Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

TÁCH BÓNG




Gió luồn qua khe cửa, tát hơi lạnh vào mặt Trương Sinh. Nhưng y vẫn gà gật ngủ trên ghế, chỉ có thằng cu Ðản là mắt còn mở thao láo trong căn nhà vắng tanh. Nằm trên chõng tre, nó nhìn chằm chặp như bị thôi miên bởi những hình thù chập chờn trên vách, mặt mày hớn hở chẳng chút sợ hãi. Nó không khóc mà đưa cả hai tay bập bẹ vòi vĩnh.

Tiếng đứa bé làm người cha khẽ cựa mình. Sinh có vẻ mệt mỏi, đăm chiêu suốt buổi chiều, sau khi từ bờ Hoàng Giang trở về. Lúc đứng trên ghềnh nhìn xuống chỗ nước xoáy của con sông, y đã tự nhủ phải ngại sống hơn cả sợ chết mới có thể nhảy xuống đấy. Mà đã gieo mình xuống khúc sông này thì chỉ có Trời mới tìm được xác.

Cơm nước xong, y hoài công dỗ con ngủ. Quen ngủ ngày, thức khuya, thằng bé tỉnh táo chờ, trong khi kẻ gác con lịm dần vào một cơn ác mộng đầy gươm giáo.

- B...ôố !

Trương Sinh dụi mắt, bật dậy. Người cha định bước đến chõng bế con lên. Nhưng y bỗng giật bắn người dừng lại. Một bóng đen lồ lộ trên vách. Không phải bóng Sinh. Y đã đứng dậy, cái bóng vẫn ngồi yên. Ngọn đèn dầu không đặt sau lưng mà giữa Sinh với tấm vách, đâu thể hắt bóng y lên tường ? Sinh dáo dác nhìn quanh căn nhà trống. Chẳng có ai, trừ một hình thù trăng trắng đang cúi xuống như mải mê ngắm thằng bé.

Hai chân Sinh dán chặt xuống nền đất. Ðứa bé vẫn chỉ chỏ vào vách, cười đòi. Ðây là đầu, đây là vú ? Một người đàn bà ? Hai cái bóng ? Cái bóng đen của một người đàn bà mặc áo trắng ? Hoang mang, Sinh tự hỏi và ngờ vực cả mắt mình.

- B...ôố, bố về !

Sinh đã hiểu hết mọi chuyện từ đêm qua, khi thấy thằng cu Ðản chỉ bóng mình trên vách gọi là bố. Cái lắc đầu nguây nguẩy ban sáng của đứa con thơ khi y âu yếm bảo nó gọi mình là cha, cùng với câu bập bẹ định mệnh « không phải, bố tối mới về » bấy giờ mới rõ nghĩa ! Ðể dỗ con ngủ, người vợ chung thủy của Sinh vẫn chỉ bóng mình trên vách, nói dối con đấy là cha. Nhưng đã quá muộn. Sinh đã điên cuồng chửi rủa, đánh đập vợ trước mặt bao nhiêu người ở rải rác ven rừng đến mừng y chinh chiến trở về toàn vẹn, bất chấp mọi can ngăn.

Vợ Sinh bỏ đi đâu mất từ lúc ấy, trong bộ áo tang trắng ngày tiễn mẹ chồng. Sinh linh cảm thấy một cái gì bất thường, nhất là từ khi dân làng kháo nhau có người trông thấy ai như vợ Trương Sinh nhảy xuống ghềnh. Ðến chiều thì y biết chắc là vợ mình đã tự vẫn. Sinh tự nhủ mình đã giết oan một người. Và lần đầu tiên trong đời, y bỗng cảm thấy một sự xốn xang kỳ lạ, khác hẳn với mỗi khi vung gươm chém xuống quân địch.

Bây giờ kẻ bất hạnh trở về. Có lẽ để đòi Sinh đền mạng, như trong bao chuyện oan khuất vẫn được dân gian truyền tụng chăng ? Làm gì bây giờ cái bóng này đâu phải là vợ ta nữa mà có khi còn là một địch thủ nguy hiểm với những động tác không dễ đoán biết... Ý nghĩ này làm cả con người đã từng xông xáo sát phạt như y cũng cảm thấy cái gì lành lạnh chạy suốt sống lưng. Không có đến một tấc sắt trong tay tốt hơn ta nên tránh đụng độ ...

Bản năng sinh tồn bảo Sinh phải cử động thật nhẹ nhàng. Y khe khẽ đẩy lùi chiếc ghế. Tiếng động, dù thật nhỏ, cũng đủ làm cái bóng trắng quay đầu lại. Sinh nghe toàn thân rờn rợn với cảm tưởng rằng cái nhìn chằm chặp không mắt kia chính là than đen sắp bốc lửa. Y quýnh quáng mở cửa, rồi chạy lao về phía ngôi chùa làng trên đồi.

*

Trương Sinh thấp thỏm nhìn trời. Khi nghe y kể hết sự tình, nhà sư mù quả quyết rằng cái bóng kia sẽ còn hiện lên vách nếu có ánh đèn. Nhưng cũng khoảng giờ Tý hay trễ hơn ? Theo lời khuyên của ông, đêm nay Sinh trải chiếu ngồi khuất trong một góc ngay cạnh cửa sổ để ngỏ, và thử không thắp đèn xem sao. Dưới gối là cây gươm trận mà y đã bỏ công mài đi mài lại suốt buổi chiều. Có nó dưới tay, Sinh thấy an tâm hơn. Bất giác, y vừa tự nhủ thật là may đã không nằm ngủ với con trên chõng đêm qua, vừa hổ thẹn đã chạy trốn như kẻ chưa từng trận mạc.

Sinh ngồi chờ lâu lắm. Dù đã quen với những đêm mai phục đợi giặc, y vẫn thấy buồn ngủ khi chỉ có một mình, thỉnh thoảng phải vả vào mặt cho tỉnh. Lúc đầu, Sinh chăm chú rình từng cử động của thằng Ðản, chắc chắn rằng nếu có chi lạ, nó sẽ là người cảm thấy trước tiên. Chẳng ngờ cái ý nghĩ ấy lại có tác dụng trấn an. Ðôi mi y càng lúc càng nặng trĩu, rồi hai mắt từ từ khép lại lúc nào không hay.

- Bố, ... bôố về !

Sinh mở choàng mắt với tiếng báo động chờ đợi của con. Cái bóng hiện mờ mờ trên vách, tuy không chút ánh đèn. Thôi hỏng rồi quên bẵng là rằm... Vầng trăng tròn bên ngoài dường như lúc nào cũng đồng lõa với người cõi kia. Từ từ rút gươm dưới gối, Sinh lặng lẽ đứng lên.

- Con ơi con ngủ cho ngoan...

Bà mẹ khoan thai ru con, không màng đến sự có mặt của người cha. Vừa định cất bước, Sinh bỗng dừng ngay lại. Bóng ma chẳng có vẻ chi đe doạ mà ta đã làm người vô tội chết oan một lần rồi chẳng lẽ bây giờ lại đi gây hấn nữa rủi thằng Ðản bị thương trong trường hợp xô xát thì khổ ...

- ... Cho an lòng mẹ, cho tan nỗi niềm ...

Ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của chính mình, người lính chiến nghĩ cách hủy hoại cái bóng. Triết lý nhà chùa có khi đúng cũng nên nếu có nhân mà thiếu duyên thì bóng ma kia chắc đâu hiện lên được ?

- ...Cha đi bình định giặc Chiêm...

Sinh thò tay đóng cửa sổ. Ánh trăng đã hoàn toàn bị đuổi ra. Nhưng cái bóng không ra chơi với trăng. Chỉ có mắt y là đột nhiên biến thành mắt nhà sư.

- ...Ngày nơi biên hiểm, nửa đêm mới về !

Tiếng ru con rõ mồn một. Tay cầm gươm, Sinh vẫn đứng nguyên trong thế phòng ngự mọi bất trắc. Mắt trừng trừng cố tìm trong cõi đen một hình thù. Chịu ! Tai gắng định hướng thật chính xác cái tiếng ru trêu ngươi. Chịu ! Bất lực, Sinh ngồi bệt xuống, tay từ từ buông lỏng cán gươm. Lời nhà sư mù hôm qua lại lảng vảng bên tai. « Người mẹ chỉ về vì đứa bé thôi, chẳng thiết chi đến chuyện báo oán đòi mạng đâu, nếu không chắc gì tráng sĩ còn lành lặn mà ngồi đấy ! »

Trong căn nhà không đèn, không trăng, một gia đình đoàn tụ. Ðầy đủ cả, cha, mẹ, với đứa con thơ. Và lời ru tình nghĩa. Nhưng có cái gì u uẩn trong trái tim con người khiến người cha tự bảo rằng đấy là lần cuối. Kẻ thác oan thường báo oán độc địa trên đời sau phải ngăn chận ngay từ bây giờ mẹ thằng Ðản bắt nó theo hay o ám nó thành đứa dở sống dở chết ...

*

Trương Sinh đã mang con lên gửi chùa từ xế chiều. Bàn ghế bây giờ dồn cả vào bốn góc, mỗi góc một ngọn đèn. Tất cả mọi cửa đều mở toang, mời mọc trăng mười sáu. Nếu phải tác chiến, mọi cử động của bóng ma phải in thật rõ trên tường. Mắt đăm đăm nhìn lưỡi gươm, Sinh tập trung lẩm bẩm nhắc lại từng việc phải làm. Và để chống lại cơn buồn ngủ, người lính trận không ngại ra giữa trời vung gươm lên múa mỗi bận sang canh. Ánh gươm loang loáng dưới trăng làm y tự tin thêm phần nào trước loại địch thủ chưa từng đối phó.

Khi Sinh trở vào, trên vách đã lồ lộ một bóng đen. Người mẹ đang ngẩn ngơ nhìn chiếc chõng trống. Tiếng chân làm bà ngoảnh lại. Khuôn mặt tái xanh dưới những lọn tóc than rối tung, ẩm ướt, toàn thân trắng như mây.

Như dự tính, Sinh chậm rãi gập người xuống, song mắt vẫn đăm đăm nhìn lên thây ma, bàn tay phải nắm chặt cán gươm.

- Ta thật nặng lỗi với hiền thê. Có gì thì cứ trừng trị kẻ phạm tội, nhưng ...

Người đàn bà vẫn dáo dác tìm con như thể không nghe.

- ... xin chớ đụng đến con ta...

Vẻ ngơ ngác tuyệt vọng của người mẹ bỗng làm Sinh chạnh lòng. Y buột miệng :

- Ta đã gửi con trên chùa. Dầu sao nó cũng không thể sống giữa hai cõi âm dương !

Hai mắt của thây ma rực lên một màu máu sau những lọn tóc đen. Cặp mắt thú dữ ngày nào khi bắt quả tang Sinh cùng một người bạn đang bỏ cọp con vào rọ nứa chợt loé lên trong trí nhớ. Sinh rùng mình : lần ấy chỉ có y chạy thoát !

Người cha đứng chắn trước mặt, lưỡi gươm chĩa thẳng vào thây ma vừa nhón bước định ra cửa. Người đàn bà vẫn lừ lừ tiến tới. Sinh vung gươm bổ xuống, vụt ngang, chém dọc. Trong chớp mắt, cái thân trắng bị chẻ thành từng mảnh mây mỗi lúc một nhỏ. Ðể lại hội tụ nhanh chóng sau lưng y. Sinh quay vòng chém xối xả, đuổi đánh kẻ địch khắp bốn góc. Nhưng không có những thân người gục ngã, không có máu me bê bết chung quanh. Chỉ có một màu trắng bao bọc y, một khối đen không thể phân biệt loang loáng trên vách, và những mảnh bàn ghế đứt văng tứ tung. Càng lúc Sinh càng cảm thấy tuyệt vọng trước kết quả không lối thoát của cuộc đọ sức. Nghĩ đến con, y đổi cách đánh, cứ xông lên chém xối xả xong lại lui về trấn ở cửa, chờ bóng ma tiến tới. Trận chiến cầm chừng cứ thế kéo dài vô tận. Như đêm trăng và nỗi khiếp đảm trong ánh mắt của kẻ chờ chết.

Khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên thì người cha đã hết đứng vững. Y loạng choạng như kẻ trúng tên. Ðầu choáng váng, hình ảnh đứa con thơ chao đảo trong cặp mắt đỏ lờ đờ, tim đau quặn một cách kỳ lạ. Tay chân Sinh run bần bật, lưỡi kiếm trĩu xuống nền đất trong thế hàng phục. Kẻ chiến thắng lặng lẽ đứng nhìn, bất động và vô cảm. Khuôn mặt tái xanh đội những lọn tóc than rối tung, ẩm ướt, trên tấm thân mây.

Cùng với tiếng thây người ngã kéo bàn ghế đổ theo ồn ào, bóng ma thoăn thoắt ra cửa. Sau một thoáng ngần ngừ, người đàn bà theo những giọt sao mờ đi ngược về phía cuối sông. Bỏ lại sau đôi mắt kẻ hấp hối còn trừng trừng nhìn lên đồi, như lời kêu cứu tuyệt vọng cuối cùng cho đứa con thơ chỉ mới bập bẹ.

*

Trong ngôi chùa nhỏ hình chữ đinh, nhà sư mù điềm nhiên ngồi thiền, lưng quay ra cửa. Như chẳng hay biết rằng người khách mà ông chờ đợi từ đầu canh ba vừa bước vào. Chánh điện giờ này vắng lạnh, nghe được cả tiếng muỗi vo ve. Hàng nến đặt trước các pho tượng Phật, lớn bằng người nhưng đẽo gọt vụng về, toả ra chút ánh sáng yếu ớt, lung linh hắt lên tường một cái bóng mờ di động bên cạnh những khối đen của các pho tượng. Người đàn bà đã vượt qua chỗ ông ngồi chừng dăm sải tay.

- Mô Phật ! Tín nữ đến cúng dường đấy ư ? Quý hoá quá.

Người khách dừng lại như thể do dự.

- Ngồi đây uống trà, đàm đạo với bần tăng.

Người mẹ bước tới ngưỡng cửa dẫn vào bái đường, nơi đặt các pho tượng Hộ Pháp cũng đẽo bằng gỗ. Trên chiếc chiếu manh, thằng Ðản đang say sưa ngủ chứ không thức vòi vĩnh như mọi khi. Bên cạnh, một người đàn bà phe phẩy quạt.

- Cháu bé ngoan lắm. O Nhơn đã ru nó ngủ thay mẹ rồi. An tâm.

Ðược nhắc khéo, cô gái già nuốt nước bọt, thót bụng ghìm nỗi kinh sợ :

- Công... cha... như... núi ... Thái ... Sơn

- Ngồi đây đàm đạo với bần tăng.

O Nhơn vẫn cúi mặt ru. Phải nghĩ đến chuyện chi khác không thì chết khiếp mất mà chuyện gì bây giờ thì chuyện nhà sư mù cũng là dân lưu lạc như mình chẳng ai biết từ đâu đến người ta hỏi Thầy pháp danh là chi chỉ gãi đầu cười ngô nghê có người nói Thầy cũng chả mù thật đâu chỉ khép mắt không thiết nhìn chuyện thế gian thôi...

- ...Nghĩa mẹ ... như... nước trong... nguồn... chảy ra...

O Nhơn cảm thấy hai chân xếp bằng tròn ươn ướt, nong nóng. Lão lý trưởng nói tôi biết Thầy này tu cao thâm lắm rồi sai tráng đinh đẽo tượng xây chùa mời Thầy ở lại Nam Xương lão này khôn thật từ ngày Thầy về lão ít việc hẳn đi ai cũng lên chùa xin Thầy hướng dẫn chẳng hạn như ban sáng Thầy bảo đừng chôn mà thả xác Trương Sinh trôi sông cho vợ chồng người ta đoàn tụ mà giải kết oan khúc với nhau thế là lão gật gù ngay...

- ...Một lòng... thờ... mẹ... kính cha...

O Nhơn vẫn dán chặt mắt dưới đất, dù lời ru có vẻ mạch lạc hơn. Khổ nỗi Thầy lại bảo mình lên chùa giả làm mẹ nuôi ru thằng nhỏ trong khi Thầy trò chuyện với ma mẹ đừng cho nó ngủ ngày rủi thằng bé tối lại thức khuya vòi vĩnh như mọi khi thì hỏng cả ...

Nhưng kế hoạch của nhà sư có vẻ thành công. Người mẹ vẫn đứng ở ngưỡng cửa, trên khuôn mặt tái xanh lóng lánh cái gì như hai dòng lệ.

- ...Cho tròn... chữ hiếu.. . mới ... là... đạo con ...

- Xả ! Thương yêu cũng trói buộc như thù hận. Tín nữ phải xả mới đi được.

Giọng trầm ấm của nhà sư rót mồn một vào tai o Nhơn, làm kẻ tâm phúc của ngôi chùa làng bỗng nhiên thấy điềm tĩnh hơn. O ngân nga lặp lại lời ru, mắt liếc vội về phía cửa.

- Không mang thằng nhỏ theo được thì quyến luyến làm chi. Ðể nó ở đây làm con nuôi o Nhơn. Tín nữ biết o mà.

Có cái gì nghe như tiếng nấc trong tai người mù.

- Bần tăng sẽ thu nhận cháu làm đệ tử và lo cho nó nên người. Cứ an tâm mà đi.

Một khoảnh khắc vô tận trong mắt o Nhơn. Rồi cái bóng trắng từ từ bước ra. Người mẹ còn đứng tần ngần một thiên thu nữa trên thềm chùa như lại muốn quay vào. Nhưng không ! Nhà sư mù nghe một hơi thở hắt thật dài rồi tắt ngúm - lối thở của kẻ vĩnh viễn lìa trần. Cái bóng trắng đã theo tiếng mõ với lời cầu siêu của nhà sư về cõi trăng sao... Từ đấy, không ai còn gặp lại bà Vũ Thị Thiết, người thiếu phụ Nam Xương nữa.

*

Như mọi ngày, chú tiểu rời khỏi miếu mẹ ở đầu ghềnh rồi lững thững đi về phía ngôi nhà cũ. Chú còn nhớ rất rõ. Sáng hôm ấy, đột nhiên Thầy dắt chú lên viếng miếu này. Cái miếu thờ mà lý trưởng đã bảo dân làng xây « để làm gương cho mai hậu », rồi sau còn được cả nhà vua đến viếng, đề thơ và cấp tiền bảo quản. Rồi Thầy dẫn cậu bé về đây, kể cho chú nghe một câu chuyện, trước khi kết luận :

- Ðấy, chuyện đời con là như thế. Và đây là nhà con mười năm trước.

Ngôi nhà bây giờ trống trơn. Các cửa lúc nào cũng mở toang, rộng đón nắng, mưa, trăng, sao. Trước tấm vách nhìn ra cửa đặt một bát hương, đó là một thứ miếu rất khác mà Thầy đã làm cho bố mẹ chú tiểu, không phải để thờ. Từ năm lên mười, mỗi lần kinh kệ xong, Thầy bảo chú xuống đây định tâm. Chú ngồi trước tấm vách hàng giờ, ánh mặt trời đằng sau hắt bóng chú lên tường. Thầy bảo chú tìm cho nó một cái tên. Chú không hiểu tại sao Thầy lại bảo mình đặt tên cho tấm vách, mà Thầy lại không đặt cả pháp danh cho mình.

- Ðấy là công án (1) của con, khi nào tìm được là chứng ngộ.

- Chứng ngộ là gì, Thầy ?

- Là cuộc đời này như thế nào thì nhìn thấy nó như thế ấy, nên hết đau khổ.

- Thầy ơi, làm sao thấy được như vậy ?

- Con phải trút bỏ hết những trói buộc, mê muội...

- Làm sao chỉ nhìn bóng trên tường, đặt tên vách mà vất bỏ được ?

- Ðược. Vì đấy chỉ là những ngón tay để con nương theo mà nhìn thấy mặt trăng.

- Chừng nào con mới cắt bỏ được hết trói buộc, mê muội ?

- Con sẽ tự biết khi tìm ra giải đáp cho công án.

- Rồi con sẽ nói với Thầy, ... chỉ có Thầy mới biết là đúng hay sai .

- Con sẽ tự biết. Có khi lúc ấy Thầy chẳng còn nữa.

- Thầy không còn nữa, thì ai cho con làm tỳ kheo ?

- Chẳng ai cho cả. Con sẽ thành tỳ kheo hay không bởi cách hành xử của con.

Nhà sư già viên tịch vài năm sau thật. O Nhơn, bà mẹ nuôi thương yêu cũng không còn. Nhưng chú tiểu vẫn ngày ngày kinh kệ, đèn sách, thiền định. Chú còn ngồi xếp bằng tròn để ánh mắt trời hắt bóng mình lên vách, suy tưởng về công án trong nhiều năm liền. Cho đến một hôm, chú không còn thấy cần thiết trở lại ngôi nhà cũ nữa. Người ta nói chú đã tìm ra giải đáp, nhưng cũng chẳng ai biết chú đặt tên vách là gì. Chỉ nghe rằng hôm ấy, khi chú đứng lên, cái bóng vẫn ngồi lại.

Phạm Trọng Luật

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TRÍ THỨC?

 

Tác giả: Paul Alexandre Baran
Người dịch: Phạm Trọng Luật

____________


Paul A. Baran là một nhà kinh tế học người Mỹ theo chủ nghĩa Marx. Tiểu luận «The Commitment of the Intellectual» ra đời trên Monthly Rewiewtháng 5 năm 1961. Bản dịch tiếng Pháp, đăng trên tạp chí Partisanstháng 10 năm 1965 dưới tựa đề «Qu’Est-ce qu’un Intellectuel», đã được Trần Sóc Sơn sử dụng để chuyển sang Việt ngữ trên Gió Nội lần đầu vào khoảng cuối thập niên 1960. Trong lần dịch lại này, chúng tôi sử dụng bản gốc tuy nhiều chỗ vẫn dựa trên bản cũ, đồng thời giữ lại tựa đề của bản Pháp văn và đặt thêm một số tiểu tựa cho dễ đọc.

Ở đây, khi lập đường phân thủy giữa «trí thức» với «lao động trí thức», Baran đã đưa ra một sự phân biệt hợp lý và cần thiết. Và mặc dù được khai sinh trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, thật ra nó đã vượt thoát khuôn khổ của môi trường này. Phê phán của ông đối với một thành phần xã hội nào đó ở Hoa Kỳ vẫn còn nguyên giá trị, nếu đường ranh trên được áp dụng trong một khung cảnh khác, quốc gia chậm tiến hay chủ nghĩa xã hội đương tồn.
Phạm Trọng Luật.

_____________



Thế nào là người trí thức? Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động dùng trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ «trí thức». Những thành ngữ như «dài lưng tốn vải» và «trí thức trùm chăn»
[1] cho phép ta nghĩ rằng có một khái niệm khác hẳn trong công luận để chỉ hạng người nào đó như một tầng lớp nhỏ hơn bên trong loại người «lao động bằng trí óc».

PHÂN CÔNG XÃ HỘI

Đây không phải là sự tinh tế gò bó và vô bổ về từ ngữ. Thật ra, sự tồn tại của hai khái niệm khác nhau đó phản ánh một điều kiện xã hội hiện thực: hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ đánh giá trung thực hơn vị trí và chức năng của người trí thức trong xã hội. Tuy rộng, định nghĩa đầu áp dụng chính xác cho một nhóm người khá đông, hợp thành một thành phần quan trọng của xã hội: họ làm việc với óc não nhiều hơn là bắp thịt, và sinh sống bằng trí tuệ hơn là bàn tay. Hãy gọi họ là người lao động trí thức. Đó là những nhà kinh doanh, y sĩ, quản đốc xí nghiệp, người phổ biến «văn hoá», nhân viên chứng khoán và giáo sư đại học… Tập hợp này, cũng như tập hợp «tất cả người Mỹ» hay «tất cả những người hút ống điếu» không có gì là xúc phạm. Sự sinh sôi nẩy nở đều đặn của nhóm lao động trí thức này là một trong những nét nổi bật nhất của tiến hoá lịch sử cho đến nay. Nó phản ánh một khía cạnh chủ yếu của việc phân công xã hội, đã bắt đầu với sự kết tinh của một tập đoàn tu sĩ chuyên nghiệp và đạt đến tột đỉnh với chủ nghĩa tư bản phát triển: sự tách rời hoạt động trí óc khỏi hoạt động tay chân, «dân thầy» khỏi «dân thợ».

Cả nguyên nhân lẫn hậu quả của sự phân cách này đều rất phức tạp, và lý do sâu xa cũng như tác động của nó đều nhiều như nhau. Vừa nhờ ở sự bành trướng liên tục của năng xuất mà có, lại vừa đóng góp mạnh mẽ vào sự bành trướng ấy, cách biệt này cùng lúc trở thành một trong những nét chính của hiện tượng phân tán tiệm tiến nơi mỗi cá nhân, của cái mà Marx gọi là «sự tha hoá của con người đối với chính hắn». Sự tha hoá ấy không chỉ biểu lộ qua sự tê liệt và méo mó mà phân cách này tạo ra cho sự trưởng thành và phát triển của mỗi cá nhân (việc người lao động trí thức «vận động» chút đỉnh trong khi người lao động chân tay thỉnh thoảng tham gia vào hoạt động «văn hoá» chỉ có tác dụng làm cho hiện tượng này trầm trọng hơn, chứ không thuyên giảm), mà còn biểu lộ qua sự phân cực triệt để xã hội thành hai phe xung khắc và không còn chút liên hệ nào với nhau. Sự phân cực này, thẳng góc với những mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp xã hội, còn gây ra một lớp sương ý thức hệ dày đặc, che lấp những thách thức đích thực mà xã hội phải đối phó, đồng thời tạo ra những vấn đề giả, những đổ vỡ cũng khốc hại chẳng kém gì trường hợp các thành kiến về chủng tộc hoặc mê tín tôn giáo. Rõ ràng là tất cả người lao động trí thức đều có một quyền lợi chung: tránh bị dồn đến chỗ phải làm những công việc tay chân cực nhọc nhưng lương kém hơn, và - bởi vì chính họ lập ra tiêu chuẩn về sự khả kính – ít được trọng vọng. Do quyền lợi này dẫn dắt, họ có khuynh hướng tuyệt đối hoá vị trí xã hội của mình, phóng đại mức khó khăn của công việc và độ phức tạp của loại khả năng cần thiết, thổi phồng sự quan trọng của cái học hình thức, của bằng cấp đại học, v. v… Rồi, tìm cách bảo vệ ưu thế của mình, họ chống lại những người lao động tay chân, tự đồng hoá với nhóm lao động trí thức thuộc giai cấp lãnh đạo, và đứng về phe ủng hộ cái trật tự xã hội đã tạo ra và che chở địa vị cùng những đặc quyền, đặc lợi của họ.
NGƯỜI LAO ĐỘNG TRÍ THỨC

Vì thế, trong chế độ tư bản, người lao động trí thức là hình ảnh điển hình của tên đầy tớ trung thành, nhân viên thừa hành, công chức và phát ngôn nhân của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Anh ta xem cái trật tự hiện hữu xung quanh là tự nhiên, và chỉ chất vấn hiện tình, hiện trạng xã hội trong khuôn khổ giới hạn của những bận tâm trước mắt, nghĩa là chỉ liên quan đến công việc trong tầm tay. Nếu không hài lòng về phí tổn sản xuất của nhà máy mà anh là sở hữu chủ, giám đốc hay người làm công, anh ta sẽ tìm cách làm nó giảm bớt. Nếu được giao trách nhiệm «bán» một thứ xà bông hoặc một ứng cử viên chính trị mới cho dư luận, anh sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách chu đáo và khoa học. Nếu không thỏa mãn với những kiến thức hiện có về cấu trúc nguyên tử, anh sẽ dành hết nghị lực và tài năng siêu phàm để tìm ra phương thức làm tăng thêm hiểu biết về cấu trúc ấy. Người ta có thể nghĩ rằng đó là một kỹ thuật gia. Nhưng điều này dễ gây ngộ nhận. Với tư cách là chủ tịch xí nghiệp, anh có thể lấy nhiều quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, đến công ăn việc làm và đời sống của hàng triệu người. Với tư cách là công chức cao cấp trong chính phủ, anh có thể ảnh hưởng lên cả những biến chuyển của tình hình thế giới. Là giám đốc một viện hay một cơ quan khoa học quan trọng, anh có thể quy hoạch chiều hướng và phương pháp nghiên cứu cho một số lớn các nhà khoa học trong nhiều năm liền. Tất cả những điều trên dĩ nhiên là không phù hợp chút nào với nội dung của từ «kỹ thuật gia». Danh từ này thường được dùng để chỉ loại cá nhân mà công việc là áp dụng chủ trương chứ không phải là soạn thảo chính sách, là chọn lựa những phương tiện thích nghi chứ không phải là quyết định các mục tiêu nhắm đến, là theo dõi việc thực hiện chương trình trong chi tiết chứ không phải là quy hoạch những dự án lớn. Tuy nhiên, danh từ «kỹ thuật gia» nói lên bản chất của tập hợp gọi là «người lao động trí thức» còn trung thực hơn cả nghĩa thông thường của từ này.

Tôi lặp lại: đối tượng công tác và suy tư của người lao động trí thức là những việc làm trong tầm tay. Ðó là sự hợp lý hoá, chế ngự và vận dụng cái phần thực tại mà anh phải chăm lo trước mắt. Trong nghĩa này, anh ta không khác bao nhiêu hoặc không khác chút nào với người lao động tay chân chuyên cán mỏng những tấm kim khí, ráp máy hay xây tường. Nói bằng thể phủ định, người lao động trí thức, trong tư cách này, không quan tâm tới ý nghĩa, tính chất, vị trí của công việc mình làm trong toàn bộ sinh hoạt xã hội. Nói cách khác nữa, anh ta không nghĩ gì tới mối tương quan giữa phần nhân lực trong đó có hoạt động của mình với những phần nhân lực khác, và với toàn bộ quá trình lịch sử. Phương châm «tự nhiên» của anh ta là hãy lo chuyện của mình, và nếu cần mẫn và có tham vọng, cố sao trở thành người hữu hiệu nhất, thành công nhất trong lãnh vực này. Còn về phần những người khác, cũng vậy, họ hãy lo công việc của họ, bất cứ đó là việc gì. Quen suy nghĩ với những danh từ như huấn luyện, kinh nghiệm, khả năng, người lao động trí thức cho rằng lo nghĩ đến những vấn đề có tính cách toàn thể như thế cũng là một công việc chuyên môn như bao việc khác. Ðối với anh ta, đó là «lãnh vực» của các triết gia, chức sắc tôn giáo, nhà chính trị, cũng như «văn hoá» hay «giá trị» là địa hạt của các nhà thơ, nghệ sĩ và bậc hiền minh.

Từng cá nhân, người lao động trí thức có thể không phát biểu quan điểm trên một cách rõ ràng; cũng có thể là anh ta không ý thức được nó nữa. Nhưng mỗi người, gần như tự bản năng, nếu có thể nói như thế, đều ưa thích loại lý thuyết đã thu nhập và hợp lý hoá được quan điểm này. Một trong những lý thuyết ấy là quan niệm nổi tiếng lâu đời của Adam Smith về một thế giới trong đó mỗi người làm vườn, bằng cách chăm lo mảnh vườn riêng của mình, sẽ góp phần tốt nhất vào sự thịnh vượng chung của tất cả các mảnh vườn khác của mọi người. Dưới ánh sáng của triết lý này, sự quan tâm về cái toàn thể bị đặt ngoài trung tâm của những lo nghĩ cá nhân, và chỉ còn tác động trên anh ta một cáchhời hợt bên lề, nếu chưa hoàn toàn mất hết hiệu lực, nghĩa là chỉ ảnh hưởng tới anh ta trong tư cách công dân. Sức mạnh và ảnh hưởng của thứ lý thuyết đó xuất phát từ một chân lý quan trọng mà nó hàm chứa: trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, cá nhân phải đương đầu vớicái toàn thể như một quá trình đã được khách quan hoá, toàn năng, chuyển động một cách phi lý bởi những lực tăm tối mà anh ta không thể hiểu được, do đó, lại càng không thể ảnh hưởng tới được.

Một lý thuyết khác cũng phản ánh điều kiện của người lao động trí thức và thỏa mãn những đòi hỏi của anh ta, đó là quan niệm về sự cách ly giữa phương tiện với cứu cánh, sự ly dị giữa một bên là khoa học và kỹ thuật học, một bên là sự xác định mục tiêu và giá trị. Thái độ này, đến từ một giòng tư tưởng cũng cao quý không kém gì giòng tư tưởng của Adam Smith, đã được Charles Percy Snow [2] xem rất đúng là «một phương thức thoái thác trách nhiệm». Theo ông: «Những người muốn trốn tránh trách nhiệm thường nói:chúng tôi sản xuất ra dụng cụ. Chúng tôi ngừng ở đó. Bây giờ đến lượt các ông, những người còn lại, những người làm chính trị, nói rõ cách dùng các món đồ đó. Có thể là chúng sẽ được dùng vào những mục đích mà phần lớn chúng ta cho là xấu xa. Nếu thế, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, việc đó không thuộc thẩm quyền chúng tôi». Và những gì áp dụng cho nhà khoa học, cũng áp dụng cho tất cả những người lao động trí thức khác, với một áp lực tương đương.

Dĩ nhiên, «thoái thác trách nhiệm», trên thực tế, dẫn đến cùng một thái độ với «lo lấy phần việc của mình»; đó chỉ là cách nói mới. Và thái độ này vẫn không thay đổi, dù hiện nay một khuynh hướng khá phổ biến đặt tín nhiệm ở chính phủ nhiều hơn ở nguyên tắc phó mặc buông trôi, thay thế bàn tay vô hình của Thượng Đế bằng bàn tay lộ liễu hơn, nếu không nhất thiết phải là hữu ích hơn, của nhà nước tư bản chủ nghĩa. Kết quả vẫn thế: quan tâm tới cái toàn thể không phải là việc của cá nhân; và bỏ mặc mối lo đó cho kẻ khác, cá nhân chấp nhận, qua chính sự bỏ mặc ấy, cấu trúc hiện hữu của cái toàn thể như một dữ kiện, đồng thời tán đồng các tiêu chuẩn về lý tính, những giá trị đang giữ phần ưu thắng trong xã hội, cũng như loại thước đo về hiệu năng, sự thực hiện và sự thành đạt hiện hành.
THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TRÍ THỨC?

Tôi đề nghị chúng ta tìm đường phân thủy giữa người lao động trí thức và trí thức [3] qua thái độ của họ đối với những vấn đề đặt ra bởi toàn bộ quá trình lịch sử. Bởi vì một đặc tính của người trí thức giúp ta phân biệt anh ta với người lao động trí thức, và với tất cả những người khác, là sự kiện này: sự quan tâm của anh ta đối với toàn bộ quá trình lịch sử không phải là một thái độ hời hợt ngoài mặt, nó ăn sâu vào tâm trí anh, và chi phối công việc anh ta làm. Tự nhiên, điều đó không có nghĩa là trong sinh hoạt thường nhật, người trí thức lăn xả vào việc nghiên cứu tất cả quá trình phát triển lịch sử. Chuyện ấy hiển nhiên là không thể xảy ra. Nó chỉ thật sự có nghĩa là người trí thức luôn luôn tìm cách gắn liền bất kỳ phạm vi lao động riêng biệt nào của mình với những mặt khác của cuộc sống. Chính sự cố tâm nối liền các sự việc với nhau – những sự việc mà, trong trường hợp người lao động trí thức sinh hoạt trong khuôn khổ các định chế tư bản chủ nghĩa và thấm nhuần cả ý thức hệ lẫn văn hoá tư sản, nhất định sẽ bị nhốt cứng trong các ngăn kiến thức hoặc lao động xã hội rời rạc -, chính cố tâm nối kết đó xác lập một trong những đặc điểm nổi bật của người trí thức. Và cũng chính nó xác nhận một trong những chức năng chính của người trí thức trong xã hội: nhắc nhở và biểu trưng cho một sự kiện hết sức cơ bản trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, là những mẩu nhỏ của cuộc sống xã hội, tuy bề ngoài có vẻ độc lập, hỗn tạp và rời rạc – văn học, nghệ thuật, chính trị, trật tự kinh tế, khoa học, điều kiện văn hoá và tâm lý cá nhân - đều có thể được hiểu rõ (và bị chi phối) khi nào chúng được nhận diện rõ rệt như các bộ phận của toàn bộ quá trình lịch sử.

Nguyên tắc «chân lý là cái toàn thể» này – nói theo ngôn ngữ của Hegel -, ngược lại, bao hàm điều tất yếu không thể tránh: từ chối chấp nhận bất cứ một bộ phận nào của cái toàn thể chỉ như dữ kiện, hoặc xem nó như không thể nào tìm hiểu, phân tích được. Dù là nghiên cứu về nạn thất nghiệp trong một nước hay sự lạc hậu và đói rách ở một nước khác, về tình trạng giáo dục hiện nay hay sự phát triển của khoa học trong giai đoạn trước, không một toàn bộ những điều kiện chi phối bất cứ xã hội nào có thể được chấp nhận như tự nhiên vốn như thế, hoặc nằm «ngoài lãnh vực». Hoàn toàn không thể nào chấp nhận được sự trốn tránh phơi bày mối liên hệ phức tạp giữa bất kỳ hiện tượng gì ta đang khảo sát với vấn đề trung tâm quá hiển nhiên của sự phát triển lịch sử: tính năng động và sự tiến hoá của ngay chính trật tự xã hội.

Quan trọng hơn nữa, cần phải ý thức rõ hậu quả của thói quen xem những cái gọi là «giá trị» được mọi người tôn trọng như hoàn toàn nằm ngoài phạm vi nghiên cứu khoa học; đây là một lối hành xử đã được hệ tư tưởng tư sản chủ tâm bồi dưỡng. Bởi vì các «giá trị» và những «phán đoán đạo đức» này, mà người lao động trí thức thường xem như loại dữ kiện bất khả xâm phạm, không hề từ trên trời rơi xuống. Bản thân chúng cũng chính là những khía cạnh và kết quả quan trọng của sự phát triển lịch sử; ở đây, không những chúng cần phải được nhận diện dứt khoát như thế, mà nguồn gốc và vai trò lịch sử của chúng còn cần phải được khảo sát kỹ lưỡng. Thật ra, sự phi thiêng hoá các «giá trị», «phán đoán đạo đức» và những thứ tương tự, sự nhận diện các nguyên nhân xã hội, kinh tế và tâm lý đã khiến chúng xuất hiện, tiến hoá và biến mất, cũng như sự lột trần loại quyền lợi đặc thù mà chúng phục vụ ở từng thời kỳ lịch sử nhất định… chính là đóng góp riêng lớn nhất mà người trí thức có thể mang đến cho sự tiến bộ của loài người.

«TRUNG LẬP ĐẠO ĐỨC?»

Ðiều này nêu lên một vấn đề mới. Khi nhận định rằng chức năng của mình chỉ là áp dụng những phương tiện tốt nhất để đạt đến các mục tiêu cho sẵn, người lao động trí thức đã lấy thái độ bất khả tri đối với ngay chính các mục tiêu đó. Trong khả năng như chuyên viên, giám đốc hay kỹ thuật gia, họ tin rằng họ không có thẩm quyền chi hết trong việc quyết định những mục tiêu phải theo đuổi, cũng như trong việc phát biểu sự ưa chuộng một mục tiêu nào đó hơn một mục tiêu khác. Như đã nói, họ chấp nhận là họ có thể, trong tư cách công dân, có một vài sở thích, với hệ số không hơn cũng chẳng kém gì sở thích của người khác. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, chuyên gia, nhà thông thái,… họ khước từ lên tiếng tán đồng «phán đoán giá trị» này hoặc phán đoán khác. Một sự thoái vị như thế, trên thực tế, chỉ có nghĩa là tán đồng mãi mãi hiện trạng, là đưa tay cứu giúp những kẻ đang tìm đủ cách để ngăn cản mọi nỗ lực thay đổi trật tự xã hội hiện hữu bằng một trật tự mới tốt đẹp hơn. Chính sự «trung lập đạo đức» này đã khiến hơn một nhà kinh tế, xã hội, nhân chủng học... tuyên bố rằng, vì là nhà khoa học, họ không thể phát biểu một ý kiến nào hết về việc các nước kém mở mang có nên bước vào con đường tăng trưởng kinh tế hay không; cũng chính nhân danh cùng một thứ «trung lập đạo đức» này mà nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã cống hiến không ít năng lực và thiên tài của mình vào việc phát minh và hoàn chỉnh loại vũ khí vi khuẩn.

Đến điểm này, người ta có thể bắt bẻ rằng tôi đang lập luận luẩn quẩn, tiên quyết cho là đúng chính cái điều cần phải chứng minh, rằng nếu có vấn đề ở đây chính là vì không ai có thể suy diễn, chỉ bằng sự hiển nhiên và lý luận không thôi, tính chất tốt hay xấu, lợi hoặc hại của một sự việc nào đó đối với hạnh phúc của nhân loại. Dù mạnh đến đâu, luận cứ trên nằm ngoài vấn đề đang bàn cãi. Ai cũng có thể đồng ý rằng, về những gì tốt hay xấu cho sự tiến bộ của nhân loại, người ta không thể nào đạt đến một phán đoán có giá trị tuyệt đối cho mọi nơi và mọi thời. Nhưng có thể nói một phán đoán tuyệt đối và phổ quát như thế chỉ là vấn đề giả, và nhấn mạnh trên tính thiết yếu của nó chính là một khía cạnh của hệ tư tưởng phản động. Sự thật hiển nhiên là cái gì có thể thúc đẩy sự tiến bộ, có cơ may cải thiện kiếp người, những gì thuận lợi cho số phận con người hoặc ngược lại, khác nhau tùy từng thời kỳ lịch sử và từng địa điểm trên trái đất. nhưng những vấn đề mời gọi phát biểu ý kiến không hề thuộc loại trừu tượng, tư biện về «thiện», «ác» chung chung, mà luôn luôn là các vấn đề cụ thể, đặt ra trên lịch trình xã hội bởi những căng thẳng và đối kháng, bởi các tập hợp chóng đổi thay của lịch sử. Cổ kim chưa thời nào, nơi nào có khả năng, mà cũng không hề có sự bắt buộc, đạt đến những giải pháp có giá trị tuyệt đối; tuy ở mọi nơi, mọi thời đều có thách đố sử dụng sự khôn ngoan, kiến thức và kinh nghiệm đã tích tụ được của nhân loại để tiến đến càng sát càng tốt, một giải pháp ước chừng như tốt đẹp nhất trong những điều kiện hiện hữu.

Nếu chúng ta theo gương kẻ «thoái thác trách nhiệm», những người chủ trương «trung lập đạo đức» chỉ quan tâm đến phần việc riêng của mình, thì chính chúng ta sẽ ngăn cản tầng lớp này của xã hội - lớp người có (hay đáng lẽ phải có) những kiến thức và học thức phong phú đầy đủ nhất, nhiều khả năng khám phá và hấp thụ kinh nghiệm lịch sử nhất - trong việc cung cấp cho xã hội một phương hướng nhân bản cùng sự lãnh đạo sáng suốt có thể thu góp ở mỗi ngã tư của cuộc hành trình lịch sử. Nếu «tất cả mọi ý kiến có thể phát biểu đều có giá trị không hơn không kém gì ý kiến của tôi», như gần đây một nhà kinh tế học lỗi lạc đã lưu ý, thì đâu là sự đóng góp mà các nhà khoa học và người lao động trí thức đủ loại có ý muốn và có khả năng mang lại cho hạnh phúc xã hội? Trả lời rằng đấy là sự «biết làm như thế nào» cần thiết để thực hiện mọi mục tiêu mà xã hội có thể chọn lựa không phải là giải đáp thỏa đáng. Phải thấy rõ rằng «sự chọn lựa» của xã hội không phát sinh từ phép lạ: dù ở thời điểm nào, xã hội cũng bị đưa đẩy đến một vài chọn lựa bởi những quyền lợi có năng lực cám dỗ, dọa dẫm hoặc bắt buộc. Khi người lao động trí thức từ bỏ việc tìm cách ảnh hưởng lên quyền quyết định những chọn lựa đó, sự đào nhiệm này không hề để lại khoảng trống nào trong lãnh vực tạo tác giá trị. Nó chỉ đơn thuần buông thả công việc cực kỳ quan trọng ấy vào tay bọn lang băm, bịp bợm và bè lũ, mà dụng tâm có thể là mọi thứ trừ lòng nhân.

KHÁT KHAO CHÂN LÝ?

Cần nêu ra đây một luận cứ khác của những người chủ trương «trung lập đạo đức» mạch lạc nhất. Họ nhận thấy, đôi khi với chút do dự và hổ thẹn nào đó, rằng nói cho cùng, chưa ai chứng minh được bằng sự hiển nhiên và lý luận rằng sống nhân đạo có đôi chút giá trị đạo đức nào. Tại sao một số người lại không cam tâm chịu đói khổ, nếu sự đói khổ của họ giúp kẻ khác được hưởng thụ giàu sang, tự do và hạnh phúc? Tại sao lại phải tìm cách cải thiện điều kiện sinh sống của đại chúng thay vì chăm lo quyền lợi riêng tư? Tại sao lại phải bận tâm chở «sữa nuôi mọi» [4], khi sự bận tâm này là đầu mối của mọi lo lắng, khó chịu? Thái độ nhân đạo phải chăng tự nó chỉ là một «phán đoán giá trị» thiếu nền tảng luận lý? Cách đây khoảng 30 năm, một lãnh tụ sinh viên quốc xã đã đặt cho tôi loại câu hỏi trên trong một buổi họp công cộng (về sau, anh ta trở thành sĩ quan SS nổi tiếng của Gestapo), và câu trả lời hay nhất mà tôi tìm ra lúc ấy vẫn còn là câu hay nhất đối với tôi ngày nay: thảo luận về các sự việc liên quan đến con người chỉ có nghĩa giữa những kẻ có nhân tính; nói chuyện về con người với súc vật chỉ tổ mất thì giờ.

Đây là điểm trên đó người trí thức không có quyền thoả hiệp. Bất đồng, tranh luận, và ngay cả xung đột trầm trọng là điều không thể tránh, và trên thực tế, không thể không có để xác định nội dung cũng như phương tiện thực hiện những điều kiện cần thiết cho sức khỏe, sự phát triển và hạnh phúc của con người. Nhưng sáp nhập vào chủ nghĩa nhân bản, và tôn trọng nguyên tắc theo đó việc tìm kiếm sự tiến bộ của loài người tự nó không cần tới bất kỳ một biện minh nào của khoa học hay luận lý phải là thứ nền tảng có giá trị định đề cho mọi nỗ lực trí thức xứng đáng; và cá nhân nào không chấp nhận nền tảng đó đều không thể tự xem hoặc được xem như người trí thức.

Dựa trên những bài viết của ông, chắc chắn là Charles Percy Snow đã chấp nhận không chút đắn đo khởi điểm đó; tuy nhiên, dường như ông tin rằng sự dấn thân của người trí thức có thể tóm thu vào bổn phận nói lên sự thật (ở đây, xin ghi thêm rằng cũng không có cơ sở hiển nhiên hay lý lẽ nào khiến sự thật phải được yêu chuộng hơn sự gian trá!). Thật ra, lý do chính khiến ông khâm phục các nhà khoa học là sự tận tụy với chân lý của họ. Ông viết: «Họ muốn tìm ra những gì có đó. Không có ham muốn này, không có khoa học. Đấy là động lực của toàn bộ sinh hoạt này. Nó bắt buộc nhà khoa học phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, từ đầu đến cuối cuộc nghiên cứu. Nếu anh muốn tìm ra cái gì đang có đó, anh không được lừa gạt mình hoặc gạt gẫm bất cứ ai khác. Không được tự dối trá. Ở mức độ sơ đẳng nhất, anh không được giả mạo trong các cuộc thí nghiệm». Tuy nhiên, nếu mệnh lệnh trên góp phần biểu hiện thể thức dấn thân căn bản của người trí thức, nó không thể bao gồm toàn bộ vấn đề. Thật thế, vấn đề không phải chỉ là nói lên sự thật hay không, mà còn là cái gì là sự thật trong mỗi trường hợp nhất định, là nói lên sự thật về cái gì, và không nói lên về cái gì. Ngay trong lãnh vực khoa học tự nhiên, đây là những vấn đề quan trọng, và rất nhiều thế lực hiện đang cố gắng vận chuyển nghị lực và tài năng của các nhà khoa học theo một vài chiều hướng nào đó, hoặc đang tìm cách ngăn chận và phá hoại những kết quả họ đã thu hoạch được ở các phương hướng khác. Vấn đề còn mang một ý nghĩa then chốt khi đề tài nghiên cứu gắn liền với cấu trúc và tính năng động của xã hội. Sự thật về một sự kiện xã hội có thể (và chắc chắn sẽ) biến thành điều láo khoét, nếu sự kiện đó bị tách rời khỏi toàn bộ xã hội, hay biệt lập với quá trình lịch sử mà nó là thành phần cấu tạo. Như thế, trong lãnh vực này, cái gọi là sự thật thường được truy tầm và nói lên (một cách an toàn) về những việc chẳng quan trọng chút nào; sự đeo đuổi và phát biểu thứ sự thật đó dần dần trở thành một vũ khí tư tưởng mạnh mẽ cho những kẻ bảo vệ hiện trạng. Ngược lại, nói lên sự thật về những gì quan trọng, tìm kiếm sự thật về vấn đề toàn bộ, phát hiện ra những nguyên nhân xã hội, lịch sử, cùng sự thâm nhập vào nhau của các thành phần khác biệt bên trong cái toàn thể, là một thái độ dễ bị kết án là phản khoa học và có tính chất tư biện; thái độ đó sẽ bị trừng phạt bằng sự kỳ thị nghề nghiệp, cô lập hoá hoặc doạ nạt công khai.
TRÍ THỨC, NGƯỜI PHÊ PHÁN XÃ HỘI

Khao khát nói lên sự thật, vì vậy, chỉ là một điều kiện để làm người trí thức. Điều kiện khác nữa là phải can đảm, phải dám suy nghĩ đến cùng, «dám phê phán không xót thương tất cả những gì hiện hữu, không xót thương ở chỗ sự phê phán đó không lùi bước trước chính những kết luận của nó, hay trước mọi đụng chạm dù với bất cứ thứ quyền hành nào» (K. Marx). Như vậy, người trí thức tự bản chất là kẻ phê phán xã hội, người mà ưu tư là nhận diện, phân tích sự vật, và bằng cách đó, góp phần vượt qua mọi trở ngại ngăn cản sự vươn tới một trật tự xã hội tốt đẹp, nhân đạo và hợp lý hơn. Do đó, anh ta trở thành lương tri của xã hội và là phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ mà trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nào xã hội cũng có. Tất nhiên là anh ta sẽ bị giai cấp lãnh đạo, luôn luôn tìm cách duy trì hiện trạng, xem như phần tử gây rối, phá hoại, và anh ta cũng sẽ bị ngay chính những người lao động trí thức làm thuê cho họ cáo buộc như kẻ không tưởng, hoặc – trong trường hợp tử tế nhất – nhà siêu hình học, và – trong trường hợp tồi tệ nhất – tên phiến loạn.

Giai cấp lãnh đạo càng phản động, thì trật tự xã hội mà nó thống trị ngày càng hiển nhiên là đã trở thành một chướng ngại cho sự giải phóng con người, hệ tư tưởng của nó lại càng bị chế ngự bởi tính phản trí thức, phi lý và mê tín. Đồng thời, sự kiện người trí thức phải chịu đựng những áp lực đè nặng trên mình, để không khuất phục trước ý thức hệ của giai cấp lãnh đạo và không gục ngã trước tinh thần khuôn phép vừa tiện vừa lợi của người lao động trí thức, lại càng trở nên cam go, khó khăn. Trong những điều kiện như vậy, nêu rõ chức năng của người trí thức và nhấn mạnh trên tính cách dấn thân của họ là điều cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Bởi vì chính trong loại điều kiện như thế mà người trí thức phải nhận lãnh số phận, cả như đặc quyền lẫn đặc nhiệm, là bảo toàn truyền thống nhân bản, lý trí và sự tiến bộ - gia sản quý báu nhất của nhân loại qua suốt toàn bộ quá trình lịch sử.

Người ta nói rằng, đối với tôi, làm trí thức đồng nghĩa với làm anh hùng. Người ta cũng có thể cho rằng nhân danh tiến bộ của nhân loại để đòi hỏi con người phải chịu đựng tất cả mọi áp lực của bao kẻ cố bám víu lấy quyền lợi đã chiếm hữu được, phải đương đầu với mọi hiểm nguy đang đe dọa hạnh phúc cá nhân của mình là điều không hợp lý. Tôi nhìn nhận rằng yêu sách điều đó quả là quá đáng. Cho nên tôi sẽ không làm thế. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy rằng, ngay trong các thời kỳ đen tối nhất và trong những điều kiện gian nan, thử thách nhất, nhiều cá nhân đã biết vượt lên trên quyền lợi riêng tư ích kỷ của mình để đặt chúng dưới quyền lợi của toàn thể xã hội. Ðiều đó luôn luôn đòi hỏi rất nhiều can đảm, trong sạch và trí tuệ. Tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hiện nay là đất nước chúng ta cũng sẽ sản xuất được một số người, nam cũng như nữ, biết bảo vệ danh dự của người trí thức, chống lại sự cuồng nộ của những quyền lợi hiện đang ở vào địa vị thống trị, và những cuộc tấn công dồn dập của chủ nghĩa bất khả tri, chủ nghĩa ngu dân và tính phi nhân.

CHÚ THÍCH

[1] Ở đây, chúng tôi dùng 2 thành ngữ có tính chất đánh giá rõ rệt trong tiếng Việt; ở bản gốc, tác giả dùng «long-haired professor» và «egghead» (đầu quả trứng = đầu hói). Dù thoạt nhìn chỉ có vẻ mô tả, cả 2 từ tiếng Anh trên thật ra cũng hàm ý đánh giá, vì đều gợi lên hình ảnh kẻ đăm chiêu mơ mộng, thiếu liên hệ với người bình dân, không thực tế, thậm chí thiếu nam tính! Riêng từ «egghead» đã đạt đến mức thông dụng tột đỉnh vào cuối những năm 1950, khi được Richard Nixon dùng để phỉ báng ứng cử viên tổng thống Adlaï Stevenson của Đảng Dân Chủ Mỹ. Trong thập niên sau, «Egghead» trở thành tên của nhân vật gian hùng trong bộ phim truyền hình Batman;với bộmặt tai tái, chiếc đầu hói, bộ quần áo nửa trắng nửa vàng, Egghead tự xưng là «kẻ phạm tội tinh ranh nhất thiên hạ», và từ khí giới đến ngôn ngữ sử dụng («eggs-zactly», «eggs-cellent») đều gợi nghĩ đến quả trứng. Phạm Trọng Luật.


[2] Charles Percy Snow (1905-1980): nhà văn và nhà khoa học Anh. Tốt nghiệp khoa lý hoá tại các đại học Leicester và Cambridge, sau một thời kỳ làm nghiên cứu khoa học, ông tham gia bộ máy hành chánh Anh Quốc và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng từ 1940 đến 1966. Ông là chồng của nhà tiểu thuyết Pamela Hansford Johnson, đồng thời cũng là nhà văn. Trong lãnh vực này, ông nổi tiếng nhờ loạt 11 quyển tiểu thuyết mang tính chất tự truyện, viết trong suốt 30 năm và được gọi chung là Strangers and Brothers (1940-1970): mặc dù được xem như có khuynh hướng bàn về quyền lực hay về quan hệ giữa khoa học với xã hội, loạt truyện xoay quanh nhân vật chính tên là Lewis Eliot nói đây còn là bức họa sống động về những thay đổi xã hội ở Anh trong thế kỷ 20. Bên cạnh trường thiên trên và các tiểu thuyết khác như Death under Sail (1932), The Search (1934), In Their Wisdom (1974), A Coat of Varnish (1979), ông còn để lại một tuyển tập truyện dịch Stories from Modern Russia (1962), cùng nhiều tác phẩm phê bình, đáng kể nhất là Trollope: His Life and Art (1975). Như nhà khoa học, tác phẩm của ông cũng khá đa dạng, bao gồm tập tiểu luận về thiên chức của nhà khoa học Science and Government (1961), tập thuyết giảng về lợi và hại của công nghiệp Public Affairs (1971), với nhiều tập tiểu truyện về các nhà bác học như A Variety of Men (1967), The Realists (1978), và The Physicists (1981). Đặc biệt bài thuyết trình Rede Lecture on The Two Cultures and the Scientific Revolution (1959) của ông, và sau đó bài The Two Cultures, And a Second Look (1963), về hố ngăn cách giữa hai giới văn học và khoa học đã được bàn luận sôi nổi và sâu rộng trong mọi giới học thuật. Charles P. Snow được Hoàng Gia Anh tấn phong Hầu Tước năm 1957 và Nam Tước Leicaster năm 1964. Phạm Trọng Luật.

[3] Xin xác định để tránh mọi hiểu lầm: người lao động trí thức có thể (và đôi khi thực sự) là người trí thức, và người trí thức thường là người lao động trí thức. Tôi nói «thường» vì nhiều công nhân nhà máy, thợ thủ công hay nông dân cũng có thể (và trong một số hoàn cảnh lịch sử, điều này đã từng xảy ra) là người trí thức mà không hề làm một nghề lao động trí thức. Paul Alexandre Baran.

[4]
Trong bản gốc: «milk of the Hottentots»;trong bản dịch Pháp ngữ«pauvres petits Chinois». Từ «Hottentots» xuất hiện trong sách vở của người Âu vào thế kỷ thứ 18 như tiêu chuẩn để chỉ giống người thấp kém và mọi rợ nhất; trên thực tế, đấy là tên mà giới thực dân Hà Lan đặt cho một bộ lạc Nam Phi ở giữa Mũi Hảo Vọng và Namibia, mặc dù tập hợp thổ dân này tự gọi mình là «khoikhoi» («chủng tộc tinh khiết»). Ngày nay, Shorter Oxford Dictionary của Anh vẫn định nghĩa «Hottentot» là«kẻ thấp kém về văn hoá và trí tuệ», trong khitừ thời New Deal ở Mỹ, chở«sữa cho dân Hottentots» trở thành câu chế giễu quen thuộc của phe đối lập với mọi hình thức viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ cho các nước kém phát triển.Phạm Trọng Luật.

Từ hai cậu bé bán thuốc lá dạo và đạp xích lô ở VN trở thành khoa học gia Mỹ



Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ


Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành
Một nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hằng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn. Câu chuyện của Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy tại trường đại học Utah, Hoa Kỳ, là niềm hãnh diện của người Việt trên trường quốc tế và là tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ Việt Nam noi theo.

Năm 11 tuổi, cậu bé Thành đã bắt đầu bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha mình bị liệt bán thân. Ngày ngày, sau giờ tan trường từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm, cậu bé rong ruổi với thùng thuốc lá trên vai đi bán dạo quanh bến xe lam chợ Gò Vấp. Năm 1976, khi Việt Nam mở chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu xoay sở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Ở tuổi 15, Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Việc học của cậu bé bị cản trở và chi phối rất nhiều bởi công cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày, nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã vun đúc trong lòng cậu bé từ rất sớm.



Tiến sĩ Thành chia sẻ:
“Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”
Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt, xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, người thầy đã soạn đưa cho cậu bé một số sách để tham khảo.

Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:

“Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”

19 tuổi, sau khi thi đậu vào đại học Bách Khoa, chàng thanh niên Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ. Sau 1 năm ở trung học với những khó khăn bước đầu về ngôn ngữ, anh từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ năm thứ nhất đại học. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng trường hợp của Thành, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để bắt đầu công việc nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học, một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học. Số tiền kiếm được đủ trang trải các khoản chi phí hết sức tiết kiệm hằng ngày. Còn học phí của anh chủ yếu nhờ các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của chính phủ. Sau 4 năm đại học, anh ra trường với bằng cử nhân hóa học cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin, và thống kê.

Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh dành được học bổng của Qũy Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng vì lúc tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường xuất bản chừng 4-5 bài nghiên cứu. Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ, với giải thưởng 500 ngàn đô la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, tức bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.

Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ?

Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho biết:
“Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng tại sao ngay tại Việt Nam không có những ngôi sao như vậy?




Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu vượt biên cũng giống trường hợp như tôi, đi một mình, được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Cậu ta cũng ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau. Tôi cố gắng hơn, tôi vào đại học. Còn cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây, kiếm tiền liền. Một năm sau, tôi về lại làng thăm ba mẹ nuôi và ghé thăm thằng bạn. Công việc nó làm chỉ đứng móc ruột gà Tây thôi, chờ con gà chạy qua, đưa tay vào móc ruột gà ra. Nó khoe với tôi nó có được chiếc xe hơi. Còn tôi lúc đó vẫn chưa có gì. Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh bạn vẫn còn móc ruột gà Tây. Anh đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports. Còn tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn. Sau 5, 6 năm sau, tôi trở về, cậu bạn vẫn còn làm chỗ cũ nhưng cho biết phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh. Lúc đó, tôi sắp ra tiến sĩ. Đó là cái điều kiện thứ 3 mà tôi muốn nói: người có tiềm năng, có môi trường, mà không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó. Thật sự, tôi không có xe hơi, không có bạn gái, không có tình phí, ở nội trú, ăn mì gói. Cho nên, chi phí tôi rất ít. Tôi làm việc trong phòng nghiên cứu chỉ đủ sống. Tôi ra đại học trong túi chỉ có 200 đô la, nợ nhà nước khoảng 15 ngàn đô la (mỗi năm khoảng 3-4 ngàn tiền học phí cộng với tiền phụ thêm để sống), cùng một thùng sách và một giỏ quần áo cũ.”
Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Vừa tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu tại Việt Nam, Viện trưởng Trương Nguyện Thành nói về công việc của mình:
“Điều khiển một viện nghiên cứu từ xa rất khó. Cho nên, có một viện trưởng tại Việt Nam chuyên lo các vấn đề hằng ngày như làm việc với chính phủ, hợp đồng, hay mướn người. Còn tôi phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển.”
Ngoài ra, cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân Giáo sư Thành đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.

hình minh họa Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự:
“Thời còn đi cày mướn, lời nguyền của tôi là nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”
Giáo sư Thành nói ai cũng mơ ước thành công, nhưng chỉ có những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến:
“Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”




Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp tại Viện Khoa Học-Công Nghệ-Thông Tin ở Sài Gòn

Con đường thành công của Giáo sư -Tiến sĩ Trương Nguyện Thành trải qua bao nhiêu năm gian nan, thử thách. Cậu bé bần cùng, lam lũ ở Việt Nam qua đến Mỹ cũng đã nếm trải bao nhiêu những thiếu thốn, khó nhọc để có được vị trí đáng nể như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường đã chọn.

Một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam trở thành khoa học gia nguyên tử ở Mỹ


Tiến sĩ Võ Tá Đức lúc ở trại tị nạn Bataan (Philippines) trước khi sang Mỹ định cư
Tiến sĩ Đức hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại võ khí nguyên tử và là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới. Cậu bé đạp xích lô ở Việt Nam ngày nào giờ đây đã góp công nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Hoa Kỳ.
Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Ba cậu làm thợ nề, nhưng do bệnh tật nên bị mất sức lao động. Mẹ Đức tảo tần buôn bán lặt vặt chạy bữa qua ngày. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi góc phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.

Tiến sĩ Đức nhớ lại:
‘Sau biến cố năm 1975, lúc đó tôi còn rất nhỏ đang học trung học, nhưng vì nhà nghèo quá, nên cũng phải phụ giúp gia đình. Sáng đi học, trưa về ăn cơm xong liền xách xích lô chạy. Đạp xích lô tới chiều tối. Ăn cơm tối xong lại lên xe đi tiếp. Tôi chỉ học buổi sáng, đạp xích lô từ trưa tới sáng hôm sau luôn. Tối đến tôi đậu xích lô ở bến xe ngủ. Hễ nghe tiếng xe đò tới thì tôi tỉnh dậy, chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo đi học. Lúc đó tôi đâu có thời giờ học đâu, thỉnh thoảng khi rãnh, tôi ngồi trên xe xích lô lấy bài vở ra làm chút chút vậy thôi. Thời đó, tôi học rất dở vì không có giờ học.’


5 năm trời dầm mưa dãi nắng còng lưng trên chiếc xích lô đạp, việc học hành của Đức hoàn toàn sa sút, nên cậu đã không thi đại học. Tới năm 1981, ba Đức cố xoay sở tìm cách cho cậu theo một người bà con trong Nam đi vượt biên, và cũng từ đó, cuộc đời cậu bé đạp xích lô bước sang một ngã rẽ mới. Thời gian trong trại tị nạn chờ được một nước thứ ba cho đi định cư chính là giai đoạn bước ngoặt đối với Đức, khi chàng thanh niên lam lũ, cơ hàn quyết chí phải đổi đời, phải phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.

Tiến sĩ Đức cho biết:
“Vượt biên qua tới trại tị nạn, tôi cảm thấy như vậy là từ đây mình có cơ hội đi học, phát triển. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết định phải cố gắng học hành cho thành tài. Còn hồi trước ở Việt Nam, tôi không dám có ước mơ đó vì đi đạp xích lô cả ngày, học hành sao được mà có ước mơ học cho thành công?”
Sau thời gian ở trại tị nạn, anh tới Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ Việt Nam bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.
Thông thường sinh viên ở Mỹ khi vào đại học phải trả học phí. Ngoài một số ít sinh viên xuất sắc nhận được học bổng, đa số phải vay từ các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ dành cho sinh viên. Thế nhưng, cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù. Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học trò nghèo học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa vật lý trường đại học Bắc Iowa. Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Còn các khoản sinh hoạt phí khác anh trang trải từ thu nhập làm trợ giảng cho các vị giáo sư.

Tiến sĩ Đức cho biết những điều kiện học tập có được ở Mỹ đã khuyến khích ông thêm say mê học tập, nên ông đã không dừng lại ở tấm bằng đại học như dự định ban đầu:
‘Mình đi học ráng học cho lẹ, lấy thiệt nhiều lớp để mau ra trường lấy bằng đi làm kiếm tiền gửi về Việt Nam phụ gia đình. Nhưng tới lúc học gần xong đại học, tôi lại thấy sức mình vẫn còn đi học tiếp được. Cho nên năm cuối đại học, tôi lại nộp đơn xin vào cao học. Tôi thấy vấn đề học hành không khó lắm. Nếu mình chịu khó thì chuyện gì cũng vượt qua được hết. Mỹ là một nước tự do và có cơ hội để mọi người, ai có chí, thì có thể làm nên. Tôi nghĩ nếu không qua Mỹ mà còn ở Việt Nam thì giờ này chắc tôi cũng còn đạp xích lô, không có cơ hội để phát triển thành tài. Nghĩa là phải có cơ hội nào đó đưa đến cho người ta có dịp để phát triển tài năng. Đối với tôi, cơ hội đưa đến là được qua Mỹ để rồi được phát triển đầu óc. Ở Mỹ này tôi thấy nếu mình chịu khó học sẽ có cơ hội đưa cuộc sống mình đi lên. Còn ở Việt Nam, dù cũng có, nhưng cơ hội không đồng đều.’



Scientists at Los Alamos National Laboratory study nuclear explosions by using 3-D simulations
Ai có ngờ một nhà khoa học đang làm việc cho một phòng thí nghiệm nguyên tử nổi tiếng ở Mỹ xuất thân là một người đạp xích lô ở bến xe Tuy Hòa. Điều kỳ diệu ấy đã xảy ra đối với Tiến sĩ Võ Tá Đức thì cũng có thể xảy ra với các bạn, nhất là các bạn trẻ nghèo khó tại Việt Nam, nếu các bạn quyết tâm phấn đấu, cần cù chịu khó học tập để thay đổi số phận của mình.
Tiến sĩ Đức:‘Một thông điệp tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là các bạn nghèo, rằng nếu có ý chí sẽ vượt qua được những khó khăn. Nếu các bạn chịu khó đặt một mục đích nào đó cho tương lai, cho cuộc sống của mình và ráng sống theo mục đích đó, thì sẽ thành công.’
Cùng với thông điệp của tiến sĩ Đức, Tạp chí Thanh Niên xin chúc các bạn thành công và luôn sẵn sàng giới thiệu câu chuyện thành công của các bạn với quý thính giả của đài VOA ở khắp nơi trên thế giới.(Theo http://baomai.blogspot.com/2013/09/hai-cau-be-ban-thuoc-la-dao-va-ap-xich.html) Đây là 2 ví dụ cụ thể cho thấy người Việt hải ngoại không phải ngu dốt, ấu trĩ như nhà báo trong nước nghĩ và viết trên FB ! Xin gửi bạn thêm vài link để xho thấy người Việt hải ngoại phấn đấu đi lên bằng khả năng và công sức của chính mình chứ không xài bằng giả, càng không phải đi lên bằng ...đầu gối !

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Trách nhiệm

          

Khi nhìn vào đóa hoa đào có thể ta cho rằng đóa hoa này là do chính cây đào sinh ra, đây là một sự thật nhưng không hoàn toàn đúng. Quan sát kỹ hơn ta sẽ thấy hoa đào còn được làm ra bởi những điều kiện khác như mặt trời, gió, nước, khoáng chất, côn trùng hay rác nữa. Những thứ này tuy không phải là hoa đào, tạm gọi là phi hoa đào, mới nhìn vào tưởng chừng nó không có liên quan gì tới hoa đào, nó và hoa đào tách biệt hoàn toàn, nhưng nếu không có những thứ ấy thì hoa đào không thể có mặt được. Hoa đào tuy được làm ra từ cây đào, nhưng cây đào này và tổ tiên của nó cũng được làm ra từ những thứ không phải là giống đào, cho nên nói chính xác hơn là không có gì là hoa đào cả, chỉ có cái hợp thể được tạo nên từ những điều kiện phi hoa đào thôi. Cái chữ “phi” thật ra cũng không nên có, vì chính nó đã tạo ra một cá thể hoa đào chứ nào phải ai khác.

Đây không phải là vấn đề triết học, mà là một sự thật rất hiển nhiên, chỉ cần trầm tĩnh và nhìn sâu một chút là ta thấy ngay sự thật. Nếu hoa đào biết được sự thật nó cũng chính là lá, là cành, là thân, là rễ của cây đào, mà nó cũng đồng thời là vạn vật bên ngoài đã và đang không ngừng nuôi dưỡng nó thì nó sẽ không bao giờ dám tự hào, kiêu ngạo và sống ích kỷ. Hoa đào chỉ là một tướng trạng đại diện cho tất cả những gì mà tổ tiên của hoa đào và cả vũ trụ này trao tặng, và tướng trạng này chỉ biểu hiện một thời gian rồi lại đổi sang tướng trạng khác. Cho nên hoa đào không chỉ yêu bản thân mình mà còn phải yêu luôn lá, cành, thân, rễ hay vạn vật sống chung quanh nữa. Có lẽ hoa đào đã hiểu rõ điều đó nên xưa nay nó luôn sống hết mình, luôn chịu đựng trận giá rét thấu xương để khi nắng ấm mùa xuân về nó tung ra những đóa hoa tươi thắm và thơm ngát. Nhìn lên cây nào chỗ nào cũng trổ đầy hoa, thật cảm động và khâm phục, nhưng hoa đào không hề coi khinh hay xâm phạm quyền lợi của ai cả. Nó đã sống hết trách nhiệm dễ thương của nó.

Có bao giờ đưa bàn tay lên và ta tự hỏi bàn tay này thực ra là của ai mà có thể làm nên bao điều hay ho như nấu ăn, sửa chữa, cắm hoa, viết lách, hội họa, thiết kế, kinh doanh, nâng đỡ kẻ khác hay tạo nên bao tuyệt tác cho đời? Câu hỏi thật đơn giản nhưng có thể ta đã từng trả lời sai. Ta có thấy trong bàn tay này, ngoài di truyền ra, ta còn được đón nhận tất cả những tài năng và đức hạnh của thế hệ phía trước mà gần gũi nhất là cha mẹ của ta? Khi nấu một tô canh chua thì ta phải biết rằng cả tổ tiên cùng nấu chung với chúng ta, vì nếu không có sự khám phá và trải nghiệm của tổ tiên thì sức mấy ta biết nấu được một tô canh chua ngon như vậy, mà thậm chí ta cũng không biết thế nào là canh chua, danh từ canh chua cũng không có. Sự thật là tổ tiên không chỉ có mặt trong ta qua từng tế bào, mà còn trong từng nhận thức và nếp sống nữa. Dù muốn dù không thì ta cũng phải nhìn nhận sự thật ấy chứ không thể chối cải hay loại trừ được, vì họ cũng chính là ta kia mà.

Thân phận của ta cũng không khác mấy với hoa đào. Ta cũng chính là sự tiếp nối của tổ tiên huyết thống và cả tổ tiên tâm linh, là tướng trạng đại diện chứ không phải riêng biệt. Điều duy nhất khiến ta có chút khác biệt với họ là ta đã có công tổng hợp tất cả những yếu tố trao truyền ấy lại thành một chỉnh thể mới để thể hiện một đời sống mới với một sứ mệnh mới. Và như thế ta phải vay mượn thêm những điều kiện khác nữa trong thực tại thì ta mới có thể làm công tác tổng hợp ấy được. Những điều kiện đó chính là thiên nhiên, là những gì mà hoa đào đã từng vay mượn, nghĩa là ta không ngừng giao thoa và chịu tác động của muôn người, muôn loài. Ngoài ra ta còn nương tựa vào nhiều thứ khác nữa như kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo…thì ta mới có thể trở thành một con người hiểu biết và tài giỏi như hôm nay. Càng nhìn lại mình sâu sắc ta càng thấy mình cũng như muôn loài, cũng được làm ra từ những cái không phải ta, bởi sự thật ta chính là vô ngã (non self). Cho nên khi xưng ta hay nhìn vào những tác phẩm của ta thì ta phải hiểu rằng nó vốn là hợp thể, là thành phẩm chung, không có cái gì để gọi là riêng biệt cả.

Không cần nhờ triết học hay tôn giáo thì ta mới khám phá ra sự thật này vì nó rất rõ ràng. Tổ tiên ta ngày xưa nhờ có nhiều cơ hội nhìn lại mình, ít chạy theo ngoại cảnh, nên dễ dàng thấy rõ nguyên tắc tương tức nhau để tồn tại, vì vậy họ luôn thực tập thương yêu kẻ khác cũng như thương yêu chính bản thân mình. Đó không phải là vấn đề cao thượng hay từ bi gì cả, mà đó là thái độ sống đúng đắn, phù hợp với sự vận hành của vũ trụ. Sống như vậy là sống có hiểu biết, sống có bình an và hạnh phúc. Ta bây giờ luôn tự cho mình là văn minh, có đủ loại bằng cấp, mà lại không thấy hoặc không chấp nhận nổi sự thật ấy, nên ta cứ lao mình theo chủ nghĩa cá nhân để ra sức tích góp mọi quyền lợi để phục vụ cái ta cho là riêng biệt của mình, đôi khi ta còn xâm lấn của kẻ khác, vơ vét tài sản chung và gây thương hại đến môi trường chung quanh mà rốt cuộc ta vẫn là kẻ khổ đau.

Chưa bao giờ hai chữ “trách nhiệm” được nhắc nhở nhiều như bây giờ, mặc cho báo đài cứ kêu ca mỗi ngày nhưng dường như nó không lay động nổi nhận thức và trái tim lãnh cảm của con người với những cái được gọi là của chung. Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những cái mình đang cùng thừa hưởng mà còn góp phần tàn phá. Họ tưởng rằng chỉ có tiền bạc, quyền hành hay tình yêu mới là cái quan trọng nhất, nhưng thử lấy nước hay không khí ra khỏi thì họ có còn sống để đeo đuổi những thứ kia nữa không? Nên nhớ kinh tế cũng chính là phi kinh tế, kinh tế không thể có mặt và đứng vững khi những lĩnh vực khác chao đảo hay hư hoại. Tình yêu cũng vô ngã, cũng đứng trên những thứ phi tình yêu mà hợp thành, nghĩa là không có cái gọi là tình yêu nếu nó muốn đứng riêng. Vậy mà khi yêu nhau cũng như khi làm kinh tế, người ta lại sẵn sàng gạt bỏ những liên hệ và điều kiện mật thiết chung quanh, quên hết bổn phận trách nhiệm, sống theo cái tôi nông nổi nhất thời, thì đừng hỏi tại sao yêu là khổ hay làm ăn cứ thất bại hoài, vì ngay từ vạch xuất phát đã sai lầm rồi.

Sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham vốn bị thuần phục bởi đạo đức suốt mấy nghìn năm qua để giữ gìn phẩm chất cao đẹp mà vũ trụ đã trao tặng cho con người. Khi bị cảm xúc thỏa mãn khống chế người ta cứ nhắm mắt lao vào tranh giành quyền lợi, không còn quan trọng đến những giá trị mà tổ tiên ta đã từng cố gắng tạo dựng và giữ gìn. Bây giờ phần lớn người ta sống trong tình trạng bất an không phải vì thiếu ăn thiếu mặc mà vì muốn có đủ thứ tiện nghi như kẻ khác, làm như thể nếu không giàu có thì không thể sống hay hạnh phúc được. Vì lẽ đó hễ cái nào có thể đem tới quyền lợi trước mắt thì người ta chụp bắt ngay, bất chấp đó là phương tiện gì. Đến khi gặp phải những tai nạn rủi ro thì người ta lại than trời trách đất sao chẳng công bằng, mà họ không hề biết rằng chính lối sống hưởng thụ ích kỷ và thiếu trách nhiệm đã khiến họ không còn năng lượng dự trữ để ứng phó với những bất trắc vốn dĩ rất tự nhiên của đời sống, và một sự thật khác là chính vũ trụ đã hồi đáp lại những gì mà họ đã không dễ thương với vũ trụ trước nay.

Vũ trụ không phải là đấng quyền năng thượng đế, đó là qui luật vận hành rất tự nhiên của vạn vật, cá thể nào gây nhân thì cá thể đó phải gặt quả. Nhiều khi “cha ăn mặn mà con lại khát nước” mới ngậm ngùi vì con cũng là sự tiếp nối của cha, cha với con bản chất vốn là một. Cho nên ta đừng hòng thoát khỏi bàn tay vũ trụ khi ta vẫn còn trú ẩn trong vũ trụ này, nếu ta không muốn chịu tai ương hay con cháu uất hận mình đã để chúng chịu hậu quả xấu xa thì hãy ngưng ngay lối sống vô trách nhiệm của mình. Vũ trụ vốn rất công bằng, nhiều khi mình cướp đoạt tài sản hay tranh giành địa vị của kẻ khác nhưng vũ trụ lại rút năng lượng của mình ở dạng tình cảm hay sức khỏe hoặc có khi sinh mệnh cũng không chừng. Ngược lại, nếu mình biết bồi đắp cho những cái chung thì vũ trụ sẽ rất biết ơn, sẽ ban tặng cho mình những nguồn năng lượng quý báu bất ngờ.

Vậy nên “trách nhiệm” không phải là sự hy sinh, chịu thiệt thòi mà đó là bổn phận căn bản của mỗi công dân có mặt trong vũ trụ nếu muốn có một đời sống bình an và hạnh phúc. Bởi vì vũ trụ luôn dự trữ sẵn một nguồn năng lượng an lành vĩ đại để hiến tặng, nhưng nếu ta không mở lòng ra để hướng tới những đối tượng khác hay cái chung thì ta không thể kết nối được. Nói dễ cảm nhận hơn thì năng lượng vũ trụ chính là tổng năng lượng của vạn vật hữu tình và vô tình gộp lại, nếu ta phát ra năng lượng nào thì sẽ thu về gấp bội lần năng lượng ấy. Như vậy giữ gìn cái chung cũng chính là giữ gìn cái riêng. Mà thực ra không có cái gì là chung hay riêng cả, chỉ có nhận thức sai lầm con người chia cắt giữa cái tướng trạng biển hiện và cái bản thể ẩn tàng mà thôi. Chính vì vậy mà tổ tiên ta đã từng khuyên “ Có đức mặc sức mà ăn”, đức chính là thái độ biết buông bỏ cái tôi ích kỷ và tham lam của mình để luôn chia sẻ với muôn người và muôn loài thì vũ trụ sẽ nuôi dưỡng ta suốt đời. Ta sẽ trở thành đứa con cưng của vũ trụ. Suy cho cùng trách nhiệm cũng chính là quyền lợi, chỉ là chuyển đổi từ dạng công sức, tài năng hay tiền bạc sang dạng năng lượng khác cao quý hơn mà chính ta không tài nào chế biến nổi.

Có rất nhiều vấn đề đang cần phải kêu cứu nhận thức đúng đắn trở lại của con người như hàng loạt công trình xây dựng bị rút ruột, tình trạng kinh doanh hóa chốn học đường, việc chế tạo các trò chơi điện tử hủy diệt tuổi thơ, sự tham lam đến tàn nhẫn trong việc giả mạo hàng hóa đến thực phẩm, cuộc tranh đua chế tạo vũ khí hạt nhân để lấn chiếm lãnh thổ, hay nhiều vụ tham nhũng dẫn đến kinh tế quốc gia kiệt quệ làm cho dân tình sống cảnh lầm than…Những vấn đề nóng bỏng ấy cần sự nhìn lại và quan tâm đúng mức của chính phủ hay liên hiệp quốc thì mới hy vọng ngăn chặn được. Song, có những tình trạng cũng đang ở mức báo động “đỏ” mà nhiều người trong chúng ta vẫn chưa nhìn thấy nên cứ vô tâm tàn phá khiến hiểm họa đang dần bủa vây khắp nơi trên quả địa cầu, trong khi chính mỗi cá nhân có thể góp phần vào việc thay đổi tình trạng, đó chính là môi sinh.

Môi sinh chính là bà mẹ (mother earth) của chúng ta, là căn nhà (home) của chúng ta, nếu nó có mệnh hệ gì thì chúng ta sẽ lãnh đủ hết. Ta hãy nhìn lại môi trường mình đang sinh sống bằng con mắt tỉnh táo và hiểu biết để thấy rõ tình trạng của nó bây giờ như thế nào.

Vấn đề túi nylon: Chúng ta biết rằng túi nylon được làm ra từ nhựa PVC (polyvinyl chloride) khi đốt cháy sẽ thành chất dioxin rất độc hại, gây khó thở và có thể nôn ra máu, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo ra các triệu chứng ung thư hay dị tật bẩm sinh. Dùng túi nylon màu để đựng thực phẩm dễ khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, cadimin góp phần làm bại não và gây ung thư phổi. Túi nylon khi bị vứt xuống cống sẽ làm tắt nghẽn các hệ thống thoát nước, tạo điều kiện cho muỗi và các dịch bệnh phát sinh. Nếu nó lẫn trong đất thì cỏ không mọc nổi và dẫn đến sự xói mòn các vùng đồi núi.

Ở Wales, miền tây nam nước Anh, mỗi năm người ta vứt khoảng 480 triệu túi nylon và loại này phải mất cả nghìn năm mới tự phân hủy được. Cho nên chính quyền Wales đã tuyên bố thực tập giới hạn sử dụng túi nylon vào năm 2011, họ sẽ đánh thuế 15 xu nếu dùng túi nylon để đựng những thứ mà họ mua sắm. Số tiền này sẽ dành cho các dự án bảo vệ môi trường. Trong khi ở Ireland (Ái Nhĩ Lan) đã áp dụng từ năm 2002, cũng 15 xu cho 1 túi nylon, và họ đã thu được 109 triệu bảng (khoảng 153 triệu đô la Mỹ). Số lượng túi nylon được sử dụng từ đó giảm đến 90% và chi phí xử lý rác cũng xuống thấp rõ rệt. Còn ở Sài Gòn cứ mỗi một ngày tiêu thụ khoảng 5 triệu túi nylon, tương đương với 35 tấn, chủ yếu ở các siêu thị vì dân ta đang rat thích lối đựng hàng tiện nghi này mà không ngờ phía sau sự tiện nghi ấy là một thành phố “ô nhiễm trắng” đang kêu cứu.

Ở bên Đức, Pháp và Hòa Lan đang tiến hành sử dụng túi sản xuất từ tinh bột khoai tây hay giấy mà tự nó có thể phân hủy sau 3 tháng. Ở Việt Nam ngày xưa, ông bà ta dùng lá sen, lá chuối để gói hàng hay xách giỏ đi chợ mà vẫn có thể sống an toàn và vững chãi. Hình ảnh ấy tuy thô sơ nhưng nói lên nếp sống rất sâu sắc và văn minh của ông bà ta. Đã đến lúc ta cần quay về học lại nếp sống đẹp của truyền thống, bớt chạy theo lối tiện nghi xa xỉ, ta hãy cùng nhau thực tập chỉ dùng túi vải, túi mây hoặc bất cứ loại nào không gây nhiễm độc cho môi sinh để đựng hàng hóa khi đi chợ. Đừng đợi chính phủ lên tiếng cảnh báo hay phạt tiền rồi ta mới chịu làm, như thế sẽ quá muộn để cứu lấy hành tinh xanh này.

Vấn đề giấy: Chúng ta biết rằng rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn vong của chúng ta. Nhờ có tán lá xòe rộng mà nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa và nắng cũng không đốt cháy mặt đất. Rừng không chỉ bảo vệ đất mà còn làm tăng độ màu mỡ cho đất, là nơi dự trữ nguồn nước để các sinh vật sống trong đất và cũng vừa chảy chậm về nuôi các con sông trong thời gian không mưa. Do vậy những vùng có rừng che phủ sẽ giảm bớt hạn hán. Không những vậy rừng còn có chức năng làm cho các cơn lũ xuất hiện chậm hơn và giảm mức đột ngột. Và điều quan trọng hơn hết là rừng đã hấp thụ khí thải CO2 (carbon dioxide) từ khói xe và nhà máy để nhả ra dưỡng khí O2 (oxy) cung cấp cho lá phổi con người. Có thể nói rừng chính là lá phổi mẹ của chúng ta, nhưng chúng ta đã làm gì để giữ gìn lá phổi vĩ đại ấy?

Một trong những lý do khiến hàng vạn khu rừng liên tục ngã xuống đó là việc sản xuất giấy. Cứ 1 tấn giấy thành phẩm thì phải cần có 5m3 gỗ và 100m2 nước. Đối với những loại giấy bao bì phải mất ít nhất 400 năm nó mới tự phân hủy. Nhưng nếu tái chế thì mỗi tấn giấy ta có thể tiết kiệm 32m3 nước vừa đủ cung cấp cho 3.000 toilet công cộng và 4.200 kwh năng lượng điện. Cho nên sẽ không có gì sai khi phát biểu rằng nếu rừng ngã thì ta cũng sẽ ngã theo (forest falls we fall). Nhưng ta và con cháu của ta không thể ngã xuống chỉ vì lối sống thiếu tỉnh thức và nông cạn của mình. Vậy nên từ bây giờ trở đi, ta hãy thực tập với nhau sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng khăn giấy, thay vào đó ta dùng trở lại khăn vải để chùi miệng hay khăn lông để lau tay. Ngay cả chén hay ly giấy, ta chỉ dùng trong trường hợp bất khả kháng, chứ không xem đó là cách tiện lợi thỏa đáng.

Sử dụng lại cách cũ tuy hơi mất công một chút nhưng nó vừa đối trị thói quen dễ dãi lười biếng của ta, vừa giúp ta không trở thành thủ phạm gián tiếp tiếp tục hủy diệt vô số cánh rừng xanh tươi. Đối với giấy sử dụng trong việc học tập hay văn phòng cũng nên tận dụng hết mức, ít nhất là phải xài hết hai mặt rồi mới bỏ đi. Cách nay chừng vài thập niên thôi, ta đã từng biết gom lại những quyển tập niên học cũ làm “kế hoạch nhỏ” để có tiền mua tập cho niên học sau. Thời ấy, ai làm diều bằng giấy tập được xem là hạng sang. Kinh tế phát triển đã làm cho ta có đầy đủ mọi thứ nhưng cũng chính từ ấy ta trở nên phung phí, quên đi rất nhiều nguyên tắc sống căn bản để giữ gìn sức khoẻ và thăng hoa tâm hồn.

Vấn đề nguồn nước: Chúng ta biết rằng khi rừng ngã xuống hay không khí bị nhiễm độc thì cũng đồng nghĩa là nguồn nước sạch đã dần cạn kiệt. Hiện nay có khoảng 1/6 dân số thế giới không được dùng nước sạch, và hằng năm có hơn 2 triệu người mà phần lớn là trẻ em chết vì khát hay vì các chứng bệnh liên quan tới nguồn nước. Thật ra trong 30 năm qua nhu cầu nguồn nước sạch của con người đã vượt qua khả năng cung cấp, trong khi một số ít quốc gia đang cố gắng lập ra những nhà máy lọc nước mặn thì đa phần còn lại tiếp tục phun thuốc trừ sâu loại độc hại, tuôn chất thải từ kỹ nghệ chăn nuôi hay tiêu xài một cách lãng phí. Các hiệp hội bảo vệ môi trường trên thế giới dự báo chừng khoảng 50 năm nữa con người của cả địa cầu này phải chịu cảnh hạn hán kinh niên và đi hứng từng giọt nước để uống nếu cứ đà lãng phí hay làm ô nhiễm như hiện nay.

Chúng ta chắc không quên mình đã từng sống qua những giai đoạn thiếu thốn nguồn nước, phải thức hôm thức khuya để hứng từng xô nước từ giếng làng về xài cho sinh hoạt cả gia đình trong ngày, và bây giờ thảm cảnh ấy vẫn còn đang tiếp diễn ở Châu Phi, hay một vài khu vực ở Châu Á và trong tương lai sẽ là toàn cầu. Khi ấy chúng ta có thật nhiều tiền cũng không thể nào mua được nước, nước đã bị nhiễm ô và từ giã ta ra đi xa rồi. Mặc dù hiện nay tại một số nơi nước đang nằm trong quyền quản lý của một vài tập đoàn kinh doanh và nó đã trở thành mặt hàng đắt đỏ đứng sau điện và xăng dầu, nghĩa là người nghèo là không được phép dùng nước sạch, trong khi nguồn nước là tài sản của thiên nhiên, ai cũng có quyền sử dụng nhưng không ai có tư cách làm ô nhiễm hay tranh giành làm của riêng. Chúng ta không muốn thảm cảnh ấy lặp lại một lần nữa với mình và con cháu mình, vậy thì ngay bây giờ vẫn chưa muộn nếu ta quyết tâm tiết kiệm nước.

Mỗi khi đánh răng ta hãy nhớ tắt ngay vòi nước, vì trong 2 phút vô tâm ấy ta đã phung phí hàng chục lít nước sạch có thể cứu sống vài trẻ em đang chết khát trên thế giới. Khi rửa chén ta cũng nên rửa trong thau, đừng vì cái chén mà ta xả nước ồ ạt, dù ta có tiền để trả mỗi tháng. Chỗ hao phí nước nhiều nhất trong sinh hoạt hằng ngày chính là trong nhà tắm. Kể từ bây giờ ta nên cùng nhau thực tập giới hạn trở lại dùng vòi sen, thay vào đó ta hứng nước vào xô để tắm. Cách này tuy không tiện lợi nhưng giúp ta dễ dàng ngừng xả nước khi không thật sự cần thiết và biết được mình đã sử dụng bao nhiêu nước. Việc làm này tuy nhỏ nhưng hiệu quả tức thì mà không cần phải có một chính sách ban hành ta mới làm được. Con cháu mai sau không bị khuyết tật bẩm sinh, không bị cằn cỗi hay chết yểu, và còn nhìn thấy màu xanh của hành tinh này sẽ rất biết ơn nếp sống của ta hôm nay.

Vấn đề khói xe: Theo WHO, tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có gần 600.000 người tại Châu Á bị chết vì các bệnh thuộc đường hô hấp liên quan tới không khí. Thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng ô nhiễm này là khói xe. Ở Bắc Kinh mỗi ngày có 2,6 triệu xe phun khói lưu hành và nơi đây đã được mệnh danh là thành phố xe hơi. Cứ 5 người Bắc Kinh là có một người sở hữu xe riêng, với số dân 15 triệu nên giao thông ở Bắc Kinh không những trì trệ mà còn đến mức nghẹt thở. Ở HongKong khói xe luôn giăng kín thành phố đến nổi 1/3 số ngày trong năm người ta không thể ngắm các dãy phố hay hải cảng. Và ở Hà Nội mỗi ngày phải hít vào phổi khoảng 100mg bụi PM10 (particulate matter) cực kỳ độc hại, 5.000mg CO và 50mg khí thải khác như NO2, SO2 vì khói xe phong tỏa mù mịt.

Cho nên mỗi khi cầm chìa khóa xe lên ta hãy nên tự hỏi nhiều lần là ta đang định đi đâu đây? Nếu thật sự cần thiết thì ta cứ đi, còn thấy mục đích kia không chính đáng ta hãy can đảm để chiếc chìa khóa xuống, đừng vì chút cảm hứng mà ta lại đi hủy diệt chính lá phổi hay sinh mệnh của mình và muôn loài. Ngoài ra, ta cũng nên dùng những loại xe chạy bằng nhiêu liệu bất hại như điện, hoặc cố gắng sử dụng xe công cộng khi có thể, ta vừa tiết kiệm xăng vừa không góp phần gây ô nhiễm mà cũng vừa tiếp nhận lại tính tương tác giữa mình và mọi người trong cộng đồng đang sinh sống. Đón xe đi chung với nhau là hình ảnh rất đẹp, nó kéo người ta lại gần nhau và phá vỡ phần nào chủ nghĩa cá nhân.

Vấn đề ăn thịt: Chúng ta biết rằng địa cầu đang bị hâm nóng dần và ước tính có thể vài năm tới đây các tảng băng ở Băng Đảo và Tây Nam Cực sẽ tan rã rất nhanh và mực nước biển sẽ dâng cao đột ngột. Nó không những làm ảnh hưởng đến phân nửa dân số thế giới đang sống ven bờ biển, mà còn khiến cho hàng tỉ tấn chất mêtan (CH4) trong lớp băng dày đặt kia vỡ ra, làm cho địa cầu càng nóng lên dữ dội và hàng loạt thảm họa thiên tai sẽ xảy ra như hạn hán, sức nóng gia tăng, sa mạc hóa, đất lún chìm, sông băng rút ngắn, biển chết, loài hoang dã bị tuyệt chủng và sức khỏe con người bị suy sụp trầm trọng.

Thế giới đang báo động tình trạng hiệu ứng nhà kính (the greenhouse effect) và hết sức nỗ lực giảm khí thải trong kỹ nghệ hay giao thông, nhưng phải mất thời gian khá lâu tình trạng mới khả quan vì nó có liên quan tới quyền lợi của nhiều tập đoàn sống trục lợi hay guồng máy chính trị độc tài và tham nhũng. Trong khi ăn chay thuần chất hữu cơ là giải pháp có thể làm ngay nơi mỗi cá nhân và hiệu ứng rất cao trong việc làm nguội địa cầu, vì chăn nuôi đóng góp hơn 50% chất thải mêtan vào bầu khí quyển này. Liên hiệp quốc cho rằng chính việc phá rừng để chăn nuôi đã tiêu phá lá phổi chung nên phải chịu trách nhiệm 20% tất cả khí nhà kính. Ngoài ra chính việc chăn nuôi gia súc lấy thịt tăng nhanh trong những năm gần đây đã khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện. Và có lẽ từ khi con người đắm chìm trong những món ăn cao cấp lấy từ mạng sống của nhiều loài động vật cũng chính lúc con người đánh mất lòng bao dung cao cả của một bậc đàn anh.

Cho nên:

1- Ý thức việc vứt bỏ túi nylon gây nhiễm độc cho bà mẹ thiên nhiên vì phải mất cả nghìn năm nó mới tự phân hủy, con xin nguyện chỉ sử dụng túi vải để đựng hàng hóa khi đi chợ.

2- Ý thức nếu rừng ngã thì con không thể thở và cũng sẽ ngã theo, con xin nguyện chỉ sử dụng chén, ly hay khăn giấy trong những trường hợp không còn cách nào khác hơn.

3- Ý thức nguồn nước thiên nhiên đang dần cạn kiệt và hàng triệu người đang chết khát trên thế giới, con xin nguyện tiết kiệm từng ngụm nước dù khi tắm rửa.

4- Ý thức khói xe gây nhiễm ô không khí, tạo ra những trận mưa axít làm chết rừng, hư hại nguồn nước, con xin nguyện chỉ lái xe vào những mục đích thực sự chính đáng, và sẽ cố gắng dùng xe công cộng khi có thể.

5- Ý thức việc chăn nuôi gia súc lấy thịt gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chất thải làm cho địa cầu nóng thêm dẫn đến những thảm họa thiên tai, và con người ngày càng đánh mất lòng từ ái vốn rất cao cả dành cho muôn loài, con xin nguyện ăn chay thường xuyên để góp phần xoa dịu và giữ gìn sinh mạng chung.

Vì tình thương và hiểu biết, thưa bà mẹ thiên nhiên, con xin tự nguyện ký kết năm hiệp ước này. Con ý thức rằng con đang gìn giữ gia tài rất quý báu của tổ tiên và phải có trách nhiệm trao truyền cho con cháu, con không thể để cho tâm hồn chúng nghèo đói mà lạc lõng đi về tương lai. Nếu bàn tay này còn tiếp tục gây ra những năng lượng độc hại có tính chất hủy diệt sinh mạng chung thì con sẽ có tội với các bậc tiền nhân và với vũ trụ. Vì vậy từ nay con xin hứa sẽ giữ bàn tay thật trong sạch để cùng đưa con cháu đi lên.

Giữ bàn tay cho khéo
Tiếp nhận nếp tổ tiên
Trao truyền cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên

Minh Niệm

Nghệ thuật chửi của người Việt



Với lối chửi bóng gió, đầy tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu về hình thức, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác,ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “ nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được (?)
(Trần Ngọc Thêm & Tuyết Mai )
 

“ Chỉ vì mất một con gà
Rêu rao bà chửi suốt ba ngày liền
Chỉ sang từ phía láng giềng
Réo từ nội ngoại tổ tiên muôn đời”
(không nhớ tên tác giả)
Hơn 10 năm sống trên đất Hoa Kỳ, vài lần tôi bắt gặp người Việt chửi nhau bằng mồm.( hai người đứng chửi qua lại) Sở dĩ thời gian dài như thế kia mà tôi chỉ hiếm hoi thấy có vài lần. Có lẽ vì tôi ít thường ra chỗ đông người và ít tiếp xúc với đồng hương nên không “ bắt gặp” chăng? Chứ còn chửi nhau trên báo chí tôi thấy hoài. Cũng không lâu lắm, có dạo một số tờ báo ở San Jose chửi nhau như cơm bữa. Tôi không biết lý do tại sao cùng nghề nghiệp mà họ chửi nhau. Có lẽ là họ không ưa nhau về quan điểm (chính trị?) Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tôi không đề cập đến việc chửi nhau của báo chí, mà chỉ nói đến việc chửi của người đời. Thực ra thì dân tộc nào cũng có chửi, thậm chí có từ lâu đời, chửi tục cũng có và chửi thanh cũng có. Cuộc sống phức tạp vốn nhiều quan hệ nên hay có va chạm, xung đột. Mà đã có xung đột thì cần phải giải quyết. Người ta có thể hòa giải bằng “đối thoại”, song cũng không ít người sử dụng “ đối đầu”. Mà đối đầu “ hiền lành” nhất là “ đấu võ mồm” tức như ông bà ta xưa thường nói là chửi nhau.
Nói đến chửi người Việt Nam nào cũng nghĩ ngay đến hiện tượng vô văn hóa, những câu chửi tục tĩu …; như chỉ bộ phận sinh dục, bài tiết, quan hệ tình dục…. Họ gán cho đối phương là “ họ hàng” của loài vật mà theo họ có những đặc tính xấu, bị xã hội chỉ trích như: bò, chó , heo, rắn rết, giòi bọ, dê ( xồm) …..Một số người ôn tính hơn, họ chỉ hạ thấp đối phương một cách tương đối. Họ hạn chế ở mức độ ví đối phương với những thứ giả người như: bất nhân, ngợm, quỉ quái, yêu tinh…; nêu những khuyết điểm hoặc gán ghép cho đối phương những khuyết điểm vật chất tinh thần xã hội, ví dụ: ( đồ, con, quân, lũ , bọn) què, mù ( đui) …; ngu, ngốc, điên, khùng…; đểu cáng, ác độc, vô luân, bất hiếu…; phản động, lừa đảo, ăn cắp…. Các cách chửi theo lối này hầu hết các dân tộc đều sử dụng và phổ biến trong dân gian. (fuck you, bitch, damn …người Mỹ thường hay xài) Nhưng riêng dân tộc Việt Nam ngoài những “kiểu chửi” phổ thông như vậy, người Việt còn có đặc tính chửi dài, chửi dai như giẻ rách, chửi có bài bản, văn vẻ, vần điệu…. Đôi khi người chửi mạ lỵ, mạt sát, đay nghiến…, sau câu chửi là muốn đối phương “ chết” ngay theo ý của mình.
Thông thường người ta tức lúc nào chửi lúc đó. Người Việt thì không vậy, họ chờ khi thật đông người mới chửi và khi chửi lại cố tình đệm thêm “ới làng trên, xóm dưới” hoặc “ trời cao, đất dày ơi” như kêu gọi mọi người đến nghe hay “ bà con cô bác coi đó….” có tính cách phân chứng.
Khi còn ở Việt Nam ông bạn tôi, Hai Đầu Tém đã kể lại một vụ chửi nhau giữa hai người đàn bà về việc hai đứa trẻ con đánh nhau: “Bà Lan Vồ nắm tay thằng Tí Lù kéo lê sang trước cửa nhà mụ Minh Đốp Chát kêu ơi ới.
-Bà Minh Đốp Chát ơi ra đây mà coi…Thằng con “giời đánh thánh đâm” của bà nó đánh thằng Tí Lù nhà tôi u đầu, vỡ trán bà ra đây đền cho con tôi.
-Cái gì đó; thằng nào con nào “ réo” bà vậy? ( Bà Minh Đốp Chát từ trong nhà bước ra) Thấy bà Minh Đốp chát bà Lan Vồ nhảy lên đong đỏng.
-Bà đền “cơm thuốc “ cho thằng Tí Lù nhà tôi ngay kẻo tôi đi thưa cảnh sát cả nhà bà tù mọt gông đấy.
Bà Minh Đốp Chát đến sờ đầu thằng Tí Lù.
- Có một chút xíu như thế “lày”….mà nhà bà tính nằm vạ hả? Bà chấp đó giỏi đi thưa đi!
- Bà nói cái gì? Con nhà bà đánh con người ta mà còn lên giọng. Thứ đồ xấc xược…đồ mường mán.
- Ê chửi bà đó hả? Hãy cút xéo đi nhé nếu không bà cho một trận nên thân bây giờ.
( Bà Minh Đốp Chát bỏ vào nhà)
- Bà ngon hả, cái thứ nạ dòng, thứ Hà Bá… đeo…. đéo….mầy.”
Không chịu về nhà, bà Lan Vồ đứng trước cửa nhà bà Minh Đốp Chát chửi mãi.Vì chỗ quen biết với chồng bà lúc còn trong quân ngũ, bạn tôi (Hai Đầu Tém) khuyên bà về nhà đừng chửi nữa tránh xô xát sau này, nhưng Lan Vồ không nghe còn quay lại mắng cho ông ta một mách:
“Ông binh bà ấy hả, giời ơi con mụ đó nó vừa gì mà ông binh nó, hay là ông đã... “ quất” nó rồi. Ờ mụ ấy nó góa chồng đó, nó còn ngựa lắm đó. Tôi biết mà! Thảo nào ông cứ rề rà xách con “ chim mồi “ của ông đi tới đi lui khu vực gần nhà con mẽ hoài”.
Định phân bua nhưng thấy vô ích đối với con người đàn bà đang hăng tiết vịt, ăn nói hồ đồ, ông bạn tôi không thèm trả lời. Bình thường người ta khiêm tốn trong cách xưng hô, nhưng ở đây người chửi cố tình làm ngược lại. Truyện Phao của Đỗ Phồn đã tả lại cái cách xưng hô không theo lẽ thông thường như sau:
“Cha bố tiên sư thằng Cò! Cha bố tiên nhân thằng Cốc! Cha họ nội ngoại họ gần xa, họ năm đời giở lên, họ ba đời giở xuống thằng Cò, thằng Cốc! Cha tam đại, tứ đại, ngũ đại mày thằng chủ thằng Cò, thằng Cốc! Cha đứa già đứa trẻ, đứa nhớn đứa bé, đứa mẹ đứa con, đứa đỏ như son, đứa vàng như nghệ, nhà thằng Cò, thằng Cốc, bảo nhau định vỡ nợ của bà.”
Chửi như trong truyện trên không thấy có lời nào tục tĩu, nhưng chúng ta vẫn nhận ngay ra lời chửi. Người chửi đã tự tôn mình lên mức ngang hàng với cha của bố những người đứng đầu trong dòng họ đối phương.
Năm vừa qua, khi đi phân phối Giai phẩm Xuân Quí Mùi báo Saigon USA cho các thân chủ quảng cáo, ký giả Kiến Nâu (1) được xem một vụ chửi nhau té lửa giữa hai vợ chồng trên màn ảnh truyền hình của một trung tâm băng nhạc Việt Nam tại khu thương mại Grand Century Mall thành phố San Jose.
“Vợ, một người đàn bà miền Bắc gốc Hà Đông có thân hình nhỏ nhắn, lưng ong, ngực nở. Anh chồng là một người đàn ông quê Rạch Giá tính chơn chất, thật thà. Bắt đầu câu chuyện chửi nhau: số là gần Tết người vợ đòi về thăm cha mẹ ruột của mình. Anh chồng đồng ý cho đi, nhưng đã ba ngày không thấy vợ trở về bèn điện thoại sang gia đình bên vợ nhưng không nghe ai trả lời cả.
Sáng ngày thứ tư, sau khi đi làm về, anh chồng chạy u đến nhà bố mẹ vơ, nhà đã đóng cửa không một ai trong nhà. Anh chồng bỏ ra về.
Trên đường về nhà chợt thấy vợ mình đứng cạnh và nói chuyện với một vài người đàn ông khác trong một nhà hàng trên đường Tully. Anh chồng đến trước mặt vợ có vẻ bực dọc hỏi:
- Em đi đâu mà mấy bữa nay không về nhà?
- Thì đi qua nhà ba mẹ chứ đi đâu!
- Đi qua ba mẹ mà sao không có trong nhà ba mẹ, anh điện sang nhiều lần không một ai trả lời?
- Ừ, thì không có ai ở nhà làm sao mà trả lời.
- Thôi được rồi ! Tôi hiểu hết rồi.
- Anh hiểu cái gì? Mấy ngày nay em đi du hí, du thực với mấy thằng quỉ này chứ gì?
- Ê anh nói bậy tôi không nhịn à nghen! Tôi không quen với mấy người đó nghen.
- Anh chồng trở nên khó chịu trở giọng:
- Mầy không quen sao tao thấy mầy nói chuyện với bọn nó?
- Ừ, thì người ta hỏi, tôi trả lời chứ câm hay sao. Tôi không muốn anh ghen bóng, ghen gió nghe chưa!
- Bây giờ mầy có về nhà không?
- Tôi không về, tôi phải ở nhà mẹ tôi vài hôm nữa để …
- Không có để có đùn gì hết. Về ngay.
- Ê ra lệnh hả, muốn làm nhục tôi hả? Thôi nghe chưa! Tôi nói là tôi không về bây giờ được.
- Tao biết mầy ngon. Thật ông bà xưa nói không sai:” Đàn bà con mắt có khoai, Liếc chồng thì ít, liếc trai thì nhiều”
- Ối giời đất ơi! Làng nước xuống đây mà nghe này. Tự nhiên cái thằng chồng mắm thối của tôi nó xổ thơ ra. Thối quá, thối quá…
- Đúng rồi tao cho mầy thúi luôn, mầy ngộp thở luôn, té xỉu luôn.“Đàn bà má đỏ hồng hồng,thấy trai thì lấp, thấy chồng thì lơ”.Tao biết rồi, mầy là người đàn bà trắc nết, lẳng lơ….
- Thôi nhé nãy giờ tôi nhịn nhiều rồi nhé. Giữa đám đông không tôn trọng tôi gọi tôi bằng “ mầy” thì tôi cũng chẳng sợ gì gọi anh bằng”thằng”. Ê cái thằng béo, mặt thịt mắt lờ đờ máu bò điên há mõm ra mà nghe bà dạy đây nầy. Nghe chưa! Nghe chưa! Tao bảo mầy câm mầy mà há mõm ra mầy chết liền. Nghe chưa nãy giờ mầy nói nhiều rồi. Mầy không còn tiêu chuẩn nào để mầy nói nữa, giờ để bà nói. Mầy đứng im đó nhé. Nếu có mõi chân thì ngồi xuống mà ngồi xuống không được ngồi trên xe nhé, phải lựa thềm xi măng mà ngồi. Bà dặn như thế bởi vì sáu bẩy lần mầy đã ngồi vào trong bãi “ cức chó” rồi. Mầy nghe bà nói rồi nhớ mà nuốt những lời bà vào trong bụng để nhớ đây này. Bà cho mầy biết nghe chưa,” cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, tự nhiên mầy xổ thơ mầy chửi bà, trong khi mầy đụng ngay đúng cái lò “thơ tiên sư bố” của bà để bà nổi giận đùng đùng lên, có nghĩa là mầy chọc tức bà. Mầy lỡ mầy mở cái lò thơ của bà thì ráng lắng tai mà nghe nghen! Mầy nói mầy học cha, học mẹ mầy lấy tao, tao cũng học cha, học mẹ tao phải lấy mầy thằng khốn nạn kia! “Thầy u khéo đẻ con ra, Đặt vào hũ muối xót xa cả người,”như thế này. (khóc kể lể) Ới cái thằng khốn nạn! Bố mẹ tao thì ham nhà mầy cao, cửa rộng trên núi trên non nên xúi lấy mầy, tưởng rằng bến sạch nước trong ai dè bến lỡ bùn lầy thối um. Mầy coi cái mặt mầy đi nhé, đầu toàn là đá sỏi, người mầy thì mít đặc. Ôi giời làng nước ơi ra đây mà xem nè! “Chồng người ăn gạo thì khôn, Chồng tôi ăn cám ngu hơn con lừa”. Con lừa, con lừa…Thằng lừa…
- Mầy nói gì, tao con Lừa hả? Còn mầy …mầy là con Bò cái.
- Mầy nói cái gì con bò cái; mầy gán tao con bò cái hả? Tao con bò cái còn đỡ. Còn cái thứ cao như voi mà tối ngủ còn đái dầm. Làng nước ơi chồng tôi tối ngủ còn đái dầm.
Mầy im mầy định la lên để làng nước biết tao đái dầm hả?
Tại sao hồi tao - mầy mới cưới nhau mầy bảo đái đi, đái đi cho thơm mền thơm chiếu. Ừ, lần đầu ngửi thấy thơm, lần thứ nhì ngửi thấy khai, còn lần thứ ba đái người ta thấy thối, thối, thối…quá. Tao cho mầy biết cở đái dầm như mầy thì chỉ xứng với mấy con mắm ở vệ đường thôi. Bà cốc cần cái thứ như mầy. Bà đi về nhà mẹ bà đây bà không về nhà mầy nữa.
- Đứng lại. Con bò cái đứng lại. Tao sẽ bóp cổ, bóp……“cái….của mầy.”
- Làng nước ơi ra coi nó đòi vặn họng vợ nó đây này. Bớ làng nước ơi thằng Tỏn nó giết tôi.”
Câu chuyện trên màn ảnh truyền hình vẫn tiếp tục, nhưng vì phải giao báo kịp thời cho quí độc giả và thân chủ quảng cáo, ký giả Kiến Nâu phải bỏ ngang việc theo dõi câu chuyện chửi nhau trên màn hình để làm nhiệm vụ của mình mà lòng không muốn chút nào.
Theo truyền thống thì người Việt không ai có thể chịu được khi bị kẻ khác lôi tên ông bà, cha mẹ ra mình ra chửi. Cho nên người ta cũng không lạ khi thấy trong cuộc sống, trẻ em giấu tên cha mẹ vì sợ các bạn lôi ra chửi.
Hồi còn là Tổng Thư Ký trường Việt Ngữ ở San Francisco, ký giả Kiến Nâu đã bắt gặp một học sinh gái đang ngồi khóc ở một góc sân chơi. Hỏi ra em cho biết, vừa bị một bạn học cùng lớp chửi tên cha mẹ em vì em va chạm vào người bạn ấy trong khi đang chơi trò đuổi bắt với một bạn khác. Nhân dịp này, nhà trường đã có giúp đỡ hai em hòa lại và giải thích cho các em hiểu về việc kêu tên các bậc sanh thành ra chửi là một điều không tốt.
Bà K người cùng khu phố của ký giả Kiến Nâu thường hay gây sự và chửi bới mọi người xung quanh, ai cũng đều ớn lạnh khi nói đến tên bà. Kiến Nâu nghĩ rằng mọi người tránh né đụng chạm với bà không chắc người ta sợ bà vì người ta ghê tởm không thèm “ điếm xỉa” đến mà thôi. (xin nhắc một tí theo lời bác sĩ bà là người bình thường không tâm thần)
Thế rồi “ được đàng chân, lân đàng đầu”. Một ngày nọ không còn người hàng xóm nào để bà gây sự bà bèn lôi đứa cháu nội mới 10 tuổi của bà ra chửi cho đã miệng (vì nín chửi đã lâu) bởi lỗi thằng Đực Cu làm bể bình rượu thuốc của bà. Với giọng Huế đanh đảnh, trầm trầm như đưa câu móc ruột người.
Bà K rủa xả:
- Cái thằng chết dầm, mắt mi đã đui hay sao mà mi không thấy đồ quí của bà. Bình rượu của bà đã cất 18 năm nay, bà ngâm mọi “ của quí “ vào đấy, nở nào mi “té nổ lọt tròng” làm vỡ của bà. Thứ đồ chết tiệt. Mi vào đây, hốt lên cho bà, mi mà hốt không được bà sẽ bắt thằng cha, con mẹ của mi đền vào đấy.
Thằng Đực Cu khóc lớn lên khi bà K lôi cổ nó đánh mấy roi. Tiếng khóc mỗi ngày càng lớn vang trong trưa hè vốn có tập quán im lặng trong khu phố lao động nằm sát nghĩa trang Gò Vấp làm mọi người chú ý. Ông Năm Xích Lô Đạp nhà sát vách chịu không nổi tiếng khóc như cầu cứu của thằng Đực Cu nên “liều” bước sang can thiệp.
- Ô làm răng mà thằng Đực Cu nó khóc thế? Bà K không trả lời ngay câu hỏi của ông Năm, nhưng mắt lườm lườm ngó thẳng vào người ông Năm rồi hỏi gắt.
- Mi qua đây kiếm chuyện hả, mắc mớ gì tới mi mà mi hỏi đon hỏi ren. Bà đánh thằng Cu nhà bà chứ có đánh Cu mi đâu mà đau? Mi vô duyên quá! Về nhà ngủ trưa để lấy sức mà “đạp” nuôi con mụ nhà đi nhé.
- Cái phố này có tí xíu, o đánh cháu khóc như “tru” ai làm răng ngủ được.
- Mi ngủ không được mặc kệ mi chứ mắc mớ gì tới bà.
- Ê, o đừng có nói ngang nghe chưa! Mích lòng đấy! Từ trước đến nay Năm Xích Lô này nhịn o nhiều lắm rồi nghen.
- Giờ thì mi làm răng bà? Cái đồ chuột thúi, rút cống rãnh nhà bà. Đàn ông gì mà tài lai chuyện nhà người ta mà hóa nhà mình. Đồ cú vọ. Tiên sư tổ cha nhà mi.
- Thôi nghen! O chửi ông Năm thì ông Năm phải bẻ răng O thôi. Ông Năm Xích Lô xấn tới định vả vào cái mỏ nhọn quắc của bà K, nhưng vợ ông bà Tám Ú chạy qua can thiệp lôi ông về, đồng lúc có khách gọi xích lô đi Trung Chánh nên chỉ còn bà K đứng chửi lớ ngớ một mình.
Chuyện mất một con gà không phải là chuyện lớn, nhưng nếu tiếp tục mất thì không thể chấp nhận được. Bởi vậy mà phải ra tay để cho kẻ có tính xấu kia từ nay đừng có động đến gia đình “bà” và cách tốt nhất là phải làm đối phương xấu hổ “ đau” trước xóm giềng.
Lời chửi của mụ đàn bà trong tác phẩm “ Bước Đường Cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan và sau này do hai nghệ sĩ Hồng Vân và Lê Vũ Cầu biểu diễn qua vỡ kịch “ Mất Gà” cho thấy tính “ chửi dai, chửi dài”, “có vần có điệu” cuả phụ nữ miền Bắc Việt Nam có “nghệ thuật” như thế nào rồi!
“ Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước , bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không tôi chửi cho đới!
Chém cha đứa bắt gà nhà bà ! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, mà bây giờ nó bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mầy ra, bà khai quật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.
Ơi cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra…”
Tuy là rủa xả như vậy nhưng đối phương không thể chửi lại hoặc ra “ võ tay chân” với người chửi vì lời chửi chỉ là những lời cạnh khóe, bóng gió, chả ai dại gì mà ra mặt. Việc chửi tuy không nêu đích danh nhưng nhờ một số chi tiết ám chỉ nên vẫn đạt được mục đích là làm cho đối phương mất mặt trước mọi người và hả cơn giận trong lòng.
Theo kinh nghiệm của các vị trưởng lão 3 miền ( Bắc , Trung, Nam) thì người Việt sống phía Bắc Việt Nam thường khi chửi có nhiều đặc tính: dài, dai, văn vẻ, vần điệu mang đầy tính ám thị và quyết liệt. Người Việt sống khúc giữa dãi hình cong chữ S cũng thế, lối chửi không khác gì mấy đối với các đồng bào miền Bắc đôi khi còn có tính cách “ đay nghiến”, chua chát. Riêng người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ít hay có lối chửi ám thị. Họ chơn chất nói điều gì là nói thẳng “toạc móng heo”,nên khi tức giận “chửi” họ vẫn còn mang âm hưởng thật thà.
Thứ Bảy ngày 18- 06-2003,tại một bãi đậu xe trên đường Senter ký giả Kiến Nâu chứng kiến hai người đàn bà “đấu võ mồm” với nhau. Một người độ tuổi trung niên hơi mập đi chiếc xe Lexus màu trắng; bà còn lại gầy hơn có vẻ son phấn đi chiếc Mercedes màu đen. Kiến Nâu không biết nguyên nhân vụ chửi nhau, nhưng thấy bà “mập” la lớn và hùng hổ.
- Tôi cho chị biết, chị mà không nhìn nhận việc làm trầy chiếc xe của tôi, tôi sẽ gọi cảnh sát. Người đàn bà gầy:
- Chị nói ai làm trầy xe của chị? Chị vu oan giá họa cho tôi, chị kêu cảnh sát thì cứ kêu đi. Thứ đồ cà chớn.
- Chị nói ai cà chớn?
Tôi nói chị đó. Thưở đời nay, xe bị ai làm trầy trụa lại đi đổ thừa cho tôi.
- Người ta thấy chị…
- Thấy làm sao? Cái thứ ba trợn ba trạo, ĐM lãi nhãi một hồi nữa tao cho mấy thằng em tao nó “ lắp chim” bây giờ.
- Được rồi tao không tranh cãi với mầy nữa, tao đi một vòng trở lại mầy sẽ biết tay tao. Đồ như cây tăm, xương xẩu lòi ra cả chó cũng không gặm xác mà còn làm tàng.
Không chắc là người miền Nam không có những tính văn vẻ và dai dẳng trong khi chửi, nhưng thấy một điều là khi “lâm chiến chửi” người miền Nam có tính hùng hổ cộc lốc, ngắn ngủn và rồi dễ chấp nhận những gì cảm thấy sai trái khi hiểu ra.
Nhà nghiên cứu văn học trẻ Trần Ngọc Thêm và Tuyết Mai cho rằng:
“ Với lối chửi bóng gió, đầy tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu về hình thức, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “ nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được.”
Chú thích:
(1) Ký giả Kiến Nâu tức ký giả Duy Văn Chủ Bút Tuần Báo Đời Mới Magazine San Jose Bắc California.
Hà đình Huy Kết Thúc (END)