Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Hồi ức của Trungsi1: Biên giới Tây Nam (V) hết




HAI THẰNG MẶT DÀY!

Căn cứ mới của trung đoàn 2 cách thị trấn S’toung 3.5 km dọc theo lộ 6, nằm cạnh một con đê thuỷ lợi thẳng tắp chạy theo hướng đông – tây. Con đê có tên “Xam sập canh nha” – lưu danh ba mươi cô gái lao động tiên tiến trong cái đội thuỷ lợi công xã đã đắp nên công trình này. Địa hình toàn rừng thưa xen lẫn trảng nhỏ. Phía bắc cách 2 km là tiểu đoàn 4 nằm sát suối. Giữa tiểu đoàn 4 và trung đoàn bộ là đại đội 17 DKZ.75mm. Cũng cách 2 km về phía đông theo dọc con đê là tiểu đoàn 5. Giữa khoảng này là đại đội 18- 12.8mm. Đại đội trinh sát 21 và đại đội 2 tiểu đoàn 4 nằm chẹn trên cầu S’toung ở hướng đông. Phía tây nam E bộ là tiểu đoàn 6.

Đội hình Ban chính trị bố trí hình chữ U ôm lấy một cái trảng nhỏ, có chừng mươi nóc nhà. Đội văn nghệ được bố trí ở rìa bên phải chữ U đó, nằm khoảng giữa đại đội 12.8mm và đại đội 20 thông tin. Nghĩa là có hướng lạnh sườn để mà phải gác. Cũng may là có một rừng dây mây thấp rất dày, không thể nào chui qua được ôm lấy đội hình nên cũng yên tâm phần nào. Hướng này chỉ có mỗi con đường bò chui qua cái luỹ mây đó. Đi truy quét thì thôi chứ lập cứ lâu dài thì việc quan sát, sắp xếp chỗ ăn ở sao cho kín đáo và thuận tiện, cho chuyện chống đột nhập là rất quan trọng. Xem “phong thuỷ” xong xuôi, chúng tôi bắt đầu dựng nhà và đào giếng nước ăn. Buổi chiều hôm đó, trời nóng gắt. Không khí nóng từ mặt trảng bốc lên rung rung dưới nắng. Lính ta phải đợi gần tắt nắng mới sục vào rừng chặt cột. Rừng thưa có sẵn nên cột kèo cũng dễ kiếm. Bên kia đê, qua con mương có một đám cây tương đối thẳng.
Bọn vệ binh và chúng tôi lao vào chặt. Nhưng chúng nó chơi bẩn. Chỉ chọn những cây đẹp, chặt mỗi cây mấy nhát vào gốc để tranh xí phần. Chúng tôi chặt thì không sao, nhưng hai thằng vệ binh to vật như Thạch Sanh đang hăm hở đốn trong đám cây “chủ quyền” đó thì bỗng dưng sây sẩm mặt mày. Mặt chúng nó đỏ rực lên, rồi dần dần sưng mọng, to như cái lệnh trông rất khủng khiếp. Hai thằng trợn ngược mắt nhìn nhau trong ánh chiều tà. Mặt người chết do thắt cổ cũng sưng như thế do tụ máu. Ma nhập tràng? Rừng có ma? Một thằng kêu ré lên.

Cả bọn sợ hãi quăng cả rìu rựa chạy về. Tôi cũng hoảng, guồng ríu cả chân! Không hiểu chuyện gì đang xảy ra? Hổn hển về đến trung đoàn bộ mới được biết nguyên nhân. Té ra trong đám đó có những cây sơn. “Sơn ăn tuỳ mặt, ma bắt tuỳ người!”. Câu thành ngữ quen thuộc được thực tế chứng minh một cách quái quỷ nhất. Hai hôm sau mặt mũi và toàn thân chúng nó vẫn bị sưng như thế. Da mặt, da lưng dần tróc vảy ra, loang lổ tựa da rắn lột. Trông nhăn nhăn nhở nhở như... người lở sơn. Hễ quân y đến thăm bệnh là cả hai thằng trùm vội tấm đắp dù trời nóng chết cha, không dám cho nhìn. Những người dị ứng sơn chỉ cần đi gần cây cũng bị như thế chứ khỏi cần đụng đến nó. Đám Thạch Sanh bỏ việc, bọn văn nghệ tiếc công lại ra chặt tiếp, kéo về dựng nhà.

Dẫu biết rằng căn nhà mới này từ nay sẽ vắng khách vệ binh. Thằng Đại và tôi vốn ghét bọn này từ hồi còn ở Trảng Lớn vì bị thu áo, bị nhốt vô cớ nên có phần đắc chí. Nó đánh luôn một câu:” Kệ mẹ! Càng đỡ tốn trà thuốc! Đúng là hai thằng mặt dày! ”

S'TOUNG.
Trong khi triển khai đào hầm, công sự cho vị trí đứng chân trên địa bàn mới, thằng Bình cáo đại liên liên vớ được một cái dây chuyền. Được bạc thì sang, được vàng thì lụi. Nó alô lên ban chính trị cho tôi, hẹn đến Chủ nhật tới ra S’toung đập phá. Đúng hẹn, tôi lò dò xuống tiểu đoàn 6. Cả bọn hơn chục thằng, áo quần nghiêm chỉnh ra thị trấn. Trong ký ức của tôi, nó là một cái phum lớn giống hơn là một phố thị.

Một hai ngôi nhà đúc, còn lại là những ngôi nhà sàn lớn vách gỗ dầu lợp ngói. Những con đường ngang dọc ngập ngụa bùn đất. Bùn trộn phân trâu, phân bò lõng bõng sủi bong bóng xanh lè, nồng nặc một mùi hôi ngái. Có những quãng bùn ngập đến gần nửa bánh xe. Dân bạn đi chợ, qua những quãng sâu đó lại thúc bò rượt cho nhanh để lấy đà. Bánh xe, đuôi bò quăng quật, vung bùn tung toé cả vào khách bộ hành đang men theo những sống đất cao đến chợ.

Nhưng cũng chẳng ai lấy đó làm điều. Thậm chí còn cười ré lên trêu nhau. Hình như nông dân nước bạn có lối sinh hoạt cộng sinh, tan lẫn trong đất ruộng, trong nước trời một cách tự nhiên không thể tả. Cứ như họ là một phần không thể tách rời của mưa, của bùn đất vậy! Cả đoàn xe bò đang nối đuôi nhau rung reng, lốc cốc…Cơn mưa đen trời đến đằng trước, đến đằng sau. Gió bắt đầu lồng lên giật ngang giật dọc những tàu dừa. Mưa chạy đến thật nhanh.

Những hạt mưa đập bụi trắng mờ chân ruộng. Nhưng bò thì vẫn đủng đỉnh như thế. Người thậm chí chẳng thèm nhìn trời. Những gương mặt đen ngời vẫn tĩnh như đá tượng! Không một chút nhốn nháo, không một ai rút áo mưa trùm. Áo ướt xong áo lại sẽ khô. Đoàn xe tan biến trong cơn mưa, bỗng hiện ra lù lù ngay cổng chợ. Như là hành trình này đã đến từ quá khứ, về tới hiện tại mà không hề thay đổi. Dù đến cả hàng ngàn, hàng vạn cơn mưa đã trôi qua…

Tiệm vàng nằm dưới gầm một căn nhà sàn lớn, lẫn giữa những hàng cá, hàng tôm hay hàng dép tông Thái. Ở đây vàng cũng là một loại hàng hoá bình thường như tôm như cá thôi, có gì đặc biệt hơn đâu? Một cái hộp kính nhỏ toạ trên một cái bàn sơ sài. Trong hộp kính là một cái đĩa nhôm của bộ đội đựng các miếng vàng ròng 24K. Vàng lá Kim Thành, vàng lá trơn, mấy cái nhẫn méo to sụ, vài nửa cái xúc xích, dây chuyền…Nhưng chủ yếu là các miếng do chặt ra từ các khối vàng nguyên nên có đủ mọi hình thù.

Thằng Bình xỏ ngón tay vào cái dây xích, quay quay trước mặt cha ba tàu chủ tiệm như chong chóng. Lão vồ lấy, móc từ bụng ra một cái cân tiểu ly cổ quái, ném cái dây vào đĩa. “Pi chi!” (hai chỉ), mồm nói còn tay xỉa tiền Rịa luôn. Cái cân mồi lại chui tụt vào trong bụng bự như ảo thuật. Cân tiểu ly hồi đó còn đắt hơn cả vàng. Mất cân là mất nghiệp! Không hiểu lão đó có cân gian hay không? Có tiền rồi thì lên sàn, chờ gì? Vài xiên cá kết xông khói mà thân cá trong, óng ánh đỏ sậm như hổ phách, nhìn đã muốn nuốt nước miếng.

Thốt nốt chua xếp thành dãy dài, cứ hết lại bê ra. Súng ống ngổn ngang, ống thốt nốt lăn long lóc trong tiếng hát bắt đầu nhừa nhựa. Một cơn mưa nữa vừa kéo qua. Một thằng say gục đầu xuống khóc… Tôi đưa em sang sông. Chiều xưa mưa rơi âm thầm…Con mẹ chủ quán nghe nói Việt lai, tiếp thêm vài xâu cá và chục trái dưa leo nữa. Nó xéo cả vào chân tôi, mắt liếc nhanh như điện rồi hi hí, chùi mỡ cá vào vạt sà rông. Mấy thằng lính không biết đơn vị nào nữa, lạ hoắc kéo lên đánh ké tự nhiên như ruồi. Hô hô! chết là hết chuyện!

Đủ các loại tiếng chửi thề…Thằng Bình loạng choạng đứng dậy bấu vào cửa sổ gào lên:” Mang hết nước thốt nốt chua lên đây…!”. Dứt lời, một cái vòi rồng từ miệng nó vụt thẳng xuống đất. Từ cửa sổ đến mặt đất cao khoảng 3m mà cái vòi ấy không đứt cách quãng một đoạn nào. Nếu như trời không mưa…đường nắng đâu cần tôi đưa…Mẹ kiếp! Cứ mưa, cứ mưa nữa đi! Mưa cho khắp, cho nước biển Hồ lên, cho mấy thằng lính xa nhà lấy cớ mà nhậu tiếp. Lại mưa nữa kìa!

MÁ NUÔI
Sĩ quan thì ít thấy hoặc không, nhưng trong đám lính trơn thể nào cũng có thằng có má nuôi nếu đóng quân lâu tại vị trí gần dân, và nếu nó là thằng chịu giao du và mau mắn.
Má nuôi của thằng Hợp tên là Ộp hay Ọp gì đó? Cũng có thể cái tên này chỉ là biệt danh do lính tự đặt ra cho dễ gọi. Có thằng lính nào mà lại không có biệt danh kèm theo đâu? Trong đơn vị tôi thì có Trung khói, Toàn cồ, Lượng khỉ, Sơn ba tai, Tùng mập hoặc Tùng bẩn…Đến cả cán bộ hoặc chính trị viên tiểu đoàn, trung đoàn chúng nó cũng chẳng từ: Chiến tréc (Chính uỷ E- lùn), Sông già…Cái tên ăn chết vào số phận. Đến bây giờ gặp nhau đã lớn lớn cả rồi nhưng không gọi nhau kèm tên “tục” là không chịu được.

Thế cho nên bà má nuôi thằng Hợp có tên là Ộp cũng có thể hiểu do bả mập, nhẵn và tròn như một con ếch xinh thực sự. Mà cũng có thể đó là tên thật của bà. Má năm đó chừng 40, 41, người tầm thước hơi đậm. Tới đâu cũng biết ngay vì tiếng cười rất thanh thường đi trước người má mười lăm phút.

Một bà goá mới sương sương trễ nải, nhận thằng con nuôi lính Việt tuổi mới đôi mươi là một điều rất bình thường. Chồng má chết trong công xã, nghe đâu cũng là dân trí thức xóm, thông thạo Pháp ngữ. Trí thức ở Campuchia rất được coi trọng trong chế độ cũ, và thường có vợ khá xinh. Má cũng thế! Bà này ở vậy nuôi thằng con trai 10 tuổi. Mà không ở vậy thì lấy ai? Cả đất nước Campuchia hồi đó đàn ông đi đâu hết! Giạt rừng? Chết trận? …Tóm lại một đất nước nhiều đàn bà goá, gần như đất nước Tây Lương trên hành trình lấy kinh của một ông sư thời Đường.

Nhưng những biến động đau thương khốc liệt đó không xoá đi được những nét ưa nhìn của những người đàn bà sung mãn. Và Tình nguyện quân hoàn toàn không phải là thầy trò Đường Tam Tạng. Người dân Campuchia không biết buồn lâu bao giờ! Một đất nước tĩnh với các giá trị tôn giáo, nhưng vô cùng động trong các hoạt động sống phồn thực hội hè. Tôi đã chứng kiến có cô em, chồng vừa chết mìn trong núi chưa được nửa tháng, chất xác chồng lên xe bò mang về, khóc sướt mướt như mưa xối. Thế nhưng buổi tối tuần trăng sau đã gặp tiếng cười lanh lảnh vô tư của cô ấy trong đám ròm “chay” không có nhạc, chỉ bằng trống vỗ đầu phum.

Như tất cả các bà goá khác, nhà má nghèo. Một cái lều đứng chênh vênh trên tám cái cột tre thì đúng hơn là một căn nhà. Vách thưng lá thốt nốt, trống tênh buộc dây vắt quần áo ướt. Trong khi chờ vạt lúa mà thằng Hợp hè chúng tôi lăn ra làm giúp đến kỳ thu hoạch được thì má đi làm cỏ lúa rẽ, hay theo chị em đi sâu vào tận những phum hoang nơi chân núi cả ngày. Khi trở về, trong cái khăn cà ma cuốn khéo như cái tổ chim lớn xù xù đội trên đầu là đủ các loại quả thu lượm: ổi, xoài, mãng cầu…dể bán cho khách buôn đi tàu, kiếm vài rịa. Thằng cu con thì khỏi nuôi.

Vì nó toàn sang ăn, ở với chúng tôi. Không phải ăn ké đâu, đến bữa là nó có một ôm rau càng cua đã rửa sạch sẽ mang về. Cái thứ rau sống lá mọng hình trái tim mọc hoang, vị he he man mát, chấm mắm cá cũng hao cơm. Nó hát rất sõi tiếng Việt bài hát của ông hoàng Sihanuc :” Ta hát bài ca, đi lên chúng ta bên nhau Việt Lào bên Kh’mer anh em. Cùng chung dòng sông, Mekong đắp xây mối tình…” không biết ai dạy. Đêm mưa, có khi nó chun mùng thằng Hợp, ngủ với bộ đội. Ban ngày, nó ngồi vắt vêo trên bậc thang, bắt chấy (chí) cho má nó cùng thằng anh kết nghĩa. Má ngồi bậc thang dưới, hai thằng con ngồi trên sàn, mỗi đứa một nửa đầu.

Thỉnh thoảng chí choé tranh nhau con chấy kềnh khiến má chúng nó cười rung rung cả ngực tròn. Tóc bà Ộp dày, mới cum cúm ôm kín ót. Giờ gội mưa ẩm liên tục nên chấy bả nhiều. Thằng Hợp mang kéo sang tính cắt trọc cho rồi nhưng bả không chịu. Hồi đó có nhiều chị em dân bạn cắt trọc, cắt cua chắc do bị chấy tấn công. Thế là nó phải lấy hạt mãng cầu, giã ra trộn với dầu hôi quân nhu sang cho má nó ủ tóc diệt hết chấy. Lại thêm cục xà bông Lux Thái nữa mới tình cảm.

Mẹ thằng này! Hôm nào tắm suối chung mà nhỡ “mượn” nó cục xà bông thơm nó lại chửi mình là dân Vĩnh Phú mà giờ sộp thế! Có đám vui thì má cũng ròm. Bước chân trần uyển chuyển trong vòng tròn. Hông lắc nhẹ, hoạt theo vũ điệu nhưng phần từ eo lưng trở lên trên không lắc, gợi cảm như một vũ công chuyên nghiệp.

Đôi tay cong cong, uốn mềm mại vừa phải trước ngực chứ không tung tẩy, khoáng đạt như các em gái trẻ. Những cử động tiết chế ẩn chứa một nội lực duyên dáng đầy nguy hiểm vô hình, như hút mắt người xem, đẩy người ta đến những khát khao rạo rực. Trong không gian thoảng mùi xà bông thơm, khối cô phải ghen tỵ lòi mắt.

“Túp lều má Ộp” là địa chỉ nhậu tin cậy của đội văn nghệ chúng tôi. Các chỗ khác có thể hết nhưng tại đó không bao giờ thiếu rượu. Ra đó vừa vắng, vừa xa cán bộ. Nhỡ có hứng gào lên hát lớn cũng chẳng ai thèm để ý. Má cũng là một tay nhậu cự phách. Cũng một hơi nửa bát sắt xâmakhi như ai. Có những buổi trưa mưa buồn, nổi cơn thèm rượu, tôi kéo thằng Hùng lé lội nước mò ra lều má. Trên sàn, hai má con thằng Hợp đã say sưa tự bao giờ, đang gác lên nhau ngủ.

Nghe động thang thấy tôi, má vươn vai trỏ tay vào góc chái nhà nơi cất rượu rồi ôm thằng Hợp lăn tiếp vào cơn mộng. Chuyện thường ngày ở huyện! Tôi lấy can rượu ra. Thằng Hùng trở qua trở lại con khô. Chúng tôi ngồi cạnh má con nó ngó ra mưa, im lặng nhậu tới. Một hồi ríu cả mắt, cũng lăn ra sàn đánh một giấc vô tư như má con nó.
…………………………………………� �………………………
Sau này thằng Hợp ra quân, má nuôi nó dẫn cu em đến thăm. Má cho nó hai chỉ vàng trong buổi liên hoan chia tay với rất nhiều nước mắt.


Còn thằng Hợp dân huyện Đà Bắc. Nghe đâu chạy thuyền cát gần Chẹ, Tu Vũ tỉnh Hoà Bình bên sông Đà. Em đang làm ở Phú thọ, bên kia sông gần đó cũng đã dò la tìm kiếm nhưng chưa gặp, để hỏi chuyện má con tình cảm gì đâu!
Gặp nó sẽ kể tiếp chuyện tình nghĩa má con hầu các bác!

TRONG CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG PH'NOM PENH
(trích lịch sử Sư đoàn 9 - Cảm ơn hoacuc và chichbong đã giúp tôi có được tài liệu này!)

"...Hướng trung đoàn 2 vào lúc 3 giờ 30 ngày 3 tháng 1, tiểu đoàn 6 chiển khai đội hình đánh theo trục lộ 24(?) chiếm được các mục tiêu, sau đó tiếp tục phát triển tấn công, nhưng do địch chống cự, tiểu đoàn 6 không tiến lên được. Trung đoàn hai tổ chức cho tiểu đoàn 6 đánh tiếp lên 3 lần, tiểu đoàn 4 vòng sườn đánh khu chùa. Đến 17 giờ đội hình của hai tiểu đoàn tiến lên chiếm cầu Tôn Lê, địch phải rút chạy về Soài Riêng, Trung đoàn 2 liên lạc được với trung đoàn 3.

Đêm mồng 3 rạng ngày mồng 4, đội hình sư đoàn dừng tại chỗ chuẩn bị tấn công Soài Riêng. Qua hai ngày chiến đấu ta diệt được 90 tên địch, thu 39 súng..."
Lời bàn: Trận này tiểu đoàn 4 nghỉ đêm ở trạm phẫu tiền phương của địch. Máu me, xác địch tanh nồng (chưa kịp hôi). Toàn tiểu đoàn sau trận vận động chiến bố trí nghỉ đêm gom như đội hình đại đội. Hai khẩu 12.8 đại đội 4, khẩu đại liên đại đội 1 đưa lên trấn luôn bờ sông S'vay Riêng...

Đêm thằng Hoà lác a cối 60 mò ra sông lấy nước. Lúc về Chiến cháo b trưởng tưởng trinh sát địch vào, phọt quả m.79 vào giữa bụng. Tầm gần quá, đạn không nổ. Thằng Hoà lác không được đi quân y, vẫn băng bụng hành quân tiếp. Bụng nó giờ có một cái sẹo lồi đỏ như cái chôn chén...
Ngày 4/1/1979:

"...Sư đoan 9 triển khai nhiệm vụ tấn công Soài Riêng, dùng pháo bắn thẳng khống chế không cho địch vận chuyển, dùng lực lượng tiến công đánh vu hồi.
Sư đoàn dùng tiểu đoàn 7 trung đoàn 3 vận động qua cầu. Tiểu đoàn 4 trung đoàn 2 cùng tiểu đoàn 9 vận động qua hồ đập. Vào lúc 8h15 ngày 4 tháng 1 ta tiến vào thị xã thu một số kho, liên lạc được với Sư đoàn 2 từ bắc đánh xuông. Lúc 10h ta chiếm được phía tây và làm chủ hoàn toàn thị xã. Để lại tiểu đoàn 6 trung đoàn 2 chốt giữ thị xã, đội hình tiếp tục tiến về phía tây.

Ta dùng lực lượng 3 trung đoàn tiếp tục tiến công. Địch lợi dụng bờ đất, công sự chống trả mãnh liệt. Đến 16h trước hoả lực mạnh của ta với cách đánh thọc sâu. địch bắt đầu tháo chay. Sau khi giải quyết xong các mục tiêu, đội hình sư đoàn dừng tạm thời ở tây Soài Riêng 4 km. Trận này ta tiêu diệt 33 tên địch, thu 12 súng..."

Lời bàn: Trận này tiểu đoàn 4 không vận động. Nằm chờ pháo bắn nát như tương mới xung phong lên.... đếm xác thu súng

MỘT TRẬN TAO NGỘ CHIẾN
Ngày mai - 17/08/2008, tròn 30 năm ngày anh em tôi nhập ngũ lên đường sang Campuchia chiến đấu. Tất nhiên sẽ có một cuộc họp mặt tưng bừng khói lửa. Điều ấy không phải bàn!

Cách đây ba mươi năm có lẻ mấy tháng, nghĩa là vào tháng 4, tháng 5 năm 1982, như các bạn đã biết, chúng tôi đóng quân ở S’toung. Thời gian đó Sư đoàn 9 có một kho đạn nằm ngay cạnh thị trấn, trong một cái chùa, sau lưng trung đoàn 2. Gần như để phủ đầu, mới đến ngày thứ 3 dừng chân, địch nó tập kích ngay. Lời chào hỏi cũng quá giản dị, chừng 6 trái M.79 với vài băng đạn nhọn rồi câm bặt. Ta không bắn lại một phát nào. Duy nhất có một lần như thế rồi bặt luôn. Như thể gây tiếng nổ cảnh báo rằng có bố mày đang ở đây, liệu hồn! Rồi thôi! Đó hẳn là bọn địch trong dân! Nhưng đêm đêm, và cả ban ngày nữa ở phía núi Hồng, hướng tây bắc đội hình đứng chân của trung đoàn, tiếng pháo, tiếng hoả lực vọng lại vẫn rền rền.

“… Do lực lượng quá mỏng, Bộ tư lệnh 719 ( ?! chắc là 479) lúc đó chỉ đủ sức bám giữ, đánh địch quanh địa bàn tỉnh Siêm Riệp. Ở Kampong Thom chỉ có các đội công tác và đoàn chuyên gia quân sự của tỉnh Tiền Giang. Địa bàn này vốn là căn cứ chính của Pôn Pốt với lực lượng địch khá mạnh. Chúng ngang nhiên đi lại trên lộ số 5 ( ?! Chắc là lộ số 6) giữa ban ngày và lập hẳn một căn cứ giang thuyền để kiểm soát toàn bộ khu vực bãi biển Hồ. Nhiệm vụ của Sư đoàn 9 lúc này là phải phá tan căn cứ giang thuyền, đẩy địch lên vùng núi cách càng xa lộ 6 càng tốt.

Đồng thời giúp bạn củng cố chính quyền xã ấp, trừng trị địch lũng đoạn ở hai huyện Chi K’reng (Siêm Riệp) và huyện S’toung (KP Thom). Pôn Pôt đã cử tên Un Ươn, một tên trùm gián điệp đứng đầu để nắm dân, kích động dân chống lại bộ đội tình nguyện Việt Nam…” (trích lịch sử Sư đoàn 9).

Vừa kịp dựng xong lán trại, hầm hào tại vị trí đứng chân mới, tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 được lệnh hành quân lung sục bao vây căn cứ giang thuyền biển Hồ - cái căn cứ mà trung đoàn 3 cùng Sở chỉ huy nhẹ sư đoàn 9 sang trước nhưng phải huỷ kế hoạch tấn công do bị lộ vì có gián điệp trong dân báo cho địch trước. Nhận lệnh, tiểu đoàn 4 lặng lẽ lên đường trong đêm. Sau đây là trận đánh qua câu chuyện của thằng Căn – liên lạc đại đội 1 d4 (lúc này tôi đã rời tiểu đoàn 4)


“…Ngày thứ 2 không có nước. Rừng cao hơn, thưa hơn, chẳng hứa hẹn điều gì là sắp tới nguồn nước cả. Các vạch xanh đứt đoạn, thể hiện suối cạn một mùa trên bản đồ thì chằng chịt, nhưng chẳng nơi nào có nước Cả tiểu đoàn đã gần như lả đi. Đã có một số ý kiến đòi quay lại cái lạch nhỏ nước xanh lè rong rêu phía sau, cách đấy 2 ngày hành quân bộ. Có quay lại được thì chưa đến nơi đã chết! Một ý kiến ngu không tưởng! Tiểu đoàn quyết định dừng chân nghỉ đêm tại chỗ trước đây là suối. Một số thằng đào khoét lòng suối kiếm nước trong tuyệt vọng.

Vừa đào vừa lấy đất còn hơi ẩm áp vào mặt, lem nhem như hề. Các tấm tăng được trải trũng để hứng sương. Một đêm cháy họng nữa dần trôi qua. Tới sáng hôm sau, cái bi đông nhựa đựng nước đái của tao với anh Lược treo đầu võng đã rỗng không. Thằng nào đó đã uống trộm mất rồi, Đ… mẹ! Tức gì đâu! Nhìn quanh toàn những thăng thất thần, trõm mắt, môi vều tướng…biết thằng đ… nào lấy? Lệnh hành quân tiếp! Thằng Gia “cà bây” cối cứ nằm im so trên võng. Hỏi sao không dậy chuẩn bị đi? Nó bảo đằng đ…nào cũng chết, nằm đây chêt cho khoẻ, chúng mày cứ đi đi! Kệ mẹ tao! Thì kệ mẹ mày! Tha cái thân tao còn chưa xong, khiêng vác gì nổi? Đại đội đi được một quãng đã thấy nó loạng choạng mò bám theo…

Phúc nhà tao còn lớn lắm! Đi được nửa cây số nữa thì gặp cái lạch nhỏ sâu hoắm. Trên mặt lạch lục bình ken dày, xanh ngắt mọc cao thẳng đuột ngang tới thắt lưng. Chúng nó nhào tới nhấc bèo ra. Săm sắp chỉ khoảng 5 phân nước bùn, đục ngầu do rút rễ bèo. Sống rồi! Lính tiểu đoàn để nghiêng chén bát, ca inox, hớt nước trên mặt bùn. Một số trải tăng vào những chỗ trũng, gạt bùn bám ở rễ lục bình rồi vắt rễ lấy nước. Sáng kiến này có vẻ khả thi vì nước lấy được trong hơn. Lạch nhỏ, chưa chen xuống được, những thằng chờ trên bờ vặn thân bèo lính đang lấy nước ném lên, nhai rau ráu hít nước như voi hít bã mía.

Đã vào đến vùng đệm nhưng chẳng thằng nào cảnh giới vì mải lấy nước. Một lát uống đủ, các bi đông cũng tràn đầy. Mấy ông lo xa, còn cắt cả thân lục bình, bó thành bó gùi theo. Trong đời tao không có thứ nước nào ngon bằng cái thứ nước rễ bèo lờ lờ hôm ấy. Mặc dù uống xong thì chỉ muốn gây sự chửi nhau với thằng nào đó vì nó ngứa mồm quá thể…

Lại đi tiếp! Trinh sát cùng đại đội 1 đi đầu. Vẫn rừng thưa xen lẫn trảng. Qua một cái trảng con, vừa tiếp bìa rừng thì có tiếng chạm lá loạt soạt. Một đơn vị dài dằng dặc, quân phục xanh rì đang hành quân qua mũi trinh sát tiểu đoàn, cách có chục thước. Không phải tiểu đoàn 5 rồi! Đơn vị nào ngon vậy ta? Bọn kia cũng vừa kịp phát hiện, bỗng giật mình tháo súng. Địch rồi! Nhanh hơn một khoảnh khắc, loạt AK của anh Yên, trung đội trưởng trung đội1 đi đầu kéo đổ hai thằng. Mấy thằng trính sát cũng kịp lia túi bụi mấy loạt. Địch bị đánh đúng khúc giữa, sau phút giây đầu bị choáng, giạt sang hai đầu bắt đầu nổ súng rát.

Trung đội 1 đại đội 1 và trinh sát bây giờ rơi vào thế bất lợi, nằm chết gí giữa hai làn đạn trên trảng trống. Trung đội trưởng Yên hô anh em xung phong bám lấy bìa rừng trước mặt. Chỗ này gần địch hơn nhưng nhiều vật che khuất. Cuối cùng, phần lớn b1 và trung đội trinh sát (4 người) cũng bám được vào bìa rừng. Ban chỉ huy đại đội kịp lùi về khoảng rừng cạp mé trảng sau. Thằng Phụng 2w (người Huế) khoác máy chạy theo nhưng không kịp, bị đạn nhọn té sấp giữa trảng. Thịnh đen Hà nội lính c4, vác cái chân cối 82, nằm gần b1 hơn nhưng cũng nhấp nhổm muốn bò lui.

Không phải vì nó rát, có lẽ nó sợ cối không có chân không bắn được thì ông Thào tạt tai. Ngu gì đâu! Anh Yên (lúc này đã bị thương lần thứ 2) thét:” Anh em không được bỏ chạy, bò lên đây! Có chết thì cũng chết tại đây!”. Anh ấy vẫy tay gọi nó trườn lên cho gần, nhưng chẳng hiểu sao, thằng này lại vùng lên, vác chân cối chạy trở lui. Đạn nhọn lại rồ lên. Một viên bắn vỡ tung gót làm nó quỵ xuống. Nó hăng lên, trườn như con thằn lằn về cuối trảng. Từ đó làm bia sống bắn tập cho bọn địch đang núp sau cái ụ mối bìa bên kia. Bò được chục met thì nằm luôn bất động.

Thằng Đặc cũng đang bị kẹt giữa trảng, thấy thế điên ruột thổi quả B.40 vào ụ mối rồi vùng chạy được lên hướng b1. Quả đạn không trúng đích nhưng nổ sát làm bọn nó chờn, lùi lại vì lộ mục tiêu. Từ đó, b1c1 và trinh sát bị cắt rời khỏi đội hình tiểu đoàn. Cối 82 c4 bắt đầu “toong, toong…!”. Có 2 khẩu thì một khẩu chắc bắn ứng dụng thôi vì mất mẹ nó chân rồi còn đâu! Hoả lực lên tiếng đã khích động tinh thần anh em lên nhiều. Đại đội 2, phần còn lại của đại đội 1 bắt đầu tổ chức xung phong bám bìa rừng lên cứu bồ. Gần như có bao nhiêu hoả lực, bọn địch dồn vào cả b1, trinh sát tiểu đoàn 4 đang nằm ngáng ngang đội hình chúng nó.

Nhưng vẫn nghe tiếng M.79 của anh Sơn, tiếng trung liên của thằng Đăng kéo đều. B.40 của thằng Đặc đã nổ đến trái thứ 4, còn hai trái nữa là hết đạn. Nghe mà xót ruột! Bọn tao xung phong điên lắm! Cụm địch bên phải bắt đầu lùi dần. Cối 82 đã phải nâng tầm. Cuối cùng, bọn bên trái cũng chạy nốt! Lên đến nơi, anh Yên đã hy sinh. Anh Sơn b trưởng trinh sát bị B.40 tiện mất một giò. Thằng Đặc cháy mông do nằm bắn B.40 cứu thằng Thịnh không để ý góc an toàn.

Trận tao ngộ chiến này, tiểu đoàn 4 hy sinh 3 người, bị thương 4 người. Những người hy sinh gồm anh Yên b trưởng b1 (quê Tam dương-Vĩnh phúc); Thịnh đen(Phố Trần Nhật Duật-Hà nội); thằng Phụng 2W(Hương Thuỷ- Huế). Anh Yên người nhỏ, da trắng trẻo, môi đỏ thắm như môi con gái. Đơn vị vừa mới cho về phép cưới vợ. Chẳng biết kịp có mầm sống nào kế tục chưa? Không hiểu sao cứ cha nào về phép để cưới vợ, khi trở lại đơn vị thường hay hy sinh?

Bọn Pôn Pốt đếm được toi tại chỗ 6, số tử trận và bị thương khác không xác định được.

Sửa bởi Mưa_Trường_Sa : 21-07-2010 lúc 10:45 AM



CÂU CHUYỆN PH'NOM PENH
Tháng 5 năm 1982, tôi được anh Bến phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn, người Hải Phòng cử về Ph’nom Penh học lớp viết tin. Chắc vì anh ấy thấy những bài báo tường của tôi ở đơn vị có ít lỗi chính tả. Về thủ đô chắc chắn khoái hơn là xuống các phum dân vận ba cùng rồi. Thế là khoác ba lô, ra S’toung đón xe lên đường. Sau gần hai ngày tăng bo trên đủ loại phương tiện, tôi cũng mò đến được tới nơi cần đến. Đón tôi là anh Lê Huy Khanh - (nhà văn quân đội, có tác phẩm trong trang này).

Tôi trình các giấy tờ cần thiết. Anh Khanh hỏi :” Em đã in mấy tác phẩm rồi? Bút danh là gì?”. “Tác phẩm gì ạ?”. “Truyện ngắn, thơ trên VNQĐ ấy!?”. Ối cha mẹ ơi! Anh này đùa chắc? Một cái trích ngang ngắn bằng ngôn ngữ của tôi được trình bày. Rằng em là lính dưới tiểu đoàn 4, rằng em lên ban chính trị rồi được cử về đây đi học…Nghe xong, anh ấy cười ngất :” Rõ đúng là các bố quan liêu! Đây là trại sáng tác của Tổng Cục Chính trị, chỉ dành cho những nhà văn quân đội”. Uầy! Thấy tôi trẻ măng, mặt lại đang thuỗn ra, anh ấy lại càng cười tợn :” Thôi! Đã về đây thì cứ ở lại đây. Coi như cho chú nghỉ choảng nhau mấy tháng! Có biết nấu ăn không?”. Tất nhiên là có rồi! Dại gì?

Vài hôm sau, các anh Nguyễn Quốc Trung, Trần Đình Thế, Hồng Dân (cũng có tác phẩm trong box Biên giới Tây nam của ptlinh) dưới Phòng chinh trị Quân đoàn lên đủ. Các bác nhà văn số 4 Lý Nam Đế cũng sang góp mặt. Bác Bùi Minh Quốc to cao đẹp trai. Bác Duy Khán người đen, nhỏ, có cái hộp thuốc lá vụn bằng sắt tây. Điếu thuốc tự cuốn dán bằng nước bọt không lúc nào rời khỏi miệng…Rồi cuối cùng, cụ Vũ Sắc, cụ Đỗ Gia Hựu – phụ trách nhà xuất bản Quân đội nhân dân cũng sang.

Trại viết này do Quân đoàn 4 đăng cai. Anh Khanh là trưởng trại, mời cụ Sắc và cụ Hựu về ở riêng trong cái biệt thự hai tầng gần đài phát thanh. Lại kéo tôi về làm tiểu đồng điếu đóm. Công việc của tôi chẳng có gì. Ngày ba bữa xuống bếp trại gần đó lấy cơm. Đi chợ mua thêm những món cải thiện cho hai cụ theo yêu cầu của trưởng trại. Không được để phích hết nước nóng…Tóm lại là làm cần vụ, thế thôi!

Ph’nom Penh không thu hút được tôi. Thứ nhất bởi vì tôi không có tiền. Thứ nữa cũng bởi tôi thèm ngủ. Chắc tại nhịp sinh hoạt bình lặng quá nên tôi lúc nào cũng buồn ngủ. Nằm giường chưa quen, tôi buộc võng vào chấn song cửa sổ để ngủ cho ngon. Các anh ấy bận viết. Còn tôi rửa chén bát buổi sáng xong, ngồi ngó cây phượng vĩ đang nở hoa đỏ rực ngoài cổng, ngó ra ngoài đường một lát là hai mắt bắt đầu díp lại như có bọ ngủ chui vào. Hôm nào nổi hứng thì hộ tống hai cụ đi bát phố.

Cụ Sắc bảo mày viết đi, nằm mãi làm gì! Viết cái gì ạ? Thì viết những tấm gương dũng cảm, viết những chuyện chiến đấu dưới tiểu đoàn mày ấy, đưa tao sửa cho. Chúng nó đầu tiên cũng như mày thôi. Viết đi đừng sợ! Thế là tôi viết. Cũng lên lĩnh giấy bút như ai. Và cũng gò lưng cặm cụi viết. Thỉnh thoảng hứng lên lại gác chân lên bàn đốt một điếu CAPSTAN mua được do ăn bớt tiền đi chợ. Nhìn khói thuốc bay qua cửa kính, lòng bồi hồi rạo rực vì sắp thành nhà văn đến nơi.

Đúng ba hôm sau, tôi trình cụ Sắc một tập linh tinh chuyện thượng vàng hạ cám dưới tiểu đoàn 4. Mà cũng quái lắm, biết khen ta chê địch hẳn hòi. Cụ Sắc đọc xong, thần mặt ra mới hỏi nhỏ :” Này! Sao chết nhiều như thế hả mày?”. “Vâng! Thế đấy ạ!”. Thế là cụ im lặng cất luôn cái bản thảo đầu tay của tôi đi mất. Mấy hôm sau lại bảo :”Hay mày viết những chuyện khác đi, đừng viết chuyện đánh nhau nữa. Chuyện dân vận chẳng hạn! Có khi tạng mày viết những chuyện như thế lại ăn tiền”.

Lại vâng! Lại một tuần đăm chiêu bóp trán mà nghĩ. Những chuyện dân vận là gì? Mấy năm choảng nhau dưới tiểu đoàn, mới lên ban chính trị mấy tháng, có bao giờ tham gia trực tiếp vào đời sống xã hội dân bạn đâu? Biết gì mà viết? Chia gạo cho dân đói, cấy lúa giúp dân, dạy những bài hát nhảm nhí xuyên tạc cho bọn trẻ con, tiêm thuốc cho người bệnh thì hẳn là dân vận rồi. Nhưng nhất thiết không được kể những chuyện ra dân xin , chui bụi ngó trộm con gái tắm suối bị kiến cắn sưng mông, nhậu say lăn ra nhà bà giá ngủ…Vậy là tôi bắt đầu mê mải viết những điều trong tưởng tượng…


...Tôi nghĩ ra một câu chuyện về tình bạn giữa một anh lính Việt và một thanh niên Campuchia. Anh lính Việt tìm thấy và cứu anh bạn K này gần chết đói trong khi đánh địch ở Biển Hồ. Anh bạn K đi lính Hun Xen vì có m ối thù riêng với Angka đã bức giết cô gái người yêu của anh ấy. Bối cảnh hai người bạn gặp nhau tại nhà một ông già làm thốt nốt và thuộc nhiều câu chuyện cổ về ma cọp.

Cổ tích huyền thoại và hiện tại đan cài trong vị chua đắng của nước thốt nốt chua cùng xâu cá khô. Kết luận : Angka và ma cọp tàn ác chẳng khác gì nhau, phải chung sức đánh đuổi nó.Sáng hôm sau, đơn vị của hai anh cùng lên biên giới. Đại khái thế!

Đặt xong tên đứa con tinh thần của mình là “Men thốt nốt”, tôi lại nộp cho cụ Sắc. Đọc xong, cụ khoái trá ra mặt, sửa chữa chút ít rồi lôi truyện ngắn của tôi ra đọc rút kinh nghiệm trước toàn trại viết vì lúc đó, các anh ấy chưa kịp đẻ xong. Hè hè! Bác Duy Khán bảo :” Thường! Thường thôi!”. Anh Khanh khen :”Có không khí lắm…!”. Các anh khác không nói gì. Anh Dân đang viết dở truyện của anh ấy, phải quay sang đánh máy cho tôi vì cả trại chỉ có một cái máy chữ duy nhất và anh ấy biết đánh máy. Khi gõ xong câu chuyện, ở phần tên tác giả, anh Dân cười hô hố rồi gõ : Đại văn hào phố Phùng. Nhà tôi ở Hà Nội lúc đó đã chuyển từ Hàng Khoai về Phùng Hưng, không ở cùng ông bà ngoại nữa. Nhà mới cách cơ quan các cụ bên phố Lý Nam Đế cái cầu đá dẫn xe lửa lên cầu Long Biên thôi.

Cùng dân Hà Nội, lại thấy tôi bằng tuổi con mình mà dấn thân chiến trường ác liệt quá nên các cụ thương lắm. Các bác kể chuyện Hà Nội, còn tôi kể lại những chuyện linh tinh bá láp của đời lính. Nhà cụ Sắc ở làng Hoàng Mai. Cứ mỗi sáng Chủ nhật, nghe tiếng flute dặt dìu say đắm thổi bài “Khát vọng” trong chương trình Văn nghệ, cụ lại nháy mắt hãnh diện :” Đấy! Nó chơi đấy!”. Nó ở đây là anh Dương (tôi không dám chắc tên lắm, nhớ mang máng thế), con trai cụ và cũng bằng tuổi tôi.


Phòng Chính trị Quân đoàn cho trại viết hai con heo. Các cây bút cự phách không ai biết làm thịt. Được giao việc, tôi sang vệ binh nhờ anh em sang chọc tiết, cạo lông có ăn chia tỷ lệ. Một loáng, hai con heo đã phanh bụng móc hàm trắng hếu. Anh Khanh ca cẩm :” Ăn thế nào hết được?”. “Thì bán bớt đi!”. “Thế mày đi bán đi!”. Tôi gọi xe lôi, chất một con heo lên xe chạy thẳng ra chợ Olympic. Xe dừng, cánh lái thịt ào đến ngay. Không nhớ là đã thu bao nhiêu tiền nhưng tôi bán đứt con heo chỉ trong vòng 15 phút.

Trở về, tôi đưa tiền cho anh Khanh sau khi đã trích lại khoản cà phê tối tự thưởng. Bữa cơm chiều, xoay trần làm đủ các món heo cho mâm bốn người. Đến lúc ăn, anh Khanh lôi ra một chai rượu với bốn cái ly hạt mít. Cụ Sắc lại hỏi :”Có biết uống không?”. “Dạ! Kh…ô…ông… ạ!”. “Thế thì tốt! Nhưng hôm nay vui thì cũng làm vài chén đi!”. “Vâ â…ng…ạ !”. Chết cười sặc! Tôi nhấm nháp chút chít ba ly cho các cụ vui lòng…


Rửa chén bát xong, tôi xin phép chuồn ra phố. Lang thang từ đài phát thanh ra đến Cầu Sập phải hơn 1.5 km đi bộ. Trên cầu, hàng nhậu đêm, hàng nước giải khát đốt đèn trứng vịt lốm đốm. Tôi gọi một chai 75, vài con khô nướng rồi ngồi kê dép thõng chân ngay đoạn đứt cây cầu, cảm nhận tận cùng cái hụt hơi của cao độ xuống lòng sông. Tonle Sáp dưới chân bóng sáng mờ xuôi chảy.

Độc ẩm nhưng sao rượu vào thế này! Ờ! Thì tao uống với mày, uống với dòng sông đêm mà hơn ba năm trước, tiểu đoàn tao đã ngược lên đánh trận Ô Đông. Hơi rượu vào quá! Gió thổi mạnh quá! Hồn tử sỹ gió ù ù thổi… Anh em tao đấy, anh em tao đang về theo gió đấy! Anh em tao đã hy sinh khối. Còn mày chắc cũng thương tích đầy mình! Nhất là cái trận bọn giang hạm nó giã cối 81. Trúng địch thì ít mà trúng mày thì nhiều.

Cá chết trắng cả! Thôi đổ xuống chén rượu đền mày đây! Còn xa tít bên cầu, phía những đám mây vần vụ, chớp biển đang nhằng nhịt kia là quê cha quê mẹ tao! Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa mày có biết không?


TUOL S'LENG
Cuối tháng 6, Chính quyền bạn cùng Phòng Chính trị Quân đoàn tổ chức cho trại viết đi thăm nhà tù Tuol S’leng và Chùa Bạc Hoàng cung. Các bác các anh đều là sĩ quan cao cấp, trung cấp cả. Còn thằng tôi là lính trơn duy nhất, trẻ nhất, chưa bao giờ trong đời lính lại được hưởng cái suất ăn theo như thế! Xe đưa rước tận nơi. Nhà tù Tuol S’ Leng thì các bạn chắc biết cả rồi.

Nó vốn là cái trường trung học nằm trong một con phố nhỏ. Kh’mer Đỏ đã biến cái nhà trường này thành nơi giam giữ, nơi tra tấn, hành hình những phần tử cứng đầu. Những lớp học không có bàn ghế. Trong đó, vài cái giường sắt hàn thêm những thanh cùm hoen gỉ. Vệt máu khô phun vọt đã thâm đen trên tường, trên nền gạch bông. Trong một lớp khác, đống quần áo bẩn thỉu, hôi hám của những tử tù chất thành đống như núi. Vết móng tay cào bật máu hằn trên cửa chớp, trên tấm giát giường đã ải, tố cáo cơn đau tột cùng của nạn nhân.

Tấm bảng đen vẫn còn ghi công thức một hợp chất hữu cơ có nhân vòng benzen chưa kịp xoá trong giờ học cuối cùng, trước khi thầy giáo, học sinh bị lùa ra khỏi thành phố. Đoàn khách tham quan không ai nói một lời nào, đi chen vai thích cánh giữa những oan hồn trên cái hành lang dài tịch lặng. Tôi vịn lan can. Cái thành lan can này đã có những bàn tay nào vịn vào? Sao nó giống lan can trường tôi đến thế? Tiếng bầy quạ kêu thảng thốt. Người hướng dẫn kể rằng quạ vào ban ngày và chim lợn vào ban đêm ngày trước vẫn bay qua các cửa sổ mở, chầu rìa rình móc mắt người chết hoặc người sắp chết bị cùm cố định trên giường.

Đã ba năm trôi qua nhưng tại đây vẫn nồng nặc mùi tử khí. Cái mùi ấy không thể tả được, như là mùi cũ của một con người đang lạnh đi. Một cơn gió mạnh thổi ào qua. Các cửa lớp khép hờ bỗng bung ra mở toang, như là hết tiết đến giờ ra chơi…
Auschwitz, Treblinka, Sachsenhausen…những trại tập trung của phát xít Đức dẫu man rợ hơn gấp nhiều lần nhưng cũng không gây ám ảnh như tại nơi đây. Tội ác đã được thực thi tại học đường, giữa những công thức hoá học và màu đỏ hoa phượng vĩ. Như chổng mông vỗ phành phạch vào nền văn minh nhân loại.


Sẽ là thiếu sót nếu không nói về cái bản đồ nổi tiếng. Một tấm bản đồ chằng lưới mắt cáo để neo giữ những cái sọ người ghép thành hình đất nước Campuchia thời Pôn Pôt. Kampong Thom, Kampong Ch’nang, S’vay Rieng, P’ray Veng, Ta Keo…Cả đất nước này là một nghĩa địa khổng lồ. Sọ người chết không mấy cái còn nguyên vẹn. Cái thủng đỉnh đầu, cái vỡ trán, cái mất nửa hàm trên…lặng lẽ dõi theo bước chân chúng tôi bằng những hốc mắt vô hồn tội nghiệp.


Công lý đã được thực thi, tội ác đã bị trừng phạt. Những người đã khuất hãy cho họ được yên nghỉ đời đời. Có cần thiết mang thân xác thật của họ ra làm vật chứng để tố cáo chế độ cũ hoặc vinh danh chiến thắng hay không?


KÝ TÊN MỘT CÁI LÀ THÀNH NHÀ VĂN!
Rời Tuol Sleng, xe đưa chúng tôi đi chụp ảnh ở đài Độc Lập rồi đến thẳng Chùa Bạc Hoàng cung (ảnh mất rồi, tiếc quá!). Phần miêu tả ngôi chùa này các bạn có thể tìm trong các trang trên Google. Tất cả tháo giày, tôi thì tháo dép trướ c khi đặt chân lên những viên gạch lát bằng bạc ròng mát lạnh trong chùa (mỗi viên là 1,1 kg bạc).

Vương quốc Campuchia theo phong trào các nước không liên kết, nên các viên gạch bạc này cũng không liên kết với nhau bằng hồ? Dẵm chân lên, có những viên vẫn cập kênh nhẹ. Tượng Phật bằng ngọc lục bảo, tượng Phật vàng nặng 90 kg, cao 2m không gây chú ý cho tôi bằng những tủ kính đựng đầy các con giống cũng chế tác bằng vàng ròng rất tinh xảo. Ngắm chúng, tôi lại thêm một lần nhớ tiểu đoàn 4 chiếm được vàng trong trận bắt Ta Mok ở phum Kâmnom.

Lòng vẫn bồi hồi tiếc nuối. Những tiếc nuối rất đời, rất tục bất giác ào đến giữa chốn linh thiêng khiến tôi sợ, liếc trộm Đức Phật một cái rồi cúi đầu xuống. Giá mà cái túi quần lính của con lúc này có được một vốc những thứ bày trong tủ kính kia! Trăm ngàn lạy Ngài xá tội! Giá hồi đó con không nộp chiến lợi phẩm thì những đêm ở Ph’nom Penh này, con sẽ chẳng bao giờ chịu đi ngủ sớm!

Tôi chắp tay đứng trước tượng, lẩm nhẩm khấn với lòng thành kính vô bờ : Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Tại chúng nó bắn vào con nên con cũng bắn lại như điên. Nhỡ có sát sinh cũng tại chúng nó cả! Trời tru đất diệt chúng nó! Con lạy Ngài phù hộ độ trì cho con và anh em con mạnh khoẻ, đừng chết ở đây và chóng được trở về nhà…
Đoàn khách tham quan vào Hậu cung, nơi trưng bày các vật dụng của Hoàng Gia. Những thứ khác không nói làm gì. Nhưng cái ngai bằng gỗ quý, nệm bọc tơ tằm thêu cầu kỳ bằng những sợi vàng mảnh của Ngài Sisowath Monivong- ông ngoại Đức Hoàng thân lúc đó đang lưu vong hấp dẫn tôi một cách kinh khủng. Chờ mọi người lục tục trở ra gần hết, tôi trở lại, chễm chệ toạ ngay lên một cách rất đàng hoàng. Trời ơi sao nó êm ái thế! Mát hết cả…một phần con người!

Sướng quá! Tử vi có nói số mình được làm vua trong 5 phút là lúc này đây! Đang định vung tay bắt chước mắng đám quần thần bạc nhược tưởng tượng cho giống thì tiếng cụ Sắc gọi :”Tùng! Thằng Tùng đâu rồi?”. Tôi chạy tọt ra gian ngoài. Các bác, các anh đang túm tụm quanh cái bàn. Cụ Sắc đang ghi cảm tưởng trong cái sổ vàng dày cộp. Dưới những lời phi lộ đẹp đẽ, cụ viết bằng chữ hoa :” Đoàn Nhà Văn Việt Nam” rồi ký tên. Các bác, các anh cúi xuống lần lượt ký vào.

Cuối cùng, cụ bảo tôi :”Còn mày nữa, ký vào đây!”. “ Cháu á?”. “Không mày thì ai?’. Nói qua về cái chữ ký của tôi một chút. Chẳng bao giờ giống nhau, như mệnh tôi vốn thân vô chính diệu. Khi cáu bực thì chứ ký chỉ gồm 5 cái lò xo. Khi xông xênh đắc ý có khi kéo đến 7,8 cái lò xo lận. Hôm đó, tôi mắm môi mắm lợi làm cái lò xo khoảng mười vòng…
Nếu Ban quản lý Chùa Bạc lưu lại những cuốn ghi cảm tưởng thì hẳn là các bạn sẽ thấy cái lò xo của tôi trong đó!


HAI TRỨNG MỘT NGÀY, VỊT ĐẺ RÁT ĐÍT VẪN KHÔNG KỊP!
Sau cái truyện đầu được chấp nhận, lại nghe mọi người động viên ầm ầm, máu văn chương của tôi chảy hừng hực. Tôi lăn vào viết như điên. Trong đầu toàn những tuyến nhân vật chính diện, phản diện bắn nhau đùng đùng. Hoặc yêu nhau tay đôi , tay ba trong các thiên diễm tình thấm đấm nước mắt Việt nam – Campu chia. Xamakhi thì si bò hóc! Tôi bắt đầu cáu vì mình sao không xơi được món bò hóc? Có ăn được các món nhân vật của mình ăn thì mới hiểu họ hơn.

Cái con bé bán cà phê đầu phố có cái miệng xinh xinh kia, thỉnh thoảng vẫn có mùi bò hóc ở đâu đó. Có làm sao đâu? Lần này ra gánh bún cá mình phải cố bịt mũi quyết tâm tọng thật nhiều bò hóc! Không chịu được thối sao trở thành nhà văn chân chính được? Lại nữa kìa! Các nhân vật trong đầu đó, nó làm tôi bỏng mấy lần vì không rót nước sôi vào miệng phích (bình thuỷ) mà lại đi rót vào đúng bàn chân của mình.

Chết tiệt! Cứ chờ đấy! Ngày xưa Trần Quốc Toản bực lên tay bóp nát quả cam lúc nào không biết thì sao? Bỏng tý ăn thua gì? Tự động viên mình thế, nhảy lò cò về phòng, gác chân lên bàn thổi phù phù, tôi ngồi viết tiếp…

Thấm thoắt gần hai tháng trôi qua. Điếc không sợ súng! Tôi đẻ liền một lúc hai truyện nữa. Ph’nom Penh cuối hè nắng gắt. Cụ Sắc cụ Hựu lôi cái bàn kiểm duyệt từ trong phòng ra ban công có mái che ngồi làm việc cho mát. Tôi pha ấm trà mới. Cụ Sắc đang quạt phành phạch, lườm tôi rồi mới bảo :”Về thì mày xin làm trưởng trại vịt!”. “Sao lại thế ạ?”. “Mày làm trưởng trại thì thúc mỗi ngày vịt nó đẻ hai trứng. Như mày đang đẻ ra truyện thế này!”. Cụ Hựu cười ồ ồ :” Vịt mày có đẻ hai trứng một ngày, đẻ rát đít mười ba tháng trong năm thì vẫn không đủ trứng bán cho dân ta đâu con ạ! Đang đói lắm!”. Hai cụ lại cười rộ lên.

Quả thực, qua câu chuyện hậu phương của các cụ, miền Bắc và cả nước nói chung lúc đó đang ở trong thời kỳ cực khó khăn. Điều này tôi đã cảm thấy trong thời gian chuồn về nhà. Không hiểu sao thống nhất rồi, tình hình kinh tế đất nước lại tệ hại đi nhanh chóng đến thế? Cả một sê ri chuyện tiếu lâm thời đại được các cụ xuất bản bằng miệng chiều hôm ấy. Cười ra nước mắt! Ấy thế mà chúng tôi viết nhỡ có gì động đến chế độ một tý là bị cắt xoẹt ngay. Bút sa gà chết con ạ! Ơ! Thế bác cháu mình đang nói dối nhau, dối bản thân mình à? Trẻ con! Biết gì?

Cả ba cái truyện tôi viết ra trong thời kỳ bên K đó được các cụ cho in cả. Bây giờ vẫn nằm im trên giá sách gia đình. Mỗi khi giở nó ra, thấy xấu hổ, ngượng ngùng như nhìn lại những cuốn sổ liên lạc hay học bạ cũ. Nó non nớt, nhạt nhẽo kinh khủng. Nhưng chưa tệ hại bằng nó đã được viết bằng những xúc cảm vay mượn, tô hồng vô lối.

Và đặc biệt nó không đúng với sự thật chiến trường, không đúng với bản ngã thằng lính chiến là tôi và anh em đồng đội tôi. Cụ Sắc đã nói đúng! Một quả trứng vịt lộn khi cần thiết còn đáng giá hơn cả tá những truyện ngắn như thế!

Nhớ như in một buổi tối mưa tạnh, tôi dẫn bác Sắc đi xem người ta ròm trên vỉa hè trước cổng uỷ ban. Bác phấn khởi quá! Nói thích cô mặc áo thun xanh. Còn tôi lại thích cô áo đỏ hơn. Sao bác biết, bác vẫn cho qua những câu chuyện như thế?


TRỞ VỀ ĐƠN VỊ
Đầu tháng 8, trại viết giải tán. Tôi ra chợ mua một cái bút máy Héro, vài thứ linh tinh lặt vặt khác, chuẩn bị quay về đơn vị. Các bác lục tục hành trang trở về Hà nội. Bác Hựu thì đang buồn vì chuyện hậu phương riêng của bác ấy bị “tập kích”. Trong thời gian các bác sang đây, vợ bác ấy ở nhà có ngay tình yêu mới. Thế mới thấy trong tình yêu, ông thượng tá hay anh binh nhất, súng ngắn súng dài cũng khổ sở như nhau. Bác Sắc nháy tôi :”Có cái gì gửi về nhà không? Tao mang hộ!”.

Thằng lính như tôi thì có cái gì được chứ? Tôi viết lá thư gửi về nhà cho gia đình yên tâm. Phút chia tay nhiều lưu luyến. Lá thư này bác Sắc chuyển về tận nhà. Trong câu chuyện với gia đình mà mẹ tôi kể lại bây giờ, bác ấy chỉ có mỗi ca ngợi cái đức ngủ của tôi :”Thằng này nó có tài ngủ, ngủ suốt ngày ông bà ạ!”. Các cụ có tuổi, ít ngủ nên ngả mũ trước cái tài ngủ của tôi là đương nhiên!


Anh Dân kéo tôi về phòng Chính trị Quân đoàn ở Ô Đông chơi ít bữa. Anh ấy gạ, bảo mày cứ ở đây, tao làm cái giấy xuống Sư đoàn xin cho mày về phòng này. Có khả năng đấy! Thích đi học ở Sài gòn thì cũng dễ. Thôi! Ở đây với các anh! Biết anh ấy quý mình nên mới tạo điều kiện thế. Nhưng nếu đồng ý ở lại là suốt đời chọn con đường binh nghiệp, là tiếp những tháng năm dằng dặc xa nhà.

Thôi anh ạ! Em chỉ muốn mau được trở về nhà thôi! Dưới đơn vị đang có chính sách giải quyết ra quân, phục viên dần dần rồi. Vài bữa nữa chắc em cũng đến lượt. Ở với các anh sướng thật đấy! Nhưng em muốn về đơn vị, nơi em sống thoải mái hơn, em được vô tư hơn. Không phải ne nét ý tứ nhiều vì tính thằng em lắm khi vô duyên lắm! Với lại em nhớ chúng nó quá…

Phải nói là ở S’toung, nơi trung đoàn tôi đóng trong thời gian này, tình hình chiến sự cũng yên ắng nên tôi mới quyết định như thế! Còn không biết nếu Sư đoàn đã lên biên giới Thailand, ngày nào cũng ùng oành thì tôi sẽ quyết định thế nào?
Cuộc đời có những ngã ba. Dẫu vẫn đi lối mình đã chọn nhưng vẫn có phần tò mò về cái ngả rẽ kia. Nếu ta đi lối đó thì sao nhỉ ?

MỘT TRANG HIỆP SĨ
Sáng hôm sau, tôi khoác ba lô ra phà (bắc) P’rech Đam đón xe. Chờ mãi không thấy xe lính mình, tôi đành leo đại lên một cái xe đò. Coo ng top Vietnam tâu na? Tâu vinh, tâu vinh, tâu S’toung khet Kampong Thom! Một khoảng nhỏ được dành cho tôi trên tấm ván kê cao, cạnh mấy cô gái đen giòn phía cuối nóc xe. Ngược dốc phà, xe nghiêng ngả chạy. Gió mát cứ lồng lộng.

Thỉnh thoảng hành khách chúng tôi phải cúi rạp người xuống khi xe chạy qua những cành cây ngang xoà thấp trên đường. Dân quê hồn hậu, cười đùa trêu chọc nhau cứ rinh rích cả. Một cô ngó tôi, nói liên liến gì đó trong gió ù ù, nghe lõm bõm có chữ sì ke (). Cả nóc xe cười rộ. Tôi cũng nhe răng ra điều ta đây cũng hiểu hết nhưng bụng thì phân vân. Có khi nó bảo mình là cũng nên? Hay nó bảo bộ đội Việt nam hay ăn thịt ? Cũng có khi nó bảo mình ngồi thù lù giống con ba tiền rưỡi? Tôi sửa lại tư thế ngồi cho thật đàng hoàng, bắt đầu nóng mắt và nghiêm mặt lại. Nhưng lúc này thì các cô không thấy trêu cười nữa. Họ im lặng dần.

Gương mặt đăm chiêu hẳn và có phần trở nên nghiêm trọng. Có thế chứ! Phải biết tôn trọng bộ đội Việt nam chứ! Xe đã chạy hơn ba tiếng. Bụng tôi bắt đầu thấy tưng tức nơi bàng quang. Suy bụng ta ra bụng người, hẳn các cô này cũng buồn giống mình bây giờ. Thảo nào mặt đần thối ra như thế kia. Cười nhiều nó vọt ra thì khốn! Cứ ních nước dừa cho đẫy vào! Cũng may, các em mời nhiệt tình nhưng tôi lại từ chối. Một cuộc thi chịu đựng bắt đầu.

Mỗi lần xe xóc, các cô ấy nảy người lên nhưng lại cố hạ xuống từ từ. Mặt nhăn như đau nỗi đau diệt chủng. Cho chết! Cười anh nữa đi! Tình trạng tôi cũng chẳng hơn gì nhưng vẫn cầm cự được chán. Một cơn gió ào qua, mang theo hơi nước mát lạnh. Xe đang chạy ngược chiều với cơn mưa đang tới. Các chị này tỉnh người ra hẳn, ngồi xệp xuống nóc xe, hóng về cơn mưa như cá rô mề hóng nước. Tôi lục ba lô, lấy tấm nilon ra để sẵn. Lòng cũng mong cơn mưa như mong mẹ về chợ.

Gió lạnh lắm rồi! Bầu trời bắt đầu tối rầm. Tôi trùm kin tấm nilon lên người, tháo “súng”, chờ những giọt nước đầu tiên nguỵ trang để bắt đầu khai hoả. Một cái xóc nảy người, kèm theo một tiếng sét ngang trời đánh “Oành” một cái! Tiếng sét đã khai thông mọi bế tắc. Gần như đồng thời, nước trong xì-téc của các cô vụt ra trên nóc xe, chảy ồ ồ cùng lúc với những hạt mưa mới bắt đầu xối xả. Đến lúc này đến lượt tôi bật cười lớn. Cười không nhịn được.

Vừa cười vừa xả rất sung sướng, không gì sướng bằng! Một cô thụi vào vai tôi một cái đau điếng rồi giật phắt tấm nilon trên vai tôi ra. Hờ hờ! Anh mày xong rồi! Ba cô trùm tấm nilon của tôi, làm nốt công việc đang làm dở dang, hết cả ngượng ngùng. Tôi nhường tấm nilon lính ấy cho các cô, gửi thêm cái ba lô cho khỏi ướt. Bây giờ thì chúng nó cũng như em gái mình thôi mà. Qua cơn bĩ cực, người ta dễ thông cảm với nhau hơn.
Tôi vừa vuốt nước mưa trên mặt vừa đắc ý, vì đã cư xử như một trang hiệp sĩ thứ thiệt.
Sửa bởi Mưa_Trường_Sa : 21-07-2010 lúc 11:46 AM
__________________
Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ.........bên đồng đội yêu thương.....




BÀI HỌC VỀ HIỆN TƯỢNG QUANG HỢP

Con lộ 6 những đoạn chạy sát biển Hồ trông giống như một con đê. Theo hướng lên Siêm Riệp, bên phải đường là ruộng, rừng thưa. Bên trái là rừng lá thấp, xuôi dần ra hướng biển Hồ. Tại cầu S’toung, ngay lối rẽ ngã ba “Xam xập Canh nha” từ lộ 6 theo đường đê vào trung đoàn bộ, tiểu đoàn 4 bố trí đại đội 2 chốt độc lập và một khẩu 12.8 chĩa nòng ra hướng rừng ngập.

Tôi xuống xe, “ocun chà rờn” sốp-phơ cẩn thận. Bọn đại đội 2 nhận ra, gọi nheo nhéo. Chúng nó đang thịt liên hoan cho hai thằng ra quân. Tôi tạt vào chào hỏi anh em chút rồi chuồn, chẳng còn lòng dạ nào mà ngồi chờ nhậu. Xa đơn vị đã hơn 2 tháng, bụng sốt ruột chỉ muốn về ngay, thành ra đi như chạy trên con đường dọc mương. Con mương thẳng tắp này đặc biệt ở chỗ là cả mùa mưa lẫn mùa khô không bao giờ có nước. Có lẽ thằng kỹ sư thuỷ nông của bọn Pốt nó tính sai cao trình, hoặc chưa xây dựng được trạm bơm tưới tiêu tại ngã ba ngoài kia.

Nhà mình đây rồi! Giàn bí xanh đã trùm kín khoảng sân rộng, leo cả lên mái. Quả bí to ăn không hết, mới cắt một nửa được chúng nó bọc nilon cẩn thận vẫn treo lủng lẳng trên giàn. Sắn (mỳ) mới cao đến ngực phủ xanh những khoảng trống. Lên ban báo cáo có mặt, xuống anh nuôi báo cơm xong thì trời tối mịt. Trời mưa sụt sùi. Anh em quây quần bên ca trà với gói Samit tôi mua làm quà. Văn nghệ được bổ sung thêm hai thằng lính Nam nữa chơi cổ nhạc là thằng Sang với thằng Đức.

Anh em lính Nam kỳ này vào đông nên phần cổ nhạc trong chương trình là không thể thiếu. Thằng Sang ở An giang, người nhỏ nhắn trắng trẻo, không đen như các bố lính miền Tây khác. Hỏi ra mới biết là nó bằng tuổi tôi nhưng đã có những 3 vợ cưới hỏi đàng hoàng (chẹp!) và có bốn đứa con chính thức. Nó ở nhà quê nhưng đếch phải làm gì. Chỉ xách đờn lê la các nhà có đám. Phạm vi hoạt động văn hoá cả chục cây số. Đàn sáo, nhậu nhẹt say sưa rồi rúc xuồng, rúc bụi nghiên cứu muỗi A nô phen khi đốt chổng mông như thế nào với con gái nhà người ta nên bị bắt đền. Có lần nó nhậu say quá, nằm bẹp như cái dải khoai. Một lúc cả ba cô vợ to như con tịnh chống xuồng phi ngay đến. Đám tịnh đó lao vào túm tóc xé áo bóp…vòi lẫn nhau hòng cắp cái dải khoai héo kia về nhà mình để phục dịch.

Nước mẹ gì! Chỉ sướng mắt cánh đàn ông ngồi nhậu trên bộ ván ngựa kê ngoài sân, cười hô hố…Sau một hồi dày xéo bụi mù bất phân thắng bại, ông chủ nhà đám (vốn là một tín đồ cải lương) phải ra tay can thiệp tống cổ ráo. “Chúng bây cút ngay! Bộ tính phá đám hử? Đêm nay nó ngủ ở đây với…con gái mỗ!”. Thằng Đức thứ tư, người hơi xấu trai nhưng có duyên thầm. Nó ôm đàn, ngó ra khoảng mưa tối nhấn nhá từng khúc sáu câu. Ngón chân cái kẹp cái song loan gỗ thỉnh thoảng tróc lên giòn tan canh nhịp. Nó chơi cổ nhạc bằng cây đàn phím bằng của tôi, không thèm xuống dây như đàn guitar phím lõm chuyên dùng chơi cổ nhạc. Tiếng đàn nghe lắng lót trần ai lắm, nhất là trong những đêm sâu, mưa như thế này…


Ca trà tàn thì đêm đã khuya. Trà làm chúng tôi xót ruột, đói cồn cả bụng. Mưa sùi bong bóng mưa lâu. Nhổ sắn ăn đi! Thằng Chương bàn. Sắn văn nghệ trồng mới đến bụng, làm gì ra củ? Thì sang mẹ nó rẫy của chủ nhiệm chính trị ấy! Bên đó tốt lắm! Sai hai chú em cổ nhạc đi nhưng chúng nó sợ chưa quen . Chân ướt chân ráo mới được lên ban, vô kỷ luật bị tống cổ về tiểu đoàn thì xách B.41 ốm. Nghe cũng có lý! Ba ông cựu đành cởi trần xách bao dứa luồn sang. Rẫy sắn của chủ nhiệm nằm ngay trước cửa gần nhà chính uỷ. Con Bốp bên đó sủa nhặng lên lao ra. Nhưng nhận ra tôi là người quen nên lăn vào liếm láp.

Con Bốp vẫn hay ăn chực cơm nhà văn nghệ lắm rượu nhiều xương. Nó chồm cả hai chân trước đầy bùn, chùi lên lưng tôi đang bò như đặc công. Mẹ con này! Chắc nó ưu tiên tình cảm cho mình vì vừa mới đi xa về. Lưng tôi rồi cả người tôi toàn bùn do nó bôi vào. Tình cảm thể hiện quá mức đôi khi cũng gây phiền hà cho người khác đấy! Đồ ngu! Tuy là tao đang bò như mày thật, nhưng hoàn toàn không phải là bạn mày. Hiểu chưa? Tôi vừa vỗ vỗ đầu nó vừa lầm bầm. Nhẹ nhàng nhấc nhấc, rung rung lôi gốc sắn lên cho khỏi sót củ. Được gốc nào, bẻ ngay củ cho vào bao dứa rồi dặm lại thân cây thật sâu, thật chắc chắn như hiện trường cũ. Cũng may trời mưa nên công việc đó chẳng khó khăn gì. Xong! Về vất bao sắn cho chúng nó tách vỏ đem luộc.

Ba thằng ra tắm mưa. Lúc nãy mải tập trung “bám địch” nên không biết gì. Còn bây giờ lạnh run cầm cập. Lạnh teo cả… rốn! Ra giếng chung tắm thì nước ấm hơn nhưng thế thì lộ mất. Nồi sắn hấp đêm ấy cực ngon. Nhất là những củ sém ở đáy nồi vỏ thơm phức, lấm tấm mặn những hạt muối, bở tung dưới ánh đèn che nhỏ. Sắn bở quá, ăn nghẹn cổ nên cả bọn vừa ăn vừa phải chiêu nước.

Vài hôm sau, đám sắn đó vàng hết cả lá. Anh Bến phó chủ nhiệm đứng trước sân than vãn :”Nước ngập thối rễ, đám sắn này hỏng hết rồi!”. Thượng sỹ Hoạt - “kỹ sư nông học” bèn khoa tay giảng giải, ra vẻ rất hiểu biết :”Không phải đâu! Lá dày quá nên ảnh hưởng đến sự quang hợp thôi anh ạ!”. Tôi đứng cạnh phải vụt bỏ chạy ra sau nhà để cười, không thì cũng bị nghẹn như nuốt sắn bở.

Riêng cái thằng cha đội trưởng đội Văn nghệ này thì cái gì nó cũng biết tuốt! Em sẽ kể với các bác sau…

Tiếp nốt bài hiện tượng quang hợp
.......
Đám củ mì đó tất nhiên là chết, kể cả đã được vun luống và tỉa lá. Thượng sỹ Hoạt một chiều trời buồn ra thu hoạch thử một khóm. Giống như chuyện cổ tích anh nông dân và con quỷ, những phần trên mặt đất thì không phải của chúng tôi. Hiểu ngay rằng mì chết không phải do lá quang hợp yếu, lão Hoạt mang nguyên khóm vào cho anh Bến xem (chắc định giải thích là do sâu đục củ?) . Anh ấy than vãn lại chỉ có bọn Văn nghệ thôi! Anh ấy cho gọi tôi với thằng Hùng lé đàn bầu lên. Phó chủ nhiệm chính trị quả có con mắt nhìn người, tuy là vẫn còn thiếu thằng Chương còi. Trông thấy khóm mì không củ nằm giữa sân, hai thằng tôi biết ngay sự tình. Con Bốp đang lim dim trong gầm lại lao ra mừng ư ử, quấn vào ôm chân tôi như một khẳng định đồng loã.

Con dái này này khoái sang văn nghệ vì ngoài xương ra, bọn tôi còn nghịch ngầm, cứ xoa “cu” cho nó sướng đâm nó nghiện. Loài vật trả ơn là như thế này đây, trời ơi! Không mào đầu, anh ấy hỏi luôn: Chúng mày hả? Bọn em đâu có! Nếu không tụi mày thì chỉ có thể là ông Thạnh, ông Chiến thôi! (ông Thạnh ông Chiến là trung đoàn trưởng và trung đoàn phó). Thằng Hoạt ra nhổ thêm về cho anh em nó ăn. Lọ mọ đêm hôm rắn nó đợp cho thì khốn!… Im tịt hết, nể ông ấy quá! Lão Hoạt chắc chưa biết “Bài ca sư phạm” hoặc Makarenko là ai, tức lộn tiết nhưng vẫn phải ra vườn trợn mắt nhổ về cho chúng tôi mấy khóm. Mà nó chọn toàn khóm nhỏ còi cho bõ tức.



kampuchia2.jpg (151.81 KB, 700x574 - xem 1136 lần.)

kampuchia.jpg (98.19 KB, 700x435 - xem 1139 lần.)

PHIÊN CHỢ BA TƯ

Cuộc sống bộ đội của tôi bây giờ nhàn tản như công chức. Sinh hoạt cơ quan giờ nào việc nấy nghiêm lắm chứ không tự do thoải mái như dưới tiểu đoàn. Sáng dậy đánh răng rửa mặt, vệ sinh cá nhân rồi tập cho đến trưa. Cơm nước xong nghỉ trưa. Chiều lại tập rốn một đoạn nào đó chưa nhuyễn nhưng tai chỉ dỏng sang hướng sân bóng trung đoàn. Hễ bắt đầu có tiếng bịch bịch của trái bóng da bọn vệ binh khởi động là hô nghỉ luôn. Vác cuốc ra xới ví dụ mấy đám củ mì, đám đậu đũa cho các em noi gương, xong ra sân bóng quần đến mệt lử. Thưa với các bác là em hồi này ăn chức “tiên chỉ” rồi! Lính cũ mà! Tuy không phải là trợ lý ăn nói lí nhí thập thò xin chữ ký.

Cũng chẳng là đội trưởng nhưng lại được nể nhiều! Do biết bảo vệ cho quyền lợi anh em trong đội rành rẽ khúc triết lắm, không toan tính vì mình cái gì cả! Phân đời cũng dám chơi tới bến, nhậu mút ngón chân cái, không ngán bố con thằng nào. Lại hay bày trò ăn cắp cải thiện nên chúng nó khoái là đương nhiên. Cả đội Văn nghệ tuyệt nhiên giống máu nhau. Là lính lại nhiều cái thú nữa thì cần đếch gì? Ở cơ quan Chính trị yên hàn, ba lô các sĩ quan, các trợ lý ngày càng phồng lên những đồ Thailand, những chiến lợi phẩm xin hoặc trấn được của đồng hương đồng khói dưới các tiểu đoàn để dồn cho các kỳ nghỉ phép. Một số ông còn biết dồn lương, phụ cấp, hùn tiền rịa gửi bọn hậu cần đi buôn, đánh quả mánh mung.

Nhất là đám sĩ quan dân Bắc mình xuất thân quê ở nông thôn. Ăn không dám, tiêu lại càng không. Lại chẳng dám vô kỷ luật để trốn giờ đi cải thiện nên nhiều khi nhìn mâm cơm các trợ lý sĩ quan cũng thấy động lòng. Ngược lại, ba lô bọn văn nghệ tôi ngày càng lép. Có bộ quân phục trung đoàn cho riêng làm trang phục biểu diễn thì chúng nó không dám động vào. Còn thì thượng vàng hạ cám bán dần tuốt luốt. Thành phần đội toàn thằng lính kiểng, quê thành phố thị trấn, không chịu được gian khổ mà lại lắm giao du.

Một chiều Chúa nhật - mưa- hồn buồn, mồm cũng buồn nốt thì thôi rồi! Chẳng nhẽ lại nằm ngửa xoa bụng, nghe tiếng mưa rót đều mái lá? Lại bảo nhau giở ba lô ra bày kiểm đồ như bán đấu giá tự nguyện. Mùng này còn dùng được, duyệt! Cái áo kia còn tươm, tốt rồi! Sao lại có những ba cái đèn pin ở đây?

Chúng mày mù dở à? Một cái là đủ cho tất cả rồi! Đi ị đêm chứ có tác chiến bao giờ đâu mà phí hoài thế? Xong nhé! Thằng Hợp dẻo mồm mang tất đồ gom ra chợ S’toung. Thằng Minh sang nhờ điện thoại C20 gọi xuống cho đám anh em quần hùng kiếm khách thân văn nghệ dưới các đơn vị. Nhớ nói khẽ thôi! Gào ông ổng trên tổ hợp bọn 20 nghe thấy kéo sang đánh chạc thì khốn. Cặp quần đùi hoa hoét của con bồ thằng Đức (cho nó khi đi lính, nó không dám mặc bao giờ) thì để lần sau. Triển khai ngay đi!


Bây giờ cứ nghe cây violoncello não nuột mô tả lão ăn mày Phiên chợ Ba-Tư (nhạc sỹ Ketelby), tôi lại nhớ những phiên chợ S’toung ngày ấy. Đám ăn mày ba lô lộn trái ấy chính là đội văn nghệ tôi đấy! Nhưng vẫn còn hai chiếc quần đùi…Chưa hết đâu!

Một hôm, anh Thực- trợ lý chính trị gặp riêng tôi rồi bảo :”Này! Phấn đấu vào Đảng đi! Định đưa mày với thằng Đại vào diện cảm tình. Cố gắng vào đợt 22/12/ năm nay (1982)! Cứ suy nghĩ đi nhé!”. Anh Thực năm đó mới đóng hàm thiếu uý. Ban Chính trị chuẩn bị đưa anh ấy xuống tiểu đoàn 5 làm chính trị viên. Cùng dân Thủ đô nên anh ấy coi tôi như thằng em dại.

Đồng hương đồng khói hội hè tụ bạ là phổ biến trong lính ta. Nhưng phải nói lính Hà nội, Sài gòn và các thành phố lớn khác chơi rộng rãi hơn, không “gom” như lính các tỉnh khác. Bác nào định cãi chuyện cục bộ địa phương này thì cứ việc. Vô ích! Vì nó đúng như thế trong đơn vị tôi. Thời đó vào Đảng là rất khó, phải phấn đấu hy sinh gian khổ lắm, lý lịch phải thật trong sạch và thuộc thành phần cơ bản (công-nông).

Bố tôi là bác sỹ bệnh viện trưởng nhưng cũng khốn khổ vì cái lý lịch Tư sản (dân tộc) to đùng bên ngoại nên trầy vẩy mãi mới được kết nạp. Mà ông ngoại tôi chính là đồng chí Tư Nghi, đảng viên, cựu tù Côn đảo cùng với Cụ Bằng, Cụ Đồng. Sau này, các cụ đã hiến gần như hết tài sản được thừa kế cho Đảng, cho Nhà nước mà không hiểu tại sao cái chi bộ bệnh viện ấy lại khó khăn thế? Sau này cảnh nhà sa sút. Cụ Đồng, cụ Trinh (phu nhân Cụ Bằng) vẫn gửi áo rét cho ông tôi mặc.

Như biểu hiện của tình đồng chí, tình bạn chí cốt trong nhà tù đế quốc. Thực tình những điều đó làm tôi thấy ngại. Các cụ như thế, mình đã là gì? Chỉ nay mai trong đội là đến lượt Mai Dân và mình được ra quân. Vào Đảng bây giờ thì chắc chắn phải chậm lại ngày về. Vào Đảng thì phải cống hiến cho Dân, cho Nước chứ được vào Đảng xong xin về ngay nhà thì ông nội nào chả muốn! Với lại cứ nghĩ đâu xa? Ngay bản thân mình đã ra gì đâu? Hồi dưới tiểu đoàn 4, đánh nhau to điên lên thì thôi chứ về sau bắt đi càn lẻ dài ngày thì cũng ngại thấy mẹ! Rồi còn chuyện nằm viện quá hạn, chuyện say sưa, rúc bờ rúc bụi, chuyện ngủ ngày cày đêm…

Dẫu tất cả những chuyện ấy chỉ một mình mình biết nhưng nếu đem ra so sánh với tiêu chuẩn một Đảng viên cần phải có thì còn lâu mới đạt được. Vào rồi sẽ phải cố vượt bản thân mình. Không cố được đâm khổ mình, khổ nốt cả người giới thiệu.

Tôi nói với anh ấy là thôi anh ạ! Anh em trong nhà thì anh tạo điều kiện cho em ra quân trong đợt này. Dù ở đâu em cũng giữ tư cách như một người Đảng viên chân chính. Anh Thực phân tích lợi hại phải trái cho tôi mãi không xong mới cáu :” Thì kệ cụ mày!”. Tôi buồn, vì mình đã phụ công anh ấy.

Nghĩ ngợi sâu xa chuyện này nhiều quá đâm tôi như phát ốm, lờ đờ mất mấy hôm liền. Dạo sai cả cung khiến bọn ca gân cổ lên theo tông không được, chửi bới ầm ĩ. Thằng Đại thì ngược lại. Giờ thì nó không ngủ muộn nữa, dậy sớm lắm. Chiều vác cuốc vào rừng đào hà thủ ô đến tối mịt. Sáng nào cũng làm một nồi nước củ đặc sánh cho cả đội, vừa đun vừa ti tỉ hát. Thế đấy! Chuyện buồn của người này đôi khi là chuyện vui của người kia. Chẳng thể nào khác được trên thế giới này.


CHUYỆN THẰNG ƯƠN
Trung đoàn 2 khi sang bên này biển Hồ, đã cùng các đội công tác phá tan cái căn cứ giang thuyền của địch, lật mặt tóm gáy tên Ươn - thằng địch ngầm sừng sỏ đã leo đến cấp cán bộ huyện đội trưởng trong chính quyền mới - giao cho bạn. Chính nó với hai thằng nữa làm trận tập kích cảnh cáo, gãi ghẻ vào kho súng Sư đoàn ngoài Chùa khi chúng tôi chân ướt chân ráo mới sang. Thằng đó khai là nó xin đạn M.79 lính mình trong khi dễ dãi lúc nhậu với nhau.

Đêm đó khi đi họp huyện, nó kêu hai thằng nữa cắt ruộng, nã mấy trái vào kho súng rồi rửa chân, lội ngược lên đường lớn, đi họp bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Đội công tác với mấy thằng an ninh bạn hỏi tại sao mày dám làm như thế? Sao mày theo bọn diệt chủng? Vợ con mày ở S’toung bộ đội vẫn cấp gạo cho cơ mà? Nó trả lời tỉnh bơ là nó cũng ghét Pôn pốt, nhưng nó cũng không chịu được cảnh bộ đội Việt Nam nghênh ngang trên đất nhà nó. Nó ghét, nó ngứa tay thì nó chống lại quân xâm lược, nó bắn chơi.

Hỏi mày xin đạn M.79 của ai? Nó liệt kê luôn một cách rất chính xác tên các cán bộ trung đội, đại đội cứng, sừng sỏ chiến trận trong trung đoàn đã cho nó đạn. Đòn ly gián đó khá hiểm độc. Nhiều anh em cán bộ chưa biết nó bao giờ tự nhiên nghe có tên mình cũng đâm lo sốt vó. Cuối cùng nó bảo đường thốt nốt sẽ bọc trong lá thốt nốt. Bắn tao đi! Đồ bán nước! Khẩu khí hiên ngang như một Héro chính hiệu. Mấy thằng an ninh bạn điên tiết không chịu nổi, xuống tay khử luôn.

Ban trinh sát Sư đoàn đóng cách đó 8 km, nghe điện xin xe Zeep cong đít chạy xuống tính hốt lên khai thác nhưng không kịp. Ban CT trung đoàn 2 sém bị kỷ luật oan gia. Sau vụ đó, tình hình khá hơn hẳn. Địch giạt ra, bám vào các phum ven thị trấn.

Nhật ký lính K- (những trang cuối)- của kẻ mắc nợ Trần Duy Chiến và các anh em đã hy sinh.
25/6/82
Đã tròn 2 năm xa nhà. Trời u ám sắp mưa. Vừa ở Ph’nom Penh về mấy ngày. Sau mấy hôm sốt, hôm nay đã đỡ.
Buổi trưa không ngủ được. Được tin Bình cáo đã vào và cầm giấy tờ cho mình nhưng nó đi Sư bộ mất rồi. Mấy hôm nữa phải mò lên lấy mới được. Nếu kịp không biết có ra được đợt tháng 8 này không?
Mưa đã trắng mờ bên kia trảng. Lại mưa! Mưa! Mưa!…
26/6/82- Chủ nhật
Vẫn chưa công tác. Sáng Căn và Đặc vào chơi. Lát sau Hải cụt và Trai cũng ra. Buổi trưa cùng Hùng lé, Hải, Phúc “đĩa” đến chỗ thằng Tính chơi. Toàn chuyện bong đá ESPANA 82. Chiều đá bóng được một lúc lại mưa. Tối vẫn mưa. Cơn mưa ở đây gió rất mạnh.
Rau đã hết. Bầu bí còn nhỏ. Nguy cơ ăn muối đã xuất hiện.
27/6/82
Mưa cả ngày. Anh em đi học chính trị hết. Định bám xe Zeep ông Thạnh (trung đoàn trưởng) lên Sư đoàn bộ chơi nhưng chúng nó bám đông quá lại thôi.
28/6/82
Học chính trị. Sau mấy hôm sốt lại hút thuốc. Tối lại mưa.
Dân kiếm đâu được ấm trà. Bốn đứa ngồi tán gẫu. Chuyện vác tôn ở hậu cứ, chuyện làm ăn sau khi ra quân. Tóm lại là xung quanh vấn đề kiếm sống. Còn mình về sẽ làm gì?
3/7/82
Hôm qua lên Sư bộ chơi. Vào T9 gặp Bình. Lúc về đi nhờ xe của quân chủng phòng không. Buồn cười cha thượng uý trên xe cứ sợ bị phục kích. Mình được thể doạ cho một mẻ. Chắc ông ấy mới sang đây lần đầu.
Buổi tối xuống Phúc “đĩa” chơi. Nó ra quân. Mãi 11h đêm mới về. Đụng anh Dân đi c17 (DK.75) về rủ đi tiếp. Hai thằng mặc quần đùi mò sang. Lại rượu…
Chia tay vừa vui vừa buồn, lại sốt ruột nữa! Bao giờ mới tới lượt mình đây?
1h sáng mới về đi ngủ. Tiến ngủ lại nhà mình vì mai nó có việc bên quân lực.
23/7/82
Một ngày như mọi ngày…Chẳng có gì để nhớ.
22/8/82
Lưu bút của Mai Dân ngày anh ấy đi học SQ dự bị, trở về cố đô Huế:
Thế là chỉ còn một giây nữa thôi! Tạm xaTùng, chỉ biết rằng biết bao điều muốn nói nhưng giữ trong lòng những kỷ niệm trong tâm hồn. Thời gian Nghệ thuật anh em mình gặp nhau, sống trong mọi bản tình ca những nốt nhạc không thể diễn tả được. Như Beethoven viết: (Tình bạn như bản giao hưởng không có cung nào). Như thế đấy Tùng ạ! Người đi người ở nhớ lắmnhưng tâm hồn sưởi ấm những ngày qua- ngày không bao giờ lặp lại tình bạn nữa. Chỉ còn những dòng chữ nối liền mà thôi. Tạm biệt nghe! Mong Tùng mau chóng mà go Hanoi sẽ là vui và đúng hoài bão.
Goodby! Mai Dân-65 Hùng Vương-Huế
Ngày 22-08-1982
3/9/82
Nhận được thư Diệp. Nghe nói cuối tháng này có đợt ra quân. Không biết có trúng vé đi Espana hay không?
Nhìn lại bản thân mi hơn 4 năm qua như thế nào?
Chẳng là anh hùng nhưng cũng không hèn nhát. Với đồng đội chưa bao giờ lừa thầy phản bạn hay kẹt sỉ. Nghĩa là như một người lính bình thường. Có điều là vẫn thả, có phần vô trách nhiệm với bản thân mình.
Bốn năm trôi qua…Đã trở thành lính cựu của trung đoàn. Quần áo bạc theo thời gian nay chỉ còn một bộ. Ba lô lép kẹp- nơi trú ngụ lý tưởng của kiến. Cũng không biết tống gì vào đó cho nó phồng lên. Tiền đã thanh toán đến hết tháng 8.
Chỉ còn cái bút với cuốn sổ này ghi bậy.
Tại sao lại lười viết?
Từ nay phải cố gắng viết đều hơn mới được! Phải ghi bằng hết và đừng dối trá với nhật ký, với bản thân mình.
Viết đến đây thì nó bắn cối vào c19. Thôi tắt đèn mau!
6/9/82
Sáng nay học Nghị quyết 5 trên hội trường.
Trời u ám. Mưa và gió.
Ta nhớ mùa đông quê hương. Nhớ những phố dài mốc thếch sau những đêm trời lạnh; nhớ dưa cải bắp giòn và có vị chua rất thú vị; tàu điện nghiến ken két buồn bã, lừ đừ trôi trong lòng phố đêm mưa…
11/9/82
Đêm qua mưa to. Sáng nay cũng mưa. Sân bóng, đường đi ngập tràn toàn nước. Nhà nổi như đảo trên nền đã bị lún. Không khí ẩm ướt, quần áo hôi sì. Còn điếu thuốc vét ba thằng hút chung.
Hoãn học chính trị nên ngủ xả ga ngày hôm nay đây!
Ngày 12/9/82
Người rất mệt. Nắng rát. Trời oi.
Chiều Chủ nhật. Mà Chủ nhật hay thứ 2 cũng không có gì quan trọng. Đã lâu không để ý đến thời gian bằng ngày tháng mà bằng những sự kiện, bằng những tên đất, tên núi, tên sông đã đi qua…Chốt Long an, trận rừng Tràm, trận Xoài riêng, trận U đông, ga Rô mia …và chiều nay- trên đất Kông pong Thom.
Những chiều Chủ nhật sẽ đến với ta ở đâu nữa? Núi Hồng, Xiêm Riệp, Pai lin hay Poi pét? Nghe nói sư đoàn sắp chuyển lên biên giới Thái.
Cần gì? Người ta đi được thì mình cũng đi được!
23/9/1982
Gần hết tháng 9 rồi. Hôm nay đội Văn nghệ mới lại được thành lập. Thủ trưởng cơ quan động viên cứ phục vụ nốt mùa này rồi sẽ giải quyết cho ra quân dần dần. Chơi thì chơi thôi!
Mai Dân đã ra đi. Mất một trụ cột, một cây guitar solo cứng cựa. Đội nhạc năm nay yếu hơn năm trước. Đành phải cố gắng thôi!
Cơ quan không rút thằng Dũng C20 lên ban mặc dù nó chơi guitar cũng rất khá vì lý lịch gia đình không đảm bảo. Ông già nó là đại uý quân y nguỵ (VNCH). Còn nó có tội gì đâu? Tội là con một sĩ quan nguỵ à?
Thì ra vẫn chưa xoá bỏ được cái khoảng cách đó. Mình rất ấm ức về chuyện này!
26/10/82
Dân rước sư ngoài Sa Tung vào chùa xã Tà Ria, mời đội văn nghệ sang góp vui. Hai cây guitar với cây đàn bầu thằng Hùng lé làm nổi đình nổi đám ầm ĩ. Sau đi với bọn thằng Căn, thằng Đặc sang nhà bà già thằng Hạnh nhậu. Rồi lại ra Chùa, vào nhà ông chủ tịch nhậu tiếp. Không thể say!
Dân Cam pu chia ưa những màu sắc rực rỡ, chói mắt và tương phản. Mấy bà nàng xanh đỏ tím vàng hoa hết cả mắt. Mãi đến chiều mới lêu têu lội nước về. Không ăn cơm. Lại nước muối nấu lá bứa làm sao nuốt nổi?
Trăng non đã mọc. Bây giờ là rằm tháng Chín. Ba tháng nữa thôi lại Tết. Rất buồn!

Câu chuyện của anh lính trung đoàn 2 đến đây là hết. Nó khởi đầu khá là gấp gáp theo bước quân hành và kết thúc trong sự chờ đợi mòn mỏi về quê. Tháng 12 năm đó tôi được phục viên. Phục viên có nghĩa là về vườn? Không! Chữ viên này có nghĩa là tròn thì đúng hơn là vườn. Trở về tròn trịa và lành lặn, mất 31% sức khoẻ với một cái sẹo ở gót chân.
Xe chạy qua đồn biên phòng và trạm KSQS Tân Biên, có lệnh xuống xe thu lại toàn bộ vũ khí. Giấu đi được 2 trái M.67 mang về tính đánh cá hoặc làm kỷ niệm nhưng thấy sợ, lại đem trả. Thôi giã từ vũ khí từ đây!
Cảm ơn các bác đã chia sẻ! Lắng nghe câu chuyện của các bác!




Nguồn: Vnmilitaryhistory

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét