kê”).( còn tiếp)

Bàn Tân Định

Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện(3)

Nhóm 4. Qui nạp sai

17. Khái quát hóa vội vã. Loại ngụy biện này cũng khá phổ biến. Nó dùng một ví dụ hay trường hợp nhỏ và từ đó khái quát hóa cho một cộng đồng. Chẳng hạn như “Jim Baker là một tay đạo đức giả. Do đó, các tín đồ Cơ đốc giáo là giả dối.”

18. Khái quát hóa không đúng chỗ. Đây là loại ngụy biện mà người sử dụng chúng thường áp dụng một qui luật chung cho một tình huống hay một cá nhân. Chẳng hạn như “Người Phật giáo là vô thần. Anh là phật tử, vậy anh chắc chắn là một người vô thần.”

19. Kéo dài tính tương đồng. Trong loại ngụy biện này, người dùng nó đề nghị một điều lệ chung chung, rồi ứng dụng nó cho mọi trường hợp và cá nhân. Ví dụ: “Tôi tin rằng chống luật pháp bằng cách phạm luật pháp là một điều sai trái”, hay “Nhưng quan điểm đó ghê tởm lắm, vì nó ám chỉ rằng anh sẽ không ủng hộ Martin Luther King,” hay “Anh muốn nói rằng luật về mật mã cũng có tầm quan trọng tương đương với phong trào giải phóng người da đen hay sao? Sao anh dám nói thế?”

20. Lí lẽ quanh co. Loại ngụy biện này thường lẩn quẩn trong vài giả định và kết luận. Chẳng hạn như “Những người đồng tính luyến ái nhất định không thể nắm chính quyền. Do đó, phải tống khứ những viên chức chính phủ đồng tính luyến ái. Vì thế, những người đồng tính luyến ái sẽ làm mọi cách để dấu diếm hành tung của họ, và họ có nguy cơ bị tống tiền. Do vậy, những người đồng tính luyến ái không được giữa chức vụ gì trong chính phủ.” Tức là trong một lí giải như thế, cả hai giả thuyết và kết luận đều giống nhau.

21. Đảo ngược điều kiện. Loại ngụy biện này thường được biểu hiện qua hình thức “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra, do đó, nếu B xảy ra thì A sẽ xảy ra.” Ví dụ: “Nếu tiêu chuẩn giáo dục bị hạ thấp, chất lượng tranh luận sẽ bị tồi đi. Do đó, nếu chúng ta thấy chất lượng tranh luận suy đồi trong những năm sắp đến, thì điều đó cho thấy tiêu chuẩn giáo dục của ta bị xuống cấp.”

22. Lợi dụng rủi ro. Ngụy biện này thường dùng một qui luật chung và áp dụng nó cho một trường hợp cá biệt. Ví dụ: “Luật giao thông không cho anh chạy quá 50 km/h. Cho dù cha anh sắp chết anh cũng không được chạy quá tốc độ đó.”

23. Lợi dụng trường hợp cá biệt. Ngụy biện này thường dùng một trường hợp cá biệt để đem ra ứng dụng cho một đám đông. Ví dụ: “Chúng ta cho phép bệnh nhân sắp chết dùng á phiện, chúng ta nên cho phép mọi người dùng á phiện.”

24. Kết luận lạc đề. Loại ngụy biện này thường xuất hiện khi một kết luận chẳng dính dáng gì đến lí lẽ mà người biện luận trình bày. Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp ngụy biện này là: “Độ nhiễm arsenic trong nước ở Việt Nam chưa cao và còn trong mức độ cho phép. Dữ kiện của Bangladesh cho thấy tình trạng nhiễm arsenic ở Việt Nam rất trầm trọng.”

25. Ngụy biện rơm. Loại ngụy biện này cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm hay phát biểu của người khác, để làm luận điểm tấn công. Đây là một ngụy biện, vì nó không đương đầu với cái lí lẽ đang bàn. Chẳng hạn như: “Chúng ta nên ủng hộ chế độ cưỡng bách quân dịch. Người ta không thích tòng quân vì họ không muốn cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng họ cần nhận thức rằng có nhiều điều quan trọng hơn tiện nghi trong cuộc sống.”

Nhóm 5. Nguyên nhân giả

26. “Post hoc”. Loại ngụy biện này phát biểu rằng hai sự kiện xảy ra, một trước và một sau, có quan hệ với nhau như nguyên nhân và hậu quả. Ví dụ: “Liên Xô sụp đổ sau khi nhà nước theo chủ nghĩa vô thần. Do đó, chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa vô thần để khỏi bị suy sụp.”

27. Ảnh hưởng liên đới. Một sự kiện được cho là có ảnh hưởng đến một sự kiện khác, nhưng thực chất thì cả hai sự kiện đều có cùng một nguyên nhân. Đây cũng chính là một trường hợp ngụy biện dưới dạng “post hoc”. Ví dụ: “Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng thất nghiệp rất cao, vì do thiếu nhu cầu của người tiêu thụ.” (Nhưng có thể cả hai sự kiện có nguyên nhân từ tiền lời quá cao.)

28. Ảnh hưởng không đáng kể. Đây là một loại ngụy biện mang tính phóng đại từ một ảnh hưởng rất nhỏ. Chẳng hạn như “Hút thuốc gây ra ô nhiễm môi trường ở Sydney” là một phát biểu đúng, nhưng ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường rất khiêm tốn khi so với ảnh hưởng của khói xe và các hãng xưởng.

29. Ảnh hưởng ngược chiều. Mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả bị đảo ngược chiều để tìm đến một kết luận mang tính ngụy biện. Ví dụ: “Ung thư gây ra thói quen hút thuốc lá”.

30. Nguyên nhân phức tạp. Một sự kiện xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng người ngụy biện có thể đơn giản hóa thành một liên hệ đơn giản. Chẳng hạn như “Tai nạn xe cộ là do đường xá xấu” có thể đúng, nhưng tai nạn cũng có thể do người lái xe ẩu trong một điều kiện xấu.

31. Nguyên nhân sai (Non causa pro causa). Loại ngụy biện này xảy ra khi một điều nào đó được cho là nguyên nhân của một sự kiện, nhưng nó chưa thực sự được chứng minh là nguyên nhân. Ví dụ: “Tôi uống một viên aspirin và cầu nguyện thượng đế, và tôi không còn bị nhức đầu. Như vậy thượng đế đã chữa trị tôi khỏi nhức đầu.”

Nhóm 6. Nhập nhằng

32. Lí lẽ mơ hồ. Dùng những chữ và lí lẽ mơ hồ, tối nghĩa là một hình thức ngụy biện, nhất là khi một chữ hay câu phát biểu được dùng với hai (hay nhiều hơn hai) ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, chữ “miễn phí” trong câu sau đây có thể có nhiều nghĩa khác nhau: “Có loại nhu liệu nào rẻ hơn nhu liệu miễn phí? Nhưng để duy trì tình trạng miễn phí, chúng ta cần phải có một hệ thống đăng kí và cung cấp giấy phép cho người dùng.” Một ví dụ khác về cách nói lập lờ là “Các hành động hình sự là bất hợp pháp, và tất cả các phiên tòa xử tội giết người là hành động hình sự, vì thế tất cả các phiên tòa này bất hợp pháp”.

33. Chơi chữ (Amphiboly). Ngụy biện bằng chơi chữ dựa vào những giả thuyết mơ hồ, nhập nhằng, do bất cẩn thận hay cách phát biểu sai văn phạm. Chẳng hạn như một phát biểu kiểu như “Giả thuyết: tin vào Thượng đế sẽ lấp đi khoảng trống tinh thần” là ngụy biện, vì người “lấp đi khoảng trống tinh thần” là một điều trừu tượng, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

34. Trọng âm (accent). Đây là một hình thức ngụy biện bằng cách dùng thay đổi ý nghĩa của một câu văn qua nhấn mạnh. Ví dụ như câu phát biểu “Chúng ta không nên nói xấu về bạn bè” khác với “Chúng ta không nên nói xấu về bạn bè” chỉ ở chỗ nhấn mạnh (gạch dưới). Người thờ ơ có thể hiểu sai điểm nhấn mạnh của câu phát biểu.( còn tiếp)


Bàn Tân Định

VĂN HOÁ TRANH LUẬN VÀ VẤN ĐỀ NGUỴ BIỆN(2)

Nhóm 2. Lợi dụng cảm tính và đám đông

7. Dựa vào bạo lực (ad baculum). Ngụy biện dựa vào bạo lực thực chất là một sự đe dọa, nhằm mục đích gây áp lực cho người đối thoại phải chấp nhận một kết luận nào đó. Loại ngụy biện này thưởng được giới chính khách dùng, và có thể tóm gọn bằng một câu “chân lí thuộc về kẻ mạnh”. Sự đe dọa không hẳn chỉ xuất phát từ người phát biểu, mà có thể từ một người khác. Ví dụ như “Những ai không tin vào Kinh thánh sẽ bị thiêu cháy dưới đáy địa ngục”, hay “Thôi được rồi, tôi đã biết số điện thoại của anh và biết anh đang ở đâu. À, tôi có nói cho anh biết là tôi có giấy phép mang súng chưa nhỉ?”

8. Lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam). Đây là một loại ngụy biện dựa vào lòng trắc ẩn của người đối thoại để người đối thoại chấp nhận lí lẽ của mình. Ví dụ như “Anh ấy không có giết người bằng búa. Làm ơn đừng tuyên án anh ấy có tội, anh ấy đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng tinh thần,” hay “Tôi hi vọng anh sẽ chấp nhận đề nghị này, chúng ta đã tiêu ra ba tháng nay rồi đấy.”

9. Lợi dụng hậu quả (ad consequentiam). Ngụy biện loại này thường được biểu hiện qua cách phát biểu “A hàm ý B, B là sự thật, do đó A là sự thật”. Ví dụ: “Nếu vũ trụ được một đấng chí tôn thượng đế tạo nên, chúng ta có thể thấy những hiện tượng được tổ chức một cách thứ tự. Và hiện tượng chung quanh chúng ta quả rất thứ tự, vậy đấng chí tôn thượng đế chính là người tạo nên vũ trụ,” hay “Anh phải tin vào Thượng đế, chứ nếu không cuộc đời này sẽ chẳng có ý nghĩa” (hay là nói một cách ngược lại: cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì nếu Thượng đế hiện hữu!)

10. Lạm dụng chữ nghĩa. Đây là một loại ngụy biện dựa vào dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu. Chẳng hạn như trong câu “Bất cứ một người có lương tri nào cũng phải đồng ý rằng về Việt Nam ăn Tết là làm lợi cho cộng sản,” chữ “lương tri” được cài vào nhằm cho người đối thoại phải nghiêng theo những người có lương tri.

11. Dựa vào quần chúng (ad numerum). Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một đề nghị nào đó, thì đề nghị đó phải đúng. Ví dụ như “Đại đa số người dân trong cộng đồng ủng hộ ông Minh, vậy phát biểu của ông Minh ắt phải đúng.” Liên hệ với loại ngụy biện này là hình thức tranh thủ sự ủng hộ của đám đông để cố gắng cho thấy luận điểm của mình là đúng. Ví dụ: “Ai cũng biết Bộ Y tế làm là đúng, sao anh dám nói là sai? Hay là anh muốn nói chúng tôi là những kẻ ngu xuẩn?”

Nhóm 3. Làm lạc hướng vấn đề

12. Lí lẽ chẻ đôi. Loại ngụy biện này thường phân định một vấn đề thành hai giá trị: trắng và đen, bạn và thù, có và không, v.v.. dù trong thực tế, có hơn hai lựa chọn. Chẳng hạn như “Hoặc là anh hợp tác với tôi hay là anh chống tôi, anh chọn hướng nào, yes hay là no?”, hay “Đối với Mỹ, anh chỉ có hai lựa chọn: thương hay ghét, trả lời đi!”

13. Lí lẽ ngờ nghệch (ad ignorantiam). Loại ngụy biện này, như tên gọi ám chỉ, xuất phát từ sự ngờ nghệch. Một trong những cách nói thông thường nhất trong loại ngụy biện này mà giới ngụy biện dùng là nếu một điều gì đó chưa được chứng minh là sai (hay giả) thì điều đó là đúng (hay thật). Ví dụ: “Bởi vì các nhà khoa học chưa chứng minh dioxin có thể gây ra dị thai, do đó dioxin không thể gây ra dị thai,” hay kiểu lí luận của John Howard “Hiến pháp Úc đã tồn tại cả trăm năm nay, và xã hội ổn định, không có lí do gì phải thay đổi hiến pháp”.

14. Lí luận lươn trạch. Loại ngụy biện này cho rằng nếu một sự kiện xảy ra, các sự kiện có hại khác sẽ xảy ra. Chẳng hạn như “Nếu chúng ta hợp pháp hóa marijuana, công chúng sẽ bắt đầu hút á phiện, và chúng ta cũng sẽ phải hợp pháp hóa á phiện. Rồi chúng ta sẽ là một quốc gia với những người ăn bám vào xã hội. Do đó, chúng ta không thể hợp pháp hóa á marijuana”. Hay một đoạn ví dụ khác:” Tiếc thay một cuộc cải cách về kinh tế, bình bị, tài chánh, xã hội, nông nghiệp như vậy, đang trên đường thành công rực rỡ: bị tan vỡ, bị huỷ bỏ chỉ vì tham vọng đánh Đại việt của Vương An Thạch. Mà đau đớn biết bao, khi người phá vỡ chỉ là một thiếu phụ Việt ở tuổi ba mươi. Giá như Thạch không chủ trương Nam xâm, chỉ cần mười năm nữa, toàn bộ xã hội Trung quốc thay đổi; rồi với cái đà đó, thì Trung quốc sẽ là nước hùng mạnh vô song, e rằng cứ muôn đời mặt trời vẫn nở phương Đông chứ không ngả về Tây như hồi thế kỷ 18 cho đến nay bao giờ.”

15. Mệnh đề rời rạc. Đây là loại ngụy biện dùng hai (hay nhiều hơn hai) mệnh đề chẳng dính dáng gì với nhau để làm thành một phát biểu hay kết luận. Ví dụ: “Anh ủng hộ tự do dân chủ và quyền mang vũ khí hay không?” hay “Anh đã ngưng làm ăn trái phép chưa?” Câu hỏi sau thực ra hỏi hai vấn đề “Anh từng làm ăn trái phép?” và “Anh đã ngừng hoạt động hay chưa?”

16. Đơn giản hóa vấn đề. Đây là một loại ngụy biện mà người phát biểu cố tình biến một quan niệm trừu tượng thành một điều cụ thể để bắt lấy thế thượng phong trong đối thoại (nhưng là ngụy biện). Ví dụ: “Tôi để ý thấy anh mô tả ông ta là một người quỉ quyệt. Vậy tôi hỏi anh cái “quỉ quyệt” đó nó nằm ở đâu trong bộ não? Anh không chỉ ra được cho tôi; do đó, tôi có thể nói cái quỉ quyệt không có thực.”( còn tiếp)


Bàn Tân Định

VĂN HOÁ TRANH LUẬN VÀ VẤN ĐỀ NGUỴ BIỆN(1)





Tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu được trong các thể chế dân chủ và văn minh. Ở nhiều nước Tây phương, lưu lượng của những tranh luận cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc? Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc hẳn hoi, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi. Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ, phải cân nhắc những quan điểm và những cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính, phải chú tâm vào việc tìm sự thật hơn là muốn mình đúng, sẵn sàng chấp nhận những quan điểm không được nhiều người ưa chuộng, và phải ý thức được định kiến và chủ quan của chính mình. Khi tranh luận phải nhất quán là chỉ xoay quanh chủ đề bàn luận, luận điểm bàn luận chứ không đi lạc đề. Không nhằm vào cá nhân và bản thân của người tham gia tranh luận.

Đó là những đòi hỏi khó khăn cho một cuộc tranh luận nghiêm túc có ý nghĩa, và không phải ai cũng có khả năng đạt được những yêu cầu này. Thành ra, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều trường hợp chất lượng của cuộc tranh luận rất thấp. Chỉ cần xem qua những lần tranh luận trên các đài truyền hình (ở Úc chẳng hạn), người ta có thể thấy đó không phải là tranh luận, mà là những cuộc đụng độ giũa các cá nhân tham gia tranh luận (nhất là các quan chức) thay vì đương đầu với lí luận của người tranh luận. Ngoài ra, đối với một số lớn chính trị gia, nghệ sĩ, và khoa học gia, được xuất hiện trên ti-vi để bình luận về một câu chuyện nào đó là một cuộc dàn xếp, một lần đóng kịch không hơn không kém. Nó là một kịch bản ngớ ngẩn đã được dàn xếp sẵn. Ngớ ngẩn là vì người xuất hiện chẳng nói được gì cho đầy đủ, mà cũng chẳng phân tích một vấn đề gì cho đến nơi đến chốn. Thực ra, họ xuất hiện để được ghi nhận, để được [nói theo tiếng Anh] là “to be seen”. Đối với các chính trị gia, nghệ sĩ, và khoa học gia loại này, “to be seen” là một phương tiện sống còn của họ trong xã hội, là một cách nói “Tôi vẫn còn đây”. Điều này có nghĩa là càng xuất hiện nhiều trên ti-vi nhiều chừng nào càng đem lại lợi ích cá nhân cho họ. Thành ra, ti-vi ngày nay đã trở thành một tấm gương cho những anh chàng bảnh trai Narcissus hiện đại phô bày bộ mặt của họ, chứ không cống hiến gì nhiều cho một xã hội dân chủ.

Mà cũng chẳng riêng gì ở Úc, tình trạng nghèo nàn về tranh luận này đã và đang xảy ra ở Âu châu. Trong mấy tháng gần đây, giới khoa học Âu châu đang lên cơn sốt “Holocaust” (cuộc tàn sát người Do thái, trước và trong thế chiến thứ II). Bất cứ một nhà khoa học nào, nghệ sĩ nào dám chất vấn những quan điểm “chính thống” về thực phẩm, về bệnh AIDS, về cuộc xung đột ở Kosovo, về sự kiện hôm 11/9 ở Mĩ, hay về môi trường đều bị dán cho một nhãn hiệu là bạn của Nazi. Giáo sư Bjorn Lomborg mới lên tiếng chất vấn những con số thống kê về môi trường liền bị gắn cho nhãn hiệu “giống như Nazi”. Những ai dám chất vấn mối liên hệ giữa vi khuẩn HIV và bệnh AIDS liền bị tố cáo là “muốn cho thế giới này có một Holocaust thứ hai”. Thật vậy, ở Âu châu ngày nay xuất hiện một xu hướng mà những quan điểm đã được xem là “chính thống” thì không ai được chất vấn. Cái xu hướng này nó đang ăn sâu vào xã hội và giới truyền thông đến nổi một nhà trí thức Anh phải than phiền là nếu không ngăn chận, nó có cơ đem xã hội Âu châu quay trở lại thời Trung cổ, thời mà không ai dám chất vấn những gì Vatican phán.

Trong cộng đồng người Việt, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn. Rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận trong cộng đồng đã trở thành những cuộc chửi lộn, mà trong đó người tham gia tha hồ vung vít, ném liệng vốn liếng chữ nghĩa qua lại một cách hỗn độn, mà chẳng cần để ý đến logic hay các nguyên tắc của tranh luận là gì. Hơn nữa, rất dễ dàng nhận thấy rằng trong các cuộc tranh luận đó người ta nhắm vào mục tiêu là bản thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lí lẽ của người đó. Một đơn cử, mới đây, những bài viết liên quan đến biên giới, thay vì bàn luận thẳng vào vấn đề, người ta có khuynh hướng công kích vào cá nhân người viết. Những danh từ, tính từ hết sức vô văn hóa được mang ra dùng cho tác giả. Thay vì dùng những chữ như Holocaust, Nazi, người Việt có những cụm từ đánh vào chỗ nhạy cảm của quần chúng. Trong hầu như những tranh luận liên quan đến Việt Nam, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí đạo đức cao cả bằng cách gắn cho đối phương một trong hai cụm từ trên, một thủ đoạn có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đã ngôn từ đinh tai nhức óc. Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc. Tức là, thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu, và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ.

Thực ra, đó là một hình thức ngụy biện, một lỗi lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng trong tranh luận. Nói một cách đơn giản, ngụy biện là những nhầm lẫn trong lí luận và suy luận. Ngụy biện khác với logic. Logic, nói một cách ngắn gọn trong trường hợp này, là những luật lệ hay qui tắc quản lí tính nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ. Từ nhiều thế kỉ qua, giới triết học Tây phương đã bỏ khá nhiều công sức để phân biệt thế nào là logic và thế nào là ngụy biện. Aristotle là một nhà logic học đầu tiên có công phát triển các qui tắc và hệ thống suy luận. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra nhiều lỗi lầm mà sau này người ta quen gọi là những “ngụy biện.” Mặc dù Aristotle là một nhà nhà logic học đầu tiên có công liệt kê và phân loại những loại ngụy biện, thầy của ông (Plato) mới xứng đáng được vinh danh như là một nhà triết học đầu tiên đã có công sưu tầm những ví dụ về ngụy biện. Kể từ khi Plato và Aristotle, đã có khá nhiều nhà triết học và logic học như John Locke, John Stuart Mill, Jeremy Bentham, và Arthur Schopenhauer cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong việc nghiên cứu về ngụy biện.

Thực ra, nhận dạng ngụy biện không phải là một việc làm khó khăn. Nói chung chỉ với một lương năng bình dân, người ta có thể phân biệt một phát biểu mang tính ngụy biện với một phát biểu logic. Tuy nhiên, cũng có nhiều dạng thức ngụy biện mà vẻ bề ngoài hay mới nghe qua thì rất logic, nhưng thực chất là phi logic. Những loại ngụy biện núp dưới hình thức “khoa học” này không dễ nhận dạng nếu người đối thoại thiếu kiến thức về logic học hay thờ ơ với lí lẽ. Do đó, một điều quan trọng trong tranh luận là cần phải phát hiện và nhận dạng những hình thức ngụy biện, và quan trọng hơn, cần phải hiểu tại sao chúng sai. Có thể phân loại ngụy biện thành nhiều nhóm khác nhau liên quan đến việc đánh lạc vấn đề, lợi dụng cảm tính, thay đổi chủ đề, nhầm lẫn trong thuật qui nạp, lí luận nhập nhằng, phi logic, và sai phạm trù. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, người viết bài này không có tham vọng trình bày tất cả những loại ngụy biện một cách chi tiết (vì việc này đã được hệ thống hóa trong nhiều sách về logic học), mà chỉ muốn liệt kê ra những loại ngụy biện thường hay gặp trong báo chí và truyền thông, hầu giúp bạn đọc có thể nhận dạng ra chân-giả.

Nhóm 1. Thay đổi chủ đề

1. Công kích cá nhân (ad hominem). Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, nguy hiểm nhất, và có “công hiệu” nhất, vì nó tấn công vào cá nhân của người tranh luận, và tìm cách trốn tránh luận điểm của cá nhân đó. Hình thức ngụy biện này thường xuất hiện dưới dạng: Ông A phát biểu về một vấn đề; ông B tấn công vào cá nhân ông A, và làm cho người ta nghi ngờ luận điểm của ông A. Tuy nhiên, có thể không có mối liên hệ nào giữa cá nhân và luận điểm của ông A.

Có hai hình thức thuộc loại ngụy biện này. Thứ nhất là dưới hình thức sỉ nhục, hay chửi rủa. Khi bất đồng ý kiến, người ngụy biện chỉ việc công kích vào cá nhân của người phát biểu. Chẳng hạn như “Ông nói là những người vô thần có đạo đức, vậy mà chính ông là người từng li dị với vợ con,” hay “Ông ta đang làm ăn với phía Việt Nam, tất nhiên ông ta phải nói tốt về Việt Nam”. Đây là một ngụy biện, bởi vì sự thật của phát biểu không tùy thuộc vào cá nhân của người phát biểu mà là logic của lời phát biểu. Một cách ngụy biện khác cũng dựa vào cách nói này là dùng một nhân vật khác, chẳng hạn như “Vậy thì chúng ta hãy đóng cửa nhà thờ cả đi. Hitler đã chắc hẳn sẽ đồng ý với anh.”
Hình thức ngụy biện thứ hai trong loại này là người ngụy biện cố gắng thuyết phục người đối thoại chấp nhận luận điểm của họ bằng cách đề cập đến hoàn cảnh của cá nhân đó. Ví dụ: “Anh nói là không nên uống rượu, vậy mà anh đã từng ngất ngưởng cả năm qua.”

Cũng nằm trong loại ngụy biện này là thói dùng một đặc điểm của một vật thể nào đó để ứng dụng cho một cá nhân hay một vật thể khác. Ví dụ: “Anh theo học trong một trường dành cho con nhà giàu. Do đó, anh là một người giàu có, anh không hiểu gì về sự nghèo khổ.”

2. Lợi dụng quyền lực (ad verecundiam). Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Chẳng hạn như “Isaac Newton là một thiên tài, và ông tin vào Thượng đế.” Đây không hẳn là một lí lẽ hư, nó có thể có liên hệ đến một nhân vật có uy tín trong một lĩnh vực nào đó, nếu người ta thảo luận về lĩnh vực đó. Chẳng hạn như phải phân biệt giữa hai phát biểu “Ông Hawking (Stephen Hawking, nhà Vật lí Lí thuyết đương đại nổi tiếng người Anh) kết luận rằng những lỗ đen (black holes) có thể phát ra phóng xạ”, và “Ông Penrose cho rằng xây dựng một cái máy điện toán thông minh là một điều có thể làm được.” Nếu ông Hawking là một nhà vật lí thì chúng ta có thể tin vào ý kiến của ông về những lỗ đen. Nhưng nếu ông Penrose là một nhà toán học, thì chúng ta có quyền chất vấn ông ta có đủ thẩm quyền để bàn về đề tài thông minh nhân tạo hay không?

3. Lợi dụng quyền lực nặc danh. Trong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Một loại ngụy biện khác có quan hệ với loại này là dùng lời đồn đại để làm cơ sở lập luận. Ví dụ như “Một viên chức tình báo trong chính phủ Úc cho rằng chính anh từng hoạt động cho địch.”

4. Lợi dụng tác phong. Loại ngụy biện này dùng tác phong hay cách làm việc hay một đặc tính nào đó của đối tượng để cố thuyết phục về sự hợp lí của phát biểu. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là những phát biểu như “Nixon thất cử vì ông ta thường hay ra mồ hôi trên trán,” hay “Tại sao anh không nghe theo lời khuyên của anh chàng ăn mặc bảnh bao đó?” Thực ra, “bảnh bao” và “mồ hôi trên trán” chẳng có dính dáng gì đến vấn đề đang bàn thảo.

5. Luận điệu cá trích. Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. Ví dụ: “Anh có thể nói rằng tử hình là một hình thức không có hiệu quả trong việc chống lại tội phạm, nhưng còn nạn nhân của tội phạm thì sao? Gia đình của nạn nhân sẽ nghĩ gì khi họ thấy tên sát nhân người thân của họ bị giam giữ trong nhà tù bằng đồng tiền của chính họ. Họ có nên nuôi dưỡng những tên sát nhân như thế không?”

6. Luận điệu ngược ngạo. Bằng chứng luôn luôn là gánh nặng của người phát biểu. Do đó, tìm cách di chuyển gánh nặng đó cho một người khác là một thủ thuật giới ngụy biện hay dùng. Chẳng hạn như trong câu này “Được rồi, vậy anh không tin là có người ngoài hành tinh đã từng chi phối đến chính phủ Mỹ, nhưng anh có thể chứng minh điều đó không,” đáng lẽ người phát biểu phải chứng minh, nhưng công việc đó lại được chuyển cho người đối thoại!( còn tiếp)

Bàn Tân Định
 

Đặc khu ân ái

"Đặc khu ân ái" chính là những phòng được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ "chuyện yêu", giúp các cặp vợ chồng nhanh chóng thụ thai được dành riêng cho các bệnh nhân VIP mắc chứng hiếm muộn tại Trung Quốc.




Bên trong một "phòng tân hôn thứ 2" thuộc "đặc khu ân ái" hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn quan hệ tình dục đúng cách để có khả năng thụ thai, sinh con của bệnh viện Trung Quốc.
Một bệnh viện tên là Songziniao ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung,Trung Quốc gây sốc cho dư luận khi gần đây mở cửa một đặc khu dành riêng cho bệnh nhân VIP bao gồm các cặp vô sinh hoặc gặp khó khăn trong việc thu thai. Đặc khu này gồm nhiều phòng được trang bị rất nhiều công cụ cần thiết để hỗ trợ “chuyện yêu” của các cặp đôi.
Những căn phòng như vậy được ví von là “phòng tân hôn thứ 2” với cách bài trí sang trọng và tất cả các đồ đạc trong phòng đều rất “gợi dục” nhằm kích thích và tăng “cảm hứng làm chuyện ấy” cho các cặp vợ chồng. Tất cả những nỗ lực này nhằm gia tăng khả năng thụ thai cho bệnh nhân.
Truyền thông Trung Quốc mô tả, đặc khu sang trọng, xa xỉ và có một không hai này là “đặc khu ân ái” bao gồm các phòng có diện tích khoảng 50 m2. Nội thất bên trong bao gồm đồ chơi tình dục, giường đôi và ghế băng có khả năng điều chỉnh giúp “chuyện yêu” của các cặp vợ chồng được trọn vẹn nhất. Ngoài ra, trong phòng còn treo nhiều tranh ảnh minh họa cấu trúc của bộ phận sinh dục của con người. Chưa hết, trong phòng cũng không thiếu các video dạy kỹ năng “yêu” – cung cấp các “bí kíp” giúp cải thiện đời sống tình dục các cặp vợ chồng hiếm muộn.
“Mục đích thành lập các phòng tân hôn thứ 2 là để tạo ra một môi trường thoải mái và tăng cảm hứng “yêu đương” cho các cặp vợ chồng mắc chứng vô sinh. Ngày nay do sự suy thoái của môi trường sinh thái ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều người mắc chứng vô sinh, hiếm muộn hoặc khó thụ tinh. Nói cách khác, việc thụ tinh, mang thai thực tế không còn là một chuyện dễ dàng đối với nhiều cặp vợ chồng. Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc không biết rằng, việc mang thai cũng là công việc mang tính kỹ thuật. Tinh trùng chỉ có vòng đời từ 3 đến 5 ngày trong cơ quan sinh dục của người phụ nữ, trong khi đó, thời gian trứng chín chỉ diễn ra trong một ngày. Việc thụ tinh thành công để tạo ra một sinh linh mới khỏe mạnh phụ thuộc vào thời giạn, địa điểm và môi trường tinh trùng gặp trứng”, ông Wang Shengdong, Giám đốc bệnh viện Songziniao giải thích lý do và mục đích việc thành lập “đặc khu ân ái”.
Tuy nhiên, chi tiết gây sốc nhất phải kể đến là việc các chuyên gia trong quan hệ tình dục sẽ đến tận giường của các cặp vợ chồng hiếm muộn và đưa ra những lời khuyên cho họ về “các kỹ năng yêu” hiệu quả nhất để tăng xác suất mang thai. Theo các chuyên gia, một cuộc yêu thành công mỹ mãn sẽ giúp các cặp đôi dễ dàng thụ thai hơn. Cha đẻ của sáng kiến “phòng tân hôn thứ 2” cho các cặp hiếm muộn ở Trung Quốc cho biết, chi phí để trang trí và mua sắm đồ nội thất đặc biệt cho mỗi phòng lên tới 200.000 nhân dân tệ.
Do đó, khoản phí mà các cặp vợ chồng phải trả để được “qua đêm” tại đây cũng không hề rẻ. Theo đó, mỗi cặp sẽ phải trả ít nhất 880 nhân dân tệ cho một đêm “yêu đương” trong căn phòng đặc biệt thuộc “đặc khu ân ái”.
Một vị giáo sư về quan hệ tình dục tên là Peng Xiaohui của Đại học Huazhong Normal, người góp mặt trong chương trình “đặc khu ân ái” cho biết, họ từng nhận chữa trị cho một trường hợp hiếm muộn đặc biệt và đáng nhớ. Đó là một cặp vợ chồng có trình độ tiến sĩ sau 3 năm kết hôn mà vẫn chưa một lần thụ thai để có khả năng em bé. Nguyên nhân dẫn đến chuyện hiếm muộn của cặp đôi này thực sự khó tin và gây sốc với nhiều người.
Theo tiết lộ của Giáo sư họ Peng, sự thật oái ăm đó chính là, người chồng đã nhầm rốn của vợ mình là âm đạo. Trong một trường hợp khác, Giáo sư Peng cho biết, họ từng gặp một cặp vợ chồng công chức nhà nước hiếm muộn “hùng hục” quan hệ tới 7 đến 8 lần một đêm, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và đau đớn, chỉ vì cho rằng, càng quan hệ nhiều lần thì khả năng thụ tinh và mang thai càng tăng cao hơn.
Tuy nhiên, vị giáo sư này từ chối xác nhận chuyện, các chuyên gia về tình dục sẽ đến tận giường của các cặp vợ chồng trong khi họ đang “ái ân” để đưa ra các lời khuyên thích hợp và bổ ích cho quá trình thụ thai của họ.
“Sinh một em bé khỏe mạnh chẳng khác nào một trận chiến và chúng ta không thể dấu giếm, ngại ngùng cũng như tránh xa chủ đề này như trước. Tuy nhiên, việc nói rằng, các chuyên gia tình dục tới tận giường trong khi các cặp vợ chồng “ân ái” để đưa ra lời khuyên rõ ràng đã được phóng đại lên. Hành vi này không phù hợp với đạo đức và văn hóa của người Trung Quốc. Chương trình của chúng tôi chỉ nhằm đưa ra các lời khuyên liên quan đến các kỹ năng yêu cũng như cung cấp các hình ảnh và video hỗ trợ các cặp vợ chồng quan hệ tình dục, chuẩn bị cho việc thu thai”, ông Peng khẳng định.
Ngoài ra, bệnh viện Songziniao cũng tự hào rằng, họ đã thành công trong việc giúp cặp vợ chồng một nhà văn có tên là Zhang Yiyi thụ tinh thành công. Theo đó, với chỉ một đêm “ân ái” trong “phòng tân hôn thứ 2” của bệnh viện, nhà văn Zhang đã làm vợ mang thai sau nhiều năm kết hôn và vận đủ cách mà vẫn chưa có tin vui.
Ngày nay, trong bối cảnh ngày càng nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc mắc chứng vô sinh hoặc hiếm muộn do ô nhiễm môi trường, áp lực công việc bận rộn cũng như do lối sống không lành mạnh trước khi kết hôn, các trung tâm điều trị chứng bệnh này đã mọc lên "như nấm sau mưa" ở khắp đất nước.
Dù chưa có bất cứ cuộc điều tra chính thức trên phạm vi toàn quốc nào được tiến hành nhưng theo các báo cáo của các chuyên gia, trong khi tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng thường xuyên quan hệ tình dục trong vòng một năm ở Trung Quốc rơi vào khoảng 3% vào đầu những năm 1980 thì nay đã tăng lên tới 14%. Người ta ước tính, ngày nay cả Trung Quốc có khoảng 10 triệu cặp vợ chồng cần các hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật để tăng khả năng thụ tinh, mang thai.

PHƯƠNG ĐĂNG Theo Infone

Bình an

      

Tâm an hay cảnh an?

Khi ý thức được giá trị hạnh phúc chỉ luôn có mặt trong thực tại, ta mới chấp nhận dừng lại cuộc dông ruỗi đi tìm kiếm và nắm bắt những gì thuộc về tương lai. Như ăn cơm mà cảm thấy ngon, ngắm bình hoa mà cảm thấy đẹp, ngồi bên người thương mà cảm thấy ấm áp là chứng tỏ tâm của ta đang an ổn, đang giữ được mức quân bình, đang ý thức rõ ràng những giá trị hạnh phúc mà mình đã từng nâng niu và gìn giữ. Mặc dù cuộc sống là luôn đi tới, ta cũng không ngừng vận động và sáng tạo, nhưng đó cũng vì nhu cầu thiết yếu để tồn tại, hoặc có thêm chút hương vị mới cho vui, hay để góp thêm bàn tay xây dựng cuộc đời, chứ những điều kiện của hạnh phúc thì ta đã có trong hiện tại rồi.

Vấn đề là ta có nhìn ra chúng là điều kiện của hạnh phúc hay không? Tại vì cũng có những lúc ta ăn cơm không cảm thấy ngon, ngắm bình hoa không cảm thấy đẹp, ngồi bên người thương không cảm thấy ấm áp, và ta hay có khuynh hướng đổ thừa tại thức ăn, bình hoa hay người ấy, chứ ít khi nào ta chịu nhìn lại mình để thấy tâm của mình đang có khó khăn, có thể nó đang rơi xuống một vị trí rất thấp nên không còn khả năng quan sát hay nhận xét giá trị thực tại một cách nhạy bén và đúng đắn nữa. Đó là tình trạng tâm bất an, đang bị vướng kẹt hoặc bế tắc ở vùng nào đó trong tâm chứ không phải tại hoàn cảnh.

Thông thường tâm ta gắn kết chặt chẽ với hoàn cảnh, dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, khi hoàn cảnh có xảy ra vấn đề gì thì tâm ta đều bị lãnh đủ. Tại vì ta đặt quá nhiều niềm tin vào hoàn cảnh, ta cho rằng ta chỉ thật sự hạnh phúc khi nắm bắt được cái này cái kia từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài. Giờ phút nào ta chưa toại nguyện, hoàn cảnh xảy ra hoàn toàn trái ngược với những mong cầu thì tâm ta không thể nào an được. Cho nên ta thường mơ hồ về bản chất của hạnh phúc, không biết nó có thật hay chỉ là một thứ ảo ảnh, vì nó cứ chợt gần chợt xa, chợt hiện chợt ẩn, chợt có chợt không. Hạnh phúc mà còn bị điều kiện hóa, còn lệ thuộc vào sự may rủi của hoàn cảnh, còn nằm trong sự ảnh hưởng quá lớn của đối tượng khác thì hạnh phúc đó không thật sự là của ta, ta không thể kiểm soát hay giữ nó mãi được.Tuy hạnh phúc ấy có thật nhưng bản chất của nó là tạm bợ.

Mà làm sao ta có thể kiểm soát được mọi hoàn cảnh, làm sao ta có thể bắt mọi thứ phải theo ý của mình thì mình mới toại nguyện? Đó là một ý niệm rất ngây thơ, vì bất kỳ một sự vật hay sự việc nào trong trời đất này đều xảy ra theo nguyên tắc của duyên sinh và nhân quả, nghĩa là nó luôn nương tựa vào vô số điều kiện bên ngoài và theo tiến trình có gây nhân thì phải nhận quả, mà tâm thức chưa vượt tầm của con người sẽ không thể nào tiên đoán chính xác được. Người xưa hay nói muốn thành tựu việc gì cũng phải dựa vào ba điều kiện lớn: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là năng lượng của vũ trụ có sẵn sàng hiến tặng cho ta để cùng ta làm nên việc ấy hay không? Địa lợi là tình trạng xã hội như kinh tế, văn hóa, an ninh chính trị… có thích hợp để ta thực hiện kế hoạch to tát ấy không? Nhân hòa là mọi người có chấp nhận và ủng hộ ta không, hay là chống đối?

Thiếu một trong ba điều kiện đó thì ta không thể thành công được. Có khi những điều kiện trong ta đã sẵn sàng rồi, tài năng và bản lĩnh có thừa, nhưng điều kiện bên ngoài không thuận lợi thì ta cũng đành chịu. Và cũng có khi điều kiện bên ngoài đã đầy đủ cho ta rồi nhưng chính trong ta lại thiếu thốn, thiếu đức thiếu tài, thì cũng không thể làm nên sự việc, hoặc thành tựu rồi thì lại sớm vỡ tan. Vậy mỗi khi ta đặt ra mong muốn gì thì cũng phải biết nhìn trong nhìn ngoài cho cẩn thận. Cái mà ta có thể kiểm soát được chỉ là chính ta thôi, còn hoàn cảnh thì ta phải dùng tới hai chữ “hên xui”.

Nhiều khi trong cái xui nó lại chứa cái hên, và nhiều khi trong cái hên nó lại mang theo cái xui. Điều này có liên quan đến cách ta sử dụng những điều kiện hên xui ấy như thế nào, nghĩa là chính năng lượng tốt hay xấu trong ta sẽ thích ứng và gắn kết với điều kiện tốt hay xấu của hoàn cảnh hay của đất trời. Cho nên khi sự việc bất thành thì ta đừng có lo lắng hay khổ tâm, đừng gắng gượng chạy tìm mọi phương cách để thay đổi nó, vì ta sẽ không bao giờ làm được hoặc nếu làm được thì cũng rất mong manh. Thái độ khôn ngoan nhất là hãy trở về kiểm tra lại năng lượng của mình, mà năng lượng tốt hay xấu của ta do chính tâm ta sản xuất ra, vậy thì, nuôi dưỡng và giữ gìn những phẩm chất trong tâm quan trọng hơn là nắm bắt hoàn cảnh. Khi tâm an thì cảnh sẽ an.

Như vậy trước nay những khi ta có được trạng thái tâm an chính là do hoàn cảnh rất thuận lợi hay những người chung quanh rất dễ thương với ta. Nói cách khác là ta được toại nguyện nên tâm không còn khắc khoải mong cầu hay ray rức kháng cự điều gì nữa. Ta hoàn toàn chấp nhận những gì mình đang có trong hiện tại. Nhưng một khi điều kiện may mắn ấy không còn nữa, nó suy giảm hay thay đổi đột ngột, nên ta dễ dàng hụt hẫng và trở thành nạn nhân của khổ đau. Vậy nên ta hãy thường xuyên kiểm tra lại thực chất tâm an mà mình đang có, coi chừng nó đang bị điều kiện hóa, nó không phải là của ta. Cũng như ta hãy nhìn lại tâm bất an của mình, có phải nó đang bị hoàn cảnh tấn công hay không làm cho ta thỏa mãn? Hãy tìm cách buông bỏ thái độ bám víu ấy đi. Nên nhớ cái gì mà do hoàn cảnh đem tới là có thể thay đổi được, nó chỉ có giá trị nhất thời mà thôi.

Tâm an cảnh sẽ an

Khi tâm bình an thì những hạt giống tốt lành trong ta mới có cơ hội phát triển. Tại vì thường ngày ta hay sống bằng cảm xúc, bằng những phản ứng bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình, nên nó che khuất những hiểu biết sâu sắc mà ta vốn có. Khi mặt hồ tâm phẳng lặng và trong suốt thì ta mới thấy hết những gì đang ẩn tàng trong chiều sâu tâm thức, lúc ấy ta mới biết mình nên làm gì hay không nên làm gì để mình có thể chế xuất ra những năng lượng tốt. Nói cách khác, lý trí là thuộc tính của tâm an và cảm xúc là thuộc tính của tâm bất an. Nếu biết cách giữ cho tâm an thì ta sẽ luôn hài lòng và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành vi cử chỉ của mình. Và điều đó có nghĩa là khi tâm bất an thì ta đừng nên quyết định hay làm bất cứ điều gì, chắc chắn ta sẽ hối tiếc sau này.

Khi tâm an ta sẽ nhìn lại nhận vấn đề ở một tầng hiểu biết khác. Ta không còn thấy sự việc bất thành hay đổ vỡ kia là điều quá kinh khủng, không còn thấy thái độ khó chịu hay lầm lỗi của người kia là đáng phải trừng phạt nữa. Cho nên khi tâm an thì ta không còn muốn thay đổi hoàn cảnh, ta có một khả năng có thể chấp nhận mà không thấy khó khăn hay đau đớn gì. Ta đã từng thấy có những người trông rất an ổn và vui vẻ, mặc dù trong họ đang có những mất mát rất lớn lao. Không phải họ đang cố gắng che đậy để trình diễn trước mọi người, mà chính nhận thức và dung lượng trái tim của họ đã giúp họ ôm ấp được hoàn cảnh. Đó là những người không đặt hạnh phúc của mình quá nhiều vào sự toại nguyện từ bên ngoài, nên khi hoàn cảnh bất toại nguyện thì họ không bị dễ khổ đau.

Tổ tiên ta đã từng nói “Tâm bình thế giới bình”. Khi tâm ta bình an thì năng lượng đó sẽ lên đường để xâu kết với những năng lượng bình an khác trong những con người khác hay trong vũ trụ này, nó có thể trở thành một hiệu ứng dây chuyền nếu điều kiện đủ cho nó xảy ra. Và khi tâm an thì ta nhìn đâu cũng thấy an, tuy đối tượng kia hay cả thế giới này còn nhiều biến động và phiền toái, nhưng ta vẫn không bị dìm xuống hay khổ đau theo, dù ta vẫn ý thức rất rõ tình trạng đang xảy ra và có ý chí muốn giúp đỡ. Cho nên thái độ khôn ngoan của một người biết sống là ta hãy luôn ưu tiên giữ gìn tâm bình an của mình, thà chịu để cho hoàn cảnh hư hao chứ nhất định ta không rao bán linh hồn mình. Ai đã trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời đều cũng thấm thía rằng chỉ có sự thanh thản và bình an trong tâm hồn mới là khát khao lớn lao nhất của con người.

Trong quá khứ ta đã từng sống thiếu tỉnh thức và hiểu biết, vì để nắm bắt những nhu cầu hưởng thụ cao cấp từ vật chất đến sự công nhận của người đời mà ta đã coi rẻ tâm hồn mình, đem tâm hồn mình ra cho hoàn cảnh hay kẻ khác giày xéo. Ta sẵn sàng nổi giận, hờn ghen, nghi ngờ, kỳ thị, độc tài, hơn thua và cả thù hận để có được cái này cái kia mà thực chất chỉ là những thỏa mãn cảm xúc. Ta chưa bao giờ có cơ hội để nhìn kỹ lại tâm mình, trừ phi bị thất bại hay mất mát chua cay, nhưng đó là những lần quay về trong muộn màng và choáng ngộp với những đóng tàn tro. Kết quả thường là buồn chán và tuyệt vọng chứ chưa bao giờ có một chương trình thanh tịnh hóa tâm hồn cho nghiêm túc.

Thôi ta về đi, về thu xếp lại những bề bộn trong tâm hồn, đừng tiếp tục lao tới phía trước để nắm bắt hay chứng tỏ gì thêm nữa. Chỉ khi nào tâm hồn ta lắng dịu, không còn những khắc khoải mong cầu hay chống đối, biết chấp nhận và thuận theo hoàn cảnh, ý thức giữ tâm hơn là giữ cảnh, thì ta mới nếm được chất liệu thảnh thơi và hạnh phúc chân thật. Nếu trong giai đoạn ban đầu rất khó giữ tâm trước những hoàn cảnh trái ngang, ta hãy tạm thời tìm cho mình một không gian đủ an ninh để tịnh dưỡng tâm hồn. Một con thú khi bị trúng thương thì nó lập tức rút về hang để liếm láp vết thương vì nó biết cơ thể nó có khả năng tự chữa trị, nếu nó không kềm chế nổi cơn thèm khát mà tiếp tục ra ngoài săn mồi thì sẽ bị kẻ khác tấn công hay chính vết thương ấy sẽ hủy diệt nó. Vì vậy biết lúc nào cần phải quay về nuôi dưỡng hay chăm sóc tâm hồn mình, sẵn sàng rời xa những hào quang hấp dẫn từ cuộc sống thì đó mới đích thực là kẻ trí.

Tùy thuận theo hoàn cảnh
Không buộc theo ý mình
Giữ tâm không giữ cảnh
Tâm bình cảnh cũng bình.

Minh Niệm

SIÊU LÝ ĐÀN BÀ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NỮ GIỚI


TS. Trần Huyền Sâm
Lịch sử của nữ giới là một lịch sử câm lặng và giông bão. Tính từ thời điểm mà nhà Nữ huyền học người Italia - Catherine de Sienne ở thế kỷ XIV, đã lên tiếng đòi nhân quyền cho nữ giới, bằng cách viết 381 bức thư gửi các nhân vật quyền lực nhất trong Giáo hội, đến thời điểm 1960, với phong trào giải phóng nữ giới ở phương Tây, đó là một hành trình dài để gắn vấn đề nữ quyền với nhân quyền.

Một khi mà nữ quyền là nhân quyền, thì luận điểm tôi vừa nêu, không cần phải tường minh gì thêm. Ở bài viết này, tôi sẽ đề cập đến một số phiếm luận của các triết gia về phụ nữ và những “siêu lý” đàn bà - nhìn từ góc độ nữ giới.




Những triết gia phiếm luận về phụ nữ: Đàn bà, thiên thần hay ác quỷ?

Femme - đàn bà, hay là phụ nữ, được Henri Bénac - nhà lý luận người Pháp định nghĩa như là một sự bí ẩn và phức tạp, có tính hai mặt. Phụ nữ, phải chăng: “Nàng là thiên thần, hay nàng vừa là ác quỷ?”(1). Nàng sáng tạo ra thế giới và cũng là nguyên cớ hủy diệt thế giới. Nàng thống ngự cuộc hành trình nhân loại bằng một vũ khí đáng yêu và cực kỳ nguy hại: TÌNH YÊU và CHIẾN TRANH. Từ thời tiền Adam và hậu Adam cho đến nay, phụ nữ luôn được/bị nhìn nhận như vậy:

Đàn bà có thể cao hơn cả quyền lực, trí tuệ và sức mạnh; nhưng đàn bà cũng có thể bị xem là sự tầm thường nhất trong mọi sự tầm thường.

Phụ nữ, vì vậy đã trở thành một chủ đề bàn luận khá sôi nổi trong nhiều lĩnh vực của nghệ thuật, triết học và mỹ học. Những triết gia lớn vào loại bậc nhất thế giới, họ thường lấy phụ nữ, như một luận đề tường minh cho lý thuyết của mình. Và không ít những công trình trở nên bất hủ, nhờ vào việc “triết luận về đàn bà”. Có thể kể đến:Nhật ký của Augustin, Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết của Athur Schopenhauer, Siêu lý tình yêu của V.Soloviev,Bên kia thiện ác của Nietzsche, Giới nữ của Simone de Beauvoir…

Không biết, những triết gia vừa kể trên, họ hiểu phụ nữ trên những kinh nghiệm giới tính, hay trên kinh nghiệm của “ký ức huyền thoại”, nhưng từ mỗi góc nhìn, cho chúng ta những luận đề khá thú vị, pha lẫn sự kinh ngạc.

Aristotle - triết gia cổ đại Hy Lạp đã nhìn phụ nữ từ phương diện không hoàn thiện của giới tính: “Phụ nữ chỉ là một người đàn ông khiếm khuyết”. Tư tưởng này ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu bền ở phương Tây. Còn J. Bruyère, nhà phê bình người Pháp, nhìn đàn bà ở sự cực đoan: “Đàn bà là cái gì đó vô cùng cực đoan, họ hoặc vượt trội hoặc thấp kém hơn so với đàn ông”. Nietzsche, với vẻ hoài nghi và cảnh giác: “Trước lúc đến với đàn bà, mi đừng quên mang theo một cây roi!”.

Tệ hơn nữa, thánh Jean Chrysostome còn tỏ thái độ miệt thị: “Trong tất cả các loài dã thú, không có con nào là hại bằng đàn bà”. Ngược lại, thánh Augustin thì nói về phụ nữ, như một chiều sâu mê đắm, vô tận: “Muốn khám phá thân thể của một người phụ nữ, đầu tiên, phải hiểu tâm hồn của họ”; hay “Điều bí ẩn lớn nhất là trong nụ cười của người phụ nữ”. Phụ nữ, được thánh Augustin đề cao dưới nhiều góc độ: tâm hồn tinh tế, nhạy cảm; là hiện thân cho sắc đẹp và sự đam mê khoái lạc.

Nhìn chung, dưới mắt của các triết gia, phụ nữ hiện lên từ hai mặt đối lập: dịu dàng và gai góc; yếu đuối và mạnh mẽ; khờ dại và khôn ngoan… Có thể ví như một chú mèo với bộ lông dịu dàng, mềm mại, nhưng sẵn sàng giương móng vuốt, bất kỳ lúc nào. Họ rất mảnh mai, yếu đuối, nhưng cũng có thể trở thành sức mạnh vũ bão; họ chung thủy vô cùng, nhưng cũng là giống phản bội siêu hạng…

Trong lĩnh vực văn học – hội họa, phụ nữ được ví như một Nàng thơ, là Nữ thần nghệ thuật. Phụ nữ được đồng nghĩa với Bà mẹ Tự nhiên vĩ đại nhất, người mẹ của Đấng toàn năng, mà mọi vật được sinh ra từ đó.

Không ít tác phẩm văn học đã tôn vinh đàn bà. Thậm chí, họ có “một tác động kép”: vừa là đối tượng, vừa là tác nhân kích thích cho sự sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa. Đó là trường hợp của George Sand - nữ văn sĩ nổi tiếng của Pháp thế kỷ XIX. Điều kỳ diệu nhất của G.Sand, đó là sự thăng hoa tình yêu vào nghệ thuật. Bà là người tình của hai danh sĩ nổi tiếng vào loại bậc nhất thế giới: nhà thơ A.Musset và nhạc sĩ F.Chopin. Nhờ tình yêu đam mê của G.Sand đã khơi dậy “tính chất thiên tài” của hai danh sĩ này.

Những bài thơ tình tuyệt diệu của Musset (Đêm tháng năm, Đêm tháng mười), cũng như những bản nhạc mê đắm của Chopin (Mưa, Mưa đêm…) là kết quả của sự thăng hoa từ mối tình với nữ sĩ G.Sand. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ở G.Sand, không chỉ là năng lượng yêu đương vô tận của một người đàn bà, mà đặc biệt hơn, bà còn tiềm ẩn một tình yêu rất khó lý giải: tình yêu của một người đàn bà - người mẹ. Những người tình của nàng là những đứa con nhỏ yếu đuối, dễ thương, cần được che chở…

Siêu lý đàn bà - từ góc nhìn nữ giới.

Thực ra, đàn ông và đàn bà luôn là những đối âm và hợp âm. Trong Kinh Thánh, có hai thuyết về sự nảy sinh của đàn ông và đàn bà. Đàn bà sinh ra từ cái xương sườn của đàn ông, vì thế, họ luôn bị lệ thuộc. Đàn ông lại sinh ra từ đức hạnh thủ tiết của đàn bà. Đức mẹ Đồng trinh Maria một mình sinh ra Chúa Giê-su mà không cần giao phối với bất kỳ một người đàn ông nào.

Những sự tích huyền thoại trên cho thấy, bằng những cách khác nhau, đàn ông và đàn bà đều khẳng định nguồn gốc của mình với một niềm kiêu hãnh của sức mạnh giới tính.

Khởi thủy, đàn ông và đàn bà đồng đẳng. Nam nữ là sự phối kết tự nhiên của vũ trụ “Thượng đế đặt sự ham muốn trong nam và nữ, với mục đích: thế giới phải được duy trì sự hợp nhất của nó… Ngày mà Chúa trời tạo ra con người, Ngài tạo nó theo hình ảnh của Chúa, tạo ra chồng và vợ” (2).

Thậm chí, theo thuyết Đất mẹ (là-Gaie), đàn bà đã là chủ nhân thống ngự thế giới đầu tiên. Điều đó đã được chứng minh qua chế độ Mẫu quyền (Đàn bà được lấy nhiều chồng).

Vì sao có sự phân biệt về địa vị xã hội, về vấn đề nhân quyền giữa nữ giới và nam giới?

Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân, đó là sự khác biệt về đặc điểm giới tính. Và đàn ông đã lợi dụng những đặc điểm này, để xác lập chế độ Nam quyền, áp đặt “thống ngự” nữ giới qua các giai đoạn lịch sử và các chế độ khác nhau. Sau đây, tôi thử phác họa một vài sự khác biệt về nữ giới và lý giải những nguyên nhân áp chế của đàn ông.

Nhìn từ góc độ giới tính, đàn ông và đàn bà có những khác biệt sau:

- Về đặc điểm sinh sản: Đàn bà là giống sinh sản, nhưng một năm chỉ có thể sinh con một lần, không thể nhiều hơn, trừ những trường hợp đặc biệt (nhiều thai nhi trong một bào thai). Đàn ông dù không trực tiếp, nhưng họ lại là giống có khả năng sản sinh vô tận. Và so với đàn bà, tần suất sinh con có thể gấp trăm lần. Theo điều tra của các nhà khoa học, một người đàn ông khỏe mạnh trong một năm, có thể sinh hàng trăm đứa con. Và chẳng cần nói đâu xa, câu truyền tụng “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” của ông vua Minh Mạng đã thấy rõ “năng lực vô tận ấy” của giống đực.

Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chế độ đa thê, cũng như chuyện ngoại tình phổ biến của đàn ông hiện nay. Soloviev giải thích hiện tượng này, nằm ở nguyên nhân của giới tính. Đàn ông là giống hữu thể, giống luôn luôn tiềm ẩn một năng lượng, khó kiềm chế: vừa chiếm hữu vừa chiếm đoạt đàn bà. Gieo rắc giống nòi và sở hữu đàn bà, đó là bản năng của đàn ông từ khởi thủy. Bởi vậy, chuyện ngoại tình của đàn bà là “trọng tội”, còn đàn ông, “không trở thành vấn đề”!.

-Về quan niệm trinh tiết: Với nữ giới, trinh tiết là một phạm trù để đánh giá đạo đức, phẩm tiết của một người phụ nữ, nhất là những nước phương Đông. Còn đàn ông, chưa có bất kỳ một chế độ hoặc một chủng tộc nào qui vấn đề trinh tiết vào phạm trù phẩm tiết. Chẳng ai dặn con trai của mình “nên giữ gìn cái ngàn vàng”, mà câu khuyên răn ấy chỉ dành cho con gái. Điều này có căn nguyên từ đặc điểm cơ cấu bộ phận sinh dục giới tính của đàn ông và đàn bà. Làm sao có thể “kiểm tra” được “trinh tiết” của đàn ông”? Dẫu họ có phóng túng bao nhiêu đi nữa, họ vẫn làtrinh nguyên…

Và lợi dụng những đặc điểm “hạn chế” này của giới nữ, một số bộ tộc đã đề ra những hủ tục rất man rợ, nhất là các nước chậm phát triển ở vùng Trung Đông (hiến trinh tiết của phụ nữ cho cha xứ trước lúc lấy chồng, “khóa” âm hộ nếu có chồng ra trận lâu ngày, thủ tiết, hoặc thiêu chết theo chồng, nếu chẳng may chồng chết…)

-Về mặt tính dục: Nam giới là bản nguyên chủ động, nữ giới là bản nguyên thụ động. Tư thế giao hợp trên/dưới, về một mặt nào đó, đã cho thấy tính quyền uy của đàn ông từ khởi thủy. Đàn bà là giống phục tùng. Đàn ông là giống thống ngự.

Mặt khác, về sinh lý, đàn ông hoan lạc trong khoảnh khắc; đàn bà là sự kéo dài dai dẳng. Điều này đã được các nhà tính dục học chứng minh: “Phần cơ bắp phụ nữ mềm yếu hơn đàn ông, nhưng năng lượng tình dục của đàn bà thì mạnh hơn rất nhiều… Là vô tận…”.

Chính hai đặc điểm này, mà từ lâu trong lịch sử, đàn bà trở thành nô lệ tình dục của đàn ông. Mục đích giao hợp, phần lớn, chỉ xảy ra hai trường hợp: nhu cầu sinh sản hoặc thỏa mãn khoái cảm dục tính cho nam giới.

- Về tư duy: Ngoài những đặc điểm trên, đặc tính thiên về cảm tính của phụ nữ, cũng khiến đàn ông lấy đó để miệt thị. Trên thực tế, không ít phụ nữ đã có những đóng góp to lớn về các lĩnh vực như triết học, khoa học và nghệ thuật. Những tác phẩm văn học thuộc vào loại hay nhất, được đọc nhiều nhất, lại là của nữ giới. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu thuộc về nữ giới như: Ruồi trâu, Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, Người tình… Đây là những tác phẩm được xem là những kiệt tác của văn học, được bạn đọc say mê qua các thời đại.

Umberto Eco - nhà ký hiệu học người Ý, tác giả của tiểu thuyết Tên của đóa hồng, sau khi đã nghiên cứu kỹ các tư liệu lịch sử về lĩnh vực triết học và tôn giáo, ông chứng minh rằng: “Không phải không có phụ nữ làm triết học. Thật ra, các bậc triết gia nam tử đã muốn quên các bà đi, có thể sau khi đã chiếm hữu tư tưởng của họ” (3).

Thật kinh ngạc khi Eco đã dẫn ra vô số tác phẩm của các nhà huyền học, triết học nổi tiếng đã bị vùi lấp trong các ngăn khố tư liệu mục nát, hoặc đã bị phái Kytô giáo “sẻ ra từng mảnh”. Có thể dẫn ra một vài tên tuổi trong số danh sách dài về các nữ triết gia nổi tiếng: Hypatia (K.370-415) – nhà triết học, nhà toán học lớn nhất thế kỷ VI, được cử làm viện trưởng trường triết học Plato tại Alexandria. Aspasia- nổi tiếng về Tu từ học, được Socrate tôn là bậc thầy. Temistolea-pithagoras (TK IV.TCN), người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử phương Tây được thừa nhận là một nữ triết gia.

Và đặc biệt là Catherine de Sienne (1347-1380) – nhà huyền học Italia, được phong thánh năm 1461 – người có những tác động sâu sắc đến các thế lực quyền hành trong Giáo hội đương thời…

Nói tóm lại, lợi dụng đặc tính “khiếm khuyết” của giới nữ, đàn ông đã xác lập chế độ nam quyền. Và qua các thời đại lịch sử và các chế độ khác nhau, bằng cách này hay cách khác, nữ giới luôn bị đè nén, áp bức và bị khinh miệt.

Cuộc cách mạng làm thay đổi căn bản địa vị của nữ giới, đó là phong trào giải phóng nữ quyền vào thập niên 60 - thế kỷ XX ở phương Tây. Sau hàng loạt các phong trào tranh đấu, vị trí của nữ giới đã được thay đổi khá triệt để và đồng bộ trên các lĩnh vực của xã hội.

Phụ nữ Việt Nam trong tương quan với phụ nữ thế giới

So với các nước phát triển ở phương Tây, vị trí phụ nữ Việt Nam chưa thực sự được khẳng định. Tuy nhiên, theo tôi, đặt trong tương quan với các nước phương Đông, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và một số nước Trung Đông nói chung, phụ nữ Việt Nam vẫn được đề cao hơn.

Nếu xét về quyền công dân, phụ nữ Việt Nam cũng được thừa nhận khá sớm. Tôi đơn cử, ngay cả phụ nữ Pháp, một nước văn minh vào loại bậc nhất thế giới, phụ nữ được đi bỏ phiếu chỉ sớm hơn Việt Nam một năm (Pháp: 1945; Việt Nam: 1946). Tất nhiên, trong quan hệ gia đình và phân công lao động, sự tiến bộ của phụ nữ Pháp bỏ xa phụ nữ Việt Nam hàng thế kỷ…

Theo quan sát của tôi, tại công viên Luxembourg ở Pháp, cứ 10 người mang theo con nhỏ dạo chơi, thì đàn ông đã chiếm 7 người. Còn ở công viên Cung văn hóa thiếu nhi Lê Lợi ở Huế, cứ 10 người thì phụ nữ đã chiếm 8 người (Một sự đối trọng trong trách nhiệm chăm sóc con cái).

Cũng vậy, tại Cư xá dành cho sinh viên quốc tế tại Paris (Gọi là La Cité Universitaire Internationale de Paris), một cặp vợ chồng trẻ người Tây Ban Nha, cạnh phòng tôi, họ có sự phân công rất bình đẳng và rõ ràng trong công việc. Nếu chồng nấu ăn thì vợ rửa chén, và ngược lại. Thậm chí họ còn bình đẳng trong vấn đề tài chính chi tiêu.

Trở lại mối tương quan với phụ nữ châu Á. Hiện nay, các phong tục áp chế dã man đối với phụ nữ, như: cắt âm vật, hủy diệt nhi nữ ngay từ lúc vừa sinh ra, luật hồi môn khắt khe đối với phụ nữ vẫn tồn tại ở một số nước, đặc biệt là các nước Hồi giáo. Ở Ấn Độ, luật hồi môn đã trở thành một nỗi ám ảnh và hà khắc nhất đối với phụ nữ. Bởi vậy, số mệnh của đàn bà được quyết định, không phải là trí tuệ hay sắc đẹp, mà trước hết, phải là của cải. Nạn giết thai nhi nữ phổ biến tràn lan khắp đất nước Ấn Độ, vô phương cứu chữa…

Ở Việt Nam, địa vị và quyền lợi của phụ nữ ngày càng được khẳng định, thậm chí, còn có xu hướng nữ thịnh nam suy ở một số lĩnh vực như giáo dục và nghệ thuật.

Tôi nghĩ, muốn thay đổi địa vị nữ giới, phải thay đổi quan niệm của đàn ông về tình yêu, hôn nhân và tình dục. Thử tự hỏi, liệu trong mỗi chúng ta, tình dục đã thực sự trở thành nhân quyền của nữ quyền chưa? Ở các nước phương Tây, điều này được xem là nhân bản và rất được coi trọng. Còn Việt Nam, e rằng, sẽ trở nên lố bịch, khi đề cập đến vấn đề này…

_________________________

1. Henri Bénac, Dẫn giải ý tưởng văn chương, NXB Giáo dục, 2005.

2. V.Soloviev, Siêu lý tình yêu, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2005.

3. Umberto Eco, Triết lý kiểu phụ nữ, trong Đi tìm sự thật biết cười, NXB Hội Nhà văn, 2004.

VÌ SAO TÔI GHÉT PHẢN ĐỘNG, DÂN CHỦ CUỘI


(http://www.yeutoquoc.org/threads/23/)

A ghét B, B chống lại C, B cho rằng A ủng hộ C, ủng hộ luôn những cái xấu tồn tại trong C.

Đó là một phép troll kinh điển nhất mà chúng tôi từng thấy.

Chúng tôi ghét phản động, bọn phản động chống lại Đảng, Nhà Nước, Nước Nhà và thế là chúng cho rằng chúng tôi ủng hộ Đảng, Nhà Nước vô điều kiện, ủng hộ (bao che) tham nhũng, tiêu cực, yếu kém ...vân vân ..., chúng chụp mũ chúng tôi là những Hồng Vệ Binh bảo vệ Đảng, ... và nhiều cái m
ũ đầy màu sắc khác.
Thế đấy.
Vâng, tôi ủng hộ Đảng, Nhà Nước, vì những điều tốt đẹp, những chính sách hay, ủng hộ vì hiện nay họ là lực lượng duy nhất đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khách quan.
Nhưng, chúng tôi rất ghét tham nhũng, ghét những tiêu cực, những yếu kém, vậy phải chăng chúng tôi phải đổi tên page thành : "HỘI NHỮNG NGƯỜI GHÉT BỌN PHẢN ĐỘNG, GHÉT THAM NHŨNG, GHÉT PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN, GHÉT VỪA VIẾT BÀI MÀ THẰNG BÊN CẠNH MỞ NHẠC TO QUÁ, GHÉT TẤT CẢ NHỮNG GÌ ĐÁNG GHÉT ĐỂ KHỎI BỊ CHỤP MŨ LÀ KHÔNG GHÉT ." thì các "bạn" mới hết troll ?
Khi nói ghét phản động, không có nghĩa là chỉ ghét phản động, chốt hạ nhé !

Vì sao chúng tôi ghét phản động ?
Vì phản động ghét cộng sản, ghét XHCN, ghét nhà nước ? KHÔNG HỀ
Chúng tôi ghét họ vì - Đến đây, tôi xin đồng ý kiến với Mr.Tèo của lichsuvn, xin mượn những lời lẽ sắc bén của anh trong bài viết 10 lý do và 5 điều khôi hài để khinh bỉ và căm ghét bọn rân chủ (có bổ sung và tóm lược) :

MƯỜI LÝ DO GHÉT:
1. Đây là những kẻ không có một hành động nào thực sự vì dân vì nước mà chỉ vì những toan tính cá nhân . Hành động và lời nói của chúng chỉ xoay quanh mục đích phe phái và phá hoại sự lãnh đạo của Đảng CSVN.

-------> Miệng nam mô bụng bồ dao găm .

2. Cách thức của bọn này là xuyên tạc, thổi phồng, bịa đặt ... Suốt 10 năm qua kể từ khi internet trở nên phổ biến, những trò bịp bợm của chúng quá nhiều để có thể kể ra , chủ yếu tập trung khai thác những người cả tin, thiếu hiểu biết hoặc bàng quan nhưng hiếu kỳ , thích nghe hóng.

Bạn Kakazil bổ sung thêm : đám rân chủ rất hay giả mạo thành đảng viên này, đoàn viên nọ để "phản biện dân chủ" đối với chính quyền. Sau đó lại tự chúng lấy đó ra mà khoe: "thấy chưa, đã có người giác ngộ dân chủ rồi". Chỉ một ví dụ nhỏ . Đó là vừa qua , Trần Huỳnh Duy Thức , đồng bọn của Lê Công Định bị bắt , lòi ra hắn là tác giả của một loạt bài như "Lời bộc bạch của một Đảng viên" , "Cán bộ lão thành đóng góp văn kiện đại hội Đảng" , "Đồng tiền Việt Nam đi đâu về đâu" ... Thật là trơ trẽn vô liêm sỉ không đâu kể xiết !

-------> Ngậm máu phun người rồi hể hả "tự sướng"

3. Internet bị chúng lợi dụng , thay vì góp sức vào xã hội để hướng mọi người dùng internet lành mạnh, có ích , chúng lại dùng internet như là công cụ cho những trò bỉ ổi của chúng . Có thể nhìn thấy không chỗ nào trên internet mà bọn này "tha" . Ngay cả những trang với mục đích chính là để giải trí , vui vẻ như Youtube , chúng cũng flood tràn ngập những thứ video thể hiện sự cực đoan và thô bỉ của căn bệnh chống Cộng . Chúng còn "tận dụng" cả những scandal thô tục để "tiên chiền". Địa chỉ email của bạn mà và otay bọn khủng bố internet này thì thôi rồi , ngày đêm nhận toàn là những lời lẽ rác rưởi sặc mùi rân chủ . Dù bạn có email bảo "bạn ơi , tôi sống xa nhà chỉ có email làm phương tiện liên lạc với gia đình. Bạn làm ơn tha cho tôi , email này là tôi dùng để liên lạc với gia đình tôi mà , bạn bomb mail như vậy rồi tôi thất lạc hết email của gia đình tôi" , nhưng chúng cũng mặc kệ lời nói lịch sự nhã nhặn của bạn .

-------> Mặt dày mặt dạn cố đấm ăn xôi ,

4. Chúng luôn miệng lên án CSVN thế này thế nọ , nhưng bản thân chúng thì còn "quá cha" người ta . Trong bất cứ vấn đề nào mà chúng lên án CSVN , mà chủ yếu là vu cáo , xuyên tạc và thổi phồng , thì chúng lại là "sư phụ" của CSVN về vấn đề đó .

-------> Gái đĩ đứng đường nói chuyện trinh tiết

5. Lợi dụng và xúi bẩy những người thiếu hiểu biết để làm lung xung bung cho chúng đứng nơi an toàn vỗ tay .

-------> Xúi con nít ăn cứt gà

6. Luôn phủ nhận lịch sử và thực tế chỉ để che giấu bộ mặt nham nhúa của những kẻ luôn đã , đang và sẽ sẵn sàng làm tay sai cho giặc ngoại xâm để phá hoại Tổ Quốc hòng mưu toan chính trị . Ngược lại , chúng không hề ngượng mồm vu cáo cho những người Việt Nam yêu nước đã , đang và sẽ luôn luôn gắn bó cùng vận mệnh Dân tộc , nhịn nhục hoặc hiên ngang đấu tranh vì Tổ Quốc , dù chết không lui .

-------> Vừa ăn cướp vừa la làng

7. Sự vô văn hóa của bọn rân chủ là không thể chối cãi . Chúng luôn miệt thị và xúc phạm CSVN , thậm chí cả nhân dân Việt Nam chỉ vì nhân dân đã đi theo sự lãnh đạo của Đảng CSVN mà làm nên những kỳ tích chói lọi , khiến bọn phản bội luôn phải thất bại trong cay cú. Lẽ dĩ nhiên chúng luôn nhảy dựng lên khi có ai đó bực bội mà lên án chửi rủa bọn chúng .

-------> Chí Phèo

8. Một mặt chúng mai mỉa sự tự hào về cha ông của người Việt Nam là "gặm nhấm quá khứ" , mặt khác chúng thể hiện bản thân chúng là những tên háo danh đến bệnh hoạn , tự tâng bốc nhau khiến người có hiểu biết phải phát ngượng . Những cái danh hiệu tự phong lẫn nhau của chúng nghe mới cải lương làm sao chứ ! "Luật sư thiên tài" , "ngôi sao dân chủ" , "anh hùng tranh đấu" , "tù nhân lương tâm" ...

-------> Mẹ hát con khen hay

9. Bọn rân chủ còn là những tên chuyên gia chia rẽ gây mâu thuẫn cả đối nội lẫn đối ngoại của Việt Nam . Với người dân trong nước , chúng tìm cách hạ uy tín của các lãnh đạo , của chính quyền bằng những thủ đoạn đồn đãi , tung tin bịa đặt , thổi phồng những vụ việc chưa rõ ràng hoặc không thể kiểm chứng. Với đối ngoại , chúng luôn muốn Việt Nam phải lệ thuộc vào phương Tây chủ của chúng nên một mặt ca tụng những thế lực từng đem bom đạn DỌNG lên đầu người Việt Nam không thương tiếc , chặt đầu mổ bụng đàn bà con nít , đem hàng triệu tấn chất độc tàn phá nòi giống và đất nước con người Việt Nam ; mặt khác , chúng tìm đủ mọi cách để kích động mâu thuẫn Việt - Tàu để hai nước ngày càng lúc càng thù địch . Bọn rân chủ "dày công" xúc xiểm xuyên tạc chính sách cố gắng nhịn nhục "tránh voi không xấu mặt nào" , "bán họ hàng xa hòa láng giềng gần" trong chiến lược đối ngoại đấu tranh mềm dẻo nhưng kiên quyết của chính quyền Việt Nam , chúng rêu rao đó là làm tay sai của Trung Quốc , "cắt đất nhượng biển" (sic). Chúng muốn lợi dụng lòng yêu nước và căm thù bọn béo của người Việt Nam để chia rẽ chính quyền và nhân dân .

Eddyfosman cũng bổ sung : như vụ khai thác thí điểm thử nghiệm chiến lược bauxite Tây Nguyên, bọn rân chủ đọc bài viết thảo luận và phản biện dân chủ từ báo Đảng báo Đoàn rồi chế biến lại, có 1 nói thành 10 , chăm chăm khai thác khía cạnh hợp tác liên quan đến Trung Quốc (không đả động gì đến dự án này còn có Úc và Mỹ tham gia). Một công ty Trung Quốc đứng đầu thế giới về khai thác nhôm trúng thầu xây dựng nhà máy chế biến alumin , bọn rân chủ ra rả là "CSVN bất chấp dư luận phản đối, cho Trung Quốc vào lấy nhôm Việt Nam đem về nước phục vụ "Đảng anh" (sic). Vụ này đám rân chủ hải ngoại giao khoán cho nhóm "minh chủ chị Ba chị Tư" Lê Công Định , Trần Huỳnh Duy Thức (tức Trần Đông Chấn chuyên sáng tác các bài viết đóng vai "đảng viên" ,"cán bộ lão thành") tung tin đồn nhảm tuyên truyền kích động với chứng hoang tưởng "đây là tử huyệt của CSVN" để "năm 2010 CSVN sẽ sụp đổ".

Gingerbread thì bất bình phát biểu : VN nhẫn nhịn TQ thì bọn rân chủ lu loa lên chính phủ ta nhu nhược, đàn áp dân oan, làm tay sai của TQ. Còn khi Polpot tàn sát dân mình, quân và dân ta phải đổ máu bảo vệ biên giới Tây Nam , sát cánh cùng quân và dân Cambodia giải phóng nước bạn khỏi họa diệt chủng, thì chúng mồm ba mép bảy rằng Việt Nam làm "con cờ cho LX chống TQ", "mở một cuộc chiến vô nghĩa", tạo cớ cho TQ đánh qua, trực tiếp "giết hại hàng chục đến hàng trăm ngàn dân Việt+ Campuchia".....v.....v......

-------> Khuấy ao lên bùn để thừa nước đục thả câu

10. Bọn rân chủ vốn hiểu biết về lịch sử , kinh tế, chính trị ... thể hiện sự lệch lạc , thiếu hụt rõ rệt , đi ngược lại với kiến thức nhân loại . Nhưng chúng luôn tự cho mình là đúng và tìm mọi cách nhồi kiến thức đó vào xã hội . Sự ngu dốt của bọn rân chủ cùng thái độ cuồng nhiệt và trái tim đen thui của chúng là lý do để chúng bất chấp mọi lẽ phải , không thể nào đối thoại và thảo luận trên tinh thần khách quan xây dựng .

-------> Đàn gảy tai trâu , nước đổ đầu vịt


NĂM ĐIỀU KHÔI HÀI

Một : bọn rân chủ chống Cộng nên hay ví Đảng CSVN với các triều đại phong kiến . Trong khi đó ai sống ở Việt Nam cũng đều rõ , tuy cơ chế quản lý còn nhiều bất cập khiến nảy sinh nhiều tiêu cực, nhưng cũng như hàng trăm quốc gia khác trên thế giới, chính quyền và Đảng CSVN là tập hợp của những người được lựa chọn từ nhân dân.
Để làm cán bộ, bạn phải tham gia chính quyền từ cơ sở , sau đó nếu cố gắng thì tiến lên địa phương rồi mới có thể vào trung ương. Con đường đó rõ ràng là thử thách không phải ai cũng làm được nhưng cơ hội là đồng đều cho tất cả mọi người (trừ một số trường hợp nhạy cảm mà quốc gia nào cũng xem xét , ví dụ ngành an ninh.) Người làm cán bộ theo nhiệm kỳ, hết nhiệm kỳ phải thôi chức để bầu chọn người khác thay thế. Và trong quá trình tại chức, nếu sai phạm thì bị khiển trách, xử lý, cách chức, hoặc kể cả ra tòa và đi tù theo pháp luật .

Trong khi đó, chế độ phong kiến là chế độ tập quyền của giai cấp quý tộc. Thời phong kiến, pháp luật chỉ là công cụ bảo vệ cho quyền lực tuyệt đối của vua chúa, và tài sản , con người của quốc gia là tất nhiên thuộc quyền sở hữu cá nhân của vua chúa . Có câu ngạn ngữ thời trước "vua xử bề tôi chết, bề tôi phải chết".

Hai : ngược lại với điều khôi hài thứ nhất , bọn rân chủ lại luôn tự cho mình là những người làm cách mạng giống như lực lượng Việt Minh (thời chống Pháp, chống Nhật) hay Mặt Trận Giải phóng Dân tộc (thời chống Mỹ). Chúng ta đều biết đó chính là những tổ chức đi theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam để đánh đuổi thực dân đế quốc và bè lũ tay sai , dành lại Tổ Quốc Việt Nam cho nhân dân Việt Nam . Ngày nay, dù đất nước muôn vàn gian khó , chính quyền và nhân dân ta đều còn rất thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức và quản lý xã hội, nhưng làm sao có thể nói là người Việt Nam lại không muốn Việt Nam tiến bộ !? Làm sao có thể xem việc phản loạn chống chính quyền Việt Nam của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập , ngẩng cao đầu trên trường quốc tế , lại giống với việc quân và dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm , chống ách thực dân thuộc địa !?

Vậy mà, bọn rân chủ lại luôn cấu kết cùng các thế lực bên ngoài để tìm cách lật đổ chính quyền Việt Nam , hòng cai trị nhân dân Việt Nam. Chúng khôi hài luôn ví mình với ... Việt Minh , với những người Cộng sản đấu tranh chống Pháp , rồi lại chống Nhật , rồi lại chống Pháp quay lại , vẫn chưa hết , lại phải chống Mỹ ... đổ bao nhiêu máu xương mới thống nhất giải phóng dân tộc như ngày nay. Sau năm 1975 , lại hàng vạn máu xương Việt Nam đổ xuống để bảo vệ Tổ Quốc trên các chiến trường biên giới Tây Nam , biên giới phía Bắc , hải chiến Trường Sa ...

Ba : bọn rân chủ luôn dùng chiến lược kêu gọi đa đảng đa nguyên . Lý do là chúng không thể lật đổ Đảng CSVN bằng bạo lực hay chính trị , nên chỉ có cách dễ dàng và nhanh nhất là Việt Nam có đa đảng thì chúng nghiễm nhiên tham gia chính trường . Hình ảnh những người có tiền ở phương Tây nếu thích làm chính trị thì cứ vận động để được nắm quyền quả là hình ảnh hấp dẫn bọn rân chủ . Chúng cho hình thức bầu cử kiểu PR marketing thị trường đó là "dân chủ" . Chúng ảo vọng là nếu cứ dẻo miệng , "thành thạo" những thủ đoạn to mồm "sở trường" thì nhân dân sẽ nghe theo và bầu chúng lên làm tổng thống , thủ tướng ...

