Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

CUỘC ĐỜI ĐỂ LẠI TRONG THƠ

Những xúc động thường trực 
“Người ta làm thơ như thế nào?”. Đã nhiều lần, trong tôi nảy ra cái câu hỏi có vẻ tò mò vậy, mà chưa dám hỏi một ai, vì nhiều lần cứ định hỏi là mọi người tìm cách lảng. May mà Xuân Quỳnh không lảng tránh thẳng thừng. Để giúp tôi “mục sở thị”, bên cạnh bài thơ, chị cho xem những quyển vở đã ghi chi chít những chữ là chữ: Chị đã nháp bài thơ ra văn xuôi trước khi hoàn chỉnh nó và cho nó một khuôn mặt cố định trên trang giấy. 
- Lúc viết những dòng này, tôi như người phát cuồng. Cứ phải ghi bằng hết những ý nghĩ đang ào ào kéo đến trong đầu không cần vần vèo gì vội. Còn sắp xếp lại, đặt vần, tôi làm sau, việc ấy đơn giản hơn.

Ngừng một lát, dường như để nhớ lại một chuyện gì đấy, Xuân Quỳnh kể thêm: 
- Hôm nọ có người hỏi tôi có hay thuộc thơ mình không. Quả thật, có khi tôi quên chứ không phải cái gì cũng thuộc đâu. Nhưng những bài thơ mà tôi thích thì bao giờ tôi cũng nhớ, nhớ cái tâm trạng nó chi phối mình, khi làm bài thơ ấy...
- Nghĩa là sự làm thơ ăn ở những xúc động?
- Người khác thế nào, tôi không biết. Với lại, ông còn lạ gì những xúc động ẩm ương của những nhân vật ấm đầu, khi viết tưởng mê man run rẩy lắm mà bài thơ vẫn nhạt như nước ốc. Nhưng đúng là bản thân tôi, lúc viết, như là bị ám ảnh, phải viết ra bằng được mới thôi. Còn hình thức thơ bốn chữ hay thơ tám chữ, chuyện ấy sẽ đến sau. Làm thơ mà có mỗi cái vần bắt không xong, thì còn tính chuyện viết lách làm quái gì nữa. 
Nói đến đây, Xuân Quỳnh cười xoà, bảo tôi cất các thứ tài liệu chị cho mượn vào túi, rồi lảng sang chuyện khác. 
Mạch thơ hồn hậu 
Thời xưa, tương truyền có những nhà thơ xuất khẩu thành chương, những người buộc phải làm thơ về một đề tài nào đó trong một thời hạn nào đó, và danh bất hư truyền, bao giờ cũng viết nên những bài thơ đọc được. 
 Gạt đi lối bắt vần ép chữ gò gẫm kiểu mấy chàng hay chữ làm thơ con cóc, thì đúng là có những người sinh ra để làm thơ, và các bài thơ được hình thành một cách xuất thần, nghĩa là thật dễ dàng, như có ai ốp đồng vào tay vậy. Kiểu như thơ Hồ Xuân Hương:
 - Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
- Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Thơ Tú Xương: 
- Sông kia rày đã nên đồng... 
Ở đây tôi không dám nói trong những người làm thơ hiện nay, ai sẽ còn lại với văn học, sáng tác của ai có giá trị lâu dài. Nhưng nếu như cần nêu lên một người hình như rất gần với thơ, sinh ra để làm thơ, thì người đó là Xuân Quỳnh. 
Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh có lần bảo tôi: 
- Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên, như đã gọi là phụ nữ thì phải sinh con đẻ cái vậy. 
Sau khi đọc xong bài Sóng, đăng trên báo Văn Nghệ - đầu 1968, nhà thơ Vũ Cao cũng có tâm sự, đúng kiểu đồng nghiệp vẫn nhìn nhau: 
- Bài này Quỳnh nó viết bợm thật. Nghĩa là đọc xong, tự nhiên mình cũng có ý nghĩ là phải viết, viết một cái gì cho ra trò một chút, cho nó phải nể. 
Những ý kiến tương tự như thế - khen thơ Xuân Quỳnh dễ đọc, khen thơ làm tự nhiên mà thuyết phục - khá nhiều. 
Thì ra, bên cạnh việc nhắc nhở nhau lao động kiên nhẫn, bền bỉ, chúng ta còn đều thống nhất ở một điểm nữa: vẻ đẹp cao quý nhất trong văn học phải là vẻ đẹp tự nhiên. Nó không có quyền mang dấu ấn những gắng gỏi gò gẫm nơi tác giả, dù khi viết, tác giả đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều. Nhà văn phải làm chủ cảm hứng của mình, phải biết “thai nghén”, chuẩn bị, lại phải mau mắn thông minh khi “sinh nở”. Nhiều người thành công cho biết càng kéo dài thời gian viết, tác phẩm càng dễ nhạt. 
Theo sự quy định của hoàn cảnh  
Ấn tượng về một cái gì tự nhiên càng rõ rệt hơn khi người ta nhìn vào con đường Xuân Quỳnh đã qua để đến với văn học.  
Có một chi tiết tiểu sử nhiều người đã biết, ấy là trước khi làm thơ, Xuân Quỳnh là một diễn viên múa. Khi nghĩ đến nghề này, nhiều người tỏ ý coi thường và quả thật họ có lý riêng: ở Việt Nam, nghệ thuật múa chưa được nâng lên thành một hoạt động tinh thần mà chỉ dừng lại thuần tuý ở một sự khéo léo bản năng. Trường hợp của Xuân Quỳnh cũng không ra ngoài cái quy luật chung đó. ở tuổi mười bốn, thấy có thông báo tuyển văn công liền thử vào thi xem sao và từ khi thi vào đến khi chia tay chẳng qua một trường lớp nào cả. 
Nhưng nghĩ lại thì con đường mà Xuân Quỳnh đến với thơ so với hồi đến với múa đâu có khác?! Cũng như nhiều bạn bè cùng lứa, người làm thơ này đã làm cái nghề mình có năng khiếu theo kiểu tự nhiên thích, thấy mọi người làm thì cũng thử làm xem sao, và lấy số lượng thơ được công bố để đo tính tài năng của mình; năng nhặt chặt bị, sau những bài đăng báo thì tính chuyện dồn thơ lại thành tập. Nếu cần nói tới một ám ảnh thường trực thì đấy là ám ảnh có tác phẩm được in, hay nói rộng ra, được nói to lên trước mọi người, được xuất hiện trước công chúng; ngoài ra những vấn đề như thơ là gì, thơ có thể thay đổi như thế nào xem như chuyện trừu tượng xa vời, không việc gì phải băn khoăn cả. Mỗi cá nhân hãy tự khẳng định đi! Còn cái cách để tự khẳng định thì trông vào những người đi trước! Chẳng hạn, một quy trình làm việc quen thuộc của các nhà thơ lúc này là đi thực tế rồi về có ngay sáng tác kịp thời, quy trình này được Xuân Quỳnh tiếp nhận một cách tự nguyện. Nhiều lần lên rừng xuống biển. Nhiều lần về các vùng nông thôn Thái Bình, Hưng Yên. Riêng hai năm 1969-1970 lặn lội vào vùng đất lửa Quảng Bình hàng tháng trời. Đi đâu trở về nhà thơ cũng có được những sáng tác mới, chúng mang được cái nhìn riêng về những vùng đất mà trước đó chị hầu như chưa quen biết. Bởi ở đâu chị cũng có được cái nhìn riêng, đồng thời tìm ra sự gần gũi giữa mình với hoàn cảnh. “Người làm thơ mang tâm hồn trang trải khắp khung cảnh, con người và sáng tác ra đời là một sự đan dệt tự nhiên giữa chủ quan và khách quan” - qua Xuân Quỳnh, một công thức quen thuộc của sáng tác như thế được ứng nghiệm và chứng minh một cách đầy thuyết phục. Xin nhắc lại rằng cái sự tự nhiên này không phải riêng của Xuân Quỳnh mà của cả hàng loạt bạn bè đồng nghiệp. Mỗi thế hệ chỉ có được cái vai trò riêng mà lịch sử giao phó cho họ. 
Kể ra cũng có những hành động mà Xuân Quỳnh đã kiên trì theo đuổi để sống với thơ và hơn thế nữa như là chống lại số mệnh. Một thiệt thòi cho chị và cho nhiều bạn làm thơ cùng tuổi là không biết ngoại ngữ. Đau lắm thèm lắm, đành theo những lớp học thêm. Nhưng ở Hà Nội của chúng tôi những năm ấy, giá có biết tiếng sẵn cũng không có sách mà đọc, việc giao tiếp với nước ngoài bị hạn chế đến mức tối đa thì làm sao mà học được? Tôi nhớ có một dạo đi đâu trong túi xách của Xuân Quỳnh cũng có tập bài tiếng Pháp, ngoài ra không thể nhớ hết bao nhiêu lớp chị đã theo học. Bởi lẽ học ít kết quả nên các lớp đó cũng teo dần và ai muốn học lại theo những lớp mới, cả đời đi học mà cũng cả đời chưa thể gọi là biết ngoại ngữ để dùng trong công việc. 
Rộng hơn câu chuyện ngoại ngữ, Xuân Quỳnh còn không có may mắn được học hết phổ thông mà đi công tác, tức là đi kiếm ăn sớm, và về sau gặp nhiều khó khăn trong việc tự học. Trong khi một số nhà thơ khác cũng xuất thân tương tự nhưng hồn nhiên vào đời rồi chai lỳ đi, chẳng thiết đọc nữa, chẳng những thế quay ra hoặc ngấm ngầm hoặc lớn tiếng tự hào về sự không cần học của mình thì ngược lại Xuân Quỳnh lấy làm tiếc cho mình một cách chân thành. Thành thử có một điều khiến tôi cảm động, ấy là, trong khá đông những người bạn viết văn của tôi, thì đây là một trong vài ba người biết cho sự cần thiết của nghề phê bình văn học mà tôi theo đuổi. Bao giờ nghe tôi kể rằng vừa đọc được một quyển sách hay, nét mặt chị cũng thoáng qua một nét buồn như ân hận rằng lẽ ra mình cũng phải đọc chính quyển sách đó. Thế nhưng cuộc sống xô đẩy rồi cũng phải quen dần và vẻ lam lũ đã là một phong cách ôm trùm chi phối cuộc sống cũng như công việc viết lách. 
Không viết thì phí mất! 
Hồi trước 1954, ngôi nhà 96 phố Huế vốn là một khách sạn (đâu tên cụ thể là Hotel Lục quốc thì phải). Được cái tiện là ở đó có nhiều loại phòng to nhỏ khác nhau. Bởi vậy, khi trở thành khu tập thể của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, nơi đây có đủ cả những phòng khá to 25-30 mét vuông chia cho các cán bộ phụ trách hoặc những gia đình đông con, lại có những phòng toen hoẻn 9-10 mét vuông chia cho những hộ ít người hoặc các cán bộ lương thấp. 
Vào khoảng đầu 1968, Xuân Quỳnh và gia đình bốn người (cả chồng con lẫn bà mẹ chồng) được chia hai căn phòng nhỏ như thế ở hai tầng khác nhau. Và một trong hai căn phòng ấy - cái ở tầng ba chứ không phải cái ở tầng tư - kiêm luôn mấy việc: phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách. Thời chống Mỹ mọi người nghèo lắm, các gia đình làm gì có ti-vi với đủ loại phương tiện giải trí như bây giờ. Suốt ngày chạy vạy đong cho được cân mì hoặc mua cho được lạng thịt và lo hết việc cơ quan trở về đã đủ mệt rồi, cánh cán bộ nhà nước nhiều buổi tối không nghe đài cũng chỉ ngồi dông dài tán chuyện thời sự, cuộc sống uể oải cầm chừng lây ngay cả vào đám người làm nghề sáng tạo, thành thử thấy ai làm được cái gì cho ra tấm ra món cũng thấy quý. Một lần sau khi được tác giả đọc cho nghe một bài thơ đáng gọi là hay, mà chỉ vừa nghe nói là định viết vào tối hôm trước, tôi hỏi lại Xuân Quỳnh: 
- Bà làm vào lúc nào thế này?
- Hôm qua tiễn các ông về, rồi buông màn cho thằng cu xong, tôi mới lấy giấy bút ra, lúc kê lên đầu gối lúc bò ra sàn mà viết. Gần sáng mới chợp mắt được một lúc.
- Sao tự nhiên lại hăng hái thế?
- Sống từ sáng đến chiều vớ vẩn rồi lúc bắt đầu quay về với thơ chỉ nghĩ “không viết thì phí mất!”. Thế là lại phải cố mà viết bằng được. Chỉ sợ bao nhiêu nỗ lực của mình chẳng đi đến đâu chỉ sản sinh ra được những bài thơ dở, khiến người đọc người ta dửng dưng thì cũng buồn lắm. 
Trước tiên là viết cho mình  
Hẳn ai cũng biết mối quan hệ giữa thơ và cuộc sống hàng ngày của người làm ra những bài thơ ấy là một trong những khâu thiết cốt đối với nghề thơ. Thế nhưng từ chỗ biết vậy đến chỗ có cách xử lý đúng mức là cả một chuyện rắc rối và nhiều người chỉ nhờ may mắn mà đến được với con đường đúng đắn. Xuân Quỳnh chính là một trong những người đó. 
Chẳng hạn, chúng ta đều biết những địa danh được nói tới trong một sáng tác (tên một con sông, một dãy núi), vốn không phải là một cái gì quan trọng. Trong một bài thơ tình, xã Bảo Ninh hay xã Quang Phú, núi Cánh Diều hay núi Mây Bay thì cũng thế. Không thiếu gì người, không đến biên giới bao giờ vẫn sẵn sàng đề dưới bài thơ phục vụ kịp thời của mình mấy chữ: “Biên giới Tây Nam ngày...” cốt để đăng báo. Hoặc lịch sử thơ ca còn ghi lại không ít trường hợp những bài thơ xuất hiện vì cớ này song lại được tác giả lái sang một ý nghĩa đâu đâu mà bài thơ vẫn đọc được. 
Nhưng Xuân Quỳnh sống theo một niềm tin khác, và một hành động mang tính tiểu xảo như vậy bị chị coi là gian manh, không thể chấp nhận được. Trước khi đưa ra bài thơ để mọi người cùng đọc và hy vọng rằng nó cần thiết cho họ, chị đến với thơ để nói về mình. Nhìn vào con người và sự vật chung quanh, chị thấy có bản thân ở bên trong và đấy là cái hích đầu tiên buộc chị cầm bút. Những người có quen riêng tác giả Gió Lào cát trắng đều biết chị có thói quen diễn tả tâm trạng của mình qua thơ đúng đến từng khía cạnh tưởng là nhỏ nhặt. Mỗi bài thơ ra đời, đều có cái lý lịch của nó. Nó chỉ ra đời với những nguyên cớ cụ thể mà người viết muốn đặt vào nó, gửi gắm tâm sự của mình trong nó. Nếu chắp các bài thơ đó lại, người ta có thể có cả cuộc đời Quỳnh. Đấy không phải là một sự khoe khoang hay láu cá nào hết. Xuân Quỳnh buộc phải viết vậy, hàng ngày, chị đã nghĩ bằng thơ, sống bằng thơ, dùng thơ để tự hiểu mình. Lúc làm xong bài thơ cũng là lúc nhà thơ thấy lòng vợi đi ít nhiều, vì những dòng chữ kia như biết chia sẻ với tác giả của nó, cả những vui sướng cực độ, lẫn những đau đớn đến xé ruột xé lòng. Một lần nào đó chị tự hào bảo riêng với tôi: 
- Nói được niềm vui nỗi khổ của chính mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không được yêu mà mình được yêu, như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng, hỏi không vui sao được? 
Nhạy cảm: ưu thế và tai vạ 
Có một bài thơ Xuân Quỳnh viết mang tên Con yêu mẹ, ở đó khi kể lại cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, tác giả ghi lại mấy câu vui vui của đứa trẻ, nào là Con yêu mẹ bằng trời xanh / Rộng lắm không bao giờ hết, rồi vân vi đủ thứ, và kết lại bằng câu Con yêu mẹ bằng con dế. Một ý tưởng đột ngột mà người ta chỉ bắt gặp ở trẻ con!  
Cái cách đùa cợt của đứa trẻ mà nhà thơ ghi lại trong câu thơ ấy thực ra rất gần với cách nghĩ của chính Xuân Quỳnh hàng ngày. Trước mắt anh chị em cùng cơ quan hoặc là hàng xóm láng giềng, nhà thơ thường hiện ra như một con người hồn nhiên cởi mở. Chị bắt chước cách nói của người nọ, nhại những ý nghĩ buồn cười của người kia. Nhiều khi cùng chứng kiến một khung cảnh, chưa ai cười được thì con người nhạy cảm ấy đã nghĩ ra cớ để cười. Đi đến đâu là chị mang theo đến đấy sự vui vẻ, chẳng cần dụng công chị cũng kéo được mọi người bỏ công bỏ việc ngồi nghe.  
Đó là nhờ cái tài ăn nói bẩm sinh: dù thuật chuyện mình hay chuyện người thì chị cũng biết làm bật lên cái khía cạnh hài hước của nó, và mang lại cho nó một vẻ sinh động. Thậm chí còn có thể nói có một con người văn xuôi trong cách nhìn đời của nhà thi sĩ.  
Trong đời sống cũng như trong sáng tác, một sự nhạy cảm như thế là rất cần thiết. Nếu như nó lại được dắt dẫn bởi một lý trí sáng suốt thì sẽ có thể dẫn người ta đi rất xa. Song có một điều ngược lại mà ít ai biết: nó cũng có thể là nguồn tai hoạ và khi đó da càng mỏng càng đau, kẻ nhạy cảm có nghĩa là kẻ chuốc lấy nhiều xót xa ê chề hơn người khác. Khốn thay đó lại là chỗ yếu không thể khắc phục của Xuân Quỳnh! Sắc sảo khi bàn tính hộ người song trong việc mưu cầu hạnh phúc riêng thì con người ấy thường vụng dại. Đọc thơ của chị, nhất là thơ tình một hồi, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh của một người yêu rất nhiều mà nhận lại chả bao nhiêu, đơn độc đi trong cuộc đời, và lúc nào cũng cảm thấy phía trước là bất hạnh, là bão tố.  
Ở trên tôi đã kể lúc cao hứng lên, Xuân Quỳnh từng tự hào vì nỗi được nói to lên giữa cuộc đời im lặng. Thế nhưng, những lúc vất vả quá - vất vả với nghĩa bế tắc, dằn vặt, vất vả về mặt tinh thần - Xuân Quỳnh lại quay ra mát mẻ: 
- Thỉnh thoảng có người, thấy mình khổ quá, mà vẫn làm được thơ, tỏ ý an ủi: “Bà cứ ráng chịu, rồi chắc có thơ hay”, tôi đã trả lời thẳng thừng: “Tôi sẵn sàng từ bỏ hết những bài thơ kia đi, miễn là tôi khỏi khổ!”.
Khao khát và lầm lỡ  
Trong cơn say sưa bộc bạch,  nữ  sĩ Trùng Dương khi trả lời  một cuộc phỏng vấn trên bán nguyệt san Văn ra  ở Sài Gòn khoảng 1973 từng tự nhận: “Nếu còn tin tưởng ở Thượng đế, tôi sẽ cám ơn Người đã ban cho tôi một cuộc sống gồm có những dịp lầm lỡ, cộng thêm với một chút hơi nhiều lý trí, cộng thêm với một chút hơi nhiều lòng tham vọng và ý chí ngạo mạn”. 
Tuy ở một phương trời khác, nhưng Xuân Quỳnh có thể hoàn toàn chia sẻ với những tâm sự kiểu đó: Cái chính là ở con người này có quá nhiều tham vọng. Những chùm hoa dại trên núi Hoàng Liên nói lên những ước ao bình thường nhất mà vẫn không thành. Con đê biển tượng trưng cho sự chịu đựng, tức một sự hy sinh kể ra cũng cần thiết, nhưng lại tước đi của người ta biết bao mơ ước! Dù biết rằng những hạn chế ấy là không tránh khỏi, song trong lòng người làm thơ vẫn dậy lên những khao khát thay đổi. Có cảm tưởng với Xuân Quỳnh sự ham sống là một bản năng thường trực và càng không được thoả mãn càng thèm muốn. Ngay trong những ngày sống hạnh phúc, con người đó vẫn cảm thấy là phải mau tận hưởng, nếu không, nó sẽ qua đi rất nhanh. Cuộc sống vì thế bao giờ cũng căng lên như những sợi dây đàn, người ngoài nhìn vào thấy sợ hãi thay cho người trong cuộc, nhưng lại hiểu rằng đó là cội nguồn của sáng tạo.
Giữa đám bạn bè cùng nghề, người thi sĩ này thường tự nhủ: “Đối với người sáng tác, không gì sợ bằng sự nghèo nàn. Nghèo trong cảm xúc nhận xét thì không thể tha thứ được”. Trong đời sống hàng ngày cũng như trong sáng tác, không chịu được cái gì trung bình nhợt nhạt. Yêu hay ghét, đều phải hết lòng. Thà thái quá còn hơn bất cập. Và bởi lẽ xúc cảm là cụ thể, là của từng giây phút một, nên chúng thường xuyên thay đổi, một sự thay đổi đột ngột khiến người ngoài nhìn thấy chóng mặt. 
Một người bạn của Quỳnh lúc trẻ là Bằng Việt đã diễn tả rất hay lối cảm xúc đó của tác giả Gió Lào cát trắng. Bài thơ Người cùng đi một đường chỉ có cái phụ đề “Gửi một người làm thơ cùng lứa tuổi” nhưng ai đọc cũng có thể đoán ngay là đề tặng Xuân Quỳnh:
Lại con đường đỏ rực dưới cây xanh
Đi như lao, như lửa cháy trong mình
Nhịp thơ bạn bỗng bồi hồi mạch đập
Những sườn dốc, rồi những cua vòng gấp
Băng trong đời, như bạn đã từng quen
...
Vẫn đó - gió Lào cát trắng trong thơ
Những thượng nguồn sông, buồn vui bất chợt
Như lòng bạn, lũ trào dâng đột ngột
Cuốn mình đi, đắp những bãi bờ xa
Về phần mình, tôi nhớ những ứng xử của Xuân Quỳnh trong đời sống hàng ngày, nét mặt bồn chồn của chị khi chị gặp một người này, khi mong được tham gia một chuyến đi kia, hoặc nỗi sung sướng và thái độ trân trọng, quý hoá, khi được cầm trên tay một cuốn sách mà từ lâu đã nghe tiếng. Có thể nói đấy là những lúc con người ấy biết sống hết từng phút giây một! Sự thiếu nhẫn nại toát ra ở cái run rẩy của giọng nói. Vẻ sốt sắng hiện lên trên nét mặt. Tham lam quá đi, mà sự tham lam ở đây lại lộ liễu quá đi - người ta có thể nhận thấy như thế, và chính Xuân Quỳnh cũng đã cảm thấy như thế. Nhưng bởi lẽ, nỗi ham muốn đã lên đến cực độ, lại hiểu rằng, vì thơ, vì sáng tác, sự ham muốn của mình là không vụ lợi (nghĩa là người ta cũng dễ tha thứ), nên Xuân Quỳnh vẫn sống vậy. Một cách sống luôn luôn mang lại những sung sướng, và đau khổ hơn người. Câu chuyện sau đây minh chứng cho điều đó: Nhà thơ có một người chị là Đông Mai hiện đang dạy học ở thành phố Hồ Chí Minh. Một lần, người viết bài này  từ Hà Nội vào SG,  tới thăm chị Mai. 
- Thế nào cậu, dạo này ngoài đó, Quỳnh nó sống thế nào? Vui hay buồn? 
 Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Em gái chị là một người đặc biệt, nên vui cũng vui hơn người khác mà buồn cũng buồn hơn người khác, làm sao trả lời cho rành rọt được. 
Khi nghe kể lại như vậy, Xuân Quỳnh chỉ cười, không phản đối. Chắc trong thâm tâm Quỳnh nghĩ: “Đúng là giời đày mình, nhưng có thế, mình mới viết được”. 
Ảo tưởng dai dẳng  
Từ khi cho in những bài thơ đầu tiên, cho tới giữa năm 1988, sửa soạn tập thơ cuối cùng, Xuân Quỳnh đã có một chặng đường thơ khoảng một phần tư thế kỷ. Nhìn vào thơ, thấy con đường con người này đi khá thông thoáng: cứ đều đều vài ba năm lại có một tập thơ ra đời. Trong khi nhiều người bạn cùng lứa đã bỏ cuộc, nhiều người già đi, cũ đi, tự lặp lại mình trong thơ thì trên đại thể thơ Xuân Quỳnh vẫn giữ được cái duyên riêng, và có được cái hơi trẻ trung, tươi tắn. Chẳng những thơ bầu bạn với Xuân Quỳnh, thơ còn nâng cao con người nhà thơ lên. Qua thơ, người ta bắt gặp một Xuân Quỳnh hào phóng, nồng nhiệt, tha thiết với cuộc sống. 
Tuy nhiên cũng từ đây cách suy nghĩ của Xuân Quỳnh có một khía cạnh mà từ lâu tôi đã muốn coi như một nhược điểm, ấy là chủ quan, chủ quan đến mức quá tự tin. Biển quen theo những quy luật của mình, một câu thơ như vậy buột ra trong một bài thơ viết về biển, và những người có quen biết đều hiểu rằng đó là lúc nhà thơ nói về bản thân song đều lo lắng hộ: những ngạo nghễ kiêu hãnh kiểu ấy nó có phần phỉnh nịnh tuổi trẻ nên lại càng khó gạt bỏ.
- Một tình yêu như thế vẫn y nguyên
- Chỉ còn lại một màu hoa rất trắng
- Đất qua rồi những yêu thương
 Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi
- Thời gian của ta không bao giờ mất
Không gì khác đó chính là những ảo tưởng. Những ảo tưởng trong thơ nhưng cũng là ảo tưởng trong đời sống. Những ảo tưởng này vốn không chỉ là của riêng của Xuân Quỳnh mà là của hàng loạt người cùng tuổi, song nếu ở ngoài đời người ta chỉ nói vậy thôi rồi người ta vẫn thực dụng vẫn kiếm chác, thì nhà thơ của chúng ta sống với nó một cách chân thành, đấy chính là đầu mối của nhiều bi kịch mà chị sẽ phải đón nhận.
 Trong số những bài thơ mang ảo tưởng của Xuân Quỳnh, tôi nhớ hơn cả đến một bài mang tên Có một thời như thế nhà thơ cho in vào đầu 1985. Cái thời nói ở đây là quá khứ của mỗi chúng ta. Tác giả đã bắt rất trúng cái thần của nó khi miêu tả nó trong sáng, nó đẹp theo kiểu mơ ước viển vông niềm vui thơ dại hoặc luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng, tôi đã buồn đã khóc những không đâu... Ngoảnh lại cái thời đó, nhà thơ thấy mình đã thay đổi: mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc. Cùng cảm hứng về sự già đi của bản thân là suy nghĩ chung về sự chuyển biến của đời sống Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết/ hôm nay non mai cỏ sẽ già. Và sau hết nhà thơ kêu gọi mọi người không tự mê hoặc mình bằng quá khứ mà hãy hướng về cuộc sống trước mắt:  
 Quá khứ đáng yêu quá khứ đáng tôn thờ
 Nhưng không phải là điều em ao ước  
Có điều trong lúc tỉnh táo như vậy tác giả vẫn để chen vào hai câu thơ nói về mình một cách ảo tưởng: 
 Em biết quên những chuyện đáng quên
 Và biết nhớ những điều em phải nhớ  
Khi nghe tôi biện luận: “Người mà làm chủ được hoàn toàn tình cảm của mình như vậy thì chỉ còn là cái máy”, nhà thơ chỉ cười xoà, song tôi biết trong thâm tâm chị hiểu “rằng quen mất nết đi rồi”, làm sao mà vượt lên khỏi cái chương trình mà thời đại đã đặt vào mình cho được. 
 Những gì còn lại  
Thời gian vốn có sức ám ảnh với tâm trí nhà thơ này. Ngay từ khi mới trên hai mươi bắt tay làm những bài thơ đầu tiên về tình yêu trong bài Chồi biếc, chị đã viết đại ý mình chỉ là một phần tử nhỏ nhoi trong dòng người vô tận và tự nhủ sẽ có lúc hết phiên để nhường cuộc đời đẹp đẽ này cho những cặp tình yêu khác. Vào khoảng những năm tám mươi, tức khi đã bước sang tuổi bốn mươi, thì cảm giác ấy càng nẩy nở thường trực. Bài Hoa cúc láy đi láy lại nỗi đau xót âm thầmkhi tự thấy mình không còn được như hôm qua:
 - Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
 Chỉ em là khác với em xưa
.....
 - Bao ngày tháng đi về trên mái tóc
 Chỉ em là khác với em thôi
Cũng từ đây trong thơ đã len vào những giai điệu khác:
- Đường tít tắp mà ngày đang xế bóng
Mệt mỏi chăng hỡi người bạn đồng hành?
Sự mệt mỏi ấy trước tiên là đến từ phía cuộc sống, những lo toan chợ búa gia đình chồng con mà càng những năm gần đây, với Xuân Quỳnh, càng là một gánh nặng. Nhưng có thể là còn từ phía sáng tác nữa chăng? Tôi nhớ những lần trò chuyện, khi nào nghe tôi kể có đọc thêm được quyển này quyển kia, là y như Xuân Quỳnh có vẻ buồn hẳn đi. Hình như một người nhạy cảm như chị một lúc nào đó, đã mang máng nhận ra rằng trong thơ mình đã đi đến cùng trên con đường đã chọn, mà đi tìm những nẻo lối mới thì chưa biết ở đằng nào. Những đòi hỏi học thêm, đọc thêm, những đòi hỏi tìm sự bồi bổ của văn hoá nói chung, đến tuổi này càng thấy bức thiết, mà sức lực đâu được như xưa, thời gian còn lại rất ít. Cái bi hài kịch mà mình nhìn nhận thấy ở không ít bè bạn - bi hài kịch của những người được một hai cuốn sách đầu, đã trở thành nhà thơ nhà văn rồi, thì sống lêu têu vạ vật chả còn viết được cái gì nên hồn - cái bi hài kịch ấy, lúc nào cũng có thể đến với mình chăng? Nếu thế thì buồn, thì mỏi mệt cũng là điều khó tránh.
Còn nhớ khoảng 1985-1986, thỉnh thoảng tôi lại nghe Xuân Quỳnh thở ra những điều ngán ngẩm:
- Dạo này tôi rất chán. Nhà cửa chật chội, nóng nảy, bận bịu...
Tôi cũng hùa theo:
- Đời sống khổ quá, có lúc tôi đã tự nhủ: Chết đi, cũng chả có gì phải tiếc.
- Tiếc thì không tiếc, nhưng nghĩ có lúc cuộc sống này không có mình nữa cũng buồn.
Đến đó, câu chuyện của chúng tôi chuyển sang một hướng khác. Nhưng ra về, mà tôi cứ nghĩ vân vi mãi, chẳng lẽ người kêu rằng chán đời, chán làm thơ đó, lại là Xuân Quỳnh? Bởi những tập sách còn kia, giở trang nào ra chẳng bắt gặp một con người thèm yêu, thèm sống, và một trong những bài thơ hay nhất của người đó mang tên Nếu ngày mai em không làm thơ nữa:
- Và trời xanh xin trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa.
Điều gì đã xảy ra với người làm thơ đó và những người cùng lứa khác? Lâu nay, cứ tưởng mình và bạn bè mình còn trẻ, nay hoá ra ở ngưỡng cửa của tuổi năm mươi rồi, những điều lúc trẻ, tưởng là xa lạ, sự sống, cái chết là điều phải bàn rồi. Đã đến lúc mình có thể chết rồi chăng? Hay chết cũng chưa thể là một sự giải thoát đích thực, để chuẩn bị cho một cái chết xứng đáng phải tiếp tục sống nữa, sống mãnh liệt hơn. Chưa kịp bàn thêm với nhau thì Xuân Quỳnh đã đi xa rồi, và giờ đây, đối với tôi, chỉ còn có cách tiếp tục tìm câu trả lời ở những dòng thơ người bạn đó đã viết.
Viết khoảng 1988-93

Đã in Cây bút đời người -2002

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Xứ sở của người mù


Câu chuyện sau đây được kể lại dưới góc nhìn của một họa sĩ đang sống và sáng tạo trong một xứ sở tự do và khoan dung. Anh luôn có cơ hội và điều kiện để bảo vệ đôi mắt sáng và góc nhìn khác biệt của chính mình.
Câu chuyện giả tưởng về xứ sở của những người mù tưởng chỉ là chuyện đùa của Herbert George Wells. Mượn câu chuyện và hoàn cảnh hết sức đặc thù, hết sức viễn tưởng cá biệt để khắc họa sự đối kháng giữa tư tưởng tự do, phẩm giá cá nhân và tính bầy đàn nguyên thủy chà đạp sự khác biệt và sáng tạo.

Xã hội của những người mù trong câu chuyện này giờ đây không còn là tiểu thuyết viễn tưởng nữa mà đang tồn tại ngay trong lòng mỗi chúng ta khi mà con người đang bị mê hoặc và tăm tối hóa bởi lợi ích bầy đàn của những chú cừu, lợi ích bản thân mà quên mất đi giá trị của tự do và lòng khoan dung, chính là những thứ quý giá làm nên phần quan trọng nhất của phẩm chất NGƯỜI.

Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”.

Nguyễn Đình Đăng


Herbert George Wells (1866 – 1946) là tác giả nhiều truyện ngắn viễn tưởng. Một trong những truyện nổi tiếng của ông là ”
The Country of the Blind“. Có thể đọc bản dịch tiếng Việt “Xứ sở của người mù” tại đây.

Truyện kể rằng có một người tên là Nunez bị lạc vào một xứ sở của những người mù bẩm sinh sống trong một thung lũng hẻo lánh, cách biệt hẳn với thế giới xung quanh từ nhiều thế hệ. Họ không hề biết tới khái niệm “nhìn” là gì, họ không hiểu “mù” là gì. Họ hình dung hiện thực theo cách riêng của họ. Ví dụ thời gian được họ chia thành ấm và lạnh (tương đương với ngày và đêm trong thế giới những người mắt tinh). Họ làm việc lúc lạnh và ngủ lúc ấm. Họ có hệ thống luật lệ, triết học, tôn giáo của riêng họ. Ví dụ họ giải thích sự hình thành thế giới (tức cái thung lũng mà họ đang sống) như sau: đầu tiên xuất hiện một hốc lõm trong các tảng đá, sau đó xuất hiện các vật phi chúng sinh không có khả năng sờ mó, rồi xuất hiện các con lạc đà llama và vài sinh vật ít cảm giác khác, sau đó xuất hiện loài ngưởi, rồi cuối cùng là các thiên thần mà chỉ có thể nghe thấy tiếng hát du dương và tiếng chuyển động thoăn thoắt vù vù chứ không bao giờ có thể chạm được vào (Nunez mãi mới hiểu ra đó là những con chim).


Lúc đầu Nunez cho rằng mình có mắt, nhìn được hiện thực thật sự, nên anh có thể cải tạo khai hóa họ theo lý thuyết “Ở xứ mù thằng chột là vua“. Nhưng anh đã thất bại sau nhiều lần thử thuyết phục họ. Họ cho là anh điên, ảo tưởng, hão huyền. Anh nổi dậy dùng bạo lực chống lại họ nhưng cũng thất bại nốt. Những người mù có hệ thống cảm giác nghe, ngửi rất phát triển. Anh chạy đâu họ cũng biết và bao vây. Họ nghe được cả nhịp tim anh đập.





Frank R. Paul,

Minh hoạ truyện ngắn “Xứ sở của người mù” của H.G. Wells. 

 
Cuối cùng anh buộc phải đầu hàng và sống với họ vì anh không có cách nào thoát ra khỏi những vách núi cao bao quanh thung lũng, mà anh thì cần ăn. Dần dần anh yêu một cô gái mù trong xứ sở đó. Đến khi anh xin cưới cô thì tất cả xã hội người mù phản đối. Song vì tình yêu của hai người quá mãnh liệt nên các bô lão trong đất nước của người mù này bèn họp lại và đi đến quyết định là họ chỉ đồng ý nếu anh cũng mù như họ, tức là anh phải chấp nhận để họ khoét hai mắt của anh, vì theo bác sĩ của họ chính đôi mắt đã làm hỏng tư duy của anh. Vì quá yêu cô gái, lúc đầu Nunez chấp nhận.
Tuy nhiên sau một tuần đấu tranh tư tưởng, Nunez đã ngấm ngầm quyết định chọn tự do của người có mắt sáng. Đêm cuối cùng trước khi họ định khoét mắt anh (tức là ngày trong thế giới người tinh), Nunez đã bỏ trốn khỏi đất nước của những người mù. Anh chạy tới chân núi bao quanh thung lũng và leo lên đỉnh.

Truyện kết thúc lúc Nunez đã leo được lên cao, quần áo bị rách tả tơi, thân thể sây sát tứa máu. Trời tối và cái thung lũng đất nước của những người mù hiện ra bé tí bên dưới còn trên cao là cả một bầu trời bát ngát mênh mông. Nunez nằm yên bất động, mỉm cười như rất thỏa mãn chỉ vì đã thoát ra khỏi được cái thung lũng của Người Mù mà anh từng muốn trở thành Vua.

*
Nếu như xứ sở của người mù được lãnh đạo bởi những người có óc cởi mở, họ có thể dễ chấp nhận cho Nunez cưới con gái của họ mà không cần móc mắt anh. Như vậy con anh và cô gái mù sinh ra có thể có mắt tinh. Dẩn dần số người có mắt tinh trong xứ sở mù sẽ nhiều lên và họ sẽ thoát mù. Nước Nhật đã xử sự như vậy từ thời Minh Trị và đã trở thành cường quốc ngày nay. Trong truyện của H.G. Wells khả năng này đã không xảy ra. Nunez chỉ có thể được những người mù chấp nhận là người của họ nếu anh chịu để cho họ móc mắt. Và nếu sau đó anh và cô gái có sinh con, thì con của họ cũng sẽ bị móc mắt. Nunez đã quyết định thoát khỏi xứ sở người mù để chọn tự do với đôi mắt tinh của mình.

Hoạ sĩ cũng giống như Nunez trong “Xứ sở của người mù” của H.G. Wells. Hoạ sĩ nhìn và vẽ thế giới theo nhãn quan của riêng mình, chỉ riêng mình có. Quần chúng xung quanh, kể cả các đồng nghiệp của hoạ sĩ, không bao giờ hiểu hết hoạ sĩ. Họ cảm nhận tranh của hoạ sĩ theo thẩm mỹ và nhận thức của họ – mà đối với hoạ sĩ đó là nhận thức của những người mù, bởi họ không bao giờ “thấy” hết được cái mà hoạ sĩ “thấy”. Đối với họ, hoạ sĩ là một người bất thường cũng tương tự như đối với những người mù thì Nunez là người thiểu năng.

Mâu thuẫn đó không bao giờ được giải quyết triệt để bởi đó là một phần của những gì tạo nên nghệ sĩ. Vấn đề là ở chỗ, trong một xứ sở tự do và khoan dung, hoạ sĩ có quyền vẽ, bày tranh, và phát biểu những gì mình thích, mình cảm nhận, tương tự như Nunez có thể sống trong một xứ sở của người mù, nhưng lại được tha hồ nói về những màu hoa, cỏ cây, chim chóc đẹp như thế nào, thậm chí cưới con gái họ làm vợ, mà không bị họ móc mắt.

Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”. Năm 1933 ông đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ sống tại nước nào mà luật lệ là tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp lý.”

Cái đẹp cứu thế giới


Nguyễn Đình Đăng tổng hợp
từ Tim Butcher, “The man who saved The Resurrection”,
BBC News Magazine 24/12/2011
và bộ phim truyền hình của BBC (2006)
The Resurrection – Piero della Francesca”.





Bà Henrietta Dax (áo màu mận chín) trong hiệu sách Clarke tại Cape Town.



Trong một lần tới hiệu sách nổi tiếng Clarke tại Cape Town (Nam Phi) để tìm kiếm tài liệu về Graham Greene (tác giả tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”) và mối liên hệ giữa nhà văn với Antony Clarke – người sáng lập ra hiệu sách này vào năm 1956, ký giả Tim Butcher của BBC News Magazine đã được bà Henrietta Dax – người chủ hiện nay của hiệu sách – trao cho một cặp da cũ đựng các giấy tờ lưu trữ của Clarke từ Đệ Nhị Thế Chiến.



*



Antony Clarke

trong Đệ Nhị Thế Chiến
Vào năm 1942 Tony Clarke là một trung úy trẻ thuộc đội quân kỵ mã pháo binh hoàng gia Anh đóng tại Trung Đông. Khi quân Đồng Minh bắt đầu chiến dịch đánh bật quân Đức tại châu Âu, đơn vị của Clarke được điều tới Ý. Clarke không trực tiếp tham dự các trận đánh quân Đức, nhưng anh mô tả trong nhật ký là đã bị sốc như thế nào khi hành quân qua các thành phố cổ bị bom tàn phá tan hoang. Năm 1944, trong lúc quân Đồng Minh tiếp tục tiến công, đơn vị Clarke chỉ huy được lệnh chiếm lĩnh vị trí tại một nơi gần Sansepolcro. Khác với phần lớn các thị trấn cổ tại vùng Tuscan thường nằm trên đỉnh đồi, Sansepolcro nằm dưới một thung lũng. Hồi đó pháo binh của Đồng Minh thường oanh kích các thị trấn để dọn đường cho bộ binh tiến vào. Đó chính là nhiệm vụ mà Clarke và đồng đội phải thi hành đối với Sansepolcro. Họ đào công sự, kéo pháo vào vị trí, nạp đạn, lên nòng.


Chính vào lúc đó một tiếng chuông yếu ớt chợt rung lên trong tâm trí Clarke. Hồi chuông vọng về từ những năm tháng xa xăm trước cuộc chiến tranh rồ dại này.



Clarke – chàng trai đồng tính và mê nghệ thuật người Anh – nhớ lại một tiểu luận của Aldous Huxley mà anh từng đọc, trong đó tác giả viết rằng mình đã khám phá ra bức tranh mà ông coi là tuyệt nhất thế giới. Đó là bức bích họa “Phục sinh” – kiệt tác của bậc thầy thời Phục Hưng Piero della Francesca. Huxley viết: “Chúng ta không cần phải có trí tuởng tuợng mới hình dung được vẻ đẹp của bức hoạ. Bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đó ở ngay trước mặt chúng ta hoàn toàn và thực sự lộng lẫy.”





Piero della Francesca (1415 – 1492)

Phục sinh (khoảng 1463 – 1465)
bích hoạ, 225 x 200 cm, Museo Civico, Sansepolcro, Ý


Clarke có thể đã không nhớ hết các chi tiết trong tiểu luận của Huxley, nhưng khi pháo của đơn vị anh chuẩn bị nhả đạn thì anh chợt nhớ ra một chi tiết quan trọng.



Bức bích hoạ “Phục Sinh” nằm trong thị trấn Sansepolcro.



Clarke hạ lệnh ngừng khai hoả.



Khi cấp trên gọi bộ đàm tới chất vấn sao không oanh kích thị trấn, Clarke đã phải dùng ống nhòm quan sát thị trấn để trấn an cấp trên rằng anh không nhìn thấy bóng dáng một mục tiêu nào của quân Đức trong phố cả. Quyết định của Clarke thật can đảm bởi nếu quân Đồng Minh đụng phải sự kháng cự của quân Đức khi tiến vào thị trấn thì Clarke chắc chắn sẽ bị xử nặng tại toà án binh. Nhưng vì tình yêu nghệ thuật, Clarke đã không cho nã pháo vài thị trấn. Quân Đức đã rút chạy và Sansepolcro đã được giải phóng một ngày sau, mà kiệt tác 500 tuổi không hề bị hư hại.

*
Thị trấn Sansepolcro được thành lập vào thế kỷ 10 bởi hai giáo sĩ tên là Arcanus and Aegidius hành hương từ Jerusalem trở về mang theo thánh tích là một hòn đá từ nhà thờ Holy Sepulchre (tiếng Ý là Sansepolcro) tức “Phục sinh thiêng liêng” – được coi là nơi Chúa Jesus đã phục sinh 3 ngày sau khi Người bị hành hình đóng đinh trên Đồi Sọ. Sansepolcro là thành phố quê hương của Piero della Francesca. Gần 600 năm trước Piero della Francesca đã vẽ bức bích hoạ “Phục Sinh” trên tường toà thị chính Sansepolcro, nay trở thành bảo tàng thành phố. Trong bức hoạ, Chúa Jesus bước ra từ hầm mộ, tay cầm lá cờ chiến thắng, mắt nhìn thẳng vào người xem. Trước mộ, dưới chân Người, bốn người lính canh ngủ gục. Bức bích họa đã trở thành biểu tượng và ý nghĩa của toàn cộng đồng Sansepolcro.


Piero della Francesca không bắt đầu từ số không khi vẽ bức bích hoạ này. Ông đã mượn ý tưởng và bố cục từ bức tranh thờ do Nicolo di Segna vẽ khoảng một thế kỷ trước ông tại giáo đường Sansepolcro, và đặc biệt là từ bức bích hoạ do Andrea Castagno vẽ trước ông khoảng 2 thập niên tại Florence. Vẽ theo các bậc thầy tiền bối và vượt họ là truyền thống của hội hoạ thời đó và Piero cũng không phải là một ngoại lệ.





Nicolo di Segna

Phục sinh (khoảng 1348)
tempera trên gỗ, Giáo đường Sansepolcro


Andrea Castagno (1423 – 1457)

Phục sinh (1447)
trích đoạn bích hoạ tại Sant’Apollonia, Florence


Ngoài tài tả thực như vẽ các nếp vải và các giọt máu chảy ra từ vết thương trên cơ thể Đức Chúa mà sau 5 thế kỷ vẫn như còn đỏ rực long lanh, Piero đã vận dụng kiến thức và các ảnh hưởng ông lĩnh hội được từ tác phẩm của các bậc thầy như Masaccio và Andrea Castagno mà trong thời trai trẻ Piero đã từng thấy khi sống tại Florence. Ông hiểu rằng toán học và luật viễn cận tuyến tính cho phép tạo nên một ảo giác như thực về khối và độ sâu trong không gian 3 chiều. Nhưng ông đã tiến xa hơn Masaccio và Andrea Castagno. Trong bức bích hoạ “Phục sinh” Piero đã dùng luật viễn cận tuyến tính theo hai cách hoàn toàn khác.





Masaccio (1401 – 1428)

Thánh ba ngôi (khoảng 1427)
Giáo đường Santa Maria Novella, Florence


Hiểu rằng bức bích hoạ ở trên tường cao, Piero đã dựng bố cục từ điểm nhìn từ dưới lên. Không chỉ là một danh hoạ, Piero còn là một nhà khoa học đã viết 3 cuốn sách về số học, đại số và hình học, trong đó cuốn “
De Prospectiva Pingendi” chuyên về lý thuyết toán học của luật viễn cận trong hội hoạ. Trong cuốn sách này Piero chẳng những đã xây dựng luật phối cảnh trong không gian kiến trúc, mà còn chỉ rõ các chi tiết trong phối cảnh liên quan tới vẽ cơ thể người, bao gồm cả một hệ thống cho phép dựng hình chiếu của đầu người lên mặt phẳng của bức tranh. Trong “Phục sinh” hình đầu người lính gác mặc áo giáp màu nâu (thứ hai từ trái) ngủ ngả về phía sau (chân dung tự họa của Piero) là một minh chứng rõ ràng cho lý thuyết của ông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hội hoạ phương Tây đầu người được vẽ ở vị trí rút ngắn cực kỳ chính xác như vậy. Đầu người lính đó ngả vào cán cờ của Chúa như một tượng trưng cho sự tiếp cận của con người với Thánh Tính. Ngoài ra, để giữ hài hoà trong bố cục, Piero đã không vẽ chân người lính gác cầm dáo (thứ ba từ trái)!




Trích đoạn những lính gác ngủ từ bức “Phục sinh” của Piero della Francesca



Ngược lại, Piero lại dựng hình Chúa Jesus không phải được nhìn từ dưới lên, mà theo viễn cận nhìn ngang như thể đó là thế giới riêng của Chúa, trung tâm của vũ trụ. Như vậy Piero della Francesca đã dùng phương pháp khoa học để phân biệt thế giới tinh thần và thế giới vật chất trong cùng một bức tranh. Tuy được vẽ với cùng bố cục, song bàn chân trái của Chúa Jesus trong bức tranh thờ của Nicolo di Segna thật vô nghĩa khi đem đặt cạnh bàn chân Chuá Jesus trong bức bích hoạ của Piero della Francesca. Bàn chân này cho thấy sự kết nối giữa thế giới tinh thần và thế giới vật chất, cũng như sự quyết tâm mãnh liệt của Đức Chúa khi bước ra khỏi mồ.





Chân dung Chúa Jesus trong “Phục sinh” của Piero della Francesca



Song hiệu ứng mạnh nhất trong bức hoạ này là khuôn mặt của Chúa Jesus. Đây là khuôn mặt của con người. Khuôn mặt này không đẹp như các khuôn mặt thường thấy của Chúa, mà lại gồ ghề, râu ria, với đôi mắt nhìn thẳng vào người xem vừa như than khóc tha thứ vừa như nghiêm khắc kết án. Khi vẽ đôi mắt này, có thể Piero đã nhớ tới đôi mắt Chúa trên bức tượng gỗ “Volto Santo” thế kỷ 9 cũng tại Sansepolcro, được cho là một trong những hình ảnh cổ nhất về Đức Chúa trên thánh giá ở châu Âu. Tuy nhiên trong bức bích hoạ Piero đã dùng các thủ thuật hội hoạ thuần túy để tạo một hàng lông mày hiện ra dưới lớp màu trong, vẽ bóng của hốc mắt, khiến người xem khó thoát khỏi ánh mắt trừng trừng của Chúa.





Khuôn mặt Chúa Jesus trên bức tượng Volto Santo (Mặt thánh)

tại đồng giáo đường Sansepolcro


Phong cảnh sau lưng Chúa cũng là một tầng ý nghĩa nữa. Piero vẽ phong cảnh địa phương: Chúa không Phục sinh tại nơi nào xa xôi mà ngay tại quê hương của những người vùng Tuscan. Bên phải Chúa là cảnh mùa đông, cây côi trụi lá khẳng khiu, còn bên trái Chúa là cảnh muà hè. Sự chuyển mùa trong phong cảnh của bức tranh như biểu thị sự hồi sinh, sự trở về của Chúa từ cõi chết, sự tỉnh ngộ của con người sau Phục Sinh.



Bốn người lính gác làm nhiệm vụ canh mộ Chúa lăn ra ngủ. Chúng ta cũng như họ, tuy ở ngay cạnh Chúa, nhưng như những kẻ mê ngủ, không bao giờ ngộ ra Người. Mặt khác, phải chăng Phục Sinh là hiện tượng ta chỉ ngộ ra trong trạng thái mơ mộng?



Piero della Francesca đã sống tới gần 80 tuổi. Về cuối đời ông bị lòa. Nhiều năm sau, một người tên là Marco di Longaro có kể lại trong thời niên thiếu từng được làm thằng nhỏ dắt tay dẫn Piero della Francesca đi ngoài phố. Cuốn sổ đăng ký người chết tại Sansepolcro có ghi ngày 12/10/1492 là ngày mai táng “Maestro Pier dei Franceschi – danh hoạ”. Người ta không tìm thấy mộ ông. Căn cứ vào di chúc của Piero della Francesca yêu cầu được chôn tại tu viện Badia tại Sansepolcro, người ta đã khai quật sàn tu viện và tìm thấy bên dưới nhiều xương người. Có thể trong số đó có lẫn hài cốt của người đã vẽ nên bức hoạ “vĩ đại nhất thế giới”.





Tượng đài kỷ niệm Piero della Francesca

tại Sansepolcro


Sau khi qua đời, Piero della Francesca và hội họa của ông nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Các phong cách mới đã khiến lối vẽ với bố cục tĩnh của Piero trở nên lỗi thời, không quyến rũ người xem bởi các hiệu quả mạnh như trong tranh của Leonardo da Vinci, Michelangelo, hay Raphael sau này. Thậm chí tới thế kỷ 18 bức bích hoạ “Phục sinh” đã bị cho là vô giá trị, và người ta đã phủ nó bằng một lượt vữa và sơn trắng. Thời gian trôi quá các lớp sơn và vữa rụng dần. Bức “Phục Sinh” dần dần hiện về từ cõi chết. Nhưng phải đợi tới thế kỷ 19 bức “Phục sinh” mới được nhà khảo cổ và chính trị gia Anh Henry Lear phát hiện lại vào năm 1855. Ông đã sao lại bức bích hoạ bằng bút chì và khẳng định đó là bức bích hoạ quan trọng nhất của thế kỷ 15.

*
Hành động của Tony Clarke là một trường hợp hiếm có khi nghệ thuật đã cứu sống con người và ngược lại. Thậm chí đó chưa phải là sức mạnh của nghệ thuật mà là văn hóa và hiểu biết đã ngăn chặn con người làm những hành động tàn bạo, bởi khi hạ lệnh ngừng bắn, Tony Clarke còn chưa hề nhìn thấy bức bích hoạ mà chỉ đọc về nó trong tiểu luận của Huxley. Dường như “Phục sinh” đã thăng hoa vượt lên trên mọi dã man của chiến tranh. Có gì đó thần thánh đã ngăn Clarke và đơn vị pháo của ông tàn phá Sansepolcro trong đó có kiệt tác của Piero della Francesca, bởi nếu điều đó xảy ra Tony Clarke sẽ tự dằn vặt và đau khổ trong suốt quãng đời còn lại của mình.




Nội thất Museo Civico (Sansepolcro) với bức bích họa

“Phục sinh” của Piero della Francesca


Việc đầu tiên Tony Clarke làm sau khi tiến vào Sansepolcro là rủ một đồng đội tới Toà thị chính. Tại đây họ đứng im lặng chiêm ngưỡng “bức hoạ vĩ đại nhất thế giới” đã được cứu thoát nhờ quyết định không nổ súng của Tony Clarke.



Năm 1960 Atony Clarke trở lại Sansepolcro một lần nữa và được đón tiếp như một người anh hùng. Trong diễn từ tại buổi lễ vinh danh ông, thị trưởng Sansepolcro nói: “Thật sung sướng khi hồi tưởng một sự cố trong chiến tranh mà lại được đánh dấu bởi sự ấm áp của tình người, đậm tính nhân văn và nỗi lo lắng cho nền văn minh nhân loại. Ở đây chúng ta thấy sức mạnh của bạo tàn đã bị khuất phục trước ký ức về văn hoá và nghệ thuật.”





Antony Clarke (người thứ hai từ trái) trong buổi lễ vinh danh ông tại Sansepolcro



Antony Clarke qua đời năm 1981, nhưng câu chuyện về người sĩ quan Anh cứu sống bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử kiệt tác “Phục sinh” của Piero della Francesca. Đối với mỗi người dân Sansepolcro bức “Phục sinh” đã trở thành danh tính của họ. Bởi vậy họ yêu quý Antony Clarke, người đã cứu danh tính đó khỏi bị phá hủy. Tên của Antony Clarke được đặt cho một phố tại Sansepolcro, “via A. Clarke”.

Tất cả là một, một trong tất cả


Không hiểu từ bao giờ tôi luôn nghĩ về một thế giới mà các giác quan của loài người không thể cảm nhận được. Một thế giới ý niệm tồn tại vĩnh hằng bất di bất dịch, ngoài sự cảm nhận và hiểu biết của con người. Cái thế giới nhất thời mà mỗi chúng ta đang cảm nhận được bằng các giác quan của mình thực ra chỉ là một mớ hỗn độn, phù du, chỉ là sự phản ảnh mờ nhạt, méo mó của một thế giới đích thực. Tự nhiên vẫn luôn luôn có những bí ẩn được giấu kín mà tri thức thường nghiệm của con người không sao vươn tới được. Khoa học là con đường dài hun hút và con người khó có thể đi hết con đường đó một cách trọn vẹn bởi chính những lực cản xuất hiện từ bản thân họ. Vì luôn luôn có sự tác động giữa thế giới bên trong con người và thế giới bên ngoài, nên thực trạng không khỏi bị cái thế giới bên trong của các nhà khoa học, hay chính mỗi chúng ta, làm cho biến dạng. Cuối cùng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cái thế giới mà ta muốn thấy.
Thực tại phụ thuộc và gắn kết vào hành trang khái niệm của nhà khoa học. Điều này có thể thấy được qua định lý về tính không đầy đủ của nhà toán học Kurt Godel hay còn gọi là định lý bất toàn dẫn đến một hệ quả là lý trí có những giới hạn và nó không thể đạt tới chân lý tuyệt đối được. Ông giải thích: Người ta không chứng minh được một hệ thống là nhất quán và phi mâu thuẩn nếu chỉ dựa trên các tiên đề chứa trong hệ thống này. Để làm được điều này, cần phải ra ngoài hệ thống và áp đặt một hoặc nhiều tiên đề phụ ở bên ngoài hệ thống đó. Nói cách khác chân lý toàn bộ không được khoanh lại trong một hệ thống hữu hạn, toàn bộ hệ thống hữu hạn này là không đầy đủ.
Trên quan điểm Phật học mà nhìn nhận thì cả chủ thể nhận thức lẫn đối tượng nhận thức chỉ là một hệ thống, không thể hai. Đức Phật sau khi giác ngộ, đã tuyên bố rằng tất cả các pháp đều vô thường, vô ngã (nonself, anatta) và không có thực thể (egoless); hàm ý cho rằng tất cả hiện hữu đều do các nhân duyên tạo nên và tương duyên với nhau có tính chất vô thường, biến hoại và rổng không. Vạn pháp không có tự tính, biến dịch không ngừng, đủ duyên thì sinh khởi, hết duyên thì đoạn diệt. Tính chất chuyển hóa vô thường của vạn pháp là tự thân của luân hồi . Chừng nào mà thực chứng bằng con đường nội quán thì lúc đó ta mới nhổ gốc rễ của khổ đau, của vô minh vi tế nhất ra khỏi tâm trí để được giải thoát.
Tư tưởng của Kinh Hoa Nghiêm mô tả vạn pháp do tâm sinh ra. Tâm là thực thể của vạn pháp, tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc trùng trùng duyên khởi: cái này có thì cái kia có. Tâm bao trùm khắp pháp giới, thể tính của tâm thu nhiếp tất cả. Tất cả là một, một trong tất cả.

Hữu Nguyên

Câu chuyện của niềm tin


Giáp Văn Dương 
1. Tôi đến từ nông thôn, gần như từ luống cày chui ra. Thế rồi, như bao bạn trẻ khác, tôi rời quê khi học hết phổ thông. Rồi cũng như bao người khác, tôi ra nước ngoài học tiếp khi xong đại học.
Gần mười hai năm học tập và làm việc ở nước ngoài đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Một trong những thứ đó là niềm tin giữa con người với con người.

Trước khi ra nước ngoài, những hình dung của tôi về thế giới bên ngoài, về xã hội phương Tây chỉ gói gọn trong mấy chữ: ăn chơi, đồi trụy, tội ác, lừa đảo, thù địch, bóc lột, giãy chết. Tất cả đều là những tính từ và những danh từ, đại từ chung. Rất ít bóng dáng những con người cụ thể, sự việc cụ thể.

Những ý niệm này đã len lỏi vào đầu tôi qua báo chí, phim ảnh, giảng đường, đài truyền thanh... Ngay cả những bàn tán của người lớn quanh bàn trà quê mỗi tối đôi khi cũng có những tác dụng tương tự.

Nhưng tịnh không có một lời nào về niềm tin giữa những con người trong xã hội này. Dường như đó là xã hội của loài lang sói. Chỉ đất nước tôi đang sống đây mới là xã hội của loài người. Tôi tin như vậy, và bao người khác cũng tin như vậy.

Tin, nhưng trước mắt tôi lúc nào cũng như có một một màn sương mù bao phủ làm tôi không nhìn rõ được điều gì. Tất cả chỉ là suy đoán và cảnh giác. Một sự cảnh giác thường trực, được rèn rũa.

Hình dung về xã hội bên ngoài trong đầu tôi là rõ ràng và chắc nịch. Những nhận định được giảng đi giảng lại như một niềm tin yêu vĩnh cửu lẽ nào lại có thể sai. Nhưng vì sao lại có màn sương che phủ?

Những cái tên nước ngoài mỗi ngày thêm phổ quen thuộc. Bên cạnh tên của các nhà khoa học mà tôi gặp hang ngày trên trang sách, thì tên của cả các ca sĩ và các cầu thủ bóng đá cũng dần trở thành những cái tên cửa miệng: tong trang sách, trên mặt báo, trên màn hình ti vi, trong quán nước, ngoài đường phố.

Tôi nhận ra có một sự mâu thuẫn đang quẩn quanh đâu đó chỗ này. Thế giới bên ngoài vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Xã hội bên ngoài vừa cụ thể rõ ràng, vừa mập mờ trừu tượng. Những cái tên nước ngoài vừa xa lạ vừa gần gũi.

Màn sương vẫn còn đó, dù đã mỏng đi đôi chút. Nhưng các ý niệm trong đầu tôi vẫn vững chắc. Tôi tụ nhủ: Chân lý có bao giờ sai.

Nhưng vì sao chân lý lại ẩn nấp sau một màn sương mờ?

Tôi chìm trong sự hoài nghi dày đặc. Tôi hoang mang nhận ra các mâu thuẫn. Và các diễn giải, không phải lúc nào cũng đưa ta đến gần sự thật.

Sự tò mò của tuổi trẻ đã kéo tôi ra khỏi màn sương đó. Tôi muốn thấy bên ngoài họ sống và làm việc như thế nào. Tôi muốn nhìn thấy nó rõ ràng. Mà như vậy, tôi chỉ còn một cách là phải đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mặt...

2. Tôi ra đi với tâm trạng đầy tò mò và cảnh giác. Để rồi cũng đầy vật vã khi nhận ra chân lý chỉ là định kiến được tưới mãi vào đầu. Rồi cũng đầy an ủi khi thấy rằng đã là con người thì ở đâu cũng có tin yêu, dù vẫn còn đó sự bất toàn, tốt xấu song hành.

Tôi lang thang từ hệ thống này sang hệ thống khác. Vấn đề là ở những định kiến mang tính hệ thống, chứ không phải ở con người.

Tôi dành hai năm để kết tinh lại nhận thức của mình. Tôi thay đổi, vì trải nghiệm, không phải vì những lời thuyết giảng.

Rồi tôi đi xa hơn nữa. Càng đi xa, tôi càng xót xa vì sự lệch lạc, thậm chí kỳ quái, trong những nhận thức trước đây của bản thân mình.

3. Tôi có bạn bè mới, thầy cô mới, đồng nghiệp mới. Trong công việc không có định kiến, không có phân biệt. Tất cả diễn ra trong một sự trung thực và cởi mở hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức ngạc nhiên.

Tôi chìm đắm trong bầu không khí dân chủ, bình đẳng và tinh thần tự do học thuật. Tôi thấy mình được tôn trọng, và ý thức được mình có quyền được người khác tôn trọng.

Tôi phải làm đủ thứ giấy tờ nhưng không bao giờ thấy những con dấu đỏ. Chỉ cần một chữ ký cá nhân là đủ, một cuộc điện thoại, một lá email là xong. Không ai hạch sách, không ai đòi kiểm tra, không ai đòi công chứng bản gốc.

Tôi lên tàu điện: không có người soát vé. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi. Thỉnh thoảng họ có đi kiểm tra định kỳ thì cũng rất lịch sự, không gây cho mình cảm giác khó chịu.

Tôi ra siêu thị: không ai bắt tôi phải gửi đồ trước khi vào mua hàng. Không ai kiểm tra chúng tôi khi ra. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi.

Tôi và một người bạn đi mua bảm hiểm xe. Điều khoản cho thấy biết, nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: nếu chúng tôi bán xe rồi báo mất thì sao? Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên mất một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: tôi tin các anh không làm thế.

Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tin tưởng mang tính hệ thống. Một sự tin tưởng cá nhân mạnh mẽ lan tỏa trong toàn xã hội. Chữ Tín được xác lập mà không cần sự có mặt của các loại công chứng bản gốc, chứng thực, xác nhận...

Tôi vỡ ra: À, ra thế. Họ giàu mạnh vì họ tin ở con người.

4. Mười hai năm sau tôi trở về. Nhiều cái như xưa. Nhiều cái hơn xưa. Nhưng cũng nhiều cái tệ hơn xưa.

Tôi làm thủ tục nhận đồ mình gửi cho mình. Tên tôi đây. Địa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc?

Tôi có làm gì đâu, chỉ là nhận đồ mình gửi cho mình thôi mà sao phức tạp như vậy. Lẽ ra tôi chỉ chờ ở nhà, đúng hẹn công ty vận chuyển sẽ mang đồ đến. Tôi chỉ cần ký xác nhận là xong.

Tôi được giải thích ở Việt Nam mọi thứ cần phải đúng quy trình chứ không đơn giản như vậy.

Tôi ngẫm ra: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin. Mà càng ít niềm tin thì càng nghèo khó.

Tôi bật cười: nghèo khó đúng quy trình.

5. Tôi đưa gia đình đi siêu thị Big C Long Biên. Niềm vui khi thấy một siêu thị bề thế, nhộn nhịp vừa mới nhen lên thì gặp ngay một chuyện ngỡ ngàng: Tất cả những ai muốn vào siêu thị đều phải gửi đồ bên ngoài. Con gái tôi có một túi khoác nhỏ để đựng mấy thứ lặt vặt cũng phải niêm phong rồi mới được mang theo.

Vì sao vậy? Chúng tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: Đây là quy định.

Quy định gì? Quy định không được tin nhau.

Câu chuyện có lẽ sẽ chỉ là một phiền toái buồn, nếu không có chuyện sau khi thanh toán, tất cả khách hàng lại bị kiểm tra một lần nữa, và hóa đơn phải được đóng dấu đỏ “đã thanh toán” thì mới được nhân viên an ninh cho ra ngoài.

Chúng tôi tự hỏi: chuyện quái quỉ gì đang xảy ra vậy? Quầy thanh toán có hai nhân viên kiểm tra và tính tiền. Từ quầy thanh toán ra đến cửa ra này chỉ chừng 2 mét, lại không có hàng hóa gì bày bán trên đoạn đường 2 mét đó. Vậy cớ sao phải kiểm tra lại? Cớ sao phải đóng dấu vào hóa đơn thì mới được ra?

Vợ tôi phản ứng dữ dội: Nếu kiểm tra mà không tìm thấy sai sót nào thì các anh có xin lỗi chúng tôi không? Nhưng chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng: Đây là quy định.

Tôi nhìn những người xếp hàng chờ kiểm tra và đóng dấu hóa đơn. Tất cả đều kiên nhẫn và ngoan ngoãn. Họ có thể làm gì trên đoạn đường dài 2 mét đó để phải chịu cảnh khám xét?

Tôi lặng lẽ quan sát. Rất nhiều người lớn tuổi. Lịch sử như phảng phất qua bộ quân phục cũ. Một vài nụ cười cầu hòa dù chủ nhân không làm gì sai. Một vài ánh mắt lấm lét không có lý do. Nhiều gương mặt cam chịu và chờ đợi cảnh được khám xét.

Tôi cố gắng tìm lý do để biện minh cho việc làm kỳ quái đó, nhưng không thể.

Tôi rút ra kết luận: Người Việt không tin người Việt. Người Việt không hiểu răng mình có quyền được người khác tôn trọng.

Xã hội đang bắt người Việt phải nghi ngờ nhau.

Nghi ngờ theo quy định.

Và có cả một hệ thống gia cường cho những quy định đó.

6. Chúng tôi ra về, nhưng câu hỏi: Vì sao người Việt không tin nhau vẫn là một ám ảnh. Phải chăng chúng ta đã quen sống trong một sự cảnh giác thường trực đến độ thành phản xạ có điều kiện? Phải chăng di chứng của mấy chục năm chiến tranh vẫn còn hằn nặng, để người Việt luôn thấy mọi thứ xung quanh đều là thù địch, đáng ngờ? Hay có một hệ thống tinh vi đang bắt chúng ta phải nghi ngờ nhau “theo quy định, đúng quy trình”?

Tôi bất giác nhớ đến mớ giấy tờ đỏ choét những con dấu công chứng sao y bản gốc. Tôi tự hỏi: Tôi và triệu người quanh tôi đã mất bao nhiêu thời gian cho những thứ này?

Tôi thở dài: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin.

Tôi tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin”?

Và khi nào thì người ta không tin nhau?

Rõ ràng là khi có sự dối trá. Người ta không tin nhau khi cần phòng tránh sự dối trá.

Vậy là đang có một sự dối trá phổ biến, đến mức một đoạn đường 2 mét và được kiểm soát chặt chẽ cũng trở nên đáng ngờ.

Sự nghi ngờ đã lan trên từng mét đất.

Và chúng ta đã mất biết bao nhiêu thời gian và nguồn lực để cảnh giác, phòng tránh, đương đầu với sự dối trá này?

Không ai thống kê định lượng, nhưng chắc hẳn là rất nhiều. Nhiều đến mức có thể làm cho đất nước ta kiệt quệ. Kiệt quệ vì luôn phải cảnh giác, đề phòng.

7. Việt Nam đang rất cần một sự quy tụ nguồn lực để phát triển. Nhưng quy tụ làm sao khi cả xã hội sống trong tâm trạng cảnh giác thường trực, lúc nào cũng nơm nớp đề phòng? Quy tụ làm sao khi sự giả dối đã trờ thành “nỗi nhục lớn”? Quy tụ làm sao khi niềm tin giữa người với người đã trở lên cạn kiệt?

Việt Nam đang rất cần hội nhập, rất cần làm bạn với thế giới bên ngoài. Nhưng hội nhập làm sao khi luôn nhìn thế giới bên ngoài với con mắt thù địch nghi ngờ? Làm bạn làm sao khi không có lòng tin vào đối tác của mình?

Đất nước đã thống nhất nhưng lòng người chưa thống nhất. Di sản của mấy mươi năm chiến tranh quá đỗi nặng nề. Trong này kinh tế khó khăn. Ngoài kia Biển Đông nổi sóng. Một cuộc hòa giải, để sau đó có một sự hòa hợp Nam Bắc, trong ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng hòa giải, hòa hợp làm sao khi sự nghi kỵ nhau đã được nâng lên thành quy định?

Niềm tin là một vốn quý của xã hội. Nhiều học giả đã gọi niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin cạn thì vốn xã hội cũng cạn theo. Mà cạn vốn thì làm sao phát triển?

Vậy nên, câu chuyện về vốn xã hội, trước hết phải là câu chuyện của niềm tin. Mà câu chuyện của niềm tin thì có gì khác hơn là câu chuyện về sự trung thực?

Cũng vậy nên, để khôi phục được niềm tin và làm giàu thêm lưng vốn của mình, vốn đã bị chiến tranh và những sai lầm trong lịch sử tàn phá làm quá nhiều, thì trước hết phải khôi phục được sự thẳng ngay trung thực.

Không có sự trung thực thì không có niềm tin. Không có niềm tin thì thời gian và nguồn lực sẽ chỉ dành cho việc nghi ngờ, đề phòng và cắn quẩn lẫn nhau. Mà mề phòng cắn quẩn lẫn nhau thì nghèo hèn, tụt hậu sẽ là điều tất yếu.

----

Con người tự do vẫn là ý niệm xa lạ




Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân.

 
Khủng hoảng là... cơ hội của người trẻ

Tự do là khởi nguồn của giải pháp



- Xã hội biến động mạnh đã tác động rất lớn đến hệ giá trị của người trẻ. Anh nhìn nhận thế nào về hệ giá trị hiện nay của giới trẻ, nó có bị cuốn theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài? Giới trẻ có đang thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước, xã hội như nhiều "người lớn" vẫn nói?


TS Giáp Văn Dương: Đúng là đang có hiện tượng xã hội đang chạy theo các giá trị ảo, nặng về hình thức bên ngoài. Điều này đã được nhiều người lên tiếng và cảnh báo như một sự xuống cấp chung về đạo đức, lối sống, văn hóa...

Sự xuống cấp này không chỉ ở trong giới trẻ, mà ở mọi tầng lớp khác, kể cả lãnh đạo. Với những người có địa vị và quyền lực, điều này còn hiển hiện rõ ràng hơn, vì đơn giản là họ có phương tiện để thực hiện nó. Vì thế, nói giới trẻ đang chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài, dù là một mô tả đúng thì cũng không đủ sâu, và có phần né tránh vì không xét đến bối cảnh chung.
Trước khi quy kết cho người trẻ chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài thì thế nào là giá trị ảo, hời hợt cũng là điều cần bàn xét. Nói một giá trị là ảo chỉ khi có một giá trị thật bền vững làm đối chứng. Giá trị thật này phải được thử thách qua thời gian, không gian, tức có tính phổ quát.
Nhưng các giá trị phổ quát đó chưa chắc đã được chào đón, và được coi là giá trị thật ở Việt Nam. Cái truyền thống thì bị quy kết là phong kiến cổ hủ, cái đương đại thì ngăn chặn và gắn mác ngoại lai thù địch. Người trẻ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nên chán nản, mất định hướng.
Nhiều lúc tôi thấy người trẻ như con cá trong giỏ cua, quay bên nào cũng bị cặp, nên chỉ biết giãy giụa.
Đây không hẳn chỉ là một quán tính văn hóa, mà dường như còn là cả một kế hoạch.
Trong hoàn cảnh đó, giới trẻ sẽ làm gì?
Họ sẽ chạy theo bất cứ thứ gì mới lạ mà họ tiếp xúc, như thần tượng các cầu thủ bóng đá, các ca sĩ nước ngoài. Vậy nói rằng người trẻ đang chạy theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài là không công bằng. Họ làm vậy vì trong sâu thẳm, họ không có lựa chọn nào khác. Họ cũng chưa đủ trưởng thành để tạo ra các lựa chọn cho mình và người xung quanh.
Không thể bắt một dòng sông chảy ngược. Cho nên cũng không thể bắt người trẻ trẻ lại những giá trị cũ, dù là đúng với các thế hệ trước, nhưng lại trở nên lạc hậu trong đời sống đương thời. Nếu thực sự vì người trẻ và vì đất nước, cái duy nhất mà "người lớn" nên làm là hãy để cho người trẻ được tự do lựa chọn, tự do định đoạt số phận mình.
Có thể bạn sẽ lấy ví dụ người trẻ chỉ biết chạy theo tiền để minh chứng cho việc giới trẻ chạy theo các giá trị ảo bên ngoài. Điều này cũng lại không công bằng nữa. Khi không có một thang giá trị tinh thần đủ mạnh làm định hướng, hoặc không có các giá trị tâm linh có tính cách thiêng liêng để tôn thờ, thì họ sẽ chọn thứ gì dễ nhìn thấy nhất, dễ đo đạc nhất, có quyền năng tức thời nhất để làm chuẩn. Đó là tiền. Vì vậy, nên hiểu việc chạy theo tiền như một chỉ dấu về tình trạng khô hạn trong đời sống tinh thần của toàn xã hội, chứ không phải là chạy theo một giá trị ảo, hời hợt bên ngoài của giới trẻ.
Làm giàu không phải là xấu, càng không phải là ảo. Làm giàu là xu hướng tất yếu nếu đất nước muốn giàu mạnh lên. Làm sao một đất nước có thể giàu mạnh nếu những công dân của nó không muốn làm giàu, không khát khao một sự trỗi dậy?
Do đó, nếu phải nói gì về hệ giá trị hiện nay của người trẻ, thì đó là không có hệ giá trị nào cả. Không có hệ giá trị chủ đạo. Những câu chuyện lớn, lý tưởng lớn đã không còn sức thuyết phục. Cái mường tượng, cái được rao giảng quá khác với thực tế. Những mệnh đề chắc nịch như chân lý bỗng chỗng trở thành vô nghĩa trong hoàn cảnh mới. Tất cả đều nhảm nhí hết rồi!
Điều đáng quan tâm hiện giờ chỉ là những mảnh vụn cuộc đời. Kiếm tiền, ăn, chơi, lên Facebook tán gẫu chuyện đời, than thở, khoe con, khoe quần áo, khoe người yêu... tích cực lắm thì cũng lang thang đây đó như trào lưu "phượt" cho đỡ tù túng. Tức là những câu chuyện nhỏ, những chia sẻ nhỏ, những mảnh vụn cuộc đời mới là cái đáng quan tâm và khả tín. Bạn có thể gọi nó bằng một tên gọi đầy tính thời thượng, như "hậu hiện đại" chẳng hạn, hay bất kể một cái tên nào khác mà bạn muốn.
Điều này không xấu. Điều này cũng không đáng trách. Nếu so với điều vô nghĩa vĩ mô thì đây lại là cứu rỗi. Trong những mảnh vụn nhỏ, ý nghĩa sẽ trỗi dậy để thay cho điều vô nghĩa vĩ đại sáo mòn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam đang đòi hỏi một sự vượt lên, một sự quy tụ nguồn lực để phát triển, thì đây là một trở ngại lớn.
Còn người trẻ có thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước không ư? Nhiều người cho rằng có, và buộc tội người trẻ như vậy. Nhưng họ đã không xét đến một thực tế: bằng cách này hay cách khác, người trẻ đang bị tước đoạt quyền tham gia định đoạt những vấn đề lớn của đất nước.
Trật tự hiện tại đang muốn người trẻ tuân thủ, chứ không phải là định đoạt.








TS Giáp Văn Dương. Chân dung hội họa: Hoàng Tường/ SGTT



- Anh thường nhấn mạnh đến vai trò của của tự do nội tại. Với giới trẻ, tự do quan trọng đến mức nào trong việc định vị bản thân? Và nó giúp gì cho họ khi đối mặt với khó khăn, khủng hoảng?

Với riêng tôi, việc khám phá ra tự do nội tại là một bước tiến đáng kể trong đời sống cá nhân, đặc biệt trong việc nhận thức bản thân mình. Thường thì tự do nội tại bị các tầng nấc luật lệ, văn hóa, thói quen, quán tính... che khuất; hoặc bị quên lãng bởi sự bận rộn của đời sống thường ngày. Nhưng khi được khám phá ra, tự do nội tại sẽ là khởi nguồn cho một đời sống tươi mới đầy tỉnh thức.
Có thể ví tự do nội tại, tuy vô hình nhưng lại như cánh đồng mênh mông cho mỗi người tự do khai phá gieo trồng. Thành quả của sự gieo trồng này chính là sự trù phú trong đời sống tinh thần của ai tìm ra nó. Nếu đời sống tinh thần nghèo nàn hay đang bị sa mạc hóa, thì nguyên nhân có một phần đến từ sự bỏ quên và bỏ hoang cánh đồng này.
Vì là tự do nội tại, nên nó là thứ tự do bất khả tước đoạt. Chính vì thế, đây là pháo đài cuối cùng mỗi người dùng để bảo vệ phẩm giá và các giá trị cá nhân của mình. Nói cách khác, đó chính là nơi để mình phát triển một cách trọn vẹn nhân cách của mình.
Với người duy lý, tự do nội tại tạo ra một điểm tựa lý thuyết cho người ta tự tin, vượt qua các rào cản tâm lý và cả sự sợ hãi, để định đoạt cuộc đời mình, và sống cuộc đời mình mong muốn.
Thật may mắn, tự do nội tại là thứ tự do bất khả tước đoạt, tồn tại trên cơ sở lý tính của con người, nên về mặt lý thuyết, trong mọi hoàn cảnh con người ta đều có thể lựa chọn để sống như mình muốn. Đây chính là cơ sở để con người tự giải phóng mình và chủ động định đoạt cuộc đời mình theo chiều hướng mà mình cho là tốt nhất.
Với người trẻ, khi nhân cách còn đang trong quá trình định hình, gương mặt và thân phận mình còn đang được tạc vẽ, thì tự do nội tại, và sau đó là tự do của môi trường bên ngoài, đóng vai trò quyết định trong việc định hình và định vị bản thân mình. Tự do cho phép họ thực hiện những việc mà họ cho là phù hợp nhất với cá nhân họ. Nói cách khác, tự do cho phép mỗi người tự đúc tạc cuộc đời mình.
Vì sao ư? Vì tự do bao giờ cũng gắn liền với lựa chọn, nên khi có tự do, người ta sẽ có lựa chọn. Và khi lựa chọn, người ta đã thực hiện hành động đầu tiên và cơ bản nhất trong đời sống của mình với tư cách một con người.
Nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy, lựa chọn chính là hành động ở cấp độ cơ bản nhất. Lựa chọn chính là bản lề giữa cái bên trong và bên ngoài, giữa cá nhân và xã hội. Vì thế, về mặt logic, mọi hoạt động của con người đều có thể phân tích thành một chuỗi các lựa chọn liên tiếp.
Tự do cho phép con người ta được lựa chọn, vì thế giúp con người được thực hiện những hành động có lý trí, có ý nghĩa, có nhân tính một cách chủ động. Nói cách khác, tự do giúp cho con người ta được tự định đoạt số phận mình để sống một cuộc sống chủ động và có ý nghĩa.
Còn tự do có giúp gì trong khó khăn khủng khoảng hay không ư? Khi gặp khó khăn, chính tự do sẽ là khởi nguồn của giải pháp. Vì tự do cho phép lựa chọn, mà giải pháp suy cho cùng chỉ là một chuỗi các lựa chọn tối ưu.
Vì thế có thể nói, tự do chính là nguyên ủy sâu xa của mọi sáng tạo, mọi giải pháp trong lúc khó khăn, khủng hoảng.
Khởi đầu bằng biết đặt câu hỏi
- Anh đã học tập và tham gia giảng dạy tại một số nước trên thế giới. Theo quan sát của anh, nền giáo dục tại các quốc gia này đã trang bị cho tự do của người trẻ cũng như khả năng, kỹ năng vượt qua khủng hoảng ra sao?
Trong những nơi tôi đi qua, không hẳn nơi nào cũng chủ động trang bị cho sinh viên một hành trang về tự do. Nhưng ở các nền giáo dục tiên tiến, tinh thần tự do đã thấm vào máu mỗi người. Nhà trường chỉ tạo điều kiện cho tinh thần đó được sinh sôi, luân chuyển trơn tru và rèn luyện cho thêm vững chắc.
Họ có các chương trình và phương pháp thích hợp để giúp người trẻ tự do thể hiện mình, tự do chủ động định hình tính cách và cuộc đời mình. Từ đó người trẻ hiểu được vai trò và giá trị của tự do. Đó là lý do vì sao khi tự do bị đe dọa họ, dù là tự do cá nhân hay tự do chung của cộng đồng, họ lại thường có những phản ứng không nhân nhượng.
Song song với việc làm cho người trẻ thấm nhuần tinh thần tự do, các nền giáo dục đó cũng giáo dục cho người trẻ của mình về trách nhiệm công dân. Con người tự do và trách nhiệm công dân là hai đặc trưng không thể tách rời của một người trưởng thành. Nếu con người tự do giúp mỗi người hoàn thiện bản thân mình với tư cách một cá nhân, thì trách nhiệm công dân giúp cho xã hội mà cá nhân đó là một thành viên thêm bền vững.
Đã là con người thì bao giờ cũng có hai thuộc tính cá nhân và xã hội, do đó, con người tự do và trách nhiệm công dân luôn gắn chặt với nhau, như hình với bóng. Vì thế có thể nói ngắn gọn, với các nền giáo dục tiên tiến, con người tự do và trách nhiệm công dân là đích đến của giáo dục.
Khi có con người tự do và trách nhiệm công dân, người trẻ sẽ tự động tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Còn vượt qua như thế nào thì chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật.






Con người tự do vẫn còn là khái niệm xa lạ. Ảnh minh họa



- Xét về khía cạnh trên, giới trẻ Việt Nam có quá thiệt thòi?

Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Trong suốt thời phổ thông và đại học, tôi chưa từng một lần nghe các thày cô của mình nói đến con người tự do, vì bản thân họ cũng không có ý niệm này.
Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân. Vì thế, cân bằng giữa con người tự do và trách nhiệm công dân bị phá vỡ. Con người tự do bị bóp nghẹt, chỉ còn trách nhiệm công dân.
Điều này đã thể hiện ra dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như sự triệt tiêu của sáng tạo cá nhân, coi thường cá nhân mà chỉ đề cao tập thể. Mô hình kinh tế tập trung bao cấp, mô hình hợp tác xã nông nghiệp, cách tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục theo kiểu "hợp tác xã khoa học" v.v. cũng là những dạng tồn tại cụ thể của sự mất cân bằng này.
Vì thế, với những giá trị là hiển nhiên của thế giới, thì người trẻ Việt Nam vẫn còn phải làm quen và chật vật tiếp thu, nhiều khi trong cấm cản vì động chạm đến những trật tự cũ. Đó thực sự là một điều rất thiệt thòi.
- Giới trẻ phải tự giáo dục và đào tạo cho mình những gì để vượt qua được khủng hoảng? Anh có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ từ những gì bản thân anh đã trải qua?
Giới trẻ phải tự đào tạo những gì ư? Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Không có giải pháp vạn năng cho các vấn đề của tất cả mọi người. Nhưng giải pháp cho mỗi người sẽ đến từ việc biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh. Vì biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh là đã khởi đầu cho việc tự giáo dục và đào tạo mình rồi.
Từ việc đặt câu hỏi sẽ dẫn đến các câu trả lời, hoặc ít nhất cũng là hành trình đi tìm câu trả lời. Mọi việc sẽ sáng dần ra. Đến một lúc nào đó, mọi cái u mê bùng nhùng sẽ tan biến. Mọi việc sẽ trở nên rõ ràng. Bạn sẽ biết mình là ai, mình cần phải làm gì, và vì sao mình lại làm như vậy. Tức là bạn đã được khai minh và trưởng thành.
Kinh nghiệm của tôi là đừng tin bất cứ thứ gì mà mình chưa trực tiếp kiểm chứng hoặc trải nghiệm. Nếu bạn nói về vấn đề nào đó mà chưa từng đặt câu hỏi đó là gì và tìm cách trả lời nó, thì mọi điều bạn nói đều không khả tín. Vì đơn giản đó không phải là tri thức của bạn, đó chỉ là thông tin bạn nhặt nhạnh đâu đó, hoặc thông tin dội vào đầu bạn trong vô thức. Mà thông tin thì không phải lúc nào cũng khả tín và có ý nghĩa.
Vậy nên, giữa một rừng thông tin, một rừng sự kiện, một rừng giá trị tốt xấu đúng sai cùng pha trộn, thì cách hữu hiệu nhất để minh định chúng là tự đặt câu hỏi và tự dùng lý trí của mình để trả lời chúng. Mỗi câu hỏi và mỗi câu trả lời sẽ là một ngọn đuốc nhỏ để mỗi người tự thắp sáng đường đi của mình.
Đến đây ta lại thấy hé lộ vai trò của tự do báo chí, tự do tư tưởng và tự do học thuật, mà nếu nói thêm thì e là quá dài. Vậy xin hẹn vào một dịp khác.
Hải Tâm (thực hiện)
-----
Nguồn: Tuần Việt Nam, 19/2/2013.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

SAO CÒN CHƯA SAY?



Sao còn chưa say?
Đốt cháy hình hài
Giấc mộng thiên thai
Kiếm tìm trang trải

Rượu tràn chân mây
Sao còn chưa say?
Bóng ngả đêm dài
Tình đã buông tay!

Hương cỏ thơm bay
Dại khờ ở lại
Sao còn chưa say?
Thu vàng nợ vay

Câu thơ bẻ gảy
Hút giọt đắng cay
Mùa hoa Cúc dại
Sao còn chưa say?

Giữa đời tàn phai
Cạn đêm, cạn rượu
Đọa đày luân lưu
Sao còn chưa say?

Khép lại bờ vai
Tròn vừa nỗi nhớ
Sao còn chưa say?
Duyên thừa lắt lay

Trăng lạnh héo gầy
Sao còn chưa say?
Cô đơn về đây
Cười khóc vơi đầy

Sao còn chưa say?