Tôi sinh ra trong một gia đình nửa trí thức nửa
nông dân. Họ nội vốn là quan
lại triều Nguyễn. Ba bảo, họ nhà tôi đã không theo Triều Nguyễn qui thuận Pháp
mà tham gia kháng chiến nhưng đến đời ông Cố tôi thì làm quan cho Pháp. Ngày nhỏ nhìn bức ảnh chụp
toàn thân ông mặc sắc phục chống ba-toong trông rất oai vệ nhưng tôi chưa bao
giờ có cảm giác kiêu hãnh về ông.Ông nội tôi là dân Tây học, ảnh chụp bán thân ông
mặc vét trông rất đẹp. Ông mất khi tôi chưa ra đời.
Họ ngoại nhà tôi mấy đời là nông dân. Đến đời
ông ngoại cũng tích lũy được chút đất thoát khỏi cái ách làm tá điền. Tôi cũng
chưa bao giờ được nhìn thấy ông bà ngoại, có chăng chỉ là những bức ảnh thờ mà
đến giờ tôi cũng không hình dung được hình ảnh của ông bà. Mẹ tôi thứ tám trong
nhà còn một người em nữa.
Ba tôi thỉnh
thoảng cũng kể cho tôi về ông nội .
Mấy cái móng cọp tôi hay lấy chơi, cặp sừng nai treo ở gian trước là do
ông nội
săn được ở cách nhà tôi bây giờ vài trăm mét. Mẹ bảo, ông nội giỏi võ,
hồi đó
làm trọng tài đá banh lỡ tay đánh chết thằng lưu manh,nhưng không bị tội tù vì nội mang quốc tịch pháp!Bà nội tôi cao
người ,
đẹp lão nhưng rất khó tánh. Mẹ nói, lúc ba bịnh mẹ về hỏi mượn tiền nội
mà nội
không cho.
Ông bà nội có sáu người con nhưng tôi chỉ biết có mỗi mình ba
tôi,
còn lại chỉ thấy bài vị. Tất cả đều chết trẻ.Riêng Bác Ba thì hy sinh
trong kháng chiến chống Pháp.Ngày nhỏ chẳng mấy khi tôi dám
lên gian nhà trên ( nhà nội là một căn nhà ngói ba gian ngang 15m dài 30m), nhất là phải
nhìn
thấy ảnh thờ Bác Hai. Bác Hai tự tử chết khi mười tám tuổi vì giận bà
nội. Ba
tôi giống bác, đẹp như bức ảnh thờ, khổ nỗi bức ảnh trắng đen lâu
ngày rổ mờ ,chỉ có phần đôi mắt là sáng lấp lánh trông như người sống.
Sau này,lớn rồi nhìn ảnh
bác tôi cũng nổi da gà. Tiếng đồn nhà tôi có ma lan cả vùng.
Ông nội,ông ngoại thì tôi không còn được gặp, nhưng tôi
đều gặp được hai người vợ hai của hai ông mà tôi gọi là bà nội nhỏ, bà
ngoại nhỏ. Hai bà cũng thương tôi . Người già ai thấy con nít
không thương, với lại là thằng bé kháu khỉnh, láu táu như tôi.
Lúc nhỏ, mỗi lần về quê ăn tết, mẹ đều dẫn tôi thăm bà
ngoại nhỏ. Bà ở một mình trong một túp lều nhỏ gần nghĩa trang. Lần nào mẹ
dẫn tôi đến thăm, bà mừng lắm. Bà ngoại lớn mất lúc mẹ tôi còn nhỏ, ông
ngoại mới cưới bà ngoại nhỏ. Bà đã chăm sóc mẹ tôi và dì Út cho đến khi
mẹ tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, thoát ly vào chiến khu. Ông bà
ngoại có đến 11 người con mà tôi chỉ biết có mấy người. Cậu Hai hy sinh
trong kháng chiến chống pháp. Cậu Năm, cậu Sáu cũng tham gia kháng chiến
cho đến năm 1954 Pháp rút mới trở về. Cậu Năm làm nghề dạy học, còn cậu
Sáu lại tiếp tục làm nghề nông. Dì Ba, dì Út cũng làm nghề nông ở cùng
phần đất ông ngoại để lại. Bà ngoại nhỏ ở với ông ngoại không có con. Bà
mất lúc nào tôi cũng không biết. Mẹ tôi không biết có biết không nữa
nhưng tôi chưa bao giờ hỏi.
Mẹ vẫn hay nói, nghiệp chướng bên nội tôi rất nặng. Căn
nhà ngói âm dương ba gian của nội vốn là đình Hiệp Ninh, lúc ông nội
xây đình mới thì dỡ đình cũ đem về dựng nhà, từ năm 1913.Sau này, căn
nhà mục nát, tôi sửa nhà, thợ mộc leo lên dỡ đòn giông phải lật đật leo
xuống mua nhang đèn trái cây mà cúng. Cây đòn giông dài 15m cứ cách vài
tấc thì được đóng từng chùm đinh nhỏ. Lúc thợ mộc cất nhà cho nội đã
buộc phải yếm. Trước tôi chỉ nghe nhưng đến lúc tháo dỡ cây đòn giông
thì mới tin cái chuyện thợ mộc yếm bùa là có thật. Cất nhà được vài năm thì
ông Năm bị cướp bắn chết ngay trong gian nhà trước.
Ông cố tôi ,nói làm quan cho pháp cho oai, thực ra ông là
ông đội, làm cai ngục. Cái chuyện đó có liên quan gì đến cái ác nghiệp mẹ
nói không tôi cũng không rõ. Có điều, đến đời nội thì chỉ còn lại mình
ba tôi. Mẹ nói, lúc nhỏ ba cũng phải cơn bịnh thập tử nhất sinh.Sau khi
qua khỏi, ông nội vội đưa ba tôi về Sài gòn ở luôn mãi đến khi bà nội
mất ba mới về lại tiếp quản căn nhà và mảnh vườn của nội.
Ông cố có mấy người con tôi không rõ, chỉ biết có ông Ba,
Bà Năm và Bà Út.Ông nội tôi thứ Hai. Bà Năm lấy chồng Tây, về già mới
về lại Việt Nam. Bà đến ở với nhà tôi một thời gian rồi đi. Hẳn lúc trẻ
chắc bà đẹp lắm nên về già nét đẹp vẫn còn lưu giữ. Bà nghiện ma túy,
tôi vẫn thường thấy bà hít cần sa. Sau này, bà mất ở trại dưỡng lão. Bà
có con không tôi không nghe Ba mẹ tôi nhắc đến.
Sau giải phóng, Bà Út về ở với
Ba tôi. Bà có chồng và chồng mất. Bà cũng không có con, lại bị thương
mất một cánh tay mọi người gọi bà là Bà Út cụt tay. Tuy có một tay,
nhưng bà xòe bài tứ sắc rất khéo, bởi bà mê bài từ lúc còn trẻ. Lúc nhỏ,
tôi vẫn thường làm bà giận bởi cái kiểu ăn nói phang ngang bửa củi được
coi là hỗn hào của tôi. Rồi bà đi tu, bệnh mất ở chùa. Ông Ba thì ở trên
phần đất của ông nội. Ông có hơn mười người con nhưng chỉ có hai trai.
Khi về tiếp quản đất ba tôi làm giấy cho ông luôn phần đất mà ông đang
ở.Ông mất do bệnh già.
Ông nội tôi sống với bà nội nhỏ có một người con là cô
Bảy. Hồi còn ở Sài Gòn, nhà tôi nằm trong một con hẻm,còn nhà cô Bảy thì
ở mặt tiền đường Trần Quốc Toản( nay là đường 3-2). Ngày đó có được một
căn nhà đúc hai tầng lầu đã được xem là giàu có ở đất Sài gòn. Tuy từ
nhà tôi ra nhà cô đi bộ cũng chưa hết 5 phút nhưng Ba mẹ tôi ít qua lại.
Dượng Bảy là Thuyền trưởng và kiêm luôn cái nghề làm thầy pháp. Sau
này, Dượng làm đến giáo chủ giáo phái vô vi- một giáo phái mà hầu hết
tín đồ phần đông là dân làm ăn giàu có.Có lẽ vậy mà ba tôi không thân
thiết. Cô cũng chẳng mấy khi vào nhà tôi, mặc dù lúc về Sài gòn học cô ở
với ba mẹ tôi. Khi ông Nội tôi chuyển ra Bà Rịa làm việc thì mới gặp bà
nội nhỏ. Cô bảy cũng sinh ra ở đó.
Ba tôi từ nhỏ đã yêu văn thơ nên viết văn, viết báo rất
sớm. Rồi ba tham gia kháng chiến chống Pháp. Lúc bác Hồ kêu gọi toàn
quốc kháng chiến, ba có làm bài thơ sau này được tuyển chọn vào tập thơ
Thi Nhân Việt Nam hiện đại của nhà văn Thái Bạch biên soạn
Ba tham gia kháng chiến, đến năm 49 giữ chức vụ là Chánh
văn phòng Ty công an của tỉnh. Cái năm đó xảy ra vụ việc đau lòng và ba
tôi là người đã ký những bản án thủ tiêu những người tham gia kháng
chiến bị tình nghi, kết tội làm gián điệp cho Pháp. Ba không nói nhưng
mẹ lại nói tôi nghe những khi mẹ giận dỗi, đau buồn. Rồi đến lúc ba tôi
cũng bị bắt, bị nghi là gián điệp cho Pháp, bị tra tấn đủ điều. Ba đã tự
tử trong tù, cũng may được phát hiện và rồi được giải oan. Tôi nhớ, lúc
nhỏ mẹ thỉnh thoảng đọc bài thơ ba gởi về cho mẹ :
" Hai mươi tháng bảy ngày nay,
Hồn anh nát với cỏ cây núi rừng
Bước đi lòng vẫn ngập ngừng,
Thương em nước mắt lưng lưng hai tròng.
Trời ơi, ai thấu nỗi oan
Của người chiến sĩ trung cang một lòng.
Không a dua cũng chẳng a tòng
Thấy sao nói vậy mích lòng mặc ai..."
Bài thơ còn dài, nhưng thôi chỉ ghi ra như vậy.
Anh em tôi ai cũng nhớ , cũng thuộc ít nhiều câu trong bài thơ này còn hơn cả bài
thơ đã đem lại cho ba tôi cái vinh dự của người cầm bút.
Đến năm 1954, hòa bình lập lại, ba mẹ tôi được điều về
Sài gòn hoạt động nội thành.Ba tôi trở lại với nghề làm báo và âm thầm
hoạt động cách mạng. Đến năm 1960, ba tôi bị bắt và bị giam cùng nhà văn Vũ
Hạnh tại bót Chí Hòa.
Lúc bé, ba tôi cũng ít khi ở nhà, hay đúng hơn là khi tôi
ngủ rồi ba mới về. Ba chỉ ở nhà khi bệnh hoặc tờ báo bị đóng cửa. Ba
tôi bị hen suyển nặng. Mẹ nói đó là do năm 49 ba bị bắt, bị tra tấn bằng
cách đổ xà bông vào lổ mũi. Ba không bao giờ nhắc đến chuyện bị tra tấn
như thế nào. Ba tôi làm cho nhiều tờ báo, nhưng rõ nhất là tờ Phụ nữ
diễn đàn phụ trách mục bình thơ với bút danh là Hoài Trinh.Đó là bút
danh chính của ba tôi và còn có một bút danh khác là Mặc Tường Ly. Ngày
đó Sài Gòn cũng có nhà báo lấy bút danh là Hoài Trinh ,nên để phân biệt
mới ghép 2 bút danh của ba tôi lại mà gọi là Hoài trinh -Mặc tường ly.
Cái khác nhau giữa hai người cùng ký bút danh Hoài Trinh là ba tôi thì
được xem là thành phần thân Cộng sản,còn người kia thì ngược lại -là dân
chống cộng.Lúc tôi bắt đầu
biết nghe chuyện, thì ba tôi làm Tổng thư ký cho tờ Đại dân tộc- chức vụ
như là tổng biên tập báo bây giờ vậy.Ba tôi rất thương và cưng chiều
tôi, từ bé.
Có lần mẹ tôi bảo, bài thơ " Kiếp nào có yêu nhau" được Phạm Duy phổ nhạc là của ba tôi . Cô Bảy tôi cũng vậy, còn nói đã từng bảo ba tôi kiện nhưng bao tôi vẫn im lặng. Mẹ tôi thì nói, giữa ba tôi là cô Hoài Trinh hẳn có tình với nhau. Có điều, sau khi bài hát " kiếp nào có yêu nhau " ra đời, ba tôi bỏ hẳn bút danh Hoài Trinh
Ra tù, ba tôi có tiếp tục hoạt động cách mạng nữa hay không tôi
không rõ lắm nhưng ba vẫn giữ mối quan hệ với nhiều nhà hoạt đông cách
mạng trong báo giới và văn giới của thành ủy Sài gòn. Ngày đó, những cơ
sở cách mạng bị bắt thì xem như đã bị lộ rồi. Sau này,lúc Ba mất rồi,
chú Thái Bạch có kêu tôi về Sài gòn và làm giấy xác nhận cho ba tôi vẫn
tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng.Tôi có làm nhưng
chỉ cất giữ. Anh em tôi chưa bao giờ khai lý lịch điều này. Lúc sống ba
tôi đã không cần và ba cũng không muốn chúng tôi cần đến điều đó.
Ba tôi mất năm 1986, đó là nỗi đau khổ lớn nhất trong đời
tôi. Đám tang ba tôi, tôi đã được nhìn thấy những giọt nước mắt chân
tình từ những bạn bè của ba.Những giọt nước mắt từ những người mà mái
tóc đã bạc trắng.Lúc sống, ba chẳng mấy khi dạy tôi. Lúc chết, Ba lại
dạy tôi thật nhiều điều. Từ đó, tôi hiểu tôi phải sống thế nào.Trước mộ
ba tôi, bạn bè đã đưa tiễn ba tôi bằng những bài thơ. Ngày đó, một đám
tang như ba tôi thì thật lạ lùng, nhất là ở một tỉnh lẽ. Tin ba tôi mất
được đăng trên mục cáo phó của báo tỉnh, thế nhưng bạn bè ba tôi ở Sài
gòn về rất đông .Đám giỗ đầu ba tôi chú Sơn Nam, chú Thanh việt Thanh về trước một ngày . Đêm đó, qua mấy chú tôi lại biết thêm vài
điều về ba tôi, về cái ngày Ký giả ăn mày ( chú Thanh Việt Thanh là tác
giả bài thơ Ký giả ăn mày) và về cái chí khí của ba tôi. Trên tờ Miền Nam còn bức ảnh chụp ba tôi dẫn đầu đoàn biểu tình " ngày ký giã ăn mày " , xung quanh được sinh viên, học sinh bao bọc bảo vệ.
Lúc nhỏ, mẹ
từng kể chuyện ba bị một ông chủ bút quỵt tiền làm việc cả năm không trả
lương. Chuyện được thưa ra tòa và ba được trả số tiền bồi thường khá
lớn. Mẹ tôi mừng lắm,bởi ngày đó gia đình tôi nghèo, mẹ vẫn phải thường
xin cơm xã hội để nuôi chúng tôi. Vậy mà, khi phiên tòa kết thúc, ba chỉ
bước đến tát ông chủ bút một bạt tay rồi ra về. Mẹ tôi chỉ lặng lẽ mà
khóc, bởi mẹ biết cho dù ông chủ bút có trả ba cũng không nhận.Không
biết có phải do câu chuyện đó đã ảnh hưởng đến khiến tôi đã không xem
trọng tiền bạc, đến đổi một vài người bạn của tôi phải nói:" tiền với nó
chỉ là rác".
Ba tôi mất, chị Hai tôi trích một câu trong tác phẩm " Vững niềm
tin" của ba tôi, để xem như là di chúc ba để lại : " Cả cuộc đời ba
không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà những năm tháng
ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học. Mong rằng, sau này các con luôn là
người hữu ích cho xã hội.". Ba tôi mất đột ngột do nhồi máu cơ tim từ
chứng hen suyễn. Cuốn tiểu thuyết đó ba viết trước lúc tôi ra đời và tôi
cũng chưa bao giờ được đọc.
Những năm cuối đời, ba tôi bị cườm mắt và phải mổ
nhưng cũng không tỏ hẳn. Sau ngày mổ mắt xong, ba hay ngồi viết nhưng
hầu hết ba đều bỏ dở. Rồi trong những trang viết dang dỡ đó của ba, một
nỗi xót xa khi ba nghĩ một mai ba ra đi nghiệp dĩ rồi sẽ lụi tàn theo
ba. Chị Hai tôi thời trung học đã viết văn, làm thơ đăng báo với bút
danh Mặc Thùy Trang nhưng rồi chị đành bỏ đi ước nguyện của mình. Chị
học Văn khoa, nhưng vì nhà nghèo chị đành bỏ học đi làm phụ mẹ nuôi em.
Rồi chị lấy chồng và an phận.
Những dòng chữ đó đã khiến tôi thay đổi, hay đúng hơn nỗi
ân hận của tôi đối với ba đã khiến tôi đi vào nghiệp cầm bút. Ngày đó,
tôi đã hai mươi hai tuổi và sống trong sự thất vọng, tràn ngập sự chán
chường. Đáng tiếc, tôi chưa bao giờ làm cho ba tôi vui. Đám giỗ ba tôi,
cũng là ngày xả tang, mấy chú hẹn nhau về rất đông. Chú bảy Vân An
tuy là nhà văn nhưng lại rất thích họa thơ, bèn khởi xướng và khích lệ
anh em chúng tôi đối họa.Không khí ngày giỗ rất đầm ấm và vui, rồi bất
chợt khi chú Thanh Việt Thanh đọc bài thơ họa đã không cầm được nước
mắt. Ba mất đã một năm, nhìn những giọt nước mắt của những người già đó
tôi càng hiểu câu thơ ba viết: " Chết còn hơn sống mất". Sau này, lúc
tôi về Sài gòn làm tờ báo cuối tuần của tỉnh, chú Thanh Việt Thanh, chú
Sơn Nam, chú Kiên giang và chú Trang Thế Hy đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Không chỉ những người vốn là bạn bè ba tôi mà cả những ai trong giới báo
chí Sài gòn ngày xưa, khi biết tôi là con trai của Hoài Trinh- Mặc
tường Ly đều có cái nhìn thiện cảm về tôi. Tôi còn nhớ, lúc tìm đến chú
Dương Lâm để tìm cách phát hành báo, chú đã thẳng thắn nói, nếu cháu làm
thì cho sẽ lo cho mọi mặt kể cả vốn nhưng của ông Dương Hà ( tác giả Bên dòng sông Trẹm) thì chú phải
xem lại, cho dù đó là lần đầu tiên tôi gặp chú.Tôi càng hiểu hơn về
nhân cách của ba tôi và lúc đó tôi cũng hiểu cái nợ ân tình sâu nặng như
thế nào.
Năm 1960, ba tôi bị bắt thì mẹ tôi cũng không liên lạc với tổ chức
cách mạng nữa, mà cũng không ai dám liên lạc với mẹ tôi. Lúc đó, tôi
chưa ra đời.Ba mẹ tôi cưới nhau trong chiến khu, chỉ hơn năm thì Ba tôi
bị bắt.Chi hai tôi sinh năm 1953, rồi đến anh Ba, anh Tư và anh thứ năm
chỉ cách nhau hai tuổi. Riêng tôi nhỏ hơn anh kế của tôi đến 5 tuổi. Em
gái tôi cũng kém tôi 5 tuổi.
Tôi sanh năm 1964 vào ngày 30 tháng 1, đó cũng là ngày
Nguyễn Khánh đảo chánh. Hẳn nhiên mẹ tôi lại đi biển một mình. Cái ngày
sanh đó, cộng với lúc mẹ còn bồng, chú Lê Phải người chuyên giải điềm
đoán mộng trên Tạp chí Phụ nữ diễn đàn thường qua nhà tôi- lúc đó ba tôi
thuê nhà ở ga Hòa hưng- hay nưng niu tôi và chú lại nói " Thằng nhỏ này
thông minh nhưng chân mày xanh gian hùng lắm đây". Sau này, mỗi lần
giận tôi cãi nhau với mẹ, bà thường chửi tôi là thứ "chân mày xanh".
Mẹ tôi, không biết tôi nói thế nào về mẹ tôi cho thật
chính xác. Ba tôi là người cho tôi lẽ sống, niềm tin và sự tích cực,còn
mẹ thì ngược lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự tiêu cực của tôi. Nhưng sau
này, tôi mới hiểu và yêu quý mẹ tôi hơn. Với mẹ tôi con cái là tất cả và
sự hy sinh của mẹ tôi thật lớn lao.
Tôi có một người anh cùng cha khác mẹ, bằng tuổi với
người anh kế của tôi nhưng lớn tháng hơn. Mẹ kể, mẹ biết được khi ba tôi
đang ngồi tù.Dì Phương dắt anh tôi vào nhà tù thăm ba thì gặp mẹ tôi.
Nhà dì ở Ban mê thuộc, về sau mẹ đưa anh về sống hẳn với chúng tôi , lúc
đó anh dường như đã 10 tuổi. Sau hoàn cảnh khó khăn quá mẹ tôi cho anh
về nội ở với anh Ba của tôi. Rồi anh đăng lính. Sau giải phóng anh không
trở về, tôi nhớ đến mãi năm 1980 anh về tìm ba mẹ. Anh bảo mẹ anh đã đi
ra nước ngoài không còn ở Việt nam và anh xin ba mẹ tôi lo cho anh vượt
biên. Mẹ tôi đã chạy vạy tiền bạc đưa cho anh nhưng chỉ năm sau anh lại
về và bảo anh vượt biên không thành. Ngày đó tôi đã là một thanh niên
và tôi phát hiện ra anh nghiện ma túy. Đêm đó, anh đã mở tủ lấy hết vàng
vòng của mẹ tôi dành dụm rồi bỏ đi. Anh đã thật sự hư hỏng. Đến đám
cưới anh Tư tôi anh lại về và lên tiếng xúc phạm ba. Lần đó tôi đã đánh
anh rất nặng tay vì hận anh đã gạt gia đình và lại xúc phạm Ba. Sau ngày
đó anh đi, cho đến ngày anh Tư nhận được tin anh bị bắt và bị giam ở Bố
Lá. Anh Tư đã tìm lên thăm anh nhưng rồi sau đó tôi không còn nghe tin
tức về anh nữa. Có lẽ, anh đã chết ở một nơi nào rồi. Cả dì Phương gia
đình tôi cũng không có tin tức .
Sau cái năm 1949 ác nghiệt ấy, ba tôi đã không còn
được trọng dụng cho dù đã được giải oan. Mẹ nói nếu ngày đó, chú Lê
Đình Nhơn không đem kịp lệnh của xứ ủy Nam kỳ về chắc Ba tôi đã bị xử
bắn cùng với mười mấy người, phần lớn đều là những cán bộ cấp cao của
kháng chiến Tây ninh. Từ ngày đó, lại thêm cái xuất thân của dòng họ
tôi, ba tôi không còn được nhận những nhiệm vụ quan trọng nữa. Với Ba
tôi đó là nỗi ưu uất đeo đẳng suốt cuộc đời, và kể từ ngày về Sài gòn
trở lại ba đã xem mình là" kiếp sống thừa".
Sau giải phóng, Ba lại một lần bị bắt. Lúc đó là năm
1976, tôi còn nhớ rất rõ tối hôm đó rất nhiều bộ đội đã ập đến nhà tôi
với cả súng ống. Tư Ròm, ngày đó là Thị đội trưởng đã nói " Tôi đến đây
để bắt ông". Ba hỏi : " anh bắt tôi có lệnh của Viện kiểm sát không?".
Tư Ròm đã móc súng lên đạn chĩa vào ba tôi , bảo : " Tôi nhân danh quân
đội Việt nam đến bắt ông". Hình ảnh và câu nói đó đã hằn sâu trong ký ức
tuổi thơ của tôi. Lúc đó ba tôi đã nói:" Nếu anh nhân danh Quân đội
Việt nam đến bắt tôi thì tôi đi." Vậy là họ còng ba tôi dẫn đi về nơi
Thị đội đóng quân- Bây giờ là chợ Thị xã.
Việc bắt ba tôi xảy ra thật bất ngờ, bởi chiều hôm đó mẹ
tôi và chị Tư Trắng gây gổ nhau. Chị Tư là con của Cô Năm là cháu ruột
của bà nội tôi. Cô là con của Bà Tư, chị của bà nội. Bà nội thứ Bảy. Quê
bà nội ở Tầm Long, lúc chiến tranh gay gắt, bà Tư và cô Năm chạy giặc
về cất nhà ở trên mảnh đất của nội. Đất của nội rất rộng, hơn 1 hecta,
dạo đó bà con chạy giặc đều về tá túc rất đông. Cô dượng Năm đã canh tác
trên diện tích hơn 3 công đất với cái nghề hầm than, tôi không biết từ
năm nào. Sau giải phóng, Nội mất mẹ tôi đã nhiều lần yêu cầu cô dượng
trả đất lại mà về quê nhưng gia đình họ cứ dây dưa. Lần đó, mẹ tôi từ
Sài gòn về nghĩ lễ 2/9 thì thấy chị Tư chặt phá đám mẫn cầu, mẹ tôi
ngăn cản thì đôi bên cãi nhau to tiếng. Chiều đó, ba đi nhậu với mấy
người bạn, trong người cũng đã có rượu nghe mẹ tôi kể, ba tôi giận con
cháu hỗn láo nên đi xuống nhà cô Năm. Cả nhà cô đang ăn cơm, ba mới lên
tiếng hỏi thì thái độ dượng Năm rất xấc xược, ba đã không kiềm được nóng
giận nên lấy cái dĩa trên bàn đánh vào mặt dượng Năm làm rách mi mắt,
rồi bỏ về. Vậy là tối hôm đó Tư Ròm dẫn lính đến bắt ba tôi- Tư Ròm là
con rễ của Cô Năm , chồng chị Hai Sơn.
Sáng sớm mẹ dẫn tôi đi thăm Ba, đêm đó tôi ngủ chập
chờn thức giấc và nhiều lần hỏi mẹ tôi ba đâu. Lính gác không cho mẹ
vào, chỉ cho tôi mang gói xôi và nước uống cho ba. Ba tôi bị còng trong
một cái sạp, khi tôi đưa đồ ăn cho ba thì ba bảo tôi đem về và ba sẽ
không ăn. Tôi nói cho mẹ tôi nghe, mẹ càng lo quýnh quáng lên. Mẹ bảo ba
sẽ tuyệt thực, tôi đã khóc sướt mướt. Ngày đó tôi chỉ là thằng bé 8
tuổi. Mẹ tôi đã chạy khắp nơi, gõ cửa những bạn bè của ba mẹ thời kháng
chiến nhưng lại ngay ngày lễ các chú đều bận cả. Mãi đến trưa ngày 3/9
chú Tư văn, chú bảy Vân An lúc đó đều là thường vụ Tỉnh Ủy đã ra tận
Thị đội đưa ba tôi về nhà. Ba cũng đã không ăn không uống hơn ngày. Tất
nhiên, Tư Ròm bị kỹ luật rất nặng và không lâu sau thì gia đình cô Năm
dọn đi để trả đất lại cho gia đình tôi. Mẹ trách ba nóng nảy gây
chuyện, ba chỉ nói, không làm vậy tụi nó chịu trả đất cho bà sao?
Kể từ đó mối quan hệ đôi bên gần như cắt đứt, mãi
nhau này khi anh Chín Khoa được điều về làm phó tổng biên tập báo, nơi
tôi làm việc thì từ mối quan hệ của chúng tôi, gia đình bên tôi và cô
Năm mới hòa thuận lại. Anh Chín là chồng chị bảy Nhi con cô Năm. Tôi ghi
lại điều này không phải để trách móc hay có ý gí khác, chẳng là cái hình
ảnh những người bộ đội dí súng vào ba tôi đã để lại trong trí óc non
nớt tuổi thơ của tôi dấu ấn nặng nề về sự áp bức, cộng thêm sự yêu thích
tự do mà ba tôi đã trao cho tôi, khiến hình thành tính cách hay cái ý
thức chống đối quyết liệt với cái mà tôi cho là áp bức, là bất công.
Vì con, mẹ tôi sẵn sàng quên cả bản thân chấp nhận
tất cả với sự lạnh lùng đáng sợ. Anh Ba tôi bị bắt lính, rồi anh bị
thương về phép. Tôi còn nhớ rất rõ trong bữa cơm, anh kể về trận chiến
và những người lính cộng sản điên cuồng lao lên và bị bắn chết từng đợt
từng đợt, thì ba nỗi giận cắt ngang và chửi anh. Sau đó, anh tôi đào ngũ
và để thoát khỏi trại lính anh đã làm gì tôi không rõ nhưng bị cảnh sát săn lùng
phải trốn tránh. Nghe đâu anh đã đánh chết một lính Mỹ. Anh Ba tôi rất
giỏi võ, anh học Thần quyền. Thứ võ chẳng rõ thực hư thế nào nhưng ngày nhỏ tôi
vẫn thường thấy anh đốt nhang cầu thần về đi quyền. Và còn nhớ một lần
tôi bị bong gân cổ chân, anh đã lấy nhang khoáng cho tôi. Tôi đã có cảm
giác hết đau và vài ngày sau thì khỏi hẳn. Lúc đó, mẹ tôi đã tìm gặp dì Phương và đưa dì về Tây ninh sống với ba
tôi.Tôi và em gái tôi cũng theo về. Còn anh Đạt - con dì Phương và ba-
thì ở lại Sài gòn với mẹ tôi. Mỗi lần mẹ về thăm, thì ngủ chung trên bộ
ván rộng,ba tôi nằm giữa, tôi và em gái tôi nằm hai bên ba. Rồi mẹ nằm
cạnh em gái tôi còn dì Phương nằm bên tôi. Sau này, tôi mới biết là em
trai của dì Phương lúc đó là trưởng nha cảnh sát ở tỉnh và nhờ vậy mà mẹ
tôi đã làm được giấy tờ thay đổi tên cho anh ba tôi. Tôi không nhớ,
thời gian bao lâu, dì Phương bỏ đi và mượn của cô Năm một số tiền không
nhỏ nhưng cũng là chuyện trước giải phóng.
Sau giải phóng, Ba ở hẳn Tây ninh, nhiều bạn bè thời
kháng chiến đến thăm ba, nhiều người có chức vụ khá cao ở tỉnh và cả ở
Bộ. Chú Thái Bạch, chú Trang Thế Hy nói với tôi đã nhiều lần đề nghị ba
về sài Gòn làm báo văn nghệ nhưng ba đều từ chối. Rồi có lẽ, vì nể nang
chú Bảy Vân An nên năm 1978 Ba vào làm Biên tập cho Đài phát Thanh tỉnh
Lúc đó chú bảy Vân An là trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng, tổng biên
tập cả Báo và Đài và kiêm cả Tổng biên tập báo Văn nghệ. Đến khi ba bị
bệnh mắt thì mới nghỉ.
Chú Bảy Vân An hẳn là quý mến ba tôi lắm , nên
những năm đó những nhà văn ở miền bắc vào thăm chú, chú đều đưa đến thăm
ba tôi như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi...Để lại ấn tượng sâu sắc
nhất trong tôi là hình ảnh nhà văn Nguyễn Tuân đã ngồi thâu đêm bàn
chuyện với ba. Cái bóng của ông hiện trên bức bình phong to đùng. Ngày
ấy tôi chỉ mới lên học lớp 6 hay lớp 7 gì đó tôi không nhớ rõ lắm. Sau
lần đó, tôi đã đọc ngấu nghiến" Vang bóng một thời" để cái máu phiêu lưu
vốn có trong tôi sớm bốc cháy.
Trong những trang viết ba tôi để lại, ba cho
mình là người cầu toàn và do vậy cho đến cuối đời sự hoài nghi dường như
luôn ám ảnh ông. Thể hiện rõ nhất là ông để lại một tùy bút " Rừng và
cây" và sau khi ông mất tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần để tìm ra
lời giải đáp cho chính tôi. Khi vào làm ở hội văn nghệ tỉnh, tôi đã đưa
chú bảy Vân An đọc và gần một tháng sau, chú mới gọi tôi trả lại nhưng
chú đã không bình luận gì. Nhưng sau đó, chú đã đồng ý để tôi thực hiện
đề tài sưu tầm văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Tây ninh. Cả tôi
và chú điều hiểu cái chủ đích mà tôi đi tìm đó là sự kiện 1949.
Nhiều lần, công an Tây ninh đề nghị ba tôi chấp bút
viết về lịch sử Công an Tây ninh và ba tôi chỉ đồng ý với đều kiện ghi
nhận lại sai lầm của năm 1949 và tìm cách phục hồi danh dự cho những
người đã chết oan uổng. Dù sao, ba tôi cũng là một trong những người xây
dựng lực lượng công an tại Tây ninh. Vấn đề đó đã giằng co
không thống nhất cho đến lúc ba tôi mất. Tôi đã mất một khoảng thời gian
tìm hiểu và ghi chép, sau này tôi có trao lại cho chú Trần Kim Tấn, chú
nguyên là Trưởng ty công an thời kháng chiến. Mẹ kể, ngày ba tôi bị
bắt, chú Tấn đang tắm ở sau và nhờ vậy chú mới chạy thoát. Rồi vào một
buổi sáng, chú và chú Mai Ngữ( chú là phó ty công an thời kháng chiến ,
lúc ba bị bắt chú đang đi học) đến nhà tôi, Hai chú thăm bàn thờ ba tôi,
thắp nén nhang. Mục đích của chú là thông báo cho tôi biết việc viết
Lịch sử Công an Tây ninh đã được thống nhất và điều ba tôi yêu cầu đã
được chấp nhận. Sau này sách in, gia đình tôi được tặng. Trong sách đoạn
viết về năm 1949 không nhiều và chỉ có đoạn ngắn thừa nhận sự sai lầm
của cách mạng khi bị tình báo Pháp gài bẩy dẫn đến một cuộc thanh lọc
nội bộ. Chỉ có vậy , cũng an ủi được phần nào vong linh ba tôi, tiếc là
người am hiểu và là chứng nhân rõ nhất là ba tôi đã không còn để viết ra
một sự thật khá đau lòng. Ai là người oan ức trong cuộc thanh lọc đó
đến giờ còn là dấu hỏi? Người rõ nhất là ba tôi cũng đã mất rồi.
CHƯƠNG 2:
THẾ GIỚI SÁCH
Ba tôi là nhà báo. Ông viết báo thế nào tôi không rõ bởi khi tôi biết hiểu chữ nghĩa thì ông đã không viết báo nữa rồi. Chuyện viết báo của ông chỉ nghe má tôi kể. Ông giỏi viết bài chửi, chửi từ thằng trọc phú đến mấy ông quan chức chính phủ tham nhũng, rồi chửi cả cái chính quyền Sài gòn: " liếm giày đế quốc! cái câu này thì tôi từng được nghe từ chính miệng ông khi thằng cha Bê- đại úy không quân- ở cạnh nhà tôi- cứ mỗi sáng nổ máy xe honda nẹt bô xả khói sang nhà tôi. Ba tôi có mặt ở nhà là ông bước ra chửi: " Đồ thứ liếm giày đế quốc". Cái cha Bê tuổi cũng hơn chị hai tôi chừng chục tuổi, chỉ cười khinh khỉnh rồi phóng xe vọt đi. Lão Bê khoái làm chuyện xả khói sang nhà tôi cũng bởi chứng bịnh hen suyển của ba tôi không chịu được khói. Mẹ bảo, ba tôi có được chứng bịnh này là nhờ vào sự tra tấn của những người đồng chí của ông trong kháng chiến chống pháp khi ông bị nghi ngờ là gián điệp. Lúc đó, ông giữ chức vụ phó Ty Công an mới ghê chứ !
Bởi ba tôi hay chửi nên tờ báo nào ba tôi làm tuổi thọ giỏi lắm cũng được vài năm thì bị đóng cửa, may mắn thì ba tôi không phải ngồi tù. Ngày nhỏ, có lúc ba tôi vắng nhà hàng tháng, sau này lớn rồi tôi mới biết lúc đó ông tạm trú trong khám " Chí hòa".
Lương tháng của ba tôi hẳn là cao nên lần nào ông được lãnh lương là anh em tôi được đưa đi ăn nhà hàng bù lại bao ngày má tôi phải xin thêm cơm và thức ăn xã hội. Điều mà tôi khoái nhất là sách.Má tôi vẫn hay cằn nhằn: Tiền lương đâu không thấy chỉ thấy toàn gửi sách". Gì chứ, cứ vài ngày là có người đem sách đến biếu, thôi thì đủ loai cả. Ba tôi có lúc thì mở ra xem , có khi chẳng buồn ngó bảo với má tôi : " bà đem mà cân ký, đừng để cho bọn nhỏ đọc." Riêng truyện kiếm hiệp thì mấy ông anh của tôi luôn dành lại.
Khi tôi chưa biết đọc, ông anh kế tôi cũng ham đọc sách ( anh lớn hơn tôi 5 tuổi) phải thay má dỗ tôi ngủ, nên nghỉ ra cái cách tiện lợi là đọc sách cho tôi nghe. Tôi khoái anh đọc Tề thiên đại thánh nhưng thường thì chỉ được trang là tôi ngủ mất. Sáng ra, tôi cũng chẳng nhớ gì.
Má tôi sanh tôi khi ở Hòa hưng, lúc tôi còn chưa thói bú, xóm nhà tôi bị cháy. Má hay kể, lúc mọi người la ầm lên cháy nhà, nhìn ra thấy lửa bén đến nhà bên cạnh, má luýnh quýnh một tay bồng tôi, một tay dắt anh tôi mà chạy. Ra ngoài má réo ba tôi gom đồ. Lúc lửa cháy đến nhà mới thấy ba tôi ra ôm khư khư mấy chồng sách chưa kịp bỏ vào thùng. Má phải bắt ba bồng tôi và coi chừng anh tôi để chạy vào gom đồ. Chật vật lắm má mới đẩy ra được cái bàn máy may Singco - một phương tiện kiếm tiền đắc dụng nhất của má tôi thời đó. Còn lại cháy sạch. Sau này, ai hỏi mua cái máy may má một mực không bán và những lúc ấy má lại kể cái chuyện cháy nhà. Ba nghe má nói, thì bảo : Nói không biết chán à? Má lại được dịp: không có nó tụi nhỏ chết đói cả rồi. Sau này, chị hai lấy chồng, má cho chị như là của hồi môn.
Khi tôi bắt đầu biết bập bẹ nhìn mặt chữ, bên cạnh tôi lúc nào cũng có những cuốn truyện tranh.Nhưng tôi chỉ thích xem hình, còn thường là bắt anh chị tôi đọc cho tôi nghe.Lúc đó, tôi đã biết ghét hai mẹ con Cám và thường hai lấy phấn lúi húi vẽ gương mặt của mụ dì ghẻ với cái cằm nhọn đót và những lúc giận dỗi sau khi bị má đánh đòn, tôi thường mếu máo mách với ba tôi, bảo mẹ tôi là mụ dì ghẻ . Giờ thấy lạ, dường như cái tôi ghét tôi lại nhớ dai hơn.
Nhà bên Hòa hưng bị cháy ( cũng may chỉ là nhà thuê,), má thuê nhà bên hẻm Văn Vĩ. Căn nhà nằm trong một cái ngỏ cụt, tối om om vì mấy ngôi nhà lầu cao tầng đẩu ngỏ luôn che khuất mặt trời. Tôi bắt đầu đi học từ căn nhà này.Tuy vậy, việc dỗ tôi ngủ trưa anh tôi vẫn phải đọc Tây du ký cho tôi nghe. Mẹ tôi thì ru tôi bằng những bài ca dao. Giọng mẹ thanh thoát và dìu dặt khiến tôi bao giờ cũng dễ ngủ. Khi đã biết nghe, tôi hay đòi mẹ hát để dỗ tôi ngủ bởi mẹ tôi hát rất hay. Nhờ vậy mà tôi như thuộc nằm lòng bài Hòn Vọng phu 1 từ lúc năm sáu tuổi.