Nực cười ở chỗ , ai cũng biết là như thế , nhưng bọn rân chủ thì lại có màn khóc lóc , năn nỉ CSVN "anh ơi , anh cho đa đảng để em có cơ được ngang hàng chơi với anh"
Cũng nói thêm , hình thức tham gia chính quyền ở Việt Nam không phải là cứ có tiền làm chiến dịch vận động bầu cử là được . Như đã nói , bạn phải trưởng thành chính trị từ cơ sở (phường, xã ) . Sau đó, bạn lại phải cạnh tranh để được bầu lên địa phương (quận , huyện , tỉnh , thành). Cuối cùng , muốn làm lãnh đạo cao cấp bạn phải cạnh tranh với những ứng cử viên địa phương khác để có tên trong danh sách cán bộ cấp trung ương. Và mỗi cấp có một hình tức bầu chọn dân chủ tương ứng , không phải bầu chọn theo mô hình mass-media như phương Tây .

Lại so sánh thêm một điểm nữa có thể thấy là ở phương Tây , bầu cử mass-media cho phép lựa chọn ra tổng thống , thủ tướng và những người này có toàn quyền bổ nhiệm những ông ... ABC XYZ ở đâu đó vào những chức vụ cao trong ekip chính phủ của mình . Điều này dĩ nhiên là giấc mơ của những kẻ muốn mình sáng sớm ngủ dậy đã nắm quyền lực trong tay .

thành viên là những đại diện của quần chúng nhân dân lao động chiếm đại đa số xã hội, trưởng thành đi lên từ cơ sở đến trung ương . Nhằm phục vụ cho mục tiêu đòi đa đảng, bọn rân chủ thường nập nuận rằng " đa đảng mới có cạnh tranh chính trị"

Thế nhưng , khi muốn xúc xiểm Đảng CSVN , chúng lại tự mâu thuẫn với mình khi Bốn : Mô hình chính trị tại Việt Nam : Đảng Cộng Sản - Quốc Hội - Chính Phủ mà vẽ ra những câu chuyện về "phe Nông Đức Mạnh" , 'phe Võ Văn Kiệt" , "phe Nguyễn Tấn Dũng" , "CS miền Bắc , "CS miền Nam" , nào là "dằn mặt" , "thủ tiêu" , "răn đe" ... lẫn nhau . Vậy như thế có nghĩa bọn rân chủ tự nhiên chứng minh rằng nền chính tri ở Việt Nam là có sự cạnh tranh rất quyết liệt . Và muốn đứng vào một cương vị lãnh đạo , bạn phải hết sức thận trọng để tránh bị đối thủ khai thác sơ hở, đồng thời phải thật sự có tài năng để thuyết phục số đông ủng hô.

Video : Đài truyền hình rân chủ SBTN hải ngoại thỉnh thoảng lén lút dùng những video quay cảnh ở Việt Nam rồi dựng thành phim xuyên tạc , bịa đặt . Trong video clip này, chúng lợi dụng tình hình người dân Hà Nội bị gián đoạn điện nước , internet vì trận lụt lịch sử để bịa ra câu chuyện hoang tưởng "phe CS thân Mỹ đảo chính phe CS thân Tàu" (sic) http://www.youtube.com/watch?v=AnWAmdB7B18 . STBN bình luận rằng sự tranh giành quyền lực giữa "CS Hà Nội" và "CS Sài Gòn" sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Đảng CSVN. Khôi hài chưa , nập nuận này khác gì nói rằng nếu VN có nhiều đảng phái tranh giành nhau thì nền chính trị Việt Nam sẽ sụp đổ hoặc lệ thuộc vào ngoại bang (!?)

Năm : bọn rân chủ bị mờ mắt bởi những kêu gào quyền lực nên thường nói và làm mâu thuẫn lẫn nhau . Một mặt , chúng cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí , không có tự do tôn giáo , mặt khác , những hành động của chúng lại cho thấy báo chí Việt Nam rất cởi mở và tiến bộ , đồng thời đời sống tôn giáo của nhân dân là thực sự dễ chịu .

Những tiêu cực mà bọn rân vẫn ngày đêm "khóc mướn" cho nhân dân Việt Nam (dù không ai mướn) , lại hoàn toàn copy từ các báo Đảng , báo Đoàn , thậm chí ... báo Đội . Gingerbread bổ sung : đã vậy, bọn rân chủ rất lưu manh và vô đạo đức trong việc này, nói mâu thuẫn mà không biết ngượng. Chúng luôn bảo báo đài ở VN l-à được chỉ đạo, không có tự do. Nhưng nếu thấy báo đăng về tham nhũng thì chúng bảo chính phủ sẽ giấu nhẹm hết đi, cho "chìm xuồng". Còn nếu thấy ông A bà B nào bị bắt vì tham nhũng thì bảo là "chốt thí" rồi nặn ra cái ný nẽ là "quan lớn còn ăn nhiều hơn".

Thực ra , bọn rân chủ rất muốn phát hành riêng những tờ báo của riêng chúng để tha hồ mà bịp bợm người dân . Nhưng chúng ta cũng biết rằng , bọn này không hề tuân thủ pháp luật . Những khi bị xử lý theo pháp luật Việt Nam vì những thông tin sai trái , chúng thường bảo đó là không có "tự do" . Vậy thử hỏi , thứ "tự do" mà chúng đang "đấu chanh" đòi bằng được đó là thứ tự do gì ? Tự do theo cách của riêng chúng , phục vụ mục đích cá nhân và phe nhóm của chúng hay tự do vì lợi ich Tổ Quốc ?

- Những việc làm quá trớn bất chấp luật pháp của những thiểu số Cong giáo , Tin Nành , của cái gọi là Giáo Hội Phật giáo VN TN ... thường được chính quyền xử lý rất nhẹ nhàng với mục đích muốn cải hóa những kẻ cuồng tín hoặc núp bóng tôn giáo , phục vụ cho mục tiêu Đại Đoàn Kết Dân Tộc . Chúng đắc trí cho rằng "CSVN sợ" . Còn khi sự vi phạm pháp luật quá đáng bị ngăn chận thì chúng lại hô hoán bảo "bạo quyền khát maú", phải lên tiếng kêu gọi "cộng đồng quắc tế" can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Cái máu "rước voi mà giày mả tổ" , "cõng rắn cắn gà nhà" của Lê Duy Kỳ (tức Chiêu Thống) , Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Thiểm Lại ... quả là chảy quá mạnh trong não bộ bọn rân chủ.

Bạn thử nghĩ xem , khôi hài hay đáng phỉ nhổ ?


Ban Admin HNNGBPĐ

NÓI THẬT VÀ NÓI DỐI


LâmTrực@


Mới nghe, tưởng như đùa về một câu hỏi: "Có nên lắp máy kiểm tra nói dối ở Việt Nam"? Nhưng tôi nghĩ, đây là câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Nói dối đã trở thành bệnh của chúng ta. Thật xấu hổ khi chúng ta giáo dục con cái phải trung thực, nhưng chính chúng ta lại làm ngược lại. Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề.


Theo Soha.vn thì vừa có một điều tra về bệnh nói dối ở Việt Nam. Kết quả của nó làm chúng ta rùng mình. Trước khi bàn về bệnh nói dối, chúng ta hãy thử nghe những lời nói thật cay đắng:


1. Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ QH ngày hôm qua, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội đã công bố một chi tiết đặc biệt: "Có đồng chí Bí thư huyện uỷ phấn khởi báo cáo năm nay huyện em có thêm ba xã nghèo. Có gia đình được đưa ra khỏi danh sách nghèo liền phản đối quyết liệt". Rõ ràng, niềm vui của vị bí thư huyện uỷ kia là...rất thật, vì huyện của ông ta sẽ được cấp thêm kinh phí xoá đói giảm nghèo. Niềm vui được... ở trong diện nghèo của một số gia đình kia cũng rất thật, vì họ đã quen há miệng chờ... sung rụng. Tất nhiên, để có được niềm vui ấy, họ đã phải nói dối tới từng chi tiết.


2. Cũng lâu lắm rồi, ngay tại nghị trường Quốc hội, ông chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương, khi đề cập đến tình trạng bất cập của luật pháp, đã lỡ miệng nói thật: “Ở nước ta án dân sự xử thế nào cũng được”. Hơn 10 năm sau đó, câu nói “nổi tiếng” của ông vẫn được đưa lên “bàn mổ” vì nó rất thật.


3. Mới đây, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng cũng nói rất thật: “Ở thành phố du lịch thì không thể không có mại dâm”. Lời nói thật nhưng thiếu đi sự khôn khéo của một người làm chính trị đã mang lại cho ông nhiều tấn gạch đá từ phía những người có kinh nghiệm, và chắc chắn là có con số "không nhỏ" từ bộ phận chuyên nói dối.


4. Ông Lê Khắc Ghi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đắk Nông cũng được đưa lên trang nhất của nhiều tờ báo cùng những comment bực dọc của độc giả khi ông rất thật với câu: “Ngày xưa, mỗi tháng tôi còn đọc vài tờ báo, vài quyển sách chứ những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không chứ đừng nói gì đến báo chí, hoàn toàn không đọc đâu các đồng chí ạ!”. Lẽ dĩ nhiên, ông Ghi trở thành hotboy bất đắc dĩ để thiên hạ dè bỉu.


Lời nói thật thì cay dễ gây cay đắng như thế, nhưng lời nói dối thì lại thì lại có dư vị rất ngọt ngào. Ngọt ngào đến nỗi nó có thể trở thành một trào lưu mới trong xã hội. GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP.HCM) vừa công bố một kết quả nghiên cứu rùng mình: Tỉ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp 1 là 22%, cấp hai là 50%, cấp 3 là 64%, sinh viên là 80%. Như vậy, càng lớn, càng học cao càng nói dối khỏe.


Có một điều cần chú ý là bệnh nói dối không hề sợ độ cao. Những thông tin này toàn phát ra từ miệng những người có trách nhiệm cao và độ dối - thật của nó thì hẳn ai cũng biết: Không phát hiện mại dâm ở Quất Lâm, Đồ Sơn; Việc chạy chức ở Hà Nội chỉ là tin đồn thất thiệt; Chỉ phát hiện 1-2 vụ tham nhũng rất nhỏ ở mức xử lý hành chính sau khi tiến hành tới 804 cuộc thanh tra...


Nếu không lầm thì ông nghị Dương Trung Quốc đã từng khẳng định: “Tôi cho là trong sâu xa, nhiều cán bộ đã đánh mất một phẩm chất rất lớn của con người nói chung, đó là liêm sỉ. Với họ, nói dối, chối tội là việc rất đơn giản và có cảm giác như cơm bữa.” Cần nói thêm, nhận định đó không mới, chỉ là sự nhắc lại những gì mà dân gian đã nói: Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt/ Lọt luồn lươn lẹo lại lên lương.


Sự kiện mới nhất, xảy ra ở Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An, giáo dân Trại Gáo bị xúi bẩy đã tiến hành gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật, đả thương nhiều cán bộ của chính quyền, nhưng ông Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, thay vì phản ánh trung thực sự kiện để ổn định tình hình, đã lại nói dối tới mức trơ trẽn rằng "chính quyền đán áp dã man giáo dân". Lời nói dối ấy, ngay lập tức nhận được thái độ căm phẫn của những người dân lương thiện, bởi sự thật chỉ có một. Nhưng thật đáng tiếc, lời nói dối của ông Nguyễn Thái Hợp lại có vẻ bùi tai với những kẻ đang rắp tâm chống lại đất nước và những người bị mê hoặc bởi thần quyền giáo lý. Điều nguy hiểm là hành vi nói dối của vị giám mục này sẽ là tấm gương để những giáo dân nói theo, bất chấp luân lý, đạo đức và pháp luật.


Tờ SoHa đưa ra một ví dụ, viện Duma Quốc gia Nga mới đây, khi sửa đổi Luật Chống tham nhũng đã phải đưa vào điều khoản: Các quan chức chính phủ bắt buộc phải bị kiểm tra bởi máy phát hiện nói dối. Trước đó, một đợt kiểm tra quan chức nói dối từng diễn ra tại Kazan năm 2007 - kết quả là chính quyền thành phố đã sa thải 80 nhân viên. Vậy, có nên lắp máy phát hiện nói dối công suất lớn ở Việt Nam?
--------------
Bài có sử dụng tư liệu của SoHa