Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Thành phố “không giống ai”


Tôi có anh bạn Hàn Quốc đến làm ăn ở TP.HCM được dăm năm, nhưng hễ ai hỏi thì anh ta nói “Tôi là người Sài Gòn” với vẻ tự hào không giấu giếm. Nhiều người đến lập nghiệp ở đây từ khắp mọi miền đất nước cũng không hề bối rối khi xưng mình là người Sài Gòn. Vậy là “người Sài Gòn” nghiễm nhiên trở thành một danh xưng có tính quốc gia và quốc tế.


Ba trong một


Đã có lúc các nhà học giả tranh luận với nhau rằng ai là người “Tràng An”, ai là người Sài Gòn chính gốc. Sinh thời, GS Trần Văn Giàu có lần nói người Sài Gòn cố cựu nào có được mấy ai, nhất là ở cái mảnh đất mới toàn là dân tứ xứ tụ lại. Vậy “người Sài Gòn” không hẳn là danh xưng để gọi ai đó sống thật lâu trên mảnh đất này, mà có lẽ để chỉ những tính cách mà người ta nhiễm phải sau một thời gian sống đủ lâu để thấm vào mình, rồi đeo đẳng họ cho đến khi lìa bỏ trần gian. Thật ra cái chất “người Sài Gòn” không phải là cái gì khác lạ mà chính là sự kết hợp của ba trong một. Đó là con người bản địa, con người Sài Gòn hoá và con người quốc tế hoá.

Thành phố này vốn nổi danh là nơi “đất lành chim đậu”, là vùng đất “tứ hải giai huynh đệ”, nơi hội tụ đủ mặt anh hào đất nước. Mọi người đến đây, mang theo trong hành trang của mình đặc sản văn hoá bản địa nơi mình sinh ra. Lịch sử mảnh đất này cho thấy từ thiết chế nhà nước, đến con người từ xưa đến nay chưa bao giờ tẩy chay ai, miễn họ có tấm lòng và thiện chí. So với các vùng miền khác thì đây là nơi đa dạng văn hoá, đa dạng dân tộc, tôn giáo nhất cả nước. Ai mang gì đến đây cũng được, muốn giữ điều gì cũng được miễn là điều đó không làm phương hại cộng đồng và bản thân không thấy “kỳ” là được. Nặng như tiếng Quảng, nhẹ như tiếng Hà Nội, trau chuốt như tiếng Huế, đồ ăn cay nồng như miền Trung, ngọt như miền Tây, mặn như miền Bắc đều được hoan nghênh ở đất này. Chỉ ở xứ này mới có thể tìm thấy những thứ mà ở nơi khác bị coi là
kỳ dị, kỳ quặc, không giống ai…


Đất lành của mọi giấc mơ

Khí hậu thời tiết, truyền thống cư trú, và cơ chế chuyển động xã hội của mảnh đất này cũng góp phần tạo nên một phần khác trong con người ở đây. Mảnh đất này có cái lạ là chính bản thân đời sống và quan hệ xã hội của nó làm cho con người thay đổi tính cách một cách tự nhiên. Những ai cực đoan quá đến đây sẽ bớt thái quá, những ai bủn xỉn quá đến đây sẽ bớt keo kiệt, những ai ù lỳ, chậm chạp đến đây sẽ năng động, linh hoạt hơn và có một điều ai cũng thấy là nếu ai đó sống ở đây chỉ dăm năm thôi thì nhất định sẽ bị lây nhiễm một thứ “căn tính” được truyền từ đời này qua đời khác là mọi người đều tỏ ra cởi mở hơn, chân thật hơn, phóng khoáng hơn, bớt hẳn đi những thứ phô trương hình thức, màu mè mang từ nơi khác đến. GS.KTS Hoàng Đạo Kính có một nhận xét chí lý là “Chơi với người Sài Gòn có cái sướng là không cần mang mặt nạ, không phải đóng kịch”. Thật ra những sự thay đổi đó diễn ra trong mỗi “người Sài Gòn hai quê” một cách tự nhiên, như nhiên. Khi còn ở quê, có những ước mơ chỉ là ước mơ, những “cá tính” phải giấu đi thì khi sống ở mảnh đất này người ta có thể thực hiện được ước mơ đó, và có điều kiện “bùng nổ tính cách” trở thành những con người vượt trội.


Một Sài Gòn quốc tế hoá

Do hội tụ được tất cả các điều kiện thuận lợi mà Sài Gòn – TP.HCM luôn là nơi tiếp xúc, cọ xát với với thế giới văn minh phương Tây không chỉ sớm nhất cả nước mà còn liên tục chưa bao giờ bị đứt đoạn kể cả khi chiến tranh và bị cấm vận. Chính điều này đã hình thành trong con người Sài Gòn một phần không nhỏ của lối sống quốc tế hoá. Những đặc tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, táo bạo không phải là sản phẩm của bao cấp mà chính là sản phẩm của nền kinh tế thị trường và nền công nghiệp tiên tiến.

Người Sài Gòn không bảo thủ, chấp nhận từ bỏ cái cũ cho dù còn tác dụng nhưng hiệu quả thấp, dám thử nghiệm cái mới cho dù mạo hiểm và có cả phiêu lưu. Những cái mới (bền vững hay có tính thời trang) cũng đều xuất phát từ thành phố này. Thật không quá khi nói rằng hầu hết những cái được gọi là đầu tiên sau năm 1975 đều bắt đầu từ thành phố này: khu chế xuất đầu tiên (Tân Thuận, 1991); siêu thị đầu tiên (Maximark, 1996); khu công nghệ cao đầu tiên (SHP, 2000), khu công viên phần mềm đầu tiên (Quang Trung, 2001); bệnh viện tư đầu tiên (Phụ sản quốc tế Sài Gòn, 1996); đại học dân lập đầu tiên (Mở bán công, 1993); hãng phim tư nhân đầu tiên (Phước Sang); sàn chứng khoán đầu tiên (trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, 2007); nhà hát tư nhân đầu tiên (5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Idecaf); cao ốc hiện đại đầu tiên (toà nhà Imexco Building 1989); khách sạn 5 sao đầu tiên (New World, 1994)…
Hình như với người Sài Gòn thì không quy trình, sản phẩm nào được coi là hoàn hảo, vì khi đến tay người Sài Gòn rồi chúng cũng bị thêm thắt, cải tiến. Người Nhật kinh ngạc khi thấy những chiếc xe máy được coi là tuyệt hảo đến từng chi tiết, nhưng đến tay người Sài Gòn còn được gắn thêm hàng chục thứ khác nữa.
Đến giữa thế kỷ này, dân số Sài Gòn chắc sẽ lên đến 15 triệu người, người nhập cư, người nước ngoài sẽ nhiều hơn, khi ấy phần nào trong “người Sài Gòn” sẽ tăng lên, phần nào sẽ giảm đi: địa phương hoá, Sài Gòn hoá hay quốc tế hoá? Câu hỏi thật không dễ trả lời.
Theo SGTT


 
Sài Gòn hôm nay đã hiện đại hơn, tiện nghi hơn; không gian của thành phố thì rộng ra với nhiều quận huyện ngoại thành được mở. Nhưng không gian của mỗi cá nhân cư dân lại bị thu hẹp.
Dân số tăng gấp nhiều lần, từ đó Sài Gòn trở nên ồn ào hơn, bụi bặm hơn, nóng hơn, ngột ngạt hơn, ô nhiễm hơn, ngập úng hơn, kẹt xe hơn và bát nháo hơn.
Sài Gòn mất dần cái duyên dáng ngày xưa mà thiên nhiên trao tặng. Cái duyên có từ màu xanh cây lá, màu xanh sông nước, và màu xanh của bầu trời. Hôm nay tìm một chỗ giữa phố để ánh mắt con người ngẫu nhiên chạm được màu xanh bầu trời là việc khá khó khăn. Tầm mắt phải vượt qua nào là những tòa nhà ngất ngưởng, nào là những chùm dây điện rối mù, và khói bụi…


Sự ô nhiễm không chỉ nằm ở bầu không khí con người hít thở, mà còn ở tiếng động chung quanh. Quán xá nào cũng ầm ĩ tiếng nhạc xen lẫn tiếng xe cộ ngoài đường và tiếng người cười nói. Không phải lúc nào con người cũng có nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Có lúc con người cần âm thanh để lấp đầy một thứ khoảng-trống-im-lặng trong nội tại, nhưng cũng có lúc con người cần sự im lặng để lấp đầy một thứ khoảng trống khác, khoảng-trống-đầy-tiếng-động.
Với tôi, Sài Gòn hôm nay giống như một bà vợ già, xấu, nhiều chuyện và cáu bẳn, được cái là bà lại rất tốt, rất chung thủy, luôn đáp ứng những nhu cầu cần thiết của mình trong khả năng có thể. Thỉnh thoảng quá chán bà, tôi lại thèm bỏ đi thực hiện các cuộc ngoại tình ngắn hạn ở những nơi chốn xa, rồi trở về với nỗi lòng ngập tràn mặc cảm.
Ngày nay tìm một chỗ yên tĩnh ở trung tâm Sài Gòn để ngơi nghỉ giây lát cũng khó khăn không kém. Nếu có, thì bạn phải trả một giá khá cao. Để có một chỗ ngồi yên tĩnh, có máy điều hòa mát lạnh, có chút cây cỏ mát mắt trong vườn, đại khái một quán nước có những điều như vậy thì bạn phải trả trên 20 ngàn, có nơi đến 50, hay 60 ngàn cho một ly nước – một số tiền khá lớn so với thu nhập bình quân của người dân. Ngoài ra, sự yên tĩnh trong không gian của các quán xá sang trọng này không phải là sự yên tĩnh tự nhiên; nó giả tạo, và bị cố tình cách ly xa rời với đời sống thật đang diễn ra bên ngoài các bức tường bao quanh nó.
Hãy đến công viên Tao Đàn! 


 
Bạn muốn nghe, xem các loại chim kiểng và không ngại tiếng ồn, hãy vào cổng đường Cách Mạng Tháng Tám, vào những buổi sáng, đặc biệt là những sáng cuối tuần. Gởi xe ở cổng xong, vào vài bước sẽ thấy một quán cà phê lộ thiên, bàn ghế nhựa. Ở đây những người nuôi chim kiểng mang chim đến cho chúng “giao lưu” với nhau. Có điều khi bạn nghe tiếng hót của một hai con chim thôi thì khác hẳn với khi nghe cả hàng trăm con tranh tiếng cùng một lúc. Khi đó, chim cũng nhiều chuyện và đố kỵ ganh ghét không kém con người.
Nếu muốn yên tĩnh hơn, bạn hãy bước thêm vài bước lên căn nhà gỗ nằm ngay sau khoảng sân đó. Gian phòng chính trong nhà được thiết kế như một trà thất giản dị, bàn ghế gỗ thấp và xinh xắn, tuy nhiên bạn cũng có thể chọn một trong những chiếc bàn nhỏ bày bên ngoài hàng hiên nếu muốn. Ở đây chỉ phục vụ khách một thức uống duy nhất là trà, nhưng có khá nhiều loại trà để bạn tùy nghi chọn lựa, và giá rất phải chăng. Người thường đứng trông coi trà thất này là một cô gái nhỏ nhắn, luôn mặc chiếc áo tràng màu lam.
Tôi và vài người bạn thỉnh thoảng đến đây ngồi nhìn cây xanh, chim chóc, những người nhàn tản uống cà phê bên dưới, những cặp tình nhân nắm tay tung tăng trong công viên, và một buổi sáng đang lờ lững trôi qua cuộc đời mình.
Đôi khi tôi chọn quán cà phê nằm bên trong cổng ở đường Huyền Trân Công Chúa. Ở đây tôi thường gặp hai người phụ nữ thú vị. Người thứ nhất là chị phụ việc bán cà phê ở quán. Câu chào giọng Bắc của chị là, “Uống gì đây người đẹp?”. Dù nhan sắc của bạn phôi pha đến như thế nào cũng mặc, tất cả mọi người dưới mắt chị đều là người đẹp. Câu chào, kèm luôn câu hỏi thức uống, vui vẻ và ý nhị này có thể làm bạn vui lên ít ra trong một phút.



Người thứ hai là một chị đi bán báo dạo. Qua lời chị nói, mỗi ngày chị phải kiếm cho ra 150 ngàn để vừa sống vừa trả lãi cho một món nợ chừng vài triệu mà chị đã vay khi túng ngặt. Tôi thường mua báo ngày đọc thoáng qua xong thì chị cho tôi đổi lấy một tờ nhật báo khác, cũng đọc lướt qua, rồi tặng lại chị tờ báo để bán cho người khác. Cái gì làm cho người phụ nữ gốc Quảng có gương mặt hồn hậu này tiếp tục bền bỉ, kiên nhẫn sống trước những nghịch lý của đời sống thị dân? Tôi không hiểu!
Nếu mục đích của bạn không phải là ngồi quán thì bạn có thể gởi xe rồi vào công viên theo lối đường Trương Định. Hay đưa người yêu của bạn theo cùng để lang thang trong công viên ngắm những chú sóc chuyền cành trên cao, hoặc ngồi lại một ghế đá rù rì những chuyện chỉ quan trọng với hai bạn, và dù tình hình thế giới có đang rơi vào khủng hoảng như thế nào cũng mặc kệ, để đó tính sau. Theo cách đó, bạn nên mang theo hai chai nước suối và hai ổ bánh mì thì có thể tiêu pha cả ngày ở đây mà khó lòng thấy chán.
Tao Đàn là nơi trú ẩn yên tĩnh và ít tốn kém cuối cùng của tôi trong thành phố này đấy, tôi chỉ nói nhỏ với bạn thôi, dù rằng rất muốn chia sẻ nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi ân hận vì đã tiết lộ nơi chốn của mình!

Nam Đan

Ảnh: Trần Việt Đức


Sài Gòn hôm nay

Đã 35 năm trôi qua, kể từ ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/ 4/ 2010), có rất nhiều đổi thay trên mảnh đất đậm dấu ấn lịch sử này. Những khu đô thị mới, toà cao ốc, khu công nghiệp mới, điểm du lịch,… mọc lên như khoác cho Thành phố Hồ Chí Minh bộ áo mới.




Thành phố Hồ Chí Minh với những khu đô thị nằm ven sông (nhìn từ máy bay).




Nhiều toà cao ốc mọc lên đã giải quyết chỗ ở cho người dân.


Những tiếng nói từ giới truyền thông của nhiều nước trên thế giới ca ngợi về thay đổi nhanh chóng của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt rất cao và ổn định, qua đó khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

 
 
Nhiều ngành nghề dịch vụ, thương mại tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng 
nhanh,… cho thấy thành phố đang có hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế. Những ký ức về một thời khói lửa đã lùi xa, vết thương chiến tranh đang được hàn gắn, thế hệ măng non mới trên thành phố đang được hưởng những thành quả của thời kỳ đổi mới.
Trong dòng người xuôi ngược thành phố mỗi dịp 30-4, còn có rất nhiều người tìm đến những địa danh: Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Địa đạo Củ Chi, Côn Đảo, Phú Quốc,… Khuôn mặt trầm ngâm của người cựu binh, đôi mắt tròn ngơ ngác của các em nhỏ trước hiện vật như một bằng chứng sống về sự khốc liệt của chiến tranh như nhắc nhở mỗi người cùng chung tay xoá bỏ hận thù, xây dựng hoà bình.





Đường Lê Duẩn, nhìn từ Dinh Thống Nhất.




Khách du lịch đến thăm Dinh Thống Nhất.





Tham quan hầm trong dinh.







Phòng trưng bày ảnh, hiện vật trong dinh luôn thu hút rất đông người tham quan.




Bức ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để chống lại chính sách về Phật giáo của Mỹ - Diệm gây ấn tượng mạnh với khách du lịch nước ngoài.



Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Làm thế nào hất được bạn gái xuống giường?

Thường có các tình huống đại loại thế này:
Chàng vừa gặp nàng đã phải lòng. Rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Rồi gái phải hơi giai như thài lài phải cứt chó (!), rồi chữ trinh đáng giá ngàn vàng, rồi đến thề thốt yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Xong, sẽ đến giai đoạn yêu nhau trong sáng – phang nhau trong tối. Rồi đến giai đoạn lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem. Rồi, đến giai đoạn ông ăn chả bà ăn nem, gian phu dâm phụ hay cái gì đại loại mà vốn từ của tôi đã gạn hết kho cũng không thể mô tả nổi! => Đó là phương pháp hất bạn gái xuống giường một cách phổ thông nhất, tức là để bạn ấy tự trèo xuống, sau chục năm hôn nhân mỏi mệt. Hình như đa số chúng ta đều thế này!
Chàng yêu nàng tha thiết, bỗng nhiên hai gia đình thù ghét đâm chém nhau hay vứt rác sang cổng nhà nhau, đứng ở ngõ chửi đổng v.v… đại khái thế khiến tình nhân chia lìa. Hai gia đình trở mặt, đôi trẻ bị tách ra, chàng được gửi vào Sài Gòn bán đinh sắt và tay nắm cửa, nàng bị tống lên thành phố đi bưng phở. Oái oăm thay nàng có mang. Bèn cắn răng không cho gia đình biết, lặng lẽ sinh con một mình, nuôi cho nó lớn. Một ngày kia chàng ở tuổi trung niên ra Hà Nội rình xem rùa Hồ Gươm, bỗng gặp lại nàng năm xưa giờ thành bà chủ quán xôi xéo. Hai người ngỡ ngàng nhìn nhau, và chàng ôm ngực cao huyết áp tăng xông vì biết mình bỗng dưng làm cha. Nàng nắm tay chàng, hai người nước mắt rưng rưng trong tuổi đã về bên kia dốc đời. => Nghe rẻ tiền như kịch bản phim truyền hình trên VTV3 bây giờ. Khốn nỗi, những chuyện thế này đầy rẫy. Chẳng cần đưa nàng xuống giường vì đã bao giờ phải nhọc lòng đưa nàng lên giường đâu. Tình một đêm đâu phải là Tình, chỉ là Một Đêm mà thôi. Vào cái thời táo tợn của tuổi trẻ và điên rồ của “tình cho không”, thì xó xỉnh nào chẳng có thể… Nhưng, bi kịch chỉ ở chỗ, nhiều người đàn bà cứ nghĩ tình một đêm hoàn toàn không phải là Một Đêm, mà là Tình!
Chàng yêu nàng tha thiết nóng bỏng, nàng yêu lại cũng long trời lở đất. Móc chìa khóa của chàng phải là hình nàng cười như hot-girl. Nàng phải đeo dây chuyền có lồng tên cả hai người. Đến nỗi, áo cũng phải mặc áo đôi của tình nhân, đi giầy cùng màu, hòm thư điện tử dùng chung, tên nhau trong máy di động phải là vợ yêu, chồng yêu. Đùng một cái, một ngày chàng biến mất trong không khí. Chàng dằn vặt bao năm, lòng đau như cắt, nghĩ rằng mình đã như thể mất luôn nửa con tim, nửa đời người. Chàng nghĩ mình nên cao thượng ra đi để nàng có cơ hội gặp được người yêu nàng hơn, gặp người con trai xứng đáng hơn, tuyệt vời hơn. Chàng sẵn sàng hy sinh để cho nàng được hạnh phúc! => Chàng nghĩ thế trong lúc xóa tên nàng trong máy di động và vứt cái áo tình nhân cho cún nhá! Còn nàng gọi lại tên chính xác cho người yêu cũ là thằng Sở Khanh! Trách đời mình bạc, “thằng” nào cũng chỉ mặn nồng lúc đầu, đến khi lên giường vài lần là đánh bài chuồn! Lần này, là đàn ông xuống giường, đàn bà ở lại, có muốn xuống hay không, đàn ông cũng chẳng thèm bận tâm nữa. Thật là bẽ bàng.
Nếu yêu một người đàn ông, hãy lôi anh ấy lên giường, thiên đường của bạn!
Nhưng trước lúc đó, hãy nghĩ xem, bạn sẽ xuống khỏi cái giường bằng cách gì, trong tư thế nào!
Trang Hạ

Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim



Mỗi bức ảnh là một câu chuyện cảm động về tình mẹ, nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng những gì mà người đã hy sinh cho mình.

Bức tranh cuộc đời của mẹ
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 1

Bức tranh đã lột tả một cách sinh động cuộc đời của mẹ từ lúc mang thai. Cuộc sống của mẹ từ lúc ấy chỉ còn xoay quanh đứa con bé bỏng. Rồi khi con lớn lên cũng là lúc mẹ lưng còng mắt yếu, phải dựa vào con. Hình ảnh cuối cùng của bức tranh khi người mẹ rời bỏ cõi đời khiến bao người xúc động và bất chợt nhận ra rằng, mẹ mình cũng đã già… Bức tranh cảm động nhận được hơn 14.000 lượt like và hàng trăm bình luận, chia sẻ.

Bức ảnh "Tình mẹ"
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 2

Bức ảnh "Tình mẹ" của tác giả Benjamin Vũ được anh chụp gần nhà người cô của mình ở Sài Gòn. Người mẹ và đứa trẻ trong bức ảnh là hàng xóm của cô anh. Anh đã hỏi xin chị cho chụp lại giây phút mẹ cho con bú dòng sữa ngọt lành. Và thật bất ngờ là chị đã vui vẻ đồng ý. Nhờ đó, nhiếp ảnh gia này đã ghi lại được khoảnh khắc tự nhiên, tuyệt đẹp của bà mẹ Việt.

Bức ảnh mẹ già rơi nước mắt trước tập giấy khen nhàu nát

Bức ảnh nghẹn lòng này từng khiến cộng đồng mạng xôn xao vào cuối năm 2012. Trong ảnh, một bà cụ già tóc bạc trắng, khuôn mặt khắc khổ vì sương gió cuộc đời. Làn da nhăn nheo những vết chân chim đồi mồi và đôi mắt rơi những giọt lệ. Bà ngồi lặng trước nền nhà cũ kỹ, mắt nhìn vào đống giấy khen nhàu nát. Phải nhìn thật kỹ người ta mới nhận ra đó là giấy báo, giấy chứng nhận Tổ Quốc ghi công, giấy khen và thoáng hình ảnh lá cờ Tổ Quốc.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 3

Mọi người đoán rằng, người con của bà đã hi sinh trong cuộc chiến tranh cứu nước khốc liệt. Mẹ già ở nhà đợi chờ mòn mỏi, mong ngóng nhưng người con không bao giờ có thể trở lại. Anh đã nằm lại dưới đất mẹ để đổi lấy sự bình yên cho Tổ Quốc.

Chắc có lẽ mỗi lần nhớ con bà lại lấy những kỷ vật ấy ra để ngắm nhìn. Biết đâu trong đống giấy mục nát kia là hình ảnh con trở về, là những kỷ niệm về tình mẹ con sâu sắc, đong đầy không thể cạn.

Bức tranh sự hy sinh của mẹ

Bức tranh nhận được hơn 100.000 lượt like và hàng nghìn chia sẻ trên Facebook. Nhiều người bày tỏ sự xúc động trước thông điệp đơn giản nhưng ý nghĩa. Người mẹ khi sinh ra một đứa con phải mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 4

Thân hình nhỏ nhắn, xinh đẹp bỗng chốc trở nên to béo, nặng nề. Rồi khi sinh con xong, vóc dáng ngày xưa cũng không bao giờ trở lại nữa. Nhưng với mẹ, điều quan trọng nhất là con được chào đời khỏe mạnh. Người mẹ đã tìm được hạnh phúc khi mang đến cho cuộc sống này một thiên thần nhỏ.

Bức ảnh mẹ già ở tuổi “cổ lai hy” chăm con bị tai nạn

Bức ảnh ghi lại tình cảnh rớt nước mắt của người mẹ nghèo Hoàng Thị Tình (SN 1940), ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Hơn 7 năm nay, người mẹ già tóc bạc trắng cứ cặm cụi đút từng muỗng cháo cho con. Có những lúc bị con hất tung cả bát cháo vào mặt rồi cười lên sặc sụa, bà vẫn cố nuốt nước mắt vào trong, rồi vỗ về: “Con ơi! cố ăn thêm chút nữa, nhìn con khóc mẹ đau lòng lắm…”
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 5

Bà Tình có đến 7 người con. Chồng mất sớm, bà phải một mình mưu sinh chăm sóc và nuôi nấng các con trưởng thành. Một người con của mẹ đã qua đời khi mới 15 tuổi vì căn bệnh thần kinh. Những người con khác đã sống riêng cả nhưng đều rơi vào cảnh nghèo khó.

Cuộc đời cơ cực của bà Tình thực sự trở nên khốn đốn khi vào năm 2006, trong một lần trên đường đi làm về anh Lê Đăng Duẫn (SN 1971), người con trai thứ 3 của bà bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não.

Từ khi ra viện đến nay, anh Duẫn cứ nằm bất động một chỗ, từ chuyện ăn, uống, vệ sinh cá nhân hằng ngày đều do một tay bà Tình chăm sóc. Dù mái đầu đã bạc trắng nhưng bà Tình chưa có lấy một ngày thảnh thơi, niềm vui của bà chỉ là mỗi ngày thấy con ăn được miếng cơm, miếng cháo, bớt khóc la.

Bức tranh người mẹ đảm đang
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 6

Bức tranh mô tả hình ảnh người mẹ như phật bà nghìn tay khi quán xuyến mọi việc trong gia đình. Người mẹ ấy lo lắng từ chuyện nuôi gia súc, chăm sóc con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cho đến phụng dưỡng bố mẹ già yếu, người bệnh tật trong nhà… Bức tranh đầy ý nghĩa khi được chia sẻ trên Facebook đã nhận được hàng trăm lượt like và bình luận.

Người mẹ đứt từng khúc ruột khi con gái bị bố giết vì trọng nam khinh nữ

Bức ảnh đau lòng này ghi lại hình ảnh bà mẹ trẻ Reshma Banu, 19 tuổi, người Ấn Độ đã hoàn toàn sụp đổ khi biết mụn con độc nhất của mình đã bị người chồng (cha cháu bé) đánh đập tàn nhẫn đến chết vì trọng nam khinh nữ.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 7

Bé gái Neha Afreen, 3 tháng tuổi, được đưa vào bệnh viện Vani Vilas ở Bangalore với thương tích nghiêm trọng ở vùng đầu, cổ bị trật khớp, trên người đầy vết cắn và bỏng. Dù các bác sĩ cố gắng chạy chữa song vết thương quá nặng khiến em không thể qua khỏi.

Người gây ra những vết thương này là cha đẻ của bé, Umar Farooq, một công nhân sơn xe. Farooq hành hạ con gái vì mong muốn có con trai mà không được toại nguyện. Bức ảnh này từng khiến dư luận Ấn Độ và thế giới vô cùng phẫn nộ

Bức ảnh “Tháng 7: Thăm con”

Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 8

Bức ảnh có tiêu đề “Tháng 7: Thăm con” của tác giả Huynhdungphoto được đăng trên web Xóm Nhiếp Ảnh. Với lời đề tựa: "Tháng 7, mẹ đón xe đò lên thành phố, vào nghĩa trang liệt sĩ thăm con trai. Những bánh, trái, thuốc lá... ngày nào con vẫn thích mẹ mang cho con cả, kể cả con chó trung thành với con mẹ cũng cho theo cùng...", bức ảnh đã nhận được nhiều like và bình luận của cư dân mạng.

Mặc dù còn nhiều nghi vấn nhưng bức ảnh cũng đã ghi lại được một khoảnh khắc xúc động và đầy tính nhân văn.

Bức ảnh “Dìu dắt”
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 9

Bức ảnh với tựa đề “Dìu dắt” của tác giả Đào Phúc Quang Vũ với lời tựa "Con hãy vững tin trên con đường vì mẹ luôn ở cạnh các con" khiến người xem xúc động. Bức ảnh gửi gắm một thông điệp đầy ý nghĩa: Dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa thì mẹ cũng sẽ luôn là người sát cánh bên con.

Bức ảnh mẹ hy sinh thân mình cứu con trong động đất

Một phụ nữ trẻ đã hy sinh thân mình để che chở và bảo vệ đứa con nhỏ của cô trong trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011. Khi đội cứu hộ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện, cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.
Những hình ảnh về mẹ làm rung động hàng vạn trái tim 10

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: "Một đứa bé! Có một đứa bé!".

Cả đội đã cùng nhau làm việc, họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con".

Trước khi nói đến chống tham nhũng cần phải học " Văn hóa Từ chức" !

 Có hay không "văn hóa từ chức" ở Việt nam?

Trong một xã hội văn minh , khi người được giao trách nhiệm đã cố tình hay không đủ khả năng làm tròn thì với lòng tự trọng của mình người đó thường tự nguyện xin từ chức. Văn hóa từ chức là một thứ văn hóa phổ biến ở các nước có nền dân chủ thật sự. Ở Nhật, một vị lãnh đạo cao cấp dù đã làm việc hết sức nhưng trong mắt người dân không thấy hiệu quả thì vẫn phải tự từ chức, để nhường chỗ cho người khác lên thay. Một ông bộ trưởng chỉ vì một câu nói hớ hênh chưa ảnh hưởng đến ai nhưng không hợp lý cũng phải từ chức vì cảm thấy xấu hổ. Quan chức luôn phải xin lỗi người dân một cách công khai vì những việc người dân phản ánh mà mình chưa làm tốt... Dù quan chức to lớn nhưng có những rắc rối liên quan, dính dáng đến tên tuổi mình một cách trực tiếp hay gián tiếp cũng tự cảm thấy xấu hổ mà từ chức và công khai xin lỗi. Xã hội luôn không thiếu người tài, không có người này thì ắt sẽ có người khác, đừng biện minh rằng chỉ có tôi mới làm được, nếu ai làm được hơn tôi thì tôi sẽ xuống sau khi hết nhiệm kỳ hay về hưu. Như thế thì có vẻ là không ổn? Anh không rời ghế thì ai có thể lên mà làm việc anh đang làm? Khi không có chế tài khiến người có chức, có quyền phải sợ thật sự thì có gì đảm bảo cho sự phấn đấu và gìn giữ nghiêm chỉnh đạo đức của họ? Tháng 6 vừa qua Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson đã đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Mỹ Barack Obama.Ông đưa ra quyết định này sau khi xảy ra vụ tai nạn ôtô liên hoàn ở California hồi đầu tháng mặc dù vụ tai nạn này không có bất cứ một nạn nhân nào ngoài chính “thủ phạm”. Ông Bryson ý thức khó hoàn thành tốt công việc khi sức khỏe không đảm bảo vì vậy cần phải để cho những người có sức khỏe hơn, năng lực để gánh trên vai trọng trách của quốc gia.



Một sự từ chức đáng kính trọng.Cách đây vài năm, sau khi xảy ra một vụ tai nạn đường sắt, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản đã nhận lỗi và xin từ chức.Hoặc cao hơn nữa là cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã phải từ chức vì không thực hiện được cam kết di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa.



Tại Hàn Quốc, cựu Ngoại trưởng Yu Myung-hwan đã công khai xin lỗi và quyết định từ chức sau khi bị tố cáo đã tuyển con gái vào một vị trí được trả lương cao trong Bộ Ngoại giao....



Còn rất nhiều ví dụ về chuyện các quan chức trên thế giới tự nguyện từ chức. Có thể kể đến Tổng thống Hungary Pal Schmitt (vì đạo văn), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Guttenberg (cũng vì đạo văn)


Bộ trưởng Guttenberg

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee-tae (vì bị tố cáo tham nhũng), Bộ trưởng Công vụ Pháp Georges Tron (vì bê bối tình dục), nữ Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie (vì đề nghị dập tắt cuộc nổi dậy ở Tunisia)



Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Vassilios Rapanos (vì sức khỏe), Phó Tổng thống Myanmar Tin Aung Myint Oo (cũng vì sức khỏe)
Thị trưởng Bắc Kinh Quách Kim Long (vì để thủ đô ngập lụt), Tổng thống Đức Horst Koehler (vì bình luận về vai trò quân sự của Đức trên thế giới), Bộ trưởng Phụ nữ-Gia đình và Cộng đồng Malaysia Shahrizat Abdul Jalil (vì dùng ngân sách tậu nhà, xe và du lịch)


Cảnh sát trưởng Hàn Quốc Cho Hyun-oh (chỉ vì cấp dưới khống đáp ứng cầu cứu của một phụ nữ trước khi bị sát hại !)

Tổng thống Ai Cập Hosni Hubarak (vì bị dân phản kháng), Bộ trưởng Kinh tế-Thương mại -Công nghiệp Nhật Bản Yoshio Hachiro (vì phát biểu nhạy cảm với cư dân bị ảnh hưởng của khủng hoảng hạt nhân), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox (chỉ vì quan hệ với người bạn đã giả làm cố vấn Chính phủ)...




Trong các trường hợp đó, tất cả đều cùng chung một quan điểm: Nếu không đảm đương được công việc hoặc để xảy ra những hậu quả, làm mất lòng dân thì vì lợi ích của người dân và cũng vì lòng tự trọng của một người đã được tin tưởng, họ sẵn sàng từ chức. Cũng người từ chức vì nhận thấy rằng sự việc đáng tiếc xảy ra, dù chỉ liên quan một phần rất nhỏ, nhưng mình phải chịu trách nhiệm với tư cách lãnh đạo cao nhất. Từ chức dù không phải là việc làm dễ dàng nhưng đối với họ là cần thiết và nên làm. Nó đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống chính trị tại nhiều nước.
 TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: : "Từ chức là chuyện văn hóa hơn là chuyện pháp lý, chế tài ở đây chính là lương tri. Nếu có một văn hoá chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc... Nước Việt ta từ xưa, các nhà nho, những người có tri thức, phẩm giá treo ấn từ quan rất nhiều, như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Tất nhiên việc từ chức ấy phần nhiều là do không đồng ý với quan điểm của vua. Nhưng dù lý do gì thì rõ ràng Việt Nam cũng đã có lịch sử về văn hoá từ chức. Tôi cho rằng, từ chức là câu chuyện văn hóa hơn là pháp lý. Như vậy, "chế tài" ở đây chính là lương tri.. 
Cách đây ít năm Vụ trưởng Vụ Tiểu học thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo- TS. Nguyễn Kế Hào đã kiên quyết xin từ chức. Ông cho biết: " Tôi có thể tự tin khẳng định rằng những gì mình làm đều không vì một động cơ nào hết. Nếu nghĩ đến bản thân tôi đã không từ chức. Vì không thể nhắm mắt bỏ qua, chấp nhận được những sai sót của CTTH mới, tôi phải lên tiếng. Tôi cũng muốn kiến nghị như một người làm quản lý, một nhà khoa học, nhưng ý kiến không được để ý nên phải lựa chọn cách này, để mình được đứng về phía quyền lợi của hàng triệu học sinh, của phụ huynh mà phát biểu. Tôi cũng tin rằng khi đã nói để dân biết thì có thể thay đổi được vì dân trí bây giờ đã khác, cao hơn, xã hội dân chủ hơn, không dễ gì buộc người dân phải chấp nhận một sản phẩm chưa đạt. Không thể chỉ dùng những quyết định để biến mọi thứ thành chuyện đã rồi." Rất tiếc những người như TS Hào hoặc ở cương vì cao hơn TS Hào xin từ chức chỉ vì phản đối một cách làm sai còn quá ít. Trường hợp vì tự giác thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm , hoặc sai sót liên qua đến lĩnh vực mình quản lý lại càng quá ít, nghe nói hình như chỉ duy nhất có Bộ trưởng Lê Huy Ngọ (?) 
( còn tiếp)
Trích bài viết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Phương pháp bảo quản hoa tươi lâu sau thu hoạch (áp dụng công nghệ Israel)






“Công nghệ Bảo Quản Hoa Cắt Cành Sau Thu Hoạch của Israel” do tập đoàn Gadot Agro đã dày công nghiên cứu trên 55 năm nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất trong xử lý hoa cắt cành và đã được bộ Công nghệ sau thu hoạch Israel công nhận thành quả.









Hiện nay, kỹ thuật bảo quản hoa cắt cành sau thu hoạch của Việt Nam còn mang tính truyền thống và gặp nhiều hạn chế nên chất lượng hoa chưa cao, nhiều nấm bệnh, non yếu, giá rẻ và khó để cạnh tranh hay xuất khẩu sang nước khác. Sản phẩm hoa chủ yếu phân phối trong nội địa, thậm chí phải nhập khẩu từ các nước bạn. Điển hình, Đà Lạt – thủ phủ của ngành hoa trong cả nước, mỗi năm cung ứng gần 1.5 tỷ cành, tuy nhiên để tìm một nhà vườn đủ điều kiện xuất khẩu hoa đi là không dễ. Gần đây, ngành hoa càng gặp khó khăn hơn do hoa của Trung Quốc đang tràn sang Việt Nam với số lượng lớn và giá cực rẻ. Đây là một thực trạng đáng buồn cho ngành nông nghiệp nước nhà nói chung và ngành trồng hoa nói riêng.


Vì vậy, để có được những bông hoa đạt chất lượng tốt và tươi đẹp đến tay người sử dụng là cả một quá trình từ khâu trồng, chăm sóc và bảo quản, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch là cấp thiết. Theo kế hoạch sắp tới, chính phủ nước ta sẽ ưu tiên hàng đầu trong đón đầu công nghệ sau thu hoa hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoa và hỗ trợ xuất khẩu sang nước khác.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến “Công nghệ Bảo Quản Hoa Cắt Cành Sau Thu Hoạch của Israel” do tập đoàn Gadot Agro đã dày công nghiên cứu trên 55 năm nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất trong xử lý hoa cắt cành và đã được bộ Công nghệ sau thu hoạch Israel công nhận thành quả.

Công ty Dinh Dưỡng Hoa Việt sẽ là đơn vị đồng hành cùng người trồng hoa nhằm đưa ra những quy trình xử lý hoa đầy đủ, đơn giản và hiệu quả nhất. Các bước xử lý chung cho mọi loại hoa cắt cành được thực hiện như sau:

1. Tìm hiểu các bước xử lý hoa cắt cành sau thu hoạch:

Các bước xử lý hoa cắt cành sẽ như sau:



Mỗi công đoạn đều đóng vai trò quan trọng như nhau, tuy nhiên tùy vào nhu cầu sử dụng là bảo quản để phân phối trong nội địa, lưu kho lạnh hay xuất khẩu đi mà người trồng hoa hay đại lý sỉ hoa tập trung nhiều vào quy trình đó.

2. Tìm hiều các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của hoa cắt cành:

- Thời điểm thu hoạch tối ưu:



•Hoa nên được cắt vào lúc đang phát triển vì chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng sau đó nên cũng kéo dài được thời gian cắm bình.

• Những hoa nên thu hoạch vào thời điểm Nụ: Hoa Hồng, Cẩm Chướng, Iris, Liatris, Gladiolus…

• Những hoa nên thu hoạch vào thời điểm Bung Nụ: Hoa Lan, Hoa Cúc, Đồng Tiền…

- Xử lý sâu bệnh, côn trùng gây hại cho hoa: Nấm boytrytis trên hoa hồng, nhện đỏ, sâu tấn công hoa và lá, bệnh sương mai, bọ trĩ, …



- Điều kiện kỹ thuật bảo quản: muốn hoa đạt chất lượng cao và kéo dài được tuổi thọ cắm bình thì điều quan trọng phải giữ vệ sinh môi trường và dụng cụ sạch từ khâu trồng đến khâu tiêu dùng. Bởi nếu điều kiện kỹ thuật không tốt sẽ gây ra nhiều nấm và sâu bệnh truyền sang cây khỏe, gây nghẽn mạch dẫn, sản sinh nhiều ethylene gây hại cho hoa …

- Nước bị nhiểm khuẩn do vi sinh vật gây nên: mỗi loại hoa cắt cành khác nhau thì mức độ nhạy cảm với vi sinh vật cũng khác nhau.

Sự phát triển của nấm và vi khuẩn trong nước gây tắt nghẽn mạch dẫn, làm cho hoa không thể hút nước và dinh dưỡng để nuôi cây sau khi bị cắt khỏi cây mẹ. Đây cũng chính là nguyên nhân chính làm cho hoa mau héo và thối nước.





Thân hoa cắt cành bị tắt mạch do vi khuẩn trong nước

Vì vậy, việc xử lý nước và kiểm soát độ pH đóng vai trò quan trọng ngay từ giai đoạn ban đầu.



Lát cắt thân hoa Baby có xử lý vi khuẩn trong nước

Tránh sử dụng nước có chứa các ion có hại như: Natri (Na) vì nó gây độc cho hoa Cẩm Chướng và Hoa Hồng. Flo (F) rất độc với Đồng tiền, Lay ơn …

- Một yếu tố ảnh hưởng khác mang tính quyết định đối với chất lượng hoa cắt cành là Ethylene: Ethylene là một chất khí nguy hiểm và là nguyên nhân gây chết non của 30% hoa cắt cành.

Ethylene là hóc môn thực vật dạng khí sản sinh ra từ một lượng lớn quả chín hay hoa héo úa hay từ các vật liệu hữu cơ (xăng, dầu, khói thuốc…). Ethylene gây ảnh hưởng đến nhiều loại hoa nhạy cảm với khí này dù ở nồng độ rất nhỏ (0.1 pm).

Tác hại của Ethylene:

* Hoa Lily: Gây lão hóa sớm, làm mõng cánh hoa, rụng nụ sớm, hoa bị cong xuống bất thường và giảm đi số lượng của hoa.

* Hoa Cẩm chướng: Ngăn hoa nở, Cánh hoa bị cuộn lại, Gây lão hóa cho hoa chỉ sau vài giờ

* Hoa Lan Dedrobium, Lan Vũ Nữ, Lan Cymbidium: Gây vàng sớm, khô và gãy đài, Vàng sạm màu ở cánh.

* Hoa Hồng: (tùy thuộc vào từng giống hoa) Hình dạnh hoa khác thường, không bung nụ được, gây rụng cánh và lá

* Hoa Tulip: Ngăn hoa phát triển về chiều cao, hoa bị lão hóa sớm do mất nhiều nước, làm rụng nụ sớm và gây dị dạng cho hoa… Vì vậy, với những loại hoa nhạy cảm với ethylene như trên thì yêu cầu cần thiết là làm thế nào để ức chế được từ khâu xử lý đến khâu vận chuyển đi.

3. Điều kiện bảo quản hoa cắt cành:

- Bảo quản ở độ ẩm tương đối > 95%

- Bảo quản ở nhiệt độ thấp để ngăn mất nước

- Sau khi cắt gốc khỏi cây mẹ phải bảo đảm thông mạch dẫn, ngăn ngừa vi khuẩn sinh trưởng để tạo điều kiện cho hoa hút đủ nước và dinh dưỡng nuôi cây được lâu dài.

- Phải cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho từng loại hoa cắt cành. Vì vậy, mỗi loại hoa cắt cành sẽ có một quy trình xử lý khác nhau và điều kiện lưu trữ khác nhau và các chất này đều có trong sản phẩm TOG – dinh dưỡng bảo quản hoa cắt cành theo công nghệ Israel.

4. Các bước bảo quản sau thu hoạch:

Chất bảo quản hoa TOG được sử dụng tùy vào nhu cầu của mỗi giai đoạn phân phối:

4.1 Nếu là người trồng hoa hay đại lý thu mua hoa cần xử lý hoa trong kho lạnh hay xuất khẩu đi thi quy trình sẽ là:

+ Bước 1: Thu hái hoa vào thời điểm thích hợp.

+ Bước 2: Xử lý ngay vào dung dịch TOG 6 nhằm giảm độ pH và vi khuẩn trong nước, đồng thời thông mạch dẫn kích thích hoa hút nước, ngăn chặn một số vi khuẩn và vi nấm ở ngoài đồng và làm sạch hoa.

+ Bước 3: Cắt tỉa, bao gói lại hoa và xử lý ngay vào dung dịch gồm TOG 30 (phù hợp cho Hoa Cẩm Chướng, Cát Tường, Sen, Kỳ Lân, Lan, Lily, Huệ Sông Nile …) + TOG 75 (ức chế được Ethylene cả bên trong và bên ngoài). Đây là 2 thành phần dinh dưỡng chính giúp hoa cứng cáp, tươi mới, ngăn tình trạng “gãy cổ” hoa, ngăn vàng, héo úa ở cả hoa và lá đồng thời giữ màu – mùi gốc hoa ban đầu. Chất lượng hoa sẽ được cải thiện và thời gian cắm bình là tối đa

+ Dinh dưỡng TOG Galileo dành cho hoa Hồng, Cúc, Đồng tiền … Thời gian xử lý ở giai đoạn nay nên từ 4 - 8 giờ, nhiệt độ mát, cường độ ánh sáng 1.000 Lux.

+ Bước 4: Di chuyển hoa vào kho lạnh (lưu kho) với nhiệt độ từ 2 – 4 độ C trong thời gian từ 24 giờ - 72 giờ (tùy loại hoa), độ ẩm 85% - 95% theo đúng khuyến cáo của Hãng Gadot Agro. Lúc này, thời gian và nhiệt độ đóng vai trò chủ chốt nhằm hạn chế hoa nở, giúp hoa “ngủ” khi cần nhưng vẫn giữ được độ tươi mới và màu hoa gốc ban đầu.

Ưu điểm của việc giữ hoa ở nhiệt độ thấp nhằm giảm thất thoát nước trong qua trình trao đổi chất (Carbohydrates), ngăn ngừa sâu bệnh, giảm sự tăng trưởng và ức chế độ nhạy cảm với ethylene của hoa … tuy nhiên, cũng gặp phải nhược điểm là hoa dễ bị “rét” và đông cứng.

+ Bước 5: Nếu thời gian lưu trữ lâu hơn thì nên tái xử lý với TOG 6 cho đến khi xuất đi nhằm tiếp tục thông mạch dẫn, ngăn vi khuẩn sinh trưởng trở lại.



4.2 Nếu nhu cầu là phân phối trong nội địa thì thời gian xử lý sẽ ngắn hơn và dinh dưỡng cũng giản đơn hơn:

+ Bước 1: Thu hái hoa vào thời điểm thích hợp

+ Bước 2: Cắt tỉa, bao gói và xử lý gay vào dung dịch TOG Galileo với nồng độ 0.1%, xử lý từ 01 - 4 giờ ở nhiệt độ từ 16 – 26 độ C với độ ẩm 85% - 95%. Đây là giai đoạn quan trọng để hoa được bù lại phần nước và dinh dưỡng đã bị hao tổn sau khi bị cắt khỏi cây mẹ.

Phương pháp này cũng có thể áp dụng đối với những nhà bán sỉ hoa, đại lý hoa hay shop hoa tươi tại các chợ sỉ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Hậu Giang, Thủ Đức …



4.3 Và nếu nhu cầu là shop hoa hay người tiêu dùng hoa cuối cùng thì thuốc dưỡng hoa Long Life là phù hợp và có thể bổ trợ cho các chất trên.

Một gói thuốc dưỡng hoa Long Life x 0.5 lít nước: giúp hoa tiếp tục tươi lâu hơn, kích thích nở hoa, giữ nước sạch trong 14 ngày và không cần thay nước mới.

Tăng gấp đôi nồng độ dưỡng hoa Long Life (2 gói x 0.5 lít nước) cho hoa cắm xốp, cắm lẵng chưng bày … giúp shop hoa không còn lo chuyện thay hoa định kỳ hằng tuần nữa.



5. Phương pháp kích thích hoa nở nhanh:

Việc cắt sớm tại vườn làm cho hoa bị non yếu, không thể nở: 3% đường Saccoro + TOG Galileo ở nhiệt độ bình thường trong nhà, độ ẩm 85% - 90%. Việc xử lý này thường được ngừơi trồng hoa, nhà bán sỉ, shop hoa thực hiện để giúp hoa nở đẹp như ý muốn. Ngoài ra, cũng có thể dùng thuốc dưỡng hoa Long Life với nồng độ 2%.

Trên đây là những quy trình xử lý và bảo quản hoa cắt cành sau thu hoạch do Tập đoàn Gadot Agro phối hợp với công ty Dinh Dưỡng Hoa Việt để thực hiện bài viết trên. Chúng tôi cam đoan không gây ảnh hưởng đến bài viết nào.



Tác dụng nhờ xử lý hoa bằng TOG, giúp hoa nở và tươi lâu vào ngày thứ 6 cắm bình

Theo Khuyến nông TP.HCM 

Tác giả: Hà Hải