Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024


HÃY SỐNG ĐỂ YÊU EM


LỜI MỞ ĐẦU 

 Từng ca nước tiếp tục đổ vào phễu, chảy ào ạt xuống dạ dày, khiến Phong lại bật dậy nôn thốc nôn tháo. Không biết bao nhiêu lần lặp lại cảnh đó, cho đến khi cô y tá lên tiếng:

- Được rồi - rồi rút ống ra khỏi cuống họng Phong.

Bên ngoài phòng cấp cứu, má Phong ngồi đợi lâu nay, vừa thấy các cô y tá đẩy băng ca đưa Phong ra, bà vội bước đến bên, lo lắng hỏi: "Con thấy trong người sao rồi?"

- Con không sao - Phong trả lời. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất là muốn xuống băng ca và trở về nhà.

- Chắc không sao đâu cô Tám, để tụi cháu đưa nó qua phòng hồi sức chờ bác sĩ khám lại - một cô y tá lên tiếng trấn an.

Phong cảm thấy hơi mệt, chiếc áo lính đã ướt đẫm mồ hôi. 

- Không cần đẩy đâu mấy chị, em đi được - vừa nói dứt câu, Phong đứng bật dậy bước xuống băng ca. Nhưng vừa khi chân chạm đất, toàn bộ sức lực của chàng trai 17 tuổi như tan biến. Phong ngã nhào xuống sàn. Điều cuối cùng Phong kịp nhìn thấy là một bàn tay xinh đẹp, với những ngón tay búp măng thon dài, dịu dàng đỡ lấy đầu cậu. Trong tiếng ồn ào hỗn loạn, Phong nghe mơ hồ một giọng nói dịu dàng vang lên: "Hãy sống để yêu em!"

CHƯƠNG 1

Quán cà phê giờ chỉ còn lại Phong và cô Tuyền, cô giáo dạy Văn năm lớp 10 của Phong. Sáng nay, có lẽ cô không có tiết dạy nên chỉ mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay màu xám nâu. Như mọi lần, cô và Phong ngồi cùng bàn ở góc khuất của quán, cả hai im lặng hút thuốc. Cô Tuyền đã ngoài 40 và vẫn độc thân. Cô gốc Huế nhưng sống ở Sài Gòn, và sau ngày 30/4/1975, cô được điều về Tây Ninh dạy học. Những gì Phong biết về cô chỉ có vậy.

- Em quyết định nghỉ học? - Cuối cùng, cô Tuyền lên tiếng.

- Dạ - Phong khẽ đáp.

- Em suy nghĩ kỹ chưa? - Cô hỏi tiếp, không đợi Phong trả lời - Em là học sinh giỏi, tương lai của em còn dài lắm.

Phong rít một hơi thuốc sâu, thả khói lên trời rồi chậm rãi nói: Em không muốn trở thành một tội đồ.

- Sao em lại nói vậy?

- Nếu ở lại, sớm muộn gì em cũng đánh ông Công một trận - Phong đáp nhanh - Chuyện hôm rồi chắc cô cũng biết.

Cô Tuyền im lặng, nhìn Phong bằng ánh mắt đầy thương cảm. Phong tránh ánh mắt ấy, rồi bật cười: Ba em cũng đồng ý. Cô đừng lo, em đã nộp đơn vào trường kỹ thuật điện, chắc tháng sau tập trung. Lớp em có 7 đứa nộp hồ sơ, bên A1 cũng 5 đứa.

- Đây không phải là lựa chọn tốt nhất cho em.

- Gia đình em có người ở Mỹ, học nữa cũng chưa chắc vào đại học. Anh Viên ba năm thi y khoa đều trên 28 điểm, mà vẫn không được cho đi học.

Quán cà phê của dì Mười nằm đối diện cổng trường, chỉ cách con đường quốc lộ 22B. Trước 1975, cả tỉnh chỉ có hai trường trung học, một nam, một nữ. Học sinh các huyện muốn học cấp 3 phải lên thị xã học. Sau 1977, trường nam nữ được sáp nhập, và trường nữ trở thành trường cấp 2. Cô Tuyền về trường năm 1975, và tất nhiên biết chuyện của Viên, một học sinh giỏi cấp tỉnh từng đạt giải ba toán toàn quốc. Ba của Viên là cảnh sát chế độ cũ.

Sơn, có lẽ từ nhà ở huyện Châu Thành, cách thị xã khoảng chục cây số, đạp xe tới. Nó dựng xe cạnh cột đèn rồi vào quán. Thấy Phong và cô Tuyền, nó khoanh tay chào cô, rồi ngồi xuống cạnh Phong, nói ngay:

- Tao trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi - nó vừa nói vừa đưa tờ giấy gọi nhập ngũ cho Phong xem.

- Họ gọi cả học sinh đi lính sao? - Cô Tuyền ngạc nhiên.

- Năm rồi, em tình nguyện thì không gọi - Sơn chua chát đáp - Năm nay đùng một cái nhận lệnh. Mày nghĩ có phải do ông Công trả đũa không?

Sơn là người đã kéo Kim từ phòng ngủ của ông Công ra trước mặt cô Dao, hiệu phó trường.

- Chuyện ông Công cô chỉ nghe giáo viên xì xầm - Cô Tuyền lên tiếng - Tụi em kể rõ cô nghe xem.

Sơn gọi ly cà phê đen, rồi bảo Phong: - Mày kể đi.

Phong do dự, nhưng cô Tuyền nói thêm:

- Nào, kể cô nghe xem.

Phong chậm rãi bắt đầu:

Hôm đó là thứ bảy, tụi em tụ tập chơi bóng chuyền đến tối mịt, rồi lên phòng thầy Dũng tổ chức nhậu. Khoảng 9 giờ thì hết nước đá, Sơn đi mua. Khi về, nó thấy ông Công trèo cửa sổ vào phòng. Thấy lạ, Sơn lén lên trước xem, thấy cửa phòng hiệu trưởng vẫn khóa. Nó chạy lên báo tụi em. Cả trường đồn ầm về chuyện ông Công và con Kim lớp 11A. Tụi em cũng nhiều lần thấy ông chở Kim đi chơi. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn ông đưa Kim về phòng ngủ, khóa cửa để người ta nghĩ ông đi vắng. Tụi em chia nhau canh chừng và đi báo cô Dao. Ban đầu cô không tin, nhưng cuối cùng cô cũng đi. Khi đến, tụi em phá khóa, ông Công từ trong phòng lao ra chửi bới, đòi gọi công an, nhưng khi Sơn lôi Kim ra, ông ta im lặng.

Cô Dao lặng người một lúc rồi bảo tụi em giải tán, dặn sáng thứ hai lên văn phòng làm tường trình. Cô Dao không nói lời nào với ông Công và rời đi.

Hôm thứ hai, tụi em viết tường trình và nộp cho cô Dao. Cô dặn không nên nói ra ngoài, cô sẽ báo Ty giáo dục để xử lý.

Tiếng trống trường vang lên, báo hiệu hết tiết. Phong nhìn thấy thầy Bằng, chủ nhiệm của cậu, đang bước ra khỏi cổng trường và nhìn về phía quán. Phong đoán chắc thầy đang tìm mình. Quả nhiên, thầy băng qua đường.