Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội ngày 15-12-1986, là đại hội mở màn cho thời kỳ Đổi Mới.
Ở cái thời 1986 rất chắc chắn là không ai nói “mở cửa” hết. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội 6 không có chữ “mở cửa” nào, trong khi có tới 81 lần dùng từ “đổi mới”.
Báo cáo còn nói thế này ạ:
“Về hoạt động văn hóa, văn nghệ: Công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật phải được nâng cao chất lượng. Mỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi.”
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp may tư nhân Minh Châu trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1987, một năm sau đại hội VI. Hình từ trang này
Có vẻ như, Đại hội 6 chủ yếu (quan trọng nhất) là thừa nhận sai lầm và điều chỉnh sai lầm trong quan điểm và thực hành quản lý nền kinh tế thời kì quá độ. Về khái niệm “quốc tế” vẫn chia làm hai phe: Các nước quốc tế anh em và Bọn phản động quốc tế. Do đó hợp tác kinh tế quốc tế vẫn chủ yếu trong Hội đồng tương trợ kinh tế, thậm chí nghiên cứu khoa học cũng tham gia vào khối này. Đẩy mạnh xuất khẩu cũng chủ yếu vào các nước này, và do “nhà nước độc quyền ngoại thương”. Hình như giai đoạn này chúng ta còn thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” bằng hình thức xuất khẩu lao động sang các nước trong Hội đồng.
Áp phích thời kỳ Đổi mới. Hình từ trang này
Nghĩa là: Thời 1986, ở tầng vĩ mô chưa thấy nói đến “kinh tế thị trường”, cũng chưa phải “mở cửa” để đón chào vị khách nào mới lạ từ bên ngoài đất nước (và hình thái ý thức) hết.
Mỹ thuật hồi đó hình như bảo nhau “cởi trói”. Chắc cởi trói xong còn vặn vẹo tập tành và ăn uống một thời gian mới có sức “mở cửa” chứ ạ.
Mãi đến Đại hội 8 (1996), tức là 10 năm sau Đổi Mới, mới có một từ “mở cửa” duy nhất trong báo cáo chính trị đại hội; Nhưng là nói rằng:
“Trong điều kiện cơ chế thị trường, kinh tế nhiều thành phần, MỞ CỬA với bên ngoài, cán bộ, đảng viên hàng ngày, hàng giờ chịu sự tác động nhiều nhân tố rất phức tạp, …”.
Sang Đại hội 9 không nói gì đến “mở cửa”, Đại hội 10 cũng chỉ có 1 lần “mở cửa” trong câu: ”MỞ CỬA thị trường dịch vụ ngân hàng theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.”
Đại hội 11 ngoài mở cửa ngân hàng, có thêm “lộ trình MỞ CỬA thị trường bảo hiểm”.
Đại hội 12 chẳng nói gì đến “mở cửa”.
Như vậy, Mở cửa đặt cạnh Đổi mới và ăn theo thời gian 30 năm là hơi khiên cưỡng.
Chưa kể, “mở cửa” vẫn hay được dùng cho bên Trung Quốc hơn (để dịch từ “khai phóng” của họ). Đều là sự nghiệp cải cách, nhưng gọi tên thì Trung Quốc là “mở cửa”, Việt Nam là “đổi mới”.
Áp phích thời kỳ Đổi mới. Hình từ trang này
*
Chuyện thêm, ai muốn đọc thì đọc
Tinh thần “mở rộng” và “bình thường hóa” quan hệ quốc tế của Đảng (như một cơ sở để còn mở cửa) có thể thấy qua một chi tiết thú vị của các Báo cáo chính trị (BCCT):
Trong BCCT đại hội 6 (1986): xuất hiện 1 từ “phương Tây”, 43 từ “quốc tế”, 9 từ “phản động”, trong đó có 4 từ “phản động quốc tế”
Trong BCCT đại hội 7 (1991): xuất hiện 2 từ “phương Tây, 46 từ “quốc tế”, 3 từ “phản động”, trong đó không có từ “phản động quốc tế”.
Trong BCCT đại hội 8 (1996): không còn từ “phương Tây”, 28 từ “quốc tế”, không còn từ “phản động”.
Trong BCCT đại hội 9 (2001): không có từ “phương Tây”, 34 từ “quốc tế”, không có từ “phản động”
Trong BCCT đại hội 10 (2006): 38 từ “quốc tế”
Trong BCCT đại hội 11(2011): 49 từ “quốc tế”, 2 từ “phản động” (liên quan đến đồi trụy và lối sống không lành mạnh)
Trong BCCT đại hội 12 (2016): 79 từ “quốc tế”, không nói gì về phản động, đồi trụy, và đổi thành “thiếu lành mạnh”.
Còn về văn nghệ sĩ, BCCT qua các kì đại hội cũng có các “chỉ đạo” tương ứng như sau:
Đại hội 6: “Kết hợp giữa cơ quan nhà nước với các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật và các đoàn thể quần chúng khác, theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể văn nghệ sĩ, liên hệ với quần chúng lao động.”
Đại hội 7: “Sau Đại hội VI, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ra nghị quyết về văn hóa, văn nghệ, chỉ rõ những định hướng và chủ trương thúc đẩy quá trình đổi mới văn hóa, văn nghệ, khuyến khích anh chị em văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư từ trái sang) trò chuyện với đạo diễn Trần Văn Thủy(thứ ba từ trái sang) và các văn nghệ sĩ vào ngày 7-10-1987 – Ảnh tư liệu, nguồn từ trang này
“Hoạt động văn hóa, văn nghệ có thêm sức sống, phong phú hơn về nội dung, đưa dạng hơn về hình thức, thể loại và phương thức hoạt động. Đội ngũ văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ có nhiều cố gắng đóng góp vào sự nghiệp đổi mới. Trong sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, dân chủ được phát huy, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo.”
Đại hội 8: “Bảo đảm dân chủ, tự do cho mọi sự sáng tạo và hoạt động văn hóa, vun đắp các tài năng, đồng thời đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước công chúng, dân tộc và thời đại.”
Đại hội 9: “Văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, trước Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng giáo dục, xây dựng con người.”
Đại hội 10: “Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ.”
Đại hội 12: “tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.”
(Văn phong của BCCT vẫn thường tỉnh lược chủ ngữ, có thể lí giải là mọi chủ thể liên quan, cả hệ thống, tất cả, bao gồm tự thân văn nghệ sĩ, đều phải làm chủ ngữ.)
Lưu ý: Mọi nguồn đều trích dẫn từ mục Văn kiện Đại hội của trang điện tử của Đảng ta
Nguồn Soi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét