“
Mọi hành động sáng tạo đầu tiên đều là hành động hủy diệt”.
Lê Hồ Quang
Với ba tập thơ (Từ nước - 1990, Ngày sinh lại - 1991, Lời trong lời - 1994), Nguyễn Lương Ngọc nổi lên như một gương mặt đầy cá tính của thế hệ nhà thơ Đổi mới. Đắm đuối với thơ ca, đồng thời cũng hết sức say mê Hội họa và Mỹ thuật, ông am hiểu khá rộng về các lĩnh vực nghệ thuật vốn có quan hệ chặt chẽ như Hội họa, Âm nhạc và Văn học… Đây là điều kiện tích cực giúp nhà thơ sớm hình thành một quan niệm hiện đại về thơ, về hoạt động sáng tạo.
Trong Hội họa lập thể, bài thơ được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả, Nguyễn Lương Ngọc viết:
Khi mắt đã no nê
Những quy tắc lên men
Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật
Có gì không ổn
Có gì như bệnh tật
Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ
Anh không muốn nhìn những gì mình đã vẽ
Chính nước mắt, hay máu tứa ra từ cái nhìn bền bỉ
Đã cho anh chiếc lăng kính này đây
Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu
Em tặng anh cát
Đây nó là thủy tinh
Em tặng anh dòng sông
Đây nó là ánh sáng
Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được
Đấy là em
Thực chất, với Nguyễn Lương Ngọc, nói về hội họa chính là để nói về thơ, về việc cách tân quan niệm và thi pháp thơ. Ông đề cao hội họa lập thể (rộng hơn là nghệ thuật hiện đại), trước hết, bởi cái tinh thần cách tân quyết liệt của nó. Chủ soái của phái Lập thể, Pablo Picasso viết: “Mọi hành động sáng tạo đầu tiên đều là hành động hủy diệt”. Phải chăng Nguyễn Lương Ngọc được gợi ý từ ý tưởng này khi ông viết: đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu? Bản thân Picasso, dù rất say mê với hội họa lập thể, không bao giờ cho rằng các phương pháp của phái lập thể có thể thay thế mọi cách miêu tả về thế giới hữu hình và trên thực tế ông liên tục thay đổi phong cách và phương pháp tạo hình của mình. Tôi tin đây cũng là điểm Nguyễn Lương Ngọc hoàn toàn đồng tình với nhà danh họa. Cái đẹp luôn là một ý niệm mang tính lịch sử. Do đó, sáng tạo đúng nghĩa luôn đòi hỏi ở người nghệ sỹ khả năng “gây hấn”, “nổi loạn” (một cách nói hình tượng, nay đã trở nên quá quen thuộc) – với truyền thống, với chính mình - nhằm chống lại những giá trị thẩm mĩ đã trở nên lỗi thời và để xây dựng những chuẩn mực giá trị mới. Điều này đòi hỏi một tinh thần dấn thân quyết liệt, một ý thức và quyết tâm thay đổi tận gốc rễ nhận thức, tư duy. Đổi mới tư duy chính là yêu cầu tiên quyết đối với nghệ sĩ khi đứng trước mục tiêu cách tân nghệ thuật.
Thứ hai, Nguyễn Lương Ngọc chắc chắn đồng tình và đề cao quan niệm mĩ học mới về thế giới và con người của nghệ thuật hiện đại mà Lập thể là một đại diện tiêu biểu. Đó là quan niệm đề cao cái nhìn bên trong, “con mắt tâm trí”. Thế giới nghệ thuật được tạo ra theo/bởi con mắt ấy, theo cách nghệ sỹ hiểu về sự vật, do đó, dù có vẻ tương tự thế giới tự nhiên, nhưng thực chất nó đã được tổ chức, sắp xếp lại bằng tư duy, bằng trí tưởng tượng. Cũng là Pablo Picasso khẳng định: “Tôi vẽ như tôi nghĩ. Không phải như tôi nhìn thấy”. Bản chất sáng tạo của nghệ thuật đòi hỏi nghệ sỹ phải biết vượt lên cái nhìn nệ thực để phát hiện ra cái đẹp ở “bề sâu, bề sau, bề xa” hiện thực. Ấy là cái đẹp “trong trắng/ như đất đá lá hoa như nắng/ thật mình/ dường đơn giản” (Thầy Sáng). Nó tiềm ẩn một sức mạnh khai sáng và “thức tỉnh” lớn lao: Vì cùng với cao xanh người chứng tỏ cao xanh/ cùng nước, bùn, dế, giun, người chứng tỏ mênh mông/ cùng con người ngươi phải đến xòe rộng đôi cánh mạnh mẽ của cái đẹp đang than khóc/ đòi được đánh thức và sẽ thức tỉnh (Bản tin ngắn)…
Thứ ba, chắc chắn nghệ thuật hiện đại và họa phái lập thể đã có những gợi ý tích cực cho nhà thơ về nhãn quan và bút pháp tạo hình. Đó là nhãn quan mô tả theo hướng giản lược và tượng trưng. Đi sâu vào bản chất sáng tạo, Nguyễn Lương Ngọc đề cao “sức gợi”, “những khoảng lặng nhiều tầng lớp thanh âm đầy quyền lực huyền bí”, “ít kí hiệu mà giàu khoảng trống”, “những ký hiệu của một chu trình đang còn dằng dặc”1. Đi cùng với việc phát huy cao độ tính chủ quan và trí tưởng tượng, trong thế giới thơ này, sự vật có thể bị “bóp méo”, “xô lệch”, “chồng chéo” lên nhau để đồng hiện trên cùng một không/ thời gian trong những dáng vẻ, chiều kích, sắc màu khác lạ, đầy bất ngờ. Đó là kết quả của một kiểu tư duy “lập thể” đa tầng và biến ảo. Trực giác, liên tưởng, tưởng tượng phóng túng… là những yếu tố không thể thiếu của kiểu tư duy này.
Quan niệm thơ của Nguyễn Lương Ngọc, được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, qua phê bình hoặc qua sáng tác…, song tất cả đều cho thấy một ý thức cách tân sôi nổi và nhiệt thành của tác giả nhằm hướng đến một chuẩn mực thẩm mĩ mới, theo hướng hiện đại chủ nghĩa. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những nguồn sáng tạo văn học, nghệ thuật phương Tây hiện đại, quan niệm này được phát biểu trong cảm hứng đối thoại và phản biện sôi nổi với nhiều quan niệm thơ đương thời.
Với ông, cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, “mĩ cảm” vừa là yêu cầu vừa là đích đến đầu tiên trong sáng tạo cũng như tiếp nhận. Nhà thơ trước hết phải hiện diện với tư cách của kẻ hành nghề sáng tạo, một nghề nghiệp có tính đặc thù. Nó đặt lên hàng đầu yêu cầu về tài năng, sự dấn thân và ý thức cách tân triệt để. Bởi vậy, nói theo cách của Nguyễn Lương Ngọc, “khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ”, khi “những quy tắc lên men”, khi ấy “sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật”. Tất nhiên, nhà thơ hoàn toàn ý thức được rằng chức năng thẩm mĩ ở đây không hề tách rời chức năng đạo đức - xã hội. Vấn đề là nghệ thuật, trong đó có thơ, tác động đến đời sống theo cách riêng, qua/bằng các phương tiện thẩm mĩ đặc thù của nó. Trên thực tế, sáng tác Nguyễn Lương Ngọc cho thấy “phản ánh hiện thực” cũng là cái đích tác giả hướng tới. Nhưng đó không chỉ là cái hiện thực “lao động, sản xuất, chiến đấu” mà còn là cái hiện thực nội tâm sâu kín. Việc phản ánh hiện thực ấy đòi hỏi một tư duy, một thi pháp mới (nhà thơ gọi đó là một “cái nhìn”, một “lăng kính” khác). Qua đó, hiện thực không còn là cái được “nhìn thấy”, mà là cái được “cảm thấy”: Em tặng anh cát/ Đây nó là thủy tinh/ Em tặng anh dòng sông/ Đây nó là ánh sáng/ Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được/ Đấy là em…
Những tìm tòi, cách tân này càng đặc biệt có ý nghĩa, nếu ta đặt nó vào thời điểm những năm tám mươi của thế kỉ XX, khi đời sống văn học đang rơi vào tình trạng “chân không” - không thể viết như cũ, song đổi mới như thế nào thì vẫn là một câu hỏi lớn với đại đa số người cầm bút. Tuy nhiên, khách quan mà nói, đây không phải là một quan niệm hoàn toàn đột biến và xa lạ. Trước đó, ngay từ thời Thơ mới, trong các sáng tác của Trường thơ Loạn hay nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng đã xuất hiện những đổi mới theo hướng tượng trưng, siêu thực. Có điều do những yêu cầu lịch sử - xã hội, sau 1945, trong văn học ở miền Bắc, những tìm tòi theo hướng này không có điều kiện tiếp tục. Mặc dầu vậy, vẫn có thể thấy những đổi mới hình thức ấy trong thơ của các tác giả như Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… Như vậy, những cách tân thi pháp của Nguyễn Lương Ngọc và thế hệ của ông, xét đến cùng, hoàn toàn không đứt rời với mạch ngầm “cuống nhau và chùm rễ” tìm tòi, đổi mới của người đi trước. Đó là sự kế thừa và phát triển mang tính quy luật trong sáng tạo nghệ thuật.
Cách tân trong quan niệm tất yếu dẫn đến cách tân thi pháp. Trước hết, thơ Nguyễn Lương Ngọc trở nên giàu chất nghĩ, theo nghĩa là một phẩm chất của thơ, trong đó, nhà thơ chú trọng hướng đến đến mục tiêu nhận thức hơn là giãi bày xúc cảm. Điều này thể hiện một ý thức thay đổi của nhà thơ: trong một nhãn quan hiện đại hơn, người ta muốn thơ không chỉ sa lầy trong tình trạng “tê mê và rũ liệt” của cảm xúc mà còn là sự cất cánh của tư tưởng, của trí tuệ. Thơ ông, vì thế, đi cùng trữ lượng cảm xúc dồi dào là một năng lực phân tích trực giác bén nhạy. Ở đó, cá nhân luôn tự cảm thấy bản thân trong trạng thái tinh thần đồng điệu với thế giới: Lững thững bờ sông quen/ Nghe gió chảy quanh/ Mình cũng một phần mùa đông/ Lạnh ở đâu ngấu vào nước xanh/ Nhớ ở đâu nổi triền lau sáng/ Sương mờ dâng từ dự cảm nào/ Cho cây đừng thấy cây tàn vắng (Mùa đông)… Một thế giới được mô tả không phải nhằm mục đích giãi bày, thổ lộ xúc cảm, mà để hình dung, để ngẫm nghĩ và xa hơn, để lí giải về cái trạng thái tồn tại của bản thể. Hình tượng con người, do đó, thường hiện lên trong những trạng thái nghiệm sinh khác nhau, vừa mơ hồ vừa xác thực, vừa trừu tượng vừa cụ thể, chẳng hạn: Những ngôi sao từng đôi lên/ Từng đôi chim bay về tổ/ Chiều không ai chiều một mình (Những buổi chiều); Những cúc cúc đã nở/ vàng vàng năm ngày rồi/ chúng sẽ còn nở nữa/ cả khi không còn ai… Những cúc đã nở/ vàng, năm ngày ư? (Những cúc)… Dường như chỉ những nhận thức trực cảm đầy mâu thuẫn ấy mới có thể giúp nhà thơ “ngộ” ra trọn vẹn bản chất của sự tồn tại. Điều này dần dẫn đến những tính chất khá khác biệt ở cái tôi này so với truyền thống: từ cái tôi – cảm xúc sang cái tôi - nhận thức, cái tôi bộc bạch, giãi bày sang cái tôi ẩn giấu, tượng trưng, cái tôi – sử thi đến cái tôi – nội cảm, tâm linh…(Đây cũng là sự chuyển đổi có tính quy luật ở nhiều nhà thơ cùng thế hệ với Nguyễn Lương Ngọc, dĩ nhiên, ở những mức độ, tính chất đậm nhạt khác nhau).
Đi cùng với những đổi mới trong cách nhìn về con người là sự đổi mới trong cách nhìn thế giới. Như có lần nói ở trên, Nguyễn Lương Ngọc không coi nhẹ việc “phản ánh hiện thực” trong thơ mình. Ngược lại, thơ ông “thâu nạp” khá nhiều “chất liệu” quen thuộc của đời sống công trường, nhà máy những năm 80 của thế kỉ XX, chẳng hạn giờ hành chính, hàng tã ai phơi trước lúc đi làm, khói mìn, sắt thép, máy móc bê tông, tiếng xe vượt dốc, giờ giao ban, giọt mồ hôi lẫn bụi đá mỡ dầu, áo bảo hộ đi qua loạt soạt…(ở đây, dấu vết cuộc sống thực tế mà nhà thơ đã trải qua trên công trường sông Đà những năm trẻ tuổi quả thật đậm nét). Dẫu vậy, từ những chất liệu thông thường đó, nhà thơ vẫn muốn, nói theo cách của Goethe, hướng đến một cái gì đó mang tính phổ quát hơn, cao cả hơn. Dường như ông muốn tìm kiếm từ đối tượng của “sự quan chiêm trực tiếp” ấy dấu vết của một cái gì như là quy luật, bản chất sâu xa của đời sống và sự tồn tại. Không dừng lại ở những đề tài thời sự xã hội quen thuộc trong thời điểm ấy, thơ ông hướng tới những chủ đề mang tính nhân sinh – thẩm mĩ rộng lớn hơn, trừu tượng và đậm màu sắc triết học hơn, chẳng hạn sự tồn tại của con người giữa tự nhiên, tình yêu, sự sống và cái chết…
Từ Từ nước đến Ngày sinh lại và đến Lời trong lời là cả một sự vận động, biến chuyển, đổi mới khá rõ về mặt thi pháp. Nếu trong Từ nước vẫn còn bị “trì níu” bởi những ý tứ, tình điệu và lối diễn đạt cũ, có phần dễ dãi và mòn sáo, kiểu như: Anh đợi, đợi em đã từ lâu lắm/ Hiểu vầng dương chưa đủ ấm tim mình; hoặc: Anh hờ hững nhét thư bạn giữa chồng báo cũ/ Trôi qua lòng một áng hoa xa…. thì ở hai tập sau, chủ đích tìm kiếm dường như đã xác định, những dầm dề lãng mạn nhanh chóng được giản lược để tiến thẳng đến những tìm tòi theo hướng hiện đại chủ nghĩa. Những đổi mới về mặt thi pháp trở nên nhất quán hơn, tập trung hơn và dĩ nhiên, thơ cũng trở nên trừu tượng hơn, khó đọc hơn. Ở đây tôi muốn nói đến những bài thơ “hay và khó” của ông, những tác phẩm thể hiện rõ cái “vạm vỡ và bay bổng” của hồn thơ Nguyễn Lương Ngọc, song cũng là những tác phẩm không dễ tiếp cận, lý giải: Con đường Van – Gốc, Hội họa lập thể, Từ nước, Cảm nhận, Đồng hồ vĩnh cửu, Gọi Hạc, Những cúc, Liên bút từ sen Huế…
Hãy thử bàn sâu hơn vào một phương diện thi pháp đặc sắc của thơ Nguyễn Lương Ngọc – cách tổ chức hình tượng. Kiến tạo hình tượng thơ dưới hình thức cuộc tra vấn không ngừng về con người và đời sống là điểm nổi bật đầu tiên. Đây là hệ quả trực tiếp của việc gia tăng chất nghĩ trong thơ mà tôi đã nhắc tới trong phần trước. Nó xuất phát từ ý thức tìm kiếm, tranh biện, lý giải không ngừng nhằm tìm kiếm “diệu lý của thi ca và cuộc đời”. Bởi, như chính ông nói: Trong ánh sáng trong bóng tối/ Cái tưởng rõ ràng, cái chưa thể thấu (Đừng)…Cảm hứng đối thoại, tra vấn đầy ráo riết này xuyên suốt trong nhiều sáng tác của ông, làm xuất hiện phổ biến các hình thức lập luận, phân tích, lý giải, định nghĩa... đầy tỉnh táo và khúc chiết. Thơ ông nhiều khi mang dáng dấp “những câu hỏi lớn không lời đáp”. Bài Lý do là một ví dụ điển hình với những truy vấn nội tâm liên tục, căng thẳng, không ngừng: Chúng ta, tôi, anh, em và ít người, tìm mãi lý do/ Lý do của đất, của bùn, lý do nước sông về biển và biển tan nát mà không tan nát được/ Không, vâng, tìm lý do của cái loài cây, các loại thú, các loại địa y và nấm mốc, tìm lý do của máu, một loài máu tự cho là cao quý bởi thực không gì làm cho nó bẩn được nhưng có thể làm cho nó biến mất/ Cũng như ta chưa bao giờ sinh ra, trên đời… Dẫu vậy, với Nguyễn Lương Ngọc, sáng tạo là hành trình đồng thời của sự nhận thức và tự nhận thức, bởi vậy, cái đích thực sự của cuộc kiếm tìm nhiều khi không phải ở câu trả lời, mà nằm chính trong bản thân hành trình đó. Dễ hiểu vì sao thơ ông không chỉ là sự “độc thoại” mà còn là những bản “hòa thanh” tư tưởng, ngay cả những tư tưởng có vẻ mâu thuẫn, đối lập. Bài thơ Lý do của ông rốt cục kết thúc một cách phấn khích bởi những lý do tột cùng… vô lý (và xiết bao thi vị) như thế này:
Và anh yêu em vì không thể tìm ra lý do, vì không thể không yêu em và vì cuộc đời khốn nạn này thật đáng sống, thật tuyệt chẳng có lý do nào khác. Lý do đất đã mang tôi, nước mang tôi và tôi mang tất cả trên đường về, một tia sáng xanh nhói lên trong ngực, uốn lượn và ôm chặt lấy em. Trên đường về.
Từ xuất phát điểm này, sẽ thấy tư tưởng hóa hình tượng là một xu hướng khá nổi bật trong thơ Nguyễn Lương Ngọc. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong cách ông khắc họa chân dung các nghệ sỹ: Nhà thơ (về nhà thơ Maiakopski), Thầy Sáng (về họa sỹ Nguyễn Sáng), Gió khô (về nhà thơ Hoàng Trung Thông), Với một nhà thơ vừa tắt (về nhà thơ Trần Vũ Mai)… Những chân dung tư tưởng ấy là đối ảnh chân thực của cái tôi tác giả, như chính ông viết - “cái người gọi trăng, ấy lòng ta, cái người gọi mặt trời, ấy hình ta”. Một cái tôi mạnh mẽ, quyết liệt, luôn sẵn sàng “đập vụn”, “nung chảy”, “xé toang” mình trong hành trình nhận thức và sáng tạo.
Kiến tạo hình tượng thơ trong sự chuyển động liên tục của liên tưởng và tưởng tượng là đặc điểm thứ hai, rất dễ thấy trong những sáng tác ở giai đoạn Lời trong lời, chẳng hạn Sóng lăn tăn bình minh, Dòng nước, Bài ca dịu dàng, Liên bút từ sen Huế, Hòa thanh, Đồng hồ vĩnh cửu… Hãy lấy Đồng hồ vĩnh cửu làm ví dụ. Bài thơ văn xuôi này được chia thành nhiều mục, đánh số thứ tự, với lời giáo đầu về một sân khấu cuộc đời đang hình thành, sinh nở bộn bề… Nhưng cái khung có vẻ cứng nhắc và duy lý này không thể gò ép được bức tranh đời sống liên tục biến hóa theo nhiều điểm nhìn. Cũng rất khó để thâu tóm nội dung bài thơ vào vài dòng tóm lược, bởi nó là sự trỗi dậy và nối tiếp liên tục của vô số hình ảnh, cái nọ gọi cái kia theo quy luật liên tưởng, vừa ngẫu nhiên, bất định, vừa biến hóa không cùng. Từ cái đồng hồ ba kim trên sân khấu, đột ngột hiện lên hình ảnh đứa trẻ kêu cứu giữa bể. Tiếp đến, vẫn đứa trẻ ấy, nhưng “toe toét cười phô cái lợi hồng hồng”. Hình ảnh “đôi mầm răng sữa như hai cái mộng hoa” gợi liên tưởng đến đầm sen, “mỗi mùa nở một cách”… Từ sen mà nghĩ đến tiếng chuông chùa, “tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng chuông”. Xuất hiện hình ảnh vị sư nữ “Nàng nằm, đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối”; “đôi vú nàng nhớ đôi môi của đứa con, đôi môi của người tình”. Một tiếng thét. Một con mèo “trèo lên đầu hồi trai phòng, ngồi im phăng phắc”… Quả thực, đấy là một “sân khấu cuộc đời” đầy hỗn độn, ở đó, cái bi và cái hài, cái thanh khiết và cái trần tục, cái vĩnh cửu và cái thoáng qua, cái trật tự và cái phi lý, lộn xộn…, tất cả đan cài vào nhau, không thể tách rời.
Ý tưởng mòn sáo về “sân khấu cuộc đời” được khắc phục, trước hết bởi những “chất liệu” sinh động, cụ thể, thoáng nét nhục cảm. Song yếu tố quyết định tính hiện đại của bức tranh đời sống này chính là nghệ thuật tổ chức hình tượng. Đó là sự kết hợp giữa nhiều thủ pháp thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: Điện ảnh (tốc độ chuyển cảnh nhanh, mạnh, ống kính lia gần/ xa linh hoạt…), Sân khấu (sự phân cảnh lớp lang, sự phối hợp chặt chẽ giữa hình ảnh - hành động - âm thanh…), Hội họa (sự “chồng chéo” của các hình ảnh, sự vật, nhằm tạo một cảm giác trừu tượng như trong tranh lập thể…); Đồng thời, bao trùm lên tất cả, sự đứt mạch liên tục của những liên tưởng, cảm giác, những ảo giác, ảo ảnh đột hiện hay những ý nghĩ lan man dị thường, chẳng ăn nhập gì… lại gợi nên, chưa bao giờ gần gũi đến thế, tính chất của một giấc mơ siêu thực. Có một số điểm mang tính nguyên tắc trong liên tưởng, tưởng tượng của Nguyễn Lương Ngọc. Đó là tính bất ngờ, tính độc sáng và tính ảo diệu. Trong những bài thơ cách tân, nhà thơ chủ yếu dựa trên trục liên tưởng – tưởng tượng ấy để xây dựng, kiến tạo hình tượng. Thế giới thơ ông, do vậy, càng ngày chất “siêu” càng nhiều hơn “thực”.
Kiến tạo hình tượng thơ theo những ám ảnh và cảm giác tâm linh chính là đặc điểm nổi bật thứ ba. Không ít người đã nói đến tính “dự cảm” không lành trong thơ Nguyễn Lương Ngọc (có lẽ do sự liên hệ tự nhiên với cái chết quá sớm và đau đớn của ông). Quả thực, ở đây ám ảnh về cõi chết và cái chết thường trở đi trở lại, khi như một ý nghĩ bất chợt, khi như một tiếng nói mơ hồ từ cõi nào thẳm xa. Chúng hiện diện trong những “tiên cảm” u tối, lạnh lẽo: Trong mơ đau thắt ngực/ Hình xưa lững thững về/ Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/ Hai anh em tươi/ Sương dâng ngang người (Tiên cảm)… Trong ý nghĩ khi nghe một bài hát: Cuộc sống lạnh lẽo sao/ cuộc chết ấm áp sao (Lời hát). Trong hành động chăm chút cho đứa con bé bỏng: Ai bắt anh chăm chút cái chết ngày mai/ Từ gói kẹo cho con hôm nay (Viết cho mình)… Tuy nhiên, đó chỉ là những biểu hiện bề mặt. Trong sâu xa, nó thể hiện cái khao khát mãnh liệt của nhà thơ trong việc truy tầm và lý giải bản thể của đời sống. Sống và Chết phải chăng chính là hai mặt thống nhất của một bản thể đó? Chẳng phải người ta nhận ra ý nghĩa của sự sống chính nhờ cái chết đó sao?… Chẳng thế mà trong Chỉ một, bài thơ thể hiện cái nhìn hợp nhất giữa sự Sống và cái Chết, giữa đời sống trần tục và cõi tâm linh, giữa cái thoáng chốc, phù du và cái Vĩnh cửu, ông viết:
Cái ở trên đầu giờ tìm vào trong ngực
Chỉ một
Tất cả chúng ta chỉ một
Có lẽ đây mới chính là nguyên nhân căn bản tạo nên những hình tượng tâm linh phổ biến trong thơ Nguyên Lương Ngọc. Từ đây, ta hiểu vì sao nhà thơ có cảm hứng đặc biệt với những mô típ chủ đề đối lập: cái chết và sự tái sinh, ra đi và trở về, con đường và sự ngơi nghỉ… Chẳng hạn trong Từ nước: Từ nước sinh ra/ Mai có nước ta về/ Rồi yên lòng từ nước lại ra đi; trong Trinh nữ: Sám hối cùng rễ cỏ/ Chờ một ngày tái sinh; trong Cảm nhận: Run rẩy như vừa sinh lại… Cách tổ chức hình tượng theo những ám ảnh, cảm giác tâm linh, dĩ nhiên, luôn gắn bó hết sức tự nhiên và chặt chẽ với mạch liên tưởng và tưởng tượng bất ngờ. Hệ quả là thơ Nguyễn Lương Ngọc nhiều khi trở nên hỗn độn, miên man, câu chữ, hình ảnh “díu” vào nhau, như bị cuốn theo dòng chảy tâm linh run rẩy không chủ đích và ta rất khó “cắt” ra những câu hay, chữ “đắt” để bình giảng cụ thể. Song bù lại, chính điều này lại có khả năng tạo ra một trường thẩm mĩ đặc biệt, đầy mông lung, mơ hồ, như được thẩm thấu và rọi chiếu bởi một thứ ánh sáng nội tâm huyền hoặc. Thơ Nguyễn Lương Ngọc, do vậy, bên cạnh tính duy lý, sáng tỏ, còn có một sắc thái thẩm mĩ khác, sâu kín và bí ẩn. Điều này làm tôi nhớ tới thơ Dương Kiều Minh, và, một phần nào đó, thơ Nguyễn Bình Phương. Từ đây, nhiều bài thơ của Nguyễn Lương Ngọc trở thành những biểu tượng phức, giàu trữ lượng biểu hiện, có khả năng lay động nhận thức và xúc cảm mạnh mẽ, chẳng hạn biểu tượng con đường Van – Gốc hay hội họa lập thể trong những bài thơ cùng tên, Hạc trắng trong Gọi Hạc, sen trong Đồng hồ vĩnh cửu, Liên bút từ sen Huế… Sen xuất hiện trong thơ tác giả này như một ám ảnh vừa gần gũi vừa xa xôi, hư huyễn. Sen là “hiển lộ” của quy luật sinh hóa muôn đời của tự nhiên, của vũ trụ, là biểu tượng của đời sống tâm linh bí ẩn phương Đông. Nhưng Sen cũng là một thái độ sống “không lựa chọn”, bình tĩnh, an nhiên tự tại của một cá nhân hiện đại:
- Hoa sen nở không lựa chọn. Giữa đầm, hoa nở. Ven bờ, hoa nở, hái vào nhà cắm vào lọ, hoa nở, và mang bày giữa người thích mặc cả, hoa vẫn nở. Là hoa thì nở, dẫu biết nở là chết.
(Đồng hồ vĩnh cửu)
- Hai bông sen dành cho em, một bông đã nở lúc ban mai
Nhưng em không còn thấy bông nào vì giờ
chúng đã tàn và không nhìn người nữa.
Nhưng em, em có muốn nhìn anh như màu
chiều muộn hừng bên hồ Tịnh Tâm
Dư quang sen còn thầm nhắc lời, anh yêu em…
(Liên bút từ sen Huế)
Ở đây biểu tượng không đơn thuần là phương tiện chuyên chở luận đề tư tưởng. Tính chất đa nghĩa, phức tạp, khó tiếp cận, lí giải cũng cho thấy một sự tồn tại có tính độc lập của chúng.
Áp lực của quan niệm cách tân đã dẫn đến những đổi mới hết sức quyết liệt và tích cực trong thi pháp thơ Nguyễn Lương Ngọc. Dù không phải tìm tòi, thử nghiệm nào của ông cũng thành công, song nhìn chung, sáng tác của tác giả này đã đem lại một tinh thần và cảm hứng sáng tạo thật sự hiện đại, mới mẻ. Điều đặc biệt là trong thơ ông, ở nhiều tác phẩm cụ thể, còn có sự kết hợp nhuần nhị giữa cái mạch lạc sáng rõ của kiểu tư duy phương Tây và cái mơ hồ, bí ẩn của tâm linh phương Đông. Đó là một điểm nhấn độc đáo, khác biệt ở ngòi bút này.
Số phận khắc nghiệt không cho phép Nguyễn Lương Ngọc đi xa hơn trên hành trình sáng tạo của mình. Nhưng những gì để lại cũng đủ để khẳng định ông là một gương mặt thơ cách tân mạnh mẽ. Tinh thần dấn thân tìm tòi và quan niệm cách tân quyết liệt là đóng góp cơ bản và hết sức có ý nghĩa của Nguyễn Lương Ngọc cho thơ, cho sự sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ, chính điều này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều cây bút cùng thế hệ với ông, góp phần vào việc đẩy nhanh tiến trình đổi mới thơ Việt đương đại.
Chú thích
1. Nguyễn Lương Ngọc, Thơ và người, Tạ Duy Anh (sưu tầm và tuyển chọn), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006, tr. 250.
Mọi hành động sáng tạo đầu tiên đều là hành động hủy diệt”.
Lê Hồ Quang
Với ba tập thơ (Từ nước - 1990, Ngày sinh lại - 1991, Lời trong lời - 1994), Nguyễn Lương Ngọc nổi lên như một gương mặt đầy cá tính của thế hệ nhà thơ Đổi mới. Đắm đuối với thơ ca, đồng thời cũng hết sức say mê Hội họa và Mỹ thuật, ông am hiểu khá rộng về các lĩnh vực nghệ thuật vốn có quan hệ chặt chẽ như Hội họa, Âm nhạc và Văn học… Đây là điều kiện tích cực giúp nhà thơ sớm hình thành một quan niệm hiện đại về thơ, về hoạt động sáng tạo.
Trong Hội họa lập thể, bài thơ được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả, Nguyễn Lương Ngọc viết:
Khi mắt đã no nê
Những quy tắc lên men
Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật
Có gì không ổn
Có gì như bệnh tật
Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ
Anh không muốn nhìn những gì mình đã vẽ
Chính nước mắt, hay máu tứa ra từ cái nhìn bền bỉ
Đã cho anh chiếc lăng kính này đây
Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu
Em tặng anh cát
Đây nó là thủy tinh
Em tặng anh dòng sông
Đây nó là ánh sáng
Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được
Đấy là em
Thực chất, với Nguyễn Lương Ngọc, nói về hội họa chính là để nói về thơ, về việc cách tân quan niệm và thi pháp thơ. Ông đề cao hội họa lập thể (rộng hơn là nghệ thuật hiện đại), trước hết, bởi cái tinh thần cách tân quyết liệt của nó. Chủ soái của phái Lập thể, Pablo Picasso viết: “Mọi hành động sáng tạo đầu tiên đều là hành động hủy diệt”. Phải chăng Nguyễn Lương Ngọc được gợi ý từ ý tưởng này khi ông viết: đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu? Bản thân Picasso, dù rất say mê với hội họa lập thể, không bao giờ cho rằng các phương pháp của phái lập thể có thể thay thế mọi cách miêu tả về thế giới hữu hình và trên thực tế ông liên tục thay đổi phong cách và phương pháp tạo hình của mình. Tôi tin đây cũng là điểm Nguyễn Lương Ngọc hoàn toàn đồng tình với nhà danh họa. Cái đẹp luôn là một ý niệm mang tính lịch sử. Do đó, sáng tạo đúng nghĩa luôn đòi hỏi ở người nghệ sỹ khả năng “gây hấn”, “nổi loạn” (một cách nói hình tượng, nay đã trở nên quá quen thuộc) – với truyền thống, với chính mình - nhằm chống lại những giá trị thẩm mĩ đã trở nên lỗi thời và để xây dựng những chuẩn mực giá trị mới. Điều này đòi hỏi một tinh thần dấn thân quyết liệt, một ý thức và quyết tâm thay đổi tận gốc rễ nhận thức, tư duy. Đổi mới tư duy chính là yêu cầu tiên quyết đối với nghệ sĩ khi đứng trước mục tiêu cách tân nghệ thuật.
Thứ hai, Nguyễn Lương Ngọc chắc chắn đồng tình và đề cao quan niệm mĩ học mới về thế giới và con người của nghệ thuật hiện đại mà Lập thể là một đại diện tiêu biểu. Đó là quan niệm đề cao cái nhìn bên trong, “con mắt tâm trí”. Thế giới nghệ thuật được tạo ra theo/bởi con mắt ấy, theo cách nghệ sỹ hiểu về sự vật, do đó, dù có vẻ tương tự thế giới tự nhiên, nhưng thực chất nó đã được tổ chức, sắp xếp lại bằng tư duy, bằng trí tưởng tượng. Cũng là Pablo Picasso khẳng định: “Tôi vẽ như tôi nghĩ. Không phải như tôi nhìn thấy”. Bản chất sáng tạo của nghệ thuật đòi hỏi nghệ sỹ phải biết vượt lên cái nhìn nệ thực để phát hiện ra cái đẹp ở “bề sâu, bề sau, bề xa” hiện thực. Ấy là cái đẹp “trong trắng/ như đất đá lá hoa như nắng/ thật mình/ dường đơn giản” (Thầy Sáng). Nó tiềm ẩn một sức mạnh khai sáng và “thức tỉnh” lớn lao: Vì cùng với cao xanh người chứng tỏ cao xanh/ cùng nước, bùn, dế, giun, người chứng tỏ mênh mông/ cùng con người ngươi phải đến xòe rộng đôi cánh mạnh mẽ của cái đẹp đang than khóc/ đòi được đánh thức và sẽ thức tỉnh (Bản tin ngắn)…
Thứ ba, chắc chắn nghệ thuật hiện đại và họa phái lập thể đã có những gợi ý tích cực cho nhà thơ về nhãn quan và bút pháp tạo hình. Đó là nhãn quan mô tả theo hướng giản lược và tượng trưng. Đi sâu vào bản chất sáng tạo, Nguyễn Lương Ngọc đề cao “sức gợi”, “những khoảng lặng nhiều tầng lớp thanh âm đầy quyền lực huyền bí”, “ít kí hiệu mà giàu khoảng trống”, “những ký hiệu của một chu trình đang còn dằng dặc”1. Đi cùng với việc phát huy cao độ tính chủ quan và trí tưởng tượng, trong thế giới thơ này, sự vật có thể bị “bóp méo”, “xô lệch”, “chồng chéo” lên nhau để đồng hiện trên cùng một không/ thời gian trong những dáng vẻ, chiều kích, sắc màu khác lạ, đầy bất ngờ. Đó là kết quả của một kiểu tư duy “lập thể” đa tầng và biến ảo. Trực giác, liên tưởng, tưởng tượng phóng túng… là những yếu tố không thể thiếu của kiểu tư duy này.
Quan niệm thơ của Nguyễn Lương Ngọc, được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, qua phê bình hoặc qua sáng tác…, song tất cả đều cho thấy một ý thức cách tân sôi nổi và nhiệt thành của tác giả nhằm hướng đến một chuẩn mực thẩm mĩ mới, theo hướng hiện đại chủ nghĩa. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những nguồn sáng tạo văn học, nghệ thuật phương Tây hiện đại, quan niệm này được phát biểu trong cảm hứng đối thoại và phản biện sôi nổi với nhiều quan niệm thơ đương thời.
Với ông, cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, “mĩ cảm” vừa là yêu cầu vừa là đích đến đầu tiên trong sáng tạo cũng như tiếp nhận. Nhà thơ trước hết phải hiện diện với tư cách của kẻ hành nghề sáng tạo, một nghề nghiệp có tính đặc thù. Nó đặt lên hàng đầu yêu cầu về tài năng, sự dấn thân và ý thức cách tân triệt để. Bởi vậy, nói theo cách của Nguyễn Lương Ngọc, “khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ”, khi “những quy tắc lên men”, khi ấy “sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật”. Tất nhiên, nhà thơ hoàn toàn ý thức được rằng chức năng thẩm mĩ ở đây không hề tách rời chức năng đạo đức - xã hội. Vấn đề là nghệ thuật, trong đó có thơ, tác động đến đời sống theo cách riêng, qua/bằng các phương tiện thẩm mĩ đặc thù của nó. Trên thực tế, sáng tác Nguyễn Lương Ngọc cho thấy “phản ánh hiện thực” cũng là cái đích tác giả hướng tới. Nhưng đó không chỉ là cái hiện thực “lao động, sản xuất, chiến đấu” mà còn là cái hiện thực nội tâm sâu kín. Việc phản ánh hiện thực ấy đòi hỏi một tư duy, một thi pháp mới (nhà thơ gọi đó là một “cái nhìn”, một “lăng kính” khác). Qua đó, hiện thực không còn là cái được “nhìn thấy”, mà là cái được “cảm thấy”: Em tặng anh cát/ Đây nó là thủy tinh/ Em tặng anh dòng sông/ Đây nó là ánh sáng/ Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được/ Đấy là em…
Những tìm tòi, cách tân này càng đặc biệt có ý nghĩa, nếu ta đặt nó vào thời điểm những năm tám mươi của thế kỉ XX, khi đời sống văn học đang rơi vào tình trạng “chân không” - không thể viết như cũ, song đổi mới như thế nào thì vẫn là một câu hỏi lớn với đại đa số người cầm bút. Tuy nhiên, khách quan mà nói, đây không phải là một quan niệm hoàn toàn đột biến và xa lạ. Trước đó, ngay từ thời Thơ mới, trong các sáng tác của Trường thơ Loạn hay nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng đã xuất hiện những đổi mới theo hướng tượng trưng, siêu thực. Có điều do những yêu cầu lịch sử - xã hội, sau 1945, trong văn học ở miền Bắc, những tìm tòi theo hướng này không có điều kiện tiếp tục. Mặc dầu vậy, vẫn có thể thấy những đổi mới hình thức ấy trong thơ của các tác giả như Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… Như vậy, những cách tân thi pháp của Nguyễn Lương Ngọc và thế hệ của ông, xét đến cùng, hoàn toàn không đứt rời với mạch ngầm “cuống nhau và chùm rễ” tìm tòi, đổi mới của người đi trước. Đó là sự kế thừa và phát triển mang tính quy luật trong sáng tạo nghệ thuật.
Cách tân trong quan niệm tất yếu dẫn đến cách tân thi pháp. Trước hết, thơ Nguyễn Lương Ngọc trở nên giàu chất nghĩ, theo nghĩa là một phẩm chất của thơ, trong đó, nhà thơ chú trọng hướng đến đến mục tiêu nhận thức hơn là giãi bày xúc cảm. Điều này thể hiện một ý thức thay đổi của nhà thơ: trong một nhãn quan hiện đại hơn, người ta muốn thơ không chỉ sa lầy trong tình trạng “tê mê và rũ liệt” của cảm xúc mà còn là sự cất cánh của tư tưởng, của trí tuệ. Thơ ông, vì thế, đi cùng trữ lượng cảm xúc dồi dào là một năng lực phân tích trực giác bén nhạy. Ở đó, cá nhân luôn tự cảm thấy bản thân trong trạng thái tinh thần đồng điệu với thế giới: Lững thững bờ sông quen/ Nghe gió chảy quanh/ Mình cũng một phần mùa đông/ Lạnh ở đâu ngấu vào nước xanh/ Nhớ ở đâu nổi triền lau sáng/ Sương mờ dâng từ dự cảm nào/ Cho cây đừng thấy cây tàn vắng (Mùa đông)… Một thế giới được mô tả không phải nhằm mục đích giãi bày, thổ lộ xúc cảm, mà để hình dung, để ngẫm nghĩ và xa hơn, để lí giải về cái trạng thái tồn tại của bản thể. Hình tượng con người, do đó, thường hiện lên trong những trạng thái nghiệm sinh khác nhau, vừa mơ hồ vừa xác thực, vừa trừu tượng vừa cụ thể, chẳng hạn: Những ngôi sao từng đôi lên/ Từng đôi chim bay về tổ/ Chiều không ai chiều một mình (Những buổi chiều); Những cúc cúc đã nở/ vàng vàng năm ngày rồi/ chúng sẽ còn nở nữa/ cả khi không còn ai… Những cúc đã nở/ vàng, năm ngày ư? (Những cúc)… Dường như chỉ những nhận thức trực cảm đầy mâu thuẫn ấy mới có thể giúp nhà thơ “ngộ” ra trọn vẹn bản chất của sự tồn tại. Điều này dần dẫn đến những tính chất khá khác biệt ở cái tôi này so với truyền thống: từ cái tôi – cảm xúc sang cái tôi - nhận thức, cái tôi bộc bạch, giãi bày sang cái tôi ẩn giấu, tượng trưng, cái tôi – sử thi đến cái tôi – nội cảm, tâm linh…(Đây cũng là sự chuyển đổi có tính quy luật ở nhiều nhà thơ cùng thế hệ với Nguyễn Lương Ngọc, dĩ nhiên, ở những mức độ, tính chất đậm nhạt khác nhau).
Đi cùng với những đổi mới trong cách nhìn về con người là sự đổi mới trong cách nhìn thế giới. Như có lần nói ở trên, Nguyễn Lương Ngọc không coi nhẹ việc “phản ánh hiện thực” trong thơ mình. Ngược lại, thơ ông “thâu nạp” khá nhiều “chất liệu” quen thuộc của đời sống công trường, nhà máy những năm 80 của thế kỉ XX, chẳng hạn giờ hành chính, hàng tã ai phơi trước lúc đi làm, khói mìn, sắt thép, máy móc bê tông, tiếng xe vượt dốc, giờ giao ban, giọt mồ hôi lẫn bụi đá mỡ dầu, áo bảo hộ đi qua loạt soạt…(ở đây, dấu vết cuộc sống thực tế mà nhà thơ đã trải qua trên công trường sông Đà những năm trẻ tuổi quả thật đậm nét). Dẫu vậy, từ những chất liệu thông thường đó, nhà thơ vẫn muốn, nói theo cách của Goethe, hướng đến một cái gì đó mang tính phổ quát hơn, cao cả hơn. Dường như ông muốn tìm kiếm từ đối tượng của “sự quan chiêm trực tiếp” ấy dấu vết của một cái gì như là quy luật, bản chất sâu xa của đời sống và sự tồn tại. Không dừng lại ở những đề tài thời sự xã hội quen thuộc trong thời điểm ấy, thơ ông hướng tới những chủ đề mang tính nhân sinh – thẩm mĩ rộng lớn hơn, trừu tượng và đậm màu sắc triết học hơn, chẳng hạn sự tồn tại của con người giữa tự nhiên, tình yêu, sự sống và cái chết…
Từ Từ nước đến Ngày sinh lại và đến Lời trong lời là cả một sự vận động, biến chuyển, đổi mới khá rõ về mặt thi pháp. Nếu trong Từ nước vẫn còn bị “trì níu” bởi những ý tứ, tình điệu và lối diễn đạt cũ, có phần dễ dãi và mòn sáo, kiểu như: Anh đợi, đợi em đã từ lâu lắm/ Hiểu vầng dương chưa đủ ấm tim mình; hoặc: Anh hờ hững nhét thư bạn giữa chồng báo cũ/ Trôi qua lòng một áng hoa xa…. thì ở hai tập sau, chủ đích tìm kiếm dường như đã xác định, những dầm dề lãng mạn nhanh chóng được giản lược để tiến thẳng đến những tìm tòi theo hướng hiện đại chủ nghĩa. Những đổi mới về mặt thi pháp trở nên nhất quán hơn, tập trung hơn và dĩ nhiên, thơ cũng trở nên trừu tượng hơn, khó đọc hơn. Ở đây tôi muốn nói đến những bài thơ “hay và khó” của ông, những tác phẩm thể hiện rõ cái “vạm vỡ và bay bổng” của hồn thơ Nguyễn Lương Ngọc, song cũng là những tác phẩm không dễ tiếp cận, lý giải: Con đường Van – Gốc, Hội họa lập thể, Từ nước, Cảm nhận, Đồng hồ vĩnh cửu, Gọi Hạc, Những cúc, Liên bút từ sen Huế…
Hãy thử bàn sâu hơn vào một phương diện thi pháp đặc sắc của thơ Nguyễn Lương Ngọc – cách tổ chức hình tượng. Kiến tạo hình tượng thơ dưới hình thức cuộc tra vấn không ngừng về con người và đời sống là điểm nổi bật đầu tiên. Đây là hệ quả trực tiếp của việc gia tăng chất nghĩ trong thơ mà tôi đã nhắc tới trong phần trước. Nó xuất phát từ ý thức tìm kiếm, tranh biện, lý giải không ngừng nhằm tìm kiếm “diệu lý của thi ca và cuộc đời”. Bởi, như chính ông nói: Trong ánh sáng trong bóng tối/ Cái tưởng rõ ràng, cái chưa thể thấu (Đừng)…Cảm hứng đối thoại, tra vấn đầy ráo riết này xuyên suốt trong nhiều sáng tác của ông, làm xuất hiện phổ biến các hình thức lập luận, phân tích, lý giải, định nghĩa... đầy tỉnh táo và khúc chiết. Thơ ông nhiều khi mang dáng dấp “những câu hỏi lớn không lời đáp”. Bài Lý do là một ví dụ điển hình với những truy vấn nội tâm liên tục, căng thẳng, không ngừng: Chúng ta, tôi, anh, em và ít người, tìm mãi lý do/ Lý do của đất, của bùn, lý do nước sông về biển và biển tan nát mà không tan nát được/ Không, vâng, tìm lý do của cái loài cây, các loại thú, các loại địa y và nấm mốc, tìm lý do của máu, một loài máu tự cho là cao quý bởi thực không gì làm cho nó bẩn được nhưng có thể làm cho nó biến mất/ Cũng như ta chưa bao giờ sinh ra, trên đời… Dẫu vậy, với Nguyễn Lương Ngọc, sáng tạo là hành trình đồng thời của sự nhận thức và tự nhận thức, bởi vậy, cái đích thực sự của cuộc kiếm tìm nhiều khi không phải ở câu trả lời, mà nằm chính trong bản thân hành trình đó. Dễ hiểu vì sao thơ ông không chỉ là sự “độc thoại” mà còn là những bản “hòa thanh” tư tưởng, ngay cả những tư tưởng có vẻ mâu thuẫn, đối lập. Bài thơ Lý do của ông rốt cục kết thúc một cách phấn khích bởi những lý do tột cùng… vô lý (và xiết bao thi vị) như thế này:
Và anh yêu em vì không thể tìm ra lý do, vì không thể không yêu em và vì cuộc đời khốn nạn này thật đáng sống, thật tuyệt chẳng có lý do nào khác. Lý do đất đã mang tôi, nước mang tôi và tôi mang tất cả trên đường về, một tia sáng xanh nhói lên trong ngực, uốn lượn và ôm chặt lấy em. Trên đường về.
Từ xuất phát điểm này, sẽ thấy tư tưởng hóa hình tượng là một xu hướng khá nổi bật trong thơ Nguyễn Lương Ngọc. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong cách ông khắc họa chân dung các nghệ sỹ: Nhà thơ (về nhà thơ Maiakopski), Thầy Sáng (về họa sỹ Nguyễn Sáng), Gió khô (về nhà thơ Hoàng Trung Thông), Với một nhà thơ vừa tắt (về nhà thơ Trần Vũ Mai)… Những chân dung tư tưởng ấy là đối ảnh chân thực của cái tôi tác giả, như chính ông viết - “cái người gọi trăng, ấy lòng ta, cái người gọi mặt trời, ấy hình ta”. Một cái tôi mạnh mẽ, quyết liệt, luôn sẵn sàng “đập vụn”, “nung chảy”, “xé toang” mình trong hành trình nhận thức và sáng tạo.
Kiến tạo hình tượng thơ trong sự chuyển động liên tục của liên tưởng và tưởng tượng là đặc điểm thứ hai, rất dễ thấy trong những sáng tác ở giai đoạn Lời trong lời, chẳng hạn Sóng lăn tăn bình minh, Dòng nước, Bài ca dịu dàng, Liên bút từ sen Huế, Hòa thanh, Đồng hồ vĩnh cửu… Hãy lấy Đồng hồ vĩnh cửu làm ví dụ. Bài thơ văn xuôi này được chia thành nhiều mục, đánh số thứ tự, với lời giáo đầu về một sân khấu cuộc đời đang hình thành, sinh nở bộn bề… Nhưng cái khung có vẻ cứng nhắc và duy lý này không thể gò ép được bức tranh đời sống liên tục biến hóa theo nhiều điểm nhìn. Cũng rất khó để thâu tóm nội dung bài thơ vào vài dòng tóm lược, bởi nó là sự trỗi dậy và nối tiếp liên tục của vô số hình ảnh, cái nọ gọi cái kia theo quy luật liên tưởng, vừa ngẫu nhiên, bất định, vừa biến hóa không cùng. Từ cái đồng hồ ba kim trên sân khấu, đột ngột hiện lên hình ảnh đứa trẻ kêu cứu giữa bể. Tiếp đến, vẫn đứa trẻ ấy, nhưng “toe toét cười phô cái lợi hồng hồng”. Hình ảnh “đôi mầm răng sữa như hai cái mộng hoa” gợi liên tưởng đến đầm sen, “mỗi mùa nở một cách”… Từ sen mà nghĩ đến tiếng chuông chùa, “tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng chuông”. Xuất hiện hình ảnh vị sư nữ “Nàng nằm, đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối”; “đôi vú nàng nhớ đôi môi của đứa con, đôi môi của người tình”. Một tiếng thét. Một con mèo “trèo lên đầu hồi trai phòng, ngồi im phăng phắc”… Quả thực, đấy là một “sân khấu cuộc đời” đầy hỗn độn, ở đó, cái bi và cái hài, cái thanh khiết và cái trần tục, cái vĩnh cửu và cái thoáng qua, cái trật tự và cái phi lý, lộn xộn…, tất cả đan cài vào nhau, không thể tách rời.
Ý tưởng mòn sáo về “sân khấu cuộc đời” được khắc phục, trước hết bởi những “chất liệu” sinh động, cụ thể, thoáng nét nhục cảm. Song yếu tố quyết định tính hiện đại của bức tranh đời sống này chính là nghệ thuật tổ chức hình tượng. Đó là sự kết hợp giữa nhiều thủ pháp thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: Điện ảnh (tốc độ chuyển cảnh nhanh, mạnh, ống kính lia gần/ xa linh hoạt…), Sân khấu (sự phân cảnh lớp lang, sự phối hợp chặt chẽ giữa hình ảnh - hành động - âm thanh…), Hội họa (sự “chồng chéo” của các hình ảnh, sự vật, nhằm tạo một cảm giác trừu tượng như trong tranh lập thể…); Đồng thời, bao trùm lên tất cả, sự đứt mạch liên tục của những liên tưởng, cảm giác, những ảo giác, ảo ảnh đột hiện hay những ý nghĩ lan man dị thường, chẳng ăn nhập gì… lại gợi nên, chưa bao giờ gần gũi đến thế, tính chất của một giấc mơ siêu thực. Có một số điểm mang tính nguyên tắc trong liên tưởng, tưởng tượng của Nguyễn Lương Ngọc. Đó là tính bất ngờ, tính độc sáng và tính ảo diệu. Trong những bài thơ cách tân, nhà thơ chủ yếu dựa trên trục liên tưởng – tưởng tượng ấy để xây dựng, kiến tạo hình tượng. Thế giới thơ ông, do vậy, càng ngày chất “siêu” càng nhiều hơn “thực”.
Kiến tạo hình tượng thơ theo những ám ảnh và cảm giác tâm linh chính là đặc điểm nổi bật thứ ba. Không ít người đã nói đến tính “dự cảm” không lành trong thơ Nguyễn Lương Ngọc (có lẽ do sự liên hệ tự nhiên với cái chết quá sớm và đau đớn của ông). Quả thực, ở đây ám ảnh về cõi chết và cái chết thường trở đi trở lại, khi như một ý nghĩ bất chợt, khi như một tiếng nói mơ hồ từ cõi nào thẳm xa. Chúng hiện diện trong những “tiên cảm” u tối, lạnh lẽo: Trong mơ đau thắt ngực/ Hình xưa lững thững về/ Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/ Hai anh em tươi/ Sương dâng ngang người (Tiên cảm)… Trong ý nghĩ khi nghe một bài hát: Cuộc sống lạnh lẽo sao/ cuộc chết ấm áp sao (Lời hát). Trong hành động chăm chút cho đứa con bé bỏng: Ai bắt anh chăm chút cái chết ngày mai/ Từ gói kẹo cho con hôm nay (Viết cho mình)… Tuy nhiên, đó chỉ là những biểu hiện bề mặt. Trong sâu xa, nó thể hiện cái khao khát mãnh liệt của nhà thơ trong việc truy tầm và lý giải bản thể của đời sống. Sống và Chết phải chăng chính là hai mặt thống nhất của một bản thể đó? Chẳng phải người ta nhận ra ý nghĩa của sự sống chính nhờ cái chết đó sao?… Chẳng thế mà trong Chỉ một, bài thơ thể hiện cái nhìn hợp nhất giữa sự Sống và cái Chết, giữa đời sống trần tục và cõi tâm linh, giữa cái thoáng chốc, phù du và cái Vĩnh cửu, ông viết:
Cái ở trên đầu giờ tìm vào trong ngực
Chỉ một
Tất cả chúng ta chỉ một
Có lẽ đây mới chính là nguyên nhân căn bản tạo nên những hình tượng tâm linh phổ biến trong thơ Nguyên Lương Ngọc. Từ đây, ta hiểu vì sao nhà thơ có cảm hứng đặc biệt với những mô típ chủ đề đối lập: cái chết và sự tái sinh, ra đi và trở về, con đường và sự ngơi nghỉ… Chẳng hạn trong Từ nước: Từ nước sinh ra/ Mai có nước ta về/ Rồi yên lòng từ nước lại ra đi; trong Trinh nữ: Sám hối cùng rễ cỏ/ Chờ một ngày tái sinh; trong Cảm nhận: Run rẩy như vừa sinh lại… Cách tổ chức hình tượng theo những ám ảnh, cảm giác tâm linh, dĩ nhiên, luôn gắn bó hết sức tự nhiên và chặt chẽ với mạch liên tưởng và tưởng tượng bất ngờ. Hệ quả là thơ Nguyễn Lương Ngọc nhiều khi trở nên hỗn độn, miên man, câu chữ, hình ảnh “díu” vào nhau, như bị cuốn theo dòng chảy tâm linh run rẩy không chủ đích và ta rất khó “cắt” ra những câu hay, chữ “đắt” để bình giảng cụ thể. Song bù lại, chính điều này lại có khả năng tạo ra một trường thẩm mĩ đặc biệt, đầy mông lung, mơ hồ, như được thẩm thấu và rọi chiếu bởi một thứ ánh sáng nội tâm huyền hoặc. Thơ Nguyễn Lương Ngọc, do vậy, bên cạnh tính duy lý, sáng tỏ, còn có một sắc thái thẩm mĩ khác, sâu kín và bí ẩn. Điều này làm tôi nhớ tới thơ Dương Kiều Minh, và, một phần nào đó, thơ Nguyễn Bình Phương. Từ đây, nhiều bài thơ của Nguyễn Lương Ngọc trở thành những biểu tượng phức, giàu trữ lượng biểu hiện, có khả năng lay động nhận thức và xúc cảm mạnh mẽ, chẳng hạn biểu tượng con đường Van – Gốc hay hội họa lập thể trong những bài thơ cùng tên, Hạc trắng trong Gọi Hạc, sen trong Đồng hồ vĩnh cửu, Liên bút từ sen Huế… Sen xuất hiện trong thơ tác giả này như một ám ảnh vừa gần gũi vừa xa xôi, hư huyễn. Sen là “hiển lộ” của quy luật sinh hóa muôn đời của tự nhiên, của vũ trụ, là biểu tượng của đời sống tâm linh bí ẩn phương Đông. Nhưng Sen cũng là một thái độ sống “không lựa chọn”, bình tĩnh, an nhiên tự tại của một cá nhân hiện đại:
- Hoa sen nở không lựa chọn. Giữa đầm, hoa nở. Ven bờ, hoa nở, hái vào nhà cắm vào lọ, hoa nở, và mang bày giữa người thích mặc cả, hoa vẫn nở. Là hoa thì nở, dẫu biết nở là chết.
(Đồng hồ vĩnh cửu)
- Hai bông sen dành cho em, một bông đã nở lúc ban mai
Nhưng em không còn thấy bông nào vì giờ
chúng đã tàn và không nhìn người nữa.
Nhưng em, em có muốn nhìn anh như màu
chiều muộn hừng bên hồ Tịnh Tâm
Dư quang sen còn thầm nhắc lời, anh yêu em…
(Liên bút từ sen Huế)
Ở đây biểu tượng không đơn thuần là phương tiện chuyên chở luận đề tư tưởng. Tính chất đa nghĩa, phức tạp, khó tiếp cận, lí giải cũng cho thấy một sự tồn tại có tính độc lập của chúng.
Áp lực của quan niệm cách tân đã dẫn đến những đổi mới hết sức quyết liệt và tích cực trong thi pháp thơ Nguyễn Lương Ngọc. Dù không phải tìm tòi, thử nghiệm nào của ông cũng thành công, song nhìn chung, sáng tác của tác giả này đã đem lại một tinh thần và cảm hứng sáng tạo thật sự hiện đại, mới mẻ. Điều đặc biệt là trong thơ ông, ở nhiều tác phẩm cụ thể, còn có sự kết hợp nhuần nhị giữa cái mạch lạc sáng rõ của kiểu tư duy phương Tây và cái mơ hồ, bí ẩn của tâm linh phương Đông. Đó là một điểm nhấn độc đáo, khác biệt ở ngòi bút này.
Số phận khắc nghiệt không cho phép Nguyễn Lương Ngọc đi xa hơn trên hành trình sáng tạo của mình. Nhưng những gì để lại cũng đủ để khẳng định ông là một gương mặt thơ cách tân mạnh mẽ. Tinh thần dấn thân tìm tòi và quan niệm cách tân quyết liệt là đóng góp cơ bản và hết sức có ý nghĩa của Nguyễn Lương Ngọc cho thơ, cho sự sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ, chính điều này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều cây bút cùng thế hệ với ông, góp phần vào việc đẩy nhanh tiến trình đổi mới thơ Việt đương đại.
Chú thích
1. Nguyễn Lương Ngọc, Thơ và người, Tạ Duy Anh (sưu tầm và tuyển chọn), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006, tr. 250.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét