HOÀI ANH
ĐỌC TẬP THƠ ĐÊM THIÊNG
(TỰA tập thơ Đêm thiêng, nxb TRẺ, 1996)
Nhà thơ HOÀI ANH (1938-2011)
Trung thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Một trí thức tân học như Huy Cận, kỹ sư canh nông, khi nói về vũ trụ vẫn phải bấu víu vào cái khung thần thoại:
Về đâu nhật nồng cùng nguyệt lạnh
Hai bánh xe quay vòng số mệnh?
Ngồi xe nhật nguyệt cùng thiên nhiên
Làm bạn đi đường về vô định
Vũ Hoàng Chương từng theo học ban cử nhân toán học, nhưng khi làm thơ vẫn lồng vào thế giới quan duy tâm thần bí:
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi.
Đêm nào ta trở về ngôi,
Hồn thơ đã hết luân hồi thế gian
Nhà thơ thế hệ trước, dù tưởng tượng kỳ vĩ đến đâu cũng không vượt ra ngoài bầu khí quyển của những hình tượng ẩn dụ tượng trưng cổ điển. Hàn Mặc Tử viết:
Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất…
Bay từ Đạo lỵ đến trời Đâu Suất
Và lùa theo không biết mấy là hương
Dù hình ảnh có táo bạo, tân kỳ cũng không vượt ra ngoài tư duy số học hay vòng lo-gic hình thức. Trần Huyền Trân viết:
Cái trừ nào đủ cái chia
Bởi ham công việc đến lìa vợ con
Công danh lượm trái bồ hòn,
Lột da tôi mọn cái hồn cút côi
Tôi nhận thấy thơ Đông La có thể là ví dụ về thơ của lớp thơ trẻ hiện nay, lớp người bước đầu đã tích lũy tri thức khoa học cơ bản hiện đại, làm quen với thao tác của tư duy khoa học, khi sáng tác thơ, cũng có những quan niệm mới, vận dụng những thao tác mới.
Do chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa ở thời kỳ KHKT đã đạt được biết bao thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, toán học, vật lý và hóa học… Thời kỳ mà con người có tham vọng giải thích cả sự hình thành nên vũ trụ, hình thành sự sống; có cách nhìn về không gian thời gian theo thuyết Tương đối của Einstein: không gian có thể “cong”, thời gian có thể “co giãn”… Phải chăng chính vì thế, Đông La mới có được những câu thơ chứa đựng vũ trụ quan mới mẻ, sống động mà lại gắn bó với thực tế:
Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất
Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu
Lúc anh thức là khi em ngủ
Có bao giờ nhớ và nhớ trùng nhau?
Một điểm chung nhất toát lên từ tập thơ của Đông La là cái cách viết, nó giúp cho anh thấy được tính cụ thể trong cái trừu tượng, cái trừu tượng trong cái cụ thể. Nó cho phép anh chạm được vào nỗi cô đơn của mình: “Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn”; nó cũng cho phép anh thấy được cả cái còn cái mất sau chiến tranh trong một giọt nước mắt của mẹ: “Con bỗng giật mình thấy nhăn nheo giọt nước mắt/ Có già nửa phần buồn và non nửa phần vui”. Có thể vì do công việc của anh gắn bó với các phản ứng hóa học, nhìn các hóa chất, anh luôn thấy chúng được cấu tạo bởi những nguyên tử, từ proton, nơtron… nên khi nhìn vào những sự vật, hiện tượng của cuộc đời, anh không nhìn bề ngoài mà thấy cái bên trong, thấy cái ấn tượng ẩn giấu trong đó:
Em cất giấu một triệu con kiến
Trong mầu da nhuộm nắng tháng sáu
Em cô đặc lửa
Bùng cháy
Đông La có những câu thơ vừa có tính phân tích vừa có tính tổng hợp, anh tháo gỡ từng chi tiết rồi lại đặt lại trong một tổng thể có tính khái quát như một định đề:
Em đến
Xé vụn nỗi cô đơn ném vào sọt rác
Sao lại choàng lên anh tấm áo?
Một sợi thương yêu, một sợi khổ đau
Có trọng lượng đúng bằng hạnh phúc
Có chỗ, như từ những mô thơ, Đông La nhân giống ý thơ nảy nở thành những sinh thể thơ cô đúc và đa nghĩa:
Giây phút định mệnh nào trong mưa nắng tình yêu
Trên mảnh đất mẹ một hạt mầm tách vỏ
Con có thấy trong tim giội những nhịp máu
của cả hai dòng họ?
Có chỗ Đông La tách từng yếu tố và cho tác động vào nhau để nảy sinh những hiệu quả mới, tạo phản ứng mang tính dây chuyền, hòa trộn giữa linh cảm và quan sát, tưởng tượng và trực nhận:
Giữa ranh giới của mơ và thực
Tiếng sét giáng vỡ mặt biển yên lặng
Giông bão cuộn lên
Trái núi kiêu hãnh vụn nát trước mỗi bước đi
Trái tim thép bốc khói trước tia nhìn plasma
Để thỏa mãn người
Ta có thể bay lên chín tầng trời
Hái những nhành sao đính lên những áng mây kia
Lấy những hạt nước ở hai cực Địa Cầu gội mát
Tất nhiên không phải cứ ai có văn hóa cao thì làm thơ hay. Trước hết người ta phải có năng lực thơ ca, tâm hồn nhậy cảm trong cuộc sống. Nhưng muốn làm thơ cho cao cho sâu, nhất định người làm thơ phải có vốn văn hóa tương đương với trình độ của thời đại, đáp ứng ngày càng cao của nghệ thuật.
Cái đáng quý là tính tư duy trong thơ Đông La bao giờ cũng hòa quyện với tình cảm, gắn bó với cuộc sống, với đời thường. Từ mảnh đất quê hương thơ mộng và đau khổ; từ người cha một đời lam lũ với ước mơ con mình học hành thành tài; từ người mẹ tảo tần, khi lên thành phố vẫn giữ nếp quen cần kiệm của nông thôn: “Sáu lăm tuổi lần đầu đến một thành phố/ Hạt gạo ở đây người ta coi bé nhỏ/ Nhưng quen như ở nhà mẹ cứ mang thùng gạo ra đong”; từ đồng đội đã chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh; từ thầy cô đã trao cho anh hạt giống tri thức đầu tiên; từ sự phấn đấu vươn lên trong học tập, trong nghiên cứu…
Thành công của Đông La còn do anh may mắn được gần gũi những bậc thầy về thơ ca như Chế Lan Viên. Phải hiểu biết và cảm thông sâu sắc với Chế Lan Viên, Đông La mới có thể viết nên bài: Một vài ghi chép về Chế (được in trong tập: Chế Lan Viên người làm vườn vĩnh cửu , do Phong Lan sưu tầm tuyển chọn, nxb Hội Nhà Văn, 1995):
Anh bẻ cong ngôn ngữ đời thường để thơ đến
tâm hồn bằng đường thẳng
Những câu thơ anh có ánh sao lóng lánh
Có độ ráp hạt sỏi miền Trung và vị chát của sim, mua
Anh từng lấy thơ trải tấm chăn vợ chồng thành
mênh mông đủ đắp cho tình yêu nơi chân trời góc bể
Từng lấy cánh cò trong lời ru ủ ấm vành nôi
đứa con thơ giữa chiều vàng
Thơ anh là không gian lưu giữ hương hoa đại Côn Sơn
từng nở bên chái nhà Nguyễn Trãi đến muôn đời
Anh vẽ tâm trạng tình yêu thành chim muông, hoa lá
Và, có bác sĩ nào hiểu được thuốc chữa bệnh
cho thi nhân lại là bông súng tím?
Đã cố vươn lên nắm bắt tri thức của thời đại, cảm xúc trước những vui buồn của thế hệ mình, lại được thừa hưởng bí quyết tâm truyền của Chế Lan Viên, nhà bác học về nghệ thuật thơ, trách nào Đông La chẳng có những bước tiến trong thơ?
Xin chân thành chúc mừng Đông La với tập thơ đầu tiên của anh trong hành trình sáng tạo đầy khó khăn, như ngày nào thủa ấu thơ, anh đã đến với văn hóa, với tri thức:
Như đứa trẻ tập đi lẫm chẫm trong khu rừng bí ẩn
Mỗi bài toán đơn sơ giống một cuộc ú tim
Cái ẩn số cứ chập chờn phía lùm cây trước mặt
Đốt đèn lên con lóng ngóng đi tìm.
HOÀI ANH
4-1996