Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Chấm phá về bệnh tâm thần trong xã hội





.

Ở trời Âu, dân tình cũng còn từ chối không nhìn nhận bệnh tâm thần, cái kiểu của đối thoại

– Bác sĩ, tôi không mắc bệnh điên mà!

– Đúng thế, nhưng tôi sẽ chữa lành cho bạn.

.

Rời chuyện cụ thể hàng ngày, một nghiên cứu dịch tể về bệnh tâm thần của Châu Âu gần đây (European Study on Epidemiology of Mental Disorders, 2013) cho biết là hơn 10% dân tình có ít nhất là một lần trong đời mắc bệnh tâm thần – nếu kể luôn cả những vấn đề sa sút trí tuệ của người cao tuổi thì con số này sẽ lên tới 20%- . Nhiều người bệnh tâm thần hoàn toàn mù tịt về tình trạng sức khỏe của họ. Một số khác cố tình dấu diếm vì sợ người chung quanh ruồng bỏ, …Ở Việt Nam, theo vài nguồn tin, bệnh nhân tâm thần chưa được săn sóc đầy đủ.

.

Những bệnh tâm thần ?

Một cách chung chung và rất là sơ lược, ta có thể chia những bệnh tâm thần ra theo bốn hay năm loại

– ở đây xin đừng đọc Wikipedia – Wikipedia còn dựa trên DSM IV – Bài này trình bày theo DSM V và các giáo trình về Psychiatrie (Tâm thần học) ở ĐH Liège –

1. Tất cả những loại nghiện (rượu, ma túy, thuốc kích thích). Những người nghiện là những người không thể sống thiếu các chất ấy. Các chất nghiện gây những tàn phá cơ thể và tâm lý nhưng người nghiện không có khả năng từ bỏ chúng. Ta dịch là «Rối loạn sử dụng chất».

2. Những bệnh về tính khí bất thường không thăng bằng được mà ta gọi là rối loạn tâm trạng – lúc nào cũng lo sợ căng thẳng, mệt mõi mà không có nguyên nhân sinh học, trầm cảm, khó ở, …

3. Những rối loạn về cảm nhận: bị ám ảnh cưỡng chế, hoảng sợ trước mọi tình huống, lo lắng, bất ổn, sợ chốn đông người, sợ những vật lặt vặt không đáng như con nhện, sông nước, tàu bè,… Bệnh tâm thần phân liệt thuộc vào hạng này.

4. Những rối loạn trong hành vi và nhân cách – tự hỏi mình là ai: không thương mình, không bằng lòng với cơ thể, không ăn, ăn nhiều, khó ngủ, ngủ nhiều, tự gây thương tích…

5. Những rối loạn nhân cách trong liên hệ xã hội: nghi ngờ, yêu mình quá độ, phản xã hội, không tôn trọng người khác hay luật lệ xã hội, …

Và cuối cùng phải nói là có những bệnh mang nhiều khía cạnh của hai hay nhiều loại vừa kể trên. Tự tử cũng được xem như một bệnh tâm thần, thuộc loại 2,3,4.

.

Vai trò của xã hội trong cấu thành của một số bệnh tâm thần

Qua danh sách những bệnh tâm thần kể trên, không thể im lặng về vai trò của xã hội.

Thật vậy, rất nhiều trường hợp một người thành nghiện rượu là do hoàn cảnh đưa đẩy. Một người nghiện ma túy vì môi trường lôi cuốn. Có người khác rơi vào trầm cảm vì thất nghiệp hay vì mang tang bạn đời. Nhiều thiếu nữ, mất tự tin, theo những phương thức khốc liệt để giảm cân vì áp lực của bạn bè hay của người yêu, …

Durkheim là nhà xã hội học tiên phong giải thích sự tự tử bằng những thiếu cấu trúc của xã hội từ đầu thế kỷ thứ XX.

Sau Durkheim và nhất là trong hai thập niên vừa qua, với những tiến bộ của khoa tâm thần học và nhất là những nghiên cứu về phạm tội học, nhiều tác giả nêu lên đđược liên hệ giữa bạo lực và bệnh tâm thần. Ở nhiều nước Âu Mỹ, 50% trong số những phạm nhân tội giết người là những người mang bệnh tâm thần (1).



.

Xã hội cũng có thể gây ảnh hưởng lâu dài trên tâm thần. Wootton và đồng sự thiết lập sự liên hệ hổ tương giữa những người mang bệnh phản xã hội (họ vi phạm luật lệ APD Antisocial Personality Disorder) với những yếu kém trong phương thức giáo dục của gia đình họ trước đó.

Những yếu kém như

. không để ý nhiều đến trẻ

. ít cách dạy tích cực

. không chăm chú theo dỏi trẻ

. không có sự liên tục thống nhất trong cách phạt làm cho trẻ mất phương hướng – loại kỷ luật tùy hứng của cha mẹ.

. dùng những hình phạt thể xác (2)


.



Sự nghèo khó cũng có thể là nguồn gốc của bệnh tâm thần. Sicot nghiên cứu những người vô gia cư ở Paris, Pháp và đại đa số họ mang bệnh tâm thần. Gần 100% trong số họ nghiện rượu chẳng hạn. Còn các bệnh như là trầm cảm, lo sợ, mất khả năng tự yêu mình, … thì rất là phổ biến (3).

.

Đó là chưa nói đến những bệnh tâm thần sau các biến động lớn, trauma hay chấn thương. Các chấn thương thường để lại cho các nạn nhân nhiều vết khó lành. Nạn nhân của chiến tranh, của những thiên tai hay thường nhật hơn, của những tai nạn nghề nghiệp hay tai nạn giao thông thường phải được theo dõi về tâm thần sau biến cố (4).

Sau cùng, có thể kể đến quyển sách của Ehrenberg và Lowell. Hai tác giả này nhấn mạnh trên sự tiến triển về số lượng người mắc bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần không còn là một chuyện của cá nhân, một vấn đề riêng tư cần giấu kín hay một hổ thẹn, Bệnh tâm thần thành một vấn đề xã hội chính trị và văn hóa. An bình xã hội và giá trị sống của mỗi người tùy thuộc vào sức khoẻ tâm thần của các tất cả thành viên trong xã hội. Bệnh tâm thần là nguyên do thường được nêu ra nhất khi các công nhân viên xin nghỉ việc vì bệnh (5).



.

Xã hội học về bệnh tâm thần ?

Vấn đề tâm thần quan trọng như thế làm cho nhiều xã hội học gia đi vào nghiên cứu.

Bệnh tâm thần, một loại bệnh vừa sinh lý vừa xã hội. Khởi thủy, xã hội chỉ biết đến bệnh điên: người điên là người bị xem như là bị ma quỷ bắt, là người bị trời phạt. Người điên có những phản ứng không ngờ trước được nên xã hội nhốt riêng họ, cách ly với người khác để họ không làm hại cho xã hội.

Goffman khởi đầu, rồi Foucault sau đó, tố cáo xã hội gây áp lực trên người bị bệnh tâm thần và không lo chữa trị họ. Xã hội chỉ lo phòng vệ, bảo vệ trật tự mà xã hội cần có nên nhà thương điên giống nhà tù hơn bệnh viện.

Những nhà văn hóa học thì định nghĩa bệnh tâm thần như tổng thể các hiện tượng gây ra bởi xã hội mà thí dụ cụ thể điển hình là một cán bộ tư sở cao cấp, rủi bị sa thải mất việc, ông giết chết vợ mình và giết cả con chó thân thiết rồi sau cùng, quẩn trí, ông tự tử.

Nhưng tất cả những người trong cùng một hoàn cảnh xã hội không hành xữ giống nhau

Chính vì thể ta có thể định nghĩa, một cách vừa y khoa vừa xã hội học rằng bệnh tâm thần là những cái không bình thường trong sức khỏe và tâm lý có thể làm cho người bệnh hành xữ kém hay mất nhân bản với chính họ và với người khác.

Một cách ví von, ta có thể nói bệnh tâm thần là bệnh với chính bản thể và với tha nhân. Cũng có thể nói, theo trào lưu hiện thời, rằng bệnh tâm thần là bệnh làm cho người bệnh không còn tự do quyết định đời sống của mình, không còn khả năng nhận thức và sống tự lập.

Nhưng định nghĩa thế nào đi nữa thì cũng phải nhìn nhận là xã hội hiện thời, với cấu trúc và các sinh hoạt của nó, là nguồn gốc làm nẩy sinh ra nhiều bệnh tâm thần.

Xã hội là cấu thành của bệnh tâm thần. Và đồng thời «dĩ độc trị độc», xã hội cũng là một trong những phương thức trị bệnh tâm thần – sociothérapie – Cũng là theo một tiến trình hợp lý. Chữa bệnh tâm thần phải vừa là những phương thức Y, Dược vừa là những kỷ thuật tâm lý xã hội.

.

Lời chót ?

Trên thế gian, ta có ít nhất một người vừa điên vừa uống rượu – nghiện rượu cũng là một bệnh tâm thần – vừa tự biết mình «lăng nhăng», “lí nhí” và “lem nhem”. Người đó là Bùi Giáng:

Uống và say nói lăng nhăng

Miệng mồm lí nhí thằn lằn đứt đuôi

Tâm can chân thể chôn vùi

Mặt trời không mọc với người lem nhem

Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm

Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ

(Bùi Giáng, Người điên uống rượu) – Dĩ nhiên Bùi Giáng không điên, lúc sáng tác bài này.

.

Nguyễn Huỳnh Mai

—–


(1). Hodgins S. (ed.), Mental disorder and crime. NXB Sage Publications, 1993.

(2). Wootton, J. M. & al. , Ineffective parenting and childhood conduct problems: the moderating role of callous-unemotional traits. Journal of Consulting and Clinical Psychology (1997), 65, 292–300.

(3) Sicot F., Maladie mentale et pauvreté. NXB l’Harmattan, 2001.

(4) Shalev A. Y. & al., Prospective Study of Posttraumatic Stress Disorder and Depression Following Trauma. Am J Psychiatry 1998;155:630-637.


(5) Ehrenberg A. và Lovell A., La Maladie mentale 
en mutation
. Psychiatrie et société. NXB Odile Jacob, 2001.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét